Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

16. Ngày 27, 28 và 29 tháng 2, 2008

18/03/201114:53(Xem: 2795)
16. Ngày 27, 28 và 29 tháng 2, 2008

NHẬT KÝ DHARAMSALA
Tác giả: Không Quán

Phần 3: Tu học tại Dharamsala

16. Ngày 27, 28 và 29 tháng 2, 2008

Ba ngày này, đức Đạt Lai Lạt Ma ban lễ quán đảnh Thập Lục Tổ Kadampa. Vì là pháp môn Mật tông cho nên tôi không được phép phổ biến ra ngoài. Mặc dù sáng sáng tôi vẫn thiền tọa và hành trì, cũng như quán tưởng theo những buổi thọ lễ quán đảnh và lời dạy của ngài.

Duy trong những buổi thiền tọa sáng sớm, tôi vẫn tiếp tục nhận thức và quán chiếu rõ ràng về đề tài thân như bọt huyễn.

Khi ở trong hoàn cảnh khó khăn, nơi xa lạ, tôi mới thấy ra sự bất lực và vô dụng của mình, không làm được gì giúp cho thầy của mình mà ngược lại, chư tăng còn phải lo cho mình, như mỗi sáng thầy ban cho nước sôi để pha trà hay cà phê, ban cho ít bánh và mứt gừng để trị ho. Thân mình, cứ ngỡ là cứng rắn lắm, thế mà chỉ vì không quen thủy thổ, không đủ tiện nghi mà sinh bệnh nhiễm trùng. Ho liên miên không dứt. Lại thêm đói lạnh. Thân mong manh như bọt bèo, khó kiếm mà dễ mất. Thầy Ngawang có dạy tôi là: “Con về đây tu học sẽ tốt cho con rất nhiều, để thấy ra là con ở Canada rất là sướng.” Quả là như thế, tôi tỉnh ngộ ra rất nhiều. Ở Canada sung sướng hơn là thế mà tâm phiền não vẫn không dứt được.

Sáng hôm đó, tôi ra ngoài và tìm ra được nhà thuốc tây, mua được thuốc trụ sinh Cipro trị mọi loại vi trùng và uống. Mấy ngày nay, trời rất đẹp và ấm áp trở lại, làm tôi như được hồi sinh, bớt lạnh hơn nên tôi có thể tắm rửa sạch sẽ mỗi ngày. Xong, tôi đi mua quýt tươi và to mang đến cúng dường thầy Khen Rinpoche, vì sáng nay được nghỉ không có thuyết pháp. Đến nơi, thầy vui mừng kéo tôi vào nghe nói chuyện vì mấy hôm nay tôi mải lo đi nghe pháp và học ôn giảng nên không gặp ngài nhiều. Ngài khuyên tôi nên nghỉ ngơi. Sau đó, bóc quýt ăn, ngài tư lự kể lại chuyện đời của ngài, tại sao lại thích ăn quýt:

Vào những năm đầu tiên khi đức Đạt Lai Lạt Ma và chư tăng qua Ấn, chính phủ Ấn đưa toàn thể cộng đồng Tây Tạng về Bengali cư trú.

Thầy im lặng một lúc như để tưởng nhớ, và tiếp tục:

Con biết không, lúc đó rất là khổ cực vì tình trạng khó khăn chẳng thể làm gì được. Chính phủ Ấn phải mang đến đồ ăn cho chư tăng mỗi ngày. Trong vùng Bengali đó, đặc biệt là, cây quýt mọc lên tự nhiên rất nhiều ở mọi nơi và có những trái rất lớn, tươi ngon. Thời gian này, chư tăng không làm gì ngoài cầu nguyện hành trì, và khi rảnh rỗi thường hái trái quýt về ăn. Cho nên khi con mang quýt đến cúng dường, thầy lại nhớ lại thời xa xưa đó...

Tôi mủi lòng, ngồi im lặng một lúc.

Thầy lại nói tiếp:

Con biết không, ngay góc của trại tỵ nạn là một cái tháp, trong đó dựng máy chém đầu tù nhân. Thực dân Anh đã mang không biết bao nhiêu người Ấn, tốt cũng có, xấu cũng có, cả những nhà đấu tranh chống thực dân Anh ra đó xử trảm. Oan hồn ban đêm thường hiện ra than khóc và làm mọi người sợ hãi. Chư tăng ở trong trại cũng rảnh rỗi bèn họp nhau lại, lập đàn tràng làm lễ cầu siêu cho các oan hồn uổng tử nên sau đó không còn bị cảnh oan hồn hiện ra trong đêm...

Tôi xúc động khi nghe thầy kể chuyện ngày xưa, cũng nhờ tôi hay để ý thương thầy, mang cúng dường những món thầy thích nên hôm nay được nghe tự ngài kể chuyện ngày xưa một cách sống động.

Chiều hôm 28 tháng 2, khi tôi đi dự lễ quán đảnh về, khi đến lầu 3, sắp vào phòng thì thấy một số người Việt Nam đứng tụ họp gần trước cửa phòng, dường như chờ đợi để vào thăm Khen Rinpoche. Trong đó có một vị sư cô mặc áo vạt hò ngắn, có vẻ lớn tuổi, vẻ mặt rất hiền từ. Tôi cũng không quen biết ai trong nhóm đó, trừ cô Phật tử ngồi trước chỗ ngồi nghe pháp của tôi, thì cũng chỉ biết qua những buổi nghe pháp. Cô thấy tôi đi vào phòng, cạnh phòng thầy Khen Rinpoche bèn hỏi xin mượn phòng tôi nghỉ ngơi tránh nắng và sử dụng nhà tắm. Tôi hoan hỷ chắp tay và xin họ chờ giây phút để vào dọn dẹp phòng một chút, trước khi thỉnh họ vào vì trong nhóm có một sư cô.

Khi ra ngoài thỉnh họ vào thì sư cô cảm ơn và nói là không dám làm phiền. Tôi bèn quay vào phòng mang quýt và nước uống mời họ giải khát. Sau này, tôi mới được người bạn đạo ở Paris, cùng là tác giả chuyển dịch nhiều cuốn kinh sách chung với nhau cho biết, vị sư cô nghiêm trang và hiền từ đó chính là má nuôi của người bạn đạo đó, gọi tên thân mật là má Đều. Má Đều (vị sư cô đó) là một vị khá đặc biệt, vì ngoài tính tình nghiêm trang hiền từ, còn rất là mộ đạo, năm nào cũng đi Ấn hành hương, dù nghèo và có khi phải mượn tiền để đi hành hương cúng dường chư tăng. Trong 10 ngày qua, má Đều đi nghe pháp đầy đủ, từ sáng đến chiều và cũng phải nhịn ăn như tôi, mà má vẫn an nhiên vui vẻ dù toàn bộ 10 ngày không hề có thông dịch Việt ngữ hay Pháp ngữ để má có thể nghe hiểu (vì má ở bên Pháp). Khi tôi nghe chuyện đó, tôi cảm thấy thật là cảm phục má, 10 ngày ngồi chen chúc, từ sáng đến chiều mà không có thông dịch! Tôi cảm phục lòng nhẫn nại vô biên của má quá. Đặc biệt má còn nói, 10 ngày má sung sướng được an trú trong Pháp nhũ. Quả là một vị sư cô khác thường. Tôi rất lấy làm tiếc là đã không biết má trong khi ở đó và hy vọng là nhật ký này sẽ đến tay má để ít nhiều có thể tóm lại những ý chính của 10 ngày thuyết pháp làm quà cho má.

Đường nhập vào cửa đạo có hai: hạnh nhập hoặc lý nhập. Tôi thì có thói quen đi nghe pháp, học đạo, do đó theo lý nhập trước, rồi phát triển hạnh nhập sau, còn má Đều thì chọn con đường hạnh nhập là chính yếu. Tôi thầm nghĩ là con đường hạnh nhập thực là hay và cao cả.

Tối hôm đó, khi đến dùng cơm chung với thầy Ngawang, bệnh ho của tôi có vẻ bớt đi. Thầy Ngawang vui vẻ hỏi thăm tại sao tôi lại cạo đầu. Tôi kể lại căn bệnh của tôi, phải đi chữa bệnh bằng tia cực tím. Thầy căn dặn tôi kỹ càng về nghiệp, khi các chướng ngại đã trổ ra thì sẽ khó khăn như thế nào. Và dẫn tôi qua thăm ngài Lati Rinpoche, hỏi ngài về bệnh của tôi cũng như về gia đình tôi. Lati Rinpoche dặn tôi là kể từ hôm nay cho đến khi về, phải đi cúng dường đèn bơ mỗi ngày. Thầy Ngawang theo lời ngài, dẫn tôi đến tận tôn tượng linh thiêng thờ đức Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn và chỉ cách cho tôi cúng dường đèn bơ, dâng khăn trắng với vị thầy hương đăng, và hồi hướng. Tự nhiên, lòng tôi khởi lên tín tâm sâu xa mạnh mẽ vào sự hành trì hồi hướng.

Kể từ đó, mỗi ngày còn ở lại Dharamsala, tôi đều đi đến cúng dường đèn bơ và hồi hướng cho tất cả, thân nhân, bạn bè quyến thuộc được mọi sự an lành, tai qua nạn khỏi và nhất là tiêu trừ bệnh tật, khoẻ mạnh an vui trong đời sống và an hưởng đạo pháp.

Ngày hôm đó, tôi cũng được thầy Ngawang giới thiệu với một vị tăng trẻ rất giỏi, Geshe Jangchup Choden, rất thông thạo Anh ngữ và cũng là người thường hay viết thư tiếng Anh cho thầy Ngawang để gửi đi Montreal cho tôi.

Ngày 29 tháng 2, thầy Geshe Norbu dẫn phái đoàn đi hành hương khắp nơi đã trở về Dharamsala, nhiều vị trong phái đoàn có vẻ gầy đi và tiều tụy, có lẽ vì bệnh hoạn và những khó nhọc trong chuyến đi, nhưng ai cũng vui vẻ và chúng tôi mừng rỡ thăm hỏi nhau tíu tít.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 6304)
Hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH HƯƠNG CHIÊM BÁI PHẬT TÍCH Tổng cộng 26 ngày từ 04-11 đến ngày 29.11.2008
09/04/2013(Xem: 5137)
Phái đoàn hiện tại đã hoàn tất mọi thủ tục và chờ ngày lên đường, đoàn gồm có 74 người: 38 người từ Melbourne, 1 từ Adelaide, 17 từ Perth, 6 từ Sydney, 9 từ Hoa Kỳ và 2 từ Việt Nam.
09/04/2013(Xem: 4185)
Tất cả quý Phật tử tại Mỹ (dù ở bất cứ tiểu bang nào) phải có mặt tại phi trường quốc tế Los Angles, California lúc 8 giờ tối để làm thủ tục lên máy bay (hãng China Southern Airline) lúc 11.50 tối 20-10-2009 để bay đến Quảng Châu, Trung Quốc.
09/04/2013(Xem: 5218)
Phái đoàn viếng thăm Tân Hưng Cổ Tự ở miền Đông Bắc Nam Triều Tiên
09/04/2013(Xem: 3961)
Hành Hương Phật tích Ấn Độ 2010 do HT Thích Bảo Lạc (Chùa Pháp Bảo, Sydney, Úc Châu) hướng dẫn từ ngày 2 đến 20/11/2010.
09/04/2013(Xem: 4720)
Hình ảnh Ðại Ðức Thích Phổ Huân Trụ Trì Chùa Pháp Bảo, Sydney, Úc Châu Và Ðạo Hữu Tony Thạch (Triumph Tour) Hướng dẫn phái đoàn hành hương Chiêm Bái Phật Tích Ấn Ðộ Từ ngày 1/2/2012 đến 24/2/2012.
09/04/2013(Xem: 10745)
Chân thành cảm ơn Đạo hữu Võ Văn Tường đã gởi tặng Trang Nhà Quảng Đức tập sách giá trị này. Xin chân thành giới thiệu đến bạn đọc xa gần.
09/04/2013(Xem: 11194)
Chân thành cảm ơn Đạo Hữu Võ Văn Tường đã gởi tặng tập sách Những Ngôi Chùa Nổi Tiếng ở TP. HCM và 200 ảnh những ngôi chùa nổi tiếng 3 miền Bắc, Trung, Nam.
09/04/2013(Xem: 16891)
Borobudur là một bảo tháp hùng vĩ và lớn nhất của PG thế giới và được xem là một trong 70 kỳ quan của thế giới được Tổ chức Unesco ghi nhận là một Thánh tích quan trọng và đã tài trợ để trùng tu vào năm 1973.
09/04/2013(Xem: 6516)
Chùa Trúc Lâm ở về phía tây nam cách thành phố Huế khoảng 5km, tọa lạc trên đỉnh đồi Dương Xuân Thượng thuộc làng Thuận Hòa, xã Thủy Xuân, huyện Hương Thủy.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567