“Hãy nâng cao kinh nghiệm và giữ mở rộng như bầu trời.
Phần IV CÁCH ĐI QUA CÁC CON ĐƯỜNG VÀ ĐỊA BẰNG TU TẬP THIỀN ĐỊNH
Kệ Kết Thúc
Lời Cuối Sách
Lời Bạt của Dịch Giả Bản Tiếng Anh
Vài Nét Tiểu Sử của Dakpo Tashi Namgyal
Thư MụcLời Người Dịch
Trong Phật giáo Mật tông Tây tạng có nhiều pháp môn tu tập để đưa hành giả đến Tự chứng ngộ Phật tánh của mình. Được xếp hàng cao nhất trong tất cả các pháp môn đó là Đại Thủ Ấn (Mahāmudrā) của phái Khẩu Truyền (Kargyu) và Đại Hoàn Thiện (Dzogchen hay Ati-yoga) của phái Cổ Mật (Nyingma).
Theo các học giả và hành giả Tây tạng thuộc phái Kargyu – tiêu biểu là Khenchen Thrangu Rinpoche, một trong những đại sư xuất sắc thời hiện đại thuộc dòng Karma Kargyu – thì Mādhyamika (Trung đạo hay Trung quán) là giáo lý dạy về nguyên lý Tánh Không (Shūnyatā) trong hình thức tổng quát và Mahāmudrā (Đại Ấn hay Đại Thủ Ấn) là giáo lý dạy về tu tập và chứng ngộ Tánh Không.
Tập sách nhỏ này trình bày một cách cô đọng những bước hướng dẫn tinh yếu có trình tự để tu tập cho hành giả từ sơ cơ đến hàng cao cấp của pháp môn Đại Thủ Ấn, rất hữu dụng cho cả người học lẫn người dạy, đã được ngài Dakpo Gomtsül, cũng gọi là Tsültrim Nyingpo, cháu của ngài Gompopa, truyền lại. Ngài Gampopa là đệ tử xuất sắc nhất của Đại hành giả Du-già Tây tạng, Milarepa. Đại Thủ Ấn là một trong hai pháp môn Milarepa đã thọ nhận từ bổn sư của ngài là ngài Marpa theo đó tu tập và đạt được giác ngộ, (pháp môn kia là Sáu Yoga của Naropa). Và Milarepa đã chỉ dạy cho các đệ tử của ngài như Gampopa và Rechungpa, v.v, rồi Gampopa lại truyền lại cho các đệ tử của mình, xuống đến ngày nay.
Do yêu cầu của nhiều thiền giả đệ tử, Đại sư Dakpo Tashi Namgyal (1511- 1587), một trong các Tổ sư của dòng Dakpo Kagyu, đã nhờ người thư ký của sư ghi lại những lời dạy theo kinh nghiệm riêng của sư, đặt căn bản trên những gì do ngài Gomtsül truyền xuống, thành tập sách này.
Các pháp tu chủ yếu được trình bày để hướng dẫn tu tập ở đây là Shamatha (Chỉ) và Vipashyanā (Quán), tức là các phương pháp thiền định căn bản của Phật giáo. Như độc giả sẽ thấy, con đường giải thoát đi qua thiền định và cuối cùng vượt qua các phương pháp thiền định để đến cảnh giới Không-thiền-định mà tự nhiên Thiền định, từ tâm vô minh mê hoặc đến Tâm Bình Thường Bản Nhiên, không liên hệ gì đến những khái niệm giải thoát hay không giải thoát mà tự tại vô ngại giữa dòng đời.
Độc giả cũng sẽ thấy trong quá trình huấn luyện và tu tập Đại Thủ Ấn có những điểm rất giống với quá trình huấn luyện và tu tập Thiền của Thiền tông. Thí dụ, như khi thầy chỉ dạy trò ở một nơi riêng, chỉ có hai thầy trò mà không có người thứ ba, gọi là khẩu truyền hay mật truyền, tương tự như độc tham hay tham thiền trong quá trình huấn luyện Thiền của Thiền tông. Cũng như đoạn nói về ‘Tà lộ’ cũng tương tự như kinh nghiệm ‘ma cảnh’ trong tu tập Thiền của Thiền tông. Và nhất là trong quá trình vấn tâm tìm tánh của hành giả dưới với sự dẫn dắt từng bước của thầy, v.v… tức là để thấy tánh thành Phật như trong Thiền tông. Cả hai, Đại Thủ Ấn và Thiền, đều là những con đường khiến hành giả nhanh chóng chứng ngộ và thành Phật trong một đời hay đốn ngộ qua thiền định.
Tập sách còn có nhiều cống hiến giá trị khác cho những ai muốn học và tu tập pháp môn Đại Thủ Ấn, nhất là khi không có chân sư ở bên cạnh, nên nó còn được gọi là “Cẩm Nang Tu Tập Đại Thủ Ấn,” một vật bất khả ly thân của hành giả. Có điều đối với người tu tập, không một tập sách nào, dù là kinh điển, có thể thay thế được vị trí của một bậc chân sư thâm ngộ để xác nhận cái hiểu của mình như thế nào.
Nguyện cho tất cả những ai tu tập pháp môn này chóng thấy được Phật tánh nơi mình và đạt thành Phật quả.
Bản dịch tiếng Việt này được chúng tôi thực hiện từ nguyên văn tiếng Anh “Clarifying the Natural State” do Erick Pema Kungsang dịch từ nguyên tác Tạng ngữ của Dakpo Tashi Namgyal, và nhà Rangjung Yeshe Publications cho in ở Hồng Kông, năm 2001.
Tuy đã cố gắng nhiều nhưng chắc vẫn còn sai sót, mong các bậc cao minh rộng lượng chỉ bảo cho. Đa tạ.
Frederick, Đầu Thu 2014
Đỗ Đình Đồng
Lời Giới Thiệu của Thrangu Tulku
Ngày nay nhiều người theo Pháp một cách lanh lợi và không chỉ vì niềm tin. Có kiến thức về nhiều đề tài, họ cố gắng tự áp dụng các giáo lý cao quí. Vì vậy, việc làm cho những chỉ dẫn sâu xa và tối hậu của các pháp môn Đại Thủ Ấn (Mahāmudrā) và Đại Hoàn Thiện (Dzogchen) trở nên khả dụng là việc làm quan trọng. Những chỉ dẫn này bao gồm những giáo lý cao quí của Đại Thủ Ấn, những chỉ dạy sâu xa nhưng đơn giản để tu tập mà không làm giảm bớt yếu tánh của giác ngộ của tám bậc thầy vĩ đại và tám mươi bậc đại thành tựu (mahāsiddhas) từ đất Ấn cao quí. Những chỉ dạy này đã được bảo tồn, qua một dòng truyền dạy và tu tập không gián đoạn, của những bậc thầy có học thức và thành tựu của Tây tạng, tôi thấy rằng những chỉ dạy đó được dịch sang các tiếng nước ngoài có tầm quan trọng thiết yếu.
Đặc biệt, những lời của Dakpo Tashi Namgyal thực độc nhất vô nhị, trong đó đầy những lời khuyên cốt yếu trang nghiêm từ kinh nghiệm cá nhân của sư. Do đó, người tu tập được lợi ích lớn từ những chỉ dạy của sư như làm thế nào dẹp bỏ chướng ngại và tiến bộ thêm nữa. Những phương pháp tu tập Đại Thủ Ấn nổi bật của sư tìm thấy trong các tập sách như Ánh Trăng (Moonbeams) và Sáng Tỏ Trạng Thái Tự Nhiên (Clarifying the NaturalState). Trong số đó, tập sách này là bất khả ly thân vì nó tập trung duy nhất vào thực hành.
Hơn nữa, đối với dịch giả của những tác phẩm như thế, điều thiết yếu là không những có kỹ năng ngôn ngữ mà còn có kinh nghiệm thiền định ở một mức độ nào đó. Lotsawa (Dịch giả) Erik Pema Kunsang là người hầu cận của Tulku Urgyen Rinpoche và đã thông dịch cho sư trong nhiều năm và có kinh nghiệm thiền định. Do đó, tôi thành thật biết ơn ông đã hoàn thành bản dịch tiếng Anh này.
Người mang tên Thrangu Tulku ký
ngày 04 tháng 02 năm 2001