Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 10: Khoa Chiêm Tinh Học

01/03/201103:31(Xem: 7496)
Chương 10: Khoa Chiêm Tinh Học

ĐÔNG PHƯƠNG HUYỀN BÍ
Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

CHƯƠNG 10: KHOA CHIÊM TINH HỌC

Những mái bầu trên các ngọn tháp chói rạng và phản chiếu ánh nắng ban mai. Những người hành hương xuống tắm gội dưới sông nô đùa vui vẻ, và cảnh tượng tưng bừng rực rỡ đầy màu sắc phương Đông của thành phố Bénarèsbên bờ sông Hằng linh thiêng diễn ra trước mắt tôi. Tôi ngồi trên một chiếc thuyền lớn, lái thuyền chạm hình đầu rắn hổ mang, thả trôi theo dòng sông, do ba người chèo.

Người bạn đồng hành ngồi kế bên tôi là một thương gia ở Bombay. Ông ta cho tôi biết rằng ông ta có ý định giải nghệ về hưu khi trở về thành phố này. Ông ta là một người rất mộ đạo nhưng cũng là một người rất thực tế. Trong khi ông ta lo lập công bồi đức để tạo một kho tàng tâm linh quí báu trên cõi thiên đàng thì ông ta cũng không quên dự trữ một số tiền lớn trong ngân hàng. Tôi được biết ông ta từ một tuần nay, nhận thấy ông ta là một người tốt bụng và tánh tình cởi mở. Ông ta giải thích cho tôi nghe:


– Tôi sẽ về hưu đúng vào năm mà
Sudhei Babuđã tiên đoán và cho tôi biết trước.

Tôi hỏi:


Sudhei Babulà ai vậy?

– Ông không biết sao? Ông ta là một nhà chiêm tinh giỏi nhất của thành
Bénarès.

Tôi nói với một giọng châm biếm:


– Chỉ có thế thôi à?


Tôi đã từng thấy những người thầy bói ngồi xổm trên lề đường ở khu
Maidantại Bombay, trong những lều quán ở Calcutta, và đón khách qua đường ở những thành phố nhỏ. Phần nhiều là những người có vẻ bẩn thỉu, đầu tóc rối nùi, gương mặt lộ rõ vẻ ngu xuẩn và mê tín. Đồ nghề của họ gồm một vài quyển sách bói cáu bẩn và một cuốn niên lịch chứa đầy những dấu hiệu bí mật, khó hiểu. Họ tự hào là có thể biết rõ và định đoạt vận mạng sang hèn của người khác, nhưng dường như không nhận thấy một điều là họ không định đoạt được vận mạng của chính mình!

Tôi nói thêm với giọng của người biết chuyện và khuyên răn kẻ khác:


– Ông làm tôi ngạc nhiên đấy. Một thương gia như ông sao có thể phó mặc cho các tinh tú trên bầu trời điều khiển công việc kinh doanh của mình? Sao không dùng trí óc suy xét, phân biện, chẳng phải hay hơn sao?


Người bạn tôi lắc đầu và mỉm cười một cách khoan dung:


– Nếu vậy, làm sao giải thích được những gì ông ta đã tiên đoán về tôi? Làm sao ông ta có thể biết trước rằng tôi sẽ giải nghệ về hưu vào năm bốn mươi mốt tuổi?


– Có lẽ đó là do sự tình cờ.


– Được rồi, nhưng để tôi kể cho ông nghe một chuyện. Mấy năm về trước, tôi gặp một nhà chiêm tinh ở
Lahorevà mở một cuộc kinh doanh theo lời khuyên của ông ta. Hồi đó tôi đang chung vốn với một người khác, nhưng người này cho rằng công cuộc kinh doanh quá mạo hiểm, anh ta không chịu hùn và rút vốn lại. Tôi tiếp tục kinh doanh lấy một mình, việc này thành công bất ngờ và đem lại cho tôi một số tiền lời rất lớn. Tuy vậy, nếu không nhờ có lời khuyên của nhà chiêm tinh ở Lahore, thì có lẽ tôi đã không dám mạo hiểm thực hiện công việc đó.

– Như vậy, ông cho rằng...


Người bạn tôi liền tiếp lời nói luôn hết câu mà tôi định nói:


– Đời người là do số mạng định đoạt, mà số mạng của mỗi người giàu hay nghèo, sang hèn, hay dở đều được thể hiện rõ bởi vị trí của các ngôi sao.


Tôi nói với một giọng hoài nghi:


– Nhưng các tay thầy bói mà tôi đã gặp đều là những kẻ dốt nát và ngu xuẩn đến nỗi tôi không thể nào tin được những lời bói toán và tiên tri của họ.


– Có lẽ vậy. Nhưng ông đừng lầm lẫn giữa một nhà chiêm tinh lành nghề và xuất sắc như
Sudhei Babuvới những tay thầy bói kiếm cơm ấy. Ông đã gặp phải những tay bịp bợm. Nhưng đây là một người Bà-la-mônthượng lưu trí thức, anh ta sống riêng trong một biệt thự hẳn hòi. Anh ta đã từng khảo cứu công phu về khoa chiêm tinh từ nhiều năm nay và có nhiều bộ sách cổ xưa và rất hiếm.

Dầu sao, người bạn đồng hành của tôi cũng không phải là một người ngu dốt. Anh ta là một người Ấn Độ cấp tiến, có óc thực tế và biết sử dụng những phát minh khoa học mới mẻ nhất của Âu Tây. Anh ta còn cấp tiến hơn cả tôi ở một vài điểm: anh ta mang theo lên thuyền một máy quay phim rất đẹp, còn tôi chỉ có một máy ảnh
Kodakbỏ túi. Tên gia nhân của anh ta mang đến một cái bình rất sang trọng và rót ra cho chúng tôi những ly nước cam mát rượi để giải khát, làm tôi nhớ lại rằng tôi đã quên đem theo một vật dụng rất cần thiết trong khi đi đường.

Trong khi nói chuyện, tôi được biết ở
Bombayanh ta thường dùng điện thoại còn nhiều hơn cả tôi khi còn ở châu Âu. Tuy thế, anh ta lại tin tưởng nơi khoa chiêm tinh! Tôi lấy làm ngạc nhiên về những điểm trái ngược và dị đồng trong tâm tính của anh ta. Tôi nói:

– Chúng ta hãy thử tìm hiểu nhau. Ông bạn thực sự tin rằng cuộc đời của mỗi người và mỗi diễn biến trên thế giới đều được định đoạt bởi các tinh tú cách xa trái đất hằng muôn triệu dặm hay sao?


Anh ta trả lời một cách bình thản:


– Phải, tôi tin như vậy.


Tôi nhún vai và không biết nói sao. Anh ta nói tiếp:


– Sao ông bạn không đi xem thử một lần cho biết? Tục ngữ xứ ông có câu: “Muốn biết bánh ngon hãy nếm thử.” Ông bạn hãy thử nghe lời tiên tri của
Sudhei Babumột lần xem thế nào. Chính tôi cũng không tin lời những ông thầy bói, nhưng tôi hoàn toàn tin tưởng vào tài tiên tri của ông này.

– Tôi rất nghi ngờ những kẻ sống về nghề bói toán hay tướng số. Tuy nhiên, tôi nghe theo lời ông. Vậy ông có vui lòng đưa tôi tới gặp nhà chiêm tinh này chăng?


– Tất nhiên là tôi vui lòng. Vậy mời ông bạn tới dùng trà với tôi chiều mai, rồi chúng ta sẽ cùng đi.


Chúng tôi cho thuyền đi từ từ trên dòng sông. Trên bờ, những tòa lâu đài, dinh thự, đền chùa nối tiếp nhau diễn ra trước mắt chúng tôi. Tôi nhìn xem những bậc đá dọc theo bờ sông, đầy những người hành hương xuống tắm gội, nhưng trí óc tôi vẩn vơ trôi về chỗ khác. Tôi nghĩ rằng, nếu khoa học có thể tự hào đã loại trừ sự dị đoan mê tín, thì một mặt khác, nó cũng không ngăn cấm sự tìm tòi khảo sát để tìm hiểu cặn kẽ mọi vấn đề. Nếu bạn tôi có thể đưa ra những bằng chứng cụ thể về sự thật của khoa lý số chiêm tinh đã làm cho phần đông người Ấn Độ tin tưởng vào cái gọi là định mệnh, thì tôi sẽ nghiên cứu vấn đề này với một tinh thần cởi mở và không thành kiến.


Qua hôm sau, ông bạn tôi đưa tôi đến một con đường cũ kỹ, chật hẹp, đi xuyên qua hai dãy nhà nóc bằng. Chúng tôi ngừng trước một ngôi nhà cổ xưa xây bằng đá. Ông ta dẫn đường cho tôi đi qua một hành lang tối tăm và thấp. Kế đó chúng tôi bước lên nhiều nấc thang bằng đá rất nhỏ hẹp, chỉ vừa một người đi lọt. Chúng tôi đi qua một gian phòng nhỏ và kế đó đến hàng hiên của một cái sân rộng ở chính giữa mà ngôi biệt thự được xây chung quanh đó.


Một con chó lớn sủa dữ dội khi nhìn thấy chúng tôi đến gần. Có những chậu kiểng sắp thành hàng dọc theo hàng hiên. Tôi tự hỏi, phải chăng nhà chiêm tinh này chơi kiểng để giải trí sau những giờ phút khảo cứu mệt nhọc về khoa lý số?


Ông bạn tôi cất tiếng gọi vào trong nhà, và chỉ được đáp lại bằng âm hưởng do những vách tường cũ dội lại tiếng gọi của anh ta. Chúng tôi đợi thêm vài phút. Con chó lại càng sủa dữ dội hơn trước, trong nhà vẫn im lặng dường như một ngôi nhà hoang vô chủ.


Tôi bắt đầu nghĩ rằng chuyến đi hôm nay chắc là vô ích thì bỗng nghe có tiếng chân người từ trên thang lầu bước xuống và tiến về phía cửa phòng chúng tôi. Một người mảnh khảnh, một tay cầm cái đèn cầy và một tay cầm xâu chìa khóa, hiện ra trên ngưỡng cửa. Sau vài câu chuyện trao đổi qua lại trong bóng tối, nhà Chiêm Tinh lấy xâu chìa khóa mở một cánh cửa khác và mời chúng tôi bước vào.


Ông ta lấy tay kéo hai tấm màn lớn và mở một cái cửa sổ ngó ra sân. Ánh sáng rọi qua cửa sổ chiếu vào gương mặt của nhà chiêm tinh. Đó là một người có gương mặt xanh xao, thiếu máu, dường như là người ở dưới mồ mới chui lên, chỉ có cặp mắt là chiếu sáng ngời, phản ảnh một đời sống nội tâm dồi dào. Cái hình dáng như xác chết, sự gầy ồm khác thường, những cử chỉ rất mực chậm chạp của ông ta gây nên một ấn tượng rất lạ lùng cho người chung quanh. Tròng trắng trong mắt ông ta nhiều hơn tròng đen, và điều này lại càng làm nổi bật thêm cái ấn tượng nói trên một cách rõ rệt.


Nhà chiêm tinh ngồi bên một cái bàn lớn, trên bàn có rất nhiều giấy tờ. Ông ta nói tiếng Anh khá, và bằng lòng nói chuyện ngay với tôi mà không cần một người thông ngôn. Tôi nói ngay vào đề:


– Xin ông hiểu cho, tôi chỉ là một người sưu tầm chứ không phải là người tin vào khoa này.


– Được, tôi sẽ lấy lá số cho ông và ông sẽ cho tôi biết là có đúng hay không.


– Tôi phải trả ông bao nhiêu?


– Tôi không có giá nhất định. Những người có địa vị khá thường trả tôi sáu chục
ru-pi. Những người khác trả tôi hai chục. Điều đó tùy ông.

Tôi nói cho ông ta biết rằng trước khi nói đến vận mạng tương lai, tôi muốn ông ta hãy nói thử đôi điều về quá khứ. Ông ta bằng lòng.


Trong một lúc, ông ta ngồi tính toán rất tỉ mỉ về ngày sinh của tôi. Sau vài phút, ông ta quay lại phía sau ghế ngồi và lục trong đống giấy tờ và những tài liệu chép bằng bút tự trên lá buông đã ngả màu vàng. Sau cùng, ông ta lấy ra một mớ lá buông nhỏ, tròn dài và rất cũ, đã đóng lại hình như một quyển sách và vẽ trên một tờ giấy bức đồ hình rất lạ:


– Đây là bản đồ các tinh tú trên trời vào đúng giờ sinh của ông. Những tài liệu chữ Phạn này giải thích ý nghĩa của mỗi phần trong lá số. Bây giờ, tôi sẽ cho ông biết các tinh tú nói gì về ông.


Ông ta xem lá số lại rất kỹ, tra cứu tài liệu trong quyển sách cổ và nói bằng một giọng trầm trầm:


– Ông là một nhà văn từ châu Âu đến, có phải chăng?


Tôi gật đầu. Ông ta nói tiếp theo về thuở thiếu thời của tôi và kể thêm vài sự việc quan trọng đã xảy ra trong thời kỳ đó. Trong tất cả bảy điều quan trọng có năm điều đúng, còn hai điều kia hoàn toàn sai. Như thế, tôi đã có thể xét giá trị của ông ta tới đâu. Còn nói về sự thành thật của ông ta thì điều đó đã hiển nhiên, tôi dám chắc rằng ông ta không bao giờ có ý lừa dối ai cả. Một cuộc thí nghiệm đầu tiên với một kết quả mỹ mãn đến bảy mười lăm phần trăm cũng đủ để kết luận rằng khoa chiêm tinh Ấn Độ đáng được người ta sưu tầm, nhưng nó cũng chỉ rằng đó không phải là một khoa học hoàn toàn chính xác.


Một lần nữa,
Sudhei Babulại lục trong đống giấy tờ rải rác của ông ta và miêu tả tánh tình của tôi một cách khá đúng. Kế đó, ông ta nói về khả năng trí thức của tôi đã giúp cho tôi theo đuổi nghề văn. Đến đây, ông ta ngẩng đầu lên và hỏi:

– Tôi nói có đúng không?


Tôi phải biểu đồng tình và không thể chối cãi những lời đoán số của anh ta. Ông ta lại nhìn vào lá số và nói về tương lai:


– Thế giới sẽ là nhà của ông. Ông sẽ đi du lịch khắp nơi, luôn luôn với cây bút trong tay, và sống với nghề nghiệp văn chương.


Ông ta nói luôn một hồi về những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Nhưng tôi không thể xét đoán những lời này, và hãy để đó chờ thời gian xác nhận những điều đã được... viết trên tinh tú.


Sau khi nói xong, ông ta lại hỏi rằng tôi có được hài lòng hay chăng? Những lời ông ta đoán khá đúng về dĩ vãng và tánh tình của tôi đã làm cho tôi phải từ bỏ ý định thốt ra những lời hoài nghi bất nhã trước khi đến đây. Tôi tự hỏi: “Phải chăng ông ta chỉ nói càn, cầu may mà thôi? Phải chăng ông ta không làm gì khác hơn là phỏng đoán, rồi cứ nói bừa ra.” Nhưng tôi phải thú nhận rằng những lời tiên tri của ông ta đã làm cho tôi ngạc nhiên. Tuy thế, chỉ có thời gian mới có thể xác nhận độ chính xác của những điều đó. Còn thái độ hoài nghi của tôi đối với vấn đề định mệnh, phải chăng lần này sẽ sụp đổ như một lâu đài bằng cát? Tôi có thể nói gì về vấn đề này?


Tôi bước đến gần cửa sổ, đứng nhìn ra ngoài một lúc để tìm những câu hỏi mà tôi có thể chất vấn nhà chiêm tinh, nhưng ông ta đã nói trước:


– Hay là ông cho rằng các bầu tinh tú ở cách xa trái đất một quãng không gian quá lớn nên không thể có ảnh hưởng gì đối với chúng ta chăng? Nếu vậy, làm sao có thể giải thích ảnh hưởng của mặt trăng đối với nước thủy triều lên xuống, ảnh hưởng của mỗi chu kỳ mặt trăng đối với cơ thể của người đàn bà, và phải chăng ánh nắng mặt trời nhiều hay ít cũng ảnh hưởng đến tình cảm vui buồn của con người?


– Đúng vậy, nhưng bấy nhiêu đó cũng chưa đủ để chứng minh cho khoa lý số. Nếu tôi có bị đắm tàu chết đuối hay không, thì việc ấy có liên quan gì đến các vì sao?


Ông ta nhìn tôi với một vẻ mặt thản nhiên:


– Tốt hơn là ông hãy xem vị trí của các tinh tú như những biểu hiện mà thôi, không phải chúng gây ảnh hưởng đến chúng ta, nhưng chính là những gì ta đã làm trong quá khứ có ảnh hưởng đến kết quả trong hiện tại của chúng ta. Ông sẽ không bao giờ hiểu được bí quyết của khoa chiêm tinh nếu ông không chấp nhận thuyết nhân quả trong luân hồi, theo đó con người tái sinh qua nhiều kiếp và nhận lãnh mọi kết quả đã gây ra bởi hành động thiện hay ác của chính mình. Nếu một người có thể chưa nhận lãnh hậu quả của những ác nghiệp đã gây ra trong một kiếp này, thì những nghiệp báo đó không mất đi mà vẫn sẽ theo đuổi người ấy trong một kiếp sau hay kiếp sau nữa; hoặc nếu một người chưa hưởng được phước lành do kết quả những thiện nghiệp đã làm trong kiếp này, thì chắc chắn người ấy sẽ gặt hái những kết quả tốt lành đó trong một kiếp khác. Nếu không có luật nhân quả luôn chi phối con người một cách khách quan, thì những điều họa phúc xảy đến trong đời người sẽ có vẻ như chỉ do sự ngẫu nhiên, tình cờ. Nhưng sự thật không phải vậy. Khi một người qua đời thì tánh tình cũng như mọi dục vọng, tư tưởng và ý chí của anh ta trong tâm thức vẫn tồn tại cho đến khi người ấy tái sinh trở lại trong một kiếp sống mới. Những hành vi thiện ác đã gây ra trong quá khứ nhất định phải mang đến kết quả trong kiếp hiện tại hay trong những kiếp sau. Nếu như tôi tiên đoán rằng có ngày ông sẽ bị đắm tàu và chết đuối, thì điều đó không có nghĩa là tôi quyết định điều đó, mà chính là những gì ông đã gây ra quá khứ dẫn đến kết quả đó, và tôi chỉ là người nói ra sự thật ấy mà thôi. Vì thế, không phải các tinh tú làm cho ông bị đắm tàu, mà chính là hậu quả không thể tránh khỏi của những việc ác đã làm trong dĩ vãng. Những tinh tú chỉ có tác dụng là biểu lộ điều này theo một quy luật nhất định. Còn vì sao các tinh tú lại phản ánh được những sự kiện xảy ra trong đời người thì tôi thực sự không biết. Không một người nào có thể phát minh ra khoa chiêm tinh, nhưng khoa học này là sự tích lũy kinh nghiệm của con người từ thời cổ và chúng ta chỉ là người thừa hưởng những hiểu biết của người xưa mà thôi.


Tôi ngồi nghe những lời giải thích hữu lý của nhà chiêm tinh mà không biết phải đối đáp ra sao. Theo ông ta thì đời người thật ra không hề có một định mệnh cố định, nhưng chỉ là những diễn tiến nhất thiết phải xảy ra theo đúng luật nhân quả, tương ứng với những gì mà người ấy đã làm trong quá khứ. Nhưng tôi nghĩ, có một người Âu nào với một khối óc sáng suốt lành mạnh lại chịu tin rằng cuộc đời của mình hoàn toàn lệ thuộc vào một quá khứ xa xăm mà chính mình không nhớ biết được?


Tôi ngạc nhiên ngồi nhìn nhà chiêm tinh gầy gò với dáng vẻ một nhà tu khổ hạnh đang chăm chú tính toán tới lui qua lại trong các cung hoàng đạo một cách tự nhiên và quen thuộc như đi trong ngôi nhà của ông ta. Tôi nói:


– Chắc ông cũng biết rằng ở một vài vùng dưới miền Nam, các nhà chiêm tinh đứng vào hàng quan trọng chỉ sau các vị tăng lữ, và không có một việc quan trọng nào được thực hiện mà người ta không hỏi trước ý kiến của các nhà chiêm tinh. Nhưng người Âu Tây chúng tôi sẽ mỉm cười về điều đó, vì chúng tôi không hề tin tưởng nơi sự bói toán hoặc tiên tri. Chúng tôi tin rằng con người vốn hoàn toàn tự do và mọi việc xảy ra như thế nào phải do chính năng lực và trí tuệ của chúng tôi quyết định.


Nhà chiêm tinh nhún vai nói:


– Trong một bộ sách cổ của chúng tôi là sách
Hitopadesacó nói rằng: “Con người không thể đảo ngược những gì họ đã làm, mà chỉ có thể quyết định nên làm gì trong hiện tại mà thôi.” Chúng ta phải gánh chịu hậu quả của mọi việc làm của chính chúng ta trong quá khứ, và điều đó không phải định mệnh, mà là một sự công bằng.

Tôi vẫn lộ vẻ hoài nghi. Nhà tiên tri bỏ ghế đứng dậy. Tôi hiểu ý và liền kiếu từ. Ông ta nói nhỏ dường như chỉ nói thầm một mình:


– Tất cả đều tuân theo luật nhân quả. Không một ai có thể thoát khỏi luật ấy. Có ai là người hoàn toàn tự do với gánh nặng nghiệp lực đã tạo ra trong quá khứ? Dầu cho có đi tận chân trời góc bể, chỗ nào mà tránh được nghiệp báo kia chứ?


Ra đến ngưỡng cửa, ông ta nói thêm một cách ngập ngừng:


– Nếu ông muốn trở lại đây lần nữa, chúng ta có thể nói chuyện thêm về vấn đề này.


Tôi cám ơn và bằng lòng nhận lời mời của ông ta. Ông ta liền đáp:


– Được, tôi sẽ đợi ông chiều mai vào khoảng sáu giờ.


lll


Chiều hôm sau, tôi lại đến nhà
Sudhei Babu. Tôi không có ý nhắm mắt nghe theo tất cả những gì anh ta nói, nhưng tôi cũng không có lý do để bác bỏ tất cả. Tôi đến để nghe, có thể là để học hỏi, nếu những lời nói của anh ta có thể được chứng minh rõ ràng. Tôi không từ chối một kinh nghiệm, nếu tôi nhận thấy nó có đủ lý do vững chắc. Lá số mà Sudhei Babulấy cho tôi đã đủ thuyết phục tôi rằng khoa chiêm tinh Ấn Độ không phải là một điều dị đoan, và nó đáng cho ta khảo cứu, sưu tầm cặn kẽ. Thái độ của tôi tạm thời là như thế.

Chúng tôi ngồi ngang nhau nơi bàn viết của ông ta. Một ngọn đèn dầu chiếu ánh sáng lờ mờ trong gian phòng. Hàng triệu gia đình ở Ấn Độ thời ấy vẫn còn thắp đèn dầu trong nhà vào ban đêm. Nhà chiêm tinh nói với tôi:


– Nhà tôi có tất cả mười bốn phòng, tất cả đều chứa đầy những pho sách cổ chép tay, phần nhiều là chữ Phạn. Đó là lý do vì sao tôi cần dùng đến một ngôi biệt thự lớn, mặc dầu tôi chỉ sống có một mình. Mời ông hãy đi xem kho sách của tôi.


Ông ta cầm lấy cái đèn treo trên vách và đưa tôi sang phòng kế bên. Những tủ lớn được sắp thành hàng chung quanh các vách tường. Tôi nhìn vào một tủ thì thấy chứa đầy những sách và giấy tờ. Trên sàn gạch cũng bày la liệt những giấy má, những bộ sách cổ mà bìa đã ngả màu vàng. Tôi cầm lên một bó lá buông nhỏ, mỗi tờ đều viết đầy những chữ khó hiểu và đã phai màu.


Chúng tôi đi từ phòng này sang phòng khác và phòng nào cũng chứa đầy những tủ sách. Kho sách của nhà chiêm tinh có vẻ như ở trong một tình trạng hỗn độn, thiếu trật tự, nhưng ông ta cho biết rằng ông đã quen thuộc với mỗi quyển sách, mỗi tài liệu và luôn biết rõ chúng nằm ở đâu mỗi khi cần đến. Tôi có cảm tưởng rằng tất cả kho tàng minh triết của Ấn Độ đều tập trung trong ngôi nhà này.


Sau khi đã xem khắp các phòng sách, chúng tôi trở về chỗ cũ. Nhà chiêm tinh cho tôi biết:


– Tất cả gia tài sản nghiệp của tôi đều tiêu dùng để mua những bộ sách và lá buông bút tự này. Nhiều bộ sách trong đó rất hiếm và phải mua với giá rất đắt. Vì thế nên bây giờ tôi mới nghèo như thế này.


– Những sách đó nói về vấn đề gì?


– Đó là những sách nói về các vấn đề đạo lý và minh triết cổ truyền, và có nhiều quyển nói về khoa chiêm tinh.


– Nếu vậy, ông cũng là một nhà triết học?


Ông ta mỉm cười đáp:


– Một người không hiểu về triết lý sẽ là một nhà chiêm tinh hạng tồi, hay chỉ là một anh thầy bói hạ cấp.


– Xin ông thứ lỗi cho, tôi thấy ông có vẻ mệt mỏi vì đọc nhiều sách quá. Tôi đã ngạc nhiên vì sắc mặt nhợt nhạt của ông khi tôi đến đây lần đầu.


Ông ta thản nhiên dáp:


– Không có gì lạ. Tôi không ăn gì đã sáu ngày nay rồi.


Tôi tỏ vẻ lo lắng và hỏi han ân cần. Ông ta nói:


– Không, đó không phải là vấn đề tiền. Chị bếp của tôi thường hay đau yếu luôn. Chị ấy nghỉ ở nhà đã sáu ngày nay rồi.


– Vậy sao ông không tìm một người bếp khác?


Ông ta lắc đầu đáp:


– Không. Tôi không thể dùng một người đầu bếp thuộc giai cấp hạ tiện. Thà rằng tôi nhịn ăn luôn một tháng còn hơn. Tôi phải đợi đến khi chị bếp của tôi bình phục trở lại, nhưng có lẽ chị ấy sẽ trở lại trong một hai ngày.


Tôi nhìn kỹ thì nhận thấy anh ta đeo ở cổ sợi dây Thánh, tiêu biểu cho giai cấp “
con củaBrahma”. Sợi dây này kết ba sợi dính liền nhau, được tròng vào cổ mỗi người Bà-la-môntừ khi mới sinh ra, và anh ta phải đeo nó suốt đời cho đến lúc chết. Tôi hỏi:

– Sao ông lại chịu khổ thân vì một thành kiến giai cấp như thế? Sức khỏe của ông chẳng phải là quan trọng hơn hay sao?


– Đó không phải là một thành kiến dị đoan. Mỗi người đều có phát ra một thứ từ điện, tuy vô hình nhưng có thật, mặc dầu khoa học Âu Tây chưa khám phá ra. Người đầu bếp làm món ăn phóng từ điện của người ấy vào thức ăn, mặc dầu anh ta không hay biết chi cả. Một người bếp hạ cấp và tánh tình hèn hạ sẽ làm ô nhiễm thức ăn với loại từ điện xấu của anh ta, nó sẽ chui vào bụng của người nào ăn những thức ăn đó.


– Đó là một giả thuyết rất lạ lùng.


– Nhưng đó là sự thật.


Tôi nói qua vấn đề khác:


– Ông làm nghề chiêm tinh kể từ bao giờ?


– Đã mười chín năm nay. Tôi làm nghề này sau khi tôi lập gia đình.


– À, tôi hiểu.


– Không, tôi không phải góa vợ. Khi tôi lên mười ba tuổi, tôi đã ham học hỏi và tìm học với rất nhiều bậc thầy, đọc rất nhiều sách vở. Tôi ham học đến nỗi tôi thường ngồi đọc sách suốt ngày và thức đến tận khuya. Cha mẹ tôi cưới vợ cho tôi, nhưng chỉ vài ngày sau đám cưới, vợ tôi đã nổi giận với tôi và nói: “
Tôi không phải lấy chồng, mà lấy nhầm một quyển sách biết đi!” Sau đó đúng một tuần lễ, cô ấy bỏ nhà trốn đi với người phu xe của tôi.

Nói đến đây, anh ta ngừng một lúc. Tôi không khỏi phì cười về câu nói thẳng thừng của bà vợ ông ta. Sự bỏ nhà ra đi của bà ấy chắc hẳn đã gây nên dư luận sôi nổi ở một xứ bảo thủ như Ấn Độ. Nhưng đàn bà thường có một tâm địa rất khó lường. Anh ta nói tiếp:


– Đó là một sự xúc động rất lớn cho tôi, nhưng sau một thời gian, tôi cũng nguôi ngoai dần và quên hẳn việc đó. Tôi càng đi sâu vào việc khảo cứu khoa chiêm tinh và đạo lý cổ truyền. Chính lúc đó, tôi bắt đầu tham khảo môn học cao nhất của tôi là bộ sách
Brahma Chinta.

– Sách đó nói về vấn đề gì?


– Tựa sách ấy có thể dịch là “
Minh triết thiêng liêng”. Bộ sách này có đến mấy ngàn trang, nhưng tôi chỉ khảo cứu một phần trong đó thôi. Tôi đã phí mất hai chục năm mới góp nhặt được bấy nhiêu đó, vì bộ sách ấy chỉ gồm những phần rời rạc lẻ tẻ, phải đi tìm ở khắp nơi mới mua được đủ bộ. Sách ấy gồm có mười hai phần chính và nhiều chương phụ, giảng về những đề tài như triết học, chiêm tinh học, Yoga, và những vấn đề thâm sâu khác.

– Sách ấy có bản dịch Anh ngữ hay chăng?


Ông ta lắc đầu:


– Tôi không nghe nói có bản dịch đó. Dẫu là người Ấn Độ cũng ít người được biết về bộ sách này. Từ trước đến nay nó vẫn được giữ gìn bí mật. Nó vốn xuất xứ từ bên Tây Tạng. Ở đó, nó được xem như một bộ sách thần, và chỉ có những vị môn đồ chọn lọc mới được phép học bộ sách ấy.


– Sách ấy được viết ra từ bao giờ?


– Bộ sách ấy được viết ra từ hàng mấy ngàn năm nay do nhà hiền triết
Bhrigu, vị này sống vào một thời kỳ cổ xưa đến nỗi không ai biết vào năm nào. Sách ấy dạy về một môn Yogahoàn toàn khác hẳn với tất cả những pháp môn khác tại Ấn Độ. Ông cũng thích khảo cứu về môn Yogaphải chăng?

– Sao ông biết?


Để đáp lại,
Sudhei Babulẳng lặng đưa ra lá số mà ông ta đã lấy cho tôi, và cầm cây bút chì chỉ vào những dấu hiệu lạ lùng, nó chỉ những vị trí các tinh tú và các cung hoàng đạo.

– Lá số của ông làm tôi ngạc nhiên. Nó thật là khác thường đối với một người Âu, thậm chí nó cũng khác thường đối với cả người Ấn Độ. Nó chỉ rằng ông có khuynh hướng rõ rệt về đường đạo, và ông sẽ được sự dìu dắt của các bậc hiền giả để tiến sâu vào vấn đề này. Tuy nhiên, không phải ông chỉ học
Yogathôi, mà còn rất ưu tú về các môn học siêu hình và thần bí khác nữa.

Ông ta ngừng một lúc và nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi có cái cảm tưởng rằng ông ta sắp sửa tiết lộ điều gì về đời sống nội tâm.


– Ở đời có hai hạng người: những người giữ bí mật kiến thức của họ một cách ích kỷ, và những người sau khi đã hiểu biết liền chia sẻ sự hiểu biết đó cho người khác. Lá số của ông chỉ rằng ông đã bước đến gần cửa đạo và vì thế những lời nói của tôi sẽ không phải là nước đổ đầu vịt. Tôi sẵn sàng chia sẻ sự hiểu biết của tôi với ông.


Tôi lấy làm ngạc nhiên về câu nói lạ lùng này. Trước hết, tôi đến nhà
Sudhei Babuđể thử xem khoa chiêm tinh Ấn Độ là như thế nào. Tôi đến lần nữa để nghe ông ta bàn rộng thêm về nền tảng và bí quyết của khoa lý số và giải thích về phép đoán số của ông ta. Bây giờ, thình lình ông ta tự nguyện làm thầy tôi về môn Yoga!

Ông ta nói tiếp:


– Nếu ông thực hành những phương pháp của
Brahma Chinta, ông sẽ không cần có thầy. Trí tuệ sáng suốt của bản tâm ông sẽ là thầy của ông.

Tôi liền thấy ngay rằng tôi đã hiểu lầm và tự hỏi phải chăng ông ta đọc được tư tưởng của tôi. Tôi nói:


– Ông làm tôi ngạc nhiên.


– Tôi đã chỉ dẫn cho vài người, nhưng tôi không bao giờ tự nhận là thầy của họ, mà chỉ là một người anh cả hay một người bạn. Tôi cũng không muốn làm thầy ông, theo ý nghĩa thông thường. Tinh thần của nhà hiền triết
Bhriguchỉ dùng tôi làm cái một công cụ để truyền những giáo lý ấy cho ông.

– Tôi không hiểu bằng cách nào ông có thể phối hợp việc xem số chiêm tinh với việc dạy pháp môn
Yoga?

Ông ta đặt hai bàn tay gầy gò lên bàn và nói:


– Thì đây. Tôi sống trên thế gian và phụng sự thế gian bằng nghề nghiệp của tôi tức là xem số chiêm tinh. Tôi không muốn cho ai xem tôi như một ông thầy dạy
Yoga, bởi vì trong môn phái Brahma Chinta, vị tôn sư duy nhất là trí tuệ. Đó là vị thầy duy nhất mà chúng tôi nhìn nhận. Với sự sáng suốt nhận biết được thật tánh của vạn hữu, trí tuệ chân thật luôn sẵn có trong tâm mỗi chúng ta và sẽ dẫn dắt chúng ta. Ông hãy xem tôi như một người huynh đệ nếu ông muốn, nhưng đừng xem tôi như một người hướng dẫn tinh thần. Những người có thầy thường hay ỷ lại và nương dựa vào vị thầy thay vì phải tự nỗ lực và chỉ đi theo sự dẫn dắt của trí tuệ bản tâm.

– Nhưng ông cũng dùng khoa chiêm tinh để hướng dẫn cuộc đời của ông, phải vậy chăng?


– Ông đã lầm. Tôi không bao giờ xem đến lá số của tôi nữa, Thật ra tôi đã xé bỏ nó từ nhiều năm nay.


Tôi lộ vẻ ngạc nhiên về lời tuyên bố này. Ông ta nói tiếp:


– Tôi đã tìm thấy ánh sáng chân lý và không cần đến khoa chiêm tinh để hướng dẫn cuộc đời tôi. Khoa ấy chỉ hữu ích cho những kẻ hãy còn lần mò đi trong bóng tối. Tôi đã đặt cuộc đời tôi hoàn toàn trong sự nỗ lực hướng thiện của chính tôi, và đã đẹp bỏ mọi điều lo nghĩ ưu phiền về hiện tại hay tương lai. Bất cứ điều gì xảy đến cho tôi, tôi đều chấp nhận như là những kết quả việc làm của chính mình. Tôi đã thấu hiểu được rằng mọi sự việc ở đời không có gì là ngẫu nhiên xảy ra hay do sự sai khiến sắp đặt của bất cứ một đấng quyền năng nào, mà chỉ là một tiến trình gieo nhân và kết quả, với những biến dạng khác nhau do sự kết hợp của các duyên.


– Nếu ông bị một kẻ hung dữ tấn công và muốn hãm hại ông, đến nỗi tánh mạng ông bị lâm nguy, ông cũng cho rằng đó là kết quả phải nhận lãnh và không làm gì để tự vệ chăng?


– Ông đã hiểu sai về nhân quả. Sự gieo nhân không có thời điểm bắt đầu và kết thúc. Ngay trong lúc ông nhận lãnh một kết quả của hành vi từ trong quá khứ thì cũng chính là lúc ông tạo tác một nhân mới cho tương lai. Vì thế, tôi có nói đến vai trò của trí tuệ như một bậc thầy dẫn dắt chúng ta đi đúng đường. Nếu sự tu tập giúp ông khai mở được trí tuệ sáng suốt của bản tâm, tự ông sẽ biết phải làm gì để có được những kết quả tốt nhất. Đó là vấn đề nỗ lực tự thân chứ không phải là buông trôi theo hoàn cảnh hay trông chờ vào một quyền năng đến từ bên ngoài. Sự tìm tòi học hỏi của ông chắc chắn rồi cũng sẽ đưa ông đến những hiểu biết chân chính như tôi đang trình bày với ông hôm nay.


Tôi tỏ vẻ nghi ngờ:


– Chắc là tôi phải có một sự thay đổi rất lớn lao trước khi đạt tới những nhận thức như ông nói.


– Đúng vậy, nhưng sự thay đổi đó chắc chắn sẽ đến với ông.


– Ông có chắc như vậy không?


– Tôi tin chắc điều đó. Khi người ta đã chịu nỗ lực vươn lên hoàn thiện thì họ sẽ đạt được những kết quả ngày càng tốt đẹp hơn. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian mà thôi. Và nếu tôi không lầm thì đó chính là trường hợp của ông.


– Những điều ông nói thật là lạ lùng, ông
Sudhei Babu!

Thật là một điều cực kỳ mâu thuẫn khi ý niệm về Chúa Trời hay Thượng Đế như một đấng quyền năng cứu rỗi lại ngự trị khắp các nước phương Tây, song song với những suy luận và chứng minh phức tạp của lý trí thiên về vật chất; trong khi ở phương Đông đầy những lý thuyết huyền bí và siêu hình này thì các bậc hiền giả lại tuyên bố là không hề có bất cứ một đấng toàn năng nào cả, và tất cả vũ trụ này đều chịu sự chi phối vận hành của luật nhân quả!


Trong khi phương Tây dựa trên một nền tảng mà họ tự hào là khoa học và khách quan thì cuối cùng lại dẫn đến việc đặt niềm tin vào một đấng toàn năng mà họ chưa từng gặp mặt; còn phương Đông thì dựa trên những luận thuyết siêu hình và hoàn toàn không thể chứng minh bằng khoa học, nhưng lại giải thích mọi sự kiện trong đời người theo một cách hợp lý, khoa học hơn và chỉ đặt niềm tin vào sự nỗ lực hướng thượng của chính bản thân mình.


Khách quan mà nói thì quan điểm này rõ ràng là tích cực hơn và có thể tạo ra những chuyển biến cụ thể nơi mỗi con người, trong khi sự cầu nguyện với một đấng toàn năng thì hoàn toàn phụ thuộc vào sự hiện hữu của đấng toàn năng đó, mà điều này lại hoàn toàn chưa được xác nhận!


Nhưng vào lúc này tôi thấy dường như không thích hợp để nêu ra vấn đề Thượng Đế và bàn cãi với nhà chiêm tinh. Có lẽ ông ta sẽ tiếp tục nhồi sọ tôi với một tràng những lý thuyết siêu hình mà hiện thời tôi không có hứng thú muốn nghe chút nào. Tôi bèn xoay chiều câu chuyện qua những vấn đề khác ít phức tạp hơn:


– Có lẽ chúng ta nên nói sang vấn đề khác thì hơn, vì những gì ông nói dường như vẫn còn quá mơ hồ đối với tôi.


Ông ta nhìn thẳng vào tôi không chớp mắt, cặp mắt tinh anh của ông ta dường như tìm cách soi thấu cõi lòng tôi:


– Lá số của ông không nói sai bao giờ, vì nếu không phải như vậy thì tôi đã không thổ lộ những điều hiểu biết của tôi cho một người chưa chuẩn bị sẵn sàng. Nhưng sự vận chuyển của các tinh tú không bao giờ biểu hiện sai lệch. Những điều mà ông chưa hiểu rõ trong lúc này sẽ nằm trong tiềm thức của ông một thời gian, và sẽ xuất hiện trở lại vào lúc thích hợp với sức mạnh tăng gấp đôi. Tôi lặp lại lần nữa, là tôi sẵn sàng truyền pháp môn
Brahma Chintacho ông.

– Tôi cũng sẵn lòng muốn học pháp môn đó.


lll


Từ đó, mỗi buổi chiều tôi đều đến nhà
Sudhei Babuđể thụ giáo về pháp môn Brahma Chinta. Ngọn đèn dầu leo lét chiếu ánh sáng lập lòe trên gương mặt khổ hạnh và trắng như sáp của nhà chiêm tinh, trong khi ông ta giảng giải cho tôi nghe những bí thuật của khoa YogaTây Tạng cổ truyền. Ông ta không giờ lên mặt kẻ cả hay lên giọng thầy đời, mà trái lại ông ta là hiện thân của sự khiêm tốn, và luôn luôn mở đề mỗi bài giảng với câu:

– Trong pháp môn
Brahma Chintacó dạy rằng...

Một hôm, tôi hỏi ông ta:


– Mục đích tối hậu của pháp môn này là thế nào?


– Mục đích ấy là đạt tới trạng thái đại định, vì chỉ có trong trạng thái đó hành giả mới khai mở được hoàn toàn trí tuệ sáng suốt của bản tâm, nhận thức được rõ ràng về bản chất thật sự của bản thân mình và vạn hữu, vốn không có sự khác biệt. Khi đó, hành giả mới xóa bỏ được sự phân biệt giữa bản ngã nhỏ hẹp với sự sống của vạn hữu, và sẽ thấy bản thân mình với tất cả mọi sinh linh khác đều cùng một thể tánh sáng suốt như nhau.


Tôi hỏi với một vẻ hoài nghi:


– Ông có chắc rằng tất cả những nhận thức như thế không phải là một hình thức tự kỷ ám thị hay chăng?


Trên miệng ông ta thoáng hiện một nụ cười:


– Khi một người mẹ sinh ra một đứa con, có khi nào bà ấy lại nghi ngờ rằng dứa con ấy không phải là thật? Và khi bà mẹ ấy hồi tưởng lại khi lâm bồn, có thể nào bà ấy cho rằng đó chỉ là một sự tự kỷ ám thị hay chăng? Khi bà ấy nhìn đứa con càng ngày càng lớn, có thể nào bà ấy lại nghi ngờ không tin rằng đứa trẻ vẫn còn sống chăng? Giống như thế, sự giác ngộ tâm linh là một biến cố quan trọng trong đời của một người đến nỗi người ấy không thể nào quên được, vì nó làm cho người ấy hoàn toàn thay đổi và trở nên một người mới. Khi người hành giả bước vào trạng thái đại định thì một sự trống không vắng lặng xuất hiện trong tâm thức của anh ta. Khi đó thì tâm thức sẽ không còn bị sự che chướng bởi vô số những điều phiền nhiễu, sẽ trở nên sáng suốt một cách tự nhiên. Khi việc ấy xảy ra, hành giả cảm thấy tràn đầy một nguồn hạnh phúc vô biên và an lạc tuyệt vời không thể tả. Anh ta cũng cảm thấy tràn đầy một tình thương yêu bao la rộng lớn và nồng nàn đối với toàn thể chúng sinh trong vũ trụ. Lúc ấy, người ngoài sẽ nhìn thấy xác thân của người hành giả hoàn toàn bất động như đã chết, vì mọi sự sinh hoạt đều ngưng hẳn. Trong trạng thái nhập định rất sâu, cho đến hơi thở của hành giả cũng khó nhận biết được.


– Như thế có nguy hiểm gì không?


– Không. Vì hành giả thường phải chọn nhập định ở một nơi hoàn toàn vắng lặng. Bản thân tôi vẫn thường đi vào trạng thái nhập định ấy và luôn có thể trở về tùy ý muốn. Tôi thường nhập định mỗi lần khoảng hai hay ba giờ đồng hồ, và định trước lúc nào sẽ xuất định. Đó là một kinh nghiệm rất diệu huyền, bởi vì tôi có thể thấu hiểu được toàn thể vũ trụ bên ngoài bằng cách chỉ nhìn sâu vào nội tâm của tôi, chứ không cần đi đâu cả. Vì thế nên tôi đã nói rằng tất cả những gì mà chúng ta cần học hỏi, đều có thể học hỏi ở tự tâm của mình. Sau khi tôi truyền pháp môn
YogaTây Tạng này cho ông, ông sẽ không cần có thầy, và không cần có một sự dìu dắt hướng dẫn nào từ bên ngoài.

– Còn ông, phải chăng ông cũng không cần có thầy?


– Tôi không hề có ý đi tìm thầy từ khi khám phá được những bí thuật của pháp môn
Brahma Chinta. Bởi đó, tôi lặp lại lần nữa rằng ông hãy tin cậy ở sự sáng suốt của trí tuệ bản tâm mình. Nếu chúng ta không tự nỗ lực để giải thoát bản thân mình thì không thể trông đợi ở bất cứ một quyền năng cứu rỗi nào từ bên ngoài cả.

Nói đến đây, nhà chiêm tinh im lặng trong vài phút và có vẻ đắm chìm trong một cơn trầm tư mặc tưởng. Tôi tôn trọng sự suy tưởng đó nên nhè nhẹ đứng lên kiếu từ ra về.


lll


Rồi buổi học cuối cùng của tôi về những lý thuyết dị kỳ của khoa pháp môn
Brahma Chintacũng đã chấm dứt. Hôm chia tay, tôi thuyết phục nhà chiêm tinh hãy bước ra khỏi cửa đi dạo một vòng, điều mà ông ta ít khi làm vì ông ta không hề rời khỏi nhà.

Chúng tôi đi bách bộ xuyên qua những con dường hẹp và tránh những khu náo nhiệt ồn ào để đi xuống bờ sông. Mặc dầu thành phố có vẻ cũ kỹ, chật hẹp và kém vệ sinh, nhưng
Bénarèslại dành cho du khách những cảnh tưng bừng rực rỡ và thay đổi liên tục, nhìn xem rất ngoạn mục.

Trưa hôm ấy, vị chiêm tinh gia của tôi mang theo một cây dù lớn. Hình dáng mảnh khảnh và cử chỉ chậm chạp có vẻ mệt nhọc của ông ta làm tôi e ngại nên phải đổi lộ trình để thâu ngắn đường đi.


Chúng tôi đi qua con đường hàng Đồng. Ở đây tiếng búa của các bác thợ rèn đồng đập nghe vang tai không dứt, và những vật dụng bằng đồng như nồi, xoong... chói bóng loáng dưới ánh nắng mặt trời. Người ta cũng thấy chưng bày nơi đây vô số những hình tượng nhỏ bằng đồng tiêu biểu của các vị thần trong Ấn giáo.


Một người hành khất già đi một cách khép nép dọc theo vách tường phía bên kia đường lộ. Ông ta nhìn tôi với cặp mắt dò hỏi. Hình như cử chỉ của tôi làm cho ông ta được yên lòng nên ông ta bèn đánh bạo đến xin tiền.


Chúng tôi đi qua đường hàng Gạo. Tại đây người ta thấy các cửa hàng bày những đống gạo và thóc lúa màu đỏ, màu vàng. Người buôn thóc ngồi xếp bằng trước cửa hàng, liếc nhìn chúng tôi với cặp mắt tò mò, rồi lại kiên nhẫn ngồi đợi người mua.


Trên những con đường khác, những mùi vị pha lẫn một cách hỗn tạp xông vào mũi, thành một thứ mùi đặc biệt. Khi đến gần bờ sông, chúng tôi đi thẳng vào một khu hình như là nơi tập hợp của giới hành khất. Những người ăn mày gầy còm lê lết dọc theo con đường đầy cát bụi. Một người trong bọn đến gần tôi và nhìn tôi vào tận mắt như để thăm dò. Ông ta có một vẻ mặt rất đau khổ, làm cho lòng tôi se lại.


Cách đó một quãng, suýt nữa tôi đạp nhằm một bà già thân thể gầy ốm chỉ còn da bọc xương. Bà ấy cũng ngước mặt lên nhìn tôi. Trong cái nhìn ấy tôi không thấy lộ vẻ oán hận hay đau khổ, mà chỉ có sự an phận trong âm thầm. Tôi móc túi lấy cái ví tiền, cử chỉ đó làm nhen nhúm lại một tia sáng trong cặp mắt đã hết tinh thần của bà ta. Bà ấy đưa ra một cánh tay gầy gò và nắm lấy đồng tiền bố thí của tôi một cách sốt sắng. Tôi lấy làm ngượng thầm mà nghĩ đến số phận tốt lành của tôi và tất cả những gì tôi sở hữu, cơm ăn, áo mặc, nhà ở và nhiều thứ khác...


Khi tôi nghĩ đến cặp mắt tuyệt vọng của những người bần cùng khốn khổ đó, tôi cảm thấy hình như có một sự hối hận: Tôi có quyền gì mà sở hữu bấy nhiêu tiền bạc, trong khi những kẻ khốn cùng kia chỉ có những mảnh giẻ rách che thân? Nếu như do một sự tình cờ của định mệnh mà tôi lại sinh ra làm một trong những người hành khất ấy thì sao? Tôi không dám suy tưởng lâu hơn nữa về cái ý nghĩ rùng rợn đó. Vì lý do nào mà một người lại tình cờ sinh ra trên vỉa hè lầm than cát bụi, trong khi số phận lại đặt một người khác trên nhung gấm ở một tòa lâu đài gần bên? Đời người quả thật là một bài toán bí hiểm. Tôi bất chợt nhớ lại tất cả những điều nhà chiêm tinh đã nói về nhân quả và bắt đầu thấy sáng tỏ hơn với lý thuyết này. Đúng vậy, không thể chấp nhận rằng mọi sự có thể được an bày bởi một định mệnh hoàn toàn vô lý, trong khi không ai có thể chứng minh được sự tồn tại của một định mệnh như thế. Mỗi con người sinh ra đều khác biệt nhau, và điều đó chỉ có thể giải thích là sự khác biệt do những hành vi mà họ đã thực hiện trong quá khứ.


– Chúng ta hãy ngồi đây.


Nhà chiêm tinh nói khi chúng tôi vừa đến bờ sông. Chúng tôi ngồi trong bóng mát và nhìn xuống sông, trên bờ là những bậc thang đá nhiều nấc, có những nhóm người hành hương lên xuống không ngớt. Cách đó một quãng có hai ngọn tháp nhọn cao đến chừng một trăm thước, nhô lên một cách yểu điệu trên nền trời xanh thẫm. Đó là tháp của ngôi đền Hồi giáo mà nhà vua
Aurangzebđã xây cất tại đây thuở xưa, khi Ấn Độ bị quân Hồi chiếm đóng.

Nhà chiêm tinh có lẽ đã nhận ra nỗi buồn thương cảm và suy tư của tôi khi nhìn thấy những người hành khất, nên ông ta quay lại nói:


– Ấn Độ là một nước nghèo, dân tộc xứ này đã đắm chìm trong sự ngủ mê, bất động. Tuy nhiên, việc thịnh suy của thế cuộc nối tiếp nhau như ngày với đêm, âm dương vận hành theo định luật tuần hoàn. Lịch sử của các nước khác cũng không ngoài cái định luật đó. Ấn Độ đang hồi suy vong, nhưng có lúc nó sẽ quật cường, khi nào những hoài bão tinh thần cao cả thuở xưa được đánh thức dậy trong lòng người để mở màn cho một giai đoạn tích cực hoạt động và phục hưng xứ sở. Ngày nay, châu Âu đang sống mạnh với những hoạt động thực tế, nhưng sự phồn thịnh vật chất của nó có lúc cũng sẽ trôi qua và người phương Tây sẽ hướng về những lý tưởng tâm linh cao cả hơn. Phương Tây rồi sẽ có lúc đổ xô chạy theo những hoạt động tâm linh và những hoài bão tinh thần. Cả nước Mỹ rồi cũng sẽ đi theo con đường đó.


Tôi lẳng lặng ngồi nghe. Ông ta nói tiếp một cách trịnh trọng:


– Bởi lẽ đó, những tri thức cổ xưa về triết học và tâm linh của Ấn Độ rồi sẽ có lúc tràn qua Tây phương như một luồng sóng mới. Các nhà học giả đã phiên dịch vài bộ sách Phạn ngữ và Thánh kinh của Ấn giáo ra các ngôn ngữ Âu Tây, nhưng có nhiều sách vở tài liệu hãy còn được giữ kín trong những thư viện bí mật ẩn trong hang núi ở những vùng hẻo lánh thuộc Ấn Độ, Nepal và Tây Tạng. Những sách vở đó có ngày cũng phải được tiết lộ ra cho thế giới biết. Không bao lâu sẽ đến lúc mà nền triết học uyên thâm và đạo lý cổ truyền của Ấn Độ sẽ phối hợp với những môn khoa học thực tế của Tây phương. Những điều huyền bí của thời đại cổ xưa phải được phổ biến để đáp ứng với những nhu cầu của thế hệ này. Tôi không biết chắc là khi nào, nhưng tôi mong rằng điều đó sẽ sớm được thực hiện.


Tôi vừa ngồi nghe vừa nhìn dòng nước xám xanh của sông Hằng. Dòng sông yên lặng một cách lạ thường, đến nỗi nước sông đứng yên dường như không chảy. Mặt nước phẳng lặng phản chiếu ánh nắng mặt trời như một tấm gương trong. Nhà chiêm tinh lại nói tiếp:


– Mỗi dân tộc cũng có một nghiệp báo chung của nó, cũng giống như nghiệp báo riêng của mỗi người. Do sự cộng hưởng nghiệp của tất cả những con người cùng sinh ra trong một chủng tộc, họ sẽ phải cùng nhau nhận lãnh những kết quả khác với những dân tộc khác. Các quốc gia cũng như các dân tộc sẽ không thoát khỏi cộng nghiệp mà tự họ đã tạo nên, nhưng họ có thể xoay chuyển được phần nào trong những cơn nguy biến.


– Làm sao con người có thể có được sự xoay chuyển đó?


– Bằng cách nỗ lực vươn lên hoàn thiện chính bản thân mình. Sự hướng thiện không chỉ là trong mỗi hành vi được thực hiện, mà còn phải xuất phát tự trong tâm của mình trước khi người ta bắt đầu làm một công việc nào đó. Người ta cần phải biết cách sống có ý nghĩa, thay vì chỉ buông trôi theo hoàn cảnh. Chúng ta hãy đón nhận mỗi ngày trong cuộc đời một cách vui tươi như một phần thưởng của cuộc đời, vì đó là một cơ hội thêm nữa để ta làm điều thiện và xoay chuyển những nghiệp xấu ác của mình. Chúng ta cũng phải biết đón nhận những đau khổ như một phương thuốc mầu nhiệm để cứu chữa những điều lầm lạc đã qua của mình, vì chúng nhắc nhở cho ta biết ta đã có những hành vi không tốt trong quá khứ và đừng bao giờ lặp lại. Chúng ta không có gì phải sợ sệt, vì nhân quả là một định luật hoàn toàn công bằng đối với mọi chúng sinh, không có ai được ưu đãi hơn ai.


– Như vậy, ông không tin rằng có một Thượng Đế ở cách xa chúng ta và sẽ cứu vớt những đau khổ của thế gian nếu ta cầu nguyện với ngài?


– Không, nếu thật có một Thượng Đế như vậy thì ngài quả là bất nhân, vì đã phớt lờ đi mọi nỗi khổ đau của những ai không cầu nguyện với ngài. Nhưng đó là một điều vô lý, vì chính các ông cũng tin rằng Thượng Đế toàn năng luôn thương yêu và che chở cho con người. Chúng tôi luôn đặt niềm tin ở chính bản thân mình, vì bản tâm mỗi người chính là cội nguồn của sự sống. Khi ông nhìn thấy cái đẹp trong thiên nhiên, như một phong cảnh đẹp chẳng hạn, ông đừng quên rằng sở dĩ nó đẹp là vì có ông đang ngắm nhìn. Sẽ không có gì gọi là đẹp nếu không có sự sống, mà cội nguồn của sự sống thì chỉ có trong tâm thức của mỗi chúng ta. Điều đó cho thấy cái tinh thần bên trong nó làm chủ động cho mọi hình thức sinh hoạt trên thế gian và cũng là cội nguồn của khổ đau hay hạnh phúc. Vì thế, chúng tôi tin chắc rằng nếu không có sự nỗ lực hướng thiện từ trong tự tâm mỗi người thì sự cầu nguyện với bất cứ ai cũng chỉ là một niềm tin mù quáng mà thôi.


– Tôi phải thừa nhận là ông có một lối lập luận rất đặc biệt, pha lẫn những lý thuyết siêu hình với những phán đoán rất thực tiễn, cụ thể. Điều này dường như quá lạ lùng đối với tôi.


– Sao lại lạ lùng? Những lý thuyết đó không phải do tôi nghĩ ra, mà nó được truyền lại từ cách đây hơn 25 thế kỷ, nên đã trải qua sự thẩm định của thời gian. Một bậc Toàn Giác đã đản sinh trên đất nước Ấn Độ này và phá vỡ mọi niềm tin sai lầm vào các đấng thần quyền hay thuyết định mệnh mù quáng. Ngài đã chỉ rõ rằng mỗi con người luôn làm chủ cuộc đời mình, tự mình tạo ra hạnh phúc hay chuốc lấy khổ đau, và không thể đổ lỗi cho bất cứ ai khác về những sai lầm của mình, cũng không thể kỳ vọng ở sự cứu rỗi nào ngoài sự nỗ lực hướng thiện của chính bản thân mình. Nhưng thuyết nhân quả cũng không do ngài nghĩ ra, mà chỉ là một sự thật phổ quát trong toàn vũ trụ, được ngài nhận biết và chỉ dạy cho mọi người mà thôi.


– Tôi nghĩ rằng ông nói có lý, và điều đó không chỉ là để an ủi những kẻ hành khất khốn cùng mà chúng ta vừa gặp khi nãy, nhưng nó còn có thể giúp họ phấn chấn hơn và nỗ lực làm một điều gì đó trong hiện tại để thay đổi tương lai.


– Đó là điều duy nhất mà tôi có thể trả lời cho ông. Nếu ông áp dụng cách “hồi quang phản chiếu” để đi sâu vào nội tâm thì những vấn đề đó sẽ tự nó giải đáp, vì mỗi một hành vi thiện hay ác đều có những ảnh hưởng nhất định trong tâm thức của ông.


Đến đây, tôi biết là mình đã chạm đến giới hạn của sự tranh luận bằng ngôn từ, nên sẽ không còn gì để nói nhiều hơn nữa. Từ nay tôi phải tự tìm hiểu con đường này bằng trí tuệ của chính mình.


Trong túi tôi đã sẵn có một vé của chuyến xe lửa sắp tới để lên đường. Tôi đề nghị nhà chiêm tinh hãy cho tôi chụp một bức ảnh kỷ niệm. Ông ta lễ phép chối từ. Khi tôi khẩn khoản thỉnh cầu, ông ta đáp:


– Để làm gì với một gương mặt gầy xấu và bộ quần áo xốc xếch này?


– Nhưng tôi muốn có vật kỷ niệm để nhớ đến ông khi tôi đi xa.


Ông ta đáp một cách dịu dàng nhưng dứt khoát:


– Vật kỷ niệm đáng giá nhất sẽ là những tư tưởng tốt lành và những việc làm vị tha. Khi ông thực hiện được những điều như thế, tôi mong rằng có phần đóng góp nhỏ nhoi của tôi trong đó, và vì thế ông sẽ nhớ đến tôi để nỗ lực nhiều hơn nữa.


Tôi đành phải chiều lòng ông ta và xếp lại máy ảnh.


Khi chúng tôi đứng dậy ra về tôi nhìn thấy gần bên có một vị tu sĩ ngồi kiết-già dưới bóng mát của một cây dù lớn. Ông ta đang đắm chìm trong một cơn thiền định và tôi nhận thấy, do bộ áo màu vàng sậm, rằng đó là một tu sĩ thuộc về một dòng tu khá cao.


Khi chúng tôi đến ngã ba đầu đường, tôi gọi một chiếc xe ngựa và chúng tôi chia tay.


*


Trong những ngày kế đó, tôi liên tục ngồi trên xe lửa. Ban đêm, tôi dừng chân nghỉ ở các lữ quán. Những quán trọ ấy thường không có tiện nghi gì đáng kể, ngoại trừ những đàn kiến rất đông. Sau hai tiếng đồng hồ thao thức trằn trọc và cố gắng đẩy lui cuộc tấn công của chúng nhưng vô hiệu quả, tôi đành phải bỏ giường và ngồi nghỉ trên một chiếc ghế bành.


Thời gian trôi qua một cách rất chậm chạp. Tôi suy nghĩ vẩn vơ và hồi tường lại câu chuyện triết lý về thuyết nhân quả của nhà chiêm tinh thành
Bénarès. Đồng thời, tôi cũng nhớ lại những người hành khất đáng thương, lê lết tấm thân tàn trên con đường đầy cát bụi. Cuộc đời không để cho họ sống, nhưng cũng không để cho họ chết! Chiếc xe ngựa đẹp lộng lẫy của một phú thương vừa đi ngang qua, làm văng bùn vào mình họ, nhưng họ chấp nhận điều ấy một cách thản nhiên cũng như chấp nhận cái số phận lầm than của họ, không chút oán hận. Ai đã đẩy họ vào một hoàn cảnh bi đát đáng thương đến thế? Nếu đó là một đấng toàn năng, thì hẳn là đấng toàn năng ấy còn thiếu một trái tim nhân hậu. Trên dải đất nóng gắt này, cho đến một người phong cùi, phế tật... hình như cũng bằng lòng chấp nhận số phận của mình mà không chút oán trời hận người. Thuyết nhân quả chắc hẳn đã mang đến cho họ một sự giải thích hợp lý, và tất cả những gì họ có thể làm được trong hiện tại là phải nỗ lực tránh điều ác, làm điều lành. Tôi vẫn chưa biết thuyết ấy có đứng vững ở phương Tây hay không khi người ta hoàn toàn bó tay trong việc đưa ra một sự chứng minh cụ thể về mối quan hệ giữa những hành vi trong quá khứ xa xăm với những kết quả đang xảy ra trong hiện tại này, nhưng tôi phải thừa nhận rằng ngoài tính chất hợp lý của nó, đây còn là một cách giải thích có tác dụng hết sức tích cực trong việc chuyển hóa con người hướng về điều thiện. Mà việc hướng về điều thiện thì dù ở phương Tây hay phương Đông, dù ngày xưa hay ngày nay cũng không có bất cứ một triết gia, học giả hay nhà lãnh đạo tôn giáo nào phản bác cả!

Thật nực cười khi một người Âu chủ trương duy vật không thể nào tranh luận được với một người Đông phương tin tưởng nơi thuyết nhân quả bất di bất dịch. Trong khi nền tảng của thuyết nhân quả là mối quan hệ giữa hành vi quá khứ và kết quả trong hiện tại không thể nào chứng minh được theo cách làm hài lòng những người duy vật, thì cách lập luận chặt chẽ và hợp lý của nó trong giải thích sự việc lại khiến người ta phải nể phục và không thể nào biện bác được. Hơn nữa, nếu cho rằng việc tin vào thuyết nhân quả cũng mơ hồ như tin vào thuyết định mệnh hoặc tin vào một đấng sáng thế tối cao, bởi vì tất cả đều không đưa ra được những bằng chứng khoa học cụ thể, thì trong cả ba trường hợp này, chỉ có người tin vào thuyết nhân quả là có thể có những hành vi ứng xử tích cực và hợp lý nhất.


Khi người ta tin vào thuyết định mệnh hoặc vào một đấng toàn năng luôn can thiệp vào mọi chuyện của người trần thế, thì không hề có vấn đề tự do quyết định của cá nhân được nêu ra. Tất cả đều được quy cho định mệnh hoặc ý muốn của một đấng toàn năng tối cao, và đó là tất cả vấn đề, không còn gì phải nói thêm nữa! Nhưng có người Âu nào với đầy đủ kiến thức khoa học lại chịu nhìn nhận rằng mình chỉ là một con rối thụ động, hoàn toàn tuân theo sự độc đoán của định mệnh hay sự xếp đặt của một bàn tay vô hình nào đó?


Đến đây tôi liền nhớ lại câu nói bất hủ của
Napoleonkhi đạo binh của ông ta mở đường núi vượt qua dãy núi Alpes: “Hai chữ “không thể” không có trong từ điển của ta.”

Nhưng tôi đã nghiên cứu tiểu sử và cuộc đời ông ta, và tôi cũng nhớ cả những dòng chữ lạ lùng mà ông ta đã viết tại
Sainte Hélènelúc bị đày ra hải đảo: “Tôi vẫn luôn luôn tin tưởng ở định mệnh. Ngôi sao của tôi đã lu mờ, tôi cảm thấy tôi không còn quyền lực nữa và tôi cũng không làm gì khác được.” Vì sao một người luôn tự tin và quyết đoán lại có những ý tưởng và niềm tin trái ngược như thế? Hẳn là ông ta vẫn chưa thực sự giải quyết xong bài toán về ý nghĩa cuộc đời. Nhưng thật ra có ai đã giải quyết được điều bí hiểm ấy? Có hay không có một định mệnh riêng biệt dành cho mỗi người? Có hay không có một đấng tối cao chi phối đến mọi sự thành bại khổ vui của con người? Có hay không có một luật nhân quả mà tác dụng chi phối vượt qua mọi giới hạn về thời gian và không gian? Có thể rằng kể từ khi con người mới bắt đầu biết dùng bộ óc để suy gẫm thì những vấn đề này đã từng được tranh luận ở bất cứ nơi đâu trên mặt địa cầu. Những người dân chất phác đơn sơ không màng giải quyết vấn đề đó, họ chỉ chọn cho mình một niềm tin để nương tựa là xong. Còn những kẻ trí thức thì dường như vẫn luôn do dự không quyết định dứt khoát được giữa những tư tưởng trái ngược nhau trong đầu họ, như trường hợp của Napoleonchẳng hạn.

Vài ngày sau, khi tôi đã ở cách xa
Bénarès đến vài trăm dặm thì được tin là có những cuộc nổi loạn và bạo động xảy ra ở đó. Đó là một trong những vụ xung đột giữa người Ấn giáo và Hồi giáo, thường bắt đầu bằng những duyên cớ rất nhỏ nhặt không đáng kể nhưng thường bị xúi giục bởi những kẻ bất lương lợi dụng vấn đề tôn giáo để gây rối hầu dễ thi hành những thủ đoạn cướp bóc thủ lợi. Trong suốt nhiều ngày, thành phố Bénarès đắm chìm trong sự hỗn loạn và khủng bố. Người ta thường nghe nói đến những chuyện đầu rơi máu đổ và giết chóc.

Tôi lấy làm lo ngại cho sự an toàn của nhà chiêm tinh nhưng không thể nào liên lạc được với ông ta. Những người đưa thư quá sợ hãi không dám ra đường nên không có thư từ hay điện tín nào được phân phát trong những ngày loạn lạc đó. Tôi đành phải đợi cho đến khi tình hình tạm yên trở lại, và gửi một bức điện tín ngay trong số những bức đầu tiên nhận được ở
Bénarès sau những ngày hỗn loạn. Vài ngày sau tôi nhận được thư trả lời cám ơn của nhà chiêm tinh, trong đó ông ta cho biết rằng ông ta được bình yên vô sự. Ở trang sau lá thư, ông ta cũng không quên chép luôn cho tôi mười điều qui luật về sự thực hành pháp môn Yogacủa phái Brahama Chinta, như một lời nhắc nhở.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/06/2013(Xem: 6188)
Trước nhất, chúng tôi xin thân gởi đến quý Thân Hữu, quý Phật Tử gần xa, lời tán thán công đức luôn nhắc nhở khuyến khích chúng tôi viết quyển sách này. Những vị này đã nghe tôi kể lại tỉ mỉ cuộc hành trình nơi xứ Phật, những điều mắt thấy, tai nghe và đi tìm hiểu phong tục tập quán lạ, cũng như vào trong làng sâu, gần như chưa có sách nào đề cập đến.
01/05/2013(Xem: 3609)
Bác tài xế taxi đêm qua đưa chúng tôi một vòng “Delhi by night” sáng hôm sau đến đúng giờ đợi chúng tôi ở ngoài đường. Tôi đưa thiệp của bác taxi cho các gác dan của khách sạn để họ gọi bác vào. Các khách sạn loại đắt tiền ở Ấn Độ thường nghiêm nhặt về an ninh. Trên đường ra phi trường nội địa, xe chạy ngang qua khu vực Dinh Tổng Thống rồi tới con đường rất đẹp với mấy lớp cây xanh hai bên. Bác tài nói đây là con đường tập trung tất cả các tòa đại sứ. Tôi nhìn phía bên trái và đọc được tên của hơn một tá tòa đại sứ các quốc gia trên các bảng hiệu cắm bên đường.
09/04/2013(Xem: 7175)
Hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH HƯƠNG CHIÊM BÁI PHẬT TÍCH Tổng cộng 26 ngày từ 04-11 đến ngày 29.11.2008
09/04/2013(Xem: 5925)
Phái đoàn hiện tại đã hoàn tất mọi thủ tục và chờ ngày lên đường, đoàn gồm có 74 người: 38 người từ Melbourne, 1 từ Adelaide, 17 từ Perth, 6 từ Sydney, 9 từ Hoa Kỳ và 2 từ Việt Nam.
09/04/2013(Xem: 4852)
Tất cả quý Phật tử tại Mỹ (dù ở bất cứ tiểu bang nào) phải có mặt tại phi trường quốc tế Los Angles, California lúc 8 giờ tối để làm thủ tục lên máy bay (hãng China Southern Airline) lúc 11.50 tối 20-10-2009 để bay đến Quảng Châu, Trung Quốc.
09/04/2013(Xem: 5729)
Phái đoàn viếng thăm Tân Hưng Cổ Tự ở miền Đông Bắc Nam Triều Tiên
09/04/2013(Xem: 4501)
Hành Hương Phật tích Ấn Độ 2010 do HT Thích Bảo Lạc (Chùa Pháp Bảo, Sydney, Úc Châu) hướng dẫn từ ngày 2 đến 20/11/2010.
09/04/2013(Xem: 5290)
Hình ảnh Ðại Ðức Thích Phổ Huân Trụ Trì Chùa Pháp Bảo, Sydney, Úc Châu Và Ðạo Hữu Tony Thạch (Triumph Tour) Hướng dẫn phái đoàn hành hương Chiêm Bái Phật Tích Ấn Ðộ Từ ngày 1/2/2012 đến 24/2/2012.
09/04/2013(Xem: 11638)
Chân thành cảm ơn Đạo hữu Võ Văn Tường đã gởi tặng Trang Nhà Quảng Đức tập sách giá trị này. Xin chân thành giới thiệu đến bạn đọc xa gần.
09/04/2013(Xem: 12061)
Chân thành cảm ơn Đạo Hữu Võ Văn Tường đã gởi tặng tập sách Những Ngôi Chùa Nổi Tiếng ở TP. HCM và 200 ảnh những ngôi chùa nổi tiếng 3 miền Bắc, Trung, Nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]