CÁC HANG THỜ PHẬT NỒI TIẾNG TRÊN THẾ GIỚI
Những người tiền sử sống bằng nghề săn bắt thời Đồ đá cũ thường tìm nơi ẩn náu trong những hang động tự nhiên để tránh thời tiết xấu và các hiểm họa tấn công do thú dữ hay con người. Sang thời kỳ Đồ đá mới, khi xã hội loài người đã bỏ nghề săn bắt để làm nghề nông và chăn nuôi gia súc, việc sinh sống trong các nhà hang vẫn còn tiếp tục.
* Tu luyện trong hang đá có lợi gì?
Ngày xưa, những người ở nhà hang thường sử dụng môi trường địa chất thuận lợi (khối đá mềm nhưng lại không dễ bở vụn) để tạo ra những khu vực có thể dùng vừa làm nơi ở, hoạt động kinh tế, vừa làm nơi thờ phụng, chôn cất và phòng ngự. Đào, đục một nơi ở hay am thất trong đá rõ ràng đơn giản hơn là làm một chỗ ở ngoài trời, nhưng công việc này đòi hỏi phải có sự hiểu biết đáng kể về môi trường cũng như khả năng thích ứng đặc biệt đối với môi trường đó. Không phải ngẫu nhiên mà một số hang động của những người tu hành được tìm thấy ở những vùng khô cằn (giữa vùng sa mạc), nơi mà nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch nhau rất nhiều.
Đặc biệt những trận bão cát thường hay xảy ra là nguyên nhân thúc đẩy những người chân tu hay ẩn tu vùng sa mạc phải tìm kiếm nơi trú ngụ tiện lợi và phù hợp. Những người sống và tu luyện trong hang trở nên vô hình và không dễ tới gần đối với thế giới bên ngoài, do đó việc tỉnh tâm và thiền định có phần dễ dàng hơn so với điều kiện tu hành ở chốn tụ lạc ồn náo. Hang trong các vùng núi cao thường gần các khe đá rỉ nước hay các con suối mà người tu có thể dùng được. Hơn nữa, nhiệt độ trong các hang đá có phần ổn định hơn so với bên ngoài, góp thêm phần gìn giữ sức khỏe người tu. Bằng chứng rõ ràng nhất là việc đức Phật, các bậc Thánh tăng, cao tăng đắc đạo, các vị Tổ sư, các vị chơn sư đã từng tu luyện trong các hang động tự nhiên trên non cao hay các hang đục vào vách núi.
* Quần thể hang thờ Phật và am cốc nổi tiếng trên thế giới
Hầu như nước nào trên thế giới cũng có các dạng hang động thiêng và các hang ẩn tu của những người đi tìm chân lý, nhưng đề cập đến các quần thể hang thờ Phật và am cốc ẩn tu thì không đâu bằng Trung Quốc và Ấn Độ. Nhìn chung, những dạng kiến trúc này được đục thẳng vào đá gốc là những công trình rất tinh vi và phức tạp. Một số các quần thể có các điện thờ là những công trình điêu khắc hết sức tinh vi, thậm chí không có chút sai sót nào trong từng chi tiết.
Tại thung lũng Bamlan ở Afghanistan có một quần thể hang động tại một vùng núi đá gồm tượng "đức Phật nhỏ" cao 38 mét được tạc lên mặt vách đá vào thế kỷ 4-5. Hai bên tượng Phật này, vách đá được đục ra thành vô số Tăng phòng của các nhà sư. Tại đền vàng Dambulla ở Sri Lanka có vô số tượng Phật đứng được tạc trong vách đá với mẫu làm nền cho loại hình tượng Phật đứng ở Thái và Lào.
Ở Trung Quốc, ngoài quần thể hang động ở Dazu và Đôn Hoàng còn có quần thể hang thờ Phật ở vách đá Mogao. Toàn thể gồm có 492 hang, 2415 tượng và 45.000 mét vuông bích họa. Nhưng quy hoạch đầu tiên của quần thể đền đài Phật giáo trong vách đá này có từ thế kỷ thứ 4 sau công nguyên. Nằm ở rìa sa mạc Taklamakam (Gobi) trong tỉnh Cam Túc, trên "Con đường tơ lụa", di chỉ này đã có một hoạt động sôi nổi cho đến thế kỷ thứ 14. Những cấu trúc lớn nhất của nó, trong đó có một bức tượng đức Phật cao 33 mét thuộc đời Đường (thế kỷ thứ 7). Được trang trí bằng những bích họa và những bức tượng của các nghệ sĩ thuộc nguồn gốc khác nhau, các hang này ghi lại mười thế kỷ lịch sử của Trung Á. Di chỉ này được ghi vào Danh mục Di sản thế giới năm 1987.
Quần thể hang Ajanta (Ấn Độ): được đẽo trong vách đá nhìn xuống con sông uốn khúc Waghora (bang Maharashtra). Trong 30 hang của di chỉ Ajanta gồm có 5 thánh đường Phật giáo và các khu phụ. Nhóm hang thứ nhất được làm vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên trên một bình đồ kiểu Basilic tách riêng gian giữa với các gian bên. Nhóm hang thứ hai được đẽo trong các thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 7 sau công nguyên. Tượng và bích họa ở đây có nhiều, cho thấy nghệ thuật Ấn Độ hồi bấygiờ đạt tới đỉnh cao. Di chỉ này được ghi trong Danh mục Di sản thế giới vào năm 1993.
Quần thể hang Ellora ( Ấn Độ): khác với di chỉ Ajanta, Ellora là sản phẩm của ba tôn giáo lớn của Ấn Độ thời cổ đại. Quần thể gồm 34 hang đẽo trong thành một vách đá bazan cao ở bang Maharashtra, là nơi ẩn náu của các ngôi đền và tu viện Phật giáo, đạo Bà la môn và đạo Jaina. Những ngôi đền gần đây nhất có lẽ có từ thế kỷ thứ 7 sau công nguyên, còn những ngôi đền gần đây nhất có lẽ được làm khoảng năm 800 đến 1000. Di chỉ này được ghi trong Danh mục Di sản thế giới năm 1983.
---o0o---