Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Mùa Xuân đạo hạnh

13/05/201313:03(Xem: 10445)
Mùa Xuân đạo hạnh
Cho Trọn Mùa Xuân


Mùa Xuân Đạo Hạnh

HT. Thích Đức Niệm
Nguồn: www.quangduc.com


mai-4Hôm nay nhân ngày xuân tết, Thầy có đôi lời nói về xuân đạo để trao gởi đến các huynh để làm quà xuân. Nói đến xuân đạo tất nhiên phải có xuân đời. Bởi thế gian tương đối đạo đời đô ngả, do đó mới có mê ngộ, giả chơn, vui khổ. Như kinh Phật nói, do có chúng sanh khổ mà Bồ-Tát hành đạo Bồ-đề để cứu khổ chúng sanh.

Như các huynh đệ đều biết, xuân đời là xuân ngoại tại theo cảnh trần, người đời vui áo đẹp, trang sức thiệp xuân, tiệc tùng chúng tụng, lì xì, pháo nổ, vui cười hỷ hạ trong ba ngày tết. Đó là những người may mắn dư ăn, dư mặc, tiền bạc có thừa. Nhưng bên cạnh đó còn có biết bao người sống trong cảnh bất hạnh bịnh hoạn, nợ nần, con bất hiếu, suốt năm đầu tắt mặt tối ngược xuôi chạy lo miếng ăn, gia đình phân tán, sự nghiệp chẳng thành, thì xuân tết đến lại làm cho lòng họ thêm chua xót, tủi hờn về thân phận kiếp sống phù sinh. Nên thi nhân kín đáo thốt lên:

Hoa xuân không nắng cũng phai màu
Trên mặt người kia in vết đau

Khác với xuân đời, xuân đạo không tạo cho riêng những người có được đời sống may mắn hưởng vui trong ngũ dục lạc hay xúc tác kẻ bất hạnh đau buồn trong cảnh bần cùng phân ly. Xuân đạo hạnh là xuân tâm an lý đắc tự tại trong cảnh thanh bần hay phú quý, an nhiên trước tình đời và vạn vật. Xuân đạo là xuân nội tại an nhiên, là tâm xuân, tâm không dính mắc theo hoàn cảnh thăng trầm thịnh suy tan hợp. Xuân đạo là xuân không nặng tình về hình thức chưng diện điểm trang bên ngoài, mà hoài bão thanh tịnh nội tại tâm linh bằng cuộc sống tỉnh thức tâm bình tự tại, nên không chướng ngại cảnh vật thời gian hợp tan suy thịnh.

Vậy làm thế nào để có tâm xuân, mùa xuân nồng hậu hương sắc đạo hạnh? – Kinh điển Phật giáo có khả năng tạo cho nhân loại có vườn hoa xuân đạo hạnh vĩ đại và trải dài khắp nhân gian, ngạt ngào hương xuân tươi mát muôn thời muôn nơi muôn thuở. Giáo lý đạo Phật có thừa năng lực tạo cho những ai thức thời biết tìm lẽ sống bước vào vườn hoa đạo hạnh vô biên đó để hái hoa xuân, thưởng thức hương xuân và sống chơn thường an lạc trong thanh khí trời xuân.

Trong vườn hoa đạo hạnh có những đóa hoa tươi mát ngạt ngào hương sắc như hoa Bát-chánh-đạo, Tứ-diệu-đế, Thập-nhị-nhân-duyên, Lục-độ, Tứ-nhiếp-pháp, Ba-mươi-bảy-phẩm-trợ-đạo, Ngũ-giới, Thập-thiện v.v… đấy là những đóa hoa xuân thiên nhiên vĩ đại trải rộng dài tươi mát ngào ngạt hương sắc khắp cả trần gian. Bất cứ ai, không luận già trẻ gái trai sang hèn giàu nghèo, hễ biết cầm lấy một trong những đóa hoa đạo hạnh kia ấp ủ vào lòng tha thiết thương yêu gìn giữ nó, thì tức khắc thân tâm an lành thanh thoát, thưởng thức hương sắc hoa xuân thơm mát như nước cam lồ, bao nhiêu phiền muộn liền đó tiêu trừ, cảm nghe tự đáy lòng từ lâu hoang dại buốt giá được sưởi ấm, thầm nở nụ cười xuân của Bồ-Tát Di-Lặc. Chỉ cần biết cầm lấy một trong những đóa hoa xuân đạo kia ấn sâu vào lòng, thận trọng giữ gìn thì tự nhiên tâm an lý đắc trần ngập trời xuân, nhìn khắp mười phương đất trời đều thấy hoa tươi bướm lượn, vạn vật hòa điệu cùng tâm linh, sinh động vui cười không còn có sự ngăn cách giữa người và mình, vạn vật và ta. Cổ
đức nói:

Tâm xuân vũ trụ đều xuân
Tâm bình thế giới đâu đâu cũng bình

Ngày xưa tôn-giả Tu-Bồ-Đề hỏi Phật làm thế nào được tâm an lý đắc để có mùa xuân bất diệt? Đức Phật trả lời: “Nên an tâm vô sở trụ.” Tu-Bồ-Đề vâng theo lời Phật dạy, vận dụng trí huệ để tâm nơi vô-sở-trụ, nhờ đó mà rũ sạch hết phiền não trần cấu, tâm trí khai thông, liền được trời xuân tràn ngập nơi lòng, suốt thông thật tướng các pháp, thể nhập chân lý vạn hữu. Bất cứ ai trong chúng ta chứ chẳng riêng gì tôn giả Tu-Bồ-Đề, hễ một khi bước vào vườn hoa đạo hạnh, nhặt lấy một trong những cành hoa kia ấn sâu vào lòng ấp ủ với tâm quý mến giữ gìn, thì ngay đó sống trong trời xuân Vạn-Hạnh. Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền-Liên, Ca-Chiên-Diên, A-Nậu-Lâu-Đà, La-Hầu-La, v.v.. vô số các tôn giả cho đến kỳ nữ Liên-Hoa-Sắc, chàng gánh phân Ưu-Ba-Ly biết nghe lời Phật khuyên, nhặt lấy hoa đạo kia ấn sâu vào lòng với tâm yêu quí giữ gìn nó một cách cẩn thận thiết tha mà các vị đó đã trọn hưởng trời xuân bất tận, thoát kiếp trần lao phiền não đọa đày.

Thậm chí đến những kẻ vui thích chinh chiến binh đạo, hăng máu với chiến trận, tự lấy làm vinh dự bằng xương trắng máu đào chồng chất núi sông như vua A-Dục, kẻ vô minh gây tội ác sát hại cha mẹ như A-Xà-Thế, phá hại Phật như Đề-Bà-Đạt-Đa, cuồng tín ngoại đạo như chàng Vô-Não v.v… Nhưng khi biết nhận lấy cành hoa đạo với trọn cõi lòng yêu thích giữ gìn thì ngay đó được thưởng thức trời xuân hương hoa ngào ngạt, hương sắc hoa đạo đã trang sức thân tâm, họ đã trở thành những người lành vang danh trong thiên hạ và tận hưởng mùa xuân đạo hạnh chơn thường miên viễn. Trong sách sử nhân loại còn ghi đậm nét, biết bao người khốn cùng quẫn bách muốn quyên sinh, biết bao kẻ toan trầm mình theo dòng nước vì thất chí lỡ vận, biết bao gã si tình hoặc tự thấy mình thông minh bác học sống đời ngông cuồng kiêu căng mục hạ vô nhơn bất cần đời, nhưng một khi biết nhặt lấy hoa đạo ấn sâu vào lòng với tâm yêu quí thích thương gìn giữ cẩn thận, thì liền đó có được mùa xuân hạnh phúc miên trường, thân tâm thấm nhuần hương sắc trang nghiêm, đời trở nên an lạc tươi sáng thánh thiện.

Các huynh đệ cũng nên ghi nhớ rằng, khi hoa đạo đã cầm trên tay, ngay đó ấn sâu vào lòng, cẩn thận giữ gìn trong trạng thái luôn luôn minh mẫn tỉnh thức sống với hoa, săn sóc hoa để hương sắc hoa trang sức thân tâm mình được thanh tịnh thơm mát như hoa. Tuy nhiên, phải ý thức rằng, tay đang cầm hoa mà thực không thấy có cầm, cũng không có hoa nào để mình cầm, “nhứt thiết giai không, tâm vô trụ trước,” tâm tỉnh thức trực đạt cảnh giới không, được như thế mới thực sự đang sống trong lòng mùa xuân đạo hạnh muôn thuở.

Ngài Quán-Tự-Tại nhờ thâm nhập quán chiếu ngũ uẩn “đều không” mà vượt thoát ngòai vòng khổ ách. Từ ý nghĩa này, các huynh đệ nên ý thức, hễ tâm còn chấp trước là còn dính mắc. Tâm còn gút mắc là còn rắc rối, còn nhân ngã thị phi bỉ thử. Hễ còn nhân ngã thị phi bỉ thử thì còn hơn thua đắc thất, liền đó nẩy sanh phiền não khổ lụy buộc ràng, khó thoát khỏi sanh tử luân hồi. Thế nên, tâm đơn giản thì sự việc giản đơn, không gợn chút phiền não nẩy sanh. Tâm hỷ xả buông thả thì lòng mở rộng thong dong không biên giới, thanh thản mặc sức hưởng xuân đạo hạnh. Nếu tâm không như thế thì cho dù chức vị trong đạo hay ngoài đời có cao đến đâu, giàu sang phú quí đến mấy, hay chùa to Phật lớn đi nữa, mà chấp trước đắc thất hơn thua thì khó mà được giải thoát với phước đức vô lậu, tất nhiên bị phàm tâm chế ngự, để rồi phải đọa lạc sanh tử luân hồi trong ba đường ác.

Xưa có vị thiền sư uyên bác, giảng kinh thuyết pháp làu thông, tiếng khen lan truyền bốn phương, thiên hạ xa gần ngưỡng mộ, đồ đệ đông đảo, chùa viện huy hoàng. Ngày ngày thiền sư ngoài giờ tham thiền giảng kinh ra, Ngài an nhàn thả bộ thiền hành trong vườn, ngắm cây kiểng trúc tùng mai bách, hòn non bộ xinh xắn trong hồ Quan-Âm nước chảy róc rách, thanh thoát thiền vị biết bao! Trước phong thái thong dong trong cảnh thanh nhàn thiền vị đó, đã có số đệ tử Ngài ca tụng thần thánh hóa khiến cho một ít thập phương Phật tử tin theo nức lòng ngưỡng mộ nghĩ rằng thiền-sư đã chứng đạo hoặc Bồ-Tát hóa thân độ đời. Nhất là thiền-sư lúc nào cũng giảng nói khuyên người dùng trí huệ buông xả, chê việc niệm Phật là còn chấp,xem nhẹ người tụng kinh bái sám là thấp kém hạ căn. Mà chính thiền-sư cũng tỏ ra thanh cao buông xả thật. Nhưng tự đáy lòng thâm sâu của thiền-sư lại đặc biệt thương mến bụi mía do chính tay mình trồng, nên ngày nào mía cũng được chính thiền sư săn sóc nước phân vui xới cẩn thận. Càng săn sóc, mía càng xanh tốt mập cao. Thiền sư vui thích bụi mía, ngày ngày ngắm nghía vuốt ve, đôi lúc còn đắc ý khoe với bổn đạo đệ tử. Thế rồi vào một chiều, thiền sư cảm thấy thân thể bất an, trong người khó chịu, không còn ra vườn như thường nhật. Nằm trên giường bệnh, mà thiền sư không quên nhắc nhở đệ tử nên nhớ chăm sóc bụi mía thương thích kia. Vài ngày sau đó, trước khi trút hơi thở cuối cùng, thiền sư vẫn còn cố gắng căn dặn đệ tử nhớ chăm sóc bụi mía. Do lòng thương mến bụi mía, mía đã bao tháng ngày quen tay quen mắt săn sóc của thầy. Vừa trút hơi thở cuối cùng, cận tử nghiệp đã đẩy thần thức thiền sư vào đường súc sanh làm kiếp con sâu trong bụi mía.

Nhớ lại ngày thơ ấu khi Thầy còn làm chú điệu ở trong ngôi chùa cổ. Có một hôm Bổn-Sư của Thầy đang giảng dạy về Qui-Sơn Cảnh-Sách cho học chúng. Người giảng đến câu “nghiệp quả sở khiên thành nan đào tị.” Có nghĩa là một khi nghiệp quả kéo lôi thì thật khó mà trốn thoát. Trong lúc Bổn-Sư của Thầy đang giảng giải về ý nghĩa chữ nghiệp, bỗng đâu trên đầu cột mái chùa có chú cắc kè kêu lên mấy tiếng khô khan như than thở. Bổn-Sư nhân đó nói: “Xây cất chùa mà chấp trước vào đó để tự hào tự đắc mình có chùa to Phật lớn, rồi tự mãn sanh tâm ngã mạn, khi chết, do lòng tiếc nuối có thể bị cận tử nghiệp dẫn dắt vào đường súc sanh làm con cắc kè.” Các huynh đệ đã từng nghe chuyện vua Lương-Võ-Đế hỏi Đạt-Ma thiền tổ về việc nhà vua làm hơn ngàn cảnh chùa, đã cúng dường nuôi dưỡng hơn ba ngàn tăng ni, việc làm đó có công đức ít nhiều gì không, thì Đạt-Ma thiền tổ trả lời: Không! Và liền đó, Đạt-Ma lặng lẽ rời xa hoàng cung, từ tạ sự cúng dường cung phụng của nhà vua để vào núi ở ẩn tu.

Các huynh đệ cũng nên biết, tất cả sự việc ở đời hữu hình tất hũu hoại, hữu tâm chấp trước tất hữu chướng ngại trên bước đường tu hành đạt đạo giác ngộ giải thoát, như kinh Kim-Cang Phật nói: “Nếu lấy hình sắc để thấy ta, dùng âm thinh để cầu ta, người đó tu tà đạo, không thể nào thấy được Như-Lai.” (Nhược dĩ sắc kiến ngã, dĩ âm thinh cầu ngã, thị nhơn hành tà đạo, bất năng kiến Như-Lai.)

Người tu học Phật phải luôn luôn ý thức tất cả sự việc thế gian đều là mộng huyễn giả tạm, chúng ta làm tất cả Phật sự đều phương tiện nhằm để hoằng truyền chánh pháp lợi ích chúng sanh. Không nên chấp vào đó thấy có không, còn mất, đắc thất, hơn thua, mà sanh tâm vui buồn tự cao hay mặc cảm. Kinh Bát-Nhã Phật nói: “Pháp thượng hữu xả hà huống chi pháp.” Nghĩa là, Pháp Phật còn buông xả huống nữa là phi pháp. Bởi vì một khi chứng ngộ rồi thì đâu còn cần kinh điển, cũng như kẻ đã qua sông rồi thì đâu cần ngồi thuyền? Nên biết thế gian vạn vật hình danh sắc tướng cho đến chính thân con người cũng đều do duyên sanh, hư vọng sanh diệt. Như kinh Thủ-Lăng-Nghiêm đức Phật xác định về bản chất vạn pháp: “Nhân duyên hòa hợp hư vọng hữu sanh. Nhân duyên biệt ly hư vọng hữu diệt.” Nghĩa là sự vật trên đời nầy do nhân duyên hòa hợp mà sanh thành với bản chất tạm bợ hư vọng không thật. Một khi nhân duyên không còn hòa hợp nữa thì sự vật tan hoạt theo hư vọng. Đến như cái thân của ta đây, mạng sống của ta đây còn không giữ được thì cái gì ở ngoài thân ta như tiền bạc nhà cửa danh vọng làm sao có thể tồn tại được! Xưa nay đều như thế và mãi mãi về sau cũng như thế.

Các huynh đệ nên nhận định rõ ý nghĩa nầy, ghi tâm khắc cốt để thời thời khắc khắc cảnh tỉnh mình, quán chiếu nội tâm sống trong tỉnh thức, đừng để danh sắc thị phi lung lạc mê hoặc cuốn lôi. Việc gì qua rồi thì đừng ngồi suy nghĩ luyến tiếc. Đừng chấp vào lời nói khó nghe, cử chỉ khó coi của người để khỏi phiền não bận tâm. Ngày trước các huynh đệ phát tâm xuất gia học đạo bằng cõi lòng trong sáng nhiệt tâm như thế nào, thì ngày nay và cho mãi đến suốt đời phải nên sống trọn với sơ tâm xuất gia tinh thuần trong sáng ấy và gìn giữ cẩn thận nó để hành đạo. Đừng để tinh thần lúc sơ tâm xuất gia phai mờ thối thất thì đường tu Phật sẽ khó đạt thành. Được như vậy thì ngày kiến tánh thấy Phật không xa. Do đó mà cổ đức nói: “Sơ tâm xuất gia, thành đạo hữu dư” là ý nghĩa nầy đây.

Người tu học Phật xa lìa ngũ dục thế gian, nhất là người xuất gia đã quyết cắt ái từ thân, nguyện hiến dâng trọn đời mình cho Phật pháp, trên cầu giác ngộ giải thoát, dưới nguyện hóa độ chúng sanh, hiện đời hành đạo bồ đề, lai thế làm bậc đạo sư nhân thiên. Nếu không sống với ý nghĩa nầy, không có ý chí như vậy, thì không còn ý nghĩa tu học Phật. Nhất là không có tinh thần buông xả vị tha, tâm không dẹp bỏ nhân ngã bỉ thử nghi kỵ thị phi tham sân chấp ngã, không biết để danh dự tăng đoàn, sự hưng thịnh đạo pháp trên danh dự của cá nhân mình, thiếu nghiêm túc hành trì giới pháp mà mặc áo xuất gia ăn cơm bá tánh đàn na không biết tàm quý thì đó là lạm xưng tăng già Thích-tử thật khó mà tránh khỏi rơi vào ba đường dữ.

Ngày hôm nay các huynh đệ còn ngồi trên ghế Phật-Học-Viện chuyên tâm tu học, lòng dạ tinh thuần thiết tha với đạo như thế nào, ngày mai kia khi ra hành đạo, Thầy ước mong các huynh đệ cũng nên giữ lòng trong sạch tinh thuần như thế, luôn luôn sống theo giáo lý đã học, thận trọng ngôn hạnh trong khắp mọi thời mọi nơi, được như thế thì mới không rời vào vòng danh sắc tham chấp nhân ngã thị phi. Tâm tâm niệm niệm luôn nghĩ nhớ lời Phật dạy: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như-Lai.” Nghĩa là, nếu còn chấp vào hình danh sắc tướng thì còn mắc vào nhân ngã, khó thoát ra ngoài lưới thị phi bỉ thử, để rồi từ đó phải bị chìm vào trong tình thức phân biệt phàm phu đời đời không thấy Phật. Dù có chức vị cao, chùa viện lớn, bổn đạo đông đến mấy đi nữa, những thứ đó không thực tế giúp ta thoát vòng luân hồi nghiệp báo. Như Ngộ-Đạt Quốc-Sư hơn mười kiếp tinh tấn tu hành lừng danh thiên hạ, làm thầy của vua chỉ vì một niệm mống tâm thích ghế trầm hương của vua ban thưởng mà phải rơi vào vòng quả báo!

Các huynh đệ phải luôn luôn tự cảnh giác để giữ lòng trong sáng suốt trọn đời tu mới có thể thăng hoa đạt đạo. Nếu chỉ muốn sống đời dễ dãi tà tà la cà nơi nầy nơi khác cho qua ngày hết tháng, thích trò chuyện luận bàn ói cười vui với những chuyện thị phi vô nghĩa thì khó tránh khỏi sa ngã vào vũng bùn danh lợi hơn thua, chẳng những đường đạo không được gì, mà đường đời phạm phải lỗi bất hiếu, thiếu bổn phận làm người, và như vậy vô tình nợ của đàn na tín thí mà ngày ngày mình thọ dụng. Tâm không biết kiêng nể nhân quả nghiệp báo thì sẽ đưa đến hành động gây rối tăng đoàn, họa hại Phật pháp, để rồi khó tránh khỏi phạm những tội ngũ nghịch! Nhân cách không thành thì đạo cách khó đạt. Phải quyết dẹp trừ tâm niệm địa phương, bè phái, tự ái, cá nhân. Biết sống theo pháp lục hòa, đặt đại nghĩa đạo pháp và chúng sanh lên trước để phụng sự, dù phải hy sinh. Luôn luôn phát triển tâm khiêm cung nhẫn nhục thượng kính hạ nhường, chớ nên vượt bực tôn ty. Tuyệt đối y theo giới pháp hành đạo. Như thế mới thoát vòng “kim sanh bất liễu đạo, phi mao đới giác hoàn.” Nghĩa là đời nay không chánh tâm thực hành đúng theo lời Phật dạy, không cố gắng tu tập để thâm nhập Phật pháp, thì sẽ rơi vào loài thú mang lông đội sừng để hoàn trả nợ áo cơm tín thí và ân đức sanh dưỡng của mẹ cha.

Mỗi thời công phu khuya trước Phật đài, các huynh đệ đều thành tâm nguyện “tương thử thân tâm phụng trần sát, thị tắc danh vi báo Phật ân.” Trong khi tán thán công đức Phật, các huynh đệ nguyện quyết chí tu hành đạt đến “Tam môn thanh tịnh tuyệt phi ngu,” đó là những lời phát nguyện thành khẩn tha thiết của người tu học Phật xuất trần thượng sĩ. Chân chánh tu học theo Phật, không phải chỉ đọc tụng làu thông kinh sách là đủ, mà còn phải thực hành ý nghĩa kinh luật. Tụng kinh, thuyết pháp, giảng đạo, viết sách không phải chỉ để cho người nghe và lấy đó làm đắc ý với những lời khen tặng, mà trước nhất là tu tâm sửa tánh bồi đức cho mình, rồi sau hồi hướng pháp giới chúng sanh đều được an lành lợi lạc. Tức là trước phải tự giảng cho mình, thuyết cho mình, viết cho mình. Nói cách khác, nghĩa là phải tự hỏi, tự cảnh giác mình đã thực sống với những điều mình đã tụng, giảng, nói, viết đó chưa? Nếu chỉ lo nặn tim bóp óc viết triết lý cao siêu, giảng nói thao thao văn chương lưu loát mà tâm ý chưa xả nhơn ngã thị phi, đời sống thường nhật phi đạo hạnh thì hóa ra đã trở thành kẻ chăn cừu cho chủ, người đếm bạc ngân hàng, máy phát thanh chẳng khác. Thế nên, mình phải thành tâm thiện chí thật hành những gì mình hiểu rồi sau đó mới truyền dạy cho người. Đức Phật và các đệ tử chứng thánh của Ngài đã thể hiện trọn vẹn ý nghĩa kinh điển qua hành vi cử chỉ tâm niệm hàng ngày. Vì vậy, cổ đức nói: “Đạo nơi đời sống thường nhựt chớ chẳng tìm đâu xa.” Nghĩa là thời thời phải biết ý thức hành vi biến chuyển của mình để thường hằng thúc liễm thân tâm, lấy từ bi trí huệ, hỷ xả soi sáng cho đời sống thực tại, đó là đạo.

Nhân đây Thầy tưởng cũng nên nhắc thêm: Nếu ngày kia các con hành đạo thâm niên được tấn phong thượng-tọa, hòa-thượng cũng chớ mống tâm vui mừng, và khi người ta không xưng gọi mình bằng những danh từ đó thì cũng đừng buồn chấp. Tu Phật đặc biệt quan trọng là xả danh tướng. Danh tướng không xả thì ba đường ác khó thoát qua. Mà kinh nghiệm cho thấy, người xuất gia tu học Phật đẹp nhất, gần gũi nhất, thân tình nhất và bình dị nhất là xưng gọi Thầy. Danh từ Thầy nó mang đầy chất liệu hiền hòa lân mẫn thân thiết làm sao! Hoặc chẳng may ngày kia nếu nghiệp trần chướng duyên còn nặng không đủ duyên phước tiếp tục sống đời xuất gia thì đường đường chân chánh cầu xin xả giới hoàn tục làm cư sĩ nhiệt tâm thành ý hộ đạo, đem lòng kính trọng chư tăng chân tu hoằng pháp, làm tròn bổn phận của người cư sĩ chơn thuần cũng rất quý, chớ nên để người gọi mình là thầy nữa sẽ bị tổn phước. Ngày nào thuận duyên trở lại xuất gia thì nên bắt đầu từ sa-di trở đi, không nên vượt bực mà tổn phước. Mắc vào hình danh sắc tướng chẳng nh
ững tự mình tổn phước đức mà còn tạo sự sứt mẻ thứ tự giới luật, phiền phức tăng đoàn, thế nhân dị nghị.

Đệ tử Phật có hai hạng xuất gia và tại gia. Xuất gia thuộc Tăng-bảo một trong ba ngôi Tam-Bảo, ngày đêm chuyên tâm tu tập, hoằng pháp lợi sanh, sống đời thanh tịnh bằng sự nghiêm chỉnh thọ trì giới pháp. Còn hàng tại gia thì có bổn phận hộ đạo hộ pháp. Có những người đã hoàn tục mà còn muốn người gọi mình là thầy, được kính trọng như Tăng-bảo thì tổn phước biết chừng nào. Các huynh đệ nên tỉnh thức phải hết sức tỉnh táo nhận định rõ biết mình đang ở cương vị nào và đem hết lòng làm xứng đáng vào cương vị đó, ấy là thiện-tri-thức.

Tóm lại, đạo ngay trong đời sống tâm niệm hành vi. Tùy hỉ công đức, nhường trước cho người, phước bất khả hưởng tận, nhẫn nhục khiêm cung, tận trung, tận hiếu, tận tâm sửa tánh là đạo. Đặc biệt chớ nên nhìn vào lỗi người mà phải hồi quang phản chiếu quán sát tìm lỗi nơi mình. Kinh Pháp Cú, đức Phật nói: “Thấy lỗi người thì dễ, thấy lỗi mình mới khó.” Thích phanh phui chỉ trích lỗi người, còn lỗi mình thì cố che dấu như kẻ cờ gian bạc lận dấu quân bài, như người cố dấu thói hư tật xấu sợ người ngoài biết. Đây là bịnh chung của kẻ tâm đầy phàm tục. Người tu học Phật không nên mắc phải. Người quân tử không muốn nghe thấy lỗi người. Kẻ tiểu nhơn ưa thích cố tìm thấy lỗi người. Phật tử thì phải biết chính mình thật rõ, chỉ muốn thấy nghe điều tốt của người để tự gạn bỏ tà quấy, xây dựng chánh niệm chánh hạnh. Nhất là người xuất gia, điều trọng yếu là y theo giới pháp hành trì, biết tôn ty khiêm cung, tập đời sống vị tha, buông thả, sống vô tâm. Vô tâm thì đạo có cơ đạt thành. Kinh Pháp-Bảo-Đàn, Lục-Tổ Huệ-Năng có lời khuyên chúng ta rằng:

Nhược chân tu đạo nhơn
Bất kiến thế gian quá

Nghĩa là:
Nếu người tu chân chánh
Chớ thấy lỗi thế gian

Năm mới, Thầy có đôi lời thân thiết trao gời đến các huynh đệ làm quà xuân. Hy vọng từ những lời chân tình mộc mạc nầy, các huynh đệ có thể ít nhiều xây dựng cho mình mùa xuân thường tại nơi lòng, để được mãi mãi sống trong mùa xuân đạo hạnh.

Biết trách mình thì được tiến bộ, thanh tịnh, an lạc. Còn trách người là còn khơi nguồn buồn phiền, xa cách, tâm không an bình.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/07/2021(Xem: 5888)
Những “Tôn Giáo với lòng nhân từ” không thuộc về Thiên Chúa Giáo đã sớm được những nhà khoa học về Tôn Giáo của phương Tây chú ý theo dõi, đặc biệt vì song song với việc cải cách tư duy của Sola Gratia (chỉ cần nhân ái) và Sola Fide (chỉ qua niềm tin), được đặc biệt đáng chú ý. Cũng như vậy, Rudolf Otto trong quyển sách của ông ta nhan đề là “Tôn Giáo với lòng nhân từ của Ấn Độ và Thiên Chúa Giáo” (Gotha xuất bản năm 1930) theo chiều hướng của Ấn Độ Giáo, lòng nhân từ là điểm chính đã được đề cập đến, mà còn được xem là “sự cạnh tranh trọng yếu” của Thiên Chúa Giáo. Ngay cả học trò của Otto là Gustav Mensching cũng đã sẵn sàng dựa vào đó để tạo thành tác phẩm Tôn Giáo về hiện tượng Tôn Giáo.
11/07/2021(Xem: 6677)
Tháng vừa rồi, tôi dành thời gian để đọc và suy ngẫm về cuốn sách “Tìm bình yên trong gia đình”. Đơn giản bởi tôi và nhiều chúng ta đã dành quá nhiều thời gian hướng ngoại và đôi khi quên mất gia đình. Đôi khi giật mình, đã không đầu tư đủ thời gian cho ngôi nhà của mình, đã không biết cách để bình yên luôn có trong ngôi nhà thân thương của mình. Cảm quan về tựa đề sách và trang bìa của cuốn sách khiến tôi có cảm giác như được bước vào một thế giới với những trang sách tràn ngập nội dung bình yên, giúp tôi được bồng bềnh nhẹ tựa mây. Đọc sách, tôi giật mình: Những bước chân trên cuộc hành trình TÌM BÌNH YÊN TRONG GIA ĐÌNH trong cuốn sách thực sự không hẳn êm đềm như những gì tôi tưởng tượng. Sau khi đọc hết một nửa chương sách. Mình đã phải dừng lại hồi lâu. Bởi vì quá xúc động!
10/07/2021(Xem: 4762)
Nhà nước Trung Quốc đang bơm tiền cho chiến lược Nhất Đới Nhất Lộ, còn gọi là Con Đường Tơ Lụa Mới, ra sức đầu tư để ảnh hưởng vào gần 70 quốc gia và tổ chức quốc tế. Tiếng Anh gọi chiến lược gây ảnh hưởng này là "Belt and Road Initiative" và tiếng Việt gọi là "Một vành đai, Một con đường" -- trong đó, Phật Giáo là một phần tiếp cận để chinh phục nhân tâm. Đó là nhận định của tác giả P. Stobdan trên các báo Ấn Độ.
09/07/2021(Xem: 5278)
Soi sáng lời dạy của đức Phật là tựa đề tác phẩm tập hợp nội dung các bài giảng, các bài pháp thoại của Hòa thượng Pháp Tông trong những buổi giảng kinh ở một số khóa tu học Xuất gia gieo duyên những năm trở lại đây, hoặc trong các buổi giảng dạy định kì ở chương trình cùng tên vào mỗi sáng thứ bảy tuần thứ nhất và tuần thứ ba trong tháng.
09/07/2021(Xem: 5146)
Vào ngày Thứ Ba (June 22) vừa qua, được sự cho phép của chính quyền địa phương làng Krisna và Pawanpur Village Bihar India, nhóm Từ thiện Bodhgaya Heart chúng con, chúng tôi đã tiếp tục hành trình cứu trợ thực phẩm cho dân nghèo mùa Dịch covid. Xin mời chư vị xem qua một vài hình ảnh tường trình.. Buổi phát quà cứu trợ cho 354 căn hộ tại 2 ngôi làng cách Bồ đề Đạo Tràng chừng 36 cây số.
07/07/2021(Xem: 4444)
Tâm Kinh nói rằng: “Sắc tức là không, không tức là sắc.” Sắc sao lại là không? Không sao lại là sắc? Vấn đề nầy khiến cho mọi người luôn luôn cảm thấy có phần nào khó hiểu; hình như đây là hai đối tượng, đều biến thành cực đoan, làm sao có thể hợp nhau lại thành một được? Nguyên vì chúng ta thường đem vấn đề Sắc trực tiếp tiến hành khảo sát thì có quan điểm để giải thích, còn đem vấn đề Không trực tiếp tiến hành khảo sát thì không có quan điểm để lý giải.
06/07/2021(Xem: 5756)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Thiện hữu & quí vị hảo tâm. Vào ngày Thứ 7 (July 03) vừa qua, chúng con chúng tôi đã thực hiện một buổi phát chẩn tại 2 ngôi Làng Kusa & Niranjan Village. Làng Kusa chính là ngôi làng có ngôi đền Kusa Temple cách Bồ đề Đạo Tràng chừng 6 cây số, đánh dấu nơi ngàn xưa Thế Tôn đã thọ nhận 8 bó cỏ của người nông phu, rồi từ địa điểm đó Ngài đã mang cỏ về trải làm toạ cụ dưới Cội Bồ Đề và tu hành chứng Đạo. Hiện nay dân chúng nơi đây nói riêng và nhiều nơi trên xứ Ấn nói chung vẫn khổ sở vì Dịch Covid còn kéo dài lê thê, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nên kinh tế của xứ này
06/07/2021(Xem: 5842)
Bài viết này có chủ đề về các pháp thực dụng cho người bệnh nặng, hay đang nằm trên giường cận tử. Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, nhiều nơi tại Việt Nam đang phong tỏa và cách ly. Riêng tại Sài Gòn vào đầu tháng 7/2021 đã có 636 điểm phong tỏa, nghĩa là cả nước có cả ngàn điểm phong tỏa để khoanh vùng chống dịch. Do vậy, câu hỏi dễ gặp là: người cư sĩ nên nói gì với một cư sĩ khác đang nằm bệnh hay đang hấp hối? Và nhiều trường hợp khác, tương tự. Một số pháp ghi lại nơi đây thích nghi với cả hàng cư sĩ, trong đó có kinh dạy cho người cư sĩ cách hướng dẫn các pháp quán để người cận tử có thể giải thoát ngay khi lìa đời.
03/07/2021(Xem: 4507)
- Kính thưa chư Tôn đức, chư Thiện hữu & quí vị hảo tâm. Vào ngày Thứ Bảy (June 12) vừa qua, được sự cho phép của chính quyền địa phương làng Durgagar và Armoba Village Bihar India, nhóm Từ thiện Bodhgaya Heart chúng con, chúng tôi đã tiếp tục hành trình cứu trợ thực phẩm cho dân nghèo mùa Dịch covid. Xin mời chư vị xem qua một vài hình ảnh tường trình.. Buổi phát quà cứu trợ cho 358 căn hộ tại 2 ngôi làng cách Bồ đề Đạo Tràng chừng 9 cây số.
03/07/2021(Xem: 5551)
Kính lễ đạo sư và đấng bảo hộ của chúng con, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát! Sự thông tuệ của ngài chiếu soi như mặt trời, không bị che mờ bởi vọng tưởng hay dấu vết của si mê, Ngài giữ trong tim một bộ kinh biểu tượng của việc thấy tất cả mọi thứ như chúng là, Người dạy trong sáu mươi cách, với lòng từ bi yêu thương của một từ thân với đứa con duy nhất, Đến tất cả các tạo vật bị giam trong tù ngục của luân hồi, Bối rối trong bóng tối của si mê, tràn ngập bởi khổ đau của họ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]