Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

05. Câu Thi Na

14/07/201112:28(Xem: 6639)
05. Câu Thi Na

CÂU THI NA (KUSINÀRA)

NƠI ĐỨC PHẬT NHẬP NIẾT BÀN

Phật tích Câu Thi Na (Kusinàra), nơi hơn 2500 trước, đức Phật đã nhập diệt. Câu Thi Na là thánh tích quan trọng thứ tư trong bốn Phật tích chính yếu tại Ấn Độ.

Di tích chùa tháp tại Câu Thi Na tuy không lớn lao đồ sộ như Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) nhưng cảnh trí ở đây với rừng Sa La yên tĩnh và pho tượng Phật nằm dài 20 feet tôn trí thờ ở chùa Niết Bàn, bao thế kỷ qua cũng như ngày nay đã gây niềm xúc cảm sâu xa cho hàng ngàn du khách Phật tử hành hương khi họ đến chiêm bái thánh tích này.

I. NGUỒN GỐC ĐỊA DANH VÀ VỊ THẾ CỦA CÂU THI NA TRONG LỊCH SỬ PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ THỜI XƯA VÀ NGÀY NAY

Câu Thi Na hay Kusinàra (Sanskrit: Kusinagàra) còn có tên gọi Kusinagarihay Kusigràma là một trong hai kinh đô của bộ tộc Mallas (Mạt La). Thời cổ tiểu quốc này được chia làm hai khu vực tự trị và đóng đô tại hai thị trấn riêng biệt là Kusinàra và Pàvà. Theo học giả người Anh Rhys davids (1843-1922), căn cứ tài liệu ghi chép của các nhà hành hương Trung Quốc, xứ Mallas bấy giờ nằm về phía đông thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) thuộc bộ tộc Thích Ca (Sakyas) và hướng bắc xứ Vajji của bộ tộc Licchavi hay Ly Xa (nay là làng Basarh, quận Muzaffarpur, tiểu bang Bihar, đông bắc Ấn Độ). Một vài học giả khác bảo rằng Mallas nằm về hướng nam thành Ca Tỳ La Vệ và phía đông xứ Vajji. Ngày nay Câu Thi Na (Kusinàra) nằm cách 3 cây số hướng tây nam thành phố Kasia thuộc quận Deoria và xa khoảng 55 cây số đường bộ từ thị trấn Gorakhpur trong tiểu bang Uttar Pradesh (miền đông bắc Ấn).

II. CÂU THI NA TRƯỚC THỜI ĐỨC PHẬT ĐẢN SANH(NĂM 624 TRƯỚC TÂY LỊCH)

Vào thời trước khi đức Phật ra đời, Kusinàra có tên gọi là Kusavati. Theo kinh Maha Sudassana trong Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya) và Đại Bát Niết Bàn (Mahaparinibàna Sutta) đức Phật thuyết cho biết kinh thành Kusàvati xưa kia dưới quyền trị vì của vua Maha Sudassana, có chiều dài từ đông sang tây 12 yojana hay do tuần (bằng 84 dặm) và rộng từ bắc đến nam 7 do tuần (49 dặm), với bảy thành lũy, bốn cổng và bảy con đường lớn trồng toàn những cây kè, thốt nốt (palm trees). Tiểu quốc Mạt La (Mallas) thời ấy theo chính thể quân chủ, đông dân và giàu mạnh.

III. CÂU THI NA VÀO THỜI ĐỨC PHẬT TẠI THẾ (624-544 TRƯỚCT. L.)

A. KINH ÐÔ CỦA XỨ CỘNG HÒA MẠT LA(MALLAS)

Thời đức Phật, Câu Thi Na (Kusinàra) là thủ đô của xứ Mallas, một trong 16 tiểu quốc của Ấn Độ ngày xưa. Mười lăm nước kia là: 1. Ương Già (Anga), 2. Ma Kiệt Ðà (Magadha), 3. Ca Thị (Kàsi), 4. Kiều Tát La (Kosala), 5. Vajji, 6. Cedi 7. Vamsa, 8. Kurù, 9. Pãncàlà, 10. Macchà, 11. Sùrasenà, 12. Assakà, 13. Avanti, 14. Càn Ðà La (Gandhàra) và 15. Kambojà. Lúc ấy, Mạt la theo chính thể Cộng Hòa, là một thị tộc hùng mạnh ở miền bắc Ấn Độ. Mọi việc chính trị và tôn giáo trong nước đều được dân chúng mang ra thảo luận công khai tại một nơi gọi là Hội Trường (Assembly Hall) giống tòa nhà Quốc Hội của chúng ta ngày nay. Người dân giỏi về các môn thể thao, quân sự, nhất là ngư nghiệp (đánh cá v.v…). Bandhula, một trong những nhân vật vĩ đại của bộ tộc Mallas bấy giờ là bạn thân của vua Ba Tư Nặc (Pasenadit) nước Kiều Tát La (Kosala) và Mahàli, hoàng tử của thị tộc Ly Xa (Licchavi) ở thành Tỳ Xá Ly (Vesali).

B. THỊ TRẤN GIAO THƯƠNG TRỌNG YẾU

Câu Thi Na (Kusinàra) đóng vai trò quan trọng về mặt thương mại vì thành phố này nằm trên trục giao thương chính nối liền thành Vương Xá (Ràjagaha: kinh đô của nước Ma Kiệt Đà-Magadha) và Xá Vệ (Savatthi: thủ đô của nước Kiều Tát La-Kosala) cùng nhiều thành phố lớn khác của Ấn Độ. Tài liệu cổ cho biết thời ấy Kusinàracách thị trấn Pava 6 dặm (hơn 9 cây số), thành Vương Xá (Ràjagaha) 25 do tuần (hay 175 dặm), Tỳ Xá Ly (Vesali) 19 do tuần (hay 133 dặm) và thành Ba La Nại (Vàranasi) khoảng 700 lý (233 dặm) hay 500 lý (hơn 166 dặm).

C. NƠI ÐỨC PHẬT THƯỜNG LUI TỚI HOẰNG PHÁP

Câu Thi Na cũng là nơi đức Phật thường lui tới thuyết giảng, giáo hóa vì phần đông dân chúng ở đây đều ngưỡng mộ oai đức của Ngài, tuy nhiên vẫn có một số không mấy thiện cảm với đức Phật. Có lần vị tộc trưởng Mallas đã ra điều luật sẽ phạt 500 đồng cho bất cứ ai có hành động bất kính, không ra tiếp đón đức Thế Tôn khi Ngài đến Câu Thi Na hoằng pháp. Bấy giờ, để khỏi phạt, Roja, thuộc phe chống đối đã miễn cưỡng ra đảnh lễ đức Phật, cuối cùng ông ta được Ngài cảm hóa nhận làm đệ tử tại gia. Sau đó, Roja đã phát tâm cúng dường đức Phật cùng chư Tăng thức ăn, rau cải và bánh ngọt.

Ngoài ra, nhiều cư dân khác ở Mạt La (Mallas) cũng được đức Thế Tôn hóa độ như Đại đức Dabba-Mallaputta, do sự hướng dẫn của bà ngoại, ngài xuất gia theo Phật lúc bảy tuổi và sau này đã chứng đắc quả A la hán.

D. NHỮNG BÀI KINH ÐỨC PHẬT THUYẾT TẠI CÂU THI NA

Đức Phật đã thuyết tại rừng Baliharanaở Câu Thi Na ba bài kinh Kusinàra (thuộc Tăng Nhất Bộ Kinh-Anguttara Nikaya). Bài thứ nhất nội dung Ngài dạy người Phật tử sẽ không có phước đức gì hết nếu họ mang phẩm vật đến cúng dường cho một vị Tăng biếng nhác không tu hành. Bài thứ hai, đức Phật khuyến giáo một Sa môn khi muốn chỉ trích một Tỳ kheo khác, trước hết nên xét lời chê trách của mình có hợp lỳ, đúng với sự thật hay không; và nên suy nghĩ lời ta chỉ trích có thực tâm muốn xây dựng người khác hay vì ganh ghét; cũng như xem hành động thân, khẩu, ý của mình có hoàn toàn trong sạch hơn vị tu sĩ kia hay không v.v… Bài kinh Kusinàra thứ ba đức Phật dạy chư Tăng nếu có điều gì còn nghi ngờ và chưa rõ về giáo lý nên hỏi trước khi Ngài nhập Niết Bàn, nhưng tất cả đều im lặng.

Cũng tại rừng Baliharana ở Câu Thi Na, đức Phật đã thuyết kinh Kinti (thuộc Trung Bộ Kinh-Majjhima Nikaya) khuyên chư Tăng nên tự mình nghiên cứu, thực hành những giáo pháp cao siêu như Tứ Niệm Xứ (Satipatthana) v.v…và đặt ra các điều răn nhằm sửa trị những tỳ kheo vi phạm luật giới hoặc thích tranh cãi về nghĩa lý và văn tự trong kinh điển của Ngài. Ngoài ra, đức Phật còn thuyết tại Câu Thi Na các kinh khác như kinh Tapassu (thuộc Tăng Nhất Bộ Kinh-Anguttara Nikaya) để giáo hóa cho cư sĩ Tapassu và kinh Mahàsudassana (thuộc Trường Bộ Kinh).

E. LÝ DO ÐỨC PHẬT CHỌN CÂU THI NA ÐỂ NHẬP NIẾT BÀN

Vào thời đức Thế Tôn tại thế, Câu Thi Na (Kusinàra) chỉ là một thành phố nhỏ, không lớn và quan trọng bằng các thị trấn khác như Vương Xá (Ràjagaha), Xá Vệ (Sàvatthi), Ba La Nại (Vàrànasi), Câu Diệm Di (Kosambi) hoặc Saketa v.v… Chính ngài A Nan (Ananda), đệ tử của đức Phật cũng đã bày tỏ: “Kính xin đức Thế Tôn đừng nhập diệt ở thành phố bé nhỏ trong khu rừng này”.Nhưng đức Phật vẫn chọn Câu Thi Na để nhập Niết Bàn vì ba lý do:

1. Đó là nơi thuận lợi cho đức Thế Tôn thuyết giảng kinh Maha-Sudassananhằm khuyến giáo chư đệ tử sống cuộc đời đạo hạnh trước khi Ngài viên tịch.

2. Vì ông Tu Bạt Đà La (Subhadda) 120 tuổi bấy giờ đang sống tại đây, người đệ tử cuối cùng mà đức Phật muốn hóa độ nhận cho xuất gia trước khi Ngài nhập diệt.

3. Đạo sĩ Bà la môn, ông Dona lúc ấy cũng đang ở Câu Thi Na, người mà đức Phật biết trước có thể đứng ra hóa giải cuộc tranh chấp và phân chia êm thắm xá lợi của Ngài cho các tiểu quốc Ấn Độ bấy giờ muốn gây chiến để tranh giành các xá lợi này.

Hơn nữa, Câu Thi Na cũng là nơi đức Thế Tôn đã diệt độ trong bảy tiền kiếp quá khứ, cho nên trong Trường Bộ Kinh, Ngài có dạy:“Lần thứ tám Như Lai quyết định nhập Niết Bàn tại đây”.

F. ĐỨC PHẬT BÁO TRƯỚC NGÀY NHẬP DIỆT

Sau 45 năm đi thuyết giảng cùng khắp nước Ấn Ðộ, hóa độ cho hàng trăm ngàn đệ tử xuất gia lẫn tại gia; vào năm 80 tuổi, đức Phật nhận thấy nhân duyên hoằng pháp lợi sanh đã hoàn mãn, nên Ngài đã không dùng thần lực hay thiền định để duy trì mạng sống dài lâu hơn nữa; và một sáng nọ, sau khi vào thành Tỳ Xá Ly (Vesali) khất thực trở về tại đền Capala, đức Phật đã bảo cho Đại Ðức A Nan biết trước trong ba tháng nữa Ngài sẽ viên tịch. Bấy giờ đức A Nan thỉnh cầu Ngài sống thêm một kiếp nữa vì sự an lành và hạnh phúc của tất cả chúng sanh, nhưng đức Phật trả lời: “Này A Nan, đã đủ rồi, không nên khẩn cầu Như Lai. Thời gian cầu khẩn ấy đã qua”.

Rồi đức Phật bảo Đại Ðức A Nan triệu tập các Tỳ Kheo lúc ấy đang sống quanh thành Tỳ Xá Ly (Vesali) đến chùa Đại Lâm(Mahavana) để nghe lời giáo huấn của Ngài:

“Này các Tỳ kheo, hãy lắng nghe Như Lai dạy các con. Các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tinh tấn để tự mình giải thoát. Còn ba tháng nữa Như Lai sắp đến ngày nhập Niết Bàn, Như Lai sẽ giã từ các con. Như Lai đã đến tuổi, đời sống của Như Lai thật ngắn ngủi. Rời các con Như Lai sẽ ra đi. Như Lai đã tự mình làm chỗ nương tựa cho mình. Hỡi các Tỳ kheo, hãy tinh tấn và sống đời đạo hạnh. Hãy giữ niệm lành nơi tâm các con. Những ai cố gắng duy trì nếp sống của mình theo những lời dạy trên sẽ giải thoát khỏi cuộc sống luân hồi và chấm dứt mọi khổ đau”.

G. BỮA THỌ TRAI CUỐI CÙNG CỦA ÐỨC PHẬT

Hôm sau, đức Phật nhìn thành Tỳ Xá Ly lần chót, rồi cùng với Đại đức A Nan đi ngang qua các làng Bhandagama, Hatthigama và Bhoga trong xứ Vajjis(nay thuộc quận Muzaffapur, tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn); cuối cùng Ngài đến thị trấn Pàvà, thủ đô thứ hai của vương quốc Mạt La (Mallas). Tại đây đức Phật cùng với chư Tăng cư trú tại vườn xoài của người thợ rèn tên Thuần Đà (Cunda). Sau khi nghe đức Thế Tôn giảng pháp, Thuần Đà thỉnh Ngài và các Tỳ kheo về nhà cúng dường trai Tăng.

Hôm đó, Thuần Đà đã dâng cúng đức Phật bữa ăn cuối cùng gồm những thức ăn đặc biệt trong đó có một ít thịt heo rừng, danh từ Pali gọi là “Sùkaramaddava”(có sách lại nói không phải thịt heo mà là một loại nấm heo rừng thích ăn). Sau khi dùng xong, đức Phật dạy Thuần Đà đem chôn xuống đất phần thức ăn thịt heo còn lại vì Ngài nhận biết rằng không có ai ở thế gian này dù là người, Trời, Phạm Thiên (Brahmas)hay Ma Vương (Maras) có thể tiêu hóa được món ăn đó, ngoại trừ đức Thế Tôn. Và Thuần Đà đã vâng lời làm y theo như vậy.

H. ĐỨC PHẬT NGÃ BỆNH TRÊN ÐƯỜNG TỪ PAVA ÐI CÂU THI NA (KUSINÀRA)

Sau khi thọ trai xong, vừa rời khỏi nhà ông Thuần Đà, đức Phật liền nhuốm bệnh kiết lỵ rất đau đớn, gần như sắp chết. Nhưng Ngài vẫn kham nhẫn chịu đựng, không một lời kêu rên, bình tĩnh cùng với Đại Ðức A Nan hướng về thành Câu Thi Na tiến bước. Đoạn đường từ Pava đến Câu Thi Na là nơi đức Phật muốn nhập diệt chỉ xa hơn sáu dặm, nhưng vì mắc trọng bệnh, quá yếu sức nên Ngài đã dừng nghỉ dọc đường đến hai mươi lăm chỗ.

Có lần đang đi, đức Phật ngừng lại đến gần một gốc cây, và bảo Đại đức A Nan lấy chiếc y xếp làm tư đặt xuống chỗ đó. Ngài nói:“Này A Nan, Như Lai mệt quá, Như Lai muốn ngồi nghỉ ở đây”. Sau khi ngồi xuống, đức Phật lại bảo:“Này A Nan, Như Lai khát nước, con đi lấy cho Như Lai một ít nước uống”.

Đại đức A Nan trả lời: “Bạch đức Thế Tôn, năm trăm cổ xe bò vừa đi ngang qua, làm khuấy động suối nước chỗ này, nhưng không xa đây có sông Kakutthà, nước trong mát, Như Lai có thể dùng nước đó để uống và rửa tay chân”.

Lần thứ hai đức Phật bảo đi tìm nước uống, Đại đức A Nan cũng trả lời như vậy, đến lần thứ ba, Ngài mới chịu mang bát đến lấy nước từ vũng nước bùn cạnh đó. Vừa múc nước vào bình bát, đức A Nan vui mừng ngạc nhiên thấy nhờ thần lực phép mầu của Phật, nước dơ đục ấy liền trở nên trong ngay và đức Phật đã dùng nước đó.

I. PUKKUSA DÂNG CÚNG ÐỨC PHẬT HAI BỘ Y BẰNG VÀNG

Bấy giờ, Pukkusa65 tuổi, người ở vương quốc Mạt La (Mallas), đệ tử ngài Alara Kalama(theo đạo Bà La Môn) trên đường từ Câu Thi Na đi Pava gặp đức Phật liền tới đảnh lễ và bày tỏ lòng thán phục của mình trước sự trầm lặng của Ngài. Sau khi nghe đức Thế Tôn giảng pháp, Pukkusaphát tâm xin quy y Phật và tuyên bố không còn tin tưởng vào giáo lý của Alara Kalamanữa. Sau đó, Pukkusadâng cúng đức Phật hai bộ y bằng vàng và Ngài dạy rằng Ngài chỉ nhận một bộ, còn bộ kia mang đến cho Đại đức A Nan (Ananda).

Khi Pukkusađi rồi, Đại đức A Nan mặc y cho đức phật, Ngài ngạc nhiên thấy nước da của Phật bấy giờ rực rỡ sáng chiếu lạ thường, liền hỏi:

-Bạch đức Thế Tôn, tại sao có chuyện kỳ diệu như vậy. Khi con đắp bộ y bằng vàng lên mình Ngài thì hình như màu sắc vàng của chiếc y bị lu mờ đi mất?

Nhân đó, đức Phật giải thích rằng có hai trường hợp màu da của Như Lai trở nên sáng chói, rực rỡ lạ thường. Đó là vào đêm Ngài Thành Đạo, chứng quả Vô Thượng Bồ Đề và đêm Như Lai nhập Niết Bàn. Đức phật cũng cho biết rằng vào canh ba trong đêm ấy, Ngài sẽ diệt độ giữa hai cây Sa La (Sala) ở rừng Sa La, tại thành Câu Thi Na, tiểu quốc Mạt La (Mallas).

J. PHƯỚC BÁU CỦA NGƯỜI DÂNG CÚNG PHẬT BỮA ĂN CUỐI CÙNG

Rồi hai thầy trò đức Phật và Đại đức A Nan tiếp tục đi đến sông Kakutthà (nay thuộc quậnGorakhpur, tiểu bangUttar Pradesh, miền đông bắc Ấn), tại đây Ngài đã uống nước và tắm rửa lần cuối cùng. Sau khi nghỉ một lát, đức Phật dạy:

“Này A Nan, chuyện sau đây có thể xảy ra khiến choThuần Đà (Cunda), người thợ rèn hối hận khi có kẻ bảo rằng ông ta là người có tội, sẽ bị sa đọa vì đức Thế Tôn đã từ trần sau khi thọ thực lần cuối cùng thức ăn do ông dâng cúng. Mỗi lần Thuần Đà ăn năn hối hận như thế, con phải giải thích:-Này Thuần Đà, ông thật có nhiều phước báu vì ông đã cúng dường đức Phật bữa ăn cuối cùng. Này Thuần Đà, đức Phật dạy rằng có hai vật thực cúng dường đem lại phước đức vô cùng cao quý hơn tất cả… Đó là vật thực do tín nữ Tu Xà Đề (Sujata) cúng dường mà Bồ tát thọ lần sau cùng trước khi chứng ngộ đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; và vật thực cúng dường mà đức Phật thọ lần cuối cùng trước khi Ngài nhập diệt. Ông đã dâng cúng đức Thế Tôn vật thực cuối cùng, do nghiệp quả tốt này, ông sẽ được tái sanh thuận lợi, gặt hái nhiều may mắn, danh vọng, hưởng phước báu nơi các cõi Trời và trong cảnh vua chúa, quyền quý cao sang. Này A Nan, con phải khuyên lơn Thuần Đà (Cunda) như thế”.

K. PHẢI TÔN KÍNH ÐỨC PHẬT NHƯ THẾ NÀO?

Xong, đức Phật cùng chư Tăng tiến vào rừng Sa La (tiếng Hindi của Ấn Độ đọc Sal, tên thực vật là Shorea Robusta) bên kia bờ sông Hiranyavataở Câu Thi Na, tiểu quốc Mạt La (Mallas). Tại đây, Ngài dạy Đại đức A Nan lấy chiếc y giăng ra treo lên giữa hai cây Sa La và đức Phật nằm nghỉ trên đó, đầu quay về hướng bắc như con sư tử, mình Ngài nghiêng về hông bên phải, chân trái gác lên chân mặt, với tâm hoàn toàn tĩnh lặng.

Bấy giờ tuy chưa đến mùa hoa nở, nhưng từ trên cành những chiếc hoa Sa La lại nở rộ và rơi xuống phủ đầy kim thân đức Phật. Từ hư không những hoa Mạn Đà La, bột trầm hương thơm cũng đổ xuống và khắp nơi bốn hướng vang dội tiếng hát ca, nhạc trời chúc tụng để cúng dường đức Thế Tôn. Thấy vậy, Ngài dạy các đệ tử như sau:

“Này A Nan, không phải như thế là tôn kính, sùng bái Như Lai đâu. Nếu một Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, thiện nam hay tín nữ nào biết sống và thực hành đúng theo lời dạy của Ta là người đã tôn kính, sùng bái Như Lai một cách chân chính và đó là sự cúng dường Như Lai cao thượng nhất. Cho nên, này A Nan, con phải cố gắng hành động theo lời dạy và giáo pháp của Như Lai”.

Lúc ấy, Đại đứcUpavarnatừ trước nay vẫn sống gần và hầu cận đức Phật, đang đứng trước mặt để quạt cho đức Thế Tôn. Ngài bảo Đại đức Upavarnađứng sang một bên. Đại đức A Nan không hiểu lý do tại sao. Đức Phật giải thích rằng lúc bấy giờ xung quanh rừng Sa La trải dài đến ba mươi sáu dặm có rất đông chư Thiên của mười cõi Trời quy tụ về đứng quanh Ngài, và các vị Trời ấy than phiền Như Lai đã bị Đại đức Upavarna che khuất.

L. PHƯỚC ÐỨC CỦA SỰ CHIÊM BÁI BỐN THÁNH TÍCH

Kế đó, đức Phật lại dạy tiếp Đại đức A Nan như sau: “Này A Nan, có bốn Thánh tích liên quan đến cuộc sống của Như Lai mà chư Tăng Ni và thiện nam tín nữ có đạo tâm nên đến chiêm bái với lòng thành kính tôn sùng để tạo cho mình vô lượng phước báu, đó là: Vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini), nơi Như Lai đản sanh; Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), nơi Như Lai thành Đạo; vườn Lộc Uyển (Sarnath), nơi Như Lai thuyết pháp đầu tiên và Câu Thi Na (Kusinàra), nơi Như Lai nhập diệt. Những ai phải bỏ mạng trên đường đi hành hương chiêm bái các Thánh tích ấy sẽ được phước báu tái sanh lên các cõi Trời an lạc sau khi chết”.

M. ĐỨC PHẬT HÓA ÐỘ NGƯỜI ÐỆ TỬ CUỐI CÙNG : ÔNG TU BẠT ÐÀ LA (SUBHADDA)

Lúc đó, tại Câu Thi Na có một đạo sĩ tên Tu Bạt Đà La-Subhadda(Sanskrit: Subhadra) 120 tuổi, nghe tin đồn rằng vào canh chót đêm ấy, đức Phật sẽ nhập Niết Bàn nên đã đến rừng Sa La thỉnh cầu Đại đức A Nan cho phép ông ta vào gặp đức Thế tôn để xin Ngài giải đáp cho các điều hoài nghi, nhưng ba lần đều bị Đại đức A Nan từ chối trả lời: “Này đạo hữu Tu Bạt Đà La (Subhadda), chớ nên làm phiền đức Thế Tôn vì Ngài đang quá mệt mỏi”.

Đức Phật nghe vậy liền dạy Đại đức A Nan nên để Tu Bạt Đà La vào gặp Ngài. Sau khi đảnh lễ đức Thế Tôn, ông ngồi xuống một bên và thưa:

“Có nhiều vị đạo sĩ lãnh đạo các giáo phái nổi tiếng, những nhà truyền giáo trứ danh được nhiều người tôn sùng như Phú Lan Na Ca Diếp (Pùrana Kassapa), Mạt Khư Lê Câu Xa Li (Makkhali Gosàla), A Di Ða Kiều Xá Khâm Bà La (Ajita Kesakambali) và Ni Càn Ðà Nhã Ðề Tử (Nigantha Nàtaputta) v.v…, tất cả những vị ấy có thấu triệt chơn lý như các Ngài đã nói vậy không hay chỉ có vài vị thông suốt, còn các vị khác thì không?”.

Đức Phật trả lời:

“Này Tu Bạt Đà La, không nên thắc mắc, bận trí với vấn đề tất cả hay vài vị đã chứng ngộ chơn lý, hay không có ai chứng ngộ. Con hãy lắng nghe, ghi nhớ lời Như Lai giảng dạy:

“Trong bất luận giáo đoàn nào, nếu không có Bát Chánh Đạo thì không có hàng Sa môn chứng bốn quả Thánh: Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm và A la hán. Trong giáo đoàn nào, nếu có Bát Chánh Đạo sẽ có hàng Sa môn chứng bốn quả Thánh.

“Trong giáo đoàn này, hỡi Tu Bạt Đà La (Subhadda) có Bát Chánh Đạo, nên ở đây có hàng Sa môn chứng bốn quả Thánh, còn ở các nơi khác thì không. Nếu chư đệ tử thực hành đúng giáo lý, có đời sống chơn chánh thì thế gian không thiếu vắng các bậc A la hán”.

Nghe xong, Tu Bạt Đà La bạch với đức Phật như sau:

“Lành thay! Lành thay! Bạch đức Thế Tôn, tựa hồ như có người kia sửa lại ngay ngắn một vật đã bị lật đổ, hay khám phá ra một vật đã được giấu kín, hay chỉ đường cho kẻ lạc lối, hay đốt lên ngọn đèn trong giữa đêm tối để cho ai có mắt có thể trông thấy. Giáo lý mà đức Thế Tôn truyền dạy bằng trăm ngàn phương pháp cũng giống như vậy. Xin Ngài cho phép con làm lễ quy y Phật, Pháp, Tăng và hoan hỷ cho con làm lễ xuất gia thọ giới Sa di và Tỳ kheo trước mặt Ngài”.

Rồi đức Phật dạy Đại đức A Nan làm lễ xuất gia cho Tu Bạt Đà La thọ giới Sa di và Tỳ kheo. Không bao lâu sau khi thọ đại giới, Đại đức Tu Bạt Đà La sống cô độc một mình nơi vắng vẻ, tinh tấn tu hành và chứng đắc quả A la hán. Ngài là người đệ tử xuất gia cuối cùng của đức Phật.

N. ĐỨC PHẬT NHẬP DIỆT

Đức Phật dạy Đại đức A Nan:

“Này A Nan, có thể con sẽ nói rằng sau khi Như Lai nhập Niết Bàn, giáo lý cao siêu sẽ không còn thầy giảng dạy: Chúng con không còn đạo sư. Không nên, A Nan, con không nên suy tư như thế. Giáo pháp và giới luật đã được Như Lai truyền dạy và quảng bá rộng rãi. Này A Nan, khi Như Lai nhập diệt rồi thì giáo pháp và giới luật ấy sẽ là Đạo Sư của các con”.

Đức Phật lại nói tiếp:

“Hãy lắng nghe, này các đệ tử, Như Lai khuyên các con. Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy nỗ lực tinh tấn tu hành để giải thoát” (Now, O monks, I exhort you. All component things are subject to decay. Work for your salvation in earnest). Đó là lời di huấn cuối cùng của đức Thế Tôn.

Rồi Ngài nhập sơ thiền. Xuất sơ thiền Ngài nhập nhị thiền. Xuất nhị thiền Ngài nhập tam thiền. Xuất tam thiền Ngài nhập tứ thiền. Xuất tứ thiền và tức khắc sau đó, đức Phật cuối cùng nhập diệt vào ngày trăng tròn tháng Vesakha (khoảng tháng 5 dương lịch) năm 544 trước tây lịch. Theo tài liệu ghi chép ở tập Ðại Sử (Mahavamsa) và Ðảo Sử (Dipavamsa), hiện diện trong giờ phút đức Phật nhập Niết Bàn có đến 700.000 chư Tăng (Tỳ Kheo), ngoài ra còn có vô số các chư Thiên, Bà la môn, hàng quý tộc và dân chúng đủ mọi giai cấp v.v…

O. LỄ HỎA TÁNG KIM THÂN ÐỨC PHẬT

Lúc ấy, Đại đức A Nậu Lâu Đà (Anuruddha) bảo ngài A Nan vào thành thông báo cho các vua chúa, dân chúng Mạt La (Mallas) biết đức Phật đã viên tịch. Khi hay tin, tất cả đều buồn bã khóc lóc thảm thiết. Họ mang hoa, trầm thơm, hương đèn, và đi giữa tiếng âm nhạc đến rừng Sa La dâng cúng, chiêm bái lần chót kim thân đức Phật. Lễ hỏa táng đức Thế Tôn kéo dài suốt tuần lễ. Vào ngày thứ bảy, tám vị thủ lãnh của vương quốc Mạt La, sau khi tắm rửa, mặc y phục sạch sẽ, đến cố gắng nhắc kim thân đức Phật lên để đưa ra cửa Nam nhưng không được. Họ liền thỉnh vấn Đại đức A Nậu Lâu Đà về sự việc kỳ lạ này và Ngài dạy rằng vì hàng chư thiên mong được chiêm bái, đảnh lễ đức Thế Tôn nên họ muốn các ngươi di chuyển kim thân của Ngài qua cửa Bắc để vào lại trong thành rồi đi ra cửa Đông đến nơi làm lễ hỏa táng.

Tám vị thủ lãnh y như vậy làm theo và lần này kim thân của đức Phật được khiêng lên dễ dàng. Bấy giờ cả kinh thành Câu Thi Na (Kusinàra) từ trên không hoa Mạn Đà La liên tục rơi xuống đầy khắp các đường phố ngập tới đầu gối. Sau khi các vị Trời, dân chúng tỏ bày sự ngưỡng mộ, đảnh lễ đức Thế Tôn với hương hoa, trầm thơm và âm nhạc xong, kim thân của Ngài được di chuyển đến ngôi chùa Makuta Bandhanatrong xứ Mạt La để làm lễ hỏa thiêu đúng theo nghi thức dành cho một vị Chuyển Luân Thánh Vương.

Bốn vị thủ lãnh bộ tộc Mạt La cố gắng châm lửa nhưng ngọn lửa không cháy. Bấy giờ ngài A Nậu Lâu Đà cho biết phải chờ Đại đức Ca Diếp (Maha Kassapa) trở về đảnh lễ kim thân của Phật rồi sau đó chính tay Ngài châm lửa thiêu mới được. Lúc ấy, vừa nghe tin đức Phật nhập diệt tuần trước, Đại đức Ca Diếp cùng với 500 Tỳ kheo đang ở thành phố Pava gấp rút trở về Câu Thi Na (Kusinàra).

Đến nơi, Đại đức Ca Diếp và tất cả chư Tăng cung kính chắp tay đi ba vòng quanh giàn hỏa và cúi đầu đảnh lễ lần cuối cùng bàn chân đức Phật, tức thì sau đó ngọn lửa tự nhiên bốc cháy. Khi kim thân đức Thế Tôn được thiêu hủy hoàn toàn, chỉ còn lại các ngọc xá lợi thì ngọn lửa đã được dập tắt bởi nước từ trên không rơi xuống, nước hồ ở dưới đất phun lên và nước hoa thơm của dân chúng Mạt La tưới vào.

P. PHÂN CHIA XÁ LỢI

Sau khi kim thân của đức Như Lai đã hỏa thiêu, các ngọc xá lợi của Ngài được vua xứ Mạt La thâu lượm để vào trong một chiếc hộp bằng vàng và tổ chức đám rước tưng bừng. Nhà vua ngồi trên lưng voi và xá lợi được ngài đội trên đầu để cung nghinh rước về tôn trí tại “Hội Trường” công cộng ở Mạt La, xung quanh có hàng rào quân lính với cung tên, giáo mác bảo vệ canh phòng cẩn mật. Suốt tuần, dân chúng khắp nơi trong nước đã kéo về đây cúng lễ xá lợi với hương hoa, đèn đuốc thắp sáng, múa hát tưng bừng như ngày hội lớn.

Không lâu khi tin đức Phật nhập Niết Bàn được loan truyền khắp nơi, vua A Xà Thế (Ajàtasattu) của vương quốc Ma Kiệt Đà-Magadha (nay thuộc quận Patna và Gaya, tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn); sứ giả các bộ tộc như Ly Xa (Licchavi) của tiểu quốc Tỳ Xá Ly (Vesali),Thích Ca(Sakyas) của thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu); Bulis của xứ Allakappa (nay thuộc quận Muzaffarpur, tiểu bang Bihar); Câu Ly (Kolyas) ở thành Ràmagàma (nay là Rampur Deoriya, quận Basti, tiểu bang Uttar Pradesh, miền đông bắc Ấn);Mạt La (Mallas) ở thành Pava (nay là Kasia, quận Gorakhpur, tiểu bang Uttar Pradesh) và đạo sĩ Bà la môn của xứ Vethadìpa (nay thuộc quận Shàhàbad, tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn) đều tập họp kéo về Câu Thi Na để xin được chia phần xá lợi của đức Phật. Nhưng bấy giờ, dân chúng Mạt La (Mallas) thành Câu Thi Na (Kusinàra) cương quyết muốn giữ trọn những xá lợi ấy chứ không chịu chia cho bất cứ ai, vì họ nói rằng đức Thế Tôn đã nhập diệt tại vương quốc của họ. Cuộc tranh chấp về xá lợi đã diễn ra và chiến tranh sắp bùng nổ giữa các tiểu quốc Ấn Độ bấy giờ.

Lúc ấy, may có đạo sĩ Bà la môn Dona đứng ra giải hòa giữa các phe và Ngài nói rằng: “Chúng ta không nên đánh giết nhau để giành xá lợi của một đấng Siêu Nhân mà suốt đời Ngài đã hiến dâng cho nền hòa bình, phúc lạc của nhân loại và tất cả chúng sanh”. Cuối cùng, ông ta lấy các xá lợi đó chia đều ra tám phần và phân phát cho đại diện mỗi tiểu quốc nhận lãnh một phần để họ mang về lập bảo tháp thờ tại xứ mình. Sứ giả thị tộc Moriyas của xứ Pipphalivana (nay thuộc quận Basti, tiểu bang Uttar Pradesh) vì đến trễ nên chỉ nhận được phần tro than còn lại mà thôi. Riêng phần tu sĩ Dona thì ngài giữ lấy chiếc bình trống không trước kia dùng để đựng tro cốt hỏa táng.

Như vậy vào thời đó, xá lợi của đức Phật được những đại diện của các tiểu quốc cung thỉnh về tôn trí thờ trong bảo tháp được xây dựng tại tám kinh thành sau đây: Vương Xá (Ràjagaha); Tỳ Xá Ly (Vesali); Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu); Allakappa; Ramagama; Vethadipa, Pàvà và Câu Thi Na (Kusinàra). Ngoài ra còn có hai ngôi tháp do thị tộc Moriyas và đạo sĩ Dona thiết lập để thờ tro và chiếc bình đựng tro hỏa thiêu của đức Phật.

IV. CÂU THI NA QUA CÁC THỜI ĐẠI SAU NGÀY ĐỨC PHẬT NHẬP NIẾT BÀN ( 544 TRƯỚC T. L.)

Chúng ta không biết rõ nhiều lịch sử Câu thi Na (Kusinàra) vào hai thế kỷ sau ngày đức Phật diệt độ, nhất là từ khi xứ Cộng Hòa Mạt La (Mallas) bé nhỏ bị vương quốc Ma Kiệt Đà (Magadha) hùng mạnh xâm chiếm. Tuy nhiên trong thời gian này rừng Sa La tại Câu Thi Na thỉnh thoảng vẫn có các Phật tử thuần thành xa gần đến chiêm bái.

V.CÂU THI NA THỜI VUA A DỤC CỦA ẤN ĐỘ (273-232 TRƯỚC T .L.)

A Dục Vương (Asoka) sau khi quy y Tam Bảo là vị vua Ấn Độ đầu tiên, dưới sự hướng dẫn của Đại đức Upagupta vào năm 250 trước tây lịch đã đến viếng thánh tích Câu Thi Na kể từ sau ngày đức Phật nhập diệt. Sử liệu ghi chép ở tập Divyavadana (trang 394)nói rằng nhà vua đã đau buồn ngất xỉu khi nhìn thấy cảnh trí nơi đức Thế Tôn đã viên tịch trước kia. Vua A Dục đã cúng 100.000 rupees tiền Ấn (khoảng hơn 13,333 mỹ kim theo hối suất năm 1975) để xây cất tại đây một ngôi bảo tháp. Cùng lúc đức vua cũng ra lệnh cho mở một ngôi cổ tháp ở Câu Thi Na và lấy xá lợi của Phật trong đó ra đem chia làm 84.000 phần nhỏ để phân phát tôn trí thờ tại hàng chục ngàn ngọn tháp khác do đức vua truyền dựng nên trong toàn khắp lãnh thổ rộng lớn của ông bấy giờ. Ngoài ngôi tháp nói trên, tại Câu Thi Na, vua A Dục còn cho dựng các trụ đá. Về hình dáng, kích thước của những ngôi tháp, trụ đá này đến nay chúng ta không biết rõ chính xác vì thiếu sử liệu, tuy nhiên một số di tích của chúng hiện vẫn còn tồn tại (xin đọc phần sau).

Mặc dù Câu Thi Na vào giai đoạn năm thế kỷ sau triều đại A Dục không đóng vai trò nổi bật trong lịch sử chính trị Ấn Độ như thời nó còn là kinh đô của vương quốc Mạt La (Mallas) ngày trước, nhưng về mặt tôn giáo theo nhiều tài liệu cho thấy, Câu Thi Na vẫn chiếm vị thế đặc biệt vì đây là nơi đức Phật đã nhập Niết Bàn; nhất là vào thời kỳ này, Phật giáo không những là đạo giáo được phổ biến trong toàn quốc Ấn Độ mà còn được nhanh chóng truyền bá ra các nước ngoài. Nhiều tu viện, chùa tháp đã được các đại thí chủ Phật tử thuần thành xây dựng nơi đây mà hiện nay một số đang còn di tích.

VI. CÂU THI NA VÀO THỜI KỲ VIẾNG THĂM CỦA CÁC NHÀ HÀNH HƯƠNG TRUNG QUỐC

Sau vua A dục, các danh Tăng Trung Hoa đã đến chiêm bái thánh tích Câu Thi Na là ngài Pháp Hiển (Fa Hien), Huyền Trang (Hiuen Tsiang) và Nghĩa Tịnh (I-Tsing).

A. NGÀI PHÁP HIỂN (FA HIEN: 399-414)

Ngài Pháp Hiển đến Ấn Độ vào những năm 399-414 dưới thời trị vì của các vua Ấn Độ Chandragupta II (375-413) và Kumara Gupta (413-455) thuộc vương triều Guptas (320-510). Đây là thời kỳ vàng son trong lịch sử Ấn Độ với sự phát triển, tiến bộ mọi mặt chính trị, kinh tế, xã hội, nhất là nghệ thuật chạm trổ, điêu khắc tượng Phật trên đá. Bằng chứng là một pho tượng Phật Niết Bàn khổng lồ bằng đá dài 20 feet rất đẹp (sẽ nói rõ sau) do nhà sư Haribala dâng cúng, hiện tôn trí thờ tại chùa Niết Bàn ở Câu Thi Na, đã được tạc làm ra dưới triều vua Kumara Gupta (413-455).

Ngài Pháp Hiển là vị tăng Trung Hoa và ngoại quốc đầu tiên đến chiêm bái Câu Thi Na (Kusinàra) vào năm 406 sau tây lịch đã diễn tả trong tập ký sự của Ngài về cảnh trí ở thánh địa này lúc bấy giờ như sau:

“… Tiếp tục đi về hướng đông mười hai do tuần (hay 84 dặm), chúng tôi đến thị trấn Câu Thi Na (Kusinagara); về phía bắc của thành phố này trên bờ sông Hiranyavati, giữa hai cây Sa La là nơi đức Thế Tôn đầu nằm quay về hướng bắc, đã nhập Niết Bàn. Chúng tôi cũng thấy hiện còn nhiều di tích các ngôi chùa và tháp được xây dựng tại những nơi ghi dấu chỗ xưa kia Đại đức Tu Bạt Đà La (Subhadda), người đệ tử cuối cùng của đức Phật đã chứng đắc quả A la hán; nơi đặt kim quan đức Thế Tôn và dân chúng cúng lễ Ngài trong bảy ngày; nơi vị thần Kim Cang (Vajrapani) đánh rơi cây côn của ngài; và nơi tám vị vua đã phân chia xá lợi của đức Phật. Trong thành phố dân cư thưa thớt và chỉ có một ít gia đình của các đạo sĩ đang sinh sống…”.

Trích “Fa Hien’s Record of Buddhistic Kingdoms”, translated of Chinese Text by Jame Legg, San Francisco, 1975 (“Ký sự về các vương quốc Phật giáo”của ngài Pháp Hiển) Chương 24, trang 70, 71.

B. NGÀI HUYỀN TRANG (HIUEN TSIANG: 629-645)

Ngài Huyền Trang sang Ấn độ vào những năm 629-645, là danh Tăng Trung Hoa thứ hai đến chiêm bái Câu Thi Na vào năm 637 sau tây lịch, đã cho chúng ta biết khá nhiều về các sinh hoạt ở đây qua cuốn Tây Du Ký (Si Yu Ki) của Ngài:

“… Kinh đô của vương quốc này trong tình trạng đổ nát với thành phố làng mạc trống vắng và hoang tàn. Bức thành bằng gạch của thủ đô ngày xưa có chu vi rộng mười lý (hơn 3 dặm). Dân cư ít, đường sá trong thành vắng vẻ. Tại hướng đông bắc của cổng thành có một ngọn tháp (stùpa) do vua A Dục truyền xây cất. Đây là ngôi nhà cũ của ông Thuần Đà (Cunda), trong đó có một cái giếng được đào vào lúc ông ta sửa soạn bữa ăn cúng dường cho đức Phật. Mặc dù qua nhiều tháng năm nó bị phủ lấp, nhưng nước vẫn còn trong và ngọt.

“Cách kinh thành ba hay bốn lý (hơn một dặm) về hướng tây bắc, chúng tôi gặp con sông Ajitavati (hay Hiranyavati) và không xa trên bờ phía tây là rừng Sa La có vỏ cây màu trắng lục, lá rất mềm và lấp lánh. Trong rừng này có bốn cây cao đặc biệt khác thường ghi dấu nơi đức Thế Tôn đã nhập diệt. Tại đây, chúng tôi thấy có một ngôi chùa bằng gạch, bên trong tôn trí thờ một pho tượng Phật Niết Bàn, Ngài nằm đầu quay về hướng bắc như đang ngủ. Cạnh đó là một ngọn tháp khác do vua A Dục dựng nên, dù trong tình trạng đổ nát, nhưng vẫn còn cao độ 200 feet. Phía trước tháp là một trụ đá trên đó khắc ghi về sự Niết Bàn của đức Phật, nhưng không thấy ghi ngày, năm hay tháng…

“… Không xa về hướng tây là một ngọn tháp ghi dấu nơi Đại đức Tu Bạt Đà La (Subhadra) đã viên tịch… Ngoài tháp này, bên cạnh có một ngọn tháp là nơi sau khi đức Phật nhập diệt, dân chúng Mạt La đã tổ chức cúng lễ trong bảy ngày… Gần đó, chúng tôi thấy một ngôi tháp đánh dấu chỗ để kim quan của đức Phật và là nơi hoàng hậu Ma Gia đã khóc đức Thế Tôn.

“Sau khi Như Lai diệt độ và kim thân của Ngài được đặt vào kim quan, Đại đức A Nậu Lâu Đà (Anuruddha) bay lên cõi Trời thông báo cho hoàng hậu Ma Gia biết là đức Phật đã nhập Niết Bàn. Nghe tin ấy, bà đè nén sự đau buồn, với thân hình của vị Thiên Thần (Deva) bà đã đi xuống đến chỗ hai cây Sa La. Nhìn thấy y áo của chư Tăng và các đạo sĩ, hoàng hậu Ma Gia đã ôm họ, nhận diện từng người, ngất xỉu, rồi bà khóc lóc kêu gào: ‘Hạnh phúc cho loài người và Trời đã làm xong, đức Thế Tôn nay đã ra đi! Tất cả chúng sanh đau buồn, không người hướng dẫn!’. Bấy giờ, do thần lực của Như Lai, nắp kim quan tự nhiên bật mở, từ đó phóng ra một luồng ánh sáng rực rỡ, đức Phật ngồi thẳng kiết già với hai tay chắp lại, vái chào bà Ma Gia và dạy rằng: ‘Đệ tử từ xa đến đây, đã hiểu đạo, vậy chớ nên đau buồn’…

“… Từ hướng bắc của kinh thành, sau khi qua sông Hiranyavati đi khoảng 300 feet có một ngọn tháp. Đây là nơi người ta làm lễ hỏa táng kim thân đức Phật. Đất có màu vàng hơi đen, vì lẫn lộn với than củi… Cạnh chỗ làm lễ hỏa thiêu có một ngọn tháp ghi dấu nơi đức Phật, do lời thỉnh cầu của Đại đức Ca Diếp (Kasyapa) đã đưa bàn chân của Ngài ra khỏi kim quan… Ngài Ca Diếp đảnh lễ và đi quanh kim quan cầu nguyện. Rồi củi gỗ thơm tự nhiên bốc lửa cháy, thiêu đốt kim thân đức Phật… Gần đó là một ngôi tháp được xây bởi vua A Dục. Đây là chỗ tám vị vua phân chia xá lợi. Đàng trước có dựng một trụ đá khắc ghi về biến cố này…”

Trích “Buddhist Record of the Western World (Si Yu Ki)”, translated from the Chinese of Hiuen Tsang by Samuel Beal, Delhi, 1969 (“Tây Du Ký” của ngài Huyền Trang), Quyển VI, trang 31, 32, 33, 35, 38, 39 và 40.

C. NGÀI NGHĨA TỊNH (I-TSING:671-695)

Ngài Nghĩa Tịnh là danh Tăng Trung Hoa thứ ba qua Ấn Độ vào những năm 671-695, khi đến chiêm bái Câu Thi Na đã viết trong ký sự của Ngài như sau:

“… Có lần tôi đến viếng thăm chùa (Makuta) Bandhana là nơi đức Phật đã thuyết giảng kinh Niết Bàn. Tại đây thường có hơn 500 vị Tăng thọ trai. Vào mùa xuân và thu, những mùa thuận lợi nhất cho khách hành hương, đôi lúc chùa có nhiều du khách đến thăm. Một hôm thình lình có năm trăm nhà sư đến viếng chùa vào lúc gần trưa. Không có thì giờ chuẩn bị thức ăn cho họ kịp trước giờ ngọ, vị Tăng tri khách nói với đạo hữu nấu bếp: ‘Làm sao chúng ta có thể cung cấp đủ thức ăn cho số người tăng lên bất ngờ như vậy? Một bà già, mẹ của người giúp việc trong chùa trả lời:-‘Đừng lo, ở đây việc ấy vẫn thường xảy ra’. Tức thì bà ta đi thắp một bó hương, đem phẩm vật dâng cúng trước pho tượng thần mặt đen và thành tâm khấn vái rằng: ‘Dù đức Thế Tôn đã nhập diệt, nhưng vị thần linh thiêng như Ngài vẫn còn hiện diện. Hôm nay có đông đảo chư Tăng từ khắp nơi về đây chiêm bái thánh tích này. Đừng để thức ăn chúng tôi dọn cho họ bị thiếu, vì việc đó nằm trong quyền lực của Ngài. Xin Ngài giúp đỡ cho’. Rồi tất cả chư Tăng được yêu cầu ngồi xuống. Một ít thức ăn chỉ dành cung cấp cho quý thầy trong chùa, khi dọn ra vẫn đủ dùng cho vô số khách Tăng hôm đó, mà lại còn dư nhiều như thường lệ. Mọi người đều la lên ‘Tốt quá’ và tán thán phép mầu linh thiêng của vị thần đó. Tôi đích thân đến nơi ấy làm lễ và tôi có thấy pho tượng thần mặt đen với các thức ăn được bày đặt trên bàn phía trước. Tôi hỏi nguyên do cúng lễ thì người ta kể cho tôi nghe câu chuyện vừa xảy ra trên…”

Trích “A Record of the Buddhist Religion As Practised in India and the Malay Archipelago”, Translated from the Chinese of I-Tsing by J.Takakusu, Delhi, 1966 (“Ký sự về sinh hoạt Phật giáo tại Ấn Độ và các đảo ở Đông Nam Thái Bình Dương”của ngài Nghĩa Tịnh), Chương IX, trang 38, 39.

VII. CÂU THI NA TỪ THẾ KỶ THỨ 8 ĐẾN 12

Lịch sử Câu Thi Na từ thế kỷ thứ 8 trở về sau không thấy ghi chép rõ ràng, lý do vì lúc ấy Phật giáo đang bắt đầu bị suy đồi tại miền bắc Ấn Độ cho nên thánh địa ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng của sự suy thoái này. Đến thế kỷ 11 hay 12 sau tây lịch, chúng ta được biết một ngôi chùa cùng với điện thờ trong đó có tôn trí một tượng Phật lớn ngồi cao 10 feet bằng đá xanh đã được thiết lập tại Câu Thi Na dưới triều các vua Kalachuris (1015-1181) của vương quốc Chedi (nay gồm phần lớn tiểu bang Madhya Pradesh, miền trung Ấn Độ).

VIII. CÂU THI NA TỪ THẾ KỶ 13 ĐẾN 18

Sau khi Ấn Độ bị quân Hồi giáo từ Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) sang xâm lăng vào những năm 1193-1203, các Phật tích như Bồ Đề Đạo Tràng, Lộc Uyển, v.v…đã bị tàn phá bởi quân đội ngoại quốc. Câu Thi Na đã ít nhiều chịu ảnh hưởng nên từ thế kỷ 13 đến 18, thánh địa này đã trở nên hoang tàn ít người đến chiêm bái. Hơn nữa, trải qua nhiều năm tháng, di tích các chùa tháp nơi đây, một phần do thiên tai bảo táp phá hủy, một phần bởi dân chúng địa phương đến tháo gỡ lấy gạch mang về dùng v.v…, lâu ngày Câu Thi Na đã bị phủ lấp trong rừng rậm, chôn vùi nơi hẻo lánh xa xôi, không còn ai biết tới.

IX. CÂU THI NA TỪ THẾ KỶ 19 ĐẾN NGÀY NAY

A. CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU CÂU THI NA ÐẦU TIÊN

Sau một thời gian dài sáu thế kỷ (13 đến 18) bị thế nhân quên lãng, một nhân viên của Công ty Đông Ấn (East India Company), Dr.Hamilton Buchanan trong một chuyến đi nghiên cứu, đã đến viếng Câu Thi Na lần đầu tiên vào năm 1811-1812. Tuy nhiên, tiếc rằng lúc ấy ông chưa xác định được vị trí chính xác của Phật tích này. Ông bảo rằng Câu Thi Na (Kusinàra) có tên làng Kesia bao gồm khoảng một trăm túp lều và một bót cảnh sát. Buchanan miêu tả các di tích ông thấy ở đây, nhưng cũng như dân chúng địa phương, ông không biết rõ địa thế và tầm quan trọng lịch sử của thánh địa này đối với thế giới Phật giáo.

B. NHỮNG CÔNG TRÌNH KHÁM PHÁ CÂU THI NA CỦA CÁC NHÀ KHẢO CỔ ANH QUỐC VÀ CHÍNH PHỦ ẤN ÐỘ

Năm 1854, nhà khảo cổ kiêm sử gia người Anh, ông H.Hayman Wilson (1786-1860) lại góp ý bảo rằng Kusinàra trước kia là làng Kasiya ngày nay. Nhưng phải chờ tới khi ông Alexander Cunningham (1814-1893), giám đốc Viện Khảo Cổ Ấn Độ rất giỏi về địa danh Phật giáo, sau khi đến khảo cứu Câu Thi Na vào năm 1861-1862 mới có thể đưa ra những lập luận chính xác đáng tin cậy. Ông đã tìm thấy tại đây hai gò đất lớn cách xa nhau hơn cây số, dân địa phương gọi là Màtha Kuar-Kà-Kot và Ràmabhar-Kà-Tilà cùng một số gò thấp nhỏ hơn rải rác nằm xung quanh. Cunningham bảo rằng thật quá khó để có thể đọc hiểu đúng đắn hết ý nghĩa về những tên Ấn Độ cổ xưa trên, nhưng sau khi tra cứu, ông đã dịch danh từ “màthà-kuar” có nghĩa là “hoàng tử chết” (dead prince) nhằm chỉ đức Phật, thái tử thuộc dòng họ Thích Ca ở thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu) đã nhập diệt ở đây.

Sau đó, một công cuộc đào bới rộng rãi tại Câu Thi Na được thực hiện bởi ông A.C.L.Carlleyle, nhân viên phụ tá cho học giả Cunningham, vào những năm 1875-1877 và do cơ quan “Nghiên cứu khảo cổ của Ấn Độ” (The Archaeological Survey of India) dưới sự hướng dẫn của các ông J.Ph.Vogel vào những năm 1904-1907 và Hirananda Shastri từ năm 1910 đến 1912.

Kết quả của những công tác khai quật khảo cứu này là người ta đã tìm thấy tại đây một số chùa (Viharas), tháp (Stupas) và điện thờ (caityas) được xây bằng gạch, không những chỉ sát kề nhau mà còn cái này chồng lên cái kia. Phần lớn các di tích chỉ còn lại cái nền dưới, nên không thể nhận rõ được từng mỗi kiến trúc riêng biệt. Lại nữa, ít thấy ghi ngày tháng, do đó cũng không biết chúng được kiến tạo vào thời kỳ nào.

Di tích khám phá ở Câu Thi Na có một lịch sử rất lâu đời, trở ngược lui đến cả thời đức Phật nhập Niết Bàn hoặc sớm hơn nữa. Các giai đoạn sau đó, có những chùa tháp đã bị sụp đổ và được tái thiết trùng tu nhiều lần mãi đến thế kỷ 11 hoặc 12 sau tây lịch. Những tấm gạch giống nhau cho thấy cơ sở được xây cất trong cùng thời kỳ. Nhưng riêng điều ấy chưa đủ yếu tố để thẩm định chính xác thời gian cấu tạo của mỗi kiến trúc riêng biệt vì có những ngôi chùa tuy được kiến tạo sau này nhưng lại dùng gạch cũ của các chùa trước đó.

Các di tích tại Câu Thi Na có thể chia làm hai vùng chính, một nơi là chỗ đức Phật nhập diệt, còn địa điểm kia là chỗ hỏa táng kim thân của Ngài. Điều này không những chỉ đúng theo tài liệu ghi chép trong ký sự của các nhà hành hương Trung Quốc mà còn do bởi những nhà khảo cổ đã đào thấy hai loại con dấu khác nhau tại hai khu vực nói trên. Khu vực thứ nhất, dân địa phương gọi là Màthà-Kuar-Kà-Kot gồm có di tích ngôi chùa và tháp Niết Bàn; và khu vực thứ hai là Ràmabhar-kà-tilà hiện còn tháp kỷ niệm nơi hành lễ hỏa thiêu kim thân đức Phật. Kinh thành Kusinàra (Câu Thi Na) đích thực xưa kia theo A.Cunningham thì nay chính là ngôi làng Anirudhwa nằm về hướng đông nam của tháp Niết Bàn. Ông ta còn xác nhận gò đất phía đông bắc làng Anirudhwa là cung điện của các tộc trưởng (vua) nước Mạt La thuở trước. Nhà khảo cổ Carlleyle cũng đồng ý với Cunningham như vậy.

Tại khu vực thứ nhất, Carlleyle đã đào thấy ngôi chùa và tháp Niết Bàn nói trên vào năm 1876. Ngôi chùa gồm có chánh điện và một hàng cột. Bức tường cao vẫn còn nhưng mái chùa thì đổ nát; bên trong có một pho tượng Phật dài 20 feet. Ngọn tháp được xây ngay phía sau chùa Niết Bàn và trong tình trạng hoàn toàn hư hoại. Mái tròn ở trên không có, chỉ còn lại chân tường.

Khu vực thứ hai hiện còn thấy di tích chính là ngọn tháp Makuta-Bandhana ghi dấu nơi hành lễ hỏa táng kim thân đức Phật cùng nhiều tượng Phật, Bồ tát và pháp khí cổ xưa khác.

C. NHỮNG ÐÓNG GÓP TRÙNG TU PHẬT TÍCH CÂU THI NA CỦA CHƯ TĂNG ẤN ÐỘ VÀ MIẾN ÐIỆN

Từ hậu bán thế kỷ 19 đến nay đã có nhiều chư Tăng đến thường trú tu học và truyền bá Phật giáo tại Câu Thi Na. Vị Tăng Ấn Độ đầu tiên đến đây ở luôn để hoằng pháp là Tỳ kheo Mahavira Swami. Năm 1858, sau một thời gian sang Tích Lan (Sri Lanka) xuất gia, nghiên cứu Phật pháp, năm 1890 đại đức trở về Câu Thi Na bấy giờ đang trong tình trạng đổ nát, và sống tại đây cho đến năm 1920. Đại Đức đã đứng ra lo việc trùng tu ngôi tháp Niết Bàn và xây cất lữ quán Dharmashala năm 1901 nhằm giúp du khách hành hương có nơi ăn ở khi họ đến chiêm bái Phật tích này. Người cúng tài chánh để kiến tạo lữ quán nói trên là đạo hữu Khezari Babu ở Arakan (Miến Điện). Năm 1902, Đại đức Mahavira Swami đã xây cất tại Câu Thi Na một ngôi chùa mới.

Công trình trùng tu thánh tích Câu Thi Na đã được tiếp nối bởi Đại đức Chandramani, sanh năm 1876 tại Akyab, quận Arakan, Miến Điện. Năm 1891, Đại Đức sang Ấn Độ tu học, và năm 1903 xuất gia thọ giới Tỳ kheo tại Chittagong (trước kia ở Đông Hồi quốc, nay thuộc nước Cộng Hòa Bangladesh). Sau đó, Đại Đức đến Câu Thi Na hoằng pháp. Năm 1910, Đại Đức đã kiến thiết thêm một lữ quán mới nhằm giúp phương tiện lưu trú cho du khách Phật tử hành hương đến viếng thăm nơi này từ các tiểu bang xa ở Ấn Độ cũng như ngoại quốc.

Năm 1924, lần đầu tiên Đại đức Chandramani đứng ra tổ chức đại lễ Phật Đản tại Câu Thi Na. Đại Đức cũng đã xây dựng tại đây trường tiểu học vào năm 1929, trường trung học Mahavira Vidyalaya năm 1934; và trường cao học Phật giáo (Buddha College) năm 1944. Đại đức Chandramani viên tịch ngày 08 tháng 05 năm 1972 và sự nghiệp hoằng pháp của Đại Đức ngày nay đang được tiếp nối bởi Tỳ kheo người Miến Điện, Đại đức Gyaneshwar.

X. CHÚNG TÔI ĐẾN CHIÊM BÁI CÂU THI NA

Câu Thi Na (Kusinàra) nơi đức Phật nhập Niết Bàn, trong thời gian gần 12 năm tu học tại Ấn Độ, chúng tôi đã có dịp đến chiêm bái nhiều lần. Muốn đến Câu Thi Na, địa điểm thuận lợi có đường bộ đi đến Phật tich này là thị trấn Gorakhpur. Sau khi đến New Delhi (phía bắc) hoặc Calcutta (miền đông) của Ấn Độ, quý vị dùng xe bus, xe lửa hoặc máy bay để đi Varanasi. Tới Varanasi, quý vị đáp tàu lửa đi Gorakhpur. Từ Gorakhpur đến Kusinàra xa khoảng 54 cây số, quý vị có thể đi xe bus.

Giờ đây, xin mời quý vị cùng đi với chúng tôi viếng thăm Phật tích Câu Thi Na. Lần cuối cùng trước khi rời Ấn Độ qua Mỹ, tôi đi chiêm bái thánh địa này vào hạ tuần tháng 10 năm 1975. Lúc ấy tôi đang học tại Đại học Ma Kiệt Đà (Magadha) ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), nơi đức Phật thành Đạo. Từ Bodh Gaya tôi lấy xe bus đi Gaya, xa độ 7 dặm mất nửa giờ. Tại Gaya, tôi đáp chuyến tàu lửa tốc hành “Howrah Delhi Kalka Mail” lúc 1 giờ 15 phút trưa để đi Varanasi. Đến Varanasi lúc gần 7 giờ chiều, tôi chờ tới 10 giờ đêm mới có chuyến tàu từ Varanasi đi Gorakhpur. Khoảng hơn 6 giờ sáng hôm sau tôi đến ga Gorakhpur. Sau khi dùng điểm tâm tại nhà ga, tôi ra bến xe bus mua vé để đi Kusinara (Câu Thi Na).

Rời Gorakhpur lúc 8 giờ sáng, gần trưa tôi mới đến Câu Thi Na, vì xe ngừng lại các nơi cho hành khách lên xuống nên phải mất nhiều thì giờ. Lần nào đi chiêm bái Phật tích Câu Thi Na lòng tôi cũng cảm thấy buồn man mác, nỗi buồn sâu đậm của người con nghĩ mình vô duyên bạc phước không được nhìn thấy mặt cha, đấng Từ Phụ Thích Ca trong giờ phút Ngài nhập diệt hơn 25 thế kỷ trước. Hôm nay, tôi trở về thăm mộ cha như để tìm lại những hình bóng cũ xa xưa, một thời dĩ vãng, ánh đạo vàng của đức Thế Tôn còn rạng ngời chói lọi trên khắp quê hương Ấn Độ.

Càng lên hướng bắc trời càng lạnh. Qua khung cửa xe, tôi nhìn thấy những tia nắng sớm cuối thu chiếu yếu ớt mờ nhạt qua những đám sương mù dày đặc. Trong số hành khách cùng đi chiêm bái với tôi hôm ấy, có nhiều chư Tăng, Phật tử Ấn Độ và Tây Tạng. Xe chạy càng nhanh, gió lùa vào khe cửa càng lạnh. Tôi ngồi sát gần hơn bên nhà sư Tây Tạng già, mặc chiếc y vải dày màu tím đỏ sậm để tránh bớt gió nơi gần cửa sổ. Mọi người đều im lặng ít nói như đang suy nghĩ điều gì. Khi gần đến Câu Thi Na xe chạy giữa hai bên toàn rừng cây Sa La rất đẹp.

Xe dừng trước cửa chùa Miến Ðiện, tôi cùng với các nhà sư Ấn Độ, Tây Tạng và một số hành khách xuống xe. Tôi mang hành lý vào chùa Miến xin ở lại. Chùa xây cất trên một khu đất rộng bên cạnh rừng Sa La. Vị trụ trì chùa này, từ trước năm 1910 là Thượng tọa U.Chandramani, người Miến Điện. Sau ngày Thượng Tọa viên tịch vào năm 1972, chùa được giao lại cho Đại đức Gyaneshwar, cũng người Miến chăm sóc. Chùa ngoài chánh điện còn có Tăng phòng, khách xá, nhà bếp và một trường tiểu học gồm năm lớp để dạy cho dân chúng địa phương.

Sau khi tắm rửa dùng cơm trưa và nghỉ ngơi giây lát đến xế chiều, tôi bắt đầu đọc tài liệu chỉ dẫn (bằng Anh văn) về thánh địa Câu Thi Na (Kusinara) trước khi khởi đầu đi thăm các di tích tại đây. Có thể chia di tích Câu Thi Na ra làm ba vùng:

a) Khu vực chủ yếu (Main Site) với ngọn tháp chính, chùa Niết Bàn và di tích các chùa tháp nhỏ xung quanh.

b) Đền Matha-Kuar, nơi thờ tượng Phật đá xanh.

c) Tháp Ramabhar, nơi cử hành lễ hỏa táng kim thân đức Phật.

A. KHU VỰC CHỦ YẾU (MAIN SITE)

Đây là khu vực quan trọng nhất gồm có các di tích sau đây:

1. Ngôi Tháp Chính (The Main Stupa)

Ngọn tháp đầu tiên do nhà khảo cổ Carlleyle khai quật tìm thấy vào năm 1876. Lúc bấy giờ ngôi tháp trông như một khối gạch lớn đang trong tình trạng lung lay sắp sụp đổ. Theo Carlleyle, ngọn tháp nguyên gốc chính xưa kia của nó có thể cao gần 150 feet. Ngôi tháp được xây trên một cái nền cao 9 feet, gồm có hai phần: phần dưới tháp có hình trụ cao 18 feet, phần trên là một đỉnh tròn trông như một cái vỏ (shell) cao 65 feet được kiến tạo bằng những viên gạch bể có kích thước khác nhau, nhiều tấm trên đó có chạm khắc trang trí với những hình thù hoa lá. Do đó, theo các nhà khảo cổ, nó không phải là ngôi tháp đầu tiên được xây cất ở đây mà trước kia chỗ này đã có cơ sở kiến trúc rồi.

Năm 1910, khi ông Hirananda Shastri cho đào một đường thẳng từ trên xuống đến giữa cái vỏ gạch, người ta đã khám phá thấy trên đỉnh của ngọn tháp được xây cất bởi những viên gạch có chạm trổ và một đồng tiền đồng thuộc triều vua Ấn Độ Jayagupta; ở phía dưới sâu gần 14 feet là một cái phòng nhỏ hình tròn bằng gạch, có đường kính cũng như chiều cao khoảng 2 feet 1 inch, bên trong chứa một cái bình bằng đồng, trên miệng bình có gắn một tấm đồng trên mặt có khắc bài kinh tiếng Phạn (Sanskrit) nói về lý “Thập Nhị Nhân Duyên” (Nidàna Sùtra) và ghi tên thí chủ là nhà sư Haribala, người đã cúng pho tượng Phật thờ ở chùa Niết Bàn vào thế kỷ thứ 5 sau tây lịch.

Trong bình còn thấy đựng cát lẫn với than cháy, ốc xa cừ, đá quý, đồng tiền bằng bạc, hạt ngọc và hai ống đồng; một ống có chứa tro, ngọc bích, một đồng tiền bằng bạc đúc dưới triều vua Ấn Kumaragupta I (413-455) và một ống bạc. Trong ống bạc này đựng một ống tròn bằng vàng, trong đó thấy chứa một vài chất có màu nâu lợt và hai giọt chất lỏng. Sự phát hiện đồng tiền bằng bạc đúc dưới thời vua Kumaragupta cho thấy phần trên của ngọn tháp đã được xây cất vào thế kỷ thứ 5 sau tây lịch.

Khi đào sâu xuống đến mặt đất, ông Hirananda Shastri còn tìm thấy một ngọn tháp cao 9 feet 3 inches và trên khám nhỏ phía tây bên ngoài tháp có tôn trí một pho tượng Phật trong tư thế Ngài ngồi kiết già thiền định bằng đất nung. Bên trong tháp, người ta còn tìm được một cái hủ nhỏ bằng đất và một vài hòn than củi, có thể đó là di tích giàn thiêu (hỏa táng) của các vị Tăng (nếu không phải là của đức Phật). Ngọn tháp này tương đối chưa bị hư hoại lắm, có thể nó mới được kiến tạo trễ hơn sau ngôi tháp chính (Main Stupa) nói trên.

Năm 1927, ngôi tháp được hoàn toàn trùng tu cao 75 feet và dưới nền tháp có chu vi rộng 165 feet với sự giúp đỡ đóng góp tịnh tài của các đạo hữu Miến Điện U Po Kya và U Po Hlaing. Bên trong tháp lớn này, một phòng nhỏ tượng trưng cho mô hình ngôi tháp chính gốc đầu tiên, được kiến tạo cao hơn mặt đất 20 feet. Sáng ngày 18-03-1927, một buổi lễ đóng cửa căn phòng này được trang nghiêm tổ chức dưới sự chứng minh của Thượng tọa U.Chandramani và 16 vị Tăng khác. Trước khi buổi lễ kết thúc, người ta đã mang vào an vị đặt trong mô hình tháp nhỏ này nhiều pháp khí bằng vàng, bạc, đồng và một tấm bảng đồng trên đó có khắc ghi về những công trình nghiên cứu, khám phá và trùng tu các chùa tháp tại Câu Thi Na của Viện Khảo Cổ Ấn Độ.

2. Chùa Thờ Tượng Phật Niết Bàn (The Nirvana Temple)

Chùa được xây cất giữa rừng Sa La trên nền gạch cao độ 2 thước ngay sát cạnh phía trước ngôi tháp chính (Main Stupa). Lối kiến trúc không giống các nơi khác, mái chùa là một vòng cung. Chùa có bề ngang rất hẹp, chỉ đủ để thờ một pho tượng Phật Niết Bàn. Màu vôi bên trong hòa với ánh sáng chiếu qua các cửa kính trên nóc khiến cho tượng Phật tăng thêm phần thiêng liêng huyền ảo.

Như đã nói trước, di tích ngôi chùa và pho tượng Phật Niết Bàn được nhà khảo cổ Carlleyle khám phá ra vào năm 1876. Khi đào một đường mương vào trung tâm của gò đất, đầu tiên ông ta tìm thấy một pho tượng Phật lớn trong tình trạng hư hoại được đặt nằm trên một cái bệ đá bị gãy. Nhiều mảnh vỡ của pho tượng đã bị thất lạc, và hình như pho tượng xưa kia đã được người ta dùng thạch cao để sửa chữa một lần. Về sau ông Carlleyle đã tìm thấy những phần gãy mất của pho tượng được chôn lấp ngay bên trong bệ đá. Nhờ có những mảnh bể này, ông ta đã ráp nối và sửa lại pho tượng cùng với bệ đá ở dưới theo đúng hình dáng kích thước đầu tiên của chúng, mặc dù một vài mảnh của pho tượng đã không còn.

Pho tượng dài khoảng 20 feet được được tạc làm ra từ một khối đá nguyên lấy ở Chunar. Đức Phật, trong tư thế nhập Niết Bàn, nằm nghiêng về hông bên phải, đầu quay về phía bắc, mắt nhìn về hướng tây. Nghệ thuật điêu khắc nổi tiếng của thợ Mathura (tiểu bang Uttar Pradesh, miền đông bắc Ấn) đã làm pho tượng trở nên linh động, có đầy đủ 32 tướng tốt và nét mặt Ngài biểu lộ được các đức tính từ, bi, hỷ, xả. Pho tượng đặt nằm trên một bệ gạch rộng dài 24 feet với bốn trụ đá nơi bốn góc. Các nhà khảo cổ tin rằng ngay vị trí nơi tượng Phật đang đặt nằm trong chùa hiện nay chính là chỗ xưa kia đức Thế Tôn đã nhập Niết Bàn.

Trên mặt phía tây của bệ gạch đằng trước đối diện với cửa chính đi vào, tôi thấy có ba khám nhỏ đục làm từ những phiến đá cứng, trong đó được thiết trí ba hình tượng người nổi cũng chạm khắc bằng đá. Hình phía trái là một tín nữ với búi tóc dài quấn trên đầu trong tư thế ngồi hai tay đưa ra trước để trên mặt đất, nét mặt tỏ vẻ đang khóc than buồn rầu. Hình phía mặt không rõ lắm, có thể là một thiện nam hay tín nữ, cũng lộ vẻ đau buồn qua dáng điệu đang ngồi đầu cuối xuống dựa nơi cánh tay phải. Hình ở giữa diễn tả một người đang ngồi kiết già, lưng quay ra ngoài đối diện với cửa đi vào và mặt nhìn hướng vào pho tượng Phật. Ngay dưới hình giữa này là tấm bảng trên đó có ghi khắc rằng pho tượng Niết Bàn nói trên đã do nhà sư Haribala dâng cúng cho chùa vào thế kỷ thứ năm sau tây lịch.

Về ba hình người đang khóc than, các nhà khảo cổ không xác định rõ được chúng tượng trưng cho nhân vật nào, nhưng riêng hình giữa thì họ bảo rằng có thể đó là biểu tượng cho thí chủ-Đại đức Haribala. Sau khi dọn dẹp những mảnh vụn xung quanh pho tượng, ông Carlleyle tìm thấy một điện thờ có mặt phẳng hình chữ nhật với một phòng ngoài phía trước cũng hình chữ nhật quay ra hướng tây. Bức tường của điện thờ dày gần 10 feet, bên trong dài 30 feet 8 inches và rộng 12 feet. Những bức tường xung quanh điện thờ, có một cửa vào từ hướng tây đều hư hoại. Phòng ngoài bên trong dài 35 feet 10 inches, rộng 15 feet và bức tường dày 4 feet.

Vào lúc dọn dẹp, ông Carlleyle cũng đã gặp thấy nhiều tấm ngói có bề mặt hơi láng và cong khiến ông tin rằng ngôi chùa xưa kia được xây cất với mái uốn hình vòng cung. Nhiều di tích và những mảnh gạch bể khác chỉ dẫn cho biết ngôi chùa cũng như phòng bên ngoài trước kia đều có một cửa chính vào từ hướng tây và một cửa sổ nơi mỗi bức tường ở phía nam và bắc. Phỏng theo các chứng tích này, ngôi chùa Niết Bàn đã được ông Carlleyle đứng ra sửa chữa hoàn toàn vào năm 1876.

Có giả thuyết cho rằng chắc chắn ngôi chùa do ông Carlleyla trùng tu không phải hẳn là ngôi chùa đầu tiên trong đó có thờ pho tượng Phật Niết Bàn do Đại đức Haribala dâng cúng vào thế kỷ thứ năm. Căn cứ vào chất liệu thạch cao dùng để sửa chữa pho tượng Phật cho thấy hình như ngôi chùa nguyên thủy có thể đã trải qua nhiều lần thay đổi trùng tu vào những thế kỷ sau này. Ngoài ra, người ta cũng tìm thấy các dấu tích của một ngôi chùa lớn và sớm hơn với những góc đục thủng vào sát cạnh các bức tường phía nam và bắc của ngôi chùa hiện tại chứng tỏ ngôi chùa lớn đầu tiên trong đó có thờ pho tượng Phật Niết Bàn đã có sẵn tại đây trước khi người ta xây cất ngôi chùa do ông Carlleyle sửa chữa hiện nay.

Tuy nhiên vẫn khó nói xác quyết rằng ngôi chùa trước tiên này cũng chính là ngôi chùa mà trong đó có tôn trí thờ pho tượng Phật và đã được ngài Huyền Trang chứng kiến vào tiền bán thế kỷ thứ bảy sau tây lịch. Còn ngôi chùa do ông Carlleyle khám phá và trùng tu chắc hẳn được kiến tạo sau này vào giai đoạn Phật giáo bắt đầu suy đồi tại Ấn Độ, có thể là khoảng sau thế kỷ 11 và 12.

Tháng 05 năm 1955, để chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm Phật Đản năm 2500, chính phủ Ấn Độ đã thành lập một ủy ban tái thiết các Phật tích tại Ấn Độ. Ủy ban này sau đó đã đề nghị nên sửa chữa lại chùa Niết Bàn và ngôi chùa đã được xây cất mới hoàn toàn năm 1956 như chúng ta thấy hiện nay.

-Bảy Ngày Tại Câu Thi Na

Chùa Niết Bàn tại Câu Thi Na (Kusinara) là nơi tôi đã đến chiêm bái ít nhất năm lần trong suốt thời gian gần 12 năm tôi sống tu học ở Ấn Độ. Tuy không quá đồ sộ về hình thức và tuyệt mỹ về nghệ thuật kiến trúc như các chùa ở những Phật tích khác, nhưng chùa Niết Bàn tại Câu Thi Na, giữa rừng Sa La yên tĩnh, xa cách thành phố đầy hương vị giải thoát đã gây nhiều xúc cảm cho đa số Phật tử từ khắp nơi trên thế giới đến hành hương chiêm bái. Suốt tuần lễ sống tại đây trong chuyến đi thăm viếng cuối cùng thánh tích này vào năm 1975 trước khi qua Mỹ, đã khiến tôi không bao giờ quên những giờ phút tâm hồn được sống thanh tịnh an vui bên rừng Sa La lịch sử, nơi chứng kiến đức Phật đã nhập diệt hơn 2500 năm trước.

Theo tôi, trong số các Phật tích tại Ấn Độ, không chỗ nào có cảnh trí vừa u buồn và tĩnh lặng dễ gây xúc động lòng người du khách hành hương bằng Câu Thi Na. Nhất là nếu quý vị có dịp đến đây vào buổi chiều khi mặt trời sắp lặn xuống núi, nhìn rừng Sa La như nhập chìm trong biển ánh sáng vàng mờ nhạt, đổi màu trên những lá cây, giữa khung cảnh tĩch mịch của núi rừng trùng điệp bao la. Âm thanh không phải là tiếng ồn ào xe cộ nhức óc của tỉnh thành hay nói cười huyên náo nơi phố chợ mà là tiếng chim hót dịu dàng thánh thót, tiếng động nhẹ của mấy con sóc nhảy hoặc những con khỉ mặt đen chuyền trên cành.

Như thường lệ, bất cứ đến viếng thánh tích nào, tôi đều dành nhiều thì giờ cho các buổi tụng kinh cầu nguyện và ngồi thiền. Đặc biệt tại Câu Thi Na, tôi trú tại chùa Miến Điện giữa rừng Sa La rất gần chùa Niết Bàn, đi bộ mất mười phút, cho nên ngày nào tôi cũng ra đó tụng kinh. Tôi thường ra sớm khi 7 giờ sáng vì lúc ấy chưa có nhiều du khách đến chiêm bái nên cảnh chùa rất yên tĩnh. Một điều lạ mà tôi nghĩ phần đông chư Tăng và Phật tử từ phương xa đến chiêm bái thánh tích này cũng đều như vậy, là rất dễ bị xúc động khi nhìn lên pho tượng Phật Niết Bàn.

Tôi không dám nhìn lâu bức tượng, vì nhìn hơi lâu một chút là trong lòng tôi cảm thấy xao xuyến, rất buồn và nước mắt chảy ròng ròng. Không có buổi tụng kinh nào tại đây mà tôi không khóc. Có khi tụng chưa hết bài chú đại bi là nước mắt tôi đã ràn rụa. Hay mới chỉ niệm được hơn mười danh hiệu: “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” thì không cách gì tôi niệm ra tiếng được nữa, vì lòng tôi quá xúc động và nước mắt ở đâu tự nhiên cứ chảy ra không ngăn được. Bấy giờ tâm trí tôi cứ tưởng nghĩ đến cảnh khóc lóc thảm thiết của các Đại đức A Nan, Ca Diếp, A Nậu Lâu Đà cùng hàng trăm ngàn chư Tăng và Phật tử trong giờ phút đức Thế tôn nhập diệt tại rừng Sa La và họ đành phải vĩnh biệt chia ly đức Từ Phụ cao cả. Lúc ấy tôi mới thông cảm được sự đau xót của Đại đức Tu Bạt Đà La (Subhadda), người đệ tử xuất gia cuối cùng của đức Phật vì không muốn chứng kiến cảnh đau thương chia ly giữa thầy trò mà ngài Tu Bạt Đà La đã viên tịch trước đức Thế Tôn.

Rất tiếc, với ngôn từ thế gian hạn hẹp, tôi không thể diễn tả hết được tất cả những niềm cảm xúc sâu xa mà lòng tôi đã trải qua trong những giờ phút chí thành tụng kinh niệm Phật bên cạnh pho tượng Phật Niết Bàn gần hàng chục năm trước tại Câu Thi Na. Không riêng tôi mà chư Tăng và Phật tử các nước khác: Tích Lan, Ấn Độ, Miến Điện, Trung Hoa, Tây Tạng, Nhật Bản, v.v…phần đông ai ai cũng đều có cảm giác buồn, ít nhất một lần nước mắt chảy ròng như vậy khi họ đầu tiên đến chiêm bái ngôi chùa Niết Bàn này. Tôi còn nhớ rõ, có lần tôi gặp một nữ Phật tử Tây Tạng còn trẻ, hôm ấy sau khi hành lễ tụng kinh xong, cô ta đã đến tận xa trong góc quỳ gối, đưa hai tay ôm bàn chân lớn của tượng Phật, đầu cô cúi xuống úp mặt trên bàn chân của Ngài để cầu nguyện rất lâu trong tiếng khóc nức nở qua đôi bờ vai rung rinh của cô chẳng khác gì đứa con đã khóc người cha thân yêu của mình vừa mới mất.

Điều đặc biệt tôi muốn nói thêm ở đây là nơi pho tượng Phật Niết Bàn hình như có ẩn chứa một cái gì hết sức thiêng liêng, mầu nhiệm huyền bí lạ lùng, không phải khi nhìn bức tượng tại chùa Niết Bàn ở Câu Thi Na, lòng quý vị mới thấy cảm xúc mà ngay đến cả chỉ nhìn hình ảnh của pho tượng Phật không thôi, quý vị cũng thấy dễ dàng xúc động. Thực vậy, trong những chuyến đi hoằng pháp trình chiếu bộ phim Dương Bản (color slides) và thuyết giảng về “Các Phật tích tại Ấn Độ” của chúng tôi từ trước đến nay do nhiều Chùa, Hội Phật Giáo tổ chức khắp nơi tại Hoa Kỳ và Gia Nã Đại (Canada), khi xem chúng tôi chiếu đến cảnh Phật tích Câu Thi Na với rừng Sa La và chùa Niết Bàn, phần đông Phật tử, nhất là quý vị lớn tuổi, ít ai có thể đè nén được sự xúc động và không chảy nước mắt khi họ nhìn thấy bức hình pho tượng đức Phật sơn son thếp vàng rực rỡ với nét mặt từ bi của Ngài đang nhập diệt hiện ra trên màn ảnh. Có nơi, nhiều Phật tử vì quá cảm động đã thành tâm hướng về bức hình tượng Phật Niết Bàn chắp tay cúi đầu quỳ xuống lạy ngay tại chỗ.

Tháng 11 năm 1987, khi tôi sang hoằng pháp tại Úc Châu (Australia) và Tân Tây Lan (New Zealand) gần hai tháng, trong buổi chiếu phim “Phật tích Ấn Độ” do chùa Quang Minh tổ chức tối chủ nhật 29-11-1987 tại trường Trung học Collingwood ở thành phố Melbourne (tiểu bang Victoria, miền nam Úc); cũng chính bức ảnh màu slide pho tượng Phật Niết Bàn tại Câu Thi Na đã gây xúc động cho hàng trăm khán giả chư Tăng Ni, Phật tử đến xem và nhiều vị đã khóc. Vào lúc ấy, Thượng tọa Thích Huyền Tôn, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Úc Châu và Tân Tây Lan, cũng cảm động đã yêu cầu tôi nên ngừng chiếu vài phút và sau đó do sự thỉnh mời của Thượng Tọa, tất cả bà con Phật tử trong hội trường đều hoan hỷ đứng dậy chắp tay hướng nhìn lên bức hình pho tượng Phật Niết Bàn trên màn ảnh để đồng niệm ba lần danh hiệu: “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” một cách trang nghiêm, thành kính.

Tôi hy vọng ngày nào có đủ duyên lành, quý vị sang Ấn Độ hành hương đến chiêm bái chùa Niết Bàn tại Câu Thi Na để chia xẻ với hàng chục ngàn người con Phật khắp nơi trên thế giới hằng năm đã từng đến thăm viếng thánh tích này, qua nỗi buồn đau xót và tiếng khóc của bản thân để được sống lại, dù chỉ bằng sự tưởng tượng trong tâm trí, cái giờ phút bi thương sầu não nhất của toàn thể chư Tăng và tín đồ đã phải ngàn thu vĩnh biệt chia ly đấng cha lành muôn thuở, hay nhìn cảnh đức Phật nhập Niết Bàn giữa hai cây Sa La hơn 2500 năm trước. Viết đến đây, ngay giờ phút này, giữa đêm khuya tĩnh lặng trong căn phòng bé nhỏ của Phật Học Viện Quốc Tế, tại North Hills (California), lòng tôi vẫn không khỏi xao xuyến, xúc động khi hướng về quê hương xứ Phật, cách xa Hoa Kỳ hơn nửa vòng trái đất, hồi tưởng nhớ lại những buổi sớm mai hàng chục năm trước, giữa rừng Sa La sương mù dày đặc, tôi đã yên lặng quỳ lễ hàng giờ và tụng kinh cầu nguyện bên cạnh pho tượng Phật trong ngôi chùa Niết Bàn lịch sử tại Câu Thi Na (Kusinara), xứ Ấn Độ thiêng liêng ngàn năm yêu dấu.

Tại khu vực chủ yếu (Main Site), ngoài ngôi tháp chính (Main Stupa) và chùa Niết Bàn nói trên, còn có những di tích chùa tháp sau đây mà chúng tôi muốn hướng dẫn quý vị đến viếng thăm:

3.Di Tích Các Chùa Tháp Ở Phía Tây Chùa Niết Bàn

Xung quanh ngôi tháp chính và chùa Niết Bàn là những kiến trúc bằng gạch khác, qua nhiều thế kỷ đã được thiết lập thêm sau này. Về hướng tây bắc sát cạnh ngõ vào chùa Niết Bàn, chúng tôi thấy những di tích kiến trúc được xây cất thấp hơn các cơ sở ở phía tây chùa Niết Bàn. Di tích này gồm có hai ngôi chùa có mặt phẳng dựng nên sát cạnh nhau. Trong khi đào bới, người ta đã tìm thấy tại đây một số đồ vật có ghi ngày tháng gồm một con dấu bằng đất nung, trên đó khắc hình kim quan của đức Phật giữa hai cây Sa La với hai hàng chữ “Đại Bát Niết Bàn” (Mahaparinirvana) và “Tỳ kheo Tăng già” (Bhikshu-Sangha), hai con dấu bằng đất khác trên đó cũng trình bày cảnh đức Thế Tôn nhập diệt và một tấm thẻ bằng đất nung có chạm hình tượng đức Phật Di Lặc (Maitreya). Tất cả những dòng chữ khắc trên các cổ vật đều thuộc thế kỷ thứ tư sau tây lịch. Một đồng tiền bằng bạc (có thể là của vị phó vương miền tây Ấn Độ), vài hình vật bằng đất nung bị bể, nhiều đồ gốm, và một lư hương có hình miệng cá sấu cũng tìm thấy ở đây. Căn cứ vào lớp đất sâu mà những cổ vật trên được khám phá chỉ dẫn cho biết rằng hai ngôi chùa này xây cất khoảng trước thế kỷ thứ 4 sau tây lịch.

Về hướng tây trước ngôi chùa kể trên chúng tôi nhìn thấy di tích một cơ sở kiến trúc khá lớn có chiều dài 360 feet, rộng 150 feet vuông. Nó là ngôi chùa lớn nhất tìm thấy ở đây gồm có thực ra không phải một mà là hai ngôi chùa được xây cất vào các thời kỳ khác nhau. Cái sau này được kiến lập trên nền tảng phế tích của cái trước với một vài phần thêm vào và sửa chữa. Cái trước đó được xây dựng trên nền đất thấp hơn gồm có một cái sân rộng lát gạch và một cái giếng tròn hiện đang còn nằm về hướng bắc. Bao bọc xung quanh bốn phía chùa là các dãy hành lang rộng 10 feet và những căn phòng nhỏ với kích thước khác nhau dùng làm chỗ ở cho chư Tăng. Các phòng và hành lang đều có nền đúc bê tông.

Mặt chùa quay ra hướng đông với một cổng vào hai bên có hai tháp nhỏ và nền cũng đúc bê tông. Vách tường chùa lớn và rất dày chứng tỏ chùa có xây nhiều tầng ở trên. Trong khi đào bới người ta đã tìm thấy nơi đây một giếng nước cũ, một con dấu có chạm khắc bằng đất nung được làm vào năm 900 sau tây lịch và nhiều con dấu khác cũng bằng đất trong những đống mảnh vụn phủ lấp nơi sân chùa. Điều này cho thấy ngôi chùa đã được xây cất khoảng thế kỷ thứ 8 và bị bỏ phế sau năm 900.

Vào thế kỷ sau người ta đả san bằng những mảnh vỡ di tích của ngôi chùa cũ và tái thiết trên đó một ngôi chùa mới có nền cao gần 6 feet. Nhiều viên gạch có chạm khắc và những vật liệu của ngôi chùa cũ các thợ dùng để xây cất ngôi chùa sau này đã được tìm thấy nơi bức tường của ngôi chùa mới. Dọc theo vách tường phía nam của chùa này là những cơ sở khác tạo thành một khối vững chắc gồm có bốn kiến trúc tượng trưng cho bốn ngôi chùa riêng biệt nhưng nối liền nhau và có kích thước cũng khác nhau. Trong bốn ngôi chùa này, ngôi chùa ở hướng đông bắc nằm đối diện ngay trước chùa Niết Bàn. Chùa có một sân vuông với một giếng tròn ở giữa và xung quanh bốn phía có mái hiên che và những dãy buồng nhỏ. Ngôi chùa về hướng tây gồm có một sân trống, ở giữa là một cái hồ hình chữ nhật và có các phòng nhỏ nơi hai dãy phía tây và bắc của chùa.

Trong khi đào bới ở hai chùa này, người ta đã tìm thấy các con dấu bằng đất nung thuộc thời đại Gupta (thế kỷ thứ 4 và 5 sau tây lịch), những cái bình bằng kim loại cùng nhiều đồ vật khác tại nền chùa và trong cái giếng nói trên. Về hai ngôi chùa kia, một cái nằm ở địa điểm trung tâm gồm có một cái sân hình chữ nhật với các dãy hành lang thuộc phía đông, bắc, tây và một dãy phòng nằm về hướng tây và đông ngôi chùa. Tiếp giáp với chùa này xa hơn về phía nam là một ngôi chùa khác to lớn hơn rộng 110 feet vuông có một cái sân lát gạch, xung quanh bốn phía được bao bọc với các hành lang và những dãy nhà, mỗi bên gồm năm phòng nhỏ, nền đúc bê tông. Chùa có mái bằng và cong nhìn ra hướng đông.

Trong lúc đào bới, người ta tìm thấy một số cổ vật có chạm khắc và ghi ngày tháng gồm có một đồng tiền vàng thuộc triều vua Ấn Chandragupta II (thế kỷ thứ 4 và 5). Trong một của những phòng nói trên, nhân viên khảo cổ còn đào thấy một mảnh bia ký của triều đại Kushan (thế kỷ thứ nhất sau tây lịch), nhiều mảnh vỡ của một tượng Phật đứng làm bằng đá đỏ ở vùng Mathura (tiểu bang Uttar Pradesh, miền đông bắc Ấn), phía dưới trên bệ của tượng Phật có ghi khắc cho biết pho tượng do nhà sư Haribala đặt làm ra vào thế kỷ thứ năm sau tây lịch. Những chứng tích này cho thấy bốn ngôi chùa trên được xây dựng vào thế kỷ thứ nhất và bị tàn phá khoảng vào năm 600.

4. Di Tích Các Tháp Ở Phía Nam Chùa Niết Bàn

Phần lớn di tích ở vùng này là những ngôi tháp (stupas) nhỏ được thiết lập do bởi các du khách Phật tử hành hương thành tâm đến chiêm bái Câu Thi Na. Trong số đó, có hai ngọn tháp khá nổi bật nhất vì trên những cột tháp được chạm khắc, trang trí rất đẹp và nền tháp có chạy các đường viềng. Ngoài ra, về hướng bắc của những tháp nhỏ này, chúng tôi thấy một kiến trúc hình chữ nhật nằm sát cạnh cái nền của ngọn tháp chính (Main Stupa) và chùa Niết Bàn. Bên trong cấu trúc đó là một khối gạch hình chữ nhật mặt bằng phẳng trông giống như chiếc quan tài hay ngôi mộ. Ngõ vào kiến trúc này từ hướng tây rộng 5 feet 2 inches, hai bên nơi góc có thiết trí những tượng Phật bằng đất nung.

5. Các Di Tích Ở Phía Ðông Chùa Niết Bàn

Di tích quan trọng nhất ở đây là kiến trúc có hình như cái bục giảng (platform) bằng gạch. Nó gồm có hai tầng. Tầng thấp rộng 90 feet vuông. Tầng trên nhỏ hơn, xung quanh có bờ lề lát gạch tạo thành lối đi nhỏ rộng 12 feet. Vách tường của nền đất thấp để trơn trong khi bức tường của nền đất cao có vẽ những đường viềng với các dãy cột được trang trí rất mỹ thuật, trong đó một vài cái vẫn đang còn dấu tích. Hình như có một tầng thứ ba nhỏ hơn ở trên, nhưng hiện nay nó không còn trông thấy. Thật khó biết kiến trúc thiêng liêng này biểu tượng cho cái gì, nhưng các nhà khảo cổ tin rằng xưa kia có thể một ngọn tháp đã được thiết lập tại nơi đây. Mặc dù người ta tìm ra một pho tượng thần Ganesa của Bà La Môn giáo, nhưng không có chứng tích gì cho thấy ngày trước đã có chùa xây cất ở chỗ này. Trong sách ký sự của ngài Huyền Trang cũng không thấy nhắc đến kiến trúc nói trên; do đó, có thể nó được tạo dựng vào khoảng sau thế kỷ thứ bảy.

Nơi góc hướng tây bắc của kiến trúc này, chúng tôi thấy một cái phòng nhỏ dài 9 feet 7 inches, rộng 8 feet 4 inches được xây bằng loại gạch lớn, viên gạch lớn nhất dài 19 inches, rộng 10 inches, dày 3 inches hoặc dài 18 inches, rộng 10 inches, dày 2 inches 3 phần 4 giống như loại gạch đúc vào thời đại Mauryan (thế kỷ thứ 3 trước tây lịch). Vách tường chỉ còn lại ba hàng gạch có bề dày 19 inches. Người ta đã đào thấy tại đây tám đồng tiền đồng, đúc làm ra dưới thời Vua Ấn Độ Ca Nị Sắc Ca (Kanishka: 120-144) và bốn đồng thuộc triều vua Kadphises II (78-110) trộn lẫn với than củi, chứng tỏ cơ sở này đã bị tàn phá vào thời đại Kushan (48-220).

6. Các Di Tích Ở Phía Bắc Chùa Niết Bàn

Về hướng bắc của phòng nhỏ trên có thể thuộc thời đại Mauryan (thế kỷ thứ 3 trước tây lịch), chúng tôi thấy một số tháp nhỏ do các nhà hành hương đến chiêm bái Câu Thi Na thiết lập nên những tháp ở phía nam chùa Niết Bàn. Về hướng tây của các tháp nhỏ này, nơi tầng đất thấp, có phế tích của hai điện thờ hình vuông với bức tường chạy dài từ bắc xuống nam, tiếp giáp với cái nền của ngôi tháp chính (Main Stupa) đã nói trước. Nghiên cứu những kiến trúc chồng chất lên nhau, các nhà khảo cổ tin rằng việc kiến tạo những điện thờ này đã xảy ra rất sớm, có thể vào thời đại Mauryan (thế kỷ thứ 3 trước tây lịch). Các vách tường ở đây cũng được xây với loại gạch lớn của triều đại Mauryan. Ngoài ra, người ta còn đào thấy một bức tượng nhỏ hình phụ nữ bằng đất nung được tạo tác vào thế kỷ thứ nhất sau tây lịch và một mảnh vỡ bia ký bằng đá thuộc thế kỷ thứ năm sau tây lịch.

Xa hơn về phía bắc có một dãy kiến trúc giống như các ngôi chùa ở hướng tây cạnh chùa Niết Bàn (Nirvana Temple). Đây là hai ngôi chùa riêng biệt, hướng nam của chúng đối diện quay về phía chùa Niết Bàn và ngôi tháp chính. Trong hai chùa này, cái phía tây, ở giữa có một hồ nước hình vuông với tường thấp bao bọc xung quanh và nền lát gạch. Bốn phía hồ đều có mái hiên và các buồng nhỏ. Cổng vào chùa ở hướng nam, hai bên có hai phòng nhô ra. Còn cái phía đông chưa được khai quật hết, nhưng có thể cũng giống cơ cấu kiến trúc của chùa phía tây. Tại giữa chùa, người ta đào thấy những con dấu có chạm khắc bằng đất chứng tỏ cho biết hai chùa này được kiến tạo vào thế kỷ thứ 9 hoặc 10 sau tây lịch.

Rất xa về hướng đông của khu vực chính (Main Site) chúng tôi thấy phế tích của một kiến trúc độc lập, nhưng đặc biệt kiến trúc này quay mặt ra phía đông chứ không phải đối diện với ngôi tháp chính (Main Stupa) như hai chùa vừa kể trên. Hơn nữa, không như các chùa khác, nó không có khoảng trống cái sân ở giữa mà chùa lại có một hội trường lớn đứng riêng biệt, rộng 30 feet vuông với một cổng vào nơi hướng bắc và hai cửa sổ ở hai phía kia. Mục đích của phòng lớn này dùng để làm gì, không được rõ lắm; tuy nhiên, các nhà khảo cổ tin rằng có thể đó là nơi hội họp của chư Tăng hằng tuần để nhắc nhở sách tấn nhau trong việc tu hành. Khi đào bới ở đây, người ta chỉ tìm thấy một tấm gạch bằng đất nung, trên đó có khắc ghi lời Phật dạy cho thấy ngôi chùa được thiết lập vào thế kỷ thứ 10 hay 11 sau tây lịch.

B. ĐỀN THỜ (SHRINE) MATHA-KUAR

Nằm cạnh đường đi, cách xa khoảng hơn 200 thước về hướng tây nam của khu vực chính (Main Site) là đền Matha-Kuar, bên trong có thờ một pho tượng Phật lớn mà dân địa phương gọi tên Matha-Kuar, có nghĩa là “hoàng tử chết”. Pho tượng Phật cao 3,05 mét được tạc làm ra từ một khối đá xanh ở vùng Gaya (tiểu bang Bihar, miền đông bắc Ấn). Bức tượng diễn tả khi đức Phật đang ngồi thiền định dưới gốc cây Bồ đề. Dưới bệ tượng Phật gắn một tấm bảng có khắc chữ tuy đã mờ nhưng còn đọc được niên đại vào thế kỷ thứ 10 hoặc 11 tây lịch. Pho tượng khi đào thấy bị bể làm hai mảnh và được sửa chữa đặt lại nơi vị trí cũ của nó. Năm 1927 đền thờ được trùng tu làm mới lại nhờ sự đóng góp tài chánh của hai Phật tử người Miến, U-Po Kya và U-Po-Hlaing.

Đền thờ này đầu tiên do ông Carlleyle khám phá ra vào năm 1876. Căn cứ vào những cuộc khai quật, nghiên cứu gần đây cho thấy nó không phải là một kiến trúc độc lập mà là một phần của ngôi chùa lớn hơn bên ngoài chiều dài đo được 114 feet. Ở giữa chùa có sân trống rộng 44 feet vuông, bao bọc xung quanh bởi những hành lang có bề ngang rộng 8 feet 6 inches và bốn phía đối diện với các dãy phòng. Mặt tiền chùa quay ra hướng đông. Tại đây người ta không đào thấy những cổ vật gì quan trọng, ngoại trừ một vài con dấu bằng đất nung trên có khắc hình tượng Phật làm vào thế kỷ thứ 10 hay 11 và những pháp khí nhỏ khác. Ngoài ra, một mảnh bia ký cũng được tìm ra tại nơi này cho biết ngôi chùa và đền thờ liên hệ được kiến tạo dưới triều các vua Kalachuris (1015-1181) trị vì vương quốc Chedi của Ấn Độ.

Đặc biệt ngôi chùa trên, theo các nhà khảo cổ, là một phần của nhiều kiến trúc phụ thuộc khác được thiết lập bao quanh ngôi tháp chính (Main Stupa) và chùa Niết Bàn, bằng chứng là hiện còn di tích một bức thành rộng lớn chạy bọc quanh những cơ sở chùa tháp ở trên. Bức thành này hiện còn hoàn toàn nằm ẩn dưới các cánh đồng xung quanh, được xây cất bằng những đống gạch vụn chiếm vòng quanh một khoảnh đất rộng 36 mẫu Anh (acres) có hình thoi, bốn cạnh bằng nhau, mỗi chiều dài khoảng 1,250 feet, với ngõ vào rộng 11 feet 10 inches nằm trên vị trí nửa phía đông của bức thành hướng nam, không xa góc đông nam. Vì không tìm thấy lối vào nào khác ở các hướng kia nên người ta tin rằng đây là cổng chính đi vào khu vực chùa tháp bên trong vùng đất này. Đến nay chưa đầy 1 phần 3 mới được khai quật khám phá, và nhiều phế tích chùa tháp khác hiện đang còn nằm ẩn dưới khu đất này chưa được đào lên.

C. THÁP RAMABHAR, NƠI CỬ HÀNH LỄ TRÀ TỲ, HỎA TÁNG KIM THÂN ĐỨC PHẬT (CREMATION STUPA)

Cách xa khoảng 1.60 cây số về hướng đông đền Matha-Kuar trên con đường từ thành phố Kasia đi Deoria chúng tôi thấy một ngọn tháp được xây trên một gò đất mà theo kinh sách Phật giáo tiếng Pali (Nam Tông), tháp có tên là Makuta-Bandhana nằm bên cạnh hồ Ràmabhàr Jhil, nước khô về mùa hè. Nguồn gốc cái tên gọi Ràmabhàr nhằm chỉ cho hồ nước hay gò đất đến nay các học giả vẫn chưa trả lời được, và cũng khó giải đáp thỏa đáng ý nghĩa của danh từ này có liên quan thế nào đến biến cố nhập Niết Bàn của đức Phật. Tuy nhiên, căn cứ vào các dòng chữ đặc biệt ghi khắc tìm thấy tại phế tích này, các nhà khảo cổ tin rằng đây chính là ngôi tháp Makuta-Bandhana, nơi hơn 25 thế kỷ trước tại Câu Thi Na đã cử hành lễ hỏa táng kim thân đức Phật.

Năm 1857, lần đầu tiên một nhân viên chính phủ Ấn Độ đã đến thực hiện công tác đào bới trên đỉnh gò và kết quả thế nào không ai biết. Năm 1861-1862, ông A.Cunningham, nhà khảo cổ người Anh đến cố gắng tiếp tục đào tìm, nhưng nửa chừng cũng bỏ dỡ. Đến năm 1910, ông Hirananda Shastri thực hiện một công tác nghiên cứu khác bằng cách cho đào một đường từ trung tâm gò đất xuống sâu tới 5 feet dưới mạch nước, và đã tìm thấy một cái nền gạch với những góc cạnh của các bức tường, nhưng ông cũng không rõ kiến trúc này là cái gì. Rồi ông tiếp tục đào bới một phần của mặt phía đông gò đất và khám phá ra đó là một ngôi tháp có hình cái trống tròn rất lớn, đường kính rộng 34,14 mét, xây trên một cái bệ tròn gồm có hai hay nhiều tầng với đường kính ở nền tháp rộng 47,24 mét.

Về kích thước, ngọn tháp này lớn gấp hai ngọn tháp chính (Main Stupa) ở khu vực chủ yếu (Main Site). Trong khi đào bới, người ta tìm thấy hàng trăm con dấu bằng đất nung trên có khắc những lời Phật dạy bằng chữ viết thời trung cổ. Căn cứ vào kích thước khác nhau của những viên gạch và các di tích khám phá thấy phía dưới nền tháp chứng tỏ rằng ngôi tháp này đã trải qua nhiều giai đoạn sửa chữa và trùng tu. Vào năm 1956, toàn bộ nền tháp đã được phát hiện và nhiều con dấu bằng đất nung như trên cũng đã tìm thấy, xác nhận cho biết đây là nơi xưa kia đã cử hành lễ trà tỳ, hỏa táng kim thân của đức Phật./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kusinagara by D.R.Patil, Department of Archaelogy, Delhi, India, 1957.

2. Buddhist Shrines in India by Ministry of Information, Government of India, Delhi, 1968.

3. Buddhism in Modern India by Dr.D.C.Ahir, Nagpur, India, 1972.

4. Development of Buddhism in Uttar Pradeshby Dr.Nalinaksha Dutt & Dr.K.Datta Bajpai, Luchnow, India, 1956.

5. A History of The Guptas: Political and Culturalby R.K.Dwivkdi & D.L.Vaish, Allahabad, India, 1985.

6. Buddhist Centres in Ancient India by Dr.B.Nath Chaudhury, Calcutta, India, 1969.

7. Glimpses of Buddhismby N.Ramesan, M.A., Andhra Pradesh, India, 1961.

8. Buddhist Monumentsby Debala Mitra, M.A., Calcutta, India, 1971.

9. Buddhist Remains in Indiaby Dr.A.C.Sen, New Delhi, India, 1956.

10. Ancient India by Dr.R.C.Majumdar, Delhi, India, 1968.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/07/2011(Xem: 5982)
Du khách đến Dubai sẽ được chiêm ngưỡng một tác phẩm tuyệt vời của bàn tay con người. Đó là khu vườn 65 triệu bông hoa trong khí hậu khắc nghiệt của sa mạc.
14/07/2011(Xem: 12972)
Ngài giáng sinh nơi vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini), thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), thuyết bài Pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển (Sarnath) và nhập Niết Bàn tại Câu Thi Na...
09/07/2011(Xem: 13002)
Có lẽ danh từ “Phật đảo“ tôi dùng cho xứ đảo Đài Loan có hơi lạ tai với các bạn, vì từ đó đến giờ ta chỉ nghe nào là “Hải đảo chiều mưa“ hay “Ốc đảo cô đơn“, chứ chưa ai dám dùng từ chứa nhiều cường điệu như thế! Nhưng quả thật là như thế các bạn ạ! Một cụm đảo gần chín mươi chín hòn nhỏ to đủ cỡ, không lấy gì làm lớn cho lắm nằm chơ vơ giữa biển mà đi đến đâu cũng thấy những tượng Phật vĩ đại và Chùa chiền với tầm vóc đáng ngại, nhìn vào phải bái phục khen thầm, ấy là chưa kể tinh thần tu học nghiêm mật và trật tự của Phật tử Đài Loan.
07/07/2011(Xem: 6792)
“Đông du” ngày nay đã trở thành một từ quen thuộc. Không chỉ đối với các nhà thám hiểm, khách du lịch, người khảo sát văn hóa, mà cả những nhà khoa học, nhà triết học.
30/06/2011(Xem: 9417)
Từ ngày tôi được quy y thọ tam quy ngũ giới với Sư phụ tôi, được Người truyền cho Giới Hương đầu tiên trong ba nén hương Giới Định Huệ; đến nay đã gần 14 năm, nhưng tôi chưa bao giờ có nhân duyên được theo Thầy đi hành hương đến một xứ sở nào. Nếu phải nói lý do tại sao? Thôi thì đành dùng tạm bốn chữ “chưa đủ nhân duyên“.
06/05/2011(Xem: 4770)
Kumbhalgarh - Vạn Lý Trường Thành của Ấn Độ Nằm phía tây Ấn Độ, pháo đài Kumbhalgarh là thành trì quan trọng thứ hai dưới triều đại Mewar, được xây dựng từ thế kỷ 15 và mất cả trăm năm để hoàn thành.
04/05/2011(Xem: 4001)
Lâm Tỳ Ni đã từng là nơi mà những nhà chiêm bái học giả như Ngài Pháp Hiền vào thế kỷ thứ V và Ngài Huyền Trang vào thế kỷ thứ VII...
26/04/2011(Xem: 18875)
Những công trình đồ sộ được xây bằng tay, không hề có sự hỗ trợ của máy móc, xe kéo, thậm chí cả dụng cụ kim loại nhưng có sức sống cả ngàn năm
21/03/2011(Xem: 12597)
Ở xứ Tây Tạng, tạo hóa và dân sự dường như bảo nhau mà giữ không cho kẻ lạ bước vào! Núi cao chập chùng lên tận mây xanh có tuyết phủ...
18/03/2011(Xem: 5302)
Đây là một cuốn nhật ký ghi chép cuộc hành trình đi về Ấn Độ để học đạo. Tác giả nhân khi chùa Văn Thù Sư Lợi tổ chức chuyến đi hành hương các Phật tích tại Ấn đã tháp tùng theo...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]