Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

VI. PHẢN QUANG TỰ KỶ

21/05/201311:57(Xem: 5654)
VI. PHẢN QUANG TỰ KỶ

HÉ MỞ CỬA GIẢI THOÁT

Thiền Sư Thích Thanh Từ

--- o0o ---

VI

PHẢN QUANG TỰ KỶ

Thuở xưa, khi Sư Tổ Trúc Lâm là ngài Ðiều Ngự Giác Hoàng được đệ tử là ngài Pháp Loa hỏi: “Thế nào là yếu chỉ thiền tông?” Ngài đáp: “Phản quang tự kỷ bổn phận sự”. Ðây là câu cốt tủy của nhà thiền. Chúng tôi sẽ giải thích câu trên để quý vị thấy rõ cái gốc tinh thần thiền tông cũng như tình thần của người tu Phật. Tất cả chúng ta ai tu hành cũng mong muốn giác ngộ và thành Phật, không ai nghĩ rằng chúng ta tu để đời sau sinh ra được phước thọ hưởng giàu sang sung sướng, vì tu là cốt để giác ngộ giải thoát sanh tử. Muốn biết như vậy điều căn bản là phải: “Phản quang tự kỷ” tức là phải xoay lại xem xét chính mình, xem xét bằng cách nào? Chúng tôi sẽ tuần tự giải thích từ cạn đến sâu cho quý vị nhận rõ.

Thường các tu sĩ cũng như cư sĩ tại gia mắc phải bệnh nhìn ngoài. Thấy người nhiều hơn thấy mình, người tốt xấu hay dở chúng ta đều thấy. Còn chúng ta tốt xấu hay dở thì ít khi tự thấy. Do vậy chúng ta hay phê phán người này, người kia rồi sanh ra bao nhiêu chuyện phiền toái, buồn giận, thương ghét... đó là điều cạn cợt nông nổi. Ðến cái lỗi thứ hai của đa số người tu là chỉ hướng ra ngoài để cầu mong sự giúp đỡ của Phật, Bồ Tát, hay chư Thiên Thần hộ pháp, mà ít khi xoay lại nhìn thẳng nơi mình. Cho nên lâu ngày thành thói quen chỉ trông cậy bên ngoài mà không tự giác tự tỉnh.

Ðến cái lầm thứ ba, có những người tu mà không nhận định được ý nghĩa kinh điển. Tuy đọc kinh điển mà chúng ta một bề hiểu theo nghĩa bóng bẩy bằng hình ảnh của Phật, Bồ Tát bên ngoài. Chúng ta, không ngờ những ý nghĩa đó tượng trưng ngay bản thân và ngay tâm thể của chúng ta. Vì vậy, chúng ta hiểu lầm ý nghĩa thâm trầm của kinh điển đại thừa nên sanh ra những trường hợp thần thoại huyền bí.

Vì ba cái lầm nêu trên, chúng tôi sẽ giảng thứ tự việc chủ yếu xoay lại xem xét chính mình như thế nào.

Về phần xoay lại mình, đừng nhìn nơi kẻ khác là căn bản của người sơ tu tập, chúng tôi kể lại câu chuyện sau đây: Ngài Thần Hội khi còn là một chú Sa Di mới 14 tuổi, đến với Lục Tổ, Lục Tổ hỏi “Thiện tri thức từ phương xa đến vậy có biết có chủ chăng?” Ngài Thần Hội trả lời “Vô trụ là chủ” Tổ quở “Ông là Sa Di đâu nên nói như vậy”. Ngài Thần Hội liền hỏi Tổ: “Hòa thượng có thấy hay không thấy?” Lục Tổ cầm gậy đập cho ba gậy rồi hỏi lại: “Ta đánh ông đau hay không đau?”. Ngài Thần Hội nói: “Cũng đau cũng không đau”. Lục Tổ nói: Ta thấy cũng không thấy, và Tổ nói thêm: nếu ta đánh ông mà ông đau thì cũng như kẻ thế gian, sanh tâm sân hận; nếu ông không đau thì ông đồng với cây cỏ vô tri vô giác, đó là chỗ ông chưa thấy chưa biết đạo mà có tâm ngạo nghễ không quý kính bậc thiện tri thức, đối với ta hỏi thấy cũng không thấy. Ngài Thần Hội liền thưa: Thế nào là Hòa Thượng thấy cũng không thấy. Tổ đáp: Ta thấy là tự thấy tâm mình, thấy được lỗi của mình, còn không thấy là không thấy lỗi của kẻ khác. Qua câu chuyện trên chúng ta thấy chính Lục Tổ khi dạy đệ tử buổi ban đầu, Ngài bảo phải thấy, phải không thấy. Thấy là thấy những hành vi xấu xa của mình những điều nào sơ sót không hay, chúng ta phải thấy cho thật rõ để sửa đổi lại, đó mới là tu. Không thấy là thấy lỗi lầm của kẻ khác. Hiện nay người tu trái lại, không thấy lỗi lầm của mình mà thấy rõ lỗi lầm của huynh đệ khác, nên mắc phải hai điều lỗi. Ðiều thứ nhất khi thấy lỗi người và biết người dỡ hơn mình, nên chúng ta sanh tâm ngã mạn, tự cao. Như vậy, hai bệnh lớn của người tu: khinh người và tự cao, Gốc là do thấy lỗi người mà không thấy lỗi mình. Nếu chúng ta mà một bề khinh người và ngã mạn thì tu đến bao giờ thành Phật? Ðó là cái lỗi lớn nhất trong nhà đạo. Cho nên Tổ đã dạy điều hay nhất cho người mới tu tập “thấy lỗi mình mà đừng thấy lỗi người”. Nếu chúng ta ứng dụng được lời dạy nầy thì hằng ngày biết chỉnh lại những hành vi, tác động và tâm niệm của chính chúng ta, tác động và tâm niệm dở của chính chúng ta. Nếu không chúng ta sẽ khó mà tiến bộ. Người biết tiến bộ là người thấy được mình, nếu không thấy thì những điều dơ không bao giờ dứt hết được. Ðó là điều căn bản cho người tu tại gia cũng như xuất gia. Chính Lục Tổ trong một bài kệ cũng nói: “Nếu thấy lỗi người thì lỗi mình đã đến dưới chân rồi”. Tại sao vậy? Bởi thấy lỗi chúng ta sinh bực tức và khinh mạn nên thành có lỗi.

Như vậy sẽ có một ít người hoang mang, vì những người có trách nhiệm lãnh dạy đàn em mà không có quyền thấy lỗi người thì làm sao sửa dạy chúng được. Vô tình những người có trách nhiệm trở thành tiêu cực và ích kỷ chỉ lo cho mình, còn người hay dở cũng mặc. Nhưng quý vị nên hiểu rõ, thấy lỗi mình không thấy lỗi người là thuốc trị bệnh chớ không phải là chơn lý muôn đời. Với người đang tu không có trách nhiệm, mình lợi tha phải xây dựng và giúp đỡ kẻ khác, thì phải có tâm hồn rộng rãi hơn. Phải chấp nhận cái dở của mình để lợi cho người. Như vậy người có trách nhiệm phải chịu khó nhìn xét nhắc nhở đàn em vì tình thương, chớ không phải sự thù hiềm, ghét bỏ, có ý quở phạt hay làm khó dễ, đó là gốc của sự tu hành.

Nói tóm lại, tất cả chúng ta đều phải nhìn lại mình mới có thể tiến tu dễ dàng, vì thấy lỗi người sẽ sinh ra nhiều việc thị phi. Nếu cứ nói cái phải cái quấy của người thì cả ngày sống với thị phi. Thấy sai sót của người mà không thấy lỗi lầm của mình, sẽ bị thiệt thòi trong sự tu hành và trong cuộc sống. Chỉ nhìn lại mình, không quan tâm việc hay dở của người, mới nhìn qua thấy là tiêu cực, nhưng sự thực đó là căn bản tốt lành cho chính mình. Không thấy lỗi người để dẹp bỏ chuyện thị phi thật khó khăn chứ không phải dễ. Thế nên người xưa đã nói:

Ðiểm thiếc hóa thành kim ngọc dị

Khuyến nhơn trừ khước thị phi nan.

Dịch nghĩa:

Chỉ sắt biến thành vàng ngọc dễ

Khó khuyên người dẹp bỏ thị phi

(Khuyên người dẹp bỏ thị phi còn khó hơn thuật chỉ sắt thành vàng ngọc).

Hay nói thị phi hay bàn phải quấy việc người là bệnh nặng của chúng sanh nhất là bên phái nữ, mắc vào bệnh ấy thì không lợi cho bản thân mình và cho ngiều người khác. Cho nên Lục Tổ đã dạy căn bản tu hành này cho một ông Sa Di mới đến lần đầu, Tổ thấy là người tương lai có thể làm lợi ích chúng sanh.

Ðến phần khó hơn tức là vượt lên trên một chút nữa, nên thấy lại chính mình bằng cách “Phản quang tự kỷ”. Chúng ta tu là phải xoay vô mình chớ không nên xoay ra ngoài. Vì sao xoay lại mình? Vì nghĩa tu ở đây là tự mình phải dẹp bỏ tất cả những điên đảo vọng tưởng của muôn đời. Các điên đảo vọng tưởng ấy chúng ta đã lầm mê muội dưỡng chúng trở thành khó trừ khó dẹp. Nếu chúng ta lơi lỏng không chịu ngó lại, nhìn thẳng vào các điên đảo vọng tưởng thì sẽ có khả năng lôi cuốn chúng ta đi mãi trong vòng sanh tử. Cho nên chúng ta tu hành là phải xoay lại nhìn thẳng vào các vọng tưởng, trông chừng từng phút từng giây không gián đoạn. Vì vậy trong nhà thiền dùng hình ảnh chăn trâu là một hình ảnh rất thiết yếu. Chú chăn trâu muốn cho trâu không phá phách lúa mạ cây cối của người chú ấy phải làm sao? Tay cầm roi tay nắm vàm, chú giữ không cho con trâu của mình chạy vào lúa mạ của người, khi nào con trâu thuần thục chừng ấy người chăn trâu mới thảnh thơi.

Cũng như vậy chúng ta hiện giờ nghe kinh Phật hay lời chư Tổ dạy: Tu hành là phải chinh phục nơi tâm của mình, và phải dẹp bỏ vọng tưởng. Nhưng từ trước đến giờ chúng ta đã nhận lầm vọng tưởng là tâm mình bởi sự nhận lầm ấy nên các vọng tưởng dẫn mình chạy ngược chạy xuôi không biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp. Bây giờ muốn lo trừ chúng, là việc rất khó khăn. Cho nên ta phải đem hết tinh thần trí não và khả năng để hàng phục chúng. Bao nhiêu kinh điển Phật dạy đều nhắm vào điểm này: Hàng phục tâm vọng tưởng. Tâm vọng tưởng là ý nghiệp, động cơ dẫn dắt chúng ta đi trong luân hồi sanh tử, ngày nào dứt được nghiệp, thì vòng sanh tử cũng theo đó mà dừng. Cũng như chiếc xe mà nhiên liệu xăng hết thì máy có chạy được hay không? nhưng nghiệp từ đâu mà có? Nghiệp là từ thân khẩu ý mà tạo nên: Thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Trong ba nghiệp này ý là chủ động. Bởi ý nghĩ nên miệng mới nói, thân mới làm. Nếu ý không nghĩ, miệng không nói thì thân cũng không làm. Muốn dừng nghiệp thì chúng ta phải dừng ngay cái gốc của nó tức là phải dừng nơi ý muốn. Chúng ta không thể nhìn ra ngoài trời đất cảnh vật, hay người qua kẻ lại được. Muốn dừng ý, chúng ta phải hằng phút, hằng giây nhìn lại tâm mình, xem xét tâm niệm của chính mình, để biết cái nào hay cái nào dỡ và cần nhứt là “buông” hết. Ðưa tất cả tâm niệm vào lô đất “vô sanh”, một tâm niệm mới sinh khởi thì liền “độ” cho nó đến chỗ vô sanh. Như trong kinh Kim Cang nói “Tất cả tâm niệm nơi mình dấy lên, mình liền đưa chúng vào vô dư Niết bàn”. Một chúng sanh vừa dấy lên, vừa hiện ra, đều độ nó vào vô dư Niết bàn là chỗ không còn hình tướng không còn thân, sắc, không còn sinh diệt. Ðó là yếu điểm để chúng ta chăn giữ tâm niệm của mình.

Người hằng chăn giữ tâm niệm như vậy thì đâu có thì giờ rảnh rỗi mà nhìn cái hay cái dở của người. Nếu chỉ nhớ cái hay cái dở của người, chúng ta đâu còn thì giờ để chăn giữ tâm niệm của mình. Ðó là chỗ thiết yếu của sự tu hành cho nên chúng ta phải một bề nhìn lại từng tâm niệm sinh diệt của chính mình, thì khả dĩ chúng ta mới dừng được ngiệp. Nhơn dừng được nghiệp chúng ta mới thoát được vòng sinh tử luân hồi.

Ðức Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn, thấy được tâm bệnh của chúng sanh, nên Ngài mới dạy chúng ta nhiều phương tiện dừng nghiệp nơi ý.

Nhưng phương tiện để dừng ý nghiệp như thế nào? Trước nhất là pháp môn niệm Phật. Chúng ta niệm Phật để làm gì? Niệm danh hiệu đức Phật A Di Ðà, để được chấm điểm phải không? niệm nhiều câu thì Ngài cho nhiều điểm và được rước về cõi Phật phải chăng? Hay là chính dùng câu niệm Phật để đập chết ý niệm của chúng ta, vì ý nghiệp không hình tướng, lại rong duổi đông tây. Chúng ta không kiềm nắm nó được, nên chúng ta dùng câu niệm Phật làm cái chày sắt đập chết ý nghiệp. Chúng tôi nói rộng về pháp môn niệm Phật thì phải niệm cách nào để dừng ý nghiệp được dễ dàng? Niệm to hay niệm thầm, niệm từ một tới mười rồi mới bỏ? Chúng tôi không chủ trương niệm to hay thầm hay niệm mười rồi bỏ, mà chúng tôi chỉ muốn quý vị niệm một cách có hiệu nghiệm nhứt là niệm Phật bằng cách miệng niệm lỗ tai ntghe, niệm to cũng nghe, niệm to khi nào tâm loạn nhiều, con niệm thầm khi nào tâm yên tĩnh, chính tai nghe là chủ ý vào tâm niệm của mình: chú tâm vào câu niệm Phật tự nhiên các niệm khác đều dừng ngay. Các niệm khác dừng đó là ý nghiệp dừng, vì vậy lắng tai nghe là chủ yếu của định tâm, nhờ miệng niệm lỗ tai nghe rõ nên tâm dễ định. Tâm dễ định là ý nghiệp dừng, ý nghiệp dừng thì thân nghiệp, khẩu nghiệp theo đó dừng.

Có khi đức Phật dạy chúng ta phải dùng phương pháp, trì chú để dừng ý nghiệp, nhưng chúng ta phải trì chú như thế nào? Như nay quý vị đọc chú vãng sanh. Ðọc được bao nhiêu biến chú thì được Phật? Nếu thật sự tụng được một muôn biến được Phật rước, thì chắc trong thế gian này ai cũng làm được. Chỉ cần bỏ ra thời gian dài lắm là một năm. Nhưng tụng xong một muôn biến chắc có Phật rước hay chưa? Ðó là một điều cần phải xét lại cho nên chúng ta phải hiểu trì chú cũng như niệm Phật là dùng phương tiện đập chết ý ngiệp. Chúng ta trì chú là đặt lòng tin vào câu thần chú, mà câu thần chú đó chúng ta không hiểu nghĩa. Ví dụ như đọc “ Án Ma Ni Bát Di Hồng” mà không biết câu này ý nghĩa là gì. Vì vào thần chú nếu chúng ta đọc rõ từng câu từng câu, ngoài ra chúng ta không nhớ gì khác nên lâu ngày ý nghiệp cũng lặng theo, ý nghiệp dừng lại thì hai nghiệp thân khẩu kia cũng hết. Ðộng cơ tạo nghiệp không còn lấy đâu mà có sanh tử. Cho nên nói: Trì chú được giải thoát hết sanh tử hay được Phật rước là vậy.

Ðến vấn đề tu thiền. Người tu thiền sơ cơ thường tu theo “Lục diệu pháp môn” mà đầu tiên là dùng sổ tức quán. Tức là đếm hơi thở, người tu pháp môn này khi ngồi thiền hít vào cùng thở ra đếm một, hít vào cùng thở ra đếm hai, cho đến mười thì bỏ và đếm một trở lại. Khi đếm như vậy, chúng ta theo dõi hơi thở vô tới đâu ra tới đâu và nhớ từng số một, số hai đến mười không có quên lẫn lộn, như vậy để làm gì? Bởi chăm chỉ nhớ hơi thở vô ra tới đâu đều biết và lắng nghe từng số một tới số mười nên tâm mình không chạy đông tây, ý mình không nghĩ gì khác, tức là định tâm, tức là ý nghiệp dừng lại.

Trong ba pháp môn niệm Phật, trì chú và đếm hơi thở, quý vị thấy pháp môn nào linh hơn cả. Có nhiều người nghĩ rằng câu niệm Phật linh hơn; đếm hơi thở từ một đến mười không nghĩa lý gì, còn niệm danh hiệu Phật mới là cao thượng. Nhiều người khac lại nói trì chú có thần ủng hộ, trì chú mới mau trừ được nghiệp, còn ngồi đếm hơi thở từ một đến mười không có ai ủng hộ hết, những người nói như vậy có thật hiểu đức Phật hay không. Phật dạy cứu kính không có hai, chỉ vì phương tiện nên có sai khác, cứu kính đạo Phật là giải thoát, muốn giải thoát phải dừng nghiệp cho nên nói: Tọa thiền phải đến chỗ chánh định; niệm Phật trì chú phải nhất tâm, có nhất tâm mới linh thiêng, hiệu nghiệm, kiểm điểm lại, chúng ta thấy lời Phật dạy không có sai khác, đều đi đến chỗ nhất tâm và chánh định. nhất tâm tức là chánh định, nghĩa là không còn khởi một niệm nào, không còn khởi một ý nghĩa lăng xăng nào. Tóm lại tất cả phương tiện Phật dùng nghiệp đều nhắm thẳng vào nơi mình, vào việc định tâm của chính mình.

Rất tiếc sau này có một số vì muốn giản dị h óa pháp môn niệm Phật, muốn cho những người già cả dễ dàng nên dạy niệm Phật và lần chuổi. Ðêm nào lần được mười chuỗi là tốt lắm. Ðêm sau ráng lên, lần cho được hai mươi chuỗi là tốt, như vậy chỉ nhớ số chuổi lần được bao nhiêu, mà không nhớ chủ ý của việc niệm Phật là mỗi niệm mỗi niệm phải lắng nghe cho rõ để nhất tâm. Vì không hiểu chủ ý này nên quý bà tay lần chuổi mà mắt ngó trời mây, ý thì ngĩ chuyện năm trên năm dưới miệng tuy niệm Phật mà tâm không định. Cứ lần cho hết chuỗi thôi, lâu ngày thành thói quen, niệm Phật như vậy bao giờ hết nghiệp được, chúng ta cứ dễ dàng nắm vào số lượng mà quên chính căn bản của sự tu. Nếu biết căn bản của sự tu thì niệm Phật bao nhiêu cũng tốt, một chuỗi cũng tốt, cần nhất là sự chú ý lắng nghe cho rõ từng niệm một thì tâm mới tỉnh. Nếu không như vậy dù có niệm cả trăm chuổi, cũng thành niệm cho có chừng, gọi là niệm trả lễ cho Phật, lâu ngày thành bệnh là như vậy. Pháp tu không có sai, sai chăng là tại người dễ ngươi xem thường pháp tu.

Trì chú cũng vậy, không phải chúng ta đọc nhiều thần chú là linh nghiệm. Mà cốt làm sao cho tâm mình an trụ. Trong câu chú mà lắng nghe cho rõ ràng từng câu từng chữ để dễ định tâm, nên nói trì chí linh nghiệm là như vậy. Nếu trì chú để linh nghiệm rồi hòa câu chú trong nước lạnh cho người uống hết bệnh. Trì chú như vậy để cứu chúng sanh hay để rồi lạc vào đường tà vì trông vào sự linh thiêng. Bởi trông vào sự linh thiêng của câu thần chú để trị bệnh như hòa chữ “án” vào ly nước cho người bệnh uống. Nếu bệnh được hết mình tu có linh nghiệm, trị được một người, hai người rồi rất nhiều người. Chuyên lo trị bệnh, quên hết việc tu hành, mình tu hành, mình tu không được mà huynh đệ tu cũng không được: đó là cái bệnh. Ðâu biết rằng trí chú mà nghiêng về linh thiêng là lầm lẫn; nếu biết rõ trì chú để định tâm, đó là chánh đạo, đó là đúng tinh thần Phật dạy.

Hiểu rõ chủ đích của sự trì chú niệm Phật và tọa thiền, đếm hơi thở là an trụ tâm, thì cả ba pháp môn đều là một nhà, là một nhà thi đâu còn sự chê bai chỉ trích lẫn nhau. Phật dạy nhiều phương tiện là tùy theo căn cơ, sở thích của mỗi người nhưng đều đi đến cứu cánh là định tâm, rồi dứt nghiệp, vào giải thoát sanh tử.

Ba phương pháp: Niệm Phật thì lắng tai nghe rõ từng niệm một, trì chú lắng tai nghe từng câu, và đếm hơi thở ra vào không lầm lẫn là những phương tiện để dừng ý nghiệp, những phương tiện này thuộc về hình tướng.

Ðến đây chúng tôi đề cập đến cái không hình tướng, bằng cách khuyên quý vị: Mỗi một niệm dấy lên nhìn thẳng vào nó biết nó là giả dối, không theo nó thì lặng xuống, niệm khác dấy lên, cũng nhìn thẳng biết nó giả dối thì nó lặng xuống. Như vậy pháp tu này có khác mà khác, cứu kính không khác mà cách hành trì nó có khác, một niệm dấy lên, theo nó thì bị nó dẫn chạy. Biết nó giả dối, không theo thì nó dừng lại. Niệm dừng tức là lặng, mà lặng tức là định. Bao giờ chúng ta không chạy theo niệm đó là chánh định, chánh định này đồng nhất với tâm của niệm Phật và trì chú cũng đồng với chánh định của phép đếm hơi thở nhưng pháp tu này khác với ba pháp môn kia ở cách hành trì. Ba pháp môn kia dùng phương tiện để dừng ý nghiệp, cũng ví như chúng ta đi qua cầu mà vịn vào tay gượng: Mượn một câu thần chú, một danh hiệu Phật hoặc đếm hơi thở đề dẹp ý, cũng như đi qua cầu yếu chúng ta phải nương gượng, để khỏi nghiêng ngã. Còn với phép tu thiền này là “biết vọng không theo, biết bản chất vọng niệm không thật, nhìn thẳng vào nó và không theo nó. Cũng ví như đi qua cầu không tay gượng. Trong pháp tu này không có phương tiện, chỉ dùng trí mà nhìn thẳng, hành trì có khó buổi ban đầu, nhưng sau quen dần thành dễ. Chân mình cứng cát hơn, và mình trở nên dạn dĩ hơn.

Niệm Phật đến nhất tâm, cũng phải niệm cho đến chỗ vô niệm, trì chú cũng vậy. Ðếm hơi thở cũng vậy trong “lục diệu pháp môn” phần đầu là đếm hơi thở, đến cuối cùng là tịnh. Tịnh là không còn niệm nào, không còn nhơ hơi thở, không còn nhớ số, như vậy có phương tiện rồi cũng phải bỏ phương tiện. Không phải dùng phương tiện mãi rồi được cứu kính, muốn được cứu kính từ phương tiện chúng ta lần lần phải bỏ phương tiện. Còn trong pháp tu biết vọng chúng tôi không dùng phương tiện để cứu kính nên khỏi phải bỏ phương tiện. Hiểu như vậy rồi chúng ta mới thấy các lối tu tuy khác, nhưng chỗ cứu cánh không hai, không hai là không còn ý nghiệp dấy lên để tạo nghiệp. Không tạo nghiệp thì sanh tử đâu còn nên gọi là thoát ly sanh tử, nếu không tu như vậy thì không còn con đường nào dứt sanh từ được nữa.

Chúng ta tu thiền, niệm Phật, trì chú hay tụng kinh, là đều nhắm thẳng về mình xoay lại nhìn cái ý nghiệp của chính mình là chủ yếu của sự tu hành chớ không nhìn ra ngoài để được ban ân xuống phước. Nhìn lại mình đễ dễ dừng cái động cơ tạo nghiệp, gọi là phản quang tự kỷ. Ðược như vậy chúng ta khả dĩ mới tiến được, chúng ta mới thấy cái lợi ích thiết thực của sự tu hành và chúng ta mới nhận thấy những kết quả không nghi ngờ được nữa. Ngược lại nếu còn nặng phần bên ngoài thì chúng ta sẽ bị những lầm lẫn của lối tu hành chính mình.

Khi xem kinh nhất là kinh điển đại thừa các Tổ cũng thường dạy bảo phải xoay lại chính mình, như lời Tổ Bá Trượng dạy rằng Người xem kinh khán giáo mỗi mỗi đều xoay lại mình. Chơ không nên nhìn ra ngoài, là chúng ta đã lầm lẫn về lý kinh, mà lầm lẫn về lý kinh thì chúng ta làm sai lệch ý của Phật.

Có một Phật tử hỏi chúng tôi rằng người xưa nói: “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết”. Tại sao y kinh nói giải nghĩa mà oan ba đời, chư Phật? Tại sao lìa kinh một chữ tức đồng ma nói? Ðây chúng tôi sẽ giải thích cho quý vị thấy rõ ý nghĩa của kinh điển đại thừa.

Kinh là lời của Phật, trong lời của Phật có khi Ngài nói trắng ra, có khi Ngài nói ẩn dụ, tức là dùng lời nói thẳng thì chúng ta dễ nhận dễ thấy, nếu Ngài dùng lời nói ẩn dưới hình thức thí dụ thì ta có thể nhận ra, như vậy những chỗ Phật dạy ở trong ẩn dụ, nếu chúng ta giải trắng như những lời thường, đó là y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan. Thí dụ, Như trong kinh Pháp Hoa Phẩm Phổ Môn là phẩm quý vị thường tụng nhất. Trong phẩm Phổ Môn có đoạn sau đây nói rằng: Nếu có người cầu con trai niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, sanh được con trai. Người muốn cầu sinh con gái, niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát sinh được con gái. Cho đến người niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì vào lửa không bị cháy, xuống nước không bị chìm.

Như quý vị tu hành dạy các Phật tử cũng dạy như vậy, có phải không? thấy kinh Phật nói chúng ta cũng theo như vậy. Giả sử có người hỏi: Thưa quý cô tụng kinh như vậy mà cô tin kinh hay không? quý cô sẽ trả lời ra sao? Nếu tụng kinh không tin thì tụng kinh làm chi? Nếu bảo rằng: Tin, thì xin quý cô niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát cho chí thành mà vào lửa bị cháy, xuống nước bị chìm, chẳng lẽ lời Phật không phải là lời vàng ngọc, không phải là chơn lý hay sao? Rồi chúng ta mới trả lời ra làm sao?

Như hôm qua cô Phật tử đến hỏi chúng tôi: Cô được một người bạn khuyên tụng kinh Phổ Môn niệm danh hiệu Quán thế Âm Bồ Tát để cầu con trai, cô làm theo lời bạn, nhưng đến lúc sanh ra lại là con gái. Cô mới hỏi bạn: Vậy kinh có linh không? cô bạn không có lời để đáp lại. Tin và hiểu kinh Phổ Môn như vậy là thiếu thực tế.

Như vậy, chúng ta phải hiểu kinh như thế nào để không rơi vào câu “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan”. Chúng ta phải niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát như thế nào là phải giải nghĩa kinh điển đại thừa như thế nào là phải giải nghĩa kinh điển đại thừa như thế nào để không làm giảm giá trị Ðức Phật, và để chứng minh lời Phật dạy là đúng, là thiết thực. Thường trong kinh điển đại thừa, khi có nói đến các vị Bồ Tát là nói đến đặc tính tượng trưng của các vị: Như nói đến Ðức Quán Thế Âm là nói đến nhĩ căn (lỗ tai), nói đến Ngài Văn Thù Bồ Tát là nói đến nhãn căn... Chúng ta phải hiểu rõ tinh thần tượng trưng nầy. Cho nên niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát tức là nhìn lại tánh nghe của mình, chớ không chạy ra bên ngoài. Khi nhìn lại tánh nghe của mình, thây nó không tướng mạo thì làm sao lữa đốt được, làm sao nước đắm chìm được? Và khi mình sống được với tánh nghe thì mọi việc sẽ được như ý. Nên nói rằng cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái, đó là tượng trưng cho mọi việc như ý. Nhìn lại tánh nghe của mình ví như mình được hòn ngọc Ma Ni bảo châu tức là hòn ngọc như ý. Nghĩa là được toại nguyện, được như ý và được diễn tả bằng: Cầu cái gì được cái nấy. Hiểu kinh như vậy, chúng ta mơi thấy lời Phật là đúng, là chơn thật. Nếu không hiểu như vậy, chúng ta sẽ bị bế tắc và không giải quyết những việc bảo người làm mà không được kết quả mong muốn như trong kinh Phật đã dạy.

Kế đến tôi xin nói đến câu “Ly Kinh nhất tự túc đồng ma thuyết”. Giả sử có người nói với quý vị: Người nào trì kinh Pháp Hoa thì cỏ cây tươi tốt, người nào trì kinh Kim Cang thì cỏ cây héo sào, người nói như vậy quý vị có tin? Quý vị thấy rõ ràng những chỗ nói mà không có ly kinh (mà chúng ta lại tin): đó là đồng ma thuyết thật là nguy hiểm.

Người học Phật là người sáng suốt sống bằng trí tuệ chớ không phải sống bằng tình cảm dễ dãi dễ tin, nghe ai nói gì cũng tin mà chúng ta phải trắc nghiệm đúng rồi mới tin. Như vậy khi nghe nói những gì không dính dấp với kinh đó là ly kinh. Ly kinh một chữ cũng là ma nói rồi, huống n ữa là một câu. Một câu không có trong kinh, người tự ý nói, đó là ly kinh rồi. Ly kinh là sao? Là ma thuyết cho nên hiểu thật rõ rồi chúng ta khỏi lầm lẫn ở trong nhà đạo, còn không hiểu nhiều khi nghe người ta nói, đồn với nhau hay truyền miệng với nhau mà không đúng lời Phật dạy, đó là ly kinh, tức là đồng với ma thuyết.

Như vậy, tất cả kinh điển đại thừa phần nhiều mượn những hình ảnh để chỉ nơi thân tâm của chúng ta; chớ không phải chúng ta lấy những hình ảnh đó rồi một bề trông ra ngoài, hướng ra ngoài để giải, giải một lúc rồi sai lầm hết. Nếu chúng ta không nhận đúng lý kinh thì vô tình chúng ta làm giảm giá trị Ðức Phật, chúng tôi có thể tự hào rằng chúng tôi tôn trọng giáo lý đại thừa coi như tuyệt đỉnh. Bởi vì chúng tôi thấy Phật nói lý chơn thật không bao giờ sai lầm. Có sai lầm chắng là do cái hiểu lệch lạc của chúng ta, của người sau. Như vậy đối với pháp Phật tôi là người coi trọng nhất chứ không dám coi thường. Còn những vị nói là trọng Phật trọng pháp mà nói lệch lạc khiến cho giáo lý của Ðức Phật bị xuyên tạc đó là làm suy giảm ý nghĩa của Phật pháp. Cho nên chúng ta phải hiểu thấu đáo, đừng hiểu lệch lạc có hại cho chính mình và cho người khác. Quý vị thấy chỉ cần nói một chữ sai có thể đọa làm thân chồn, như câu chuyện Tổ Bá Trượng với ông già dã Hồ Tinh.

Chúng tôi nhắc laị câu chuỵên ấy để quý vị thấy tầm quan trọng của lời nói sau. Tổ Bá Trượng thường nói pháp cho toàn chúng nghe. Xong bài pháp Tổ xuống Tòa, chúng tan đi hết, chỉ có một ông già ngồi lại không đi. Tổ lấy làm lạ hỏi: Sao ông chưa lui? Ông già thưa: Con có một điều xin Hòa Thượng giải quyết dùm. Tổ hỏi: Ông là người gì? Ông già đáp: Con không phải là người thường, con là dã Hồ Tinh ở núi nầy. Ngày xưa con làm vị tỳ kheo, thời kỳ Ðức Phật Tỳ Bà Thi, có người tới hỏi con rằng: Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không? con trả lời: Không. Do câu trả lời đó làm con đọa làm dã Hồ Tinh nầy năm trăm kiếp làm chồn hoang trên núi. Chỉ vì nói trật một chữ, người tu hanh không rơi vào nhân quả (bất đọa nhơn quả), nhờ Hòa Thượng thương xót nói cho con một câu để con giải kiếp Hồ Tinh. Tổ Bá Trượng bảo: Ông hỏi lại ta đi. Ông già hỏi: Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không? Tổ đáp: Chẳng lầm nhơn quả (bất muội nhơn quả). Ông già liền chuyển thân mãn kiếp dã Hồ Tinh. Ông thưa: Con sẽ chết và thây con ở ngoài sau núi, xin Ngài tống táng con như một vị tăng.

Theo câu chữ Hán “Bất đọa” và “bất muội”, “chẳng rơi”, “chẳng lầm” khác nhau chỗ nào? Ðó là điểm thiết yếu, quý vị thấy chủ yếu của đạo Phật luôn luôn xây dựng trên lý nhơn quả; lý nhơn quả là cắn bản của đạo Phật như pháp “tứ đế” cũng nói lý nhơn quả của sinh tử luân hồi và nhơn quả của giải thoát: “tập đế” là nhơn, “khổ đế” là quả đó là trong đường sanh tử; còn “đạo đế” là nhơn mà “diệt đế” là quả trong chiều giải thoát cho đến Phật tánh là nhơn, được thành Phật, viên mãn là quả, như từ thấp đên cao, Ðức Phật đều lập giáo trên lý nhơn quả. Nếu nói “Không rơi vào nhơn quả”, là phủ nhận hệ thống, giáo lý của Ðức Phật, cho nên phải đọa làm kiếp Hồ Tinh. Còn nếu trả lời “không lầm” nhơn quả tức là thấy rõ lý nhơn quả; thấy rõ rồi thì đâu có phủ nhận. Như vậy chữ “bất muội” nhơn quả là chữ bất thấu đáo; bất muội là chẳng lầm, là thấy rõ, người đại tu hành thấy rõ lý nhơn quả, chớ không phải rơi vào nhơn quả, bởi thấy rõ nên biết không có lầm. Ðó chính là câu trả lời làm cho ông già thoát được kiếp hồ ly. Như vậy người dạy đạo lệch đi một chút tạo nghiệp không phải nhỏ cho nên chúng ta phải cẩn thận từng lời nói, chỉ dạy cho người ta phải dè dặt từng câu chớ không phải ỷ mình thông minh rồi nói ngược nói xuôi, nói điên đảo gì cũng được làm cho người khác lầm lẫn, đó la cái bệnh lớn cần phải dè dặt.

Giờ đây chúng tôi sẽ nói đến phần: Người tu hành biết nhìn các hình tượng Phật Bồ Tát, nhìn các hình tượng đó là xoay lại chính mình chớ không nên hướng ra ngoài. Chúng tôi sẽ dẫn những câu chuyện thiền như sau: Ngài Vân Nham Ðàm Thạnh hỏi một huynh đệ là ngài Ðạo Ngô Viên Trí: Ðức Quán Thế Âm có nhiều tay nhiều mắt, cái tay nào chánh? Ngài Ðạo Ngô trả lời: Như người ban đêm nằm ngủ trên giường làm rơi chiếc gối vói tay phía sau mò chiếc gối. Ngài Vân Nham nói: Tôi hiểu rồi. Ngài Ðạo Ngô hỏi: Sư đệ hiểu sao? Ngài Vân Nham đáp: Khắp thân đều có mắt. Ngài Ðạo Ngô hỏi lại: Sư huynh thì sao? Ngài Ðạo Ngô đáp: Toàn thân đều tay mắt.

Như vậy qua câu chuyện trên quý vị hiểu thế nào? Thật là khó hiểu? Tại sao Bồ Tát có tới ngàn tay ngàn mắt? Dùng làm gì nhiều quá vậy. Quý vị nghĩ dưới chân có con mắt không? Trên đầu có con mắt thì được, chứ ở dưới chân có con mắt rũi bụi bám vô thì sao, thật là khó hiểu. Quý vị thấy cả thân mình chúng ta chỉ có hai con mắt nếu cả thân này đầy mắt thì có bao nhiêu con mắt tất cả? Nhiều lắm là vài trăm con mắt là khắp thân rồi. Bồ Tát có ngàn tay ngàn con mắt thật là quá dư, như vậy để làm gì? Chúng ta cứ hiểu Bồ Tát nhiều tay nhiều mắt đó là ngài có thần thông diệu dụng bất khả tư nghì. Giải như vậy là chúng ta ngó ra ngoài tận bên trời đông trời tây rồi. Nếu bây giờ chúng tôi hỏi quý vị có bao nhiêu tay bao nhiêu mắt, chắc là ai cũng đáp có hai tay hai mắt, nếu tôi bảo quý vị khắp thân đều có tay mắt, quý vị có nhận không?

Câu chuyện ban đêm nằm ngủ vói tay lại sau mò chiếc gối ý nghĩa như thế nào? Trời tối mắt nhắm, tay của mình vói lại phía sau biết chiếc gối nằm chỗ nào để sửa lại cho ngay thẳng, như vậy cái tay có con mắt không mà thấy mà biết? Con mắt đây không phải là con mắt có tròng và con ngươi mà con mắt đây là tri giác nơi thân mình chỗ nào cũng có trí giác? Như vậy ngàn tay ngàn mắt là chỉ cho tất cả nơi nào tâm thể cũng trùm khắp, vì nơi nào mà không tri giác? Chính tâm thể mình trùm khắp nơi cho nên tượng trưng bằng ngàn tay ngàn mắt. Chúng ta không hiểu chổ tượng trưng này nên cho rằng ngàn tay ngàn mắt là nhiệm mầu. Ðâu biết rằng tất cả trên thân, nơi chỗ nào mà không có tay, nơi nào không có mắt.

Chúng tôi xin nhắc lại câu chuyện vua Trang Tôn đời Ðường, vua đi dẹp giặc về, tới chỗ hành cung dừng lại. Vua cho mời Thiền Sư Hưng Hòa Tôn Tương (dòng Lâm Tế) đến để hỏi: Trẩm dẹp giặc Trung Nguyên được một hòn ngọc quý mà chưa ai trả giá, nhờ khanh trả giá. Ngài Hưng Hòa hỏi: Xin bệ hạ cho xem, nhà vua bèn vuốt từ trên đầu đến dưới chân. Ngài Hưng Hòa nói: Hòn ngọc của đấng quân vương ai dám trả giá? Nhà vua khen và tặng cho thiền sư v.v... Như vậy quý vị nghĩ thế nào với câu chuyện trên? Hòn ngọc của đấng quân vương ai mà dám trả giá, trả giá tức là so sánh phân biệt. Muốn được hòn ngọc mà dấy niệm phân biệt so sánh là mất hòn ngọc rồi, mà hòn ngọc ở chỗ nào? Ở khắp từ trên đầu đến dưới chân. Có chỗ nói là tay mắt, mà người đời không hiểu khi nói là tay mắt; khi nói là hòn ngọc thì đinh ninh là hòn ngọc không ngờ là ẩn dụ, dùng những hình ảnh để dụ cho một cái gì ở bên trong. Nếu chúng ta không hiểu, giải thích theo thông thường có phải làm oan cho chư Phật, chư Tổ hay không? Ðó là điều hết sức hệ trọng, để hiểu rõ, để hiểu rõ ý nghĩa Phật pháp. Chúng ta không nên dùng hình ảnh rồi tìm kiếm ở bên ngoài mà phải xoay lại chính mình để nhận nơi mình có cái chân thân bất sanh bất diệt, giá trị như hòn ngọc ma Ni khi nhận ra hột châu như ý thì tất cả những gì chúng ta mong muốn đều được toại nguyện.

Ðến một trường hợp, một thiền khách hỏi thiền sư Thạch Cựu rằng: Ðức Ðịa Tạng Bồ Tát trên tay có cầm hòn ngọc, hòn ngọc đó có ý nghĩa gì? Ngài Thạch Cựu hỏi lại: Ông có hòn ngọc không? giả sẻ câu hỏi đó đặt ra để hỏi quý vị sẽ trả lời làm sao? Có hay không? chúng ta đâu có nắm hòn ngọc trong tay mà dám thưa là có, cho nên thiền khách: Dạ con không có, Ngài Thạch Cựu liền bảo: Ðừng nói dối, và ngài liền nói một bài kệ:

Bất thức tự gia bảo

Tùy than nhân ngoại trần

Nhật trung đáo ảnh chất

Cảnh lý thất đầu nhân

Dịch:

Không biết của báu trong nhà mình

Theo bên ngoài mà nhận trần cảnh (ở bên ngoài)

Giữa trưa chạy trốn bóng

Trong gương người xem gương mất đầu.

Qua bài kệ trên vị thiền sư nói gì? Hòn ngọc trong tay Ðức Ðịa Tạng là hòn ngọc của ai? Rõ ràng hòn ngọc đó tượng trưng cho mọi người chúng ta đều có hạt như ý bảo châu nằm sẵn trong tay. Vì vậy ngài Vĩnh Gia Huyền có nói: “Ma Ni châu nhân bất thức, Như Lai Tàng lý thân châu đắc”.

Nghĩa là : Hòn ngọc Ma Ni mà con người không biết muốn lấy hòn ngọc ấy lấy ở đâu? Trong cái kho Như Lai chính mình lấy được, kho Như Lai gọi là Như Lai Tàng. Hai câu thơ của ngài Vĩnh Gia làm sáng tỏ bài kệ trên. Mọi người chúng ta đều có hòn ngọc Ma Ni bảo châu, chúng ta không biết làm sao lấy được. Muốn lấy hạt châu ấy, chúng ta phải thò tay vào kho Như Lai mà lấy nó ra. Người thế gian mê lầm gọi kho Như Lai là tàng thức tức là thức thứ tám, tàng là kho, thức là chứa, chứa đầy những hạt giống lành dữ v.v... Những hạt giống ấy là những vọng niệm chứa chấp trong tâm thức của chúng ta. Thí dụ: Ban sáng trên đường đi, bất thần chúng tôi trông thấy một chú ăn xin bệnh hoạn đang trườn mình dưới đất, kêu gọi lòng nhân của ông bà cô bác xin chén cơm ăn để sống qua ngày. Trước khi tôi thấy người ăn xin, hình ảnh đó chưa có chứa ở trong thức tôi, sau khi thấy người ấy, hình bóng đó cứ một chập hiện ra, như vậy hình bóng từ đó từ đâu mà có? Tức là từ cảnh bên ngoài, do mắt thấy tai nghe, hột giống rơi vào tàng thức được chứa lại, lúc nào rảnh rỗi nó lại hiện ra. Hình bóng đó không tự có, do sáu căn tiếp xúc với sáu trần rồi bóng dáng ngoại cảnh đó rơi trong tâm thức của chúng ta là nó sẽ phát hiện khi nào chúng ta rãnh rỗi. Cái “kho” ấy chứa những hình ảnh từ ngày mình còn bé cho đến bây giờ. Cho nên khi ngồi lại, hình ảnh này hiện ra rồi hình ảnh kia hiện ra, hiện hoài không dứt. Ðuổi hình ảnh này, hình ảnh kia lại hiện đến, liên miên không dừng, vì kho chứa của chúng ta quá tràn đầy mà ngay bây giờ chúng ta vẫn còn tiếp tục chứa thêm. Ðem những hình bóng vào kho mãi, nên khi ngồi lại loạn tưởng dấy lên không bao giờ yên được.

Những hình ảnh đó đã được dồn chứa trong tàng thức, mà có chứa là có phát hiện. Cho nên duy thức học gọi có chủng tử thì khởi hiện hạnh, có hột giống rơi vào, khi gặp mưa móc thì đâm mầm nẩy tược và xuất hiện. Hiện hạnh là những hình bóng dấy lên khi chúng ta ngồi yên, hay đang làm một việc gì, những hình bóng đó nguyên không thực có nơi mình, do ngoại cảnh gieo rắc vào, từ ngoài cũng không gieo được nữa, mà do các căn hợp với các thức phân biệt ngoài cảnh rồi đem chứa đầy kho. Kho chứa các phân biệt đó gọi là tàng thức. Những chủng tử đó dấy lên, chúng ta loại bỏ, loại cho thật sạch, đến không còn gì hết, cái kho ấy biến thành Như Lai tàng hay là kho Như Lai. Như Lai là bất sanh bất diệt, còn thức là sanh diệt. Trong kinh Lăng Già nói thức là sanh diệt. Nói Như Lai hay trí là bất sanh bất diệt, còn chủng tử là còn nhơn của sanh diệt, là còn nghiệp. Nó dẫn dắt đi trong luân hồi, nếu các chủng tử được loại ra hết thì không còn nhân để tạo nghiệp thì không còn luân hồi. Cái khó đó được loại ra hết các chủng tử thì trở thành kho Như Lai. Chuyển thức thành trí, từ cái kho tàng thức chuyển thành kho Như Lai, hay là đại viên cảnh trí. Chúng ta tu hành là cốt ở chốt điểm then chốt này, muốn được hạt châu như ý (Ma Ni) phải ngay trong cai kho đó mà lượm, loại bỏ được cỏ rác ra rồi thì hạt châu hiện ra.

Như vậy hình ảnh địa Tạng và hình ảnh hạt châu là chỉ những gì? Ðó là Như Lai tàng, chứa hạt châu MaNi. Ðịa Tạng: Ðịa là đất; tàng là kho chứa; cái kho chứa hạt châu. Ðức Ðịa Tạng có chỉ cho ai ở ngoài mình không? Tức là Như Lai của mình chứa hạt châu Ma Ni. Ai ai cũng đều có mà tại sao vị thiền khách trả lời với ngài Thạch Cựu là không có? Vì nói không có nên ngài Thạch Cựu bảo ông nói dối, có hạt châu mà không biết, lại nói là không, thành ra nói dối. Hình ảnh Bồ Tát tượng trưng đều nhắm vào chúng ta, mà chúng ta nào cóbiết cho nên hai câu sâu trong bài kệ trên có nói:

1. Nhất trung đào ảnh chất: Giữa trời nắng chạy trốn bóng, bao giờ cho hết bóng, chỉ cần mình biết là bóng, biết thật là bóng thì khỏi cần phải trốn.

2. Cảnh lý thất đầu nhơn: Xem gương mất đầu. Trong kinh Lăng Nghiêm có nói đến gã Diễn Nhã Ðạt Ða, bởi vì tất cả chúng ta là những người điên như chàng Diễn Nhã Ðạt Ða. Chàng ta sáng dậy lấy gương rasoi, soi thấy đầu của mình mặt mình trong đó rõ ràng quá, kế úp gương lại thấy mất đầu mặt. Anh hoảng sợ chạy la lên “tôi mất đầu rồi”, và anh điên lên. Thật là đáng thương khi chúng ta nhìn chàng Diễn Nhã Ðạt Ða ôm đầu chạy la mất đầu. Cũng như vậy, vì thiền khách khi được hỏi: Người có không, liền đáp không.

Chúng ta vì quen thấy bóng rồi, chấp bóng mà quên cái thật, cái bóng là cái gì? Là “lạc tạ ảnh tử”. Những hạt giống gieo rắc trong tàng thức của chúng ta. Những hạt giống dấy lên. Chúng ta chấp các hạt giống ấy, các hình bóng ấy cho là tâm của chúng ta. Tâm tôi phân biệt việc này, tâm tôi suy nghĩ việc kia, tâm tôi hiểu biết việc nọ. Suy nghĩ phân biệt hiểu biết đều là do bóng dáng ở ngoài rơi vào và chấp đó làm tâm mình. Khi nào bóng lặng xuống vội hoảng hốt bảo: mình mất tâm rồi! Khi nói mất tâm rồi thì có khác nào anh chàng Diễn Nhã Ðạt Ða chạy ôm đầu kêu tôi mất đầu rồi. Bóng lặng thì cái thật hiện ra, cũng như khi úp gương lại không thấy bóng, cái đầu đâu có mất, cũng như vậy vọng thức lặng chớ tâm thể có mất đâu. Nếu mất tâm thì cái gì biết được vọng thức lặng. Khi chúng ta không suy nghĩ, không chạy theo những vọng tưởng, tức là hạt giống từ tàng thức dấy lên. Chúng ta hoảng hốt bảo là mất mình mà không ngờ chính cái đó là bóng. Còn cái thật chúng ta quên mất, đó là điều lầm lẫn mà đa số người bị mắc phải.

Chúng ta nghe lời dạy của Ðức Phật, nhìn những hình ảnh Phật và Bồ tát để xoay lại thấy nơi mình thì chúng ta mới thấy được lẽ thật... hiểu như vậy tất cả huyền bí không còn nữa. Các hình ảnh là đều soi lại bản thân và các sự tu chứng đều quay về mình không chạy ra ngoại cảnh. Nếu không biết như vậy, chúng ta cả đời tu theo bên ngoại cảnh. Nếu không biết như vậy, chúng ta cả đời tu theo bên ngoài, đã rơi vào bên ngoài chừng nào giác ngộ, chừng nào giải quyết được vấn đề sanh tử?

Ðức Phật và Bồ Tát vì lòng từ bi thương xót chúng ta và muốn cứu vớt chúng ta về một cõi nào, các ngài làm được điều đó, chắc rằng các ngài đã làm rồi, và chúng ta không còn có mặt ở nơi đây và Ðức Phật Thích Ca đã nhập Niết bàn thì biết rằng Ngài không làm được việc đó. Cho nên trong kinh Lăng Nghiêm ngài A Nan đã khóc thừa với Phật: Con tự ỷ là em Như Lai, em của Phật, con không cần lo, Phật sẽ độ con, không ngờ bây giờ con mới biết rằng nếu con không tu thì con không cứu con được. Như vậy để chứng tỏ rằng việc thoát ly sanh tử là việc của mỗi người, những hạt giống chứa trong tàng thức, nếu chúng ta chịu loại ra, ai loại thế cho chúng ta được, ai cứu cái nghiệp của chúng ta? Nếu ý thức điều này, chúng ta phải tự độ, tự sửa cũng như người ghiền rượu, ghiền thuốc, muốn bỏ rượu bỏ thuốc thì họ phải tự bỏ chớ người khác có bỏ thế cho họ được đâu? Nghiệp đã thành rồi thì tự người tạo nghiệp phải mạnh mẽ chuyển đổi nghiệp của mình mới mong dẹp được nghiệp, chớ người khác không thể làm thay được. Cho nên nói Phật và Bồ Tát cũng không thể cứu chúng ta được.

Nhưng Phật và Bồ Tát cứu chúng ta bằng cách chỉ dạy chúng ta. Thí dụ chúng ta đang bị bệnh ngu hiểm, mà lại thêm hút thuốc uống rượu thì sẽ bị hại thêm. Cái ngài mới giải thích thuốc rượu đó sẽ làm ông khổ sở đau đớn... nên bỏ chúng đi thì sẽ được lợi ích lớn. Nếu chúng ta nghe lời chỉ dạy không hút thuốc uống rượu nữa, lợi thiết thực sẽ đến với chúng ta. Phật và Bồ Tát không giúp chúng ta hết nghiệp được, thì quỷ thần có giúp chúng ta dẹp nghiệp được không? Tất nhiên là không. như vậy mà có nhiều người cầu quỷ thần cứu giúp, đó là điều mê tín, đó là lầm lẫn đáng trách. Cho nên người tu hành chân chánh phải biết rõ nghiệp, gốc nơi mình tạo nên phải cố gắng dẹp trừ nó, đừng bao giờ ỷ lại bên ngoài, vừa ỷ lại nơi khác đã lầm lẫn rồi, nếu Ðức Phật có thể độ cho những người xung quanh giải thoát sanh tử được, thì thân quyến Ngài, Ngài đã độ hết rồi. Nhưng chính Ngài, Ngài đã dạy từ ngũ giới, thập thiện. Tu tiến lên và các vị tự độ giải thoát. Phật không có làm thế cho các vị ấy được. Hiễu rõ như vậy rồi thì mọi người chúng ta phải nổ lực xoay lại mình, biết rõ mình để mà cố gắng trừ diệt dẹp bỏ những chủng từ đã rơi trong tàng thức, loại hết chúng ra thì khả dĩ chúng ta mới thoát được sanh tử. Giả sẽ bây giờ có người nói rằng: Chủng tử loại ra chưa hết chủng tử mới thâu vào mãi thì phải làm sao? Chúng ta cần phải biết: Khi muốn loại những chủng tử cũ thì phải ngăn những chủng tử mới không cho tràn vào tàng thức. Ðó là ý nghĩa thiết thực của việc tu hành.

Muốn ngăn những chủng tử mới, có nhiều phương cách khác nhau, quý vị còn nhớ hình ảnh các vị Tỳ Kheo tu theo Phật giáo Nguyên Thủy. Hay thời Ðức Phật các vị ấy khi đi khất thực, tay ôm bình bát bước đi chậm rãi mắt nhìn chăm xuống đất, không ngó xa cũng không nhìn bên này bên kia. Những giới luật đó là những phương tiện ngăn ngừa chúng ta không cho thâu những chủng tử mới vào. Các vị Tỳ Kheo ấy cũng không nghe nhạc xướng hát v.v... Trong các căn bén nhạy nhất là mắt và tai. Hai căn này thâu nhập chủng tử rất là nhanh. Cho nên trong giới luật ngăn cấm không cho mắt chạy theo cảnh, không cho tai chạy theo tiếng đó là hình ảnh tiểu thừa. Cấm không cho ở chỗ ồn náo, phải ở chỗ vắng vẻ một mình. Sau khi khất thực xong rồi, các vị Tỳ Kheo trở về gốc cây nơi thanh vắng, ngồi yên tọa thiền, chớ không tiếp xúc đám đông người. Ðó là những phương tiện bớt thâu những chủng tử mới, để có thời giờ loại các chủng tử cũ.

Nhưng hiện nay nếu chúng ta không thể làm được như vậy thì phải làm sao? Chúng ta không thể ôm bình bát đi khất thực mắt nhìn xuống đất... mà có khi phải len lỏi vào đời làm ăn mua bán, phải xông pha trong vòng đối đãi, thì chắc rằng chủng tử loại ra thì ít, mà các chủng tử mới thâu vô lại quá nhiều. Như vậy đến khi nào kho chứa chủng tử mới được sạch trong, đó là điều đáng buồn cho chúng ta.

Nhưng không sao cũng còn cách để ngăn ngừa sự thâu vào các chủng tử mới. Nhà thiền hay kinh điển Ðại thừa dạy chúng ta hằng dùng trí quán tất cả các pháp tự tánh là không, như huyễn như hóa. Những gì trước mặt chúng ta có hình tướng đều do nhân duyên hòa hợp, tự tánh là không thấy người thấy vật cũng luôn luôn nhớ như vậy đó là tướng duyên hòa hợp như huyễn như hóa, tự tánh là không. Có gì quan trọng mà phải ghi nhớ. Nhờ có trí tuệ hằng quán sát các pháp như huyễn như hóa nên chúng ta bớt thâu vào và dừng lại sự ghi nhận các chủng tử vào trong tàng thức của chúng ta.

Chúng ta nhớ rằng những gì quan trọng khi xảy đến thì đời đời không quên. Nhưng khi quán tất cả pháp thế gian đều như huyễn không có gì quan trọng thì qua rồi liền mất, không chứa chấp trong kho, đó là đóng cửa kho lại, đóng bằng trí tuệ. Chúng ta khi đi không phải nhìn xuống đất để đóng cửa mắt cửa tai không thấy không nghe. Chúng ta vẫn nhìn người, nhìn cảnh bằng con mắt trí tuệ, thấy các tướng đều như huyễn thấy được như vậy thì không có lỗi lầm gì, không có đem hạt giống chứa vào kho, đó là lối tu hành căn bản.

Quý vị thấy kinh điển Ðại thừa, không kinh nào nói các pháp là thật hết. Kinh nào cũng nói các pháp là huyễn hóa, mà chúng ta lại không biết lý do tại sao Phật Tổ lại dạy như vậy? Ðó là để làm giảm khả năng thu hút của các pháp là huyễn hóa. Chúng ta xem thường các tướng huyễn hóa ấy, nên chúng ta không ghi đậm nét trong tàng thức của chúng ta, không vướng bận tâm trí của chúng ta, những chủng tử mới không dính mắc chúng ta mới có thời gian rãnh rỗi để loại trừ các chủng tử cũ đã đóng khằn từ lâu. Nếu những chủng tử cũ chưa sạch hết mà chủng tử mới cứ dồn vào thì biết bao giờ tàng thức chúng ta mới sạch được.

Cho nên trong việc tu hành có hai phần căn bản. Một là ngăn chặn sáu căn không cho đem những chủng tử mới thì dùng phương tiện như giới luật, tránh duyên hay theo tinh thần Ðại thừa thì xông pha nên dùng trí tuệ Bát Nhã quán các pháp như huyễn. Ðược như vậy chúng ta mới được an ổn, tiến tới chổ dẹp sạch hết các chủng tử trong kho chứa (Tàng thức) để biến nó thành kho Như Lai (Như Lai tàng). Khi ấy chúng ta mới được như ý bảo châu, mọi việc đều mãn nguyện, không còn lo sợ thiếu thốn gì nữa!

Chủ yếu của buổi nói chuyện hôm nay là ứng dụng việc tu hành lời dạy của Ngài Sơ Tổ Trúc Lâm là “ Phản Quang Tự Kỷ Bổn Phận Sự” tức là soi lại xem xét nơi mình là bổn phận của người tu hành. Vậy mong quý vị ứng dụng lời dạy trên để thấy lời Phật, tổ là chơn lý và hữu ích vô cùng. Nếu quên đi lời dạy ấy, thì tuy tu trọn một đời mà sự tiến bộ không có bao nhiêu, đó là lẽ thực mong quý vị cố gắng.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT


--- o0o ---

Trình bày:Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/01/2025(Xem: 392)
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT Kính thưa chư Tôn đức, chư Pháp hữu & quí vị hảo tâm. Còn không bao nhiều ngày nữa là Xuân Ất Tỵ sẽ đến. Trước thềm năm mới, được sự thương tưởng của quý chư Tôn đức và Phật tử, quý thiện hữu hảo tâm xa gần.. chúng con, chúng tôi lại có cơ hội tiếp tục lên đường gieo hạt Từ tâm. Buổi phát quà thực hiện trong tuần qua tại hai làng Mocharim và Kela Village, hai ngôi làng toàn bằng những lều tranh xiêu vẹo, phong phanh.. cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 14 cây số . Xin được gửi một vài hình ảnh tường trình thiện sự.
08/11/2024(Xem: 1004)
HIẾM NGƯỜI SỐNG MÀ BIẾT CHUẨN BỊ CHO KIẾP SAU! Cái vòng quay của thời tiết xuân hạ thu đông không làm cho ta lo lắm vì ta thấy ta còn tất cả, vẫn những người yêu thương ta đó, vẫn căn nhà đó, vẫn tiền bạc đó, vẫn sự nghiệp đó, nó vẫn đi tiếp, không có gì làm ta phải lo và chính cái không lo này làm cho ta chủ quan.
14/09/2024(Xem: 2848)
Tại sao lại nói “ruột đau chín chiều”? Đó là những chiều nào, hướng nào? Hay đó là chín buổi chiều? Có bao giờ chúng ta tự hỏi tại sao ruột đau không phải ba bốn chiều hay tám chiều mà lại “chín chiều” ?
07/09/2024(Xem: 2472)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Thiện hữu & quí vị hảo tâm. Trong tâm niệm: ''Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người vơi bớt khổ'', vào Chủ Nhật tuần qua (Sept 01 2024) hội từ thiện Trái tim Bồ Đề Đạo Tràng chúng con, chúng tôi đã tiếp tục thiện sự chia sẻ thực phẩm, y phục và tịnh tài cho những mảnh đời bất hạnh, những người dân nghèo khó nơi xứ Phật tại tiểu bang Bihar India. Xin mời quí vị hảo tâm xem qua một vài hình ảnh tường trình..
31/08/2024(Xem: 2414)
Mùa Vu Lan báo hiếu nhắc nhở các thế hệ con cháu nhớ tới công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những thế hệ người đi trước. Lễ Vu Lan mang giá trị nhân văn, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” muôn đời.. Để thể hiên tinh thần đó, chúng con, chúng tôi xin được đại diên, thay mặt chư Tôn Đức & quí Phật tử thực hiện một buổi cúng dường Trai Tăng tại Bồ Đề Đạo Tràng India để hồi hướng đến Cha mẹ, cửu huyền thất tổ của chúng ta với ước mong đáp đền thâm ân cao dày của các đấng sinh thành trong muôn một.
29/08/2024(Xem: 2187)
Trong tâm tình: ''VuLan- Thương về quê Mẹ'', hội Từ thiện Trái Tim Bồ Đề vừa thực hiện hoàn mãn thiện pháp tại quê nhà nhằm chia sẻ chút Phước lành đến những người mù lòa, khuyết tật, khó khăn.. Xin gửi chư vị vài hình ảnh buổi Từ thiện tại chùa Thiện Thệ do Ni Sư Thích nữ Huệ Lạc, thành viên của Hội từ thiện Trái Tim Bồ Đề tại VN tường trình:
28/08/2024(Xem: 1777)
..Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Kính chia sẻ cùng cả Chùa hình ảnh Đại Lễ Vu Lan ngày thứ Bảy 24/8/2024 tại chùa Linh Phong Switzerland, Thụy Sỹ do Ni Sư trụ trì Thích nữ Viên Hoa tổ chức với sự tham dự của chư Tôn đức Tăng, Ni.. TT Thích Trí Thuyên, Thích Tánh Tuệ, Thích nữ Viên Diệu, Tn Viên Bảo, Tn Tịnh Hóa, Tn Tuệ Anh, Tn Tịnh Lự, Tn Chân Không, Tn Xả Không... cùng chư đồng hương Phật tử xa gần tại Âu Châu.. Kính Chúc đại chúng một mùa Vu Lan vô lượng an lành, vẹn tròn tâm hiếu hạnh... Nam Mô Vu Lan Hội Thượng Phật Bồ Tát- Ma ha tát.
21/08/2024(Xem: 1259)
Bà mẹ già ngồi ở băng ghế sau chiếc xe hơi bỏ mui màu đỏ sậm đang rẽ quặt xuống xa lộ. Bà ghì chặt lấy cái giỏ đồ để trên đùi như sợ gió ào ào thổi đến sẽ cuốn giỏ đi mất. Bà không quen với cái tốc độ quá nhanh như bay thế này. Với hai bàn tay run run bà siết lại chiếc dây an toàn quấn ngang người cho chặt hơn, nhưng bà vẫn cẩn thận không để các ngón tay chai sần của bà chạm vào đệm xe bọc da. Đệm quý giá lắm đấy! Con gái bà luôn miệng dặn bà đừng làm bẩn ghế: “Dấu tay sẽ lộ rất rõ ra trên đệm xe màu trắng đấy Mẹ à!”
21/08/2024(Xem: 1326)
MỘT BÔNG HỒNG TRẮNG Vào ngày cuối cùng trước Lễ Giáng Sinh tôi vội vã tới siêu thị để mua các món quà tặng còn sót lại mà trước đó chưa kịp mua. Trời ơi, sao mà đông người như thế. Tôi bực bội tự nhủ thầm: “Cả đống người thế này thời bao giờ mới xong việc đây. Còn bao nhiêu nơi phải đi nữa chứ!”
10/08/2024(Xem: 1726)
ột người tâm không tĩnh thì rất khó suy nghĩ cặn kẽ một vấn đề gì đó, xã hội hiện đại là một thời đại rối ren, con người sống và làm việc cũng đều rất kiêu căng, xốc nổi. Chỉ có người nào tĩnh tâm thì mới có thể cẩn thận quan sát thời thế, suy xét một cách sâu sắc để có được cách giải quyết vấn đề hoặc hiểu được con người một cách chính xác.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]