Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Viếng thăm Ấn Độ (kỳ 3)

18/05/201511:58(Xem: 4277)
Viếng thăm Ấn Độ (kỳ 3)
DU LỊCH - INDIA
“Kỷ vật cho em” để ngàn đời nhớ mãi (3)

 

An Do_19Hài hòa, phù hợp phong thủy: Hồ lớn nằm giữa Cổng Chính và lăng Taj Mahal. Hình: N.H.A.

 

Đã bước qua Cổng Chính và đã thấy “vườn địa đàng trên trái đất” mà vua Shah Jahal thực hiện khi xây ngôi mộ cho hoàng hậu Mumtaz Mahal, mời bạn tiếp tục hành trình thăm viếng.

 

Một hồ nước nhân tạo hàng trăm mét chạy dài từ cổng tới lăng, hai bên hồ là những bãi cỏ với hàng cây trắc bá thẳng tắp. Mời bạn đi trên con đường lót gạch ở hai bên hàng cây dành cho người đi bộ, ngắm vườn cỏ trải dài tới các bờ tường thành và chiếm hơn một phần tư diện tích của khu phức hợp Taj Mahal, nơi đây những cây cảnh được cắt tỉa xen lẫn cây có tàn lá rộng trong đó có những cây phượng đang trổ hoa đỏ giữa mùa hè. Cảnh vật trong vườn là một sự hài hòa cân xứng với hồ nhân tạo nằm ở giữa.

 

Đứng từ xa bạn sẽ thấy đầu người lố nhố sau bức thành của nền nhà trên cao, đấy là cảnh du khách sắp hành chờ vào cửa lăng mộ.

 

Tòa nhà chỉ một màu trắng nổi trội trên nền trời với vòm tròn lớn nằm chính giữa bao quanh là bốn vòm tròn nhỏ, 4 góc là 4 tháp cao, cân xứng với nhau, từng chi tiết. Số 4 tượng trưng cho sự thiêng liêng và bất diệt theo quan niệm của Hồi giáo.

 

Quanh lăng tẩm là những bức tường với nhiều cửa sổ và cửa ra vào hình vòm cuốn được chạm trổ tinh vi bằng những loại đá quý khác nhau mà người ta gọi là pietra dura.

 

Bên trái lăng là nguyện đường Hồi giáo bằng sa thạch đỏ với mái vòm tròn bằng cẩm thạch trắng và bên phải là nhà hội họp, lớn và cân xứng với nhau từ hình thể đến màu sắc.

 

An Do_20Hình Taj Mahal phản chiếu trong kính mát của tác giả do anh hướng dẫn viên du lịch chụp

 

Tình sử của ông vua đa tình và chung thủy

 

Càng tới gần lăng, càng thấy sự vĩ đại, tráng lệ của tòa kiến trúc nhất là khi tới bể nước nổi lớn xây cao khỏi mặt đất chừng một mét với đáy màu thiên thanh, là điểm lý tưởng để chụp hình vì nằm giữa vườn. Sau hồ lớn này, hàng cây cùng lối đi lót gạch lại tiếp tục dẫn du khách tới sát bức tường của lăng Taj Mahal. Du khách quẹo trái, bắt đầu bước các tầng cấp để lên nền cao vào sân đền. Nhưng từ đây, du khách phải cởi giày. Chúng tôi đã được anh hướng dẫn viên đưa sẵn những bọc ny lông để bọc giày do đó khỏi cần phải tháo giày ra như một số du khách địa phương.

 

Anh hướng dẫn viên du lịch bắt đầu giảng giải cho chúng tôi về mối tình của nhà vua với bà hoàng hậu cũng như  việc xây cất lăng Taj Mahal. Anh nói thao thao bất tuyệt như một học trò trả bài cho thầy giáo, không cần biết  tất cả bốn người chúng tôi có chú ý lắng nghe hay không. Câu chuyện của anh có phần giống và khác với những gì chúng tôi đọc trong một số tài liệu bởi một sự kiện dù có tính cách lịch sử cũng dễ bị tam sao thất bổn hay được người đời thêm mắm muối cho ý vị. Nhưng bảng giới thiệu trước Cổng Chính trong số báo trước mà tôi đã dịch để hầu bạn đọc có thể được xem như “tiểu sử chính thức” của khu tổng hợp Taj Mahal.

 

Chuyện kể rằng hoàng hậu Mumtaz Mahal là vợ thứ ba của vua Shah Jahan nhưng cũng có truyền thuyết nói vì quá yêu người vợ xinh đẹp này nên nhà vua chỉ lấy một vợ dù đạo Hồi cho phép nhà vua được cưới 4 vợ.

 

An Do_21Du khách vào cửa lăng Taj Mahal nơi có hai ngôi mộ của vua và hoàng hậu của đế quốc Mughal nhưng hai ngôi mộ này không có xác bên trong

 

Sau khi sinh đứa con thứ 14 là một bé gái, hoàng hậu Mahal qua đời lúc tuổi mới 39. Trước khi vợ chết, nhà vua nói ông sẽ làm tất cả những gì bà muốn nên hoàng hậu chỉ xin ba điều và yêu cầu ông giữ lời hứa: đấy là không tái giá, đối xử với con cái dù trai hay gái như nhau và xây cho bà một đền tưởng niệm đẹp nhất trên trái đất làm sao để sau này sẽ không có cái nào đẹp hơn nữa.

 

Cũng theo truyền thuyết, vì quá đau khổ và quá thương vợ mà chỉ sau một đêm tóc râu của nhà vua bạc phơ. Ông đã  nhờ những kiến trúc sư giỏi nhất phác họa một ngôi đền, làm toàn bằng đá cẩm thạch trắng nhập cảng từ nhiều nước, những hoa văn, chữ viết, bức khảm trên tường và trần được làm bằng 12 thứ đá quý mà bà vợ ông khi còn sống yêu thích. Và cũng theo truyền thuyết có trên hai chục ngàn nghệ nhân thực hiện công trình này trong mười sáu, mười bảy năm trời và khi hoàn thành, tất cả các nghệ nhân đều bị chặt tay để họ không có thể giúp ai làm nên một kiệt tác tương đương!

 

Vua Shah Jahal sau này bị người con trai là vua Aurangzeb bắt giam trong pháo đài Agra Fort nằm bên kia bờ sông cách lăng Taj Mahal hơn hai cây số, nhưng ông xin con giam ông ở một căn phòng nào đó mà ngày ngày ông có thể nhìn về nơi chôn vợ, cho đến ngày ông qua đời năm 1666.

 

Câu chuyện tình chung thủy chấm dứt thì chúng tôi cùng nhập vào giòng người sắp hàng vào cửa lăng. Du khách quá đông. Người nào cũng mồ hôi nhễ nhại. Không thể diễn tả sự ngột ngạt do chen lấn và trời nóng trên 40 độ. Tôi có cảm giác ngôi đền không đẹp và hấp dẫn như khi nhìn từ bên ngoài. Do đó, khi đã vào bên trong cũng chỉ muốn chóng ra bởi dù ngôi đền được làm bằng cẩm thạch nhưng vẫn không tạo ra sự mát mẻ, lại thiếu ánh sáng.

 

An Do_22Những hoa văn được khảm trên tường đá cẩm thạch của lăng Taj Mahal

 

Anh hướng dẫn viên vẫn làm nhiệm vụ giải thích, giọng đều đều nghe như tiếng từ máy thu băng. Tôi chỉ quan sát sơ sơ và tìm cách đi ra sớm để khỏi phải bị ngộp thở vì sự chen lấn, một việc  ít khi gặp trong những dịp đi thăm thú di tích các nơi khác. Hai ngôi mộ giữa sàn của lăng đặt sau hàng rào cản mắt cá làm bằng đá quý là mộ giả. Du khách được yêu cầu không sờ vào hàng rào  và không được chụp hình.  Hai hòm có xác đặt dưới hầm, du khách không được xuống xem.

 

Ra bên ngoài, vừa bước xuống khỏi các bậc cấp bên phải của nền lăng là gặp cảnh du khách đi tìm giày dép của mình. Khung cảnh hỗn độn và bẩn thỉu trái ngược với những gì chúng tôi vừa thấy trước đây. Rác và bao ny lông bọc giày dục bừa bãi trên khe nước đục ngầu. Tôi từng đọc báo trong mấy năm qua nghe nói đền Taj Mahal bị xuống cấp, có lúc phải đóng cửa để sửa chữa; rằng sông Yamuna chạy ngang trước đền rất ô nhiễm vì  phải nhận đến 80 phần trăm nước thải của thành phố Agra nhưng không thể nghĩ rằng sự thiếu vệ sinh xảy ra ngay dưới chân lăng Taj Mahal, nơi được coi là linh thiêng, là một trong 7 kỳ quan mới của thế giới.

 

Ra khỏi cổng, anh hướng dẫn viên du lịch đưa chúng tôi đến nhà hàng của khách sạn 5 sao The Getaway Hotel để ăn, trưa rồi anh ra khu tiền sảnh đợi chúng tôi. Đói và khát nước, tôi đã thỏa mãn với bữa ăn buffet có nhiều món (trừ thịt bò) với hai chai bia. 4 người chúng tôi ngồi chung bàn vì đã quen trò chuyện với nhau trên đường đi, cả chụp hình chung để làm kỷ niệm. Thấy một cô đi ra phòng toilet lâu quá, cô bạn còn lại cho biết cô kia đang đến giờ cầu nguyện. Tôi nói không sao, đợi cùng ăn cho vui.  Tôi rót bia mời cô này mặc dầu biết người đạo Hồi thường không uống rượu bia, cô từ chối và chỉ nhận nước ngọt do nhà tôi mời.

 

An Do_23Một trong bốn tháp cầu nguyện của Taj Mahal. Du khách đang vào cửa chính của lăng. Hình: N.H.A. 

 

Trong lúc ăn, tôi kể chuyện về Việt Nam và cũng hỏi các cô về tình hình ở Ai Cập nhưng không đi sâu, vì từ lâu tôi đã biết được rằng có hai điều không nên bàn luận với người mình mới quen, đó là chính trị và tôn giáo.

 

Ăn xong, anh hướng dẫn viên nói sẽ đưa chúng tôi đi tham quan những nơi làm tiểu công nghệ nổi tiếng của thành phố Agra và sau đó mới đi xem pháo đài Agra Fort, một tòa nhà vĩ đại bằng gạch đỏ được liệt vào danh sách di sản văn hóa của Liên hiệp quốc. Anh hỏi chúng tôi có đồng ý không, hay chỉ muốn đi xem pháo đài vì lúc này cũng đã hơn 3 giờ chiều.

 

Cả  bốn chúng tôi nói sao cũng được. Và thế là anh hướng dẫn viên đưa chúng tôi đến một nơi mà hầu hết các hướng dẫn viên du lịch trên thế giới đều làm: chở du khách tới các cửa hàng làm và bán đặc sản địa phương.

 

An Do_24Chụp hình kỷ niệm với hai cô gái Ai Cập đồng hành. Hình: N.H.A.

 

 

Thành phố của nghệ thuật làm đồ khảm bằng đá quý

 

Nơi chúng tôi đến là Agra Art Gallery trên đường Munro Road, một cửa tiệm bán bàn ghế, đồ trang trí bằng đá bán quý (semi precious stones), đồ trang sức bằng đá quý (precious stones như hột xoàn, hồng ngọc, ngọc bích, ngọc sapphire) và các đồ thủ công nghệ.

 

Tiệm có 4 người.  Một thanh niên ngồi xếp và mài những loại đá bán quý trên mặt bàn cẩm thạch cho du khách xem, một thanh niên bán hàng và hai người đàn ông lớn tuổi (có vẻ là chủ) để râu và đội khăn xếp mà tôi nghĩ là người theo đạo Sikh bởi sau đó, khi ông lớn tuổi hỏi tôi bao nhiêu tuổi và rồi nói tôi đoán ông bao nhiêu, tôi cố gắng hạ tuổi tối đa nhưng rồi cũng cao hơn tuổi thật của ông mấy tuổi. Tôi nói  nếu ông cạo râu thì sẽ trẻ hơn nhưng ông nói đạo của ông không cho phép cạo râu.

 

Tôi đã được nghe về nghệ thuật làm khảm bằng loại đá pietra dura (pièrre dure, hard stone) của các nghệ nhân ở Ý và Âu Châu và nay được nghe loại nghệ thuật parchin kari giống khảm xà cừ, sơn mài Việt Nam của các nghệ nhân ở một thành phố từng xây tòa nhà Taj Mahal, nên rất hứng thú để xem.

 

Pietra dura là cách cắt những loại đá bán quý đủ màu sắc thành từng miếng nhỏ tạo thành hoa văn, hình hoa lá hay ảnh người, nhét (inlay technique) và dán vào nền đá cẩm thạch và sau đó mài, đánh bóng thành những tác phẩm như tranh vẽ.

 

An Do_25Chụp một góc khác của Taj  Mahal trước khi chúng tôi ra khỏi khu tổng hợp của lăng. Hình: N.H.A. 

 

Khi đi xem hàng trưng bày, tôi tỏ ý thích những cái bàn cẩm thạch màu đen được giác bằng những bông hoa trắng trông đẹp. Tôi mê bàn ghế, dù đó là bằng gỗ, thủy tinh  hay bằng đá bởi cái bàn đẹp nhìn đã thích, lại còn làm cho bữa ăn ngon hơn. Tôi nghĩ nếu mua một món đồ kỷ niệm bằng đá cẩm thạch tại thành phố có kỳ quan thế giới như  lăng Taj Mahal thì chẳng còn  gì thú vị hơn, làm cho những kỷ niệm của chuyến du lịch không mờ nhạt với thời gian.

 

Nhà tôi nói cái bàn như thế to quá, khó chở về Úc, người đàn ông trẻ tên Virender bèn giới thiệu một cái bàn nhỏ hơn nhưng lại cho giá cao hơn gấp đôi. Ông nói mặt bàn này được dát ba mươi ngàn miếng đá semi precious stone nhỏ và phải mất 6 tháng mới làm xong.

 

Nhà tôi lắc đầu ngay với cá giá trên trời đó nhưng ông cứ bám theo nài nỉ chúng tôi trả giá, dù nhà tôi xua tay. Đã từng có “kinh nghiệm” mua đồ khi đi du lịch, tôi nói với nhà tôi phải trả dưới nửa giá họ cho, nhưng nhà tôi trả chỉ khoảng 1 phần mười giá ông ta cho. Ông xin trả thêm trong khi tôi lại muốn có đồ kỷ niệm nên nhà tôi trả từ  từ cho đến 2 phần mười giá ông ta cho, và cuối cùng ông ta đồng ý khi nhà tôi dứt khoát không trả nữa.  Tôi “thán phục” lối trả giá đó nhưng nhà tôi nói trả vậy e còn bị hớ!

 

Tôi hỏi Virender  giá đó có phải đã bao gồm tiền chuyên chở và đưa tận nhà của chúng tôi như các tiệm bên Hy Lạp không, có bảo đảm là đồ không bị hư hại và không trả thêm bất cứ chi phí nào tại Úc không. Tôi nhắc đi nhắc lại nhiều lần và Virender nói bảo đảm vì ông đã từng bán cho du khách từ Úc. Trả tiền xong, tôi mới sực nhớ cái đế nhưng ông ta nói phải trả riêng. Tôi nói ai đời bán bàn mà không bán chân, vậy để nơi đâu, nhưng Virender nói phải trả thêm tiền công mài. Tôi không chịu, dù đã lỡ trả tiền cho ông ta. Cuối cùng ông ta cũng đồng ý, nói bán như thế này là lỗ, nhưng hy vọng chúng tôi sẽ giới thiệu bạn bè cho ông. Tôi nói ông cứ yên chí nếu làm ăn đàng hoàng.

 

An Do_26Những mặt hàng tiểu công nghệ làm theo nghệ thuật pietra dura được trưng bày tại tiệm Agra Art Gallery. Hình: N.H.A.

 

Trời nóng, có máy quạt lại được hai ông mời uống nước nên tôi không còn nghĩ đến việc đi xem pháo đài Agra Fort.  Hai cô gái thì cứ dán mắt vào các đồ trang sức và sau đó, thấy chúng tôi đang ngồi nói chuyện  về cuộc sống, việc Virender ước mong ngày nào đó sang Việt Nam dạy Anh văn cho trẻ con, hai cô cũng tới ngồi lắng nghe. Virender ăn nói khá hoạt bát, tiếng Anh chuẩn. Ông ta nói về giá trị và ý nghĩa cuộc sống, rằng đồng tiền chỉ là sự tạm bợ nên dù ông ta có viết sách, và có khả năng để trở thành triệu phú nhưng ông ta không màng. Tôi thường bị dị ứng với những người ưa nổ, dạy đời hay làm bộ nên nghe tai này chạy qua tai kia. Nhưng các bà các cô thì khác.

 

Virender hỏi thăm chúng tôi về  con cái và nói ông ta có được cái “khả năng”  (power) Thượng Đế cho nên biết được nhiều việc mà người khác không biết. Người đàn ông lớn tuổi mà Virender giới thiệu là người anh, cũng xác nhận như vậy. Tôi bảo nhà tôi đừng hỏi để phải nghe bói, bởi không ích lợi  mà đôi khi còn mệt trí,  nhưng hai cô gái Ai Cập nghe thế thì  sấn lại hỏi.  Virender nhắm mắt, khuya tay trước ngực miệng lâm râm và sau đó hỏi chuyện tình của các cô, rồi giải thích.  Tôi nói với nhà tôi ông này dùng đòn tâm lý để chinh phục người nghe, nhất là đối với các cô đang yêu hay gặp trắc trở trong tình duyên. Một cô hỏi tôi có tin không, nhưng Virender đã nhanh miệng nói đàn ông họ ít tin chuyện bói toán.

 

Thế là chúng tôi ngồi nghe chuyện riêng tư của hai cô gái mới gặp. Hai cô không còn muốn đi xem pháo đài Agra Fort, mà bởi cũng đã quá 5 giờ chiều rồi. Một cô rất tin Virender, tỏ sự xúc động khi tin Virender đã đoán đúng hoàn cảnh của cô. Ông bảo muốn hóa giải những trắc trở tình duyên thì  hãy tìm 5 người nghèo cô không quen biết để giúp đỡ họ, và nếu có mang đồ trang sức thì nên xài hồng ngọc và 6 tháng sau hãy trở lại gặp ông.

 

Nhưng tôi không tin cô sẽ bỏ ra 5 tiếng đồng hồ để từ New Delhi trở lại Agra xem bói, dù Virender bói miễn phí.

 

An Do_27Nghệ thuật bán hàng cho du khách: người thợ thủ công đang mài đá và một mặt bàn với những hoa văn bằng đá bán quý (semi precious stones) đang chờ để khảm vào mặt đá cẩm thạch (hình dưới)

 

 

Trong mấy tiếng đồng hồ chẳng thấy khách vào và chủ tiệm thì bận ngồi nói chuyện bói toán nên nhà tôi nói trong ngày chỉ cần bốn người khách như chúng tôi đã đủ rồi. Trời gần tối, chúng tôi trở ra xe về khách sạn trước khi cho anh hướng dẫn du lịch tiền tip, mặc dù anh ta không xin.

 

Ngồi trên xe, tôi giải thích cho nhà tôi về thủ thuật của những người xem bói nên nhà tôi kể rằng sau khi nghe Virender bảo hãy mang trang sức màu hồng, một cô cầm chiếc nhẫn ruby hỏi nhà tôi giá $250 đô la có đắt không, nhà tôi tế nhị chưa biết trả lời ra sao thì Virender đã mau miệng nói bà này chỉ rành về hột xoàn mà thôi. Nhà tôi gật đầu cười, bỏ đi để cho họ mặc cả với nhau và không biết cô ấy có mua nhẫn hồng ngọc đeo để hóa giải những rắc rối trong cuộc đời cô hay không.

 

Lúc này mọi người không còn nói chuyện sau một ngày mệt mỏi. Chuyến đi quá dài nhưng tôi thỏa mãn vì đã được xem một kỳ quan khác của thế giới sau Vạn lý Trường Thành, đấu trường Colosseum, Kim tự tháp Ai Cập. Tôi cũng hài lòng vì đã mua được món đồ kỷ niệm bằng nghệ thuật khảm pietra dura và chuẩn bị tinh thần vì rất có thể hàng đến tay mình sẽ không như ý, bởi Ấn Độ không phải là Hy Lạp.

 

Và quả thật, vài tuần sau chúng tôi đã phải mất gần $600 đô để trả tiền cho công ty freight forwarder đến phi trường Tullamarine làm thủ tục lãnh cái mặt bàn và đế nặng tới 117 ký lô về nhà.

 

An Do_28Những mặt hàng tiểu công nghệ làm theo nghệ thuật pietra dura được trưng bày tại tiệm Agra Art Gallery. Hình: N.H.A.

 

Chưa hết, khi mở ra cái đế hình khối bát giác bị vỡ cả phần đỡ bên trên lẫn bên dưới, có nghĩa không thể đặt mặt bàn lên. Tôi chụp hình email qua cho Virender nói rằng công ty vận chuyển ở Ấn Độ làm ăn quá bê bối, thay vì đóng thùng bằng gỗ thông, họ chỉ bỏ trong thùng bằng nhựa mỏng và chỉ bó hộp hai sợi dây thì làm sao giữ cho cái đế đứng yên trong thùng được, nhưng Virender nói ở Ấn Độ người ta đóng gói như thế và việc hư hỏng có thể xảy ra do người bên Úc làm.

 

Virender nói ông ta rất quý mến vợ chồng chúng tôi nên sẽ bù lại cho chúng tôi cái đế khác, nhưng chúng tôi phải trả tiền mài và đánh bóng đế hoặc tiền cước từ bên Ấn Độ sang Úc.  Tôi nói với ông  rằng dù ông bù món hàng và trả cước phí, cũng chưa chắc tôi sẽ ra phi trường nhận nếu tôi phải trả tiền làm thủ tục quan thuế và chuyên chở, trái với điều tôi đã được hứa khi mua.

 

Dù Virender vẫn còn trả lời lịch sự như khi bán hàng cho tôi, nhưng nói chuyện hai ba lần tôi thấy không đi đến đâu, tốn tiền điện thoại viễn liên nên cuối cùng nói với ông ta hãy xem bức hình món hàng tôi chụp và làm sao để các khách hàng khác không gặp  phải kinh nghiệm như của chúng tôi. (còn tiếp)

 

(TVTS – 1373)

Tác giả: Nguyễn Hồng Anh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/11/2012(Xem: 9117)
Ngôi Thánh địa Già lam Bạch Mã, ngôi chùa cổ xưa nhất ở Trung Quốc, tọa lạc khoảng 6 dặm Anh, cách Thành phố Lạc Dương, thuộc tỉnh Hà Nam, miền Đông Trung Quốc. Ngôi Già lam Bạch Mã Cổ Tự được sáng lập từ thời Minh Đế của triều đại Đông Hán (từ năm 29 sau Công Nguyên đến năm 75 sau Công Nguyên), gắn liền với truyền thuyết thần kỳ về sự kiến tạo thuở sơ khai.
12/09/2012(Xem: 7194)
Quan Âm Cổ Tự (Gwaneumsa-觀音古寺) nằm phía Đông bắc dưới chân núi Halla (漢拏山), Ara-dong, Thành phố Jeju. Ngôi Cổ tự được thành lập vào thế kỷ thứ 10, vào triều đại Cao Ly ‘Goryeo’ (AD 918 ~ 1392). Trong những năm 1700, triều đình Joseon (Triều Tiên) tôn sùng Nho giáo và phế Phật vì thế Phật giáo vùng Jeju lâm vào Pháp nạn, các Tự viện bị phá hủy trong đó có ngôi Quan Âm Cổ Tự. Đầu thế kỷ 20, năm Nhâm Tý (1912) vị Pháp sư Tỳ Kheo ni An Phùng - Lệ Quán (安逢麗觀) mới tái tạo lại. Năm Giáp Thìn (1964), trùng tu nguy nga tráng lệ như hiện nay. Ngôi Danh lam cổ tự hùng tráng này là cơ sở thứ 23 của Thiền phái Tào Khê, Phật giáo Hàn Quốc.
19/06/2012(Xem: 3271)
Sa mạc Gobi (Trung Quốc) nổi tiếng thế giới bởi sự khắc nghiệt, xứng danh là một trong các vùng đất “khó sống” nhất trên hành tinh. Những đụn cát cao ngút, những trận bão sa mạc và nạn thổ phỉ kinh hoàng trong truyền thuyết xảy ra liên miên, cướp đi sinh mạng của biết bao nhiêu thương nhân khi qua đây. Nó trở thành nỗi ám ảnh lớn với rất nhiều người và không mấy ai nghĩ địa điểm này thích hợp cho sự sống. Ấy thế mà đã có một hồ “trăng lưỡi liềm” và mảnh đất thiên đường “rơi” xuống sa mạc Gobi và trở thành một trong những ốc đảo tuyệt vời nhất trên Trái đất này.
20/05/2012(Xem: 8245)
Nói đến chùa, không thể không nhắc đến Huế. Cố đô là nơi có mật độ chùa chiền thuộc loại cao nhất Việt Nam với trên một trăm ngôi chùa lớn nhỏ. Lần nào đến Huế tôi cũng đến thăm, lễ Phật và thưởng ngoạn tại ít nhất là 1 ngôi chùa.
02/03/2012(Xem: 3599)
Trên đường đến Linh Thứu sơn thuộc thành Vương Xá, nay là Rajgir, cách trường đại học Na Lan Đà khoảng 1500 m, đoàn chúng tôi có viếng thăm nhà kỷ niệm ngài Huyền Trang (Huyền Trang Kỷ Niệm Đường) mặc dù ngoài trời mưa vẫn còn nặng hạt...
12/02/2012(Xem: 14747)
Qua ký sự, tác giả giới thiệu những vùng đất tâm linh của Phật giáo đồng thời nói lên niềm cảm khái của mình trước các vùng đất thiêng liêng, và cảm xúc của ông về thế giới hiện đại.
11/01/2012(Xem: 9317)
Ý tưởng về một cuộc hành hương về xứ Phật là do chính Đức Phật nói ra. Trước khi Người nhập diệt Đại Bát-Niết-bàn, Phật đã khuyên những đệ tử kính đạo nên viếng thăm, chiêm bái bốn nơi để được tăng thêm sự truyền cảm về tâm linh của mình sau khi Người từ giã trần gian. Những nơi đó là Lumbini, nơi Đức Phật đản sinh; Bodhagaya (Bồ Đề Đạo Tràng), nơi Đức Phật chứng đạt Giác Ngộ Tối Thượng; Vườn Nai ở Sarnath, nơi Đức Phật khai giảng bài Thuyết Pháp đầu tiên – Kinh Chuyển Pháp Luân; và Kusinara (Câu Thi Na), nơi Người nhập diệt Đại Bát-Niết-bàn...
28/12/2011(Xem: 4016)
Trong khi nhiều tôn giáo truyền thống khuyến khích tín đồ lên đường hành hương, như Đức Phật Thích Ca là một bậc thầy vô thượng mà tất cả Phật tử hướng về quy y và những giáo huấn của Ngài chúng ta thực hành một cách tốt nhất để đi theo, đối với chúng ta những thánh địa thiêng liêng nhất là những nơi Đức Phật đã giảng dạy và hành động vì lợi ích của chúng sinh. Trong khi chúng ta nên ngưỡng vọng và thăm viếng những nơi này, một cách truyền thống bốn thánh tích được xem như quan trọng nhất là: * Lâm tỳ ni, nơi Sĩ Đạt Ta sinh ra trong thế giới này như một người bình thường. * Đạo Tràng Giác Ngộ, nơi Sĩ Đạt Ta trở nên giác ngộ. * Lộc Uyển, nơi Ngài giảng dạy con đường đến giác ngộ, và * Câu thi na, nơi Ngài nhập niết bàn.
01/08/2011(Xem: 3974)
Từ 13/3 đến 28/3/1994, Viện Nghiên cứuPhật học Việt Nam đã tổ chức một đoàn chiêm bái các Phật tích tại Ấn Độ, gồm 19 người, do cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu làm Trưởng đoàn, cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu làm Phó đoàn, với Ban Thư kýgồm Hòa thượng Thích Giác Toàn và Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn. Chuyến đi được Hòa thượng Thích Chơn Thiện lúc ấy đang chuẩn bị trình luận án tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ giúp sắp xếp các việc cần thiết và đề xuất kế hoạch, lộ trình chi tiết. Sau ngày thống nhất đất nước, đây là chuyến xuất ngoại dân sự đầu tiên có tổ chức của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, mở đầu cho việc hội nhập của Phật giáo Việt Nam với Phật giáo thế giới. Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo đăng tải lại dưới đây bài tường thuật do cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu thực hiện, như một kỷ niệm để tưởng nhớ ngài.
22/07/2011(Xem: 5944)
Du khách đến Dubai sẽ được chiêm ngưỡng một tác phẩm tuyệt vời của bàn tay con người. Đó là khu vườn 65 triệu bông hoa trong khí hậu khắc nghiệt của sa mạc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]