Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hành hương Phật đảo Đài Loan

09/07/201101:00(Xem: 13002)
Hành hương Phật đảo Đài Loan

dailoan-26


Hành hương Phật đảo Đài Loan

Có lẽ danh từ “Phật đảo“ tôi dùng cho xứ đảo Đài Loan có hơi lạ tai với các bạn, vì từ đó đến giờ ta chỉ nghe nào là “Hải đảo chiều mưa“ hay “Ốc đảo cô đơn“, chứ chưa ai dám dùng từ chứa nhiều cường điệu như thế! Nhưng quả thật là như thế các bạn ạ! Một cụm đảo gần chín mươi chín hòn nhỏ to đủ cỡ, không lấy gì làm lớn cho lắm nằm chơ vơ giữa biển mà đi đến đâu cũng thấy những tượng Phật vĩ đại và Chùa chiền với tầm vóc đáng ngại, nhìn vào phải bái phục khen thầm, ấy là chưa kể tinh thần tu học nghiêm mật và trật tự của Phật tử Đài Loan.

Cũng như thông lệ hàng năm, Thầy Hạnh Giới, Trụ trì Chùa Viên Giác, thường hay tổ chức các chuyến hành hương đến một vài quốc gia liên quan đến Phật giáo, thí dụ như Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Miến Điện. Trong năm này, vào đầu tháng tư khi tiết trời bắt đầu ấm áp, Thầy đã tạo điều kiện cho Phật tử Việt Nam được kết duyên với Phật Giáo Đài Loan, nên đã tổ chức một chuyến hành hương Đài Loan và Hồng Kông từ ngày 11 tháng 4 đến ngày 2 tháng 5 năm 2012, trong đó có 3 ngày tham dự khóa Thiền Tịnh Song Tu tại Tu Viện Pháp Cổ Sơn. Theo Thầy ý nghĩa cổ xưa của hai chữ hành hương là thắp lên một cây hương đi nhiễu quanh tháp thờ xá lợi của Phật, các đại đệ tử của Ngài hoặc các nhục thân của chư vị Tổ Sư.

Tại sao Thầy Hạnh Giới chọn Đài Loan làm điểm hẹn cho những chuyến viễn du, cũng dễ thôi vì Thầy là Thổ Công nơi này, đã ở Đài Loan 4 năm. Theo lời Thầy kể lại một cách nuối tiếc, nếu không phải về lại Đức làm Phật sự, có lẽ Thầy sẽ ở lại nơi “cực lạc cảnh giới“ thu nhỏ ở Pháp Cổ Sơn này dài hơn. Tôi trộm nghĩ, đời không như là mơlàm sao Thầy dám trốn tránh trách nhiệm với đám Phật tử Việt Nam đang mong đợi Thầy về hướng dẫn khóa tu. Theo tôi, Thầy cứ việc than vãn với Mẹ Quán Âm hay mẹ Diệu Hiền cũng được, nhưng những khóa Huân Tu Tịnh Độ liên vùng bắt buộc phải có Thầy.

Phái đoàn hành hương gồm 35 vị đến từ 7 quốc gia như Úc, Mỹ, Đức, Pháp, Phần Lan, Thụy Sĩ và Việt Nam; nghĩa là gồm đủ 5 châu nếu tôi tính rộng rãi thêm châu Phi vào qua chị Diệu Ngọc. Có đầy đủ các mùi hương trong tên gọi với Tứ Hương của Đức Quốc (Thu Hương, Lan Hương, Vũ Hương, Hiền Hương) và một Hương của Pháp Quốc (Mỹ Hương) làm thành một mùi Ngũ Vị Hương thơm ngát vang lừng. Trong phái đoàn có 3 vị xuất gia, ngoài Thầy Hạnh Giới ra còn có một phụ tá đắc lực để chăm sóc cái đàn… (đoạn sau các bạn sẽ rõ đó là đàn… gì?). Đấy là Thầy Phổ Tấn đến từ xứ Mỹ, người đã từ chối danh hiệu Bồ Tát do chúng tôi tặng mà chỉ nhận mình là Bồ Cạp, sẽ thẳng tay với những ai làm điều ngứa mắt chướng tai. Và một Sư Cô Đàm Thuận đến từ Thụy Sĩ, với vóc dáng ốm yếu nhưng đi đứng nhanh nhẹn và rất thích chụp hình gặp cảnh nào cũng không thể thiếu bóng dáng Cô.

Trước khi đi sâu vào chi tiết của chuyến hành hương, tôi xin được xẹt qua vài hàng về những cá tính tiêu biểu của các thành viên trong đoàn bằng hai câu thơ cải biên: Phái đoàn gồm bảy quốc gia. Đến nơi cửa Phật, phát sinh lắm lời.Vâng, một số thành viên trong đoàn có máu tranh cãi trong người nên sự xuất hiện của họ đã là một hiện tượng. Vài người xuất thân từ nơi “trăm năm trồng người“ mới vào cửa Phật nên dễ dàng biến đạo tràng thanh tịnh thành phiên chợ đầu xuân. Cũng chẳng sao, đây mới là thử thách cho những vị tu lâu, tu rị soi lại lòng mình xem có bị trôi theo dòng đời hay không? Và cũng là những thách thức cho Thầy Hạnh Giới phải làm sao biến cho được những “Thị Mầu lên Chùa“ trở thành những tay công quả đắc lực cho Chùa. Chỉ nghĩ thôi cũng thấy đường tu của Thầy còn lắm gian nan! Đọc đến đây có bạn yếu bóng vía sẽ co giò chạy mất, nào là lớp bị Thầy Hạnh Giới “hù và dọa“ cho khóa tu 3 ngày ở Pháp Cổ Sơn, khó lắm phải tuyệt đối tịnh khẩu 3 ngày 3 đêm và khi nghe kẻng phải đến đúng giờ, không sẽ bị phạt rồi bị đuổi ra ngoài khóa tu không biết làm gì. Lớp bị sống chung 3 tuần với những tay hay phát biểu linh tinh khiến ta phải “rối loạn tiền đình“ giống như căn bệnh của chị Hà đến từ Việt Nam. Thế nhưng “phiền não tức bồ đề“, phái đoàn hành hương của chúng tôi vẫn khắc phục mọi khó khăn để có những tiếng cười trong trẻo phát xuất tự đáy lòng và khi chia tay bịn rịn không muốn rời xa.

Phái đoàn chúng tôi hẹn nhau từ 2 điểm, ai ở Âu Châu muốn đi bằng đường gì cũng được miễn sao đến phi trường Frankfurt trước 11 giờ, ở Úc, Mỹ, bay thẳng qua Hồng Kông và 4 vị từ Việt Nam đã đến Đài Loan trước đó một ngày (nói là 4 chứ đã 3 thuộc diện người Đức hay Mỹ gốc Việt). Đón chúng tôi tại phi trường Đài Bắc (Taipei) là anh Lâm, chủ công ty du lịch Glory Tour, mỗi lần phái đoàn của Thầy Hạnh Giới sang đều được chính anh thân chinh đi theo cùng đoàn chứ không để nhân viên, thật là điều vinh hạnh vì anh Lâm với khuôn mặt dễ mến, nụ cười lúc nào cũng nở trên môi và một sự nhẫn nại vô bờ bến mới không nổi cáu với phái đoàn cỡ như chúng tôi. Lúc ấy đúng giờ ăn trưa, anh đưa chúng tôi đến một nhà hàng nằm nơi hoang dã, mái lợp bằng tranh rất thoáng mát, bữa lẫu chay toàn vị thuốc bắc để bồi dưỡng cho phái đoàn do một đại thí chủ nào đó cúng dường. Ở đó chúng tôi được gặp Thầy Mật Ấn, lại một vinh dự lớn được Thầy hướng dẫn phái đoàn đi thăm các chùa chiền và những nơi thiền viện mà nếu không có uy tín và sự sắp xếp của Thầy chưa chắc phái đoàn đã được đón tiếp. Thầy Mật Ấn là người con hiếu thảo, ngày nào cũng thăm nom và chăm sóc mẹ già tại Đài Bắc, nếu có phải theo phái đoàn đến Đài Trung, nửa đường có tin mẹ bệnh Thầy cũng lấy vé xe lửa về ngay. Thầy cao to và ăn khỏe, toàn thân toát ra một vẻ từ bi rất bình dị, gần Thầy ai cũng thấy một sự an lạc gần gũi. Tôi thầm nghĩ, tu là phải thõng tay đi vào chợ như Thầy, ai lại càng tu càng khó tính hay ép xác làm chi. Chị Bạch Yến, con nhạn trắng vùng Hannover, đã nhanh nhẩu chấp tay chào Thầy bằng câu “A Mi Tồ Phồ“ mới học được nhưng quýnh quá đọc thành “Tồ Phù“ làm cả đoàn được một trận cười no nê.

Nồi lẫu nấm bỏ thuốc bắc, chắc nhân sâm và táo tầu đã làm cả đoàn tỉnh táo mới cầm cự được tới chiều lên chiêm bái Từ Hàn Tự, đảnh lễ nhục thân của ngài Hàn Sơn; chiêm bái Thừa Thiên Thiền Tự và tối về còn đi dạo bờ hồ. Hôm đầu tiên tới Đài Bắc trời còn nóng và oi ả nên cả đoàn chỉ muốn được về khách sạn tắm rửa để tẩy sạch bụi đường, cả ngày trên máy bay chật chội mấy ai ngủ được đẫy giấc lại thêm 6 tiếng khác biệt giữa ngày và đêm, nên ai nấy đều nhừ tử. Khách sạn đầu tiên tại Đài Bắc tương đối sang trọng và có buổi ăn sáng thật phủ phê, bắt đầu từ đây tôi sẽ có thói quen dùng điểm tâm bằng một tô cháo trắng, hoặc với trứng vịt muối hay rau cải muối gì đó kèm theo một cái bánh bao không nhân như trong các phim kiếm hiệp của Tàu. Chưa kịp thưởng thức hết các món ngon vật lạ đã bị lùa lên xe buýt cho đúng với chương trình, hôm nay được thăm pháo đài hay phòng thủ đài trên đỉnh đồi của người Hòa Lan xây, sau trả lại cho người Anh xây tiếp và bây giờ treo cờ Đài Loan trở thành di tích lịch sử cho mọi người vào xem và chụp hình rồi thu vé vào cửa.

Sau đó phái đoàn đi chiêm bái tu viện Pháp Cổ Sơn tọa lạc trên một ngọn núi, đường lên như tiên cảnh với núi non cây cỏ chập chùng, có Đại Hồng Chung khắc đầy đủ 28 Phẩm của bộ kinh Pháp Hoa, có tượng Quán Âm bằng đồng thật to trên sườn núi. Chúng tôi chỉ còn vài tiếng đồng hồ để líu lo đùa giỡn nói cho đã thèm, vì sau 2 giờ chiều là nhập Tu viện bị nhốt trong ấy 3 ngày 3 đêm tu hành nghiêm mật và tuân theo những quy luật của tu viện đặt ra. Không biết Thầy Hạnh Giới có uống thuốc liều không mà dám đem đoàn quân ô hợp ra tham dự khóa Thiền Tịnh Song Tu như mãnh hổ thêm vuốt. Các bạn cứ chờ xem sẽ có nhiều màn gay cấn như bị quỳ gối hay “ai nức nở quỳ bên chánh điện“. Phần tôi có bài thơ tìm được trên mạng của một chàng A Còng nào đó đã cải biên bài thơ Đi Thicủa cụ Tú Xương để diễn tả nỗi lòng:

Đi Tu

Lũ lượt người Tu tớ cũng Tu.

Cũng Thiền cũng Quán cũng GoTo.

Sắc không, không sắc ừ vô ngã.

Giấc mộng vô thường nhớ Nam Kha.

Khó mong kiến tánh lên gặp Phật.

Một cõi đi về an lạc tâm.

Khóa tu này là cốt lõi của chuyến hành hương nên tôi phải tường trình đầy đủ xem phái đoàn đã gặt hái được những thành quả gì ngoài việc chụp hình, dành ăn và dành nói … À quên, còn dành chỗ đi giải quyết nỗi buồn nữa! Đúng giờ đã định, chúng tôi tập trung hành lý va-li lớn nhỏ vào nhà kho của thiền đường, mỗi người được phát cho một thẻ bài mang một con số thí dụ 2-13, nghĩa là người Tu này ở tầng 2 mang số 13. Trong suốt khóa tu “người 2-13“ phải ngồi cho đúng chỗ, để ly uống nước hay dép đúng số của mình, tối ngủ có một giang sơn riêng rộng bằng một tấm nệm vừa đủ cho một người nằm. Mặc kệ các bạn đồng tu khác bên cạnh, nhất thiết không được mở lời phải giả câm (muốn nói mà không được nói) giả điếc (nghe mà như không nghe) 3 ngày 3 đêm mới không bị đuổi ra khỏi thiền đường, chứ không phải sẽ thành chánh quả đâu các bạn ạ! Sáng sớm 5 giờ nghe kẻng một cái là sửa soạn dụi mắt, 10 phút sau kẻng cái nữa là phải dậy rửa mặt, đi uống nước và kẻng sau cùng lúc 5 giờ rưỡi là hàng ngũ đã chỉnh tề trong chánh điện chờ thầy giáo thọ Quả Nguyên vào hướng dẫn khóa tu Thiền.

Cách đây 2 năm, thầy Quả Nguyên có sang Đức dạy các khóa Tu Thiền tại Tu Viện Viên Đức và ghé thăm Chùa Viên Giác, đường xá xa xôi tôi không được biết Thầy nhưng mùa hè năm đó Thầy sang Berlin vãn Chùa Linh Thứu, được Thầy Hạnh Giới cùng đám Phật tử dẫn đi ăn kem Florida rất ngon gần chùa. Tôi còn nhớ câu đầu tiên tôi hỏi Thầy cũng biết nói tiếng Việt à! Thầy chỉ nở nụ cười Thiềnkhông trả lời và đòi uống một loại trà đặc biệt chứ không ăn kem. Ôi, chỉ cần một ly trà thôi tôi đã gieo duyên cùng Pháp Cổ Sơn, để được làm người tu 2-13, được quyét dọn lau chùi thiền đường sau mỗi bữa ăn, được ngắm pho tượng Phật bằng cẩm thạch trắng thật to và thật đẹp mỗi ngày. Cách trang trí trong thiền đường mới đặc biệt làm sao, vừa cao vừa gọn gàng trông thật đẹp mắt và sặc mùi Thiền. Tôi không kể chi tiết khóa tu Thầy dạy những gì để các bạn còn tò mò ghi tên tham dự, chỉ biết rằng qua ngày thứ hai phái đoàn chúng tôi bị phạt quỳ gối tới nửa tiếng vì tội nói chuyện, nói trong lúc chấp tác, nói trong lúc về phòng, nghĩa là bất cứ chỗ nào cũng nói chuyện được. Thầy chỉ bảo nhẹ, ai thấy mình có nói chuyện thì tự giác quỳ lên, không ngờ hàng loạt từng người từ ưu bà tắc tới ưu bà di đều quỳ lên sám hối. Thầy Hạnh Giới thưa rằng, vì không dạy dỗ được đám đệ tử nên cũng quỳ lên chịu tội. Thế là cả thiền đường từ Thầy Quả Nguyên đến thầy trò Thầy Hạnh Giới đều quỳ sám hối gần nửa tiếng đồng hồ. Vài chị cảm thấy hổ thẹn tủi thân khóc nức nở, sụt sùi lấy tay áo tràng chùi nước mắt. Chỉ tội cho Thầy Phổ Tấn không phạm luật mà cũng quỳ theo, Thầy đã giữ luật một cách nghiêm mật qua công việc chấp tác tỉa cây ngoài vườn, lúc cửa nhà xe đóng lại nhốt Thầy bên ngoài, Thầy không dám la gọi người ra mở vì giữ giới Tịnh Khẩu, chỉ dám đập cửa chờ người ra mở.

Một điểm đáng được khen ngợi cho các Phật tử Đài Loan, những người đã đến thiền đường làm công quả hộ thất cho phái đoàn Việt Nam tu học. Họ làm việc trong yên lặng và trật tự, từ những buổi ăn quá đường dọn dẹp lau chùi xong họ vào một chỗ ngoài chánh điện để ngồi thiền. Họ là những người tu học vững chắc xong mới đi làm công quả, ngược lại với Phật tử Việt Nam chỉ thích làm công quả để lấy phước chứ không thích tu học. Giống như hình ảnh một người không biết bơi mà chỉ thích đi cứu người chết đuối mà thôi.

Ấn tượng nhất trong khóa tu là được đi thiền hành ngoài trời, đi bọc theo triền núi qua những viên đá do các Phật tử làm công quả khó nhọc khiêng lên, có tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo và hoa rừng cỏ dại đẹp muôn phần. Vì tâm hồn hay bay bổng, tôi liên tưởng đến cảnh giới có chim Ca Lăng, Tần Già hát bài Bồ Đề Phần và Bát Chánh Phần, bị thầy Quả Nguyên phê câu “vọng tưởng“, chỉ cần nghe tiếng chim hót là đủ rồi. Ừ nhỉ! Đi không có chánh niệm nhỡ trợt chân té xuống núi có phải nguy không? Trong nhà Thiền sợ nhất là vọng tưởng, các vị canh thiền hay cầm mộc bản phất vào lưng cho tỉnh ấy mà. Lúc về Thầy cho đi chân không dẫm trên cỏ và lạy Phật ngay trên cỏ cho biết mùi và cảm giác khi tiếp xúc với thiên nhiên cùng đất trời. Ba ngày qua đi quá nhanh, chúng tôi đã học được toàn bộ những căn bản sơ đẳng trong việc hành thiền, từ 8 thế vận động tay chân trước khi ngồi thiền, xoa bóp chân tay đầu cổ trước và sau khi xả thiền, cách ngồi và tư thế thiền sao cho khỏi hôn trầm hay vọng tưởng. Nếu ai nhất định hạ quyết tâm nhớ hết bài bản đem về thực hành đều đặn sẽ mau chóng thành chánh quả. Sau khóa tu chị Hà đã hết “rối loạn tiền đình“ và chị Dung đã bớt đau chân có thể theo Thầy đi kinh hành không biết mệt. Các bác lớn tuổi hết than thở đau lưng mỏi chân như thường lệ, vì ngồi lâu quá tê dại cả toàn thân mất hết cảm giác đau.

Sau khóa tu thành công mỹ mãn, cả Thầy lẫn trò đều thở phào một cách nhẹ nhõm, cả đoàn mới yên tâm đi du ngoạn thoải mái được. Nhóm Tứ Đại Kim Cang có 4 vị nam nhi già trẻ đủ cỡ cạo đầu nhẵn bóng, nhưng sau khi xả tu lại trở thành Tứ Quái Giang Hồ, dẫn đầu có sư huynh Minh Trường đến từ Úc, phụ tá Thầy Hạnh Giới, thông dịch viên không tiền bảo chứng muốn dịch sao cũng được, miễn bà con hiểu và cười là tất cả đều phê. Vì một nụ cười là mười thang thuốc bổ, một rổ nhân sâm, mười mâm táo tầuđấy các bạn ạ! Sư đệ A Dục là quái kiệt trong đoàn, không có gốc Tàu nhưng được đặt thêm chữ A vào tên cho giống ông vua A Dục, cho “gồ“ thế thôi! Kế đến là “Anh Cu Tèo“ Đồng Tuệ được bổ nhiệm chức thị giả cho Thầy Hạnh Giới, anh này tuổi trẻ nhưng thích nghịch ngầm đã lỡ tay đánh rơi thẻ căn cước vào khe lưới đậy nắp đường hầm ống cống, bắt anh Lâm phải hì hục ra tay nghĩa hiệp cậy nắp hầm. Chàng trai hiền lành của Tứ Quái mang tên Lợi, tối ngày chỉ cầm xâu chuỗi niệm Phật, lúc thỉnh được một tượng Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn mừng quá cứ ôm khư khư trong người, làm cô tiếp viên của hãng Cathay phải giật ra bắt cột giây an toàn. Đệ tử tí hon của Thầy Hạnh Giới là cu Trí mới hai tuổi rưỡi cũng tháp tùng bố Kiệt, mẹ Oanh đi hành hương, nhưng có lẽ đi hành xác nhiều hơn vì không chịu ăn uống. Có một hôm bị bệnh, lên xe chỉ ói mửa thật là tội nghiệp, nhưng bù lại được các cô chú chiều chuộng ẵm bồng.

Chúng tôi rời Đài Bắc để làm chuyến viễn du xuống Đài Trung, tới cảng Cao Hùng đi thuyền qua thăm các đảo ngoài khơi, rồi về lại đất liền leo núi xuống đèo đến tận mũi “Cat Rock“ ở Đài Nam; chụp hình xong quay đầu lại trở về Đài Bắc là giáp vòng. Xem như đã đi từ trên xuống dưới, từ dưới sang ngang gần hết quần đảo Đài Loan. Vì thời tiết mưa gió bất thường nên chương trình có hơi thay đổi không giống như bài bản đã đăng trong báo Viên Giác. Chẳng hạn thăm công viên quốc gia vào ngày mưa gió xem sao cho được, chúng tôi đổi lộ trình đến chiêm bái tượng Ngài Di Lặc cao 57 mét, phải đứng xa mới chụp hết được toàn thân của Ngài. Sau đó đi thăm Trung Đài Thiền Tự (Chung Tai Chan) của Ngài Duy Giác sáng lập, một công trình vĩ đại với các pho tượng Tứ Đại Thiên Vương đứng sừng sững bốn góc và các tượng Phật bằng đá cẩm thạch to lớn và tráng lệ, nhất là tượng Phật Tỳ Lô Giá Na, rất tiếc không được chụp hình nên chỉ còn lưu lại trong trí nhớ mà thôi. Buổi chiều phái đoàn lên tàu chạy vòng quanh Đầm Nhật Nguyệt nơi các anh chị mới yêu nhau hay hẹn hò ra đây ngắm cảnh như trong truyện của Quỳnh Dao, hai mối tình mới chớm nở trong đoàn cũng có mặt tại đây, chị Nhạn Trắng vẫn đi song song với anh Lâm một cách thẹn thùng và chị Thủy đứng chụp hình bên hồ với anh tài xế A Thóng, Ngũ vị Hương của phái đoàn cũng rủ nhau ra Đầm chụp hình lưu niệm. Bên kia bờ hồ là núi cao thoai thoải nơi thờ Xá Lợi, tưởng niệm Ngài Huyền Trang khi xưa đi sang Ấn Độ thỉnh kinh. Sau đó phái đoàn đến xem ngôi miếu thờ Lão Tử bị động đất ngã xiêu vẹo nhưng không được sửa chữa để trở thành di tích lịch sử. Cạnh đấy có cái chợ bán các đặc sản của Đài Loan như bánh bao chỉ và trái cây, cả đoàn đã mua chuối “Hoàng tử“ rồi nên khi tôi mua nải chuối “Hoàng hậu“ đem lên mời ai cũng lắc đầu khiến ngày hôm sau chuối đã trở thành “Hoàng hậu bị đầy xuống lãnh cung“ nát be nát bét. Hôm sau phái đoàn đến cảng Cao Hùng để ra khơi, cuộc hành trình kéo dài 3 ngày trên các hòn đảo lạ. Trong đoàn có vài tay say sóng đến mệt nhoài làm Thầy Phổ Tấn nhớ tới nghề xưa: với biển cả Thầy là thủy thủ… Trên đảo rất ít mưa, dân cư thưa thớt, cả hòn đảo chỉ có một bác sĩ nên có luật cấm phụ nữ sinh đẻ trên đảo, trước ngày sinh phải vào đất liền nếu không sẽ bị phạt tiền. Thỉnh thoảng chúng tôi hay gặp các cô dâu Việt Nam lấy chồng Đài Loan đứng bán các quà lưu niệm cho du khách. Một số chị quan tâm vấn đề này thường hỏi han tình trạng sinh sống, đa số đều trả lời chung chung là ổn định. Trong suốt cuộc hành trình chúng tôi đã gặp ít nhất mười cô dâu Việt Nam từ Đài Bắc cho đến các đảo hoang sơ, làm rất nhiều nghề từ bán trầu, bán phở, massage, quán ăn hay bán quà lưu niệm. Một chị trong Ngũ Vị Hương lúc nào cũng mang cuốn sổ tay trong đó có ghi số điện thoại nóng của linh mục Nguyễn Văn Hùng, gặp cô nào chị cũng bảo nếu có ai cần giúp đỡ cứ điện thoại cho linh mục Hùng. Một mặt họ trả lời là có đời sống tốt, nhưng tay vẫn cầm vội giấy viết ghi nhanh số điện thoại với đường giây nóng trống không và mắt rực lên tia sáng vui mừng. Theo tin tức thu nhặt được, con số cô dâu Việt Nam đến Đài Loan đã lên đến khoảng một trăm ngàn, nhìn dân số thưa thớt ta tạm hiểu trong việc kiếm vợ cho các chàng Đài Loan bị gái Đài Loan chê có bàn tay giúp đỡ của chính quyền, họ tạo điều kiện dễ dàng cho việc nhập cảnh các cô dâu Việt Nam, ngay cả trên truyền hình vẫn cho đăng quảng cáo các dịch vụ kiếm vợ Việt Nam với giá rẻ mạt. Một hình thức xuất khẩu lao động “hợp tình“ và “hợp lý“ lại rẻ tiền. Trong xác suất mười cô chúng tôi gặp, đa số quê ở Đồng Tháp, Vĩnh Long, Vũng Tàu và cả ở Thái Bình, sang Đài Loan cũng gần mười năm. Tôi chỉ viết thế thôi, còn phần nhận định để các bạn tự suy tư.

Trong các hải đảo nhỏ to đủ kiểu, tôi chẳng biết đâu vào với đâu, chỉ thấy nhà cửa thưa thớt tường vôi vách đất và đặc sản là 2 món rong biển với xương rồng. Trong các bữa cơm được dọn ra, buổi trưa món canh rong biển, chiều rong biển nấu canh, làm chị Yến bị say sóng nhợt nhạt cả người thấy bát canh cũng chào thua. Đấy là nhận xét đầu tiên cho những hòn đảo nhỏ, chứ hôm sau đến đảo PengHu cả một rừng thắng cảnh kỳ quan, xem cả ngày không thấy chán. Buổi sáng chúng tôi đến đảo Thất Nữ nơi thờ cúng bảy nàng con gái đẹp, đã tự vẫn trầm mình trước ngày quân đội Nhật đến chiếm đảo, sau đó đi xem các thắng cảnh đặc biệt của đảo PengHu như một bãi biển xanh với hai trái tim đá, hay động cá voi, đền Tiên Hậu với phố cổ, bốn giếng nước hay cây cổ thụ với cả ngàn nhánh cây che rợp cả một công viên.

Buổi tối còn được xem bắn pháo bông tại công viên hải đảo, nguyên cả năm mới có được một ngày lại đúng ngày phái đoàn đến thăm đảo.

Đến đây trong phái đoàn đã có nhiều người bị bệnh vì thiếu ngủ và đi giang nắng cả ngày, hay vì lây nhau cũng không biết chừng. Thuốc men đã có anh Lâm và cô bác sĩ trẻ Hiền Hương lo, ai than đau chỗ nào là có thuốc trám vào chỗ đó ngay. Ngoài ra còn có nha sĩ Kiệt trẻ và năng động, bé Trí đã được ông bố lụi cho vài viên thuốc mới tỉnh táo đi hành hương tiếp không cũng khổ cho phái đoàn. Hôm sau phái đoàn còn đi xem Hải Học Viện của đảo PengHu, chụp hình chung với cá cua tôm đã đời rồi lên xe chạy suốt xuống cuối đảo xem ngọn Hải Đăng rồi lên tàu trở về đất liền, chấm dứt cuộc du hành thăm hải đảo. Trong lúc đợi xe buýt đến, anh Cu Tèo Đồng Tuệ mới đánh rơi thẻ căn cước như đã kể ở đoạn trên, cũng giúp vui văn nghệ cho bà con đỡ sốt ruột khi chờ xe đến trễ.

Hôm nay đoàn chúng tôi làm cuộc hành trình leo núi A Lý Sơn cao trên 2000 mét, phải đổi xe buýt khác nhiều mã lực hơn và không chứa những hành lý to kềnh to đùng làm xe leo dốc không nổi. Đến nhà ga xe lửa chúng tôi sắp hàng dài chờ được lên tàu vì du khách đa số từ Trung hoa lục địa sang chen lấn cứ như đàn kiến. Trên thế giới chỉ có 4 nơi có đường xe lửa leo lên núi, phong cảnh hữu tình cảnh sắc thay đổi không ngừng sẽ trở thành bức tranh thiên nhiên tuyệt tác nếu hôm ấy trời đừng mưa. Đoàn chúng tôi trong tấm áo mưa đồng loạt màu vàng do anh Lâm chu đáo mang theo, co ro rét lạnh đứng chụp hình với tâm trạng rối bời, lỡ nước mưa hay sương mù ngấm vào máy là toi cả chuyến đi, nhưng chúng tôi vẫn được Phật độ vẫn chụp được tấm ảnh của Thần Cây. Trên núi cao của Alishan nổi tiếng trồng trà xanh nhãn hiệu Oolong, thấy thiên hạ bảo người Đài Loan sang Việt Nam lên vùng núi cao như Bảo Lộc Lâm Đồng trồng trà, rồi lấy những đọt non hạng nhất đem về bán tại Đài Loan, trà Oolong của Việt Nam chỉ là phần thân và gốc mà thôi.

Ngày hôm sau chúng tôi đến chiêm bái Phật Quang Sơn của Hòa thượng Tinh Vân hay còn gọi là Chùa Vạn Phật, chi nhánh của Phật Quang Sơn có các nơi trên thế giới, nơi tôi ở là Berlin cũng có một chùa, nhưng tầm vóc thì không nơi đâu to lớn và vĩ đại như ở chùa chính Đài Loan. Hướng dẫn phái đoàn là một vị Sư người Áo thật cao nói tiếng Đức nên không cần những thông dịch viên của đoàn. Cái này không phải tôi thuộc loại Thấy lê quên lựu. Thấy trăng quên đènđâu, vẫn phải nhờ các chị Muối, chị Quý hay cái chị gì đẹp đẹp như tài tử Hồng Kông về chiều ấy thông dịch mỗi khi đi dạo chợ đêm và anh Minh Trường chỉ dám nhờ hỏi giá trái dừa hay trả giá các Pháp cụ cần mua. Sau đó lại được Thầy người Áo dẫn sang một ngôi chùa khác gần đấy, Thầy Hạnh Giới bảo cho phái đoàn một tiếng để chụp hình và tham quan, nhưng ngôi Chùa này muốn xem cho hết phải cần đến 3 ngày. Nghe xong tôi phát hoảng chỉ đứng chụp hình sơ sơ bên ngoài, rồi cùng cô bác sĩ trẻ cùng phòng kiếm cà phê và bánh bao chỉ làm tươi thật thơm ngon ngồi thưởng thức.

Cuộc hành trình dong ruổi xuống tận đến mũi Cat Rockcủa Đài Nam, nơi đây chúng tôi được dành cho một buổi chiều để tắm biển cho biết mùi biển mặn của Đài Nam. Chỉ một số người rất ít chịu nhúng nước, còn đa số ngồi trên cát hoặc đi dạo bờ biển để rửa chân. Chị Thu Dung, trưởng ban đời sống của đoàn, chuyên đi phân phát bánh kẹo trên xe, đã bị thiên hạ quẳng xuống nước với tất cả quần áo trên người khi chị hùa theo nghịch nước, nhờ vậy chị được hưởng những cảm giác mát mẻ khiến tôi phải tiếc thầm.

Ngày hôm nay 24 tháng 4 mới là ngày trọng đại của đoàn, chúng tôi từ Hoa Liên đến thăm bệnh viện Từ Tế của Sư Bà Chứng Nghiêm, một nhân vật vĩ đại trong công tác từ thiện, y tế và bảo vệ môi trường. Bắt đầu chỉ là hình ảnh một thiếu phụ trẻ mang thai nằm quằn quại trên vũng máu trong một ngày đông giá lạnh, vì nghèo khổ không có tiền vào bệnh viện để sinh nở. Hình ảnh ấy đã động tâm một Ni Cô trẻ đã khiến người phát nguyện sẽ lập một bệnh viện miễn phí cứu tất cả những ai bị bệnh tật không có tiền chữa trị. Ngày nay cơ sở của Sư Bà đã có tầm vóc quốc tế, đâu đâu cũng có các cơ sở của Từ Tế. Sáng nào Sư Bà cũng giảng Pháp tại giảng đường rộng lớn có đài truyền hình phát đi khắp thế giới từ 7 giờ sáng đến 8 giờ, trong đó có phần hỏi han và chia sẻ của các thiện nguyện viên làm việc trong các chương trình từ thiện của Sư Bà. Kiến trúc của Từ Tế là ngôi chùa với 3 mái cong tượng trưng cho Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Rất tiếc phái đoàn chúng tôi, khác với những chuyến hành hương Đài Loan trước của Thầy Hạnh Giới, không được diện kiến Sư Bà, do thiếu phước duyên hay do sự sắp xếp thiếu tình cảm của các cộng sự viên bên cạnh Sư Bà.

Thế rồi đoàn chúng tôi lại đi tiếp thăm công viên quốc gia Taroko thật hùng vĩ và đẹp tuyệt vời, phải nói là phong cảnh thiên nhiên làm ta ngất ngây đến ngây ngất, đây là nơi tiêu thụ năng lượng của các máy quay phim nhiều nhất, thiên hạ cứ bấm lia bấm lịa cho tới khi nào máy hiện lên chữ hết điện mới ngừng tay. Du khách đến thăm rất đông, từng đoàn xe du lịch nối đuôi nhau, họ đổ khách ở một chỗ nào đó để khách đi bộ dọc theo sườn núi với mũ bảo hiểm sợ đá rơi, rồi đón ở đầu bên kia tận cuối đường hầm.

Cuối cùng phái đoàn đã về lại Đài Bắc nghỉ xả hơi 3 ngày để còn lo các việc đại sự như đi mua Pháp cụ, thỉnh tượng Phật hay kiếm chuỗi hạt bằng Hổ Phách (một loại nhựa thông tích tụ lâu đời lên nước sáng ngời, dĩ nhiên rất đắt tiền, Phật tử như tôi chỉ đeo chuỗi nhựa mà thôi). Buổi sáng chúng tôi đi thăm Quảng trường quốc gia thờ Tưởng Giới Thạch, xem diễn binh đổi phiên gác của các Ngự Lâm quân, trưa đi ăn tại nhà hàng Cung Đình, nghe nói đầu bếp chính ngày xưa đã đi theo phu nhân Tống Mỹ Linh sang Mỹ nấu ăn. Vì chúng tôi đa số thuộc thành phần nông dân tập thể nên không nuốt được các sơn hào hải vị của các bậc vua chúa, món nào đưa ra cũng chê làm buồn lòng vị tổ chức muốn chúng tôi được hưởng một tí thế nào là đế vương. Chị nào đó còn phê câu, biết thế em chỉ gọi đĩa rau luộc và bát canh bí đỏ còn ngon hơn. Càng tốt, chị cứ chê đi để tôi và chị Muối thầu hết không bỏ đi tí nào.

Buổi chiều đi mua sắm mới trần ai, vào đến hàng bán Pháp cụ rồi là các tay công quả cho chùa ở luôn trong ấy không ra làm thiên hạ ở ngoài chờ muốn đứt hơi gần muốn xỉu. Tội nghiệp cho “Em bé 13“ Tuyết Mai, không chịu được mùi trầm hương và hóa chất trong tiệm đã ngủ vùi. Tôi chỉ có một chủ đề kiếm cho ra pho tượng Phổ Hiền vừa túi tiền và nhẹ ký, vì Thầy Hạnh Giới với điệp khúc “hù và dọa“, các vị coi chừng hành lý ở Hồng Kông kiểm soát rất gắt gao chỉ cho 20 ký, ai dư ký sẽ bị phạt và trả tiền rất đắt. Thầy đã nói thế, ai còn dám mua sắm gì, còn phải chừa phần đến thiên đường Hồng Kông mua sắm tiếp chứ! Các bạn có biết tại sao tôi thích tượng ngài Phổ Hiền không? Lúc trước tôi hay dùng hạnh của ngài để viết mail cho chàng A Còng: Sáng mang đến niềm vui cho người. Chiều làm cho người bớt khổ. Thế nhưng trong tiệm lại để hai vị Bồ Tát gần nhau, trái phải đều có nhau khiến tôi thỉnh luôn tượng ngài Văn Thù, vì lúc trước tôi hay mượn áo giáp và gươm báu trí tuệ của Ngài để chống trả với Nghịch Duyên. Nay thắng lợi đã về ta, Nghịch Duyên đã trở thành Trợ Duyên, tôi phải thỉnh cả hai vị Bồ Tát về để chưng thờ. Thầy Phổ Tấn thấy tôi khoe chiến lợi phẩm to lớn không bằng lòng, nhất định bắt tôi phải thỉnh thêm tượng đức Bổn Sư để chính giữa cho đủ bộ. Chị Đồng Phương thỉnh được một tượng Địa Tạng bằng đồng cao nửa mét thật đẹp nên nét mặt hân hoan, mắt sáng rực mỗi khi có ai hỏi đến. Chị Như Lộc chuyên viên đi hành hương, chỉ bảo mọi người mua sắm những gì hay lạ. Chị Mỹ Linh sắm được xâu chuỗi đeo tay bằng Hổ Phách như ý nguyện. Ai ai cũng hài lòng và chủ tiệm cám ơn phái đoàn rối rít. Túi tiền của chúng tôi đã tạm vơi, nhưng mọi người vẫn chừa lại để dành sang Hồng Kông mới là chính yếu, đường cùng cà thẻ tín dụng vẫn không sao.

Buổi tối cơm nước xong chúng tôi dẫn nhau đi chợ đêm, mỗi người một định nghiệp để nó kéo đi, chị Thiện Quang chỉ thích mua quần áo đẹp, chị Muối chỉ thích đi massage cho thiên hạ tẩm quất khỏe người, tôi và một số người kéo nhau đi tìm hàng trái cây, nếu gặp sầu riêng thì cứ riêng một góc trờimà chén, đừng dại dột mang về khách sạn. Đêm đó 7 người chúng tôi từ chợ đêm về khách sạn, đi mãi vẫn chưa tìm ra phương hướng, đi lạc vào hàng trái cây thấy cái gì cũng ngon và rẻ bèn ở luôn trong đó không về, cho đến khi điện thoại của anh Lâm hẹn ra đón đưa về, cả bọn vẫn tỉnh bơ ngồi chia nhau những múi sầu riêng thơm phức vào giữa đêm.

Chỉ còn một đêm nữa thôi chúng tôi phải giã từ Đài Loan với bao kỷ niệm, giã từ tòa nhà cao ốc 101 tầng, giã từ những bữa cơm chay giả bào ngư dọn ra ít nhất phải 10 món, giã từ luôn hai mối tình thuộc loại sớm nở tối tàn của hai thành viên trong đoàn. Anh tài xế A Thóng cố nài nỉ rủ chị Thủy đi uống cà phê, chị than mệt phải xếp va-li quá tải để khước từ. Chị Yến bị bệnh vì mất ngủ lại không ăn uống được nên người trông lả lướt, khiến thiên hạ cứ tưởng chị đang tương tư ai đó… sắp sửa ra sông Ái Hà ở Đài Bắc ngồi thở than. Họ đã đem đến cho đoàn những trận cười ngả nghiêng, nghiêng ngả. Chị Muối trông tướng không lấy gì làm to cho lắm, nhưng sức ăn thì như tầm ăn rỗi, ăn lúc nào cũng ngon, ăn cái gì cũng ngon, thật là đáng ngại. Nhân duyên nào đã đưa đẩy cho tôi chọn chị Muối ở chung phòng trong tuần lễ đầu, ấy là vì ông cụ bố chồng của tôi tên Đường, tôi bảo chị đừng có hột muối chia đôi, cục đường lủm hết nghe. Tánh tình chị rất chân thật, tuy có phần chậm chạp qua câu chuyện chị kể, Muối rất thích làm nghề Cô Mụ đỡ đẻ, nhưng bà chị bảo Muối chậm chạp đợi thằng nhỏ mọc râu rồi Muối vẫn chưa sửa soạn xong.

Sáng sớm chúng tôi khiêng hành lý đã được cân đo đàng hoàng theo tiêu chuẩn lên xe buýt ra phi trường, vừa đi được một đoạn hệ thống điện trong xe bị đứt gánh giữa đường. Cả tiếng đồng hồ loay hoay sửa chữa không xong, anh Lâm phải điện về hãng tăng cường xe khác. May quá phái đoàn vẫn còn bắt kịp giờ bay đến Hồng Kông, đón chúng tôi là một hướng dẫn viên tương đối đẹp trai cao lớn nhưng có khuôn mặt khá lạnh như “sát thủ“ (lại bị ám ảnh phim bộ Hồng Kông!). Ông này trái ngược hoàn toàn với anh Lâm, ai đi trễ một lần bị thẻ vàng, lần sau mang thẻ đỏ cho ở nhà. Nhờ kỷ luật sắt, Muối đã thấy nhanh nhẹn hơn trước nhiều. Khách sạn ở Hồng Kông nằm ngay trong đô thị của Kowlon thuộc chuỗi khách sạn nổi tiếng Ramada, nên chúng tôi tha hồ đi shopping thoải mái, mệt đã có xe nước mía ở đầu đường, khi nào muốn đi giải quyết nỗi buồn thì về khách sạn. Ôi, đang từ Phật đảo thanh tịnh, bước sang Cảng Thơm náo nhiệt ồn ào, tất cả thiện nam tín nữ trong đoàn đã lộ rõ bản chất thật sự của mình, vui thật là vui vì chiếc áo không làm nổi thầy Tu, ta cứ sống với những gì ta đang có, đó là phước báu của riêng ta. Tôi nhìn những con vịt quay của nhà hàng Quảng Đông với con mắt trìu mến, chụp hình cả bức ảnh của Bill Clinton làm quảng cáo “I like to eat at Guang Dong Barbecue“.

Hầu như các danh lam thắng cảnh của Hồng Kông đã được lên chương trình cho chúng tôi, đi giây cáp treo từ bên hòn đảo này sang đến tượng Phật lớn của Ngong Ping 360, đi thuyền nan trên bến cảng Cổ của Hồng Kông, xuyên qua đường hầm dưới biển… Chị Tiến và Thúy tranh nhau giải quay phim Lá Bồ Đề Vànghay sao mà chỗ nào cũng chĩa máy vào, cả lúc xe chạy qua đường hầm lúc lắc và tối thui. Buổi tối ai thuê taxi đi chợ đêm cứ việc vô tư, tôi cầm máy hình ra bến cảng vắng chụp tượng Lý Tiểu Long soi bóng với hình đệm sau lưng là cả một Hồng Kông by night rực sáng ánh đèn, với nhà cao cửa chật nhìn muốn mỏi cổ.

Thế là đã đủ cho 3 tuần theo Thầy đi tu tập, hành hương và thỉnh tượng Phật, phái đoàn phải trở về với cuộc sống hằng ngày. Anh Minh Trường nói đùa, đi chuyến này về phải tu 3 tháng mới trở lại tình trạng lúc chưa đi, phần tôi chắc phải cần 3 năm mới đủ. Tuy muốn viết thêm nhưng nhìn lại số trang đã chết khiếp, vì không muốn tra tấn thêm các bạn đọc thân thương tôi đành phải giã từ đêm mưacác bạn nhé!

Chúc các bạn một ngày vui.

Nam Mô Liên Hoa Quang Du Hí Thần Thông Phật.

Hoa Lan - Thiện Giới.

Mùa Xuân 2012.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/01/2013(Xem: 3815)
New Delhi (phiên âm Việt ngữ Tân Đề Li) là tên của thủ đô nước Ấn Độ ngày nay. New Delhi có nghĩa là Delhi mới. Đã có mới ắt phải có cũ. Và chỉ khi sang Ấn Độ, sống ở thành phố này trong 3 ngày tôi mới biết có một khu gọi là Old Delhi (Cựu Đề Li). Và cả Old Delhi lẫn New Delhi nằm trong phần đất có tên là Lãnh thổ Thủ đô Quốc gia (National Capital Territory of Delhi).
09/11/2012(Xem: 9174)
Ngôi Thánh địa Già lam Bạch Mã, ngôi chùa cổ xưa nhất ở Trung Quốc, tọa lạc khoảng 6 dặm Anh, cách Thành phố Lạc Dương, thuộc tỉnh Hà Nam, miền Đông Trung Quốc. Ngôi Già lam Bạch Mã Cổ Tự được sáng lập từ thời Minh Đế của triều đại Đông Hán (từ năm 29 sau Công Nguyên đến năm 75 sau Công Nguyên), gắn liền với truyền thuyết thần kỳ về sự kiến tạo thuở sơ khai.
12/09/2012(Xem: 7318)
Quan Âm Cổ Tự (Gwaneumsa-觀音古寺) nằm phía Đông bắc dưới chân núi Halla (漢拏山), Ara-dong, Thành phố Jeju. Ngôi Cổ tự được thành lập vào thế kỷ thứ 10, vào triều đại Cao Ly ‘Goryeo’ (AD 918 ~ 1392). Trong những năm 1700, triều đình Joseon (Triều Tiên) tôn sùng Nho giáo và phế Phật vì thế Phật giáo vùng Jeju lâm vào Pháp nạn, các Tự viện bị phá hủy trong đó có ngôi Quan Âm Cổ Tự. Đầu thế kỷ 20, năm Nhâm Tý (1912) vị Pháp sư Tỳ Kheo ni An Phùng - Lệ Quán (安逢麗觀) mới tái tạo lại. Năm Giáp Thìn (1964), trùng tu nguy nga tráng lệ như hiện nay. Ngôi Danh lam cổ tự hùng tráng này là cơ sở thứ 23 của Thiền phái Tào Khê, Phật giáo Hàn Quốc.
19/06/2012(Xem: 3327)
Sa mạc Gobi (Trung Quốc) nổi tiếng thế giới bởi sự khắc nghiệt, xứng danh là một trong các vùng đất “khó sống” nhất trên hành tinh. Những đụn cát cao ngút, những trận bão sa mạc và nạn thổ phỉ kinh hoàng trong truyền thuyết xảy ra liên miên, cướp đi sinh mạng của biết bao nhiêu thương nhân khi qua đây. Nó trở thành nỗi ám ảnh lớn với rất nhiều người và không mấy ai nghĩ địa điểm này thích hợp cho sự sống. Ấy thế mà đã có một hồ “trăng lưỡi liềm” và mảnh đất thiên đường “rơi” xuống sa mạc Gobi và trở thành một trong những ốc đảo tuyệt vời nhất trên Trái đất này.
20/05/2012(Xem: 8554)
Nói đến chùa, không thể không nhắc đến Huế. Cố đô là nơi có mật độ chùa chiền thuộc loại cao nhất Việt Nam với trên một trăm ngôi chùa lớn nhỏ. Lần nào đến Huế tôi cũng đến thăm, lễ Phật và thưởng ngoạn tại ít nhất là 1 ngôi chùa.
02/03/2012(Xem: 3626)
Trên đường đến Linh Thứu sơn thuộc thành Vương Xá, nay là Rajgir, cách trường đại học Na Lan Đà khoảng 1500 m, đoàn chúng tôi có viếng thăm nhà kỷ niệm ngài Huyền Trang (Huyền Trang Kỷ Niệm Đường) mặc dù ngoài trời mưa vẫn còn nặng hạt...
12/02/2012(Xem: 14879)
Qua ký sự, tác giả giới thiệu những vùng đất tâm linh của Phật giáo đồng thời nói lên niềm cảm khái của mình trước các vùng đất thiêng liêng, và cảm xúc của ông về thế giới hiện đại.
11/01/2012(Xem: 9490)
Ý tưởng về một cuộc hành hương về xứ Phật là do chính Đức Phật nói ra. Trước khi Người nhập diệt Đại Bát-Niết-bàn, Phật đã khuyên những đệ tử kính đạo nên viếng thăm, chiêm bái bốn nơi để được tăng thêm sự truyền cảm về tâm linh của mình sau khi Người từ giã trần gian. Những nơi đó là Lumbini, nơi Đức Phật đản sinh; Bodhagaya (Bồ Đề Đạo Tràng), nơi Đức Phật chứng đạt Giác Ngộ Tối Thượng; Vườn Nai ở Sarnath, nơi Đức Phật khai giảng bài Thuyết Pháp đầu tiên – Kinh Chuyển Pháp Luân; và Kusinara (Câu Thi Na), nơi Người nhập diệt Đại Bát-Niết-bàn...
28/12/2011(Xem: 4066)
Trong khi nhiều tôn giáo truyền thống khuyến khích tín đồ lên đường hành hương, như Đức Phật Thích Ca là một bậc thầy vô thượng mà tất cả Phật tử hướng về quy y và những giáo huấn của Ngài chúng ta thực hành một cách tốt nhất để đi theo, đối với chúng ta những thánh địa thiêng liêng nhất là những nơi Đức Phật đã giảng dạy và hành động vì lợi ích của chúng sinh. Trong khi chúng ta nên ngưỡng vọng và thăm viếng những nơi này, một cách truyền thống bốn thánh tích được xem như quan trọng nhất là: * Lâm tỳ ni, nơi Sĩ Đạt Ta sinh ra trong thế giới này như một người bình thường. * Đạo Tràng Giác Ngộ, nơi Sĩ Đạt Ta trở nên giác ngộ. * Lộc Uyển, nơi Ngài giảng dạy con đường đến giác ngộ, và * Câu thi na, nơi Ngài nhập niết bàn.
01/08/2011(Xem: 4006)
Từ 13/3 đến 28/3/1994, Viện Nghiên cứuPhật học Việt Nam đã tổ chức một đoàn chiêm bái các Phật tích tại Ấn Độ, gồm 19 người, do cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu làm Trưởng đoàn, cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu làm Phó đoàn, với Ban Thư kýgồm Hòa thượng Thích Giác Toàn và Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn. Chuyến đi được Hòa thượng Thích Chơn Thiện lúc ấy đang chuẩn bị trình luận án tiến sĩ Phật học tại Ấn Độ giúp sắp xếp các việc cần thiết và đề xuất kế hoạch, lộ trình chi tiết. Sau ngày thống nhất đất nước, đây là chuyến xuất ngoại dân sự đầu tiên có tổ chức của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, mở đầu cho việc hội nhập của Phật giáo Việt Nam với Phật giáo thế giới. Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo đăng tải lại dưới đây bài tường thuật do cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu thực hiện, như một kỷ niệm để tưởng nhớ ngài.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]