Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tập tu.

21/06/201317:07(Xem: 5706)
Tập tu.
bandroll2

Tập tu

Trong đời tôi, dường như ngoài việc được (hay bị) má tôi đẻ sớm, trước khoảng thời gian dự định thường lệ, chín tháng mười ngày cho một bào thai, mọi chuyện khác đều đến với tôi rất muộn màng.
Yêu muộn mà tu cũng muộn!

Trong một gia đình theo truyền thống Lão Khổng, quân xử thần tử thần bất tử bất trung, « Phu xử phụ tệ, phụ bỏ phu là bất nghĩa »... Tôi lớn lên theo khuôn thước của nhân nghĩa lễ trí tín, được rèn luyện bằng những câu ca dao tục ngữ ba má tôi hay ví von. Các mẫu ngụ ngôn, hoặc những câu chuyện đời nhan nhản xảy ra ở chợ, ở bến xe...là đề tài ba má tôi đem răn dạy các con . Tôi cũng học từ những lầm lỗi do chính mình sau những lần ăn roi mây của ba tôi. Những cái lỗi mà đầu óc non nớt của một đứa trẻ, thích gì làm nấy, dọc phá tìm tòi đủ thứ mới lạ chung quanh. Tuổi mới lớn, tim óc tinh khôi như tờ giấy trắng, đâu biết đã có những luật lệ từ bao đời của ông tổ ông sơ, bậc người lớn. Những định lệ được mệnh danh vì đạo đức, từ truyền thống, chồng chéo ràng rịt, chận trước ngăn sau, đè lên đầu lên cổ một tâm hồn vô tư vô tội vạ ! Chuyện yêu thương trai gái thuở tuổi trăng tròn của chị em tôi, là điều bị ba má tôi cấm kỵ như một việc gì vô cùng xấu xa, tội lỗi. Tôi còn nhớ hình ảnh chị hai tôi, nước mắt, đòn roi ...tơi tả vì yêu !

Trong gia đình tôi, nhang đèn cúng quảy chỉ rình rang vào những ngày giỗ ông bà nội ngoại. Phật, Chúa, dường như tôi chỉ nghe người ngoài nhắc đến. Ngoại trừ câu cầu nguyện « Nam mô Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát, cứu khổ cứu nạn độ chúng sanh », má tôi lẩm bẩm mỗi khi bà chứng kiến một việc gì đó không may xảy ra, chẳng hạn như khi thấy một tai nạn xe cộ, hoặc đi ngang qua những người tàn tật ăn xin. Má tôi chỉ xin xỏ Quan Âm. Tôi chưa bao giờ nghe bà kêu gọi Phật. Riêng đối với một đứa khá ngổ ngáo như tôi, chỉ tin và để nằm lòng những gì nếm hoặc rờ mó được. Dù lắm lần nếm phải bao vị đời đầy cay đắng, đôi lần phỏng tay vì thử « lửa » ... Những kinh nghiệm thực tiển, mắt thấy tai nghe vẫn là điều tôi lấy đó làm tin. Phật pháp đối với tôi, là một điều gì vô cùng mơ hồ. Hơn thế nữa, sáu câu vọng cổ mùi mẫn của « chuyện tình Lan và Điệp », lấy nước mắt của bao thanh thiếu niên, và nhiều câu chuyện thật mà tôi được nghe lỏm bỏm, đã cho tôi những ý tưởng rất tiêu cực về Đạo Phật : Vào chùa vì thất tình, vì chán đời, vì muốn trốn quân dịch...Rồi, cuối cùng Lan chết sau khi tu !!!.. Cá nhân tôi, từ nhỏ đến lớn, chưa từng tơi tả vì thất tình, cũng chưa chán quá độ cái cõi đời lắm kẻ chê nầy. Tôi lại là đàn bà con gái, không phải tòng quân... nên cửa chùa xa tôi thăm thẳm. Tôi không thấy mình có lý do, không dây mơ rễ má liên hệ nào để bước vào chùa, để đi tu.

« Áo mặc sao qua khỏi đầu » là cái câu từ đó tôi bị lấy chồng. « Định mệnh trong tay ta », « Tận nhân lực mới tri thiên mệnh”... là tâm niệm tôi theo đó mà tự lực cánh sinh, nên không bao giờ tôi biết cầu nguyện. Dù thuộc làu câu Quan Thế Âm má tôi thường dùng, nhưng tôi không áp dụng. Tôi nghĩ Quan Âm ở đâu sẵn để đến giúp và giúp bằng cách nào? Dịp Tết, tôi và vài người bạn đến chùa xem thiên hạ đông vui. Tôi đứng nhìn vào chánh điện, ngắm tượng Phật về phương diện mỹ thuật chứ không lạy Phật. Thiên hạ cầu nguyện nhang khói mịt trời, lụp xụp lạy tượng. Cả cô bạn tôi cũng lâm râm khấn vái cho cậu con lười biếng ham chơi được thi đậu...Lúc đó tôi chỉ lắc đầu và thầm tội nghiệp hy vọng mỏng manh của cô nàng. Phật pháp hoàn toàn không có mặt trong ý nghĩ của tôi. Cho mãi đến gần cuối năm 2007, sau ngày tôi mất mẹ, khi tôi đã ở cái tuổi ngoài năm mươi, khi duyên đến, tôi bắt đầu tập tu, dù tu muộn.

Tôi phải cám ơn những người ấn tống sách Phật. Chính từ những quyển sách nầy tôi đi vào Đạo. Số là, tình cờ sau lần cầu siêu cho mẹ tôi ở chùa, tôi chọn vài quyển biếu không đem về đọc, lấp cho đầy thời gian cuối tuần không làm việc, mà cũng không còn mẹ để thăm nom chăm sóc. Lại thêm các trang Web Phật pháp như web Tu Viện Quảng Đức, web Thư Viện Hoa Sen......Từ đó, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Nghiệp, Nhân Quả, thuyết Mười Hai Nhân Duyên, lục độ Ba La Mật, tánh Không...cuốn hút tôi như nam châm. Tôi bắt đầu đi chùa, nhìn tượng Phật bằng cái nhìn khác hơn và bắt đầu lạy Phật. Lạy, cái đầu cúi xuống thật thấp, thoạt đầu, tôi nghĩ là mọi người tỏ lòng kính phục Phật, người đã dám từ bỏ nhung lụa vàng son, sống đời khổ hạnh để tìm ra những nguyên lý giải khổ cho nhân loại. Cúi đầu đụng đất, nghĩa là phục sát đất. Sau nầy, khi rõ hơn, lạy Phật không nông cạn như tôi đã hiểu trong những tháng cuối năm 2007. Tôi phục Phật, không phải phục vừa vừa, mà phục lăn một trí tuệ siêu việt kèm theo lòng từ bi mênh mông không ngằn mé đối với chúng sanh.

Nhà tôi ở gần chùa Pháp Bảo. Hơn hai mươi năm lái xe đi làm qua lại ngang chùa, qua lại thờ ơ ! Lâu lắm rồi, có một lần tôi vào thư viện chùa định mượn sách về xem, xui rủi hôm ấy thầy có chuyện gấp nên phải khoá thư viện. Lúc đó trái tim dễ xúc động kèm theo lòng tự ái ngút trời của tôi bị tổn thương kha khá. Tôi thầm nghĩ : « Bộ ông Sư sợ mình chôm sách hay sao ? ». Lần khác, tôi đến một chùa nọ định hỏi đôi điều về đời va đạo, thì lại gặp giờ các thầy nghỉ trưa ! Tôi thiết nghĩ : công viên chức, những ngươì lao động mệt ứ hự, mệt tóe khói thì cần nghỉ trưa để đở quạu với bần dân, hoặc để phục hồi sức lực. Cửa chùa luôn rộng mở và các thầy nhàn hạ, mà sao không có một thầy thức trực để đón một vài người muốn « bỏ tà quy chánh », cho nhân gian bớt một kẻ khổ đau?! ..Thôi thì, cái đầu câu nệ của tôi được dịp dèm pha, phê phán về sự ngủ nghỉ kỷ lưỡng của các thầy!

Khi cái duyên chưa đến thì như thế đấy ! Và khi duyên đến thì phật tử sơ cơ nầy, trong thời gian ngắn từ khi biết đạo, đã quay một góc 180 độ. Quy y Tam Bảo Phật Pháp Tăng và tháng Năm 2008, Tôi như căn nhà tối om om được sao xẹt, như bé Alice được lạc vào wonderland đầy kỳ hoa dị thảo. Tôi hồ hởi thưởng thức Đạo Phật bằng hết thảy sáu căn : mắt nhìn Phật ( không phải tượng) bằng tất cả lòng thương kính. Mũi ngửi hương nhang và hoa quả trên chánh điện. Tai nghe chuông mỏ, kinh kệ. Lưỡi nếm thường xuyên các món chay ngon đáo để trong chùa ( người ta thường nói ăn chực ngon hơn ăn nhà). Thân lạy sùm sụp, ngồi bán kiết già vừa mỏi vừa tê ( là thế ngồi mà, dưới mắt nghề nghiệp, rất ư là không nên, trên phương diện cơ thể học và sinh lý học). Ý tâm đã bớt vô minh ngu độn với tham chấp của thế gian, dù tôi vẫn là kẻ phàm chính cống.

Khi nghiệp chướng trả khá xong, thì phước duyên đến ào ào. Tôi đã được tham dự Khóa An Cư Kiết Hạ của các Tăng Ni vào tháng Bảy năm nay tại chùa Linh Sơn, tiểu bang Melbourne. Đó là lần đầu tôi nghe tên Kinh Pháp Hoa ( Diệu Pháp Liên Hoa), và được các Thầy giảng một mạch hết 28 phẩm trong mười ngày ngắn ngủi. Tôi bắt đầu chùi sáng viên ngọc Phật đã từ bi trao tặng. Tôi lại đủ duyên được tham dự chuyến hành hương Phật Tích vùng Bắc Ấn, viếng Tứ Động Tâm trên đất Phật, một chuyến đi thật động tâm tôi vào tháng Mười Một vừa qua, do Thầy Thích Nguyên Tạng của chùa Quảng Đức Melbourne và đạo hữu An Hậu Tony Thạch tổ chức. Một đoàn người khoảng trăm mạng, trong đó có Phật Tử mới tinh, mới cắt chỉ nầy.

Đầu năm ngoái tôi đã đặt chân đến Mumbai, thành phố thịnh vượng nhất của Ấn Độ. Tôi mang về một ấn tượng Bombay những tà sari đầy màu sắc và nạn nhân mản. Chẳng bù lần nầy, hướng về các Phật tích vùng bắc Ấn : ấn tượng là đoàn hành hương với áo tràng chỉnh tề, từng bước từng bước đều đặn, miệng niệm nam mô đồng loạt, thiền hành quanh các Phật tích. Những lời cảm tưởng hòa nước mắt của các đệ tử bộc bạch với thầy trưởng đoàn và phái đoàn. Bụi, ăn mày đủ hạng tuổi, ổ gà đầy đường, những con bò ốm đói...là những hình ảnh tôi mang về Sydney. Tôi còn đem về đôi ba điều, mà có lẽ, sống mang theo, chết cũng mang theo : Ngũ ( không phải Tứ) Động Tâm nằm gọn ghẻ trên mười đầu ngón tay tôi của hai bàn tay chụm lại. Vườn Lâm Tì Ni, nơi Phật giáng sinh ( hai đầu ngón tay cái). Khổ hạnh lâm ( hai đầu ngón trỏ), nơi Phật sáu năm hành xác trong một động nhỏ được tương trưng bằng một hình tượng ốm đói xanh xao.. Bồ Đề Đạo Tràng ( hai đầu ngón giữa) , Phật đã ngồi tham thiền dưới cội Bồ Đề 49 ngày trước khi đắc đạo. Vườn Lộc Uyển ( hai đầu ngón áp út), nơi Phật chuyển pháp luân bài pháp đầu tiên cho năm anh em Kiều Trần Như, và Thành Câu Ti Na ( hai đầu ngón út), nơi Phật nhập Niết bàn. Mang thêm hành trang những lời nhắn nhủ chân thành và đầy tình của Đức Đạt La Lạt Ma : Các bạn và tôi có cùng một ông Thầy ; mỗi ngày hãy làm rõ thêm Phật tánh trong ta ; là những người lưu vong, ta hãy cố gắng duy trì văn hoá dân tộc mình ...

Những ngày đầu trở về Sydney, mỗi lần chắp tay lạy Phật hoặc niệm Phật thiền hành, lòng tôi lại cuồn cuộn nổi trận phong ba. Nước mắt tha hồ rơi trên tay, trên áo. Tưởng chừng mình vẫn đang thiền hành quanh tượng Phật nằm nhập diệt ở Câu Ti Na, như đang chắp tay dưới cội Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng, nơi thầy Nguyên Tạng đã cắt chút tóc của tôi và một số đạo hữu trong Lễ Thế Phát....Những lần đi Bụi ( bushwalk), gió núi lồng lộng ở công viên quốc gia (National Park) mà tôi vẫn tưởng chừng mình còn nấn níu ngồi lại đỉnh núi Linh Thứu, nơi Phật giảng tuyệt kinh Pháp Hoa mấy ngàn năm xa xưa!....Có lần thầy Nguyên Tạng kể cho phật tử trong đoàn nghe: « Khi người ngồi cạnh trong chuyến bay đến Ấn Độ hỏi thầy đi đâu. Thầy bảo là thầy trở về quê hương. Người đó ngạc nhiên vì thấy thầy mặt mủi không giống người Ấn chút nào. Thầy giải thích với người kia là thầy đang trở về quê của Đấng Từ Phụ Thích Ca ». Lòng tôi vẫn bồi hồi xúc động khi lập lại lời nói nầy của Thầy trưởng đoàn. Tôi nghĩ cả đoàn hành hương, dù mỗi người chia tay mỗi nẻo, trở về cuộc sống thường nhật áo cơm, nhưng những giọt nước mắt lóng lánh, giọng nói nghẹn ngào của tình thật sâu, nghĩa thật đầy... đã để lại, mang về, tất cả dấu tích, kỷ niệm thiêng liêng từ đất linh Từ Phụ.

Tôi đi vào biển đạo mênh mông thật trể muộn cho một đời người, tóc đã hoa râm. Văn tự kinh điển tràn ngập qua các sách ấn tống, qua internet. Điều nào thắc mắc thì tôi ghi lại hỏi Thầy. Ngón tay chỉ mặt trăng. Thoạt đầu tôi nghĩ, ngón tay tượng trưng cho Thầy và mặt trăng là Phật Pháp. Sau đó thì, ngón tay là Pháp, mặt trăng là sự giác ngộ của chính mình. Một lúc nào đó, có lẽ ngón tay sẽ vô hình và trăng cũng không tướng...

Tôi tập ngồi thiền như một cách để kỷ luật cái tâm chạy rong lan man đã mấy chục năm trong cõi trần ai. Tôi không còn hối hả như bị ma đuổi vì đã hiểu về tính Vô Thường của đời sống và tánh Không của sự vật. Buông và bỏ dễ dàng hơn qua những bài học Tham Sân Si. Cái nhìn giữa ta và người được thay đổi và hổ trợ bởi tinh thần Vô Ngã và tâm Từ Bi như Phật đã dạy...Cứ thế tôi rèn mình, dù người đưa ra giáo lý vi diệu nầy đã xa tôi thật xa. Sau chuyến hành hương, khoảng cách thời gian và không gian giữa Thầy và Đệ Tử đã được thu ngắn, thật ngắn. Và những ngày tháng nầy, tôi dành nhiều thì giờ hơn cho một việc : Tập tu.

Sydney, Tháng 12- 2008

Yonten Wang mo - Chúc Hân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/06/2013(Xem: 4311)
Chiêm bái Thánh Tích Ấn Độ - Đài Loan Do Tu Viện Quảng Đức Tổ Chức (ĐĐ Nguyên Tạng hướng dẫn đoàn, từ ngày 8-29/11/2006)
19/06/2013(Xem: 7647)
Bảo Tháp tưởng niệm nàng Tu Xà Đa (người dâng bát sữa cúng Phật)
19/06/2013(Xem: 5514)
Cư Sĩ Tu Đạt người cúng dường Tịnh Xá Kỳ Viên cho Đức Phật và Tăng Đoàn Cư Sĩ Tu Đạt là một tỷ phú thành xá vệ (Sravasti), người hay chu cấp vật chất cho người người nghèo khổ cô độc.
19/06/2013(Xem: 7770)
Tôn Giả Ungulimala trước khi xuất gia và đắc giả A La Hán từng nổi tiếng là một kẻ ác nhân, từng chắt đứt 999 ngón tay của người khác trong một quyết tâm muốn học đạo, nhưng khi gặp Phật được ngài cảm hóa, Ungulimala đã được độ và tu tập, cuối cùng chứng đạt đạo quả A La Hán.
19/06/2013(Xem: 8903)
Thành Tỳ Xá Ly là một thánh tích khá quan trọng trong lịch sử PG, vì chính nơi này Đức Tôn Giả A Nan nhập diệt, là nơi Đức Phật đã cho phép Di Mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề và 500 cung nữ chính thức được dự vào hàng ngũ đệ tử xuất gia.
19/06/2013(Xem: 6769)
Phế Tháp thờ Xá Lợi của Đức Phật do Vua A Xà Thế tạo dựng tại thành Tỳ Xá Ly (Vaishali) để phụng thờ xá lợi Phật được thỉnh về từ Kusinagar.
19/06/2013(Xem: 6698)
Cũng nằm trong khu rừng Sa La ngày xưa, cách nơi Phật nhập diệt gần 2 cây số, Nay là thị trấn Kushinagar, cách Gorakhpur khoảng 50 cây số, thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, Bắc Ấn Độ.
19/06/2013(Xem: 6948)
Hình ảnh của phái đoàn tại Phế tích Kỳ Viên Cấp Cô Độc.
19/06/2013(Xem: 9996)
Đức Phật cùng các đệ tử của mình đã trải qua ba mùa an cư kiết hạ (từ hạ thứ nhì đến hạ thứ tư) tại khu vườn này.
19/06/2013(Xem: 6224)
Linh Thứu Sơn (Hill of Vultures) tại Thành Vương Xá (Rajgir) thuộc nước Ma Kiệt Đà là nơi Đức Phật đã thuyết giảng nhiều bộ kinh quan trọng như Kinh Bát Nhã, Kinh Pháp Hoa, Kinh Lăng Nghiêm.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567