Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hành Hương năm Quốc Gia, thăm Trường Delhi & Từ Thiện tại Ấn Độ

18/10/201918:38(Xem: 3515)
Hành Hương năm Quốc Gia, thăm Trường Delhi & Từ Thiện tại Ấn Độ

Ni Su Gioi HuongHÀNH HƯƠNG NĂM QUỐC GIA,

THĂM TRƯỜNG DELHI VÀ TỪ THIỆN ẤN ĐỘ

Thích Nữ Giới Hương

Hành hương xứ Phật, chùa tháp và các quốc gia Phật giáo là ước mơ của nhiều người con Phật. Dưới sự hướng dẫn của Ni sư trưởng đoàn TN Giới Hương, ngày 02/09 đến 06/10/2019,quý Phật tử chùa Hương Sen đã thực hiện được chuyến đi hành hương 5 quốc gia hiếm có này.

1.     TRUNG QUỐC (China)

Trung Quốc là một trong những nước có nền văn minh cổ nhất thế giới, hơn 5.000 năm, trong đó nổi bật là tam giáo đồng nguyên: Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo nên có nhiều chùa tháp tượng đài từ thời cổ đại, trung cổ và đến nay. Phái đoàn chùa Hương Sen gồm 21 vị Phật tử đã được chiêm bái các thánh tích như tượng Đại Phật Lạc Sơn ở Thành Đô, hai danh sơn Nga Mi Sơn và Phổ Đà Sơn trong tứ đại danh sơn (1. Ngũ Đài Sơn – Văn Thù Sư Lợi, 2.Nga Mi Sơn – Phổ Hiền Bồ Tát, 3.Cửu Hoa Sơn – Địa tạng Bồ Tát và 4.Phổ Đà Sơn – Quan Thế Âm). Tại Nga Mi Sơn, đoàn được chiêm bái Chùa Hoa Tạng (HuaZang Temple) và chùa Ni Vạn Thọ (Wannian Temle) ẩn giữa mây ngàn và núi biếc. Tại Phổ Đà Sơn, các đại tự Phổ Tế (Puji Temple), Hộ Quốc (Baoguo Temple), Pháp Vân (Fayu Temple) đều là các tu viện uy nghi cổ kính giữa rừng cây cổ thụ sầm uất tuyệt đẹp.

Núi Lăng-Vân Đức Như-Lai tĩnh tọa

Vầng hào-quang sáng tỏa cả đồi xinh

Dáng uy-nghiêm, oai-dũng đại quang-minh

Bóng hồng thạch rọi lung-linh mặt nước…

(Ca Ngợi Tượng Phật Lạc-Sơn – Chánh Đức & Như Đức)

 

 

Quan Âm Nam Hải ở Phổ Đà sơn và tượng Đại Phật Lạc Sơn ở Thành Đô

2.     TÂY TẠNG (Tibet)

Tây Tạng tọa lạc ở vùng núi có độ cao lớn nhất trên trái đất (4.900 mét), nơi nổi tiếng tu tập và tái sanh huyền bí của các Đức Đạt Lai Lạt Ma và người dân Tạng hiền hòa chất phát. Ở thủ đô Lhasa, đoàn được viếng thăm tu viện Drepunggonpa, Jokhang (trái tim Phật giáo Tây Tạng nơi các Đạt Lai Lạt Ma tu học), Sera (hàng ngàn chư tăng đang tu học và trổ tài biện luận giáo lý mỗi ngày), cung điện mùa hè Norbulinka, cung điện Potala và khu phố chợ Barkhor đông đúc rộn rịp.

Ở thành phố Shigatse (lớn thứ hai của Tây Tạng, cách Lhasa 8 tiếng đồng hồ lái xe và cách mặt biển 5000 mét): đoàn chiêm bái tu viện Tashihunpo, Gelug, Palcho, hồ Yamdro, núi băng Karola Glacier Towering có các các con cừu non, con giắc (trâu Tây Tạng) dễ thương, thăm làng làm nhang và đồ bạc (silk utensils) truyền thống.

 

Cung điện Potala và tu viện Drepunggonpa, Lhasa

3.     ẤN ĐỘ (India)

Ấn độ là một đất nước có nền văn minh lâu đời, một xã hội đa nguyên, đa dân tộc đa ngôn ngữ, và đa tôn giáo. Nơi đây đã là chiếc nôi phát sanh nhiều tôn giáo, triết gia và bậc thánh phương đông cho nhân loại như Phật giáo, Ấn Độ (Hindu) giáo, Lõa Thể (Jaina) giáo, và đạo Sikh, vv… Nói về Phật giáo, từ thiên niên kỷ 2000, Phật giáo đã bắt đầu khởi sắc, chánh phủ Ấn độ cũng như quốc tế đã trùng tu và mở rộng các Phật tích trở thành điểm hành hương tâm linh quốc tế thu hút hàng ngàn khách du lịch chiêm bái mỗi năm.

Trước khi đi chiêm bái các Phật tích thiêng liêng này, đoàn hành hương Chùa Hương Sen đã dừng chân tại Ký Túc Xá Quốc Tế thuộc Trường Đại Học Delhi, thủ đô Delhi, để viếng thăm và dâng cúng tịnh tài cũng như tịnh vật lên Thượng Tọa Tiến Sĩ Thích Hạnh Chánh (trưởng ban đại diện lưu học sinh Phân Khoa Phật học-Đại học Delhi) và 27 tăng ni sinh Việt Nam đang học tại đây. Được biết, trường Delhi là nơi Ni sư Giới Hương (trưởng đoàn 3 Tour) đã từng học 10 năm (1995-2005) và đã tốt nghiệp Tiến Sĩ Triết Học Phật Giáo tại đây. Lòng dạt dào cảm xúc khi ni sư và đoàn đã được về thăm trường cũ hiền hòa với bao hồi ức kỷ niệm của thời đèn sách thân thương.

Có câu rằng: “Xây dựng một ngôi chùa lớn rất dễ, đào tạo một tăng ni tài lại rất khó”, cho nên trong đạo tình tôn sư, huynh đệ, đoàn được thăm quý thầy cô đang dồi mài kinh sử tu học, để trang nghiêm mình và xã hội, thật không có niềm vui nào hơn, như đạo hữu Tịnh Bình và Quảng Trí thay mặt đoàn đã bày tỏ trong bài tác bạch như sau:

“Do thắng duyên hôm nay được hạnh ngộ quí chư tôn thiền đức tăng ni du sinh Delhi, có sáu điều cao thượng đến với chúng con: nghe cao thượng, thấy cao thượng, được cao thượng, học cao thượng, cúng dường cao thượng, và niệm cao thượng. Chúng con kính tri ân buổi hội ngộ hôm nay. Chúng con thành kính xin cúng dường Tăng Bảo.”

 

Cổng Ký Túc Xá Quốc Tế trường Đại Học Delhi

Quang cảnh thăm viếng Chư tôn đức tăng ni sinh Delhi

Sau khi tạm biệt trường Delhi thân thương, đoàn chùa Hương Sen tiếp tục chí nguyện tìm về quê cha đất tổ của Đức Từ Phụ Thế Tôn - nơi ngài đã đản sanh, xuất gia, thành đạo, truyền giáo và nhập Niết bàn để chiêm bái đảnh lễ, tụng kinh và cầu nguyện.

Lâm-ti-ni (Lumbini, Nepal) - nơi Thái tử Sĩ Đạt Đa từ hông mẫu hậu bước ra trên bảy đóa sen hồng. Thành Ca-tì-la-vệ (Kapilavastu, Nepal) - nơi Thái tử Sĩ Đạt Đa được giáo dưỡng trưởng thành và cũng từ cổng đông, ngài đã vượt thành cắt tóc xuất gia tìm đạo. Khổ Hạnh Lâm (Uruvela, Bihar) – nơi ngài đã trải qua sáu năm khổ hạnh rừng già. Nàng Tu-Xà-Đề (Sujata, Bihar) – nơi Bồ tát Cồ Đàm đã nhận bát cháo sữa của nàng để có sức ngồi thiền dưới cội bồ đề. Sông Ni-liên-thiền (Niranjara, Bihar), nơi bình bát của Bồ tát Cồ-đàm đã trôi ngược dòng để chứng minh chí nguyện tìm đạo giác ngộ theo đường trung đạo, tránh hai cực đoan của khổ hạnh và quá thọ hưởng. Bồ-đề-đạo-tràng (Bodhagaya, Bibar) - nơi Bồ tát Cồ Đàm giác ngộ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Lộc Uyển (Sarnath, Varanasi) – nơi Đức Phật chuyển pháp luân đầu tiên và thành lập tăng đoàn Phật giáo. Thành Xá Vệ (Sravasti, Uttar Pradesh) - nơi trưởng giả Cấp Cô Độc lót vàng mua đất vườn của thái tử Kỳ-Đà để cúng cho Đức Phật và tăng đoàn của ngài, nơi Đức Phật đã trải qua 24 mùa an cư kiết hạ và nơi tôn giả A-nan đã chiết nhánh bồ đề từ Bồ-đề-đạo-tràng về trồng tại đây để Phật tử chiêm ngưỡng khi đến tịnh xá Kỳ Viên mà Đức Phật đi vắng. Thành Tỳ-xá-ly (Vaisali, Bihar) là một trong tám thành phố được thờ xá lợi của Đức Phật; nơi Kiều Đàm Di Mẫu đã xin Đức Phật xuất gia để từ đó Ni đoàn được thành lập và phát triển đến nay. Đây cũng là nơi 700 thầy Tỳ kheo cùng tu hội để kiết tập kinh tạng gọi là Thất Bách Kiết Tập.Thành Vương Xá (Rājagaha, Bihar) – nơi Thái tử Sĩ-đạt-đa đã từ chối lời mời của đại vương Tần Bà Sa La (Bimbīsara) muốn chia nửa giang sơn cho ngài để cùng cai trị, nơi Đức Phật trải qua vài mùa an cư và giảng nhiều bộ kinh tại Trúc Lâm Tịnh Xá (Veluvana Vihara) cũng như là nơi Đức Phật giới thiệu kinh A-di-đà để Vua Tần Bà Sa La từ ngục tối có thể tu giải thoát. Vương Xá còn là nơi sau ba tháng Đức Thế Tôn viên tịch, Ngài Ca Diếp (Mahakassapa) triệu tập đầy đủ 500 vị A La Hán tại thạch động Sattapanna trên núi Vebhàra ở thành Ràjagaha, để kết tập Phật ngôn lần thứ nhất gọi là Ngũ Bách Kiết Tập. Núi Linh Thứu (Gijjhakuta) – nơi Đức Phật lưu trú bảy năm và giảng những bài kinh quan trọng cho người và chư thiên. Câu thi na (Kushinagar, Uttar Pradesh) – nơi Đức Thế Tôn đã xả báo thân để nhập Niết bàn. Ngược lại quá khứ, tìm về nơi lưu dấu chân bậc thánh nhân đã đi qua trong 49 năm hoằng pháp, ôn lại lịch sử, thiền quán chân lý hạnh phúc của ngài đã để lại, đoàn hành hương Chùa Hương Sen đã trải nghiệm những giây phút thật an lạc tuyệt vời.

Trước khi rời Ấn Độ để bay qua Đại Hàn, đoàn đã kết hợp với chư tăng Chùa Jambudvipa Indo-Srilanka tại Sarnath, Varanasi, để phát quà từ thiện cho 150 gia đình nghèo trong làng. Đây là tấm lòng đóng góp của tất cả thành viên trong 3 tour hành hương và những thân hữu. Quà gồm có sari (áo dài của phụ nữ Ấn), mền ấm, gạo, bột chapatti, đường trắng, một bữa ăn trưa (cơm, dal (soup), chapatti, khoai tây kho và đậu hầm muối) và tịnh tài. Xin chư Phật chứng minh tấm lòng hậu hỉ chia sẻ của các thí chủ và kính cầu nguyện tất cả Phật tử (người thí) và người nhận thí cùng kết thiện duyên quyến thuộc bồ đề giải thoát và luôn được vô lượng an lạc trong chánh pháp.

Mắt THƯƠNG nhìn bước khốn cùng,

Tay THƯƠNG hòa ái đem từng món trao

Xót xa THƯƠNG những đồng bào,

Xứ PHẬT THƯƠNG lắm người sao khổ nghèo!

(Thương – Hồng Khương)

 

 

 

 

4.     ĐẠI HÀN (North Korea)

Seoul (từ Hoa ngữ: Hán Thành) là thủ đô của Nam Hàn, bao gồm thành phố tiếp giáp Incheon xung quanh và tỉnh Gyeonggi, là nơi sinh sống của khoảng hơn một nửa dân số của toàn đất nước Nam Hàn, nơi tập trung nhiều chùa đền tôn giáo, trường học, chợ mua sắm, giải trí, công nghiệp hiện đại. Seoul rộng 605 km² (nhỏ hơn New York) là một trong những thành phố lớn có mật độ dân số cao nhất trên thế giới, có khoảng 25 triệu dân cư trú và khoảng 2.5 triệu dân từ các thành phố lân cận đến làm việc. Bốn phía Seoul có 4 cổng thành như khải hoàn môn tam quan Dongdaemun, Namdaemun, Sundaemun và Tongemun rất vững chắc như cung đình. Về tôn giáo, có 42% dân số theo đạo Phật. Toàn Nam Hàn (South Korea) rộng khoảng 1002 km² có khoảng 1000 ngôi chùa, riêng Seoul đã có khoảng 824 ngôi chùa. Phái đoàn chùa Hương Sen đã có thắng duyên chiêm bái một số tu viện tiêu biểu như chùa Phụng Ân (Bongeunsa), Tu Viện Tào Khê (Jogyesa), chùa Kilsanga, và Ni viện Jinkwansa, vv…

Tu viện Phụng Ân (Bongeunsa) nằm tại quận Gangnam-gu, thành phố Samseongdong gần khu vực sầm uất của nghành giải trí. Bongeunsa thành lập năm 794 dưới thời Vua Wonseong thuộc triều đại Shilla và ngày càng phát triển đến nay. Chùa có một tượng Phật Di Lặc Mireuk Daebul cao 28 mét có đội mão trên đầu. Tượng xây năm 1986 được xem là cao nhất Đại Hàn, có tháp thờ bộ kinh Hoa Nghiêm khắc bằng gỗ gồm 81 quyển, kinh Duy Ma Cật, các văn thơ uyên áo của ẩn sĩ Hansanja…Tu Viện Tào Khê (Jogyesa) là tổ đình của dòng Tào Khê Đại Hàn (the Jogye Order of Korean Buddhism). Chùa thành lập năm 1910. Trong sân chùa, có ngôi tháp bát giác 10 tầng, thờ xá lợi của Đức Phật do sư Tích Lan Anagarika Dharmapala cúng dường năm 1913.  Bên hông sân chánh điện, các tượng Phật ngồi thiền, nhập Niết bàn, năm Thầy Tỳ Kheo và các thú cảnh được kết bằng các dây dược thảo leo bao quanh thân trông rất sống động và sáng tạo. Trước sân nổi bật một cây cổ thụ đẹp tuyệt mỹ, được gọi là Cây Chùa. Cây màu sẫm nâu cao 26 mét đã 450 tuổi tạo dáng nghiêng làm tăng thêm nét cổ kính trang nghiêm trước mái cong tu viện. Khi chúng tôi đang chiêm ngưỡng cảnh chùa và trầm lắng nghe tiếng tụng kinh Đại Hàn thì có một nữ đạo hữu Phật tử Đại Hàn tới nói chuyện và ngỏ ý muốn cúng dường buổi trưa tại một quán chay trong chùa. Chúng tôi cùng đạo hữu dùng cơm trắng tròn trộn tương, canh rau, súp rong biển, kim chi…rất ngon và đầy hương vị Hàn.

Chùa số 3 là chùa Kilsanga nằm trên đồi trong khu dân cư đắt đỏ của quận Seongbuk-dong (nơi yêu thích của các nhà ngoại giao và người nước ngoài). Chùa có chu vi khiêm tốn vừa phải nhưng rất tươm tất và cổ kính, đẹp như tranh vẽ. Chùa thường xuyên được có khách du lịch vãng lai và đường phố đông đúc với các hoạt động đặc biệt là khi có các lễ hội. Các điểm tham quan chính gần đó bao gồm Cung điện Gyeongbokgung và Nhà Xanh của phủ tổng thống, do đó làm cho chùa Kilsanga trở thành một nơi hành hương tâm linh yên bình và dễ chịu trong khu vực Samcheong-dong quan trọng. Trong chánh điện có 3 tượng Tam thánh bằng vàng óng rất sáng, trên trần có vô số lồng đèn hoa sen có ghi tên các sỉ tử cầu nguyện cho thi đậu.

Ngôi chùa thứ 4 là Ni viện Jinkwansa tọa lạc trên núi Sangksan trong công viên Bukhasan National Park, cũng thuộc dòng Tào Khê Đại Hàn (the Jogye Order of Korean Buddhism). Chùa do Ni sư Jinkwansa thành lập năm 1011, nên ngôi chùa này lấy tên của Ni sư để đặt. Chùa trông cổ kính và nên thơ vì ẩn hiện giữa rừng cây, suối chảy và có 8 ngọn núi xanh bao bọc xung quanh.

Các chùa này cùng nhiều danh lam khác đã hoạt động Phật sự sinh động với nhiều chương trình tu học hướng dẫn Phật tử tụng kinh (yebul), chamseon (meditation), cúng quả đường (Baru Gongyang), chấp tác, trà đạo, hành đường, nấu cơm…để quý Phật tử có thể trải nghiệm nếp sống thiền môn. Phật giáo không chỉ đóng góp phổ biến Phật pháp, mà còn góp phần  đem triết lý sống của Phật vào xã hội, cống hiến nhiều mặt về văn hóa, giáo dục và từ thiện.

Bên cạnh thăm các chùa nổi tiếng của Đại Hàn, đoàn Chùa Hương Sen còn viếng thăm đảo Nami (cách thủ đô Seoul 63km) (nơi có rừng phong đổi màu vào mùa thu và đầy băng tuyết trắng vào mùa đông), cung điện hoàng gia Gyeongbok (một trong năm cung điện lớn nhất của triều đại Triều Tiên), viện bảo tàng Quốc Gia, công viên Lotte World, xem show Nanta Show về nghệ thuật nấu ăn, tập làm kim chi rất thú vị. Seoul có năm cung điện thuộc nhiều triều đại như cung điện Gyengbokang, Gynbangsai, Chang Daecung…, Riêng cung điện Chang Daecung được Unesco công nhận là di sản thế giới. Timesquare Malls là một trong những khu chợ hầm (malls) bán hàng rất nhiều với giá rẽ. Quốc tuý, quốc sản nổi tiếng của Đại Hàn là rong biển (seaweed), kim chi, nhân sâm tươi, dầu thông đỏ và mỹ phẩm.

 

Cung điện hoàng gia Gyeongbok và dùng trà trong Ni viện Jinkwansa

Giới thiệu về phong tục và đất nước Hàn, cô hướng dẫn viên cho biết có khoảng 26 triệu dân Hàn sống ở Seoul (gấp đôi Sài gòn) và khoảng 52 triệu dân ở toàn Nam Hàn. Địa hình Đại Hàn là 70% núi đồi, còn 30% là đất liền bằng phẳng, nên Soeul thường xây chung cư, lấy thế cao để tiện lợi dân chúng ở. Hàng hóa nội địa thường tốt hơn hàng xuất khẩu (trong khi ở nhiều nước thì hàng bán cho nước ngoài tốt hơn trong nước). Kiến trúc ở Nam Hàn bên ngoài đơn giản, nhưng bên trong nội thất rất sang trọng và tráng lệ. Cơ sở chánh phủ hay chùa đền tôn nghiêm thường được chọn theo kiến trúc phong thủy “diện thủy bối sơn lâm” nghĩa là lưng dựa núi rừng và mặt đối sông nước. Tại phủ tổng thống, Nhà Xanh (ở Hoa Kỳ thì Nhà Trắng) gần cung điện Gyeongbok có khoảng 2800 người ở để làm việc cho văn phòng chánh phủ. Người Hàn làm việc nhanh nhẹn và giải quyết gọn. Lương công chức trung bình khoảng $1800-$3000 đô Mỹ/1 tháng, tiền thuê nhà (3 phòng) trung bình khoảng $2000/1 tháng. Còn thuê 1 phòng cá nhân bao cả máy giặt máy sấy, điện nước ga là khoảng $570 Mỹ kim/1 tháng. Ban đêm đèn đường và đèn các tiệm shop mờ mờ vì tánh người Hàn cũng rất tiết kiệm (chứ không sáng quắc 24/24 như Việt Nam hay Mỹ Quốc), nhưng ít trộm cắp và an toàn cho du khách, bởi lẽ chánh phủ quản lý qua các camera gắn nơi công cộng và các đường ngã tư đường. Bữa ăn chính phong phú với gia đình thường là điểm tâm (tìm ăn sáng bên ngoài rất khó, trừ fastfood và họ không ăn vặt như ở Việt nam, nên buổi ăn sáng có rất nhiều món), còn trưa và chiều là mạnh ai nấy ăn. Họ thường dùng chén đủa inok, xài rất lâu và giá bán cũng rẽ. Nước Hàn là một trong những nước tiêu thụ café rất nhiều. vì từ 12-1g giờ nghỉ trưa (không có thói quen ngủ trưa), nhân viên ai cũng cầm ly café đi vòng vòng (ai mệt thì chỉ thiếp trên bàn 1 tí). Giờ làm việc trung bình từ 9-12g và 1-6g nhưng ít ai sau 6g mà về lắm, cứ ở lại làm thêm, vì làm việc công nghiệp, hết giờ nhưng chưa hết việc, làm suốt ngày đến kiệt quệ rồi cuối tuần nhậu. Người Hàn rất giữ gìn sức khỏe, thường uống nhân sâm và thiên sâm Cao Ly (đất nước nổi tiếng trồng nhiều sâm Cao ly 6 năm tuổi) và dùng nhiều thuốc dược thảo. Tuy nhiên, thói quen nhậu cuối tuần (tối thứ sáu, bảy và chủ nhật), nên dễ bị bịnh. Nhiều khi nhậu ca 1, 2 và cả ca 3 tới sáng, say xỉn luôn, rồi đầu tuần các bà vợ làm nấu thuốc bổ nhân sâm và thiên sâm cho chồng uống để cân bằng máu huyết lại.

Phong tục ngày giỗ tổ tiên, thân bằng quyến thuộc thường tập trung ở chùa hay nhà thờ để cầu nguyện, rồi sau đó kéo nhau ra nhà hàng ăn. Vòng đời con người có ba lễ lớn: thôi nôi (1 tuổi), kết hôn (20 tuổi) và chúc thọ (70 tuổi). Cha mẹ anh em quyến thuộc ít gặp nhau trong năm chỉ trừ ba lễ trên và hai dịp: tết trung thu và nguyên đán. Họ có thói quen, tập trung về nhà con trai trưởng để dâu trưởng cùng mẹ chồng phải đứng bếp nấu ăn liên tục. Hàn quốc có câu: “Nắng thu thì để dâu đi” nghĩa là cực quá, dâu thường bỏ đi trong mùa thu và cũng có nghĩa là nắng thu gay gắt như mối quan hệ khó thuận giữa mẹ chồng và con dâu. Có nhiều cô gái phải ly dị chồng vì sợ những ngày lễ cực khổ trên. Người Hàn cũng ít thuê người giúp việc vì ngại người lạ, trừ các nhà tài phiệt quá giàu và có cận vệ hay người gát cửa trông ngó. Vì ít thuê người giúp việc nên mẹ chồng và con dâu phải lo nội trợ lau chùi quét dọn, còn con trai và cha đi làm bên ngoài về chỉ ăn rồi để đó cho người nữ làm. Nội trợ được chánh phủ Hàn xem là một nghề và cũng được lãnh lương, trích từ lương đi làm của cha và chồng. Lương khoảng $500 đô Mỹ một tháng (tiền won khoảng 1,150= $100 x 5). Con cái đẻ ra, mẹ chồng quản lý giáo dục là chính, chứ không phải mẹ ruột trách nhiệm như văn hóa các nước khác, nên có sanh ra thì cũng thuộc mẹ chồng và gia đình chồng. Có khoảng 70 ngàn công dân Việt Nam đang sinh sống tại Hàn; chỉ khoảng 30 % cô dâu Việt Nam mới có hạnh phúc và thường sống ở ngoại thành. Hướng dẫn viên là một cô dâu Việt ở Hàn đã li dị chồng vì không tìm được tiếng nói chung.

Nói về phúc lợi xã hội, giống như Hoa Kỳ, chánh phủ Hàn cũng quan tâm. Người nghèo, lương thấp hay ai trên 60 tuổi được khám bịnh (chi phí rất thấp) và được xử dụng các phương tiện công cộng miễn phí.  Người Hàn kỵ tránh dùng bút đỏ khi viết tên người sống, phải dùng bút xanh. Seoul thì sang trọng, sạch sẽ như ở Hoa Kỳ nhưng ở làng quê Hàn Quốc vẫn còn nhiều cục bộ lạc hậu. Tuy nhiên, đặc biệt ở quê, ai cũng phải có xe hơi xe van hay truck để làm phương tiện đi lại, bởi lẽ họ chưa có xe buýt hay xe điện như ở Seoul. Nam Hàn sở hữu nhiều cảnh quê đẹp như tranh như làng Chaengyang, Gapyeng, and Heanan… với những cánh đồng lúa xanh và hoa màu chạy tắp cuối chân trời. Một chiếc xe mới trung bình khoảng $10,000.00 (mười ngàn đô), lương khoảng 3 tháng là có thể mua xe, nhưng đa phần họ thích dùng xe bus công cộng hay xe điện ngầm, bởi lẽ rất rẽ và phổ biến. Taxi có 3 loại: tài xế mặc áo vest, xe đen là VIP, tài xế hành khách thì màu vàng (như xe Grab hay Vina ở Việt Nam) và tài xế tư nhân là màu trắng. Xe thường sản xuất tại Hàn và Châu Âu, ít thấy xe Nhật và người Nhật ở đây, vì Hàn và Nhật đang không thuận nhau. Tuy nhiên, sách giáo khoa của Đại Hàn đều lấy Nhật trừ môn địa lý, lịch sử và văn học. Tài nguyên của Nam Hàn rất ít (đảo nhỏ, chủ yếu dọc theo sông Hàn, không phải “Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”). Thập niên 1960s, Hàn quốc rất nghèo, nhờ nương sự phát triển của Nhật và tài lãnh đạo của cựu tổng thống Park Chung Hee kêu gọi dân khai thác công nghiệp và dựa vào trí thức con người (chứ không dựa tài nguyên), từ đó nước Hàn trở nên giàu có. Nghành kinh tế chủ yếu của Nam Hàn là du lịch, tài chánh, giải trí, thẩm mỹ và mỹ phẩm. Hoa dâm bụt nhiều màu là quốc hoa của nước Đại Hàn này. Trong khi đó, Việt Nam xem hoa sen, Nhật Bản xem hoa cúc 16 cánh, và Đài Loan xem hoa mai vàng là quốc hoa của họ.

Hướng dẫn viên cũng cho biết Samsung là công ty tài phiệt mạnh nhất ở Nam Hàn và cho nhiều học bổng giáo dục. Nhiều du sinh viên sau khi tốt nghiệp, rất được công ty đãi ngộ cho lương cao khoảng $6000-$7000 Mỹ Kim/1 tháng. Sông Hàn dài 544 km² chạy dài từ Bắc Triều Tiên giáp Trung Quốc đến Nam Hàn. Sông Hàn chạy ngang giữa Seoul, nên có 36 cầu bắc ngang để cư dân hai bên đi lại. Để giữ môi trường sạch xanh, cựu Tổng Thống Park Chung-hee đã có kỳ tích, có công lớn dời các công ty ra khu công nghiệp ở ngoại ô, để biến hai bên sông chỉ là công viên hoặc nơi phục vụ cho công cộng, nên môi trường và đường phố rất sạch, hơn cả Singapore. Ban đêm đèn Seoul đủ màu sắc sáng lấp lánh khiến sông Hàn trở nên cực kỳ diễm lệ và xinh đẹp.

5.     ĐÀI LOAN (Taiwan)

Taiwan (the Republic of China -ROC) là một hải đảo thuộc đông Á do hai mảnh đảo của Phillipines và Á Âu hợp lại tạo thành. Phía tây giáp Trung Quốc (People's Republic of China (PRC), phía đông nam là Nhật bản, còn Philippines tọa lạc phía bắc. Năm 1661 (thế kỷ 17), người Trung quốc đến hải đảo này và đánh thắng người Bồ Đào Nha, lập ra đất nước độc lập Taiwan.

Taiwan nghĩa là Fomosa, một hải đảo xinh đẹp với bốn mùa xuân hạ thu đông. Lịch sử Đài Loan còn non trẻ khoảng 400 năm, nhưng nền văn hóa khá phong phú vì từ chiếc nôi của Trung Quốc. Người Hoa vốn là trọng nông nghiệp, cây rừng, trái cây, gạo vì đảo Đài Loan có sông nước nhiều. Giống như Đại Hàn, Đài Loan cũng chủ trương thực phẩm hữu cơ. Hoa mai vàng là quốc hoa của đảo ngọc này. Đài Loan có nhiều ngọc quý vì bốn bề là biển và sản hô, và cũng phát triển mạnh về công nghiệp. Chiều dài khoảng 400km chạy từ Đài Bắc đến Đài Nam, Cao Hùng (lái xe khoảng 4 tiếng đồng hồ 100km/1h trên cao tốc). Đài Loan nhỏ bằng 1/10 của nước Việt Nam. Dân số khoảng 23 triệu, tức khoảng 1/5 dân số Việt Nam. Dù là hải đảo nhỏ, nhưng cái gì cũng nhiều và hàng năm Đài Loan cũng thường bị nhiều thiên tai bão lụt tấn công luôn.

Năm 1840-1945, người Nhật chiếm đóng Đài Loan nên nhiều văn hóa như phong cách tắm nước khoáng, nghệ thuật dân gian làng yêu quái và các công trình kiến trúc Nhật vẫn còn lưu tại đây. Bảo hiểm y tế ở Đài Loan là tốt số 2 trên thế giới. Dân số ít, nên chánh phủ hỗ trợ cho ai sanh đẻ được lãnh tiền Đài tệ tương đương $1000 đô Mỹ và các phúc lợi khác như mỗi tháng được cấp $4000 Đài Tệ cho đến khi đứa trẻ 4 tuổi. Trẻ con được đi học được miễn phí, cha mẹ chỉ đóng tiền ăn. Ngoài người Hoa là chính, bên cạnh đó số lượng người Việt, Thái Lan và Indonesia nhập cư sinh sống cũng khá nhiều ở đảo này. Đạo Phật chiếm đa số, nên chùa đền nơi đây rất nhiều, chủ yếu là hệ phái Đại thừa bắc tông. Đài Nam (Cao Hùng) nổi tiếng có Phật Quang Sơn, Đài Trung có Trung Đài Thiền Tự và Đài Bắc có hội Từ Tế và Pháp Cổ Sơn. Phật Quang Sơn do Hòa Thượng Tinh Vân lập dựa vào núi, nhìn ra sông nước (đối thủy, bối lâm sơn). Đây là trụ sở trung ương, ngoài ra còn có gần 200 trụ sở Phật Quang Sơn chi nhánh trên thế giới như Hoa Kỳ, Úc…

Tổng thống Tưởng Kinh Quốc là con trai duy nhất của Tưởng Giới Thạch có công trong việc làm đường cao tốc và phát triển kinh tế, cũng như mở rộng đầu tư giáo dục nước ngoài. Trong xã hội, có ba phúc lợi cao nhất là giáo viên, quân nhân và công chức chánh phủ. Vào năm 2018, lương trung bình khoảng 50 ngàn Đài Tệ/1 năm. Trung bình 1000 du học sinh ở Mỹ, chỉ có 1 sinh viên về lại Đài Loan, nhưng chính phủ vẫn tài trợ để đi du học bởi họ suy nghĩ rằng không về bây giờ thì tương lai cũng về góp tay xây dựng đất nước.

TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company) là công ty bán dẫn linh kiện điện tử độc quyền của Đài Loan trên thế giới. Trình độ khoa học ở Taiwan khá cao. Bà Thái Anh Văn là tổng thống nữ đầu tiên của Đài Loan do đảng dân chủ bầu lên. Bà quan tâm đến vấn đề người dân di cư và chủ trương cho đồng giới tính kết hôn. Tây Ban Nha thì có hội thi bò tót, Việt Nam thì hội trâu chọi, còn Đài Loan thì lợn đấu. Lợn ở Đài Loan rất to, có khi cả tấn. Ẩm thực và giọng nói cả ba miền Đài Nam, Đài Trung và Đài Bắc tương đối giống nhau, vì hải đảo nhỏ chỉ khoảng vài trăm cây số nên không có khác biệt. Cao Hùng  dài khoảng 2900 km² với dân số khoảng 2.8 triệu dân, như vậy trung bình khoảng 1000 người/1km² trong khi Đài bắc khoảng 21 triệu người, trung bình 21000 người/1 km².

Chương trình khám phá đảo ngọc Đài Loan bao gồm có ba miền nam trung bắc:

1.Đài Nam - Cao Hùng viếng thăm: Phật Quang Sơn, Hồ Sen, Đình Xuân Thu, đền Long Hổ, Khổng Tử, trung tâm nghệ thuật Pier 2 trưng bày những thiết kế văn hóa, điêu khắc, hội họa sáng tạo bằng sắt, gỗ, thép, tre. Phật Quang Sơn được xem là “Thủ đô Phật giáo Đài Loan", một thánh địa phật giáo cực kỳ nổi tiếng với lối kiến trúc vô cùng hùng vĩ. Tại đây, Phật tử sẽ được chiêm ngưỡng bức tượng Đại Phật A Di Đà bằng vàng cao sừng sững (nặng 10 tấn) do cựu Hoàng đế Thái Lan Bhumibol Adulyadej cúng dường cùng 480 tượng phật đứng xung quanh cũng như trong tháp có thờ xá lợi của Phật.

 

Phật Quang Sơn, Đài Nam và làng Yêu Quái, Đài Trung

2. Đài Trung: Thác nước thiên nhiên Thập Phần, phố cổ Thập Phần (đốt đèn thả lên hư không mang theo những lời ước nguyện của khách lên trời), hồ Nhật Nguyệt (sông nước hữu tình), Miếu Văn Võ (thờ Khổng Tử và Quan Công) và đặc biệt là công viên địa chất Dã Liễu (Yehliu Geopark), nơi có các phiến đá với vô số hình thù độc đáo do sóng biển và gió tạc thành, nơi đây vào năm 2013 được bình chọn là điểm đến tự nhiên đẹp nhất của Đài Loan.

3.Đài Bắc: nhà tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, Tháp Từ Ân, quảng trường Tự Do, Tòa tháp Taipei cao 101.

Đài Loan là thiên đường ăn uống, nên có rất nhiều chợ/malls, đặc biệt chợ đêm là bày đủ loại đồ ăn nhanh fastfood. Thực phẩm nổi tiếng là mì bò, trà sữa hạt trân châu, đậu hủ chiên thúi, lạp xưởng nướng (từ heo giống Đài Loan), trà Ô Long trồng trên núi cao (tốt hơn ở đất thấp), trà Kim Tuyên, nấm Linh Chi, khoai lang chiên ngào đường và bánh dứa. Chợ Đêm là một nét văn hóa đặc thù của Đài Loan giống như chợ trời ở Việt Nam. Đài loan có các chợ đêm nổi tiếng như Lục Hợp (Đài Nam), Phụng Giáp (Đài Trung) và Tây Môn Đình (Đài Bắc). Vì đảo nhỏ nên để giữ sạch môi trường, nông dân không dùng phân trừ sâu bọ mà dùng ớt bột tưới các gốc cây để trừ sâu, nên thực phầm đều là hữu cơ. Đài Loan và Trung Quốc gần Việt Nam, nên thực phẩm cũng tương đối dễ ăn giống Việt Nam.

Tóm lại, sau hơn 1 tháng (ngày 2/9/2019 đến 6/10/2019) hành hương 5 quốc gia (Trung Quốc, Tây Tạng, Ấn Độ, Đại Hàn và Đài Loan), ngoài việc chiêm bái, tụng kinh cầu nguyện, thời gian trên xe, mỗi ngày đoàn còn tranh thủ học đố vui Phật pháp, ôn lịch sử từng điểm Phật tích và văn nghệ thơ ca Phật giáo để góp vui, rút ngắn đường dài.  Rất nhiều bài văn và thơ đã đóng góp trong chường trình này (xin mời đọc trên mục văn thơ: http://www.huongsentemple.com/index.php/phat-phap/v-n-ha-c-pha-t-gia-o/vuon-tho).

Đại Hàn và Đài Loan là hai đất nước non trẻ, nên đoàn Chùa Hương Sen được trải nghiệm nhiều về văn hóa, sắc phục, ẩm thực, đời sống, đất nước, con người, phong tục, tập quán và tôn giáo hiện tại. Trung Quốc, Tây Tạng và Ấn Độ là những đất nước có nền lịch sử Phật giáo lâu đời, nên đoàn được chiêm bái nhiều Phật tích đền đài cổ liên quan đến cuộc đời của Đức Thế Tôn, các thánh Tổ và các đức Đạt Lai Lạt Ma chứng ngộ. Hành hương 5 quốc gia là trải nghiệm rất nhiều những nền văn hóa cổ- kim, đúng là “Đi một ngày đàng học một sàng khôn.” Đoàn đã gặt hái thật nhiều lợi lạc tâm linh như sư cô Diệu Hoa đã diễn đạt cảm xúc của mình qua chuyến hành hương này như sau:

Về Xứ Phật Đà,          

Hồn con thư thới.      

Gió ngân vang khúc nhạc trời,

Dệt vần hoa gấm dâng lời thanh cao,  

Chim muông bay lượn đón chào,

Nhịp tim con những xuyến xao dập dồn!    

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 

Mùa Thu Hương Sen, ngày 10/10/2019

Kính tường,

Thích Nữ Giới Hương

(huongsentemple@gmail.com)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/07/2011(Xem: 10465)
Có lẽ danh từ “Phật đảo“ tôi dùng cho xứ đảo Đài Loan có hơi lạ tai với các bạn, vì từ đó đến giờ ta chỉ nghe nào là “Hải đảo chiều mưa“ hay “Ốc đảo cô đơn“, chứ chưa ai dám dùng từ chứa nhiều cường điệu như thế! Nhưng quả thật là như thế các bạn ạ! Một cụm đảo gần chín mươi chín hòn nhỏ to đủ cỡ, không lấy gì làm lớn cho lắm nằm chơ vơ giữa biển mà đi đến đâu cũng thấy những tượng Phật vĩ đại và Chùa chiền với tầm vóc đáng ngại, nhìn vào phải bái phục khen thầm, ấy là chưa kể tinh thần tu học nghiêm mật và trật tự của Phật tử Đài Loan.
07/07/2011(Xem: 5975)
“Đông du” ngày nay đã trở thành một từ quen thuộc. Không chỉ đối với các nhà thám hiểm, khách du lịch, người khảo sát văn hóa, mà cả những nhà khoa học, nhà triết học.
30/06/2011(Xem: 7807)
Từ ngày tôi được quy y thọ tam quy ngũ giới với Sư phụ tôi, được Người truyền cho Giới Hương đầu tiên trong ba nén hương Giới Định Huệ; đến nay đã gần 14 năm, nhưng tôi chưa bao giờ có nhân duyên được theo Thầy đi hành hương đến một xứ sở nào. Nếu phải nói lý do tại sao? Thôi thì đành dùng tạm bốn chữ “chưa đủ nhân duyên“.
06/05/2011(Xem: 4215)
Kumbhalgarh - Vạn Lý Trường Thành của Ấn Độ Nằm phía tây Ấn Độ, pháo đài Kumbhalgarh là thành trì quan trọng thứ hai dưới triều đại Mewar, được xây dựng từ thế kỷ 15 và mất cả trăm năm để hoàn thành.
04/05/2011(Xem: 3429)
Lâm Tỳ Ni đã từng là nơi mà những nhà chiêm bái học giả như Ngài Pháp Hiền vào thế kỷ thứ V và Ngài Huyền Trang vào thế kỷ thứ VII...
26/04/2011(Xem: 16903)
Những công trình đồ sộ được xây bằng tay, không hề có sự hỗ trợ của máy móc, xe kéo, thậm chí cả dụng cụ kim loại nhưng có sức sống cả ngàn năm
21/03/2011(Xem: 11262)
Ở xứ Tây Tạng, tạo hóa và dân sự dường như bảo nhau mà giữ không cho kẻ lạ bước vào! Núi cao chập chùng lên tận mây xanh có tuyết phủ...
18/03/2011(Xem: 4652)
Đây là một cuốn nhật ký ghi chép cuộc hành trình đi về Ấn Độ để học đạo. Tác giả nhân khi chùa Văn Thù Sư Lợi tổ chức chuyến đi hành hương các Phật tích tại Ấn đã tháp tùng theo...
15/03/2011(Xem: 3282)
Hôm nay là đêm 31-12-2008, chúng tôi chuẩn bị bước sang năm mới tại nhà Ngari Khangtsen. Mọi người tụ họp tại phòng ăn sau khi đã được về phòng của mình ngơi nghỉ lấy sức sau hai ngày đi đường bằng xe buýt. Có nhiều thức ăn đã được quý thầy nấu và dọn sẵn, một bên thức ăn chay và một bên thức ăn mặn. Thầy Kunchok Rabgye là bếp chánh. Thức ăn có súp, cari, cơm chiên, đồ xào, nhưng món nào cũng có nêm cà ri. Tôi có vào nhà bếp xem thì thấy nhà bếp rất đơn sơ. Khi nhận được xà bông rửa chén, quý thầy rất mừng vì xà bông cục nhỏ của Ấn không ra bọt, rất khó cho việc rửa chén bát.
11/03/2011(Xem: 13290)
Khi chúng tôi mới gặp nhau, tôi là một thành viên tích cực của Câu lạc bộ Lotos, nhưng từ khi bắt tay vào việc soạn sách “Vén màn Isis” tôi đã chấm dứt hẳn mọi liên hệ với các hội hè đình đám...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567