Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần thứ năm: Đoạn kết

12/02/201216:01(Xem: 7607)
Phần thứ năm: Đoạn kết
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)


PHẦN THỨ NĂM

ĐOẠN KẾT

THAY LỜI KẾT: MÙI HƯƠNG TRẦM

Tôi vẫn mơ một ngày Tết Nguyên đán được về thăm quê, đi lại trên sườn núi Ngự Bình, giữa khí trời se lạnh và nắng mới lên, tôi sẽ được ngửi mùi hương trầm bay phảng phất trong gió.

Sau hơn nửa đời người tôi đã nhận ra một điều là mùi, cái mà ta cảm nhận bằng mũi, là cái để lại trong lòng sâu đậm nhất, hơn hẳn những gì ta nghe hay thấy. Hình như những cảm quan càng khó nắm bắt bao nhiêu, chúng càng đậm đà bấy nhiêu mà mùi hương hẳn phải thuộc vào loại đó. Và đối với tôi, mùi hương là thứ cảm quan theo tôi suốt gần cả đời!

Hồi còn nhỏ gần nhà tôi có một bà già bị điên. Hồi trước bà là người làm hương đem bán. Nhiều người kể bà ta bị điên vì lấy chân chà xát bột hương. Tôi rùng mình ghi nhớ. Về sau khi lớn lên tôi nghe ai kể, mùi hương trầm là thức ăn của quỉ thần, thắp hương là mời các vị ấy đến, tôi nghe càng thấy sợ. Lớn lên, được biết rằng nếu quỉ thần mà có thật thì tâm lý của họ cũng như con người, cũng muốn được mời mọc tôn kính, tôi hết sự và thấy nơi cây hương là phương tiện tỏ lòng kính mộ. Chỗ nào có thắp hương là chỗ đó có lòng trọng vọng. "Nguyện đem lòng thành kính, Gửi theo vầng mây hương".

Hương nhang làm bằng gì tôi không rõ nhưng nó rất khác nhau, nội màu cây hương đã khác, chưa nói đến mùi thơm. Hương ở Huế có màu vàng sáng, của nơi khác trong nước màu đậm hơn. Ở Ấn Độ hương hầu như màu đen. Tại Trung Quốc hương có mùi giống hương Việt Nam, nhưng lạ thay, cây nào cây nấy to như que củi. Tôi vẫn hâm mộ hương của người tàu, nghĩ hương họ làm phải rất thanh nhã, từng vòng nhang nằm như một cái đĩa, xếp từng khoanh tròn.

Hay loại hương trong đại lục Trung Quốc ngày nay đã khác? Tại Lhasa Tây Tạng, hương có màu hơi đỏ nhưng không có chân, đốt nó lên là cháy từ ngọn đến gốc. Mùi hương thì lại càng khác nhau, có mùi thơm thoang thoảng thoát tục, có mùi đậm hơn, có mùi khác đầy hương thơm trần tục. Thế nhưng tôi không dám chê, đâu phải dành cho mình mà phê bình,tôi tự nhủ. Cả khi gặp những nơi người ta thắp hương quá nhiều, ai cũng than ngộp, tôi cũng thấy không sao, đây đâu phải chỗ chơi đùa thoải mái, đây là chỗ giao tiếp giữa thần và vật mà.

Do hay quí trọng hương, tôi bất mãn khi mới đến Ấn Độ trong những dịp đầu tiên. Nơi đó người ta xem ra ghiền mùi hương như bên ta có người ghiền dầu gió. Vào ngồi chiếc taxi cũ kỹ của họ tôi đã thấy ngay cây hương. Có lúc tài xế biết ý, họ dập hương nhưng mùi hương nặng nề này vẫn còn. Quỉ thần đâu đi taxi, tôi tự nhủ. Thế nhưng khi thấy họ treo hình các vị thần Ấn Độ giáo, tôi sực nhớ tài xế xe đò của ta cũng hay thắp hương cầu tai qua nạn khỏi, tôi lại thấy lòng trân trọng, họ cũng cầu cho mình bình yên đó thôi.

Tôi nhớ bước đường lữ hành đã đưa mình lên núi Linh Thứu ở Ấn Độ. Nơi đây không chỉ có quỉ thần tầm thường thôi mà còn các vị đại Bồ-tát đã tụ tập nghe Phật giảng pháp và theo nhiều người nói thì "hội Linh sơn" này còn đang tiếp diễn, người thường như tôi không nghe thấy được. Tại buổi chiều đầy gió hôm đó, trên đỉnh núi không cao hơn núi Ngự Bình bao nhiêu, tôi tiếc sao mình không có cây hương để tỏ lòng thành kính với chỗ Phật Thích-ca đã từng sống sáu năm, chỗ mà mười ba thế kỷ trước, Pháp Hiển, Huyền Trang lặn lội từ Trung Quốc đến đây, chỗ mà các tăng sĩ Việt Nam cũng đã đến tham bái từ thế kỷ thứ tám. May thay vài sị sư Thái Lan đang có mặt tặng tôi vài cây hương. Hương của họ không khác hương ta bao nhiêu, hôm đó vầng mây hương bay tạt trong gió chiều, quả nhiên tôi không nghe thấy được hội Linh sơn, chỉ nhận ra lòng xúc động của mình.

Lần sau đến Ấn Độ tôi đi thăm Lâm-tì-ni, chỗ Phật sinh, lần này tôi có hương Việt Nam trong ba lô. Đi vòng quanh đền thờ chỗ sinh Phật ngày nay chỉ còn nền gạch, tôi tìm cách cắm hương và khám phá ra nền móng với các viên gạch đỏ thẫm đó không hề có một kẽ hở để nhét chân hương vào. Về mặt xây dựng, các công trình này không phải tầm thường, tôi tự nhủ, vì thế mà nó còn tồn tại tới ngày nay. Còn về tính chất thiêng liêng thì chỗ này là thánh địa, quỉ thần tầm thường chắc không dám tới. Tôi cắm hương trên thân cây gần đó, lòng thấy an lạc.

Vài ngày sau tôi đến vườn Lộc Uyển, chỗ Phật "chuyển pháp luân". Đây là nơi gần thành phố Varanasi quốc tế nên du khách rất đông. Một đoàn người Nhật đi chiêm bái đang tụng kinh nhưng lạ thay họ không thắp hương. Tôi rút hương Việt Nam ra. Kinh tiếng Việt tôi còn không thuộc nói chi tiếng Nhật nên chỉ biết đứng nghe tiếng tụng du dương. Tôi đoán họ tụng kinh Vô ngã tướng, kinh mà Phật thuyết đúng chỗ này. Tiếng tụng kinh tiếng Nhật hòa với khói hương Việt Nam bay trong nắng sớm.

Đi Trung Quốc có chỗ nào mà tôi không thắp hương. Từ Vân Cương thạch động miền tây bắc hiểm trở đến Phổ Đà sơn nằm ngoài hải đảo phía đông nam xa xôi, tất cả đều là những công trình to lớn của tiền nhân sống trước chúng ta hàng ngàn năm. Từ chùa Linh Aån ở Hàng Châu đầy người cho đến đỉnh Nga Mi không khí loãng, ở đâu cũng đã có ai xây dựng những bức tượng từ bi nhìn khói hương bay trong gió. Trên bước đường đó tôi vái lạy tất cả, từ các vị Phật Bồ-tát cho đến các vị thánh nhân như Lão Tử trên núi Thanh Thành hay Khổng Tử, vị vạn thế sư biểu. Xúc động biết bao được thắp hương nơi Lưu Bị từ trần tại thành Bạch Đế hay trong đền Vũ Hầu tại Tứ Xuyên, nơi thờ Khổng Minh, Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi, những con người trung liệt cổ kim ít có.

Đến Tây Tạng, tại Jokhang, tôi lại không có chỗ cắm hương trước tượng "Đức hạnh cao quí", chỉ biết nhét cả bó vào một hông cửa sắt bên cạnh khám thờ. Tôi không đành đặt hương trên mặt đất nhơm nhớp mỡ trâu Yak của điện thờ đức Thế Tôn. Quả nhiên nền đất không sạch, sau khi đảnh lễ Ngài, đầu gối quần tôi có hai vết đen khó giặt.

Có dịp đi nhiều vùng của đất nước ta, tìm hiểu nơi chốn và lịch sử, có nơi nào mà tôi không thành kính và vì thế hầu như chỗ nào tôi cũng thắp hương. Thắp hương ở Chùa Thầy để tỏ lòng hâm mộ Từ Đạo Hạnh, người trong một đời mà từ bỏ hắc đạo để thành Phật thành Tiên, nghe giống đời Milarepa của Tây Tạng. Thắp hương ở chùa Tây Sơn để tưởng nhớ các vị Phật thời chiến tranh cũng phải đi sơ tán. Tại Tam Cốc, thắp nhang trong một đền nhỏ thờ các nhà vua đời Trần, các nhà vua phi thường của dân tộc đã để lại cho con cháu một bờ cõi xinh đẹp và một nền văn hóa thâm hậu.

Nhưng không phải chỉ những danh tài xuất chúng của dân tộc mới đáng kính trọng. Làm nên sự nghiệp đó các vị cần vô số những con người khuyết danh. Một ngày nọ tôi đi cùng với một người bạn từ Hà Bắc về Hà Nội, chúng tôi rẽ qua một con đường ít người đi. Người bạn đến thăm mồ người em vốn là chiến sĩ hy sinh được cải táng trong một nghĩa trang liệt sĩ nơi đây. Vì cải táng anh không biết chính xác đâu là mồ em mình.

Vì thế chúng tôi thắp hương cho mấy chục cái mồ khuyết danh, không bỏ sót ai, ai cũng là anh em cả. Đó là một chiều mưa, trong bóng tối, hương đỏ rực cả một triền núi, mùi thơm lan tỏa mười phương. Tôi nghe người anh ngậm ngùi kể về em mình và bỗng thấy rằng mùi hương không chỉ chuyển lòng thành kính của người đến quỉ thần mà đó là chiếc cầu nối làm bằng tình thương và tình thương mới là cái chủ yếu. Đối với tôi thì chiến sĩ tử trận, dù trong chiến tuyến nào, họ cũng đều đáng kính trọng cả. Trên cương vị và hoàn cảnh của mình, họ đã chiến đấu quên mình và anh dũng cho niềm tin và lý tưởng của họ.

Nhưng tại sao chỉ loài người mới là anh em. Trong những chuyến đi dài, nếu có dịp thì am miếu sơn thần thủy quái cũng được tôi gửi lời chào hỏi. Lần nọ tại vịnh Hạ Long, đi thuyền thúng vào một chiếc hồ con, tôi lên bờ vái chào một chiếc miếu hiu quạnh. Lần đó có hai người nước ngoài đi theo, thấy chúng tôi làm thế họ cũng bắt chước xá chào thành kính. Quỉ thần nước Nam thấy người Âu tôn kính mình chắc cũng không khỏi lấy làm thú vị.

Vừa qua đến lại lăng Tự Đức xứ Huế, tôi thấy gần đó người ta sản xuất và phơi hương đầy ngõ, màu sắc rực rỡ. Hương được hong từng bó lớn, chân bị buộc chặt, thân xòe ra phơi nắng. Màu vàng sáng của hương xứ Huế làm ta thoạt nhìn tưởng như những đóa cúc vàng cực lớn. Tôi hỏi chuyện làm hương phơi hương rồi giả vờ hỏi: "Đây có ai chà hương bằng chân không đó?". "Có mà điên", mọi người trố mắt nhìn tôi, chắc họ rủa thầm.

TỔ TIÊN TÂY TẠNG

Nếu ngày trước Govinda hay David-Néel đi Tây Tạng rất khổ nhọc thì ngày nay người ta đến xứ này tương đối dễ dàng, nhất là thủ đô Lhasa. Khách có thể từ Kathmandu, thủ đô Nepal, bay đi Lhasa, mỗi tuần hai chuyến. Nhưng cách đi hay nhất là đến Thành Đôâ, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, từ đây khách có thể dễ dàng đi thăm viếng Tây Tạng. Muốn đến Thành Đô ta có thể lấy máy bay từ Bắc Kinh, Thượng Hải nhưng tiện nhất cho khách nước ngoài là từ Bangkok. Ngày nay mỗi ngày có một chuyến bay Bangkok-Thành Đô bằng đường bay South West Airlines của Trung Quốc, thời gian bay khoảng gần ba tiếng đồng hồ. Thành Đô lại là kinh đô nước Thục ngày xưa, là nơi khách có thể tham quan Nga Mi sơn, Lạc sơn, nên đến Thành Đô, khách có thể phối hợp nhiều lộ trình tham quan hết sức thú vị [8].

Từ Trung Quốc khách có thể đi Tây Tạng nhưng phải có giấy phép đặc biệt. Vì thế hầu như tất cả mọi người đều phải đi trong các tour do các văn phòng du lịch tổ chức. Thành Đô là nơi tập trung khách đi Lhasa vì từ đó mỗi ngày có một chuyến bay với South West Airlines. Từ Bắc Kinh, Trùng Khánh cũng có chuyến bay đi Lhasa nhưng mỗi tuần chỉ hai ba chuyến không đáng kể.

Từ Thành Đô đi Lhasa, tôi bay từ đông sang tây. Ra khỏi Thành Đô không bao lâu một vùng núi non bát ngát đã xuất hiện, đó là lưng dựa hiểm yếu của nước Thục ngày xưa. Vùng núi non thỉnh thoảng được cắt bởi những hẻm sâu vực thẳm mà một trong những hẻm núi hiểm trở đó là thượng nguồn sông Cửu Long. Ôi, đã có một ngày tôi được bay trên đầu nguồn Cửu Long. Từ Thành Đô ta còn có một con đường bộ đi Lhasa. Tuyệt diệu thay nếu đời tôi được đi con đường đó, con đường băng núi bạt ngàn vượt qua vùng Đông Tây Tạng với những trang huyền sử. Con đường đó cũng dẫn đến suối nguồn của Cửu Long Giang mà tôi mơ ước được một ngày nếm vị ngọt của nó.

Hôm nay tôi sẽ đến Lhasa, "thành phố của chư thiên", nằm trên độ cao 3685m. Trên độ cao này không khí đã khá loãng, tôi chịu nổi không ? Tôi đã lên Zugspitze, đỉnh cao nhất nước Đức chưa đầy 3000m, đã đến Nga Mi sơn cao khoảng 3100m. Thế thì Lhasa phải là chỗ cao nhất xưa nay tôi chưa đến, độ cao của nó vượt hơn đỉnh Hoàng Liên sơn của ta khoảng nửa cây số. Tây Tạng là một một xứ sở kỳ dị, lớn rộng như Tây Âu, độ cao trung bình của nó khoảng 4500m. Dân của họ hết sức thưa thớt, quen sống vùng rẻo cao, ít người xuống được bình nguyên. Nguồn gốc của họ là từ đâu ?

Thời kỳ xa xưa của Tây Tạng chìm sâu trong bóng tối của lịch sử, như nhà Phật học người Ý Giuseppe Tucci [9] nói, "không có bao nhiêu dữ liệu mà phải đoán mò từ những truyền thuyết tôn giáo". Thế nhưng nhiều nhà địa chất và khảo cổ quả quyết rằng, đất Tây Tạng ngày xưa vốn nằm dưới đáy biển! Cách đây khoảng 40 triệu năm, bán đảo Ấn Độ di chuyển, va chạm vào lục địa châu Á mà đội lên thành Hy-mã lạp sơn và cao nguyên Tây Tạng ngày nay. Vì thế mà ngày nay người ta vẫn còn tìm thấy nhiều dấu vết của động vật sống dưới biển đã hóa thạch và nhiều hồ Tây Tạng là hồ nước mặn.

Tổ tiên người Tây Tạng, theo lời của chính họ, là một con khỉ ! Con khỉ đó không phải tầm thường, nó là một hiện thân của Quán Thế Âm, tìm đến một hang động lạnh lẽo trên núi cao để thiền định. Thế nhưng gần đó có một nàng ma nữ, gặp khỉ nàng khóc lóc than thở về mối cô đơn hiu quạnh của mình. Động lòng từ bi, khỉ chịu chung sống với ma nữ và sinh sáu người con và đó là tổ tiên của dân tộc Tây Tạng. Ngày nay người Tây Tạng vẫn tự thấy mình là sự tổng hợp của lòng từ bi dịu hiền của khỉ và sự lì lợm tham lam của ma [10].

Tây Tạng có một số lượng dân cư hết sức thưa thớt. Thủ đô Lhasa ngày xưa, trước khi Trung Quốc xâm nhập năm 1959, chỉ có khoảng 30.000 dân. Thành phố lớn thứ hai là Shigatse với khoảng 12.000 dân, thứ ba là Gyantse với khoảng 8000 dân. Toàn bộ dân tộc Tây Tạng chỉ gồm khoảng 5-6 triệu dân. Có lẽ không ai quan tâm đến dân tộc này và chỉ xem họ chỉ là một chủng tộc hoang sơ sống trên rẻo cao nếu Tây Tạng không có một nền văn hóa độc đáo.

Trong nền văn hóa vô song đó đạo Phật đóng một vai trò chủ đạo, nhưng đạo Phật tại đó cũng không còn là Phật giáo Ấn Độ, cũng chẳng phải là Phật giáo Trung Quốc, mặc dù mối liên hệ với hai vùng văn hóa đó hết sức mật thiết. Từ một xứ sở tưởng chừng như hoang sơ đó đã sinh ra và phát triển thành một trường phái Phật giáo thâm sâu, vừa đầy tính lý luận khúc chiết vừa đầy tính mật tông ảo diệu. Đến thời đại hiện nay Phật Giáo Tây Tạng tương đối còn sức sống trong lúc Phật Giáo tại Ấn Độ và Trung Quốc đã suy tàn.

Máy bay hạ dần độ cao, bay ngược dòng một dòng sông có chiều dài tổng cộng khoảng 2900km. Bên trái dưới máy bay là dòng sông Yarlung Tsangpo, một dòng sông anh em của Trường Giang, Hoàng Hà, Cửu Long. Nguồn của nó là dưới chân Ngân Sơn, ở miền tây Tây Tạng. Đối với Tây Tạng, Tsangpo cũng quan trọng như Trường Giang với Trung Quốc. Nó phát nguồn từ một mạn-đà-la vĩ đại quanh Ngân Sơn [11] , tên của nó có nghĩa "chảy từ hàm ngựa", chảy từ đông qua tây, bọc quanh một ngọn núi tuyết cao trên 7700m rồi thẳng đường phía nam, lúc này nó mang tên Brahmaputra, xuyên qua Bangladesh chảy ra Ấn Độ dương.

Tsangpo chính là nơi các nhà vua Tây Tạng xây dựng cơ đồ. Theo truyền thuyết, một ngày nọ trong năm 313 trước công nguyên, có một vương tử Ấn Độ thất thế phải chạy ngược lên Hy-mã lạp sơn. Đó là thời kỳ hùng mạnh của triều đại Maurya tại Ấn Độ, có lẽ vị vương tử này vì thế mà lánh nạn chăng. Vượt tuyết sơn đến Tây Tạng thì ông gặp dân chúng sống trong hang động, họ hỏi ông từ đâu tới. Vì bất đồng ngôn ngữ ông đành chỉ tay lên trời. Dân chúng tưởng ông từ trên trời giáng thế nên công kênh lên vai, tôn ông làm vua. Đó là vị vua đầu tiên, Nyatri Tsenpo. Vị vương tử may mắn này đưa văn minh Ấn Độ vào Tây Tạng, cho xây cất nhà cửa và đặt kinh đô bên dòng Tsanpo, thung lũng Yarlung.

Khi Nyatri Tsenpo chết thì huyền sử chép "theo một sợi dây mà lên trời"và sáu đời vua sau ông cũng theo cách đó mà giã từ nhân thế. Thế nhưng đến đời vua thứ tám, Drigum Tsenpo thì "dây dứt", nhà vua này được chôn tại Yarlung và từ đó về sau lăng mộ các nhà vua Tây Tạng đều ở Yarlung cả, ngày nay vẫn còn. Đến đời thứ 23, lúc đó là khoảng năm 371 sau công nguyên, thời nhà vua Totori Nyentsen, "trên trời bỗng rơi xuống nóc điện nhà vua"kinh sách bằng tiếng Phạn không ai đọc được. Trong một giấc mộng nhà vua được biết rằng, năm đời sau mới có vị vua đọc và hiểu được kinh sách. Đó chính là vị Tùng-tán Cương-bố nói trong chương trước.

Tùng-tán Cương-bố lên ngôi, nước Tây Tạng hưng thịnh chưa từng có và cùng với hai nàng công chúa nước ngoài, ông không những "đọc và hiểu" kinh sách tiếng Phạn mà còn xây đền tháp, gửi người đi tu học ở Ấn Độ, dịch kinh sách. Căn cứ trên tư tưởng Phật Giáo, nhà vua ban bố "Thập thiện" và "Thập lục yếu luật" để dân chúng thi hành. Nhiều học giả cho rằng, kể từ đây nước Tây Tạng mới thoát khỏi tình trạng hoang sơ man dã.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/09/2017(Xem: 4124)
Tây Tạng: 10 cảnh sắc tuyệt vời không thể bỏ qua 1 Đến Tây Tạng, ngoài những nơi được nhiều người biết đến như Lhasa, Namtso, YamdrokTso, vẫn còn có rất nhiều địa danh cảnh sắc tuyệt vời:
21/09/2017(Xem: 10285)
Sau hơn 3 giờ bay với hãng hàng không Hoàng gia Bhutan-Drukair từ Bangkok, đoàn hành hương chúng tôi tôi đặt chân tới Paro – thành phố có sân bay quốc tế duy nhất của Bhutan với sự háo hức trong tâm thế của khách hành hương về một đất nước Phật giáo nhỏ bé trên dãy Himalaya chưa tới 700 ngàn dân, nằm giữa hai nền văn hóa lớn và đông dân nhất thế giới Trung Quốc, Ấn Độ và đặc biệt là quốc gia duy nhất không thiết lập quan hệ ngoại giao
24/06/2017(Xem: 12053)
Video: Hành Hương Chiêm Bái Phật Tích Ấn Độ 2016 Do Tu Viện Quảng Đức & Triumphtour tổ chức Tổng cộng 24 ngày từ 21-11-2016 đến ngày 14-12-2016 www.quangduc.com Nhiếp ảnh & quay phim: Hoàng Lan Jordan Lê Ryan Lê Edit phim: Hoàng Lan Jordan Lê Viết bài tường thuật: Thanh Phi Thuyết minh: Tường Dinh Quảng Trí Đại Lộc Đài Radio FM 974 Nhạc sử dụng trong DVD này: Ca Sĩ Quang Minh Ca Sĩ Gia Huy Nhạc Tây Tạng Nhạc Ấn Độ Layout DVD Label: Quảng Duy Minh (Mẫn) Xem thêm hình ảnh: www.quangduc.com
15/05/2017(Xem: 4756)
“Được thấy đỉnh Himalaya, gặp Hoàng thái hậu Bhutan, yết kiến Đức Phó Pháp Chủ, tim tôi nghẹn lại, khoé mắt nhoè đi và thấy thiên đường có thật”, MC Phan Anh chia sẻ sau chuyến đi. Trở về từ chuyến đi đến vương quốc Phật giáo Bhutan, MC Phan Anh đã có những dòng viết đầy xúc cảm.
03/05/2017(Xem: 4879)
Mỗi năm một lần như thế, những vị trong Phái Đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ của chúng tôi đều tổ chức một chuyến hoằng pháp sang Hoa Kỳ, Canada hay Âu Châu, nhưng năm nay chúng tôi quyết định tổ chức đi Á Châu gồm những nước như bên trên, khiến cho một số quý Thầy Cô trong Phái đoàn phải lo nghĩ, vì không biết rằng mình có thể tham gia trọn vẹn được chuyến hành trình này hay không? Và cuối cùng thì đã có những vị từ Hoa Kỳ tham gia như sau: Thượng Tọa Thích Thông Triết, Viện Chủ Thiền Viện Chánh Pháp tại Oklahoma; Đại Đức Thích Thánh Trí, Trụ Trì Tu Viện Bồ Đề tại Seattle; Đại Đức Thích Hạnh Tuệ, Tri Sự chùa Phật Đà tại San Diego; Ni Sư Thích Nữ Minh Huệ, Trụ Trì Tịnh Thất Thanh Lương tại Sarcramento (vắng mặt Thượng Tọa Thích Hạnh Đức và Đại Đức Thích Thiện Đạo).
22/04/2017(Xem: 8117)
Chương Trình Hành Hương Bhutan-Thailand THỜI GIAN HÀNH HƯƠNG: 15 ngày Từ ngày 4- Sept- 2017 đến ngày 18-Sept- 2017 GHI DANH: Hạn chót là ngày 30- June 2017.
10/04/2017(Xem: 4108)
Khác với vẻ cằn cỗi như sa mạc, Ladakh đến gần đẹp như một bức tranh vẽ với những đỉnh núi tuyết phủ trắng xóa, bao quanh mây phủ. Ladakh là vùng đất nằm rìa Tây Tạng, thuộc bang Jammu và Kashmir, Ấn Độ. Với khí hậu trong lành và vẻ đẹp nguyên sơ, Ladakh thu hút du khách bởi bầu trời trong xanh, núi băng trắng và những cơn gió lạnh mơn man làn da. Tại đây, bạn có thể cảm thấy như được nằm gọn trong vòng tay của thiên nhiên.
09/04/2017(Xem: 12140)
Sau khi ăn sáng, Đoàn khởi hành đi Kushinagarhay còn gọi là Thành Câu-thi-na, nơi Phật bỏ lại thân tứ đại sau khi giáo hóa ở cõi giới ta bà này. Nơi đây cách Vườn Lâm-tỳ-ni khoảng 175 km, cách Bồ Đề Đạo Tràng trên 300 km. Quý khách chiêm bái chùa Đại Niết Bàn, lễ bái tượng Phật Niết Bàn tại Chùa, kinh hành và thắp nến cầu nguyện tại Bảo Tháp tưởng niệm nơi Trà-tỳ kim thân Đức Phật. Ăn tối và nghỉ đêm tại khách sạn Royal Residency (4 sao), Kushinagar.
07/02/2017(Xem: 5767)
Ẩn mình trong dãy Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ là xứ sở Bhutan, một xứ sở tâm linh huyền bí và hoàn toàn khép kín với thế giới bên ngoài. Thế mà nơi đây được xem là một đất nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới. Ta hãy đến đây một lần trong đời để được chiêm ngưỡng và thưởng thức những cảnh trí thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp; những con người mộc mạc, hiền hòa; những ngôi chùa cổ kính và đầy nét quyến rũ của nghệ thuật kiến trúc. Bhutan là một đất nước thần tiên như trong chuyện cổ tích, và chỉ đến đây ta mới có thể cảm nghiệm được sự rung động của tâm thức, sâu lắng của bình an và hạnh phúc mà không có thế giới vật chất xa hoa nào có thể so sánh và mang lại được. Tiếp theo cuộc hành trình này sẽ là những trải nghiệm của thế giới tâm linh, kiến trúc nghệ thuật trong các thạch động miền Trung Ấn. Những công trình Di sản văn hóa thế giới, những kỳ quan của Phật giáo còn sót lại mà ta có đủ phước duyên lắm, mới có thể một lần trong đời được đặt chân đến nơi đây qua các ngôi chùa hang, nhữ
21/10/2016(Xem: 23587)
Hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH HƯƠNG CHIÊM BÁI PHẬT TÍCH Tổng cộng 22 ngày từ 21-11 đến ngày 12-12-2016 Lệ phí: $5,900 (cho Phật tử tại Úc) & US$5,900 Mỹ Kim (cho Phật tử tại Mỹ & Canada): chi phí cho vé máy bay quốc tế khứ hồi (Sydney\Los Angeles - Taiwan – India & India – Taiwan – Sydney/Los Angles), Vé máy bay trong nội địa Ấn Độ (không dùng xe lửa), Bảo hiểm + Thuế phi trường + Vé vào cửa tham quan, Hotel (3 hoặc 4 sao) + Tips + Chi phí 3 bửa ăn sáng, trưa, chiều. Tu Viện Quảng Đức sẽ tổ chức chuyến hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ-Tích Lan, chuyến đi do Thượng Tọa Trụ Trì Thích Nguyên Tạng làm trưởng đoàn cùng với Đạo Hữu Tony Thạch (giám đốc công ty Triumph Tour ở Sydney) làm trợ lý cho Thầy để lo các công việc cần thiết. Phái đoàn dự kiến sẽ khởi hành ngày 21-11-2015, gồm 22 ngày để viếng thăm chiêm bái tất cả những Phật tích Ấn Độ cũng như đảnh lễ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 tại Dharamsala, miền Bắc Ấn Độ. Lệ phí chuyến đi là: A$5,900 cho Phật tử
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567