Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Viếng thăm Ấn Độ (kỳ 2)

16/05/201517:32(Xem: 3936)
Viếng thăm Ấn Độ (kỳ 2)
Đường tới lăng Taj Mahal, thành phố Agra (2)

Bút ký du lịch của Nguyễn Hồng Anh

 

  

An Do_9Sau khi mua vé và được xe điện chạy bằng bình ắc-quy chở đi một đoạn, hướng dẫn viên du lịch người Ấn (phải) và ba nữ du khách trong nhóm chúng tôi đi bộ tới cổng phía đông của khu tổng hợp Tal Mahal. Hình: N.H.A.

 

Máy bay từ Kathmandu đáp xuống phi trường quốc tế Indira Gandhi ở thủ đô New Delhi (Tân Đề Li) khoảng 5 giờ chiều sau chuyến bay dài chừng 1 tiếng rưỡi. Khí hậu đã thay đổi rõ rệt như  trên Đà Lạt xuống Sài Gòn. Bạn đang từ vùng nhiệt độ dưới 30 lên quá 40 độ. Sự khác biệt giữa hai nước còn rõ vì bạn đang từ một phi trường “đèo heo gió hút” tới một nơi nhộn nhịp như New Delhi. Trời nóng nực nên chúng tôi chỉ muốn làm sao về khách sạn thật nhanh. Một khách đồng hành người Ấn nói với chúng tôi cứ việc ra bên ngoài hỏi quầy taxi trả tiền trước (prepaid).

 

Bạn đừng chờ đợi sự nhã nhặn và hiếu khách ở nơi này. Một người đàn ông mặt mày cau có hỏi tôi đi đâu rồi ra giá 600 Rupee (một Úc kim ăn khoảng 53 Indian Rupee). Tôi đưa tiền, ông ta dẫn ra chiếc xe đã có hai thanh niên ngồi sẵn ở hàng ghế trước và nói với tôi “Ông có biết khách sạn này rất đắt tiền không?”.  Tôi gật đầu không buồn trả lời câu hỏi hết sức “phản cảm”  này,  chẳng hiểu vì ông ta thấy chúng tôi là người Á Châu lại ăn mặc xuề xòa chăng?

 

Đây là loại xe chở bao, không có bảng hiệu, lại không cho biên nhận. Đã được anh taxi người Nepal lưu ý khi qua Ấn Độ nên tôi tỏ ra cẩn thận. Tôi không hiểu tại sao lại cần phải có đến hai người trên xe, để làm gì? Sau này tôi nới biết rằng, người ngồi bên cạnh thường là một loại “hướng dẫn viên du lịch” bởi vì có khả năng nói tiếng Anh (cũng giống lần đầu tôi đến phi trường ở Kathmandu).

 

Dù đã trả tiền trước nhưng khi xe chạy đồng hồ tính tiền vẫn hoạt động nên tôi phải yêu cầu anh thanh niên ngồi cạnh tài xế phải xác nhận là tôi đã trả 600 Rupee. Đến khách sạn, đồng hồ chỉ 420 Rupee. Thế là tôi đã bắt đầu  biết được chút ít “Ấn Độ huyền bí” ngay khi tôi mới đặt chân đến. 

 

An Do_10Họa đồ cho thấy sự cân xứng toàn hảo của các kiến trúc trong khu tổng hợp Taj Mahal. Hình chụp: N.H.A.

 

Những ngày sau ở New Delhi, đi bất cứ taxi nào (dù được tài xế giới thiệu có đăng ký với khách sạn để được phép ra vào Le Meridien) chúng tôi cũng thấy có cái khăn nhỏ như khăn lau mặt che kín đồng hồ tính tiền dù không bị nắng chiếu vào, nên tôi đã có lần phải yêu cầu cho tôi thấy đồng hồ đang chỉ bao nhiêu tiền khi xe đang chạy. Bác tài vén khăn lên rồi phủ lại cho đến khi xe đến đích, và lại vén lên khi tôi hỏi bao nhiêu tiền! 

 

Tôi không hỏi các tài xế tại sao phải làm như thế,  ngại làm phật lòng họ nhưng rồi cũng quên hỏi nhân viên trong khách sạn lý do gì mọi taxi đều có cái khăn lông che kín đồng hồ. Qua các thành phố khác toàn đi xe bao, hỏi thì họ nói không biết lối làm ăn ở New Delhi  xa xôi nên cho đến bây giờ khăn che đồng hồ taxi ở thủ đô Ấn Độ vẫn còn là một “huyền bí Ấn Độ” đối với tôi.

 

Tôi chọn khách sạn Le Meridien bởi nhìn trên bản đồ thấy gần India Gate, tức trung tâm thành phố, dù biết đó không phải là khu thương mại nhộn nhịp như Connaught Place bên cạnh.  Từ phòng ngủ, chúng tôi có thể thấy Cổng Ấn Độ và Dinh Tổng thống.

 

Tuy là khách sạn 5 sao ($138 Mỹ kim/ đêm) và vẫn chưa thuộc hạng đắt tiền nhất ở New Delhi nhưng tôi thấy rất vừa ý vì đây là khách sạn mới, hiện đại và lộng lẫy, bắt mắt từ trang trí nội thất của khu tiền sảnh, nhà hàng, phòng ngủ cho đến cách tiếp khách và phục vụ, bỏ xa khách sạn 5 sao Dusit Thani ($186 Úc kim/ đêm) ở Manila (Phi Luật Tân) mà chúng tôi ở cuối năm ngoái. Vì thế, những lời bình dù khen hay chê ở trên internet cũng chưa hẳn là chính xác.

 

An Do_11Nữ tiếp viên hàng không Saudi Airlines, một lữ khách đồng hành với chúng tôi đang tạo dáng trước đền Taj Mahal. Hình: N.H.A.

 

Một chuyến đi xa

 

Các nhân viên đã đáp ứng lời yêu cầu của chúng tôi ngay khi vừa đến khách sạn, đặt sẵn chỗ cho chúng tôi đi thăm Taj Mahal vào sớm mai theo nhóm bằng xe van có máy lạnh với vài du khách khác.  Có mặt ở phòng lobby lúc 6 giờ sáng, về khoảng 11 giờ đêm. Với đường dài khoảng 200 cây số, mỗi lượt đi mất từ 4 tiếng rưỡi đến 5 tiếng.

 

Lệ phí 3,500 Rupee. Chương trình gồm: hướng dẫn viên đưa đi xem đền Taj Mal, pháo đài Agra Fort, xem khu mua sắm, bao ăn trưa tại khách sạn 5 sao ở thành phố Agra (rượu và nước ngọt trả riêng). Du khách phải  trả thêm tiền vào cửa các di tích.

 

Agra nguyên là một thành phố của Hindustan (có nghĩa Đất của người Ấn)  ngày xưa, nằm trên sông Yamuna ở miền bắc của tiểu bang Uttar Pradesh, với dân số 1.7 triệu người là thành phố đông dân thứ ba của tiểu bang và thứ 19 của cả nước. Thành phố sống bằng nông nghiệp, tiểu công nghệ và du lịch.

 

Do không thể ăn sáng sớm, khách sạn đã chuẩn bị cho chúng tôi hai hộp đựng thức ăn đầy đủ nước nôi, đúng tiêu chuẩn của một khách sạn 5 sao dành cho du khách đi chơi xa. Chiếc xe van 5 chỗ dành cho khách khá mới, sạch sẽ. Bác tài lớn tuổi ăn bận lịch sự với loại áo 4 túi, đúng phong cách tài xế của một khách sạn loại sang.

 

Cùng đi với chúng tôi có hai cô gái người Ai Cập làm nghề tiếp viên cho hãng máy bay Saudi Airlines cũng trú ngụ trong khách sạn Le Meridien. Làm quen với họ, chúng tôi được biết hai cô hôm nay được nghỉ dưỡng sức  đến 52 tiếng đồng hồ nên đã sử dụng thời gian dài như thế này để đi thăm Taj Mahal.

 

An Do_12Sông Yamuna chảy qua phức hợp Taj Mahal nơi có tháp Hồi giáo (minaret) bằng cẩm thạch trắng và nguyện đường Hồi giáo (mosque) bằng sa thạch đỏ nằm bên trái lăng tẩm. Hình: N.H.A. 

 

Trông hai cô gái trẻ này rất hứng thú với chuyến đi  nên tôi nói rằng các kim tự tháp ở quê hương của các cô còn hấp dẫn và huyền bí hơn ngôi đền chưa tới 400 năm này, chỉ khác một điều ngôi đền này là biểu tượng của tình yêu si mê, của một người đàn ông quá trung thành mà cũng có thể là quá... ngu vì nghe lời của một người vợ đã chết!  Lời nói đùa của tôi đã làm cho không khí trở nên thân thiện trên chuyến hành trình dài và trong suốt cả ngày cho đến khi trở về khách sạn.

 

Thấy ghế trước cạnh tài xế còn trống và bác tài chạy vòng vòng, tôi đoán bác đi đón người và quả thật xe tới đậu trước khách sạn Hyatt. Đợi hơn 15 phút, nhân viên gác cửa bảo bác hãy lái ra bãi đậu xe đậu.  Rồi bác tài tiếp tục vào đứng cạnh các nhân viên an ninh khách sạn. Bác tài không thể giải thích cho chúng tôi tại sao phải đợi lâu như thế, ngoài hai chữ  “five minutes”. Rồi hết 5 phút này đến 5 phút nọ.

 

Thấy gần 7 giờ mà vẫn chưa lên đường để cứ ngồi đợi cái ông hay bà trong khách sạn, tôi mất kiên nhẫn nên nói với cô gái ngồi ghế giữa tránh cho tôi xuống gọi ông tài xế phải lên đường.  Các nhân viên khách sạn giúp bác tài trả lời với tôi hãy đợi thêm chút nữa, họ sẽ xuống. Tôi nhờ họ nói với bác tài rằng tất cả 4 người chúng tôi không thể đợi lâu hơn nữa,  bởi lẽ ra chỉ đợi 15 phút là quá đáng, và nếu họ không xuống đúng giờ là lỗi của họ bởi chúng tôi đã đợi trên nửa tiếng rồi.

 

Tôi trở lại xe và vài phút sau, bác tài lên xe và chiếc ghế cạnh bác vẫn trống. Bác tài không nói chuyện với khách, nét mặt không biểu lộ một cảm xúc nào trong suốt chuyến đi.

 

 

An Do_13Vườn của khu tổng hợp nhìn ngược từ lăng Taj Mahal ra cổng chính màu đỏ. Hình: N.H.A.

 

Ra khỏi trung tâm thành phố, chúng tôi bắt đầu thấy “bộ mặt thật” của một cường quốc đang lên. Thì cũng giống cảnh ở ngã ba Hàng Xanh thời Việt Nam Cộng Hòa hay những con đường về miền đông hay miền tây. Người đứng hai bên xa lộ đợi xe; xách giỏ, va-li ngổn ngang với rác rến giữa trời nắng; và nước da ngăm ngăm của người bản xứ với  y phục của họ càng làm cho bức tranh phố xá pha lẫn đồng quê trông ngộp thở.

 

Trên xa lộ dài khoảng 200 cây số, khung cảnh hai bên đường đều giống nhau mỗi khi qua các thị trấn: Xe chở quá tải, dù đó là chở người hay chở đồ vật: đồ đạc chất cao trên mui và treo phồng ra hai bên hông xe. Một thế giới giao thông hỗn tạp: Xe đạp kéo, xe gắn máy kéo, xe bò kéo, xe ba bánh và những chiếc xe đò, xe tải rất cũ kỹ. Xe Tuk Tuk giống Lambretta ba bánh ở Việt Nam ngày xưa chất đầy người ngồi thả chân ra phía sau, ở hàng ghế trước có đến 4 khách ngồi với bác tài cầm ghi-đông lái. Tôi không hiểu những người ngồi giữa làm sao thở! Xe mô-tô chở ba chở bốn, may ra chỉ có người lái đội nón an toàn.

 

 

Các căn phố luộm thuộm, trước mặt có những quán cóc lẹp xẹp lợp tôn hay căng vải nhựa, những “ki-ốt” xe đẩy hình thành từ bốn bánh của xe đạp. Trước những sạp bán thức ăn là đường đất, nước mưa hay nước rửa chén bát tạo nên những vũng nước đen ngòm. Và một nét rất Ấn là bò sống bên cạnh con người, cạnh nhà ở, thậm chí cạnh quán ăn hay đi lang thang trên đường.

 

Qua một thị trấn nọ, hai cô gái đạo Hồi đã cười khúc khích và che mặt khi tôi chỉ cho mọi người thấy một thanh niên mặc quần xà lỏn múc nước từ xô “vô tư” đứng tắm ngoài đường trước bàn dân thiên hạ. Tôi không biết hai cô gái có thấy cảnh mấy ông xồn xồn cũng “vô tư” kéo phẹc-ma-tuya đứng tè ngoài đường khi tôi chỉ riêng cho nhà tôi vì tôi không muốn mình trở thành con người nham nhở với phụ nữ xa lạ. Cũng như ở Việt Nam ngày xưa và cả ngày nay “bệnh tiểu đường”  khá phổ biến  ở Ấn Độ.

 

Ngày xưa tôi đã thấy cảnh nghèo ở các thành phố, thị trấn Miền Nam. Nhưng những loại quán xén, xe đẩy này không thể nào giản dị hơn, nghèo hơn. Mà đây là ngoại ô của New Delhi và các thị trấn ven thủ đô. Nhiều đền đài, nhà cửa hai ba tầng bằng gạch đỏ hai bên đường xây còn dang dở, các dàn giáo là những thanh cây khô buộc vào nhau để thợ trèo lên làm việc, một cảnh mà bạn không thể nào thấy ở các công trường xây cất hay nơi xây tư gia tại Úc.

 

An Do_14Màu sắc của sự chung thủy và vẻ đẹp tinh khôi qua bàn tay của hàng chục ngàn nghệ nhân: toàn bộ lăng Taj Mahal đều làm bằng cẩm thạch trắng, phần lớn nhập cảng từ nước ngoài, khi mờ khi tỏ, thay đổi từ sáng sớm đến đêm khuya. Hình: N.H.A.

 

 

Đường vào lăng tẩm

 

Giữa đường, tài xế dừng xe cho khách nghỉ ngơi 20 phút. Chúng tôi đến thành phố Agra sau gần 5 tiếng và đã bắt đầu thấy ngôi đền màu trắng nằm bên kia sông khi xe chạy ngang pháo đài gạch đỏ Agra Fort. Một người đàn ông ra đón, giới thiệu là tour guide, bước lên xe ngồi cạnh bác tài. Anh nói tiếng Anh lưu loát dù có lúc hơi khó nghe. Xe đậu ở trạm bán vé, anh yêu cầu chúng tôi để ba-lô trong xe, chỉ mang theo túi xách nhỏ.

 

Vé vào cửa dành cho khách ngoại quốc là 750 Rupee một người, được tặng cho chai nước suối đã ngâm lạnh. Sau đó, chúng tôi được mời lên xe chạy bằng bình điện ắc-quy để tới cổng Taj Mahal bởi theo anh hướng dẫn viên du lịch, tất cả mọi loại xe chạy bằng dầu xăng đều bị cấm trong khu vực để tránh ô nhiễm và làm dơ bẩn lớp đá cẩm thạnh của đền.

 

Phức hợp (complex) Tal Mahal nằm trên khu đất rộng 304 mét, dài 580 mét gồm 3 phần: sân trước (fore court), vườn cây (garden) và lăng tẩm (mausoleum).

 

An Do_15Cổng Chính (Main Gate): nằm ở phía bắc là tòa nhà hai tầng bằng gạch đỏ xây như bức thành, cũng là lối (cửa ở giữa) dẫn vào vườn và lăng của khu tổng hợp Taj Mahal. Hình: N.H.A.

 

Lối vào sân trước có bốn cổng, bọc bởi thành quách làm bằng gạch đỏ (sa thạch đỏ): cổng Nam hướng thẳng vào Cổng Chính (cổng Bắc). Anh hướng dẫn đưa chúng tôi đi vào bằng cổng Đông.  Nam nữ vào cửa riêng rẽ, có lẽ để dễ kiểm soát về mặt an ninh.

 

Trên lối đi vào sân, cạnh hàng rào bằng bụi cây cắt tỉa gọn có tấm bảng giới thiệu ngôi đền, tôi chụp và xin lược dịch như sau hầu bạn đọc:

 

THE  TAJ MAHAL

 

Tal Mahal là một kỳ quan bằng đá cẩm thạch, được Hoàng đế Shah Jahan (của triều đại Mughal) xây để tưởng nhớ người vợ yêu dấu của ông, Hoàng hậu Mumtaz Mahal.

Shah Jahan cưới Arjumand Bano Begum (Munmtaz Mahal), cháu của Itimad-Ud- Daula, thủ tướng của Hoàng đế Jahangir vào năm 1612.

 

Mumtaz Mahal chết năm 1631 khi sinh hạ đứa con thứ 14 của bà. Vị hoàng đế quá đỗi đau buồn đã cố gắng  hết sức mình để xây ngôi mộ tưởng nhớ bà, được toàn thế giới nhìn nhận là một trong những sáng tạo đẹp nhất trên trái đất. Sau khi chết vào năm 1666, Shah Jahan cũng được chôn bên cạnh người vợ yêu dấu  của ông tại lăng Tal Mahal.

 

An Do_16“Kỳ quan thế giới”: Đứng trước Cổng Chính, du khách đã có thể thấy mặt tiền màu trắng của tòa nhà phía sau cổng, tức cái lăng...

 

Các nghệ nhân được tuyển chọn khắp đế quốc bao gồm cả Trung Á và Ba Tư (nay là Iran). Trong khi gạch để làm sườn bên trong là sản phẩm địa phương, cẩm thạch trắng bên ngoài đền được mang từ Makrana, Rajasthan.

 

Chữ khắc trên mặt tiền phía bắc ghi 1057A,H. (tức 1647 sau công nguyên) là thời gian hoàn thành sau 17 năm xây cất với kinh phí khoảng 40 triệu rupees (four crores) vào lúc mà giá vàng là 15 rupees mỗi 11.66 gram (tola).

 

Shehad-ud- Din-Muhammad Shah Jahan, cháu nội của hoàng đế Akbar, là một người có đầu óc mỹ thuật về kiến trúc và dưới sự bảo trợ của ông,  ngành kiến trúc của vương triều Mughal đạt đến cực điểm của nó.

 

Người ta tin rằng Ustad Ahmad Lahori là kiến trúc sư chính trong khi Ustad Isa Afandi soạn thảo họa đồ của Taj Mahal. Amanat Ali Khan Shirazi nổi tiếng với nghệ thuật viết chữ và Ran Mal là nhà trang trí vườn tược từ Kashmir.

 

Họa đồ lăng Taj Mahal là một sự cân xứng giữa hai bên đến mức tuyệt hảo. Điểm  trung tâm là ngôi mộ (rauza) và 4 cái tháp (minarets) của nó, kèm hai bên là một nguyện đường và một hội đường (Mehman Khana). Lăng Taj Mahal có chiều rộng dài chính xác bằng  chiều cao (55 mét).

 

Một nét độc đáo của ngôi đền là những bức tường chạm trổ bằng nghệ thuật trang trí gắn đá quý (semi-precious stones) vào bên trong (pietra  dura) đá cứng rồi đánh cho nhẵn.

 

Màu trong mờ của đá cẩm thạch thay đổi thường xuyên từ sáng tới khuya làm cho ngôi đền có một cảm giác kỳ diệu theo viễn kiến của Shah Jahan là   ngôi mộ và ngôi vườn tượng trưng cho một vườn địa đàng trên trái đất. Đây là một biểu hiện duy nhất do con người làm của thời đại Mughal huy hoàng và là một kỳ quan của thế giới.

 

 

An Do_17...nhưng tòa nhà sẽ biến mất khi bước tới cổng, chỉ còn vùng ánh sáng chói chang...

 

Đọc xong bảng giới thiệu về ngôi đền, mời bạn đọc cùng chúng tôi đi tiếp, và cho đến khi đứng giữa sân thì bạn mới có thể nhận ra 4 cái cổng, nhưng cổng chính (Main Gate ở phía bắc) nổi trội hơn cả với kiến trúc như một ngôi đền hai tầng, làm bằng gạch đỏ với các mái vòm và những đường viền là những phù điêu màu trắng. Vậy cái đền màu trắng và không gian rộng thường thấy trên báo chí phim ảnh nằm ở nơi mô?

 

Cũng như các du khách vào ra đứng giữa sân trước chụp hình, khi cầm máy ảnh đưa lên tôi đã thấy đằng sau cánh cửa của Cổng Chính màu đỏ lộ ra một phần mặt tiền của đền Taj Mahal màu trắng nhờ màu sắc tương phản của hai khối kiến trúc. Nhưng khi bước lên các bậc cấp của Cổng Chính, tôi không còn thấy gì ngoài màu trắng chói chang của ánh sáng, một hình ảnh bạn thường thấy trên màn ảnh xi-nê khi người ta trong hầm tối bước ra ánh sáng.  Và sau khi đi thêm chừng chục bước, vừa qua khỏi mái vòm che trên đầu, cả một bức tranh vĩ đại mà bạn đã thấy đâu đó trong đời mình đột ngột hiện ra trước mặt, đầy đủ mọi chi tiết, không thiếu một góc cạnh nào.

 

Tôi phải buột miệng “woah” để khen ngợi kỳ công của kiến trúc sư khi tạo ấn tượng mạnh cho du khách lần đầu bước qua Cổng Chính.

 

An Do_18... Và khi bước qua khỏi vòm cổng, một thế giới khác  đột ngột hiện ra làm du khách ngạc nhiên, thích thú như ý muốn của vua Shah Jahal, là tạo một “vườn địa đàng trên trái đất”. Hình: N.H.A.

 

Tuyệt tác phẩm của tình yêu mở trang từ đây. Các du khách  bắt đầu chụp hình của một ngôi đền mà nghe nói hàng năm có từ 3 đến 4 triệu lượt người đến xem. Cũng như ở các kim tự tháp bên Ai Cập, du khách khi chụp hình, thường tạo dáng với một bàn tay làm hình chóp úp trên tháp hay trên đền. Khi nhờ anh hướng dẫn viên chụp hình cho chúng tôi, anh cũng bảo chúng tôi đưa tay lên làm hình chóp. Tôi không hiểu ý nghĩa và cũng không thắc mắc để hỏi, nghĩ rằng đấy là trò vui mà thôi.

 

Tôi thấy du khách phần lớn là người Á Châu và trong số này, nhìn vào nước da và khuôn mặt tôi nghĩ đa số là người Ấn Độ,  và những du khách gần nước họ như  Tích Lan, Bangladesh hay từ Trung Đông. (còn tiếp)

 

TVTS số 1372 – 11.7.2012

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/06/2013(Xem: 5623)
Hình ảnh ngày 31-10-2009 Phái đoàn viếng thăm: NGŨ ĐÀI SƠN, NƠI HÓA HIỆN CỦA BỒ TÁT ĐẠI TRÍ VĂN THÙ THÙ TƯỢNG TỰ (chùa thờ tôn tượng bồ tát Đại Trí Văn Thù, cao khoảng 8 mét, được xem là pho tượng Văn Thù Bồ Tát đẹp nhất trên trần gian này)
26/06/2013(Xem: 4111)
Hình ảnh ngày 30-10-2009 Phái đoàn viếng thăm: - Bồ Tát Đảnh - Hiển Thông Tự Tháp Viện Tự tại Ngũ Đài Sơn
26/06/2013(Xem: 7867)
Ấn Quang Đại Sư, húy Thánh Lượng, biệt hiệu Thường Tàm, người khoảng cuối đời nhà Thanh sang kỷ nguyên Dân Quốc, con nhà họ Triệu ở Hiệp Tây.
26/06/2013(Xem: 4682)
Tế Tỉnh Đại Sự, tự Triệt Ngộ, hiệu Nạp Đường, người đời Thanh, con nhà họ Mã ở huyện Phong Nhuận.
26/06/2013(Xem: 4883)
Từ thuở bé ngài không ăn cá thịt. Sau khi xuất gia, tham cứu câu Niệm Phật Là Ai? Được tỏ ngộ, và nói: "Tôi đã tỉnh giấc mơ!".
26/06/2013(Xem: 4525)
Hành Sách Đại sư, tự là Triệt Lưu, người đời nhà Thanh, con của Tưởng Toàn Xương, một bậc lão nho ở vùng Nghi Hưng. Cha ngài là bạn phương ngoại với đức Đức Thanh Hòa Thượng, tức Hám Sơn Đại Sư.
26/06/2013(Xem: 5430)
Trí Húc Đại sư tự Ngẫu Ích, người đời Thanh, họ Chung, nhà ở Ngô huyện. Thân phụ trọ trì chú Đại Bi và Bạch Y, mộng thấy đức Quán Âm đại sĩ trao cho một đứa bé trai mà sanh ra ngài.
26/06/2013(Xem: 4944)
Tỉnh Thường đại sư, tự Thứu Vi, người đời Tống, con nhà họ Nhan ở Tiền Đường. Khi lên bảy, ngài gặp duyên lành xuất gia và mới mười bảy tuổi đã thọ giới cụ túc.
26/06/2013(Xem: 4684)
Diên Thọ Đại sư, tự Xung Huyền, người đời Tống, con của họ Vương ở Tiền Đường. Lúc thiếu thời, ngài thích tụng kinh Pháp Hoa, cảm đến bầy dê quỳ mọp nghe kinh.
26/06/2013(Xem: 5002)
Thiếu Khang đại sư họ Châu, người đời nhà Đường, ở vùng núi Tiên Đô xứ Tấn Vân. Từ buổi sơ sanh, ngài im lặng không nói. Năm bảy tuổi nhân lễ trai hội, ngài theo mẹ vào chùa lạy Phật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]