Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chuyến hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ - Đài Loan thành công mãn nguyện

20/06/201318:23(Xem: 6274)
Chuyến hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ - Đài Loan thành công mãn nguyện
Hanh huong an do 2006



Chuyến hành hương
chiêm bái Phật tích Ấn Độ - Đài Loan
thành công mãn nguyện

Ghi chép của:
Thích Nguyên Tạng
Thanh Phi, Quảng Hội, Quảng Thanh


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Kính bạch chư Tôn Đức,

Kính thưa quý Phật tử xa gần,

Hành hương và chiêm bái Phật tích Ấn Độ là nhân duyên hy hữu và là một ước mơ ngàn đời của người đệ tử Phật trên khắp năm châu bốn bể. Nay ước mơ đó đã đến với Tăng ni và Phật tử Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu.

Như chương trình đã sắp đặt trước cả năm, phái đoàn hành hương Ấn Độ gồm 51 người do Tu Viện Quảng Đức tổ chức đã lên đường đúng vào ngày 7-11 năm 2006.

Phái đoàn do Đại Đức Phó Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng, Sư Cô Hạnh Nguyên và Đạo Hữu An Hậu Tony Thạch (giám đốc công ty Triumph Tour) hướng dẫn cùng với 38 Phật tử từ Melbourne, 6 từ Sydney, 1 từ Perth và 5 đến từ Texas, Cali, Hoa Kỳ.

Thực ra đã có đến 65 người đăng ký tham dự chuyến đi này, nhưng giờ phút chót gặp chướng duyên như ngã bệnh, người thân mất, không đủ tài chánh v.v… nên đã hủy bỏ trong sự nuối tiếc, mong rằng trong tương lai Tu Viện sẽ tổ chức những chuyến đi chiêm bái khác, để những Phật tử này có đủ thuận duyên cùng tham dự.

Vì rằng trong Kinh Đại Niết Bàn, Phật từng dạy: “Sau khi ta diệt độ, nếu các thiện nam tín nữ có đạo tâm nghĩ tưởng đến Như Lai, cách hay nhất là đến chiêm bái bốn động tâm quan trọng nhất, đó là vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Phật đản sinh; Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Phật thành đạo; vườn Lộc Uyển, nơi Phật chuyển pháp luân và Câu Thi Na, nơi Phật nhập niết bàn. Nếu ai đến bốn nơi này thành tâm chiêm bái và đảnh lễ sẽ được nhiều phước báu như được gặp lại chính Như Lai vậy, và cũng nhờ công đức này mà sau khi mạng chung, người ấy sẽ được tái sanh vào cảnh giới an lành”.

Ấn Độ, mà trong kinh điển thường gọi là xứ Thiên Trúc, là một quốc gia Nam Á, chiếm hầu hết tiểu lục địa Ấn Độ. Ấn Độ có ranh giới với Pakistan, Trung Quốc, Miến Điện, Bangladesh, Nepal, Bhutan và Afghanistan. Ấn Độ là nước đông dân thứ nhì trên thế giới, hiện đang có khoảng một tỉ mốt người, và đồng thời lớn thứ bảy trên thế giới về diện tích.

Cộng hoà Ấn Độ xuất hiện trên bản đồ thế giới vào ngày 15 tháng 8 năm 1947, tức là sau khi giành lại nền độc lập từ chính quyền thuộc địa Anh.

Sự thiết lập nhà nước Ấn Độ là đỉnh cao của cuộc đấu tranh của những người tại Nam Á để thoát khỏi ách thống trị của Đế quốc Anh. Ấn Độ có nền văn minh Ấn Hà (Indus) phát triển rực rỡ cách đây 5 nghìn năm.

Ấn Độ là nơi sinh trưởng của bốn tôn giáo quan trọng trên thế giới: Ấn Độ giáo (Hindu), Phật giáo, Kỳ Na giáo và Đạo Sikh.

Phật giáo hay giáo lý của Phật-đà, hiện nay là một trong ba tôn giáo lớn trên thế giới là Phật giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo.

Phật giáo được một nhân vật lịch sử là Thái Tử Tất-đạt-đa, sau khi thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, đã sáng lập khoảng thế kỉ thứ 6 trước Tây lịch tại Ấn Độ.

Sau khi Đức Phật Thích Ca thành đạo dưới cội Bồ Đề, ánh sáng giác ngộ của Ngài đã chiếu khắp mọi nơi, hàng vạn người dân Ấn, từ sĩ, nông, công, thương, mọi tầng lớp của xã hội Ấn đều thừa hưởng được kết quả giác ngộ của Ngài. Đến cuối đời của Ngài, Chánh pháp đã có mặt ở nhiều phần đất tại Ấn Độ và lan tỏa đến các quốc gia láng giềng.

Từ hạ lưu của sông Hằng đi về phía Đông, phía Nam tới bờ sông Caodaveri, phía Tây tới bờ biển Á-rập, phía Bắc tới khu vực Thaiysiro, đâu đâu cũng có sự ảnh hưởng của giáo lý Phật-đà, và người dân nơi ấy sống trong sự hòa bình và hạnh phúc. Trong triều đại của Hoàng Đế Asoka thuộc Vương Triều Maurya (thế kỷ thứ III trước TL), Phật giáo đã bắt đầu truyền bá sang các vùng biên giới của đại lục.

Sự phát triển của đạo Phật tại Ấn Độ có thể được chia làm bốn giai đoạn như sau:

- Giai đoạn thứ 1, giữa thế kỉ thứ 6 đến giữa thế kỉ thứ 5 trước Tây lịch: Giai đoạn nguyên thủy, do đức Phật giáo hoá và các đệ tử của Phật truyền bá.

- Giai đoạn thứ 2, kể từ thế kỉ thứ 4 trước Tây lịch: Giai đoạn bắt đầu phân hoá ra nhiều tông phái qua các lần kết tập kinh điển.

- Giai đoạn thứ 3, kể từ thế kỉ thứ 1 sau Tây lịch: Giai đoạn xuất hiện của Đại Thừa Phật Giáo.

- Giai đoạn thứ 4, kể từ thế kỉ thứ 6: Giai đoạn xuất hiện của Mật tông Phật Giáo (Phật giáo Tây Tạng, Kim cương thừa).

Sau thế kỉ thứ 13, Phật giáo được xem là đã bị Hồi giáo tiêu diệt tại Ấn Độ, là nơi sản sinh đạo Phật.

Tuy nhiên, trước đó, từ thế kỉ thứ 3, đạo Phật được truyền đi các nước khác ngoài Ấn Độ và mang nặng bản sắc của các quốc gia sở tại.

Phật giáo nguyên thủy (Original Buddhism) xuất phát từ miền nam Ấn Độ, rồi được truyền sang Tích Lan, từ Tích Lan truyền qua Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào, v.v... Phật giáo tại các quốc gia này còn được gọi là Phật giáo Nam Truyền, và phật tử tụng kinh bằng ngôn ngữ Pali.

Phật Giáo phát triển (Developing Buddhism) xuất phát từ miền Bắc Ấn Độ vượt qua dãy núi Hindu và sông Amua ở miền Trung Afghanistan, rồi vượt qua cao nguyên Pamia, vào Tân Cương Trung Quốc, từ đó đến Hà Tây, Trường An và Lạc Dương. Tiếp đó Phật giáo từ Trung Hoa truyền đến các nước lân cận như Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Và một con đường khác là từ Ấn Độ truyền sang Nepal, vượt qua dãy núi Hymalaya, vào Tây Tạng, rồi từ Tây Tạng truyền vào một số tỉnh lỵ của Trung Hoa và một số vùng thuộc bộ tộc Buryat của Mông Cổ và Xiberi. Phật Giáo trong các quốc gia phía Bắc này tụng kinh phần lớn bằng ngôn ngữ Sanskrit hoặc được dịch sang tiếng mẹ đẻ của họ.

Đến cuối thế kỷ thứ 18, Đạo Phật được chính thức truyền sang các nước Châu Âu (1788) và Châu Mỹ (1875), và đến cuối thế kỷ thứ 20, Phật Giáo lại được truyền qua Châu Phi; tính cho tới thời điểm này, Chánh Pháp đã có mặt ở khắp hoàn cầu.

Ngay trong ngày đầu tiên, phái đoàn đã góp lại một số tiền là $20.000 Úc Kim, $1.200 Mỹ Kim cùng với $1000 Úc kim do quý Phật tử ở nhà gởi cúng. Tất cả số tiền này đã được chia đều ra để cúng dường tất cả các nơi mà phái đoàn đến chiêm bái và đảnh lễ.

Phái đoàn đã tuân thủ đúng theo giờ giấc quy định: 4-5-6, có nghĩa là thức chúng 4 giờ sáng, 5 giờ điểm tâm và 6 giờ lên xe, dường như hầu hết thời gian ở Ấn Độ phái đoàn đều áp dụng đúng thời khóa này, dù khó khăn cho nhiều đệ tử, thức khuya dậy sớm không nỗi, nhưng rồi mọi thứ đều đi qua nhẹ nhàng vì tất cả đều hiểu rằng mình đi chiêm bái Phật tích chứ không phải đi nghỉ mát. Vả lại từ Phật tích này đến phế tích khác cách nhau quá xa, nếu ngủ ngon, thức dậy trễ, khởi hành chậm, thì đến nơi cần đến sẽ quá tối, sẽ rất nguy hiểm cho phái đoàn vì có thể bị tai nạn, hoặc có thể bị cướp bóc đâu đó trên các tuyến đường vào ban đêm. Cho nên tất cả những phái đoàn hành hương cố gắng tránh đi ra ngoài khi màn đêm buông xuống.

Phái đoàn phải thành kính tri ân và biết ơn 4 vị tài xế người Ấn Độ, được xem là những tài xế giỏi nhất thế giới. Họ lái xe bus cũng như lái xe đạp. Những ai hơn một lần đến Ấn Độ đều thấy sự nguy hiểm xe cộ trên đường phố, nhưng những tài xế này không gây tai nạn. Nhiều người cho rằng vì cuộc sống của họ quá nghèo khổ, họ không màng nghĩ đến tương lai mà chỉ chú ý cao độ để kiếm sống trong giờ phút hiện tại. Chính vì thế mà họ đạt được mức độ tập trung và tỉnh giác ngay trong giờ phút bây giờ và ở đây, để không gây ra bất cứ tai họa nào cho mình và cho người khác. Đây là nếp sống đặc thù của người dân trên đất Phật - An lạc và tự tại trong mọi hành xứ, không vô tướng vô tánh, như chim giữa hư không, tìm dấu chân không thấy.

Phái đoàn đã viếng thăm và đảnh lễ đầy đủ 4 Phật tích quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật, đó là Vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini), nơi Đức Phật đản sanh, nằm gần thị trấn Siddharth Nagar, tiểu quốc Nepal; Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya), nơi Đức Phật thành đạo tại tiểu bang Bihar, Ấn Độ; Vườn Nai Lộc Uyển (Sarnath), nơi Đức Phật nói bài Pháp đầu tiên, nay thuộc tiểu bang Uttar Pradesh và đặc biệt là Câu Thi Na (Kushinagar), nơi Đức Phật nhập Niết Bàn. Ngoài bốn thánh tích trên, phái đoàn đã lần lượt đến tận nơi, thấy tận mắt và đảnh lễ chiêm bái nhiều thánh tích khác như: Linh Thứu Sơn, nơi Phật thuyết Bát Nhã Kinh 22 năm, Kỳ Viên Tịnh Xá tại thành Xá Vệ, Bảo Tháp tưởng niệm nơi trà tỳ kim thân Đức Phật, Bảo Tháp thờ Xá Lợi Phật (do Vua A Xà Thế xây dựng), Bảo Tháp thờ Tôn Giả A Nan (ở thành Tỳ Xá Ly), Bảo Tháp thờ Tôn Giả Vô Não (Angulimala), Bảo Tháp tưởng niệm Trưởng giả Cấp Cô Độc, Bảo Tháp tưởng niệm nàng Tu Xà Đa (người dâng bát sữa cúng Phật), nơi giam giữ Bình Sa Vương, Khổ Hạnh Lâm, nơi Phật tu tập 6 năm, Vườn Thuốc của danh y Kỳ Đà, Cô Nhi Viện Tu Xà Đa (Sujata) tại Khổ Hạnh Lâm, Tôn Tượng Chuyển Pháp Luân ở Vườn Lộc Uyển, Phóng Sanh và ngắm mặt trời mọc trên sông Hằng.

Phái đoàn cũng đã viếng thăm và cúng dường 5 ngôi chùa Việt Nam trên đất Phật như: Việt Nam Phật Quốc Tự do Thầy Huyền Diệu khai sáng ở Lâm Tỳ Ni; Chùa Linh Sơn do Thầy Linh Quang Trụ trì, cũng ở Lâm Tỳ Ni; Chùa Linh Sơn do Ni Sư Trí Thuận trụ trì ở thành Câu Thi Na; Chùa Kiều Đàm Di ở thành Tỳ Xá Ly và cuối cùng là Trung Tâm Tu Học Viên Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng.

Tịnh Xá Kỳ Viên Cấp Cô Độc (Jetavana)

Thánh tích đầu tiên, phái đoàn viếng thăm là Tịnh Xá Kỳ Viên Cấp Cô Độc.

Đúng 8 giờ sáng, ngày 10-11-2006, phái đoàn đã có mặt tại Tịnh Xá Kỳ Viên. Cảnh vật nơi đây yên tĩnh lạ thường. Phái đoàn đã xuống xe đi kinh hành niệm Phật từ ngoài cổng chính. Tất cả đều cảm động đến rơi lệ khi chính mình đã được đặt chân xuống thánh tích, nơi mà cách đây hơn 25 thế kỷ, Đức Từ Phụ Thích Ca và chúng đệ tử của Ngài đã từng lưu trú ở nơi này.

Nếu trong thành Vương Xá, kinh đô của xứ Ma Kiệt Đà có Trúc Lâm Tịnh Xá, được Vua Bình Sa Vương dâng cúng cho Đức Phật và Tăng đoàn, thì trong thành Xá Vệ này thuộc xứ Câu Tát La, được một vị trưởng giả tên Tu Đạt đem hết tiền của dâng cúng cho Đức Phật và Tăng đoàn Tịnh Xá Kỳ Thọ Cấp Cô Độ Viên. Đại Đức Trưởng Phái đoàn Thích Nguyên Tạng đã sơ lược giải thích về lịch sử của Phật tích này: ( đoạn này đã có sẳn, sẽ lồng vào sau)

Bảo Tháp Tôn Giả Vô Não và Tháp tưởng niệm Tỷ phú Cấp Cô Độc

Sau khi rời Tịnh xá Kỳ Viên Cấp Cô Độc, phái đoàn đã ghé qua thăm Bảo Tháp Tôn Giả Vô Não và Tháp tưởng niệm Tỷ phú Cấp Cô Độc, người cúng dường Tịnh Xá Kỳ Viên. Sau đó phái đoàn hướng về xứ sở Nepal để viếng thăm Phật tích Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật thị hiện đản sinh.

Dọc đường từ thành Xá Vệ đến biên giới Nepal, và những ngày sau đó trên những thành phố đi qua tại Ấn, chúng tôi nhìn thấy nhà cửa và đời sống người dân rất nghèo nàn, khốn khổ. Đặc biệt là kiến trúc nhà cửa người dân Ấn Độ dọc theo hai bên đường trông rất củ kỹ và đỗ nát. Không có ngôi nhà nào được xây dựng một cách hoàn hảo. Hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn ngôi nhà đều ở trong tình trạng xây dựng dở dang. Tất cả đều phủ một màu héo úa, buồn bả và nghèo khổ; hỏi ra mới biết, do chính sách quy hoạch và xây dựng của chính quyền Ấn Độ đã chồng chéo lên nhau. Dự án xây dựng này chưa hoàn chỉnh thì đã bị bải bỏ, rồi một chính sách di dời khác lại ra đời nhưng lại không thực hiện được vì một nhóm người khác lên nắm quyền; để rồi chính sách tiếp tục thay đổi, và cứ như thế mà kéo dài đến hơn 10 năm qua vẫn không giải quyết được, nên người dân Ấn Độ phải sống trong cảnh tạm bợ và chịu đựng sự đổi thay này.

Sau khi đợi chờ một tiếng đồng hồ làm thủ tục xin chiếu khán nhập cảnh (visa) vào Nepal, phái đoàn đã đi vào tiểu vương quốc Nepal. Dân chúng trong đất nước này cũng nghèo khổ không kém gì dân Ấn Độ phía bên kia biên giới. Phái đoàn phải mất 3 tiếng để về đến khách sạn Nirvana. Đoàn đã làm thủ tục nhận phòng và ăn trưa, lúc đó đã 3:30 chiều rồi.

Chúng tôi xin nói một chút về thức ăn trong chuyến hành hương này. Thức ăn trong các buổi ăn chính hầu hết là càri. Ngoài ra có cơm trắng hạt nhỏ và dài, nấu rời từng hạt rất ngon, bánh bột nướng ăn với carry, mì xào, lagu, cải bó sôi xào, đậu sốt cà, bắp cải trộn chua, và một hai món chiên. Anh phó đoàn Tony là người làm nghề du lịch ba mươi năm nên anh có nhiều kinh nghiệm trong việc hướng dẫn người đi hành hương. Anh bao giờ cũng đưa khách về hotel để ăn uống, chứ không dám cho ăn bên ngoài vì sợ không đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm. Vì thế mà trong thời gian hành hương tại Ấn Độ, phái đoàn được ăn hầu hết các bữa ăn tại nhà hàng của khách sạn, ăn theo dạng buffet, tức là “ all you can eat” và thường thì có nhiều món để cho thực khách tự lựa chọn. Buổi sáng điểm tâm có cháo trắng, súp rau cải, đậu phụng, bánh mì nướng, bơ, jam, bánh nướng v.v... Thức uống thì có café, sữa, trà, và tráng miệng có chuối, táo, và cam. Thức ăn buổi chiều và buổi trưa như đã kể trên. Tuy nhiên tráng miệng vào những bữa ăn chính thỉnh thoảng có lựu. Lựu của Ấn Độ rất đặc biệt và ngon vì hạt mềm và ngọt. Nói chung nếu thực khách không thuộc loại kén ăn, nhất là đệ tử Phật, chỉ ăn những gì mình được cho, thì thức ăn trên suốt chặng đường hành hương Ấn Độ tương đối là ăn được.

Lâm Tỳ Ni (Lumbini)

Sau khi ăn vội một chút, phái đoàn phải lên xe để kịp chiêm bái vườn Lâm Tỳ Ni nơi Đức Phật đản sinh trước khi trời sụp tối. Đúng 4 giờ chiều ngày 10 tháng 11, phái đoàn đã có mặt tại Phật tích Lâm Tỳ Ni, nơi Phật đản sinh cách đây đúng 2630 năm, tức là trước Chúa Giêsu ra đời 624 năm. Tất cả đều xuống xe và đi kinh hành từ ngoài cổng vào. Hướng dẫn đoàn lúc này còn có Thầy Linh Quang, vị trụ trì ngôi chùa Linh Sơn, tọa lạc bên cạnh Phật tích này.

Vườn Lâm Tỳ Ni trong quang cảnh buổi chiều hoàng hôn trông sao tiêu điều và buồn quá. Phái đoàn đã được hướng dẫn kinh hành niệm danh hiệu Phật Thích Ca từ bên ngoài cổng vào tận bên trong ngôi nhà kỷ niệm nơi Đức Phật đản sanh. Tại đây, đoàn đã đảnh lễ Phật và đồng tụng bài Kinh Phật Đản. Sau thời Kinh, Thầy Trưởng Đoàn đã giải thích một chút về ý nghĩa Phật ra đời tại nơi này. Thầy nói :

(đoạn này đã có sẳn, sẽ lồng vào sau)

‘’Cách đây hai ngàn sáu trăm ba mươi năm, vào ngày trăng tròn tháng Vesakha, tức là khoảng tháng tư âm lịch, chính tại nơi này, Bồ tát Hộ Minh đã giáng trần, qua hiện thân của thái tử Sĩ - Đạt – Ta, con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Maya. Ngài đã vì lòng từ bi, vì sự an lạc, hạnh phúc, giải thoát cho chúng sanh và thế gian, nên xuất hiện ở cõi Ta bà nầy. Về sau xuất gia, tu hành và thành đạo dưới cội Bồ Đề, hiệu là Thích Ca Mâu Ni, giáo chủ của ba cõi, bậc thầy của chư thiên và loài người. Qua bốn mươi lăm năm thuyết pháp độ sinh, Ngài đã để lại cho nhân loại một kho tàng giáo lý vô tận, những quy luật đạo đức để hướng dẫn con người hướng thiện và giải thoát. Và nguồn ánh sáng vô lượng ấy đã soi sáng cho hành động, cho tư duy và soi sáng trên lộ trình giác ngộ và giải thoát của mọi chúng sanh. Hôm nay phái đoàn của chúng ta có đủ phước duyên nên được về thăm lại Phật tích này, xin tất cả chấp tay nguyện cầu cho Phật Pháp được trường tồn, chúng sanh được an lạc. Nam Mô A Di Đà Phật”.

Sau đó đoàn ra ngoài chụp hình lưu niệm ngay dưới Trụ Đá Vua A Dục. Cây Bồ Đề và đặc biệt là hồ nước thiêng cũng nằm ngay bên hông nhà kỷ niệm Phật đản sinh. Hồ nước có hình chữ nhật, dài khoảng 10 mét và ngang khoảng 7 mét. Trong hồ vẫn còn đầy nước và bốn phía đều có bậc tam cấp bước xuống hồ. Theo truyền thuyết, chính tại hồ nước thiêng này, Hoàng Hậu Maya đã tắm trước khi đi vào vườn Vô Ưu để hạ sanh Thái Tử và sau khi Thái Tử ra đời, Ngài đã được các thị nữ tắm gội tại chính hồ thiêng này trước khi đưa Ngài về Thành Ca Tỳ La Vệ.

Tại thánh tích Lâm Tỳ Ni này, nơi Đức Phật giáng trần, Vua A Dục đã cho dựng một trụ đá cao 15 mét, hiện nay vẫn còn nơi đây. Có thể nói đó là trụ đá còn nguyên vẹn, được bao bọc bởi một hàng rào sắt để bảo hộ. Trên trụ đá này vẫn còn thấy hàng chữ như sau: "Sau hai mươi năm lên ngôi, vua Priyadarsi (Vương hiệu của Vua A Dục), người được chư thiên yêu mến, đã thân hành viếng thăm và lễ bái nơi đây, bởi vì chính tại nơi này Đức Phật Thích Ca đã được ra đời".

Bảo Tháp Đại Niết Bàn tại thành Câu Thi Na (Kushinagar)

Ngày 11 tháng 11 năm 2006, ngày thứ năm của chuyến đi chiêm bái, đoàn thức dậy lúc 5 giờ sáng. Sau khi điểm tâm, đoàn lên xe và trở lại biên giới Nepal-Ấn Độ để làm thủ tục xuất cảnh. Sau đó đoàn đi thẳng về Thành Câu Thi Na (Kushinagar), nơi Phật bỏ lại thân tứ đại sau khi giáo hóa ở cõi giới ta bà này. Hiện nay nơi này gọi là Kushinara hoặc Kasia, cách thành phố Gorakhpur 55 cây số, nằm ở phía Đông tiểu bang Uttar Pradesh, cách Vườn Lâm Tỳ Ni khoảng 175 cây số, cách Bồ Đề Đạo Tràng trên 300 cây số, cách Thành Xá Vệ 274 cây số và cách Thành Ba La Nại 170 cây số.

Phái đoàn đã về đến đây khoảng 3 giờ chiều.

Cảnh trí buổi chiều nơi này rất đẹp và yên tĩnh lạ thường. Cây cối vẫn xanh tươi, nhất là những cây Sa La, hiện vẫn còn ở nơi khu rừng u tịch này. Quần thể kiến trúc khu thánh tích này rất lạ mắt. Chánh điện thờ tôn tượng Niết Bàn có nét kiến trúc như một lâu đài hình khối ở Âu châu, chứ không giống như một ngôi chùa có dáng dấp cổ truyền thường thấy ở Á Đông. Phía sau ngôi chánh điện là một Bảo Tháp to lớn phụng thờ xá lợi của Đức Phật do bộ tộc Mallas ở nơi này xây dựng. Bảo tháp này được xây kín xung quanh nên không thể vào bên trong để chiêm bái xá lợi được.

Phái đoàn đã đi kinh hành và niệm danh hiệu Đức Phật Bổn Sư Thích Ca từ ngoài cổng vào bên trong Chùa Đại Niết Bàn, và tiếp tục đi nhiễu ba vòng quanh Tôn Tượng Đại Niết Bàn. Đức Thế Tôn nằm trong tư thế kiết tường, mặt hướng ra cửa chánh phía Nam, đầu quay về hướng Bắc, tay phải của Ngài lót xuôi theo gò má phải, tay trái được đặt xuôi trên hông trái, và hai chân của Ngài chồng xếp lên nhau rất ngay thẳng và nghiêm trang.

Pho tượng có chiều dài gần 10 mét, được tôn trí trên một cái bệ hình chữ nhật cao trên khoảng 6 tấc. Khuôn mặt của Đức Thế Tôn rất đẹp nhưng sao buồn quá. Có lẽ Người buồn cho chúng sinh vẫn “ tiền lộ mang mang, vị tri hà vãng”, vẫn điêu linh trong biển khổ sinh tử luân hồi mà không biết đường về. Thầy trưởng phái đoàn đã xúc động khi phủ phục năm vóc sát đất đảnh lễ trước tôn tượng. Dường như 51 đệ tử trong phái đoàn đã khóc trong giờ phút thiêng liêng này. Thầy trưởng đoàn đã tác bạch trước Đức Thế Tôn trong nước mắt :

(đoạn này đã có sẳn, sẽ lồng vào sau)“

“Đức Phật là người đầu tiên trong loài người báo trước ngày diệt độ 730 ngày. Quả thật vậy, năm 78 tuổi, trong một thời pháp tại Thành Tỳ Xá Ly, Phật đã báo cho đại chúng biết Ngài sẽ thuận theo dòng sinh diệt tương tục của thế gian mà nhập diệt vào năm 80 tuổi. Ngài dạy rằng Phật được kim cang thân, còn bị vô thường hoại, huống những người thế gian, các pháp hữu vi là vô thường, các con hãy tinh tấn tu tập để mau đạt được giải thoát. Đức Phật bắt đầu khởi hành chuyến đi cuối cùng của đời Ngài, từ núi Linh Thứu ở thành Vương Xá, nước Ma Kiệt Đà (nay là Bihar), Ngài băng qua sông Hằng để đến thành Tỳ Xá Ly. Tại đây Đức Phật tham dự mùa an cư cuối cùng của đời mình cùng với các đệ tử. Sau 3 tháng kiết hạ, Đức Thế Tôn lại lên đường đi tiếp đến Bhandagrama và Hatthigrama. Khi đến làng Pava, Ngài đã thọ thực bữa cuối, một bát cháo nấm, do ông Thuần Đà (Cunda) cúng dường. Sau bữa ăn này Đức Phật đã ngã bệnh, không biết có phải do bát cháo hay do thân tứ đại của Ngài đã đến hồi phải trả về cho tứ đại,

thân tứ đại phải trả về cho tứ đại,

còn tâm linh siêu thoát đó mà thôi.

Đức Thế Tôn đã cảm thấy pháp thể của ngài khiếm an hơn bao giờ hết, nên Ngài phải nghỉ chân đến hai mươi lần trước khi về đến khu rừng Sala này. Đến nơi Đức Phật bảo Tôn giả A Nan trải ngọa cụ giữa hai cây Sala trong khu rừng thuộc thành Câu Thi Na. Đây là một trong tứ động tâm, và nơi đã từng là kinh đô của người Mallas. Chính tại nơi này Đức Phật đã thở hơi cuối cùng và đi vào cõi giới vô dư Niết Bàn đúng vào ngày trăng tròn tháng Vaishakha theo lịch Ấn Độ, tức là khoảng tháng tư hoặc tháng năm theo Tây lịch. Tại nơi đây Đức Phật đã nói Kinh Di Giáo, để lại lời di chúc cuối cùng của mình. Ngài đã ân cần nhắc nhở hàng đệ tử rằng: “Sau khi Như Lai diệt độ, các con phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu Như Lai ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy”… “Các con phải ý thức toàn bộ cuộc đời là chuyển biến vô thường, có kết hợp thì có tan rã, đừng lo buồn gì nữa. Ngược lại, cuộc đời như thế nên các con phải nỗ lực tinh tấn để sớm cầu tự độ, đem ánh sáng trí tuệ diệt trừ hắc ám vô minh. Vũ trụ quả thật mong manh, không có một thứ chi bền bỉ. Như Lai được diệt độ thì cũng như trừ được một căn bịnh khủng khiếp”… “các con hãy thường nhất tâm, nỗ lực cần cầu tuệ giác giải thoát. Toàn thể vũ trụ, dầu có biến động hay bất động, đều là trạng thái bất an và tan rã. Thôi, các con hãy yên lặng, không nên nói nữa. Thì giờ sắp hết, Như Lai muốn diệt độ”.

Sau đó các đệ tử trong phái đoàn thành kính đồng tụng bài Kinh Ý Nghĩa Niết Bàn và ngồi tịnh tâm mười phút quanh tôn tượng Niết Bàn. Hình như ai cũng muốn ngồi lâu thêm một chút nữa để được ‘tiếp nhận’ thêm chút năng lượng từ bi từ Đức Thế Tôn, nhưng tất cả đều phải rời khỏi nơi này trong sự luyến tiếc vì phải nhường chỗ cho phái đoàn khác vào chiêm bái.

Có thể nói đây là pho tượng Phật Niết Bàn đẹp nhất và linh thiêng nhất trên trần gian. Pho tượng này đã được hàng triệu đệ tử Phật khắp năm châu bốn bể về tận nơi đây để chiêm bái và đảnh lễ. Chắc chắn vì vậy mà pho tượng có một sức mạnh vô hình toát ra từ bên trong và phủ trùm xuống vạn vật xung quanh. Nghe nói bất cứ ai bước vào nơi chánh điện này đều rơi nước mắt khi đảnh lễ tôn tượng, và đây là một sự thật.

Thiết nghĩ hàng đệ tử Phật trên khắp thế giới nên về đây một lần để đảnh lễ Đức Thế Tôn, để tưởng nhớ đến công hạnh độ sinh của Người. Và nếu muốn tạc tôn tượng Niết Bàn để chiêm ngưỡng, phụng thờ tại quốc gia của mình, xin hãy hoan hỷ vẽ kiễu mẫu giống như pho tượng này, vì chỉ có pho tượng tại nơi này nằm nghiêng trong tư thế Kiết tường như lúc Đức Thế Tôn nhập diệt cách đây đúng hai ngàn năm trăm năm mươi năm, tính từ năm 544 trước Tây Lịch.

Có nhiều pho tượng Niết Bàn ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới như Trung Hoa, Campuchia, Lào, Thái Lan v.v... tạc tượng Niết Bàn mất vẻ oai nghiêm, với tư thế Phật nằm nghiêng và chống tay quá cao, chứ không để bàn tay xuôi theo gò má như tư thế nguyên thủy của Đức Thế Tôn lúc thị hiện Niết Bàn tướng tại Ấn Độ.

Được biết pho tượng này đã được Ngài Haribhadra, một tăng sĩ thời Kumargupta (413-455), tức khoảng thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch, đích thân tạc pho tượng độc đáo tuyệt mỹ này để tưởng niệm Đức Thế Tôn sau khi ngài đi vào cõi giới vô dư bất diệt.

Khi nghe kể lại tình trạng bốn bức tường gạch bên trong ngôi chùa Đại Niết Bàn này đang trong tình trạng xuống cấp và hư hỏng, TT Thích Tâm Phương, Trụ trì Tu Viện Quảng Đức, Người từng đi chiêm bái Phật tích Ấn Độ hồi năm 1990, đã khởi phát thiện tâm muốn trùng tu bằng cách lót gạch men hoặc tô vẽ sơn phếch lại bốn bức tường này để bảo tồn di tích, cũng như làm tăng vẽ trang nghiêm cho ngôi điện Phật. Chúng tôi đang liên lạc Ban Quản Lý Phật Tích này để Tu Viện Quảng Đức có đủ phước duyên thực hiện được công việc này trên xứ Phật.

Bảo Tháp Trà Tỳ Angrachaya, nơi hỏa táng kim thân Đức Phật

Sau khi rời khỏi Chùa và Bảo Tháp Đại Niết Bàn, phái đoàn lại lên xe để ghé qua thăm tháp Trà Tỳ Angrachaya, nơi hỏa táng kim thân của Đức Bổn Sư. Tháp Trà Tỳ nằm về hướng Đông của Chùa Niết Bàn khoảng 2 cây số, nằm trên đường đi từ Kasia đến Deoria.

Theo các tài liệu lịch sử, Bảo Tháp Trà Tỳ này do bộ tộc Mallas địa phương này xây dựng để tôn thờ một trong tám phần xá lợi được phân chia sau khi Phật diệt độ. Xưa kia Tháp Trà Tỳ vốn là một ngôi tháp thật to, nhưng trải qua một khoảng thời gian dài, ngày nay tháp chỉ còn là một ụ tháp gạch lớn, có đường kính khoảng 35 mét, chiều cao khoảng 16 mét. Phái đoàn đã đi nhiễu một vòng quanh tháp để tưởng nhớ đến công hạnh độ sanh của Đức Bổn Sư.

Khoảng 5 giờ chiều, phái đoàn rời Tháp Trà Tỳ sau khi chụp hình lưu niệm dưới chân bảo tháp. Đoàn đã đến thăm chùa Linh Sơn, cách Bảo Tháp Trà Tỳ khoảng 5 phút lái xe.

Chùa Linh Sơn nằm trên con đường đi đến Phật tích Câu Thi Na. Chùa này được xây vào khoảng năm 1948-1950. Trước kia tên là Song Lâm Tự, do một Ni sư người Hoa trụ trì. Sau khi Ni sư viên tịch, chùa được cúng dường lại cho Hòa Thượng Huyền Vi, Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn ở Pháp quốc. Tiếp đó Hòa Thượng đã cử Ni Sư Thích Nữ Trí Thuận về đây trụ trì. Khi đoàn viếng thăm thì chùa đang trong thời gian kiến thiết và sắp hoàn thành. Chùa này gây ấn tượng cho người viếng thăm vì các Phật tích được tái tạo giống y như đúc từ các nơi phế tích của tứ động tâm, tức là bốn thánh địa quan trọng trong cuộc đời hoằng pháp lợi sinh của Đức Phật Thích Ca, từ Lâm Tỳ Ni, nơi Đức Phật đản sinh, Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật thành đạo, Lộc Giả Uyển, nơi Đức Phật lăn chuyển bánh xe Chánh Pháp, cho đến Câu Thi Na, nơi Đức Phật nhập niết bàn. Tất cả đã được Ni Sư Trí Thuận cho kiến trúc sư vẽ đồ họa, phục chế đầy đủ và chi tiết tại nơi đây. Phái đoàn rất hoan hỷ vui mừng khi đến đây vì trong hoàn cảnh khó khăn về vật chất nơi xứ lạ quê người mà Ni Sư, một thân một bóng, cô đơn lạnh lẽo, đã can đảm vượt qua tất cả để tạo dựng nên Phật cảnh như thế này. Ai cũng trầm trồ ngợi khen, tán dương công đức, cảm nhận được công sức, hoài bảo và chí nguyện của Ni Sư đã bỏ vào công trình nơi xứ Phật này.

Rất tiếc phái đoàn đã không gặp được Ni Sư Trụ Trì. Nghe nói Ni Sư đang bận rộn đi vận động tài chánh ở bên ngoài Ấn Độ để tiếp tục các công trình xây dựng còn dở dang, nên phái đoàn đành ghi sổ vàng cúng dường $2000 Úc Kim và nhiều phẩm vật khác.

Xin chấp tay nguyện cầu mười phương Chư Phật gia hộ cho Ni Sư Trí Thuận chân cứng đá mềm, vượt thoát chướng duyên, gặp nhiều hanh thông và sớm viên thành Phật sự xây dựng để mang ánh sáng Phật Đà đến cho muôn loài.

Bảo Tháp Tưởng Niệm Ngài A Nan và Trụ Đá Vua A Dục tại thành Tỳ Xá Ly (Vaishali)

Ngày 12 tháng 11 năm 2006, ngày thứ 6 của chuyến đi. Đoàn thức chúng lúc 4 giờ sáng, ăn điểm tâm và từ biệt khách sạn Chanakya để lên đường hướng về thành Tỳ Xá Ly. Đoàn đã đi ngang qua thủ phủ Patna (ngày trước là thành Pataliputra, tức là Hoa Thị Thành) để đến thành Tỳ Xá Ly. Đây là một địa điểm hoằng pháp quan trọng trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế, nằm cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 253 cây số về hướng Bắc.

Thành Tỳ Xá Ly vốn là thánh địa của Kinh Vệ Đà thuộc Bà La Môn Giáo. Nơi đây ngày trước đã từng là một kinh thành trù phú, là một trong những nước Cộng Hòa thịnh vượng nhất trong vùng Bắc Ấn thời đó, đã từng có dân cư đông đúc, sinh hoạt sung túc, và dân chúng ở đây vừa hiền lành vừa đạo đức. Nhưng hiện nay thành Tỳ Xá Ly chỉ còn là một thị trấn nhỏ bé nghèo nàn. Dọc đường chúng tôi nhìn thấy nhiều đàn bò và lạc đà đi lang thang trên đường lộ, có đàn vài chục con, làm cản trở giao thông qua lại trong thành phố này.

Tuy khoảng cách từ khách sạn Chanakya đến thành Tỳ Xá Ly không xa lắm, nhưng đường xá ở đây vừa hẹp, vừa xấu với rất nhiều ổ gà lởm chởm trong suốt đoạn đường đi làm cho khoảng cách tưởng chừng như bất tận. Chính vì vậy mà trong khoảng giữa thế kỷ 20, rất nhiều người muốn đi Tỳ Xá Ly mà không đi được.

Khoảng 3 giờ chiều, đoàn chúng tôi đã có mặt tại thành Tỳ Xá Ly để chiêm bái Bảo Tháp Tưởng Niệm Ngài A Nan và Trụ Đá Vua A Dục. Phái đoàn cũng trang nghiêm đi kinh hành và niệm Phật từ ngoài cổng vào bên trong và đi vòng quanh bảo tháp 1 vòng trước khi hồi hướng công đức. Thầy trưởng đoàn Thích Nguyên Tạng đã giảng sơ lược ý nghĩa về Phật tích này: (đoạn chữ nghiêng này không đọc, sẽ do Thầy đọc)

‘‘Thành Tỳ Xá Ly là một địa điểm quan trọng, là nơi có nhiều sự kiện lịch sử liên quan đến Đức Phật và công cuộc hoằng pháp của Ngài. Theo lịch sử liệu, 5 năm sau ngày thành đạo, Đức Bổn Sư đã du hóa đến vùng này. Đây là thủ đô của một trong những nước Cộng Hòa đầu tiên trên thế giới. Phía Nam Tỳ Xá Ly là dòng sông Hằng thiêng liêng, phía Bắc về phía Népal thấp thoáng chân núi Hy Mã Lạp Sơn, phía Tây là dòng sông Dangdak….. »

Thành Tỳ Xá Ly là nơi Đức Phật đã cho phép Thái Hậu Ma Ha Ba Xà Ba Đề, vốn là di mẫu của Phật, được phép xuất gia cùng với 500 cung nữ Thành Ca Tỳ La Vệ. Chính Bà Kiều Đàm Di Ma Ha Ba Xà Ba Đề đã dẫn đầu 500 cung nữ đi chân đất khoảng 5 ngày đường bộ (khoảng 20 giờ xe bus) từ Kinh Thành Ca Tỳ La Vệ đến nơi đây để xin phép Đức Phật được thế phát xuất gia. Lúc đó Đức Phật đang lưu trú tại tu viện Trùng Các (Kutagarasala) trong rừng Đại Lâm (Mahavana). Lúc đầu Đức Phật không chấp thuận lời cầu xin, nhưng nhờ Tôn Giả A Nan nhiều lần thay thế cầu xin, cuối cùng Đức Thế Tôn đã chấp thuận với điều kiện là hàng nữ tu phải áp dụng triệt để Bát Kính Pháp thì mới mong dự vào hàng đệ tử xuất gia. Bà Kiều Đàm Di đã hoan hỷ phụng hành 8 Pháp cung kính ấy và được thế phát xuất gia sau đó.

Tám Pháp cung kính ấy là :

(1) Một vị tỳ kheo ni luôn luôn phải cung kính đứng dậy và chào hỏi một vị tỳ kheo, dù vị tỳ kheo ni ấy có lớn hơn vị tỳ kheo rất nhiều về tuổi đời lẫn tuổi đạo.

(2) Đến mùa an cư hàng năm, chúng tỳ kheo ni phải tìm đến an cư tại nơi nào có chúng tỳ kheo an cư để nương tựa và học hỏi.

(3) Đến kỳ bố tát (lễ tụng giới và phát lồ sám hối của chư tăng ni) mỗi nửa tháng, chúng tỳ kheo ni phải cử người đến xin chúng tỳ kheo chỉ định ngày giờ bố tát, cử người sang giáo huấn và khích lệ việc tu học của ni chúng.

(4) Vào ngày kết thúc mùa an cư, mỗi tỳ kheo ni phải thọ lễ tự tứ (người khác nói ra lỗi của mình, mình nhận lỗi và sám hối) trước chúng tỳ kheo lẫn chúng tì kheo ni.

(5) Khi phạm giới luật, vi tỳ kheo ni phải sám hối trước tăng chúng lẫn ni chúng.

(6) Những sa di ni đã thọ đại giới “Thức Xoa Ma Na” (sáu giới tập sự để chuẩn bị thọ đại giới) hai năm, phải cầu xin thọ đại giới trước cả hai chúng tăng và ni.

(7) Dù trong bất cứ trường hợp nào, tỳ kheo ni cũng không được quyền khiển trách hay nói nặng lời đối với tỳ kheo.

(8) Tỳ kheo ni không được vạch lỗi tỳ kheo; ngược lại, tỳ kheo được nói lỗi của vị tỳ kheo ni.

Sau khi rời Phật tích này, đoàn đã lên xe và ghé sang thăm Chùa Kiều Đàm Di, cũng tọa lạc tại thành phố Tỳ Xa Ly này. Vì nơi đây là địa điểm đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của ni giới trong lịch sử phật giáo nên Chùa được mang tên Kiều Đàm Di, là vị nữ tu đầu tiên trong Chánh Pháp, như để khắc ghi ơn đức của Người. Chùa Kiều Đàm Di chẳng những mang một ý nghĩa lịch sử, mà còn trở thành chốn già lam cho hàng ni giới cư trú và tu học trên xứ Phật. Chùa được thành lập bởi quý Ni Sư Khiết Minh, Khiết Liên, và Sư cô Như Bửu đến từ VN và đã được khởi công xây dựng từ đầu năm 2005. Hiện nay chùa vẫn còn đang xây dở dang và cần nhiều bàn tay đóng góp về công sức cũng như tài chánh. Phái đoàn đã gởi cúng dường một số tiền nhỏ là $2000 Úc Kim và thành kính nguyện cầu cho công trình kiến tạo Phật tự Kiều Đàm Di sớm hoàn thành viên mãn.

Linh Thứu Sơn, Tinh Xá Trúc Lâm và Đại Học Na Lan Đà (Nalanda) tại thành Vương Xá

Phái đoàn đã nghỉ hai đêm (12-11 và 13-11) tại khách sạn Lotus Niko, một hệ thống khách sạn của Phật Giáo Nhật Bản có mặt hầu hết ở các Phật tích. Đây là 1 niềm vui của phái đoàn. Tại phòng lễ tân của khách sạn này được tôn trí một tượng Phật Thích Ca rất đẹp để giúp cho khách hành hương luôn luôn giữ chánh niệm và tinh tấn không những tại các nơi mình đi chiêm bái, mà ngay khi về đến nơi nghỉ ngơi cũng phải gìn giữ thân tâm thanh tịnh, không có sự buông lung và phóng dật trong suốt lộ trình đi chiêm bái, và tu học.

Sáng ngày 13-11-2006, ngày thứ bảy của chuyến hành hương, phái đoàn chúng tôi đã dùng điểm tâm và lên xe bus đi về hưóng thành Vương Xá (Ragir), cách đó khoảng 100 cây số, để viếng thăm các Phật tích quan trọng như Linh Thứu Sơn, Tịnh Xá Trúc Lâm và Đại Học Na Lan Đà.

Linh Thứu Sơn (Griddhakuta) và Động Tu của Tôn Giả A Nan và Tôn Giả Xá Lợi Phất

Chỉ sau 30 phút, phái đoàn đã có mặt ngay dưới chân núi Linh Thứu. Đây là một trong những Phật tích quan trọng trong thành Vương Xá. Mới 8 giờ sáng mà nơi đây có vẻ nhộn nhịp rộn ràng tiếng của những gian hàng địa phương chuẩn bị đón khách hành hương đến từ phương xa.

Có thể nói phái đoàn Tu Viện Quảng Đức đã đến đây sớm nhất trong ngày hôm đó. Cũng như ở các địa điểm chiêm bái khác, chúng tôi đã xuống xe và bắt đầu kinh hành niệm Phật ngay từ chân núi Linh Thứu.

Phái đoàn chúng tôi người nhỏ nhất là 26 tuổi và lớn tuổi nhất là 74 tuổi. Tất cả đều thành tâm đi kinh hành niệm Phật từ chân núi lên đến tận đỉnh núi Linh Thứu. Bây giờ đường đi lên đỉnh núi đã được xây dựng lại bằng xi măng và có tam cấp nên việc đi lại rất dễ dàng, chứ không như các năm trước đây. Tuy nhiên, phái đoàn cũng đã dừng lại nghỉ chân đến hai lần trước khi băng qua cây cầu Linh Sơn, rồi đi vòng theo một khúc quanh ngoằn ngoèo để leo lên đỉnh Linh Thứu Sơn. Chính tại nơi này, Đức Phật đã lưu trú nhiều năm và đã thuyết giảng nhiều bộ kinh quan trọng trong lịch sử Phật giáo như Kinh Pháp Hoa, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Đại Bát Nhã, Kinh A Hàm, Kinh Phương Đẳng v.v...

Đỉnh núi Linh Thứu buổi sớm vẫn còn bị bao phủ bởi những khói sương mù làm cho chúng ta có một cảm giác đầy thiêng liêng và huyền bí. Đứng trên đỉnh núi này chúng ta có thể nhìn thấy một không gian thật bao la và hùng vĩ của núi rừng, và nhìn thấy một độ sâu thăm thẳm cùng với những vách núi đá cheo leo. Trên nền trời trong xanh, những làn mây trắng trôi la đà dường như đang bay tiếp giáp với những đỉnh núi làm chúng ta có cảm nhận như đây là một nơi gặp gỡ của thiên địa. Không khí ở trên đỉnh núi thật là thanh khiết, trong lành, mát mẻ và dễ chịu. Thật là kỳ diệu vì ngay trên một đỉnh núi cheo leo như vậy chúng ta lại tìm thấy một khoảng đất vuông, trống và phẳng vừa đủ cho một đạo tràng thuyết pháp nơi đây. Chính khoảng đất vuông vắn này đã từng là tòa thuyết pháp của Đức Thế Tôn cho hàng ngàn đại chúng bồ tát, tỳ kheo, tỳ kheo ni v.v... Có phải chăng tất cả là một xếp đặt diệu kỳ của thiên nhiên, và của trời đất. Có lẻ chỉ những ai đã từng được đặt chân lên đỉnh núi Linh Thứu này mới có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp và sự thiêng liêng của nó.

Hôm đó cũng chính trên đỉnh núi này, phái đoàn hành hương chúng tôi, sau 2550 năm Đức Thế Tôn nhập niết bàn, lại được đầy đủ duyên lành ngồi nơi đây và cùng nhau trì tụng bài Bát Nhã Tâm Kinh. Bản Kinh này gồm có 272 chữ, và là một bản kinh tinh túy được cô động từ bộ Đại Bát Nhã Kinh, khoảng 5 triệu chữ. Bản Kinh Đại Bát Nhã này đã được Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm phiên dịch hoàn chỉnh từ Hán sang Việt và ấn hành trong 24 tập, mỗi tập gồm một ngàn trang. Quý Phật tử có thể tìm đọc bộ Kinh quan trọng này trên Trang Nhà Quảng Đức (http://www.quangduc.com).

Kinh Bát Nhã là một trong những bản kinh cốt lõi của hệ tư tưởng Phật Giáo Đại Thừa. Kinh giới thiệu về tánh không, rộng giải về 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới và 12 nhân duyên theo Tứ Diệu Đế. Kinh này cũng giải thích về năng lực của Tuệ giác Vô thượng, xác chứng về trí tuệ siêu việt qua ba đời mười phương Chư Phật nương theo đây để tu tập mà chứng ngộ. Và Kinh này cũng khẳng định về sức mạnh của trí tuệ; chỉ có trí tuệ mới loại bỏ được khổ đau và chứng đắc được Niết bàn an lạc.

Sau thời kinh, Đại Đức Trưởng Phái Đoàn Thích Nguyên Tạng đã kể lại một giai thoại ngắn xảy ra tại Linh Thứu Sơn này: ( đoạn nghiêng do Thầy đọc)

Chúng ta đang có mặt tại đỉnh của Linh Thứu Sơn, nơi đây Đức Bổn Sư của chúng ta từng lưu trú 25 năm để thuyết những bộ kinh quan trọng như Pháp Hoa, Hoa Nghiêm và Niết Bàn, những tư tưởng đã làm thay đổi cả vũ trụ nhân sinh.

Pháp sư Pháp Hiển cũng ghi lại trong Tây Vực Ký rằng khi ngài lên đến đỉnh Linh Thứu, ngài cảm thấy vô cùng đau xót vì tủi cho thân phận mình không gặp mặt Đức Thế Tôn, nhớ đến ân đức của Đức Phật nên ngài đã tụng một thời kinh Lăng Nghiêm, trong khi ngài Huyền Trang đến đây đã tụng hết một bộ kinh Pháp Hoa. Theo truyền thống Phật giáo thì cũng chính tại nơi đây trong một pháp hội, ngài Ca Diếp đã nhận sự truyền thừa từ Đức Phật. Theo truyền thuyết Phật giáo thì trong chúng hội này, Đức Phật đã không thuyết một lời nào mà chỉ đưa lên một cành hoa. Cả chúng hội đều ngơ ngác nhìn nhau, duy chỉ có Ngài Ca Diếp nhìn Phật mỉm cười. Cái cười của một người đại đệ tử giác ngộ. Từ đó ngài Đại Ca Diếp được Phật trao truyền nối tiếp dòng truyền thừa Chánh Pháp.

Pháp sư Huyền Trang đã than rằng:

Phật tại thế thời ngã trầm luân

Kim đắc nhân thân Phật diệt độ

Áo não thử thân đa nghiệp chướng

Bất kiến Như Lai kim sắc thân

Dịch nghĩa:

Khi Phật hiện đời con nổi trôi

Nay được thân người Phật diệt rồi

Buồn thay thân con nhiều nghiệp chướng

Chẳng thấy thân vàng Phật ở đời.

Một điều kỳ diệu là phái đoàn hành hương Tu Viện Quảng Đức vừa tụng xong thời kinh thì ngay khi đó có khoảng 600 vị Lạt Ma Tây Tạng cũng có mặt tại đỉnh Linh Thứu Sơn để chiêm bái Phật tích này. Nhìn thấy quý ngài ngồi làm lễ, tụng kinh và trì chú Om Mani Padme Hum tại nơi đây với âm thanh vang rền cả khu núi rừng này làm chúng tôi nhớ đến hình ảnh “bồ tát tùng địa dũng xuất” trong kinh Pháp Hoa, một bản Kinh cũng được Đức Phật thuyết giảng tại nơi này. 600 vị Lạt Ma đến đây chiêm bái này từ một trường Đại Học Phật Giáo Tây Tạng ở Bodhgaya, tức là ở tiểu bang Bihar, nơi Đức Phật thành đạo.

Phật Giáo Tây Tạng, dưới sự lãnh đạo kiệt xuất của Đức Đạt Lai Lạt Ma, đã có đầy đủ hệ thống giáo dục từ sơ đẳng đến tiến sĩ Phật học ngay tại Ấn Độ kể từ năm 1959, khi Trung Quốc xâm chiếm quốc gia này, và họ đào thoát khỏi Tây Tạng.

Sau khi chụp hình lưu niệm xong, phái đoàn đã tuần tự xuống núi. Dọc theo triền dốc núi, đoàn chúng tôi đã viếng thăm và đảnh lễ Động Tu trong hang đá của Tôn Giả A Nan và Tôn Giả Xá Lợi Phất. Tôn Giả A Nan là vị thị giả của Đức Thế Tôn trong 25 năm, và đã được tôn vinh với danh hiệu là Đa Văn Đệ Nhất trong 10 đệ tử đứng đầu của Đức Phật trong cuộc đời hoằng pháp của Ngài. Hang động tu của Ngài A Nan nằm ngay dưới triền dốc, gần với hương thất của Đức Phật. Chính nơi này Ngài A Nan đã thường ngồi tu tập thiền định, và ngày nay người ta vẫn còn tìm thấy phía sau động hãy còn một đường nứt lớn chạy dài từ hương thất của Đức Phật. Theo truyền thuyết thì đó chính là chỗ Đức Phật đã dùng thần lực đưa tay từ phòng mình xuống và đặt trên đầu ngài A Nan để trấn an ngài khi ngài bị ma ám.

Tôn Giả Xá Lợi Phật là vị đệ tử Trí Tuệ Đệ Nhất của Đức Phật. Động tu của Ngài nằm ở đoạn phía dưới triền núi. Hang này có một mỏm đá nhô ra như hình của đầu một con rắn, và chính nơi đây ngài Xá Lợi Phất đã thường trú ngụ để thiền định và quản chúng.

Sau khi xuống đến chân núi Linh Thứu, phái đoàn đã ghé sang thăm phế tích Đại Học Na Lan Đà (Nalanda), cách chân núi Linh Thứu khoảng 30 phút xe bus.

Đại Học Na Lan Đà (Nalanda)

Đại Học Na Lan Đà vốn được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước Tây Lịch, trên 1 khu đất thênh thang rộng 14 mẫu, và được xem là trường đại học đầu tiên và lớn nhất thế giới. Trường đại học khổng lồ này nằm ngoại ô thành Vương Xá (Rajgir). Nhiều bậc anh tài Phật giáo đã được đào tạo tại nơi này như Tổ sư Long Thọ, Ngài Mã Minh, Ngài Vô Trước, Ngài Thế Thân, Pháp Sư Huyền Trang v.v... Đặc biệt là Ngài Long Thọ đã từng theo học và sau đó trở thành viện trưởng tại đại học này. Thời kỳ vàng son của Na Lan Đà (Nalanda) là từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 8. Đến thế kỷ 12, quân Hồi Giáo xâm chiếm Ấn Độ, và dĩ nhiên Đại Học Na Lan Đà không nằm ngoài mục tiêu hủy diệt của họ. 10.000 tăng sĩ đã ngã xuống một cách bi hùng dưới chiếc gươm lạnh lùng của họ vì tất cả thà chịu chết chứ không yếu hèn chấp nhận cuốn kinh Koran của ngoại đạo. Máu của quý ngài đã nhuộm đỏ nền gạch và chảy thành suối trong khắp Na Lan Đà (Nalanda) ngày ấy!

Theo chuyện kể lại rằng, thư viện của Na Lan Đà và tàng kinh các đã bị phóng hỏa thiêu hủy trong ba tháng trời. Hình ảnh tang thương đó dường như vẫn còn hiện hữu đâu đó khi phái đoàn bước chân vào thánh địa này. Nhiều đệ tử đã bật khóc khi nhớ đến những cái chết bi tráng bảo vệ Chánh Pháp của quý học tăng năm xưa. Phái đoàn hành hương của Tu Viện Quảng Đức đã kinh hành tưởng niệm đến sự hy sinh vì đạo của quý ngài năm xưa trong niềm xúc động dâng trào. Ước nguyện đại học Na Lan Đà sẽ có ngày phục hưng trở lại để mang ánh sáng giác ngộ đến cho muôn loài.

Sau khi rời Đại Học Na Lan Đà, đoàn chúng tôi đã dùng trưa ở Khách sạn Lotus Niko, nơi có một phòng phát hành Phật cụ rất đẹp nhưng hơi đắt tiền. Sau đó phái đoàn đã đến thăm Trúc Lâm Tịnh Xá, cũng tọa lạc trong thành Vương Xá.

Tinh Xá Trúc Lâm (Venuvana Vihara)

Tinh Xá Trúc Lâm vốn là vườn thượng uyển của Vua Tần Bà Sa La, nhưng sau khi quy y Tam Bảo, ông đã dâng cúng khu vườn trúc này cho Đức Phật để làm tinh xá. Đây là tinh xá đầu tiên của Phật Giáo. Đức Phật cùng với các đệ tử của mình đã trải qua ba mùa an cư kiết hạ, từ mùa hạ thứ nhì đến mùa hạ thứ tư tại khu vườn này.

Dù đã trôi qua trên 2500 năm, ngày nay những bụi trúc ở đây vẫn còn xanh tươi, và hồ nước vẫn trong vắt như ngày nào. Phái đoàn đã kinh hành niệm Phật quanh bờ hồ để tưởng niệm đến hình ảnh xưa kia của Đức Thế Tôn và Tăng Đoàn sinh hoạt tại nơi này.

Tại thánh tích này, phái đoàn đã đặc biệt gặp một nhóm Phật tử người Ấn đến từ tiểu bang Bombay cũng về đây chiêm bái. Nhóm Phật tử này đã cung thỉnh Đại Đức Trưởng đoàn Thích Nguyên Tạng viếng thăm Bombay. Họ đã phát tâm cúng dường 5 mẫu đất để Đại Đức xây dựng Phật cảnh tại Bombay, nơi chưa có chùa phật giáo.

Được biết tiểu bang Bombay hiện tại có rất nhiều người Ấn đã trở về với phật giáo nhưng không có Tăng sĩ hướng dẫn. Những người con Phật nơi này rất cần được sự quan tâm dẫn dắt của tăng đoàn.

Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya) và Kim Cang Tòa tại Bihar

Sau khi viếng thăm Tịnh Xá Trúc Lâm, đoàn đã lên xe đi về hướng tiểu bang Bihar, để viếng thăm Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhgaya), nơi Đức Phật thành đạo. Phái đoàn đã đến nơi khoảng 4 giờ chiều, và đã vào nhận phòng tại khách sạn Lotus Niko, cách Đại Tháp Giác Ngộ khoảng 10 phút đi bộ. Sau khi nghỉ giải lao 30 phút, phái đoàn gồm 51 người đã đi kinh hành thành một hàng dài và đã niệm hồng danh của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni từ khách sạn đi vòng ra đường lộ, tiến vào khuôn viên của Đại Tháp Giác Ngộ, và tiếp tục kinh hành niệm Phật vào đến trước tận Kim Cang Tòa, nơi Đức Thế Tôn đã ngồi kiết già thiền định trong 49 ngày và cuối cùng thành tựu đạo quả. Đây là một hình ảnh rất đẹp và nghiêm trang, và đã để lại một ấn tượng khó quên trong lòng rất nhiều hành khách trên đường phố và những đoàn hành hương khác.

Phái đoàn đã vào đảnh lễ tôn tượng của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni thành đạo ngay trước Kim Cang Tòa trong Bảo Tháp. Sau đó đoàn đã tụng một thời kinh Ý Nghĩa Phật Thành Đạo ngay dưới cội Bồ Đề. Tại đây Thầy trưởng phái đoàn đã tuyên đọc danh sách cầu siêu cho những hương linh ký tự tại Tu Viện Quảng Đức từ năm 1990 đến nay.

Ngày 14 tháng 11 năm 2006, ngày thứ 8 của chuyến đi và là ngày thứ 2 của phái đoàn ở tại Bồ Đề Đạo Tràng, phái đoàn thức chúng vào lúc 5 giờ sáng và cũng bắt đầu đi kinh hành niệm Phật từ khách sạn Lotus Niko đến dưới chân tháp Giác Ngộ. Đến trước Kim Cang Tòa, phái đoàn đã tụng 5 đệ Lăng Nghiêm, và thập chú. Sau đó Thầy trưởng đoàn đã làm lễ quy y Tam Bảo cho 5 đệ tử: Quảng Hội, Quảng Tiến, Quảng Trì, Quảng Hòa và Quảng Thanh ngay bên cạnh Bảo Tháp. Quả thật đây là nhân duyên hy hữu khó có thể nghĩ bàn được cho 5 đệ tử này đã có phước duyên về thăm quê hương của Đức Phật, và lại còn đủ duyên lành để được truyền trao giới pháp ngay tại địa điểm Phật thành đạo.

Sau thời kinh sáng và làm lễ quy y, phái đoàn chúng tôi đã lần lượt được vào đảnh lễ và dâng từng đóa sen tinh khiết lên Đức Thế Tôn ngay bên trong Kim Cang Tòa. Đây cũng là một phước duyên thù thắng cho toàn phái đoàn hành hương chúng tôi.

Tiếp đó, đoàn đã về ăn điểm tâm tại khách sạn và sau đó lên xe bus để đi chiêm bái Khổ Hạnh Lâm (Uruvela) và sông Ni Liên Thiền (Naran Jana). Dù không xa lắm, nhưng đường xá gồ ghề nhỏ hẹp nên phải mất hơn một tiềng đồng hồ phái đoàn mới đến được làng Barkraur.

Phải nói rằng tất cả khách hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ phải thành kính biết ơn các tổ chức Phật Giáo Nhật Bản và Triều Tiên đã tài trợ kinh phí để chính phủ Ấn Độ xây dựng đường xá, và cầu cống dẫn đến các Phật tích tại Ấn Độ. Chính nhờ vào sự giúp đỡ của họ mà việc đi chiêm bái của chúng ta hiện nay đã dễ dàng hơn rất nhiều.

Khổ Hạnh Lâm (Uruvela)

Hai xe bus của phái đoàn hành hương của Tu Viện Quảng Đức đã dừng chân ngay tại chân núi khổ hạnh Pragbodhi. Đoàn chúng tôi đã bắt đầu kinh hành lên núi. Khoảng 20 phút, đoàn đã leo đến đỉnh núi Khổ Hạnh. Chính tại nơi này, Đức Bổn Sư đã trải qua những năm tháng sống theo pháp tu khổ hạnh. Ngài mỗi ngày chỉ ăn một hạt kê, một hạt mè, và uống một ngụm nước để sống cầm hơi trong suốt sáu năm dài mà vẫn không thấy ánh sáng giác ngộ qua lý thuyết và cách thực hành ấy. Thân hình đẹp đẽ và tráng kiện xưa kia nay trở thành suy nhược, da xanh nhợt nhạt, máu cạn, gân rút, thịt teo, mắt mờ, chỉ còn lại bộ da bộc xương, và cái chết đang tiến đến gần. Ngài đã từ bỏ lối tu khổ hạnh và đã chọn con đường trung đạo để tìm đến ánh sáng giác ngộ.

Ngài đã đến sông Ni-liên-thiền (Neranjara) tắm rửa sạch sẽ để sửa soạn cho một cuộc hành trình mới. Hành động tắm gội ở đây là một biểu tượng cho quyết tâm loại bỏ một pháp tu lệch lạc và bắt đầu một cuộc tìm kiếm chân lý khác. Để khởi đầu lộ trình này, không gì hơn là Ngài phải tẩy sạch tất cả những bụi bặm trên thân xác và tinh thần của Ngài.

Ngài khó khăn lắm mới bước được lên bờ và đã nhận được một bát sữa của nàng Tu-Sà-Đa (Sujata) dâng cúng. Không ai rõ lý do nào mà nàng Tu Sà Đa (Sujata), một người con gái của vị Trưởng làng Tuna gần đó, dâng tặng bát sữa cho Ngài. Tuy nhiên, chính nhờ bát sữa ấy mà Đức Phật đã nhanh chóng hồi phục sức khỏe và sinh lực để tiếp tục con đường tìm kiếm chân lý của mình. Ngài cũng đã nhận được một bó cỏ cát tường của Svastika, một cậu bé chăn trâu trong làng. Ngài đã tự tay trãi bó cỏ này để làm tọa cụ dưới cội Tất-bát-la (ngày nay gọi là cội Bồ-đề), và đã ngồi kiết già, mặt quay về hướng Đông và phát một lời đại nguyện rằng: “Thân tứ đại này dù mai kia có biến thành cát bụi, nhưng đạo quả chưa đạt thành, tòa cỏ này quyết không đổi thay.”

Sau khi phát lời đại nguyện xong, Ngài bắt đầu thiền tọa dưới cội Bồ-đề với tư thế ngồi “liên hoa” hay “kiết già.” Ở tư thế này, hai chân bắt chéo, bàn chân này nằm ngửa trên lòng bàn chân kia, hai bàn tay thu trước bụng, lòng bàn tay ngửa, và bàn tay trái đặt trên bàn tay phải. Đây là cách ngồi tiêu chuẩn của pháp môn thiền định và là tư thế ngồi được xem là ổn định nhất, vững chắc nhất giúp cho ta có cảm giác chắc chắn khi đôi tay và đôi chân luôn được kiểm soát và giúp tâm trí không bị buông thả.

Ngài đã trải qua bảy tuần lễ tu tập thiền định như thế, quán chiếu nội tâm, và thấy rõ được thật tướng của vạn pháp là vô ngã. Cuối cùng, vào đêm thứ bốn mươi chín, trong trạng thái đại định với tâm thanh tịnh, Ngài đã đạt được giác ngộ và giải thoát dưới cội Bồ Đề.

Sau khi chiêm bái Khổ Hạnh Lâm xong, trên đường xuống núi, đoàn đã ủy lạo cho một nhóm khoảng độ từ 300 đến 400 người hành khất Ấn ngồi dọc theo đường đi. Đoàn đã phát bánh và cho tiền cắc rupee cho họ trên đường xuống chân núi.

Cô Nhi Viện Sujata

Sau đó đoàn cũng đã ghé vào thăm viếng và ủy lạo tại Cô Nhi Viện Sujata, do Phật Giáo Triều Tiên thành lập để giúp trẻ em nghèo Ấn Độ. Cô nhi viện này nằm ngay dưới chân núi Khổ Hạnh. Phái đoàn đã ghé thăm và tặng quà tình thương, bao gồm 1000 Úc Kim cùng nhiều phẩm vật khác như bánh kẹo, sách vở v.v... cho Cô Nhi Viện này.

Đây là lần đầu tiên đoàn chúng tôi đã chứng kiến cảnh reo hò vui mừng, những tràng pháo tay vang dậy, và những gương mặt rạng rỡ của hàng ngàn những em bé mồ côi của Cô Nhi Viện Sujata khi các em cảm nhận được chút tình thương và sự chia sẻ của phái đoàn hành hương chúng tôi gởi tặng đến cho các em.

Bảo Tháp Tưởng Niệm của Tu Xà Đa (Sujata) bên dòng sông Ni Liên Thiền

Sau khi rời Khổ Hạnh Lâm đoàn về lại khách sạn để dùng trưa. Sau đó, đoàn lại lên xe để viếng thăm Bảo Tháp tưởng niệm nàng Tu Xà Đa (Sujata), người đã dâng bát sữa cúng dường lên Đức Phật.

Phái đoàn đã dừng chân ngay bên kia đầu cầu bên bờ sông Ni Liên Thiền để đi kinh hành vào Bảo Tháp. Dòng sông lịch sử Ni Liên Thiền cách Bồ Đề Đạo Tràng khoảng 200 mét về phía Đông. Ngày nay sông này có tên là Lilajan; sông rộng trên 1 cây số, xưa kia vốn là một dòng sông chính của vùng Đông Bắc Ấn với nước trong xanh, tinh khiết, mát mẻ và chảy xiết quanh năm. Nhưng vào thời điểm phái đoàn chúng tôi đến thăm, dòng sông này đã khô cạn đến mức không tưởng, chỉ còn 1 dòng nước nhỏ leo teo ở giữa lòng sông. Thật đúng là một sự đổi thay, biến chuyển của bãi bể nương dâu như cụ Tú Xương từng thố lộ:

‘‘Sông kia rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai.

Đêm nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò!’’

Hiện nay chính phủ Ấn Độ đã làm một cây cầu thật dài bắt ngang qua sông Ni Liên Thiền này, rất thuận tiện cho việc giao thông qua lại với làng Bakraur, nơi mà nàng Tu Xà Đa đã dâng lên Đức Phật bát sữa và là nơi đã xây dựng Bảo Tháp tưởng niệm nàng Tu Xà Đa.

Bảo Tháp tưởng niệm của nàng Tu Xà Đa cũng được đắp bằng gạch to lớn, chiều ngang khoảng 20 mét, và chiều cao khoảng 8 mét. Phái đoàn đã không thể đi kinh hành vòng quanh Bảo Tháp được vì Tháp đang ở trong giai đoạn trùng tu. Nghe nói người dân vùng này nghèo quá nên họ đã đào trộm lấy gạch từ tháp này để bán mua gạo. Khi phát hiện ra, họ đã lấy hết một góc của Bảo Tháp rồi. Thế mới biết, dù bất cứ ở nơi đâu, “hễ bần cùng thì sanh đạo tặc.” Đến những nơi thiêng liêng nhất như ở đây họ cũng không màng, miễn sao giải quyết được miếng cơm manh áo là họ làm. Không biết ngày xưa ngôi làng này như thế nào, nhưng chắc là sung túc hơn bây giờ nhiều vì thuở ấy nhà của nàng Tu Xà Đa vẫn còn có sữa để cúng dường Đức Phật; còn ngày nay ngôi làng này nghèo nàn, xơ xác và điều hiu nên người dân mới có chuyện ăn trộm gạch từ Bảo Tháp như thế.

Sau thời kinh cầu an dưới Bảo Tháp tưởng niệm nàng Tu Xà Đa, phái đoàn đã mua chim phóng sanh ngay tại Bảo Tháp. Sau đó đoàn đã lên xe quay trở về Bồ Đề Đạo Tràng để thăm viếng thêm một lần nữa nơi thánh tích thiêng liêng này vì ai cũng luyến tiếc là ngày mai sẽ phải từ biệt nơi này rồi. Quả thật Bồ Đề Đạo Tràng là một thánh địa vĩ đại cho những ai muốn tìm sự tỉnh giác thiền định, cảm hứng tâm linh hay nghiên cứu lịch sử. Chính vì thế mà Bồ Đề Đạo Tràng, từ 5 giờ sáng đến 10 giờ đêm, lúc nào cũng nhộn nhịp, rộn ràng, tấp nập khách hành hương, và kẻ mua người bán, không có lúc nào mà vắng người ở nơi Phật tích này. Đến đây rồi, niềm vui thật khó tả, chỉ xem thấy những nụ cười luôn hé nở trên môi.

Phái đoàn đã cúng dường $2500 Úc Kim vào ngân quỹ trùng tu Đại Tháp Giác Ngộ trước khi từ biệt nơi thánh địa có một không hai này.

Trung Tâm Tu Học Viên Giác

Trước khi rời Phật tích Bồ Đề Đạo Tràng, đoàn đã ghé thăm Trung Tâm Tu Học Viên Giác. Trung tâm này do Đại Đức Thích Hạnh Nguyện, đệ tử của Thượng tọa Phương Trượng Chùa Viên Giác Thích Như Điển, khai sáng và chăm sóc. Phái đoàn rất hoan hỷ vui mừng khi nhìn thấy sự trang nghiêm huy hoàng của một Trung tâm tu học Phật pháp do chính người Việt tạo dựng bên cạnh Đại Tháp Giác Ngộ, nơi Đức Thế Tôn thành đạo. Quả thật không đơn giản để làm nên một Phật sự lớn lao như thế này nếu như thiếu tu, thiếu phước, và thiếu đức.

Thật vậy, Thầy Hạnh Nguyện là người nổi tiếng về hạnh "thí thân cầu pháp" bằng cách đốt tay để cúng dường chư Phật, một mật hạnh khó thấy, khó thực hiện trong thời đại này. Đại Đức Thích Hạnh Nguyện và sư huynh của Thầy là Đại Đức Thích Hạnh Tấn (hiện là trụ trì Chùa Viên Giác, Hanover, Đức Quốc) đã có duyên với Phật Giáo Tây Tạng, và đã từng theo tu học với các vị Lạt Ma ở Tu Viện Sera miền Nam Ấn Độ. Do ảnh hưởng về pháp tu, nên cung cách kiến tạo Phật cảnh và Phật tượng nơi đây đều có nét giống như Phật Giáo Tây Tạng.

Thầy Hạnh Nguyện được tán dương công đức là người có tu nên mới có thể viên thành được công trình xây dựng này. Phái đoàn đã lễ Phật và cúng dường Tam Bảo ở đây $2000 Úc Kim. Được biết, hiện tại Thầy Hạnh Nguyện cũng đang kiến tạo một trung tâm tu học khác ở Thái Lan. Xin chắp tay cầu nguyện cho Thầy sớm hoàn thành công việc khó khăn này.

Đặc biệt khi đến thăm Trung Tâm Viên Giác này, phái đoàn hành hương đã có duyên gặp được Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt, trụ trì Chùa Thiện Minh, đến từ Pháp Quốc. Ngài đến Ấn Độ để đảnh lễ Đức Bổn Sư tại cội Bồ Đề và cầu Chư Phật gia hộ để Ngài có đủ tâm lực để xây dựng lại ngôi Chùa Thiện Minh, vốn đã bị hỏa hoạn thiêu rụi hồi tháng 8 vừa qua. Phái đoàn cũng đã gởi cúng dường đến Hòa Thượng $2000 Úc Kim để góp một viên gạch cho công trình xây dựng, và thành kính nguyện cầu cho công cuộc tái kiến thiết sớm viên thành để làm chỗ nương tựa tinh thần của cộng đồng Phật tử tại thành phố Lyon và các vùng phụ cận tại Pháp quốc.

Vườn Lộc Uyển (Migadava) và Tôn Tượng Chuyển Pháp Luân tại Vườn Nai (Sarnath), ngoại ô của thành Ba La Nại (Varanani)

Ngày 14 tháng 11 năm 2006, ngày thứ 9 của chuyến đi, đoàn thức chúng vào lúc 4 giờ sáng. Sau khi ăn điểm tâm, phái đoàn đã lên xe để đến thành Ba La Nại (Varanasi). Đây là thành phố linh thiêng nhất của Ấn Độ giáo. Nhưng đối với người đệ tử Phật, Vườn Lộc Uyển, nằm ở vùng ngoại ô của thành phố này, nơi Đức Phật chuyển bánh xe Pháp Luân lần đầu tiên, chính là địa điểm đánh dấu sự hình thành 3 ngôi Tam Bảo.

Sau gần 9 tiếng đồng hồ ngồi trên xe bus, phái đoàn đã đến Vườn Lộc Uyển, một công viên lớn tại Vườn Nai (Sarnath), vùng ngoại ô của thành Ba La Nại (Varanasi) vào khoảng 4 giờ chiều. Dù đường xa mệt mỏi nhưng tất cả đều hoan hỷ vui mừng để đích thân đến chiêm bái nơi Phật tích quan trọng này. Đây là động tâm thứ 3 trong tứ động tâm. Đệ tử Mỹ Liên, nhỏ tuổi nhất trong phái đoàn đã ngã bệnh khi đến nơi này, trong khi cụ Quảng Thọ, 74 tuổi, lớn tuổi nhất trong đoàn lại rất khỏe mạnh trong suốt chặng đường dài vạn dặm của xe bus.

Tại sao Đức Phật thành đạo tại Bồ Đề Đạo Tràng mà lại đến Lộc Giả Uyển để giảng pháp, cách 1 ngày đường xe bus, tức là bằng 10 ngày đi đường bộ? Không ai biết được ý định này của Đức Phật. Chỉ có thể đoán được là Đức Phật đến đây để hóa độ năm người bạn đồng tu trước kia của Ngài; chính là năm anh em Tôn Giả Kiều Trần Như.

Ngày nay Vườn Lộc Uyển là một công viên cực lớn với một hàng rào bao bọc xung quanh để bảo vệ. Trong công viên là những thảm cỏ rộng lớn, xanh tươi với những bụi cây nhỏ rực màu đỏ và tím. Không khí vào buổi chiều ở đây thật là thanh khiết, mát mẻ và dễ chịu. Ở giữa Vườn Lộc Uyển người ta có thể nhìn thấy một ngôi Tháp nổi bật nhất là Bảo Tháp Dharmaka, tức Chuyển Pháp Luân, cao 33 mét. Tháp được xây bằng gạch trước thời A-Dục Vương, thế kỷ thứ ba trước Tây lịch.

Dưới sự hướng dẫn của Thầy Trưởng Đoàn, phái đoàn chúng tôi đã tụng bản Kinh Chuyển Pháp Luân ở trước mái che của những tôn tượng chuyển Pháp Luân. Sau đó Thầy trưởng đoàn nhắc thêm về lịch sử của Phật tích này:(đoạn chữ nghiêng đã có sẳn, sẽ lồng vào sau):

“Có thể nói, nếu không có Vườn Lộc Uyển này thì không có Phật Giáo trên thế gian, vì chính nơi đây Tam Bảo, ba ngôi báu, Phật Pháp Tăng, đã được hình thành và từ đó ánh sáng của Chánh Pháp đã được truyền lưu đến tận ngày hôm nay…”

Tại Vườn Lộc Uyển này, Đại đế A Dục cũng đã đến chiêm bái và cho dựng một trụ đá rất lớn, đường kính 7 tấc, cao 16 mét để đánh dấu nơi Đức Thế Tôn thiết lập ngôi Tam Bảo, mở đầu công cuộc truyền bá Chánh Pháp. Đau đớn thay, trụ đá này đã bị quân Hồi Giáo của Mohammed Ghori xâm lăng và hủy diệt! Trụ đá đã bị xô ngã, gãy thành nhiều khúc, và bị chôn vùi dưới lòng đất cho đến khi nhà khảo cổ Kittoe đào bới lên vào năm 1934.

Hiện phần trên của trụ đá với bốn con sư tử còn nguyên vẹn. Nhưng chính phủ Ấn Độ đã đem phần trên của trụ đá này trưng bày trong Viện Bảo Tàng Khảo Cổ Lộc Uyển, và chỉ có năm khúc gãy khác là được tôn trí ngay tại địa điểm khai quật trong khuôn viên Vườn Lộc Uyển, dưới một mái che và bao bọc bởi một hàng rào sắt để gìn giữ bảo vật vô giá này. Phần dưới trụ đá, có khắc hàng chữ bằng tiếng Brahmi:

"Đấng Thiên Nhơn sư đã dạy rằng: Giáo hội Tăng Ni không được chia rẽ. Nếu có vị Tỳ-kheo nào phá hoại Giáo hội, vị ấy phải mặc đại y và ở tại một chỗ thanh tịnh chí thành sám hối” … “Hàng cư sĩ tại gia mỗi ngày rằm hay mùng một phải đến dự họp kiểm thảo nhau để thêm phần tinh tấn về đạo nghiệp. Và các ngày lễ Phật, các quan chức phải đến dự lễ để được thêm phần tin tưởng về đạo đức. Các cấp quận, huyện, xã dù xa xôi thế nào, cũng phải truyền rộng chỉ thị này theo đúng nghĩa của nó cho dân chúng tuân theo".

Tại Phật tích này, đoàn đã có khoảng 2 tiếng đồng hồ để chụp hình lưu niệm tập thể và hình cá nhân. Nơi đây, Thầy Trưởng Đoàn đã đặc biệt chụp cho mỗi đệ tử trong đoàn chúng tôi 2 tấm hình lưu dấu kỷ niệm, một tấm đứng chắp tay và một tấm ngồi trong tư thế tọa thiền, ngay ở trước Bảo Tháp Chuyển Pháp Luân (Dharmaka). Thầy muốn chúng tôi sẽ mãi luôn ghi nhớ rằng: ‘‘chính tại khu Vườn Lộc Uyển này là nơi đã đánh dấu sự hình thành của 3 ngôi báu Phật Pháp Tăng và cũng là nơi mà từ đây ánh sáng giác ngộ được lan tỏa khắp nơi.’’

Sau đó, phái đoàn chúng tôi đã đến viếng thăm Tôn Tượng Chuyển Pháp Luân ở Lộc Giả Uyển.

Quanh đây, chúng tôi tìm thấy rất nhiều những bia đá khắc những bản Kinh Chuyển Pháp Luân bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau rất đẹp và trang nghiêm. Điều mà chúng tôi rất vui mừng và ngạc nhiên là chúng tôi thấy Bản Kinh Chuyển Pháp Luân tiếng Việt cũng có tại nơi này.

Chúng tôi đã lần lược từng nhóm 5 người chụp hình trước Tôn Tượng Chuyển Pháp Luân này. Sau khi chụp hình lưu niệm, một số đệ tử trong đoàn đã thành tâm thắp những ngọn nến và đi chân đất nhiễu vòng quanh khuôn viên với những tôn tượng của Đức Thế Tôn cùng với 5 anh em Tôn Giả Kiều Trần Như. Chúng tôi nhận thấy có rất nhiều khách hành hương ngồi ở một góc nào đó tụng kinh, và nhận thấy có rất nhiều đệ tử trong đoàn chúng tôi đã bồi hồi xúc động và đã rơi nước mắt khi đi vòng quanh khu vực này. Chúng tôi ngắm nhìn nét mặt bao dung và hiền từ của Đấng Tụ Phụ, và nét thành tâm cung kính của 5 anh em A Nhã Kiều Trần Như mà lòng chúng tôi như cảm thấy hình bóng của Đức Thế Tôn và Tăng đoàn như vẫn còn đâu đây. Không giống như sự xúc cảm của chúng tôi khi bước vào đảnh lễ tôn tượng của Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn. Cũng là những giọt nước mắt nhưng những giọt nước mắt của các đệ tử hôm nay là những giọt nước mắt vui mừng khi bắt gặp được Chánh Pháp, và khi tận mắt được nhìn thấy lại hình ảnh của Đức Thế Tôn chuyển bánh xe Pháp Luân. Gió trời chiều thổi nhẹ, không khí quanh khu Vườn Lộc Uyển thật là thanh khiết, và từ nơi đâu ở trong khu vườn này tỏa ra một sự hân hoan làm cho chúng tôi khi đặt chân đến đây đều cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng trong niềm vui sướng tràn dâng.

Trong lúc đi tham quan vòng quanh Vườn Lộc Uyển, một số đệ tử trong đoàn cũng đã vào đảnh lễ một ngôi Bảo Tháp khác ở trong khuôn viên này. Chúng tôi đã được quý Sư Nguyên Thủy đã đọc chú và ban phước cho chúng tôi bằng cách đặt một cái tháp Xá Lợi Phật nhỏ lên đầu chúng tôi và đeo cho chúng tôi những sợi chỉ vàng vào cổ tay.

Vì đây là Phật tích cuối cùng của phái đoàn, và ngày mai đoàn chúng tôi đã phải khởi hành đi Dharamsala để đảnh lễ Đức Đạt Lai Lạt Ma, nên mỗi người trong đoàn chúng tôi ai cũng thấy thật quyến luyến. Ai ai cũng tìm cho mình một góc cạnh nào đó của Thánh tích này để ghi lại những hình ảnh lưu dấu kỷ niệm về sau. Những bức hình được ghi nhận trước Bảo Tháp và trước Tôn Tượng Phật Thuyết Pháp cho 5 anh em Tôn Giả Kiều Trần Như tại Vườn Lộc Uyển sẽ không bao giờ phai nhòa trong tâm trí của những đệ tử trong phái đoàn hành hương này.

Bình minh Ngắm Sông Hằng, Thắp nến và Phóng sanh cầu nguyện

Chiều tối hôm đó 15-11-2006, sau khi chiêm bái Phật tích vườn Lộc Uyển xong, anh đoàn phó Tony đã đưa phái đoàn về nghỉ đêm tại khách sạn Clark, loại khách sạn 5 sao và là loại sang trọng nhất của thành phố này. Không phải đoàn chúng tôi muốn hưởng thụ mà vì chúng tôi có duyên được nghỉ chân tại khách sạn sang trọng này, bởi hôm đó không có khách sạn nào còn trống để phái đoàn có thể nghỉ tạm qua đêm.

Dù được ngủ ở khách sạn 5 sao, tất cả đều được đánh thức vào lúc 4 giờ sáng để ra sông Hằng làm lễ phóng sanh và xem mặt trời mọc. Đến Ấn Độ mà không thấy cát sông Hằng, và không thấy được mặt trời mọc ở thành phố Ba La Nại (Varanasi) thì bị xem là một sự thiếu sót lớn lao của chuyến đi.

Sáng sớm ngày 16 tháng 11, ngày thứ 10 của chuyến hành hương, đoàn đã được đi bằng xe bus một đoạn, sau đó phải xuống xe để đi bộ trên một đoạn đường dài để đến sông Hằng vì thành phố Ba La Nại (Varanasi) được xem là một kinh đô thiêng liêng và thần thánh của những người theo Ấn Độ Giáo. Mới 4 giờ sáng mà từng đám rước, từng đoàn người, theo Ấn Độ Giáo, theo Đạo lõa thể đã lũ lượt kéo về bến sông Hằng để tắm, và để cầu nguyện Vừa đi họ vừa đánh trống, đánh mõ, thổi kèn và vừa đọc kinh cầu nguyện. Tiếng kinh cầu vang vọng cả thành phố tạo nên một lọai âm thanh rộn ràng náo nhiệt; cùng pha lẫn vào đó là mùi nhang, mùi un khói, mùi cống rãnh, mùi phân bò v.v… làm cho khách hành hương đến từ phương xa như chúng tôi cảm thấy khó chịu, nhưng tất cả đều hoan hỷ để tiến về phía trước để khám phá những cái mới lạ trong thành phố có tiếng là thiêng liêng này.

Khi chúng tôi ra đến bờ sông, trời vẫn còn tối đen như mực. Hai anh hướng dẫn đoàn, phụ tá của anh Tony, là anh Wong và Deeper, đã chuẩn bị xong hai chiếc thuyền, đèn cầy và đã mua nhiều thùng cá để phái đoàn vừa chèo thuyền dọc theo bờ sông Hằng, vừa cầu nguyện, thả đèn và phóng sanh cá trên sông. Chúng tôi cùng chắp tay nguyện cầu cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc, và cầu nguyện cho những người thân của mình đang ở nhà, những người chưa có đủ phước duyên, cùng có mặt trong chuyến đi này.

Sông Hằng dài 2525km bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng. Theo Kinh Vệ Đà, đây là dòng sông linh thiêng của Ấn Độ Giáo. Họ tin rằng những ai được tắm trong dòng nước này thì sẽ rửa sạch hết mọi tội lỗi và có thể đầu thai lên thiên đàng. Tuy nhiên đối với Đạo Phật, đây là một loại hình mê tín dị đoan. Tội lỗi nếu đã lỡ tạo rồi phải biết ăn năn sám hối, phải tu đức, phải tạo phước, và phải làm lành lánh dữ thì tội lỗi kia mới tiêu tan, chứ không thể nào xuống tắm nước sông Hằng này mà có thể hết tội được. Thật vậy, ngay từ thời Đức Phật còn tại thế, Ngài đã tuyên thuyết giáo lý để ngỏ hầu đánh đổ niềm tin mù quáng này bằng chính những lời dạy trong sáng của Ngài.

Tuy nhiên, mỗi người thì mỗi nghiệp. Chính Đức Phật cũng không thể nào giáo hóa hết nỗi người dân Ấn. Họ vốn nghiệp chướng quá nặng nề nên đến nay sau hơn 2500 năm, vào mỗi buổi sáng, vẫn có hàng ngàn người kéo về tắm dọc theo bờ sông Hằng này. Đặc biệt bến tắm Dasas Wamed Ghat được xem là bến tắm thiêng liêng nhất của họ.

Điều làm cho phái đoàn chúng tôi cảm thấy sợ sợ là cảnh tượng thiêu xác chết ngay trên bờ sông Hằng, gần cạnh những nơi mà người ta đang tắm. Người ta đặt xác người chết trên một chiếc cáng làm bằng hai khúc cây rất đơn sơ, rồi kê trên đống cũi để đốt. Khi đốt xong thì họ rãi tro xuống sông Hằng; cũng có ý nghĩa là cầu mong cho người chết được thác sinh lên thiên đàng.

Trời đang bắt đầu hừng đông. Trên sông Hằng thoáng những cơn gió lạnh từ dãy núi Hy Mã Lạp Sơn thổi xuống. Tiết trời đã lạnh, những cơn gió lạnh lại càng khiến cho mọi người cảm thấy lạnh thêm dù đã mặc nhiều lớp áo.

Hai chiếc thuyền của phái đoàn chúng tôi phải quay đầu lại để qua phía bên kia bờ sông Hằng để chúng tôi chụp hình lưu niệm, và thả bộ một chút trên bãi cát sông Hằng mênh mông và bao la này. Cát sông Hằng vốn là một hình ảnh rất quen thuộc trong kinh điển phật giáo. Điển hình như trong Kinh Kim Cang, Đức Phật dạy hàng đệ tử về hạnh bố thí như sau: "dĩ hằng hà sa đẳng thân bố thí,” có nghĩa là “đem thân mạng bằng số cát sông Hằng ra bố thí.”

Tiếp đó đoàn đã quay lại bờ và trở về khách sạn ăn sáng. Sau khi ăn sáng xong, đoàn ra phi trường bay về Delhi để chuẩn bị cho chuyến đi lên Dharamsala thăm viếng và đảnh lễ Đức Đạt Lai Lạt Ma vào sáng ngày 18-11-2006.

Đảnh lễ Đức Đạt Lai Lạt Ma (Dalai Lama) tại Dharamsala

Phái đoàn đã mất 2 ngày đường bằng xe bus để đến được Dharamsala. Dharamsala nằm trên đỉnh núi thuộc vùng Bắc Ấn. Tuy đường leo núi quá khó khăn và nguy hiểm nhưng nhờ có tu nên cuối cùng phái đoàn đã đi đến nơi về đến chốn an toàn.

Khi đặt chân đến Dharamsala, trời đã quá tối. Đoàn chúng tôi đã nghỉ lại đêm tại một khách sạn cách thủ phủ của Đức Đạt Lai Đạt Ma độ 10 phút đi bộ.

Đúng 9 giờ sáng ngày 18-11-2006, ngày thứ 12 của chuyến đi, phái đoàn đã trang nghiêm trong những bộ suits và những chiếc áo dài nhiều màu sắc, tề tựu tại trước khách sạn chụp hình lưu niệm và chuẩn bị đi lên đảnh lễ Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.

Phái đoàn đã có phước duyên được vào thăm viếng và đảnh lễ Ngài như đã đăng ký trước đây cả một năm. Dù vừa từ Nhật Bản về còn rất mệt mỏi lại phải bận rộn rất nhiều công việc Phật sự, Ngài đã hoan hỷ tiếp đón phái đoàn chúng tôi đến từ Úc và Mỹ Châu. Ngài đã yêu cầu phái đoàn tụng bài Bát Nhã Tâm Kinh bằng tiếng Việt trước khi Thầy trưởng đoàn có lời tác bạch và Ngài có lời giáo từ chúc phúc. Phái đoàn đã cúng dường Ngài $1000 Mỹ Kim và $1500 Úc Kim để gieo một chút phước điền Tam Bảo với vị Hoạt Phật. Thật là một duyên lành cho đoàn chúng tôi! Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tận tay trao tặng cho mỗi người trong phái đoàn một chiếc khăn trắng Katag, và một pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng mạ vàng rất đẹp. Sau đó từng nhóm nhỏ của đoàn lại được chụp hình lưu niệm với Ngài. Vì vậy, ai nấy đều hoan hỷ vui mừng.

Dharamsala là thành phố trên đỉnh núi nằm ở cực bắc Ấn Độ, nơi xưa kia là trại lính của chính quyền thuộc địa Anh. Nhưng từ năm 1959, nơi này đã trở thành một Thánh Địa của Phật Giáo Tây Tạng, nơi có khoảng vài chục ngàn người Tây Tạng sinh sống dưới sự dẫn dắt tinh thần của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Đức Đạt Lai Lạt Ma 14, tên thật là Tenzin Gyatso, là một nhà lãnh đạo thế quyền và giáo quyền của nhân dân Tây Tạng. Ngài chào đời tại làng Taktser, vùng Đông Bắc Tây Tạng vào ngày 6 tháng 7 năm 1935 (Ất Hợi) trong một gia đình nông dân.

Ngài được thừa nhận là Dalai Lama vào năm 2 tuổi theo truyền thống Tây Tạng như là hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13.

Ngài được tấn phong tước vị Dalai Lama vào ngày 22 tháng 2 năm 1940 tại Lhasa, thủ đô của Tây Tạng, chính thức là người lãnh đạo chính trị và tôn giáo cho 6 triệu người Tây Tạng. Tuy nhiên ngài đã thừa kế tước vị Dalai Lama trong một giai đoạn bấp bênh nhất của toàn bộ lịch sử với danh hiệu cao quý này, vì Trung Cộng đã xâm chiếm Tây Tạng và ngài đã đến tỵ nạn ở tiểu bang Dharamsala, miền Bắc nước Ấn Độ từ năm 1959.

Từ đó, ngài đã ủng hộ triệt để cho chính sách bất bạo động, ngay cả những lúc đối đầu với những cuộc tấn công khủng khiếp nhất. Chính vì thế mà năm 1989, ngài được trao giải thưởng Nobel về hòa bình. Hiện nay, cũng trong thân phận người tỵ nạn, ngài thường xuyên đi đến nhiều miền đất trên thế giới để kêu gọi hòa bình, để rồi khi có thể, ngài nói lên tiếng nói tự do giải phóng cho dân tộc Tây Tạng.

Phái đoàn đã có phước duyên được vào thăm viếng và đảnh lễ Ngài như đã book trước đây cả năm, dù vừa từ Nhật Bản về, bận rộn và mệt mỏi, nhưng Ngài đã hoan hỷ tiếp phái đoàn đến từ phương xa.

Ngài đã yêu cầu phái đoàn tụng bài Bát Nhã Tâm Kinh bằng tiếng Việt trước khi Thầy trưởng đoàn có lời tác bạch và Ngài có lời giáo từ chúc phúc.

Phái đoàn đã cúng dường Ngài $1000 Mỹ Kim và $1500 Úc Kim để gieo một chút phước điền Tam Bảo với vị Phật sống này.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tặng mỗi người trong phái đoàn một chiếc khăn trắng Kata và một pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng mạ vàng, ai nấy đều hoan hỷ vui mừng và được chụp hình lưu niệm từng nhóm nhỏ với Ngài.

Buổi chiều cùng ngày, là thời gian rãnh của phái đoàn, tất cả được tự do đi tham quan trong thành phố Dharamsala, cũng như mua đồ lưu niệm.

Dharamsala là thành phố trên đỉnh núi nằm ở cực bắc Ấn Độ, nơi xưa kia là trại lính của chính quyền thuộc địa Anh, nhưng từ năm 1959 đã trở thành một Thánh Địa của Phật Giáo Tây Tạng, nơi đây có khoảng vài chục ngàn người Tây Tạng sinh sống dưới sự dẫn dắt tinh thần của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Xin chắp tay nguyện cầu cho Ngài pháp thể khinh an, mọi Phật sự của Ngài đều được viên thành và nhất tâm cầu nguyện nền hòa bình cho dân tộc Tây Tạng sớm thiết lập để Ngài có cơ hội được hồi hương cố quốc sau nhiều thập niên sống lưu vong trên xứ lạ quê người.

Buổi chiều cùng ngày là thời gian rãnh của phái đoàn. Tất cả được tự do đi tham quan trong thành phố Dharamsala cũng như mua sắm đồ lưu niệm. Chúng tôi cảm thấy những người dân Tây Tạng ở đây thật dễ mến vì họ tuy nghèo nhưng rất chân thật. Chúng tôi mua hàng hóa ở đây rất là thoải mái vì không ai phải cần trả giá giống như khi mua sắp ở những gian hàng người Ấn.

Ngày 19 tháng 11, đoàn đã thức dậy sớm để ăn sáng và lên xe bus để xuống núi trong niềm luyến tiếc vô biên.

Chúng tôi đã phải mất một ngày đường xe bus để về đến thành phố Chadiga. Đoàn đã nghỉ đêm tại khách sạn Sunrya. Tại đây sau bửa ăn tối, đoàn đã có buổi họp mặt lần cuối cùng trên đất Phật để chia sẻ những tâm tình trong chuyến hành hương chiêm bái này vì có một Phật tử phải về lại Mỹ sau khi rời Ấn Độ và sẽ không tiếp tục đi chung với phái đoàn trong chặng đường chiêm bái ở Đài Loan. Mặc dù buổi tối hôm đó, 19-11-2006, ai cũng bắt đầu thấm mệt sau bao nhiêu ngày thức khuya dậy sớm nhưng phái đoàn chúng tôi đã có một cuộc họp mặt thật ấm cúng trong tình đạo vị và thật cảm động. Tại nơi khách sạn Sunrya này, chúng tôi đã giới thiệu cho nhau về chính mình và chia sẻ cho nhau những cảm xúc vui buồn, và những kỷ niệm đẹp đẽ của những ngày tháng sống trên đất Phật.



tajmahal-2

Agra City và Đền Taj Mahal

Ngày 21 tháng 11, đoàn đã về đến thành phố Agra. Phái đoàn đã được nghỉ lại khách sạn Howard Holiday 2 đêm để thăm viếng Agra city và đền Taj Mahal.

Đền Taj Mahal được xem là 1 trong 7 kỳ quan của thế giới. Và cố nhiên nó cũng được tôn vinh là niềm tự hào của dân tộc Ấn Độ. Đền được tạo dựng trên một khu đất rộng 14 mẫu đất và phải mất 22 năm xây dựng để hoàn thành vào thế kỷ thứ 16, với hơn 20.000 công nhân làm việc cật lực trong khoảng thời gian đó. Taj Mahal có một lối kiến trúc hoành tráng, độc đáo cũng như điêu khắc tỉ mỉ và tinh xảo, và nghe nói màu sắc ngôi đền dường như thay đổi nhiều lần trong ngày; ửng hồng vào buổi sáng, trắng sữa vào buổi chiều và vàng ánh khi mặt trời bắt đầu lặn. Vật liệu chính để xây dựng Taj Mahal là cẩm thạch trắng và các loại đá quý khác tập hợp từ nhiều vùng trên thế giới. Phần chính của công trình là tòa lâu đài bát giác cao 75m với mái vòm được làm hoàn toàn bằng đá cẩm thạch trắng và sa thạch. Xung quanh tòa lâu đài là những bức tường có nhiều cửa sổ và cửa ra vào hình vòm được trang trí cực kỳ tinh xảo. Đi bộ trong khu vườn giữa hai hàng cây xanh ngắt, chúng ta có thể thấy hồ nước trong vắt in bóng tòa lâu đài ẩn hiện.

Thực ra đền Taj Mahal chỉ là một ngôi mộ khổng lồ do ông vua Hồi giáo Shah Jahan cho xây dựng năm 1632 để tưởng nhớ vợ ông, Hoàng hậu Mumtaz, người đã hạ sinh cho ông 14 người con, và bà đã chết sau khi sinh đứa con cuối cùng vì kiệt sức. Bên trong ngôi đền nguy nga tráng lệ này, du khách có cảm giác sợ sợ khi nhìn thấy 2 cổ quan tài của ông vua và bà hoàng hậu này vẫn được trưng bày cho đến tận hôm nay.

Trước khi đến viếng thăm nơi này, Thầy Trưởng Phái Đoàn đã nghẹn ngào nhắc nhở và giảng dạy cho phái đoàn chúng tôi rằng: ‘‘Đối với người đệ tử Phật không nhất thiết và lẻ ra không nên viếng thăm nơi Đền Taj Mahal, vì đây là một di sản của Hồi giáo. Hồi giáo là người đã từng xâm chiếm, tàn phá và hủy diệt hết tất cả những di sản của Phật Giáo trên toàn cõi Ấn Độ. Chúng ta vừa thăm viếng những Phật tích rách nát, điêu tàn thì đến nơi đây nhìn thấy một đền đài khổng lồ, kiên cố đến ngạo nghễ thì không thể không làm cho người đệ tử Phật chạnh lòng và ngậm ngùi cho một quá khứ bất công đối với Phật Giáo Ấn Độ.’’

Kết thúc chuyến hành hương tại Ấn Độ và lên đường về lại Đài Loan

Sáng ngày 23 tháng 11, đoàn thức chúng 6 giờ sáng, ăn điểm tâm và lên xe để đi về thủ đô Dehli. Sau 3 tiếng, đoàn đã về đến thủ đô. Tại đây đoàn được ăn trưa và sau đó tham quan Đền Bai Hai, Đài Tưởng niệm của Thánh Gandhi, Viện Bảo Tàng, Nhà Sách Motila, Dinh Tổng Thống Ấn Độ, và xem vũ điệu Ấn Độ. Đến 8 giờ đêm đoàn đã lên đường ra phi trường Delhi để bay đi Đài Loan.

Mười mấy ngày sống trên đất Phật đã trôi qua thật êm đềm, hạnh phúc và có nhiều ý nghĩa. Thời gian này sẽ mãi khắc ghi trong mỗi chúng tôi với những kỷ niệm khó quên. Trong lòng mỗi chúng tôi đều cảm thấy lưu luyến những ngày tháng sống ở trên đất Phật. Tuy vậy chúng tôi cũng cảm thấy nôn nao khi nghĩ về cuộc hành trình kế tiếp của chúng tôi tại Đài Loan.

Phi trường Delhi đêm đó thật đông đúc chật kín người. Thật là khó khăn cho chúng tôi để có thể nhìn thấy nhau khi màn đêm đã phủ xuống và xung quanh dày đặc người. Ấn Độ là quốc gia đông dân đứng thứ nhì trên thế giới, nên không có ai ngạc nhiên khi nhìn thấy cảnh tượng này.

Chúng tôi chỉ còn có thể dõi theo chiếc áo màu vàng của Thầy Trưởng Đoàn, và lá cờ của anh Đoàn phó Tony để có thể bước qua cái ải hải quan kiểm duyệt gắt gao, để bước vào bên trong mà không bị lạc nhau.

Cuối cùng thì tất cả phái đoàn đã check in xong một cách đầy đủ và an toàn. Dường như mọi người đã bắt đầu thấm mệt, mỗi người tự tìm chỗ ngồi nghỉ để chờ đợi giờ lên máy bay. Thầy Trưởng Đoàn tuy rất mệt, nhưng vẫn tranh thủ thời gian này để đưa hình ảnh của phái đoàn vào trang nhà Quảng Đức để cho mọi người ở nhà tiện theo dõi bước chân hành hương của đoàn.

Khoảng 3:30 sáng chúng tôi bắt đầu lên máy bay để đi Đài Loan. Chúng tôi đã đến phi trường Taipei, Đài Bắc, vào khoảng 1 giờ chiều ngày 24-11-2006. Khi đến Taipei, trong đoàn có 2 thành viên bay thẳng về Mỹ. Phái đoàn chỉ còn lại 49 người, tiếp tục hành trình chiêm bái tại Đài Loan trong 5 ngày.

Phi trường Taipei thật là hiện đại, sạch sẽ và đầy đủ tiện nghi, không khác gì phi trường Úc và Mỹ. Đoàn phó Tony nói: “ về đến Đài Loan cũng giống như cá gặp nước.” Ý của anh muốn nói, nếu ở Ấn Độ gặp khó khăn bao nhiêu thì ở Đài Loan này đối với anh mọi việc đều dễ dàng giống như trở bàn tay, giống như người tu hành biết ăn chay niệm Phật, vì anh là người đã có 30 năm kinh nghiệm trong ngành du lịch, và là người từng sinh sống ở Đài Loan, nên rất thông thạo đường đi lối về trong hòn đảo này.

Đài Loan là một hải đảo nằm trong khu vực Đông Á, ngoài khơi Đông Nam Đại lục Trung Quốc, ở phía nam Nhật Bản và phía bắc Philippines.

Đài Loan cũng thường để chỉ lãnh thổ do nhà nước Trung Hoa Dân Quốc quản lý; bao gồm các đảo Đài Loan (gồm có đảo Lan Tự và Lục Đảo), quần đảo Bành Hồ tại eo biển Đài Loan, Kim Môn và Mã Tổ ở ngoài khơi Phúc Kiến, đồng thời cũng chiếm đảo Thái Bình và đảo Đông Sa ở Biển Đông.

Đảo Đài Loan người đông đất ít. Tính đến cuối năm 2001, dân số Đài Loan là 22,4 triệu người. Như vậy, trung bình mỗi một kilômét vuông có 619 người.

Đài Loan có nhiều dân tộc, chủ yếu là dân tộc Hán, dân tộc Mông Cổ, dân tộc Hồi, dân tộc Mèo, dân tộc Cao Sơn v.v... Trong đó dân số dân tộc Hán chiếm trên 97% tổng dân số.

Nói đến Đài Loan là người ta nghĩ ngay đến ông Tưởng Giới Thạch (1887-1975), là một quân sự gia, một chính trị gia của Trung Quốc cận đại và là nhà lãnh đạo Trung Hoa vào năm 1925, sau cái chết của Tôn Dật Tiên. Sau thất bại của Quốc Dân Đảng năm 1949, ông đã chạy sang lánh nạn ở Đài Loan và đã trở thành tổng thống xứ sở này đến năm ông qua đời vào năm 1975.

Dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch, Đài loan đã lật sang một trang sử mới, một nền kinh tế đang phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa. Các công xưởng, nhà máy mọc lên khắp nơi, và đời sống người dân trở nên ấm no và hạnh phúc.

Phật giáo là quốc giáo tại Đài Loan. Ngoài ra di dân đến từ Phúc Kiến và Quảng Đông thì họ thờ Thánh Mẫu nương nương và Quan Thánh Đế Quân.

Rời phi trường Taipei, cũng như tại Ấn Độ, đoàn đã chia làm hai nhóm để lên 2 chiếc xe bus. Một chiếc dưới sự hướng dẫn của Thầy trưởng đoàn và chiếc thứ 2, do Sư cô Hạnh Nguyên và đoàn phó Tony hướng dẫn.

Chúng tôi lại bắt đầu có 2 người Đài Loan, là hướng dẫn viên mới của chúng tôi. So với Ấn Độ, 2 xe bus ở Đài Loan hiện đại hơn, mới hơn, với 2 tầng, đầy đủ máy lạnh, âm thanh và microphone nói rất rõ, nhất là dàn máy DVD-Tivi trên xe để giúp cho phái đoàn có thể nghe băng giảng hoặc xem DVD Phật Giáo nào mình thích.

Sau khi rời phi trường Taipei khoảng hơn một giờ xe bus. Chúng tôi đã về đến Khách sạn để dùng trưa, có lẽ vì đói bụng nên hôm đó ai cũng cảm thấy ngon miệng; một lý do khác là ai cũng mừng vì từ đây tạm biệt những món ăn Càri Ấn Độ, vừa cay vừa nóng và bắt đầu được ăn những món ăn chay đặc biệt của Đài Loan.

Chúng tôi bắt đầu rời khách sạn vào khoảng gần 4 giờ chiều. Xe bus đoàn chúng tôi lại tiếp tục đi khoảng vài giờ đồng hồ nữa để đến Đài Trung.

Đường xa lộ của Đài Loan cũng không khác các nước Úc, Âu và Mỹ. Chúng tôi đi qua những con đường xa lộ rất nhiều lane với những chỉ dẫn đường được viết bằng hai ngôn ngữ Tàu và tiếng Anh trên xa lộ thật là rõ ràng.

Cuối cùng phái đoàn đã về đến Trung Đài vào lúc trời bắt đầu sập tối. Hôm đó chúng tôi đã ngủ đêm lại tại một khách sạn bên hông Nhật Nguyệt Đàm.

Sau bữa cơm chiều, đã có 1 số đạo hữu thả bộ thăm Đền Văn Vũ nằm đối diện với khách sạn. Đền Văn Vũ là đền thờ Đức Khổng Tử. Ban đêm, đền đóng cửa nhưng mái đền thắp sáng ánh đỏ và vàng rất rực rỡ. Sau cổng vào có 2 con sư tử cao 4 thước nằm chầu giữa cửa. Từ đó, nhìn về Nhật Nguyệt Đàm ta có thể thấy ánh trăng lấp lánh trên sóng nước chạy dài hàng cây số.

Ngày 25-11-2006, ngày thứ mười bảy của chuyến đi

Nhật Nguyệt Đàm

Mặc dù ở Đài Loan chúng tôi không phải tuân thủ theo quy luật 4-5-6 như ở Ấn nhưng có lẻ mọi người trong phái đoàn chúng tôi đã quen thức dậy sớm. Từ mờ sáng chúng tôi đã thấy ngoài balcony của khách sạn Đạo hữu Quảng Hội đã đang hướng dẫn một số bà con tập khí công trong yên lặng. Một số khác chúng tôi tìm một chỗ ở balcony để ngồi tỉnh tâm. Thiền tọa nơi đây, ở giữa một balcony rộng lớn kế bên Nhật Nguyệt Đàm, trước mặt là một hồ nước lặng, cây cối trong xanh bao bọc quanh bởi những dãy núi cao xếp chồng lên nhau ngút tầm mắt, thật là tuyệt. Nhật Nguyệt Đàm có chu vi rộng 35 cây số và là nơi đất và trời hòa hiệp. Gió cuối thu thổi nhẹ và những lớp sương mù của buổi bình minh vẫn còn bao phủ làm cho chúng ta có một cảm giác vừa huyền ảo vừa khoan khoái và dễ chịu. Có thể nói buổi ban mai ở tại Nhật Nguyệt Đàm thật là thơ mộng và đầy thiền vị.

Khoảng 6 giờ sáng, sau khi ăn điểm tâm xong, đoàn khởi hành đi thăm viếng chùa Huyền Trang.

Đúng 7:30 giờ sáng, hai xe bus của chúng tôi sẵn sàng để đi viếng thăm Huyền Trang Tự. Tuy Trung Đài không phồn thịnh như Bắc và Nam Đài nhưng khắp Trung Đài nơi đâu cũng có thắm một màu xanh biếc của bầu trời và của mặt nước hồ. Quả thật môi trường không khí ở Trung Đài trong lành mát mẻ nhiều hơn so với các nơi khác, kể cả Singapore. Xe bus chúng tôi băng qua những rặng núi và những hàng cây cau cao vút nằm ở hai bên đường. Khoảng 8 giờ sáng, đòan chúng tôi đã đến trước Huyền Trang Tự.

Chúng tôi tuần tự đi theo Thầy trưởng đoàn đi vào chùa để đảnh lễ Phật và Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang. Bước vào Chánh Điện chúng tôi thấy có ba tôn tượng Phật nhỏ phía trước và đằng sau đó là một tôn tượng Phật Niết Bàn lớn bằng vàng sáng chói được bảo quản trong một lồng kính. Đằng sau tôn tượng này được tôn trí một tôn tượng đứng của Ngài Huyền Trang.

Tôn Tượng của Ngài Huyền Trang với đãi sách trên lưng, hình tượng rất đẹp, và màu sắc rất là trang nhã. Nhìn hình ảnh này chúng ta đều nhớ đến công lao khó nhọc của Ngài đã vượt qua bao gian nguy khổ nhọc để thỉnh kinh đem về cho ngày nay chúng ta có được những tài liệu quý báu để học hiểu thêm về giáo lý thâm sâu của Đức Phật. Phái đoàn đã có phước duyên được đảnh lễ Xá lợi của Ngài được tôn thờ trong một thiền thất phía sau hậu Tổ.

Phái đoàn tranh thủ chụp một vài tấm hình lưu niệm chung nơi đây và nhanh chóng rời Huyền Trang Tự để đi đến Trung Đài Thiền tự.

Trung Đài Thiền Tự ở Đài Trung

9:30 giờ sáng ngày 26 tháng 11, đoàn chúng tôi đã có mặt tại Trung Đài Thiền Tự. Con đường dẫn đến chùa này thật hết sức nên thơ. Một bên là núi non, một bên là nước hồ xanh biếc, “Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.” Chính thực là ở nơi cảnh trí này. Có lẻ quang cảnh sơn thủy hữu tình, thơ mộng, lắng đọng và huyền ảo là một nét đặc trưng của miền trung Đài Loan.

Lúc nghỉ chân giữa đường, chúng tôi có dịp thưởng thức 1 loại trái thơm rất lạ, trái nào trái nầy đều có 3 đầu xòe ra như nải chuối, ăn rất ngọt và thơm. Hèn chi người mình gọi là trái thơm.

Từ bãi đậu xe, trước mặt chúng tôi, Trung Đài Thiền Tự nằm sừng sững, kiên cố, oai nghi và hùng vĩ trên ngọn núi với những rừng cây xanh ngắt thuộc tỉnh Puli của Trung Đài. Trung Đài Thiền tự được Đại Lão Hòa Thượng Ngộ Pháp khai sơn. Ngôi thiền tự đã được khởi công xây dựng vào năm 1992 và đã được hoàn tất vào tháng 9 năm 2001.

Xung quanh ngôi thiền tự có tất cả là 3 khu vườn rất đẹp. Một khu gọi là vườn Lộc Uyển, nơi kỷ niệm Đức Phật chuyển bánh xe Pháp luân lần đầu tiên. Kế đó là vườn Hoa Nghiêm, nơi được trồng những loại hoa và cây quý hiếm, và cuối cùng là vườn Bồ Đề, nơi có thể tìm thấy nhiều tượng Phật được mang về từ khắp các nước ở Á Châu. Đặc biệt là bên trong những khu vườn có một chỗ riêng biệt dựng hai cái chuông để cho những ai muốn đến nơi đây thỉnh chuông và thành tâm phát nguyện. Khách hành hương cũng có thể ngồi tỉnh tâm để lắng lòng nghe những tiếng chuông ngân vang từ khu vườn này.

Nhìn từ xa, điện Phật chính của Trung Đài Thiền Tự trông giống như hình ảnh của một hành giả đang ngồi thiền trong tư thế kiết già. Toàn bộ kiến trúc của ngôi Thiền Tự này đều thể hiện một sự hài hòa giữa nghệ thuật, văn hóa, khoa học và những giáo lý của Đức Phật.

Nét nổi bật và đặc thù nhất của ngôi thiền tự là lối kiến trúc một trụ tháp thẳng đứng cao chót vót phía trên cấu trúc vòm bằng vàng chói sáng trên đỉnh của đại hùng bảo điện mà thoạt nhìn trông giống như những bảo tháp được xây dựng theo kiến trúc của Tây Tạng.

Trụ tháp này là biểu tượng của sự đốn ngộ chân lý tuyệt đối. Dọc theo hai bên của thiền tự là những bậc tam cấp, biểu đạt cho sự thực hành miên mật sáu pháp Ba La Mật của hàng bồ tát. Mỗi một nấc thang dẫn đến một mức độ giác ngộ cho tất cả chúng sanh trong lộ trình hướng đến quả vị Phật.

Chúng tôi được biết là ngôi thiền tự này gồm có 16 tầng khác nhau. Đoàn chúng tôi tiến bước vào tầng thứ nhất. Tầng này được gọi là Tứ Đại Thiên Vương đường, tức là 4 vị vua trời luôn luôn có mặt tại các già lam để bảo vệ và ủng hộ Chánh Pháp. Bước vào đây chúng ta có thể thấy ngay ở bốn góc là bốn vị Thiên Vương và ở giữa là một bức tượng Di Lặc bằng vàng sáng rực. Ngoài ra, bên hông của điện này tôn trí những pho tượng của 18 vị A La Hán.

Tầng thứ hai là Đại Hùng Bảo Điện được tôn trí tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni ngồi rất lớn bằng đá màu hồng rất trang nghiêm ngay ở giữa chánh điện. Tôn tượng Phật màu hồng này được bao bọc xung quanh bởi một vòng tròn đá xám mà khắp nơi trên đó đều có chạm trổ những hình Phật Bồ Tát nhỏ ngồi trong tư thế kiết già làm cho Phật tử khắp nơi đến đây chiêm ngưỡng, đảnh lễ đều có một cảm giác an bình, thanh tịnh và dường như nơi đây đang tỏa ra lòng từ bi vô tận của Đức Thế Tôn đối với tất cả chúng sanh đang trầm luân trong biển khổ.

Ở hai bên của tôn tượng Bổn Sư là tượng của Ngài A Nan và tượng Ngài Ca Diếp trông rất đẹp và thanh thoát. Đoàn chúng tôi được quý sư cô trong chùa này trao tặng mỗi người một hoa sen dâng cúng lên Đức Từ Tôn.

Tầng cao nhất của ngôi thiền tự là Vạn Phật Bảo Điện. Đây là ngôi bảo điện rất đặc biệt; bên trong chánh điện có xây dựng một bảo tháp bằng gỗ teawood bảy tầng ở giữa và 20,000 tượng Phật Dược Sư ở xung quanh những bức tường.

Bên trong tòa bảo tháp này lại có 7 tượng Phật Dược Sư và 500 tượng A La Hán, và bên ngoài của bảo tháp có khắc bản Kinh Kim Cang. Chính nơi đây là biểu tượng của ba ngôi báu, Phật Pháp Tăng. Một nét kiến trúc đặc trưng của ngôi bảo điện này là hai bên của nó đều có một cửa kiếng rộng lớn luôn có những ánh đèn điện chiếu sáng vào ban đêm, và xuyên qua đó chúng ta có thể nhìn thấy ngôi bảo tháp ở bên trong vào ban đêm.

Người ta nói rằng chính những tia sáng phát ra từ ngôi bảo điện này vào ban đêm chính là một dấu hiệu làm thức tỉnh những chúng sanh đang trôi lăn theo dòng sanh tử trở về với ánh sáng tuệ giác.

Ngoài ra khắp nơi trong Trung Đài Thiền Tự đều có những phòng thiền để khách thập phương có thể tập thiền và rất nhiều nét đặc biệt khác của ngôi chùa này mà chúng tôi không có thể kể lại hết ở nơi đây.

Có thể nói, Trung Đài Thiền Tự này không những đã đánh dấu một sự thành công đáng kể về mặt nghệ thuật kiến trúc phối hợp với biểu tượng văn hóa khoa học và Phật Giáo, mà còn mở ra một kỷ nguyên mới, một nét khác biệt về con đường hoằng pháp của thế kỷ 21 này.

Trung Đài Thiền Tự hiện có trên 90 Trung Tâm chi nhánh tại Đài Loan và khắp mọi nơi trên nước Mỹ cũng như các nước Á Châu khác như Phillipines, Thái Lan, và Hồng Kông để nhằm đáp ứng nhu cầu về học hỏi và thực hành giáo pháp của Đức Phật một cách tiện lợi và thiết thực hơn cho hàng ngàn những Phật tử từng vùng địa phương.

Có thể nói Trung Đài Thiền Tự ngày nay đã trở thành một niềm tự hào cho Phật Giáo Đài Loan nói riêng và cho Phật Giáo thế giới nói chung. Nó đã góp phần bảo tồn mạng mạch của Chánh Pháp và đem những bàn tay phục vụ đi sâu vào đời sống của mỗi người.

Xe bus của đoàn chúng tôi bắt đầu lại lăn bánh vào gần 12 giờ trưa trong một sự khoan khoái, thoải mái và nhẹ nhàng của tất cả đại chúng sau khi được ngắm những cảnh sơn thủy nhưng đầy thiền vị tại ngôi Trung Đài Thiền Tự này.

Tối cùng ngày 26-11-2007, phái đoàn rất hoan hỉ được anh phó đoàn Tony đưa đến ăn tối tại một nhà hàng gồm 200 món đồ chay cùng với những món rất đặc biệt như súp “Hà Thủ Ô”, súp “Đông Trùng Hạ Thảo”. Đông Trùng Hạ Thảo là một dạng cộng sinh giữa một loài nấm túi có tên khoa học là Cordyceps Sinensis với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng thuộc chi Hepialus. Vào mùa đông, nấm bắt đầu ký sinh vào sâu non và ăn hết chất dinh dưỡng của chúng. Mùa hè ấm áp nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất. Đầu của ngọn nấm là một thể đệm hình trụ thuôn nhọn, dùng nấu súp ăn rất bổ. Có thể nói nhà hàng này với 200 món đồ chay đặc sản của Đài Loan, chỉ có một chứ không có hai trên thế giới. Ăn ở đây rồi, mới thấy hết, hiểu hết, và thưởng thức hết cái gọi là ‘‘ăn chay’’ như thế nào. Quý khách hành hương nên đến đây một lần để đánh đỗ đi quan điểm sai lầm về ăn chay. Ăn chay là một pháp tu trong Phật Giáo. Ăn chay là chận đứng nghiệp sát hại chúng sanh và không bị quả báo cắt xẻ, tàn sát và ăn thịt lẫn nhau về sau. Tại nơi đây đại gia đình hành hương của chúng tôi đã có một bữa ăn tối sum họp thật vui vẻ trong niềm tin Chánh đạo.

Ngày 26-11-2006, bước sang ngày thứ 18 của chuyến đi.

Phật Quang Sơn tại Cao Hùng, Đài Nam

8 giờ sáng đoàn đã có mặt dưới chân núi Phật Quang Sơn tại Cao Hùng để viếng thăm một ngôi chùa khác nổi tiếng ở Đài Loan, đó là Chùa Phật Quang Sơn do Hoà Thượng Tinh Vân kiến lập.

Phải nói đây là một cơ sở Phật Giáo lớn nhất trên thế giới mà nhiều người đã so sánh với Toà thánh Vatican của Ky Tô Giáo ở La Mã.

Hòa thượng Tinh Vân sinh ngày 22-07-1927 tại Trung Quốc. Ngài là người con thứ ba trong một gia đình có bốn anh trai và một chị gái. Năm lên 5 tuổi, Ngài đến ở với bà nội và bắt đầu ăn chay. Tám tuổi Ngài đi học trường làng và năm 13 tuổi đi xuất gia với Hòa Thượng Chinh Kai tại chùa Chinh Sia, Người về sau trở thành đệ tử thứ 48 của dòng Thiền Lin Chi của Thiền tông Trung Hoa. Năm1947, Ngài theo học Đại học Phật Giáo Chiao Shan. Năm 1948, Ngài đến trụ trì một ngôi chùa ở Nam Kinh và làm chủ bút một tờ báo phật giáo.

Năm 1949, nội chiến bùng nổ trong nước. Hòa thượng đến Đài Loan và bắt đầu xây dựng Phật Quang Sơn này. Chùa được tọa lạc trên cả một ngọn núi rộng mênh mông. Chúng ta phải đi qua một con đường dốc khá dài. Có một điều lý thú là trên đường đi và khắp nơi trong khuôn viên của Chùa đều có hàng ngàn tôn tượng của Phật A Di Đà đứng san sát nhau. Nhìn đâu cũng thấy Phật khiến chúng ta nhớ đến câu “ Hằng hà sa số Chư Phật.” Có lẽ đúng như vậy vì chắc chẳng có ai đếm được có bao nhiêu tượng Phật được tôn trí nơi đây.

Phái đoàn được các Sư Cô hướng dẫn đi thăm các nơi. Chúng ta cần có người hướng dẫn vì nơi đây rất rộng lớn nếu không có người hướng dẫn chúng ta không biết đường mà đi. Khách hành hương được thưởng lãm những di vật quý hiếm của phật giáo được trưng bày trong bảo tàng viện. Phải nói đây là một công trình sưu tập rất có giá trị.

Tại đây đã đoàn được xem ‘‘Tịnh Độ Động’’ những cảnh ở thế giới Cực Lạc được mô tả trong Kinh A Di Đà. Tất cả được dàn dựng với những hình tượng rất đẹp và công phu.

Hình ảnh cuối cùng đã làm cho phái đoàn càng hoan hỷ và vui mừng hơn là nhìn thấy hàng ngàn Tăng Ni và Phật tử tại gia đang thọ trai trong chánh niệm trong một trai đường có thể dung chứa 3000 người cùng một lúc.

Có thể nói, Tổ chức Phật Quang Sơn của Hòa Thượng Tinh Vân thành lập không chỉ quan tâm đến lãnh vực giáo dục, mà còn cung cấp những chương trình văn hóa đến với con người thông qua lời Phật dạy.

Trên cơ sở đó, hàng vạn người trên khắp thế giới đã nhận được lợi lạc của ánh sáng giáo hóa của Phật Quang Sơn.

Công việc chính của Phật Quang Sơn về mặt giáo dục gồm có:

1. Bảo trợ các cuộc mít tinh, hội thảo về văn hóa và giáo dục cộng đồng.

2. Bảo trợ các hội thảo, hội nghị giáo dục phổ cập và giáo dục Phật giáo trong và ngoài nước.

3. Tuyển chọn và đào tạo Tăng, Ni tài năng để đại diện cho Phật Quang Sơn đi hoằng pháp trên khắp thế giới.

4. Cung cấp tài chánh để in ấn kinh sách Phật giáo vì mục đích phát triển Chánh Pháp đem lại hạnh phúc và an lạc cho mọi người.

5. Bảo trợ các cuộc trao đổi về văn hóa và giáo dục của xã hội.

6. Và bảo trợ những hoạt động văn hóa có liên quan đến Phật giáo.

Phật Quang Sơn là niềm tự hào của Phật giáo thế giới trong thời hiện đại. Hiện tại Phật Quang Sơn đã có mặt ở khắp 5 châu để truyền bá Chánh Pháp. Cách đây một vài trăm năm các nhà truyền đạo Gia Tô giáo đã một thời có mặt ở mọi hang cùng ngỏ hẻm của Trung Hoa để rao giảng Chân lý Chúa. Có ai ngờ đâu vào thế kỷ 21 này phật giáo trở thành một tôn giáo toàn cầu được truyền bá sang phương Tây và phát triển rất nhanh. Tất cả cũng đều nhờ vào lời dạy phóng khoáng, trong sáng, binh đẳng, từ bi và trí tuệ của Đức Thế Tôn. Ngài nói: "Lời dạy của ta không phải đến để tin, mà đến để thấy và thực hành.’’ Đạo Phật khuyến khích người ta học hỏi giáo lý một cách quán triệt và trí phán đoán của mình để quyết định có nên chấp nhận giáo lý đó hay không. Không ai được mời đến và tin theo tín ngưỡng này mà trước đó không được tìm hiểu kỹ lưỡng. Hy vọng rằng Phật Quang Sơn sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình trong công cuộc hoằng pháp lợi sinh.

Buổi chiều phái đoàn đã ghé về thành phố Đài Nam để thỉnh Phật cụ và y áo, sau đó đoàn về khách sạn ăn tối và nghỉ ngơi.

Ngày 27-11-2006 , ngày thứ 19 của chuyến đi.

Đại Phật Tự tại Đài Trung

Sau khi ăn điểm tâm, 7 giờ 30 sáng xe bus của chúng tôi lại từ Đài Nam Cao Hùng trở về Đài Trung để viếng thăm Đại Phật tại Đài Trung. Sáng sớm mọi người đã sẵn sàng trong những bộ suits trang nghiêm và những tà áo dài nhiều màu sắc trang nhã để chuẩn bị đi đến đảnh lễ Phật tại Đại Phật Tự.

Xa xa chúng tôi đã nhìn thấy trên đỉnh núi một tượng đại Phật màu đen bên kia xa lộ. Đến nơi, đoàn đã trang nghiêm kinh hành niệm Phật từ chân núi lên đến đỉnh núi đãnh lễ Đại Phật. Đoàn đã đi nhiễu 1 vòng quanh tôn tượng Đại Phật và sau đó chụp hình lưu niệm dưới chân tôn tượng. Tôn Tượng đại Phật Thích Ca bằng đá màu đen thẩm, ngồi trên một tòa sen nằm trên đỉnh núi cao và rộng lớn nhìn xuống thành phố Đài Trung trông trang nghiêm và hùng vĩ. Từ trên đỉnh núi này chúng ta có thể nhìn xuống thấy cả một thành phố Trung Đài được thu nhỏ trong tầm mắt và cảm nhận được sự bao la của đất trời. Chúng tôi đi vòng quanh dưới chân tôn tượng mà cảm thấy mình thật là nhỏ bé. Càng ngắm nhìn tôn tượng chúng ta càng cảm nhận được lòng từ bi bao la vô tận của Đức Phật.

Sau khi đảnh lễ và chụp hình lưu niệm chung dưới chân tôn tượng Đại Phật, chúng tôi được có chút thời giờ tự do để đi tham quan những nơi khác của Đại Phật Tự.

Phật Đài Di Lặc Lộ Thiên tại Đài Trung

Rời Phật Đài Thích Ca lộ thiên, phái đoàn đi ăn trưa. Sau đó đoàn chúng tôi lại tiếp tục đi thăm viếng và đãnh lễ Phật Đài Di Lặc Lộ Thiên. Phật Đài Di Lặc cách khách sạn chúng tôi không xa. Chúng tôi chỉ mất độ khoảng mười lăm phút xe là đã đến nơi. Phật Đài Di Lặc này rất lớn, tọa lạc ngay giữa thành phố Trung Đài mà bất cứ ai đi ngang qua nơi đây đều không thể không thấy được.

Phái đoàn hành hương chúng tôi xếp hai hàng từ ngoài cổng chùa trang nghiêm chắp tay kinh hành niệm Phật tiến vào bên trong và đi nhiễu quanh tôn tượng Phật Đài Di Lặc. Tôn tượng Di Lặc khổng lồ bằng đá mạ vàng rực rỡ làm nỗi bật lên nét hoan hỷ, từ bi và an lạc của Ngài.

Mặc dù trong khi kinh hành nhiễu Phật dưới nắng dường như ai cũng đổ mồ hôi vì cái nóng của buổi trưa nhưng chúng tôi sau khi chiêm ngưỡng tôn tượng Phật Đài Di Lặc thì ai ai trong chúng tôi cũng có thể nở một nụ cười an lạc như Đức Phật Di Lặc vậy.

Tịnh Tông Học Hội và Nhà Xuất Bản Phật Đà của Hòa Thượng Tịnh Không tại Đài Bắc

Rời Phật Đài Di Lặc, phái đoàn chúng tôi ghé đến thăm Tịnh Tông Học Hội và Nhà Xuất Bản Phật Đà của Hòa Thượng Tịnh Không tại Đài Bắc, nơi mà hàng năm Hoà Thượng đã cho in ấn kinh sách giá trị để biếu tặng không cho Phật tử xa gần, và tất cả sách được in đều có hình thức rất đẹp và trang nhã. Nhà xuất bản Phật Đà là toà nhà 5 tầng mặt gạch trắng. Bên trong chia thành nhiều khu vực dành cho Thư Viện, phòng huấn luyện, giảng dạy Phật Học, văn phòng làm việc, phòng ấn tống CD, DVD, phòng lưu trữ tài liệu và văn phòng làm việc của Hòa Thượng Tịnh Không. Lầu trên cùng là chánh điện rộng lớn có nhiều tôn tượng Đức Phật đặt trong lồng kiếng. Đây cũng là nơi nhân viên làm việc tụng niệm đọc kinh mỗi ngày. Chúng tôi được đưa đi tham quan giới thiệu mọi chỗ. Trong phòng lưu trữ tài liệu, có rất nhiều sách in với đủ thứ tiếng khác nhau từ Sanskrit, Anh, Hoa, Pháp Ngữ và đến cả tiếng Việt. Tất cả đều được xếp đặt ngăn nắp và giữ gìn cẩn trọng. Phái đoàn đã cúng dường một số tịnh tài gọi là để gieo duyên cúng dường tại nhà in này.

Long Sơn Tự tại Đài Bắc

Chiều cùng ngày 27-11-2007 phái đoàn chúng tôi ghé thăm ngôi chùa cổ Long Sơn. Đây là một ngôi chùa cổ nhất của Đài Loan ở tại Đài Bắc, đã được xây dựng cách đây 300 năm. Ngôi chùa này vẫn còn rất kiên cố và vững chắc. Khi phái đoàn đến thăm chứng kiến thấy người dân trong thành phố về đây lễ bái và xin sâm theo tín ngưỡng cổ truyền của người Trung Hoa. Đoàn chúng tôi đã không thể chen chân vào bên trong được vì khói nhang xông lên mù mịt từ trong điện Phật ra đến ngoài sân.

Sau khi chụp hình lưu niệm tại chùa cổ Long Sơn, đoàn chúng tôi ghé vào tiệm Phật cụ bên kia đường để tham quan và mua sắm những thứ cần thiết. Phần lớn Phật cụ và pháp khí ở đây bán với giá rất mắc, nhưng chất sản phẩm cao, nên ai cũng thỉnh được cho mình một món gì để để lưu niệm trong chuyến đi.

Ngày 28 -11-2006 tức là ngày cuối cùng tại Đài Loan:

Bảo Tàng Viện Quốc Gia, Miniature Museum, Đài Tưởng Niệm Tưởng Giới Thạch và Building 101 tại Đài Bắc

Sau khi điểm tâm, phái đoàn chúng tôi được anh Tony đưa đến xem Bảo Tàng Viện Quốc Gia Đài Loan. Nghe nói đây là một trong những nhà bảo tàng lớn nhất thế giới. Nơi đây có trưng bày những cổ vật của Vua Càn Long đời nhà Thanh. Đoàn cũng đã được xem 2 món đồ cổ thiên nhiên rất nổi tiếng của viện bảo tàng là cái bắp cải bằng đá cẩm thạch (jade cabbage) và một miếng thịt ba rọi bằng đá (bacon stone), và đoàn cũng có dịp ghé thăm phòng triển lảm những bức tượng Phật cổ. Tại Viện Bảo Tàng nơi đây cũng có bán rất nhiều sách tài liệu với nhiều hình ảnh quý về Phật Giáo.

Gần trưa, phái đoàn chúng tôi đi xem bảo tàng viện thu nhỏ, loại Miniature Museum. Ở đây chúng tôi thấy người ta trưng bày rất nhiều những tòa lâu đài cổ Châu Âu nổi tiếng, và những kiểu nhà khác nhau trên khắp thế giới được gom nhỏ thành những đồ hình trông rất đẹp mắt và giống y như thật. Tại đây chúng ta thể xem tòa bạch ốc ở Washington, điện Buckingham ở Anh quốc, điện Elyee ở Paria, điện Kremlin ở Nga v.v… Tất cả đều được thu nhỏ lại để cống hiến cho người xem ở đây.

Sau khi dùng bữa cơm trưa cuối cùng ở tại nhà hàng Đài Bắc, chúng tôi đi đến thăm Đài Tưởng Niệm của Tưởng Giới Thạch, được xem là cha già của dân tộc Đài Loan trong thời hiện đại. Lúc chúng tôi đến trời Đài Bắc đã bắt đầu lất phất mưa. Chúng tôi ghé xem những hình ảnh về cuộc đời của Tưởng Giới Thạch và dinh thự làm việc của ông. Tại đây đoàn chúng tôi cũng được xem tiếc mục lính diễu hành và thay đổi lính gác trước tượng đài của Tổng Thống Tưởng Giới Thạch.

Đến xế chiều ngày 28-11-2006, đoàn được đưa đi tham quan tòa nhà cao nhất Đài Loan, gọi là Building 101, tức là có một trăm lẻ một tầng, hiện được xem là tòa nhà cao nhất thế giới. Tòa nhà này được một kiến trúc sư Phật tử vẽ họa đồ. Từ xa nhìn thấy nền tảng của tòa nhà 101 này là một đóa sen khổng lồ ở giữa thành phố Đài Bắc. Thật là một điều vinh hạnh và tự hào cho phật giáo trong thời hiện đại.

Phái đoàn cũng được anh Tony giới thiệu đi ăn món “tàu hũ đường” ở ngay trong Building 101. Sau đó đoàn dành thời gian còn lại để đi shopping mua đồ lưu niệm và quà tặng cho người ở nhà.

Cuộc hành trình nào rồi cũng đến lúc kết thúc. Tối hôm đó 28-11-2006 phái đoàn hành hương chúng tôi chia tay tại phi trường Taipei. Phần lớn mọi người trong phái đoàn hành hương bay trở về lại Úc và một số rất nhỏ khác bay về lại Mỹ.

Kết Thúc Chuyến Hành Hương Ấn Độ-Nepal-Đài Loan và Lời Cảm Tạ của Phái Đoàn

Phái đoàn đã về đến Úc & Mỹ bình an sau 22 ngày hành hương chiêm bái. Cuộc hành hương chiêm bái Phật tích của phái đoàn Tu Viện Quảng Đức xem như đã thành tựu viên mãn và được khép lại ở nơi đây. Tuy nhiên hương vị ngọt ngào của chuyến đi chiêm bái thiêng liêng này vẫn còn khắc ghi đậm nét và vương vấn mãi mãi trong tâm tư của mỗi thành viên trong phái đoàn, đã đến tận nơi và nhìn thấy tận mắt những chứng tích lịch sử trong cuộc đời của Đức Từ Phụ, từ lúc sinh ra cho đến khi xuất gia, thành đạo, hành đạo, và nhập niết bàn. Ngài cũng là một người như bao nhiêu con người khác, nhưng Ngài đã từ bỏ hết tất cả những thứ tầm thường của thế gian, xem phú quý vinh hoa như cơn gió thoảng, xem lợi danh cuộc đời như bụi rơi vào mắt, để ra đi tìm chân lý. Đó là một sự từ bỏ, một sự hy sinh vĩ đại có một không hai trong lịch sử loài người, và là một sự ra đi vô tiền khoáng hậu để cuối cùng Ngài đã tìm ra chân lý giải thoát cho vũ trụ nhân sinh. Mỗi người đệ tử trong phái đoàn thêm một lần nữa khẳng định niềm tin vào Chánh Pháp ở nơi chính bản thân mình, và xin phát nguyện trong phần đời còn lại của mình sẽ thiết tha, và chí thành tinh tấn tu học trên lộ trình tiến về cội nguồn tâm linh.

Và cố nhiên, dù liễu đạt được chân lý về vô thường của vạn hữu, nhưng sao trong mỗi chúng ta vẫn không khỏi rơi lệ và ngậm ngùi tiếc thương cho một thời kỳ vàng son của Phật Giáo Ấn Độ; những nơi mà Đức Từ Phụ Thích Ca đã từng đi qua, thuyết giảng và để lại một kho tàng giáo lý vô tận cho chúng sinh thừa hưởng lợi lạc an vui lẻ ra ngày nay tại thánh tích ấy phải được xây dựng một cách tôn nghiêm, hùng vĩ và hoành tráng mới xứng đáng là quê hương của Phật Giáo, là nơi phát sinh ra mạch nguồn của Đạo Phật. Vậy mà giờ đây tất cả những thánh tích ấy chỉ còn lại những đống gạch vụn, điêu tàn xơ xác; tất cả đều phủ trùm một màu tang tóc buồn tẻ, xa lạ như chưa từng có hình bóng của Phật giáo xuất hiện.

Đành rằng tất cả mọi thứ trên trần gian này có cái gì tồn tại mãi mãi đâu. Tất cả đều phải chịu sự chi phối của quy luật ‘‘thành trụ hoại không.’’ Nhưng tại sao Đạo Phật lại phải khuất phục một cách vô vọng trước làn sóng xâm lăng hung bạo và giết chóc dã man của đội quân Hồi giáo vào thế kỷ thứ 12 như thế? Chúng con quá đau lòng và nghẹn ngào đến nỗi không thốt thành lời khi nhìn thấy tận mắt những cảnh vật đổ nát ở khắp các phế tích.
Thật là thảm thương và tội nghiệp cho phật giáo quá. Chúng con, hàng đệ tử Việt Nam, xin chắp tay nguyện cầu cho quê hương của Đức Phật sớm khôi phục trở lại để mang ánh sáng giác ngộ và từ bi đến cho chúng sinh trong biển đời khổ lụy này.

Sự thành tựu của chuyến đi hành hương này, phái đoàn phải cảm niệm tri ơn đến sự cố vấn của TT Tâm Phương, Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức, Người đã luôn quan tâm, và nhắc nhở để mọi việc trong chuyến hành hương diễn ra thông suốt và nhẹ nhàng.

Phái đoàn chúng con cũng xin cảm niệm và thành kính tri ân đến Đại Đức Trưởng Đoàn Thích Nguyên Tạng, Người đã dìu dắt và giảng dạy cho chúng con trong suốt 22 ngày hành hương trên Phật Tích Ấn Độ và Đài Loan; Người đã không quản khó nhọc và công sức, đã nổ lực và đã khuyến khích chúng con ghi lại cuộc hành trình dài cho phái đoàn chúng con cũng như cho tất cả hàng ngàn Phật tử trên toàn thế giới được cùng chung chia sẻ những niềm hạnh phúc, an vui và những thắng duyên của phái đoàn hành hương qua việc thực hiện bộ DVD hành thương Chiêm Bái Phật Tích Ấn Độ và Đài Loan này.

Phái đoàn cũng xin cảm ơn anh chị Diệu An và Lê Hiếu, người đã làm bảng tên, và Đạo hữu Thiện Lý Nguyễn Văn Ngọc đã vẽ tấm băng rôn để phái đoàn chụp hình lưu niệm, đánh dấu những ngày ngắn ngủi không bao giờ quên trên xứ Phật.

Ban tổ chức cũng chân thành cảm ơn Đạo hữu An Hậu Tony Thạch, giám đốc công ty Triump Tour và 4 nhân viên phụ tá của anh là Sonam Wong và Deeper tại Ấn Độ, cũng như ông Lương và ông Wu tại Đài Loan, đã tạo duyên lành, sắp xếp và hướng dẫn tận tình cho phái đoàn được đi chiêm bái trong 22 ngày dài của cuộc hành trình.

Ban tổ chức cũng chân thành cảm ơn và tán thán ông bà Vạn Kim cùng quý Phật tử xa gần đã hổ trợ và cúng dường tịnh tài để thực hiện miễn phí bộ DVD Hành Hương Chiêm Bái Phật Tích Ấn Độ và Đài Loan này.

Nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu năm 2007 lại về với mọi người con Phật, xin chắp tay nguyện cầu cho Chánh Pháp được trường tồn, chúng sanh được an lạc. Và cũng xin nguyện cầu cho Cữu Huyền Thất Tổ, và Cha Mẹ nhiều đời của chúng ta sớm tái sinh về cõi giới an lành.

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Ma Ha Tát, tác đại chứng minh

Tài liệu tham khảo:

-Đức Phật & Phật Pháp (Sàigòn, 1964). Ven Narada. Phạm Kim Khánh dịch

-Đường Về Xứ Phật (Sàigòn, 1964) Minh Châu, Thiện Châu, Huyền Vi và Pàsadika

-Xứ Phật Tình Quê. (Bodgaya, 2002) Thích Hạnh Nguyện & Thích Hạnh Tấn

-Thiên Trúc Tiểu Du Ký (California, 2006). Thiện Phúc

-Sự tích Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Pháp quốc, 2004) Minh Thiện Trần Hữu Danh

---o0o---

Trở về Mục Lục hình ảnh chiêm bái Thánh Tích

 

---o0o---

Nhiếp ảnh: Giác Trí, Quảng Thanh, Quảng Hội, Bảo Minh Đạo, Sonam Wang, Deepak
Trình bày: Phổ Trí

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
19/06/2013(Xem: 5622)
Kinh hành tưởng niệm nơi giam giữ Vua Tần Bà Sa La (Bình Sa Vương) một ông vua Phật tử đầu tiên trong những ngày đầu giáo hóa của Đức Phật Thích Ca, người đã dâng cúng Tịnh Xá Trúc Lâm (Venuvana or Bamboo Grove) và ủng hộ nhiều công trình Phật sự khác.
19/06/2013(Xem: 4900)
Chiêm bái Thánh Tích Ấn Độ - Đài Loan Do Tu Viện Quảng Đức Tổ Chức (ĐĐ Nguyên Tạng hướng dẫn đoàn, từ ngày 8-29/11/2006)
19/06/2013(Xem: 8331)
Bảo Tháp tưởng niệm nàng Tu Xà Đa (người dâng bát sữa cúng Phật)
19/06/2013(Xem: 6121)
Cư Sĩ Tu Đạt người cúng dường Tịnh Xá Kỳ Viên cho Đức Phật và Tăng Đoàn Cư Sĩ Tu Đạt là một tỷ phú thành xá vệ (Sravasti), người hay chu cấp vật chất cho người người nghèo khổ cô độc.
19/06/2013(Xem: 8687)
Tôn Giả Ungulimala trước khi xuất gia và đắc giả A La Hán từng nổi tiếng là một kẻ ác nhân, từng chắt đứt 999 ngón tay của người khác trong một quyết tâm muốn học đạo, nhưng khi gặp Phật được ngài cảm hóa, Ungulimala đã được độ và tu tập, cuối cùng chứng đạt đạo quả A La Hán.
19/06/2013(Xem: 9716)
Thành Tỳ Xá Ly là một thánh tích khá quan trọng trong lịch sử PG, vì chính nơi này Đức Tôn Giả A Nan nhập diệt, là nơi Đức Phật đã cho phép Di Mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề và 500 cung nữ chính thức được dự vào hàng ngũ đệ tử xuất gia.
19/06/2013(Xem: 7511)
Phế Tháp thờ Xá Lợi của Đức Phật do Vua A Xà Thế tạo dựng tại thành Tỳ Xá Ly (Vaishali) để phụng thờ xá lợi Phật được thỉnh về từ Kusinagar.
19/06/2013(Xem: 7413)
Cũng nằm trong khu rừng Sa La ngày xưa, cách nơi Phật nhập diệt gần 2 cây số, Nay là thị trấn Kushinagar, cách Gorakhpur khoảng 50 cây số, thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, Bắc Ấn Độ.
19/06/2013(Xem: 7686)
Hình ảnh của phái đoàn tại Phế tích Kỳ Viên Cấp Cô Độc.
19/06/2013(Xem: 11221)
Đức Phật cùng các đệ tử của mình đã trải qua ba mùa an cư kiết hạ (từ hạ thứ nhì đến hạ thứ tư) tại khu vườn này.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]