Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   


tu dai danh son 2007 (13)

Hành hương chiêm bái

Tứ Đại Danh Sơn Trung Quốc 2007

 

Bài viết: Cư Sĩ Minh Ngộ

Thích Nguyên Tạng (hiệu đính)

 

 

Như chương trình đã sắp đặt trước cả năm, phái đoàn hành hương Tứ Đại Danh Sơn Trung Quốc gồm 72 người do Tu Viện Quảng Đức tổ chức đã lên đường đúng vào sáng Chủ nhật 21-10 và đã về đến nơi an toàn vào ngày 8-11-2007 sau 19 ngày. Phái đoàn đã được sự chứng minh & hướng dẫn của HT Thích Bảo Lạc, Ni Trưởng Thích Nữ Phước Trí, Thích Nữ Chơn Đạo, cùng ĐĐ Phó Trụ Trì Thích Nguyên Tạng, SC Thích Nữ Tâm Vân, SC Hạnh Nguyên, SC Như Châu và Đạo Hữu An Hậu Tony Thạch (giám đốc công ty Triumph Tour) cùng với 38 Phật tử từ Melbourne, 1 từ Adelaide, 17 từ Perth, 9 từ Hoa Kỳ và 2 đến từ Việt Nam.  

Phái đoàn đã có đủ phước duyên để viếng thăm tận nơi và thấy tận mắt Tứ Đại Danh Sơn, tức là 4 ngọn núi lừng danh của Trung Hoa: Phổ Đà Sơn, Nga Mi Sơn, Cửu Hoa Sơn và Ngũ Đài Sơn. Phổ Đà Sơn là thắng địa của đức Bồ Tát Quan Âm ở trong biển Đông Nam, huyện Định Hải, tỉnh Chiết Giang, cách mực nước biển hơn 1000 mét; thứ 2 là Cửu Hoa Sơn là đạo tràng hóa độ của Bồ-tát Địa Tạng ở tỉnh An Huy; thứ 3 là Ngũ Đài Sơn ở tỉnh Sơn Tây, là nơi hóa hiện của Bồ Tát Đại Trí Văn Thù và thứ 4 là Nga Mi Sơn thuộc tỉnh Tứ Xuyên, là một địa danh được Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền thị hiện để giáo hóa, ở độ cao 3,077mét. Phái đoàn cũng đã viếng thăm và cúng dường 25 ngôi chùa ở tại 4 tỉnh & 7 thành phố trên khắp xứ sở Trung Hoa, đặc biệt trong đó có 4 ngôi chùa quan trọng là: Chùa Tuyết Đậu ở Ninh Ba, nơi ẩn tu của Bố Đại Hòa Thượng, vốn hóa thân của Bồ Tát Di Lặc; thứ 2 là Chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu, nơi tu hành của Tế Điên Hòa Thượng, thứ 3 là Chùa Quang Hiếu, nơi xuất gia của Lục Tổ Huệ Năng ở Quảng Châu, và cuối cùng là Chùa Pháp Vũ trên núi Phổ Đà, nơi ẩn tu của Ấn Quang Đại Sư, vị Tổ thứ 13 của Tông Tịnh Độ, trước điện thờ Ngài có 2 câu đối tưởng niệm ghi lại lời dạy của Ngài về cốt lõi của pháp tu niệm Phật rằng “ Mạc nhạ nhất xưng siêu Thập địa; Tu tri lục tự quát Tam thừa. (Đừng ngờ một câu qua Thập địa, phải hay sáu chữ phủ Tam thừa). Ý của Ngài muốn nhắn nhủ với hàng đệ tử rằng một câu niệm Phật có đủ năng lực để giúp đưa hành giả vào 10 địa vị tu chứng của hàng Bồ Tát, và sáu chữ của câu niệm Phật đủ để dung thông cả ba thừa: Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát thừa. Phải nói rằng 4 ngôi chùa trên là những thánh địa của Phật Giáo Trung Hoa, nơi phát xuất những dấu tích của những hành giả tu tập và chứng đạo, người đệ tử khắp nơi trên thế giới, nên về chiêm bái những nơi này một lần trong đời mình để gieo phước duyên trên lộ trình tiến về giải thoát và giác ngộ.

Ngoài ra phái đoàn cũng được đảnh lễ Tôn Tượng Di Đà Linh Sơn Đại Phật tại thành phố Vô Tích, pho tượng cao 88 mét, xây dựng từ năm 1994, với 700 tấn đồng, khánh thành ngày 15-12-1997,  được xem là tượng Phật cao thứ hai của Phật Giáo thế giới hiện nay, cũng tại nơi này, đoàn đã chiêm ngưỡng lễ đài Phật Đản, một hoạt cảnh độc nhất vô nhị của Phật Giáo thế giới hiện nay, tượng đài này mô tả lại quang cảnh thị hiện đản sanh của Đức Phật Thích Ca tại vườn Lâm Tỳ Ni bên Ấn Độ cách đây 2631 năm, với 9 rồng phun nước, bảy bước xưng tên, hoành tráng, đẹp mắt và hùng vĩ. Một ý nghĩa khác của hoạt cảnh này là ý nghĩa "hoa khai kiến Phật" ở thế giới Cực Lạc Phương Tây, một hành giả được hóa sanh trong đóa sen khi thác sinh về cõi giới này. Xin chắp tay tán dương công đức cho những ai đã có ý tưởng độc đáo để kiến tạo nên Phật cảnh này để giúp cho chúng sinh, vơi bớt đi những nhọc nhằn lo toan trong biển đời khổ lụy khi viếng thăm nơi này. Một tượng đài lộ thiên khác mà phái đoàn có duyên viếng thăm chiêm bái là Lạc Sơn Đại Phật ở Thành Đô, chiều ngày 4-11-07, phái đoàn đã có mặt dưới chân núi Lạc Sơn, đoàn phải lấy hai tàu nhỏ để đi ra xa để có thể nhìn thấy được pho tượng Di Lặc cao 71 mét này. Được biết hơn 1.400 năm về trước, tại núi Lạc Sơn Đại Phật này, nơi hợp lưu của 3 con sông Mân giang, Đại Độ hà và Thanh Y giang, nơi thủy tai từng xảy ra nhiều lần, vì muốn diệt trừ thủy họa, nên trong năm đầu niên hiệu Khai Nguyên đời vua Đường Huyền Tông (713 sau Tây lịch), Hòa Thượng Hải Thông đã tập hợp tài công vật lực để tạc pho tượng lớn trên vách núi. Công trình vĩ đại này phải mất đến 90 năm mới hoàn thành. Đây là tượng Phật điêu khắc đá lớn nhất thế giới. Tượng Phật ngồi tựa lưng vào núi, nhìn xuống 3 dòng sông. Tượng cao 71m, riêng đầu cao 14,7m, chỉ một bàn chân của tượng đã rộng 5,5m, dài 11m, trên đó đủ chỗ cho hàng trăm người ngồi. Người đời miêu tả tượng Phật vĩ đại này bằng câu nói: “Núi là một vị Phật, Phật là một quả núi”. Để che mưa chống gió cho pho tượng Phật khổng lồ này là một tòa “Đại tượng các” bằng gỗ cao 13 tầng. Do thời gian và chiến loạn, tòa Đại tượng các huy hoàng ngày xưa không còn tồn tại. Từ đời Minh, Thanh về sau, tượng bị gió mưa bào mòn, xâm thực hàng trăm lỗ, không còn nhìn rõ mặt mũi. Từ năm 1962, Chính phủ Trung Quốc đã cho sửa chữa toàn diện, từ đó chân dung trang nghiêm, thanh tú của pho tượng Phật hoành tráng này mới được phục hồi, và được liệt vào danh mục văn vật trọng điểm cấp quốc gia. Hiện nay tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc cùng với các chuyên gia Trung Quốc đã tiến thêm một bước nâng cấp trong công tác duy trì bảo hộ văn vật đã có hơn 1.200 năm lịch sử.

Đặc biệt trong chuyến hành hương, 74 thành viên trong đoàn đã hai lần được đảnh lễ xá lợi Phật, đó là Chùa A Dục Vương ở Vô Tích, nơi thờ xá lợi Phật do Vua A Dục từ Ấn Độ gởi cúng dường cho PG Trung Hoa; chùa thứ 2 có thờ xá lợi Phật là Chùa Linh Quang tại thủ đô Bắc Kinh. TT Thường Trạm đã thân mật tiếp đoàn và đích thân mở cửa tháp để đoàn được đảnh lễ xá lợi. Được biết bảo vật xá lợi này do Ấn Độ cúng dường cho Phật Giáo Trung Quốc hơn 900 trước, lúc đầu được thờ tại Tân Cương, về sau được đưa về thờ tại Nam Kinh. Đến thời Vua Càn Long đời nhà Thanh, vào dịp sinh nhật, cung tần quan tướng triều đại này đã thỉnh xá lợi này và an trí trong một tháp xá lợi bằng vàng (nặng 152 kg) để dâng tặng Vua Càn Long, sau đó Vua Càn Long đã gởi cúng dường lại cho Chùa Linh Quang, từ đó bảo vật này được tôn thờ tại ngôi chùa này cho đến tận ngày hôm nay.

Một nơi khác đoàn có duyên viếng thăm là Vân Cương Thạch Động tọa lạc dưới chân núi Vũ Châu, thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, thạch động này được xem là di sản văn hóa thế giới và là một di tích PG lớn nhất, đẹp nhất và lâu đời nhất, có từ thời Bắc Ngụy (439 sau Tây Lịch). Thạch động có tất cả hơn 1,100 hang động và hang nhỏ với 5,100 pho tượng lớn nhỏ, trong đó có 53 cái động chính, một pho tượng Thích Ca ngồi cao 17m, ngoài ra có 9 bức tượng lớn cao trên trên 10m, 48,000 bức tượng Phật & Bồ Tát, và có hơn 3,000 tượng chư thiên hộ pháp. Những động chính chia làm 3 phần: Phần bên phải lối vào gồm động số 1 đến 4, phần chánh điện gồm động số 4 đến 13, phần bên trái từ động 14 đến 53.

Một sự kiện quan trọng đáng lưu ý trong chuyến hành hương này là đoàn đã viếng thăm và chiêm bái ngôi chùa cổ Vạn Niên Tự tại Nga Mi Sơn, tại nơi này chư tôn đức đã làm lễ truyền tam quy ngũ giới cho 4 đệ tử: Lê Ngọc Tô, pd: Quảng Trí Thiện & Vũ Thị Hương, pd: Quảng Tuệ Đăng từ Hoa Kỳ và hai đệ tử tại Úc là Đặng Khánh Vân, pd: Quảng Tuệ Nguyên & Mai Phước Lộc, pd: Chúc Quốc Lịch, đây là một phước duyên cho các đệ tử này, vừa đi chiêm bái vừa được truyền thọ tam quy ngũ giới ngay tại thánh địa Nga Mi Sơn này.

Cuộc hành hương chiêm bái hoàn tất sau 19 ngày, được xem như đã thành tựu viên mãn và được khép lại ở nơi đây, tuy nhiên dư âm của chuyến đi chiêm bái thiêng liêng này vẫn còn vương vấn mãi mãi trong tâm tư của mỗi thành viên trong phái đoàn, đã đến tận nơi và nhìn thấy tận mắt danh lam thắng cảnh, những đạo tràng tu học của PG Trung Hoa. Mỗi người đệ tử trong phái đoàn thêm một lần nữa khẳng định niềm tin vào Chánh Pháp ở nơi chính bản thân mình, và xin phát nguyện trong phần đời còn lại của mình sẽ thiết tha, và chí thành tinh tấn tu học trên lộ trình tiến về cội nguồn tâm linh. Sự thành tựu của chuyến đi hành hương này, phái đoàn phải cảm niệm tri ơn đến sự cố vấn của TT Trụ Trì Thích Tâm Phương, cảm ơn hai chị Diệu An & Thanh Phi, đã làm bảng tên; Đh Thiện Lý Nguyễn Văn Ngọc đã vẽ tấm băng rôn; cảm ơn hai đệ tử Thiện Hưng & Nguyên Nhật Khánh đã in tập Kinh tụng cho chuyến hành hương . Ban tổ chức cũng không quên ghi ơn Đh An Hậu Tony Thạch và nhiều nhân viên phụ tá của anh tại Trung Quốc, đã sắp xếp và hướng dẫn tận tình cho phái đoàn được đi chiêm bái trong 19 ngày dài của cuộc hành trình. Nhân đây xin gởi một thông báo nhỏ, chuyến hành hương Ấn Độ lần 2, sẽ được tổ chức vào đầu tháng 11 năm 2008, số lượng giới hạn, xin quý Phật tử liên lạc về TV Quảng Đức đăng ký sớm để được tham dự chuyến hành hương chiêm bái này.

  

Mục đích, hay rõ hơn tinh thần của đi du lịch và hành hương theo thiển ý có phần khác nhau. Đi du lịch là để thưởng thức cái mới lạ và để mở rộng kiến thức. Ngoài các điều trên, ước nguyện của người đi hành hương là được đến chiêm bái, được tai nghe mắt thấy khung cảnh thánh địa để củng cố và phát huy thêm niềm tin, và biết đâu gặp thiện duyên được đốn ngộ không chừng. Niềm tin là điều rất tế nhị và dễ bị xúc phạm khi ta bàn luận về quan niệm sống.

Những ngỡ ngàng, xúc cảm, ngưỡng mộ khó quên, về đủ thứ trong mấy ngày đầu, giảm dần khi tôi biết rằng chính quyền Trung quốc đã nhúng tay vào khi trùng tu hoặc xây cất mới phần nào những thánh địa này để thu hút khách du lịch; sự hiểu biết của các hướng dẫn viên trẻ địa phương về lịch sử Phật giáo Trung Quốc đầy truyền thuyết có thể không phản ảnh đầy đủ tinh thần tu tập của người xưa, v..v… Phần khác sự hiểu biết về Phật giáo của tôi rất nông cạn, thời gian chiêm bái một số nơi rất là hạn hẹp, sự ghi chép vội vàng, tiếng được tiếng mất do nặng tai nên về nhà xem lại có nơi chẳng khớp vào đâu vì nhiều chùa từ kiến trúc đến lịch sử có phần giống nhau. Những điều này làm cho sự ghi lại đề tài trở nên phức tạp và tế nhị hơn là tôi tưởng lúc ban đầu. Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn, nên tôi nghĩ trong trường hợp này im lặng là vàng, chẳng làm phiền phức ai. Nhưng nhờ trong chuyến hành hương này tôi đã học được vài điều sau: sự hiểu biết của mọi người đều có giới hạn, đường tu tập gồm vạn nẻo và đầy gồ ghề chông gai, ta cứ nắm bắt lấy những gì thích hợp để tiếp tục hành trì và gạt bỏ hay tạm gác qua bên những gì không phù hợp ­­__chứ không phải là sai; tâm Phật và tâm ma của mọi người biến chuyển theo từng sát na, biết đâu mà lường. Do đó tôi nghĩ cứ viết theo suy nghĩ của mình, nếu không ghi lại sẽ quên mất, khi cần suy ngẫm lại thì không có. Biết rằng tôn chỉ của Lá Thư là tránh đăng những bài viết có tính quá khích hoặc mê tín dị đoan về tôn giáo nên tôi sẽ tránh bớt những điều trên và ghi lại những gì theo cảm nghĩ của tôi mặc dầu biết là có nhiều sai sót nhầm lẫn, mong được quý vị hoan hỷ thông cảm và xin vui lòng chỉ bảo thêm qua email haiemnguyen@yahoo. com 



TỨ ĐẠI DANH SƠN.

 

PHỔ ĐÀ SƠN (PUTUOSHAN): Đạo tràng của Quán Thế Âm Bồ Tát.

Phổ Đà Sơn có rất nhiều chùa, nằm trên đảo lớn nhất trong quần thể đảo nằm trong vịnh phía Nam Thượng Hải và gần Hàng Châu. Từ thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, đến đảo phải dùng phà cao tốc khoảng một giờ hải hành nhưng biển thường lặng sóng. Đường lên đỉnh núi rất tốt, sạch sẽ, có nhiều đường rẽ nhỏ dẫn lên những chùa lớn nổi tiếng về nét kiến trúc thuộc các đời nhà Minh và Thanh, có rất nhiều chùa nhỏ rải rác xung quanh núi, phong cảnh hai bên đường đẹp đẽ, nhất là đoạn qua rừng Tử Trúc với loại trúc đen. Trên một sân rất rộng ta thấy một cổng Tam quan __ không giống như cổng ở Việt Nam __ cao to đồ sộ bằng đá xanh chạm trổ công phu. Từ đó nhìn lên đỉnh núi một tượng Quán Thế Âm Bồ Tát (QTÂBT) cao 18m bằng đồng màu vàng óng ánh, sừng sững giữa nền trời trong xanh. Vì ngại gió biển làm hư hỏng lớp đồng, nên tượng đã được thếp phủ một lớp vàng dày khoảng 4 mm, với hy vọng giữ được màu vàng mãi mãi. Qua mấy tầng sân và bậc thang, chúng tôi lên một thượng đài rộng lớn với đại lư nhang đồng đen tỏa đầy hương khói, trước một giàn sắt đầy đèn sáp đủ cỡ đang cháy dở dang. Vì gió, sáp chảy tùm lum và rớt xuống một bể chứa nước, gắn sẵn vào giàn sắt, nên sáp được vớt ra dùng lại dễ dàng và sạch sẽ. Lư nhang và giàn sáp được dùng tại hầu hết các chùa tại Trung Quốc. Phía trước và hai bên thượng đài này là 4 bức tượng hộ pháp bằng đá cao lớn với mặt mũi, áo mão được chạm trổ sắc sảo tinh vi và từ đó lên đến đỉnh đầu tượng là 32m. Kích thước này tượng trưng cho 32 tướng hóa thân của QTÂBT cũng như chiều cao 18 m nói trên tượng trưng cho 18 A la hán. Hai bên hông đài là hai dãy hành lang, mặt trước trống, mặt sau là tường với những bức tranh bằng đá xanh chạm trổ những cảnh sinh hoạt và tiến trình tu tập của đức Phật Thích Ca. Có thể nói những bức tranh này đều là những tác phẩm điêu khắc tuyệt vời sống động không khác gì những họa phẩm, nơi thì những hình tượng Phật lớn gần bằng hình người, nơi thì hàng loạt các Tăng sĩ lớn nhỏ diễn tả rõ ràng những động tác mà nghệ nhân muốn trình bày.Tiếc một điều là có nhiều phần đã bị các bàn tay của khách vãng lai đã sờ mó làm đổi qua màu đen láng bóng. Nếu tập quán này không được chấn chỉnh thì những công trình nghệ thuật này sẽ ra sao? Sau lưng tượng QTÂBT là hai bức tường đá màu đen được khắc chữ sơn nhũ vàng, ghi danh sách những Phật tử mạnh thường quân đã cúng dường để xây dựng công trình này trước khi khởi công. Sau hai bức tường này là một tường khác cao hơn ghi danh sách Phật tử đóng góp từng năm và tường này còn một khoảng trống rất rộng dành cho danh sách tương lai. Trên thượng đài này còn có một đài nhỏ hơn có gắn 4 chữ Hán bằng đồng lớn, trên đài đó là đài sen và tượng QTÂBT uy nghi, gương mặt dịu dàng vui tươi hướng ra biển, bàn tay mặt hướng lên trời, bàn tay trái để ngang trước ngực. Dưới tượng QTÂBT là điện thờ Phật Thích Ca đứng hướng ra phía trước sân thượng đài. Tượng Phật Thích Ca được đặt trong một vách vòng cung mặt trong chạm nổi __ hình như bằng đồng, tôi không nhớ rõ __ , phần vách ngoài là những bức tranh bằng gỗ gắn vào vòng cung, chạm trổ những hình ảnh về cảnh Phật. Trần phòng được trang trí thật đẹp. Giữa vòng cung và vách ngoài là một vòng 8 cột tròn lớn chống đỡ đài tượng QTÂBT ở trên. Công trình này mới được xây dựng 9 năm nay, căn cứ vào truyền thuyết bất khẳng khứ Quan Âm tượng của nhà sư Nhật Bản Huệ Ngạc và Hải Triều Âm động. Cũng từ ngày tượng được đặt tại đây ngư dân địa phương nhận thấy ngư trường này được sóng yên biển lặng không còn phải chịu cảnh giông tố bảo táp như xưa nay. Công trình này đã được UNESCO công nhận là di tích lịch sử thế giới vào năm 2005.

Truyền thuyết kể rằng vào năm 915 Tây lịch có một chú tiểu Nhật Bản qua Trung Quốc tu tập. Trong bao năm tu tập chú tiểu để tâm và rất thích thú một tượng QTÂBT nhỏ. Lúc gần về Nhật, chú tiểu  đã thành Sư Huệ Ngạc, Sư xin đem pho tượng nhỏ này về, nhưng Hòa thượng Trụ trì không cho.Vì quá thích Sư quyết định trộm pho tượng quý này về Nhật mặc dầu biết đó là phạm giới luật. Sau mấy ngày thuận buồm xuôi gió khi đến vùng này chiếc ghe cứ luẩn quẩn xoay vòng trên biển không làm sao tiến ra khơi được. Nhà sư nghĩ đây là hậu quả của việc trộm tượng, liền quỳ xuống và khấn nguyện QTÂBT nếu ngài không chấp thuận việc đem pho tượng về Nhật thì cứ giữ ghe lại và nếu cảm thông mong ước của người thì cho thuận buồm xuôi gió. Kết quả là ghe vẫn không vượt ra khỏi vùng biển này, Sư Huệ Ngạc bèn lên bờ và thiết lập một am thờ pho tượng nhỏ này gần một cái hố nhỏ khá sâu khi thủy triều lên sóng vỗ mạnh phát ra những âm thanh vang dội mà dân địa phương rất sùng bái. Nơi cái am nhỏ xưa, nay đã được xây một điện khang trang thờ QTÂBT và pho tượng nhỏ quý đó đã bị đánh cắp từ lâu. Căn điện này có nhiều tên như là Đại Trượng Phu Điện nói lên tướng hóa thân nam của Ngài, Phạm Âm Điện, kết hợp chữ phạm là dạy dỗ với âm vang của sóng, để khuyên răn Phật tử tránh những hành vi phạm giới, hoặc Trúc Lâm Tự vì gần khu vực có loại trúc đen. Ngay vách tường bên phải trước cửa điện có một bức điêu khắc rất sắc sảo bằng đá xanh với một chú tiểu cầm pho tượng nhỏ, một Nhà sư chắp tay đứng bên bàn thờ QTÂBT, một chiếc thuyền với buồm căng gió và núi Phú sĩ với ý nghĩa gốc Nhật của Nhà sư. Dọc theo đường đi ra là một hành lang, chưng bày sau vách kiếng 32 bức điêu khắc bằng đá xanh là các hình tượng hóa thân của QTÂBT. Trên đường đến Phổ Đà Sơn có một đoạn ta có thể nhìn thấy ngoài biển khơi có một dãy núi có hình dáng QTÂBT nằm trên mặt biển. Nhưng đứng tại Phạm Âm Điện nhìn sẽ rõ hơn có thể thấy cả hàng lông mày và lông mi..

Nói về QTÂBT chúng ta cần biết Phổ Tế Tự cũng tại Phổ Đà Sơn, Chùa này có pho tượng thờ Đại Trượng Phu Quán Thế Âm Bồ Tát. Gọi Đại Trượng Phu vì tượng có dạng nam trang. Vào thời ấy phụ nữ không muốn để tượng Phật nam giới trong nhà nên sau đó mới đổi ra hình nữ. Một ngàn năm về trước tại đây chỉ có một am nhỏ bằng tranh của Phổ Tế Đại Sư, tuy vậy vị Đại sư đã tế độ được rất nhiều người. Tiếng lành đồn xa, mặc dầu phương tiện di chuyển lúc ấy rất khó khăn nhưng rất nhiều người đem lễ vật đến cúng kiếng. Có một thương gia họ Mã, cùng với một đứa con trai, đem một cặp đèn sáp lớn đến cúng và cầu xin chư Phật phù hộ để kiếm được nhiều tiền. Bất ngờ không rõ lý do, cặp đèn sáp đó được đem cất trước khi cháy hết. Người thương gia buồn và nghĩ xấu rằng chùa đã làm tiền bằng cách lấy đèn cất trước để bán lại cho những Phật tử khác, nên đã đem đứa bé về trước và đứa bé đã chết dọc đường. Người thương gia bèn mua quan tài để đem thi hài con về quê an táng. Nào ngờ khi về đến nhà thì đứa con trai đó lại chạy ra đón cha. Ông ta bèn cho cạy nắp quan tài ra thì thấy cặp đèn sáp cháy dở dang nằm gọn gàng trong quan tài. Hối hận về suy nghĩ bất tín của mình, ông ta bèn cúng một số tiền lớn để xây cất một ngôi chùa lớn hơn với tên Pháp Giới Tràng Sanh. Ngôi chùa hiện nay là do vua Khang Hy xây dựng, và vua Càn Long đã cho in tập Đại Tạng Kinh.


tu dai danh son 2007 (1)tu dai danh son 2007 (2)tu dai danh son 2007 (3)tu dai danh son 2007 (4)tu dai danh son 2007 (5)tu dai danh son 2007 (6)tu dai danh son 2007 (7)tu dai danh son 2007 (8)tu dai danh son 2007 (9)tu dai danh son 2007 (10)tu dai danh son 2007 (11)tu dai danh son 2007 (12)tu dai danh son 2007 (14)tu dai danh son 2007 (15)tu dai danh son 2007 (16)tu dai danh son 2007 (17)tu dai danh son 2007 (26)tu dai danh son 2007 (27)tu dai danh son 2007 (28)tu dai danh son 2007 (29)tu dai danh son 2007 (31)tu dai danh son 2007 (32)tu dai danh son 2007 (33)tu dai danh son 2007 (34)tu dai danh son 2007 (35)tu dai danh son 2007 (36)tu dai danh son 2007 (37)tu dai danh son 2007 (38)tu dai danh son 2007 (39)


Mỗi di tích mà chúng tôi được chiêm bái đều có giá trị riêng, nhưng ngoài giá trị về tín ngưỡng, mỹ thuật và nghệ thuật tôi thích nhất là vật liệu kiến trúc tại Phổ Đà Sơn. Tất cả từ tường vách, tượng thờ với những chạm trổ tinh vi, đến sân đài, lan can, lối đi với các hoa văn sơ sài của những nhà điêu khắc, đều bằng một loại đá xanh một màu đơn giản. Điều này sẽ làm công trình giữ được nét sắc sảo lâu dài hơn và việc duy trì tu bổ dễ dàng hơn rất nhiều so với các sự tô vôi và sơn phết lòe loẹt như các chùa khác.

 

CỬU HOA SƠN (JIUHUASHAN): Đạo tràng của Bồ Tát Địa Tạng Vương.

Cửu Hoa Sơn nằm về hướng Tây Bắc Thượng Hải, thuộc tỉnh An Huy, phía Nam Dương Tử Giang. Ngọn núi này gồm có 9 đỉnh nhỏ bao quanh một vùng bằng phẳng; thị trấn Cửu Hoa Sơn với cao độ 600m. Thi sĩ Lý Bạch đời Đường đã đặt tên Cửu Hoa Sơn với ý nghĩa: thị trấn với những nhà tường trắng mái ngói đỏ là nhụy bông sen, 9 núi nhỏ bao quanh thị trấn có cái với vách đứng, có cái hơi ngã ra ngoài là những cánh sen. Cửu hoa Sơn có 3000 dân trong đó có 1000 tu sĩ tu tập trong 99 chùa. Phong cảnh lên núi tuyệt đẹp với những rừng tre, rừng thông xanh tươi quanh năm. Đường lên núi rất tốt nhưng quanh co thật gắt vì núi nhỏ và vách dốc với nhiều thung lũng nhỏ dọc theo sườn núi, có thể nói là phần trên cao không có đoạn đường thẳng nào dài hơn 10m. Nhờ tre ở đây mọc rời rạc từng cây một, thẳng đứng với các nhánh nhỏ gần trên ngọn nên tôi đã nhìn thấy vài nơi 3 tầng đường, nói lên sự quanh co và khúc khuỷu của khoảng đường này. Tuy nhiên sự lưu thông được an toàn nhờ hệ thống gương vòm, đặt tại những khúc quanh gắt báo hiệu cho tài xế biết khi có xe ngược chiều.

Đứng trước khách sạn nhìn lên thấy trên cao có những vách đá lớn, thẳng đứng màu trắng xám phảng phất vài đốm cây xanh, có những vách núi xanh ẩn hiện trong những tảng mây trắng lờ lững trôi, có những chùa sơn trắng, vàng, nâu nổi bật trên vách núi xanh rì, có chùa lấp ló dưới tàng cây, có một vách đá cao vòi vọi gồm nhiều tảng đá đơn độc cao cả chục thước, có những hòn chồng lên nhau lớn và cao hơn các tảng đá ở Định Quán trên đường đi Dalat, có những cây tùng cổ thụ thân thẳng đứng với tàn rộng lớn mọc cheo leo ngang vách đá, có cây sừng sững một mình độc chiếm mỏm đá, có chùa hiên ngang ngạo nghễ trên các đỉnh núi mà chúng tôi không thể viếng thăm. Có một vách núi thật đặc biệt trông tưởng như một vách thẳng đứng nếu không có hai chùa, một sơn xanh một vàng chen vào lưng chừng vách, và một ngôi chùa trắng nằm giữa kẹt hai vách đá trên đỉnh núi, mà sau khi lên chiêm bái tôi mới biết chùa sơn xanh là Địa Tạng Tự và không thể hình dung được xưa kia làm sao mà họ xây cất được những chùa này. Cảnh trí này làm ta thán phục sự tu hành của các Tăng sĩ Trung Hoa và xin sám hối khi nghĩ sự tu hành của giới Tăng Ni của ta ngày nay có vẻ quá thế tục. Vòm trời hơi có mây không được trong sáng, nhưng không còn cảnh mù mịt ô nhiễm quá độ, không phải chỉ tại các thành phố mà ngay cả tại các vùng ruộng nương. Thời tiết ấm áp thoải mái, cảnh trí uy nghi hùng vĩ của núi rừng, của chùa chiền nhưng yên bình, thoát tục của cư dân địa phương làm cho ta có cảm giác như đã lạc vào tiên cảnh như Lưu Nguyễn ngày xưa. Chúng tôi chỉ chiêm bái được 3 chùa chính là chùa Hóa Thành, Bách Tuế Cung và Nhục Thân Điện.

 

Chùa Hóa Thành, còn được gọi là Địa Tạng Tự,nơi tu tập của Thánh Tăng Kim Kiều Giác, người Triều Tiên, thọ 99 tuổi, vốn được xem là hóa thân của Bồ Tát Địa Tạng tại Cửu Hoa Sơn. Phải dùng xe cáp treo đưa lên, mỗi xe 6 người. Gọi thế là vì xe được cáp treo kéo nhưng lại chạy trên đường rầy. Vì nhà tôi bị đau đầu gối mỗi khi lên cầu thang nên tôi rất lo sợ không biết có lên tới chùa không? Tôi vội lên trước và đếm được hơn 300 bậc thang vừa lên vừa xuống trên một khoảng đường khá dài, có đoạn sát vách đá cheo leo, nhưng bằng phẳng nhờ được lát với những tảng đá xanh dày được cưa với kích thước đồng nhất khoảng 1m x 0.25m, mặt trên có rãnh nhỏ nên không sợ vấp và trơn trợt. Chùa nguyên thủy, cổ nhất của Cửu Hoa Sơn, được xây cất từ thế kỷ thứ 5 và chùa hiện hữu được xây dựng vào thế kỷ thứ 8, được tân trang nhiều lần, và lấy tên Hóa Thành từ đó. Đứng tại đây có thể nhìn thấy một dãy núi với hình dáng Phật Thích Ca đang nằm. Mặc dầu sườn núi cheo leo nhưng chùa có nhiều dãy nhà xây xung quanh dùng cho các Phật sự khác. Dọc đường chúng tôi thấy những người đàn ông gánh 2 bao ny-long đựng đầy đá trông thật tội nghiệp, nên nhiều người trong đoàn đã dúi vào tay họ chút ít tiền cảm thông sự cực nhọc. Tôi nhìn bao đá để ước lượng trọng lượng, nhưng khi thấy các hàng chữ ghi trên bao nên dừng lại đọc. Và tưởng mình hoa mắt đọc nhầm, vội nhìn kỹ lại rõ ràng là 50kg và chụp hình bao này làm vật chứng. Không biết vật dụng nguyên thủy đựng trong bao là gì nhưng chắc là không nặng bằng đá nên mỗi người phải gánh trên 100kg trên những đường mòn dốc gồ ghê lởm chởm từ hầm đá lên đến công trường quả thật là khó tin nếu không có hàng chữ ghi trên bao. Tôi chợt nghĩ công đức cúng dường trong chùa tại đây có nhiều công đức, nhưng có thể chưa cao bằng chút quà nhỏ cho các người lao động này. Cũng trên lối đi này dọc theo lan can sắt có những ổ khóa đồng có khắc chữ Tàu được khóa chắc vào lan can, và có những gian hàng nhỏ bán và khắc chữ ở những nơi rộng ngang phía sát vách đá. Hỏi ra, được biết có những cặp nam nữ lên viếng chùa mua khóa khắc tên rồi khóa vào lan can sau khi đã khấn nguyện chư Phật và Bồ Tát phù hộ cho họ được trọn đời bên nhau. Tôi không khỏi cười thầm về tập quán mê tín này vì khi đã lên gần chót vót đỉnh núi, trong không gian tu hành thanh thoát này để mong được thoát tục, ra khỏi vòng luân hồi của thế giới ta bà lại có những người chỉ mong được buộc chặt với nhau trong chốn phàm trần này. Tại Chùa Hóa Thành, đoàn hành hương chúng tôi có duyên may là được Hòa Thượng Trụ Trì Thích Thường Trạm cho xem một pháp bảo của chùa: phẩm Kinh Đại Hạnh Phổ Hiền, mà Đại sư Vô Hà đã trích máu ở lưỡi chép lại bản kinh này trong 28 năm, và cho mỗi người một xâu chuỗi. Tại ngôi chùa này đoàn cũng được xem nhục thân, mão và đôi hài cỏ của của Ngài Kim Kiều Giác, được lưu giữ tại ngôi chùa cổ này.

 

Bách Tuế Cung hoặc Vạn Niên Tự, nơi tu tập của Đại Sư Vô Hà ( 1497-1609). Bảy trăm năm sau khi Ngài Kim Kiều Giác viên tịch, Đại sư Vô Hà, lúc 26 tuổi, đã đến đây để tìm dấu tích của Ngài Kim Kiều Giác và xây một chùa nhỏ, tiền thân của Bách Tuế Cung, điểm đặc biệt của ngôi chùa này là có thờ nhục thân của Vô Hà Đại Sư, viên tịch năm 126 tuổi, phái đoàn đã có phước duyên vào thăm và đảnh lễ nhục thân còn nguyên vẹn của Ngài.

 

Nhục Thân Điện nơi thờ phượng bảo tháp nhục thân của Thánh Tăng Kim Kiều Giác.

 

Thiên Đài, đỉnh cao nhất và đẹp nhất của Cửu Hoa Sơn. Cần xuống núi trước khi trời tối nên chúng tôi không đủ thì giờ leo thêm hơn 300 bậc thang trên triền núi thật dốc để viếng Thiên Đài. Thật tiếc. Những ai có dịp đọc web Quangduc.com có thể thấy trong những hình chụp ở Cửu Hoa Sơn có một tấm hình có một chùa màu vàng, một màu xanh dương và một màu trắng nằm giữa kẹt hai vách núi trên đỉnh. Cái màu xanh dương __màu của màn lưới an toàn xung quanh giàn giáo của công trường tu bổ __là chùa Hóa Thành. Ngôi chùa màu trắng cheo leo trên đỉnh núi là mặt sau của Thiên Đài. Tuy không lên được nhưng tôi có chụp được tấm hình quang cảnh Thiên Đài qua bảng giới thiệu bên đường. Xin ghi lại đây để thấy được nét siêu phàm của nó và hiểu thêm câu châm ngôn dưới đây

” Những ai đã đến Cửu Hoa Sơn mà chưa lên Thiên Đài, được xem như chưa biết Cửu Hoa Sơn. Những ai đã đến Thiên Đài đều mong muốn được đến đây nữa”

Cả 4 kiến trúc này là tập hợp chùa danh tiếng và quan trọng nhất của Cửu Hoa Sơn về lịch sử, kiến trúc và thắng cảnh.

 

NGŨ ĐÀI SƠN (WUTAISHAN)đạo tràng của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, nằm phía Tây Nam Bắc Kinh, thuộc tỉnh Sơn Tây gần biên giới xứ Nội Mông, được đặt tên theo 5 ngọn núi có đỉnh dạng vung tròn và tương đối bằng. Đứng trên đỉnh Đông, nhìn về trước ta sẽ thấy đỉnh Tây nhưng khuất sau dãy núi, từ trái qua là các đỉnh Nam, Trung, Bắc. Thung lũng sâu trước mặt là Hoa Đài thị xã, thị trấn của Ngũ Đài Sơn.

Chúng tôi đến gặp mùa lá cây đã rụng hết nên quang cảnh thật u buồn với cỏ khô màu cà phê nâu lạt như cảnh núi đồi trọc California, chỉ khác là thỉnh thoảng có loang lỗ những triền đồi đá, nhưng sách vở thường khen phong cảnh Ngũ Đài Sơn thật đẹp và nên thơ. Đỉnh Bắc, có tên Vọng Biển vì những buổi sáng mặt trời mọc khi mây còn phủ núi trông giống như cảnh thật trên biển cả. Đỉnh Nam là đỉnh Thảm Hoa vì có mùa đủ loại hoa bao phủ triền núi tạo thành những làn sóng hoa tuyệt đẹp khi gió thổi. Đỉnh Đông, đỉnh Thảm Xanh, tức Đại Lỏa Đỉnh, 3000m cao nhất, nhờ có một hồ nước thiên nhiên nên cây cỏ xanh tươi trải dài. Đỉnh Tây là đỉnh Trăng Treo vì có những tháng du khách nhìn thấy mặt trăng lấp ló trên các ngọn cây. Đỉnh Trung là đỉnh Đá Xanh vì có một loại rêu xanh phủ đá. Dưới ánh nắng mặt trời rêu rung rinh di chuyển nên còn có tên là Rồng Múa. Giao thông an toàn nhờ đường vào rộng rãi và tốt, nhưng giá vé vào cửa rất cao. Các lối đi bộ xung quanh chùa đều sạch sẽ, phẳng phiu nhưng rất dốc được lát đá xanh. Đá lót tại các sân được chạm trổ hình bông và lá sen rất đẹp. Sơn Tây là xứ sản xuất than đá và điện lực nên mặc dầu ở trên núi cao vẫn bị ô nhiễm trầm trọng. Ngũ Đài Sơn là trung tâm Phật giáo cổ có lịch sử hơn 1200 năm với hàng mấy trăm chùa và hiện còn 124 ngôi chùa lớn nhỏ. Từ thế kỷ thứ 14, Ngũ Đài Sơn là trung tâm duy nhất tại Trung quốc có sự giao thoa hài hòa giữa hai nền Phật Giáo Hoa Tạng. Đứng trên bãi đậu xe nhìn lên các ngọn núi cao xám trơ trọi, tôi thấy những quần thể chùa bao bọc bởi những vách tường cao màu đỏ nâu lạt như thành lũy với những đường bậc thang ngoằn nghèo thật dốc. Dưới thung lũng có một tháp trắng với kiến trúc khác lạ giữa một quần thể chùa khác. Quang cảnh khác hẳn Cửu Hoa Sơn.

 

Thù Tượng Tự hay Văn Thù Đỉnh. Sau khi được xe đưa lên gần chùa chúng tôi phải đi bộ một khoảng ngắn thì tới chùa. Tới gần mới biết các bức tường màu đỏ tưởng là thành lũy kia chỉ là hai vách tường hai bên đường đi lên chùa với cao độ khác nhau vì triền núi dốc. Thù Tượng Tự là một thánh địa Phật giáo danh tiếng tại Ngũ Đài Sơn vì Ngài Văn Thù đã từng sống và hoằng pháp tại đây. Ngôi chùa đầu tiên được xây cất vào đầu thế kỷ thứ 7, và vào đời nhà Minh (1368-1644) Phật giáo Tây Tạng bắt đầu hoạt động tại đây, và chùa được xây dựng lại dưới triều vua Khang Hy thứ 36 (1697) và được đổi tên là Văn Thù Tự. Đây là ngôi chùa độc nhất tại Ngũ Đài Sơn với mái ngói men vàng, và đến năm 1702 vua Khang Hy lại ban cho chùa một sắc phong bằng lụa rộng 80cm, cao 44cm với hai chữ Hán Kong Lin __theo tài liệu phiên dịch ra Anh ngữ, mà một người Hoa giải thích là sang trọng giống như hoàng cung nhưng không phải hoàng cung, do Ngài tự thảo. Tượng tại chùa này được thực hiện theo phong tục Tây Tạng với tay mặt cầm kiếm sắc bén với ý nghĩa dùng để chặt đứt phiền não, tay trái cầm cuốn Kinh bát nhã tượng trưng cho trí huệ. Truyền thuyết kể rằng đầu tượng Bồ Tát được làm đi làm lại nhiều lần nhưng vẫn chưa được vừa ý. Một hôm người thợ này đang làm bánh bao chợt thấy Ngài Văn Thù hiện rõ ràng trên đám mây. Ông ta bèn dùng bột làm bánh bao nặn mặt Ngài làm mẫu và theo đó mà thực hiện, nên được xem đây là pho tượng Bồ Tát Văn Thù đẹp và chính xác nhất tại Trung Hoa, nhưng hình thức tượng này khác với các tượng ở Trung Hoa và Việt Nam. Tại đây nhiều áng văn thơ của vua Càn Long được khắc bằng 4 thứ tiếng Hoa, Tạng, Mông và Mãn trên những tháp bia đá 4 mặt. Có lần vua Càn Long đến chùa gặp lúc tuyết rơi, Ngài tỏ vẻ buồn rầu. Một vị Tăng vội giải thích đó là Bồ Tát Văn Thù rải hoa đón vua. Vui vẻ lại nhà vua liền ứng khẩu một bài thơ về đề tài đó. Chùa này còn giữ được 3 chảo nấu cơm lớn có đường kính 2m. Cách đây lối 100 năm, hằng năm vào ngày 14 tháng 6 âm lịch, sinh nhật Ngài Văn Thù, chùa nấu 6 lần, tổng cộng 18 nồi cháo đủ 8 loại đậu, số 8 tượng trưng cho Bát chánh đạo,  cho dân chúng ăn.

 

Tháp Viện Tự là cái tháp nổi bật nhất trong khu vực vì màu trắng, cao 75m, đường kính 28m với nét kiến trúc Népal, và hàng ống pháp luân quanh chùa, nhưng chúng tôi không có duyên vào chiêm bái phía trong.

 

Hiển Thông Tự là ngôi chùa lớn nhất tại Ngũ Đài Sơn. Chánh điện có 108 trụ cột mà không có trụ chính ở giữa, đang được tu sửa nên không được vào xem. Mặt tiền có những hoa văn chạm trổ rất công phu. Trước sân chùa có 108 bậc thang thật dốc, nhưng bậc thang bằng đá đặt hơi nghiêng về phía trước mà mặt trên không có rãnh nên khá trơn trợt khi trời mưa.

 

Đại Lỏa Đảnh nằm trên Đỉnh Đông, còn được gọi Ngũ PhươngVăn Thù Điện, vì là nơi du khách có thể chiêm bái một lần cả 5 tượng Bồ Tát Văn Thù được đúc giống như các tượng được thờ trên 5 ngọn núi của Ngũ Đài Sơn. Đại Lỏa Đảnh được gọi để diễn tả đỉnh ngọn núi có hình dáng xoắn ốc. Trước đây khách thập phương phải leo 1080 bậc thang khi lên thẳng đứng, khi lên xéo góc để lên chùa. Từ năm 1993 một hệ thống xe cáp treo, chở mỗi lần 2 người kiểu tại các nơi trượt tuyết, được thiết lập giúp cho sự lên xuống mau chóng và dễ dàng. Ngôi chánh điện 3 gian thờ 5 vị Bồ Tát Văn Thù với gian giữa thờ 3 vị, và mỗi bên một vị.

Truyền thuyết kể rằng vua Càn Long đã nhiều lần đến Ngũ Đài Sơn và muốn lên chiêm bái nơi Bồ Tát Văn Thù từng sống và tu tập, nhưng vì đường lên núi cheo leo hiểm trở, Sư Trụ trì sợ trách nhiệm khi có tai nạn xảy ra cho nhà vua mà không dám trình bày, cứ tìm cách tránh né việc này. Nhà vua liền ra lịnh cho nhà Sư bằng mọi cách trong năm sau nhà vua có thể thực hiện mộng ước. Nhà sư ngày đêm suy nghĩ nhưng không tìm ra giải pháp. Một buổi trưa một chú tiểu trong chùa lấy trộm một trái chuối đem ra vườn sau ăn. Cũng hôm ấy nhà Sư không nghỉ trưa được bèn ra vườn sau dạo chơi và bắt gặp chú tiểu đang ăn chuối. Đang bực mình, nhà Sư liền phạt chú tiểu quỳ hương. Ngạc nhiên về sự trừng phạt quá nặng so với tội phạm chú bèn thưa:

-Bạch Thầy con đã từng phạm nhiều lỗi nặng nhưng Thầy đã không phạt mà còn giảng dạy cho con. Nay với một trái chuối mà sao Thầy phạt con nặng vậy.

-Ta đang đau đầu chưa tìm ra giải pháp về việc vua chiêm bái Bồ Tát con không biết sao?

-Tưởng gì chớ việc đó có khó gì đâu. Thầy cứ chọn một địa điểm mà nhà vua có thể lên an toàn rồi xây một ngôi chùa thờ luôn cả 5 vị Bồ Tát Văn Thù tại một chỗ. Ta vừa dễ làm mà nhà vua cũng tiện chỉ một nơi mà chiêm bái được cả 5 vị.

Nhân thấy tại sân chùa có mấy cây cổ tùng mấy trăm năm mọc vươn lên thẳng tắp, Hòa Thượng Bảo Lạc, Hòa thượng chứng minh của đoàn, đã lấy hình ảnh này làm mẫu mực khuyên Phật tử noi theo đó mà tu tập.

 

NGA MI SƠN (EMEISHAN), đạo tràng của Bồ Tát Phổ Hiền.


Núi Nga Mi
, cao khoảng 3000m, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, giáp ranh miền đồng bằng Tây Trung Quốc, bản doanh của Lưu Bị thời Tam Quốc. Cách Thành Đô (Chendu) thủ đô Tứ Xuyên 150km, cách Lạc Sơn (Leshan) chừng 50km. Chữ Nga Mi được dùng căn cứ vào hình ảnh 2 ngọn núi đối diện nhau có đôi lông mi đẹp như các mỹ nhân Trung Hoa, và tên 5 ngọn núi đều có chữ Nga. Núi Nga Mi khởi đầu là một trung tâm Lão giáo từ thế kỷ thứ nhất, được chuyển dần qua Phật giáo từ thế kỷ thứ 3 và phát triển mạnh vào triều Nhà Minh. Hiện nay còn khoảng 70 chùa trong đó có 10 chùa nổi tiếng, và được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1996. Ngoài lịch sử phong phú về Phật giáo, núi Nga Mi có nhiều loại thực vật quanh năm xanh tốt, với những cây tùng bách cỡ 1000 năm, nên phong cảnh rất ngoạn mục và hữu tình. Tuy đường sá lên núi dài 60km, rất tốt nhưng quanh co khúc khủy và thường xuyên có mây mù, nên một công ty vận tải địa phương dùng các xe đò nhỏ hơn với tài xế quen thuộc đường sá phụ trách việc đưa hành khách lên núi. Hôm chúng tôi đến, mây mù phủ kín cả bầu trời. Người hướng dẫn viên cho biết trời chỉ trong xanh trong vài tháng mùa hè nhưng nóng lắm nhất là dưới chân núi. Do đó dân chúng thích trời mù thơ mộng và mát mẻ hơn. Đường lên núi quanh co giữa những rừng núi xanh ngắt với vách thẳng đứng và khe sâu thăm thẳm, và những dãy núi trùng điệp mờ mờ ảo ảo trong sương mù thật lạ và đẹp. Đáy các khe suối nơi khô, nơi chảy róc rách gồm toàn là đá đủ kích thước có những tảng thật lớn nằm rải rác. Vào mùa mưa nước chảy mạnh văng dội trắng xóa đẹp lắm. Trên sườn núi xanh tươi có một thác hai tầng cao trắng xóa, có thác lờ mờ ẩn hiện qua tàn lá xanh, thỉnh thoảng có vài dòng suối khô. Rừng tre và thông mọc lẫn lộn. Những rừng thông ở đây có cành rũ xéo xuống trông xa lú nhú như rừng người mặc áo choàng mùa đông. Có lần tôi thấy trên đỉnh một dãy núi một hàng thông dài thưa thớt và đều đặn nổi bật lên trên nền trời mù xám giống như đoàn chúng tôi đang đi kinh hành, chỉ khác có màu áo thôi. Khi đoàn xe ngừng cho khách đi vệ sinh nhiều người thắc mắc khi người hướng dẫn thu thẻ thông hành những người trên 60 tuổi. Hỏi ra mới biết nếu đoàn có tỷ lệ người già cao sẽ được xe chở lên bến trên và được mua vé cáp treo với giá hạ hơn. Hệ thống cáp treo tại đây đặc biệt hơn, dài 1164m, chỉ có hai trụ hai đầu và chở được 100 người/lần, mới hoạt động được hơn một năm. Lúc lên gần đến đỉnh trời trong quang đãng, mọi người reo mừng khi thấy tòa kim đỉnh óng ánh giữa bầu trời xanh lạt.


Kim Đỉnh Hoa Tạng Tự.
(Jinding Golden Sumit) Kim đỉnh, mới khánh thành được 2 năm thật là đẹp đẽ hùng tráng, nhọn vút lên trời cao nhờ màu vàng chói, mặc dầu là trời hơi mù làm nhiều người gần như nghẹt thở không phải vì lên cao thiếu dưỡng khí mà vì há hốc mồm kinh ngạc. Dưới chân, kim đỉnh đài có hai dãy voi trắng 6 ngà, __ biểu tượng của Bồ Tát Phổ Hiền __mỗi bên 6 con, đứng trên bệ cao. Mỗi con voi với yên đai màu vàng mang trên lưng bánh xe luân hồi hoặc vòng tròn dựng đứng trên một đài sen với một cái gậy để xéo ngang ( tôi không rõ ý nghĩa của hình thức này) trông thật uy nghi và trang nghiêm như đón chào quan khách. Sân đài rộng lớn như một sân banh được lát đá tảng xanh lớn có rãnh cạn tránh trơn trợt. Giữa sân đài là bệ kim đỉnh với 6 bậc thang màu vàng và tượng đàn voi trắng nhỏ đứng vòng quanh. Trên bệ này là đế tròn chân kim đỉnh với 4 con voi vàng 6 ngà đứng ngoảnh ra bốn hướng. Từ sân đài, kim đỉnh tượng cao 20m, có 8 tượng Bồ Tát Phổ Hiền __4 tượng nguyên thân ngồi trên voi ở tầng dưới, 3 và 1 tượng đầu ở hai tầng trên. Phía trước kim đỉnh là cửa vào Kim Đỉnh Hoa Tạng Tự, thờ Phật A Di Đà với trần vòm cung, trang trí với các hình tượng A La Hán, được chống đỡ bởi 10 cây cột tròn. Trong tường quanh vách điện là 8 tượng Phật khá lớn đứng trong vòm cung. Sau kim đỉnh còn có hai căn nhà lớn và một sân hẹp với lan can vững chắc. Đứng sát lan can nhìn xuống thấy trên lớp mây mù dưới sâu, vách núi thẳng đứng như mô hình kiến trúc cho biết phía sau sân đài là vách núi thẳng đứng sâu cả mấy trăm thước. 


Vạn niên tự 
(Wannian temple) hiện hữu, một trong 8 chùa chính của núi Nga Mi, được xây cất dưới đời nhà Minh, là một kiến trúc đặc biệt độc đáo của Trung Hoa: một điện thờ bằng gạch không có đà ngang mà sau hơn 400 năm với 18 lần động đất vẫn vững chắc. Chánh điện là một mái nhà hình vòm cung trang trí đơn sơ. Phật đài cũng chỉ có một bàn dài với mâm đĩa chưng hoa quả, bộ lư đồng cho nhang đèn đặt trước một pho tượng Bồ Tát Phổ Hiền thật đẹp, bằng đồng thếp vàng cỡi trên con voi trắng sáu ngà cao 7.3m nặng 62 tấn. Nơi đây bốn Phật tử trong đoàn đã quy y Tam Bảo dưới sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Bảo Lạc.

 

CÁC THẮNG TÍCH KHÁC

Chiêm bái các Xá Lợi Phật.

 

A Dục Vương Tự,(Asoka temple) cách thành phố Ninh Ba 20km có một tháp hình lục giác 7 tầng, cao 37m, nơi chúng tôi có duyên được chiêm bái Xá Lợi Máu của Phật do vua A Dục gởi tặng Trung Quốc. Sau khi đảnh lễ chư Phật chúng tôi được đưa vào an tọa trong một phòng riêng. Xá Lợi Phật để trong một tháp đen nhỏ xung quanh có khe trống được đem vào để trên bàn trên Phật đài. Phía sau tháp có cây đèn rất sáng. Vị sư niệm chú rồi bảo, qua người thông dịch, muốn thấy rõ Xá Lợi Phật, áp cằm vào thành bàn và ngước mắt nhìn lên sẽ thấy. Từng người một vào xem, vợ chồng chúng tôi thấy một vật tròn tròn bằng hạt bắp màu nâu.

Linh Quang Tự, (Ling-guang Monastery) được xây dựng từ thế kỷ thứ 8, nơi chúng tôi được chiêm bái Xá Lợi Răng của Phật, là chùa thứ hai trong 8 chùa lớn tại Bát Đại Sứ, một trung tâm hành hương và du lịch quan trọng tại ngoại ô Bắc Kinh. Nguyên thủy có hai xá lợi răng: một ở Tích Lan và một ở Udayana nay thuộc Pakistan. Phật giáo sử trung Hoa chép vào thế kỷ thứ 5 một Tăng sĩ Trung Hoa tên Fa Xian qua Udayana nhận xá lợi tại Pakistan đem về thủ đô Nam Kinh, và Tần Thủy Hoàng sau đó cho đem về Tràng An, và đến thời Vua Càn Long, nhà Thanh, vào dịp sinh nhật, cung tần quan tướng triều đại này đã thỉnh xá lợi này và an trí trong một tháp bằng vàng (cao lối 1.5m, đế rộng 0.80m, nặng 152 kg) để dâng vua, Sau đó Vua Càn Long đã cúng dường lại cho chùa Linh Quang thờ cho đến ngày nay. Linh Quang Tự cũ hình bát giác cao 10 tầng, được xây với gạch có hình tượng Phật nên còn có tên gọi Chùa Ngàn Phật, được xây từ thế kỷ thứ 8. Năm 1900 chùa bị bom đạn của quân đội đồng Minh phá sập. Khi dọn dẹp tầng hầm chùa, nhà Sư Trụ trì tìm thấy một hòm đá trong đó có ghi “Xá Lợi Răng của đức Phật Thích Ca” với lời ghi chú của Sơn Hội ngày 23 tháng 4 năm thứ 7 đời Vua Thiên Hội“ Chùa hiện hữu được xây lại từ năm 1958-1964, cao 51m, gồm 13 tầng vẫn với nét kiến trúc cổ của Trung Hoa, nhưng với vật liệu và trang thiết bị hiện đại.

Mặc dầu đã được chấp thuận nguyên tắc trước, nhưng phải có duyên lớn chúng tôi mới được chiêm bái pháp bảo này vì cần phải có 3 chìa khóa của nhà Sư Trụ trì, Hội trưởng Hội Phật giáo Bắc Kinh và đại diện chánh quyền Bắc kinh mới mở được cửa tầng tháp lưu trữ xá lợi. Muốn vào tháp đoàn được chia làm 3 nhóm 25 người, tất cả mọi vật dụng giày, ví, máy chụp hình đều phải để ngoài. Qua một cầu thang riêng hẹp với thảm đỏ, đoàn được vào tầng tháp đặc biệt này. Xá lợi răng được đặt trong một tháp thếp vàng được gắn nhiều đá quý và chạm trổ công phu, cao lối 1,5 x 0.80m. Khi nhìn vào xá lợi răng chúng tôi thấy ngoài xá lợi còn có một hình tượng Phật Bà đứng kế bên. Hình ảnh Phật Bà chỉ mới xuất hiện khoảng hơn mười năm nay. Lúc đầu chỉ thấy lờ mờ nhưng ngày càng rõ như hiện nay. Xá lợi răng này đã được nhiều quốc gia xin được rước về để cho Phật tử địa phương và các xứ lân cận đến chiêm bái như Miến điện 3 lần, Tích Lan và Hồng Kông 1 lần, và Thái Lan từ 2002-2003 trong dịp lễ sinh nhật của vua Thái Lan.

 

Lạc Sơn Đại Phật Di Lặc (Leshan giant buddha) nằm tại thành phố Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, trên đường Thành Đô đi Nga Mi. Tượng cao 71m trong tư thế ngồi tựa lưng vào vách núi, hai chân đặt trên mặt đất, được chạm vào vách đá màu đỏ, ngoảnh mặt ra giao điểm của 3 con sông Mân Gia, Đại Lộ Hà và Thanh Y, phụ lưu của sông Dương Tử. Một vài kích thước sưu tầm được: tượng cao 71 m, đầu cao 14.7m, tai cao 7m, ngón tay dài 3m, diện tích bàn chân 8 x27 tương đương với sân bóng rỗ. đủ chỗ cho 100 người ngồi.

Pho tượng được thực hiện từ năm 713 đến 803, có một gương mặt cân đối an nhàn tự tại, đã là nguồn cảm hứng cho nhiều văn thi nhạc sĩ sáng tác nhiều tác phẩm để đời. Người đời miêu tả tượng Phật vĩ đại này bằng câu nói: “Núi là một vị Phật, Phật là một quả núi” Giữa bầu trời bao la sông núi ta thấy bức tượng đã lớn nhưng có thể vẫn chưa hình dung đúng mức được sự to lớn khổng lồ của nó khi ta chưa so sánh ngôi chánh điện chùa ta thường sinh hoạt với bàn chân tượng đủ rộng để 100 người ngồi, hoặc đứng trong thành phố ngước mắt nhìn một cao ốc 7 tầng. Chúng tôi không đủ thì giờ và cũng không dám leo xuống để hiểu biết thêm các chi tiết rồi lại leo lên theo hai dãy cầu thang hai bên tượng. Nếu không thấy đoàn người áo quần đủ màu nhúch nhích giống như đàn kiến hai bên vách núi thì cũng không nghĩ là có thể đến đó đảnh lễ Ngài. Lên bờ lại và kinh hành khoảng gần 1 km trên đường lát ván với lan can vững chắc dọc theo mép sông (sông ở dưới sâu) và leo nhiều dãy bậc thang trên núi để đến chiêm ngưỡng chái tai và một phần gương mặt ngài. Phải chi nơi đây giới hữu trách cho làm một kiến trúc gì tiêu biểu cho chái tai để khách thập phương so sánh chái tai với thực tế như bàn tay tại Linh Sơn Đại Phật ở Vô Tích. Ngoài sự đồ sộ, đây là một công trình có trình độ kỹ thuật cao. Trên đầu có 1021 búi tóc được gắn vào đầu còn tồn tại; một hệ thống thoát nước tuyệt diệu với các rãnh được bố trí kín đáo sau vành tai, dưới lớp áo v..v..để dẫn nước thoát không làm sói mòn tượng. Tuy vậy qua thời gian dài pho tượng nguyên thủy cũng đã bị hư hại khá nhiều nên năm 1963 chánh quyền trung ương bắt đầu tu bổ lại nhưng có thể là không đáp ứng được nhu cầu nên hiện nay UNESCO tự đảm nhiệm và tượng này chỉ mới được ghi vào danh sách di sản thế giới vào năm 1996 mà thôi ? Trước đây khi tu bổ lại tượng, chánh quyền có làm một mái che mưa gió để bảo vệ tượng nhưng mái này đã bị sụp đổ và nhờ đó khung cảnh được tự nhiên và đẹp đẽ hơn. Một điều khá lý thú là mãi đến năm 1983 một du khách Hồng Kông đi thuyền ngắm tượng và đã vô tình thấy một tập hợp 3 hòn núi có hình dáng Phật A Di Đà nằm ngang trên biển với pho tượng Di Lặc ngồi ngang bụng hình Phật A Di Đà, nên ngày nay khách thập phương và cả đoàn chúng tôi đều đến vị trí này để ngắm.

Lịch sử ghi chép rằng năm đầu niên hiệu Khai Nguyên đời vua Đường Huyền Tông (713 Tây lịch), Hòa Thượng Hải Thông khi thấy cư dân tại vùng hợp lưu 3 con sông này thường xuyên bị đắm tàu bởi sóng gió bất thường. Ngài nghĩ rằng về tâm linh sự hiện diện của một tượng Phật to lớn tại đây giúp cho niềm tin của dân chúng và về kỷ thuật đá phế thải do chạm tượng lấp cạn bớt dòng sông làm giảm tai nạn. Dân chúng thấy dự kiến vĩ đại này khó thực hiện được và tỏ vẻ lơ là nên sự đóng góp không được bao nhiêu. Với một niềm tin vững chắc và một quyết tâm sắt đá, Ngài tiếp tục hóa duyên nên được sự chú ý của nhiều người nhiều tỉnh ủng hộ. Sau 20 năm kiên trì Ngài thấy số tiền tạm đủ để khởi công với hy vọng sự đóng góp sẽ dồi dào hơn, khi dân chúng thập phương thấy tiến trình công tác. Thấy sự thành công của Ngài, một số chức trách địa phương muốn trục lợi và tranh công buộc Ngài phải giao số tiền và công việc lại cho họ tiếp tục phụ trách. Ngài khẳng định nhất quyết không giao. Họ không giám giết Ngài nhưng nghĩ nếu làm cho Ngài mù mắt không thể điều hành công việc thì họ sẽ dành được công tác nên tuyên bố nếu Ngài không giao họ sẽ móc mắt Ngài. Không chờ họ hành động, Ngài khẳng khái tự mình móc đôi mắt trao cho họ làm họ khiếp vía chạy trốn. Tin này lan nhanh và rộng nên nhóm chánh quyền ô lại bị thay thế, uy tín Ngài càng lên cao tạo nhiều thuận tiện cho Ngài tiếp tục công tác. Nhưng Ngài viên tịch trước khi hoàn tất ước nguyện và công trình được hai đệ tử Ngài tiếp tục.

 

Linh Sơn Đại Phật (Lingshan Giant Buddha) nằm trong thành phố Vô Tích, một thành phố đẹp vùng Tây Hồ, phía Tây Bắc Thượng Hải. Pho tượng Phật Di Đà, cao nhất thế giới, mạ đồng cao 88m, nặng 700 tấn, đứng nhìn ra Tây Hồ được xây dựng năm 1997, được xem là tượng Phật cao thứ hai của Phật Giáo thế giới hiện nay.Tên Linh Sơn Đại Phật được gọi do tên ngọn núi Linh Sơn phía sau. Sau khi đi qua một cửa cổng tam quan đồ sộ cao đẹp với 7 gian, 5 cửa vì có 2 gian là hai bức tường đá chạm trổ 2 bức tranh và trên đầu mỗi cột là con sư tử đá, và một hành lang, trống, rộng lát đá tảng cưa với rãnh nhỏ, giữa hai dãy bồn bông và hai hàng cây cao, ta đến một quãng trường rộng ở giữa có một bồn nước với 9 con rồng phun nước, một số tượng các tiên nữ đang múa xung quanh tháp hoa sen chính giữa. Tháp là một cột rất lớn màu đen cao 12 m, dưới thấp và xung quanh có tượng Tứ Đại Thiên Vương tiếp theo là một phần cột trang trí đơn giản và trên cùng là hoa sen 8 cánh, có người gọi là hoa vô ưu. Hàng ngày đúng 2:30 chiều là lễ hoa khai kiến Phật rất đẹp _-tả lại quang cảnh thị hiện đản sanh của Đức Phật Thích Ca tại vườn Lâm Tỳ Ni bên Ấn Độ cách đây 2631 năm _-thật uổng nếu đến đây mà không được chứng kiến cảnh này. Đúng giờ nhạc nhẹ bắt đầu trỗi, nước bắt đầu phun theo cường độ, lúc cao lúc thấp uốn éo theo nhịp nhạc. Chừng mười phút sau nhạc trỗi mạnh nước phun cao và sau một tiếng bùm mạnh nước phun cao che khuất hoa sen với ngụ ý là rửa sạch hoa để đón mừng Phật Đản sanh. Các cánh hoa từ từ mở theo điệu nhạc để hé lộ đầu tượng Phật Đản Sanh. Các cánh hoa càng mở rộng thân hình tượng Phật càng rõ ràng. Khi các cánh hoa đã mở hết mức tượng Phật Đản Sanh bắt đầu quay. Khi quay đủ vòng nước lại phun mạnh lên che phủ kín toàn thân tượng Phật, tượng trưng cho lễ tắm Phật. Nhạc êm dịu lại, các cánh hoa từ từ khép lại và khi đã kín một đợt nước nữa được phun lên rửa sạch đóa hoa. Lúc đang tắm Phật chúng tôi thấy rất nhiều người chạy túa lại một dàn vòi nước gắn trên bệ cao tranh nhau hứng nước tắm Phật và uống tại chỗ. Một ý nghĩa khác của hoạt cảnh này là ý nghĩa "hoa khai kiến Phật" ở thế giới Cực Lạc Phương Tây, một hành giả được hóa sanh trong đóa sen khi thác sinh về cõi giới này.

Tiếp tục đi về hướng Phật Đài có cây cột đá của Vua A Dục cao chót vót với 4 con sư tử trên cùng. Tiếp theo một sân rộng, bên trái là một bàn tay Phật và bên mặt là tượng Phật Di Lặc với hàng trăm trẻ con tười cười chọc phá Ngài đủ kiểu đủ cách mà ta khó tưởng tượng được. Bàn tay Phật bằng đồng đỏ, cùng kích thước với bàn tay của tượng trên Phật đài, lớn đến độ đầu du khách chưa đến giữa bàn tay Phật. Khách hành hương vừa đi vòng quanh vừa đưa tay rờ bàn tay Phật, để mong được phát tài và khỏe mạnh, làm cho màu đồng đỏ mòn và đổi sang màu vàng óng. Vị trí hai kiến trúc này được dùng làm bán kính cho 2 vòng cung lồng đèn pháp luân lớn theo nghi thức Phật giáo Tây Tạng. Tại giao điểm của hai vòng cung và tim hành lang có một tượng bản sao ( replica) nhỏ của tượng lớn để những ai không thể lên Phật đài đến đây cầu nguyện. Muốn lên đến tượng đài ta phải qua một sân rộng có cây Bồ đề khá lớn và leo 7 tầng bậc thang, __mỗi tầng gồm có 30 bậc và sân chờ rộng khoảng 10m __tổng cộng 210 bậc, hoặc dùng hai  đường xe hơi hai bên. Đường bậc thang lên Phật đài rộng mấy chục mét, ở giữa có bảy bức tranh bằng đá chạm trổ công phu chia đường đi lên thành hai lối. Tượng Phật thật sắc sảo với nét mặt hiền hậu đứng trên tòa sen nhìn xuống chúng sinh trông thật uy nghi. Trong tòa sen và dưới tượng Phật là bảo tàng viện ở tầng dưới và Điện Mười Ngàn Tượng Phật ở tầng trên. Tiếc là hôm ấy mưa suốt sáng chỉ thấy tượng Phật lờ mờ may mà buổi chiều hết mưa trước giờ làm lễ Hoa khai kiến Phật nên mới chụp được hình. Xem lại các hình chụp được tôi thấy còn rất nhiều kiến trúc khác mà tôi không rõ ý nghĩa nên nghĩ rằng đây là một tập hợp nhiều cảnh của Phật giáo. Nhìn trên họa đồ, khu đất dành cho công trình này thật là lớn không thể đi khắp và diễn tả được, trên đây chỉ là những bộ phận chính yếu. Về cảnh Hoa khai kiến Phật tôi có ý nghĩ là trong không gian của thánh địa cảm xúc của mình nhạy bén hơn, nên cảnh Hoa khai ngụ ý nhắc nhở, khuyên ta nên mở rộng lòng từ tâm. Khi lòng từ bi của mình đã rộng mở, Phật tánh ta liền lộ rõ toàn diện như hình Phật Đản Sanh giống như dân gian thường nói “Nhân chi sơ tính bản thiện.” 

Chùa Huyền Không ( hanging temple) cách thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây 65km, nằm trong một thung lũng giữa 2 vách đá cao vòi vọi của dãy núi Hoàng Sơn, một bên là xa lộ, một bên là chùa. Dưới thung lũng là một con suối lớn có một cầu treo cổ điển cho du khách vào viếng chùa. Là một chùa nhỏ toàn bằng gỗ duy nhất còn lại của Trung Hoa, 50m cao hơn mặt đất, đứng cheo leo như dán sát vào vách đá nên thường còn được gọi là chùa treo. Chùa được tu bổ nhiều lần vào thời nhà Minh và nhà Thanh. Chùa này được tồn tại hơn 1400 năm, với một kiến trúc độc nhất vô nhị và thờ tam giáo: Phật, Lão và Khổng. Phần chính các tượng được chạm trong vách đá nhưng cũng có những tượng bằng đồng, chạm trổ vào sắt, đá và đất sét đặt trong các hang nhỏ vòm cung hay trên bàn thờ. Tuy lối đi lên chùa bằng gỗ đã được gia cố bằng những thanh sắt góc nhưng tin đồn là năm 2008 sẽ cấm không cho du khách lên thăm viếng nữa.

Vân Cương Thạch Động (Yunggang grotto) tọa lạc dưới chân núi Vũ Châu, thành phố Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây, thạch động này là một di tích Phật giáo lớn nhất, đẹp và lâu đời nhất, có từ thời Bắc Ngụy (439 Tây Lịch), và được xem là di sản văn hóa thế giới từ năm 2002. Trên đường vào, từ xa chúng tôi đã nhìn thấy một dãy núi trọc không cao lắm với những hang lớn nhỏ đen như hang mà dân cư Ngũ Đài Sơn thường làm để dùng như nhà ở. Trên cao phía trái có một mỏm thật lớn giống như phần còn lại của một cổ thành thường thấy ở Trung Hoa. Phía dưới các hang là một dãy dài nhà 4 tầng với kiến trúc chùa, không có gì to lớn đặc biệt để được liệt vào di sản thế giới. Thậm chí đứng ngay tại bến đậu xe bên một tảng tá trắng thật lớn, với 4 chữ Vân Cương Thạch Động bằng Hán văn, tôi cũng chưa hình dung được sự vĩ đại của nó. Qua một đoạn đi không dài lắm, chúng tôi đến một khu khá bằng phẳng rộng độ 50-60m được xem như là chân hang động. Những hang tưởng nhỏ lúc nãy thật sự rộng từ 10-15m cao 8-15m và vô số những hang đủ cỡ nhỏ hơn. Thạch động dài hơn 1km và được thành hình trên 70 năm từ 453-525 Tây lịch. Có tất cả 53 động chính được chia làm 3 phần: phần bên Đông gồm động số 1 đến 4, phần Trung tâm từ số 4 đến 13, phần bên Tây từ 14 đến 53, và hơn 1000 hang động trung và nhỏ với vô số pho tượng lớn nhỏ không thể đếm được. Tượng lớn nhất cao 17m và nhỏ nhất là 2cm. Những hình và tượng ở đây là sự phối hợp tôn giáo, văn hóa, và nghệ thuật của Hoa, Tạng, Ấn và Hy Lạp, đã đưa Thạch Động lên thành một trung tâm hành hương và du lịch về hang động và được công nhận là di sản thế giới. Lịch sử ghi rằng vào thời đó có một vị vua tàn phá chùa chiền, làm nhiều điều ác đức nên vua con là Huệ Vân Đế cảm thấy ân hận về hành động của Vua cha, muốn tìm một địa điểm có tầm vóc và thích hợp cho công trình sám hối hầu giảm bớt nghiệp cho cha. Một Đại sư đề nghị với vua địa điểm này. Họ khởi sự khoét một hang nhỏ sâu vào khoảng vị trí đầu tượng Phật. Từ đó họ thực hiện việc điêu khắc phần trần hang, đầu tượng và vách từ từ xuống dưới. Có những dãy hốc đá vòm đục sâu trong vách với hàng cột ngoài được chạm trổ công phu và sơn nhiều màu. Vì đá thuộc loại đá cát (sandstone) mềm nên dễ bị phân hóa và khoét mòn vì thời tiết và gió nên có nhiều chỗ bị hư hại nhưng trông cũng giống như được chạm trổ phù hợp với khung cảnh. Có nơi là một vách với các vòm vòng cung cạn trong đó thờ tượng Phật hoặc các thần linh. Không phải chỉ có các tôn giáo thực hiện công trình này mà còn nhiều dân tộc thiểu số tạc tượng Phật theo văn hóa riêng của họ. Thật khó mà diễn tả hết nghệ thuật chạm trổ và vẽ hình trên đá, và hình chụp cũng không được rõ vì thiếu ánh sáng nhưng tôi cũng cố gắng phác họa sơ quang cảnh một số động. Các động từ 1- 4 đã bị gần như hoàn toàn hư hại. Ở giữa động số 5 là tượng Phật Thích Ca ngồi kiết già hai bên vách có Tứ Đại Thiên Vương đứng chầu được chạm trổ vào vách. Trần và vách còn có nhiều hoa văn trang trí đẹp. Động 6 ngoài pho tượng, xung quanh là các cảnh tiêu biểu toàn thể đời của đức Phật Thích Ca. Trên cao động 7 là tượng của Tam Thế Phật, phía dưới là vua Huệ Vân Đế và bà mẹ. Cái vòng cung giữa Tam Thế Phật và vua là một dãy tiên nữ đang múa. Hai bên vách là 2 tượng Hộ Pháp. Động 8 có tượng Phật Di Lặc theo văn hóa Ấn Độ với hai chân bắt chéo xéo xuống đất chứ không ở thế kiết già như ở VN. Tay mặt tượng đưa lên và hướng ra trước vì sợ bị gãy nên có một tượng Hộ Pháp nhỏ dùng đầu đội cùi chỏ Phật, tay trái đặt lên đầu gối. Động 16, Tượng Phật Thích Ca đứng và phần dưới bị hư hại nhiều, nay thấy có nhiều lỗ nhỏ. Nguyên nhân là nhà Thanh muốn phục hồi lại phần hư hại đã cho đục những lỗ sâu để câu lớp đất sét mới đắp bên ngoài vào vách đá. Nhưng với thời gian và thời tiết khắc nghiệt phần đất sét bị phân hóa để lộ ra những lỗ nhỏ. Động 18, Tượng Phật Thích Ca đứng với hoa văn là những tượng Phật nhỏ ở tà áo tay và ngực, và xung quanh vách là tượng những Bồ tát. Động 19 là tượng lớn thứ hai cao 16.8m, ngồi kiết già, có trái tai xuống gần đến vai. Động 20 tượng Phật Thích Ca ngồi cao 13.7m có một tượng hộ pháp đứng hầu bên trái, hiện là tượng còn lại đẹp nhất. Động này có một mái đá che mới bị sập và được sửa chữa cho gọn gàng như hiện nay. Có nơi nhờ mặt tiền động cao và hệ thống cột tuy bị phân hóa nhưng còn vững chắc và đẹp, nên giới hữu trách đang cho chỉnh trang cột đá còn lại hòa hợp với mái ngói theo kiến trúc chùa.

Chùa Pháp Vũ, tại Phổ Đà Sơn nơi tu hành của Tổ sư Ấn Quang, Tổ thứ 13 của tông Tịnh độ. Trước điện thờ Ngài có 2 câu đối ghi lại lời dạy của Ngài về cốt lõi của pháp tu niệm Phật rằng:“Mạc nhạ nhất xưng siêu thập địa, Tu tri lục tự quát tam thừa” nghĩa là: “không ngờ một câu qua mười địa; phải hay sáu chữ phủ trùm ba thừa”. Ba thừa là Thinh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ tát thừa , mười địa là tầng bậc tu chứng của Bồ Tát thừa, bao gồm: Hoan Hỉ địa, Li Cấu địa, Phát Quang địa, Diệm Huệ địa, Nan Thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn Hành địa, Bất Động địa, Thiện Huệ địa, Pháp Vân địa. Ngài Ấn Quang đại sư muốn nhắn nhủ đến sự mầu nhiệm siêu việt của câu Nam Mô A Di Đà Phật. Chỉ cần niệm sáu chữ này một cách tinh tấn, người tu môn tụng niệm Phật có thể vượt qua đuợc 10 địa vị tu chứng của hàng Bồ Tát, và đắc được quả chứng của tam thừa. . 

Chùa Linh Ẩn, (Ling Yin temple) nơi tu hành của Tế Điên Hòa Thượng là chùa cổ nhất ở Hàng Châu. Chùa nguyên thủy được bắt đầu từ thế kỷ thứ 3 và được phát triển mạnh vào thế kỷ thứ 10 nhờ sự ngưỡng mộ đạo Phật của vua đương thời, trong chùa đã có trên 3000 Tăng sĩ tu tập.

Khuôn viên chùa rất rộng và các điện thờ đều được tàn các cây cổ thụ che phủ quanh năm nên rất mát mẻ. Năm 1974 chánh quyền cho phục hồi lại như hiện tại nên còn có tên Vân Sơn Tự, và trong chùa cò có sắc phong do vua Khang Hy tự thảo. Chùa hiện tại gồm dài 7 gian, rộng 5 gian với mái nhà thật cao. Tượng Phật Thích Ca cao 25m gồm 24 khúc gỗ trầm hương ghép lại được thếp vàng. Nếu tôi không lầm thì đây là ngôi chùa có nhiều điện thờ nhất. Từ ngoài cổng chính vào theo nhiều lối đường quanh co dài dẫn đến điện thờ đầu tiên của Tứ Đại Thiên Vương, kế đến là điện thờ Tế Điên Hòa Thượng, Chánh điện thờ phật Thích Ca, rồi điện thờ Dược Sư Bồ Tát và nhiều điện nữa. Phật tử đến đảnh lễ nơi Dược Sư điện rất đông.

Trên một bức tường chắn đất sau chánh điện có ghi một văn kiện bằng Hán văn, tôi không hiểu ý nghĩa, nhưng dân chúng viếng thăm chùa này thường lấy tay thoa rờ vào một số chữ trên một bảng như chữ Phúc, Thọ v..v.. hoặc cố nhảy lên cao để rờ vào một chữ gì đó. Những chữ này đã trở nên đen thui. Bên tay trái trong một ngôi nhà lớn hình chữ vạn, có 500 tượng A La Hán màu đồng đỏ, lớn bằng người. Các tượng với diện mạo, tư thế và vũ khí từng tượng đều khác nhau được đặt trên kệ cao thành 4 hàng ngoảnh mặt ra 2 lối đi ở giữa mỗi cánh của hình chữ vạn. Ngay giữa giao điểm chữ vạn là một tháp vuông. Mỗi mặt trên cao có ghi bảng hiệu của các Bồ Tát Quán Thế Âm, Văn Thù, Địa Tạng, và Phổ Hiền. Phía dưới là những bức tranh diễn tả hạnh nguyện của mỗi vị Bồ Tát. Với Bồ Tát Địa Tạng chúng tôi thấy Ngài cầm cây gậy với hào quang tỏa sáng mở khóa Địa Ngục. Những người thoát được ra ngoài tươi cười vui vẻ, những ai còn bên trong cố chen lấn cho gần cửa ra. Bồ Tát Quán Thế Âm cầm nhành dương liễu dài hướng về một chiếc thuyền trên mặt biển nhiều sóng. Chúng tôi không rõ ý của 2 mặt còn lại.

Tế Điên Hòa Thượng là một vị Tăng dị biệt ăn uống bừa bãi. Sự tu tập của Ngài phần chính là lo giúp đỡ người gặp khó khăn, có thể gom gọn trong câu: “Người ta tu khổ không tu tâm, ta tu tâm không tu khổ”.

Truyền thuyết kể rằng khi đến đây tu tập, Ngài bảo nơi đây sắp có tai họa vì sẽ có một hòn núi sẽ bay đến đáp vào làng này, khuyên dân chúng nên tản cư đi nơi khác, nhưng dân chúng thấy sự tu hành của Ngài nên không tin. Một hôm trong làng có đám cưới, Ngài bèn ôm cô dâu chạy và đốt làng, toàn thể dân chúng tức giận rượt theo. Nhưng khi nghe tin có một cụ già không chạy thoát được và còn kẹt lại trong biển lửa. Ngài vội bỏ cô dâu, trở về cứu bà lão và thấy một hòn đá lớn đang lăn đến gần bà lão. Ngài bèn đưa bàn tay ra chận hòn đá và để lại dấu 5 ngón tay trên tảng đá. Tới lúc đó dân chúng mới hiểu hành động cứu dân làng của Ngài. Ngoài ra trong hòn núi này còn có một chỗ trũng sâu khoảng hơn 1m, dài 3m, cao hơn mặt đất chừng 1.5m được coi là nơi Ngài nằm ngủ trong thời gian tu tập.

Chùa Tuyết Đậu, ở Phong Hóa, nơi ẩn tu của Bố Đãi Hòa Thượng, vốn hóa thân của Bồ Tát Di Lặc. Bố Đãi Hòa thượng có thân hình to lớn, bụng phệ và luôn tươi cười thường xuyên mang một bao bố lớn, do đó có tên như trên, chứa đựng đủ thứ quà mà trẻ con thích. Các công trình của chùa Tuyết Đậu, với khuôn viên rất lớn nằm dưới chân núi, đã hoàn chỉnh và chánh quyền đang cho xây dựng một tượng đài với tượng Phật Di Lặc cao 38m. Tượng được chọn trong 26 mẫu dự thi.Tượng đài nằm trên sườn núi với hơn 300 bậc thang nên sẽ được thấy từ xa. Công trình được khởi công từ đầu năm 2005 đến nay mới hoàn thành phần đế.

Chùa Quang Hiếu, nơi xuất gia của Lục Tổ Huệ Năng, là một chùa lớn ở Quảng Châu. Dọc theo các lối đi xung quanh chùa đều có các phướn ghi các câu kệ của Lục Tổ. Chùa có cây Bồ đề cổ thụ, hơn 1700 năm, do một nhà Sư Nhật Bản đem từ Ấn độ về trồng, mà từ đó tất cả những cây Bồ đề ở các chùa Trung Quốc và Việt Nam đều được chiết ra; một cái tháp nhỏ được xây nơi Lục Tổ ngồi để xuống tóc đi tu. Dưới gốc cây Bồ đề là tấm bia đá ghi lại bài kệ của Ngài. Hôm đó có nhiều người thuộc bài kệ qua truyền khẩu nên có vài chữ không được đúng. Xin ghi lại đây bài kệ ghi trên bia qua lời đọc của Hòa Thượng Bảo Lạc:

Bồ đề bổn vô thọ, Minh cảnh diệc phi đài, Bổn lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai

Tạm dịch: Bồ đề vốn không phải là cây, Kiếng soi chẳng phải vật này đài gương, Xưa nay mọi vật tỏ tường, Làm gì bụi dính bám vương được nào.

 

Sau đây là bài kệ của Ngài Thần Tú:

Thân thị Bồ đề thọ,Tâm như minh cảnh đài, Thời thời cần phất thức,Vật sử nhạ trần ai

Tạm dịch: Thân như cây Bồ đề, Tâm là đài gương sáng, Luôn cần năng lau chùi, Chớ để dính bụi trần.

 

Ghi chú: Bốn ngôi chùa trên là nơi còn những dấu tích của những hành giả tu tập và chứng đạo, và trở thành những thánh địa của Phật giáo Trung Hoa. 

Vài cảm nghĩ về chuyến hành hương

1)Với cảnh rừng núi cheo leo trùng điệp, với nghệ thuật và văn hóa linh hoạt và hài hòa thể hiện trong những kiến trúc nguy nga đồ sộ, tôi hết sức khâm phục sự quyết tâm tu hành và xây dựng các công trình của tiền nhân Trung Hoa. Các điều đó giúp tôi hiểu rõ thêm các hạnh nguyện to lớn của các vị Bồ Tát này và tạo thêm niềm tin về Phật pháp của vợ chồng tôi và gieo duyên cho các con cháu __ khi đứa cháu ngoại 11 tuổi đã nói “ Đúng là Buddha đã cho bà ngoại thêm power mới đủ sức leo chừng ấy bậc thang”

2)Hòa Thượng Bảo Lạc đã dùng hình ảnh các cây cổ tùng mọc thẳng đứng một cách ngạo nghễ tại Văn Thù Điện để khuyên chúng ta theo đó mà tu tập. Theo thiển ý hình ảnh đó thích hợp cho các vị Tăng Ni và các cư sĩ cao thâm hơn là đối với chúng ta, đang dò dẫm tu tập, hình ảnh rừng tre tại Cửu Hoa Sơn có vẻ phù hợp hơn. Tre tại rừng này có thân cây suôn đuột thẳng đứng với một số nhánh khẳng khiu và lá nhỏ mỏng manh trên ngọn và mọc riêng rẽ từng cây một, giúp cho ta nhìn xuyên sâu vào rừng. Hình ảnh thân cây thẳng đuột giúp ta phấn đấu vươn lên, các nhánh khẳng khiu tượng trưng cho sự tương trợ nhỏ nhoi nhưng cần thiết của các bạn đồng tu. Nếu mọc riêng rẽ cây tre nếu không gãy ngang thì cũng nghiêng ngả xiêu vẹo.

3)Đoàn đi kinh hành dẫn đầu bởi 7 vị Tăng Ni áo vàng tiếp nối với 65 Phật tử, khi áo tràng khi áo dài, vừa đi vừa tụng niệm trang nghiêm là một cảnh đặc biệt lạ mắt làm khách viễn phương đứng nhìn hoặc chụp hình lia lịa. Nhờ chương trình được nghiên cứu kỹ lưỡng chúng tôi được chiêm bái nhiều pháp bảo hiếm quý tại một số tu viện, nhờ khách sạn sang trọng an toàn, nhà hàng sạch sẽ, thức ăn ngon nên mọi người đều khỏe mạnh trong suốt cuộc hành hương. Có được kết quả này là nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Thầy Nguyên Tạng và anh Tony Thạch, một Phật tử Úc kiều gốc Việt Hoa, Giám đốc một công ty du lịch hành nghề lâu năm. Vừa là Phật tử lại biết tiếng Hoa, nên khi gặp các hướng dẫn viên địa phương kém Anh ngữ, anh Tony trao đổi với họ bằng Hoa ngữ nên hiểu rõ ngọn ngành để giải thích cho đoàn. Sau khi về nhà những tràng dài email hàng ngày đã kéo dài thêm thời gian hành hương giúp cho Phật tử tiếp tục trao đổi thêm những thắc mắc về giáo pháp còn vấn vương, những tâm tình mới nảy nở; đặc biệt có một vị cho biết nhờ sự giao tiếp cởi mở đầy nhân ái trong chuyến hành hương nên bây giờ đã dám nêu lên những e ấp từ lâu giữ kín trong lòng. Đó là những điểm son của tổ chức này.

4)Chúng tôi đã ở Quảng Châu nơi có đài tưởng niệm chí sĩ Phạm hồng Thái tại Hoàng Hoa Cương. Khi biết được điều này thì đã quá trễ để đến thắp nén hương cho người. Một điều thật đáng tiếc.

5)Cấu trúc chùa chiền Trung Quốc khác hẳn ở VN, nên tôi ghi lại để sau này những ai đi hành hương đỡ bỡ ngỡ hơn. Từ ngoài cổng vào thứ tự các điện một chùa đơn giản nhất gồm 3 điện thờ: 1) Tứ Đại Thiên Vương, 2) Đại Hùng Bửu Điện tức là chánh điện và 3) Tàng Kinh Các. Trong cấu trúc biến cải, như tại tứ đại danh sơn, điện thứ 2 là nơi thờ phượng vị chủ chốt của chùa như các Bồ Tát Quán Thế Âm, Văn Thù, Địa Tạng và Phổ Hiền; điện thứ 3 thờ Phật Thích Ca, mới là Chánh điện; còn như tại Linh Ẩn Tự có khá nhiều điện, điện thứ 2 chủ chốt là Tế Điên Hòa Thượng, thứ 3 là Chánh điện, thứ 4 là Dược Sư Bồ Tát, thứ 5 và 6 là… và cuối cùng là Tàng Kinh Các. Tất cả các điện đều có mái thật dốc với các tượng Phật thật lớn được đặt trên Phật đài cao ngay dưới đòn giông trông thật uy nghi. Chùa được bố trí dùng để lễ bái nên phần trước và sau Phật đài rất hẹp chứ không phải để Phật tử ngồi trước Phật đài nghe thuyết pháp như ở Việt Nam.

6)Thân nhân các khách hành hương nên thận trọng hơn, có nên để thân quyến mình tham dự khi tình trạng sức khỏe không được tốt. Có một vị đã gần bị xỉu 2 lần may mà không hề hấn gì. Một số người trong đoàn lo ngại nếu có sự bất trắc đoàn sẽ mất vui và mất thì giờ. Một số khác nghĩ là sẽ có Phật độ đừng lo. Tuy nhiên chúng tôi thiển nghĩ ban tổ chức cũng nên cẩn trọng hơn.

 

Chuẩn bị hành trang

Đây là lần đầu tiên chúng tôi đi hành hương nên có rất nhiều lo ngại về thời tiết, về địa hình, về nơi ăn chốn ở nơi chùa chiền trên núi cao, nhất là nhà tôi bị đau nhức khi gặp lạnh và đau đầu gối khi lên cầu thang. Những tin tức do bạn bè đã đi hành hương trước cho biết cũng không được thống nhất vì có thể địa điểm và thời điểm khác nhau. LT của chúng ta cũng chưa có bài viết nào ghi lại những điều cần lưu ý, nên tôi ghi lại vài điều cần lưu tâm.

-Nếu lộ trình hành hương là Tứ đại danh sơn thì đường sá an toàn và rất tốt, khách sạn và nhà hàng đủ loại gần chùa, nếu người tổ chức chịu chơi và Phật tử không ngại chi tiền thì không đáng lo ngại. Với lộ trình khác ta nên hỏi ban tổ chức những điều cần biết.

-Thời tiết vào đầu tháng 11 không đến nỗi nào, ngoại trừ gặp luồng khí lạnh bất thường hoặc bản thân người hành hương không chịu được lạnh. Đa số khách hành hương thích đi vào tháng lạnh vì chỉ cần mặc nhiều lớp áo là được chứ đi vào mùa hè trời nóng đi bộ ra mồ hôi khó chịu hơn. Với những ai không chịu được lạnh nên mua loại pat tạo nhiệt tại các tiệm bán dụng cụ thể thao và để vào găng tay, bí tất hay một bao bì gì mà ta có thể cột vào vai, ngực v.v.. nơi ta thường bị đau. Các pat này rất tiện lợi, tự tạo và giữ nhiệt khi tiếp xúc với không khí. Giá từ1-2 đô và dùng được từ từ 4-24 giờ tùy loại.

-Trước khi ghi tên tham dự nên hỏi rõ phương tiện di chuyển bằng gì và nên tránh những phương tiện hoặc đơn vị tổ chức rẻ tiền như dùng xe lửa ở Ấn Độ. Vì những hướng dẫn viên địa phương thường dùng Anh ngữ và trình độ Anh văn có khi không được khá nên người hướng dẫn viên chính của đoàn cần có một số kiến thức về Phật giáo và rành Hoa ngữ để trao đổi với hướng dẫn viên địa phương thì mới dẫn giải rõ ràng được các chi tiết của nơi chiêm bái. Lẽ tất nhiên tiền nào của nấy.

-Số lượng người tham dự dưới 50 người thì tốt hơn vì mỗi xe buýt chỉ chở được chừng ấy và thời gian tập họp kéo dài khi đông người vì người Việt mình chưa tôn trọng giờ giấc ấn định.

-Nên có một máy ghi âm để thâu trực tiếp những điều hướng dẫn viên giải thích để khi về nhà ta nghe lại thì tốt hơn

-Ngoài những thuốc thường dùng hàng ngày, ta cần đem theo thuốc ho, cảm, tiêu chảy, dầu nóng, và vài thứ khác mà ta cảm thấy cần thiết, nếu có thể với số lượng khá nhiều để giúp những bạn gặp khó khăn./.

 

 

 

   PHÁP VỊ CÔNG ĐỨC



Bài học thuộc lòng hồi lớp nhất, thể thơ song thất lục bát tôi còn nhớ như sau:

Đi ngày đàng sàng khôn học được
Bước chân ra mỗi bước mỗi hay
Đi cho biết đó biết đây
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn!
Kìa thế giới bao vây quanh quất
Người bao nhiêu là đất bấy nhiêu
Sông to, núi lớn cũng nhiều
Đường đi, lối lại trăm chiều ngổn ngang.
Người bốn giống: đen, vàng, đỏ, trắng
Trời bốn phương: nam-bắc-đông-tây
Non non, nước nước, mây mây
Chẳng đi sao biết non nầy thổ kia.

Lục lại trong ký ức bài thơ 55 năm trước, tôi không thể nào nhớ nổi tác giả, nhưng chắc hẳn một điều là nhà thơ nay đã an trú nơi một cõi xa xăm nào đó trong vòng sanh tử luân hồi. Nhân đi nhiều nơi giúp ta học hỏi được nhiều điều quí báu, người viết muốn ghi lại đôi điều về cuộc hành hương và chiêm bái các Phật tích để quí đọc giả dễ chọn lựa khi có quyết định muốn tham gia như:

- Hành hương khác với du lịch ở những điểm nào? Có ít nhất 4 điểm khác biệt của việc hành hương: a) Chiêm bái các Phật tích như đi mỗi bước lạy một lạy hay ba bước lạy một lạy, đi kinh hành nhiễu Phật hay nhiễu tháp thờ xá lợi của Phật, chư Tổ… b) Tới mỗi thánh tích đều có tụng kinh, niệm Phật, phục nguyện, hồi hướng, và phần quan trọng là giảng giải sự tích hay lịch sử tại đó để mọi người cùng hiểu. c) Mỗi thành viên tham gia đoàn phải có áo tràng màu lam ( đối với nam, nữ Phật tử), tức áo lễ Phật tại chùa hay tại nhà, để gây được một sắc thái đặc biệt đối với những khách tham quan khác. d) Mỗi người đều chắp tay búp sen và niệm Phật trong bước đi khoan thai có hàng lối hẳn hoi trông thanh thoát nhẹ nhàng; tạo nên một sức mạnh khó có thể dùng vật để sánh ví, khiến cho nhiều người nể phục, cúi đầu, chắp tay xá chào… Tất cả du khách đều dừng lại nhường bước hay đứng nép qua một bên trong tư thế chắp tay, và nhất là những người có máy ảnh chụp hình lia lịa không ngừng tay. Ngoài ra, đoàn áp dụng theo kỷ luật nhà binh đúng giờ giấc, cũng như ứng dụng giới luật vào đời sống ngay trong thực tế mỗi ngày, để mọi người có cơ hội thực tập và hành trì.

- Ứng dụng giới luật vào đời sống: Trên xe bus đoàn hành hương đều có thời tụng kinh sáng ( nếu thời giờ thích hợp). Xe tôi ngồi có 38 người, ngày đầu thời kinh sáng sớm kéo dài tới 45 phút, vì đọc 5 đệ Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đại Bi, Thập Chú, Kinh Bát Nhã, niệm Phật, hồi hướng v.v… Kết quả nghe ra chừng một phần ba người đọc được còn bao nhiêu đều lặng thinh. Rút kinh nghiệm, hôm sau tôi không tụng 5 đệ Lăng Nghiêm mà chỉ tụng tựa Lăng Nghiêm, Đại Bi, Thập Chú, hồi hướng. Lời kinh hòa với tiếng mõ, nhịp chuông trên xe lăn bánh nơi đường phố ban sáng làm cho tâm tư mọi người lắng đọng, thanh tịnh. Tài xế, tour guide cũng chú ý để hết tâm tư vào việc làm của họ và giữ im lặng.

Sau khi thời kinh chấm dứt, tôi phát hiện ra điều này, là hầu hết ai cũng bị ‘hớ’ hay mắc lỗi, nói đúng ra là phạm giới thứ tư mà người Phật tử đã thọ. Tại sao tụng kinh sáng lại phạm giới? Vì trong lúc mọi người tụng, tôi nghe kỹ bài ‘Thượng lai…’ tới câu: ‘ Phúng tụng Lăng Nghiêm chư phẩm chú’. Mà thực tế mọi người chỉ tụng chú Đại Bi, thập chú chứ không tụng 5 đệ Lăng Nghiêm. Tại sao đọc: ‘Phúng tụng Lăng Nghiêm chư phẩm chú’, có phải đã tự dối với Phật Thánh không? Nghiệm ra điều này làm cho ai cũng thấy thấm thía, nhất là đối với những người Phật tử tâm thành. Thế là, bữa sau không ai mắc phải lỗi quấy đó nữa. Nhân đây, tôi khen và tán thán đại chúng đã ứng dụng bài học hiệu quả cho việc giữ giới của mình. Việc hành trì giới luật cứ như thế mà tiến, hẳn người Phật tử tránh phạm lỗi lầm ngay trong sinh hoạt hằng ngày. Và còn nhiều những việc trước mắt dạy ta những bài học sâu sắc mà không dễ gì tìm được trong kinh điển hay ở bất cứ trường lớp nào. Chẳng hạn đoàn tới khách sạn ‘Chương Trạch’ tại Thái Nguyên nhân trong bữa điểm tâm trên mỗi bàn có đề câu này: ‘Lãng phí giả, gia thâu năm mươi doãn’, có nghĩa là người nào phung phí đồ ăn ( nếu phát hiện ra được), phải đóng thêm cho reception 50 đồng. Chữ người lãng phí nói đây nhằm nói lên tánh tham lam của cái bao tử mà chủ nhân nó chủ động. Có câu nói: ‘Con mắt lớn hơn cái bụng’, để chế giễu người nào ăn không hết mà vẫn lấy đồ cho cố rồi bỏ, khiến người sau không có mà ăn. Cùng ngồi chung bàn có sư cô H.N. người Hoa, nhưng tiếng Việt chưa nhuần nhuyễn, cô nhờ tôi dịch câu trên cho đoàn cùng hiểu. Tôi dịch và rồi phân tích như sau: Vấn đề không chỉ đơn giản như thế, người nào lấy đồ ăn dư là phạm giới thứ hai, như đã phát nguyện trước Tam Bảo. Nếu ai cố tình phạm, lỡ khi bước ra cửa nhân viên lục xách tay phát hiện được, quả là ê ẩm cả đoàn! Việc làm thiếu suy nghĩ đó có ảnh hưởng không tốt đến tập thể người Việt nói chung, còn riêng cá nhân người trong cuộc cũng chỉ bị è cổ đóng phạt 50 Yuan tương đương với $7 US (Mỹ kim) và hổ thẹn tại chỗ. Và nếu có người bên cạnh biết, chắc là đương sự hối hận lâu dài, nếu không muốn nói là suốt đời. Khi nghe tới đó, có vị đã tự thốt lên: ‘Hôm qua, con có lấy 2 cái bánh bao bỏ túi xách mang ra khỏi nhà hàng, có phạm tội tham lam không?’. Vấn đề hết sức tinh tế, tôi liền trấn an ngay: mỗi người chúng ta ai cũng đều có bịnh cả, nếu quý vị do bệnh duyên uống thuốc, cần phải có thức ăn nhử cái dạ dày, sau mới uống để thuốc khỏi công phạt, là quý vị không có lỗi chi cả. Thế là bà con trên xe ai cũng tỏ ra hoan hỷ theo cách giải thích nửa thực nửa hư của tôi. Và cũng từ ngày đó cho đến ngày cuối chuyến đi, đoàn hành hương ( do ĐĐ. Nguyên Tạng. tu viện Q.Đ Melbourne tổ chức) không ai mắc phải vào thói xấu quen thuộc như xưa nay nữa. Ngoài ra, chúng tôi còn đưa ra nhiều trò chơi giải trí bổ ích trên những đoạn đường bộ ngồi xe bus khoảng 5,6 tiếng đồng hồ như Đại Đồng- Bắc Kinh, Bắc Kinh- Tứ Xuyên v.v…, chẳng hạn như ra chủ đề và chọn số người trình bày; thành lập ban giám khảo (4 người) chấm điểm, cũng như treo giải người nào đạt điểm cao. Cũng có lúc cả xe ai nấy viết câu hỏi và chúng tôi trả lời; đôi khi lại còn xen kẽ vào đó là chương trình ngâm thơ, vọng cổ, đố vui… Và cuối cùng là họa thơ theo thể cách: vần, điệu, đối ý, đối lời thể Đường luật thất ngôn bát cú (bài thơ mỗi câu 7 chữ và 8 câu) như bài Thánh tích Nga Mi sau:


Kim đỉnh ngàn năm mây trắng bay
Phổ Hiền Bồ Tát hạnh sâu dày
Nga Mi Phật tích hằn in dấu
Thắng cảnh danh sơn tải đạo mầu
Bốn mùa cây cỏ luôn tươi tốt
Dã thú muông cầm sống cạnh nhau
Người vật hài hòa vun cội đức
Phật quốc trần gian chính là đây.


Sông Thu (Nga mi sơn ngày 6/11/2007)

Với bài thơ trên đã có 9 bài họa lại, nhưng chưa đạt, dù vậy một giải thưởng khuyến khích cũng đã được phát cho anh Quảng Hội vào đêm chia tay (7/11/07) tại nhà hàng Đại tửu gia- Quảng Châu, cùng với 3 giải thưởng khác mà chủ đề như đã nêu trên. Ba Phật tử nhận được phần thưởng là Quảng Tiến (tức Thiện Kim), Thanh Phi và anh Thiện Hưng. Những phần thưởng tuy không đáng giá là bao, nhưng về mặt tinh thần mới là quan trọng. Nhờ hăng say làm việc, sốt sắng tham gia những trò chơi nên đoàn hành hương từ người lớn tuổi- cụ già trên 80 tuổi, đến chú nhỏ tuổi- 25 tuổi, ai cũng đều phấn khởi, mạnh khỏe theo đuổi cho tới đoạn cuối, không ai bỏ cuộc.

- Tôn trọng điều lệ: bất cứ một tổ chức nào muốn thành công phải có một số qui định rõ trong Nội qui, qui chế, khế ước, giao kèo, hiến chế, hiến chương hay hiến pháp của một nước, để mọi người áp dụng hầu duy trì được cơ cấu tổ chức. Đây là một số điều qui định vô văn tự cần lưu ý các thành viên theo đoàn hành hương như:
- Chiếc nón lưỡi trai có hình lá cờ Úc do anh Tony cung cấp tại phi trường Sydney ngay hôm khởi hành vào sáng ngày 21/10/2007. Thành viên của phái đoàn ngoài bảng tên có hình đeo nơi cổ, lại thêm có chiếc nón made in Australia nữa, hẳn suốt chuyến đi không ai bị lạc là điều hiển nhiên. Đây cũng là một ký hiệu đặc biệt trong những chỗ đông người như chùa Linh Ẩn- nơi Ngài Tế Điên hành đạo- tại Hàng Châu; Thiên An Môn và cung điện mùa hè hay Di Hòa Viên tại Bắc Kinh, nơi khách hành hương tấp nập như chỗ đô hội không bằng. Và còn nhiều nơi đông đảo khác nữa như Phổ Đà Sơn, Vô Tích với Đại Phật Di Đà cao 88 mét và một công viên rộng hàng chục ngàn hecta với nhà ngang dãy dọc, đường sá rộng thoáng, hay tượng Phật Di Lặc 71 mét điêu khắc trên ngọn núi tại Lạc Sơn- Thành Đô hơn 1000 năm qua do công đức của đại sư Hải Thông quyên giáo, và sau các đệ tử tiếp tục nối chí sư phụ hoàn thành, trải qua gần 50 năm mới tạo dựng xong pho tượng lịch sử mà du khách chỉ có thể dong thuyền trên dòng trường giang mới chiêm ngưỡng được hết toàn thân tôn tượng từ dưới chân lên tới đỉnh. Sau khi đi thuyền quan chiêm Đại Phật, chúng tôi đổ bộ lên bờ dùng lô ca chân lên đỉnh núi quán sát lại bức tượng một lần nữa. Càng tới gần tượng Phật càng như xa hẳn ta, khách chỉ có thể đứng tới vai pho tượng để chụp hình mà không thấy được toàn diện như khi ta ngắm từ dưới dòng sông, nhất là qua ống kính máy chụp hình mà phải là nhà chuyên nghiệp mới lấy hết được toàn bức tượng. Nhân đây, người ta cũng nghe kể lại truyền thuyết cho rằng, ngã ba con sông: Mân giang, Thanh giang và Đại Độ hà này gặp nhau tại đây nên dòng nước xoáy rất mạnh. Tương truyền rằng nơi đây có thủy quái và sóng to gió lớn làm nhiều ngư phủ bị thiệt mạng về mùa nước lũ tháng 10 và tháng 11 hằng năm, cũng như người dân quanh vùng trước đây hễ gặp mùa mưa bão là bị thiệt hại về nhà cửa, nhân mạng không ít. Tiếng kêu than của dân chúng như lọt vào hư không, không ai đoái hoài đáp ứng. Có lẽ nhờ tâm chí thành nầy của nhiều người, nên có một Tăng nhân từ phương xa đến và tìm tới ngọn Lăng Vân Sơn này lập am tu hành với ý định tạo tôn tượng đức Phật tầm cỡ để mượn thần lực qua Bồ Tát hầu hàng phục được thủy quái, khiến cho thuyền ghe qua lại không còn bị làm hại và đồng thời làm điểm tựa tâm linh cho người dân trong vùng qui ngưỡng. Do vậy, Ngài Hải Thông luôn hy vọng và tin tưởng vào tâm thành của mình, hẳn được long thần hộ pháp và lực từ bi của Tam Bảo gia hộ. Một công trình quá to lớn cần đòi hỏi nhiều nguồn nhân lực, vật lực, nhất là tài chánh tìm ở đâu ra. Đối với một sơn Tăng, chỉ vỏn vẹn có 3 y và một bình bát? Trong những thời công phu, tọa thiền buổi khuya Ngài luôn cầu nguyện cho dự án tạo dựng pho tượng Phật chóng thành; và ngày ngày Ngài thường đi đó đây khuyên giáo để mọi người phát tâm gieo duyên tạo phước. Việc quyên góp có lúc được lúc không, qua những mùa mưa nắng, tuyết giá đều phó mặc, người chỉ một mực nhiếp tâm trong chánh niệm. Nghe đâu quyên góp được gần một năm, công trình bắt đầu, mặc dù biết số tiền lúc đó như muối bỏ biển chẳng thấm vào đâu. Ngài tự nghĩ: còn nước còn tát, hể còn sức khoẻ và hơi thở ta nguyện đeo đuổi tới cùng không thối lui bỏ cuộc. Nhờ nguyện lực kiêm thệ ấy của Ngài mà được mọi người đồng lòng trợ lực vào công việc tạo tượng. Ngài dừng chân tại những nơi chợ búa, phố phường với tấm bảng đề rõ mục đích ở trước mặt để kêu gọi mọi người phát tâm bố thí. Hạnh nguyện Ngài đã được nhiều người đáp ứng.

 

Lúc bấy giờ hai thợ điêu khắc tên là Thạch Thành và Thạch Hư được mời tới thương lượng, bàn thảo, đặt kế hoạch, Hòa Thượng bảo họ: ‘Tôi có ý định khắc trên ngọn Lăng Vân này một pho tượng đại Phật, mong hai vị hợp lực, góp sức!’. Thạch Hư lại nhìn lên núi với tượng Phật, lòng đầy cao hứng, bèn thầm nghĩ: “ chà núi Lăng Vân này thập phần tú lệ có chùa Lăng Vân lại có đại Phật và như thế mỗi năm có nhiều người lui tới lễ Phật cúng bái cầu nguyện. Nếu ta khắc trên núi nhiều tượng nhiều kiểu với các hình Phật đủ loại, công việc làm của ta hẳn để lại hậu thế lâu dài!”. Từ đó lại có nhiều người yêu cầu ta khắc tượng càng ngày càng đông. Nghĩ tới đó y nói: “ Thủy quái ở Tam giang, thập phần hung ác, tôi nghĩ chỉ có cách khắc lên 1000 tượng Phật mới có thể trấn ngự được chúng”. Lúc ấy thấy Thạch Thành bên cạnh làm thinh không nói một lời, Hòa Thượng hỏi: “ Thầy Thạch Thành, ông có ý kiến chứ!”. Thạch Thành chẳng bận trả lời nhìn xuống đất nói: “ Theo tôi, có khắc thời nên khắc một tôn tượng Phật duy nhất, cao lớn tại trên núi nầy”. Thạch Hư nhìn lên núi nói: “ Núi nầy đã cao thẳm, vách núi lại sắc cạnh ( lởm chởm) Ngài bảo điêu khắc tượng Phật lớn, biết khắc tới bao nhiêu tháng bao nhiêu năm cho xong?”.Thạch Thành nói:” núi thạch nham nầy đã trải qua thời gian phong ba vũ bão phải tạo tòa Phật tượng to lớn mới có thể trấn giữ quỉ quái ở Tam giang được”.Thế là cuộc thảo luận giữa ba người đã có được một điểm chung, là khắc tượng Phật lớn vào núi. Công việc Phật sự to lớn này cần sự hy sinh không thể một sớm một chiều mà thành được; Và họ bận rộn bắt tay ngay vào thực hiện như vẽ đồ án, tính kỹ thuật, độ bền, vật liệu làm tượng v v…Hòa Thượng Hải Thông lo việc đi hóa duyên tại các nơi như Trường Giang, Nhạn Hà thời gian lâu. Đồng thời còn mời thêm được một số thợ điêu khắc và nhiều nhân công đem về. Số người này cùng hợp tác với Thạch Thành trong công việc điêu khắc đại Phật. Nhiều người lớn tuổi trong vùng mách nhau rằng lão Hòa Thượng mời người tới đây điêu khắc tượng đại Phật, trấn áp thủy quái ở Tam Giang, nên tự động kéo tới phụ lực, kẻ pha trà người đưa cơm tới hết lòng ủng hộ. Tại núi Lăng Vân người tới kẻ lui nhộn nhịp; ngàn lần huy động, ngàn tiếng đáp lời như sấm, chỉ trong thời gian núi đá đục rơi như mưa. Thủy quái ở dưới vực sâu mỗi ngày bị đá lăn phải hoảng kinh lẳng đi mất dạng.

Mặc dù, tượng tạc chưa xong, nhưng tín tâm của mọi người gia tăng thấy rõ. Và cũng kể từ đó một tòa tôn tượng Đại Phật lù lù hiện ra làm cho gió yên sóng lặng, dân chúng đều rất hoan hỷ. Lúc đó tại Gia Châu có viên quan đầu tỉnh coi tiền bạc quí hơn sinh mạng, y nghĩ rằng lão Hòa Thượng tu tạo tượng Phật ra ngoài quyên góp được nhiều tiền. Có chủ tâm như vậy, nên một hôm y dẫn binh lính tới chùa Lăng Vân, đối trước Hòa Thượng đang chỉ huy khắc tượng Phật và nói: “ Hòa Thượng to gan thật, ông tạc tượng thật lớn không nộp đồ án xin phép quan sở tại trước mà tự ý khởi công, phá hoại núi rừng, xem thường phép nước, phạt ông một vạn lạng bạc, kỳ hạn 3 hôm phải nộp đủ.” Lão Hòa Thượng nói: “ Thưa quan, việc tạo tượng đại Phật là để trấn áp loài thủy quái ở Tam Giang và trừ khổ nạn cho trăm họ. Đây là tiền tôi xin làm đại tượng Phật, cho dù một lạng cũng không ai được đụng tới!” Vị quan nghe Hòa Thượng trả lời cương quyết và dứt khoát như thế, bèn sợ và nói: “ Nếu không chịu đóng tiền phạt, ta sẽ cho móc mắt ngươi.” Vì y nghĩ, nói như thế lão Hòa Thượng sợ bị móc mắt, hẳn giao tiền. Vừa nói xong, trên gương mặt lão Hòa Thượng không thay đổi sắc nhìn thẳng mặt đối phương nói: “ Ta thà nguyện móc mắt đưa ông, chứ quyết không để một xu tạo tượng bị thất thoát!”. Nói xong, tự móc đôi mắt của mình và đem cặp tròng mắt nghiêm chỉnh bước tới giao nộp, thì ngay tức khắc từ đôi mắt bị móc ấy xẹt ra hai luồng ánh sáng như điện chớp, chỉa ngay vào mặt viên quan ấy, khiến y thất sắc. Bỗng nhiên, cặp nhãn từ trên bàn bay thẳng tới rơi trúng đầu y, làm cho viên quan chức hoảng sợ bỏ chạy, mà quên phía sau là dốc đá lởm chởm và bên dưới là vực sâu thăm thẳm. Ngay lúc ấy, cặp mắt bay trở lại nhập vào đôi mắt Hòa Thượng nguyên vẹn như trước. Chứng kiến từ đầu mọi việc diễn tiến, viên chức tham quan ô lại kia, cho dù thân đồng da sắt đi chăng nữa cũng phải nể phục, không còn nỡ lòng đòi tiền Hòa Thượng nữa. Nghe đâu, về sau viên quan nọ bị tai nạn thảm khốc mà nhiều người cho là hậu quả việc làm ác đã đến lúc đền trả. Đây là một bài học để đời cho mọi người nói chung suy nghiệm, không cứ cá nhân đơn độc hay cậy thế dựa vào chức vị, quyền uy, thế lực hà hiếp, ức chế, thủ đoạn hèn mạt cướp đoạt, ăn chặn, kết vây cánh lấy của công làm của tư, thiếu công bằng và không hợp đạo lý, đều phải trả mọi hậu quả hoặc sớm hay chậm.

Ngày xưa quả báo thì chầy
Ngày nay quả báo ở ngay nhãn tiền.


Do tâm tham che mờ, ta chỉ muốn thu vào mà không muốn lơi ra. Hễ càng cố giữ gìn của cải, tiền bạc bao nhiêu, càng vụt khỏi tầm tay ta không kiểm soát bấy nhiêu. Như lời Phật dạy, của cải thế gian thuộc về năm nhà: giặc cướp, nước trôi, lửa cháy, con hư phá tán và luật pháp gia hình. Lấy đó mà nghiệm xét, thật là lời dạy đầy tâm từ bi và vô cùng thấm thía cho con người ở khắp quốc độ Ta Bà này từ cổ chí kim từ đông sang tây vậy.

Thế mới biết câu nói: Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu ( lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó lọt) cũng đủ trả lời cho ai không tin lý nhân quả.

- Theo đúng giờ giấc qui định: Thời gian giới hạn có 18 ngày mà đoàn phải chu du hết 4 danh sơn Trung Quốc từ Đông ( Ninh Ba) sang Tây ( Thái Nguyên), từ Nam ( Hàng Châu) đến Bắc ( Đại Đồng- Bắc Kinh) xa hàng chục ngàn cây số, nếu không tranh thủ giờ giấc cũng khó mà đi cho khắp nơi được. Do chúng tôi ai nấy đều ý thức như vậy nên hầu như ngày nào cũng thức dậy lúc 5 giờ 30, điểm tâm vào 6,30 giờ và khởi hành lúc 7,30 giờ; còn lúc về thì vô định. Có hôm phải bỏ cả buổi ăn trưa như ngày 1/11/2007 từ Đại Đồng đi Bắc Kinh. Đoạn đường dài chỉ có 240 km2, đúng ra xe chạy chỉ mất 4 tiếng đồng hồ. Thế nhưng cái nạn kẹt xe, và thiếu xăng nên đoàn khởi hành lúc 7g30 sáng tại Đại Đồng mà tới Bắc Kinh đã là 13g30. Lại còn phải một màn đổi xe luôn tài xế và tour guide, cũng như chuyển hành lý sang xe nữa. Hành lý lúc đi chỉ có 72 va li mà tới đoạn này được hơn nửa phần đường đã lên tới 103 kiện lớn nhỏ. Quả là chiến tích kỳ công của đoàn quân A Di Đà đem về Cực Lạc quốc! Như trên ghi có hôm chúng tôi bỏ cả ăn trưa tranh thủ cho kịp thời gian. Bởi vì muốn xem được xá lợi răng Phật tại chùa Linh Quang- Bắc Kinh phải liên hệ sắp xếp hơn 8 tháng trước và giờ hẹn là 2g30 ngày 1 tháng 11 năm 2007. Chùa này chìa khóa do 3 nơi giữ là chính quyền, Hiệp Hội Phật giáo Trung Quốc và vị Trụ trì, nên nếu lỡ hẹn là khó có cơ hội, vì không được xem và đảnh lễ xá lợi. Có thể nói tháp thờ xá lợi chính quyền cho lính gác cẩn mật nên không có khách tham quan vào được bên trong mà chỉ viếng chùa rồi ra về. Riêng đoàn chúng tôi có đủ 2 cơ duyên may mắn: Phái đoàn chia ra thành 3 toán lên tháp cao chừng 30 mét trải thảm đỏ cầu thang từ dưới lên trên top. Vì không gian không đủ rộng nên nơi thờ xá lợi chỉ có thể đứng được vài chục người. Đặc biệt khác hơn hầu hết các chùa của Trung Quốc khác là khách muốn lên tháp phải bỏ giày dép lại bên dưới. Đây là điểm nổi bật đặc thù của ngôi tháp linh ( Linh quang) Phật nha xá lợi như một quốc bảo của chính quyền Trung Quốc hiện tại. Toàn tháp nhỏ bên trong là khối vàng 32 kí lô do vua Càn Long hiến tặng vào thế kỷ thứ 17. Vì giá trị món quốc bảo nên công an, lính canh phải bảo vệ chặt chẽ kẻo kẻ tà tâm có ý đồ. Muốn nhìn thấy xá lợi phải cần đèn pin với lượng sáng cực mạnh. Và đặc biệt trong lồng kiếng ta còn thấy hình Đức Quán Thế Âm đứng như đi trong mây. Theo lời giải thích của nhân viên trách nhiệm ngôi tháp thì vào năm 1987 mới xuất hiện hình dạng Đức Quan Âm này. Tôi và Đại Đức Nguyên Tạng được mời ở lại chủ trì 3 thời kinh cho 3 toán trong đoàn xong mới xuống. Chỉ tụng thời kinh ngắn gồm Tâm Kinh Bát Nhã, tứ hoằng thệ nguyện và hồi hướng do yêu cầu của người bảo trì tháp. Sau khi lễ tháp xong, phái đoàn được mời vào một phòng khách dùng trà và đợi Hòa Thượng trụ trì ra tiếp phái đoàn như có hẹn. Hòa Thượng trụ trì hiệu là: Pháp Thường vui vẻ tiếp chuyện, ban đạo từ, chúc đoàn hành hương được nhiều thắng duyên và có dịp kết duyên với người Phật tử Trung Quốc. Vì tất cả người con Phật xem như con một nhà. Chứng minh đoàn, HT. Thích Bảo Lạc thay đoàn cám ơn HT. trụ trì đã dành thời giờ quí báu tiếp đãi, tặng quà lưu niệm, và H.T cũng nhấn mạnh cầu chúc Phật giáo Trung Quốc ngày càng chấn hưng và không còn hình thức mê tín dị đoan như hiện nay, cũng như chúc H.T. trụ trì được cữu trụ Ta Bà và sớm thành đạo quả để hàng Phật tử được nương nhờ công đức. Phái đoàn cùng chụp hình chung với Hòa Thượng để lưu niệm, và từ giã.

- Chay tịnh trong suốt chuyến hành hương: Đa phần thành viên đoàn đều phát nguyện ăn chay trên đường đi chiêm bái các Phật tích. Có lẽ nhờ nhân lành này mà được long thần hộ pháp gia hộ mọi người đi tới nơi về tới chốn bình an vô sự. Lại còn có những triệu chứng lành chung quanh chuyến đi mà mọi người trong đoàn ai nấy đều cho rằng là hy hữu.

a) Trời mưa rồi lại nắng: ngày thứ tư của chuyến đi là 24/10/07, chúng tôi từ Ninh Ba đi xe bus tới Vô Tích. Trên đường đi trời đổ mưa tầm tả, tới bải đậu xe nơi Linh Sơn đại Phật trời càng mưa nặng hạt hơn nữa. Bắt buộc mỗi người phải mua một cây dù che và thế là người trên cả hai xe phái đoàn đều tiêu thụ được một số dù đáng kể. Chúng tôi tới đây cũng đã quá trưa rồi, lúc 13 giờ, việc đầu tiên là phải kiếm gì phụng sự cái bao tử trước đã. Sau khi cơm nước xong, đoàn ra trước cửa nhà hàng sắp hàng đôi trong đồng phục màu lam đi kinh hành trước sân đại Phật A Di Đà cao 88 mét và tụng thời kinh ngắn; trời tạnh hẳn mưa và bắt đầu có những tia nắng ấm chiếu dọi cảnh vật chung quanh.

b) Hoa Khai Kiến Phật: là một tác phẩm nghệ thuật phụ trong toàn cảnh Đại Phật. Cách kiến trúc thật là đặc biệt, trụ đá hình lục giác cao độ 25 m trên cùng là 6 cánh sen úp lại thành một búp sen lớn, bên trong là một tượng Phật đản sanh cao cỡ 5 m. Bên dưới chung quanh là hồ nước có 9 rồng uốn lượn và chờ tới giờ là phun nước, gọi là cửu long phún thủy. Nước phun từ thấp lên cao, từ yếu đến mạnh theo điệu nhạc hùng tráng và những cánh sen bắt đầu hé nở và Phật đản sanh hiện ra quay đi giáp một vòng như tôi để ý là 12 phút- và rồi khép lại. Như vậy, nếu du khách tới thăm không nhầm giờ thiêng làm sao chứng kiến được cảnh đẹp tuyệt vời này!

Xem hoa khai kiến Phật xong, đoàn có dịp trình diễn một màn cũng khá ngoạn mục là phái nữ mặc quốc phục Việt Nam còn phái nam mặc veston thắt caravat complet trông cũng đẹp ra phết! Chúng tôi đứng hàng ngang choán cả mặt tiền để chụp hình. Bao nhiêu cặp mắt, những máy chụp hình làm việc liên tục không ngừng tay; còn khách tham quan đứng lại nhìn hay có người chắp tay búp sen ra chiều cung kính.

c) Kim Đỉnh lên rồi phải ở luôn đây: Ngày 5/11/07 chúng tôi đi xe treo lên viếng Kim Đỉnh của đạo tràng Phổ Hiền Bồ Tát. Tượng mới tạc năm 2005 cao 20 m và chùa Hoa Tạng cũng mới dựng lên cùng thời với bức tượng. Độ cao từ dưới đất lên tới Kim Đỉnh là 3072 m, nên có thể nói lên tới nơi rồi thấy cả trời xanh và một thế giới vô cùng huyền nhiệm. Trên đường núi xe chạy tới trạm xe treo mất hơn một tiếng đồng hồ với sương mù dày đặc; lại con đường cong queo chật hẹp nguy hiểm. Thầy Nguyên Tạng lưu ý anh tài xế lái xe cẩn thận, nhưng anh đâu có nghe được; tôi phải nói thêm “ chìn nì shạo shin” ( Xin ông làm ơn làm phước lái cẩn thận nhé!). Lúc này anh ta mới chịu hiểu và cười xòa. Ở đây tôi muốn nói là mọi người trong đoàn ai cũng nghĩ là theo như thời tiết xấu thế này, không tài nào thấy gì khi ta lên tới đỉnh. Thế nhưng, lạ thay, chúng tôi vừa đặt chân lên Kim Đỉnh thì trời nắng ráo và bầu trời trở nên quang đãng lạ thường. Thật là điều hết sức kỳ diệu! Chúng tôi không tin được bằng con mắt của mình, nên phải dựa vào điều sau đây để tự khen và tán dương công đức của mọi thành viên phái đoàn.

- Hễ tâm ta thành mọi việc đều thành tựu như ý nguyện. Kinh nghiệm cho tôi có được điều này là khi bắt tay vào làm bất cứ việc gì dù nhỏ hay lớn, nếu biết tâm thành là đạt được mục đích không có gì khó khăn trở ngại cả. Huống chi việc hành hương đã được sắp xếp, bàn thảo, chuẩn bị mọi việc từ gần một năm qua, hẳn chuyến đi phải được thông suốt là điều không ai còn lấy làm lạ nữa.

- Công đức tụng kinh niệm Phật: đức chúng như hải, nhờ số đông góp lại bằng sức lực, ý chí, niềm tin hay ngay cả tiền bạc tạo cho tập thể có một sức mạnh tinh thần mà không gì so sánh được. Trên đường đi chiêm bái- trừ bữa nào bận rộn- mỗi ngày đều có thời tụng kinh trên xe thật là hào hùng thanh thoát. Có phải việc này tạo thêm cho phái đoàn một thế đứng riêng, một cái gì đặc biệt thanh thoát nhẹ nhàng. Như cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã viết:

Ngọc hay đá chẳng cần ai tạc
Lụa hay tre không cần bút ai ghi
Rồi mai sau còn chi
Còn mãi chứ!

Và còn chuyến đi chưa đoạn kết, dù vậy, tác giả cũng mượn bài thơ” Tứ Đại danh sơn”, sáng tác tại khách sạn Chương Trạch, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây- Trung Quốc, tạm xem như phần kết luận bài này như sau:

Tham quan tứ đại danh sơn
Hành hương thánh tích ngã nhơn bào mòn
Bước chân nào nệ thiệt hơn
Noi gương thánh đức đáp ơn
Tổ Thầy
Đi cho biết đó biết đây
Non sông tươi đẹp chốn này thần tiên
Quan Âm, Địa tạng, Phổ Hiền
Văn Thù, Kiều Giác, Tế Điên, Vô Hà
Bố Đãi Hòa Thượng cười khà
Cười bao người khóc lệ nhòa bất an
Bon chen trong cõi nhân hoàn
Vun dầy nghiệp hệ trần gian nổi chìm
Buông tay rũ phủi lụy phiền
Thân tâm thanh nhẹ kết duyên đạo mầu
Ngàn xưa mãi đến ngàn sau
Đạo tràng bền vững đẹp màu nhân gian.


Thích Bảo Lạc
Tu Viện Đa Bảo- Campbelltown ngày 17/11/2007

 

KHOẢNH KHẮC

 

Buổi sáng mùa thu ở Trung Quốc dường như rất muộn, những tầng mây xám đang trôi lừng lững trên cao không làm chúng tôi chùn bước. Nhịp bước hành hương của Phật tử vẫn rộn ràng náo nức đến Vô Tích để tận mắt chiêm ngưỡng Phật Đài A Di Đà vốn dĩ là niềm mơ ước chân thành của những người con Phật.

            Xe chúng tôi khởi hành lúc 9g sáng đến Vô Tích, mặc cho những hạt mưa vẫn rơi đều trong khí trời ảm đạm cũng không làm chúng tôi chùn chân, mỏi gối. Khi xe lăn bánh, Thầy đã ôn tồn bảo chúng tôi hãy cùng tụng Kinh Lăng Nghiêm dù Thầy biết rằng kinh này khó đọc lắm. Chúng tôi cố gắng trì tụng xong Kinh Lăng Nghiêm thì bầu trời càng dẫy đầy mây xám, những cơn mưa vẫn quấn quýt  quanh chúng tôi như những lời tâm sự giữa hệ lụy cuộc đời. Riêng tôi luôn thầm nghĩ những giọt mưa như những pháp vũ cho đời hay là những lời mật khải của đức Phật Di Đà đã ban phát cho Phật tử chúng tôi. Tôi luôn mật niệm sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật như một hành trang cho tôi theo từng nhịp thở, vì trong thưc tại này tôi mới tự quán xét lại những hành động hay quan niệm sai lầm đã xảy ra hầu mong sửa chữa những khuyết điểm đã qua.

            Những giọt mưa lất phất trong không gian vẫn không làm chúng tôi ngao ngán, mọi người tay che dù hay áo mưa đều hăng hái bước vào Phật đài. Vì trong làn mưa mờ ảo hình dáng Phật A Di Đà vẫn sừng sững giữa trời như luồng tinh anh chói ngời trong lòng mỗi Phật tử. Chúng tôi sắp thành hàng một theo Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Đại Đức Thích Nguyên Tạng và các Sư Cô… thành một hàng dài nghiêm chỉnh bước từng bước, vừa đi vừa tụng niệm. Thật lạ kỳ mưa dường như ngừng hẳn hay là mưa đã lắng nghe lời lời mật khải do Đức Phật ban Pháp hay chăng? Ngay lúc đó lòng chúng tôi vô cùng hoan hỷ càng cố gắng trì tụng cho dứt hồi kinh dưới Phật đài.

            Tượng cao 88m được đúc bằng vàng và dựng lên cách đây 9 năm 345 ngày ( chỉ còn 20 ngày nữa là đúng 10 năm ngày dựng Phật Đài. Rất tiếc chúng tôi không được tham dự đại lễ quan trọng đó, tuy nhiên chúng tôi rất háo hức chiêm ngưỡng tiết mục đặc sắc “ Hoa khai kiến Phật” được kiến tạo tổn phí  lên đến 4 tỉ nhân dân tệ. Tiết mục này được bắt đầu 2g30 chiều, chúng tôi cùng hàng ngàn người vây quanh bệ đài để “ mục kiến sở thị” sự việc hiếm có này.

            Những  dòng nhạc êm ái, nhẹ nhàng như triệu lời huyền bí đưa chúng tôi trở về nguyên thủy hơn 2000 năm trước. Những vòi nước phun lên xung quanh hoa sen như những rạo rực đón chào Đức Phật đản sanh. Chín con rồng ở chín chỗ vụt  phun lên để cúng dường mừng đấng Từ Phụ xuất hiện ngày đầu tiên trên thế gian này. Hoa sen cao vụt nở từng cánh trong tiếng nhạc du dương như mây ngàn gió nỗi về đây hội tụ. Đức Phật từ từ hiện ra trong hoa sen và quay một vòng 360% xung quanh những âm thanh huyễn hoặc, những giọt nước rộn ràng của Chư Thiên, Chư Phật cùng hòa điệu với những nhịp đập con tim rạo rực của chúng tôi.

            Sự kiện “Hoa khai kiến Phật” càng cũng cố niềm tin cho chúng tôi, càng cố sức trau giồi học hạnh Phật Di Đà để xứng đáng là con của Phật. Phước duyên rất lớn từ hôm nay đã tạo cho chúng tôi một dấu ấn khó phai trong chuyến hành hương Trung Quốc này!

            Sau khi đảnh lễ Phật Đài xong, chúng tôi cố gắng đi xung quanh để xoay 108 cầu quay được thiết kế theo Tây Tạng bao quanh khuôn viên Phật Đài. Xa hơn nữa là những hàng liễu rũ dọc theo bờ được chấm phá quanh co dưới những cội liễu bằng những tảng đá nhỏ có làn nước uốn quanh. Quang cảnh quả thật đã tạo sắc thái hài hòa của Phật Đài, không hổ cho câu “Đệ nhất Giang Nam” Chúng tôi dạo bước dưới gốc liễu, tựa đầu trong bóng mát, lắng nghe tiếng suối chảy róc rách hòa điệu cùng tiếng chim hót tựa hồ như đang lạc vào cõi Niết bàn.

                        Phật đứng tòa sen dáng từ bi

                        Bàn tay Phật đón gọi chúng sanh.

                        Hãy mau sực tỉnh trong cõi mộng

                        Danh lợi phù du thoáng vô thường

                        Bồ đề tàng thức đâu rồi nhỉ?

                        Bản lai diện mục có hay chăng?

            Trong nỗi niềm hoan lạc mênh mông đó tôi chợt cảm ngộ ra rằng: cho dù mai sau rời xa Phật đài, nhưng những sự kiện này sẽ theo tôi mãi mãi.

            Có phải tôi đang say trong cảnh Phật ?

                        Nhẹ như gió thoảng bên thềm

                        Xôn xao lá thắm ru mềm bờ môi

                        Dịu dàng Phật đến bên trời

                        Ngân lên vạn khúc nghê thường đắm say!

                        Nước vờn liễu rũ chim cười

                        Truyền muôn pháp lạc rạng ngời chúng sanh

                        Mau mau lìa bước tử sanh

                        Phật Đà hoan hỉ dang tay cứu đời

                        A-Di- Đà -Phật nam mô

                        Liễu rơi một chiếc ngộ ngay vô thường.

 

                                                                                    Chúc Quốc Lịch

 

Thành Kính Tri Ân

 

Từ khi đặt chân về Úc cho đến nay mặc dù rất bận rộn cho những công việc, sau bao ngày vắng nhà, nhưng những hình ảnh bên Trung Quốc cứ mãi chập chờn trong trí óc tôi.  Một chuyến hành hương không dài mà cũng không ngắn lắm, đã để lại trong tôi, niềm cảm xúc an lạc vô biên.

 Trước hết, con xin đê đầu đảnh lễ, thành kính tri ân, Chư Tôn Đức Tăng Ni, đặc biệt, Sư Ông Thượng Bảo Hạ Lạc, đã ban bố cho chúng con những bài thơ pháp rất hay, cũng như giúp chúng con, học hỏi thêm đạo pháp trau giồi sự tu tập của mình bằng những cuộc đố vui hữu ích.

 Kế đến là Thầy Trưởng Đoàn Đại Đức Thích Nguyên Tạng, cũng đã nhiệt tình, chăm sóc cho chúng con, từng nghi thức tụng niệm ở mỗi đạo tràng khác nhau, từng tấm hình chụp chung đoàn ở mỗi thánh tích và đã cho chúng con những bài pháp thoại ngắn hoặc những câu kệ, cần phải thuộc mỗi khi chiêm bái, đảnh lễ một đạo tràng.

 Con cảm thấy có nhiều phước báo mới được đặt chân tới Tứ Đại Danh Sơn này, là nơi thờ bốn vị Bồ Tát ở 4 ngọn núi khác nhau, như để thể hiện lòng Đại Bi của Ngài Quan Thế Âm, chúng con được viếng thăm Phổ Đà Sơn, Đại Nguyện của Ngài Địa Tạng Vương ở Cửu Hoa Sơn, Đại Trí của Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát ở Ngũ Đài Sơn, cuối cùng Đại Hạnh của Ngài Phổ Hiền Bồ Tát ở Nga Mi Sơn.

Ngoài ra, con còn được phước duyên chiêm bái và đảnh lễ xá lợi máu và xá lợi răng của Phật nữa, bao nhiêu đó đã đủ cho con được mãn nguyện trong chuyến hành hương này, một lần nữa con xin thành kính tri ân công đức của Thầy.

 Có tận mắt chiêm bái, thăm viếng những thánh tích ở Trung Quốc, con vô cùng biết ơn, những vị Tổ, những vị tiền nhân, đã bỏ ra rất nhiều công sức, tạo dựng nên những công trình, những ngôi chùa cổ rất quý giá và công phu, để chúng con ngày nay, có đủ phước duyên chiêm ngưỡng, đến cả những cây cối ở trong chùa nếu không có sự chăm sóc tốt của các vị Trụ trì thì đâu còn có những cây sống tới 1000 năm hoặc 600 năm như ở chùa của Ngài Lục Tổ Huệ Năng thế phát.

 Bên cạnh đó, tôi cũng không quên tán thán, những đạo hữu rất nhiệt tình, đã phụ giúp cùng Thầy hoàn thành chuyến hành hương tốt đẹp nhất là anh Tony Thạch, người chăm lo mọi việc từ A đến Z... anh Quảng Hội, anh Chánh Quang Nhật, Thiện Hưng, Chúc Quốc Lịch, chị Nguyên Như, chị Thanh Phi, Thục Đức và Mỹ Hạnh.

 Riêng lần này, ở cùng phòng với chị Thanh Phi, tôi đã học hỏi được nhiều điều hay ở chị.  Xin thành tâm tán thán chị.

Cuối cùng tôi cũng không quên cảm ơn và gởi gấm, tấm chân tình đến tất cả các bạn đạo trong chuyến hành hương, những kỷ niệm với các bạn, sẽ là gói hành trang cao quý, luôn gần gũi và không bao giờ quên khi tôi trở về với cuộc sống hiện tại của mình.

 Có bài thơ này tôi rất là tâm đắc, làm phương châm trong đời sống tu học của mình, xin được chia sẻ cùng các bạn:

Sống không giận, không hờn, không oán trách
Sống mỉm cười với thử thách chông gai
Sống an hoà với những người chung sống
Sống là động nhưng lòng luôn bất động
Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương
Sống yên vui danh lợi mãi coi thường
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.

 Cuối lời ! Con xin kính chúc Chư Tôn Đức Tăng Ni, pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, Phật sự viên thành, chúc các bạn đạo thân tâm an lạc, bồ đề tâm kiên cố, luôn hộ trì tam bảo, để phật pháp trường tồn...

 Nam Mô A Di Đà Phật
 Phổ Quang Tự, 25-11-2007

PT Như Trí 

 

CHIA SẺ KINH NGHIỆM HÀNH HƯƠNG
 TỨ ĐẠI DANH SƠN-TRUNG QUỐC

 Đất nước Trung Quốc rộng lớn, mà Tứ Đại Danh Sơn lai nằm trên 4 tỉnh  cách nhau rất xa, nên khí hậu ở mỗi nơi nóng lạnh khác nhau, do đó chúng ta phải chịu đựng tình trạng hôm  nay nóng, ngày mai lạnh. Đây là nguyên nhân khiến cho nhiều người bị bịnh vì không chuẩn bị đủ  đồ ấm. Chúng ta phải  mang theo đồ thun ấm mặc bên trong, áo khoác dày, vớ dày, bao tay, khăn nón có thể trùm kín đầu. Ở những nơi này cảnh rất đẹp, nhưng nếu ta bị cái lạnh nó hành hạ thì chẳng còn tâm trí đâu mà thưởng thức trọn vẹn cái đẹp, và chẳng may bị bịnh vì nhiễm lạnh thì phiền lắm.( Chuyến hành hương TĐDS năm 2007 có rất nhiều người bị ho vì nhiễm lạnh ) 

Không phải lúc nào phái đoàn cũng may mắn có được bác sĩ tận tâm như Bác sĩ Nguyên Đức, nên chúng ta tự  mỗi người phải mang theo thuốc nhỏ mắt, thuốc ho, cảm, đau bụng, dầu xanh, để khi cần có mà dùng, và nên đem theo vitamine C, mỗi ngày ngậm 1 viên để ngừa cảm. 

Về thức ăn thì ở Trung Quốc tuy thức ăn phong phú, rau cải đầy đủ, nhưng vì được nấu với quá nhiều dầu và lạt lẽo nên chúng ta nên mang theo nước tương, muối mè, muối ớt, rong biển khô để bữa ăn được đậm đà dễ ăn hơn. Nếu ai thích ăn ớt tươi thì phải mang theo vì ớt tươi rất khan hiếm, hầu như trong những nhà  hàng mà phái đoàn đã ăn qua, không có nơi nào  dọn ớt tươi, có một chỗ TP hỏi xin ớt tươi thì họ nói có nhưng phải mua, và được bán khá mắc .Nếu ai muốn mang theo ớt tươi thì nên gói trong giấy rồi để vào trong hộp, khi về đến khách sạn có tủ lạnh thì ta lấy bỏ vào tủ lạnh, khi nào giấy gói đã ẩm ướt thì thay giấy gói khác, giữ như vậy ta sẽ có đủ ớt tươi để ăn trong 3 tuần lễ. Ai ghiền café thì phải mang theo vì ở bên Trung quốc hình như uống trà nhiều hơn café. Hầu như khách sạn nào cũng có bình nấu nước nóng nên không cần mang theo. Và điều quan trọng, nhất là các bạn trẻ thích đi chơi tối thì nên đem theo vài tô mì ăn liền, để hôm nào đi chơi khuya về đói bụng, lạnh lẽo thì có mà ăn  ( TP nhớ có một buổi tối có 4,5 em đi chơi khuya về gõ cửa phòng TP xin mì gói, nhưng tiếc là hôm đó TP chỉ còn có 2 ly mì cho 2 vị nam đến trước, còn các cô thì đành phải nhai bánh cho đỡ đói) 

Về phương diện vệ sinh toilet thì chúng ta đành phải ráng chịu thôi. Hy vọng là hai năm qua đã có sự cải  tiến. Có một điều chúng ta nên biết là có nhiều  người Trung Quốc không chịu sắp hàng chờ đến phiên mình mà cứ tự nhiên chen vào đi trước. Biết được điều này để chúng ta không phải bực mình khi gặp trường hợp như vậy. Có thể là người ta cần đi gấp… 

Một điều nữa cũng khá quan trọng là khi đi mua hàng phải dọ hỏi 2,3 nơi và phải trả giá xuống thật thấp vì họ nói thách dữ lắm. Tuy nhiên nếu lỡ chúng ta có mua mắc thì cứ nghĩ như Thầy thường nói “Coi như mình vừa mua hàng vừa giúp đỡ cho người ta” Nghĩ được như vậy thay vì tức ta sẽ vui. 

TP chỉ nhớ những đìều trên xin chia sẻ để những ai dự định tham gia chuyến hành hương TĐDS  vào năm tới chuẩn bị hành trang và tinh thần. 

 Nói thì nói vậy thôi chứ những trở ngại này sẽ không là gì khi chúng ta có được niềm vui lớn vì đã chứng kiến tận mắt những Thánh địa nơi mà Chư vị Bồ Tát đã thị hiện để cứu độ chúng sanh, đã hít thở được linh khí ở những nơi thiêng liêng đó để tâm chúng ta có thể rộng mở, để có thể học và hành theo hạnh nguyện của Chư vị Bồ Tát.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Melbourne,12/2007

Thanh Phi

 


 TỨ ĐẠI DANH SƠN TRUNG QUỐC

Thơ của Sông Thu

Tham quan tứ đại danh sơn
Hành hương thánh tích ngã nhơn bào mòn
Bước chân nào nệ thiệt hơn
Noi gương thánh đức đáp ơn Tổ Thầy
Đi cho biết đó biết đây
Non sông tươi đẹp chốn này thần tiên
Quan Âm, Địa Tạng, Phổ Hiền
Văn Thù, Kiều Giác, Tế Điên, Vô Hà
Bố Đãi Hòa Thượng cười khà
Cười bao người khóc lệ nhòa bất an
Bon chen trong cõi nhân hoàn
Vun dày nghiệp hệ trần gian nổi chìm
Buông tay rũ phủi lụy phiền
Thân tâm thanh nhẹ kết duyên đạo mầu
Ngàn xưa mãi đến ngàn sau
Đạo tràng bền vựng đẹp mầu nhân gian.

Sáng tác lúc 5 giờ sáng tại Khách sạn Chương Trạch,
Thành phố Thái Nguyên, Tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, 28-10-2007
Sông Thu

 

tu dai danh son 2007 (13)

 

THÁNH ĐỊA NGA MI

Thơ của Sông Thu

Kim đỉnh ngàn năm mây trắng bay
Phổ Hiền Bồ Tát hạnh sâu dày
Nga Mi Phật tích hằn in dấu
Thánh địa danh sơn tải đạo mầu
Bốn mùa cây cỏ luôn tươi tốt
Dã thú muông cầm sống cạnh nhau
Người vật hài hòa vun cội đức
Phật quốc trần gian hẳn là đây.

Kim Đỉnh Nga Mi, ngày 5-11-2007
Sông Thu
 



Sau đây là những bài thơ cảm tác về cảnh trí Nga Mi:

THEO THẦY
LÊN NÚI NGA MI

Kim Đỉnh ngàn năm phủ tuyết mây
Đường lên đỉnh núi sương mù dầy
Quanh co theo dấu chân Bồ Tát
Đại Hạnh Phổ Hiền trú xứ đây
Vun trồng đức hạnh gieo đạo pháp
Đệ tử theo Thầy đạo đắp xây
Hoan hỷ hành hương khắp mọi chốn
Phật quốc tại tâm đạo tròn đầy.

Quảng Hội
 ( 6-11-07 tại Kim Đình Nga Mi)


DANH THẮNG NGA MI

Lô Đỉnh nghìn thu hoa tuyết bay
Văn Thù Bồ Tát tuệ không bày
Ngũ Đài Phật tích tìm đâu dấu
Thánh địa vang danh kiếm nhiệm mầu
Bốn mùa ánh đạo luôn soi rạng
Tám tiết mọi loài sống cạnh nhau
Tỉnh giác quay về nương đất trí
Tịnh Độ đây rồi trong phút giây

Từ Phúc
 ( 6-11-07 tại Nga Mi Sơn)


DANH THẮNG NGA MI

Kim đỉnh muôn đời hương sắc bay
Phổ Hiền Bồ Tát phẩm hạnh đầy
Phật tích Nga Mi còn lưu dấu
Thánh địa danh sơn hiển pháp mầu
Bốn mùa cây cảnh vươn tươi mát
Năm tháng đài thiên vút phương Tây
Chiêm bái hành hương tâm tâm niệm
Tìm về tịnh độ chính nơi đây.

Chúc Quốc Lịch MPL
 ( 6-11-07 tại Nga Mi Sơn)

 

DANH THẮNG NGA MI

Nga Mi sơn đỉnh Đại Phổ Hiền
Đạo mầu bồ tát hạnh thâm uyên
Ngàn năm Phật tích hằng ghi dấu
Đại hạnh Phổ Hiền một cõi tiên
Cây cỏ bốn mùa luôn tươi tốt
Non xanh bát ngát nhã hương thiền
Danh lam thắng cảnh đây Phật quốc
Bồ tát trừ nguy độ hữu duyên.


Lệ Ánh Nguyệt Thanh
 ( 6-11-07 tại Nga Mi Sơn)

 

 

DANH THẮNG NGA MI

Sáng hạ ngươn bầu trời vươn mây trắng
Nga Mi sơn đẹp tựa cảnh tiên bồng
Trời với núi hòa đan vào một thể
Tôi thấy lòng tràn ngập nỗi hân hoan
Bao mong đợi bây giờ thành hiện thực
Phật quốc ơi con đã đến đây rồi.


Thục Hà Chí Sơn
 ( 6-11-07 tại Nga Mi Sơn)

 

DANH THẮNG NGA MI

Kim đỉnh hôm nay phủ tuyết mây
Hòa Thượng Bảo Lạc vẫn hăng say
Nga Mi Phật tích đã hiển bày
Thánh Địa danh sơn thật đẹp thay
Đại chúng kinh hành lối thẳng ngay
Phó nháy nhảy tường quanh quẫn đây
Chư Tăng Phật tử cũng vui thay
Phật quốc trần gian hảy tới ngày.

Thục Đức Giác Trí
 ( 6-11-07 tại Nga Mi Sơn)

 

 

 

DANH THẮNG NGA MI

Kim đỉnh sáng nay tuyết trắng bay
Con đường tu đạo nguyện vun đầy
Nga Mi thánh địa hoài in bước
Hành hương chiêm bái đến nơi này
Núi non hùng vĩ màu xanh ngát
Muôn loài thảo mộc tỏa hương bay
Suối reo róc rách bên ghềnh đá
Nhiếp niệm Di Đà vọng trời Tây

Quảng Tuệ Nguyên Đặng Khánh Vân
 ( 6-11-07 tại Nga Mi Sơn)

 

 


DANH THẮNG NGA MI

Tứ đại danh sơn mãi còn đây
Nhân duyên hội ngộ đến nơi này
Phổ Đà Nam Hải Quan Âm độ
Cửu Hoa chín phẩm cõi trời Tây
Địa Tạng từ tôn hiển hiện ngay
Ngũ Đài xơ xác cỏ cùng cây
Văn Thù Đại Trí vẫn không lay
Nga Mi Bồ Tát hạnh sâu dày.

Quảng Tiến
 ( 6-11-07 tại Lạc Sơn)

 

----o0o---

 

 

 

Kim Đỉnh Nga Mi

 

Đại đỉnh nghìn năm núi tiếp mây,
An nhiên sừng sững chốn cuồng say,
In dấu nơi đây Bồ Tát hiện,
Hành môn Thập Hạnh cứu độ sanh.
Ai người dừng bước Nga Mi Đỉnh,
Nước mắt vòng quanh, hổ thẹn mình,
Hiển đồng một tánh Chân Như thể,
Phàm trần trôi mãi kiếp phù sinh.
Hôm nay đối trước Kim Đài Tượng,
Ôm chí nguyện Ngài trải khắp phương,
Hoằng dương Thập Chủng tròn tâm hạnh
In dấu muôn nơi Đức Phổ Hiền,
Êm đềm nhập cõi Chân Như tịnh,
Non nước nghìn năm hóa hồng liên.

 Nam Mô Đ.A.I H.A.N.H P.H.O. H.I.E.N. Bồ Tát.

 Houston, 11/15/2007

Quảng Thanh NN

 
 

Trên đỉnh Nga Mi

 

Ngược gió hương thiền xa rộng bay
Nga Mi lập nguyện hạnh công dày
Mây treo đỉnh núi hằng thanh tịnh
Hoa nở sườn non lẽ nhiệm mầu
Tánh Tướng hòa dung đồng một Thể
Sắc Không tương nhiếp cũng như nhau
Phổ Hiền tùy thuận thường tu tập
Hồi hướng ân triêm khắp đó đây

 Tâm Quang kính hoạ
Brisbane 2007

 

 

Đỉnh núi Nga My

Đỉnh núi trường thiên gió thổi bay
Phổ Hiền xưa có luyện công dày
Nêu cao đức hạnh hằng ghi nhớ
Trí tuệ quang minh vẫn khắc màu
Hoa lá bốn mùa khoe cảnh sắc
Muôn loài thụ tạo sống cùng nhau
Ngàn năm lời Phật vang trong đá
Hương khói thơm lừng khắp đó đây

Lu Hà
(Đức Quốc, 27-11-2007)

 


To China for
Buddhist famous temples

 

 
Soon, the Teacher leads his disciples,
To China for Buddhist famous temples.
 
He goes just to go for no place,
The disciples go for some places they wish to go.
Form is Emptiness he looks just to know,
Emptiness is Form the disciples know to wish!
He insights for "let go" process,
The disciples dream on happiness of the Heaven.
Bodhisattvas go down on earth with the mission,
On shoulders, carrying us out of the distress.
The beings are enjoying in their desire in unconsciousness,
Their shoulders are fulfilled with hatred and cruelties!!!
 
Oh Beings! Are distorted and unhappy!
In the darkness, could not get out of the sufferings in round of rebirths.
Well, no longing, no coming on earth,
If go just to go then going no place,
If looking just to see there is no clinging on attachments
 
Cheer and so long Thay, for you, a Bodhisattva.
Wishing you all a  "Bon Voyage".
 Helen Nguyen
 
 Hành hương Trung Quốc Tứ Danh Sơn
  
Mai này đây Thầy sẽ cùng đệ tử,
Hành hương Trung Quốc Tứ Danh Sơn.
Thầy đi để mà đi…. những nơi không đến,
Đệ tử đi để mà đến…. những chỗ mong đi.
Sắc tức thị không Thầy nhìn chỉ để thấy,
Không tức thị sắc đệ tử thấy để mong cầu!
Thầy tịnh quán để biết mình chẳng vướng mắc vào đâu,
Đệ tử trầm tư mong được về thiên giới
Bồ tát xuống trần gian với hai vai nhỏ,
Gánh chúng sinh ra khỏi đau buồn.
Nhưng chúng sinh thì cứ mãi vấn vương.....
Vai cũng nặng nhưng tràn đầy tội lỗi!
Chúng sinh đang đau khổ, đang tơi bời!
Chạy vòng quanh qua sáu nẻo luân hồi!
Nếu đừng mong cầu thì đâu phải tội,
Nếu đi chỉ để mà đi thì đâu đến nỗi,
Nếu nhìn chỉ để mà nhìn thì đâu mãi vấn vương.
 
Chúc Thầy cùng đệ tử mai mốt lên đường,
Được Thượng Lộ Bình An và mọi điều may mắn.

Maryland, USA October 12, 2007
Đệ tử Helen Quảng Tuệ Nguyện
 
 


 

 

VIẾNG
LINH SƠN ĐẠI PHẬT

 

Một buổi sáng có mưa sa
Linh Sơn Đại Phật Di Đà hiện ra
Bóng Ngài mờ ảo xa xa
Đến gần nhìn rõ lòng ta bồi hồi
Trời quang mưa tạnh tức thời
Nhìn Ngài phúc hậu môi cười xinh xinh
Tay trên cứu khổ chúng sinh
Tay dưới tiếp độ anh linh thoát trần
Trần gian khổ ải vô ngần
Nghe lời Phật dạy tham sân hãy dừng
Vui buồn bỏ lại sau lưng
Tâm luôn ghi nhớ danh xưng Di Đà
Bao nhiêu tội chướng hằng sa
Dần dần tiêu sạch lộ ra chân thường
Tâm bi trí dũng kiên cường
Vững lòng tiến bước trên đường về Tây.

(Vô Tích 25-10-2007)
Đệ tử Thanh Phi

  

 


TỨ ĐẠI BỒ TÁT

 Hôm nay gióng Đại Hồng Chung
Bỗng dưng chợt thấy nhớ nhung thật là
Quan Âm tại núi Phổ Đà
Viên thông vận dụng cứu qua ách nàn.
Nga Mi Sơn đỉnh ngút ngàn
Phổ Hiền Đại Hạnh soi đàng chúng sanh.
Tuyết, mây bao phủ non xanh
Ngũ Đài Sơn ấy để dành cho ai?
Văn Thù Bồ tát đại tài
Tay gươm cắt đứt não lai thế tình
Tay cầm Bát Nhã Tâm Kinh
Khai thông trí tuệ, vô minh xa dần.
Cửu Hoa Sơn cũng ngút ngần
Kim Thân Bồ tát cận thân tội hình
U minh xiềng xích hãi kinh
Tạng Vương Bồ tát hy sinh mở vòng
Boong… boong…tiếng vọng thinh không
Tứ ân Bồ Tát nguyện lòng noi gương.

   ( 13-11-2007)
   Đệ tử Thanh Phi

 

 

Vịnh Tứ Đại Danh Sơn

Kính mừng phái đoàn hành hương
của Tu Viện Quảng Đức tháng 10 – 11 / 2007

 Nam mô Phổ Đà Sơn Đại Bi Quan Thế Âm Bồ-tát 

Vịnh Phổ Đà Sơn

 

Thị hiện Quán Âm núi Phổ Đà

Giúp người chìm nổi đã hằng sa

Ngàn tay độ chúng lên bờ giác

Ngàn mắt soi dân khỏi biển tà

Nước tịnh sái tâm về Cực Lạc

Cành dương kham nhẫn thoát Ta-bà

Thường hành bình đẳng trừ nguy hiểm

Như mẹ nhớ con, trẻ nhớ nhà.

 

 Nam mô Cửu Hoa Sơn Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ-tát

 Vịnh Cửu Hoa Sơn

 

Thơm ngát Cửu Hoa hương Hiếu Kinh

Nguyện sâu Địa Tạng độ hàm linh

Cung trời Đao Lợi khuyên từ mẫu

Cõi đất U Minh vớt chúng sinh

Đất chứa muôn duyên hằng tịch tịnh

Đất dung nhất thể tánh thường minh

Bao giờ tiếng khổ không còn nữa

Quả chứng Bồ Đề mới rỗng thinh.

 

 

Nam mô Ngũ Đài Sơn Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát

 Vịnh Ngũ Đài Sơn

 

Văn Thù hầu cận Đấng Như Lai

Gương sáng bừng soi tỏa Ngũ Đài

Gươm Trí đoạn lìa nguồn ái nhiễm

Cành Sen vượt thoát cảnh trần ai

Dung thông Bát-Nhã xa mê khổ

Diệu dụng Chơn Như dứt nạn tai

Sáu nẻo luân hồi luôn tự tại

Đường về Bảo Sở bước khoan thai.

  

Nam mô Nga Mi Sơn Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ-tát

 

Vịnh Nga Mi Sơn

 

Cao vút Nga Mi nguyện Phổ Hiền

Sáu ngà voi trắng hạnh tinh chuyên

Cúng dường sám hối bồi công đức

Lễ kính xưng dương tạo thiện duyên

Thỉnh Phật ở đời thường chuyển Pháp

Cầu Tăng trụ thế sáng gương Thiền

Thực hành tùy hỷ đồng an thuận

Hồi hướng muôn loài thảy tịch nhiên.

 

Tâm Quang

Brisbane 2007

 


Vịnh Chùa Treo
(Chùa Huyền Không, Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây)

Uy nghiêm giữa núi rừng cheo leo
Tạo dựng ngôi chùa vách đá treo
Mái ngói rộng dung hàng thánh tục
Thềm rêu vui đón khắp giàu nghèo
Biển mê sóng cả còn ngụp lặn
Bến Giác thuyền đơn khéo lái chèo
Chìm nổi quê xưa quày trở lại
Hồ sen in đáy nước trong veo. 

Tâm Quang
Brisbane 2007

 


Gởi Lại Mây Ngàn

 

Thì thôi, gởi lại bên đời
Mai về đất Phật rạng ngời tâm linh
Sáng ra cây cỏ chuyển mình
Núi non xanh biếc, ẩn hình Như Lai

 Thì thôi, gởi lại tháng ngày
Mai về đất Phật miệt mài kệ kinh
Kiếp này trong cõi tử sinh
Nguyện nương theo ánh bình minh Phật đà

 Thì thôi, gởi lại Ta bà
Sân, si, ái, ố hằng sa lụy phiền
Mai này trả hết nghiệp duyên
Bước chân thanh thản về miền hư không

 Thì thôi, gởi lại bên dòng
Câu kinh lời nguyện cho lòng thảnh thơi
Mai ta tìm một góc trời
Ngồi nghe sóng vỗ bên đời hợp, tan

 Thì thôi, gởi lại mây ngàn.

 Quảng Tuệ Nguyên Khánh Vân
(tại Quan Âm Nam Hải, Phổ Đà Sơn - 23/10/07)

 

 Bước Di Đà

 Lên non, niệm khúc Di Đà
Đi không mong đến, hài hòa bước đi
Bước trong chánh niệm vô vi
Lòng ta thanh thản, ngại gì núi sông

 Quảng Tuệ Nguyên Khánh Vân
(tại Bái Kinh Đài, Cửu Hoa Sơn - 25/10/07)

 

 Trăng

 Đêm không mơ, Trăng cũng rằm
Chênh vênh chiếc bóng cứ nằm ngả nghiêng
Tóc dài phủ góc trời riêng
Mắt sâu thăm thẳm một miền hoang vu

 Từ Trăng trổ nhánh phù du
Từ ta hạt bụi thiên thu trở về
Từ sông êm ả nhiêu khê
Từ trong tiền kiếp người về trăm năm

 Tạ ơn Trăng sáng, nguyệt rằm
Cho đêm in bóng Trăng nằm cheo leo

 Quảng Tuệ Nguyên Khánh Vân
(tặng chị Thương Thương để nhớ về ánh Trăng tại Cửu Hoa Sơn)

 Mênh Mông

 Chợt trời mây phủ mênh mông
Chợt tôi đứng giữa thinh không lặng nhìn
Bước trần, những bước vô minh
Mù sa khắp nẻo lời kinh vọng về.

 Quảng Tuệ Nguyên Khánh Vân
(tại Chùa Treo, Ngũ Đài Sơn - 30/10/07)

 

  Ngọn Nguồn

 
Xuống sông, ngồi hỏi ngọn nguồn
Cớ sao mưa đổ nỗi buồn vào đêm
Mưa khua điệp khúc êm đềm
Hạt tan, hạt đọng, trải mềm chân như.

 Quảng Tuệ Nguyên Khánh Vân
(một đêm mưa)

 

 

Đôi Tà Áo Bay

 Tà áo Việt Nam thướt tha bay
Trong nắng ban mai, đón chào ngày
Vạn Lý Trường Thành, ôi đẹp quá
Có đàn bươm bướm dập dìu bay

 Tà áo Quê Hương của tôi ơi!
Nhẹ bay trong gió, ngất ngây đời
Vạn Lý Trường Thành, ôi xinh quá
Khiến hồn lữ khách bỗng chơi vơi

 Quảng Tuệ Nguyên Khánh Vân
(tại Vạn Lý Trường Thành, Bắc Kinh - 02/11/07)

 

Đỉnh Phù Vân

 

Kim Đỉnh sáng nay tuyết trắng bay
Con đường tu đạo nguyện vun đầy
Nga Mi chiêm bái hoài in bước
Lữ đoàn Quảng Đức đến nơi này
Núi non hùng vĩ màu xanh ngát
Muôn loại thảo mộc, tỏa hương bay
Suối reo róc rách bên ghềnh đá
Khúc niệm Di Đà, vọng trời Tây

 Quảng Tuệ Nguyên Khánh Vân
(hoạ thơ HT Bảo Lạc tại Nga Mi Sơn - 05/11/07)

 

 Duyên

 duyên tan, duyên hợp, rồi tan
luân hồi mấy bận, tựa ngàn mây bay
câu kinh soi sáng tâm này
tiếng chuông thức, tỉnh mở ngày tinh khôi

 Quảng Tuệ Nguyên Khánh Vân
(view of sunrise from KS Hoa Hạ, Quảng Châu – 07/11/07)

 

 

Mừng Thầy và Phái Đoàn Trở Lại

 
Mừng Thầy và phái đoàn trở lại,
Trong niềm vui, buổi hân hoan đoàn tụ ấy.
Người đã về sau nhiều ngày thăm viếng Tứ Đại Danh Sơn.
Kể nhau nghe những chuyện vui buồn.
 
Duyên nào đến, duyên nào đi, ai biết trước?
Hội ngộ núi sông, hội ngộ thuyền, hội ngộ bến.
Chốn này đây, kiếp nào đó, đã hẹn nhau?
Còn chúng sinh, còn sông núi, còn phù du.
Bọt bèo trên sóng, phận mong manh cho một kiếp.

Tan thành nước, dòng thời gian luân chuyển.
Kiếp sau, rồi lại kiếp sau, nào ai biết!
Nơi chốn nào, bọt lại nổi duyên xưa?
Kể nhau nghe: " Ồ!  đã cùng  Sư Phụ  một chuyến…ở kiếp xưa,"
"Tứ Đại Danh Sơn, bảy mươi hai người  đầy đủ…."
"Tên gì nhỉ ?… ô, quên rồi, kỷ yếu đâu …mở ra xem thử…"
"Giòng chữ còn đây, kỷ niệm ấy, người giờ đâu?"
 
 Núi kia xanh, vẫn xanh ngát một màu,
sông kia chảy mạnh, vẫn còn chảy mạnh,
Nhưng không duyên thì dù có đến!
Chẳng gặp nhau, chờ muôn kiếp ở mai sau.
Lòng vương vấn chút sầu đau!
 
Người đi ta ở lại nhà,
Xem hình trên mạng thôi thà thế thôi.
Nghe câu chuyện kể cũng vui.
Gởi bài thơ nhỏ  đến người….cảm ơn.
 
 
Welcome Home from a Bon Voyage
 
Welcome back, Thay, a Bodhisattva,
Leading his disciples home safely from a bon voyage,
Group had seen, in China, many Buddhist places.
Shaking hands, sharing the stories in the happiness.
 
Comes and goes the conditions could not be predicted,
Meeting those landscapes, seem, already had been set,
Some times ago, one sowed the seeds.
There are beings, there are places, the impermanence always been existed.
 
The bubbles on the waves, the short lives, they're aware of it.
Bursting out and returning into the liquid,
Flowing in a stream for the next lives as they wished,
Lives after lives are continued by the karmas' lead.
At some waves, the bubbles formed and would meet again.
Would tell each other:" Oh, I happen to recall, we had a chance,"
"Went to China with Su Phu, together with seventy five in a trip…"
"What were their names? Oh, no!, I have forgot."
"Opening the 'memory book', their stories, their poems, their pictures, but where are their habitats?"
 
Evergreen, the mountains continue being evergreen,
Flowing fast, the rivers continue flowing fast.
Meeting one, waiting for the conditions, it 's hard to get.
Sad! the bubbles, a moment, they feel sad!
 
Somewhere you went, somewhere at home we missed,
It was nice you kept us up to date.
Sharing all the pictures and stories on the Internet.
Cheers and welcome back, Thay and group, returning in safe.
Home, Sweet Home, thank you all with this poem to appreciate.
 
 Helen Quảng Tuệ Nguyện
(Maryland, USA)
 
 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/06/2013(Xem: 4707)
NGŨ ĐÀI SƠN, NƠI HÓA HIỆN CỦA BỒ TÁT ĐẠI TRÍ VĂN THÙ
24/06/2013(Xem: 5245)
NGŨ ĐÀI SƠN, NƠI HÓA HIỆN CỦA BỒ TÁT ĐẠI TRÍ VĂN THÙ
24/06/2013(Xem: 6270)
Tế Điên Hòa Thượng (1150-1209), Ngài vốn thuộc phái Dương Kỳ, tông Lâm Tế, sống vào đời Tống, người Lâm hải (Chiết Giang), họ Lý, tên Tâm Viễn, tự Hồ Ẩn, hiệu Phương Viên Tẩu.
24/06/2013(Xem: 5126)
Chùa thờ tượng Quan Âm Trượng Phu Tướng ở Viên Thông Điện, ngôi chùa do Vua Khang Hy tạo dựng đặc biệt chùa này có tôn thờ 32 hóa thân của Bồ Tát Quan Thế Âm, đây là ngôi chùa lớn nhất tại Phổ Đà Sơn, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc.
24/06/2013(Xem: 4404)
Đất nước Trung Quốc rộng lớn, mà Tứ Đại Danh Sơn lai nằm trên 4 tỉnh cách nhau rất xa, nên khí hậu ở mỗi nơi nóng lạnh khác nhau, do đó chúng ta phải chịu đựng tình trạng hôm nay nóng, ngày mai lạnh.
24/06/2013(Xem: 4786)
Từ khi đặt chân về Úc cho đến nay mặc dù rất bận rộn cho những công việc, sau bao ngày vắng nhà, nhưng những hình ảnh bên Trung Quốc cứ mãi chập chờn trong trí óc tôi.
24/06/2013(Xem: 5371)
Ta Bà khổ lắm ai ơi Mau mau niệm Phật cho vơi nghiệp này Muôn vàn bể khổ đắng cay, Từ muôn vạn kiếp chất đầy thân ta Niệm một câu Phật, Di Đà.
24/06/2013(Xem: 4603)
Buổi sáng mùa thu ở Trung Quốc dường như rất muộn, những tầng mây xám đang trôi lừng lững trên cao không làm chúng tôi chùn bước.
24/06/2013(Xem: 5060)
Như chương trình đã sắp đặt trước cả năm, phái đoàn hành hương Tứ Đại Danh Sơn Trung Quốc gồm 72 người do Tu Viện Quảng Đức tổ chức đã lên đường đúng vào sáng chủ nhật 21-10 và đã về đến nơi an toàn vào ngày 8-11-2007 sau 19 ngày.
24/06/2013(Xem: 5186)
Lục lại trong ký ức bài thơ 55 năm trước, tôi không thể nào nhớ nổi tác giả, nhưng chắc hẳn một điều là nhà thơ nay đã an trú nơi một cõi xa xăm nào đó trong vòng sanh tử luân hồi.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]