Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

II. CHỮ TỨC TRONG PHẬT GIÁO ÐẠI THỪA

21/05/201311:45(Xem: 3921)
II. CHỮ TỨC TRONG PHẬT GIÁO ÐẠI THỪA

HÉ MỞ CỬA GIẢI THOÁT

Thiền Sư Thích Thanh Từ

--- o0o ---

II

CHỮ TỨC

TRONG PHẬT GIÁO ÐẠI THỪA

Người đời và những người mới học đạo đều nhìn sự vật với tánh cách cố định. Nói ác hẳn ác, nói thiện hẳn là thiện, phải hẳn là phải, quấy hẳn là quấy, có hẳn là có, không hẳn là không... họ không hiểu nổi lối nói “Cái này tức là cái kia” trong kinh điển đại thừa, họ cho lối nói này là ởm ờ mờ ám không chấp nhận được. Song với tinh thần Ðại Thừa Phật Giáo, nhìn sự vật thấy rõ không có bản chất cố định, không ngoài nhau, vì thế trong kinh nói “Sắc tức là không, không tức là sắc” hay “Phiền não tức Bồ Ðề”, hoặc “Sanh tử tức Niết Bàn” chỉ một chữ “Tức” làm sáng tỏ nghĩa không cố định, không ngoài nhau của các Pháp”

SẮC TỨC LÀ KHÔNG, KHÔNG TỨC LÀ SẮC

Câu này xuất phát từ kinh Bát Nhã. Chữ sắc ở đây chỉ cho Sắc Uẩn. Dưới con mắt Ðức Phật, thân này do năm uẩn kết hợp thành. Sắc uẩn là phần vật chất; thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn là phần tinh thần. Chẳng riêng sắc uẩn tức là không, mà thọ, tưởng, hành, thức cũng như thế. Bởi vì bản chất của mọi uẩn không tự có, do duyên hòa hợp thành. Ðã do nhân duyên hòa hợp thì làm sao cố định. Trước khi nhân duyên hòa hợp nó không có, sau khi nhân duyên ly tán nó cũng không. Chính khi nhân duyên hòa hợp phân tích ra cũng không có thực thể của nó. Ví như nắm tay, trước khi co ngón lại, không có nắm tay. Ðang khi co năm ngón lại nếu không phân tích từng ngón cũng không có nắm tay. Thế thì cái nắm tay chỉ là cái tên tạm gọi khi co năm ngón tay lại, chứ không có thực thể cố định của nắm tay, sắc uẩn không cố định nên nói “Sắc tức là không” không khi đủ duyên hợp thành sắc nên nói “Không tức là sắc” sắc chẳng có tính chất, không cố định. Không cố định chẳng ngoài sắc, nên nói “Sắc tức là không, không tức là sắc”. Thấu hiểu triết lý các pháp tùy duyên biến chuyển, không đứng yên không tự thành là thông suốt câu “Sắc tức là không, không tức là sắc”.

PHIỀN NÃO TỨC BỒ ÐỀ

Câu này bàng bạc trong cách kinh Ðại Thừa. Phiền não là si mê bực bội đau khổ; Bồ Ðề là giác ngộ yên vui. Hai thứ bản chất trái ngược nhau, tại sao lại nói cái nầy tức là cái kia? Bởi phiền não bản chất không cố định, khi biết chuyển hoặc biết xả liền thành Bồ Ðề. Cái động không ngoài cái tịnh, cái sáng không ngoài cái tối, hết tối tức sáng, chúng ta cứ quen chạy tìm cái giác ở ngoài cái mê, tìm an vui ngoài cái đau khổ. Sự thực không phải thế, hết mê tức là giác dứt khổ tức là vui. Thiền Sư Tư Nghiệp người Trung Hoa, khi chưa xuất gia làm nghề hàng thịt, một hôm mổ heo, bỗng dưng ông thức tỉnh, bỏ nghề đi xuất gia. Khi xuất gia, ông làm bài kệ: “Hôm qua tâm dạ xoa, ngày nay mặt Bồ Tát; Bồ Tát cùng dạ xoa không cách một sợi chỉ”.

Biết dừng phiền não tức Bồ Ðề, không phải nhọc nhằn tìm kiếm đâu xa. Bồ Ðề đã sẵn có nơi mình, do phiền não dấy khởi phủ che nên Bồ Ðề bị ẩn khuất. Một khi phiền não lắng xuống thì Bồ Ðề hiện tiền. Chúng ta ôm đầy một bụng phiền não chạy tìm Bồ Ðề. Chỉ khéo ngồi yên lại cho phiền não lắng xuống thì Bồ Ðề hiện tiền.

Như trời đổ mưa to, nước mưa từ hư không mưa xuống là trong sạch, song rơi xuống mặt đất lôi cuốn bụi bặm bùn đất chảy xuống ao hồ. Thấy toàn nước đục, có người cần nước trong xài, ra ao hồ nhìn thấy toàn nước đục không biết làm sao. Gặp người thông minh bảo: Nước đục tức là nước trong. Anh ta ngẩn ngơ không hiểu, ông này bảo: anh cứ gánh về đổ vào lu, lấy ít phèn quậy nhiều vòng cho nước cuộn lộn lên, rồi để yên vài tiếng đồng hồ, cặn bụi lắng xuống nước sẽ trong. Anh chàng kia làm đúng như người thông minh dạy, kết quả anh được nước trong.

Bởi vì nước mưa nguyên là trong, do bụi đất cuốn theo và hòa tan trong nước nên trở thành đục. Kẻ khờ thấy nước đục khác với nước trong, tưởng chừng như nước trong ngoài nước đục mà có, nên khi cần nước trong thấy nước đục là thất vọng, không biết phải tìm nước trong ở đâu. Người trí biết nước mưa vẫn trong, do bụi đất hòa tan nên đục, chỉ cần lóng bụi đất trở thành nước trong. Vì thế, khi thấy nước đục, họ vẫn qủa quyết nói “nước đục tức là nước trong” chữ tức ở đây để chỉ nước trong không cố định trong, do duyên hợp thành đục; nước đục không cố định đục, do duyên lóng thành trong. Nước đục không ngoài nước trong mà có; nước trong không thể bỏ nước đục mà tìm. Bồ đề và phiền não cũng thế, phiền não không cố định phiền não, do duyên hợp thành phiền não, Bồ Ðề không cố định Bồ Ðề, do duyên lóng sạch thành Bồ Ðề. Bồ Ðề mà sanh. Bỏ phiền não chạy tìm Bồ Ðề như người lưới cá trên không, bẫy chim đáy biển, rốt cuộc chỉ phí công vô ích.

Nước đục lóng thành nước trong, trẻ con thấy, mới “được” nước trong, người lớn biết nước trước nguyên trong nay lóng trở lại trạng thái cũ, có gì là “được”. Mà trước nước vốn đục, nay lóng mấy cũng không trở thành trong. Cũng vậy, nếu tất cả chúng sanh không có sẵn tánh giác dù tu hành đến đâu cũng không thể giác được. Chư Phật Bồ Tát trước cũng là chúng sanh, các Ngài tu hành đã giác ngộ được, tất cả chúng sanh nếu biết tu hành chắc sẽ giác ngộ như các Ngài. Vì thế, chư Phật thấy rõ tất cả chúng sanh đều có tánh giác, vì vô minh phiền não che đậy trở thành mê, một khi khéo tu lóng sạch vô minh phiền não liền trở lại giác. Từ mê sang giác, chúng sanh tưởng là mới được, nên thấy có chứng có đắc. Chư Phật biết rõ chỉ trở lại tánh giác sẵn có, nên nói vô chứng vô đắc. Vô chứng vô đắc không có nghĩa là không ngơ, mà không có mê, hằng sống lại tánh giác của mình. Cái đã sẵn có, trở lại với nó có gì thêm bớt mà nói chứng đắc. Tuy không chứng đắc mà hằng giác chẳng mê, làm sao nói không ngơ được?

Biết trong nước đục vốn là nước trong, nước đục khéo lóng sẽ thành nước trong, đó là cái thấy của người thông minh. Ðức Phật cũng thế, Ngài thấy tất cả chúng sanh đều sẵn có tánh giác, dù đang mê tánh giác cũng không mất, nói “Ta thấy tất cả chúng sanh đã thành Phật”. Lại có khi Ngài nói “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật sẽ thành”. Bởi chúng ta đã sẳn tính giác, một khi thức tỉnh huân tu tánh giác sẽ hiển hiện, việc này không có gì là lạ. Câu Phật nói trước có vẻ không hiểu, đã thành Phật tại sao chúng sanh vẫn còn mê muội loạn cuồng. Bởi vì Phật cũng là một chúng sanh như chúng ta. Ngài khéo lóng vô minh phiền não chiêm lặng trở thành giác ngộ. Nếu không tính giác sẵn, dù Ngài tu đến muôn A tăng kỳ cũng không ngộ, nói gì ba A tăng kỳ. Thấy chúng sanh sẵn có tành giác, nói “đã thành Phật” thì có gì lỗi gì? Có sẵn tánh giác mà cứ quên mãi tạo nghiệp đi trong sanh từ luân hồi, càng luân hồi càng tạo nghiệp, nghiệp mê chồng chất nên thành mê muội loạn cuồng. Một phen thức tỉnh, dừng bước luân hồi, nghiệp mê băng hoại, mới tin “Ta là Phật sẽ thành”.

SANH TỬ TỨC NIẾT BÀN

Chúng sanh mãi trồi lăn lăn hụp trong biển luân hồi sanh tử, dừng sanh tử được an lành là Niết bàn. Sanh tử là khổ đau, Niết bàn là an lạc. Sự khổ đau an lạc dường như hai mà không thể hai. Như người đi trên vai gánh một gánh nặng đi xa, họ cảm nghe nhọc nhằn vô kể, để gánh nặng xuống nghỉ, họ cảm thấy nhẹ bỏng yên vui. Cái nhọc nhằn an vui người nầy cảm giác được dường như hai mà không phải hai. Chẳng qua, khi gánh nặng còn đè trĩu trên vai là đau khổ, để gánh nặng xuống thì an vui. Do hết khổ gọi là vui, chớ không có cái vui từ đâu đem đến. Niết bàn và sanh tử cũng thế, do hết sanh tử gọi là Niết bàn, không có Niết bàn ngoài sanh tử.

Chúng sanh tạo nghiệp, lại do nghiệp dẫn chúng sanh, loanh quanh lẩn quẩn, không có ngày dẫn chúng ta qua lại trong tam giới, lên xuống trong sáu đường không biết bao giờ ra khỏi. Nếu khéo tu dừng nghiệp thì bánh xe luân hồi sẽ theo đó mà dừng. Theo nghiệp trôi lăn là sanh tử, dừng nghiệp lặng yên là Niết bàn. Vì thế cần được Niết bàn, chúng ta phải dừng nghiệp. Có nhiều người tưởng Niết bàn là cảnh giới xa xôi đẹp đẽ như cảnh Cực Lạc. Họ cố cầu xin Phật, Bồ Tát cho họ được Niết bàn, hoặc tìm minh sư đạt đạo nhờ truyền pháp hay điểm đạo cho học được Niết bàn. Họ không ngờ sạch nghiệp tức là Niết bàn. Nghiệp lại do mình tạo, chỉ cần tìm ra động cơ chủ yếu tạo nghiệp, bắt nó dừng lại thì Niết bàn hiện tiền. Tâm thức lăng xăng của chúng ta là chủ động tạo nghiệp, khéo tu dừng lặng nó thì Niết bàn xuất hiện. Dừng ngắn thì được Niết bàn ngắn, dừng lâu thì được Niết bàn lâu, dừng hẳn thì được Niết bàn bẳn.

Sở dĩ có Niết bàn là do đối với sinh tử mà lập, một khi sanh tử dứt sạch thì Niết bàn không còn chỗ đứng. Kinh có câu “Niết bàn sanh tử như hoa đốm trong không”, đã là hai danh từ đỗi đãi mà lập thì đều không thật. Không có Niết bàn thì nói gì sanh tử. Như không có khổ thì không có vui, không có vui thì làm sao biết khổ. Niết bàn và sanh tử không riêng lập và không ngoài nhau, nên nói “Sanh tử tức là Niết bàn”.

Sẽ có người bảo sanh tử là do nghiệp dẫn là pháp sanh diệt, hư dối là phải, Niết bàn là dứt sạch nghiệp là chơn thật, tại sao lại nói hư dối? Quả thật Niết bàn không hư dối. Thực tế Niết bàn không có hình dáng để diễn tả, không có ngôn ngữ để nói, nó vượt ngoài pháp đối đãi thế gian. ngôn ngữ chúng ta để dùng để diễn đạt tâm tư đều nằm trong đối đãi không thật. Dù là ngôn ngữ Niết bàn, cũng chỉ là lớp mây phủ núi chớ không phải là núi, đứng về núi mà nhìn nó thì nó là hư dối bên ngoài không đáng kể. Thế nên nói “Như hoa đốm trong hư không” mà thực thể chẳng phải không.

THIỆN TỨC ÁC, ÁC TỨC THIỆN: PHẢI TỨC QUẤY, QUẤY TỨC PHẢI

Ta có thể nói rộng ra “Thiện tức ác, ác tức thiện” hay “Phải tức quấy, quấy tức phải”... chẳng hạn. Bởi vì dù là việc thiện mà chúng ta cố chấp liền trở thành ác. Ví như người theo tôn giáo A tự thấy là hay là lợi ích, liền khuyên bà con thân quyến cùng theo với mình. Nếu những người thân không bằng lòng theo, tức thì sanh tâm giận ghét. Thế không phải là thiện thành ác là gì? Tuy là việc ác, chúng ta ý thức được liền bỏ là trở thành thiện. Như anh A nghe theo bạn bè làm việc trộm cắp, gặp người tốt nhắc nhở giải thích cho A biết làm việc ấy là xấu xa, tội lỗi. A liền bỏ nghề trộm cắp. Quả thật ác biết bỏ liền trở thành thiện.

Phải quấy cũng không có tiêu chuẩn cố định, nếu ta chấp vào cái phải của mình liền trở thành quấy. Bao nhiêu việc cãi vả chửi lộn đánh lộn đâu không phải do chấp phải mà ra. Có người nào sau khi đánh lộn, bị người hỏi, dám nhận là tôi quấy đâu. Mọi người đều thấy mình phải nên có ấu đả. Ngược lại, người ý thức việc làm của mình là quấy tự bỏ, liền trở thành phải. Nhưng người lầm đường lạc lối, khi họ thực tình xoay trở lại đường lành liền trở thành phải. Nhưng người lầm đường lạc lối, khi họ thực tình xoay trở lại đường lành liền trở thành người tốt. Mọi sự việc trong đối đãi đều như thế cả, không có một sự việc gì cố định. Cái phải của A không phải là cái phải của B. Cái phải của nhóm C không phải là cái phải của D. Cái phải của xứ nầy không phải là cái phải của xứ khác. Cái phải của thời gian trước không phải là cái phải của thời gian sau. Thế thì, lấy đâu là tiêu chuẩn mà chấp phải quấy! Chấp chặt phải quấy là ngu xuẩn là khổ đau. Biết buông xả linh động tùy thời là người khôn ngoan an ổn.

CHỮ TỨC ÐỐI TRONG VẠN VẬT

Ta đi xa hơn ra ngoài giới, với mọi sự vật dùng chữ tức có lẽ thực, như nói “Thể lỏng tức là thể hơi” hoặc nói “thể hơi tức là thể lỏng”. Nước là thể lỏng đun nóng bốc lên thành hơi, hơi nước lên cao gặp khí lạnh đông lại rơi xuống thành nước thể lỏng. Cũng có thể nói thể lỏng tức là thể cứng; thể cứng tức là thể lỏng. Nước là thể lỏng khi để vào tủ lạnh cô đọng thành nước đá thể cứng; nước đá đem để ra ngoài nắng tan thành nước thể lỏng. Ngoài nước ra, các loại chì, đồng, sắt... từ thể cứng để vào lò nấu sức nóng lên đến 1.0000C trở lên sẽ chảy thành thể lỏng, thể lỏng đó đem ra để nguội trở thành thể cứng... vì thế, thấu hiểu chữ tức là thấy đúng lẽ thật, cũng là thấy tột cùng lý tùy duyên chuyển biến của các pháp. Môn hóa học hiện tại chứng minh sự vật không tự tồn tại, không có cá thể độc lập, không giữ nguyên một vị trí. Một vật thể này bị thay đổi chất liệu liền biến thành vật thể khác. Thế nên, con người có thể dùng các thứ nguyên liệu khoa học đã tìm được biết chế thành những sản phẩm hữu ích cung ứng cho nhân loại cần dùng. Mọi vật thể kết hợp không phải đơn thuần, mà sự cấu tạo điều kiện biến nó thành những vật theo nhu cầu của mình. Sự biến hóa đổi thay trong mọi vật thể đã là bằng chứng hùng hồn về lý không cố định của sự vật. Thấy được lý không cố định là thấy tột bản tánh cả sự vật. Những nguyên tố hợp thành sự vật tuy nhiều song chẳng lắm, do sự kết hợp tăng giảm biến thành muôn vàn sự vật có đủ thiên hình vạn trạng trên thế gian này. Quả là trong vật này có những nguyên tố của vật khác. Trong vật khác có những nguyên tố của vật này. thế nên nó “A tức B, B tức A” là đúng lẽ thực đâu có sai ngoa.

HIỆU DỤNG CHỮ TỨC TRONG SỰ TU HÀNH

Hiễu rõ chữ tức có công hiệu rất lớn trong việc tu hành. A tức là B, thì A không thực A, B tức là A thì B không thực B. Muôn vật tùy duyên thành hình đổi dạng, có cái gì cố định mà chấp. Bệnh lớn của con người cố chấp, chấp càng nặng thì khổ càng nhiều. Mọi người chấp theo cái thấy, cái nghe, cái sở học, cái suy nghĩ, cái tưởng tượng của mình hoặc của nhóm người thân mình, nếu người khác thấy đồng cái thấy của mình, nhóm mình thì thân; thấy khác thấy cái chấp của mình thì thù. Ðây là gốc đấu tranh gây ra đau khổ cho nhân loại. Sự vật là một dòng biến thiên mà mình nhìn theo cái chấp cố định thì làm sao thấy được lẽ thực. Làm sao đem lại sự an bình. Con người khủng khiếp hãi hùng khi nghe tin mình sắp chết. Sợ chết vì chấp thân là chắc thật lâu dài, bỗng dưng nó sắp tan hoại nên hoảng sợ. Sự nghiệp tài sản cũng chấp cố định bền lâu, xảy ra tai nạn hỏa hoạn, binh đao, trộm cướp... khiến phải tan hoại, người ta sẽ đau khổ vô hạn. Tình cảm bạn bè, thân hữu, chấp mãi không đổi; một khi gặp cảnh đổi thay, người ta sẽ thảm sầu vô kể.

Người nắm vững nguyên tắc “các pháp không cố định”, mọi cố chấp trên từ từ tan rã, khổ đau, sầu thảm, hoảng sợ, hãi hùng dần dần tan biến theo mây khói. Thân sắp chết, sự nghiệp tan vỡ, bạn bè chia lìa... cũng là lẽ đương nhiên trong dòng biến thiên của vạn vật. Chúng ta chưa can đảm cười trước cảnh ấy, song cũng can đảm nhìn chúng trôi qua với tâm niệm an bình. Bởi người tu hành là huân tập phát minh những lẽ thực ấy. Sở dĩ hiện nay có lắm người tu khi gặp hoàn cảnh tang thương biến cố liền hoảng sợ bất an, do họ không phát minh những lẽ thực ấy. Họ nghĩ rằng tụng kinh nhiều, niệm Phật lắm, cúng kính hậu là đầy đủ công phu tu hành. tu bằng cách nhắm ra ngoài, chạy theo hình thức làm sao đạt được lẽ thật, mà là suy giãm khổ đau. Họ càng tu thì chấp càng nặng, chấp càng nặng thì đau khổ càng nhiều, thế là, tu chỉ tăng khổ, chớ không hết khổ.

Atức là B, thì Akhông thực là A, Btức là A, thì Bkhông thực là B. hai bên đều không cố định, đã không cố định thì làm sao mà bảo là thật. Hai bên đều không thật thì không thể thành hai. Bởi không thể thành hai là tiến thẳng vào “Pháp môn bất nhị”. Thấy vạn vật đối đãi không thật, còn gì để lý giải luận bàn, vừa phát ra ngôn ngữ là nằm trong đối đãi. Ðối đãi thuộc hai bên, muốn chỉ chỗ cứu cánh của “pháp môn bất nhị”, Ngài Duy Ma Cật chỉ còn cách lên tòa ngồi lặng thinh, chính vì thế mà Bồ Tát Văn Thù tán thán không tiếc lời.


--- o0o ---

Trình bày:Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
20/03/2012(Xem: 6797)
Chú Đại bi còn có những tên gọi sau: Thiên thủ thiên nhãn quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà-la-ni, Quảng đại viên mãn đà-la-ni...
20/03/2012(Xem: 5085)
Sự giải thoát có thể dụ cho một sự sáng không bờ mé, ngăn ngại và cái ngã đã được giải thoát (vô ngã) dụ cho một cái sáng khác ở trong cái sáng không bờ mé đó...
19/03/2012(Xem: 7565)
Không thể không phản tỉnh, không thể không kiểm thảo, hay nói cách khác, nhất định phải tìm lỗi lầm của chính mình, phải tìm tâm bệnh của chính mình.
19/03/2012(Xem: 6665)
Một thái độ từ ái vị tha chỉ có một khuôn mặt, ân cần tử tế đến tất cả. Tuy nhiên, sự vị tha này giúp ích người khác và chính mình, cả hiện tại bây giờ và trong tương lai dài lâu. Như một vi lạt ma Tây Tạng Kunu Tenzin Gyelsten đã nói, "nếu con muốn là một người thân hữu của tất cả, hãy phát sinh lòng từ ái và bi mẫn. Nếu con muốn là một người hướng dẫn tâm linh cho tất cả mọi người, hãy phát sinh lòng từ ái và bi mẫn. Nếu con muốn giúp ích mọi người, hãy phát sinh lòng từ ái và bi mẫn."
17/03/2012(Xem: 6829)
Theo truyền thuyết, không lâu trước khi nhập niết bàn, Đức Phật đã trả lời Ananda, thị giả theo hầu cận Phật nhiều năm, khi vị này xin Phật chỉ dẫn cách đối xử cho các vị tỳ kheo...
15/03/2012(Xem: 18225)
Pháp hành thiền không chỉ dành riêng cho người Ấn Độ hay cho những người trong thời Đức Phật còn tại thế, mà là cho cả nhân loại vào tất cả mọi thời đại và ở khắp mọi nơi.
11/03/2012(Xem: 5793)
Ta có thể chuyển nghiệp nặng thành nhẹ bằng cách ăn năn sám hối những nghiệp đã tạo và nỗ lực tu tập, tạo các nhân duyên lành làm trở ngại sự hình thành nghiệp quả.
11/03/2012(Xem: 7391)
Vận mạng từ do đâu mà có? Do đời trước tu mà được, trên thực tế mỗi ngày vận mạng của chúng ta cũng đang có sự tăng giảm, thêm bớt.
10/03/2012(Xem: 6659)
Trong một quyển sách nhỏ « PhậtGiáo Nhập Môn » (ABC du Bouddhisme, nhà xuất bản Grancher, 2008), tác giảFabrice Midal đã dành riêng một chương (chương 7, tr.123-137) để tóm lược thậtngắn gọn một số các khái niệm căn bản giúp chúng ta ôn lại những gì thật thiếtyếu trong giáo lý nhà Phật.
09/03/2012(Xem: 6260)
Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ lần thứ 2 sẽ được tổ chức tại thành phố Santa Clara, miền Bắc California, Hoa Kỳ từ ngày 02/8/ đến ngày 06/8/2012.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567