Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

05. Phật pháp căn bản - Bài thứ năm

03/04/201320:44(Xem: 38901)
05. Phật pháp căn bản - Bài thứ năm

TRÁITIM CỦA BỤT


Tác giả:THÍCH NHẤT HẠNH.

Phiên tả và hiệu đính: Chân Đoan Nghiêm, Chân Văn
Tâm Phước và Diệu Chánh

Nhà xuất bảnTôn giáo.
Năm xuất bản:2005.

---o0o---

05.

Phật Pháp Căn Bản

Bài thứ năm

Hôm nay là ngày mùng 5 tháng 12 năm 1993. Chúng ta ở tại Xóm Hạ và học tiếp về tứ diệu đế. Hôm nay vì đã đi đến phần Đạo đế, nên chúng ta sẽ học về Bát Chính Đạo.

Đạo tức là con đường (marga là con đường), con đường chuyển hóa, con đường đưa tới giải thóat và an lạc. Muốn tìm con đường giải thoát, con đường chuyển hóa, ta phải tìm ở đâu? Nhiều người đã trả lời và có những câu trả lời rất mạnh mẽ. Một vị thiền sư Việt Nam, trong khi thuyết pháp đã nói: “Mục đích quan trọng nhất của người xuất gia là vượt thoát sinh tử.” Một vị đệ tử mới hỏi: “Bạch thầy, tìm sự vượt thoát sinh tử ở đâu?’ Vị thiền sư trả lời :”Tìm ngay ở trong sinh tử.” Thiền sư đó tên là Thiện Hội, và thiền sinh ấy tên là Vân Phong, sống ở thế kỷ thứ mười.

Tìm cái không sinh tử ở ngay trong sinh tử. Đạo không tách rời khỏi cuộc sống hiện thực của chúng ta, trong đó có những khổ đau mà chúng ta đã và đang trải qua. Đạo không phải tự trên trời rơi xuống đất. Đạo tức là con đường tìm ra ngay trong hoàn cảnh đau khổ. Nếu không có hoàn cảnh đau khổ của chúng ta thì không có đạo. Cho nên đạo đế được làm bằng khổ đế. Điều này cho thấy, một lần nữa, nguyên tắc duyên khởi và bất nhị của đạo Bụt. Nếu không nhìn vào cuộc đời thực tại với những đau khổ, với những vấn đề của nó, thì ta không thể tìm ra đạo. Tìm đạo ngay trong khổ và trong tập.

Cho nên khi nói về bát chánh đạo chúng ta phải nhớ rằng đạo là phương pháp hành trì liên hệ mật thiết đến những khổ đau có thực của chúng ta. Trong giới Tiếp hiện có một giới nói về chuyện cần thiết tiếp xúc với đau khổ, không được trốn tránh đau khổ, phải trực diện với đau khổ. Cũng như hoa sen không có thể mọc trên đá mà phải mọc trong bùn, đạo giải thoát phát sinh từ vũng lầy của đau khổ. Không những đạo đế liên hệ với khổ đế mà còn liên hệ mật thiết với tập đế và diệt đế.

CHÁNH KIẾN

Bụt nói tới con đường giải thoát như là con đường của tám sự hành trì chân chính, gọi là bát chánh đạo. Sự hành trì chân chính đầu tiên là chánh kiến.

Kiến là cái nhìn, cái thấy. Chánh kiến là cái thấy, cái nhận thức xác thật. Chữ chánh trong tiếng Hán Việt có nghĩa là thẳng, còn khi nghiêng ta gọi là tà. Chánh kiến có thể dịch là right understandinghay right view(samyak drsti). Chữ Phạn Drstilà cái thấy, Samyaklà chính.

Trong văn mạch của tứ diệu đế thì chánh kiến trước hết là cái nhìn rõ rệt về bốn sự thật căn bản. Phải hiểu thế nào là khổ, tập, diệt và đạo. Tu tập chánh kiến có hai giai đoạn, hữu lậu v�� vô lậu, có cái thấy phản ảnh chân lý tương đối và có cái thấy phản ảnh chân lý tuyệt đối. Tuy nhiên ta phải ghi nhớ câu Nhị đế dung thông tam muội ấntrong nghi thức tụng niệm hàng ngày. Nhị đế có nghĩa là tục đế không trái chống với chân đế, chân đế bao gồm tục đế ở trong. Dungcó nghĩa là chứa đựng được, có thể bao trùm được. Tương dung có thể dịch là inter-embrasing, bao dung lẫn nhau. Thôngcó nghĩa là cái này truyền với cái kia, inter-penetration. Phải thấy được tính cách dung thông của nhị đế trong mỗi giáo lý của đạo Bụt. Nói rằng chánh kiến là cái thấy đúng đắn về tứ diệu đế, nhưng cái thấy tới mức nào mới là đúng đắn? Sự hiểu biết và nhận thức của chúng ta gần với chân đế nhiều hay ít là tùy theo sự tu tập của chúng ta.

Trong sự tu tập, học hỏi, chúng ta có ba giai đoạn: văn, tư, tu. Văntức là nghe giảng, đọc sách, nghe giáo lý, học giáo lý, pháp đàm về giáo lý. là dùng trí thông minh, kinh nghiệm của mình mà chiêm nghiệm. Không vâng tin theo một cách ngây thơ những gì mình nghe, mình học. Tulà đem ra thực tập. Thực tập bằng thiền hành, thiền tọa, ăn cơm, im lặng, làm việc, nói năng. Thực tập để có cơ hội xét nghiệm lại, để có thể chuyển đổi tự thân cho sâu sắc hơn, đứng đắn hơn, vững vàng hơn. Đó gọi là quá trình văn, tư, tu (learning, reflexing, practicing). Văn, tư, tu luôn luôn bắt đầu bằng tục đế, tức là bằng sự thật thông thường, có thể dùng óc suy luận, có thể dùng khái niệm và ngôn ngữ để diễn bày, để chuyên chở. Chúng ta dùng những danh từ và những khái niệm như khổ, tập, diệt, đạo mà tu tập. Càng tu tập bao nhiêu thì chúng ta càng có kinh nghiệm trực tiếp bấy nhiêu, và dần dần chúng ta không còn bị trói buộc bởi những danh từ và khái niệm nữa, nghĩa là bước sang lãnh vực chân đế.

Trong bước đầu văn, tư và tu, tuy rằng chúng ta đang ở trong tục đế nhưng sự tu tập đã hàm chứa chân đế rồi. Và khi đạt tới sự chứng ngộ, có được cái thấy tuyệt đối. thì chúng ta biết rằng sự chứng ngộ đó có chứa đựng tất cả các hạt giống, những thành quả đã đi qua từ những bước đầu tu tập. Nói như vậy để nhắc lại một lần nữa quy tắc Nhị đế dung thông, hai loại chân lý không chống đối nhau. Cho nên, cái hiểu và cái biết của chúng ta về tứ diệu đế dù còn nhỏ bé tới đâu, dù chưa đúng hẳn với lời Bụt dạy, nhưng trong đó đã có hạt giống của chân đế.

Trong Kinh thỉnh thoảng Bụt và các thầy có nói tới thế nào là chánh kiến. Sự diễn tả chánh kiến luôn luôn bắt đầu ở trình độ dễ dàng để mọi người có thể hiểu được. Ví dụ như nói chánh kiến là cái thấy về thiện, ác, về nhân quả: gieo đậu sẽ được đậu, làm lành thì sẽ có phúc, làm dữ thì sẽ bị tai họa, v.v. tất cả đều thuộc về chánh kiến. Tất cả mọi người đều cần những ý niệm sơ khởi như vậy thì mới biết đường đi. Như niềm tin nơi Bụt, một bậc giác ngộ; niềm tin nơi Pháp, con đường giải thoát và niềm tin nơi Tăng, đoàn thể tu tập. Đó là chánh kiến. Tin rằng có thể chuyển hóa đau khổ, rằng có những bậc A la hán, nhờ tu tập mà đã thoát được những phiền não và sinh tử luân hồi… những điều đó đều thuộc về chánh kiến. Hễ lời nói nào, ý niệm nào mà chứa đựng được một hạt chân lý của Phật pháp trong đó là có chứa đựng ít nhiều chánh kiến rồi, dầu chưa phải cái thấy tuyệt đối.

Chúng ta hãy đọc một đoạn trong Kinh Thánh Đạo. Kinh nói: “ Có bố thí, có cúng dường, có cha có mẹ, có các loài hóa sanh, có các vị sa môn, bà la môn, có người tu học thành công, có sự tu hành để chứng đạt được trong đời này.” Đó là một cách trình bày chánh kiến để mọi người thấy và có đức tin. Với đức tin, người ta sẽ đi theo con đường chuyển hóa, bỏ những hành động sai lầm gây khổ đau, bắt đầu tạo an lạc và hạnh phúc. Nhưng chánh kiến trước hết là thấy bốn sự thật mầu nhiệm, tại vì đó là căn bản của Phật pháp. Mà thấy được bốn sự thật cho rõ ràng thì điều này không phải là chuyện dễ. Công nhận sự thật về khổ, tập, diệt và đạo, tức là chấp nhận tứ diệu đế. Nhưng ta cần có công phu học hỏi, tư duy và công phu thực tập rất nhiều mới có thể có được cái nhìn sâu sắc và vững chãi về tứ diệu đế. Sau đây chúng ta thử tập quán chiếu để có một cái thấy về tứ diệu đế.

CHÁNH KIẾN VỀ TỨ DIỆU ĐẾ

Chúng ta biết rằng con đường thoát khổ mà chúng ta tìm, con đường đưa tới sự an lạc mà chúng ta tìm, chúng ta phải tìm ngay ở trong cái khổ. Đó là nguyên tắc thực tập: phải trực tiếp đối diện với khổ. Cái khổ có thể là nỗi sợ hãi, có thể là niềm lo âu, bất an. Cái khổ có thể là mối hận thù, giận dữ, là buồn rầu, chán nản hay tuyệt vọng. Chúng ta phải trở về tiếp xúc và tìm hiểu những nỗi khổ đó với tất cả sự can đảm của mình. Chúng ta phải nâng nỗi khổ lên, ôm vào trong hai tay và quán chiếu sâu xa vào nó. Nếu không làm được chuyện đó thì không dễ gì ta thấy được tập, diệt và đạo.

Khi quán chiếu về khổ, trước hết chúng ta thấy một sự thật là nhiều người đang khổ mà không biết là mình khổ. Họ luôn luôn tìm cách trốn chạy, tìm cách lãng quên cái khổ của họ. Cũng như người bị bệnh ho lao mà không nhận biết mình bị bệnh ho lao.

Nhiều người mang một niềm thất vọng, một nỗi đau khổ quá sâu kín trong lòng mà không tự biết. Họ chỉ cảm thấy không an lạc, cảm thấy không muốn đối diện với chính mình. Vì thế họ tìm sự quên lãng, vùi lấp đời họ trong những quán rượu, vũ trường, bài bạc, hay chôn nỗi khổ của mình trong những phim video,v.v. Bụt dạy rằng cái khổ của con lạc đà hay con lừa phải chở hành lý nặng nề trên lưng, cái đó chưa phải là khổ. Ngu si không biết mình là khổ, không biết có đường đi thoát khổ, đó mới là cái khổ thật. Đó là tình trạng của người không tu, không biết tu. Bắt đầu vào con đường văn, tư, tu ta nhận diện cái khổ, quán chiếu cái khổ, gọi tên cái khổ của mình mà không còn sợ hãi nữa. Và nhờ đó ta thấy được bản chất của cái khổ, thấy được tập, thấy được diệt và thấy được đạo ở trong cái khổ.

Thấy Tậptức là thấy được những gốc rễ gần xa, nguyên do của cái khổ. Chúng ta đã sống như thế nào, đã ăn uống như thế nào, đã thở như thế nào, đã tiêu thụ như thế nào? Đã sống đời sống cá nhân và xã hội của chúng ta như thế nào? Ta nhận diện cái khổ, gọi tên nó, quán chiếu và thấy được bản chất của nó. Và khi thấy được bản chất của khổ thì ta sẽ thấy tập. Tập tức là nguyên do của khổ, những nguyên do xa gần trong quá khứ và trong hiện tại. Cái thấy đó chỉ có thể đạt được bằng sự quán chiếu. Chúng ta có những phương pháp để quán chiếu. Chúng ta cần sự yên lặng, cần có thì giờ, chúng ta cần thiền toạ, thiền hành, chúng ta cần bạn tu để giúp đỡ, chúng ta cần thầy để hướng dẫn. Một ông bác sĩ trị bệnh cũng làm như vậy thôi. Bác sĩ mà quán chiếu sai lầm, đưa thuốc sai lầm thì có thể làm hại bệnh nhân. Trong sự tu học, chúng ta phải làm công việc thầy thuốc cho chính bản thân. Chúng ta phải có đủ thì giờ quán chiếu, phải can đảm tiếp xúc với cái đau khổ của mình. Phải tìm ra những nguyên nhân của khổ đau hàng ngày. Như vậy, không những ta thấy được tập, mà còn thấy được diệt nữa.

Diệttức là khổ diệt, nghĩa là sự vắng mặt của khổ. Hôm nay cái khổ có mặt cũng có nghĩa là ngày hôm qua, hay trong quá khứ, nó đã từng không có mặt. Nếu chúng ta biết chuyển hóa thì ngày mai nó có thể cũng không còn có mặt nữa. Đó là sự ước ao của chúng ta. Diệt tức là khổ diệt, có nghĩa là an lạc, hạnh phúc. Ta thấy là ngày xưa ta có những trạng thái vô tư, an lạc, có sức khoẻ, nhưng ta đã không biết quý, không biết hưởng và không biết bảo hộ.

Diệtcũng được thực tập qua ba giai đoạn. Thứ nhất là tiếp xúc với cái hạnh phúc bình thường trước khi nó mất. Ví dụ có một bà mẹ yêu quý mà không biết đó là hạnh phúc nên không hưởng niềm vui có mẹ, khi mẹ mất đi thì thấy khổ. Có lúc chúng ta không đau răng mà không thấy mối hạnh phúc của người không đau răng, đợi tới khi răng đau nhức thì mới thấy rằng lúc không đau răng là hạnh phúc. Vì vậy khi nhìn vào khổ thì thấy được thế nào là diệt. Thấy tập rồi là thấy diệt. Không đau răng tượng trưng cho biết bao nhiêu là an lạc mà mình đã dẫm đạp, đã tàn phá bằng sự quên lãng và dại khờ của mình. Khi hai chân mình đang còn khoẻ, còn chạy được, còn đi được thì mình không biết hưởng, mình không có hạnh phúc. Đến lúc già yếu, chân đi không vững, mình mới thấy rằng có hai chân khoẻ là hạnh phúc lớn.

Tình trạng khổ mà không biết là mình khổ cũng tương tự như tình trạng diệt, có yên vui mà không biết là mình yên vui. Đó là vì mình không có khả năng tiếp xúc với hạnh phúc. Có hai con mắt mở ra để thấy trời xanh, nhưng ta không biết rằng đó là hạnh phúc. Khi khổ đau mà quán chiếu cái khổ và tiếp xúc với cái khổ, ta thấy được cái diệt. Trong một ngày, nếu thực tập quán chiếu bằng chánh niệm, ta sẽ thấy mình có sẵn rất nhiều điều kiện của hạnh phúc ngay trong hiện tại. Nhưng vì không tu tập chánh niệm, ta tự dẫm đạp lên trên những điều kiện hạnh phúc. Sống trong một tâm trạng chán nản rồi để cho tâm trạng đó trùm lấp mình, ta không còn khả năng tiếp xúc được với bất cứ sự mầu nhiệm nào trong đời sống hiện tại. Tại sao người khác đang đi thiền hành an lạc, đang tự nuôi dưỡng bằng hơi thở và bằng bước chân hạnh phúc, thì ta tuy cũng đi thiền hành với họ mà lại tự chôn mình trong đau khổ, buồn bực, giận hờn?

Trong khi quán chiếu khổ, ta thấy được diệt, là trạng thái không khổ và tự nhiên đạo phát khởi. Ta có thể nhận ra rằng cái khổ bắt nguồn từ sự quên lãng và những tri giác sai lầm. Quên lãng tức là không có chánh niệm (the lack of mindfulness). Khi ganh tị, khi giận hờn, ta khổ đau. Mà những ganh tị và giận hờn ấy bắt nguồn từ vọng tưởng. Có thể người khác không có chủ ý làm khổ ta, nhưng ta cứ nghĩ rằng người ấy có chủ ý. Khi thấy nguyên do gây khổ, ta thấy được tập, và nguyên do đó tại ta. Nếu thấy nguyên do đó không đáng cho ta khổ, thì cái khổ tan biến, và tự nhiên ta có nụ cười và ta an lạc. Khổ, tập, diệt và đạo có mặt đồng thời trong một giây phút.

Đạo, là con đường chánh niệm phá tan quên lãng, là con đường chánh kiến phá tan vọng tưởng. Cái khổ của ta vốn chứa hạnh phúc trong tự thân của nó, nhưng vì cách nhìn sai lầm của ta nên ta không thấy hạnh phúc. Hạnh phúc của mình, chính mình vứt bỏ nó đi, mình đẩy nó đi. Biết bao nhiêu thanh thiếu niên đã dại dột như vậy. Trong một cơn giận dữ, trong một phút đam mê, họ không còn nhìn thấy được hạnh phúc lớn lao sẵn có, và họ tự chấm dứt đời họ. Cái mà mình gọi là khổ có thể đang chứa đựng cái diệt, có khi ta chỉ cần một thực tập nho nhỏlà có thể tự chuyển hóa, khôi phục được tình trạng diệt. Phương pháp khôi phục đôi khi rất đơn giản. Khổ hay lạc đều tùy theo cách mình nhìn. Một người bạn tu là một người có thể giúp mình nhìn lại và thấy được những gì mình chưa thấy. Ta nên nhìn tận mặt cái khổ của ta và hãy chào cái khổ ấy: Buồn ơi chào mi! Chán nản ơi chào mi! Giận ơi chào mi!... Quán chiếu trực tiếp vào cái khổ ta thấy ở trong khổ có tập, có diệt và có đạo. Có người tưởng rằng đạo phải do thầy dạy, phải được học trong Kinh. Ai ngờ nhìn sâu vào trong nỗi đau khổ của ta, ta đã có thể thấy đạo rồi.

Bụt đã làm như vậy. Bụt có bao giờ học Kinh? Ngài không học Kinh Pháp Hoa, cũng không học Kinh Hoa Nghiêm, cũng không học Kinh A Hàm… Ngài chỉ quán chiếu cái khổ của mình mà tìm ra con đường và Ngài đã dạy chúng ta. Chúng ta cũng phải nhìn vào sự thật khổ đau, không nên tìm cách quên lãng, trốn chạy, che dấu, xô đẩy, chống đối lại khổ đau. Chỉ có sự quán chiếu khổ đau mới giúp ta tìm ra được những nguyên do khiến cho ta không hạnh phúc, rồi sau đó tìm ra con đường chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc. Quán chiếu vào khổ thì thấy tập, diệt và đạo. Một cái chứa đựng tất cả các cái khác. Giáo lý duyên sinh của Bụt rất màu nhiệm.

Trong quá trình quán chiếu, nhận diện và gọi tên như vậy, ta thấy được bản chất của khổ, thấy tập, thấy diệt, thấy đạo. Nhờ ta nhìn thấy tập, thấy diệt, thấy đạo trong khổ, tự nhiên khổ sẽ giảm bớt, các nguyên do tập thành tự ngưng, đạo hiện ra. Thấy tập thì ngưng tập. Thí dụ thấy vì uống rượu mà đau gan thì ta sẽ tự ngưng uống rượu. Thấy phổi yếu vì hút thuốc ta tự ngưng hút thuốc. Tập càng ngày càng bớt đi và sự chuyển hóa sẽ tới. Đạo càng ngày càng hiện rõ. Quá trình tu tập đó là văn, tư và tu.

Khi mức chuyển hóa đã cao, thì cái khổ trước đây bây giờ không còn là khổ nữa. Những cái gọi là chết, bệnh, già, hay giận, buồn, ghen, không làm cho mình sợ hãi nữa. Quán chiếu sâu xa hơn ta sẽ thấy rằng những cái gọi là sanh và diệt chỉ là những ý niệm trong đầu mình. Không có sanh cũng không có diệt, chỉ có sự biểu hiện và sự ẩn tàng. Cho nên những cái mà thế gian gọi là khổ đã được Bụt và các vị bồ tát cho là lý thường nhiên. Một chiếc lá sanh ra, lớn lên, ve vẩy trên cành rồi rụng xuống, đó là chuyện thường. Chuyện ta sinh ra, lớn lên, già và chết, cũng thường nhiên như một chiếc lá. Nhìn sanh, lão, bệnh, tử với con mắt bình thản, ta sẽ không lo sợ.

Vô khổ, tập, diệt, đạolà một lời tuyên bố của Tâm Kinh. Ta đi vào phạm vi của chân đế, của vô lậu, của liễu nghĩa kinh: không có khổ, tập, diệt và đạo. Các vị bồ tát dạo chơi trong biển sinh tử để cứu người. Nơi ta gọi là biển khổ chính là môi trường hành đạo của họ. Họ không còn bị những đợt sóng còn, mất, tử, sinh vùi dập. Ranh giới giữa khổ và diệt, giữa khổ và vui đã mất đi. Chính bằng chất liệu khổ mà họ tạo ra an lạc, bằng phân rác mà họ tạo ra được bông hoa. Phiền não tức bồ đềlà ngôn ngữ siêu việt khổ vui. Hoa và rác tương tức. Chúng ta biết rằng cái khổ mà chúng ta thấy là ngược với cái vui, nhưng sau một thời gian tu tập và quán chiếu sâu sắc, khổ vui sẽ tương tức. Sau khi vượt ra, không còn sợ hãi và trốn chạy cái khổ, không còn mê đắm trong cái vui tương đối. chúng ta đạt tới niềm vui chân thật và vô lậu, đó là niết bàn. Cái vui này siêu việt cả cái khổ và cái vui thông tục: Sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc. Giai đoạn quán chiếu khổ và tập tuy còn là trong cõi hữu lậu nhưng giai đoạn đó đã chứa đựng những hạt giống của vô lậu. Khi nghe ngôn ngữ của chân đế, chúng ta phải thấy ngôn ngữ đó không nói ngược lại sự thật tục đế.

Bây giờ ta nói chánh kiến về tập, tức là những nguyên do gần xa gây ra khổ. Cứ để khổ đau tràn lấp, làm cho đen tối cuộc đời. Đó là một câu trong bài Sám Nguyện. Hàng ngày, những ý tưởng, lời nói và hành động của ta có thể đang nuôi dưỡng cái khổ mà ta không biết. Bây giờ tu học, ta phải nhận diện, quán chiếu, thấy được những điều ta đã làm và đã nói thường gây đổ vỡ trong đời sống hàng ngày.

Bụt dạy nhiều phương pháp giúp ta nhìn thấy bản chất của khổ và tập, thấy được bản chất của diệt, thấy ta có thể đạt tới diệt, tức là hạnh phúc. Nếu làm đúng phương pháp Bụt dạy, nếu chuyển hóa thành công, ta sẽ phát khởi được cái nhìn vô lậu. Lúc đó ta sẽ không còn kẹt vào các khái niệm khổ, diệt và đạo nữa. Tư tưởng ta có thể bị kẹt. Ví dụ như nghĩ rằng diệt là không còn gì nữa hết cho nên hết khổ, đó là một quan niệm sai lầm. Chứng đạo rồi ta không còn chấp trước nữa, dù cả vào sự tu tập. Trong cửa thiền ta gọi là đói ăn khát uống: Tôi đói thì tôi ăn, tôi khát thì tôi uống, mà khi làm theo điều mong muốn, tôi không gây đau khổ cho tôi và cho người. Khổng tư nói tùng tâm sở dục bất du củ. Tùng tâm sở dục có nghĩa là lòng mình muốn gì thì mình làm cái đó, và mình không còn bị kẹt vào hình thức. Bất du củlà vẫn đúng khuôn phép *. Đó là tình trạng thảnh thơi, an lạc nơi Tịnh độ. Theo ngôn ngữ của mười bức tranh chăn trâu là thõng tay vào chợ. Cũng đi vào chợ, cũng nói cũng cười, cũng mua cũng bán như người khác, nhưng mình vẫn là con người giải thoát. Không tuyên bố nghiêm trọng: Tôi đang tu đây. Đi thiền hành thảnh thơi như không. Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói ”ngã pháp hành vô hành hạnh, tu vô tu tu.”

Ở trình độ “tùng tâm sở dục” - muốn làm gì cũng được, thì hành động sẽ không còn gây thêm tập, không tạo thêm những nguyên do của khổ. Nhưng nếu chưa đạt tới trình độ đó mà ta bắt chước thì đó là điều nguy hiểm. Khi xưa, Hoà thượng Nhất Định, chùa Từ Hiếu, xin vua được từ chức tăng cương về trụ trì ở núi Diên Xuân với hai vị đệ tử. Ngài lập một cái am, gọi là Am An Dưỡng, rồi Ngài mời bà mẹ về để được dịp sống gần mẹ già. Các quan trong triều tới thăm, xin cất một ngôi chùa. Ngài nói: “Thôi, thôi, tôi đã trụ trì nhiều chùa rồi, mục đích của tôi xin vua về nghỉ là để khỏi phải giữ chùa, không lý bây giờ các vị lại bắt tôi làm chùa nữa? Từ đó ngài sống những ngày rất an lạc cùng bà mẹ. Có một hôm mẹ ngài bị bệnh nặng, bà nói :”Con, sao mẹ muốn ăn cháo cá quá.” Ngài đi xuống chợ Bến Ngự, thản nhiên xin một con cá đem về nấu cháo cho mẹ ăn. Ngài xách con cá trong tay, đi từ dưới chợ lên núi. Nhiều người nói :” Sao thầy tu mà làm như vậy?” Nhưng vì Ngài không còn nệ vào hình thức nữa, thành ra Ngài thản nhiên:” Làm cái gì cũng được hết ”, trong thiền học gọi là đói ăn khát uống. Người ta chỉ làm được như vậy khi đã đạt tới tự do và vượt thoát thường tục.

Diệt tức là sự chấm dứt những nguyên do gây khổ đau. Người ta sống có hạnh phúc, an lành và thảnh thơi mà không tự biết. Trước khi bị khổ đau trấn ngự ta đã có tình trạng diệt, nhưng ta không biết quý. Vì dại dột, ta có thể tự phá hoại hạnh phúc tự nhiên sẵn có của ta. Nguyên do là ta sống không chánh niệm, ta thiếu thầy, thiếu bạn để chỉ cho ta thấy hạnh phúc ta đang có. Những điều kiện hạnh phúc có thể đang có mặt trong ta và xung quanh ta nhưng ta không có khả năng tiếp xúc để sống hạnh phúc.

HẠ THỦ CÔNG PHU

Tu tập cũng là quán chiếu để nhận diện hạnh phúc bằng những bài thực tập chánh niệm. Ví dụ: “Tôi đang thở vào và tôi biết là tôi có hai con mắt. Tôi đang thở ra và tôi mỉm cười với hai mắt của tôi.” Đó là một trong những bài tập giúp ta tiếp xúc được với những điều kiện hạnh phúc đang có của mình. Ta là người đã tiếp nhận nhiều điều kiện hạnh phúc ấy từ cha, mẹ, ông, bà, tổ tiên và trời đất nhưng ta đã không biết thừa hưởng kho tàng hạnh phúc đó. Kinh gọi đó là người cùng tử. Trong lúc quán chiếu như vậy ta thấy ngay trong diệt cũng đã có sẵn mầm khổ. Cách sống hàng ngày của ta có thể tiêu diệt hạnh phúc của ta và tạo ra khổ đau. Rõ ràng là quán chiếu hạnh phúc thì ta thấy khổ đau nằm sẵn trong ấy. Và khi thấy điều đó, ta thấy được đạo.

Bụt dạy phép an trú trong hiện tại (hiện tại lạc trú), tức là sống tỉnh thức trong từng giây phút, biết quý trọng từng giây phút của đời sống. Con đường rõ ràng như vậy, chỉ có điều ta thực tập hay không mà thôi. Nghe Bụt ta biết là lời Bụt hay lắm, cần đem ra rao giảng cho thế gian, nhưng chính ta lại không chịu học hành. Cho nên ta phải quyết chí thực tập chứ không nói lý thuyết suông, đó gọi là hạ thủ công phu (get down to the real pratice). Thiền hành mỗi ngày, tụng kinh mỗi ngày, thực tập mỉm cười và hơi thở ý thức mỗi ngày, và tập nhìn mọi người bằng con mắt hiểu và thương. Ta nấu cơm, rửa chén và quét nhà như thế nào để có thể có hạnh phúc ngay trong khi ta nấu cơm, rửa chén và quét nhà. Đó là công phu. Trong khi rửa chén, nấu cơm, kê bàn, dọn ghế, uống nước và cưa cây, ta tự hỏi: “Ta đang làm gì đây? - What am I doing?” Ta tự trả lời: Ta đang rửa chén. Rửa chén như thế nào để có an lạc, quét nhà như thế nào để có an lạc đó là điều quan trọng. Khi ta tự hỏi: Ta đang làm gì đây? Ta sẽ rửa chén một cách khác và quét nhà một cách khác. Trong chánh niệm ta thấy hạnh phúc tràn lan. Ta sẽ không còn xem rửa chén và quét nhà là những công tác nặng nhọc và muốn làm cho xong. Ta đang làm gì đây? Hỏi xong ta mỉm cười, và chuyện rửa chén quét nhà bỗng tạo ra một niềm vui trong đời sống hàng ngày. Đó gọi là hạ thủ công phu.

Ngoài việc thực tập trong cuộc sống cá nhân, chúng ta còn thực tập trong đời sống chung với mọi người. Giả dụ vì xung khắc mà hai người cùng đau khổ. Chúng ta có cơ hội thực tập để làm giảm bớt khổ đau. Cơ hội thứ nhất là cả hai người cùng thực tập. Hai người đều quán chiếu, hai người đều dùng mắt thương nhìn cuộc đời.

Cơ hội thứ hai là người này thực tập nếu người kia không thực tập. Khi ta thực tập và nhìn người kia bằng con mắt từ bi thì không những ta thay đổi mà người đó cũng sẽ thay đổi. Ta không cần hai người mới ký được hòa ước, một mình ta ta đã có thể ký hòa ước rồi. Trong tự tâm ta có thể hoà giải, ta tự bắt đầu trước, và sự chuyển hóa sâu xa và chân thật của ta sẽ đưa tới sự chuyển hóa của người kia.

Cơ hội thứ ba: nếu người này không thực tập thì người kia bắt đầu thực tập.

Thành ta lúc nào ta cũng có ba cơ hội để tạo niềm thông cảm. Tình trạng không phải là một tình trạng tuyệt vọng. Xung quanh ta, bất cứ một lời kinh, một tiếng mõ, một tiếng chuông, một bước chân nào cũng nhắc ta rằng ta có ba cơ hội đó. Hạ thủ công phu là việc ta có thể làm được và có thể làm ngay. Ta có thể thành công trong mấy phút đồng hồ, chứ không hẳn phải chờ ngày này sang ngày khác.

Nếu ta biết thay đổi cách nhìn thì tự nhiên bể khổ cuộc đời sẽ tiêu tan. Mắt thương nhìn cuộc đời là một phương pháp rất mầu nhiệm. Chính ta có thể thay đổi được tình trạng. Đừng nói rằng nếu người kia không thay đổi thì ta làm sao thay đổi.

Phương pháp tu tập này là tiếp xúc với an lạc và tạo tác niềm vui trong mỗi giây phút của cuộc đời. Đây là thực tập hiện tại lạc trú, thực tập phép lạ. Cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức bản dịch tiếng Pháp nhan đề là Le Miracle, c’est de marcher sur terre – Phép lạ là đi trên mặt đất. Đi trên mặt đất đã là thần thông. Phép lạ là biết mình đang sống. Chỉ đi bộ thôi cũng đã là thần thông. Chỉ cần rửa chén, chỉ cần nhìn một thân cây thôi, cũng đã là một phép thần thông. Phép lạ là biết rằng hễ mở mắt thì thấy đuợc trời xanh. Phép lạ ấy, ta có thể thực hiện trong từng giây phút để nuôi dưỡng và chuyển hóa, để an lạc tăng trưởng, và để thấy đạo. Đạo không phải chỉ được thấy nhờ học Kinh và nghe giảng mà nhờ thực tập. Càng thực tập ta càng thấy rõ đạo. Theo công phu tu tập này, những niềm vui hời hợt và giả tạo sẽ được chuyển hóa thành những niềm vui đích thật và sâu sắc.

Tuy biết rằng cái gì cũng vô thường, cũng thay đổi, nhưng ta không còn sợ hãi, vì ta đã biết cách tạo niềm vui. Thực tập như vậy, ta sẽ đạt tới mức độ vững chãi, sẽ không sợ hãi vô thường, sợ hãi thay đổi, đó là tự do, là không vướng bận. Không phải chờ tới một trình độ cao nào đó ta mới đạt được vững chãi và thảnh thơi. Công trình tu tập càng ngày liên tục đem lại cho ta thảnh thơi. Cho đến khi ta đạt tới sự vững chãi và thảnh thơi vượt lên trên những khổ vui thông tục thì diệt đế có tên là niết bàn (nirodha trở thành nirvana). Diệt không phải chỉ là sự vắng mặt của đau khổ. Sự vắng mặt tạm thời của khổ đau sẽ dẫn tới sự vắng mặt vĩnh viễn của khổ đau. Tục đế sẽ đưa tới chân đế. Đó là chân như, có khi gọi là pháp giới tánh hay là pháp thân (dharmakaya). Và niềm vui lớn này, ta không thể diễn tả bằng lời nói được nữa, vì nó đã vượt ra khỏi ngôn ngữ của tục đế.

Niềm vui lớn này, Bụt và các vị bồ tát đã thực chứng được. Các vị có thể gật đầu xác nhận rằng niềm vui đó có mặt, nhưng họ diễn tả không được, và chính ta phải tự tìm lối vào. Không thể diễn tả được niết bàn (nirvana). Cho nên trong lĩnh vực này thì diệt đế là ngôn ngữ đạo đoạn: con đường của ngữ ngôn đã bị cắt đứt. Không có ngữ ngôn nào có thể diễn tả được niết bàn, được niềm vui lớn, được sự vững chãi và thảnh thơi của người đã đạt tới cái niềm vui lớn. Không những ngôn ngữ không chuyên chở được mà các ý niệm cũng không chuyên chở được. Không suy tưởng được, không khái niệm được, gọi là tâm hành xứ diệt. Nó không thuộc về lãnh vực của tư tưởng nữa. Niết bàn không thể suy tư, không thể so sánh, không thể tưởng tượng được. Niết bàn chỉ có thể tự thân tác chứng.

Vậy thì sự thật thứ ba, diệt, cũng có hai phần. Phần thứ nhất là phần hữu lậu và phần thứ hai là phần vô lậu. Hữu lậu là asvara, như nước rỉ ra. Vô lậu là anasvara. Trong lãnh vực hữu lậu, chúng ta còn tuỳ thuộc vào ngôn ngữ và khái niệm. Tới lãnh vực vô lậu rồi thì không còn ngôn ngữ và khái niệm nữa. Nhưng trong quá trình văn, tư và tu, chúng ta đã có thể thấy được những hạt giống vô lậu trong cõi hữu lậu rồi. Cũng như không phải đợi chấm dứt sóng thì mới có nước. Ngay trong khi sóng là sóng thì đồng thời nó cũng đã là nước rồi.

Chú thích

* Đức Khổng Tử nói rằng: ”Năm 30 tuổi, tôi đã có thể đứng vững. Đến 40 tuổi, tôi bỏ được tất cả những điều nghi hoặc. Đến năm 50 tuổi, tôi biết được lẽ vận hành của trời đất. Tới năm 60 tuổi, thì tai nghe đã xuôi. Tuổi 70, tôi muốn làm gì thì làm mà không trái với đạo lý. (Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập chi nhĩ thuận, thất thập tùng tâm sở dục bất du củ).

---o0o---

Mục Lục> 01> 02> 03> 04> 05> 06> 07> 08

> 09> 10> 11> 12> 13> 14> 15> 16>

17> 18> 19> 20> 21> 22.> 23> 24> 25

---o0o---

Vi tính: Hoằng Chơn Quảng Đài
Trình bày: Nhị Tường , Tịnh Tuệ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/06/2017(Xem: 24884)
Trong cuộc sống chúng ta thường xuyên chứng kiến một số người nóng vội, bởi vì một chút việc nhỏ mà nổi trận lôi đình. Hoặc bởi vì một câu nói của người khác không hợp ý mình mà buông lời nhục mạ. Nhưng cũng có khi lại thấy một số người, mỗi ngày đều là dùng tâm thái bình tĩnh để xử lý vấn đề, không sợ hãi trước vinh nhục, đó là bởi họ giữ được “tâm tĩnh như nước”.
08/06/2017(Xem: 10192)
Mẹ tôi mỗi khi sinh con đều ghi lại rõ ràng ngày, giờ, tháng đẻ, năm sinh của từng đứa một và nhờ tướng số sủ quẻ cho từng người. Tám anh em chúng tôi chỉ có hai người là quẻ tốt, tôi và thầy Nhật Từ. Tôi thuộc hạng người thông minh và ma mãnh nên từ bé đã bon chen vào đời rất sớm. Trong quẻ nói tôi sau này sẽ làm v
08/06/2017(Xem: 11313)
Đứng trước dòng thác lũ cuộc đời với vô vàn cám dỗ như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều, chúng ta khó mà vượt qua những nhu cầu cần thiết đó vì nó có sức hấp dẫn lạ thường, hay lôi cuốn, chi phối con người vào chỗ đam mê, say đắm. Cho nên, lúc nào ta cũng sống với hai tâm trạng vui-buồn lẫn lộn bởi tốt-xấu, hơn-thua, nên-hư, thành-bại, được-mất trong cuộc đời mà đón nhận kết quả khổ đau hay hạnh phúc.
04/06/2017(Xem: 9191)
Có một bộ Kinh rất nổi tiếng mà các Phật tử đều biết là “Kinh Kim cương”. Tên tiếng Phạn của Kinh là Vajracchedika-prajñaparamita-sutra, trong đó Vajra có hai nghĩa là kim cương và sấm sét, còn Chedika có nghĩa là cắt đứt, đoạn diệt.
02/06/2017(Xem: 6311)
Đạo đức là chân lý sống, là tấm gương sáng để người lãnh đạo Phật giáo thể hiện tinh thần bao dung và hòa hợp trong các tông phái tu học của đạo Phật. Trách nhiệm Giáo hội trong thời hiện đại khoa học phát triển một cách nhanh chóng với những văn minh tiến bộ rõ nét. Ngày nay một tu sĩ thuần thành với vai trò lãnh đạo Giáo hội các cấp, ngoài việc tu học khép mình trong chốn thiền môn, mà còn là người mang nặng trọng trách của một nhà truyền đạo đức làm người đối với quý Phật tử gần xa và xã hội.
01/06/2017(Xem: 17713)
Trong cuộc sống, việc bất bình thường không phải ít; có khi bị thần kinh, có khi bị ảo giác, hay hoang tưởng, có khi bị chấn thương đưa đến bất thường, có lúc tu tập không có Minh sư hướng dẫn, hành giả không đọc kỹ kinh Lăng Nghiêm… Cũng có khi sở đắc một khía cạnh nào đó rồi cứ ngỡ là toàn giác.
31/05/2017(Xem: 8769)
Thế là đã nửa năm trôi qua kể từ ngày Tết Chay lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của 44 đơn vị uy tín trong lĩnh vực chay. Tết Chay được tổ chức tại Hà Nội nửa năm trước đã gây ra được tiếng vang lớn. Rất nhiều cơ quan, nhà chùa, doanh nghiệp liên tục liên lạc với Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm TGĐ công ty sách Thái Hà ,đề nghị tổ chức Tết Chay lần thứ 2, thứ 3,…
28/05/2017(Xem: 7308)
Từ vụ Đại Bùng nổ (Big Bang) đến kỷ nguyên gọi là “Bùng nổ Thông tin” (the Information Explosion) cách nhau khoảng 15 tỉ năm. Vũ trụ theo lý thuyết Big Bang đã theo thời gian giãn nở, bành trướng không cùng tận. Ngày nay chúng ta thấy sự bùng nổ thông tin cũng trong tiến trình khuếch trương, mở rộng, không giới hạn. Nhưng thế giới loài người trên hành tinh nầy, chỉ là một hạt bụi nhỏ trong hàng tỉ tỉ định tinh và hành tinh trong vô số thiên hà…
25/05/2017(Xem: 10228)
Hoặc đóng cửa khép kín với thế giới bên ngoài như Bắc Triều Tiên. Hoặc mở cửa sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế như Việt Nam. Bhutan lại chọn chiến lược, “Cánh cửa mở hé”!. “Mở hé” trong ngoại giao, kinh tế, văn hóa - giáo dục.
11/05/2017(Xem: 7774)
Đang ngủ, tiếng viber reo lên. Những tấm hình thi nhau hiện lên màn hình điện thoại. Những con rùa. Dòng text của người bạn: “Phóng sanh nhân lễ Phục Sinh đó”, kèm theo icon cười ngoác tận mang tai. Đây không phải lần đầu tiên tên tôi nằm trên lưng những con rùa được phục sinh.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]