Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lễ Dâng y Kathina 2012

09/04/201317:34(Xem: 3912)
Lễ Dâng y Kathina 2012

Tin Tức Phật Sự Đó Đây
Buddhist News Around The World

Lễ Dâng Y Kathina 2012



Võ Văn Tường

Nguồn: www.quangduc.com

kathina12

Hơn 17.000 Tăng, Ni và Phật tử dự Đại lễ Dâng y Kathina 2012
tại Thiền viện Phước Sơn, Đồng Nai

Vào ngày chủ nhật 25-11-2012 (ngày 12 tháng 10 năm Nhâm Thìn), khoảng 5.000 chư Tăng, Ni và hơn 10.000 Phật tử ở nhiều tỉnh, thành phố đã về thiền viện Phước Sơn ở đồi Lá Giang, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai dự Đại lễ Dâng y Kathina 2012.

Đặc biệt, Đại lễ vui mừng đón tiếp đoàn Phật giáo Sri Lanka do 2 vị cao tăng dẫn đầu. Hai vị là thành viên Hội đồng Cố vấn Tôn giáo của Tổng thống Sri Lanka, nhân chuyến du lịch Việt Nam đã ghé thiền viện dự lễ và tặng Thượng tọa trụ trì Thích Bửu Chánh một bảo tháp Xá Lợi Phật, quà của Tổng thống Sri Lanka.

Đại lễ bắt đầu lúc 7 giờ bằng Pháp hội Cúng dường. Hàng ngàn Phật tử đã thành kính cúng dường tịnh tài, tịnh vật cho khoảng 5.000 chư Tăng, Ni.

Đến 9 giờ, chương trình Đại lễ được cử hành tại ngôi chánh điện, nơi tôn trí tượng đức Bổn sư cao 9,999 m đã được xác lập kỷ lục năm 2011 là pho tượng đức Phật Thích Ca trong chánh điện lớn nhất Việt Nam. Nội dung được cử hành gồm : Lễ bái Tam Bảo, thuyết pháp, nhiễu Phật, lễ dâng hương, lời tác bạch của thí chủ chính Huỳnh Thị Mẫn, nghi thức Dâng y, Tăng Sự thọ y, dâng huê Trai Tăng, khóa kinh cầu an - phúc chúc, hồi hướng.

Đại lễ Dâng y Kathina được tổ chức trong niềm hân hoan, sự kính ngưỡng của hàng ngàn Tăng, Ni, Phật tử khắp nơi.
*****
Về ý nghĩa Đại lễ Dâng y Kathina của Phật giáo Nguyên thủy, tác giả Phúc Nguyên đã có bài viết như sau :

Một trong những ngày lễ lớn và quan trọng nhất của hệ phái Phật giáo Nguyên thủy (ở Việt Nam thường gọi là Phật giáo Nam tông hay Phật giáo Tiểu thừa) là đại lễ dâng y kathina.


Đây là lễ hội hàng năm duy nhất của Phật giáo có từ thời Đức Phật còn tại thế. Đối với những người dân theo Phật giáo Nguyên thủy, đại lễ dâng y kathina mang một ý nghĩa hết sức to lớn, vừa thể hiện thiện tâm của người phật tử đối với việc hộ trì tăng đoàn, vừa tạo nên niềm vui lớn trong mùa lễ hội cho người phật tử tại gia, đồng thời đại lễ dâng y cũng còn nhắc nhở cho tứ chúng, cả hàng phật tử xuất gia và tại gia, luôn nhớ về và trân trọng tấm lòng của đàn tín.

1. Nguồn gốc lễ dâng y kathina:
Kathina - theo tiếng Pàli không có nghĩa là y áo hay dâng y mà có nghĩa là sự vững bền, chặt chẽ. Trong tiếng Phạn, kathina (viết là kathinaya) có nghĩa là cái khung dệt vải, khung treo. Đại lễ dâng y được gọi như vậy là bởi vì đại lễ này kết cấu nhiều quy định quan trọng dẫn đến thắng duyên cho hàng phật tử. Đại lễ là sự thể hiện đại hạnh của đức bố thí, thế nên, một người phát tâm cúng dường mà tâm nghĩ quá đơn giản thì người cúng dường cũng như người thụ thí thường khó làm cho sự bố thí đạt đến sự viên mãn. Đại lễ cũng mất đi ý nghĩa nếu thiếu những yếu tố của tâm thí, thời thí, vật thí, người thụ thí, và cung cách thí. Đại lễ dâng y kathina bao hàm tất cả những điều đó nên mang ý nghĩa của sự bền vững, chặt chẽ, viên mãn.

Có một cách lý giải khác về đại lễ dâng y kathina, đó là vào mùa an cư, theo nghi lễ, tăng đoàn sẽ họp nhau lại để cắt may y áo mới chuẩn bị cho việc du hành sau khi tháng an cư kết thúc. Chiếc y áo đầu tiên sẽ được tặng cho vị tỳ kheo nào thông thái nhất, lớn tuổi nhất hoặc vị nào khó khăn nhất trong tăng đoàn. Khi may xong, áo được căng lên một cái khung (gọi là kathina) rồi mời mọi người đến chiêm ngưỡng. Áo này được gọi là Mahakathina. Sau đó, khung căng áo được tháo ra để tượng trưng cho sự nới lỏng một vài giới luật đối với các tỳ kheo. Nhưng trước đó, trong suốt thời gian an cư, phải giữ khung căng áo nguyên vẹn vì đó là biểu tượng của giới luật phải giữ gìn. Vì thế, lễ dâng y của Phật giáo Nguyên thủy mang tên kathina, tức là sự chặt chẽ, vững bền như chiếc khung kathina vậy.

Người ta cũng có một cách giải thích nữa về đại lễ dâng y kathina, đó là tháng đầu tiên sau mùa an cư được coi là tháng để tăng đoàn chỉnh sửa trang phục sau ba tháng cấm túc an cư, trước khi tiếp tục hành trì. Vì thế, trong thời gian này, một vài điều luật được tạm thời nới lỏng để các nhà sư lo việc may y áo mới. Tuy rằng ngày nay, việc may mặc không còn là mối quan tâm chính cho các sư tăng, nhưng nghi thức đó vẫn còn được giữ gìn để bảo tồn và đề cao sự tương trợ giữa những tỳ kheo trong tăng đoàn với nhau, giúp nhau trong việc tu tập. Về phía những phật tử tại gia, họ cúng dường vải vóc, y áo để tự nhắc nhở mình phải nghĩ đến những khó khăn và thiếu thốn của người xuất gia.

Đại lễ dâng y kathina được tổ chức sau kỳ an cư của chư tăng kết thúc. Phật giáo Nguyên thủy thường tổ chức hậu an cư, tức là từ rằm tháng 5 đến rằm tháng 8 Âm lịch theo lịch Việt Nam (Phật giáo Bắc tông tổ chức an cư từ rằm tháng 4 đến rằm tháng 7 Âm lịch nên gọi là tiền an cư). Khi Đức Phật còn tại thế, ngài chuẩn bị an cư tại chùa Kỳ Viên (Anàtapindika) thành Xá Vệ (Savatthi), khi đó có một nhóm tăng đoàn khoảng 30 người xin đến được cùng an cư với Đức Phật tại thành Xá Vệ, được Đức Phật đồng ý, tăng đoàn đã đến chùa Kỳ Viên, nhưng do đường xa, đi lại khó khăn, lại vào mùa mưa nên khi tăng đoàn tới nơi, y áo đều bị ướt và rách nát. Sau khi an cư, Đức Phật mới cho phép nới lỏng một số giới luật để tăng đoàn được lưu lại, may vá y phục mới trước khi tiếp tục lên đường hành pháp. Cũng chính tại đây, nữ đại thí chủ Visakha - một trong hai bậc hộ pháp của Phật giáo (người còn lại là Trưởng giả Sudatta) đã dâng y cho Đức Phật lần đầu tiên. Từ đó truyền thống dâng y cho tăng đoàn vào tháng đầu khi kết thúc kỳ an cư được truyền cho đến ngày nay.

2. Nghi thức dâng y kathina:

Đại lễ dâng y kathina là một lễ hội lớn của Phật giáo Nguyên thủy, vì vậy các nghi thức trong đại lễ cũng được tổ chức rất long trọng, trang nghiêm, và trong đó, có một số nghi lễ bắt buộc phải tuân thủ theo.
Nghi thức dâng y

Theo quy định, mỗi chùa một năm chỉ được tổ chức đại lễ dâng y kathina một lần vào bất cứ ngày nào trong vòng một tháng ngay sau mùa an cư kết thúc. Đại lễ dâng y kathina có thể do tăng đoàn tổ chức hoặc do hàng phật tử tại gia tổ chức. Khi tăng đoàn tổ chức, sư tăng được nhận y do phật tử dâng cúng nên còn gọi là thụ y, chùa sẽ thông báo với các phật tử tại gia để chuẩn bị. Khi phật tử tại gia đứng ra tổ chức, gọi là lễ dâng y, thường do một thí chủ đứng đầu khởi xướng và mời các thí chủ khác cùng tham gia, khi đó thí chủ sẽ có trách nhiệm thông báo với tăng đoàn để các sư làm lễ thụ y.

Một quy định bắt buộc trong lễ dâng y kathina, đó là việc dâng y chỉ được thực hiện tại các chùa có chư tăng nhập hạ và chỉ cúng dường đến đại chúng tất cả chư tăng chứ không dâng trực tiếp cá nhân một sư tăng nào. Điều này thể hiện ý nguyện hộ trì tam bảo, phụng sự giới pháp, câu thúc giới luật của người phật tử tại gia đối với tăng đoàn.

Trong dịp lễ dâng y diễn ra, y áo và các vật cúng dường khác được phật tử đặt vào mâm rồi đội lên đầu để tỏ lòng kính ngưỡng tam bảo, sau đó đi diễu hành trong thôn xóm, làng mạc trước khi đến chùa để dâng lên chư tăng. Khi tiến hành lễ dâng y, phật tử không trực tiếp tự tay dâng y mà đặt y trước mặt chư tăng. Chư tăng chỉ nhận bằng cách im lặng chứ không dùng tay thụ nhận.

Trong luật Phật chế, hàng phật tử tại gia có thể dâng y may sẵn hoặc vải cho chư tăng để may y và chú ý chỉ được dâng ba loại y dùng để cử hành tăng sự. Ba y đó là: An-đà-hội (Antaravasaka), tức là y nội, mặc sát vào mình; Uất-đà-la-tăng (Utaràsanga), tức là áo thượng y, mặc trên nội y và Tăng-già-lê (Sangati), tức trùng phục y, áo mặc ngoài cùng.

Nghi thức thụ y

Như trên đã nói, lễ dâng y kathina là nghi thức có từ thời Phật tại thế, do Đức Phật ban hành nên các nghi thức dành cho chư tăng khi nhận lễ dâng y cũng phải tuân thủ một số quy định để thể hiện sự trân trọng của tăng đoàn đối với phật tử tại gia khi nhận y áo.

Tăng đoàn chỉ được nhận lễ dâng y khi có tối thiểu 5 sư tăng nhập hạ và các sư chỉ nhận y dâng theo nhu cầu thực tế của mình. Ưu tiên trước những vị tuổi cao, những vị có nhiều hạ lạp hay những vị thiếu thốn, khó khăn. Nghi luật Phật cũng nêu rằng, các sư tăng chỉ thụ y sau khi thành tựu ba lần tác pháp yết ma với sự im lặng đồng thuận của tăng chúng. Nghi thức này để chứng tỏ sự đồng thuận trong chấp pháp của chư tăng và tri ân công đức bố thí của các tín đồ cúng dàng trong lễ dâng y.

Chư tăng khi thụ y phải biết xả y cũ, làm dấu, chú nguyện y mới và hoàn tất bằng lời tri ân trước phật tử. Chư tăng thường dùng lời hoan hỷ để tạ ân Đức Phật đã ban pháp cho chư tăng được thụ y, tạ ân tăng đoàn đã tổ chức lễ thụ y và tạ ân các tín chủ đã tổ chức lễ dâng y.

Nghi luật Phật trong lễ dâng y kathina còn quy định rằng, nếu phật tử dâng y may sẵn, chư tăng có thể dùng luôn, còn nếu phật tử dâng y bằng vải thì trong một ngày, chư tăng phải hoàn thành việc cắt may, khâu vá để dùng. Nghi thức này được đặt ra để nhắc lại sự tích người mẹ nuôi của Phật, cũng là người dì, tức là em của mẹ Phật, tên là Ma-ha Ba-xà-ba-đề Cồ-đàm-di (Mahaprajapati Gautami), đã từng thức suốt một đêm để hoàn tất chiếc áo cho Phật. Khi Phật sinh ra được bẩy ngày thì mẹ mất, người dì này đã chăm sóc, nuôi dưỡng Phật. Sau này, khi Đức Phật đạt được giác ngộ, bà đã xin quy y và thành lập giáo đoàn các Tỳ kheo ni, vì thế bà cũng là vị Ni sư đầu tiên của giáo đoàn Phật giáo.

3. Ý nghĩa lễ dâng y kathina:
Cùng với Đại lễ Vu lan báo hiếu của Phật giáo Mahanaya (Bắc tông), đại lễ dâng y kathina của Phật giáo Nguyên thủy đã trở thành ngày hội của giới phật tử trong mùa an cư kiết hạ. Ý nghĩa của đại lễ dâng y kathina không chỉ khích lệ tín đồ phật tử thực thi đại hạnh bố thí, tri ân công đức của Đức Bổn sư Như Lai Phật, tri ân công đức Tam bảo, tri ân công đức hàng Phật tử hộ trì phật pháp mà còn để nhắc nhở hàng phật tử tại và xuất gia nhớ về công đức của đàn tín.

Đại lễ kathina được tổ chức tại các trường hạ, trở thành một lễ hội tôn nghiêm, long trọng và thiêng liêng. Các phật tử ngoài dâng y, là thứ quan trọng nhất trong đại lễ để tưởng nhớ về nghi thức Phật chế, còn dâng lên chư tăng các phẩm vật khác để tỏ lòng tri ân và bày tỏ sự chia sẻ khó khăn với những hàng đệ tử xuất gia.

Đại lễ dâng y kathina không chỉ tạo nên nhiều thuận duyên cho hàng phật tử tại gia dâng y, mà ngay cả đối với hàng phật tử xuất gia, việc thụ y cũng mang nhiều ý nghĩa. Trước hết, việc thụ y đúng thời, đúng pháp đã là một thắng duyên cho chư tăng trong mùa an cư, sau nữa, việc thụ y đúng pháp thì sẽ sinh công đức, ngược lại việc thụ y không đúng pháp thì sẽ sinh nghiệp chướng, dễ gặp quả báo. Ý nghĩa của lễ dâng y còn nhắc nhở chư tăng tránh việc thụ hưởng sai lầm, làm ảnh hưởng đến tăng đoàn, không những nguy hiểm cho bản thân mà còn tác hại đến những người khác nữa.

Trong ngày lễ dâng y kathina, người dân những nơi theo Phật giáo Nguyên thủy thường tập trung về những ngôi chùa có chư tăng nhập hạ, sau khi tác thành lễ dâng y lên các nhà sư và làm lễ Phật, họ thường tổ chức các hoạt động lễ hội ngay trong khuôn viên chùa để chúc mừng sự thành tựu của chư tăng sau ba tháng an cư tồn tâm, dưỡng tính. Người dân từ già trẻ, lớn bé, nam nữ đều mặc những bộ trang phục đẹp nhất, trau dồi tâm sáng, hướng đến tam bảo với những ý nghĩ thuần khiết nhất để dâng lên Đức Phật và chư tăng.

Đối với Phật giáo Nguyên thủy, vị sư luôn được hiểu là đại thể của tất cả tăng đoàn truyền thừa giáo pháp. Ngày nào người Phật tử dâng y kathina nghĩ đến đại thể thì Phật pháp còn hưng thịnh và vững bền. Sự dâng y kathina không phân biệt cũng nói lên tinh thần chung vượt ra ngoài những quan niệm cá nhân. Chiếc y Kathina cho dù trong hình thức đơn giản nhất cũng nói lên ba điều quan trọng là người dâng y không lựa chọn cá nhân sư tăng để dâng, chư tăng thụ y theo cách lợi hoà đồng quân và vật phẩm trong lễ dâng y được trang trọng vì chuyên chở những giá trị truyền thống tốt đẹp.

Trong tâm niệm của tín đồ theo Phật giáo Nguyên thủy, người cúng dường y kathina sẽ gieo tạo nên nhiều duyên lành vì việc cúng dàng không phân biệt, dâng y đúng thời, tác lễ hợp đạo. Những phật tử làm được điều này kiếp sau có hạnh duyên xuất gia sẽ tác thành và tăng trưởng nhanh chóng. Đại lễ dâng y mang lại sự an lạc cho tăng đoàn, và do vậy, là một đại hạnh thù thắng.

Đại lễ dâng y kathina đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa của những tín đồ theo Phật giáo Nguyên thủy, đại lễ là dịp để tôn vinh những giá trị truyền thống Phật giáo có từ thời Đức Phật, đồng thời cũng là dịp để hàng phật tử xuất gia và tại gia tri ân công đức Đức Bổn sư, tạo tác duyên nghiệp trở nên những thắng duyên trong phật pháp. Mỗi mùa an cư kiết hạ qua đi là chúng phật tử lại nhớ về đại lễ dâng y kathina như một hạnh nguyện lớn trong đời./.

Tin và ảnh : Võ Văn Tường

Bấm vào đây để xem hình ảnh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/01/2014(Xem: 15009)
TU VIỆN QUẢNG ĐỨC KHÓA TU PHẬT THẤT KỲ 01 (Từ ngày 7 đến 12-1-2014) (Do TVQĐ và Tổng Vụ Hoằng Pháp của Giáo Hội tổ chức) * Thứ Ba, 7-1-2014: 8.00am: Phật tử tề tựu và ghi danh 9.30am: Lễ khai mạc Khóa tu 11.30am: Cúng Quá đường & kinh hành niệm Phật 2.00-3.30pm: Pháp Môn Tịnh Độ (HT Trường Sanh) 2.30-3.30pm: Lớp tiếng Anh (Ven. Thích Thông Pháp) 4.00-4.45pm: Công phu chiều (ĐĐ Nguyên Tuệ) 5.00pm: Dược thực 7.00pm: Thọ trì Lương Hoàng Sám 9.30pm: Thiền tọa (30 phút) 10.00pm: Chỉ tịnh
01/07/2013(Xem: 4813)
Tin Phật Giáo tuần 2 tháng 6/2013
01/07/2013(Xem: 5066)
Tin Phật Giáo tuần 1 tháng 6/2013
01/07/2013(Xem: 4897)
Tin Phật Giáo tuần 3 tháng 6/2013
30/06/2013(Xem: 11074)
“ Giới Luật là mạng mạch của Phật Pháp Giới Luật tồn tại là Phật Pháp tồn tại ” Duy trì mạng mạch nầy và khiến Phật pháp tồn tại hơn 2000 ngàn năm qua đó chính là sứ mạng và bổn phận của Tăng già. Từ thuở xa xưa khi đức Thế tôn còn trụ thế nơi đất Ấn.. cho đến vô số dòng kệ truyền tâm của chư Tổ ,vườn hoa giác ngộ đã nở rộ trên hàng trăm quốc gia khắp thế giới. Dù thời gian và không gian lâu xa như thế ấy nhưng truyền thống An cư Kiết Hạ hàng năm của Tăng già chưa bao giờ dứt đoạn.
14/06/2013(Xem: 5370)
Trường Hạ Quang Minh ở Chicago, USA, năm 2013
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]