Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

An cư kiết đông kỳ 2 tại chùa Linh Thứu

24/04/201507:41(Xem: 7286)
An cư kiết đông kỳ 2 tại chùa Linh Thứu

 An Cu Kiet Dong tai Chua Linh Thuu_2015 (124)

Cũng bởi vì tiếng kêu thảm thiết “Bệ hạ ơi! Cứu thiếp!“ của một con mãng xà, hóa sanh của bà hoàng hậu độc ác Hy Thị, đêm về báo mộng với vua Lương Võ Đế mà hậu thế chúng ta mới có bộ Kinh Lương Hoàng Sám gồm 10 cuốn để sám hối tội lỗi. Bộ kinh này đã làm nền tảng cho khóa An Cư Kiết Đông kỳ 2 được tổ chức tại chùa Linh Thứu từ ngày mùng 5 đến 11 tháng Giêng năm 2015.

Theo kinh điển Phật giáo, hằng năm chỉ có một mùa An Cư Kiết Hạ vào đầu mùa hè rồi kết thúc vào ngày rằm tháng bảy. Thế tại sao Giáo Hội Âu Châu lại tổ chức thêm một kỳ tu tập cho các Tăng Ni vào những ngày mùa đông tháng giá lạnh lẽo như vậy? Điều này chỉ có Hòa Thượng Tánh Thiệt mới giải thích nổi trong buổi khai thị mà thôi. Theo Thầy lý do thật đơn giản, muốn tạo thân tình, một tình đạo cho các sư huynh đệ có cơ hội gặp gỡ nhau, cùng tụng chung một thời kinh, cùng uống chung một ấm trà và quan trọng nhất vẫn là được nhìn tận mặt nhau rồi nở một nụ cười. Những điều này không phải dễ cho các nước ở xa xôi đặc biệt như Bắc Âu, nơi được mệnh danh là “xứ lạnh tình nồng“.

Đây là khóa An Cư Kiết Đông lần thứ 2 trong lịch sử Phật giáo tại hải ngoại, lần thứ nhất được tổ chức tại chùa Trí Thủ ở Thụy Sĩ, một sáng kiến táo bạo của Cố Hòa Thượng Minh Tâm, nay Người đã ra đi rồi nhưng những gì tốt đẹp của Người để lại, Giáo Hội Âu Châu vẫn tiếp tục đi tiếp.

Theo thông tin trên mạng do Thầy Quảng Đạo cung cấp, đa phần là những bức tâm thư kêu gọi mọi người đóng góp cho ngôi chùa Khánh Anh sắp được khánh thành vào tháng 8 năm 2015, bên dưới có đóng mộc đỏ ở giữa và hai chữ ký của hai vị Hòa Thượng Tánh Thiệt và Như Điển, tả hữu hai bên. Kèm theo là danh sách các Chư Tăng Ni của các chùa sẽ về Berlin tham dự khóa An Cư Kiết Đông, mới xem qua các Sư Cô của chùa Linh Thứu đã “thất kinh hồn vía“ (cái này là người viết tự nghĩ), không biết Chùa có đủ chỗ nghỉ cho ngần ấy Vị, chưa kể các Phật tử ở phương xa ghi tên về “Tu ké“. Theo tin hành lang, các Phật tử tại địa phương Berlin tham dự khóa tu tối phải về nhà để nhường chỗ cho kẻ ở phương xa.

Con số ghi danh lên đến gần một trăm Vị ở nhiều nơi trên thế giới, nhưng thật sự có mặt chỉ khoảng 70, đến đi thay đổi có Vị đến trước dự phần đầu vài ba ngày và có Vị gần cuối khóa mới xuất hiện nên mọi việc đều được sắp xếp ổn thỏa.

Buổi lễ khai mạc được diễn ra thật long trọng và trang nghiêm dưới sự chứng giám của hai vị Hòa Thượng Trưởng Lão trong Giáo Hội Âu Châu, cùng với Ni Sư Diệu Phước trụ trì chùa Linh Thứu và tất cả các Chư Tăng Ni, có vị đến từ Việt Nam như Thầy Quảng An và Ni Sư Tịnh Nghĩa đến từ Mỹ quốc. Một hình ảnh đẹp và đầy cảm xúc khi chiếc ghế giữa Hòa Thượng Tánh Thiệt và Hòa Thượng Như Điển được bỏ trống. Vị trí ấy muôn đời chỉ dành riêng cho Cố Hòa Thượng Minh Tâm mà thôi.

Cũng nhờ chùa Linh Thứu có chánh điện trang nghiêm và rộng lớn, mới đủ sức chứa một lực lượng Tăng Đoàn hùng hậu như vậy. Sau dãy áo Vàng là một rừng Y Nâu của các tay Bồ Tát Giới tại gia, còn các vị chỉ mặc chiếc áo tràng đơn sơ bị tấn xuống tít tận các hàng sau cùng không được nhìn rõ các “Siêu Sao“ phía trên. Chẳng lẽ vì lý do này mà buổi Thọ Bồ Tát Giới gần cuối khóa con số ghi danh lên đến 60 người! Không phải vậy đâu, họ phát bồ đề tâm thật đấy!

Với hai câu “Vui thay Tăng Già hòa hợp, Vui thay Tứ Chúng đồng tu“ đối diện với “Tì Ni tạng trụ, Phật Pháp cửu trụ“, viết thật to dán trên tường của hội trường nơi dùng Quá Đường và Cúng dường Trai Tăng, trang trí cho các nơi sinh hoạt của chùa Linh Thứu thêm phần trang trọng và đầy ý nghĩa.

Sau buổi lễ khai mạc vào ngày đầu tiên là đến phần khai thị của Hòa Thượng Tánh Thiệt vào buổi chiều, Người chỉ tâm tình nhẹ nhàng về ý nghĩa của khóa tu để Chư Tăng hòa hợp như đã viết ở phần trên và nhắc đến các công hạnh của Cố Hòa Thượng Minh Tâm làm nhiều người mủi lòng rơi lệ thầm.

Để sửa soạn tinh thần cho “Tứ chúng đồng tu“, bắt đầu từ ngày mai phải đọc tụng và lạy sám hối cho hết 10 Phẩm trong cuốn Kinh Lương Hoàng Sám thời nhà Lương. Thầy Tâm Huệ, phụ trách về giáo dục của Giáo Hội Âu Châu, phải ra công giải thích cặn kẽ về nguồn gốc và ý nghĩa của bộ kinh này, để ai đó khỏi than phiền là sau phẩm thứ 4 và 5 không phải lạy nữa mà là “cuốc“ đến bá thở, thế rồi kết quả vẫn là tội lỗi chưa tiêu!  

Theo Thầy, ông vua Lương Võ Đế sau khi tỉnh giấc mộng “Bệ hạ ơi! Cứu thiếp!“ đã triệu tập tất cả các Kinh Sư giỏi quanh vùng, tìm tất cả các loại Kinh trong Đại Tạng Kinh để viết thành cuốn Lương Hoàng Sám. Khi tụng đến cuốn thứ 10 thì con mãng xà ghẻ lở biến thành một cung nữ xinh đẹp, hát bài “Time to say goodby“ chào vua Võ Đế để trở thành vợ của Đế Thiên Đế Thích ở cõi trời. Vị Chuyển Luân Thánh Vương có 7 báu, trong đó có “Nữ báu“ khoảng một ngàn bà vợ.

Các Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di trong Tứ chúng được lợi lạc rất nhiều trong khóa tu này, do vì có nhiều giảng sư tham dự. Chương trình được chia rất hài hòa, ngày nào cũng có ít nhất một thời Pháp. Hôm Lễ Hội Hoa Đăng do Thầy Hạnh Giới tổ chức trúng vào ngày Vía Ngài Di Đà, chẳng ai hiểu ngày gì cả cứ được cầm đèn Hoa Sen, tượng trưng cho đèn trí tuệ đi nhiễu quanh chánh điện vài vòng rồi dâng lên cho Ngài là hoan hỷ rồi. Nhưng buổi chiều hôm đó, HT Như Điển đã giải thích cho thính chúng rõ ngày hôm ấy 17 tháng 11 âm lịch, chính là ngày vía Ngài Diên Thọ tượng trưng cho Phật A Di Đà. Vị thiền sư Diên Thọ với câu nói: “Đời này 10 người tu thiền chỉ một người chứng, nhưng 10 người tu tịnh độ chứng hết cả mười“.

Thầy Tâm Huệ còn có thêm một thời Pháp nữa giảng về Giới, gồm có 2 loại là Thanh Văn Giới và Bồ Tát Giới. Chắc Thầy muốn sửa soạn tinh thần cho các vị đã ghi tên thọ Bồ Tát Giới trong nay mai.

Thầy Thông Trí vì bận việc Phật sự của chùa nhà nên chỉ tới vào nửa hiệp sau, bài giảng của Thầy có liên quan đến ông Cư sĩ Trưởng Giả “Đầu Gối Dài“. Làm sao giải quyết được những vấn đề, làm sao mang lại hạnh phúc cho người cư sĩ tại gia. Bài giảng Đức Phật dành riêng cho ông trưởng giả Chân Dài gồm có 4 pháp: tháo vát, phòng hộ về thân và tâm, làm bạn với thiện và cân bằng chi thu. Cốt lõi của bài giảng chỉ tóm tắt bằng câu: “An tĩnh tâm hồn là niềm phúc lạc cao nhất“, hay nói nôm na cho dễ hiểu “phước lớn nhất trên đời là sự an ổn trong tâm hồn“.

Chủ yếu của khóa An Cư Kiết Đông lần này là đọc tụng và lạy bộ Kinh Lương Hoàng Sám, mỗi ngày mấy phẩm tùy theo dài ngắn được chia đều để trọn bộ 10 phẩm phải hoàn tất. Cả thầy lẫn trò đều tinh tấn lễ lạy một cách thành khẩn, nếu không phải là người chuyên nghiệp lạy quen từng ngày thì đã ngã quỵ bỏ cuộc từ lâu. Ai đời lúc đầu danh hiệu Phật còn dài trên 5 chữ, ta có đủ thời gian để thở và nghỉ mệt, nhưng càng về sau càng ngắn chỉ có 3 chữ và có lúc chỉ còn 1 chữ. Ôi thôi, đường tu cũng lắm gian nan! Muốn giải trừ tội lỗi và nghiệp chướng không phải dễ, mà phải dụng công thật nhiều và nhiều nữa.

Vì nghe danh tiếng bộ kinh này từ lâu, nào là đọc tụng rồi quỳ lạy sám hối thì tội gì cũng tiêu diệt hết. Hôm nay người viết có cơ duyên được gặp gỡ, nên giờ nghỉ đã len lén lên chánh điện, tay run run giở quyển kinh ra ghi chép các “Báo ứng giáo hóa Địa Ngục Kinh“. Thấy toàn những điều mình dễ bị mắc phải như: “Làm người nghe thuyết Pháp mà nói chuyện làm loạn động tâm người khác sẽ đọa trong loài chó trập tai“ hay “Không để ý nghe cho hiểu sẽ đọa trong loài lừa dài tai“. Rồi đến quyển thứ 4, nói rõ quả báo của các Sa Di Chủ Chùa nếu có tâm cất riêng bánh trái… Tình cờ gặp Thầy Thông Trí đi qua để được giải tỏa các ý nghĩa sai lầm. Thầy bảo:

-         Các Tổ chỉ viết dẫn dụ như thế để khuyên răn hậu thế, đừng tin quá khi ta chưa hiểu hết ý của các Ngài.

Trong mỗi buổi ăn Quá Đường, mỗi ngày đều có một buổi Cúng Dường Trai Tăng do các Phật tử của nhiều quốc gia, chia phiên ra thực hiện. Chẳng hạn Thụy Sĩ nước nhỏ người ít phải liên doanh với Đan Mạch hay Hòa Lan. Pháp quốc nước mạnh người đông đã đứng riêng một mình một buổi. Anh quốc cũng không thua kém gì nước láng giềng Pháp quốc. Các Sư Cô và Phật tử chùa Linh Thứu với lực lượng hùng hậu lợi thế chùa nhà đã đông đảo quỳ chật cả chiếu. Cuối cùng là Gia Đình Phật Tử Chánh Niệm dành buổi thứ bảy cuối khóa để cúng dường. Chính trong buổi Cúng Dường Trai Tăng này Sư Ông Như Điển đã cho các em Oanh Vũ một bài Pháp từ bằng 2 thứ tiếng, Thầy Hạnh Giới dịch ra tiếng Đức cho các Phật tử người Đức và các em nhỏ lớn lên trong ngôn ngữ này. Nội dung đi từ 3 châm ngôn của Oanh Vũ:

. Em tưởng nhớ Phật.

. Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em.

. Em thương người và loài vật.

Ngày thứ năm trong tuần được dành riêng cho chúng Bồ Tát Giới tại gia, họ theo Sư Cô Tuệ Trí đến phòng Thiền để tụng Giới và chụp hình lưu niệm. Bức hình lần này rất đặc biệt nhờ giải lụa vàng thêu chỉ đỏ với hàng chữ “Nam Mô A Di Đà Phật“, quàng qua cổ áo nổi bật trên tấm Y nâu. Buổi chiều tại chánh điện có lễ Thọ Bồ Tát Giới, không hiểu các Bồ Tát từ đâu kéo đến ầm ầm đứng chật cả chánh điện, tương tự như phẩm “Tòng địa dõng xuất“ trong Kinh Pháp Hoa.

 

Cuối khóa thông thường hay có màn Vấn đáp Phật Pháp, câu hỏi được viết sẵn trên giấy rồi bỏ vào chuông, cho người hỏi đỡ ngại và người đáp đỡ phải đợi chờ. Các câu hỏi đủ mọi thể loại từ “Đức Phật Thích Ca chết đi về đâu?“ đến “Người Thọ Bồ Tát Giới khi chết có được mang Y theo không? Hay Y để thờ?“. May thay có người hỏi về bản kinh Ngũ Bách Danh dịch ra tiếng Nôm của Hòa Thượng Tâm Châu vẫn lạy trong chùa, tạo cơ hội cho Hòa Thượng Như Điển kể về nguồn gốc của bản kinh này. Theo như “Lời vào Kinh“ thì “Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Bồ Tát là kinh của các vị Tổ Sư Việt Nam soạn ra, chứ không phải của Trung Hoa hay Nhật Bản; lại càng không thuộc Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh; tuy vẫn được viết bằng chữ Hán. Bản văn chữ Hán có xuất xứ từ Hà Nội và được in thành sách từ bản gỗ vào năm 1898 (Mậu Tuất) nhằm năm Thành Thái thứ 9. Như vậy bản Hán văn nầy do chùa Xiển Pháp tại làng An Trạch in“ và Thầy Quảng Minh dịch ra Hán Việt.

Xen lẫn vào buổi vấn đáp còn có mục đố vui trúng thưởng, quà tặng là cuốn thơ “Hạt cát mịn“ của Song Thu. Nhà thơ Song Thu chẳng ai xa lạ, chính là Hòa Thượng Bảo Lạc của chúng ta. Nếu ai ngưỡng mộ muốn diện kiến xin hãy ghi tên tham dự khóa Tu học Phật Pháp Âu Châu kỳ 27 tại Neuss Đức quốc, sẽ được gặp thêm Hòa Thượng Quảng Ba cũng từ Úc sang, Vị này mà giảng Pháp thì trên cả tuyệt vời nữa. Sở dĩ người viết phải quảng cáo cho khóa tu lần này vì trong mùa hè năm nay có quá nhiều dữ kiện quan trọng. Cuối tháng 7 vừa xong Khóa Tu Âu Châu, chưa kịp nghỉ ngơi các vị lại phải khăn gói lên đường sang Paris vào giữa tháng 8 để tham dự một lúc đến 4 sự việc quan trọng tại chùa Khánh Anh: Lễ Khánh thành, lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư kỳ 9, Đại Giới Đàn Khánh Anh và Lễ Đại Tường Cố HT Minh Tâm. Do đó Khóa Tu Âu Châu kỳ này phải nằm trong sự lựa chọn tùy theo đối tượng, vì đa số đã tuổi già sức yếu không thể tham dự cả hai.

Trở về mục đố vui Phật Pháp trúng thưởng của HT Như Điển, với câu trả lời Chí Công Hòa Thượng là nhân vật “Tôi“ trong bộ Kinh Lương Hoàng Sám và đứa trẻ chỉ cúng dường nắm cát cho Đức Phật sau này trở thành vua A Dục. Đã chứng minh Phật tử của Thầy cũng chịu khó tìm hiểu kinh điển lắm chứ!

Không thể không nhắc đến buổi tối thật hào hứng và náo nhiệt của Lễ Hội Hoa Đăng lễ vía Ngài Di Đà, với những ngọn nến được thắp lên trong những chiếc đèn hình hoa sen nở rộ đủ màu sắc rực rỡ. Sau lễ châm nến truyền đăng tục diệm của hai vị Hòa Thượng,Thầy Hạnh Giới điều khiển chương trình, thỉnh mời hai Vị an tọa trên hai ghế đặt sau các tượng Phật để theo dõi, chứng minh cho các đệ tử cầm đèn niệm Phật đi kinh hành vài vòng quanh chánh điện. Cho đến khi tiếng khánh leng keng, nhắc nhở mọi người rẽ lối đi vào hướng dâng đèn trí tuệ, để có cơ hội thành tâm phát đại nguyện thật là cao cả dâng lên Ngài.

Sáng chủ nhật, buổi lễ bế mạc cũng không kém phần trang trọng với chuông trống Bát Nhã vang rền, như xé tan bức màn vô minh lẩn quẩn quanh ta. Các đại diện của các quốc gia như Anh, Pháp, Đức và Đan Mạch thay phiên nhau phát biểu cảm tưởng thật là cảm động. Anh Quảng Phúc của chùa Linh Thứu, tiết lộ một tin chấn động là mình xuất xứ từ Thiên Chúa giáo, gia đình anh là Đạo gốc. Nhưng trong thời gian chở vợ đi Chùa và ở nhà nhìn vợ lễ bái, đã nghiên cứu về Phật học một cách say mê, để đến giờ anh ngộ đạo còn mau hơn cả vợ và trở thành một cánh tay đắc lực của chùa Linh Thứu trong công quả. Hình như trong khóa tu này anh đã gieo duyên xuống tóc và khoát tấm Y nâu thọ Bồ Tát Giới. Phật Pháp quả thật nhiệm màu!

Vì là chùa Ni nên vấn đề ăn uống trong suốt khóa tu được tổ chức rất chu đáo, phải gọi là được cho ăn ngon mới đúng. Nếu ngày thường người viết được cho ăn các món như vậy, xin hứa với lòng sẽ ăn chay trường một cách đam mê không nuối tiếc.

À quên! Có một điều người viết cần phải kể, chẳng là từ hai năm nay cứ thắc mắc mãi về hai chữ thiếu sót trong kinh Bát Nhã, không biết nằm ở đoạn nào. Các nước Phật Giáo khác người ta ghi chép đầy đủ, chỉ Việt Nam mình là thiếu. Loay hoay mãi vẫn chưa chịu hỏi Sư Phụ một câu cho xong chuyện, mãi đến hôm nay trong giờ giảng Pháp của Người mới tình cờ nghe được. Và cũng không thể tưởng tượng nổi là hai chữ ấy lại nằm trong đoạn kinh tâm đắc nhất, mà người viết cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần: “Viễn ly điên đảo nhất thiết mộng tưởng“. Nhưng biết để mà biết vậy thôi, chứ tụng quen đã lâu rồi ai dám sửa đổi kinh điển.

Trong buổi lễ bế mạc, hai vị Hòa Thượng đã cho biết một số tin tức về các Khóa An Cư Kiết Đông trong tương lai, để chúng ta sửa soạn tinh thần và sức khỏe đi theo các Ngài “Tu ké“. Theo HT Tánh Thiệt, có 3 đạo tràng lớn cho các Khóa Tu là Khánh Anh, Viên Giác và Linh Thứu, sẽ luân phiên nhau gánh vác Phật sự. Phần HT Như Điển đã tiết lộ bản kinh sẽ được đọc tụng và quỳ lạy trong khóa tới là Đại Bát Niết Bàn, bản kinh Thầy đã lạy từng chữ nhuần nhuyễn trong nhiều năm qua. Thật tội nghiệp cho các đệ tử bị đau khớp hay đầu gối, chỉ bắt ghế ngồi phía sau xá dài mà thôi.

Tâm trạng của các vị sau khi dự khóa tu về đều cảm thấy lợi lạc và hạnh phúc. Phải có phước đức thật lớn mới được tu tập cùng chung với các Chư Tăng Ni, người viết tuy thời gian này bị nhiều chướng duyên nhưng không thể không tường trình lại khóa tu cho các vị ở nhà cùng lợi lạc, cùng hoan hỷ.

Nam Mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát.

Hoa Lan - Thiện Giới.

Mùa Xuân 2015.

 

pdf

Xem bài có hình ảnh minh họa đầy đủ:


An cư kiết đông kỳ 2 tại chùa Linh Thứu. Hoa Lan Thiện Giới

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/10/2010(Xem: 2769)
Tôi viết bài : “Tăng Sĩ và Chiếc Áo Cà Sa” cốt để nhắc nhở bổn phận tu học của mình trong mùa An Cư cũng như cả đời sống xuất gia và xin chia xẻ đến những ai quan tâm tìm hiểu về ý nghĩa của Y Phục Tăng Sĩ Phật Giáo.
26/09/2010(Xem: 4878)
Tinh thần hòa hiệp đoàn kết là ý nghĩa sống lành mạnh an vui, là tinh thần của một hội chúng biết tôn trọng ý niệm tự tồn và xây dựng vươn cao trong ý chí hướng thượng. Một con người đơn thuần, khó có thể hoàn thành một sự việc đáng kể dù rằng sự việc ấy cho chính bản thân mình, mà tất cả mọi sự thành công chúng ta đều phải hiểu rằng, trong đó có ý niệm của tập thể tham dự. Do động cơ con người thúc đẩy và cảm tính đối với tha nhân mà con người đã tiến lên sự xây dựng tốt đẹp cho chính mình.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567