Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài kệ trong kinh Kim Cang

16/02/201115:25(Xem: 4989)
Bài kệ trong kinh Kim Cang

BÓNG TRÚC BÊN THỀM
Tâm Chơn

Bài kệ trong kinh Kim Cang

Đức Phật đã kết thúc kinh Kim Cang bằng bốn câu kệ rất sâu sắc như sau:

“Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.”

Dịch nghĩa:

Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương, như chớp loé,
Hãy quán chiếu như thế.

Thật vậy, bài kệ không chỉ hay vì ý nghĩa diệu huyền mà còn nổi tiếng bởi văn từ tinh nhã. Thành ra, bên cạnh việc tìm hiểu nghĩa lý để ứng dụng hành trì, tôi mon men đảo một vòng ngang qua văn tự của bài kệ.

Bài kệ được xem như tiếng chuông cảnh tỉnh sự vô thường của các pháp, là dòng chảy của tư tưởng Phật giáo đại thừa, là hình ảnh thường gặp trong nền văn hóa phương Đông. Thế nhưng, điểm khác biệt hơn hết chính ở chỗ bài kệ được diễn bày dưới cái nhìn quán chiếu của bậc Đại giác. Cho nên, để biết được lối vào, hành giả phải đi từ thể nghiệm tự thân, mọi khái niệm ngôn từ cũng chỉ loanh quanh ngoài ngõ. Dẫu biết vậy, tôi cũng xin bắt đầu từ những gì được học hỏi nơi các bậc thầy đi trước, là cánh cửa phương tiện ban đầu dành cho hàng sơ cơ.

Bước vào việc nhận hiểu bài kệ, ngay câu đầu tiên, ta phải nắm cho được thế nào là pháp hữu vi? Thì đây, mọi sự mọi việc như đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, mặc áo… đều là hữu vi. Đó là nói về bên ngoài. Rồi đến năm uẩn như sắc, thọ, tưởng, hành, thức; bốn đại như đất, nước, gió, lửa hay sáu căn, sáu trần, mười hai xứ, mười tám giới cũng là pháp hữu vi.

Sở dĩ nói là pháp hữu vi vì tất cả các pháp ấy đều do nhân duyên hòa hợp mà thành. Khi nhân duyên hòa hợp gọi là pháp được sinh, khi nhân duyên ly tán gọi là pháp bị diệt.

Pháp hữu vi tuy có mặt đó nhưng không thật, nên đức Phật dụ như là mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, như chớp loé. Chúng ta, những phàm phu mê lầm tham chấp cho rằng các pháp hữu vi là chân thật nên cứ mãi bị trầm luân sanh tử. Đức Phật từ bi mở bày phương tiện chỉ ra các pháp hữu vi là sinh diệt, vô thường, không thật, giống như mộng, huyễn…

Ô hay, đức Phật nói mộng thôi cũng đủ rồi tại sao Ngài lại nói thêm mấy thứ nữa chi vậy? Hẳn phải có điểm khác ở chỗ này phải không?

Đầu tiên Ngài nói pháp hữu vi như mộng. Chẳng phải xem nó là không có sự tướng, nhưng có tức chẳng phải có. Bởi vì trong mộng thấy cảnh nên không thể nói là không, tức là có; nhưng khi tỉnh cơn mộng, cảnh liền biến mất tức là không. Cho nên nói là có tức chẳng phải có. Vì pháp do nhân duyên hoà hợp mà thành, nên nó thay đổi theo duyên, tức là nó không cố định một cái gì hết, nên nó là giả, vì là giả nên nó là không, là mộng.

Chữ mộng được dùng trong bài kệ thật đắc. Nó chỉ cho một cõi mơ, một sự vô thường biến đổi, không chắc thật mà sau này tầm ảnh hưởng của nó về mặt văn học nghệ thuật rất cao. Không riêng gì ở Trung Hoa, khi nói đến những gì tạm bợ, biến hóa vô thường người ta hay dùng từ mộng mà ngay cả ở Việt Nam từ mộng cũng rất phổ biến.

Từ mộng đi vào trong văn học, thơ ca, tuồng tích; thấm đẫm vào trong dân gian để khi diễn đạt cái gì không thật là người ta cho đó là mộng. Không phải chỉ chiêm bao mới có mộng mà ngay khi thức vẫn có mộng như thường, ta hay nói trường hợp đó là “mở mắt chiêm bao”.

Hòa thượng Thanh Từ có bài thơ gồm 8 chữ Mộng:

“Gá thân mộng
Dạo cảnh mộng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng
Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng.”

Nhà thơ Tản Đà có mấy câu thơ “Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi”, “Nhưng mộng mà thôi mộng mất rồi”; hay như nói “Đời người như giấc mộng”… há không phải là ảnh hưởng từ chữ mộng trong Phật giáo hay sao?

Thật ra, bảo nó là mộng, biết nó là mộng nhưng không dễ gì chúng ta chấp nhận nó là mộng nếu không thực tập quán chiếu sâu sắc các pháp hữu vi. Bởi lẽ, chúng ta ở trong đường si mê lầm lạc lâu lắm rồi nên đâu biết việc đời như mộng, tức xem việc đời quá gắn liền với mình, khi gặp cảnh thuận, cảnh nghịch thì bị dính theo, chẳng thể buông nổi.

Vả lại nói việc quá khứ là như mộng thì đã đành, còn cảnh ngộ rành rành trước mắt, thân mình cảm thọ, mà bảo là không thật thì có thể tin chăng? Chẳng hạn người ta chửi mình mà bảo là cảnh mộng thì chắc là khó chấp nhận. Cho nên Phật mới nói thêm rằng cảnh thuận hay nghịch rành rành thân mình cảm thọ thật ra đều như huyễn vậy.

Giá trị nghệ thuật là ở chỗ này. Trong sáu ví dụ, thì ví dụ mộng là tổng, còn huyễn, bọt, bóng, sương, chớp là biệt, và đều để tỏ rõ nó như mộng mà thôi. Kẻ căn tánh tốt một khi nghe ví dụ như mộng liền có thể hiểu rõ pháp duyên sanh, đương thể tức không. Nhưng vì sợ có kẻ chưa hiểu rõ nên Phật nói thêm năm ví dụ nữa là huyễn, bọt,….

Theo kinh Phật, huyễn có nghĩa là huyễn thuật mà đời bây giờ gọi là trò ảo thuật. Người ta làm trò ảo thuật như biến giấy thành tiền, hay các nhân vật khóc cười trên sân khấu… nó không thật mà chúng ta lầm chấp nó là thật rồi chạy theo buồn vui trong vở kịch.

Cho nên, phải biết con người ở đời cũng thế, hết thảy sự gặp gỡ đều là chỗ biến hiện của vọng thức nghiệp duyên. Thế gian là sân khấu, chúng sanh là nhân vật của vở tuồng. Chúng ta phải đóng trọn vai trò của mình trong một thời gian nào đó rồi thôi. Khi hết tuồng, hạ màn, trong nháy mắt diễn viên không còn là nhân vật nữa. Ấy vậy mà chúng ta thường cho đó là thật, rồi mê muội quên mất “con người thật” của mình. Đức Phật thấy rõ điều này nên dạy chúng ta phải biết các pháp hữu vi chỉ là huyễn thuật, không thực thể.

Thí dụ bọt cũng vậy. Chúng ta đều biết bọt là do nước bị gió thổi khích đãng mà thành những đám bong bóng nhỏ cụm vào nhau nên rất mong manh, dễ vỡ. Thế gian này cũng vậy. Bãi bể hóa nương dâu, hang hốc biến thành gò núi là một minh chứng cho sự sanh diệt đổi thay này.

Đến như bóng, nó giống như có mà thực ra là không, vì bóng chỉ là hình ảnh phản chiếu lại của sự vật. Thân người cũng vậy, hư vọng hiện ra có, mà thực ra là không. Như bóng người trong gương, vì gương chiếu thì hiện ra, mập ốm dài ngắn không sai mảy may nào.

Như sương, như chớp loé cũng thế. Buổi sáng sớm, chúng ta còn thấy vài hạt sương long lanh trên đầu lá cây ngọn cỏ. Nhưng khi mặt trời ló dạng, ánh nắng chiếu xuống thì sương tan không còn nữa. Điện chớp cũng chỉ là hiện tượng thoáng qua, vô thường như vậy. Về ý này, thiền sư Vạn Hạnh có bài kệ:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.”

Hòa thượng Mật Thể dịch là:

“Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời
Sá chi suy thịnh việc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.”

Nói chung, theo lời Phật dạy, các pháp hữu vi như sắc thân, thế giới, vọng tưởng chỉ là trò ảo mộng mà thôi, chúng ta phải quán sáu ví dụ đó để không bị chấp trước hay dính mắc vào một cái gì. Khi đó ta sẽ thấy được biển rộng trời cao, tâm lượng của ta biến thành rộng lớn, bao la như hư không, không bị vật gì ràng buộc, không gì làm trở ngại.

Tuy nhiên, chúng ta phải biết rằng việc quán chư pháp không tướng tức là quán các pháp như như, vì tánh tướng vốn không. Cho nên, quán duyên sanh liền có thể khế hợp vào như như bất động và vì vậy, vô vi pháp tánh từ quán hữu vi pháp tướng như mộng, như huyễn mà hiện khởi. Đó cũng chính là nghĩa của Trung đạo vậy.

Tóm lại, qua bốn câu kệ cuối bài kinh ta thấy đức Phật đã dùng sáu ví dụ điển hình để chỉ rõ các pháp hữu vi là không thật, chỉ là duyên hợp giả có, hầu phá sự chấp trước của hàng phàm phu.

Với những hình ảnh mà đức Phật ví dụ trong bài kệ, không những có giá trị về mặt nội dung mà còn truyền tải nghệ thuật văn học trong Phật giáo. Khi hành giả đi sâu vào quán chiếu các pháp đều hư giả như sáu ví dụ trên thì hành giả không còn khởi vọng tâm chấp thủ ngã-pháp hay bốn tướng nữa. Và khi các vô minh vọng chấp không còn thì chơn tâm thanh tịnh hiện ra, hay nói cách khác là tánh Kim Cang Bát-nhã như như bất động hiện ra mà không cần phải rong ruổi tìm cầu nơi nào hết.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/06/2013(Xem: 6188)
Trước nhất, chúng tôi xin thân gởi đến quý Thân Hữu, quý Phật Tử gần xa, lời tán thán công đức luôn nhắc nhở khuyến khích chúng tôi viết quyển sách này. Những vị này đã nghe tôi kể lại tỉ mỉ cuộc hành trình nơi xứ Phật, những điều mắt thấy, tai nghe và đi tìm hiểu phong tục tập quán lạ, cũng như vào trong làng sâu, gần như chưa có sách nào đề cập đến.
01/05/2013(Xem: 3608)
Bác tài xế taxi đêm qua đưa chúng tôi một vòng “Delhi by night” sáng hôm sau đến đúng giờ đợi chúng tôi ở ngoài đường. Tôi đưa thiệp của bác taxi cho các gác dan của khách sạn để họ gọi bác vào. Các khách sạn loại đắt tiền ở Ấn Độ thường nghiêm nhặt về an ninh. Trên đường ra phi trường nội địa, xe chạy ngang qua khu vực Dinh Tổng Thống rồi tới con đường rất đẹp với mấy lớp cây xanh hai bên. Bác tài nói đây là con đường tập trung tất cả các tòa đại sứ. Tôi nhìn phía bên trái và đọc được tên của hơn một tá tòa đại sứ các quốc gia trên các bảng hiệu cắm bên đường.
09/04/2013(Xem: 7174)
Hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH HƯƠNG CHIÊM BÁI PHẬT TÍCH Tổng cộng 26 ngày từ 04-11 đến ngày 29.11.2008
09/04/2013(Xem: 5922)
Phái đoàn hiện tại đã hoàn tất mọi thủ tục và chờ ngày lên đường, đoàn gồm có 74 người: 38 người từ Melbourne, 1 từ Adelaide, 17 từ Perth, 6 từ Sydney, 9 từ Hoa Kỳ và 2 từ Việt Nam.
09/04/2013(Xem: 4852)
Tất cả quý Phật tử tại Mỹ (dù ở bất cứ tiểu bang nào) phải có mặt tại phi trường quốc tế Los Angles, California lúc 8 giờ tối để làm thủ tục lên máy bay (hãng China Southern Airline) lúc 11.50 tối 20-10-2009 để bay đến Quảng Châu, Trung Quốc.
09/04/2013(Xem: 5725)
Phái đoàn viếng thăm Tân Hưng Cổ Tự ở miền Đông Bắc Nam Triều Tiên
09/04/2013(Xem: 4500)
Hành Hương Phật tích Ấn Độ 2010 do HT Thích Bảo Lạc (Chùa Pháp Bảo, Sydney, Úc Châu) hướng dẫn từ ngày 2 đến 20/11/2010.
09/04/2013(Xem: 5289)
Hình ảnh Ðại Ðức Thích Phổ Huân Trụ Trì Chùa Pháp Bảo, Sydney, Úc Châu Và Ðạo Hữu Tony Thạch (Triumph Tour) Hướng dẫn phái đoàn hành hương Chiêm Bái Phật Tích Ấn Ðộ Từ ngày 1/2/2012 đến 24/2/2012.
09/04/2013(Xem: 11637)
Chân thành cảm ơn Đạo hữu Võ Văn Tường đã gởi tặng Trang Nhà Quảng Đức tập sách giá trị này. Xin chân thành giới thiệu đến bạn đọc xa gần.
09/04/2013(Xem: 12060)
Chân thành cảm ơn Đạo Hữu Võ Văn Tường đã gởi tặng tập sách Những Ngôi Chùa Nổi Tiếng ở TP. HCM và 200 ảnh những ngôi chùa nổi tiếng 3 miền Bắc, Trung, Nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]