Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Giới luật là nguồn sinh lực của Tăng-già

16/02/201115:25(Xem: 5330)
Giới luật là nguồn sinh lực của Tăng-già

BÓNG TRÚC BÊN THỀM
Tâm Chơn

Giới luật là nguồn sinh lực của Tăng-già

Để bảo hộ sự thanh tịnh, hòa hợp trong Tăng đoàn và giữ gìn bản thể tỳ-kheo (bhikṣu) không hư hủy đồng thời để tránh sự chê bai của người thế tục, tránh gây mất niềm tin Tam bảo của tín thí, Đức Phật đã tuyên bày giới luật.

Giới luật có công năng dứt trừ nghiệp duyên, nghiệp nhân trong đường sanh tử. Không chỉ thọ hưởng phước lành ở vị lai mà ngay trong đời sống hiện tại, nếu chúng ta vâng giữ giới pháp nghiêm cẩn thì cuộc sống sẽ an vui, thân tâm luôn thanh thản.

Kinh Trường Bộ có nêu ra 5 lợi ích của việc giữ gìn giới luật như sau:

1. Người có giới đức sẽ hưởng được gia tài pháp bảo nhờ tinh tấn.

2. Người có giới đức được tiếng tốt đồn xa.

3. Người có giới đức không sợ hãi rụt rè khi đến các hội chúng đông đúc.

4. Người có giới đức khi chết tâm không rối loạn.

5. Người có giới đức sau khi mạng chung được sinh về thiện thú, thiên giới.

Đức Phật thiết lập giới bổn không ngoài mục đích muốn kiện toàn bản thể thanh tịnh tỳ-kheo và trang nghiêm hòa hợp Tăng đoàn.

Luật Ma-ha Tăng-kỳ, tập I, Phật bảo ngài Xá-lợi-phất (Śāriputra): “Có 10 việc lợi ích nên chư Phật Như Lai vì đệ tử chế giới…

Mười việc lợi ích đó là:

1. Vì nhiếp phục Tăng chúng.

2. Vì nhằm triệt để nhiếp phục Tăng chúng.

3. Vì muốn cho Tăng chúng an lạc.

4. Vì để nhiếp phục những người không biết hổ thẹn.

5. Vì để cho những người biết hổ thẹn cư trú yên ổn.

6. Vì để cho những người không tin khiến họ tin tưởng.

7. Vì để cho những người đã tin tăng thêm lòng tin.

8. Vì muốn dứt hết pháp lậu hoặc ngay trong hiện tại.

9. Vì để cho những lậu hoặc chưa sinh không thể sinh khởi.

10. Vì muốn cho Chánh pháp được tồn tại lâu dài.

Cho nên đối với hàng xuất gia, giới luật rất cần thiết để thành tựu một tỳ-kheo thanh tịnh và phát triển Tăng đoàn. Nói cách khác, Giới luật chính là nguồn sinh lực của Tăng-già (Saṃgha), và là kim chỉ nam cho sự sinh hoạt Tăng đoàn.

Tăng-già là một đoàn thể tỳ-kheo thanh tịnh hòa hợp, là một trong ba ngôi báu biểu hiện sự tồn tại của Phật pháp, là những người trực tiếp thay Phật tuyên dương Chánh pháp để làm lợi lạc quần sanh. Do đó, khi trong Tăng chúng bắt đầu có sự xen tạp, bản thể thanh tịnh Tăng không còn được vẹn toàn, thì khi đó Đức Phật mới chế giới hầu ngăn chặn sự manh nha của các hữu lậu.

Với tinh thần “tùy phạm tùy chế”, giới luật Phật giáo chủ yếu dựa vào sự tự nguyện của hành giả mà không hề có tính cách giáo điều, ép buộc. Các hành giả sẽ tình nguyện vâng giữ giới pháp một cách nghiêm mật để chu toàn bản thể thanh tịnh tỳ-kheo và xây dựng Tăng đoàn mẫu mực. Tự thân mỗi hành giả, nương vào giới luật để gạn lọc thân tâm, tận trừ mọi lậu hoặc, ngăn chặn nghiệp bất thiện. Nhờ đó mà thân tâm được thúc liễm, đạo hạnh được tăng trưởng, đời sống không bị nhiễm ô trần tục. Một người vâng giữ, nhiều người vâng giữ, rồi từng cá nhân đó hợp lại thành một tập thể trang nghiêm thanh tịnh. Đây chính là điểm khác biệt của Tăng đoàn Phật giáo so với tổ chức của các hội chúng khác.

Tuy nhiên, yếu tố tạo nên thanh tịnh hòa hợp của chúng đệ tử Phật căn bản vẫn là sự nghiêm trì giới luật. Vì giới luật chính là nền tảng căn bản để giữ gìn và bảo hộ giới thể cho một tỳ-kheo như pháp. Một tỳ-kheo mà không giữ giới chắc chắn không thể tồn tại trong Tăng đoàn được.

Trong kinh Tăng Chi III, Đức Phật dạy rằng: “… Biển cả không bao giờ dung chứa tử thi. Cũng vậy, nếu tỳ-kheo nào không giữ được hạnh thanh tịnh thì Tăng đoàn sẽ không sống chung với kẻ ấy, hãy nhanh chóng tụ họp lại loại kẻ ấy ra. Dù kẻ ấy có ngồi giữa Tăng chúng cũng xa rời Tăng chúng, và Tăng chúng cũng không bảo vệ được kẻ ấy.”

Thế nhưng, trong xã hội ngày nay, do sự chi phối của hoàn cảnh xung quanh, chúng ta còn thiếu những môi trường tốt để trưởng dưỡng đời sống phạm hạnh và gìn giữ sơ tâm. Tăng Ni trẻ có quá ít sự bảo hộ của Tăng đoàn. Nhưng dẫu thế nào đi nữa, tự thân mỗi người vẫn là quyết định thiết yếu cho sự thành bại trong đời sống tu học của chính mình. Cho nên, đối với người xuất gia, việc vâng giữ giới luật là rất cần thiết. Cần thiết cho bản thân và cần thiết cho Tăng đoàn.

Chúng ta thử nghĩ xem, nếu không có giới luật thì mỗi người sẽ hành động mỗi cách, nói năng mỗi kiểu thì làm sao xây dựng một Tăng đoàn gương mẫu để truyền bá giáo pháp và đạt đến địa vị Vô thượng giác? Và nếu chúng tỳ-kheo không nghiêm trì giới luật thì sẽ không bao giờ sống được trong niệm đoàn kết hòa hợp như nước với sữa được. Một khi không hòa hợp thì Tăng đoàn sẽ yếu đi, giá trị mô phạm của tập thể cũng không còn, không sớm thì muộn tổ chức ấy cũng bị tan rã.

Vì thế, giáo pháp của Phật đòi hỏi sự nỗ lực của từng cá nhân. Sự chu toàn đạo đức của mỗi cá nhân sẽ trang nghiêm cho đoàn thể. Mỗi tỳ-kheo hay tỳ-kheo ni sống đúng như Pháp, như Luật sẽ là nguồn năng lực vô biên cho sự lớn mạnh của Tăng-già. Và một khi Tăng đoàn đã thực sự thanh tịnh hòa hợp thì không một thế lực nào có thể lấn áp hay phá hoại được. Phật pháp nhờ đó mà ngày càng vững mạnh tỏa sáng. Cuộc sống chung quanh cũng nhờ đó mà được ảnh hưởng tốt đẹp.

“Giới như đèn sáng lớn
Soi sáng đêm tối tăm
Giới như gương báu sáng
Chiếu rõ tất cả pháp.”
(Kinh Phạm Võng)

Kinh Di Giáo thuật rằng, trước khi vào Niết Bàn, Đức Phật đã ân cần dạy bảo: “Các thầy tỳ-kheo, sau khi Như Lai diệt độ, các thầy phải trân trọng, tôn kính tịnh giới, như người mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu Như Lai có ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy.” (Hòa thượng Thích Trí Quang dịch).

Do đó, là đệ tử Phật mà coi thường giới luật sẽ mang tội rất lớn đối với Tam bảo. Chúng ta phải nhớ rằng, vì những lợi ích thiết thực cho sự tu tập cũng như sự vững mạnh của Tăng đoàn mà Đức Phật đã ân cần bày trao giới pháp. Những giới pháp ấy, gồm 250 giới cho hàng tỳ-kheo, 348 giới cho hàng tỳ-kheo ni, trải qua năm tháng, đến nay vẫn còn tồn tại. Nếu chúng ta không ý thức tôn trọng giữ gìn thì có khác gì chúng ta hủy hoại nếp nhà Như Lai!

Nếu chúng ta dửng dưng với những lời dạy ân cần của chư Phật, Tổ, của các bậc trưởng thượng thì coi như đã quay lưng với hoài bão của mình. Chúng ta không thiết tha trau giồi giới đức là đã góp phần làm cho mạt pháp. Như trong kinh Di Giáo, Đức Phật có nói: “Tất cả các ma vương ngoại đạo không ai có thể phá hoại được giáo pháp của ta, chỉ có đệ tử ta mới làm cho giáo pháp ta bị hủy diệt.” Chỉ có trùng trong thân sư tử mới ăn được thịt sư tử mà thôi!

Thế nên, là đệ tử Phật, chúng ta phải luôn tâm niệm giữ gìn giới luật như hơi thở của chính mình. Phải tôn kính trân quý giới luật vì “Giới luật là mạng mạch của Phật pháp. Giới luật còn là Phật pháp còn, Giới luật mất là Phật pháp mất”. Vận mệnh của Phật pháp hoàn toàn tùy thuộc vào sự tồn vong của giới luật. Mà giới luật có được tồn tại lâu dài để làm hưng thịnh cho Tăng đoàn, làm xương minh cho Phật pháp và đem lại lợi ích cho thế gian hay không là do ở nơi chính đệ tử Phật, nhất là những người được xem là “thừa Như Lai sứ, hành Như Lai sự” có thiết tha nghiêm trì giới luật hay không.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/06/2013(Xem: 11217)
Đức Phật cùng các đệ tử của mình đã trải qua ba mùa an cư kiết hạ (từ hạ thứ nhì đến hạ thứ tư) tại khu vườn này.
19/06/2013(Xem: 6861)
Linh Thứu Sơn (Hill of Vultures) tại Thành Vương Xá (Rajgir) thuộc nước Ma Kiệt Đà là nơi Đức Phật đã thuyết giảng nhiều bộ kinh quan trọng như Kinh Bát Nhã, Kinh Pháp Hoa, Kinh Lăng Nghiêm.
19/06/2013(Xem: 5290)
Chiêm bái Thánh Tích Ấn Độ - Đài Loan Do Tu Viện Quảng Đức Tổ Chức (ĐĐ Nguyên Tạng hướng dẫn đoàn, từ ngày 8-29/11/2006) Hình ảnh Viếng thăm và đảnh lễ Tôn Tượng Chuyển Pháp Luân Vườn Lộc Uyển
19/06/2013(Xem: 8306)
Phái đoàn tuân thủ đúng theo quy định giờ giấc: 4-5-6, tức có nghĩa là thức chúng 4 giờ sáng, 5 giờ điểm tâm và 6 giờ lên xe, dường như hầu hết thời gian ở Ấn Độ phái đoàn đều áp dụng đúng thời khóa này, dù khó khăn cho nhiều đệ tử.
19/06/2013(Xem: 7646)
Hình ảnh chụp tại Vườn Lộc Uyển nơi Đức Phật chuyển Pháp Luân
19/06/2013(Xem: 5884)
Bảo Tháp Chuyển Pháp Luân tại Vườn Lộc Uyển - Sanarth nơi Đức Phật lăn chuyển bánh xe Pháp đầu tiên.
19/06/2013(Xem: 8030)
Hình ảnh phái đoàn Đảnh lễ Kim Cang Toà, nơi Đức Phật thiền tọa 49 ngày đêm và cuối cùng thành tựu đạo quả tại Bồ Đề Đạo Tràng - Bodhgaya nơi Đức Phật thành đạo.
18/06/2013(Xem: 8114)
ĐĐ Nguyên Tạng, SC Hạnh Nguyên cùng quý Phật tử từ Cali, Houston, Mỹ Quốc
18/06/2013(Xem: 6462)
Phái đoàn chụp hình lưu niệm bên cạnh trụ đá Vua A Dục tại Vườn Lâm Tỳ Ni
18/06/2013(Xem: 4504)
Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, phái đoàn đã check in tại phi trường Melbourne lúc 2 giờ chiều ngày 7-11-06 để đến Sydney, để ngày hôm sau đáp chuyến bay quốc tế qua hãng China Airline (vì hãng máy bay này không cất cánh từ phi trường quốc tế Melbourne).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]