Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 4: Trở ngại trên đèo cao

21/03/201105:25(Xem: 7123)
Chương 4: Trở ngại trên đèo cao

DU LỊCH XỨ PHẬT
Tác giả: Montgomery Mc. Govern, Đoàn Trung Còn dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

Chương 4: Trở ngại trên đèo cao

Một hôm, nhằm ngày 19 tháng 1 năm 1922, chúng tôi dừng lại nghĩ gần đồn Tsontang. Chỗ này quân lính canh tuần nghiêm ngặt lắm. Ai đi qua họ đều chận lại mà xét giấy và ghi tên. Tôi không muốn cho họ gặp, nên trời chưa sáng đã vội lên đường. Tôi van vái chư Phật xin phò hộ để tránh khỏi bọn lính canh. Chắc rằng nhờ vậy nên đi được bình yên vô sự. Về sau, tôi nghe rằng chính phủ trung ương hay được tin tôi vào Tây Tạng nên đã bắt ông cảnh sát trưởng đồn Tsontang đưa ra Hội đồng quân vụ xử lột chức đuổi về làm dân.

Chúng tôi đi ngang sông Tista, chỗ này có truyền thuyết trong lịch sử Tây Tạng. Sông chảy rất mạnh. Đứng trên cầu trông xuống lấy làm đáng sợ. Ngày trước, người ta đem những tù nhân bị xử tử hình ra đây mà giết. Họ bắt tù nhân đứng trên cầu, rồi xô xuống, tù trôi theo nước mà chết. Bọn nhà quê ở gần còn nói rằng đôi khi họ có nghe tiếng than khóc, chính là tiếng khóc của hồn ma những tù bị tử hình.

Qua khỏi làng Tsontang tức là vào địa phận xứ Tây Tạng.

Càng vào sâu bên trong, càng leo nhiều núi. Núi cao, đèo cả, truông hiểm nguy chạy dài trên tám chục cây số. Ở đây, cũng có riêng một đoàn dân, gọi là dân ở đèo, người Lapas, họ nói tiếng khác và có tập tục riêng, phần đông chuyên nghề nuôi bò Yak, giống bò đặc biệt của xứ này.

Nhiều chỗ có nước đóng băng, tuyết phủ cao như mấy hòn núi, chúng tôi phải dè dặt từng bước. Cảnh lạ, xem đẹp lắm. Nhưng phải đi bộ, vì ngồi trên ngựa không được. Gần tới làng Lachen, chúng tôi che trại trên tuyết, vì sợ bị chận nghẹt trên đèo.

Ngày 20 tháng 1, chẳng tiến được chút nào. Mấy con thú mệt đừ, còn người thì hết đồ ăn, phải ở lại mua thêm. Gần đến lúc tôi phải thú thật cho những người toi thuê đi theo biết, nhưng chưa dám tỏ thật rằng tôi muốn đến Lhassa. Tôi nói với họ rằng tôi muốn viếng làng Kampa-Dzong bên Tây Tạng, làng ấy còn cách chẳng bao xa. Họ nghe, lấy làm sợ sệt, cùng nhau bảo rằng đèo đã bị tuyết phủ hết rồi. Tôi quyết đi nên nói rằng hễ chừng nào đi không được nữa thì sẽ trở lại. Họ ép lòng nghe theo, nhưng họ muốn tôi hứa rằng tôi sẽ cúng vào chùa La-chen một số tiền khá lớn để nhờ vị sư trưởng dẹp tuyết cho trống đường. Ai cũng tưởng hạng thầy tu có phép sai khiến cơ trời, và ai cũng đồn rằng sư trưởng chùa La-chen có phép làm cho tan tuyết và hết mưa. Tôi không muốn tin theo họ, nhưng cũng hẹn chừng trở về mà không có tuyết, đi được như thường thì sẽ cúng dường ông Lạt-ma chùa La-chen.

Đến xế chiều xảy ra một việc rủi, khiến cả bọn đều lo sợ. Ngựa và la đi ăn cỏ mấy chỗ tuyết chưa kịp phủ, giây lát đều coi ra thê thảm lắm. Mấy người theo tôi không lấy làm lo. Họ nói rằng tại ăn phạm một thứ cỏ độc thường mọc trong xứ, nếu không cho giải thì chết, chỉ có đường là cứu được thôi. Tôi nghe lời đem lấy đường cho thú ăn. Ngựa là la đều khỏe lại như thường. Kế tôi sai mấy người ở vào làng La-chen mà mua đồ ăn và dặn phải giữ kín cuộc hành trình. Phải chi bọn họ kín miệng thì đã êm. Hóa ra đã kiếm mua không được đường thì thôi đành nhịn (vì người Tây Tạng không dùng đường), chàng Sa-tăn lại gặp người quen bèn đem câu chuyện đi đường mà thuật, lại còn bảo người kia thề chớ hở môi.

Tôi hay tin ấy giận lắm. Đây rồi bên thành Gantok, kinh đô xứ Sikkim, họ sẽ hay ra rằng tôi đã đến xứ Lachen. Kế đến, kinh đô Tây Tạng là thành Lhassa hẳn cũng sẽ biết luôn. Tôi vừa nghe thì sửng sốt đến nổi không ăn uống được. Đến sáng sớm liền ra đi, kẻo trể thì e dân đồn ra và quan chức sẽ đến chận đường.

Nhiều điều đáng sợ dồn dập thêm. Tuyết xuống càng nhiều, trời xem ra u ám lắm, thấy biết rằng bão đã sắp đến. Nhưng cần hơn hết là phải qua đèo trước để tránh bão. Tôi không còn biết sợ tuyết một khi đã lên đến miền cao nguyên. Mấy con la cũng khỏe lại nên đi mau. Nhưng ngựa còn mệt, mình phải đi chân và dắt chúng theo sau. Đi rất chậm, vì phải vừa đi vừa vẹt tuyết hai bên. Ở đây, cao đến bốn ngàn mét so với mực nước biển. Nếu trong người mệt nhọc thì khó mà chịu nổi với độ cao này. Còn nếu lướt núi cỡ này mà không chóng mặt, say núi thì về sau có thể trèo núi cao đến sáu, bảy ngàn mét một cách dễ dàng. Đi càng lên cao, anh chàng Sa-tăn bị nhức đầu, chóng mặt và lùng bùng lỗ tai. Chàng ta lại bị ngợp mũi, nhưng cho ăn mấy tép tỏi, vừa nhai thì đã khỏi liền.

Tới làng Tangu, chỗ này qua mùa hạ có người ở, nhưng mùa đông thì họ đi, chỉ còn có hai viên quan ở coi giữ đồn mà thôi. Chúng tôi cố đi tránh đường, để họ không gặp cũng đỡ lo. Việc đi đường cứ trở ngại mãi. Được một quãng thì đường lẫn với dốc núi triền xuống, trên mặt đầy tuyết, không biết làm thế nào mà đi được. Ngựa và la cứ té mãi, đồ đạc cũng rớt theo. Mấy người của tôi vịn lại, chụp đồ, té nhào theo và la khóc om sòm. Tôi phải kiên nhẫn lắm mới sắp xếp lại cho có trật tự, rồi xẻ đường trên tuyết mà đi. Phải dắt ngựa và la rất nhọc mệt cho đến nổi vừa qua khỏi đoạn này thì chúng tôi đều kiệt sức. Tôi liền ra lệnh che trại mà nghỉ.

Con ngựa của anh chàng La-ten già rồi, bộ dạng như gần chết. Nó đứng dựa vào một gốc cây èo ọt, vì nơi đây cũng còn vài cây núi lơ thơ. Ngựa không ăn uống gì nữa. Tôi bắt chước theo người bản xứ, cho nó uống trà với rượu mạnh. Nhưng không công hiệu gì, nó lại hất bể cái chai cuối cùng của tôi. Như vậy, nó sẽ không thể làm bạn đường cùng chúng tôi được nữa.

Cả bọn mệt lắm, không ai che trại nổi, đành phải ngủ ngoài trời. Sáng mở mắt thấy tuyết sa, tôi lấy làm sợ. Ban đầu ngỡ là ít, nhưng giây lát lại thêm nhiều. Tuyết phủ trên mình, tôi lấy làm dễ chịu lắm. Trọn đêm chịu lạnh, bây giờ tuyết phủ lên như nằm đắp một cái mền. Tôi không muốn dậy, chỉ xoi thủng một lỗ trên mặt vừa đủ thở thôi. Mấy người theo tôi đều sửng sốt, họ ngỡ rằng tôi bị tuyết lấp chết rồi. Tôi để cho họ than khóc một lúc rồi mới chui đầu lên. Cả bọn ngạc nhiên và tưởng rằng tôi có phép thần. Trong một lúc, họ coi tôi như là một vị tiên thánh chi vậy.

Tuyết đóng càng thêm cao, không thấy cả đến một cái chòi để trú tạm. Đi thì khó mà ở cũng không tiện. Muốn cho xuôi chuyện thì hẳn phải đi tới liền, còn trở lại thì phía sau tuyết đã đóng nhiều hơn trước bội phần. Mấy người theo tôi đều đồng ý rằng nên đi đến Tangu, sẽ xin tá túc ở nhà mấy vị quan cai trị. Nhưng tôi không thể chấp thuận đề nghị ấy. Là vì nếu tới đó thì tôi trông gì đi đến kinh thành Lhassa. May thay, tôi nhớ lại mấy lời người ta chỉ dẫn lúc trước, ở khoảng giữa hai xứ Lachen và Tangu có vài cái chòi để cho thú tránh nắng mùa hạ. Họa may lại đó mà trú đỡ cũng được. Cùng nhau ra đi, thật khổ sở vì đường đã bị tuyết lấp mất. Mãi xế chiều mới đến được một cái chòi. Chúng tôi xô cửa bước vào, tuy xấu mà ai nấy đều lấy làm thích. Lại may có vài khúc củi, bèn đốt lửa lên và cùng sưởi với nhau.

Qua hôm sau, 23 tháng 1, trời tốt nhưng tuyết cứ rơi mãi, không trông gì qua được đèo. Mấy người của tôi quyết ý trở lại, tôi muốn cản, nhưng rồi lại thuận theo ý họ. Trở lại, cũng thật là khổ. Tuyết đóng lên tới ngực, mỗi người phải vẹt ra mà đi. Gặp một cái lều bỏ hoang, cả bọn bèn vào nghỉ. Khi thức dậy, tôi nhất định không bỏ qua cuộc hành trình, quyết không trở lại nữa.

Hôm sau trời tốt lắm, mặt trời chói sáng và tuyết sắp tan. May mắn là có một chỗ không có tuyết phủ, la và ngựa có thể đến đó ăn cỏ. Thức ăn lại gần hết, còn chỉ đủ chừng vài ngày, cho nên chúng tôi định nán lại vài hôm.

Theo lẽ thì tôi nên trở lại xứ Sikkim chờ hai tháng nữa hết tuyết rồi sẽ đi. Nhưng trong trí tôi dường như có một sự thôi thúc thiêng liêng bảo với tôi rằng, nếu bỏ qua cơ hội này thì sẽ không bao giờ đi được nữa. Ít hôm sau tuyết trên đất bắt đầu tan nhờ mặt trời chiếu xuống rất gắt. Tuy tuyết vẫn còn đọng lại nhiều, nhưng tôi biết rằng cơ hội này là không nên bỏ lỡ. Vả lại, đồ ăn gần hết, không ở lại được. Trọn buổi sáng tôi hết sức dỗ dành bọn tớ, và rồi cuối cùng thì cứng rắn buộc họ phải đi. Với họ, thì nên mạnh mẽ mới được, chớ lấy lý lẽ mà luận giải thì họ lại chẳng chịu nghe.

Khi đến cái lều đã tránh bão hôm trước, gặp một con beo gấm, la và ngựa sợ run, phải cho người ngủ gần chúng nó mới được. Loài beo gấm có tài đi trên tuyết mà không bị lún. Người bản xứ cho rằng chúng có phép thần.

Sáng hôm ấy, ngày 27 tháng 1, chúng tôi lại ra đi. Càng đi càng gặp tuyết dày đặc ép hai bên, mình đi ở giữa. Tôi đi rất khó khăn. Vả lại, tôi vừa bị đau kiết mấy ngày nên yếu lắm. Nhưng tôi không cho những người đi theo biết. Tôi bảo họ đi trước, nên họ không hay biết. Cứ đi một chừng năm chục mét thì tôi té một lần. Mỗi lần té, tôi phải nằm nghỉ một vài phút rồi mới đủ sức ngồi dậy đi. Tôi sợ cả nhóm sẽ bỏ lạc tôi đàng sau. Thế nhưng rồi tôi thấy họ cũng mệt đừ như tôi, cũng té lên té xuống và cứ đi tới chớ không còn thấy đâu là đâu nữa cả. Cho đến trời tối đen mà còn đi. Thình lình anh chàng La-ten khóc rống lên, rồi mấy người kia cũng khóc òa.

Trời tối, đi nữa không được. Tôi phải kiếm chỗ để nghỉ. Kiếm mãi mới thấy một hòn đá to trên không có tuyết đóng. Dựa theo hòn đá mà giăng trại lên một cách khổ nhọc vì ai nấy đều mệt đến muốn ngất. Tuyết bị gió đưa lại, muốn đánh sập cái trại. Chúng tôi phải kê thùng và đồ đạc phía ngoài để chống chịu. Cùng nhau chen cả vào nằm nhoài, tuy chỗ trống chỉ vừa đủ một hai người! Còn thú thì chúng tôi đào lỗ dưới tuyết mà nhốt, cũng may đến sáng chúng nó không đến nổi chết cóng. Lại may là đồ ăn chưa hết, và vì mệt quá không ai biết đói nên chỉ ăn mỗi người một miếng thịt thỏ cho qua bữa, tôi cũng ăn thịt sống theo kiểu người Tây Tạng lữ hành.

Một giờ sau gió chừng như muốn lặng. Nhưng thình lình bão lại nổi lên rất dữ, một trận bão lớn vô cùng. Trong vài phút, cả cái trại sập xuống úp trên người chúng tôi. Cùng nhau phải ôm dính chùm lại với nhau kẻo gió tốc trại mà tốc luôn người. Bão càng lúc càng to. Một trận cuồng phong thổi hất cả bọn chúng tôi ra xa đến mấy mét, té lăn tròn trên tuyết. May cho chúng tôi, lần lượt lồm cồm ngồi dậy, không việc gì. Chàng Sa-tăn bỗng nhớ ra rằng mình vẫn còn là một thầy sãi, anh chàng bèn niệm chú và niệm chư Phật. Chàng có cầu khẩn các thánh thần Tây Tạng, nhất là đức Padma Sambhava, ông thầy thuở trước đã có công truyền bá đạo Phật ở Tây Tạng và từng dẹp quỷ trừ yêu. Đến ba giờ sáng, trời êm lại. Chúng tôi mới ngủ được. Ngày 28 tháng 1, khi thức dậy tôi thấy mấy người đi theo mình đã sắp đặt hành lý và toan trở về, bỏ một mình tôi đi tới. Tôi cũng thất vọng như họ và cũng muốn thối lui. Nhưng tôi tức vì họ quyết định trước và không hỏi ý mình. Tôi biết không còn giảng giải nghĩa lý gì với họ được nữa, bèn ôm lấy bao đồ ăn đưa lên trên hố và dọa rằng hễ họ đi trở lại thì tôi liệng bao đồ ăn xuống hố liền. Kế tôi cắt nghĩa cho họ nghe rằng đã qua đèo được nửa đường, giờ trở lại còn khó hơn là đi luôn. Tôi không đợi họ trả lời, bèn đi trước một mình, mặc kệ họ có theo hay không. Chẳng ngờ cái kế ấy lại thật hay, cả bọn liền ríu ríu đi theo.

Ngày ấy, chúng tôi được may mắn không ngờ, là nhờ con beo gấm khi hôm đã đi cùng một đường với chúng tôi. Dấu chân nó còn thấy rõ ràng trên đèo, dấu rất ngay và đều, tuồng như nó đi trên đường cái. Chúng tôi cứ theo dấu chân mà đi tới, khỏi mất thì giờ. Tôi tự hỏi con thú ấy vì sao mà đi theo đường trong khi bị tuyết ngập cao. Có lẽ nó có tài ngửi được qua lớp tuyết. Mấy người theo tôi nói với nhau rằng nhờ có Phật Thánh hộ trì cho nên beo gấm hiện ra mà dắt đường cho chúng tôi.

Cảnh tượng bên Tây Tạng về mùa này thật là ủ rủ, buồn thảm. Đêm dài, gió lạnh thấu xương. Trong bầu trời này, hẳn không có xứ nào khổ bằng xứ Tây Tạng về mùa đông.

Hôm sau 29 tháng 1, chúng tôi đã hết thức ăn, lại còn đi sai bản đồ. Ở giữa đèo mênh mông, lạc đường và hết thức ăn, chỉ có chết chớ không còn mong đợi gì nữa. Mấy con thú cũng mệt lắm. Có một con ngựa đau mấy ngày rày, coi nó gần tới số. Tôi định giúp nó cho khỏi chết đau, lại giúp cho cả bọn được có vật ăn. Mấy người đi theo tôi tránh tội sát sanh theo nhà Phật, tôi phải tự lấy dao mà cắt cổ ngựa. Đói lắm, cả bọn không còn chờ gì nữa, đồng xúm lại mà mạnh ai nấy xẻo! Đối với người biết ăn, thịt ngựa còn sống và còn nóng thì ăn không ngon, nhưng lâm vào cảnh chúng tôi, đâu còn dám làm khó! Ai nấy đều ăn ngon miệng, vừa cứu lấy mạng mình, vừa giúp cho con ngựa khỏi đau đớn trong khi nó sắp lìa trần.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/07/2011(Xem: 5946)
Du khách đến Dubai sẽ được chiêm ngưỡng một tác phẩm tuyệt vời của bàn tay con người. Đó là khu vườn 65 triệu bông hoa trong khí hậu khắc nghiệt của sa mạc.
14/07/2011(Xem: 12600)
Ngài giáng sinh nơi vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini), thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), thuyết bài Pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển (Sarnath) và nhập Niết Bàn tại Câu Thi Na...
09/07/2011(Xem: 12519)
Có lẽ danh từ “Phật đảo“ tôi dùng cho xứ đảo Đài Loan có hơi lạ tai với các bạn, vì từ đó đến giờ ta chỉ nghe nào là “Hải đảo chiều mưa“ hay “Ốc đảo cô đơn“, chứ chưa ai dám dùng từ chứa nhiều cường điệu như thế! Nhưng quả thật là như thế các bạn ạ! Một cụm đảo gần chín mươi chín hòn nhỏ to đủ cỡ, không lấy gì làm lớn cho lắm nằm chơ vơ giữa biển mà đi đến đâu cũng thấy những tượng Phật vĩ đại và Chùa chiền với tầm vóc đáng ngại, nhìn vào phải bái phục khen thầm, ấy là chưa kể tinh thần tu học nghiêm mật và trật tự của Phật tử Đài Loan.
07/07/2011(Xem: 6751)
“Đông du” ngày nay đã trở thành một từ quen thuộc. Không chỉ đối với các nhà thám hiểm, khách du lịch, người khảo sát văn hóa, mà cả những nhà khoa học, nhà triết học.
30/06/2011(Xem: 9113)
Từ ngày tôi được quy y thọ tam quy ngũ giới với Sư phụ tôi, được Người truyền cho Giới Hương đầu tiên trong ba nén hương Giới Định Huệ; đến nay đã gần 14 năm, nhưng tôi chưa bao giờ có nhân duyên được theo Thầy đi hành hương đến một xứ sở nào. Nếu phải nói lý do tại sao? Thôi thì đành dùng tạm bốn chữ “chưa đủ nhân duyên“.
06/05/2011(Xem: 4704)
Kumbhalgarh - Vạn Lý Trường Thành của Ấn Độ Nằm phía tây Ấn Độ, pháo đài Kumbhalgarh là thành trì quan trọng thứ hai dưới triều đại Mewar, được xây dựng từ thế kỷ 15 và mất cả trăm năm để hoàn thành.
04/05/2011(Xem: 3945)
Lâm Tỳ Ni đã từng là nơi mà những nhà chiêm bái học giả như Ngài Pháp Hiền vào thế kỷ thứ V và Ngài Huyền Trang vào thế kỷ thứ VII...
26/04/2011(Xem: 18583)
Những công trình đồ sộ được xây bằng tay, không hề có sự hỗ trợ của máy móc, xe kéo, thậm chí cả dụng cụ kim loại nhưng có sức sống cả ngàn năm
21/03/2011(Xem: 12444)
Ở xứ Tây Tạng, tạo hóa và dân sự dường như bảo nhau mà giữ không cho kẻ lạ bước vào! Núi cao chập chùng lên tận mây xanh có tuyết phủ...
18/03/2011(Xem: 5269)
Đây là một cuốn nhật ký ghi chép cuộc hành trình đi về Ấn Độ để học đạo. Tác giả nhân khi chùa Văn Thù Sư Lợi tổ chức chuyến đi hành hương các Phật tích tại Ấn đã tháp tùng theo...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]