Trên đường ra phi trường: đồng hồ xe taxi ở Delhi luôn được che (bằng chiếc khăn nhỏ màu xanh), mở máy lạnh tính thêm tiền. Hình: N.H.A.
Bác tài xế taxi đêm qua đưa chúng tôi một vòng “Delhi by night” sáng hôm sau đến đúng giờ đợi chúng tôi ở ngoài đường. Tôi đưa thiệp của bác taxi cho các gác dan của khách sạn để họ gọi bác vào. Các khách sạn loại đắt tiền ở Ấn Độ thường nghiêm nhặt về an ninh.
Trên đường ra phi trường nội địa, xe chạy ngang qua khu vực Dinh Tổng Thống rồi tới con đường rất đẹp với mấy lớp cây xanh hai bên. Bác tài nói đây là con đường tập trung tất cả các tòa đại sứ. Tôi nhìn phía bên trái và đọc được tên của hơn một tá tòa đại sứ các quốc gia trên các bảng hiệu cắm bên đường.
Bác tài lớn tuổi khuôn mặt gốc Trung Đông trông hiền, nói ít hơn những người Ấn Độ chính hiệu. Tấm khăn nhỏ màu xanh vẫn che kín đồng hồ tính tiền xe của bác. Đến nơi, bác vẫn nói trả bao nhiêu cũng được. Tôi trả cho bác cao hơn giá xe bao ngày mới tới phi trường Dehli. Với khuôn mặt thật thà và tiếng Anh còn yếu, bác lại bảo tôi khi nào trở lại Delhi hãy điện thoại gọi bác tới chở. Tôi cám ơn bác, nói tôi đi Varanasi sau đó tới Bồ Đề Đạo Tràng và bay thẳng về nhà.
Mua vé máy bay hãng Air India từ Delhi đến thành phố Varanasi tốn $87 Úc kim, đi mất 1 tiếng 15 phút. Chúng tôi đến phi trường Varanasi chưa tới 12 giờ trưa. Ra bên ngoài đã có những thanh niên chạy tới đón, một anh thanh niên nhỏ con nước da đen lánh nói “Welcome to Varanasi” rồi cầm va-li mời ra xe của họ.
Chỉ tốt nước sơn: xe bị ăn-banh giữa đường, hướng dẫn viên Rajesh (áo tím) đứng đợi tài xế (áo ca-rô) sửa xe...
Phi trường này trông mới nhưng nhỏ, chẳng thấy dấu hiệu có phương tiện công cộng hay xe taxi. Toàn xe bao. Nắng rát mặt, tôi nói trời quá nóng, anh thanh niên da đen trả lời đúng vậy, trên 40 độ C. Anh cho biết giá bao tới khách sạn là 600 Rupee, mở máy lạnh thêm 100 Rupee. Thanh niên tài xế ra vẻ không biết nói tiếng Anh. Anh chàng thanh niên nước da đen giới thiệu tên là Rajesh, làm nghề hướng dẫn viên cho một công ty du lịch, sẽ sẵn sàng giúp chúng tôi đi thăm thắng cảnh và di tích của thành phố trong những ngày lưu trú ở Varanasi.
Xe chạy vào thành phố, tới khu đông người và nhiều xe cộ qua lại thì bị hư máy giữa đường. Đẩy vào lề sửa chừng 10 phút không được, Rajesh xin lỗi và gọi một chiếc xe Tuk Tuk ba bánh đưa chúng tôi về khách sạn. Chúng tôi thất vọng vì xe hơi quá tồi nay lại phải đi xe ba bánh giữa nắng và bụi bặm, nhưng rồi cũng cười đùa với nhau bởi nhờ vậy mà có một kinh nghiệm mới lạ, dù ngoài ý muốn.
và cuối cùng gọi xe ba bánh Tuk Tuk đưa chúng tôi về khách sạn giữa cái nắng cháy người
Khách sạn: ở lâu mới thích
Tới cổng Gateway Hotel Ganges Varanasi (người địa phương quen gọi Hotel Taj Ganges), Rajesh tới nói với các nhân viên an ninh mang súng trường gì đó xong trở ra xe bảo chúng tôi xuống để anh giúp mang va-li vào khách sạn bởi loại xe ba bánh lẹp xẹp như thế không được phép vào bên trong. Vừa đi anh thanh niên miệng mồm liến thoắng này còn nói rằng chính nhờ đi theo chúng tôi mà anh mới được cho vào bên trong khách sạn.
Thấy anh chàng Ấn Độ chính hiệu nai vàng thích khôi hài nên tôi hỏi tại sao cổng khách sạn đã có an ninh mang súng mà bên trong phòng đợi cũng có người mặc đồ rằn ri bồng súng tiểu liên như khách sạn đang có các nhân vật tai to mặt lớn cư ngụ, Rajesh nói sở dĩ an ninh ở đây gắt gao bởi một khách sạn trong hệ thống của khách sạn này tại thành phố Mumbai bị khủng bố cách đây 6 năm.
Trước đó khi đang còn ngồi trong xe hơi, tôi bàn với nhà tôi ở một nơi lạ, đường xá chật chội bụi bặm và trời nóng bỏng như thế này không thể đi bộ và hỏi han dân địa phương như Âu Châu nên tốt nhất hãy nhờ người hướng dẫn mà anh chàng Rajesh này coi bộ rành rẽ như một hướng dẫn viên du lịch nên luôn tiện nhờ anh ta dẫn dường trong những ngày ở thành phố Varanasi.
Rajesh cho chúng tôi giá 1,200 Rupee bao chuyên chở và dẫn đi xem 3 ngôi đền và Sông Ganges (mà anh gọi là Ganga River), tiền thuê ghe dạo sông 600 Rupee chúng tôi trả riêng cho chủ ghe. Tổng cộng khoảng $33 đô la cho một chuyến thăm viếng di tích và du ngoạn trên Sông Hằng trong nửa ngày cũng là giá phải chăng cho 2 người.
Nằm sâu bên trong và được canh gác bởi nhân viên an ninh mặc đồ rằn ri vũ trang tận chân răng: mặt tiền và sân sau của khách sạn Taj Ganges. Hình: N.H.A.
Tôi bảo Rajesh chúng tôi cần tắm rửa, nghỉ ngơi trong vài tiếng, 3 giờ chiều hãy trở lại đón chúng tôi nhưng phải với chiếc xe khá hơn, chứ không thể để xe hư dọc đường như hồi nãy.
Sảnh đường đợi của Taj Ganges khá đẹp nhưng cầu thang quá cũ và bước vào phòng ngủ thì chúng tôi đã tiu nghỉu ngay vì khách sạn 5 sao gì mà trông như khách sạn 3 sao (công ty chúng tôi book trực tuyến quảng cáo 5 sao nhưng một số website khác chỉ gọi 4 sao). Tôi nghĩ ở một thành phố nhỏ như Varanasi, giá $117 một đêm phải là khách sạn loại chiến.
Nhưng của đáng tội, khách sạn này tuy to lớn và nằm trên một khu đất rộng mênh mông nhưng cũ như các khách sạn ở Âu Châu nên tôi bảo nhà tôi có lẽ bởi từ một khách sạn mới với các phương tiện tân kỳ như Le Meridien nên chúng tôi cảm thấy không hài lòng, nhưng hy vọng ở vài ngày có thể sẽ có cảm giác khác.
Thật vậy, sau đó nhà tôi đánh giá 4 sao cho cơ sở còn tôi đánh giá sự phục dịch đến 5 sao. Hồ bơi ngoài trời rộng, tắm về đêm giữa mùa hè nóng nực không còn gì tuyệt vời hơn khiến chúng tôi ước gì được ở đây lâu hơn. Cạnh hồ bơi có nhà hàng ngoài trời phục vụ chu đáo với các món barbecue.
Hồ bơi của Hotel Taj Ganges vào ban ngày. Hình: N.H.A.
Thức ăn của Ấn Độ tương đối rẻ, chỉ có thịt cừu là đắt, như một đĩa thịt T-bone cừu Tân Tây Lan giá tới $38 đô la. Món cá hồi họ làm mặn nhưng còn ăn được, chứ món cừu tôi chỉ nuốt được một miếng bởi chưa bao giờ tôi thấy một món ăn mặn đến như thế. Anh tiếp viên ra hỏi thăm, tôi nói mặn quá không ăn được. Thế là họ làm cho tôi một đĩa thịt cừu khác. Nhưng đĩa thứ hai cũng vẫn còn mặn, và tôi chỉ dùng thêm một miếng. Lát sau, một người đàn ông có lẽ là xếp ra hỏi, tôi nói khá hơn nhưng vẫn mặn, ông ta xin lỗi và nói để bảo bếp làm lại đĩa khác.
Tôi thấy thịt cừu ở đây quá đắt vả lại lối nấu nướng của họ có thể khác người tây phương và Việt Nam, nên không yêu cầu họ làm lần thứ ba. Dĩ nhiên, họ không tính thêm tiền trong bill. Riêng tôi chỉ tiếc cảnh đẹp mà thức ăn không ngon. Một bữa ăn tối khác tại nhà hàng bên trong khách sạn rẻ không ngờ. Ngoài món cà-ri truyền thống không thể nào chê, tôi bắt đầu quen với món súp mặn và cay ăn với bánh mì của họ, nhưng ngày còn lại ở Ấn Độ không còn bao nhiêu.
Ăn tối ở hồ bơi của Hotel Taj Ganges: phục vụ hoàn hảo nhưng thịt cừu quá sức mặn, nuốt không vô
Như đã nói ở trên, khách sạn này phục vụ rất chu đáo, nếu không muốn nói quá chu đáo đến độ làm phiền khách. Chẳng hạn, một buổi trưa nọ đang nằm nghỉ do quên treo bảng đừng quấy rầy ở ngoài, người bồi gõ cửa hỏi có cần gì không. Mỗi ngày, ngoài thay drap giường họ còn đến tận nơi hỏi xem khách có nhu cầu gì. Sau mỗi lần ăn, lúc nào nhân viên cũng đưa cho tờ giấy để khách phê bình. Ngày rời khách sạn, cô bồi phòng chạy theo hỏi tôi những lần trải hoa trên giường có làm chúng tôi thích không và đưa tờ giấy xin ghi dấu đánh giá sự phục vụ.
Bạn cũng đừng hoảng khi đang đứng trong cầu thang máy chạy kêu lộp cộp như các khách sạn 3 sao ở Ý Đại Lợi rồi bỗng nhiên thang ngừng, tối câm bởi vì điện bị cúp! Tôi bị một lần phải đứng trong bóng tối của cầu thang nửa phút, tới than phiền với cô tiếp viên thì được trả lời rằng ở thành phố Varanasi tình trạng điện bị cúp một lát thường xảy ra. May mà tôi chỉ bị kẹt một lần trong cầu thang máy và là lần đầu tiên trong đời.
Những ngôi đền Ấn giáo
Khi ở thành phố Kathmandu của nước Nepal, chúng tôi dành thời giờ đi thăm các ngôi đền và chùa Phật giáo, có lẽ vì tôn giáo này gần gũi với chúng tôi hơn và cũng vì sự nổi tiếng của các ngôi chùa đó.
Bản đồ Ấn Độ đắp bằng cẩm thạch và thần Mother India trong đền Bharat Mata. Hình: N.H.A.
Nhưng qua đất nước mà Ấn giáo chiếm đa số, chúng tôi lại đi thăm lăng tẩm và đền đài Hồi giáo như Taj Mahal ở thành phố Agra, xem tháp và nguyện đường Hồi giáo Qutub Minar hay tìm đến nguyện đường Lotus Temple của đạo Bahai ở thủ đô New Delhi.
Đến Varanasi, thánh đô của Ấn giáo, chúng tôi đã được anh hướng dẫn người Ấn Rajesh đưa đi xem 3 ngôi đền mà anh cho là tiêu biểu: Bharat Mata Temple, Durga Temple và Bharat Kala Bhavan trong khu đại học Banaras Hindu University.
Trước đó khi dò tìm khách sạn trên internet, thấy dọc bờ sông Ganga có đền Vishwanath Temple nên tôi hỏi tại sao không tới ngôi đền trên sông để xem cho tiện, Rajesh nói ngôi đền đó chỉ cho phép người Ấn giáo được vào mà thôi. Tôi hiểu, cũng giống như một số đền Hồi giáo không cho người ngoài đạo của họ được vào bên trong. 3 ngôi đền chúng tôi sắp đi xem nằm không xa khách sạn Taj Ganges.
Kiến trúc bên ngoài và trong đền Bharat Mata. Hình: N.H.A.
Hướng dẫn viên đưa chúng tôi đến Bharat Mata Temple và giải thích cho chúng tôi nghe sự hình thành cũng như ý nghĩa của những hình ảnh bên trong đền. Bharat Mata có nghĩa là Mother India, một vị thần mẹ (mother goddess). Mother India được mô tả bằng một người đàn bà quấn sari cầm cờ và thường có con sư tử bên cạnh.
Rajesh giải thích: Có 4 mothers: Mother India, Mother Cow, Mother Ganga and your own Mother (Mẹ Ấn Độ, Mẹ Bò, Mẹ Hằng Hà và chính mẹ đẻ ra mình).
Nghe nói bò là Mother Cow, tôi hỏi Rajesh lái xe đụng nhau thì có thể xin lỗi hay nói qua lại rồi thôi, nhưng đụng bò thì sao? Rajesh nói bò đi giữa đường, mình phải tránh, nếu cán nó thì người Hindu đứng chung quanh sẽ rất tức giận. Bò được chủ nuôi, buổi sáng bò được cho ăn, vắt sửa, chiều bò trở về. Bò phóng uế ngoài đường, cứ để vậy, mưa sẽ chảy trôi. Phân bò cũng hữu dụng, như làm nhang để đốt mà chúng tôi sẽ thấy buổi tối trong dịp xem lễ hội trên Sông Hằng.
Hẻm vào chùa khỉ Durga Temple. Hình: N.H.A.
Ngôi đền Bharat Mata được khánh thành năm 1936 bởi Mahatma Gandhi (Thánh Cam Địa). Điểm đặc biệt của ngôi đền này là thay vì có nhiều tượng thần như đại đa số các ngôi đền Ấn giáo, nguyên cả sàn của nội thất là một cái bản đồ Ấn Độ thật lớn chạm nổi bằng đá cẩm thạch trắng, bọc chung quanh là dãy Hy mã Lạp Sơn với các nước trong vùng, từ Tích Lan đến Pakistan, Tây Tạng và một phần Trung Hoa, có dãy Hy Mã Lạp Sơn và ngọn Everest; biển Bengal và Ấn Độ dương bằng đá màu xám. Đá cẩm thạch lấy từ thành phố Agra, phải có đến 36 thợ làm trong 6 năm.
Ngôi đền này là biểu tượng của tinh thần quốc gia của người Ấn. Ông Gandhi, người có công giành độc lập cho nước Ấn đã phát biểu trong ngày khai trương đền: “Tôi hy vọng đền này được dùng để phục vụ cho mọi người trong thành phố thuộc mọi tôn giáo, giai cấp, niềm tin bao gồm những người Harijan (tức những người không thể dụng tới), và sẽ thành công tốt đẹp trong việc thăng tiến sự đoàn kết tôn giáo, hòa bình và yêu thương khắp đất nước”.
Rời Đền Mẹ Ấn Độ, Rajesh đưa đi thăm khu người Hồi giáo làm thủ công nghệ. Thấy các con hẻm bẩn, có ruồi tôi không muốn đi nhưng Rajesh cứ dẫn chúng tôi đi, nói hãy vào xem người ta dệt lụa. Một người đàn ông nhỏ con nhai trầu miệng đỏ lòm đi theo làm chúng tôi phát sợ. Thấy nơi làm việc nhếch nhác, tôi lắc đầu nhưng người đàn ông này lại đưa chúng tôi vào một cái phòng có nhiều cây vải và một số sản phẩm đã làm xong như áo gối, drap trải giường. Người đàn ông đưa ra một cái quilt bằng lụa màu ngà nói tấm trải giường dệt bằng tay rất tốt. Chúng tôi lắc đầu, ông ta lại đưa ra cái khác. Hỏi giá, khoảng 80 đô la.
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm: cổng vào khuôn viên khu đại học Banaras Hindu University. Hình: N.H.A.
Nếu tấm drap này được chưng ở cửa tiệm sang trọng thì có thể giá khác nhưng trong bối cảnh này chúng tôi hoàn toàn không thích. Tôi yêu cầu Rajesh đưa chúng tôi trở lại xe và dặn kể từ bây giờ không được đem chúng tôi đến bất cứ một cửa tiệm nào khác bởi mục đích của chúng tôi là xem các di tích chứ không phải mua sắm. Rajesh xin lỗi trong khi người đàn ông bán hàng biểu lộ sự khó chịu.
Chúng tôi đến Durga Temple còn gọi là Đền Khỉ (Monkey Temple) vì nơi đây có rất nhiều khỉ sống từng đàn ở trong vườn và đi lang thang trong sân như Chùa Khỉ (Swayamblu) ở thành phố Kathmandu bên Nepal. Cấm chụp hình từ ngoài cổng, không được đem máy ảnh và túi xách vào sân đền. Rajesh nói lý do cách đây 6 năm khủng bố đặt bom giết chết khoảng 150 người đi lễ, cũng vào chiều Thứ Ba như hôm nay (Rajesh nói tín đồ Ấn giáo đi lễ 2 ngày, Thứ Ba và Thứ Bảy), và cùng một lúc tấn công ở nơi khác.
Nhiều tín đồ mua những hộp thức ăn bán trong sân đem vào dâng lễ trước đền, họ chen chúc vào bên trong. Thỉnh thoảng giữa đám đông trong đền hô lên tiếng gì đó, rồi mọi người lặp lại, như là cám ơn thần. Tôi hỏi họ nói gì thế nhưng Rajesh không tìm được chữ để dịch. Ở góc khác, tôi thấy những đạo sĩ đang lấy nước rảy lên đầu tín đồ. Thức ăn và nước trông không được vệ sinh cho lắm. Rajesh xem ra rất mộ đạo, dù phải hướng dẫn du khách nhưng anh hay làm dấu trên đầu và ngực. Anh chỉ cho tôi bức tượng thần mặt khỉ (Monkey God), giải thích thần này tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh (power).
Thấy đàn khỉ dễ thương, nhà tôi tiến tới gần nhưng Rajesh bảo đừng đến gần (khỉ cũng là thần). Ra ngoài cổng, Rajesh giúp tôi hỏi an ninh gác cổng xin chụp bức hình trước cổng làm kỷ niệm nhưng ông ta nói không được. Trên con đường nhỏ vào ngôi đền có người già yếu, ăn xin nghèo nàn, những khất sĩ và những đạo sĩ ăn bận thô sơ, ít vải làm cho tôi có cảm giác lạ lùng, khó tả. Tôi nghe nói ngày xưa Đức Phật đã từng tới thành phố Varanasi để giảng đạo và không biết cảnh vật 25 thế kỷ trước có khác bây giờ không.
Tượng Pandit Madan Mohan Malviya (1861-1946), người thành lập Đại học Banaras. Hình: N.H.A.
Cuối cùng, chúng tôi thăm ngôi đền Ấn giáo thứ ba nằm trong trong khuôn viên Đại học Ấn giáo Banaras Hindu University (Banaras là một tên gọi khác của thành phố Varanasi). Rajesh nói Banaras Hindu Uni với 25,000 sinh viên là đại học lớn hàng đầu của thế giới do bộ trưởng Pandit Madan Mohan Malviya thành lập. Thấy khuôn viên của đại học quá rộng và có rất nhiều phân khoa từ báo chí đến y khoa, tôi hỏi và được Rajesh kể câu chuyện như huyền thoại về một người được hứa đi trong ngày được bao nhiêu thì sẽ cho bấy nhiêu đất với kết quả khuôn viên đại học ngày nay rộng đến 25 cây số.
Rộng thì đúng thật vì từ cổng trường vào ngôi đền bên trong đại học khá xa, nhưng tôi không tin Banaras là đại học chỉ thua hai trường hàng đầu của Anh và Mỹ bởi hàng năm TVTS hay đăng tên và đẳng cấp của các trường đại học danh tiếng trên thế giới nhưng chẳng bao giờ tôi nghe Banaras Hindu Uni (sau này lên internet mới biết đấy là một trong những đại học lớn nhất của Ấn Độ mà thôi, cho nên những gì các ông bà tour guide của các nước nói cũng chưa chắc đã đúng?).
Cảnh vật đại học này khác với khung cảnh nghèo nàn của phố xá bên ngoài nên tôi nói với nhà tôi Varanasi là thành phố cổ, là kinh đô văn hóa của Ấn Độ, là thánh địa của Ấn giáo nhưng quả là một thành phố nghèo và chưa phát triển.
Ngôi đền ở khuôn viên đại học cũng là một bảo tàng viện (Bharat Kala Bhavan) với rất nhiều tượng các thần. Không được mang giày dép trong sân đền và không được chụp hình bên trong đền. Rajesh giới thiệu một số tượng thần mà chúng tôi thấy trước mắt, như thần Shiva, một trong ba vị thần cao nhất của Ấn giáo trong đó có thần Vishnu; vợ của thần Shiva là Parvati... rồi sự hóa thân của thần là -- Elephant God; hóa thân lần thứ hai là Monkey God (con của thần Shiva, mặt nhăn nhó giống khỉ do nhìn mặt trời); hóa thân thứ ba là God of Boudha (tức Phật Thích Ca Mâu Ni)...
Đền và bảo tàng viện Ấn giáo Bharat Kala Bhavan trong khuôn viên Đại học Bararas. Hình: N.H.A.
Nghe đến đây là tôi mù tịt và cũng không thích thú lắm nên không hỏi nữa, bởi Ấn giáo có hàng ngàn, hàng vạn thần. Chỉ tìm hiểu một thượng đế, một vị thần duy nhất của một tôn giáo cho đến nơi đến chốn thì cũng có thể “tẩu hỏa nhập ma” huống gì các thần xa lạ của một tôn giáo cũng xa lạ với văn hóa của mình!
Chúng tôi được Rajesh đưa tới gặp một đạo sĩ và được ông chấm cho một dấu chấm đỏ trên trán trước khi ra về, để từ đây tới Sông Hằng sống một buổi chiều và một buổi tối như những khách hành hương với hàng ngàn hay cả vạn tín đồ Ấn giáo trên con sông người Ấn coi là linh thiêng nhất trong mấy ngàn năm qua: Ganga hay Ganges River. (còn tiếp)
Vân Cương Thạch Động tọa lạc dưới chân núi Vũ Châu, thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, thạch động này được xem là di sản văn hóa thế giới và là một di tích PG lớn nhất, đẹp nhất và lâu đời nhất, có từ thời Bắc Ngụy (439 sau Tây Lịch).
Hình ảnh ngày 31-10-2009
Phái đoàn viếng thăm:
NGŨ ĐÀI SƠN, NƠI HÓA HIỆN CỦA BỒ TÁT ĐẠI TRÍ VĂN THÙ
THÙ TƯỢNG TỰ
(chùa thờ tôn tượng bồ tát Đại Trí Văn Thù, cao khoảng 8 mét,
được xem là pho tượng Văn Thù Bồ Tát đẹp nhất trên trần gian này)
Hành Sách Đại sư, tự là Triệt Lưu, người đời nhà Thanh, con của Tưởng Toàn Xương, một bậc lão nho ở vùng Nghi Hưng. Cha ngài là bạn phương ngoại với đức Đức Thanh Hòa Thượng, tức Hám Sơn Đại Sư.
Trí Húc Đại sư tự Ngẫu Ích, người đời Thanh, họ Chung, nhà ở Ngô huyện. Thân phụ trọ trì chú Đại Bi và Bạch Y, mộng thấy đức Quán Âm đại sĩ trao cho một đứa bé trai mà sanh ra ngài.
Tỉnh Thường đại sư, tự Thứu Vi, người đời Tống, con nhà họ Nhan ở Tiền Đường. Khi lên bảy, ngài gặp duyên lành xuất gia và mới mười bảy tuổi đã thọ giới cụ túc.
Diên Thọ Đại sư, tự Xung Huyền, người đời Tống, con của họ Vương ở Tiền Đường. Lúc thiếu thời, ngài thích tụng kinh Pháp Hoa, cảm đến bầy dê quỳ mọp nghe kinh.
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường, nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.
May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland, Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below, may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma, the Land of Ultimate Bliss.
Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600 Website: http://www.quangduc.com
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.