Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 08

20/05/201313:27(Xem: 4292)
Phần 08

 

Khai Thị
Đại Sư Tuyên Hóa
Việt dịch: Ban Phiên Dịch Đại Học Pháp Giới,
Vạn Phật Thánh Thành

--- o0o ---

Phần 08

--- o0o ---

71. Giữ Đúng Quy Củ Thiền Đường[^]

98 ngày Thiền thất sắp sửa bắt đầu. Trong số các vị xuất gia, mỗi ngày sẽ có một vị Duy-na, phụ trách các công tác khai tĩnh, chỉ tĩnh; lại có thêm một vị đương trị để lo cung cấp nước trà. Mỗi ngày ba lần dùng trà, hay bốn lần cũng được, tùy tiện theo tình hình, không nhất định, "vô định pháp" mà! Bởi mọi người tận lực dụng công thiền định, nên khí hỏa bốc lên, do đó uống trà nhiều có thể hạ hỏa xuống. Tuy nhiên, phải chú ý! Chớ có làm bể ly trà. Quý vị phải biết rằng Hòa-thượng Hư Vân khi xưa đánh rớt chén trà, nghe tiếng chén bể mà khai ngộ, đó chỉ là một việc không cố ý. Còn người nào cố ý làm bể ly trà thì vĩnh viễ­n không bao giờ có thể khai ngộ được, vì chính quý vị đã cố ý như thế. Cho nên nói: "hữu tâm thị vọng tưởng, vô tâm thị cảm ứng." Quý vị không có lòng nghĩ làm bể mà hóa ra làm bể, vậy mới hay đó!

Trong lúc ngồi thiền, không người nào được nói chuyện. Mỗi người tự mình chiếu cố thoại đầu của mình, tự mình dụng công. Trông thấy bất cứ ai, cũng mặc kệ. Tại sao? Bởi không người, không ta mà! Ai tới thì tới, ai đi thì đi, chỉ chuyên tâm chuyên chí tham câu "niệm Phật là ai?" trong thời gian 98 ngày ắt có kết quả.

Trong kỳ thiền thất mùa đông này, những ai chưa khai ngộ sẽ bị phạt một trăm ngày quỳ hương trước ban thờ Phật. Còn đối với vị nào khai ngộ, tôi xin thiết một đại tiệc khai ngộ, muốn ăn thức gì sẽ có thức ấy, bảo đảm cả trăm vị đầy đủ. Có câu nói: "Thiên trù diệu cúng, thiền duyệt tô-đà." Lúc ấy được coi là giờ phút quang vinh nhất trong đạo Phật. Quý vị nhớ! Muốn khai ngộ, ta phải giữ quy củ đó! Như không muốn khai ngộ, thì xin cứ tùy tiện, không ai bó buộc quý vị.



72. Bỏ Hết Lòng Đố Kỵ Và Kiêu Mạn
[^]

Bây giờ thiền thất bắt đầu. Bao nhiêu thứ gọi là đố kyï, kiêu mạn, quý vị phải bỏ xuống hết. Bây giờ tôi khảo nghiệm thử xem quý vị có thực lòng buông bỏ các thứ đó hay không. Khảo bằng cách nào? Đầu tiên là đánh bằng hương bản. Bị đánh mà không biết đau, thì cho là được, là đủ tư cách tham gia ban thiền thất mùa đông này.

Thế nhưng, không biết đau thì trơ trơ như cái bàn, không có tri giác; còn biết đau tức là không buông bỏ được. Vậy tại chỗ này, chúng ta hãy tham xem - làm cách nào đây?

Bây giờ kẻ bị đánh không bỏ chạy mới là kẻ đại trượng phu. Đã là đại trượng phu, thế tất phải có khí độ anh hùng, không sợ khốn khổ, không sợ gian nan, đầy tinh thần chịu đựng khắc khổ, trong thời gian 98 ngày, không thối chuyển, từ đầu thông suốt tới cuối. Phải có một niềm quyết tâm, coi chết nhẹ như không, như vậy mới thành công được.

Trước khi vào thiền, tôi có bài kệ nầy:

Đại địa xuân hồi bách vật sinh

Phấn toái hư không tự tại ông

Tòng thử bất lạc nhân ngã tướng

Pháp giới tuy đại tận bao dung.

Đại địa xuân hồi bách vật sinh: Kỳ thiền thất này chính là khí tượng của xuân về. Trăm loài hân hoan nẩy sinh tươi tốt. Mọi người đều gặp cơ hội khai ngộ và ánh sáng tự tánh cùng xuất hiện.

Phấn toái hư không tự tại ông:Hư không vốn là vô hình, nếu quả hư không mà tan vụn (phấn toái) thì hư không cũng không có nữa. 'Tự tại ông' lúc đó, mới thật là đúng tư cách!

Tòng thử bất lạc nhân ngã tướng: Từ đó trở về sau sẽ chẳng còn vướng vào nhân tướng, chẳng vướng vào ngã tướng. Nhân không, pháp cũng không. Nhân pháp đều không, thế là tự tại, cũng không còn chấp ngã, chấp pháp. Không chấp trước, chính là giải thoát.

Pháp giới tuy đại tận bao dung: Tuy pháp giới là không bờ không bến, nhưng ta vẫn có thể ôm trọn pháp giới vào trong, nói cách khác, so với pháp giới ta còn to lớn hơn nữa. Thế mới là khả năng của kẻ đại trượng phu.

Tự mình phải dụng công của mình. Công phu gì? Đó là tham câu: "Niệm Phật là ai?" hay tham: "Trước khi cha mẹ sanh ra thì bổn lai diện mục ta là gì?" hoặc câu: "Thế nào là chẳng thể không có!" Nỗ lực dụng công, nhất định sẽ có tin hay (khai ngộ). Bây giờ bắt đầu vào thất! Vào! Vào! Vào! Thiền thất chính thức bắt đầu, cấm nói chuyện!


73. Các Vị Đều Là Thiện Tri Thức[^]

Các vị Thiện tri thức! Tại sao lại xưng hô quý vị là Thiện tri thức? Nếu chẳng phải là Thiện tri thức thì quý vị chẳng khi nào đến Bát-nhã đường (thiền đường). Phàm đến Bát-nhã đường để tu hành thì tất cả đều là Thiện tri thức, do đó mới xưng hô quý vị là Thiện tri thức.

Bát-nhã là tiếng Phạn (Prajna), dịch nghĩa thành trí huệ. Quý vị đều là bậc Đại trí huệ mới đến Bát-nhã đường. Tại sao là Đại trí huệ? Bởi trong các kiếp quá khứ quý vị đã từng gieo nhiều căn lành, nhiều hạt giống Bồ-đề. Cũng chính là trong quá khứ, quý vị đã đời đời kiếp kiếp cúng dường Phật, cúng dường Pháp, cúng dường Tăng. Đã tích lũy những công đức như thế, thì ngày nay nhân duyên thành tựu, mới tham dự khóa thiền. Đây chẳng phải là nhân duyên nhỏ, mà là nhân duyên to lớn, cũng là nhân duyên của việc li­ễu sinh thoát tử, mà cũng có thể nói là nhân duyên thành Phật. Bởi các lý do trên nên mới xưng hô quý vị là thiện tri thức.

Thiện tri thức chính là biết con đường thiện, không biết con đường ác. Nếu biết đường ác thì phải kêu là ác tri thức. Thế nào là thiện tri thức? Thiện tri thức là chánh tri chánh kiến, hành động hợp với Phật pháp, tu tập chiếu theo Phật pháp, từng hành động cử chỉ đều tương ứng với Phật pháp. Thế nào là ác tri thức? Ác tri thức thì tà tri, tà kiến, chuyện gì cũng đi ngược với Phật pháp, tức như câu nói "bội đạo nhi trì" quay lưng với đạo mà đi.

Nay quý vị tụ hội tại Bát-nhã đường, nhất tâm thiền định để cầu khai ngộ và đại trí huệ. Nếu thực sự sáng suốt, chân chánh giác ngộ, quý vị sẽ tuyệt đối không làm chuyện điên đảo nữa. Giác ngộ và sáng suốt như vậy nhất loạt đều do công phu tu hành mà thành tựu. Bởi vậy kẻ tu hành không nên sợ khổ, sợ khó khăn. Khi đã ngồi thiền thì chân đau cũng mặc, lưng mỏi cũng không quan tâm, phải giữ vững tinh thần đại vô úy, sống chết với thiền, sống chết với tu, tuyệt đối không thể vì đau mỏi mà đầu hàng, phải làm kẻ đại trượng phu, đại anh hùng.

Kẻ tu hành cần phải có một sự kiên nhẫn không lay chuyển, một ý chí không lùi bước, trước mọi nghịch cảnh tuyệt đối không cúi đầu, tuyệt đối không bị khuất phục. Chân đau lại càng cố chịu đựng, lưng mỏi càng cố gắng. Buồn ngủ ư? Mở to hai mắt, thách thức ma ngủ. Càng buồn ngủ càng tốt, đàng nào cũng tham, tham cho tới lúc dương khí đầy đủ trở lại, thì ma ngủ phải bỏ chạy. Nếu như chúng ta không chiến đấu với ma ngủ, thì ta sẽ muôn đời làm nô lệ cho nó, nghe theo mệnh lệnh của nó và sẽ chịu nó sai khiến.


74. Nhận Ra Bổn Lai Diện Mục [^]

Mục đích chúng ta tham gia thiền thất là cầu khai mở trí huệ, trở về tận cùng gốc gác của mình, tuyệt đối phải nhận ra bổn lai diện mục.

Bổn lai diện mục của chúng ta ra sao? Cùng với chư Phật là một, chẳng sai khác. Có điều chúng ta là chúng sanh không có trí huệ nên không nhận ra nó, và cũng từ nguyên nhân đó mà trở thành điên đảo, quay đầu lộn đuôi, sanh tử trong cảnh mơ mộng hỗn độn, thậm chí còn biến hiện thêm, khiến cho đã mê càng thêm mê, đã ở trong mộng còn thêm mộng, trong chỗ điên đảo còn thêm điên đảo. Vì sao đến nỗi như vậy? Bởi vì không được gặp Thiện tri thức, không được ai mách bảo lối về quê hương, tức con đường tìm bổn lai diện mục. Nay rất đông Thiện tri thức tụ hội tại đây, cùng nhau hướng tới con đường rộng lớn, quang minh để tìm vể bổn lai diện mục. Đúng là:

Thập phương đồng tụ hội

Giai kỳ học vô vi

Thử thị tuyển Phật trường

Tâm không cập đệ quy.

Nghĩa là:

Mười phương cùng tụ hội

Ai nấy học vô vi

Đây là trường tuyển Phật

Tâm không đậu vinh quy.

Quý vị Thiện tri thức từ mười phương, tới Bát-nhã đường này cùng nhau học tập pháp vô vi. Bát-nhã đường chính là trường tuyển Phật. Ai tới được chỗ vô nhân vô ngã thì người đó được chấm đậu. Ai không buông bỏ nổi, kẻ đó bị đánh rớt. Ai được tâm không đây? Người đó được đỗ Trạng nguyên. Lúc đó, áo gấm về làng, rạng rỡ Tổ tông.

Như muốn làm kẻ đại trượng phu, đại anh hùng, vậy phải ngồi xuống tham thiền, mới có thể đạt mục đích. Đại anh hùng chính là bậc đại giác, đại giác chính là Phật. Ngồi thiền mà đạt tới cảnh giới vô ngã, thì chân có đau cũng không hay, lưng có mỏi cũng không biết. Trong, không cảm thấy thân tâm, ngoài, không biết có thế giới, tới lúc đó, trong khoảnh khắc, bừng lên đại ngộ: vốn là như thế!

Nếu rõ ràng có ngã, thì có "cái ngã" ở chỗ này. Quý vị ở tại chỗ này, ai không ở tại chỗ này? Không ở tại chỗ này cũng là ai đó? Không ai ở tại đây, cũng chẳng ai không ở tại đây, cho nên gọi là vô ngã.

Nguyên do vì không có tại, nên mới không có ngã. Nếu còn có tại thì còn có ngã tại. Có tại thì đúng ra phải là tự tại, chớ không phải ngã tại. Tự tại không thể có ngã, nếu có ngã thì không phải tự tại. Có ngã nên mới sanh lắm chuyện phiền phức, kể ra không thể hết được. Nào, ngủ chẳng đủ, tinh thần không khoan khái. Ăn chẳng đủ, bụng không dễ­ chịu. Mặc không đủ, thân thể ớn lạnh. Bởi đâu mà có những hiện tượng đó? Bởi chưng có cái ngã. Muốn không có ngã, chỉ còn một biện pháp, đó là đến thiền đường mà ngồi thiền, thiền tới thiền lui, thiền cho tới lúc đạt được vô ngã, đạt được cảnh giới gọi là: "Vô nhân vô ngã Quán tự tại, phi không phi sắc kiến Như-lai." Tới lúc đó thì tự tại vô cùng, tự khắc sẽ biết bổn lai diện mục là như thế nào. Tuy nhiên, tới được cảnh giới đó chẳng phải d­ễ dàng. Bởi vậy mới cần phải gắng sức nhẫn chịu, chịu đựng mọi thống khổ, mọi sự gian nan. Như quả qua được cửa ải này thì sẽ gặp một sự thống khoái: chính là ăn bằng niềm vui thiền duyệt, và sống trong pháp hỷ.

Bất luận làm một công việc gì, buổi đầu tương đối khó khăn. Lâu dần, sẽ thành quen, không cảm thấy khó nữa. Ngồi thiền cũng như vậy. Trong thiền đường, cố gắng chịu đựng, khi đã chịu đựng được rồi thì không còn cảnh giới nào làm cho giao động. Vậy là đã có chút ít định lực. Có một chút định lực tức sẽ có chút huệ lực. Tích tiểu thành đại, khi huệ lực đầy đủ thì tự khắc khai ngộ.


75. Tham Thiền Chính Là Trì Giới [^]

Chúng ta ngồi thiền, nhất tâm tham, tham "niệm phật là ai?" và giữ vững câu thoại đầu này, liên miên không nghỉ, mật thiết không hở. Vậy trong thời gian tham "niệm Phật là ai?" chúng ta có thể gây được nghiệp xấu chăng? Như là sát sanh, ăn trộm, tà dâm hoặc nói dối, uống rượu, được chăng? Tuyệt đối không thể có những chuyện đó. Vậy là trì giới. Có câu nói: "Bất trì chi trì" chẳng dụng ý trì giới mà tự nhiên trì giới. Trì giới sẽ sanh định lực, do định mà sanh ra huệ. Còn như trong thời gian không tham thiền, đầu óc nổi lên nhiều vọng tưởng, xui khiến người ta có thể sát sanh, ăn trộm, tà dâm, nói dối, uống rượu, thậm chí có thể vọng động đủ thứ chẳng kể việc gì. Một niệm sai lầm, có thể nẩy sanh biết bao nghiệp tội. Ngồi thiền ở đây, chẳng còn vấn đề gì nữa, mọi thứ đều được giải quyết, đó là ý nghĩa chẳng dụng ý trì giới mà tự nhiên trì giới.

Ngồi thiền ở đây tức là chăm tu giới định huệ. Tu giới định huệ tức là diệt trừ tham sân si. Cho nên tham thiền bao gồm đầy đủ các pháp tu, hết mọi pháp đều nằm trọn trong tham thiền. Chúng ta tham, nhưng phải tham hoạt thiền, càng tham càng có trí huệ. Chớ có tham tử thiền, càng tham càng ngu si, lấy mặt trời cho là mặt trăng, há chẳng phải là điên đảo sao?


76. Luyện Thành Thân Kim Cương Bất Hoại [^]

Chúng ta tham thiền để khai mở trí huệ. Khi chưa tới lúc trí huệ khai mở, chúng ta nhất định phải gặp khổ. Thí dụ khi ta dùng lửa lớn để luyện hoàng kim, đốt lên ta sẽ biết thật hay giả. Người ta nói: "Chân kim bất phạ hỏa luyện" vàng thật chẳng sợ lửa của lò. Vô luận luyện cách nào, trọng lượng vẫn không giảm thiểu, mầu sắc lại càng thêm sáng. Thiền đường chính là một lò luyện lớn. Quý vị đều là vàng thật, tại nơi đây luyện thành thân kim cương bất hoại.

Muốn thành thân kim cương bất hoại, lúc đầu phải chịu khổ đã. Khổ tận cam lai, sau đó mới có thể đạt được cảnh giới như vừa kể. Mọi người ráng sức tham đi! Tham đi! Tham cho thấu suốt, ắt thành thân kim cương bất hoại.

Có người nói:

- Cái khổ này, thiệt là chịu không nổi.

Ai biết nó khổ, ai biết nó đau. Lại có người bảo:

- Tôi biết khổ, tôi biết đau.

Quý vị là ai đó? Lại có người bảo:

- Tôi là chính cái thân thể của tôi.

Thân thể của quý vị là quý vị, vậy giả sử quý vị chết rồi thì thân thể của quý vị vẫn còn ở đây chớ? Cớ sao đánh nó, nó lại không biết đau; chửi nó, nó vẫn nhẫn chịu? Lại có người bảo:

- Bởi vì chết rồi nên không còn vấn đề gì nữa!

Vậy thì, ở đây ta coi như chết rồi vậy, cho nên có câu: "Dục yêu nhân bất tử, tiên tác hoạt tử nhân" nghĩa là muốn thành kẻ bất tử, trước hết hãy sống như người chết.

Nay tự ta hãy làm thành người chết, tức là ta sẽ không có tham, không có sân và si. Tại sao có tham sân si? Bởi vì quý vị chưa coi cái thân thể quý vị như một cái thây chết. Nếu đã chết thì còn tham gì nữa? còn sân gì nữa? Còn si gì nữa? Bây giờ, tuy quý vị chưa chết, nhưng hãy cứ làm như chết. Vậy là còn tham cho ai? Sân cho ai? Si cho ai nữa? Cái chết của tham thiền chẳng phải là chết thiệt. Muốn được khai ngộ, tất phải chết một lần, sau đó mới luyện thành thân kim cương bất hoại.


77. Thiền Đường Là Nơi Tạo Thánh Nhân [^]

Hồi Đức Phật Thích Ca tu ở Tuyết-sơn, chỉ ăn một hạt mè, một hạt mì để duy trì sanh mạng. Vì câu chuyện này mà ai ai cũng biết tới Tuyết-sơn. Về sau, Phật đến gốc cây Bồ-đề ngồi tĩnh tọa suốt 49 ngày thì Ngài ngộ đạo, chứng được quả Phật, nên nơi này đã trở thành thánh địa, đúng như câu nói: "Nhân kiệt địa linh" Được gọi là Thánh địa cũng là nhờ danh tiếng của Thánh nhân. Phàm Thánh nhân ở chỗ nào thì chỗ đó biến thành thánh địa. Kẻ phàm phu ở chỗ nào, muốn chỗ đó là thánh địa cũng không thể thành thánh địa được.

Người xưa có câu: "Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa" - thiền đường chúng ta cùng tu hành với nhau, đó chính là nhân hòa. Chẳng làm phiền lòng bất cứ ai, gọi là như pháp. Đạo tràng như pháp mới được như vậy. Có đạo tràng mới có chỗ để mà tĩnh tu, và có tĩnh tu mới được trí huệ. Nếu không có đạo tràng thì dù có muốn tĩnh tu cũng đành chịu. Bây giờ, may mắn chúng ta có được đạo tràng, chúng ta phải nghiêm cẩn tu hành mới đúng.

Thánh địa của chúng ta chính là Bát-nhã đường, nơi chuyên tạo các thánh nhân - chẳng phải người thường, mà là thánh hiền cả, hoặc A-la-hán, hoặc Bồ-đề-tát-đõa. Ai là thánh nhân đều chẳng sợ khổ, chẳng sợ khó. Ai còn sợ khổ, sợ khó, bây giờ tuy chẳng phải là Thánh nhân, tương lai cũng là Thánh nhân. Nói vậy nghĩa là sao? Vốn là, tôi đã từng có lời phát nguyện: "Phàm các đệ tử đã quy y với tôi, nhất định sẽ thành Phật. Nếu không thành Phật, ắt là tôi sẽ chờ họ tới lúc họ thành Phật." Tôi biết chắc tương lai rồi họ cũng thành Phật, cho nên mới nói sau này họ sẽ là Thánh nhân.

Đối với các quý vị, tôi hết sức kỳ vọng, mong quý vị nỗ lực dụng công, chớ có tr­ễ nải, chớ có phóng dật, giữ gìn quy củ, y pháp tu tập, để quyết tâm thành kẻ thánh nhân. Tôi hy vọng trong 98 ngày quý vị thành tựu được quả Thánh nhân kim cương bất hoại.

Ngài Lục tổ có nói:

Phật pháp tại thế gian

Bất ly thế gian giác

Ly giác mịch bồ đề

Cáp như cầu thố giác.

Dịch nghĩa:

Phật pháp ở thế gian

Chẳng (có) giác (giác ngộ) ngoài thế gian

Tìm Bồ-đề ngoài thế gian

Chẳng khác kiếm sừng thỏ.

Căn cứ bốn câu trên trong Kinh văn để phân tích, người tu hành phải có, mà người hộ pháp cũng phải có. Quý vị! Đã nguyện ý xuất gia thì tu pháp, đã nguyện ý tại gia thì hộ pháp. Ai ai cũng làm hết trách nhiệm của mình, làm tròn phận sự của mình. Người xuất gia thì thực lòng tu tập, người tại gia thì thành tâm hộ pháp, mỗi người theo đúng công việc của mình mà làm!

Hết mọi pháp đều là pháp Phật, có cái gì để vui mừng hay không vui mừng? Tham thiền thì ở tại chỗ này dụng công, không nên mang tâm yêu ghét, mà phải dụng công với tâm bình thường. Ví dụ như, mặt nước hồ trong tiết xuân, không gợn sóng, nên các thứ hỗn tạp tự nhiên lắng xuống, làm cho mặt nước lặng và trong. Tham thiền cũng giống như vậy, chẳng có vọng tưởng, thì pháp thân xuất hiện. Mấy câu pháp trên rất là quan trọng, mong quý vị y theo ý nghĩa đó tu hành, tức trí huệ sẽ chóng khai mở. Có câu rằng: "Thuyết đích thị pháp, hành đích thị đạo" nghĩa là, nói ra là pháp, làm ra là đạo. Nay, biết pháp mà không hành đạo, thì chẳng đúng chút nào.


78. Cày được Phần Nào, Thâu Hoạch Được Phần Đó [^]

Nhân dịp cử hành khóa thiền này, rất nhiều người không tin có một nơi nào người ta lại dụng công tu hành như vậy. Có người thì cho rằng chúng ta nói chơi, có người bảo chúng ta khùng. Nếu không, sao lại không ngủ, lại ăn ít, mỗi ngày công phu 21 tiếng đồng hồ? Không thể có chuyện đó, tuyệt đối không làm được đâu! - ngoài người ta phê bình như vậy. Tuy nhiên đối với chúng ta, nhất định chúng ta sẽ thực hiện viên mãn, làm cho họ thất kinh một phen và phải thốt lên rằng: ? Thật sự tu hành!

Mỗi ngày một dũng mãnh tinh tấn, tuyệt đối không thụt lùi, để cho mọi người nhận thấy chúng ta thật sự tu, còn họ thì bị bỏ lại, làm kẻ lạc hậu. Chúng ta phải tiến lên trước họ, để thành những người lãnh đạo của họ, đặng dẫn họ vào con đường tu hành. Muốn thành người lãnh đạo tất nhiên phải tu hành chân chánh. Trong thời gian tu tập, một phút cũng không bỏ uổng, từng giờ từng khắc, từng niệm không quên "niệm Phật là ai?" Điều tối kyï trong việc tu hành là sự lười biếng. Nếu quả có lười biếng thì không tới được chỗ đó. Chỗ đó là ở đâu? Là ở chỗ hết sức mầu nhiệm không thể nói ra được. Cảnh giới đó không thể nghĩ bàn, như người uống nước, nóng hay lạnh người đó tự khắc biết, người ngoài không biết được, chỉ có thể tự mình thể hội mà thôi.

Nếu có cơ hội gặp khóa thiền, ta phải tham dự cho kỳ được. Dự một lần, thâu hoạch được một lần. Không ăn, có thể chịu đói, nhưng không tham gia thiền thất thì không được; không có áo có thể chịu lạnh, nhưng không tham gia thiền thất thì không được. Bởi các chư Phật mười phương đều phải đi qua con đường ấy mới thành Phật quả.

Có người sợ khổ, không dám tham gia thiền thất, đó là một quan niệm sai lầm. Trong quá khứ, chúng ta chưa từng gặp những khóa thiền thất như thế này, thế cho nên chúng ta cứ sanh tử mãi trong vòng luân hồi. Nếu quả đã từng tham gia thiền thất, thì chắc chắn chúng ta không vọng tưởng, chắc chắn không điên đảo; đối với ngũ dục tài, sắc, danh, thực, thùy, tuyệt đối không tham luyến; coi ngũ dục như năm con đường dẫn tới địa ngục vậy.

Ngồi tĩnh tọa tham thiền, khi hỏa hầu tới mức, thì sẽ có một loại định lực kim cương, khiến cho chúng ta không bị ngũ dục lay chuyển. Khi đó, tài chẳng ham, sắc chẳng ham, danh chẳng ham, ăn chẳng ham, ngủ chẳng ham, ngay trong mộng cũng không còn một ý niệm tham dục, trong mộng mà tâm cũng thanh tịnh, đó mới là cảnh giới sẽ đạt tới. Rồi kế đó lại dấn bước thêm tu hành, hành giả sẽ đạt cảnh giới không mộng để thành tựu quả thánh.

Người ta trong lúc tỉnh còn làm chủ được mình. Ngoại cảnh có thể đến dụ, nhưng lý trí kiên cường, định lực sung túc thì ngoại cảnh cũng không thể lay chuyển. Tuy nhiên ở trong mộng thì không làm chủ được. Thấy quỷ thì sợ quỷ, thấy hổ sợ hổ, thấy tiền tài ham tiền tài, thấy sắc ham sắc, tức là bị ngoại cảnh mê hoặc. Thản hoặc, trong mộng có thể làm chủ được, nhưng trong bệnh tật thì lại không được. Hoặc trong khi bệnh tật làm chủ được, đến khi chết lại làm chủ chẳng được. Muốn làm chủ khi sống cũng như khi chết, tất phải tham thiền. Dụng công như vậy, một phần công phu sẽ mang lại một phần thâu hoạch, mười phần công phu sẽ có mười phần thâu hoạch. Có câu nói: "Ông tu ông chứng, bà tu bà chứng" ai tu người ấy chứng, chẳng tu thì chẳng chứng. Giá trị tu hành phải dựa vào chính công phu chân thật của mình, có như vậy thì mới đi lại tự do, tâm thể thanh thản, bởi vì trong thế gian không hề có chuyện không công lao mà được thâu hoạch.



79. Chịu Khổ Là Nền Tảng Tu Phật
[^]

Đức Phật Thích Ca đã thành Phật từ vô lượng kiếp trong quá khứ. Tuy nhiên, do tâm đại từ đại bi của Ngài muốn cứu độ các chúng sinh, đặc biệt những ai chưa có tâm trường vi­nh, không đủ tâm kiên cố và thành khẩn, do đó Ngài thị hiện thành Phật để dẫn dắt họ.

Để nêu ra cái yếu tố căn bản, trong sáu năm Ngài tu khổ hạnh tại Tuyết-sơn. Tại sao phải khổ tu? Bởi khổ tu là nền tảng để thành Phật. Thí dụ chúng ta xây nhà lầu thì công việc đầu tiên là làm nền móng cho kiên cố, sau đó mới xây lên thành lầu cao. Nền móng không chắc thì không thể được, chẳng khác gì xây nhà trên bãi cát vậy.

Chúng ta ngồi thiền tại thiền đường này, so với ở Tuyết sơn thì tốt hơn nhiều lắm. Tuy ăn không ngon, nhưng không đến nỗi đói ăn, ốm nhom như que củi. So với đức Phật Thích Ca ở Tuyết-sơn thì d­ễ chịu hơn biết bao! Nay, chúng ta đã có đủ cơ hội như thế này, có đạo tràng tổ chức thiền tập như vậy, chúng ta nhất định phải phấn chấn tinh thần mà ráng sức tham thiền. Chúng ta phải bắt chước tác phong của Bồ-tát Vi-đà, oai nghi lẫm liệt, cầm chày kim cương để hàng phục ma ngủ, chớ không phải để đầu hàng nó. Đầu gục xuống trước bụng là không phải tư thế đúng đắn của người tham thiền. Cũng chớ có học thói con rùa đen, rụt đầu rút cổ lại, đó cũng chẳng phải oai nghi của người tu thiền.

Dụng công tham thiền cũng không nên làm quá dữ, hay quá yếu ớt, một đàng thì thái quá, một đàng bất cập. Tu hành là phải giữ trung đạo, tránh sự thiên lệch, cho nên có câu nói: "khẩn li­êu băng, mạn liê­u tùng, bất khẩn bất mạn tài thành công" nghĩa là: gấp thì căng, nới thì chùng, chẳng gấp chẳng nới mới thành công. Cứ như vậy, ngày ngày dụng công, từng giờ dụng công, không gấp, không nới, dần dà tới lúc thành công và thành công tức là đạt tới cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Đạt tới cảnh giới đó không quá vui mừng, mà không đạt được cũng không quá bi ai. Như nếu quá hoan hỷ, thì ma hoan hỷ lại tới quấy nhiễu làm ta mất định lực, khiến cho từ sáng tới tối cứ khúc khích cười, không còn vẻ tự nhiên nữa. Có ai hỏi cười cái gì? Không biết. Chẳng hiểu tại sao mà cười, như kẻ phát cuồng, đó chính là ma cuồng ám. Nếu để lòng bi ai quá độ, thì ma bi ai sẽ tới quấy nhiễu, làm ta mất định lực, khiến cho từ sáng đến tối cứ thút thít khóc, một cách bất bình thường. Hỏi tại sao khóc? Nói: "Chúng sanh quá khổ ạ! Đáng thương quá! Tôi muốn cứu độ chúng sanh." Chính mình chẳng độ được mình, thì làm sao độ được chúng sanh? Đó chính là hiện tượng ma bị ai đến ám.

Tại thiền đường chúng ta chuyên tâm tham thiền, chân có đau cũng ráng nhẫn. Nhẫn đến cực điểm thì sẽ hết đau. Tại sao? Vì khổ tận cam lai, sau đó là tốt đẹp, cho nên nói cái khổ chính là nền tảng thành đạo. Mấy câu sau đây di­ễn tả ý nghĩa của cái khổ này:

Bất kinh nhất phiên hàn triệt cốt

Chẩm đắc mai hoa phác tyï hương.

Dịch nghĩa:

Chửa nếm một phen lạnh thấu xương

Đâu được thưởng thức hương hoa mai



80. Một Niệm Chẳng Sanh Toàn Thể Hiện
[^]


Nguyệt đáo thiên tâm xứ

Phong lai thủy bất thức

Nhất cổ thanh dị vị

Lược đắc thiểu nhân tri

Cảnh giới nói trên chính là hình ảnh dụng công của người tu. Công phu tới độ có thể ví như mặt trăng chiếu giữa bầu trời, gió thổi ngay trên mặt nước, mà một chút sóng gợn cũng không có. Đúng là một cảnh tượng vừa thanh tịnh vừa nhu hòa, một ý vị lạ, không mấy ai biết tới.

Dụng công mà tới được chỗ không ta, không người, không chúng sanh, không thọ giả, trong thì không cảm thấy thân tâm, ngoài không hay có thế giới, lúc đó mới lãnh hội được cái ý vị mầu nhiệm này. Có điều rất ít người biết, vì phải qua kinh nghiệm thể hội của chính mình mới biết được.

Tu đạo là tự mình tu cho mình, tự mình dụng công cho mình. Không phải tu cho người khác, không phải dụng công giùm người khác. Có câu rằng: "Việc sanh tử của chính mình, do chính mình giải quyết; tự mình ăn thì tự mình no." Quý vị tu hành thì quý vị có thể li­ễu thoát sanh tử, bằng chẳng dụng công thì dĩ nhiên quý vị chẳng thể giải thoát sanh tử.

Chúng ta tu tập phải làm sao thành kẻ vô tâm, tức là trong không thân tâm, ngoài không thế giới, với hư không là cùng một thể. Đó là lúc mà chấp nhận cũng không, và chấp pháp cũng không. Làm thế nào chứng được cảnh giới đó? Phải tu thiền. Tham thiền thì phải một dạ đinh ninh, tập trung tư tưởng, đầu óc không nghĩ lung tung, giống như mèo rình chuột, như gà ấp trứng, như rồng nuôi hạt châu, hết lòng giữ gìn, chú ý, chuyên tâm mới tới được đích.

Chúng ta tham câu: "Niệm Phật là ai?" Chữ "ai" chính là con chuột và chỗ ngồi tham này cũng chính là miệng lỗ chuột, do đó từng giây từng phút không được chểnh mảng. Nếu sơ hở để chuột chạy mất thì bắt làm sao được "ai?" Bởi vậy mới có câu nói: "Một niệm chẳng sanh toàn thể hiện, sáu căn vừa động bị mây che." Khi một niệm chẳng sanh thì toàn thể cái "đại dụng" hiện bầy, cái gốc trí huệ hiển lộ, nhưng một khi sáu căn, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, dấy động thì chẳng khác gì trời đương quang đãng mà có mây kéo đến, che lấp mặt trời.

Khi một niệm chẳng sanh thì bên trong không thân tâm, bên ngoài không thế giới. Ngồi thiền trong cảnh giới này sẽ không còn hô hấp nữa tuy chẳng phải là đã chết. - bên ngoài không hô hấp nữa, nhưng bên trong, hô hấp vẫn còn hoạt động. Nếu khởi lên ý nghĩ rằng: "A! ta đã hết thở rồi!" thì tự nhiện sự hô hấp tiếp tục trở lại. Một niệm chẳng sanh, hô hấp ngừng lại, đó chính là chuyển pháp luân vô hình, hát khúc ca vô sanh vậy!


81. Tu Đạo Không Thể Sanh Tâm Sân [^]

Trước đây có một vị tu định gọi là phi phi tưởng xứ định, ý muốn sanh lên tầng trời phi phi tưởng xứ. Ông ngồi tu bên bờ biển. Lúc sắp vào định ông nghe có tiếng động từ dưới nước phát lên. Ông ngó xuống thấy một con cá bơi lội dưới nước. Ông bèn tiếp tục việc tu, không để ý gì tới con cá. Tuy nhiên, dưới nước lại phát ra tiếng động ồn ào, liên miên không dứt. Ông mở mắt ra trông xuống, hóa ra lại vẫn con cá đó bơi đi bơi lại trước mặt ông. Một niệm bực tức nẩy sinh trong lòng, ông bèn nói với con cá: "Mày còn phá không cho ta nhập định, ta sẽ ăn thịt mày, nuốt trửng mày vào bụng đó!" Con cá nghe nói vậy, bèn bơi đi không dám trở lại nữa.

Vị tu hành nói trên vào trong định phi phi tưởng, và ngày sau sanh lên tầng trời phi phi tưởng xứ, hưởng phước dài trong tám vạn đại kiếp. Khi hết phước, vị này đọa xuống kiếp súc sanh, làm thân chim biển (ngư ưng), ngày ngày bắt cá ăn để sống, thỏa được nguyện của mình. Tới lúc Đức Phật Thích Ca thành đạo, nhân Ngài giảng pháp độ cho loài chim biển, vị đó mới được giải thoát. Đời sau, vị này làm người, theo Phật xuất gia và chứng quả A-la-hán. Chiếu theo công án này, chúng ta thấy phàm người tu đạo phải tuyệt đối tránh tâm sân hận. Nếu không thận trọng, để tâm sân hận khởi lên, thì tương lai sẽ lãnh hậu quả. Chúng ta nên ghi nhớ để cảnh giác.



--- o0o ---

| Thư Mục Tác Giả |

--- o0o ---
Vi tính : Diệu Nga - Samuel
Trình bày : Mỹ Hạnh

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/04/2012(Xem: 11250)
Hai từ Bụt và Phật đã để lại dấu ấn sâu đậm trong ngôn ngữ lịch sử Việt Nam, vết tích còn thấy trong ca dao tục ngữ của văn hóa dân gian như thành ngữ ăn chay niệm Phật...
12/04/2012(Xem: 12786)
Ăn chay, theo các nhà dinh dưỡng học định nghĩa là một chế độ dinh dưỡng mà thực phẩm được lấy từ các nguồn thực vật bao gồm rau đậu quả củ và ngũ cốc...
11/04/2012(Xem: 8761)
Trong bối cảnh cao điểm cơn sốt hóa chất tăng trọng, tạo nạc, kích thích heo nuôi, thì nếu Phật tử chúng ta khéo sách tấn việc ăn chay, thì chắc chắn hiệu quả rất lớn.
11/04/2012(Xem: 10245)
Hiện nay, nhiều bằng chứng cụ thể cho thấy đậu nành có khả năng làm giảm lượng cholesterol của những người bị bệnh cao mỡ.
10/04/2012(Xem: 7795)
Cố vận động một phong trào dùng lại từ Bụt thay từ Phật đã không thăng tiến được một phương diện nào, không làm cho Phật Giáo Việt Nam phát triển mạnh hơn, cao hơn...
10/04/2012(Xem: 7847)
Thật ra, danh từ Bụt không phải là một danh từ mới, mà vốn đã được tổ tiên nhiều đời người Việt sử dụng từ lúc lập quốc đến nay, gần cả hai ngàn năm...
09/04/2012(Xem: 7728)
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện giữa cõi đời không ngoài mục đích giải thoát khổ đau cho nhân loại. Từ địa vị thái tử cao quý, Ngài đã giã từ lạc thú trần gian...
09/04/2012(Xem: 11786)
Các phương cách đản sanh của chư Phật đều giống nhau như sự xuất hiện của các ngài giữa thế gian này đã cảm ứng đến thế giới chư thiên và các loài khác...
09/04/2012(Xem: 10664)
Nhân ngày lễ Phật Đản năm nay, chúng tôi xin trình bày về đề tài: "Nếp sống Phật Giáo", một đề tài mà chính Đức Bổn Thích Ca đã giảng thuyết nhiều lần, nhưng cụ thể và rõ ràng là trong các bài Kinh Đức Phật dạy người con trai của mình là La Hầu La, sau khi La Hầu La xuất gia. Những bài Kinh này đều có bản dịch trong Trung bộ Kinh II, Kinh thứ 61 và 62 và trong Trung bộ Kinh III, kinh thứ 147.
08/04/2012(Xem: 7408)
Chân Như vừa huân tập ở hai mặt ‘bên trong’ và ‘bên ngoài’. ‘Bên trong’ là huân tập trong tâm hành giả. ‘Bên ngoài’ là huân tập từ bên ngoài, tức là từ chư Phật, Bồ-tát...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]