Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ý Nghĩa Xuân Tết

13/05/201312:36(Xem: 10815)
Ý Nghĩa Xuân Tết
Cho Trọn Mùa Xuân


Ý Nghĩa Xuân Tết

HT. Thích Đức Niệm
Nguồn: www.quangduc.com


mai-6Xuân tết là bao hàm ý nghĩa hy vọng mới mẻ tốt tươi, vui cười hoa nở, ánh xuân dương sáng ngời trong gió mát trời xuân. Nói đến xuân là nói đến nguồn hy vọng hạnh phúc an vui, là gợi cho mọi người nụ cười tươi nở trên đôi môi thắm. Xuân về làm cho người người liên tưởng đến sự thay đổi từ trạng huống cũ già cằn cỗi sang hình thái mới mẻ trẻ trung sung mãn nguồn sống vui tươi hy vọng.

Xuân tết tự nó đã mang ý nghĩa kết thúc những tháng ngày đông hàn lạnh lẽo giá buốt lê thê, để kết tụ khí trời đổi tiết mát dịu, vạn vật căng nhựa xuân nẩy mầm trổ lộc, nở hoa. Xuân tết là dịp đoàn viên sum họp, hội ngộ đặt định dự tính kế hoạch xây dựng cơ đồ, thay cũ đổi mới. Vì vậy, xưa nay không ai bảo ai, nhưng mọi người cùng ý niệm xuân là hy vọng, là nguồn sống, là đời thêm tuổi mới, là tương lai sáng ngời. Ta hãy nghe những người được cái may mắn trên đường đời, họ cười vui hớn hở khi xuân tết đến:

Xuân mang đến bao nguồn vui khôn xiết
Xuân tưng bừng bao yến tiệc trò vui
Suốt năm dài an ủi chỉ xuân thôi
Xuân Tết đến, đời tôi thêm nguồn sống

Thật vậy, đối với người gặp may mắn trong sự nghiệp, phát đạt trên đường đời, hạnh phúc trong gia đạo, thì xuân tết là dịp để cho họ tạo nguồn hoan lạc phô bày thể diện. Với hạng người nầy, xuân tết là tăng thêm nỗi vui tươi, trên miệng nở rộng nụ cười đắc ý, và họ nới rộng vòng tay kết thân bạn hữu trong những ngày xuân tết. Với hạng người may mắn trên đường đời này, họ rất thiết tha vui mừng hỷ hạ trong mùa xuân tết. Bởi đây là dịp tốt để cho họ có lý do nghỉ ngơi hưởng thụ. Xuân đến còn là cơ hội để cho họ chưng diện phô trương những gì mà người đời cho là quí giá. Xuân Tết còn là sự đền bù sau suốt thời gian mười hai tháng tròn, họ đã bôn ba dong ruổi ngược xuôi để gia đình được dư giả giàu có, chạy lo cho bà con họ được khá giả hơn người. Suốt năm đã tận dụng bộ óc và sức lực cho tiền tài danh vọng, nên họ không bỏ mất bất cứ một cơ hội tốt nào về việc thu lợi. Càng được lợi lộc, họ càng xông pha. Họ xông pha bất kể khổ nhục. Vì danh lợi tiền tài mà họ phải trải thân bươn chải xông pha. Họ xông pha miệt mài, có lúc phải nhịn ngủ, không kịp ăn, miễn thu được nhiều lợi lộc là họ vui rồi. Vì vậy, xuân tết đến, ngoài dịp để họ nghỉ ngơi, kiểm điểm lại năm rồi thu lợi bao nhiêu, xuân tết còn là dịp để lấy kinh nghiệm cho năm tới làm cách nào thu lợi nhiều hơn nữa. Ngoài ra, và điều nầy mới đích thực thầm kín ước ao trong đáy lòng sâu thẳm của họ, đó là xuân tết đến còn là dịp để cho họ ngầm khoe khoang với mọi người bằng những trang sức áo quần mới đẹp, nữ trang đáng giá, nhà cửa sang trọng, bạn bè giàu sang đông đảo. Vì vậy, họ rất là thiết tha với xuân, vui mừng với tết. Xuân tết đến đối với họ rất là cần thiết, rất là ý nghĩa, rất là thiết tha:

Xuân đã đến, xin nàng xuân ở mãi
Để cho ta thoải mái được những ngày
Nàng ra đi, ta chua xót đắng cay
Đâu còn dịp để phô bày hạnh phúc
Nàng xuân hỡi, sao nàng về có lúc
Nàng đi rồi, ta ngơ ngẩn tiếc thương
Lòng ta đây vẫn còn mãi vấn vương…

Nhưng xuân của đất trời là xuân hạn cuộc luân lưu theo tháng năm thời tiết, xuân đó đến để rồi đi, lưu lại sau lưng bao nhiêu thịnh suy cho người trần thế, để lại bao nhiêu trạng thái hợp tan đổi đời còn mất buồn vui cho người đời và vạn vật. Thật ra xuân không cố ý đến. Xuân không cố tâm đi. Không phải mỗi lần xuân đến là hoàn toàn mang lại nguồn vui cho vạn loại. Xuân vô tình đến. Xuân vô tình đi. Xuân đến đi tùy thời đúng lúc, chẳng phải muốn mà được, nào phải chờ mà nên. Xuân đến, trần thế có làm ngơ phó mặc thì xuân cứ vẫn đến. Xuân đi, dù có luyến tiếc níu kéo xuân vẫn cứ đi. Xuân đến xuân đi chẳng vướng bận gì với người trần thế.

Thấu rõ lẽ đúng thời hợp lúc nở tàn của vạn vật, xuân đến xuân đi, nên thiền sư Giác-Hải nói với chúng nhân:

Xuân lai hoa điệp thiện tri thì
Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ
Hoa điệp bản lai giai thị huyễn
Mạc tu hoa điệp vấn tâm trì.

Tạm dịch:
Xuân đến hoa bướm biết đúng thời
Bướm hoa đều biết xuân đến rồi
Nên biết bướm hoa đều huyễn cả
Mặc cho hoa bướm để lòng chi.

Thế mà người đời lại buồn vui theo xuân đến xuân đi! Nhưng khi xuân đến cũng như lúc xuân đi đã để lại gì cho trần thế? Dù cho xuân có vô tình. Dù cho xuân có vô tư. Nhưng cũng vì xuân mà đã làm cho bao tâm hồn âm thầm trầm tư suy nghĩ. Bởi vì xuân đi làm cho kẻ mạnh khỏe giàu sang hạnh phúc tiếc nuối buồn trách xuân sao quá ngắn ngủi. Nhưng đồng thời xuân đến cũng đem lại cho bao người xấu số bất hạnh trên đường đời thêm nỗi niềm chua xót tủi phận. Những người nầy họ lại càng cảm thấy cuộc đời thêm đen tối bất công, mỗi lần xuân đến. Họ không tìm thấy một tia hy vọng hạnh phúc nào cho họ trong ngày xuân tết đến! Nên họ chẳng chờ xuân, chẳng mừng xuân, chẳng màng xuân đến xuân đi. Xuân đối với họ thêm tủi hờn, là vô nghĩa. Họ chẳng nghĩ chẳng chờ xuân đến:

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
Đem chi xuân đến gợi thêm sầu
Với tôi tất cả là vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau.

Đó, với những người nghèo khổ, bệnh hoạn tật nguyền thì xuân đến chỉ làm cho lòng họ thêm nỗi xót xa thân thân tủi phận. Với những người sống trong hoàn cảnh chồng Nam vợ Bắc, thân quyến chia lìa, sanh ly tử biệt, thì xuân đến chỉ khơi sâu thêm nỗi buồn thương sầu hận. Với những người thiếu vợ mất chồng, mẹ con ly biệt, cha con chia lìa, thì xuân đến chỉ khơi sâu kỷ niệm đau buồn, làm đậm thêm vết thương lòng, khiến cho họ cảm thấy đời lắm cô đơn chua chát xót xa. Với những người nhiều nợ nần, mất sở làm, sản nghiệp không phát đạt, bệnh hoạn tai ương chất chồng thì xuân đến chỉ đè nặng lên người họ nỗi lo âu buồn đau ray rứt. Với những người bất hạnh trên đây, nhìn sâu vào đôi mắt, nhận xét vào nét mặt, ta thấy họ ẩn tàng nỗi lo âu sầu não thầm kín, tâm trạng tinh thần không còn phấn khởi để hy vọng một tương lai sáng sủa huy hoàng trong ngày xuân tết.

Lại có những gia đình bác sĩ, kỹ sư, những gia đình đã từng là giàu sang phú quí danh giá, bề ngoài có vẻ trưởng giả tưởng đã hạnh phúc, nhưng bên trong đã tan rã từng giờ bởi sự xung đột giữa vợ chồng, cha con, anh em. Rồi những bậc cha mẹ già thiếu sự săn sóc kính trọng của con cháu, đến những gia đình bị vợ bỏ, chồng quên, con cái chống trái ương ngạnh hoặc bỏ nhà ra đi, với những người này, xuân đến chỉ tạo thêm cho họ nỗi niềm chua xót lo âu, ngước mặt nhìn đâu đâu cũng thấy bầu trời u ám não nề vô vọng, ngán ngẩm cho tình đời mong manh đen bạc!

Có lẽ thi nhân đã chứng kiến bao cảnh ngang trái thực thực hư hư huyễn mộng của cuộc đời một cách sâu sắc, và với nhận xét tinh tường nhìn thấu chiều sâu u uẩn của lòng người một cách quán triệt, nên đã hình dung thực trạng của cảnh vật và tình người trong dịp xuân tết qua lời thơ đơn giản, nhưng vô cùng súc tích:

Hoa xuân không nắng cũng phai màu
Trên mặt người kia in vết đau.

Hoa xuân còn phải phai màu. Trời xuân người vẫn vết đau nơi lòng. Nên xuân tết theo thời tiết chuyển biến đến đi vô thường không phải là chân thực vĩnh cửu. Bởi xuân đến đặc biệt gợi cho lòng kẻ tha hương sống nhờ nơi đất khách quê người đậm thêm nỗi nhớ niềm thương. Xuân đến người khách tha hương càng thương nhớ cha mẹ anh em quyến thuộc họ hàng bạn bè đang sống xa cách. Xuân tết đến, kẻ tha hương lại càng cảm thấy tha thiết yêu thương đất nước quê hương, muốn được bám víu lâu dài, muốn được gần gũi sống lại với những kỷ niệm của quê hương, nơi chôn nhau cắt rún đất mẹ hiền lành, nơi mồ mả ông cha tiên tổ. Người tha hương viễn xứ, thân đang sống trên xứ người, nhưng tâm lúc nào cũng hướng vọng quê hương! Nhất là mỗi lần xuân tết đến, là những giờ phút họ có dịp sống lại với chính cõi lòng, dòng tâm thức cuộn về quá khứ. Đặc biệt với người uất ức phải lìa bỏ quê hương, họ thấm buồn sầu tủi cho thân phận kiếp số của người dân phải uất hận tức tưởi bỏ nước ra đi. Nên xuân tết làm cho họ âm thầm thổn thức, nghẹn ngào buồn đau. Có những người âm thầm than thở não ruột, có những kẻ đã bộc lộ nỗi lòng uất hận gào la bâng quơ trong không gian mịt mù. Họ đã gắt gỏng trách móc để rồi sau đó thấy mình bất lực trước cuộc thế bạo lực. Cuối cùng, kẻ tha hương chỉ còn biết sống bằng sức mạnh của niềm tin, sức vạn năng của đạo đức và sức huyền diệu của niềm hy vọng trong một tương lai tươi sáng:

Trời đâu riêng khó cho ta mãi
Vinh nhục rồi ra cũng một lần.

Cuối cùng họ thổ lộ thương nhớ quê hương trong tức tưởi, ngậm ngùi cho thân phận với dòng nước mắt và dâng trọn niềm tin cầu Phật trời hồn thiêng sông núi gia hộ cho quê hương dân tộc được sự an lành để hy vọng nhìn thấy lại ánh sáng ngày về quê mẹ như thi nhân thổ lộ tâm tình:

Người đi tức tưởi, thương sông núi
Nhớ nước lòng ai những ngậm ngùi
Xuân đến cúi đầu xin khấn nguyện
Phật trời phù hộ nước non tôi.

Vậy, khả năng con người hữu hạn mà vạn vật chuyển biến vô cùng. Trí phàm phu nào có thể đủ sức dung thông?! Trí Phật thánh mới có thể lượng cùng sức huyền vi của vũ trụ. Nên khi lỡ bước sa cơ, khi phải sống bơ vơ trên đất khách quê người, sống xa quê hương, xa tình thương của người thân quyến thuộc, sống xa sự hướng đạo tinh thần đạo đức của những bậc thầy khả kính thân thương, thì cho dù sống giữa xã hội văn minh giàu có, thì sự giàu có đó vẫn là của người ta. Hoặc cho dù có được may mắn khá giả sống trong ngôi nhà sang trọng phong phú vật chất đi nữa, nhưng hạnh phúc sang trọng vật chất đó nào có liên quan mật thiết đến tương hạnh phúc của mình! Bởi hạnh phúc con người đâu phải tiền bạc? Và tiền bạc đâu có thể sưởi ấm trọn cõi lòng của kẻ có tâm sự?

Kiếp sống của người trần thế tùy theo mỗi hoàn cảnh có khác nhau. Nhưng trong cùng một mùa xuân tết của đất trời luân lưu theo thời tiết mà tâm cảm của mỗi người cũng lại khác nhau, để rồi sản sanh ra những quan niệm dị biệt bất đồng. Qua mỗi quan niệm dị biệt này, chúng ta có thể nhận thức một cách sâu sắc về hiện tượng vô thường sanh diệt, về duyên nghiệp nhân quả, về tâm trạng của mỗi cá nhân trong cùng một hoàn cảnh. Điều này đặc biệt lý giải về hiện tượng cộng nghiệp và biệt nghiệp, về lẽ nhân sanh cuộc sống tương quan mật thiết với thân phận mỗi con người qua lý thập nhị nhân duyên và nghiệp báo.

Từ mùa xuân trần thế thăng trầm buồn vui, chúng ta thử bước vào mùa xuân đạo hạnh. Xuân đạo hạnh là mùa xuân miên viễn, xuân bất diệt, xuân an lành thanh thoát thường tại, không bị hạn cuộc bởi thời gian năm tháng không bị luân lưu chuyển dời bởi thời tiết đất trời. Xuân đạo hạnh là xuân khắp cả không gian vô tận, suốt cả thời gian vô cùng. Lòng người phẳng lặng như mặt nước hồ thu không gợn sóng. Tâm tịnh cảnh tịnh thì ý xuân tươi mát suốt tháng năm, tràn ngập nguồn vui khắp đất trời. Lòng xuân trẻ đẹp hòa đồng cùng vũ trụ. Khi lòng người rộng mở, khi tâm người thanh tịnh thì tuệ giác ngời sáng, vạn vật với mình hài hòa làm một, vũ trụ với mình bao la không hai. Ấy là chơn xuân thường tại, tánh xuân hằng còn, hồn xuân thênh thang. Chơn tâm thường hằng thì tánh xuân hiển lộ. Tâm an lành hòa điệu cùng thể tánh thường tịch của vạn pháp, không có trạng thái xuân đến đi, còn mất, sanh diệt, dị biệt:

Tâm xuân vũ trụ đều xuân
Tâm cười vạn loại nơi nơi đều cười.

Người muốn đạt được lòng xuân muôn thuở, ý xuân muôn thời, hồn xuân phơi phới kháp nơi, thì cần phải thanh tịnh hóa lòng mình, để lòng mình hòa điệu cùng lòng vũ trụ vạn vật, thì mới thật trọn hưởng nguồn xuân bất tận, đó là xuân đạo hạnh.

Có gột rửa tu sửa lòng ta trong sạch, trong sạch như băng tuyết, tươi mát như hoa sen, thì hồn xuân hạnh phúc hiển lộ. Nếu có được cái nhìn phú-quý-lợi-danh-như-hoa-trổ-trên-đá, như-lá-trôi-trên-nguồn, thì ta mới tự tại giữa cảnh đời, thể nhập được bản tánh thường tịch của vạn pháp. Một khi lòng chẳng vướng mắc bận tâm thế sự thăng trầm, liễu giải tình người bất định, thì sẽ được thưởng thức mùa xuân chơn thường, mùa xuân miên viễn đầy hoa nở bướm lượn, chim hót trên hoa lá xanh tươi, niềm vui thanh thoát từ cõi lòng người và khắp cùng vạn vật, như thiền tăng thể nhập diệu lý kinh Pháp-Hoa, hiển bày tâm cảnh thể nhập bản tánh thường nhiên của vạn pháp:

Chư pháp tùng bản lai
Thường tự tịch diệt tướng
Xuân đáo bách hoa khai
Hoàng anh đề liễu thượng.

Tạm dịch:
Các pháp xưa nay tự bản lai
Chẳng sanh chẳng diệt cũng chẳng hai
Chim hót bướm hoa cảnh liễu thắm
Tâm xuân hòa vũ trụ tâm khai.

Đó là tâm xuân, đích thực là mùa xuân thực tại thường hằng, mùa xuân chơn thường miên viễn. Một khi lòng buông thả, tâm thanh tịnh thì cảm nhận trời xuân bướm lượn, hoa cười, liễu thắm, chim hót, trời xanh, vũ trụ an lành hạnh phúc.

Ngược lại, khi lòng người còn phiền não, tâm người chưa khai thông, ý người còn vướng mắc bận lòng thế sự, thì còn sống trong xuân huyễn mộng. Nghĩa là chúng ta còn say túy lúy, còn sống trong đại mộng trầm luân. Còn say còn mộng thì quan niệm, lời nói, việc làm đều là vọng tưởng, hạnh phúc chỉ là hạnh phúc mong manh chứ không chơn thật thường còn. Đã là vọng thì còn có tướng trạng sống chết, sanh diệt thăng trầm còn mất. Đã là vọng thì còn có tướng trạng sống chết, sanh diệt thăng trầm còn mất. Đã là vọng thì vô thường huyễn mộng, dù cho có lý luận đến đâu cũng không thoát khỏi vòng lẩn quẩn của hư vọng khổ đau. Nên ý niệm về xuân tết cũng theo đó mà định kỳ có hạn cùng với trạng thái nẩy nở tàn phai. Do đó, thi nhân đã cảm khái chân tướng của xuân trần gian:

Trời xuân tuy mát, nắng xuân phai
Trên mặt ai kia nét nhăn dài.

Nếu khéo biết tu niệm, dùng pháp Phật gột rửa tâm hồn để lòng thanh tịnh trong sáng, thì tâm sẽ không còn bị ràng buộc hạn cuộc theo mùa xuân tháng năm, và như thế chúng ta không còn những phàm tình liên lụy thăng trầm, buồn vui như người nặng nợ trần thế mà phải ưu tư “nắng xuân phai, trên mặt ai kia nét nhăn dài.” Khi lòng ta phẳng lặng trong mát như ánh trăng rằm, tâm trong như nước đại dương lặng sóng, hồn ta như gió thoảng, như trăng trong chiếu mát khắp vạn vật vũ trụ, thì ta đã thể nhập xuân chơn thường. Tâm cảnh này, ta thấy ở bài thơ của tăng nhân chứa chan dạt dào niềm hoan lạc vô biên của xuân đạo hạnh, là tâm xuân thường tại:

Chưa ngộ bàn vọng luận chơn
Ngộ rồi chơn vọng nói năng làm gì
Xuân đi xuân đến theo kỳ
Tâm xuân thường tại đến đi bao giờ.

Thói thường, người đời vui buồn theo xuân đến xuân đi. Nhưng họ có biết đâu thế sự như cuộc cờ, tình đời như tờ giấy mỏng phất phơ trước gió, úp đó rồi ngửa đó, trái đó rồi mặt đó. Có gì chắc thật đâu mà phải khổ lụy vì xuân thời tiết? Nhưng tâm hồn tự tại giải thoát của tăng nhân, của người tu hành đạt đạo, đạt cùng chơn lý, thì xem nhẹ hồng trần, không vướng bận lợi danh vinh nhục, buông thả sự đời, thì bao giờ cũng cảm thấy nơi lòng và vạn vật chứa chan tràn đầy mùa xuân bất diệt. Họ rất thản nhiên tự tại trước mọi trạng thái của cuộc đời. Cuộc sống đối với họ lúc nào cũng là mùa xuân đầy bướm lượn hoa cười. Như Mãn-Giác thiền sư đời Lý đã đạt đến cảnh giới tâm an lý đắc bắt nhịp cảm thông thể nhập mùa xuân đạo hạnh, mùa xuân miên viễn, mùa xuân thường tại không thời gian, mùa xuân chơn thường không biên giới:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão đầu tùng thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

Tạm dịch:
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mặt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Hôm qua sân trước một cành mai

Chúng ta muốn có mùa xuân chơn thật miên viễn, vạn vật hiền hòa, muôn hoa sắc thắm khắp cõi lòng và khắp cả trần gian, thì tâm ta trước phải thật sự thanh thản nhẹ nhàng, thản nhiên trước mọi trạng huống thế sự vô thường mộng huyễn. Ai mà chẳng cảm thấy lòng thoải mái an vui, quên hết mọi nỗi trần duyên phiền lụy, khi tâm hồn buông xả, khi được hầu chuyện với các bậc chân tăng thiền đức, các vị thật học thật tu hay khi thành kính quý trước điện Phật, trọn dâng lòng thanh tịnh theo làn khói trầm hương nguyện tỏa:

Lặng lẽ chiên đàn nhả khói hương
Đỉnh trầm thơm ngát ý thiền môn
Lung linh nến ngọc, trời sao điểm
Thanh tịnh trần gian sạch tủi hờn
Chầm chậm xuân về lòng đất chuyển
Nhạc trời thanh thoát rộn muôn phương.

Chúng ta dâng trọn cõi lòng thanh tịnh, lên chư Phật mười phương, chúng ta trải rộng tình thương cho tất cả muôn loài, chúng ta biết sống đời hỷ xả vị tha là chúng ta trọn sống trong thanh khí thiêng liêng ngày xuân tết. Với niềm hy vọng trong sáng vô biên, chúng ta hướng vọng quê hương, ngưỡng nguyện đức Phật từ bi cùng các đấng thiêng liêng anh linh hồn thiêng đất nước giúp hộ cho dân tộc sớm có được cuộc sống đoàn viên an lành trong ánh sáng thanh bình, trong hào quang truyền thống của ông cha tiên tổ, để cùng nhau trọn hưởng mùa xuân miên viễn âu ca lạc nghiệp tâm hồn. Chúng ta đem lòng thành kính cầu nguyện cho pah1p giới chúng sanh tam nghiệp thanh tịnh, sống trong hạnh hỷ xả để chóng đạt đến mùa xuân đạo h ạnh “thanh tịnh trần gian sạch tủi hờn.”

Không thánh thần thượng đế nào có đủ quyền năng ban phước giáng họa cho ta cả. Chính trái tim và khối óc của ta biết phân định chánh tà, nhân quả, tội phước, khéo tránh bỏ điều bất thiện là có trọn mùa xuân chân thường.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/04/2021(Xem: 5218)
Từ xa xưa, người Việt chúng ta đã ăn bí đỏ và xem bí đỏ là món quà thiên nhiên ban tặng giúp con người duy trì sức khỏe hằng ngày. Bí đỏ có vị ngọt, thơm ngon và tạo cảm giác no, giúp những gia đình nông dân nghèo cải thiện tình trạng thiếu lương thực trong những ngày giáp hạt. Bí đỏ là loại thực phẩm thường xuyên có mặt trong bữa cơm của người dân Việt Nam, nhất là ngươi Quảng Nam.
07/04/2021(Xem: 4332)
“Tướng” là cái gì?“Tướng” chính là tướng trạng của sự vật biểu hiện nơi ngoài và tưởng tượng ở nơi trong tâm chúng ta.Còn “Giả Tướng” là cái gì? Chúng ta không phải thường ngày đã thấy đến như: hình tướng vuông, tròn, dài, ngắn; sắc tướng đỏ, xanh, đen, trắng; biểu tướng nhanh, chậm, cười, khóc; cho đến vô biểu tướngkhổ, vui, mừng, lo màkể cả con mắt xem không thể thấy.Đây không phải là “Tướng” trạng tồn tại nổi bậtđó sao?. Tại sao bảo đây là “Giả Tướng”?Đáp rằng: Nên hỏi “Giả Tướng” là gì?Giả là giả tạo không thật.
07/04/2021(Xem: 4100)
Hơn ba thập niên về trước, khi những đoàn người Việt nam rủ nhau tìm đường thoát hiểm, thoát khỏi địa ngục bằng mọi cách như hồi hương, đi bộ, băng rừng lội suối hoặc trên những con thuyền mong manh bằng đường biển. Dù số người đến được bến bờ ước đoán chỉ vào khoảng một phần ba số người đã rời bỏ nhà cửa, quê hương ra đi, họ vẫn bất chấp mọi hiểm nguy đe dọa để đánh đổi lấy sự tự do. Họ là những đoàn người Việt Nam cô đơn, không có lấy một phương tiện tự vệ.
05/04/2021(Xem: 7657)
Lễ cúng dường tại Chùa Tích Lan, Nhật Bản
05/04/2021(Xem: 4936)
Việc quân đội đã nắm quyền kiểm soát quốc gia Đông Nam Á này, bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và một số lãnh đạo dân cử khác từ ngày 1 tháng 2 vừa qua, không phải là lần đầu tiên các tướng lĩnh của xứ chùa tháp này can thiệp vào chính trị quốc gia. Quá khứ nhiều thập kỷ, quân đội Myanmar đã từng giữ một vị trí chính trị nổi bật trong nước. Trong gần nửa thế kỷ, từ thập niên 1962-2011, quốc gia Phật giáo này đã liên tiếp dưới quyền các chế độ độc tài quân sự Myanmar.
03/04/2021(Xem: 5029)
Sự tàn phá bi thảm của các tượng Phật khổng lồ trên vách đá vùng Bamiyan, Afghanistan, được bảo tồn hơn 15 thế kỷ, được phát sóng trên toàn cầu, đã dẫn đến sự công nhận toàn cầu về sự cần thiết phải bảo vệ các di sản văn hóa đang bị đe dọa. Các hốc trống của các tượng Phật khổng lồ ở thung lũng Bamiyan, Afghanistan là lời nhắc nhở mãi mãi về nhiệm vụ của chúng ta trong việc bảo vệ di sản văn hóa, và những thế hệ tương lai sẽ mất đi nếu chúng ta không làm như thế. Ngày nay, những hốc đá này được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới như một phần của Di sản Thế giới “Cảnh quan văn hóa và các di tích khảo cổ học tại Thung lũng Bamiyan” (Cultural Landscape and Archaeological Remains of the Bamiyan Valley)
03/04/2021(Xem: 4365)
Hôm thứ Hai, ngày 29 tháng 3, tại Dharamsala, miền bắc Ấn Độ, lần Đầu tiên Đức Đạt Lai Lạt Ma Tham gia chia sẻ Pháp thoại với Sinh viên từ 5 trường Đại học Quốc gia Nga. Buổi Pháp thoại được tổ chức với chủ đề “Thế giới của chúng ta trong thời đại thay đổi; tiếng Anh: Our World in the Time of Change” và được phát trực tiếp bằng một số ngôn ngữ.
03/04/2021(Xem: 4606)
Vương quốc của người Java xưa - Mataram đã chứng minh được là có an ninh lương thực vững chắc, có thể duy trì nguồn lương thực sẵn có trong một thời gian dài. Điều này có thể được chứng minh từ các bức phù điêu được khắc ở Thánh địa Phật giáo Borobudur, cũng như phát hiện gần đây nhất về một kho thóc, khu vực chứa lương thực thời đó, ở khu vực Liyangan Site, Trung Java, Indonesia. Điều này đã được chuyển tải bởi Tiến sĩ Baskoro Daru Tjahjono, M.A, Giám đốc Trung tâm Khảo cổ Bắc Sumatra, trong hội thảo khoa học do Trung tâm Khảo cổ học tổ chức tại Vùng đặc biệt Yogyakarta (Daerah Istimewa Yogyakarta, DIY) vào ngày 10/3/2021 với chủ đề “Ketahanan Pangan pada Masa Jawa Kuna” (An ninh lương thực trong thời kỳ người Java xưa). Các sự kiện được tổ chức trực tuyến và ngoại tuyến với số lượng người tham gia hạn chế.
31/03/2021(Xem: 16964)
Như bao đứa trẻ bình thường nhưng chúng được thừa nhận là tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng, ba ứng thân người Tây Phương chia sẻ với Andrea Miller về trải nghiệm khi lớn lên và cảm nghĩ hiện tại của họ về ngã rẽ thú vị của đời mình. Như những đứa trẻ Canada khác, Elijah Ary lớn lên tại Moreal với bố mẹ và hai người chị. Cậu bé thích chơi khúc côn cầu và lười học. Theo Đức Đạt Lai Lạt Ma, điều khiến Elijah khác với các đứa trẻ khác là Elijah là tái sanh của một vị Lạt Ma.
31/03/2021(Xem: 5086)
Tenzin Gyatso, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng, là một nhân vật quen thuộc của công chúng. Ngài nói chuyện với hàng nghìn người mỗi năm và đã viết hàng chục quyển sách bán chạy nhất về quê hương của ngài, cuộc sống của ngài, tôn giáo niềm tin của ngài, khí hậu thế giới, và các vấn đề thế giới. Ngài đã được cấp bằng danh dự từ nhiều trường đại học, và đức tướng của ngài đã được công nhận một cách rộng rãi. Tuy nhiên, “vị tu sĩ đơn giản” đã bắt đầu cuộc sống trong bóng tối như Lhamo Thondup, người con thứ tám được sanh ra trong những gia đình nông dân nghèo trong một làng quê nhỏ bé ở một vùng xa xôi hẻo lánh của Tây Tạng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]