Tin Tức Phật Sự Đó Đây
Nghiệp Quả Của Những Mảnh Đời
Nguồn: Minh Mẫn
Chiều ngày 01/6/2012, nhóm Thiện nguyện khiếm thị Hốc Môn đã đến thăm một gia đình bất hạnh tại xã Bà Điểm, huyện Hốc Môn.
Theo sự giới thiệu của một Phật tử, anh Trần Công Danh, 28 tuổi, một thanh niên trẻ khỏe, lao động chính của một gia đình gồm, cha mẹ, vợ và con, vừa ngã bệnh , một căn bệnh mà bác sĩ bất lực và gia đình kiệt quệ, cuối cùng chờ ngày ra đi khi nghiệp quả chấm dứt.
Bảy năm trước, anh Danh có những triệu chứng đau đầu, cứ ngỡ bệnh xoàng, uống thuốc giảm đau, sau đó trở lại bình thường, vì vậy anh lập gia đình với chị Nguyễn thị Thuận cùng bằng tuổi. Những tháng gần đây, bệnh tái phát; gia đình từ Huế vào lập nghiệp, vợ chồng con cái xúm xít nhau dưới mái nhà không quá 20m2 trong một thôn xóm lao động nghèo, đành phải bán để lo chạy thuốc cho con, mãi đến khi tiền hết, bệnh tăng, toàn bộ gia đình phải ở nhà trọ. Biết căn bệnh bướu não là căn bệnh không buông tha mạng sống, thế nhưng vì thương con mà cha mẹ già bằng mọi giá phải lo chạy chữa. Vừa chật vật tiền bạc, vừa buồn lo tinh thần, người mẹ già lại ngã bệnh sau thời gian nằm viện với con, vì thể xác mòn mỏi và suy nhược. Người cha già và con dâu còn lại với đứa cháu nội hơn 4 tháng tuổi đang đối diện trước cơn túng quẩn, không còn lối thoát; không tiền mướn phòng trọ, không có cái ăn, không làm ra tiền và mọi thứ đều không, ngoại trừ căn bệnh quái ác đang có. Nhưng, vài giờ trước đây, chùa Thiên Thành ở ấp Hậu Lân, xã Bà Điểm đã rộng lòng dang tay đón tiếp một gia cảnh tận cùng nghiệt ngã đó. Tuy chùa không rộng nhưng tấm lòng thầy rất rộng, vì thầy biết răng chẳng bao lâu nữa, con bệnh sẽ trở thành người thiên cổ, chùa tiếp tục những gánh nặng cho những mảnh đời còn lại. Một công hạnh của bậc xuất gia không toan tính như thế đã làm bao người hiện diện tán thán, xúc động. Ai đó có thể giúp tiền chứ không ai đón nhận tất cả một “gia tài của mẹ” để lại như vậy. Thật ra còn rất nhiều chùa cung dưỡng hàng trăm cụ già trẻ em và người tàn tật khắp nơi, hạnh Bồ Tát vẫn còn đậm nét trong giới tu sĩ cũng như Phật tử tại gia. Thầy trụ trì nói : Người Phật tử tại gia mù lòa như quý vị còn làm việc thiện được chẳng lẽ quý thầy không làm được?
Sau khi khai thị và trao quà cho thân nhân người bệnh, nhóm vào hầu chuyện với thầy. Phật tử bao quanh bệnh nhân nhìn con trẻ còn bú vô tư nằm cạnh cha bay bổng mộng Thiên Thần. Cha bệnh nhân, ông Trần Minh lộ vẻ mệt mỏi, phờ phạc, bà mẹ 61 tuổi như cây sây sẵn sàng gục ngã trước cơn gió nhẹ. Cô vợ 28 tuổi mặt còn ngở ngàng trước tình cảnh nghiệt ngã dành cho đứa con chưa biết gọi ba. Cái hạnh phúc mong manh chưa tròn trăng mật đang bị bao phủ bởi vành khăn sô không tránh khỏi nay mai trên đầu người vợ trẻ.
Ôi, nghiệp quả nghiệt ngã không chừa một ai đã từng gây tạo. Những hoàn cảnh đau thương đủ để cảnh tỉnh lòng người con Phật cố tạo phước tránh gây nhân bất thiện, nhưng còn biết bao người chưa hiểu luật nhân quả, đạo đức, đang hả hê trên những đau thương của kẻ khác, sống trên sinh mạng của bao chúng sanh mà không hề lắng nghe tiếng đau thương rên siết của những sinh vật bất hạnh đó. Nhờ giáo lý của Phật mà bao người tỉnh ngộ trước những vô minh một thời do mình tạo tác. Mong rằng, những người con Phật nhìn những nghịch cảnh hằng ngày, những đau thương bệnh khổ của kẻ khác mà tự phục thiện thân-khẩu-ý của mình hầu tránh những nghiệp quả xấu, và mong cầu mọi người cũng nên ban rãi một phần tình thương đối với đồng loại để lòng mình sống được thanh thản hơn. Phật đã dạy: “nước mắt chúng sanh nhiều hơn biển cả”. Đừng nhỏ thêm giọt nước mắt nào vào đại dương đau khổ nữa mà hy vọng những giọt nước mắt đau khổ trong biển cả sẽ nở hoa tình thương cho cuộc sống hạnh phúc hơn.
Một bàn tay chơi vơi giữa mênh mông biển khổ đó, đang cần chúng ta đến với họ bằng khả năng sẵn có, đó là hạnh từ của Bồ Tát Quán Thế Âm.