Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 9: Vị Pháp Sư Thành Bénarès

01/03/201103:31(Xem: 6866)
Chương 9: Vị Pháp Sư Thành Bénarès

ĐÔNG PHƯƠNG HUYỀN BÍ
Nguyễn Hữu Kiệt dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

CHƯƠNG 9: VỊ PHÁP SƯ THÀNH BÉNARÈS

Xe lửa vọt lên chiếc cầu sắt lớn bắc ngang qua con sông Hằng cổ kính và linh thiêng, phát ra những tiếng động ầm ầm càng biểu lộ thêm một bằng chứng xâm lăng của thế hệ cơ giới tân tiến đối với một xã hội cổ xưa và bảo thủ.

Con sông Hằng linh thiêng chắc sẽ không còn linh thiêng được bao lâu nữa, khi mà những người ngoại quốc vô tín ngưỡng bắt đầu phóng những đoàn hỏa xa gầm thét như sấm động vượt ngang dòng nước xám xanh và yên lặng của nó.


Thành
Bénarès! Sách sử Ấn Độ chép rằng Bénarèslà một thành phố đã có từ 12 thế kỷ trước Công nguyên. Người Ấn Độ xem thành phố này như một nơi thánh địa. Dù là người giàu hay kẻ nghèo, sang hay hèn, tất cả mọi người ở khắp nơi trong xứ đều muốn về chiêm ngưỡng thánh địa Bénarès, và cố gắng đi đến đây ít nhất cũng là một lần trong đời để được tắm mình trong bầu không khí linh thiêng nơi đây. Những người đau ốm, hấp hối cũng tìm mọi phương tiện để được có mặt nơi đây trong những ngày cuối đời, vì họ tin rằng người chết ở đất thánh sẽ được vĩnh viễn siêu sinh lên cõi thiên đàng và thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.

Qua hôm sau, tôi đi thẩn thơ qua các đường phố nhỏ hẹp trong thành phố để tìm nhà của một vị pháp sư mà một người đệ tử ở
Bombayđã cho tôi địa chỉ.

Tôi đi qua những con đường chật hẹp đến nỗi một chiếc xe không thể chui lọt vào. Tôi đi lần theo những phố xá buôn bán đông đảo tấp nập, tại đây người ta thấy nhiều sắc dân đủ mọi chủng tộc và đủ mọi hạng người chen chúc lẫn nhau.


Khu vực này gồm có nhiều đường quanh co khúc khuỷu. Khi đi vào đây, người ta có cảm giác như đi lạc vào một mê hồn trận. Thêm vào đám rừng người hỗn tạp đó là những con chó hoang chạy rông và những bầy ruồi nhặng bu ở các quầy hàng. Có những bà lão tóc bạc da mồi, mắt lòa chân chậm, những thiếu phụ còn trẻ, gương mặt nõn nà, mặc những chiếc
sarimàu mè sặc sỡ, những người đi hành hương tay lần xâu chuỗi bồ-đề, miệng lầm thầm tụng niệm những câu chân ngôn mà họ lặp đi lặp lại có lẽ đã đến năm bảy chục ngàn lần. Những tu sĩ khổ hạnh khoác bộ áo vàng, chống gậy lê bước đi chẫm rãi, nét mặt trầm tư. Và còn bao nhiêu nhân vật khác nữa, tất cả cùng chen chúc nhau trên những con đường nhỏ hẹp từ khu mê lộ này đưa xuống tận bờ sông Hằng.

Tôi đi lần theo một khu phố náo nhiệt ồn ào, màu sắc rực rỡ. Vừa qua một khúc quanh, tôi đã đứng trước cổng ngôi đền Vàng, là một ngôi đền rất được sùng thượng trong các giới tôn giáo chính thống ở Ấn Độ. Có những người tu sĩ hành khất bôi tro đầy mình, ngồi xếp thành hàng ngoài cổng đền. Những người hành hương ra vào tấp nập không dứt, có người đem những tràng hoa vào đền, màu hoa tươi sặc sỡ trông rất vui mắt. Những người từ trong đền bước ra kính cẩn cúi đầu rạp xuống, lấy trán đụng vào bực thềm đá trước cổng rồi mới ra đi.


Hai mái bầu tròn làm bằng vàng khối rất dày, chói lòa dưới ánh nắng mặt trời. Những con kéc kêu vang bu lại rất đông trên một ngọn tháp gần bên. Ngôi đền Vàng này thờ thần
Shiva, vị thần tối cao của Ấn giáo.

Tôi vẫn tiến bước, đến gần ngưỡng cửa của một ngôi đền khác và nhìn xem người ta đang lễ thần
Krishna. Người ta đốt chất long não trước một tượng thần bằng vàng. Tiếng chuông trong đền ngân không dứt, tiếng tù và thổi vang tai. Một vị sư gầy gò khắc khổ bước ra và nhìn tôi với cặp mắt dò xét. Tôi liền bước đi chỗ khác.

Tôi đi xuyên qua những con đường tối tăm, chật hẹp, để tìm nhà vị pháp sư. Sau cùng, tôi đến một con đường có những ngôi nhà to lớn đồ sộ, trước nhà có sân rộng rãi khoảng khoát. Tôi đến một cửa bên ngoài có một tấm bia đá khắc chữ “
Vishudha.” Tôi bước vào cổng, vì đây đúng là ngôi nhà mà tôi tìm kiếm, và tiến đến gần một người đang ngồi ngoài hiên.

Đó là một thanh niên có vẻ mặt thông minh lanh lợi. Tôi hỏi thăm vị pháp sư và được đưa vào trong nhà. Trong một gian phòng rộng rãi, tôi thấy có một nhóm người Ấn Độ ăn mặc chỉnh tề, ngồi xếp bằng theo hình bán nguyệt dưới sàn gạch. Một vị trưởng lão có chòm râu bạc ngồi tựa trên một chiếc
divanở chỗ cuối phòng. Hình dáng khả kính và chỗ ngồi danh dự của người này cũng đủ cho tôi biết rằng đây là người mà tôi tìm kiếm.

Tôi chắp tay chào theo kiểu Ấn Độ, hai lòng bàn tay giao nhau đưa lên trước trán, và nói lời chúc thầy bình an bằng tiếng Ấn. Tôi tự giới thiệu mình là một nhà văn đi du lịch ở Ấn Độ để học hỏi về môn triết học và đạo học của xứ này. Tôi cũng nói rõ là người đệ tử mà tôi đã gặp có giải thích cho tôi biết rằng thầy anh ta không bao giờ biểu diễn những quyền năng ở nơi công cộng, và dầu cho ở chỗ kín đáo trong tư thất, người cũng không phô trương những quyền năng đó trước mặt những người ngoại quốc. Tuy nhiên, vì lẽ tôi có một sự thích thú sâu xa đối với nền minh triết cổ truyền của họ, tôi yêu cầu họ thông cảm và đối xử với tôi như là một trường hợp ngoại lệ.


Những vị đệ tử giương mắt nhìn nhau và quay lại nhìn thầy họ như để chờ đợi câu trả lời.
Vishudhacó lẽ đã trên bảy mươi tuổi, người có một sống mũi ngắn và một bộ râu dài, đôi mắt lớn và sâu sắc; trên cổ có đeo một sợi dây thánh, biểu hiện của giai cấp Bà-la-môn. Người đưa mắt nhìn thẳng vào tôi, chẳng khác nào tôi là một vật thí nghiệm dưới kính hiển vi. Tôi cảm thấy có một cái gì lạ lùng làm thức động đến tâm hồn tôi. Quả thật, một mãnh lực huyền bí dường như đang phảng phất trong gian phòng này.

Sau cùng, vị pháp sư thốt ra vài lời bằng tiếng
Bengalivới một người đệ tử, người này bèn quay lại và cho tôi biết rằng thầy anh ta bằng lòng tiếp kiến tôi nếu tôi mời được bác sĩ Kavir, giám đốc trường Phạn ngữ của Chính phủ, để làm thông ngôn. Bác sĩ Kavirvừa biết tiếng Anh thành thạo, vừa là đệ tử thâm niên của pháp sư Vishudha, và sẽ là một người thông ngôn lý tưởng cho chúng tôi. Pháp sư nói:

– Anh hãy đến vào chiều mai. Tôi sẽ đợi anh vào lúc bốn giờ.


Tôi đành phải ra về. Ra đến đường cái, tôi gọi một chiếc xe ngựa đến trường Phạn ngữ. Nhưng ông Giám đốc không có ở đó, có người nói chắc ông ta đã về nhà. Tôi bèn ra xe đi thêm một chặng đường gần nửa tiếng đồng hồ nữa. Sau cùng, tôi gặp ông ta ở một ngôi nhà hai tầng.


Bác sĩ Kavir ngồi trên lầu, giữa những chồng sách và giấy tờ chất cao như núi ở chung quanh. Ông ta có một gương mặt sáng sủa và thông minh của một nhà học giả.


Tôi nói lý do cuộc thăm viếng của tôi, người hơi do dự nhưng sau cùng người bằng lòng cùng đi với tôi ngày hôm sau. Sau khi đã hẹn chắc, tôi bèn kiếu từ.


Tôi đi thẳng xuống bờ sông Hằng, bước trên những bậc thang bằng đá xây thành một dãy dài và cao đến mấy trăm bậc dọc theo bờ sông để cho những người hành hương xuống sông tắm. Trải qua nhiều thế kỷ, những bậc đá này cũng đã chịu sự tàn phá của thời gian, nhiều nơi đã sụp đổ và loang lỗ. Có những ngọn tháp đã ngả nghiêng và sụp xuống nước. Những đền đài dinh thự nguy nga đồ sộ ở ven bờ sông chen chúc nhau cái cao cái thấp, dường như đều muốn tranh lấy một chỗ đứng danh dự trên bờ sông Hằng linh thiêng.


Người Ấn Độ rất mực tôn sùng và xem sông Hằng như một vị nữ thần đem lại nguồn sống cho vùng đồng bằng phì nhiêu của miền Bắc Ấn. Những tu sĩ, tăng lữ và người hành hương có mặt ở khắp nơi.


Tôi nhận thấy có vài vị thầy đang dạy học trò trong những gian phòng nhỏ để vách trống trải. Thầy ngồi giữa, trên những tấm nệm, học trò ngồi xếp bằng dưới đất ở chung quanh, đang cố gắng thâu thập những giáo lý từ nghìn đời của tôn giáo họ.


Một nhà tu khổ hạnh râu ria xồm xoàm làm cho tôi chú ý. Hỏi thăm người chung quanh thì nghe nói anh ta đã lăn mình dưới đất trên bốn trăm dặm đường trường, không quản bụi bặm chông gai, mưa nắng dãi dầu, để đến thánh địa
Bénarès. Thật là một cách đi hành hương lạ lùng và hi hữu, có một không hai trên đời này!

Ở một góc khác, tôi gặp một nhân vật có bộ dạng rất dị kỳ: Anh ta đã đưa một cánh tay thẳng lên trời từ nhiều năm nay! Những gân cốt trên cánh tay đã rã rời khô kiệt, các bắp thịt như đã khô và teo lại, da cũng khô như tờ giấy. Làm sao có thể giải thích được những cuộc biểu diễn vô lý và kém mỹ thuật này, nếu không phải là mặt trời vùng nhiệt đới đã làm cho họ bị loạn trí?


Qua hôm sau, đúng bốn giờ chiều, bác sĩ
Kavirvà tôi cùng đến nhà vị pháp sư, bước vào gian phòng lớn và lễ phép chào vị chủ nhân. Có sáu người đệ tử cũng đang có mặt tại đó.

Pháp sư
Vishudhamời tôi ngồi xích lại gần. Tôi ngồi xếp bằng cách giường độ vài thước. Người hỏi tôi:

– Anh muốn xem một vài phép thuật của tôi, phải vậy chăng?


Tôi mừng rỡ đáp ngay:


– Nếu pháp sư vui lòng cho xem thì thật là vô cùng hân hạnh.


– Vậy anh hãy đưa cho tôi cái khăn tay của anh. Nếu khăn bằng lụa thì càng hay. Tùy ý anh muốn có một loại hương thơm nào, thì mùi hương đó sẽ được đem đến cho anh. Tôi chỉ dùng một cái kính hiển vi và ánh sáng mặt trời làm phương tiện.


Cũng may, lúc đó tôi có đem theo một chiếc khăn tay bằng lụa, tôi liền đưa cho vị pháp sư. Người lấy ra một cái kính hiển vi nhỏ và giải thích rằng người muốn tiếp lấy ánh sáng mặt trời, nhưng vì vị trí của mặt trời trong lúc đó bị mái nhà che khuất nên không thể thâu một cách trực tiếp. Tuy nhiên, người có thể vượt qua sự chướng ngại đó bằng cách cho một đệ tử ra đứng ngoài sân, dùng một mảnh kính thường và rọi ánh nắng vào phòng xuyên qua một cửa sổ.
Vishudha tuyên bố:

– Bây giờ, tôi sẽ thâu mùi hương trong không khí. Anh muốn thứ hương thơm nào?


– Tôi muốn có mùi hoa lài.


Ông ta cầm cái khăn tay của tôi bằng tay trái, và tay mặt cầm cái kính hiển vi đưa lên. Trong khoảng hai giây đồng hồ, một tia nắng rọi trên góc chiếc khăn lụa. Kế đó, ông ta bỏ kính ra và đưa cái khăn cho tôi. Tôi đưa lên mũi ngửi thì rõ ràng là mùi thơm nồng của hoa lài đượm trên một góc của chiếc khăn. Tôi xem kỹ cái khăn, nhưng không thấy có dấu ướt mà cũng không có bằng chứng gì cho thấy rằng có một thứ dầu thơm lỏng đã được tẩm lên đó.


Tôi rất ngạc nhiên và nhìn vị pháp sư với vẻ hoài nghi và đề nghị biểu diễn lại một lần nữa. Lần thứ hai, tôi chọn mùi hoa hồng. Tôi chăm chú nhìn cuộc thí nghiệm lần này. Tôi dò xét tỉ mỉ mỗi cử chỉ của ông ta, và những gì xảy ra chung quanh. Tôi quan sát hai bàn tay và chiếc áo trắng của ông ta đang mặc với cặp mắt tò mò, nhưng không thấy có gì khả nghi. Ông ta lặp lại cuộc biểu diễn như lần trước, và tạo nên mùi hoa hồng thơm phức ở một góc khác của cái khăn.


Lần thứ ba tôi lại chọn một mùi hoa khác. Lần này ông ta cũng thành công như những lần trước.


Vishudha
có vẻ rất thản nhiên với sự thành công này. Ông xem trò biểu diễn này dường như một việc rất tầm thường, xảy ra hàng ngày, thậm chí không đáng để nở một nụ cười.

Rồi bất chợt ông ta tuyên bố:


– Bây giờ đến lượt tôi chọn mùi hương. Tôi sẽ tạo nên mùi hương của một thứ hoa chỉ mọc ở bên xứ Tây Tạng.


Ông ta lại thâu ánh nắng mặt trời rọi lên góc cuối cùng của chiếc khăn tay. Lần này, ông tạo ra một mùi hương lạ mà tôi không biết là mùi hoa gì. Hơi ngạc nhiên, tôi bèn đút chiếc khăn tay của tôi vào túi. Việc này có vẻ như đúng là một phép lạ. Hay là ông ta đã giấu những loại dầu thơm này trong người chăng? Hoặc trong áo chăng? Nếu như thế thì hẳn là ông ta phải giấu rất nhiều thứ dầu thơm, bởi vì ông ta không thể biết trước tôi sẽ chọn thứ mùi hoa nào. Chiếc áo dài ông ta đang mặc không thể chứa đựng hết đủ những thứ dầu thơm cần thiết. Vả lại, ông ta không hề cho tay vào trong áo.


Tôi đề nghị ông ta cho tôi xem cái kính hiển vi thì thấy đó chỉ là một loại kính hiển vi thông thường, lồng trong một cái khung thép tròn với một tay cầm nhỏ cũng bằng thép. Tôi không thấy gì khả nghi. Ngoài ra, không phải chỉ có một mình tôi dò xét từng cử chỉ của vị pháp sư. Chung quanh người còn có sáu người đệ tử. Vị bác sĩ đã cho tôi biết rằng tất cả bọn họ đều là những người có địa vị, có học thức rộng và chức nghiệp cao.


Vậy ông ta đã dùng thuật thôi miên chăng? Điều này có thể thử biết được, khi về nhà, tôi sẽ đưa cái khăn cho những người khác xem.


Vishudha
còn định cho tôi xem một phép thuật khác kỳ diệu hơn, tuy rằng phép thuật này ông ta ít khi nào biểu diễn cho người khác xem. Ông ta cho biết thêm rằng, để biểu diễn trò thứ hai này sẽ cần có ánh nắng gắt. Khi đó mặt trời đã sắp lặn và trời sắp tối. Tôi phải đến lần sau vào lúc giữa trưa của một ngày cuối tuần và ông ta hứa sẽ biểu diễn phép thuật làm cho một sinh vật đã chết tạm thời sống lại.

Tôi bèn kiếu từ và trở về nhà. Tôi đưa cái khăn tay cho ba người xem. Mỗi người đều nhận thấy rằng nó vẫn còn tỏa ra những mùi thơm nồng nặc. Như vậy không có thể nói rằng tôi đã bị thôi miên, và tôi cũng không thể coi cuộc biểu diễn vừa qua như một trò quỉ thuật.


Tôi trở lại nhà vị pháp sư lần nữa. Ông ta cho tôi biết rằng có thể làm cho một sinh vật đã chết phục hồi sự sống trở lại được, nhưng chỉ với các loài vật nhỏ mà thôi, và ông thường thí nghiệm với một loài chim. Người ta bóp chết một con chim sẻ và đặt trước mặt chúng tôi độ một tiếng đồng hồ, để chúng tôi thấy rõ là nó đã chết thật. Đôi mắt của nó không còn chớp, toàn thân nó đã cứng đơ không chút cử động, không còn thấy bất cứ dấu hiệu gì của sự sống.


Vị pháp sư lấy kính hiển vi và rọi một tia nắng mặt trời vào một mắt của con chim. Vài phút trôi qua, không có gì xảy ra. Pháp sư vẫn chăm chú làm việc, người mở đôi mắt lớn và tập trung nhãn lực vào con chim, nét mặt lạnh lùng và cương nghị. Thình lình, người mở miệng thốt ra những câu thần chú dị kỳ bằng một thứ tiếng nghe rất lạ tai. Sau đó một lát, thân mình con chim đã bắt đầu giật vài cái. Kế đó, cánh và lông của nó hơi giương lên, nó bắt đầu đập hai cánh, đứng dậy trên hai chân và nhảy vài cái trên sàn gạch. Nó đã sống lại, không còn nghi ngờ gì nữa!


Trong giai đoạn kế đó, con chim sẻ đã có đủ sức bay bổng và tìm chỗ cao để đậu. Thật là một chuyện khó tin đến nỗi tôi phải thâu thập tinh thần để biết chắc rằng tôi đang thức tỉnh chứ không phải nằm mơ. Cuộc thí nghiệm diễn ra độ nửa giờ. Thình lình tôi lấy làm ngạc nhiên mà thấy con chim ngả xuống không cựa quậy ở ngay trước mặt chúng tôi. Tôi nhìn kỹ thì thấy nó không thở nửa và đã chết thật. Tôi hỏi:


– Pháp sư có thể kéo dài sự sống của nó lâu hơn nữa được không?


Người đáp:


– Đó là tất cả những gì tôi có thể cho anh xem trong buổi hôm nay.


Vị bác sĩ kề tai nói nhỏ với tôi rằng pháp sư sẽ còn biểu diễn những phép thuật lạ lùng hơn nữa, nhưng chúng ta không nên lạm dụng lòng tốt của người trong lúc này. Pháp sư không phải là một nhà làm trò ảo thuật, và tôi hãy thỏa mãn với những gì tôi đã thấy.


Điều này làm cho câu chuyện càng trở nên bí mật thêm đối với tôi, và rốt cuộc tôi chẳng hiểu được gì cả. Tôi cũng được biết rằng pháp sư có thể làm xuất hiện những chùm nho tươi từ trong khoảng không, và làm ra những viên kẹo ngọt với hai tay không mà thôi. Người chỉ cần nắm trong lòng bàn tay một cái hoa đã héo cũng đủ làm cho nó tươi tốt thơm tho trở lại như cũ. Rốt cuộc, vị pháp sư này có cái bí quyết như thế nào? Tôi thử tìm hiểu vấn đề này, nhưng vẫn không tìm ra được câu giải đáp. Sự bí mật vẫn còn đó ở sau cái trán cao rộng và bí hiểm của vị pháp sư thành
Bénarès. Người chưa hề tiết lộ sự bí mật đó cho ai, ngay cả người đệ tử thân tín nhất.

Sau một cuộc điều tra kín đáo về cuộc đời của người, tôi đã thu thập được những chi tiết như sau: Người sinh ra ở tỉnh
Bengale, năm mười ba tuổi bị rắn độc cắn sắp chết. Người mẹ đã tuyệt vọng, và muốn cho người đến trút linh hồn ở bên bờ sông Hằng, bởi vì đối với người Ấn Độ thì không có cái chết nào tốt đẹp và thiêng liêng hơn nữa. Người ta trầm mình đứa bé xuống sông trong khi tất cả gia quyến đều tề tựu trên bờ sông để làm lễ tống táng. Sự mầu nhiệm xảy ra ngay khi đó. Mỗi khi xác đứa bé bị dìm xuống sông thì nước sông lại rút xuống. Dường như sông Hằng từ chối không chịu nhận lãnh xác đứa trẻ này trong dòng nước chảy siết của nó. Trong khi đó, một người đạo sĩ ngồi trên bờ nhìn thấy việc xảy ra như thế, liền đứng dậy và tiên đoán rằng đứa trẻ này sẽ có một định mệnh lớn lao, vì nó sẽ trở nên một người yogi.

Người đạo sĩ bèn thoa vết thương của đứa trẻ với một vài loại cỏ thuốc rồi mang đứa bé đi. Một tuần lễ sau, người trở lại và nói cho cha mẹ đứa trẻ biết rằng nó đã bình phục.


Quả nhiên, đứa trẻ hết bịnh và mạnh khoẻ như xưa. Nhưng trong tuần lễ đó, một chuyện lạ đã xảy ra: tánh tình dứa trẻ bỗng nhiên thay đổi. Nó chán ngán cảnh sống trong gia đình và chỉ muốn bỏ nhà ra đi để trở thành đạo sĩ. Vài năm sau, người mẹ ưng thuận cho cậu ta rời nhà đi tu. Cậu bèn ra đi để tìm thầy học đạo.


Từ đó, cậu thiếu niên thẳng đường sang Tây Tạng để hy vọng tìm được một danh sư trong số những nhà đạo sĩ ẩn dật ở xứ này. Người Ấn Độ vẫn luôn luôn tin tưởng rằng người học đạo chỉ có thể tiến mau trên đường tu luyện bằng cách trở thành đệ tử của một vị danh sư đã có kinh nghiệm trên con đường này.


Người thiếu niên
Bengalisau khi đã tìm tòi lục lạo khắp các nơi non cao động cả, đương đầu với những cơn bão tuyết dữ dội trên miền sơn cước tuyết phủ quanh năm, đành chịu thất vọng trở về tay không.

Nhưng nhiều năm trôi qua vẫn không làm giảm sút lòng nhiệt thành cầu đạo của cậu ta. Cậu lại ra đi lần nữa, và lần này đi băng qua những vùng sa mạc bao la ở miền nam xứ Tây Tạng. Tại đây, trong một chòi tranh ẩn khuất trong động đá của miền núi non hẻo lánh hoang vu không có dấu chân người, cậu ta đã gặp được vị danh sư vẫn hằng tìm kiếm.


Đến dây, tôi được nghe một chuyện mà vào lúc khác có lẽ tôi đã bật cười, nhưng lúc này tôi chỉ nghe mà không phản đối. Người ta quả quyết với tôi rằng vị danh sư Tây Tạng này đã sống lâu đến nỗi không còn nhớ được tuổi của mình. Họ nói điều này một cách tự nhiên và bình thản cũng như chúng ta nói rằng một người kia đã bốn, năm mươi tuổi. Đây là lần thứ ba mà tôi nghe nói về những người sống lâu.
Bramađã từng quả quyết với tôi rằng sư phụ của anh ta ở xứ Nepalcó thể sống lâu tùy ý. Một vị tu sĩ khác mà tôi gặp ở miền Tây có cho tôi biết rằng những người chứng đạo có thể tùy ý quyết định việc sống chết của mình. Tôi đã gạt bỏ những chuyện trên đây như là những chuyện hoang đường, thì hôm nay người ta lại thuật cho tôi nghe một câu chuyện tương tự, và tin tưởng rằng những bậc thầy chứng đạo đều đã nắm chắc được bí quyết của sự sống chết.

Vị danh sư Tây Tạng ấy liền truyền dạy cho chàng thanh niên
Vishudhapháp môn Hatha Yoga. Dưới sự chỉ dẫn của Thầy, người thanh niên này lần lần tập luyện và phát triển những khả năng thể xác và tinh thần đến một mức độ phi thường.

Trong mười hai năm, không quản thời tiết khắc nghiệt trên miền núi Tây Tạng, người gắng công tập luyện dưới sự dìu dắt của vị danh sư đã chứng ngộ. Sau thời kỳ huấn luyện, người được Thầy cho xuống núi trở về quê nhà, và đến lượt người trở nên một đanh sư của pháp môn
Yoga.

Người đã lưu trú một thời gian ở tỉnh
Purivà có một biệt thự ở tại đây. Những đệ tử của người đều thuộc về thành phần thượng lưu trong xã hội, gồm những tay phú thương, nghiệp chủ, công chức cao cấp, trong số đó có cả một vị vương tước (Rajah). Nếu tôi không lầm thì hình như người ta không khuyến khích sự nhập môn của những kẻ bạch đinh tay trắng.

Thình lình tôi buột miệng hỏi:


– Pháp sư làm những phép thuật ấy bằng cách nào?


Vishudha thản nhiên đáp:


– Những điều anh đã thấy không phải là thuật
Yoga, mà thuộc về một khoa học huyền bí gọi là khoa Thái dương học. Mục đích chính của khoa Yogalà phát triển ý chí và tinh thần, chứ không có dính dáng gì đến khoa Thái dương học. Khoa này gồm có những bí thuật mà sự thực hành không cần bắt buộc phải trải qua một sự huấn luyện đặc biệt nào. Người ta có thể học khoa này bằng những phương tiện giống như bất cứ ngành khoa học nào của Tây phương.

Bác sĩ
Kavirgiải thích cho tôi biết rằng khoa học này cũng gần giống như khoa điện học hay khoa vật lý học. Tôi vẫn không hiểu được bao nhiêu, thì vị pháp sư lại nói rõ thêm:

– Khoa Thái dương học của Tây Tạng thật ra không phải là mới lạ gì. Các đạo sĩ Ấn Độ đã từng biết đến nó từ những thời đại quá khứ xa xăm nhất, nhưng ngày nay nó đã bị mai một và thất truyền. Những tia nắng mặt trời có chứa đựng những nguồn sinh lực rất mạnh. Nếu anh có thể chọn lọc và cô lập những nguồn sinh lực đó, anh sẽ làm được những phép thuật mà tôi đã làm. Trong ánh sáng mặt trời, cũng có những mãnh lực mà người nào biết cách sử dụng sẽ làm được những điều phi thường.


Tôi hỏi:


– Pháp Sư có dạy khoa này cho các đệ tử chăng?


– Chưa, nhưng tôi đang chuẩn bị việc đó. Tôi sẽ chọn lựa vài người đệ tử để truyền dạy những bí thuật của tôi. Hiện thời chúng tôi đang bận xây cất một phòng thí nghiệm lớn để làm giảng đường dạy về khoa này.


– Nhưng hiện giờ pháp sư dạy về môn gì?


– Pháp môn Yoga.


Trong phòng chỉ có vài ba người đệ tử còn ở lại, những người khác đã lần lượt kiếu từ. Bác sĩ
Kavirngồi bên cạnh tôi và chăm chú nhìn thầy một cách tôn kính. Vishudhanhìn tôi và rồi quay mặt sang chỗ khác. Gương mặt của người có một vẻ tôn nghiêm khác thường. Tôi thử tìm cách cảm thông với nét mặt nghiêm nghị đó, nhưng vô hiệu quả. Tâm hồn của người vẫn khép chặt đối với một người Âu như tôi, chẳng khác nào như thánh điện thâm nghiêm của ngôi đền Vàng ở Bénarès! Toàn thân vị pháp sư toát ra một mãnh lực thần bí của phương Đông, và tôi cảm thấy rõ rệt rằng từ khi mới gặp nhau lần đầu, người đã dựng lên một bức rào cách biệt vô hình mà tôi không thể vượt qua. Những cuộc biểu diễn phép thuật mà người đã làm cho tôi xem chẳng qua chỉ là một phép xã giao lịch sự bề ngoài: ở đây không phải chỗ của những kẻ tò mò và những ngươi đệ tử Âu Tây.

Bỗng nhiên, pháp sư thốt ra mấy lời thật là bất ngờ đối với tôi:


– Tôi không truyền pháp cho anh nếu không có sự chuẩn y của Tôn Sư tôi. Đó là điều kiện cần thiết hơn hết.


Người đã đọc được tư tưởng của tôi chăng, hay là người muốn nói gì? Tôi không hề xin làm đệ tử của pháp sư bao giờ. Tôi cũng không hề có ý muốn làm đệ tử bất cứ người nào. Vả lại, tôi cũng biết rằng một sự yêu cầu như thế chắc chắn là sẽ bị từ chối. Tôi bèn hỏi:


– Nhưng làm sao ông có thể tiếp xúc với lịnh Tôn Sư trong khi người ở cách xa như thế?


– Chúng tôi vẫn giao tiếp thường xuyên với nhau bằng tư tưởng.


Tôi nghe rõ, nhưng tôi không tin tưởng cho lắm. Một câu hỏi khác đến trên môi của tôi:


– Thưa pháp sư, làm sao có được sự bằng an?


– Nếu không thực hành pháp môn Yoga, thì làm sao có được sự bằng an?


– Tôi nghe nói rằng Yoga là một môn học rất khó nếu không có thầy dìu dắt. Nhưng tìm thầy cũng là một việc không phải dễ.


Pháp sư thản nhiên đáp:


– Nếu người đệ tử sẵn sàng thì vị thầy sẽ xuất hiện.


Tôi bày tỏ sự nghi ngờ về điểm này. Người nói tiếp:


– Anh hãy tự chuẩn bị sẵn sàng, sau đó, dầu là anh ở đâu thì vị thầy cũng sẽ có ở đó.


– Nhưng tôi phải chuẩn bị như thế nào?


– Anh hãy dành riêng mỗi ngày một ít thời giờ để tập lấy thế ngồi rất giản dị mà tôi sẽ chỉ cho anh. Đồng thời, anh hãy tập chế ngự tánh nóng giận, giảm bớt những xúc cảm và thất tình lục dục.


Vishudha
biểu diễn cho tôi xem thế ngồi “liên hoa tọa bộ” mà tôi đã quen thuộc. Điều mà tôi không hiểu là người nói rằng nó rất giản dị. Tôi nói:

– Đối với một người Âu đã lớn tuổi, tôi nhận thấy rằng thế ngồi này rất khó thực hành.


– Chỉ khó khi mới bắt đầu mà thôi, anh hãy thử tập mỗi buổi sớm mai và chiều, rồi anh sẽ thấy dần dần dễ hơn. Điều quan trọng là hãy chọn lấy một giờ khắc nhất định rồi cố gắng giữ đúng giờ mỗi ngày. Lúc đầu, tập năm phút cũng đủ. Sau một tháng, anh hãy tập ngồi mười phút; sau ba tháng, ngồi hai mươi phút, và cứ tiếp tục như thế. Xương sống phải giữ cho thẳng. Phép ngồi này sẽ giúp cho anh có được sự thăng bằng thoải mái của thể xác, rồi sau đó anh sẽ cảm thấy thần trí được yên ổn vững vàng.


– Chắc là pháp sư dạy môn
Hatha Yoga?

– Đúng thế, nhưng anh dừng tưởng rằng môn
Raja Yogalà cao hơn. Thể chất và tâm linh là hai khía cạnh khác nhau trong con người và cần phải luyện tập cả hai. Thể xác ảnh hưởng đến tinh thần và tinh thần cũng ảnh hưởng đến thể xác. Về phương diện thực hành, cần phải phát triển cả hai khía cạnh đó.

Tôi cảm thấy không còn lãnh hội được thêm điều gì nữa. Cuộc đàm thoại thiếu hào hứng, và tôi định kiếu từ, nhưng tôi còn hỏi thêm một câu cuối cùng


– Pháp sư đã khám phá ra thế nào là mục đích của đời người chăng?


Các đệ tử liền quên sự trang nghiêm của họ trong một lúc và bật cười vì sự đơn giản đến mức ngây thơ của tôi. Phải là một người Âu vô tín ngưỡng và không biết gì cả mới dám đưa ra một câu hỏi như thế với một bậc thầy tinh thần.


Pháp sư không đáp lại mà đưa mắt nhìn bác sĩ
Kavir. Ông này liền trả lời:

– Tự nhiên là đời người phải có mục đích. Mục đích đó, nói một cách đơn giản là đạt tới sự toàn thiện, mà nói một cách sâu sắc hơn là hợp nhất với sự sống của vạn hữu.


Tiếp theo đó là một sự im lặng hoàn toàn.
Vishudhalật những trang của một quyển sách lớn viết bằng chữ Bengali. Những đệ tử ngồi yên lặng, dường như đã rơi vào giấc ngủ hay ngồi thiền. Một sức mạnh vô hình có ảnh hưởng lạ lùng đã xâm chiếm lấy tôi, tôi cảm thấy rằng nếu tôi ngồi nán lại thêm ít lâu nữa, có lẽ tôi sẽ ngủ gật hoặc rơi vào một cơn nhập định. Tôi bèn thu thập tinh thần, ngỏ lời cám ơn pháp sư và đứng dậy kiếu từ.

Một lần nữa, tôi lại đi bách bộ qua những con đường nhỏ hẹp quanh co của thành phố
Bénarès màu sắc rực rỡ, trung tâm tôn giáo cổ kính và thiêng liêng hấp dẫn đủ mọi hạng người trong xã hội. Nếu ở đây không thiếu những người hành hương sùng tín, thì người ta cũng thấy không ít những kẻ bất lương, côn đồ và du đảng, không kể đến vô số những kẻ sống cuộc đời ký sinh, ăn bám ở các đền chùa hoặc sống nhờ sự bố thí của khách thập phương.

Tiếng chuông đền ngân vang báo hiệu những cuộc lễ về đêm. Màn đêm rủ xuống rất nhanh dưới một vòm trời xám ngắt. Mặt trời lặn mang đến một tiếng vọng khác: từ trên đài cao của một ngôi đền Hồi giáo, các giáo sĩ ngân nga những lời kêu gọi tín đồ cầu nguyện vào giờ chiều.


Tôi ngồi trên bờ con sông Hằng linh thiêng ngắm nhìn cảnh vật và lắng tai nghe ngọn gió chiều thổi vi vu xuyên qua các ngọn cây. Một người hành khất bôi tro đầy mình tiến đến gần tôi. Đây chắc là một người hành hương thuộc loại đặc biệt, vì tôi nhận thấy trong cặp mắt anh ta chiếu một tia sáng lạ thường không phải là của người bình thường. Tôi vẫn chưa hiểu rõ hết tất cả những gì là huyền bí ở cái xứ ngàn năm văn vật này. Tôi vừa móc túi vừa tự hỏi rằng không biết cái hố sâu cách biệt giữa tôi với người hành khất này có thể lấp bằng được chăng? Ông ta nhận lấy của bố thí với một vẻ thản nhiên, đưa hai bàn tay lên trán để chào rồi rút lui.


Tôi nghĩ đến vị pháp sư có phép thuật rút hương thơm trong không khí và phục hồi được sự sống cho con chim đã chết. Sự giải thích về khoa Thái dương học của ông ta không đủ thuyết phục được tôi, hay nói đúng hơn là tôi không hiểu được gì cả. Lẽ tất nhiên, người ta không thể cho rằng khoa học hiện đại đã biết hết tất cả về ánh sáng mặt trời và những khả năng tiềm tàng của nó, nhưng điều này cũng chỉ lùi thêm một bước trong việc làm sáng tỏ vấn đề.


Tôi có nghe nói về hai người
yogicũng đã rút hương thơm trong không khí như pháp sư Vishudha. Cả hai đều đã qua đời vào cuối thế kỷ trước, nhưng tôi có thể tin được chuyện này. Trong cả hai trường hợp đều có một chất dầu xuất hiện trên lòng bàn tay của người yogi, hình như là từ trong người họ tiết ra, cũng như chất mồ hôi. Chất dầu này có khi khá đậm đặc để có thể tỏa hương thơm ra khắp phòng. Nếu đó cũng chính là cái quyền năng của Vishudhathì chắc là ông ta đã chuyển hương thơm từ bàn tay của ông ta sang chiếc khăn trong khi ông ta cầm cái kính phóng đại. Nếu như thế, thì việc thâu ánh nắng mặt trời chỉ là một mánh khóe để che mắt người đời. Có một việc xác nhận giả thuyết này, là vị pháp sư chưa truyền cái bí thuật này lại cho ai.

Nếu vấn đề dùng kính phóng dại để thâu ánh nắng chỉ là một sự lừa dối thì vị pháp sư đã dùng phương pháp nào? Có lẽ đó là phép thuật
Yogachăng? Nhưng đây không phải việc của tôi. Tôi chỉ có phận sự trình bày những sự việc mà tôi đã thấy, chứ không phải là giải thích căn nguyên của mọi vấn đề. Đây là một khía cạnh bí ẩn của đời sống ở Ấn Độ, vẫn còn khép chặt đối với chúng ta, vì dẫu cho vị pháp sư hay một đệ tử nào đó sẵn lòng biểu diễn trước công chúng và kêu gọi sự chú ý của các nhà bác học, thì sự bí mật kia cũng vẫn còn đó. Đó là tất cả những gì người ta có thể nói trong lúc này.

Nhưng còn chuyện kia: bằng cách nào ông ta đã phục hồi sự sống cho con chim đã chết? Những chuyện về khả năng kéo dài sự sống tùy theo ý muốn của người
yogicó thật không? Phải chăng ở phương Đông quả thật có những người đã tìm ra bí quyết của vấn đề sống chết? Tôi đành phải bỏ qua những câu hỏi đó và không màng tìm câu giải đáp.

Chiều nay, nhìn không gian bao la vô tận, lòng tôi nao nao bồi hồi. Dưới vòm trời đầy sao mà đêm nhiệt đới càng làm tăng thêm phần tỏ rạng, tôi nhìn xem những tòa đền đài cung điện, dinh thự chùa chiền ở chung quanh cùng với bao nhiêu người đồng loại của tôi đang sống trong đó mà tự hỏi không biết có sức mạnh vô hình huyền bí nào làm vận chuyển tất cả những thứ ấy trong sự sinh hoạt thường xuyên hằng ngày? Những vật tầm thường nhất đêm nay cũng đượm một màu sắc huyền ảo, những hình người ẩn hiện chập chờn như những bóng ma, những chiếc thuyền câu lấp lánh ánh đèn dầu lướt nhẹ trên sông trong đêm tối... Cảnh vật mơ huyền dưới ánh sao khi mờ khi tỏ làm cho người ta có cảm giác thoát ly ra khỏi cảnh đời thực tế để rơi vào cõi mộng.


Tư tưởng triết học Ấn Độ luôn cho rằng thế gian chỉ là một trò hư ảo đã xâm chiếm tâm hồn tôi trong đêm nay và càng gây cho tôi một cảm giác lâng lâng thoát tục. Phải chăng từ nay tôi đã sẵn sàng bước vào một kinh nghiệm lạ lùng nhất trên địa hạt tâm linh như có người đã tiên đoán?


Trong lúc đó, âm điệu mơ buồn của một bài dân ca Ấn Độ do anh lái đò cất tiếng hát văng vẳng trên dòng sông kéo tôi ra khỏi giấc mơ thoát trần, và lại đưa tôi trở về với cảnh đời hỗn tạp pha lẫn những thú vui giả tạm và những đau khổ bất ngờ mà không ai lường hết được!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/06/2013(Xem: 11114)
Đức Phật cùng các đệ tử của mình đã trải qua ba mùa an cư kiết hạ (từ hạ thứ nhì đến hạ thứ tư) tại khu vườn này.
19/06/2013(Xem: 6828)
Linh Thứu Sơn (Hill of Vultures) tại Thành Vương Xá (Rajgir) thuộc nước Ma Kiệt Đà là nơi Đức Phật đã thuyết giảng nhiều bộ kinh quan trọng như Kinh Bát Nhã, Kinh Pháp Hoa, Kinh Lăng Nghiêm.
19/06/2013(Xem: 5255)
Chiêm bái Thánh Tích Ấn Độ - Đài Loan Do Tu Viện Quảng Đức Tổ Chức (ĐĐ Nguyên Tạng hướng dẫn đoàn, từ ngày 8-29/11/2006) Hình ảnh Viếng thăm và đảnh lễ Tôn Tượng Chuyển Pháp Luân Vườn Lộc Uyển
19/06/2013(Xem: 8252)
Phái đoàn tuân thủ đúng theo quy định giờ giấc: 4-5-6, tức có nghĩa là thức chúng 4 giờ sáng, 5 giờ điểm tâm và 6 giờ lên xe, dường như hầu hết thời gian ở Ấn Độ phái đoàn đều áp dụng đúng thời khóa này, dù khó khăn cho nhiều đệ tử.
19/06/2013(Xem: 7610)
Hình ảnh chụp tại Vườn Lộc Uyển nơi Đức Phật chuyển Pháp Luân
19/06/2013(Xem: 5809)
Bảo Tháp Chuyển Pháp Luân tại Vườn Lộc Uyển - Sanarth nơi Đức Phật lăn chuyển bánh xe Pháp đầu tiên.
19/06/2013(Xem: 7995)
Hình ảnh phái đoàn Đảnh lễ Kim Cang Toà, nơi Đức Phật thiền tọa 49 ngày đêm và cuối cùng thành tựu đạo quả tại Bồ Đề Đạo Tràng - Bodhgaya nơi Đức Phật thành đạo.
18/06/2013(Xem: 8100)
ĐĐ Nguyên Tạng, SC Hạnh Nguyên cùng quý Phật tử từ Cali, Houston, Mỹ Quốc
18/06/2013(Xem: 6425)
Phái đoàn chụp hình lưu niệm bên cạnh trụ đá Vua A Dục tại Vườn Lâm Tỳ Ni
18/06/2013(Xem: 4478)
Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, phái đoàn đã check in tại phi trường Melbourne lúc 2 giờ chiều ngày 7-11-06 để đến Sydney, để ngày hôm sau đáp chuyến bay quốc tế qua hãng China Airline (vì hãng máy bay này không cất cánh từ phi trường quốc tế Melbourne).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]