Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hành hương đất nước chùa vàng

16/02/201115:25(Xem: 5746)
Hành hương đất nước chùa vàng

BÓNG TRÚC BÊN THỀM
Tâm Chơn

Hành hương đất nước chùa vàng

Tháng rồi, tôi và mấy người bạn có chuyến du lịch Thái Lan. Thủ đô Bangkok và thành phố Pattaya, hai trung tâm nổi tiếng về nhiều mặt của xứ sở đầy những điều bí ẩn và kỳ lạ này là nơi chúng tôi ngoạn cảnh.

Nhập gia tùy tục. Bắt đầu cuộc ngao du, tham quan “Vương quốc của nụ cười”, chúng tôi được đưa đi lễ tượng Phật bốn mặt nổi tiếng linh thiêng nhất thủ đô Bangkok. Ái chà! Chắc vì có hai chữ “linh thiêng” mà người ta tấp nập vào ra cúng vái. Nhưng phần lớn là người Tàu. Nhu cầu tín ngưỡng của họ mạnh mẽ lắm. Nhìn khói nhang nghi ngút “ngộp trời” là ít nhiều nhận ra liền. Cảnh tượng tuy đông đúc giống y Miếu bà Chúa xứ núi Sam Châu Đốc nhưng rất hay ở chỗ là trang nghiêm, không ồn ào.

Nhưng đối với người dân Thái, lễ Phật là một tục lệ của việc bắt đầu một ngày mới: Trước khi bước ra khỏi nhà để đi làm, cũng như sau khi đi làm về, họ đều lễ Phật. Biết được điều này, tôi không ngạc nhiên lắm. Bởi từ lâu, niềm tôn kính đạo Phật là một nhu cầu không thể thiếu trong nếp sống của người dân Thái, là một nét văn hóa đẹp.

Thật vậy! Cùng với Campuchia và Lào thì Phật giáo ở Thái Lan là quốc giáo. Và chỉ ngay nơi tên gọi “đất nước của những chiếc áo cà sa” thôi thì cũng đủ mô tả một cách sâu sắc về một tôn giáo lớn mà dân tộc Thái đang tôn thờ.

Theo nhiều nguồn tài liệu thì “Phật giáo được truyền vào Thái Lan vào khoảng năm 241 trước Tây lịch, theo sau cuộc truyền bá Chánh pháp quy mô của nhà vua Phật tử Aśoka (A-dục) đến Tích Lan và Miến Điện. Phật giáo Thái Lan về sau còn tiếp nhận thêm nhiều nhà truyền bá đến từ Miến Điện vào năm 1044 và các pháp sư đến từ Tích Lan vào năm 1155. Hầu hết theo truyền thống Phật giáo Theravāda.

“Tuy vậy, Phật giáo chỉ thực sự đặt lại nền móng, phát triển và ảnh hưởng sâu rộng vào xã hội Thái Lan từ triều đại Sukhothai (1237-1456). Trong thời kỳ này có rất nhiều vị vua tín ngưỡng Phật pháp, xây dựng chùa chiền, ủng hộ việc đào tạo tăng tài để phát triển Chánh pháp, thậm chí có nhiều vị xuất gia tu học luôn, như Vua Ramkhamheng và Vua Lithai. Từ thời kỳ này, Phật giáo đã được xem là quốc giáo của dân tộc Thái.

“Tiếp đến là các triều đại Ayudhya (1350-1766), Thonburi (1766-?) và triều đại Bangkok (1782 cho đến nay) do vua Rama I thiết lập, Phật giáo đã tiếp tục phát triển mạnh trong nhiều lĩnh vực như văn hóa, y tế, giáo dục và kinh tế.”

Nói chung, “Thái Lan từ ngày lập quốc đến nay, trải hơn 700 năm, qua từng giai đoạn lịch sử, Phật Giáo luôn được coi trọng”. Ngay trong pháp luật Thái Lan, Phật giáo cũng được xiển dương. Chẳng hạn như trong những Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1949 và Hiến pháp hiện hành (11-10-1997) đều nhấn mạnh: “Quốc vương cần phải kính tin Phật giáo, hơn nữa, còn là người ủng hộ Phật giáo” (Điều VII - HP 1997) hay là “Nhà vua tín ngưỡng Phật giáo và là người bảo vệ tôn giáo”(Điều IX - HP 1997).

Tìm hiểu đến đây, bỗng dưng tôi muốn nhắc một chút xíu tới thời kỳ vàng son của Phật giáo Việt Nam ở hai triều đại Lý-Trần. Vâng! Ở quê hương đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta có một thời kỳ Phật giáo được xem là quốc giáo.

Lịch sử ghi nhận, hơn 20 thế kỷ từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã bắt rễ ăn sâu vào mảnh đất này, đóng một vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Từ các triều đại Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1009), Lý (1010-1225) và Trần (1225-1400), trong hơn 400 năm, đạo Phật luôn được Nhà nước kính tin và ủng hộ như một quốc giáo. Đáp lại, Phật giáo cũng đem hết sức mình góp phần dựng xây đất nước. Cho nên, đất nước vào thời kỳ này rất thái bình, thịnh vượng, người dân hiền lương, cuộc sống ấm êm, hạnh phúc. Về an ninh quốc phòng, chiến lược quân sự, cũng như văn hóa, giáo dục đã có những thành tựu tốt đẹp vào bậc nhất trong lịch sử phong kiến ở Việt Nam.

Nhiều vị cao Tăng thạc đức như Thái sư Khuông Việt, Pháp sư Đỗ Thuận, Thiền sư Vạn Hạnh, Quốc sư Thông Biện, Thiền sư Pháp Loa, Bảo Phác v.v... được triều đình mời ra giúp tham chính, cố vấn trong việc trị nước an dân. Ở thời kỳ này, đa phần các vua, quan, tướng lãnh, đại thần... đều là những Phật tử thuần thành và là những học giả Phật giáo. Có không ít người sau khi hoàn thành việc nước đã từ bỏ gia đình, tài sản, tìm đến các ngôi chùa quê hẻo lánh, dốc chí tu hành.

Như vua Lý Thái Tổ, người sáng lập Triều Lý vốn từng là một sa-di và Lý Thánh Tông, cũng là một nhà Phật học. Vua Trần Thái Tông là một thiền sư, tác giả của nhiều bộ sách Phật học giá trị, sau khi lãnh đạo nhân dân chiến thắng lẫy lừng các đạo quân Mông Cổ, đã nhường ngôi cho con là Trần Thánh Tông, lui về lập am tu hành. Kế là Trần Nhân Tông, cũng giao quyền bính cho con là Trần Anh Tông, từ bỏ ngai vàng, vào núi Yên Tử tu hành ngộ đạo, sáng lập thiền phái Trúc Lâm, một thiền phái nổi tiếng của Việt Nam.

Từ đó đến nay, trải qua bao thăng trầm trong lịch sử dân tộc, Phật giáo Việt Nam vẫn thủy chung, kề vai sát cánh, tham gia phát triển đất nước.

Và bây giờ... xin trở lại vấn đề hành hương đất nước chùa vàng. À! Khi đến “Vương quốc của loài voi” này, tôi bỗng thấy thân quen, rất lạ! Dẫu rằng ở các trung tâm đô thị, so với Việt Nam thì sự phát triển về cơ sở hạ tầng vượt bực quá xa, nhưng ra các vùng ngoại ô thì thấy phong cảnh cũng y chang như miền quê Việt Nam vậy.

Những người đi nhiều nơi trên đất Thái nói là phong cảnh thiên nhiên Thái Lan không đẹp bằng Việt Nam. Nhưng về cách làm du lịch để thu hút khách quốc tế thì phải nói là Thái Lan “số một”, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Còn nhớ hôm tới Pattaya, chúng tôi được ở nghỉ tại một khách sạn xa phố thị, gần biển, rất yên tĩnh. Người nào đó chọn khu này thật là hợp ý chúng tôi. Thật lý tưởng!

Chiều, chúng tôi thả bộ dọc bờ cát mịn, lắng nghe tiếng sóng biển thì thầm nơi chốn phồn hoa. Tôi nghe nói, bãi biển này thuộc Vịnh Thái Lan. Từ đây về tới Việt Nam, vùng Rạch Giá quê tôi bằng tàu cao tốc chỉ độ chừng 10 tiếng đồng hồ thôi. Trong tương lai không xa, chính phủ sẽ mở tuyến du lịch Thái Lan - Việt Nam bằng đường biển này. Tôi cũng được biết, ngày trước có nhiều người dân Việt Nam vượt biên tới Vịnh Thái Lan rồi tấp vào đây chờ ngày được bảo lãnh sang các nước Âu-Mỹ.

Mà phải nói, tuy bãi biển Pattaya không đẹp như Nha Trang của ta nhưng được cái sạch sẽ không chê vào đâu được. Đường phố cũng vậy! Nhưng nói gì nói, tôi lại thích nhất là con đường đi vào núi Phật Vàng... À! Thì ra vì nó giống những con đường núi thơ mộng và bình yên ở Việt Nam.

Dưới chân núi Phật vàng

Gọi là núi Phật vàng vì ở đây có một tượng Phật cao 140 mét do một vị Hoàng tử cho người tạc thẳng vào vách núi và dát vàng để tặng cho vua Rama IX nhân dịp 50 năm trị vì vương quốc Thái Lan.

Trong ánh hoàng hôn, tượng Phật chỉ sáng dịu dàng chứ không chói chang. Nhờ vậy, từ đằng xa, chúng tôi có thể tha hồ nhìn ngắm. Lúc tới nơi, đối trước tôn tượng, không ai bảo ai, tất cả đều trang nghiêm đảnh lễ, thành kính chiêm bái.

Phía dưới chân núi, trước tượng Phật, người ta trồng nhiều hoa kiểng đẹp, tươi thắm, xa xa là một rừng cây cối xanh um. Trong ráng chiều, dáng núi như trầm mặc hơn. Chúng tôi chuyền máy ảnh cho nhau tranh thủ chụp hình và thong thả tận hưởng giây phút thiêng liêng bên chân bảo tượng. Lòng nhẹ bâng! Đến khi màu chiều sậm lại, khoảng thời gian buông thư cũng vừa đủ, chúng tôi ra xe về khách sạn nghỉ ngơi.

Sáng hôm sau, chúng tôi quay trở lại Bangkok. Mấy ngày ở Bangkok, chúng tôi có đến viếng thăm Bảo tàng Hoàng gia Thái Lan, nơi trưng bày các kỷ vật bằng vàng của Hoàng gia; cũng gọi là Tòa nhà quốc hội vì là nơi đón tiếp đoàn ngoại giao các nước của Quốc vương Thái Lan. Trong ánh chiều tà, Tòa nhà quốc hội mang phong cách của kiến trúc Ý thời Phục hưng như càng lộng lẫy thêm.

Ấn tượng nhất là Cung điện Vimanmek, nguyên là một cung điện hoàng gia của Thái Lan, được vua Rama V xây dựng vào năm 1901. Đây là tòa nhà bằng gỗ teak màu vàng đẹp và lớn nhất thế giới, đồng thời là chốn trú chân lý tưởng để tránh cái nóng hầm hập của Bangkok mùa hè.

Vimanmek có ba tầng, gồm 81 phòng, hội trường và phòng khách. Gần cổng vào có một bộ sưu tập độc nhất vô nhị mười ba cỗ xe ngựa hoàng gia từ thời vua Rama V.

Cung điện Vimanmek được xây dựng từ năm 1901 và từ đó đến nay vẫn luôn được bảo tồn cẩn thận để quảng bá sự huy hoàng và thịnh vượng của một thời kì hoàng kim.

Ở Bangok, đối với tôi thú vị nhất là du thuyền trên dòng sông Chaophaya huyền thoại của vương quốc Thái. Bên này là vùng đất thanh bình yên ả, có phần cổ kính, bên kia là phố thị ồn ào san sát những cao ốc chọc trời, hiện đại. Tuy hai bờ cổ-kim ngăn cách nhưng hình ảnh những mái chùa uy nghi trầm mặc dọc sát hai bên bờ sông không hề ngăn cách. Những ngôi chùa dát vàng, những ngọn tháp hình xoắn ốc, nghệ thuật chạm trổ tinh vi… tạo nên vẻ rực rỡ đến sững sờ, thể hiện được phần nào phong cách kiến trúc độc đáo của người Thái nói chung và nét đặc trưng của kiến trúc chùa Thái nói riêng.

Chợt, thuyền dừng lại trước một ngôi chùa. Ô kìa! Cá và cá! Loại cá da trơn giống cá basa ở Việt Nam, cá lớn không hà! Thiệt, không thể tưởng tượng được lượng cá ở khúc sông này. Chúng chen chúc nhau, dày đặc, bơi sát mạn thuyền, bình thản, vô tư lự. Hình như du khách nào cũng thích thú khi vừa xé nhỏ những ổ bánh mì để thảy xuống cho cá ăn, vừa nhìn ngắm cả một đại gia đình, bạn bè, chòm xóm nhà cá đua nhau đớp mồi.

Bến chùa Thuyền cũng vậy. Dưới sông là chi chít cá, trên bờ đầy cả chim. Chúng nô đùa, nhặt mồi ngay sát cạnh du khách, có con còn đậu lên cánh tay để làm quen khách lạ mớm mồi. Chúng có vẻ vui mừng như gặp lại bạn bè thân hữu. Cũng không có gì là lạ. Con người ở đây chưa từng làm chúng hoảng sợ bao giờ. Sự thân thiện của con người khiến chúng ngày càng dạn dĩ và gần gũi hơn. Rồi từ sự thân cận, chúng như nhận ra được nơi tự tâm con người vốn sẵn có lòng yêu thương.

Điều này hẳn chúng ta có biết, hạt giống từ bi không ai không có. Chỉ khổ nỗi duyên lành ít ỏi, gieo phải mảnh đất xấu nên mầm chồi èo uột, hoặc giả thối mầm luôn không chừng, thiệt là tội nghiệp!

Còn tên gọi chùa Thuyền, tiếng Thái là Wat Yan Nawa, là dễ hiểu nhất vì chùa được xây dựng theo kiểu hình dáng con thuyền của người Trung Hoa, cùng với kiến trúc Thái là các Chedi cao vút mang đậm phong cách thời Ayuthaya.

Chúng tôi tới đây đương lúc chùa trưng bày triển lãm Xá-lợi Phật và chư vị Thánh tăng. Phúc duyên làm sao, thêm một lần nữa chúng tôi được gặp Xá-lợi Phật, lòng hân hoan, chí thành đảnh lễ, cầu nguyện hòa bình, quốc thái dân an.

Trong kinh Đại Bát Niết-bàn, phẩm Di Giáo thứ 26, Phật dạy rằng: “Sau khi ta nhập Niết Bàn, tất cả chúng sanh hoặc thiên thượng hay nhơn gian, được xá-lợi của ta mà vui mừng thương cảm cung kính lễ bái cúng dường thời được vô lượng vô biên công đức. Nếu thấy xá-lợi của Như Lai thời là thấy Phật, thấy Phật là thấy Pháp, thấy Pháp là thấy Tăng, thấy Tăng là thấy Niết-bàn.”

Chao ôi! Tôi chỉ dám mong người người sống thiệt dạ, một lòng thương yêu giúp đỡ lẫn nhau...

Trưa, chúng tôi rủ nhau đến Chùa Suthat. Một người bạn đi cùng nói với tôi là có nghe một số người Việt gọi đây là Chùa may mắn (?). Đây là nơi lưu giữ nhiều tượng Phật mạ vàng nhất và là ngôi chùa cao nhất tại Bangkok.

Toàn bộ khuôn viên chùa được lát bằng đá hoa cương sạch sẽ và bóng lộn. Trong chính điện có thờ pho tượng Phật mạ vàng cổ nhất và lớn nhất Thái Lan.

Ngoài ra, tại Bangkok còn có Chùa Phật Ngọc nổi tiếng nằm bên trong khuôn viên của Cung điện Hoàng gia Thái. Đây là nơi tập trung những nét ưu tú nhất về kiến trúc chùa Phật ở Thái Lan, với rất nhiều tượng Phật và điện thờ. Trong đó, điện Phật Ngọc là điện lớn nhất, trang nghiêm, linh thiêng, bao trùm bầu không khí tôn giáo. Trên bệ Phật làm bằng vàng cao 2 mét là bàn thờ Phật Ngọc được tạc từ một khối ngọc bích nguyên chất, cao 66 cm. Tượng Phật Ngọc là thánh tượng quan trọng nhất đối với người Thái, là biểu tượng tối cao của nhà vua Thái Lan.

Ngày sau chót, trước khi ra sân bay để về lại Việt Nam, kết thúc 5 ngày du ngoạn đất Thái, y theo truyền thống Thái, chúng tôi đến chùa lễ Phật. Chùa Phật Vàng là điểm tham quan cuối cùng của chuyến hành hương. Đây là nơi có pho tượng Phật ngồi cao 3 mét đúc bằng vàng khối, nặng 5,5 tấn. Người địa phương cho rằng pho tượng vàng lớn nhất thế giới này biểu thị cho sự thịnh vượng và thuần khiết cũng như sức mạnh và quyền năng. Pho tượng được làm khoảng thế kỷ 13-15, Triều đại Sukhothai, là một trong những giai đoạn nổi tiếng nhất của nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Thái Lan.

Nói chung, Thái Lan là một đất nước của mùa xuân Phật giáo, của truyền thống và hiện đại. Hầu hết các ngôi chùa ở Thái mà tôi có biết qua đều rất nguy nga, đồ sộ với một khuôn viên rộng lớn, thoáng mát. Thế nên, dù nằm giữa phố thị ồn ào nhưng vẫn giữ được sự thanh tịnh vốn có của chốn thiền môn.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/10/2015(Xem: 6550)
Ấn Độ : Lên Kế Hoạch Xây Dựng Tượng Phật Ngồi Cao Nhất Thế Giới Chính quyền bang Gujarat miền Tây Ấn Độ vừa thông qua kế hoạch xây dựng một tượng Phật ngồi cao 108 m. Dự kiến sau khi hoàn thành đây sẽ là pho tượng cao thứ hai thế giới sau pho tượng đứng Trung Nguyên Đại Phật tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc và vượt qua tượng Phật ngồi cao 92 m tại Thái Lan trở thành tượng Phật ngồi cao nhất thế giới.
08/10/2015(Xem: 5376)
Những quốc gia sạch nhất thế giới Theo Business Insider, Mỹ, Canada, Nhật Bản ​, Australia là những nước có bầu không khí trong lành nhất. Ở Đông Nam Á có một đại diện là Brunei.
25/09/2015(Xem: 4359)
Chùa Đá Vàng hay còn gọi là chùa Kyaiktiyo ở Myanmar khiến nhiều du khách lo lắng vì có vẻ sẽ rơi xuống bất cứ lúc nào. Các tín đồ đổ về đây cầu nguyện và dâng lá vàng thật.
25/09/2015(Xem: 4734)
Tôi rất trăn trở cho Phật giáo nước nhà của hiện tại và tương lai. Bao năm nay tôi luôn theo dõi và ủng hộ các trung tâm hoằng pháp lớn của Việt Nam mà nơi làm tốt nhất, lớn nhất, hiệu quả nhất, thay đổi tâm của nhiều người nhất có lẽ là chùa Hoằng Pháp TP HCM. Tôi vẫn nhớ mãi và sẽ chẳng bao giờ quên câu nói của mẹ tôi rằng “Ngay cả các con ở nhà cũng không chăm sóc mẹ tốt như các bạn đồng tu ở đây”. Mẹ tôi bảo “Từ nay, thay vì cho bố mẹ đi nước ngoài, các con cứ cho bố mẹ tham gia khóa tu thì tuyệt vời hơn”.
25/09/2015(Xem: 8046)
Với dân số ước tính khoảng 700.000, Bhutan là một trong những quốc gia cô lập nhất trên thế giới; những ảnh hưởng nước ngoài và ngành du lịch bị nhà nước quản lý để bảo tồn nền văn hoá Phật giáo Tây Tạng truyền thống. Đa số người Bhutan hoặc học tại trường Phật giáo Tây Tạng Drukpa Kagyu hoặc trường Nyingmapa. Ngôn ngữ chính thức là Dzongkha (dịch nghĩa "ngôn ngữ của dzong"). Bhutan thường được miêu tả là nền văn hóa Phật giáo Himalaya truyền thống duy nhất còn sót lại.
12/09/2015(Xem: 5814)
Chùa Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
31/08/2015(Xem: 5982)
Ngôi đại Già lam Phật địa “Niệm Phật tông Tam Bảo Sơn Vô Lượng Thọ Tự” tọa lạc tại 1136 Kamimikusa, Kato, Hyogo Prefecture 673-1472, Nhật Bản. Chùm ảnh một góc tuyệt đẹp của ngôi đại Già lam Niệm Phật tông Vô Lượng Thọ Tự, trân trọng kính mời quý đọc giả vòng quang thưởng lãm:
21/08/2015(Xem: 7210)
Chùa Đa Bảo an vị trên ngọn Núi Cô Tiên, thuộc khóm Đường Đệ, phường Vĩnh Hòa, phía Bắc thành phố Nha Trang, được xây dựng vào năm 1996, do Đại đức Thích Giác Mai trụ trì. Những năm trước đây, vùng núi này đìu hiu quạnh quẽ, đường xá đi lại vô cùng gian nan khăn khó, nên rất ít ai được biết đến một tịnh thất đơn sơ mộc mạc hiện hữu trên ngọn núi cao dốc đứng này..
09/08/2015(Xem: 4235)
Xứ Phật tình quê là tựa đề một tác phẩm gồm hai cuốn sách viết về xứ sở Ấn Độ, nơi quê hương của Đức Phật đã thị hiện tại Cõi Ta Bà này để chỉ dẫn chúng ta con đường thoát khổ.Thế tác giả là ai, có liên quan gì đến chuyến hành hương xứ Phật từ ngày mùng 6 đến 19 tháng 10 năm 2014 của tôi không? Cần gì phải hỏi, đó là hai vị đại đệ tử của Sư phụ tôi có cùng chung một cá tính là thích đốt ngón tay để cúng dường Chư Phật cho mỗi hạnh nguyện. Thoạt nghe tôi đã thất kinh hồn vía cứ tưởng là ẩn dụ trong kinh sách mà thôi, nhưng khi nhìn 3 ngón tay cụt lóng của Thầy Hạnh Nguyện và đến Bồ Đề Đạo Tràng nhìn tận mắt công trình xây dựng Trung Tâm Viên Giác ở đó, tôi mới thấy các lóng tay cúng dường Chư Phật của Thầy Hạnh Nguyện và Hạnh Tấn mới có một giá trị đặc biệt.
31/07/2015(Xem: 21532)
Hành Hương Âu Châu - Dự Lễ Tưởng Niệm Hòa Thượng Minh Tâm & Lễ Khánh Thành Chùa Khánh Anh, Paris, Pháp Quốc Khởi hành: 31/7/2015 Kết thúc: 19/08/2015 Tu Viện Quảng Đức & Công ty Du Lịch Triumph Tours (do Phật tử Tony Thạch làm giám đốc) sẽ tổ chức chuyến tham quan 10 quốc gia thuộc miền Tây Âu Châu, bao gồm: 1. Hà Lan; 2. Đức; 3. Ý; 4.Vatican; 5. Áo; 6. Thụy Sỹ; 7. Luxemburg; 8. Bỉ; 9. Anh; 10. Pháp. Mục đích chính của chuyến đi này là dự lễ Đại Tường Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Minh Tâm (1948-2013) và Dự Lễ Khánh Thành Chùa Khánh Anh, Paris, Pháp Quốc, ngôi chùa VN lớn nhất ở Âu Châu hiện nay, cũng do HT Minh Tâm khai sơn & xây dựng trong 20 năm qua. Đây là một Phật sự quan trọng mà các chùa VN trên toàn thế giới sẽ cùng về tham dự và cầu nguyện. Nhân dịp này TV Quảng Đức sẽ hướng dẫn Phật tử đến tham dự và tham quan các quốc gia lân cận Pháp Quốc.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]