Việt Tông trên đất Thái và
Chùa Vàng trên xứ Miến
Hành hương, hai chữ yêu quý mà người con Phật nào cũng mơ ước được đặt chân lên vùng đất có thắng tích của Phật. Đặc biệt lần này được sang tận Miến Điện để chiêm bái các Chùa Vàng và đến nơi thờ Xá lợi tóc của Đức Phật, đầy đủ 8 sợi mà Ngài đã trao tặng cho hai người thương gia Miến đầu tiên sang Ấn Độ, cầm mang về nước để làm quà lưu niệm.
Phái đoàn hành hương gồm khoảng 35 vị đến từ các quốc gia như: Thụy Sĩ, Đức, Đan Mạch, Canada, Mỹ và Việt Nam, do Hòa Thượng Phương Trượng chùa Viên Giác hướng dẫn từ ngày 1 đến 17 tháng 12 năm 2013. Chuyến đi gồm 2 phần là Thái Lan và Miến Điện nên số người tham dự thay đổi không ngừng, người chỉ tham dự khóa tu ở Cực Lạc Cảnh Giới Tự, kẻ chỉ muốn khai phá xứ Chùa Vàng. Ít ai chịu đi trọn gói từ đầu đến đuôi như tôi, để rồi tự nghĩ mình bị ép đến Chiang Mai lần thứ ba, một vi phạm nguyên tắc trong hành trình du lịch: mỗi địa danh chỉ nên lưu dấu một lần. Nhưng tôi vẫn tin sâu vào nhân quả, biết đâu mình trồng cái nhân gì đó ở Cực Lạc Cảnh Giới Tự của Thầy Hạnh Nguyện để bây giờ muốn bỏ chạy ngoảnh mặt làm ngơ cũng không xong.
Phái đoàn Đức quốc của chúng tôi do Hòa Thượng hướng dẫn hẹn gặp nhau trước quầy hãng Air Berlin như dự tính, nhưng cuối cùng chỉ xuất hiện một hãng máy bay của xứ Ả Rập mang một tên mới toanh “Etihad“ bay đến Bangkok cùng giờ. Thì ra họ liên doanh với nhau để trạm ngừng là Abu Dhabi, thủ đô nước hợp chủng Ả Rập Emirate, cách thành phố Dubai khét tiếng khoảng 150 cây số. Sở dĩ tôi ghi rõ các chi tiết tầm phào này là vì đoạn đường trở về, tôi bị bỏ rơi một mình tại thủ đô của xứ Ả Rập đến 20 tiếng đồng hồ chờ chuyến bay 2 giờ đêm ngày hôm sau. Các bạn đừng vội thương cảm cho tôi, chắc chắn là tôi vẫn chưa bị “Ali Baba và 40 tên cướp“ bắt cóc hay thủ tiêu. Chỉ biết chắc là bài viết của tôi phần cuối sẽ có nhiều gay cấn mà không ai trong phái đoàn hành hương có thể viết nổi, kể cả tay bút “lẫy lừng“ cỡ Trần Thị Nhật Hưng.
Tại phi trường Bangkok chúng tôi gồm 10 người đã hợp thêm các phái đoàn từ Mỹ và Canada hay từ Việt Nam sang cũng gần đến 40 vị, bay tiếp đến Chiang Mai. Chúng tôi được Thầy Châu Đạt, một du học Tăng tại Thái Lan ra đón tiếp phái đoàn với nụ cười tươi sáng lúc nào cũng nở trên môi và vui mừng thay khi được Hòa Thượng giới thiệu, Thầy sẽ là người phụ tá cùng Hòa Thượng lo cho phái đoàn trong suốt chuyến hành hương. Ngoài ra trong đoàn có Sư Cô Trí Hòa đến từ Hoa Kỳ và Sư Cô Hạnh Thân gốc bên Đan Mạch.
Tại khách sạn Buaraya của tỉnh Chiang Mai chúng tôi được nghỉ ngơi để lấy lại sức, bắt đầu cho ngày mai đi ngoạn cảnh các ngôi chùa nổi tiếng như Doi Suthep và thắng cảnh ở thành phố Chiang Mai. Chẳng hạn vườn hoa của hoàng hậu Sirikit, thăm vườn trồng nho và trên đường về lại Cực Lạc Cảnh Giới Tự, phái đoàn đã được Thầy Hạnh Nguyện đưa vào chỗ tắm nước nóng thiên nhiên để tẩy sạch bụi trần, với chất khoáng cần thiết thẩm thấu vào da rất tốt cho cơ thể. Chương trình lần này đã được cải thiện hơn năm ngoái, nhờ mục cho đi bồi dưỡng cho tỉnh táo trước một ngày ở Chiang Mai rồi hôm sau mới lên núi tu học 4 ngày, không để các đạo hữu ngồi trên núi cao tu học mà lòng trần vẫn vấn vương không hiểu dưới chân núi kia có những cám dỗ gì?
Khóa tu bắt đầu vào ngày 4 tháng 12 với Lễ xuất gia và thọ giới đặc biệt của 6 Chú Ưu Bà Tắc trẻ, người nhỏ tuổi nhất mới chỉ 12 nhưng lại ưu việt nhất. Buổi lễ truyền trao giới pháp theo luật giới đàn Tăng của Phật Giáo Việt Nam thời cổ (hơn 200 năm trước) và thuộc hệ phái “An Nam Nikaya“ tức Việt Tông đang truyền thừa trên xứ Thái, do Hòa Thượng Tịnh Liên, Phó Tăng Trưởng Việt Tông của chùa Khánh Vân ở Bangkok truyền giới. Ngoài ra còn có sự hiện diện của rất nhiều Chư Tăng từ các nơi đến tham dự. Về buổi lễ này, Thầy Hải Châu của chùa Bồ Đề ở Hải Phòng đã viết một bài thật đầy đủ với hình ảnh đăng trên trang nhà phattuvietnam.net, tôi không cần chi tiết kể tên từng vị trong giới đàn. Nhưng không thể không nhắc đến tên Hòa Thượng Như Điển là Sư Ông của các Chú và Thượng Tọa Hạnh Nguyện là Sư phụ của họ. Có phải long thần hộ pháp đã gửi các Chú mỗi người một tài năng riêng, đến tu ở chùa Cực Lạc Cảnh Giới để giải nguy cho Thầy Hạnh Nguyện không? Làm sao Thầy có thể vừa nhập thất vừa lo xây cất phần Hạ phẩm liên hoa với bao Bảo tháp và tôn tượng? Thầy đâu còn nhiều ngón tay để đốt cúng dường chư Phật cho mỗi đại nguyện đây! Nhưng lúc nào Thầy cũng đòi tu hành rốt ráo cho dù có phải “thí cái mạng cùi“ này cũng cam.
Phần viết rõ chi tiết về hệ phái An Nam Nikaya tức Việt Tông trên đất Thái, thế ai đã là người đầu tiên khám phá ra câu chuyện này và từ bao giờ? Những bí ẩn trên tôi sẽ viết vào đoạn sau chuyến hành hương Miến Điện khi trở về lại Bangkok, đoàn viếng thăm ngôi chùa Khánh Vân nơi có chứa nhục thân của Ngài Phổ Sái.
Sau buổi lễ xuất gia và thọ giới đặc biệt, khóa tu học với sự tham dự của hơn 80 Tăng Ni và Phật tử tăng cường lực lượng từ Việt Nam sang, có Ni Cô An Độ ở Nha Trang. Buổi thuyết pháp đầu tiên do Thầy Nguyên Hiền chùa Vĩnh Minh ở Lâm Đồng giảng về bồ đề tâm, lý do vì sao phải phát bồ đề tâm. Với một giọng nói thật hùng hồn lôi cuốn, kinh điển dẫn dụ đầy một bụng nào là chuyện anh mù bưng đèn đến những bài thơ thích yêu màu tím, Thầy đã không để một kẽ hở nào cho hai chữ “hôn trầm“ xâm nhập vào khóa giảng lúc 2 giờ trưa. Thật xứng đáng là trưởng tử của cố Hòa Thượng Tâm Thanh với bộ Kinh Pháp Hoa diễn giải nổi tiếng một thời. Thầy Nguyên Hiền được giảng nhiều nhất trong khóa tu tới 4 lần, những đề tài sau tất cả đều quy hướng về tịnh độ, làm sao tịnh hóa được chân tâm và tịnh hóa quốc độ. Thầy rất thích làm thơ như: “Lang thang từ thuở khóc chào. Nửa cho nửa nhận nửa nào là tôi!“ và chỉ tay của Thầy có đường “Lâm Đạo“, nghĩa là lao động.
Buổi giảng kế tiếp vào sáng ngày hôm sau do Hòa Thượng Phương Trượng đảm nhận, Người kể thêm về truyền thống Việt Tông trong 17 ngôi chùa, dù đã trên 200 năm nhưng chùa vẫn giữ nguyên những buổi công phu sáng tụng Lăng Nghiêm, chiều tụng kinh A Di Đà, cúng thí thực… bằng tiếng Hán Việt. Những buổi Chẩn tế cô hồn còn sâu sắc hơn ở Việt Nam. Kinh Bát Nhã còn tụng đầy đủ chứ không bị mất 2 chữ như kinh bản của chúng ta vẫn tụng hằng ngày. Sau lễ xuất gia xuống tóc cho 5 Chú với hai truyền thống Việt Nam và Thái Lan, Thầy Hạnh Nguyện đã gửi đệ tử đi học tại các trường ở Bangkok. Đối với Hòa Thượng đây là một niềm vui mừng đến xúc động vì 2 lý do: truyền thống không bị lạc lõng trên trời Tây, những văn bản vẫn được giữ lại. Từ năm 75 đến nay, đã có hơn 600 ngôi Chùa tại hải ngoại. Các Chú sinh ra ở miền Bắc, miền Trung và Sài Gòn để rồi quy tụ tất cả về đây, bên cội tùng già đã có những mầm non, chả trách chi Sư Ông Như Điển không cảm khái bồi hồi. Nhất là cảnh một Chú mặt mũi tươi rói hay hát bài “Ai bảo đi tu là khổ, đi tu sướng lắm chứ“ cứ lẽo đẽo theo Sư Ông như hình với bóng. Ngày nào cũng hình ảnh hai chiếc Y vàng khác màu đổ dài từ trên sườn núi đổ xuống hướng trai đường trông thật là tâm đắc.
Ngoài ra Sư Ông còn có thêm một tặng phẩm đáng giá khác là Chú Thanh Tâm mới 12 tuổi, nay với y áo trở thành Chú Thông Tuệ. Đây có phải là hiện tượng tái sanh không? Về phương diện sinh ngữ Chú là số một, mới được gửi sang trường Thái có 2 tháng Chú đã trở thành thông dịch viên cho một số những người Việt. Hòa Thượng vừa dạy tiếng Nhật cho Chú mới hai ngày, thế mà hôm khảo thí Phật Pháp tại Chánh điện, Chú dám chọn tiếng Nhật để trả lời. Đề tài khảo bài của Chú là Mật Tông với những khai thị từ đức Liên Hoa Sanh về con đường đại toàn thiện. Hòa Thượng rất thận trọng trong việc đào tạo Chú này, không dám đưa sang Mỹ hay Đức ngay từ bây giờ vì sợ xã hội có nhiều cám dỗ, đợi đến tuổi trưởng thành sẽ có chương trình giáo dục đặc biệt sau. Chú sinh ra tại Sài Gòn, nhưng quê quán nguồn gốc là Thái Bình, thuộc hàng cháu chắt của Hòa Thượng Quảng Độ (bà ngoại của Chú gọi Ngài là chú ruột).
Trở lại khóa tu với buổi thuyết giảng của Thầy Hạnh Nguyện, con đường thoát ly để chuyển hóa thân tâm, thân này biết xử dụng sẽ tạo ra biết bao công đức, còn không thì biết bao tội lỗi. Tới lui gì Thầy cũng bảo vệ cho phương án nhập thất cực kỳ khổ hạnh trong thời gian sắp tới của Thầy, dĩ nhiên là phải cắt đứt mạng lưới Internet vì đối với Thầy cắt ái từ thân còn dễ dàng hơn là cắt Internet. Với một giọng nói trầm trầm, nhẹ nhàng nhưng sôi nổi, Thầy Hạnh Nguyện đã thuyết phục được một số Phật tử cứng đầu phát nguyện sẽ nhập thất một tháng vào tháng 12 năm 2014, dĩ nhiên không quá khổ hạnh, sẽ có người hộ thất đưa cơm, ta cứ việc ngồi đọc Bộ Đại Tạng Kinh gồm 220 cuốn do công trình của HT Tịnh Hạnh ở Đài Loan dịch ra tiếng Việt (dĩ nhiên do rất nhiều Cao Tăng dịch thuật). Cũng có vài Phật tử ở Mỹ phát tâm chung nhau cúng dường bộ kinh này cho Thầy Hạnh Nguyện, chỉ nghĩ đến được đọc Đại Tạng Kinh thôi Thầy vui sướng vô cùng và niềm vui kéo dài đến cả tuần lễ.
Trong 4 ngày tu học, mỗi tối có lễ hội hoa đăng nho nhỏ, cầm đèn trí tuệ đi kinh hành niệm Phật quanh hồ Sen Thất bảo. Ngày đầu còn đi nổi 3 vòng, sau các bác lớn tuổi làm thỉnh nguyện thư yêu cầu rút xuống 1 vòng. Có một đạo hữu vừa cầm mõ vừa niệm Phật quá chí thành đến nỗi cái đầu dùi văng ra rơi tõm xuống hồ. Đêm cuối cùng Hòa Thượng Phương Trượng mới xuất hiện với Y Mão thật lộng lẫy và long trọng, làm Thầy Hải Châu phải nhoài người ra ngoài mặt hồ ôm cứng thân tượng rồng chụp những bức hình đáng giá.
Dĩ nhiên khóa tu không thể thiếu buổi trà đàm đi ngang qua vườn khế. Năm nay khế ngọt không người trông coi nên bị kẻ lạ đến bẻ trộm gần hết. Còn lại toàn là khế chua nên chúng tôi chỉ nhìn với ánh mắt hững hờ. Chủ đề của buổi trà đàm là “Tình tự quê hương“ với tài làm MC của Thầy Nguyên Hiền, những trò chơi đặc sắc như chia hai nhóm với hai mệnh đề khác nhau như “Nếu“ và “Thì“. Ấy thế mà thỉnh thoảng vẫn có những câu ráp vào với nhau thật ăn khớp. Hòa Thượng ngồi giữa núi rừng cảm khái ngâm bài thơ: “Bao giờ nhỉ? Tôi về thăm xứ Quảng“ của Trần Trung Đạo. Ôi! Biết đến bao giờ Hòa Thượng mới được về thăm quê đây? Vẫn biết “Quê hương là chùm khế ngọt“, nhưng hiện giờ chỉ có khế chua thôi.
Buổi chiều trước khi mãn khóa, chúng tôi được xem vở tuồng cải lương “Chuyện tình của Liên Hoa Hòa Thượng“ do các nghệ sĩ ưu tú như Út Bạch Lan, Tô Châu, Thoại Mỹ… hát thật mùi sắp sửa đến đoạn rơi nước mắt, đã bị Hòa Thượng cắt ngang bảo về nhà xem tiếp phần 2. Hôm nay vở tuồng đã được gắn vào trang web của Chùa Viên Giác, mọi người tha hồ xem Hoàng Cô khóc lóc bi ai. Khổ thật, thời nào cũng có người chết vì tình!
Bốn ngày tu học qua mau, đã đến lúc chúng tôi phải ngồi quây quần thành một vòng tròn lớn để làm lễ bế giảng, đúc kết ưu và khuyết điểm một khóa tu, học nhiều hơn tu với 7 thời giảng. Thầy Nguyên Hiền vẫn điều khiển chương trình, tuyên dương một số vị có công hộ trì cho khóa tu học như chị Chung, một người phụ nữ trông thật yểu điệu nhưng tài điều binh khiển tướng của chị thật không ai sánh nổi. Thầy Châu Đạt của chúng ta cũng được tuyên dương cho sự sắp xếp công việc, lúc nào cũng thấy Thầy cười chắc là ok tất cả.
Sáng mồng 8 tháng 12 chúng tôi thu dọn hành lý giã từ Cực Lạc Cảnh Giới Tự, tiếp tục cuộc hành trình vài trăm cây số đến Chiang Rai để chiêm bái một ngôi Chùa trắng thuộc “top ten“ trên thế giới về lối kiến trúc, nghĩa là một ngôi chùa đẹp trong số 10 ngôi chùa đẹp nhất thế giới. Đặc biệt nhất vẫn là cái “Toilet“ chạm trổ màu vàng, xây dựng nguy nga như một tòa lâu đài dễ đánh lừa du khách nếu không để ý tấm bảng bên dưới. Mới bốn giờ rưỡi chiều Chùa đã đóng cửa, nên phái đoàn tiếc hùi hụi, phải chi buổi sáng đừng la cà mất thì giờ ở cửa khẩu 0 km, đừng chụp hình với các em bé mặc sắc phục của dân tộc thiểu số và nhất là đừng ham dành mua các sản phẩm của Trung Quốc trà trộn vào với giá rẻ. Tuy nhiên gánh dừa xiêm với những trái dừa nướng ngăm ngăm như sọ khỉ, đã cứu nguy chúng tôi trong cơn khát mệt. Mặc dù có nhiều thí chủ đứng trước quầy dừa sẵn sàng cúng dường cho các Thầy Cô, nhưng nguồn tin y học cổ truyền đưa ra là đang mệt mỏi không được uống nước dừa sẽ bị quật. Tôi thấy tiếc cho một cơ hội hiếm có nên đã làm gương uống luôn một lúc hai trái và tự gán cho bao tử các Thầy Cô danh hiệu “Kim Cang Bất Hoại“ sợ chi không chịu nổi một trái dừa. Nghe đâu Thầy Châu Đạt cũng uống đến hai trái dừa, càng uống càng thấy khỏe ra.
Buổi tối chúng tôi về lại khách sạn Buaraya ở Chiang Mai sau khi dùng buổi cơm tối tại nhà hàng cơm chay Việt Nam, do các Phật tử của chùa Cực Lạc Cảnh Giới trông coi và quản lý. Đến đây chúng tôi phải chia tay với một số vị chỉ đi Thái Lan tham dự khóa tu, ngày mai mỗi người một hướng, kẻ lên máy bay sang Miến Điện hành hương tiếp, người đáp tàu bay về lại Bangkok vui chơi tiếp tại nơi thức ăn vừa rẻ lại vừa ngon, nhất là trái cây Thái với thương hiệu nổi danh.
Một tuần lễ sống chung với nhau, cùng dậy sớm chia nhau từng giọt nước để kịp giờ lên Chánh điện Tăng dự buổi Công phu. Hôm đầu tiên vì không biết quy luật đứt cầu chì của máy bơm khi quá tải, phòng lầu 2 của chúng tôi gồm 7 người bị lâm vào cảnh nguyên đêm không có một giọt nước. Nhờ thế chúng tôi mới đánh giá được đường tu, sức chịu đựng của mình đã ở mức độ nào! Trong phòng tôi có bác sĩ Thiện Vũ thật nhu mì, trong túi lúc nào cũng có thuốc men, thuốc sát trùng và đã mở hàng trị bệnh say xe cho tôi khi leo đến đầu con dốc của Cảnh Giới Tự. Nhưng bệnh nhân danh dự của vợ chồng bác sĩ Thiện Niệm là Hòa Thượng, sáng nào cũng thấy anh Thiện Niệm cầm ống nghe đi chữa bệnh, chị Thiện Vũ cầm giấy bút theo ghi chép. Cuối cùng trong bệnh án chỉ ghi 2 chữ “nghỉ ngơi“, yêu cầu Hòa Thượng giảm bớt lịch trình sinh hoạt thì tất cả các triệu chứng khó chịu từ bụng đến cổ sẽ tan biến ngay. Nghe như một bài thơ nhưng thực tế hội đoàn hay chùa chiền nào cũng mong có sự hiện diện của Hòa Thượng.
Sáng mùng 9 tháng 12, chúng tôi rời Thái Lan đi Miến Điện đến phi trường Yangon. Tuy nhiên đoàn vẫn phải chia làm 2 nhóm bay theo hai giờ khác nhau, nhóm của Hòa Thượng chiếm đa số bay lúc 8 giờ sáng nên phải dậy sớm điểm tâm vội vã lúc 6 giờ. Không hiểu sao tôi lại bị lọt vào nhóm 7 người ở bên Mỹ đi chuyến một giờ trưa. Nhờ vậy chúng tôi mới thảnh thơi ngồi nhâm nhi điểm tâm vừa ăn vừa xem tin tức trong TiVi. Hôm nay ở Bangkok thiên hạ biểu tình xuống đường đòi quyền sống, phe đối lập mặc áo đỏ hò hét phe áo xanh. Tình cờ các chị ở Hoa Kỳ không hẹn mà cùng nhau trấn chiếc áo màu đỏ, làm nhân viên khách sạn phải đến nhắc khéo các chị thay áo màu khác, kẻo bị ăn đòn oan uổng.
Đón chúng tôi tại phi trường Yangon là anh chàng hướng dẫn viên du lịch người Miến tên Bo Bo, mặt mũi vui vẻ nói tiếng Anh rất lưu loát. Anh mặc quần áo truyền thống với áo sơ-mi trắng và bên dưới quấn xà-rông thắt một búi ở trước bụng. Mọi người ai cũng quý mến anh, các bác lớn tuổi gọi anh là Bo Bo theo tiếng Việt để tưởng nhớ món ăn độc đáo thời kỳ đói khổ xa xưa. Còn các cô trẻ trẻ khác gọi cho đúng giọng Tây là Bô Bô, gọi tên nào anh cũng nhận cả. Anh giới thiệu về các phong tục tập quán của xứ Miến, tuy cái xứ trông thưa thớt dân cư chỉ thấy toàn là Tháp với Chùa mà có đến 66 triệu dân, hết 90% dân số theo đạo Phật. Tín tâm của người dân Miến đối với Phật Pháp có lẽ là số một, họ sống rất đơn giản và thanh bạch nhưng tất cả vàng bạc tiền của cùng sức lực của họ đều đổ dồn vào việc xây Tháp dựng Chùa và chùa nào cũng dát hàng tấn vàng ròng xem đến chói cả mắt.
Điển hình là ngôi Chùa Vàng tên gọi là Tháp Shwedagon ở thủ đô Yangon, ngôi chùa linh thiêng nhất xứ Miến Điện (nay là Myanmar). Nơi đây lưu giữ 4 báu vật: cây gậy của Phật Câu Lưu Tôn, cái lọc nước của Phật Câu Na Hàm, một mảnh áo của Phật Ca Diếp và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca. Phái đoàn chúng tôi đã ngồi tụng một thời kinh ngắn tại ngôi chùa mang nhiều tính cách lịch sử và chính trị này. Nếu nói thêm nữa phải kể đến các viên kim cương dát trên đỉnh tháp, phần hình vương miện còn gọi là lọng được nạm 5448 viên kim cương và 2317 viên hồng ngọc, trên cùng là cánh hình cờ và ở vị trí cao nhất là búp kim cương nặng 76 carat (15g). Chúng tôi cố tình đến thăm thắng cảnh tuyệt đẹp này vào buổi chiều trước khi mặt trời lặn, để chiêm ngưỡng cảnh màu sắc chiếu sáng nhiều tầng khi tia nắng mặt trời chiếu lên thân Tháp bằng vàng. Nhìn từ trên cao ta có thể thấy hết toàn thể thành phố Yangon ẩn hiện dưới chân núi. Khuôn viên Chùa Vàng rất rộng lớn có 4 cửa ra vào nên rất dễ bị đi lạc nếu không chú ý hay không chịu bám theo đoàn.
Có một buổi trưa đoàn được đưa vào một nhà hàng nổi tiếng có tên là “White Rice“ nằm trong một khu vườn cây cỏ xanh tươi thật rộng lớn toàn trúc với dừa xanh, ước gì sau bữa cơm chay được ngả lưng dưới bóng cây của khu vườn “Gạo trắng trăng thanh“ này có phải hạnh phúc hơn là tiếp tục đi hành xác sau chuyến bay dài từ Thái sang đây. Nhưng “đời không như là mơ“, phái đoàn bị lùa lên xe buýt đi tiếp cho đầy đủ chương trình.
Tại Yangon chúng tôi còn được chiêm bái một tượng Phật nằm thật to lớn và dài hun hút, với y áo dát bằng vàng. Hai bàn chân của Ngài được viền chỉ chân bằng vàng ròng thấy rõ từng nét hoa chân, lòng bàn chân là những biểu hiệu đặc thù của xứ Miến tôi không hề hiểu nổi, nên đành chịu thua.
Sáng ngày 11 tháng 12 chúng tôi đáp máy bay đi Bagan, những chiếc máy bay đời cổ lỗ sĩ chạy bằng động cơ chong chóng chỉ còn thấy tại Miến Điện cũng không làm chúng tôi lo sợ. Từ trên cao nhìn xuống thành phố cổ Bagan, chỉ thấy toàn những Tháp là Tháp, từng cụm Tháp liền với nhau trông rất lạ mắt. Nhà cửa của dân chúng thấp lè tè chỉ thấy mái tôn với vách đất và những hàng dừa “Thốt nốt“ cao vót lá xòe trông thật đẹp. Đoàn được đưa về khách sạn Raza Gyo với lối kiến trúc thật dễ thương, tường trắng cẩn gạch nung bên cạnh giàn hoa giấy màu tím. Sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, đoàn tiếp tục đi viếng thăm Đại tháp vàng Shwezigon ở Bagan to lớn không kém gì Chùa Vàng ở Yangon. Đến đây trong phái đoàn hành hương của Hòa Thượng đã xuất hiện ba cô gái Miến quấn xà-rông bằng lụa nhiều màu. Chẳng là ban sáng trước khi đến Chùa, đoàn yêu cầu anh Bo Bo cho ghé chợ Miến để có dịp tiêu tiền, vì đồng tiền Kyats đổi ra Đô La rẻ quá tiêu hoài không hết và họ chỉ đổi tiền mới không chịu nhận nếp gấp hay vết nhăn. Ai muốn tìm sầu riêng hay mãng cầu gì tùy ý, chứ chị Thuyền Vị của tôi cứ khăng khăng đi tìm xà-rông làm Miến… giả, chị chọn màu xanh da trời đậm rồi bắt Nhật Hưng và Hoa Lan mỗi người một màu cho cân xứng. Cái gì giả rồi cũng biến, làm sao lết cái xà-rông dài leo lên bảo tháp đây, chưa kể vào chùa Miến phải bỏ giày dép tận ngoài xe buýt cho an toàn, không phải sợ ai lấy trộm mà sợ đông quá không tìm ra dép.
Sau đó phái đoàn viếng thăm chùa hang động Wetkyi-in Gubyakgyi với bích họa trên vách và chùa Htiominlo với những phù điêu chạm trổ tuyệt đẹp nếu nhìn kỹ, vì dấu vết đã bị thời gian làm cho phai nhòa mà chưa được bàn tay nghệ nhân trùng tu lại. Ngày hôm nay đoàn được vào 2 quán ăn tên nghe rất kêu, buổi trưa vào quán “Niết Bàn“ và chiều là quán “Vườn Địa đàng“. Nghe tên đã thấy sợ mà quán không có lấy một miếng đậu hũ lót lòng. Sau bữa trưa đoàn viếng thăm công trình Ananda, một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật độc đáo chùa cổ xưa và một số ngôi chùa nổi tiếng khác Manuha Paya. Cuối ngày lúc trời sắp tắt nắng, phái đoàn thầy trò cùng leo lên tận đỉnh Tháp Bupaya hay còn gọi là Shwesandaw để chụp cảnh Chùa Tháp hùng vĩ. Các bác lớn tuổi biết lượng sức mình chỉ đứng quanh quẩn bên dưới trông lên, đường lên thẳng đứng chỉ nhìn thôi cũng đủ run chân.
Anh chàng Bo Bo có kể, ở Bagan có một loại cây rất đặc biệt, người ta ép chất nhựa của cây ra làm kem bôi mặt rất tốt, vừa chống nắng vừa dưỡng da. Các phụ nữ Miến da ngăm ngăm, bôi chất kem vừa trắng lẫn vàng lên mặt thành hai màu tương phản trông chẳng thẩm mỹ tí nào. Nhưng có hai người đẹp trong phái đoàn đã dùng thử loại kem này, khen ngợi không tiếc lời nào bôi lên thấy mát rượi, trời nắng mặt không đổ mồ hôi. Làm cả bọn buổi tối bắt Thầy Châu Đạt dẫn ra chợ vơ vét hết các cửa hàng. Ba hộp chỉ đáng giá hai Đô La Mỹ rẻ quá mà!
Qua ngày hôm sau 12 tháng 12, sau buổi điểm tâm chúng tôi khởi hành đi núi Popa, chiêm ngưỡng các vẻ đẹp của những cảnh đồi và rừng núi. Nơi đây cũng từng là đỉnh núi lửa với huyền thoại thần Nat, vị thần linh thiêng nhất của Miến Điện. Nhưng tôi chẳng thấy thần linh đâu chỉ thấy một bầy khỉ liếng thoắng rình người sơ sẩy là giật máy hình và túi xách. Nhật Hưng bị khỉ giật mất chiếc áo khoác vất trên mái nhà, may nhờ một anh chàng hiệp sĩ trèo lên mái tôn đem xuống. Cứ tưởng đường lên núi cao ai cũng trang bị đôi giày leo núi, nhưng mới dưới bậc thang cấp đã bị bắt đi chân không leo cả trăm bậc thang đến tận đỉnh tháp. Chị Thuyền Vị bảo lần sau đến Miến Điện, từ phi trường chị đã đi chân không cho khỏi bị bắt cởi giày.
Tiếp đến chúng tôi viếng thăm ngôi chùa Lọng với truyền thuyết nối ngôi có liên quan đến cái Lọng và sau đó đi thăm viếng các làng dân tộc xem họ làm các hàng thủ công nghệ. Khi trở về Bagan chúng tôi viếng thăm Đại tháp Lawkananda, lại ngưỡng mộ thêm một công trình dát vàng to lớn. Buổi tối tại nhà hàng cây cảnh sân vườn chúng tôi được xem ca nhạc múa rối truyền thống của dân tộc Miến Điện. Nhạc điệu của họ tương đối trầm trầm hơi buồn, không vui tươi và ồn ào như một số quốc gia khác. Càng về đêm các vở múa rối càng khởi sắc, sắp đến đoạn múa voi trắng hấp dẫn thì Hòa Thượng ra lệnh bắt đi về, tuy lúc ấy chưa đến 8 giờ tối. Nhật Hưng và tôi mặc dù trong bụng vẫn còn ấm ức nhưng không dám cãi lệnh của Hòa Thượng đành phải “Y giáo phụng hành“.
Sáng ngày 13 tháng 12, chúng tôi từ giã tỉnh Bagan đáp xe buýt đi Mandalay. Đường đi chỉ có 250 km thôi, nếu chạy ở xa lộ của Đức chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ là đến nơi, nhưng đây là đường làng xứ Miến Điện, ta cứ việc phó mặc bác tài cho xe chạy bon bon kéo đến năm sáu tiếng cũng chẳng sao. Hòa Thượng đã dự tính chương trình cho ngâm thơ ca hát và phát biểu cảm tưởng của 35 vị trên xe, chắc 5 tiếng cũng không đủ. Anh kiến trúc sư Thiện Đạt ở Mỹ có vẽ 6 bức tranh Quán Âm trên giấy gạo với nét vẽ Thiền Quán thật đơn sơ và thật đẹp. Dĩ nhiên Hòa Thượng phải nghĩ ra 6 câu đố về lịch sử, văn chương, toán học và Phật học để treo giải cho các vị trong đoàn. Cuộc thi đố rất hào hứng, chẳng hạn ai là vị Tổ đầu tiên đã mang Phật giáo vào Việt Nam, căn của 1 bằng mấy, cuộc cách mạng của Pháp xảy ra vào ngày nào, vua Gia Long lên ngôi năm nào? Ấy thế mà cũng có người trúng được 2 bức tranh luôn. Chị Thiện Diệu vợ nhà thơ Đan Hà được bức tranh với câu trả lời, vua Phổ Nghi là vị vua cuối cùng của nhà Mãn Thanh.
Dĩ nhiên bài viết có giới hạn, tôi không thể nhớ hết tên từng vị trong đoàn và những nỗi lòng thiết tha của họ đối với Phật pháp khi phát biểu cảm tưởng. Nhưng một thoáng nhận xét về chữ hiếu của hai người con gái ở Canada và Hoa Kỳ, đã bỏ hết gia đình, công việc để tháp tùng mẹ đi tu học và hành hương. Đấy là niềm hạnh phúc của chị Tâm Tịnh, một Phật tử thuần thành của Chùa Phật Đà bên San Diego, được cô con gái dễ thương Tâm Thuận đi theo kè kè, mặc dù chị Tâm Tịnh nhìn vào trông vẫn còn trẻ cứ như hai chị em. Bên Canada vẫn là bác Bảy của những chuyến hành hương năm nào, nếu không có Khánh Lan bên cạnh liệu bác Bảy có còn dám đi hành hương nữa không? Từ đầu đến đuôi tôi chỉ viết chung chung là các bác lớn tuổi, nhưng các bạn có biết bác lớn tuổi nhất trong đoàn là bao nhiêu không? Chỉ mới 91 tuổi thôi, nhưng minh mẫn và nhanh nhẹn vô cùng, bằng chứng là với chiếc gậy trong tay cụ từ chối mọi sự giúp đỡ của mọi người và luôn nói câu: “Cứ để mặc tôi“. Sau cụ 91 là một cụ 89, hai cụ bà sống ở bên Mỹ không biết đã luyện được bí quyết gì mà khỏe thế!
Phái đoàn bên Đức cũng có người cao niên với mái tóc bạc phơ nhưng tâm hồn rất trẻ, người ấy luôn nhắc nhở tôi: “Hoa Lan ơi, em đừng gọi chị bằng bác nghe già lắm!“. Vì thế làm sao tôi biết được chị Diệu Lạc đã bị bao mùa xuân bỏ lại sau lưng. Nhưng việc chị đi được chuyến hành hương này phải do công lao hộ tống của hai vợ chồng anh đệ tử thuần thành của Hòa Thượng ở tỉnh Saarbrücken.
Xe đến thành phố Mandalay đã gần hai giờ trưa, nếu không ai bị đói đến phát xỉu nghĩa là đã phòng xa mang theo lương khô độ đường. Chúng tôi được đưa đi ăn và về nhận phòng ở khách sạn River View cạnh bờ sông Ayarwaddy đẹp nổi tiếng. Mandalay là thành phố lớn thứ hai sau Yangon, trung tâm thương mại và văn hóa của xứ Miến, vào đến trung tâm thành phố là thấy ngay pháo đài cổ kính Mandalay Palace với tường hào bao bọc chung quanh chạy dọc theo bờ sông. Sau đó đoàn được đưa đến một địa danh tên là Amarapura, nơi có chiếc cầu gỗ Teak U Bein, một công trình đẹp và đặc biệt có lịch sử 230 năm. Nhìn những khúc cây gỗ Teak ôm ốm cao cao được kết nối với nhau bằng kỹ thuật giản đơn của người xưa, chụp hình từ xa tôi cứ ngỡ như về lại quê xưa đi qua những cây cầu khỉ bản to vững vàng.
Đoàn còn thăm những danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác như Tháp Mahamuni, tu viện Shwe Nan Daw Kyaung bằng gỗ Teak truyền thống với hơn trăm năm sương gió. Đặc biệt là những ngôi chùa danh tiếng của Miến Điện, khu trang nghiêm gần nơi thờ Phật, đa số đều có tấm bảng: “No Lady“ cấm phụ nữ bước vào thật là tủi thân. Gần xế chiều đoàn mướn xe lam nhỏ, chở khoảng 7 người một chuyến, leo đồi thế kỷ lên thăm tu viện danh tiếng Mahagandhayon với hơn 1200 Tăng sĩ. Tiếp chúng tôi là một vị Tăng người Miến và 4 vị Thầy Việt Nam tu học ở đây, sau phần hỏi han thăm viếng Thầy trò chúng tôi trao số tịnh tài cúng dường cho 1200 vị, tiền cúng dường cho một ngày mỗi vị là 3 Đô La Mỹ. Phần còn lại chúng tôi cúng dường riêng cho các Thầy VN nhiều hơn. Buổi thăm viếng trái giờ này chưa làm cho một số người trong đoàn chúng tôi hài lòng, phải được tận tay bỏ vào bình bát của 1200 Tăng sĩ mới có “feeling“ ấn tượng sâu. Thế thì sáng sớm mai bỏ mục đi dạo du thuyền dọc theo sông Ayarwaddy, trở lên lại đây dự buổi lễ khất thực của 1200 vị khất sĩ với y áo bình bát như thời đức Phật còn tại thế.
Thật là một quyết định sáng suốt các bạn ạ! Chúng tôi với áo tràng chỉnh tề chia nhau đứng dàn chào bên những lễ vật cúng dường. Tôi được xếp vào những thùng táo Fuji thơm phức nhưng mang nhãn hiệu made in China, lòng còn bồi hồi thương cảm cho các Thầy phải thọ hưởng những sản phẩm mang nhiều “Thần dược hổ lốn“ của Trung Quốc. Nhưng sau nghĩ lại: Khi cúng dường ta phải đạt được 3 điều thanh tịnh, vật cúng dường thanh tịnh, người cho thanh tịnh và người nhận thanh tịnh. Lúc đầu bỏ trái táo vào bình bát chúng tôi còn chắp tay xá và cúi đầu chào thật cung kính, nhưng sau phái đoàn Khất sĩ rầm rộ tiến đến thứ tự từng hàng loạt cả một ngàn hai trăm người, khiến chúng tôi bá thở không còn biết trời trăng gì nữa, chỉ còn biết lòng niệm Phật, tay bỏ cho nhanh kẻo thiếu sót. Thật là một ấn tượng sâu sắc khó quên!
Sau đó chúng tôi đi tiếp đến đồi Saging, một khu vực có hơn 700 chùa viện cổ, Đại tháp Kaungmudaw vĩ đại có thể được chiêm ngưỡng từ xa. Đến đây chúng tôi đã bị hoa mắt với những lối kiến trúc độc đáo của các Chùa, chỉ còn biết bắt chước các du khách Nhật chụp vội vài tấm hình, về nhà từ từ giở ra hù thiên hạ.
Buổi chiều tiếp tục đi Ava đến một dòng sông nhỏ chuyển qua thuyền, sau đó đi xe ngựa với hai người một cỗ đến tu viện Maenu Okkyaung, được xây dựng bởi một vị Hoàng hậu nào đó vào năm 1818. Viếng thăm tu viện Bargayar danh tiếng với những chạm trổ điêu khắc trên 267 cây cột trụ bằng gỗ Teak.
Đến đây chương trình đi viếng thăm Chùa đã tạm ngưng, chúng tôi làm chuyện đột xuất hùn nhau lại bỏ phong bì đi thăm 70 người già không thân nhân tại một viện dưỡng lão. Có nhiều vị trong đoàn muốn chuyến hành hương này vừa được công đức vừa được phước, nên đã hoan hỷ bỏ ra từng cọc tiền Miến đặt trên mâm.
Chúng tôi trở về Mandalay nghỉ ngơi và thu xếp hành trang để sáng mai giã từ xứ Miến. Tuy thời gian lưu lại xứ sở này chỉ có một tuần, nhưng chúng tôi cũng đã đặt chân lên những nơi cần phải đến. Người dân Miến hiền lành sống đạo hạnh trong tinh thần Phật giáo, họ không bon chen cạnh tranh nhau để dành giật miếng ăn. Thí dụ điển hình trong ngôi chợ làng với nhiều quầy bán mãng cầu, phái đoàn chúng tôi thấy loại trái cây này là xà vào trả giá. Chúng tôi tất cả chỉ mua ở quầy đầu tiên khiến cô bán hàng được trúng mối, cô bạn hàng bên cạnh chỉ nhìn chúng tôi một cách thờ ơ không kêu nài mời mua tranh mối với bạn hàng. Điều này không có ở Việt Nam rồi. Chỉ sợ Miến Điện mở cửa, du khách tràn ngập vào với ngoại tệ chênh lệch sẽ làm biến đổi con người mà thôi.
Trở về lại Bangkok, thủ đô của biểu tình và nổi loạn của ai đâu chứ không phải của phái đoàn hành hương chúng tôi. Đón phái đoàn tại phi trường là Thầy Nhuận Ân, đã tu học tại xứ Thái gần 8 năm. Thầy hướng dẫn đoàn đi thăm trường Đại học Phật học với phân khoa khoa học xã hội, có rất nhiều du Tăng Ni Việt Nam đang học tại đây. Thế là có buổi nói chuyện của Hòa Thượng Phương Trượng với các du Tăng Ni, nhiều câu hỏi được đặt ra. Làm sao đem được những ưu điểm của đường lối giáo dục ở xứ Thái về áp dụng tại Việt Nam, như giáo dục cho các em học sinh nhỏ giữ được truyền thống, mỗi ngôi chùa đều có một ngôi trường nhỏ dạy cho các em. Các Ni Cô trẻ đầy nhiệt huyết sau khi học xong sẽ mang nhiều ước nguyện về quê nhà thực thi, không phải là dễ trong xã hội đầy thoái hóa về đạo đức con người như hiện nay.
Chúng tôi được ở lại Bangkok đến 3 ngày nhưng chỉ 2 đêm tại khách sạn Atrium Boutique, nằm gần trung tâm thương mại nên mỗi tối Thầy Châu Đạt hay dẫn một số người thích đi khai phá tìm tòi trái cấm như sầu riêng, hay lội bộ cho tiêu cơm, tiêu mỡ lẫn tiêu đường. Chẳng phải tài sản lớn nhất của con người là trí tuệ và sức khỏe hay sao? Tôi đi tìm những chỗ “mát-xa“ chân, ở Bangkok món này đầy dẫy ngoài đường và giá rất rẻ, nên xé lẻ đi riêng. Ít ra xương cốt cũng được thư giãn cho bõ những ngày đi hành xác, ý quên hành hương.
Buổi sáng ngày 16 tháng 12, chúng tôi đến thăm trung tâm Dhammakaya, một trung tâm Thiền rộng lớn có tầm vóc quốc tế. Biểu hiệu là một cái Chuông Vàng úp xuống, dùng để nhốt Tôn Ngộ Không một trong số các hình ảnh trong Tây Du Ký, nhưng thật ra đó là biểu tượng của Tam bảo: Phật, Pháp, Tăng.
Buổi chiều hôm đó, Thầy Nhuận Ân hướng dẫn thầy trò chúng tôi vào khu Chinatown của Bangkok để viếng thăm Chùa Khánh Vân, ngôi chùa lịch sử nơi Thầy đang làm Phật sự tại đây. Mặc dù không có chữ Việt viết tên chùa nhưng nhìn cách kiến trúc và trang trí tôn tượng, ta nhận ra ngay đấy là một ngôi chùa Việt Nam chính thống với 6 cây cột chạm hình rồng, tượng Đức Bổn Sư ngồi trang nghiêm với hai Tôn giả A Nan và Mục Kiền Liên chắp tay đứng hầu hai bên thật là quen thuộc dưới mắt nhìn của Phật tử Việt Nam. Trên lầu bên hậu liêu nơi thờ tượng và nhục thân của Hòa Thượng Phổ Sái, Tăng trưởng của hệ phái Annam Nikai và Trụ trì đời thứ 4 của chùa Khánh Vân. Đến đây tôi có thể cho ngược dòng thời gian lại 10 năm, kể ra câu chuyện bí ẩn về môn phái Việt Tông trên đất Thái:
“Chuyện được kể rằng, cách đây khoảng 10 năm cũng vào giờ này, có một vị Thầy thuộc hàng Cao Tăng, dẫn theo một số Phật tử đi hành hương thăm ngôi chùa cổ đầu tiên ở Bangkok có tên là “Bình Minh“ do vua Rama dựng lên sau khi thắng quân Miến Điện trở về. Tình cờ khi đi ngang qua khu phố của người Tàu, Người nghe được văng vẳng đâu đây tiếng tụng kinh A Di Đà bằng tiếng Hán Việt: Xá Lợi Phất! Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhơn, văn thuyết A Di Đà Phật, chấp trì danh hiệu, nhược nhứt nhựt…Cảm giác của Người lúc ấy thật khó tả, vừa ngạc nhiên vừa chen lẫn chút tự hào, không tự hào sao được khi kinh điển của Phật giáo Việt Nam được truyền tụng trên đất Thái. Lần theo tiếng kinh vang Thầy dừng chân trước một ngôi chùa cổ có lối kiến trúc như một ngôi chùa Việt Nam tại quê nhà. Đó chính là ngôi chùa Khánh Vân, một trong số 18 ngôi chùa Việt trên toàn xứ Thái. Trở về lại xứ Đức, Người đã tra cứu kinh sách lịch sử để viết những bài về nguồn gốc hệ phái An Nam Nikaya phát xuất từ thời Chúa Nguyễn Phúc Ánh (cuối thế kỷ 18) sang Xiêm La tỵ nạn Tây Sơn, đã giúp vua Rama (Thái Lan) kiến thiết triều đình và đưa tướng tài sang bình trị giặc Miến Điện đã xâm lược Thái Lan. Chúa Nguyễn còn gả một cô em gái cho vua Rama. Vì thế sau này vua Thái rất mang ơn vua Gia Long (lên ngôi năm 1802) nên ban sắc chỉ thuận cho Phật giáo Việt Nam được thành lập Hệ phái An Nam Nikaya (Việt Tông) trên đất Thái“.
Qua ngày 17 tháng 12 chúng tôi còn đủ một ngày để đi thăm các chùa Thái nổi tiếng khác ở Bangkok như “Wat Pho“ với tượng Phật nằm bằng vàng thật to và thật dài. Ngoài vườn có hai ông Hộ pháp người Tây phương đội mũ cầm “ba-ton“ trông thật lạ mắt. Sau đó đi thăm ngôi chùa Bình Minh cổ kính được vua Rama I xây dựng sau chuyến viễn chinh thắng trận trở về vào một buổi sáng mai còn đượm ánh bình minh. Đến đây chương trình hành hương đã chấm dứt, chúng tôi được phát thẻ ăn trị giá 150 Bahts tại một siêu thị khá lớn và cộng thêm 4 tiếng đồng hồ tự do mua sắm, tha hồ tiêu tiền một cách thoải mái với điều kiện vẫn còn tiền.
Chuyến bay về lại cố quốc khởi hành lúc 2 giờ đêm nên vẫn còn thì giờ thu xếp hành trang và nói lời chia tay với các bạn ở xa. Không biết thiên hạ ra sao chứ riêng tôi lắm mối tơ vò, vì một mình bị kẹt lại xứ dầu lửa khá nhiều bất trắc. Nhưng tôi đã sửa soạn hết cả rồi, tất cả tài liệu tin tức gì về nơi xa lạ mình sẽ đến đã được ông thần hộ mệnh Google chỉ dẫn trước. Khoảng cách từ phi trường đến khách sạn Thầy Hạnh Nguyện đặt trước cho tôi chỉ có 10 km, cứ việc dùng Anh ngữ kiểu “Cọp nhai bắp rang“ rổn rảng để trả giá với chú tài xế Ả Rập. Tôi xin được đi ngoài lề một chút nói về thành ngữ mới mẻ này, chẳng là lúc ở phi trường Bangkok phái đoàn Đức quốc chúng tôi phải tháp tùng 2 chiếc xe lăn cho hai thành viên lớn tuổi trong đoàn. Lúc nhân viên của phi trường đẩy xe có dặn dò một số điều gì đó, nhưng mọi người cứ ngẩn tò te làm sai ráo trọi, khiến Hòa Thượng phải châu mày chê nhóm Phật tử Đức quốc nói tiếng Anh như “Cọp nhai đậu phọng“. Tôi lúc ấy đang nằm ngủ gà ngủ gật ở hàng ghế phía sau, nên khi nghe anh Phật tử ở Saarbrücken rỉ tai kể lại rất lấy làm đắc ý bèn tự phong cho mình chứng chỉ “Cọp nhai bắp rang“ giỏi hơn nhai đậu phụng một chút xíu.
Trở lại vấn nạn ở thủ đô xứ Ả Rập, lúc 6 giờ sáng ngày 18 tháng 12 phái đoàn Đức quốc của chúng tôi do Hòa Thượng hướng dẫn phải đổi máy bay ở phi trường Abu Dhabi, lúc này phái đoàn đã mệt mỏi rã đám như một đoàn tàn binh. Tôi nhớ mãi ánh mắt thương cảm của đoàn nhìn tôi, vẫy tay chào rồi vội vàng kéo hành lý xách tay đi tiếp, để mặc “tôi giữa trời bơ vơ“ một mình. Phải cần đến hai tiếng đồng hồ sau tôi mới hoàn hồn tính đường đi chơi tiếp, ngồi trong phi trường tối tân được phủ sóng đầy đủ tôi tha hồ vào trang nhà Quảng Đức và Hoa Vô Ưu đọc cho bõ hai tuần bị mất sóng với bên ngoài. Khoảng gần 9 giờ tôi đã ra khỏi phi trường, liên lạc với các quầy du lịch hỏi han giá cả và cách đi “Tour“ rẻ nhất. Họ chỉ tôi leo lên xe buýt lớn là rẻ nhất, nếu không phải thuê bao taxi. Tôi chạy theo xe buýt đòi mở cửa nhưng tài xế đã lắc đầu bảo xe chỉ chạy đến thành phố Dubai. Thế là tôi đành kéo hành lý ra chỗ taxi để thương lượng, chắc tôi niệm Quán Âm một cách chân thành nên Ngài đã gửi đến cho tôi một anh chàng Ả Rập mặt mũi hiền lành có tên là Hossain. Tôi thuê bao anh chàng taxi khoảng 3 tiếng, chở đến các nơi danh lam thắng cảnh chỉ dẫn giải thích tận tường và chở về khách sạn ở đảo Yas Island cạnh chỗ đua xe hơi Formel-1 nổi tiếng. Việc trả giá không đơn giản, anh đòi giá trên trời tôi cho anh xuống đất và cuối cùng tôi rút tờ giấy 50 đô cộng thêm tờ 100 Dirhams của Ả Rập mới đổi ra giá cuối cùng, anh mỉm cười mở cửa xe mời tôi.
Thắng cảnh đầu tiên là Sheikh Zayed Moschee, một nhà thờ Hồi giáo lớn hàng thứ 3 trên thế giới có thể chứa tới 40 ngàn người hành hương. Những trang trí bên trong đều là những kỳ quan của thế giới, chẳng hạn đá cẩm thạch của xứ Ý được lót từ trong ra ngoài, những tấm thảm dệt bằng tay của Iran phủ kín cả một vùng và những cây đèn trùm thật rực rỡ treo trên trần toàn bằng đá thủy tinh Swarowski. Tôi phải miêu tả sơ sơ cái Moschee này một tí vì vào được đây cũng trần thân, thứ nhất họ không cho tôi vào khi phụ nữ không mặc “Black dress“ trùm kín toàn thân. Tôi từ chối thay áo họ cho mượn vì nghĩ mình đã Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng rồi, nhất định đời đời kiếp kiếp không quy y tà ma ngoại đạo. May quá anh tài xế Hossain thương lượng với anh gác cổng sao ấy, đưa tôi về lại xe đổi chiếc áo khoác bên ngoài dài tay hơn một tí và lấy khăn voan trùm kín hết trên đầu. Sau đó anh chàng Ả Rập chở đi vòng vòng trung tâm thành phố, chỉ trỏ mấy tòa nhà cao ốc với niềm hãnh diện rồi hỏi tôi, rằng bên Nhật có những tòa nhà này không. Tôi đành nhận mình là người Nhật cho an toàn, vì nghe đâu mấy xứ Ả Rập đem lao động hợp tác từ Việt Nam sang có vấn đề. Họ nhìn hình ảnh người Việt qua lăng kính của các anh chàng đi từ xã hội chủ nghĩa chỉ toàn kế nhỏ để lừa họ, chẳng hạn giả bệnh trốn việc rồi đi làm chui kiếm thêm tiền. Tôi thành thật khai báo mình là người Việt chỉ có nước đi luôn không ngày trở lại.
Cảm tưởng của tôi về chuyến hành hương như thế nào, đọc đến đây chắc các bạn đã rõ, chỉ cần gói ghém trong một câu: “Ba chìm, bảy nổi, chín cái lênh đênh“. Tôi còn ngồi đây viết bài cho các bạn đọc là may lắm rồi. Chưa kể đến tin “vịt giời“ là tháng 12 năm 2014, hai cây bút nữ của tờ báo Viên Giác: Nhật Hưng và Hoa Lan sẽ đến chùa Cực Lạc Cảnh Giới nhập thất đến một tháng. Nếu hai cô nàng cùng nhập chung một thất thì đường tu của họ sẽ cùng dẫn xuống đường mương. Làm sao rọi chiếu chân tâm khi Nhật Hưng luôn có những câu hỏi nhức nhối như:
- Nghe nói đi tu phải cắt ái từ thân, tại sao Thầy Nguyên Hiền đi đâu cũng dẫn bố của Thầy theo?
Hoa Lan cũng điên đầu nên đáp liều:
- Chữ hiếu đứng hàng đầu, nếu Nhật Hưng đi tu sẽ có quyền dẫn bố đi theo nhưng chồng thì nhất định không được.
Trước khi chấm dứt bài viết, tôi xin được trích dẫn những lời Hòa Thượng Sư phụ tôi muốn nhắn nhủ với mọi người. Tuy văn của tôi không được “như thị ngã văn“ nhưng tôi cũng cố gắng truyền đạt được ý tưởng của Người. “Nếu một mai tôi có qua đời“, xin quý vị chỉ nhớ đến 2 điểm nơi tôi: một là từ 50 năm nay không bao giờ tôi bỏ một thời tụng Kinh Lăng Nghiêm, hai là từ 30 năm nay tôi đêm nào trong mùa An Cư Kiết Hạ cũng lạy đủ 300 lạy.
Kỷ niệm chuyến hành hương Thái Lan và Miến Điện tháng 12 năm 2013.
Hoa Lan - Thiện Giới.
Mùa đông 2013.