Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đôi nét về Ngọc Xá-lợi

16/02/201115:25(Xem: 4613)
Đôi nét về Ngọc Xá-lợi

BÓNG TRÚC BÊN THỀM
Tâm Chơn

Đôi nét về Ngọc Xá-lợi

Trong ba ngày 28, 29 và 30 tháng 11 năm 2008, một trong những phái đoàn triển lãm lưu động Ngọc Xá-lợi thuộc Phật Giáo Tây Tạng đã ghé lại chùa Bát Nhã, tiểu bang Arkansas, miền Trung nước Mỹ.

Đây là lần đầu tiên dân chúng Mỹ cùng với người Việt Nam cũng như cộng đồng Châu Á tại vùng này được chiêm bái Ngọc Xá-lợi Phật và chư vị Thánh tăng từ bộ sưu tập xá-lợi vô cùng quý hiếm, gồm hơn 1000 xá-lợi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và các đệ tử danh tiếng của Phật như ngài Xá-lợi Phất, ngài Mục Kiền Liên, ngài A-nan, cùng xá-lợi chư vị đại sư thuộc các trường phái Ấn Độ, Trung Hoa và Tây Tạng như: Bồ Tát Long Thọ, Ngài Quảng Khâm, Ngài Yeshe Tsogyel, Ngài Milarepa, Ngài Gueshe Techekawa, Lama Dje Tsong Khapa, Ngài Gyalwa Ensapa, Ngài Karmapa Đệ nhất, Lama Yeshe, và tóc của Dalai Lama thứ XIV…

Được biết, cuộc triển lãm Ngọc Xá-lợi “vòng quanh thế giới” để tạo cơ duyên cho công chúng được chiêm bái là hạnh nguyện của Lạt-ma Zopa Rinpoche, một đại đệ tử của Đức Đạt-lai Lạt-ma. Ngài không những đã tận lực sưu tầm một số rất lớn các viên xá-lợi quý báu này, mà còn hoan hỉ cho quảng bá rộng rãi để phổ độ quần sanh trước khi tôn trí trong lòng tôn tượng Phật Di-lặc.

Theo tài liệu Dự án Phật Di-lặc, tôn tượng Phật Di-lặc bằng đồng rất uy nghi và trang nghiêm cao 152 m đang được “Công trình Đại Phật Di-lặc”, biểu tượng của lòng nhân ái, kiến thiết tại miền Bắc Ấn Độ mà Lạt-ma Zopa Rinpoche là người sáng lập và lãnh đạo tinh thần. Toàn bộ những viên Ngọc Xá-lợi cổ xưa linh hiển và quý hiếm đang được tuần tự trưng bày khắp nơi trên thế giới sẽ được tôn trí thờ phượng vĩnh viễn tại một bảo điện ngự trị ngay trung tâm quả tim của tôn tượng Phật Di Lặc khi công trình xây dựng hoàn tất.

Từ tháng 03/2001 đến nay, cuộc trưng bày xá-lợi của “Phật Tâm Bảo Điện” đã giúp cho hàng trăm ngàn người trên thế giới được dễ dàng đến gần để chiêm bái những pháp bảo vô cùng hy hữu và linh hiển của Phật giáo.

Nhân dịp này, chúng tôi xin được trình bày đôi nét về xá-lợi từ nguồn “các báo điện tử” để cung cấp một khái niệm sơ lược cho mọi người khi chiêm bái.

Xá-lợi, đó là những kết tinh kỳ diệu của sự thành đạt tâm linh phi thường trong suốt quãng đời nghiêm trì giới hạnh mà chư vị Thánh tăng đã lưu lại sau lễ trà tỳ nhục cốt.

Về ngữ nghĩa, Xá-lợi là phiên âm từ chữ Phạn śarīra, nghĩa đen là “những hạt cứng”, tức là phần cốt tủy kiên cố còn lại sau khi hỏa thiêu thân xác. Thông thường, danh từ xá-lợi dùng để chỉ cho di cốt của Phật và các bậc cao Tăng sau khi viên tịch hỏa thiêu còn lại.

Xá-lợi có hình dạng hơi tròn, lớn nhỏ, màu sắc sáng đục khác nhau, cứng như thép. Có viên lớn như hạt đậu, hạt bắp; viên nhỏ như hạt gạo, hạt mè; thường có các màu trắng, đỏ, hồng, xanh và vàng. Có thứ trong như thủy tinh, có thứ trắng ngà như hạt gạo, có thứ phát ra ánh sáng nhẹ nhàng như pha lê, có thứ màu sáng nhuận như san hô.

Về nguồn gốc, trong kinh Đại Bát Niết-bàn văn hệ Pali, thuộc Kinh Trường Bộ, tập I, có thuật lại rằng, sau khi Phật tịch diệt, xá-lợi của Ngài được Bà-la-môn Dona chia làm 8 phần đều nhau cho đại diện của 8 nước thỉnh về xây tháp cúng dường, lễ bái. Riêng thầy Dona xin giữ lại chiếc bình dùng đong chia xá-lợi để tôn thờ. Còn phần tro than trà tỳ thì giao cho sứ giả của người Moriyà mang về nước vì khi họ tới, xá-lợi đã được phân chia hết.

Lịch sử Phật giáo ghi nhận, hơn 200 năm sau ngày Phật nhập diệt, vua A Dục (237 BC - 236 BC) đã cho gom tất cả các xá-lợi của Phật ở tám nơi và chia thành 84.000 phần đựng trong 84.000 tháp báu nhỏ phân bố khắp mọi nơi trên thế giới.

Năm 1997, ông W. C. Peppé, người Pháp, khi tiến hành khảo cổ tại vùng Piprava, phía Nam Népal đã tìm thấy những viên xá-lợi đựng trong một chiếc hộp bằng đá. Trên hộp có khắc những văn tự Brahmi: “Đây là xá-lợi của đức Phật. Phần xá-lợi này do bộ tộc Sakya, nước Savatthi phụng thờ.” Khám phá này là một cứ liệu cho biết đây là một trong tám phần xá-lợi mà dòng họ Thích nhận được trong lần cùng với 8 nước phân chia xá-lợi của Phật mà trong Kinh Trường Bộ đã ghi lại.

Mới đây, “các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã tìm ra được một bảo tháp thu nhỏ, khoảng 1000 năm tuổi, được tin là bên trong có chứa xá-lợi tóc của đức Phật, từ một hòm sắt tại địa điểm của một ngôi chùa cổ đã được khai quật vào tháng 7 năm 2008 ở Nam Kinh”. Người ta tin rằng, bảo tháp này là một trong số 84.000 bảo tháp chứa xá-lợi Phật của vua A Dục mà Trung Quốc được cho là có 19 tháp xá-lợi Phật trong số đó. Về phân loại, trong Pháp Uyển Châu Lâm, quyển 4, chia xá-lợi làm ba loại: Xá-lợi xương có màu trắng, xá-lợi tóc có màu đen, xá-lợi thịt có màu đỏ.

Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn nói có hai thứ xá-lợi:

– Toàn thân xá-lợi: Như Phật Đa Bảo đã tịch nhưng xá-lợi của ngài là toàn thân thể của ngài vẫn ngồi kiết già trong Bảo tháp. Trong các đời sau, hễ có vị Phật nào giảng kinh Pháp Hoa thì toàn thân xá-lợi ấy hiện lại mà nghe kinh.

– Toái thân xá-lợi: Xá-lợi nát ra, như xá-lợi Phật Thích-ca thờ trong các chùa tháp.

Lại có hai thứ xá-lợi:

– Sanh thân xá-lợi: Tức toàn thân xá-lợi hoặc toái thân xá-lợi.

– Pháp thân xá-lợi: Là các kinh điển do Phật thuyết dạy được truyền lại.

Ngày nay, có một số người chia xá-lợi thành 4 loại:

– Sanh thân xá-lợi: Chỉ cho xá-lợi Phật và các vị cao tăng.

– Ảnh thân xá-lợi: Sau khi hỏa táng không có xá-lợi sạch đẹp… thì có thể dùng các vật quý giá hoặc đồ dùng quan trọng mà lúc sinh thời vị cao tăng đó đã từng sử dụng.

– Nhục thân xá-lợi: Các vị cao tăng sau khi mất để lại nhục thân bất hoại hoặc thi hài đã được xử lý thành xác khô.

– Pháp thân xá-lợi: Tức là những quyển kinh Phật mà vị cao tăng đã dùng tụng niệm.

Về linh ứng, tương truyền ngọc xá-lợi Phật có thể biến hóa từ ít thành nhiều, từ nhỏ thành lớn, từ đục thành trong, và tỏa sáng hào quang. Cũng có trường hợp xá-lợi tự nhiên dời vị trí, hoặc biến mất vì thiếu lòng sùng kính tôn thờ. Tuy nhiên, phải do sự chí thành lễ bái của người có đạo tâm mới cảm ứng được việc biến hóa kỳ diệu này.

Ngài Hư Vân kể rằng khi ngài tới lễ xá-lợi của Đức Phật tại chùa A Dục, càng lễ thì hào quang từ xá-lợi càng lúc càng tỏa rạng.

Vào đời vua Minh Đế nhà Hậu Hán (25-220TL) có hai ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan từ Ấn Độ sang Trung Hoa để truyền bá Phật pháp. Vì lúc đó Đạo giáo tại đây đang rất thịnh hành nên hai ngài bị các Đạo sĩ ganh ghét, tâu với vua, yêu cầu đem tất cả kinh sách cùng xá-lợi Phật ra đốt chung với kinh sách Đạo giáo để phân định giả chân. Không ngờ, trong khi kinh sách Đạo giáo bị cháy rụi thì kinh sách Phật giáo vẫn còn nguyên và xá-lợi của Phật thì phóng ra hào quang năm màu, tỏa ánh sáng chan hòa khắp không trung. Chứng kiến sự hy hữu này, vua và quần thần vô cùng hoan hỉ, dốc lòng tin theo đạo Phật.

Thời kỳ nhà Ngô, Ngô Tôn Quyền chưa tin Phật Pháp nên cho gọi Ngài Khương Tăng Hội đến để chất vấn về sự linh nghiệm của Phật giáo. Ngài Tăng Hội trả lời rằng tuy Phật đã nhập diệt lâu rồi, nhưng xá-lợi của Ngài lưu lại vẫn hiển hiện bao điều linh diệu. Tôn Quyền không tin mới bảo Ngài rằng nếu cầu được xá-lợi thì sẽ cho phép dựng chùa tháp, nếu không được sẽ bị trị tội.

Ngài Tăng Hội liền hẹn bảy ngày rồi cùng đệ tử trai tịnh ở tịnh thất, lấy một bình bằng đồng đặt trên án, đốt hương lễ thỉnh. Hạn bảy ngày hết, mà chưa thấy ứng. Bèn lại xin thêm bảy ngày nữa, cũng lại như thế. Tôn Quyền cho là hư dối định kết tội thì ngài xin thêm bảy ngày nữa. Tôn Quyền lại đặc biệt đồng ý.

Đến ngày thứ bảy, quả nhiên xá-lợi đã xuất hiện trong bình, ánh sáng năm màu tỏa chiếu rực rỡ. Tôn Quyền tự tay cầm lấy bình chứa xá-lợi đổ lên mâm đồng. Hạt xá-lợi vừa rơi xuống thì mâm đồng liền bị bể tan. Tôn Quyền cho để xá-lợi lên đe bằng sắt và dùng búa đập thì đe búa bị lõm vào, xá-lợi không sao, ánh hào quang vẫn tỏa sáng ngời. Thấy điềm linh ứng rõ ràng, Tôn Quyền rất thán phục, sai người tạo tháp cúng dường.

Đến xá-lợi của chư vị Thánh tăng, tất cả cũng đều có chung đặc điểm “chẳng phải kim loại, chẳng phải phi kim, cũng chẳng phải kim cương, đốt không cháy, thậm chí vẫn sáng lấp lánh màu sắc, thách thức với thời gian, chẳng mảy may hư hỏng”, mà trường hợp trái tim của Bồ Tát Thích Quảng Đức “bất diệt” dưới sức nóng 4000 độ vào năm 1963 là một điển hình.

Về lợi ích, căn cứ theo kinh Đại Bát Niết-bàn, phẩm Di Giáo thứ 26, Phật dạy rằng: “Sau khi ta nhập Niết Bàn, tất cả chúng sanh hoặc thiên thượng hay nhơn gian, được xá-lợi của ta mà vui mừng thương cảm cung kính lễ bái cúng dường thời được vô lượng vô biên công đức. Nếu thấy xá-lợi của Như Lai thời là thấy Phật, thấy Phật là thấy Pháp, thấy Pháp là thấy Tăng, thấy Tăng là thấy Niết-bàn.” Đức Phật từng dạy rằng có bốn nơi chốn đặc biệt: “Nơi ta sanh ra, nơi ta giác ngộ, nơi ta thuyết pháp và nơi ta nhập diệt. Sự thăm viếng một trong bốn nơi chốn này giống như sự gặp gỡ với chính ta.” Vậy thì khi chiêm ngưỡng xá-lợi cũng tương tợ như thế.

Lạt-ma Zopa Rinpoche giảng, “khi chiêm bái xá-lợi, tâm ta sẽ được tịnh hóa rất nhiều”, vì “mỗi phần nhục thân và xá-lợi của các Ngài chứa đựng một năng lực mầu nhiệm có thể làm căn lành tăng trưởng và nghiệp ác giải trừ”.

Bằng chứng là trong chuyến chu du nhiều nơi trên thế giới của các di vật thiêng liêng này, có rất nhiều người khác tôn giáo cho biết là đã cảm nhận được một nguồn năng lượng vô biên, một sự an lạc diệu kỳ, toàn thân như có luồng điện chạy qua, trái tim như được soi sáng, mở ra và hàn gắn lại, cõi lòng tràn ngập tình thương yêu vô điều kiện, và có rất nhiều người đã khóc vì quá xúc động… khi họ đến chiêm bái Ngọc Xá-lợi Phật. Hơn thế nữa, nhờ sự gia trì của xá-lợi, hạt giống từ bi trong mỗi con người sẽ được tưới tẩm, lòng nhân ái sẽ được đánh thức, tâm an định sẽ được duy trì để góp phần tạo sự yên bình cho thế giới...

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
26/09/2010(Xem: 7861)
Phật Quốc Ký Sự
06/09/2010(Xem: 7678)
Phật giáo là một tôn giáo lớn trên thế giới, ra đời tại miền đông bắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên. Mục tiêu lớn nhất và đầy tính nhân văn của Phật giáo là cứu giúp chúng sinh xa lìa khổ đau, thoát khỏi vòng luân hồi và chứng ngộ Niết Bàn. Theo thống kê thì hiện tại trên thế giới có khoảng 500 triệu Phật tử. Bài viết sẽ cung cấp một cái nhìn tổng thể về những ngôi chùa nổi tiếng trên thế giới. 10. Hải Ấn tự (Haeinsa)
10/03/2010(Xem: 4356)
Tín đồ đạo Hồi thường ước mơ tới đất thánh của họ và nghe nói họ phải hành hương tới thánh địa Mecca ở Ả Rập Saudi ít nhất một lần trong đời. Người Thiên Chúa giáo nói chung và Công giáo mộ đạo nói riêng cũng muốn đi thăm thánh địa Jerusalem nếu điều kiện cho phép. Phật tử thuần thành hẳn phải làm sao để một lần tới Bồ Đề Đạo Tràng (một trong bốn thánh tích của Phật giáo) để chiêm ngưỡng nơi Đức Thích Ca Mâu Ni thành đạo.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]