Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

09. Phật pháp căn bản - Bài thứ chín

03/04/201320:46(Xem: 37810)
09. Phật pháp căn bản - Bài thứ chín

TRÁITIM CỦA BỤT

Tác giả:THÍCH NHẤT HẠNH.

Phiên tả và hiệu đính: Chân Đoan Nghiêm, Chân Văn
Tâm Phước và Diệu Chánh

Nhà xuất bảnTôn giáo.
Năm xuất bản:2005.

---o0o---

09.

Phật Pháp Căn Bản

Bài thứ chín

Hôm nay là ngày 19 tháng chạp năm 1993, chúng ta học tiếp về bát chánh đạo. Hôm trước chúng ta đã vẽ một trái quit, năm múi tượng trưng cho năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Hôm nay chúng ta vẽ một cái nhà hai tầng. Tầng dưới là Thức uẩn và tầng trên là Hành uẩn

CHÁNH NIỆM VÀ 51 TÂM HÀNH

Hành uẩn ở trên đây gồm đủ 51 tâm hành, trong đó có Thọ và Tưởng, tức là cảm thọ và tri giác, và 49 hành khác.

Thức uẩn là phần căn bản của tâm thức. Đạo Bụt Đại Thừa (học phái Duy Thức) gọi là Thức A lại da (Alaya) hay Tàng thức. Alaya có nghĩa là hàm tàng, kho cất chứa. Ví dụ lòng đất chứa đựng các hạt giống. Khi những hạt giống ở trong đất tâm phát hiện ra, đó là những tâm hành (mental formations). Tứ là một tâm hành, Tầm là một tâm hành, Thọ là một tâm hành, Tưởng là một tâm hành. Hành có nghĩa là phát hiện và lưu hành. Sau khi phát hiện rồi, những tâm hành sẽ biến trở lại thành những hạt giống mới. Chúng ta thường ví dụ Thức là cái nhà kho ở dưới và Hành là phòng khách ở trên. Những hạt giống của tâm thức ở dưới nhà kho, phát hiện lên phía phòng khách ở trên, tồn tại một thời gian rồi nó trở lại xuống dưới, lại mang hình thức hạt giống.

Trong số 51 tâm hành có Tầm (vitarka) và Tứ (vicara), tức là tác dụng liên tưởng và tư duy, có hạt giống ở trong tàng thức. Tuệ giác của chúng ta cũng tồn tại dưới hình thức những hạt giống ở trong tàng thức. Thường tiếng Anh dịch Tầm là thought, conception. Tứ dịch là the continuing activity of the mind. Tầm và tứ là ngữ ngôn của ý, như chúng ta nói thầm ở trong ý, trong tâm. Trong trí ta các tâm hành tầm và tứ luôn luôn đang hoạt động mà chúng ta không nghe thấy. Ví như chúng ta mở máy phát thanh mà chúng ta không nghe được vì không cắm giây nối vào loa phóng thanh. Khi tư duy chuyển sang ngữ ngôn thì tầm và tứ phát hiện trong tiếng nói, như cắm loa phóng thanh vào thì tự nhiên phát ra tiếng. Nhưng trong thức của chúng ta cũng còn có những hạt giống khác, đồng thời phát hiện, để chọn lựa những điều muốn phát thanh ra. Cũng như tầm và tứ được kiểm soát, được nhuận sắc. Có nhiều người bệnh tới một bác sĩ tâm lý trị liệu, biết rằng muốn lành bệnh thì phải nói hết cho bác sĩ nghe, nhưng họ vẫn che dấu, hoặc thêm bớt, tô điểm. Vị bác sĩ giỏi có khi bất chợt hỏi một câu, bệnh nhân buột miệng nói. Bác sĩ nhờ câu nói đó mà nắm được một điều, khám phá ra những sự thật ẩn chứa trong tâm người bệnh.

Khi có chánh niệm, ta biết ta đang nghĩ gì, ta tự biết những suy tư đó có phù hợp với chánh pháp không, có phù hợp với nguyên tắc bốn sự thật, với quan niệm của bốn loại thức ăn hay không. Chánh niệm giống một cây đèn thắp lên trong cái phòng khách phía trên, phòng của tâm hành, soi rõ hình dáng của tầm và của tứ. Nhờ đó ta biết ta đang suy tư những gì và, nếu thực tập giỏi hơn, biết được nội dung và bản chất của điều ta suy tư. Biết được như vậy thì tự nhiên là tầm và tứ thay đổi, đó là nhờ chánh niệm.

Hạt giống chánh niệm là một hạt giống rất quý trong đất tâm. Biết sử dụng thì hạt giống chánh niệm, khi phát hiện thành tâm hành, sẽ đóng vai trò soi sáng, dẫn đường và chuyển hoá. Có chánh niệm, ta sẽ biết tư duy của ta là thiện hay bất thiện, có tác dụng gây tai hại hay không. Khi tầm và tứ phát ra thành lời nói, chánh niệm vẫn tiếp tục soi sáng để ta biết ngôn ngữ của ta có phải là ái ngữ hay không. Phát xuất từ chánh kiến, tầm và tứ là chánh tư duy. Ngôn ngữ phát xuất từ chánh tư duy là chánh ngữ. Cho nên ngọn đèn chánh niệm rất quan trọng.

Có khi những khổ đau và nội kết chìm sâu trong tâm thức quá lớn. Những giận hòn, bực tức, thất vọng và những thèm khát của chúng ta, đôi khi không cần đi qua trung gian của tầm, tứ mà cũng tự phát thành ngôn ngữ. Những nội kết của ta cũng trực tiếp biểu hiện ra bằng ngôn ngữ khi ta không đủ chánh niệm, không đủ sức kiểm soát tất cả những niềm đau, cơn giận, nỗi buồn phiền, thất vọng của mình. Chúng ào ra thành những tiếng gào thét, khóc lóc, chửi rủa, hoặc những lời than vãn và kể lể. Người bác sĩ tâm lý có tài có thể làm cho người bệnh nói ra được điều họ thường che giấu một cách ý thức hay vô thức. Người ấy nói một câu làm động tới một điều sâu kín trong lòng người bệnh; người này tự nhiên mở ra tất cả những điều chất chứa, dù muốn che dấu cũng không được. Trong câu chuyện hàng ngày, ta có những bước trượt của vô thức, những câu nói lỡ lời. Ta phải thấy mối liên hệ giữa chánh ngữ và tri giác, giữa chánh ngữ và thất niệm, giữa chánh ngữ với tập khí. Và cuối cùng chánh ngữ liên hệ tới bồ đề tâm và từ bi tâm. Khi ta có tình thương, có ý chí muốn cứu giúp người thì năng lượng của bồ đề tâm sẽ là một yếu tố rất quan trọng giúp biểu hiện ra chánh ngữ. Bằng chánh ngữ chúng ta có thể giúp người khác thấy được nỗi khổ, niềm đau và thấy rõ những khối nội kết của họ. Bằng chánh ngữ chúng ta có thể giúp cho người khác thấy được những hạt giống của hạnh phúc và của tài năng họ mà họ không thấy. Những hạt giống hạnh phúc và các tiềm năng ở trong tâm họ bị đè nén bởi những lớp khổ đau và phiền muộn cho nên không phát hiện ra được. Với chánh ngữ, chúng ta có thể tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc và tài năng ấy để chúng tự khai mở.

THỰC TẬP CHÁNH NIỆM VÀ CHÁNH NGỮ

Câu chuyện sau đây là một thí dụ về thực tập chánh ngữ. Có một phụ nữ người Pháp năm 18 tuổi không chịu đựng nổi gia đình nên bỏ sang nước Anh ở. Cô ấy giận mẹ, giận gia đình, cô muốn bỏ đi, vĩnh viễn không trở lại. Nhưng hai chục năm sau, một hôm cái hạt giống quê hương, hạt giống thương mẹ trong cô nổi dậy. Người phụ nữ đó bắt đầu có ước muốn về Pháp và hoà giải với mẹ. Bà mẹ cũng đã bảy mươi mấy tuổi và cũng nhớ con gái. Bà tuy rất giận con nhưng trong lòng bà tất nhiên cũng có hạt giống thương con. “Giận thì giận mà thương thì thương”. Trong tâm thức chúng ta có nhiều hạt giống trái chống nhau cùng một lúc.

Khi nghe nói con gái mình sẽ về, bà mẹ rất vui. Người con gái cũng náo nức về gặp để hoà giải với mẹ. Nhưng đến lúc hai mẹ con gặp nhau, hàn huyên được vài ba hôm, họ lại cãi nhau nữa. Trái bom chứa trong lòng người mẹ nổ. Trái bom trong lòng cô con cũng nổ. Mặc dù cả mẹ lẫn con đều có ý chí muốn hòa giải. muốn tha thứ, nhưng chánh kiến đó chỉ mới phôi thai là một ước muốn thôi. Trong khi đó thì trái bom nội kết ở trong cả hai người vẫn còn nặng. Khi ngồi xuống với nhau, họ lại vô ý tưới tẩm lên những hạt giống của bao nỗi niềm đau khổ cũ. Chúng phát hiện, biểu lộ thành ngôn ngữ. Ngôn ngữ nóng giận của người mẹ tưới lên niềm đau khổ của người kia. Cho nên mỗi khi hai mẹ con gặp nhau lại sinh cãi cọ. Bao nhiêu lần đến gần nhau để hoà giải, bấy nhiêu lần họ thất bại.

Người thiếu phụ đã tới Làng Mai, tôi khuyên bà ta phải chờ đợi một thời gian. Một thời gian để tu tập chánh kiến, học sống chánh niệm trước khi về gặp mẹ. Trong thời gian đó người thiếu phụ tập thiền hành, thiền tọa, ăn cơm yên lặng, sinh hoạt với đại chúng, nấu cơm, xách nước, giặt áo, v.v.. tham dự vào đời sống của tăng thân. Đây cũng là thời gian bà ta có dịp tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc lâu nay bị bỏ quên. Trong tăng thân thế nào cũng có người có nụ cười, có lời nói, có khả năng giúp đỡ mình vén những tấm màn khổ đau đang che phủ tâm mình, và giúp mình tưới tẩm những hạt giống an lạc. Trong tăng thân thế nào cũng có người soi sáng cho mình thấy các sai lầm trong nhận thức của mình. Và trong thời gian đó, người thiền sinh có thể phát triển chánh niệm. Sự thực tập tại Làng Mai là thực tập chánh niệm, đi trong chánh niệm, đứng trong chánh niệm, ngồi trong chánh niệm, nấu cơm, giặt áo trong chánh niệm. Chánh niệm giúp mình thấy tâm tư của mình như thế nào. Chánh niệm cho mình thấy những vận dụng của tầm và tứ. Chánh niệm giúp mình nhận ra tầm và tứ của mình đã bắt nguồn từ những hạt giống nào. Tôi đề nghị người thiếu phụ đó cứ mười ngày thì ngồi viết cho bà mẹ một lá thư, viết như một bài thực tập chánh niệm. Lá thư đó là hoa trái của quá trình tu học chánh niệm ở làng. Tôi đề nghị rằng trong lá thư đó người con quán chiếu để thấy con người của bà mẹ và đồng thời cũng thấy được chính mình. Nghĩa là thấy những tập khí, những nỗi khổ, niềm đau, những hy vọng và thất vọng của chính mình và của mẹ. Viết là diễn đạt những tầm và tứ của mình, một cách an toàn hơn, vì người kia chưa phải nghe. Và khi viết xong có thể để đó một thời gian rồi đọc trở lại, dùng chánh niệm xem những đoạn mình mới viết bắt nguồn từ những khối nội kết nào ra. Bởi vậy viết là một phương pháp thực tập chánh niệm. Ngồi viết một lá thư hay một bài văn trở thành một buổi thực tập chánh niệm. Đây không còn là một công việc nữa, mà là một phép thực tập. Cũng như khi ta rửa nồi hay lau nhà, nếu chúng ta biết thực tập chánh niệm thì đó không phải là một công việc nữa. Đó là những phép tu, gọi là phép tu rửa chén, phép tu chùi nồi. Mà nếu chùi nồi chỉ để cho nồi sạch không thôi thì rất uổng. Việc chùi nồi phải dùng để thực tập như là một phép tu.

Khi ngồi viết một lá thư trong chánh niệm, người thiếu phụ đó đã tự nhìn lại mình, nhìn lại mẹ mình, đã thấy rõ nỗi khổ đau và những điều kiện để có hạnh phúc của cả hai mẹ con. Đời sống tu tập là cơ hội đầu tiên để tự khai mở cho mình và khai mở cho mẹ. Lá thư đó là một công trình thực tập. Nếu trong lá thư đó người con lại cãi lý hoặc phân trần, thì lá thư sẽ không ích lợi gì cả. Lý luận và thanh minh chỉ tưới tẩm những hạt giống khổ đau của bà mẹ mà thôi. Viết như vậy vô ích. Viết như vậy chứng tỏ trong tư duy của mình, tầm và tứ chưa được chánh niệm soi sáng, vẫn phát xuất từ những hạt giống tiêu cực. Nhưng nếu viết để nói về những điều kiện sẵn có của hạnh phúc mà mẹ chưa bao giờ sử dụng tới, thì người con làm một công việc trước đây chưa ai từng làm. Ông ngoại, bà ngoại chưa làm, trường học, xã hội chưa làm, bè bạn của mẹ cũng chưa làm. Bây giờ người con gái làm được, vì người ấy có chánh niệm. Thiếu phụ viết thư kể lể : « Mẹ ơi, con nhớ hồi con còn bé thơ,... » Kể một câu chuyện bình thường, nhưng để gợi ý và chứng tỏ cho mẹ thấy là bà có những hạt giống của hạnh phúc, của tình thương, những hạt ngọc ở trong tàng thức. Lá thư đó phải do công trình quán chiếu mới viết được.

Quán chiếu vào lúc nào ? Quán chiếu khi rửa chén, khi lau nhà, khi đi thiền hành, khi ngồi thiền tọa. Viết lá thư là kết quả những điều đã thấy trong khi quán chiếu. Và ta tiếp tục quán chiếu trong khi viết thơ, viết xong rồi thì tự nhiên thấy khỏe, và biết rằng mẹ mình đọc xong cũng sẽ thấy khỏe. Ta dùng ánh sáng của chánh niệm chiếu vào để thấy tác dụng của từng câu, từng chữ. Ta biết rằng lá thơ này phát xuất từ chánh kiến, từ chánh tư duy và được thể hiện bằng chánh ngữ. Mười ngày sau người con gái viết lá thư thứ hai, cũng tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc của bà mẹ. Trong khi thực tập viết những lá thư như vậy, người con cũng tự tháo gỡ cho mình. Rồi khi bà mẹ đọc được một lá thư như thế thì bà mẹ cũng được tháo gỡ. Nếu người con thực tập đồng thời cho mình và cho mẹ thì chỉ trong sáu tháng hay một năm là hai mẹ con có thể gặp lại nhau. Lúc đó thì các niềm đau khổ đã chuyển hóa, vơi bớt đi nhiều, những niềm vui trong lòng đã phát triển. Chánh tư duy và chánh ngữ sẽ phát hiện. Hai mẹ con có thể nói chuyện với nhau. Người con không đợi cho mẹ chuyển hoá rồi mình mới chuyển hóa. Chúng ta phải bắt đầu từ sự tu tập của chính mình. Một người tu mà hai người được lợi ích.

Viết văn, viết thư trong khi thực tập chánh niệm có khả năng tưới tẩm, chuyển hoá, có thể ảnh hưởng trên mình và trên người đọc, nhờ lời văn chuyên chở tuệ giác, chuyên chở chánh tư duy, vì văn đó là chánh ngữ. Chúng ta thường nói văn chương để chuyên chở đạo lý, « văn dĩ tải đạo ». Đó là nguyên tắc của người viết văn ở Đông phương. Viết văn không thể thiếu tinh thần trách nhiệm. Viết văn không chỉ để cào cấu những niềm đau khổ của mình làm cho người khác đọc cũng lây đau khổ, cũng bị cào cấu. Khơi lên những nỗi bực dọc và chán chường vô ích rồi vung vãi cho tất cả độc giả lãnh đủ, văn chương đó không phải là văn chương có đạo lý. Những bài hát, những bài văn đầu độc, làm cho con người hết ý chí sống, mất niềm tin, những loại văn nghệ như vậy phải xếp vào « Tập Đoạn Trường ». Có những thanh niên, thiếu nữ nằm ôm máy nghe những bài hát rên rỉ, tưới tẩm những hạt giống phiền não, đau khổ của mình. Đó là « văn nghệ đứt ruột », không chuyên chở đạo lý. Cho nên người có chánh kiến, người có chánh tư duy phải dứt khoát với loại văn nghệ đứt ruột. Không tiêu thụ những độc tố làm hại mình, hại người. Sự tu học của ta dính líu tới rất nhiều người khác: cha mẹ, anh chị em, bạn bè của ta, rồi xã hội bên ngoài. Những lá thư ta gởi cho cha, mẹ, anh, em phải có tác động chuyển hoá. Sự thành công tu học của ta trước hết được thể hiện qua sự chuyển hoá của gia đình, của những người thân thuộc. Những lá thư là chất liệu nuôi dưỡng, là những luồng gió mát, nâng đỡ, khai mở, mà nếu không tu tập thì ta không viết được. Cho nên người tu học ở đây viết những lá thư cho những người mình yêu thương, phải biết rằng những lá thư đó có giá trị tưới tẩm và chuyển hoá. Viết thư trong chánh niệm như vậy là một cách thực tập. Một lá thư như vậy có giá trị chuyển hoá rất lớn. Dầu chúng ta không gặp khó khăn với mẹ như trường hợp người phụ nữ Pháp kể trên, ta cũng nên viết thư cho người thân, 10 ngày, 15 ngày một lần, ít nhất một tháng một lá thư. Viết để tu tập và hành đạo. Giá trị của lá thư tùy ở chánh kiến và chánh tư duy. Viết thư « thuyết pháp » một cách vụng về lại có tác dụng ngược lại. Đừng tưởng cứ thuyết pháp tức là hành chánh ngữ. Không có quán chiếu thì ngôn ngữ sẽ không phù hợp, người nhận sẽ không thích đọc, rồi sau này khi thấy thư họ sẽ không muốn mở ra nữa. Vì đó không phải là chánh ngữ, dù lá thư nói về tứ đế, thập nhị nhân duyên hay bát chánh đạo. Dù đề tài là phật pháp mà bài thuyết pháp không khơi động, không chuyển hoá được lòng người, thì đó cũng không phải là chánh ngữ.

PHÉP TU IM LẶNG

Chánh ngữ là một phép thực tập cần đi trên quá trình văn, tư và tu. Đó là phần thế gian, phần hướng thượng. Khi sự thực tập chín dần chúng ta sẽ thấy được mặt xuất thế gian. Khi thực tập thiền quán, ban đầu chúng ta còn cần tới tầm và tứ, tư duy và ngữ ngôn. Càng đi sâu vào thiền quán, chúng ta càng tiếp xúc được với bản môn, càng tự do ra khỏi tư duy và ngôn ngữ. Tới một lúc nào đó, hoàn toàn được tự do, chúng ta không còn lệ thuộc vào ngôn ngữ nữa. Tuệ giác siêu việt, không cần ngôn ngữ nữa, gọi là ngôn ngữ đạo đoạn. Đây là một danh từ thiền. Ngôn ngữ đạo đoạn nghĩa là con đường ngôn ngữ đã bị cắt đứt (the way of the speech is cut). Giống như chiếc xe lửa thấy đường rầy không cần thiết nữa, bởi vì nó đã cất cánh biến thành một chiếc máy bay. Nó bay lên trên không gian, hoàn toàn tự do.

Chính tư duy khi đến mức xuất thế gian thì đạt tới tâm hành xứ diệt. Tâm hành xứ diệt là nơi mà các hoạt động tư duy tâm hành đều đã bị mất. Tâm hành ở phạm vi chánh ngữ tức là tầm và tứ. Vì chân lý tuyệt đối hay tuệ giác siêu việt đã vượt thoát tất cả mọi tư duy, nên gọi là tâm hành xứ diệt. Vượt thoát tất cả mọi ngôn ngữ nên gọi là ngôn ngữ đạo đoạn.

Ở Việt Nam xưa có thiền phái Vô Ngôn Thông. Vô ngôn thông có nghĩa là sự thông cảm và hiểu biết đuợc thực hiện không cần qua trung gian của lời nói. Tổ sư của phái Vô Ngôn Thông trước khi tịch đã để lại một bài kệ nhấn mạnh đến ý niệm chân lý vượt thoát mọi ngôn ngữ văn tự. Bài đó nó chấm dứt bằng hai câu: trực nhiêu vấn ngã, ngã bổn vô ngôn(đừng hỏi tôi nữa, tôi vốn là vô ngôn). Tên ngài là Vô Ngôn Thông. Kinh Duy Ma Cật nói tới sự im lặng, thứ im lặng hùng hồn hơn bất cứ ngữ ngôn nào, gọi là im lặng sấm sét (thundering silence), chữ Hán là mặc như lôi. Lôi là sấm sét, mặc là im lặng. Trong đạo Nho, đức Khổng Tử cũng có lần nói: “Trời có nói gì đâu? – thiên hà ngôn tại ?” Trời không n��i gì cả, vì mình không biết lắng nghe. Nếu mình có chánh niệm, nếu mình biết lắng nghe thì mỗi bông hoa nở, mỗi tiếng chim hót, tiếng thông reo, đều là ngôn ngữ cả (tứ thời hành yên, vạn vật sinh yên). Kinh A Di Đà có câu là: “Mỗi khi gió thổi qua những hàng cây ở nước cực lạc phát ra những âm thanh kỳ diệu; nếu lắng tai thì họ nghe đuợc các giáo lý như tứ diệu đế, ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần và bát thánh đạo phần. Tất cả những chúng sanh ở nước cực lạc khi nghe những âm thanh đó thì lòng phát sinh chánh niệm về Bụt, Pháp và Tăng. “ (xuất vi diệu âm, kỳ vi diễn xướng ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần, như thị đẳng pháp; kỳ độ chúng sinh, văn thị âm dĩ, giai phát niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng chi tâm). Điều này cũng đúng ở cõi Ta Bà của chúng ta. Nếu có chánh niệm, khi đi thiền hành, chúng ta sẽ nghe tiếng chim hay tiếng gió trong những cây phong hay những cây sồi, chúng ta cũng có thể nghe được giáo lý ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần. Nghe tiếng gió, tiếng chim, hay tiếng chuông đồng hồ, chúng ta có thể trở về với chánh niệm. Chúng ta niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và có thể sống với cái kinh nghiệm của tịnh độ ngay ở đây và bây giờ. Đừng đợi chết rồi mới sống, hãy tập sống ngay bây giờ kinh nghiệm cõi tịnh độ. Trong Thánh Kinh có nói rằng mười điều răn cấm của Chúa (the ten commendements) được mặc khải cho thánh Moϊse qua những hàng chữ khắc trên đá. Người học đạo Bụt nhìn vào đá cũng phải thấy những thông điệp. Nhìn vào cây, nhìn vào suối, nhìn vào đất, nghe tiếng chim, tiếng gió đều có thể đọc được và nghe được những vi diệu âm. Đây là một phép thực tập chánh niệm.

Có những lúc ta cần im lặng để thực tập chánh niệm về ngôn ngữ. Chúng ta không nói, không trò chuyện, để lắng nghe tiếng nói của tầm và của tứ ở trong ta, quán chiếu xem những tầm và tứ ấy phát xuất từ những thấy biết nào, những nội kết nào. Thời gian tịnh khẩu là thời gian quán chiếu. Ta tịnh khẩu không phải vì ta không được phép nói. Khi tu pháp môn tịnh khẩu, mỗi người xin đại chúng được sống im lặng trong năm ngày, mười ngày hoặc trong một tháng. Như vậy không phải là để tránh xung đột với người khác. Chính đó là cơ hội lắng nghe tiếng nói của tầm và tứ ở trong chính mình, và phát hiện nguồn gốc của tầm và tứ đó. Trong một khóa tu thường thường chúng ta không nói chuyện. Những người chưa quen phương pháp này có thể sẽ thấy căng thẳng và ngột ngạt. Những người đã quen quán sát tầm và tứ của mình rồi thì khác. Không nói chuyện là một cơ hội rất lớn để mình có thể nhìn rõ bản chất của tư duy và cái thấy của mình. Đối với họ, sự im lặng trong khóa tu rất quan trọng. Nếu không duy trì sự im lặng đó, chúng ta mất cơ hội thực tập quán chiếu. Tuy nhiên có những người tuy bên ngoài im lặng nhưng bên trong tầm và tứ của họ vẫn rất ồn ào.

CHÁNH NIỆM LÀM CƠ BẢN

Tới đây ta có thể tạm rời lãnh vực chánh ngữ để bắt đầu bàn về chánh niệm. Trong khi học về chánh kiến, chánh tư duy và chánh ngữ ta đã thấy chánh niệm là điều kiện rất cần thiết rồi. Không thể nào có chánh kiến, chánh tư duy và chánh ngữ nếu không có chánh niệm. Vì ngay trong chánh nghiệp, chánh mạng và chánh tinh tấn, vai trò của chánh niệm cũng quan trọng không kém. Thường thường ta vẫn nói theo trình tự niệm, định, tuệ. Chánh niệm đưa tới chánh định. Nhưng chánh niệm không phải chỉ đưa tới chánh định mà thôi, nó dẫn tới cả chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng và chánh tinh tấn. Chúng ta hãy nói sơ lược về chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn để bàn vào chánh niệm và sẽ trở lại ba chi phần đó sau.

Chánh nghiệp tức là hành động chân chánh, đây là về hành động của thân thể, tức thân nghiệp. Vì khẩu nghiệp thuộc phạm vi của chánh ngữ và ý nghiệp thuộc phạm vi của chánh kiến, chánh tư duy, chánh định và chánh niệm. Trong Kinh nói sát sanh, trộm cướp và tà dâm là tà nghiệp. Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm là chánh nghiệp. Vì vậy, về chánh nghiệp chúng ta phải nói đến giới thứ nhất, giới thứ hai và giới thứ ba của năm giới. Thân nghiệp cũng liên quan tới giới thứ năm. Giới thứ tư thuộc về chánh ngữ và bốn giới khác có liên hệ trực tiếp tới chánh nghiệp.

Chánh mạng tức là nghề nghiệp hoặc phương tiện sinh sống chân chánh. Sống bằng những phương tiện bất chính là tà mạng. Những nghề nghiệp vi phạm giới sát sanh, giới trộm cướp, giới tà dâm, phải sử dụng các chất ma túy và phải nói dối, đều là tà mạng. Vậy chánh mạng cũng liên hệ tới tất cả năm giới. Người xuất gia cũng có thể phạm vào tà mạng nếu sử dụng những phương tiện hành đạo không phù hợp với chánh pháp. Thí dụ đưa người ta vướng thêm vào vòng mê tín. Nếu không tu tập, chỉ tụng kinh và làm đám như một nghề sinh nhai, cũng là tà mạng. Việc tụng kinh và đưa đám nếu hành trì như những phương pháp hướng dẫn tu học và chiếu ánh sáng của đạo lý vào đời sống của mọi người và của chính mình, thì đó là chánh mạng. Còn tụng kinh và làm đám chỉ với mục đích cầu lợi thì đó là tà mạng.

Chánh tinh tấn là năng lực giúp ta tu học một cách siêng năng. Chánh tinh tấn gồm có bốn loại thực tập liên hệ với chánh niệm. Loại thực tập thứ nhất là với những hạt giống xấu chưa phát hiện thì cố ngăn đừng để cho chúng phát hiện, những chủng tử xấu đừng để cho chúng có cơ hội hiện hành. Mỗi lần hiện hành các hạt giống ấy lại lớn lên ở trong tàng thức. Đừng cho phát hiện không phải là đè nén, mà chỉ có nghĩa là đừng để người khác hay chính mình tưới tẩm những hạt giống xấu trong mình. Ngoài ra, phải tìm cách cho những hạt giống tốt phát hiện. Đó là phép thực tập thứ nhất. Thứ hai là khi những hạt giống xấu phát hiện rồi thì phải biết cách làm cho chúng trở về gốc càng mau càng tốt, tìm cách cho chúng trở về nguyên quán, nằm im ở đấy. Đó là phương pháp thay chốt, phương pháp quán chiếu, phương pháp chánh niệm. Thứ ba là những hạt giống tốt chưa từng được phát sanh thì tìm cách tưới tẩm cho chúng phát sanh. Tự mình tưới tẩm hay nhờ sự có mặt của tăng thân tưới tẩm. Thứ tư là những hạt giống tốt đã phát sanh rồi thì tìm cách mời chúng ở lại và nuôi dưỡng cho chúng lớn lên. Bốn phương pháp đó gọi là tứ chánh cần. Thành ra nội dung của chánh tinh tấn là tứ chánh cần, tức là bốn loại hành động siêng năng. Mục đích là làm cho những hạt giống xấu yếu đi và làm cho những hạt giống tốt lớn lên. Ta thấy chánh tinh tấn liên hệ tới tất cả các chi phần khác trong bát chánh đạo. Nói chánh tinh tấn là sự siêng năng thì không đủ nghĩa. Cần phải có kiến thức về tâm học, về duy thức học thì mới có thể hiểu được nội dung tám chi phần của bát chánh đạo. Chúng ta nói qua như vậy để bàn tới chánh niệm rồi sẽ trở về với ba chi phần ấy sau.

NHƯ LÝ TÁC Ý

Chữ niệm nghĩa là nhớ. Chữ Hán viết phần trên là chữ kim, nghĩa là nay, phần dưới chữ tâm, nghĩa là lòng mình. Niệm là điều ta đang nhớ tới, đang nghĩ tới. Mà điều ta nhớ và nghĩ có thể là tà, có thể là chính, vì vậy nên có tà niệm và chánh niệm. Chánh là thẳng, tà là nghiêng. Chánh niệm là đặt những điều ngay, thẳng và điều tốt đẹp vào trong tâm nhớ nghĩ của mình.

Trong 51 tâm hành có một tâm hành tên là tác ý (manaskara, Pali là manasikara). Tác ý tức là khởi tâm để ý tới một đối tượng nào đó. Trước đó chưa chú ý tới, bây giờ ta chú ý tới, gọi là tác ý. Tác ý là một trong năm tâm sở biến hành. Và tác ý mở đầu cho một niệm. Như khi ta xem một truyện phim hay nghe một bài hát thì hình ảnh hay câu hát khiến cho ta tác ý. Nếu ta biết tu tập thì ta sẽ tác ý tới một điều chính, và ta duy trì điều chính đó lại. Khi nghe chuyện hay nhìn hình ảnh ta cũng có thể tác ý tới một điều bất chánh. Khi ta tác ý tới một điều chánh đáng, phù hợp tới tinh thần bốn sự thật, với kiến thức về bốn loại thực phẩm, với giáo lý bát chánh đạo thì đó gọi là như lý tác ýhoặc là như pháp tác ý(yoniso manaskara). Ngược lại là bất như lý tác ý (ayoniso manaskara). Chữ như lý được dịch từ chữ yoniso. Yoni có nghĩa là tử cung, cái cung của đứa con, mọi người đều sinh ra từ đó. Và vì thế yoni ở đây có nghĩa là cội nguồn. Khi đưa về đúng cội nguồn, không lạc hướng, thì gọi là yoniso. Đưa đi lạc khỏi cội nguồn thì gọi là ayoniso, dịch là bất như lý hay phi như lý tác ý. Thí dụ ở Làng Mai khi nghe tiếng chuông đồng hồ, mọi người trở về với chánh niệm, thở và mỉm cười. Ta lấy chánh niệm để soi sáng và như thế ta thực tập như lý tác ý. Khi nghe một tiếng hát đưa lòng ta tới những thương nhớ vẩn vơ, quên rằng ta đang ở đây để thực tập chánh niệm cùng với tăng thân, thì đó là phi như lý tác ý. Cho nên trong đời sống tu học, chúng ta phải tổ chức như thế nào để có thể thực tập được như lý tác ý trong mỗi giây phút. Khi bước vào nhà bếp, thấy một vị thiền sinh đang xắt cà rốt, tôi hay hỏi: “Anh đang làm gì đó?” Câu hỏi giống như một tiếng chuông để giúp người đó như lý tác ý. Trong một tăng thân tu tập với nhau chúng ta phải giúp nhau gióng tiếng như lý tác ý cho nhau. Cách đi, cách đứng, cách ngồi, cách nhìn, cách làm việc của ta đều có thể có tác dụng giúp người khác thực tập như lý tác ý. Trong tăng thân chúng ta có những người làm được như vậy. Khi nhìn thấy họ ta tự nhiên trở về với chánh niệm. Sự có mặt của họ có tác dụng như tiếng chuông tỉnh thức. Xây dựng tăng thân cũng là thực tập để cho mỗi lời nói, mỗi cái nhìn, mỗi cái động tác của ta là một tiếng chuông cho chính ta và cho người khác. Trong thiền viện, từ cách trình bày bàn thờ, cắm một bình hoa, một góc chùa cong, một tiếng chuông thỉnh đều chủ ý giúp chúng ta thực tập như lý tác ý. Cái gì trong thiền viện cũng phải được sắp đặt để nhắc nhở chúng ta phải trở về như lý tác ý. Như lý tác ý là giây phút khai sanh của chánh niệm. Ngược lại, nếu chúng ta sống trong một môi trường mà mọi thứ đều khiến chúng ta quên lãng, ta sẽ bị kéo theo bởi những phi như lý tác ý. Ngồi trong một quán rượu, tất cả những điều chúng ta nghe, thấy và cảm bằng sáu giác quan đều có tác dụng đưa chúng ta đi lạc vào phi như lý tác ý.

Khi chúng ta nghĩ tới danh, lợi, tài, sắc, nhớ tới thuốc hút “nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”, thì niệm đó là tà niệm. Nhớ một người nào đến nỗi không làm ăn gì được, không tu học gì nổi, đó là tà niệm. Có khi chúng ta quán tưởng một dòng nước trong hay là một bầu trời xanh để cho tâm hồn thư thái, để tự nuôi dưỡng trước khi trở về đối diện những khó khăn hiện tại, việc này có thể là như lý vì chúng ta biết mình đang làm gì. Nhưng thường thì chúng ta không biết là mình đang mơ mộng và đang trốn tránh. Mà người tu học không trốn tránh thực tại. Tu học tức là đem chánh niệm chiếu vào đối tượng khổ đau, để tìm ra những nguyên do đã đem tới đau khổ. Mà thấy được khổ đế và tập đế rồi, tự khắc ta thấy được đạo đế. Trốn tránh thì suốt đời ta không giải quyết vấn đề đau khổ của ta và của người.

Chánh niệm là một loại năng lượng để thắp sáng tâm ý. Chúng ta biết trong chiều sâu tàng thức của chúng ta có hạt giống chánh niệm. Không tu tập thì hạt giống bị vùi lấp qua nhiều lớp thất niệm, khổ đau phiền não. Tu tập là chạm vào hạt giống chánh niệm để nó nở thành hoa. Ta hãy tìm cách giữ nó lại trong phòng khách của tâm hành, vì đó là một người khách quý. Người khách đó là Bụt, vì chánh niệm chính là Bụt tương lai. Nuôi dưỡng chánh niệm là làm cho Bụt ở trong ta càng ngày càng sáng tỏ. Người tu tập giỏi có thể nuôi dưỡng ngọn đèn chánh niệm thường xuyên. Ngọn đèn đó sẽ đem chiếu sáng bốn lãnh vực, đối tượng của thiền quán.

Lãnh vực thứ nhất là thân. Thân tức là uẩn đầu tiên trong ngũ uẩn, gọi là sắc uẩn. Có một kinh chuyên trình bày sự thực tập chánh niệm về thân, gọi là Kinh Thân Hành Niệm. Kinh này có trong Trung Bộ (Majjima Nikaya), và cũng có trong bộ Trung A Hàm. Chánh niệm cũng soi sáng lãnh vực thứ hai gọi là lãnh vực cảm thọ. Thọ là những cảm giác của mình, những cảm giác vui, buồn. Những cảm thọ dễ chịu, khó chịu, hoặc không dễ chịu cũng không khó chịu, gọi là cảm thọ trung tính. Chánh niệm soi sáng lãnh vực thứ ba là tâm ý hay tâm hành. Bất cứ một tâm hành nào phát hiện là chánh niệm nhận diện được. Thấy tầm thì biết là tầm, thấy tứ thì biết là tứ, thấy tham thì biết là tham, thấy sân thì biết là sân, thấy mạn thì biết là mạn. Chánh niệm nhận diện tất cả 51 thứ tâm hành mỗi khi chúng phát hiện. Sau cùng chánh niệm soi sáng đối tượng của tâm hành, tức là các pháp. Pháp ở đây là tất cả mọi hiện tượng tâm lý cũng như vât lý, và sinh lý. Trước hết pháp là đối tượng của tưởng, tức là tri giác. Ở đây các pháp là đối tượng của tâm hành. Chúng ta soi sáng vừa chủ thể vừa đối tượng của tâm hành.

Chúng ta thường nghĩ nhầm năm uẩn là của một người này hay người kia. Phải nhớ năm uẩn không phải là một cái gì biệt lập, năm uẩn gồm cả chủ thể lẫn đối tượng. Mà đối tượng của năm uẩn bao gồm cả vũ trụ.

Người tu học dùng chánh niệm soi chiếu bốn lãnh vực thân, thọ, tâm ý và đối tượng tâm ý. Sự soi chiếu này đưa tới tuệ giác, có công năng tháo gỡ và giải thoát cho bản thân người tu học.

��

---o0o---

Mục Lục> 01> 02> 03> 04> 05> 06> 07> 08

> 09> 10> 11> 12> 13> 14> 15> 16>

17> 18> 19> 20> 21> 22.> 23> 24> 25

---o0o---

Vi tính: Hoằng Chơn Quảng Đài
Trình bày: Nhị Tường , Tịnh Tuệ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
17/07/2018(Xem: 5488)
Ông Thắng và bà Loan cưới nhau đã được bốn mươi năm. Năm nay ông được bảy mươi hai tuổi và bà Loan được bảy mươi. Thời thanh xuân ông bà đã trải qua với nhau một mối tình thơ mộng, đã tranh đấu chết sống với gia đình hai bên để vượt qua vấn đề môn đăng hộ đối. Cuối cùng được sự nhượng bộ của gia đình, một đám cưới tươm tất đã được diễn ra trong niềm hân hoan tột cùng của cô dâu, chú rể.
17/07/2018(Xem: 6150)
PERRIS, California (VB) – Chùa Hương Sen hôm cuối tuần Thứ Bảy ngày 14/07/2018 đã nhận một món quà tặng quý giá: 120 thùng sách Phật học. Đó là toàn bộ thư viện Phật học của Cư sĩ Mật Nghiêm Đặng Nguyên Phả lưu giữ trong nhiều thập niên tu học, hoạt động.
16/07/2018(Xem: 6325)
Hành giả tu pháp môn Tịnh Độ đều biết có bốn pháp niệm Phật tiêu biểu là: Thực Tướng Niệm Phật, Quán Tưởng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật và Trì Danh Niệm Phật. Trong bốn pháp quán này, Trì Danh Niệm Phật thường được số đông hành giả chọn để hành trì vì phương thức tương đối đơn giản hơn. Đây cũng chỉ là quan điểm của đại chúng. Phật thuyết nhất âm, chúng sanh tùy loài giải. Pháp như thế, Phật chỉ dạy như thế, chúng sanh tùy căn cơ mà hành, mà giải.
14/07/2018(Xem: 8989)
Sau 2 năm hoạt động độc lập, LAN vẫn tiếp tục thực hiện nhiều chương trình Phật pháp, cùng với đó là quỹ cộng đồng ý nghĩa mang tên Phụng Sự - Đóng góp xây dựng Chùa, tạc tượng và giúp người nghèo khó. Được lời mời từ Mỹ vào tháng 7/2017 vừa qua LAN đã đi qua các tiểu bang CA, Virginia, Marry Land, Philadelphia, Indianapolis..vv để thực hiện phim tư liệu cho các Chùa cùng phóng sự về khóa tu học Phật Pháp Bắc Mỹ lần 7 ở San Diego
13/07/2018(Xem: 7675)
Sống ở đời người ta hay xem trọng sắc diện, dáng vẻ bề ngoài. Thói thường người phụ nữ xinh đẹp, ăn mặc sang trọng, hay một nam tử tốt tướng "đẹp trai" diện đúng mốt thời trang... vẫn thu hút được sự chú ý của người xung quanh; ngược lại người có nét mặt buồn rầu u tối, ăn mặc xốc xếch... đi đến đâu cũng thường hay chịu thiệt thòi, dù không bị dè bỉu khinh thường ra mặt nhưng họ không được mọi người thực tâm ưu ái dành cho một chỗ đứng trang trọng, ngay trong giây phút gặp gỡ đầu tiên.
12/07/2018(Xem: 4790)
Vách tường được kết hợp từ hồ vữa, gạch, sơn... có vô tri vô giác, vô hồn vô cảm hay không thì không dám khẳng định, phán bừa nói ẩu. Chỉ dám nói chắc nịch một điều là nó cũng có... Duyên.
12/07/2018(Xem: 7544)
Điềm đạm chính là đức hạnh của người có tấm lòng thiện lương và cũng là chìa khóa của chân hạnh phúc. Người điềm đạm là người làm chủ được mọi cảm xúc, tâm lý tiêu cực cũng như tích cực.
11/07/2018(Xem: 6695)
Thầy, một vị tăng không chỉ tài mà là đa tài, đã không ngại đường xa trên mười cây số, từ bi hoan hỷ hạ cố đến nhà của Phật tử để thiết trí gian phòng thờ, bắt hào quang sau tượng đức Phật Thích Ca "niêm hoa vi tiếu", và bắt thêm cả dàn đèn led sắc màu lung linh huyền diệu thật tỉ mỉ công phu.
10/07/2018(Xem: 6074)
Đản sinh, là nói chuyện Đức Phật đản sinh. Đặc khu, là nói chuyện thị trấn Lumbini, nơi Đức Phật ra đời, và cũng là nơi một giáo sư Bắc Kinh bỗng nhiên “khám phá” rằng Lumbini thời xa xưa là một đặc khu của triều đình Thục Vương của Trung Hoa cổ thời. Nghĩa là, lịch sử Phật giáo sẽ bị một vài giáo sư TQ viết lại... Lo ngại là gần đây, báo Global Times của nhà nước TQ đã nói về một “nghiên cứu mới” rằng chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni mang dòng máu người Hán, chớ không phải người Ấn Độ. Trong khi đó, cũng có thêm một nỗi lo khác cho Phật tử thế giới, là sức khỏe của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
09/07/2018(Xem: 6336)
Chúng ta đang ở vào năm thứ 18 của Thế Kỷ 21 và chỉ còn 82 năm nữa nhân loại sẽ bước vào Thế Kỷ 22. Có rất nhiều biến động của thế kỷ trước mà chúng ta đã quên mất rồi. Nhân dịp về hưu rảnh rỗi tôi lục lại cuốn Biên Niên Sử Thế Kỷ 20 (Chronicle of the 20th Century) để xem nhân loại phát minh ra những gì, chịu những thống khổ, những vui buồn như thế nào và có bao nhiêu cuộc chiến tranh giữa các đế quốc. Sự thực phũ phàng của 118 năm qua là, một quốc gia tuy nhỏ bé nhưng có vũ khí tối tân và bộ máy quân sự khổng lồ vẫn có thể bá chủ thế giới và biến các quốc gia to rộng gấp mười lần mình thành nô lệ. Do đó muốn tồn tại trong độc lập, ngoài phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, lúc nào cũng phải tăng cường binh bị, vũ khí cho kịp đà tiến triển của nhân loại. Sách lược ngoại giao cũng là một vũ khí nhưng sức mạnh quân sự của một quốc gia là loại vũ khí vững chắc nhất.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]