Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Pháp vị công đức.

24/06/201316:29(Xem: 5224)
Pháp vị công đức.

Hành hương chiêm bái
Tứ Đại Danh Sơn ở Trung Quốc

(TỪ NGÀY 21/10/07 ĐẾN 08/11/07)

lequyy-chuavannien-small

PHÁP VỊ CÔNG ĐỨC


Bài học thuộc lòng hồi lớp nhất , thể thơ song thất lục bát tôi còn nhớ như sau:

Đi ngày đàng sàng khôn học được
Bước chân ra mỗi bước mỗi hay
Đi cho biết đó biết đây
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn!
Kìa thế giới bao vây quanh quất
Người bao nhiêu là đất bấy nhiêu
Sông to, núi lớn cũng nhiều
Đường đi, lối lại trăm chiều ngổn ngang.
Người bốn giống: đen, vàng, đỏ, trắng
Trời bốn phương: nam-bắc-đông-tây
Non non, nước nước, mây mây
Chẳng đi sao biết non nầy thổ kia.

Lục lại trong ký ức bài thơ 55 năm trước, tôi không thể nào nhớ nổi tác giả, nhưng chắc hẳn một điều là nhà thơ nay đã an trú nơi một cõi xa xăm nào đó trong vòng sanh tử luân hồi. Nhân đi nhiều nơi giúp ta học hỏi được nhiều điều quí báu, người viết muốn ghi lại đôi điều về cuộc hành hương và chiêm bái các Phật tích để quí đọc giả dễ chọn lựa khi có quyết định muốn tham gia như:

- Hành hương khác với du lịch ở những điểm nào? Có ít nhất 4 điểm khác biệt của việc hành hương: a) Chiêm bái các Phật tích như đi mỗi bước lạy một lạy hay ba bước lạy một lạy, đi kinh hành nhiễu Phật hay nhiễu tháp thờ xá lợi của Phật, chư Tổ… b) Tới mỗi thánh tích đều có tụng kinh, niệm Phật, phục nguyện, hồi hướng, và phần quan trọng là giảng giải sự tích hay lịch sử tại đó để mọi người cùng hiểu. c) Mỗi thành viên tham gia đoàn phải có áo tràng màu lam ( đối với nam, nữ Phật tử), tức áo lễ Phật tại chùa hay tại nhà, để gây được một sắc thái đặc biệt đối với những khách tham quan khác. d) Mỗi người đều chấp tay búp sen và niệm Phật trong bước đi khoan thai có hàng lối hẳn hoi trông thanh thoát nhẹ nhàng; tạo nên một sức mạnh khó có thể dùng vật để sánh ví, khiến cho nhiều người nể phục, cúi đầu, chấp tay xá chào… Tất cả du khách đều dừng lại nhường bước hay đứng nép qua một bên trong tư thế chấp tay, và nhất là những người có máy nhiếp ảnh chụp hình lia lịa không ngừng tay. Ngoài ra, đoàn áp dụng theo kỷ luật nhà binh đúng giờ giấc, cũng như ứng dụng giới luật vào đời sống ngay trong thực tế mỗi ngày, để mọi người có cơ hội thực tập và hành trì.

- Ứng dụng giới luật vào đời sống: Trên xe bus đoàn hành hương đều có thời tụng kinh sáng ( nếu thời giờ thích hợp). Xe tôi ngồi có 38 người, ngày đầu thời kinh mai kéo dài tới 45 phút, vì đọc 5 đệ Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đại Bi, Thập Chú, Kinh Bát Nhã, niệm Phật, hồi hướng v…v… Kết quả nghe ra chừng một phần ba người đọc được còn bao nhiêu đều lặng thinh. Rút kinh nghiệm, hôm sau tôi không tụng 5 đệ Lăng Nghiêm mà chỉ tụng tựa Lăng Nghiêm, Đại Bi, Thập Chú, hồi hướng. Lời kinh hòa với tiếng mõ, nhịp chuông trên xe lăn bánh nơi đường phố ban sáng làm cho tâm tư mọi người lắng đọng, thanh tịnh. Tài xế, tour guide cũng chú ý để hết tâm tư vào việc làm của họ và giữ im lặng.

Sau khi thời kinh chấm dứt, tôi phát hiện ra điều này, là hầu hết ai cũng bị ‘hớ’hay mắc lỗi, nói đúng ra là phạm giới thứ tư mà người Phật tử đã thọ. Tại sao tụng kinh sáng lại phạm giới? Vì trong lúc mọi người tụng, tôi nghe kỹ bài ‘Thượng lai…’ tới câu: ‘ Phúng tụng Lăng Nghiêm chư phẩm chú’. Mà thực tế mọi người chỉ tụng chú Đại Bi, thập chú chứ không tụng 5 đệ Lăng Nghiêm. Tại sao đọc: ‘Phúng tụng Lăng Nghiêm chư phẩm chú’, có phải đã tự dối với Phật Thánh không? Nghiệm ra điều này làm cho ai cũng thấy thấm thia, nhất là đối với những người Phật tử tâm thành. Thế là, bửa sau không ai mắc phải lỗi quấy đó nữa. Nhân đây, tôi khen và tán thán đại chúng đã ứng dụng bài học hiệu quả cho việc giữ giới của mình. Việc hành trì giới luật cứ như thế mà tiến, hẳn người Phật tử tránh phạm lỗi lầm ngay trong sinh hoạt hằng ngày. Và còn nhiều những việc trước mắt dạy ta những bài học sâu sắc mà không dễ gì tìm được trong kinh điển hay ở bất cứ trường lớp nào. Chẳng hạn đoàn tới khách sạn ‘Chương Trạch’ tại Thái Nguyên nhân trong bửa điểm tâm trên mỗi bàn có đề câu này: ‘Lãng phí giả, gia thâu năm mươi doãn’, có nghĩa là người nào phung phí đồ ăn ( nếu phát hiện ra được), phải đóng thêm cho reception 50 đồng. Chữ người lãng phí nói đây nhằm nói lên tánh tham lam của cái bao tử mà chủ nhân nó chủ động. Có câu nói: ‘Con mắt lớn hơn cái bụng’, để chế giễu người nào ăn không hết mà vẫn lấy đồ cho cố rồi bỏ, khiến người sau không có mà ăn. Cùng ngồi chung bàn có sư cô H.N. người Hoa, nhưng tiếng Việt chưa nhuần nhuyễn, cô nhờ tôi dịch câu trên cho đoàn cùng hiểu. Tôi dịch và rồi phân tích như sau: Vấn đề không chỉ đơn giản như thế, người nào lấy đồ ăn dư là phạm giới thứ hai, như đã phát nguyện trước Tam Bảo. Nếu ai cố tình phạm, lỡ khi bước ra cửa nhân viên lục xách tay phát hiện được, quả là ê ẩm cả đoàn! Việc làm thiếu suy nghĩ đó có ảnh hưởng không tốt đến tập thể người Việt nói chung, còn riêng cá nhân người trong cuộc cũng chỉ bị è cổ đóng phạt 50 Yuan tương đương với $7 US (Mỹ kim) và hổ trẻn tại chỗ. Và nếu có người bên cạnh biết, chắc là đương sự hối hận lâu dài, nếu không muốn nói là suốt đời. Khi nghe tới đó, có vị đã tự thốt lên: ‘Hôm qua, con có lấy 2 cái bánh bao bỏ túi xách mang ra khỏi nhà hàng, có phạm tội tham lam không?’. Vấn đề hết sức tinh tế, tôi liền trấn an ngay: mỗi người chúng ta ai cũng đều có bịnh cả, nếu quý vị do bệnh duyên uống thuốc, cần phải có thức ăn nhử cái dạ dày, sau mới uống để thuốc khỏi công phạt, là quý vị không có lỗi chi cả. Thế là bà con trên xe ai cũng tỏ ra hoan hỷ theo cách giải thích nửa thực nửa hư của tôi. Và cũng từ ngày đó cho đến ngày cuối chuyến đi, đoàn hành hương ( do ĐĐ. Nguyên Tạng. tu viện Q.Đ Melbourne tổ chức) không ai mắc phải vào thói xấu quen thuộc như xưa nay nữa. Ngoài ra, chúng tôi còn đưa ra nhiều trò chơi giải trí bổ ích trên những đoạn đường bộ ngồi xe bus khoảng 5,6 tiếng đồng hồ như Đaị Đồng- Bắc Kinh, Bắc Kinh- Tứ Xuyên v…v…, chẳng hạn như ra chủ đề và chọn số người trình bày; thành lập ban giám khảo (4 người) chấm điểm, cũng như treo giải người nào đạt điểm cao. Cũng có lúc cả xe ai nấy viết câu hỏi và chúng tôi trả lời; đôi khi lại còn xen kẻ vào đó là chương trình ngâm thơ, vọng cổ, đố vui… Và cuối cùng là họa thơ theo thể cách: vần, điệu, đối ý, đối lời thể Đường luật thất ngôn bát cú (bài thơ mỗi câu 7 chữ và 8 câu) như bài Thánh tích Nga Mi sau:


Kim đỉnh ngàn năm mây trắng bay
Phổ Hiền Bồ Tát hạnh sâu dày
Nga Mi Phật tích hằn in dấu
Thắng cảnh danh sơn tải đạo mầu
Bốn mùa cây cỏ luôn tươi tốt
Dã thú muông cầm sống cạnh nhau
Người vật hài hòa vun cội đức
Phật quốc trần gian chính là đây.


Sông Thu(Nga mi sơn ngày 6/11/2007)

Với bài thơ trên đã có 9 bài họa lại, nhưng chưa đạt, dù vậy một giải thưởng khuyến khích cũng đã được phát cho anh Quảng Hội vào đêm chia tay (7/11/07) tại nhà hàng Đại tửu gia- Quảng Châu, cùng với 3 giải thưởng khác mà chủ đề như đã nêu trên. Ba Phật tử nhận được phần thưởng là Quảng Tiến (tức Thiện Kim), Thanh Phi và anh Thiện Hưng. Những phần thưởng tuy không đáng giá là bao, nhưng về mặt tinh thần mới là quan trọng. Nhờ hăng say làm việc, sốt sắng tham gia những trò chơi nên đoàn hành hương từ người lớn tuổi- cụ già trên 80 tuổi, đến chú nhỏ tuổi- 25 tuổi, ai cũng đều phấn khởi, mạnh khỏe theo đuổi cho tới đoạn cuối, không ai bỏ cuộc.

- Tôn trọng điều lệ: bất cứ một tổ chức nào muốn thành công phải có một số qui định rõ trong Nội qui, qui chế, khế ước, giao kèo, hiến chế, hiến chương hay hiến pháp của một nước, để mọi người áp dụng hầu duy trì được cơ cấu tổ chức. Đây là một số điều qui định vô văn tự cần lưu ý các thành viên theo đoàn hành hương như:
- Chiếc nón lưỡi trai có hình lá cờ Úc do anh Tony cung cấp tại phi trường Sydney ngay hôm khởi hành vào sáng ngày 21/10/2007. Thành viên của phái đoàn ngoài bảng tên có hình đeo nơi cổ, lại thêm có chiếc nón made in Australia nữa, hẳn suốt chuyến đi không ai bị lạc là điều hiển nhiên. Đây cũng là một ký hiệu đặc biệt trong những chỗ đông người như chùa Linh Aån- nơi Ngài Tế Điên hành đạo- tại Hàng Châu; Thiên An Môn và cung điện mùa hè hay Di Hòa Viên tại Bắc Kinh, nơi khách hành hương tấp nập như chỗ đô hội không bằng. Và còn nhiều nơi đông đảo khác nữa như Phổ Đà Sơn,Vô Tích với Đại Phật Di Đà cao 88 mét và một công viên rộng hằng chục ngàn hecta với nhà ngang dãy dọc, đường sá rộng thoáng, hay tượng Phật Di Lặc 71 mét điêu khắc trên ngọn núi tại Lạc Sơn- Thành Đô hơn 1000 năm qua do công đức của đại sư Hải Thông quyên giáo, và sau các đệ tử tiếp tục nối chí sư phụ hoàn thành, trải qua gần 50 năm mới tạo dựng xong pho tượng lịch sử mà du khách chỉ có thể dong thuyền trên dòng trường giang mới chiêm ngưỡng được hết toàn thân tôn tượng từ dưới chân lên tới đỉnh. Sau khi đi thuyền quan chiêm Đại Phật, chúng tôi đổ bộ lên bờ dùng lô ca chân lên đỉnh núi quán sát lại bức tượng một lần nữa. Càng tới gần tượng Phật càng như xa hẳn ta, khách chỉ có thể đứng tới vai pho tượng để chụp hình mà không thấy được toàn diện như khi ta ngắm từ dưới dòng sông, nhất là qua ống kính máy chụp hình mà phải là nhà chuyên nghiệp mới lấy hết được toàn bức tượng. Nhân đây, người ta cũng nghe kể lại truyền thuyết cho rằng, ngã ba con sông: Mân giang, Thanh giang và Đại Độ hà này gặp nhau tại đây nên dòng nước xoáy rất mạnh. Tương truyền rằng nơi đây có thủy quái và sóng to gió lớn làm nhiều ngư phủ bị thiệt mạng về mùa nước lũ tháng 10 và tháng 11 hằng năm, cũng như người dân quanh vùng trước đây hể gặp mùa mưa bão là bị thiệt hại về nhà cửa, nhân mạng không ít. Tiếng kêu than của dân chúng như lọt vào hư không không ai đoái hoài đáp ứng. Có lẽ nhờ tâm chí thành nầy của nhiều người, nên có một tăng nhân từ phương xa đến và tìm tới ngọn Lăng Vân Sơn này lập am tu hành với ý định tạo tôn tượng đức Phật tầm cở để mượn thần lực qua Bồ Tát hầu hàng phục được thủy quái, khiến cho thuyền ghe qua lại không còn bị làm hại và đồng thời làm điểm tựa tâm linh cho người dân trong vùng qui ngưỡng. Do vậy, ngài Hải Thông luôn hy vọng và tin tưởng vào tâm thành của mình, hẳn được long thần hộ pháp và lực từ bi của Tam Bảo gia hộ. Một công trình quá to lớn cần đòi hỏi nhiều nguồn nhân lực, vật lực, nhất là tài chánh tìm ở đâu ra. Đối với một sơn tăng, chỉ vỏn vẹn có 3 y và một bình bát? Trong những thời công phu, tọa thiền buổi khuya Ngài luôn cầu nguyện cho dự án tạo dựng pho tượng Phật chóng thành; và ngày ngày Ngài thường đi đó đây khuyên giáo để mọi người phát tâm gieo duyên tạo phước. Việc quyên góp có lúc được lúc không, qua những mùa mưa nắng, tuyết giá đều phó mặc, người chỉ một mực nhiếp tâm trong chánh niệm. Nghe đâu quyên góp được gần một năm, công trình bắt đầu, mặc dù biết số tiền lúc đó như muối bỏ biển chẳng thấm vào đâu. Ngài tự nghĩ: còn nước còn tát, hể còn sức khoẻ và hơi thở ta nguyện đeo đuổi tới cùng không thối lui bỏ cuộc. Nhờ nguyện lực kiêm thệ ấy của Ngài mà được mọi người đồng lòng trợ lực vào công việc tạo tượng. Ngài dừng chân tại những nơi chợ búa, phố phường với tấm bảng đề rõ mục đích ở trước mặt để kêu gọi mọi người phát tâm bố thí. Hạnh nguyện Ngài đã được nhiều người đáp ứng.

ngamison_final-small



Lúc bấy giờ hai thợ điêu khắc tên là Thạch Thành và Thạch Hư được mời tới thương lượng, bàn thảo, đặc kế hoạch, Hòa Thượng bảo họ: ‘Tôi có ý định khắc trên ngọn Lăng Vân này một pho tượng đại Phật, mong hai vị họp lực, góp sức!’. Thạch Hư lại nhìn lên núi với tượng Phật, lòng đầy cao hứng, bèn thầm nghĩ: “ chà núi Lăng Vân này thập phần tú lệ có chùa Lăng Vân lại có đại Phật và như thế mỗi năm có nhiều người lui tới lễ Phật cúng bái cầu nguyện. Nếu ta khắc trên núi nhiều tượng nhiều kiểu với các hình Phật đủ loại, công việc làm của ta hẳn để lại hậu thế lâu dài!”. Từ đó lại có nhiều người yêu cầu ta khắc tượng càng ngày càng đông. Nghĩ tới đó y nói: “ Thủy quái ở Tam giang, thập phần hung ác, tôi nghĩ chỉ có cách khắc lên 1000 tượng Phật mới có thể trấn ngự được chúng”. Lúc ấy thấy Thạch Thành bên cạnh làm thinh không nói một lời, Hòa Thượng hỏi: “ Thầy Thạch Thành, ông có ý kiến chứ!”. Thạch Thành chẳng bận trả lời nhìn xuống đất nói: “ Theo tôi, có khắc thời nên khắc một tôn tượng Phật duy nhất, cao lớn tại trên núi nầy”. Thạch Hư nhìn lên núi nói: “ Núi nầy đã cao thẳm, vách núi lại sắc cạnh ( lởm chởm) Ngài bảo điêu khắc tượng Phật lớn, biết khắc tới bao nhiêu tháng bao nhiêu năm cho xong?”.Thạch Thành nói:” núi thạch nham nầy đã trải qua thời gian phong ba vũ bão phải tạo tòa Phật tượng to lớn mới có thể trấn giữ quỉ quái ở Tam giang được”.Thế là cuộc thảo luận giữa ba người đã có được một điểm chung, là khắc tượng Phật lớn vào núi. Công việc Phật sự to lớn này cần sự hy sinh không thể một sớm một chiều mà thành được; Và họ bận rộn bắt tay ngay vào thực hiện như vẽ đồ án, tính kỹ thuật, độ bền, vật liệu làm tượng v…v…Hòa Thượng Hải Thông lo việc đi hóa duyên tại các nơi như Trường Giang, Nhạn Hà thời gian lâu. Đồng thời còn mời thêm được một số thợ điêu khắc và nhiều nhân công đem về.Số người này cùng hợp tác với Thạch Thành trong công việc điêu khắc đại Phật. Nhiều người lớn tuổi trong vùng mách nhau rằng lão Hòa Thượng mời người tới đây điêu khắc tượng đại Phật, trấn áp thủy quái ở Tam Giang, nên tự động kéo tới phụ lực, kẻ pha trà người đưa cơm tới hết lòng ủng hộ. Tại núi Lăng Vân người tới kẻ lui nhộn nhịp; ngàn lần huy động, ngàn tiếng đáp lời như sấm, chỉ trong thời gian núi đá đục rơi như mưa. Thủy quái ở dưới vực sâu mỗi ngày bị đá lăn phải hoảng kinh lẳng đi mất dạng.

Mặc dù, tượng tạc chưa xong, nhưng tín tâm của mọi người gia tăng thấy rõ. Và cũng kể từ đó một tòa tôn tượng đại Phật lù lù hiện ra làm cho gió yên sóng lặng, dân chúng đều rất hoan hỷ. Lúc đó tại Gia Châu có viên quan đầu tỉnh coi tiền bạc quí hơn sinh mạng, y nghĩ rằng lão Hòa Thượng tu tạo tượng Phật ra ngoài quyên góp được nhiều tiền. Có chủ tâm như vậy, nên một hôm y dẫn binh lính tới chùa Lăng Vân, đối trước Hòa Thượng đang chỉ huy khắc tượng Phật và nói: “ Hòa Thượng to gan thật, ông tạc tượng thật lớn không nộp đồ án xin phép quan sở tại trước mà tự ý khởi công, phá hoại núi rừng, xem thường phép nước, phạt ông một vạn lạng bạc, kỳ hạn 3 hôm phải nộp đủ.” Lão Hòa Thượng nói: “ Thưa quan, việc tạo tượng đại Phật là để trấn áp loài thủy quái ở Tam Giang và trừ khổ nạn cho trăm họ. Đây là tiền tôi xin làm đại tượng Phật, cho dù một lạng cũng không ai được đụng tới!” Vị quan nghe Hòa Thượng trả lời cương quyết và dứt khoát như thế, bèn sợ và nói: “ Nếu không chịu đóng tiền phạt, ta sẽ cho móc mắt ngươi.” Vì y nghĩ, nói như thế lão Hòa Thượng sợ bị móc mắt, hẳn giao tiền. Vừa nói xong, trên gương mặt lão Hòa Thượng không thay đổi sắc nhìn thẳng mặt đối phương nói: “ Ta thà nguyện móc mắt đưa ông, chứ quyết không để một xu tạo tượng bị thất thoát!”. Nói xong, tự móc đôi mắt của mình và đem cặp tròng mắt nghiêm chỉnh bước tới giao nộp, thì ngay tức khắc từ đôi mắt bị móc ấy xẹt ra hai luồng ánh sáng như điện chớp, chỉa ngay vào mặt viên quan ấy, khiến y thất sắc. Bổng nhiên, cặp nhãn từ trên bàn bay thẳng tới rơi trúng đầu y, làm cho viên quan chức hoảng sợ bỏ chạy, mà quên phía sau là giốc đá lởm chởm và bên dưới là vực sâu thăm thẳm. Ngay lúc ấy, cặp mắt bay trở lại nhập vào đôi mắt Hòa Thượng nguyên vẹn như trước. Chứng kiến từ đầu mọi việc diễn tiến, viên chức tham quan ô lại kia, cho dù thân đồng da sắt đi chăng nữa cũng phải nể phục, không còn nở lòng đòi tiền Hòa Thượng nữa. Nghe đâu, về sau viên quan nọ bị tai nạn thảm khốc mà nhiều người cho là hậu quả việc làm ác đã đến lúc đền trả. Đây là một bài học để đời cho mọi người nói chung suy nghiệm, không cứ cá nhân đơn độc hay cậy thế dựa vào chức vị, quyền uy, thế lực hà hiếp, ức chế, thủ đoạn hèn mạt cướp đoạt, ăn chặn, kết vây cánh lấy của công làm của tư, thiếu công bằng và không hợp đạo lý, đều phải trả mọi hậu quả hoặc sớm hay chậm.

Ngày xưa quả báo thì chầy
Ngày nay quả báo ở ngay nhãn tiền.


Do tâm tham che mờ, ta chỉ muốn thu vào mà không muốn lơi ra. Hể càng cố giữ gìn của cải, tiền bạc bao nhiêu, càng vụt khỏi tầm tay ta không kiểm soát bấy nhiêu. Như lời Phật dạy, của cải thế gian thuộc về năm nhà: giặc cướp, nước trôi, lửa cháy, con hư phá tán và luật pháp gia hình. Lấy đó mà nghiệm xét, thật là lời dạy đầy tâm từ bi và vô cùng thấm thía cho con người ở khắp quốc độ Ta Bà này từ cổ chí kim từ đông sang tây vậy.

Thế mới biết câu nói: Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu ( lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó lọt) cũng đủ trả lời cho ai không tin lý nhân quả.

- Theo đúng giờ giấc qui định: Thời gian giới hạn có 18 ngày mà đoàn phải chu du hết 4 danh sơn Trung Quốc từ Đông ( Ninh Ba) sang Tây ( Thái Nguyên), từ Nam ( Hàng Châu) đến Bắc ( Đại Đồng- Bắc Kinh) xa hàng chục ngàn cây số, nếu không tranh thủ giờ giấc cũng khó mà đi cho khắp nơi được. Do chúng tôi ai nấy đều ý thức như vậy nên hầu như ngày nào cũng thức dậy lúc 5 giờ 30, điểm tâm vào 6,30 giờ và khởi hành lúc 7,30 giờ; còn lúc về thì vô định. Có hôm phải bỏ cả buổi ăn trưa như ngày 1/11/2007 từ Đại Đồng đi Bắc Kinh. Đoạn đường dài chỉ có 240 km2, đúng ra xe chạy chỉ mất 4 tiếng đồng hồ. Thế nhưng cái nạn kẹt xe, và thiếu xăng nên đoàn khởi hành lúc 7,30 giờ sáng tại Đại Đồng mà tới Bắc Kinh đã là 13,30 giờ. Lại còn phải một màn đổi xe luôn tài xế và tour guide, cũng như chuyển hành lý sang xe nữa. Hành lý lúc đi chỉ có 72 va li mà tới đoạn này được hơn nữa phần đường đã lên tới 103 kiện lớn nhỏ. Quả là chiến tích kỳ công của đoàn quân A Di Đà đem về Cực Lạc quốc! Như trên ghi có hôm chúng tôi bỏ cả ăn trưa tranh thủ cho kịp thời gian. Bởi vì muốn xem được xá lợi răng Phật tại chùa Linh Quang- Bắc Kinh phải liên hệ sắp xếp hơn 8 tháng trước và giờ hẹn là 2,30 giờ ngày 1 tháng 11 năm 2007. Chùa này chìa khóa do 3 nơi giữ là chính quyền, Hiệp Hội Phật giáo Trung Quốc và vị trụ trì, nên nếu lở hẹn là khó có cơ hội, vì không được xem và đảnh lễ xá lợi. Có thể nói tháp thờ xá lợi chính quyền cho lính gác cẩn mật nên không có khách tham quan vào được bên trong mà chỉ viếng chùa rồi ra về. Riêng đoàn chúng tôi có đủ 2 cơ duyên may mắn: Phái đoàn chia ra thành 3 toán lên tháp cao chừng 30 mét trải thảm đỏ cầu thang từ dưới lên trên top. Vì không gian không đủ rộng nên nơi thờ xá lợi chỉ có thể đứng được vài chục người. Đặc biệt khác hơn hầu hết các chùa của Trung Quốc khác là khách muốn lên tháp phải bỏ giày dép lại bên dưới. Đây là điểm nổi bật đặc thù của ngôi tháp linh ( linh quang) Phật nha xá lợi như một quốc bảo của chính quyền Trung Quốc hiện tại. Toàn tháp nhỏ bên trong là khối vàng 32 kí lô do vua Càng Long hiến tặng vào thế kỷ thứ 17. Vì giá trị món quốc bảo nên công an, lính canh phải bảo vệ chặt chẻ kẻo kẻ tà tâm có ý đồ. Muốn nhìn thấy xá lợi phải cần đèn pin với lượng sáng cực mạnh. Và đặc biệt trong lồng kiếng ta còn thấy hình Đức Quán Thế Âm đứng như đi trong mây. Theo lời giải thích của nhân viên trách nhiệm ngôi tháp thì vào năm 1987 mới xuất hiện hình dạng Đức Quan Âm này. Tôi và Đại Đức Nguyên Tạng được mời ở lại chủ trì 3 thời kinh cho 3 toán trong đoàn xong mới xuống. Chỉ tụng thời kinh ngắn gồm Tâm Kinh Bát Nhã, tứ hoằng thệ nguyện và hồi hướng do yêu cầu của người bảo trì tháp. Sau khi lễ tháp xong, phái đoàn được mời vào một phòng khách dùng trà và đợi Hòa Thượng trụ trì ra tiếp phái đoàn như có hẹn. Hòa Thượng trụ trì hiệu là: Pháp Thường vui vẻ tiếp chuyện, ban đạo từ, chúc đoàn hành hương được nhiều thắng duyên và có dịp kết duyên với người Phật tử Trung Quốc. Vì tất cả người con Phật xem như con một nhà. Chứng minh đoàn, HT. Thích Bảo Lạc thay đoàn cám ơn HT. trụ trì đã dành thời giờ quí báu tiếp đãi, tặng quà lưu niệm, và H.T cũng nhấn mạnh cầu chúc Phật giáo Trung Quốc ngày càng chấn hưng và không còn hình thức mê tín dị đoan như hiện nay, cũng như chúc H.T. trụ trì được cữu trụ Ta Bà và sớm thành đạo quả để hàng Phật tử được nương nhờ công đức. Phái đoàn cùng chụp hình chung với Hòa Thượng để lưu niệm, và từ giả.

- Chay tịnh trong suốt chuyến hành hương: Đa phần thành viên đoàn đều phát nguyện ăn chay trên đường đi chiêm bái các Phật tích. Có lẽ nhờ nhân lành này mà được long thần hộ pháp gia hộ mọi người đi tới nơi về tới chốn bình an vô sự. Lại còn có những triệu chứng lành chung quanh chuyến đi mà mọi người trong đoàn ai nấy đều cho rằng là hy hữu.

a) Trời mưa rồi lại nắng: ngày thứ tư của chuyến đi là 24/10/07, chúng tôi từ Ninh Ba đi xe bus tới Vô Tích. Trên đường đi trời đổ mưa tầm tả, tới bải đậu xe nơi Linh Sơn đại Phật trời càng mưa nặng hạt hơn nữa. Bắt buộc mỗi người phải mua một cây dù che và thế là người trên cả hai xe phái đoàn đều tiêu thụ được một số dù đáng kể. Chúng tôi tới đây cũng đã quá trưa rồi, lúc 13 giờ, việc đầu tiên là phải kiếm gì phụng sự cái bao tử trước đã. Sau khi cơm nước xong, đoàn ra trước cửa nhà hàng sắp hàng đôi trong đồng phục màu lam đi kinh hành trước sân đại Phật A Di Đà cao 88 mét và tụng thời kinh ngắn; trời tạnh hẳn mưa và bắt đầu có những tia nắng ấm chiếu dọi cảnh vật chung quanh.

b) Hoa Khai Kiến Phật: là một tác phẩm nghệ thuật phụ trong toàn cảnh Đại Phật. Cách kiến trúc thật là đặc biệt, trụ đá hình lục giác cao độ 25 m trên cùng là 6 cánh sen úp lại thành một búp sen lớn, bên trong là một tượng Phật đản sanh cao cở 5 m. Bên dưới chung quanh là hồ nước có 9 rồng uốn lượn và chờ tới giờ là phun nước, gọi là cửu long phún thủy. Nước phun từ thấp lên cao, từ yếu đến mạnh theo điệu nhạc hùng tráng và những cánh sen bắt đầu hé nở và Phật đản sanh hiện ra quay đi giáp một vòng như tôi để ý là 12 phút- và rồi khép lại. Như vậy, nếu du khách tới thăm không nhầm giờ thiêng làm sao chứng kiến được cảnh đẹp tuyệt vời này!

Xem hoa khai kiến Phật xong, đoàn có dịp trình diễn một màn cũng khá ngoạn mục là phái nữ mặc quốc phục Việt Nam còn phái nam mặc veston thắt caravate complet trông cũng đẹp ra phết! Chúng tôi đứng hàng ngang choán cả mặt tiền để chụp hình. Bao nhiêu cặp mắt, những máy chụp hình làm việc liên tục không ngừng tay; còn khách tham quan đứng lại nhìn hay có người chấp tay búp sen ra chiều cung kính.

c) Kim Đỉnh lên rồi phải ở luôn đây: Ngày 5/11/07 chúng tôi đi xe treo lên viếng Kim Đỉnh của đạo tràng Phổ Hiền Bồ Tát. Tượng mới tạc năm 2005 cao 20 m và chùa Hoa Tạng cũng mới dựng lên cùng thời với bức tượng. Độ cao từ dưới đất lên tới Kim Đỉnh là 3072 m, nên có thể nói lên tới nơi rồi thấy cả trời xanh và một thế giới vô cùng huyền nhiệm. Trên đường núi xe chạy tới trạm xe treo mất hơn một tiếng đồng hồ với sương mù dày đặc; lại con đường cong queo chật hẹp nguy hiểm. Thầy Nguyên Tạng lưu ý anh tài xế lái xe cẩn thận, nhưng anh đâu có nghe được; tôi phải nói thêm “ chìn nì shạo shin” ( Xin ông làm ơn làm phước lái cẩn thận nhé!). Lúc này anh ta mới chịu hiểu và cười xòa. Ở đây tôi muốn nói là mọi người trong đoàn ai cũng nghĩ là theo như thời tiết xấu thế này, không tài nào thấy gì khi ta lên tới đỉnh. Thế nhưng, lạ thay, chúng tôi vừa đặt chân lên Kim Đỉnh thì trời nắng ráo và bầu trời trở nên quang đảng lạ thường. Thật là điều hết sức kỳ diệu! Chúng tôi không tin được bằng con mắt của mình, nên phải dựa vào điều sau đây để tự khen và tán dương công đức của mọi thành viên phái đoàn.

- Hể tâm ta thành mọi việc đều thành tựu như ý nguyện. Kinh nghiệm cho tôi có được điều này là khi bắt tay vào làm bất cứ việc gì dù nhỏ hay lớn, nếu biết tâm thành là đạt được mục đích không có gì khó khăn trở ngại cả. Huống chi việc hành hương đã được sắp xếp, bàn thảo, chuẩn bị mọi việc từ gần một năm qua, hẳn chuyến đi phải được thông suốt là điều không ai còn lấy làm lạ nữa.

- Công đức tụng kinh niệm Phật: đức chúng như hải, nhờ số đông góp lại bằng sức lực, ý chí, niềm tin hay ngay cả tiền bạc tạo cho tập thề có một sức mạnh tinh thần mà không gì so sánh được. Trên đường đi chiêm bái- trừ bửa nào bận rộn- mỗi ngày có thời tụng kinh trên xe thật là hào hùng thanh thoát. Có phải việc này tạo thêm cho phái đoàn một thế đứng riêng, một cái gì đặc biệt thanh thoát nhẹ nhàng. Như cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã viết:

Ngọc hay đá chẳng cần ai tạc
Lụa hay tre không cần bút ai ghi
Rồi mai sau còn chi
Còn mãi chứ!

Và còn chuyến đi chưa đoạn kết, dù vậy, tác giả cũng mượn bài thơ” Tứ Đại danh sơn”, sáng tác tại khách sạn Chương Trạch, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây- Trung Quốc, tạm xem như phần kết luận bài này như sau:

Tham quan tứ đại danh sơn
Hành hương thánh tích ngã nhơn bào mòn
Bước chân nào nệ thiệt hơn
Noi gương thánh đức đáp ơn tổ thầy
Đi cho biết đó biết đây
Non sông tươi đẹp chốn này thần tiên
Quan Âm, Địa tạng, Phổ Hiền
Văn Thù, Kiều Giác, Tế Điên, Vô Hà
Bố Đãi Hòa Thượng cười khà
Cười bao người khóc lệ nhòa bất an
Bon chen trong cõi nhân hoàn
Vun dầy nghiệp hệ trần gian nổi chìm
Buông tay rủ phủi lụy phiền
Thân tâm thanh nhẹ kết duyên đạo mầu
Ngàn xưa mãi đến ngàn sau
Đạo tràng bền vững đẹp màu nhân gian.


Thích Bảo Lạc
Tu Viện Đa Bảo- Campbelltown ngày 17/11/2007

----o0o---
Vi tính: Giác Anh

Trình bày: Vĩnh Thoại

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/06/2013(Xem: 4889)
Hiện đã có visa vào TQ, xin mời quý Phật tử trong phái đoàn về dự phiên họp tại Tu Viện Quảng Đức, lúc 2 giờ chiều chủ nhật tuần này (23-9-2007) để nghe hướng dẫn một số chi tiết về chuyến đi chiêm bái, ngay sau buổi họp quý vị sẽ được nhận lại passport, vé máy bay và health insurance policies.
22/06/2013(Xem: 3855)
Một ngày không tắm. Một đêm ngủ trời nóng trên 40 độ lại nghe tiếng máy lạnh rù rì chẳng mang một chút hơi lạnh hay tạo chút gió trong căn phòng ngột ngạt của khách sạn 3 sao ($40 Úc kim/đêm). Chúng tôi phải tắt đèn sớm để khỏi phải thấy thằn lằn bò trên trần.
21/06/2013(Xem: 10506)
Một số hình ảnh của chuyến hành hương Chiêm bái Phật Tích Ấn Độ tháng 11-2008 Nhiếp ảnh: Thiện Hưng - Diệu An - Quảng Trí Thắng
21/06/2013(Xem: 5290)
Đã mấy lần mơ về thăm đất Phật Nơi linh thiêng ghi dấu bước chân vàng Từ hoàng thành ra muôn nẻo thôn trang Đem ánh sáng từ bi lan khắp hướng Đã từ lâu đàn con hằng khát ngưỡng Được về đây đảnh lễ Lâm-Tỳ-Ni
21/06/2013(Xem: 5368)
Quỳ trước thân Phật nằm nhập diệt Cúi mặt, nhắm mắt, niệm Nam Mô Ngước lên thấy bạn sùi sụt khóc Miệng khẩn nguyện nước mắt trào tuôn Khiến lòng con cảm thương đau xót Cho bạn hiền đang chịu khổ đau Con nguyện nhận khổ đau bịnh tật Của người bạn đang phải gánh mang
21/06/2013(Xem: 4876)
Ta hãy cùng nhau hành hương về nơi xứ Phật nhiệm mầu Đường về Đạo Tràng dù cho gian nan nguy khó Ta quyết tâm tìm về nơi thánh tích thiêng liêng Ngày ngày qua Phật tử khắp nơi gần xa
21/06/2013(Xem: 4991)
Lần đầu tiên tôi trở về xứ Phật Một thời xưa tôi đặt gót nơi đây Lâu đài cao cung điện mấy tầng mây Thời xưa cổ bây giờ còn đâu nữa Tôi vọng hỏi kẻ qua đường ai biết Rằng bao lâu thành đổ tựa rừng hoang Khách trả lời từ vạn cổ lừng danh Đô thị ấy tưng bừng trong nắng chói Hai ngàn năm trôi qua trong gió bụi
21/06/2013(Xem: 4833)
Ngậm ngùi trước cảnh điêu tàn Cung hoàng tráng lệ bây giờ còn đâu Chúng sanh biển khổ trầm luân Cầu xin Phật độ kiếp người tang thương Con đây nhỏ lệ khóc thầm Thương thân từ phụ cách xa nghìn trùng Xin Ngài cứu giúp cho con Để tâm sáng suốt xa lìa bến mê
21/06/2013(Xem: 4701)
Hôm nay con được trở về Quê hương của Phật thật là thiêng liêng Bước chân con nhẹ đặt lên Cảm thương Phật tổ dậm trường dầy công Để lại giáo lý thậm thâm Ngày ngày con nguyện khắc ghi trong lòng
21/06/2013(Xem: 4899)
Mẹ già như chuối ba hương Như xôi nếp một như đuờng mía lau Nhớ ơn dưỡng dục cao sâu Con mong báo đáp công lao Mẹ hiền Hành hương đất Phật vạn niên Thẩm sâu giáo pháp diệu huyền Thầy ban Mẹ đi từng bước vững vàng Con thơ khôn xiết hân hoan vui mừng Đở nâng cho Mẹ bước chân Khi lên Linh Thứu, lúc dừng Câu Thi Na
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]