Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

02. Ði dọc sông Hằng

12/02/201216:01(Xem: 7948)
02. Ði dọc sông Hằng
MÙI HƯƠNG TRẦM
Nguyễn Tường Bách
(Ký Sự Du Hành Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng)

PHẦN THỨ HAI
ẤN ĐỘ SUỐI NGUỒN THIÊNG LIÊNG

ĐI DỌC SÔNG HẰNG

Hãy ra khỏi Delhi, rời bỏ các lâu đài tráng lệ, các vùng nghỉ mát danh tiếng để tìm hiểu kỹ hơn nước Ấn Độ. Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới, giàu nghèo khác nhau nhưng chưa thấy nước nào kỳ lạ, đầy những ấn tượng trái ngược như Ấn Độ. Ta không thể nào hiểu được nước này, không thể mô tả nó. Nhà văn Mỹ Mark Twain, người có nhiều nhận xét sâu sắc hóm hỉnh, thăm Ấn Độ năm 1896, viết về xứ này như sau: “Mỗi khi bạn nghĩ là mình đã tìm hiểu hết những tính cách lạ lùng của nước này và muốn cho nó một danh hiệu nào đó... xứ sở của dịch hạch, xứ sở của nghèo đói, xứ sở của những ảo giác khủng khiếp, xứ sở của những ngọn núi ngất trời...vân vân, thì lại sớm hiện ra những tính cách mới và bạn thấy cần những danh hiệu mới“. Cuối cùng Mark Twain thấy hay nhất là vứt bỏ mọi danh hiệu và đặt tên Ấn Độ là “xứ sở của sự kỳ diệu“.

muihuongtram-02-02

Đây là nơi mà ta phải ngắm Taj Mahal lúc nửa đêm, nhìn cái nghèo đói lúc ban ngày, nếm cái bụi bặm của những làng quê buồn tẻ, đi lạc trong màu sắc rực rỡ và tiếng ồn ào của các basar, nhìn những đàn bò và khỉ sống chung với con người, xem những đám rước tôn giáo mê say quên mình. Đây là nơi mà thiên nhiên cho dấu ấn một cách sắc nét nhất với những con sông, những ngọn núi, với sức nóng tàn khốc và những cơn bão kinh người.

Đây là một quốc gia thuộc về 15 nước công nghiệp hàng đầu trên thế giới nhưng 70% dân chúng vẫn cày cấy với dụng cụ thô sơ của cha ông để lại và sống bên bờ của sự thiếu ăn. Tại Ấn Độ, trong một nhà máy có thể người ta đang sản xuất bom nguyên tử và tên lửa liên lục địa nhưng ngoài nhà máy vẫn là nơi sửa xe bò theo cách của thời A-dục vương để lại. Trí thức Ấn Độ có thể là những triết gia nhất nhì thế giới, là các nhà khoa học xuất sắc được nhiều nước tranh nhau mời về nghiên cứu, họ sống bên cạnh 60% dân chúng mù chữ. Phú gia Ấn Độ rất nhiều và cũng rất giàu có, của cải của họ không ai biết hết được, dưới mái hiên cung điện của họ là những tu sĩ thiếu cả áo quần che thân ngồi đợi mặt trời mọc để hành trì phép du-già.




muihuongtram-02-03Tiểu bang Bihar là một vùng có nhiều tu sĩ như thế. Patna, thủ phủ của Bihar, cách Delhi khoảng 800km đường chim bay về hướng đông nam. Máy bay hầu như bay dọc theo dòng chảy của sông Hằng trên địa phận tiểu bang Uttar Pradesh.

Uttar Pradesh là một dãy bình nguyên nằm kề sát chân Hy-mã lạp sơn. Đây là một vùng thấp nhưng ít nước khó canh tác, chỉ một phần ba đất trồng trọt có các hệ thống tưới tiêu lấy nước từ sông Hằng. Vì thế từ xưa đến nay Uttar Pradesh là một vùng nghèo. Thế nhưng đây là đường trực tiếp nhất đi từ vùng rẻo cao Simla về Bihar nên chính vùng này là đường mà ngày xưa Huyền Trang đã đi hành hương. Đây là dịp đọc lại [10] và tìm hiểu lộ trình của ông trong thế kỷ thứ 7.

Máy bay đi qua địa phận của hạt Bijnor nằm trên tả ngạn sông Hằng, đó là nơi mà Huyền Trang lưu lại trong mùa xuân và hè năm 635 để nghiên cứu kinh sách của phái tiểu thừa Nhất thiết hữu bộ [11], một bằng chứng về tính bác học của ông, mặc dù hồi đó lòng ông đã hướng hẳn về phía đại thừa. Đi thêm một đoạn sông Hằng nữa là thủ phủ Kannauj mà ngày Huyền Trang đến là một thành phố hết sức phồn vinh, là kinh thành của một nhà vua rất mộ đạo Phật tên gọi là Harsavardhana, trị vì từ năm 606 đến 647. Cũng trong vùng trung lưu sông Hằng này, Huyền Trang đến tiểu quốc Ayodhya, quê hương của hai nhà sáng lập phái Duy thức là anh em Vô Trước [12] và Thế Thân [13], sống trước ông khoảng hai trăm năm.

Huyền sử chép rằng Ayodhya là nơi mà Vô Trước mời Bồ-tát Di-lặc hạ giới giáo hóa. Suốt bốn tháng liền, Vô Trước cứ ban đêm thì nghe Di-lặc giảng, ban ngày thì giảng lại cho đại chúng. Di-lặc được xem là tác giả của bộ «Du già sư địa», bộ luận mà Huyền Trang là người dịch ra chữ Hán. Huyền Trang đến thăm lại tu viện nằm trong một vườn xoài, nơi mà Vô Trước giảng cho em là Thế Thân ngộ lý Duy thức. Sau khi đại ngộ, Thế Thân định rút dao cắt lưỡi vì từ xưa đến nay ông luôn luôn phát biểu chống Duy thức nhưng lại Vô Trước lại là người cứu em khỏi câm. Ayodhya là quê hương tâm linh của Huyền Trang vì ông chính là người đem phái Duy thức về Trung Quốc dưới tên Pháp tướng tông.

Sau một giờ bay, máy bay ở khoảng vị trí Allahabad, chỗ giao lưu của sông Hằng và sông Yamugar, đó cũng là nơi Huyền Trang thoát chết một cách huyền bí. Ông bị một nhóm giặc cướp bắt và bị lấy hết hành lý. Thế nhưng chẳng may cho ông là nhóm giặc này đang tìm giết một chàng trai khôi ngô tuấn tú để tế cho nữ thần Durga mà Huyền Trang thì quá đẹp trai. Ở đây xem ra chuyện Tây Du ký của Ngô Thừa Aân nói về Đường Tăng bị yêu quái mê mẫn không phải hoàn toàn bịa đặt.

Sau khi thuyết phục giặc cướp không xong và thấy chúng đang mài dao kiếm, Huyền Trang thấy mình đã tới số, ông ung dung xin họ chút thời gian để cầu đức Di-lặc đưa mình về trời Đâu-suất nghe pháp. Lúc linh ảnh của Di-lặc xuất hiện trong tâm của Huyền Trang thì cũng là lúc đá chạy cát bay. Giặc cướp hoảng hồn hỏi gia nhân ông về tung tích nhà sư này. Gia nhân kể cho họ nghe ông là một tu sĩ Trung Quốc qua Ấn Độ hành hương và thỉnh kinh. Và khi Huyền Trang mở mắt ra chịu chết thì giặc cướp đã phủ phục dưới chân ông.

Sau Allahabad, lẽ ra Huyền Trang phải thuận đường thủy tiếp tục đi theo sông Hằng về hướng đông đến Lộc Uyển, chỗ đức Phật chuyển pháp luân nhưng không hiểu tại sao ông đổi hướng, đi ngược lên hướng bắc tìm đến quê hương của Ngài. Có lẽ qua biến cố vừa rồi, ông thấy chuyến đi quá hiểm nguy, phải đến đảnh lễ chỗ Phật đản sinh tại Lâm-tì-ni để phòng trước đời mình có ngắn ngủi. Lúc đó Huyền Trang không biết rằng mình còn sống 30 năm nữa.

Còn tôi, kẻ hậu sinh sống thêm mấy đời cũng không làm nổi học trò ông, thì ngồi máy bay đi tiếp về Hoa Thị Thành. Ôi, xấu hổ làm sao khi thấy nghị lực và trí tuệ của người xưa. Ngày nay người đi hành hương quá dễ, quá khỏe, quá tiện nghi. Nếu ngày xưa con người phải đổi mạng để lấy kinh sách và để được cảm khái đến gần dấu chân thánh nhân thì ngày nay chỉ cần một cú điện thoại là có chỗ mà ở, có xe mà đi. Ngày nay chỉ cần bấm một cái nút là kinh sách hiện lên trên màn hình, thêm một cái nút nữa là in ra hàng loạt. Nhớ lại ngày xưa, có người cả đời chỉ khắc được một câu kinh, còn nay ai muốn có thiên kinh vạn quyển đều được.

Thế nhưng ngày nay xem ra không mấy ai minh triết hơn người thời xưa vì con người hình như không còn ai muốn đọc, muốn suy ngẫm về kinh sách ngày xưa. Khó hơn thế nữa, trong tâm thức tôn giáo, dù có biết nhiều hiểu rộng, biết tán tụng suy luận, chúng cũng không mang lại gì cả trên đường tìm kiếm. Chúng đều là những ngọn gió tri thức chỉ tạo thêm mây mù che ánh sáng của giác ngộ. Điều mà hành giả cần có phải chăng là “bồ-đề tâm“, điều mà Phật giáo Tây Tạng vô cùng coi trọng. Có bồ-đề tâm thì một câu kinh cũng đủ, không có thì thiên kinh vạn quyển cũng vô ích. Tìm hiểu bước đường lữ khách của Huyền Trang không phải là tò mò xem ông đi đến đâu mà để cảm khái tâm bồ-đề kiên cố của ông. Và nhờ thế mà ta biết mừng vui cho những người đem cả đời ra để tạc một bức tượng, khắc một câu kinh. Những tác phẩm đó đều là gỗ đá nhưng chúng là phương tiện để bồ-đề tâm được thể hiện.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/06/2013(Xem: 6666)
Phái đoàn sẽ do ĐĐ Phó Trụ Trì Thích Nguyên Tạng làm trưởng đoàn (hướng dẫn về giáo lý có liên quan đến thánh tích) cùng với Đạo Hữu Tony Thạch (chuyên viên tổ chức hành hương) làm trợ lý cho Thầy để lo các công việc cần thiết cho chuyến đi.
18/06/2013(Xem: 6531)
Danh Sách Phật Tử tham dự Phái Đoàn Hành Hương Chiêm bái Thánh Tích Ấn Độ - Đài Loan Do Tu Viện Quảng Đức Tổ Chức (ĐĐ Nguyên Tạng hướng dẫn đoàn, từ ngày 8-29/11/2006)
18/06/2013(Xem: 23045)
In the long way history of Buddhism, an ancient and profound religion which has been constantly developing and modernising, Buddhist architecture has been changing increasingly both in form and content.
17/06/2013(Xem: 6406)
Sinh năm 1953 tại Đà Nẵng, nhưng ngay từ nhỏ, Võ Văn Tường đã sinh sống cùng gia đình ở Huế. Vì vậy chất Huế đã in đậm trong người đàn ông hiện đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Được cha cho chiếc máy chụp ảnh điện tử, nhưng mãi đến năm 14 tuổi, Tường mới biết chụp bức ảnh đầu tiên là cảnh chùa Báo Quốc.
17/06/2013(Xem: 5925)
Kính thưa quý Phật tử trong phái đoàn hành hương, không còn bao lâu nữa chúng ta sẽ lên đường để chiêm bái Thánh Tích Ấn Độ. Ban Tổ Chức xin gởi thông báo số 3 này đến quý Phật tử để giúp cho quý vị chuẩn bị và sắp xếp các công việc cần thiết như sau...
17/06/2013(Xem: 5488)
Ban Thủ Quỹ chúng con xin báo cáo tổng kết về số tiền mà phái đoàn đã phát tâm cúng Dường Tam Bảo & Bố Thí người nghèo tại Ấn Độ và tuần sau sẽ lần lượt cúng dường các chùa ở Đài Loan, chi tiết đã được ghi nhận như sau.
17/06/2013(Xem: 5280)
Tán Dương Công Đức Thành Viên Trong Phái Đoàn Hành Hương
17/06/2013(Xem: 4724)
Từ tháng 3 năm 2011 đến nay, đã có tới 12 vị Tăng, Ni Tây Tạng, phát đại nguyện tự thiêu, lấy thân mình làm ngọn đuốc thắp sáng lương tri chính quyền Cộng Sản Bắc Kinh, kêu gọi sự quan tâm của nhân loại yêu chuộng công lý và hòa bình đối với chính sách đàn áp tôn giáo và tiêu diệt văn hóa Tây Tạng của chính quyền Cộng Sản Trung Quốc.
14/06/2013(Xem: 5429)
Khởi hành từ Úc (Local Airport-Sydney-Taiwan-Delhi), Phật tử từ Melbourne, Brisbane, Adelaide, Perth...phải đáp chuyến bay nội địa đến Sydney lúc 6pm chiều ngày 17-11 để kịp lên máy bay quốc tế lúc 9pm để bay đi Đài Loan. Khởi hành từ Canada, Mỹ-Vietnam (Local Airport-Los Angeles/San Francisco/Saigon-Taiwan-Delhi) lúc 6pm chiều ngày 16-11 để kịp lên máy bay quốc tế lúc 11pm để bay đi Đài Loan.
14/06/2013(Xem: 8359)
Hành Hương Chiêm Bái Phật Tích Ấn Ðộ 2006 (Tu Viện Quảng Ðức tổ chức)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]