Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

06. Từ Hằng Sơn đến Quang Minh Đỉnh

12/02/201216:01(Xem: 8635)
06. Từ Hằng Sơn đến Quang Minh Đỉnh
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ BA
TRUNG QUỐC, XỨ SỞ CỦA BỒ-TÁT

TỪ HẰNG SƠN ĐẾN QUANG MINH ĐỈNH

Trung Quốc là xứ sở của núi non hùng vĩ. Trong những rặng núi đó có nhưng ngọn đã trở thành thiêng liêng, là "đạo trường" của Bồ-tát như Ngũ Đài sơn của Văn-thù, Nga Mi sơn của Phổ Hiền, Cửu Hoa sơn của Địa Tạng và Phổ Đà sơn của Quan Âm. Đó là "tứ đại danh sơn" mà về sau sẽ được nhắc tới.

Song song, Trung Quốc còn có năm rặng núi thiêng khác được gọi là Ngũ Nhạc với trung tâm và bốn hướng đông tây nam bắc. Đó là Tung sơn ở trung tâm, thuộc tỉnh Hà Nam; Thái sơn phía đông, thuộc tỉnh Sơn Đông; Hoa sơn, phía tây thuộc tỉnh Sơn Tây; Hành sơn phía nam, thuộc tỉnh Hồ Nam và Hằng sơn phía bắc thuộc tỉnh Sơn Tây. Ngũ Nhạc là nơi "trời đất giao nhau", nơi các đời vua chúa từ 2000 năm nay đến cầu đất nước thái bình thịnh trị.

Trung Nhạc Tung sơn, cách Lạc Dương khoảng 50km phía đông nam, đỉnh cao nhất là 1440m. Tại Tung sơn, Thiếu Lâm tự được xây dựng năm 495, nó là quê hương của Thiền tông Trung Quốc, võ lâm bắc đẩu. Đây là ngôi chùa mà khoảng năm 520 Bồ-đề Đạt-ma đã đến đây, quay mặt vào tường chín năm và cuối cùng truyền tâm cho Huệ Khả.

Đông Nhạc Thái sơn được xem là rặng thiêng liêng nhất, đó là rặng núi của Đạo giáo. Nằm về phương đông, phía mặt trời mọc, Đông Nhạc là nơi vua chúa thân hành đến tế trời đất từ hơn 2000 năm nay. Chỗ cao nhất của Thái sơn đo được 1545m. Thái sơn là nơi thờ thần Thái Sơn phủ quân của Đạo giáo, vị thần thống lĩnh đời sống trần gian, chỉ nghe lệnh của Ngọc Hoàng thượng đế. Đền cao nhất của Thái sơn là đền Ngọc Hoàng, cao 1524m.

Tây Nhạc Hoa sơn là rặng núi cũng với năm đỉnh đông tây nam bắc và trung tâm, mà đỉnh cao nhất là Liên hoa đỉnh, cao 2100m. Giữa năm đỉnh đó là con đường đá đi từ vách này qua vách khác mà cứ mỗi bước chân là dẫn đến một phong cảnh khác lạ. Ngày nay trên Hoa sơn người ta còn thấy một phiến đá phẳng. Huyền sử chép rằng đó là chỗ Triệu Khuôn Dẫn, thái tổ nhà Tống, đánh cờ với Trần Đoàn, đạo sĩ trường sinh bất tử. Triệu Khuôn Dẫn thua, phải nhường Hoa sơn cho đạo sĩ.

Nam Nhạc Hành sơn có đến 72 đỉnh mà đỉnh cao nhất đo được 1290m. Tương truyền rằng trên đỉnh Tử Cái, một đỉnh cao của Hành sơn, nhà vua thần kỳ Hoàng Đế đã hội nghị với các chư hầu miền nam. Đến thế kỷ thứ 20 (trước công nguyên), có nhà vua tên Vũ, cháu năm đời của Hoàng Đế, hậu duệ của Nghiêu Thuấn, là kẻ khai sáng đời nhà Hạ (thế kỷ 21-16). Ông lên đây quan sát địa thế để vạch kế hoạch trị thủy, ngày nay còn để lại danh thơm. Tại Nam Nhạc Hành sơn hiện còn có rất nhiều đền đài của Đạo giáo và Phật giáo.

Bắc Nhạc Hằng sơn nằm cách Đại Đồng khoảng 75km là một rặng núi mênh mông với đỉnh phía bắc cao 2017m. Trên đỉnh phía bắc này ngày nay còn lại đền thờ lớn nhất của Hằng sơn, xung quanh là rừng thông bao phủ. Trên sườn núi Hằng sơn có nhiều đền đài mà nổi tiếng nhất là Huyền Không tự, tức là "chùa treo". Chùa này được tôn là một trong mười thắng cảnh của tỉnh Sơn Tây. Huyền Không tự quả nhiên như treo cheo leo trên sườn núi. Từ xa người ta tưởng là sườn Hằng sơn được vẽ tạc hình một ngôi chùa, tới gần mới hay đó là một tổng thể khoảng 40 điện thờ nhỏ bé với rất nhiều tượng Phật, Bồ-tát. Các điện này được xây dựng trong thế kỷ thứ sáu, nối với nhau bằng các hành lang gỗ, nằm cheo leo trên sườn núi, được chống bằng những cột sắt.

Tôi đến Hằng sơn vào buổi trưa, nghỉ trong một quán mang tên "Hằng sơn tửu điếm". Nghe tên Hằng sơn, lòng tôi đã rộn rã, bỗng nhớ Kim Dung và Lệnh Hồ Xung của ông vô cùng. Cám ơn Kim Dung, ông là người làm tôi biết và yêu mến một nước Trung Quốc trừu tượng trong ký ức. Quá khứ tôi bỗng hiện về rõ mồn một, tôi nhớ những năm của đầu những năm sáu mươi, khi truyện của Kim Dung còn đăng báo ngày và mình nằm dài trên nền nhà đọc tờ Tiếng Vang, trong đó có Cô Gái Đồ Long.

Kim Dung đưa tôi đi khắp Trung Quốc với các địa danh tuy xa lạ nhưng rất thú vị như Động Đình Hồ, Ngũ Nhạc, Thiếu Lâm tự. Quan trọng hơn, ông khắc họa cho tôi về một xã hội Trung Quốc tuy xa vời vợi như hoang đường nhưng hết sức gần gủi hầu như ta có thể tìm thấy mình trong đó. Tôi vẫn nhớ Kim Dung trong mỗi bước đi tại Trung Quốc, trong mỗi dòng viết về Trung Quốc. Vì thế tôi rất để ý tìm hiểu Khưu Xứ Cơ, Vương Trùng Dương, Trương Tam Phong, những nhân vật có thật, tiền bối của Trương Vô Kỵ. Tôi thích nhắc tới Chu Nguyên Chương không phải vì ông là thái tổ nhà Minh, cũng không phải ngày trước ông là tăng sĩ, mà vì ông là nhân vật có thật trong Cô Gái Đồ Long, được kể lại trong truyện lúc Trương Vô Kỵ bắt đầu sống đời nhàn nhã với Triệu Minh.

Với Cô Gái Đồ Long, Kim Dung đã vẽ nên một xã hội hiện thực của loài người, trong đó thiện ác lẫn lộn, ánh sáng và bóng tối chồng lên nhau nhiều lớp, cái phải cái trái tồn tại song hành cùng một lúc trong xã hội và trong tâm lý con người. Chính phái và ma giáo tưởng chừng như hai thái cực đối lập với nhau đã hòa với nhau, trong chính phái có những hành động hết sức đen tối và trong ma giáo có những con người đáng làm thầy của những kẻ tưởng mình đi trên đường vương đạo. Và nhất là Kim Dung đã cho tình yêu nảy nở giữa những con người mà quê hương chính tà của họ cách nhau vạn dặm, cho thấy những giá trị thuộc đầu óc lý luận chưa bao giờ thay thế tiếng nói sâu thẳm của trái tim.

Sau Cô Gái Đồ Long, Kim Dung còn một kiệt tác, đó là Tiếu Ngạo Giang Hồ, bản thân ông đã già giặn hơn rất nhiều sau các tác phẩm trước. Với Tiếu Ngạo Giang Hồ, Kim Dung đã vẽ một toàn cảnh đương đại với một khung xã hội và chính trị rộng lớn, trong đó con người vừa là kẻ đạo diễn mọi điều xẩy ra trên sân khấu, vừa chịu cảnh vui buồn của những gì do mình bày ra. Tác phẩm này đã một thời làm tôi biết nhìn cuộc đời không phải chỉ gồm hai màu đen trắng.

Thế nhưng cần nói thêm là, với số tuổi ngày nay, tôi càng nhận ra rằng đó là một tác phẩm phản ánh sâu sắc kiếp nhân sinh, xót xa thay số phận con người nằm trong mọi sự xô đẩy của những ngọn sóng lành dữ khác nhau, những đam mê đầy nhân tính, những âm mưu quỉ quyệt. Cũng trong bức tranh đầy những mảng tối sáng đó, con người với tình yêu của nó mới sáng lên tính cá thể của mình. Và ngay cả tình yêu tưởng chừng là một điều rất riêng tư cũng không bao giờ trọn vẹn, Lệnh Hồ Xung của Kim Dung tuy hạnh phúc hòa hợp với Doanh Doanh nhưng chàng vẫn tưởng nhớ đến một tình yêu vô vọng.

Với Tiếu Ngạo Giang Hồ, tôi biết đến Ngũ Nhạc và ngày nay đến đây, lòng tôi sao khỏi có niềm rộn rã kính trọng. Hằng sơn tửu điếm này nằm ngay dưới chân Hằng sơn của phái Nga Mi phải là nơi giang hồ đã lắm người qua lại, nơi Lệnh Hồ Xung và Đào cốc lục tiên ghé ăn nhậu còn nàng Nghi Lâm mà tôi yêu mến chắc không khi nào dám vào. Tiểu nhị đem bánh bao ra ! Thì ra bánh bao là một thứ người Trung Quốc hay ăn như ta ăn cơm, và ta ăn cơm trắng thì bánh bao của họ trắng trơn không nhân.

Tôi thử chiếc bánh bao và công bằng mà nói thì thấy nó nhạt nhẽo, không hiểu tại sao đại hán ngày xưa ăn "mấy cân bánh bao" một lúc. Và rượu thì ngày xưa hẳn Đào cốc lục tiên uống không bao giờ đủ, ngày nay người Trung Quốc uống bia. Như tại Việt Nam, ở đâu cũng có bia, tỉnh nào cũng có hiệu bia, chai nào chai nấy to gần cả lít. Bia Thanh Đảo nổi tiếng nhất, nhưng tại rặng Cửu Hoa sơn xa xôi cũng có bia Cửu Hoa.

Nhớ chàng trai Trương Vô Kỵ tôi không thể không nhớ đến Quang Minh Đỉnh. Đó là sào huyệt của Ma giáo mà chàng đã lần mò theo một ông hòa thượng leo lên tới. Nhưng Quang Minh Đỉnh có thật chăng ?

Quang Minh Đỉnh là một đỉnh của rặng Hoàng sơn. Hoàng sơn là đệ nhất danh sơn của Trung Quốc. Ngũ Nhạc đã đẹp nhưng Hoàng sơn vượt xa Ngũ Nhạc.

muihuongtram-03-05

(Hình trích của "Huangshan in China", Publishing house of China National, Academy of fines Arts, 1994)

Hoàng sơn nằm trong tỉnh An Huy, là một rặng núi có 72 đỉnh mà đỉnh cao nhất là Liên Hoa đỉnh (1860m) và sau đó là Quang Minh Đỉnh (1840m). Huyền sử chép rằng nhà vua Hoàng Đế đến đây để luyện linh đan sống ngàn năm nên núi có tên Hoàng sơn. Ngày nay dưới chân Hoàng sơn là một thành phố có sân bay, đến từ Hàng Châu, Thượng Hải rất tiện.

Nhà du khảo nổi tiếng đời Minh, Từ Hà Khách, là tác giả của "Từ Hà Khách du ký", một tác phẩm có giá trị về văn hóa và khoa học. Ông đã đến đây và thốt lên: "Đến Ngũ Nhạc thì không kể mọi danh sơn khác, đến Hoàng sơn thì không kể Ngũ Nhạc". Hoàng sơn thật là một cảnh non bồng nước nhược với bốn đặc tính: sườn núi như vách dựng đứng, rừng thông đầy hình thù kỳ dị, thế đá lạ lùng bí hiểm và cảnh mây bọc núi, núi xuyên mây. Hoàng sơn là nơi thống nhất uy danh của các núi lớn: cái tôn quí của Thái sơn, màu hoang dã của Hoa sơn, biển mây mênh mông của Hằng sơn, thác nước cuồn cuộn của Lư sơn và phong thái thần tiên của Nga mi sơn. Hoàng sơn chính là đối tượng sơn thủy của tranh thủy mặc từ nhiều ngàn năm nay. Trên sườn Hoàng sơn vào mùa xuân người ta chỉ thấy một vùng trắng như tuyết nhưng không phải tuyết, hỏi ra thì đó là Đào hoa phong, đỉnh chỉ trồng hoa đào.

muihuongtram-03-06

Tôi đến Hoàng sơn để ngắm những ngọn núi hầu như cổ tích này. Trung Quốc mênh mông và quá nhiều cảnh đẹp, nếu chỉ thăm một núi thì đó là Hoàng sơn; nếu chỉ thăm một hồ thì đó là Tây hồ ở Hàng Châu. Nằm dưới chân Hoàng sơn lại còn có một thị trấn còn giữ lại được từ thời nhà Tống, thế kỷ thứ 9, thứ 10. Thị trấn này làm tôi nhớ đến Hội An, ngày nay nó là cũng chỗ bán đồ lưu niệm nhưng nó cổ hơn Hội An khoảng 400 năm và toàn bộ nhà cửa ngày xưa còn nguyên vẹn suốt cả một con đường dài vài km.

Hoàng sơn là đệ nhất danh sơn, "đến Hoàng sơn thì không kể Ngũ Nhạc", đó phải là lý do mà Ma giáo đã một thời chọn Quang Minh Đỉnh làm ngai vàng để muôn năm trường trị, thống nhất giang hồ, chống lại các chính phái. Đến Hoàng sơn tôi hiểu thêm rằng, những gì mình đọc Kim Dung ngày xưa là một sự phối hợp tài tình giữa lịch sử và địa lý có thật của Trung Quốc, hòa trong nền tảng thực tế của đạo lý, tâm lý và xã hội của đất nước này, cùng với tài hư cấu tuyệt vời để khắc họa những trong nhân vật, sáng tạo những hành động và cảnh ngộ vừa hoang đường vừa hiện thực.

Cuộc ác chiến trên Quang Minh Đỉnh không hề có thực nhưng Hoàng sơn, ngọn núi nằm tại hạ lưu sông Dương Tử, là kẻ chứng kiến những trận chiến đẫm máu suốt trong lịch sử Trung Quốc. Trước công nguyên tại vùng này đã xảy ra cuộc Hán Sở tranh hùng, cuối cùng Hạng Vũ thua, tự tử tại Cai Hạ trên bờ Dương Tử. Trước đó, Ngô Phù Sai cũng bị Việt vương Câu Tiễn tiêu diệt nơi đây. Đầu thế kỷ này, đây cũng là nơi Nhật và các nước phương tây xâu xé Trung Quốc. Và, làm sao khác được, cũng chính đây là nơi phát sinh các cuộc cách mạng vũ bão tại đất nước mênh mông này.

Tôi đến Hoàng sơn, hoa đào trên đỉnh Đào hoa phong vẫn nở trắng trinh nguyên như ngày trời đất mới mở hội. Tất cả, những gì hư cấu hay có thực, đã chìm trong lịch sử. Mầu nhiệm thay, thời gian.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/01/2013(Xem: 3776)
New Delhi (phiên âm Việt ngữ Tân Đề Li) là tên của thủ đô nước Ấn Độ ngày nay. New Delhi có nghĩa là Delhi mới. Đã có mới ắt phải có cũ. Và chỉ khi sang Ấn Độ, sống ở thành phố này trong 3 ngày tôi mới biết có một khu gọi là Old Delhi (Cựu Đề Li). Và cả Old Delhi lẫn New Delhi nằm trong phần đất có tên là Lãnh thổ Thủ đô Quốc gia (National Capital Territory of Delhi).
09/11/2012(Xem: 9117)
Ngôi Thánh địa Già lam Bạch Mã, ngôi chùa cổ xưa nhất ở Trung Quốc, tọa lạc khoảng 6 dặm Anh, cách Thành phố Lạc Dương, thuộc tỉnh Hà Nam, miền Đông Trung Quốc. Ngôi Già lam Bạch Mã Cổ Tự được sáng lập từ thời Minh Đế của triều đại Đông Hán (từ năm 29 sau Công Nguyên đến năm 75 sau Công Nguyên), gắn liền với truyền thuyết thần kỳ về sự kiến tạo thuở sơ khai.
12/09/2012(Xem: 7194)
Quan Âm Cổ Tự (Gwaneumsa-觀音古寺) nằm phía Đông bắc dưới chân núi Halla (漢拏山), Ara-dong, Thành phố Jeju. Ngôi Cổ tự được thành lập vào thế kỷ thứ 10, vào triều đại Cao Ly ‘Goryeo’ (AD 918 ~ 1392). Trong những năm 1700, triều đình Joseon (Triều Tiên) tôn sùng Nho giáo và phế Phật vì thế Phật giáo vùng Jeju lâm vào Pháp nạn, các Tự viện bị phá hủy trong đó có ngôi Quan Âm Cổ Tự. Đầu thế kỷ 20, năm Nhâm Tý (1912) vị Pháp sư Tỳ Kheo ni An Phùng - Lệ Quán (安逢麗觀) mới tái tạo lại. Năm Giáp Thìn (1964), trùng tu nguy nga tráng lệ như hiện nay. Ngôi Danh lam cổ tự hùng tráng này là cơ sở thứ 23 của Thiền phái Tào Khê, Phật giáo Hàn Quốc.
19/06/2012(Xem: 3271)
Sa mạc Gobi (Trung Quốc) nổi tiếng thế giới bởi sự khắc nghiệt, xứng danh là một trong các vùng đất “khó sống” nhất trên hành tinh. Những đụn cát cao ngút, những trận bão sa mạc và nạn thổ phỉ kinh hoàng trong truyền thuyết xảy ra liên miên, cướp đi sinh mạng của biết bao nhiêu thương nhân khi qua đây. Nó trở thành nỗi ám ảnh lớn với rất nhiều người và không mấy ai nghĩ địa điểm này thích hợp cho sự sống. Ấy thế mà đã có một hồ “trăng lưỡi liềm” và mảnh đất thiên đường “rơi” xuống sa mạc Gobi và trở thành một trong những ốc đảo tuyệt vời nhất trên Trái đất này.
20/05/2012(Xem: 8246)
Nói đến chùa, không thể không nhắc đến Huế. Cố đô là nơi có mật độ chùa chiền thuộc loại cao nhất Việt Nam với trên một trăm ngôi chùa lớn nhỏ. Lần nào đến Huế tôi cũng đến thăm, lễ Phật và thưởng ngoạn tại ít nhất là 1 ngôi chùa.
02/03/2012(Xem: 3599)
Trên đường đến Linh Thứu sơn thuộc thành Vương Xá, nay là Rajgir, cách trường đại học Na Lan Đà khoảng 1500 m, đoàn chúng tôi có viếng thăm nhà kỷ niệm ngài Huyền Trang (Huyền Trang Kỷ Niệm Đường) mặc dù ngoài trời mưa vẫn còn nặng hạt...
12/02/2012(Xem: 14747)
Qua ký sự, tác giả giới thiệu những vùng đất tâm linh của Phật giáo đồng thời nói lên niềm cảm khái của mình trước các vùng đất thiêng liêng, và cảm xúc của ông về thế giới hiện đại.
11/01/2012(Xem: 9317)
Ý tưởng về một cuộc hành hương về xứ Phật là do chính Đức Phật nói ra. Trước khi Người nhập diệt Đại Bát-Niết-bàn, Phật đã khuyên những đệ tử kính đạo nên viếng thăm, chiêm bái bốn nơi để được tăng thêm sự truyền cảm về tâm linh của mình sau khi Người từ giã trần gian. Những nơi đó là Lumbini, nơi Đức Phật đản sinh; Bodhagaya (Bồ Đề Đạo Tràng), nơi Đức Phật chứng đạt Giác Ngộ Tối Thượng; Vườn Nai ở Sarnath, nơi Đức Phật khai giảng bài Thuyết Pháp đầu tiên – Kinh Chuyển Pháp Luân; và Kusinara (Câu Thi Na), nơi Người nhập diệt Đại Bát-Niết-bàn...
28/12/2011(Xem: 4016)
Trong khi nhiều tôn giáo truyền thống khuyến khích tín đồ lên đường hành hương, như Đức Phật Thích Ca là một bậc thầy vô thượng mà tất cả Phật tử hướng về quy y và những giáo huấn của Ngài chúng ta thực hành một cách tốt nhất để đi theo, đối với chúng ta những thánh địa thiêng liêng nhất là những nơi Đức Phật đã giảng dạy và hành động vì lợi ích của chúng sinh. Trong khi chúng ta nên ngưỡng vọng và thăm viếng những nơi này, một cách truyền thống bốn thánh tích được xem như quan trọng nhất là: * Lâm tỳ ni, nơi Sĩ Đạt Ta sinh ra trong thế giới này như một người bình thường. * Đạo Tràng Giác Ngộ, nơi Sĩ Đạt Ta trở nên giác ngộ. * Lộc Uyển, nơi Ngài giảng dạy con đường đến giác ngộ, và * Câu thi na, nơi Ngài nhập niết bàn.
01/08/2011(Xem: 3974)
Từ 13/3 đến 28/3/1994, Viện Nghiên cứuPhật học Việt Nam đã tổ chức một đoàn chiêm bái các Phật tích tại Ấn Độ, gồm 19 người, do cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu làm Trưởng đoàn, cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu làm Phó đoàn, với Ban Thư kýgồm Hòa thượng Thích Giác Toàn và Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn. Chuyến đi được Hòa thượng Thích Chơn Thiện lúc ấy đang chuẩn bị trình luận án tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ giúp sắp xếp các việc cần thiết và đề xuất kế hoạch, lộ trình chi tiết. Sau ngày thống nhất đất nước, đây là chuyến xuất ngoại dân sự đầu tiên có tổ chức của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, mở đầu cho việc hội nhập của Phật giáo Việt Nam với Phật giáo thế giới. Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo đăng tải lại dưới đây bài tường thuật do cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu thực hiện, như một kỷ niệm để tưởng nhớ ngài.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]