Dư âm
Mùa Tưởng Niệm 50 năm
Vào ngày thứ ba 11/6/1963 đến ngày 15/6/2013 tròn đúng 50 năm, những người con Phật mới có được một ngày làm lễ Tưởng Niệm về sự hy sinh cao cả của Bồ Tát Thích Quảng Đức.
Ngay từ những ngày cuối của năm 2012 Giáo Hội đã có những cuộc họp để chuẩn bị cho ngày Đại Lễ quan trọng này. Giáo hội đã tiên đoán được những điều khó khăn phức tạp tứ bề nan giải có thể xảy ra khi mà Giáo Hội chúng ta chính thức ra thông báo… Tôi còn nhớ có một lần họp tại Chùa Pháp Bảo, cùng với HT. Huyền Tôn bước vào phòng họp thì thấy HT Quảng Ba nghiêng đầu qua một bên và nói rằng: “Không sao, không sao Quảng Ba này cũng đã tiên đoán và chuẩn bị, nếu có ai muốn hằn học chửi mắng thì Quảng Ba này có cái đầu đưa ra chịu đựng không sao!”. Trong cuộc họp tại chùa Pháp Bảo vào ngày 26/2/2013, HT. Quảng Ba với cương vị là Trưởng Ban, Ngài cung thỉnh Chư Tôn Đức từng phân ban phụ trách rất cụ thể và năng nỗ trong mọi trách nhiệm ròng rã suốt một tháng rưỡi .
Thế nhưng không biết vì lý do gì mà sáng ngày 10.4.2013, cả Giáo Hội tại Úc lại nhận lá thư từ chức Trưởng Ban Tổ Chức của HT. Quảng Ba. ( Lý do chính trong thư từ chức của HT Quảng Ba là vì sức khỏe và Phật Sự của Vạn Hạnh bị tồn đọng, cần có nhiều thời giờ cho Vạn Hạnh lúc này .)
Suốt cả ngày hôm đó tôi còn nhớ HT. Hội Chủ, HT. Bảo Lạc, TT. Nhật Tân tìm tôi đến 5 lần 7 lượt để đề nghị tôi nhận lãnh vai trò Trưởng Ban tổ chức, tôi đã ôn tồn phân giải rằng “Nếu tổ chức ở Melbourne, con sẵn sàng gánh vác, không từ nan, nhưng hiện tại buổi lễ diễn ra tại Sydney, chúng con nghĩ rằng trong lúc cấp bách này, hơn ai hết HT. Pháp Bảo là người nên nhận trọng trách này thì hợp tình hợp lý và thuận tiện nhất".
Sau đó, qua nhiều cuộc điện đàm giữa tôi và HT. Pháp Bảo, HT. Quảng Ba, TT. Nhật Tân , đôi khi có cả HT Hội Chủ nữa được diễn ra trong hai ngày sau đó, và cuối cùng một Trưởng Ban mới được công bố rộng rãi trong Giáo Hội và quần chúng. HT Thích Bảo Lạc, Trưởng Ban Tổ Chức Đại Lễ Tưởng Niệm.
Nhìn lại 50 mươi năm, qua những hình ảnh tư liệu, tài liệu của Hoa Kỳ và của Việt Nam Cộng Hòa thời 1961-1963. Những tấm hình Tổng Thống Kennedy ngồi trong nội các Mỹ cùng với vài đồng sự của ông để xem lại đoạn phim và một số hình ảnh của ký giả phóng sự từ Việt Nam gởi ra trong những ngày dầu sôi lửa bỏng, nhất là tấm ảnh chính Hòa Thượng Quảng Đức tự quẹt lửa để đốt thân mình làm đuốc sáng cứu nguy Phật Pháp và dân tộc … Tổng Thống Mỹ đã trầm tư với nét mặt kinh hoàng và ngưỡng phục… nhìn lại những tấm hình hàng vạn Tăng Ni , đồng bào Phật tử xuống đường đòi bình đẳng tôn giáo, phải bị chết oan trong lòng xe một cách thảm thương vô tội, ai không bàng hoàng xúc động.
50 mươi năm qua rồi, nhưng nỗi kinh hoàng rướm lệ của mỗi mỗi Tăng Ni, đồng bào Phật tử lúc bấy giờ còn in đậm trong tâm khảm những người con Phật và nó luôn nhắc nhở tôi khắc ghi như một dấu ấn đong đầy tình đạo pháp và dân tộc Việt của tôi, như nhắc tôi luôn tinh tấn kham nhẫn, chịu đựng trên bước đường phụng sự, và luôn soi mình bằng gương sáng hy sinh của những bậc tiền bối cả một đời mình hy hiến cho Đạo pháp và Dân-tộc.
Bồ Tát Thích Quảng Đức, Ôn Tịnh Khiết- Đệ Nhất Tăng Thống, Ôn Giác Nhiên- Đệ Nhị Tăng Thống, Ôn Đôn Hậu, HT Thiện Hoa, HT Thiện Hòa, Ôn Trí Thủ, Ôn Từ Đàm, Ôn Mật Hiển, Ôn Trí Nghiêm, Ôn Đổng Minh, Ôn Đức Nhuận, Ôn Huyền Quang và nhiều cao Tăng khác… quí Ngài cả một đời sống vì đạo rồi cũng viên tịch vì đạo nhưng không có một niệm thở than phiền trách.
Bây giờ hàng hậu học như chính bản thân tôi, mình không làm được gì, chưa hy sinh được gì cho tiền đồ đạo pháp được sống còn, chưa trước tác, phiên dịch được gì để lại cho đời, mà trong tôi đầy những phiền não khổ đau, đầy những hỷ nộ ái ố với những hàng thức giả cao Tăng, chừng ấy chuyện đã bào mòn công đức, đạo lực của chính tôi rồi.
Đêm qua tôi thức suốt đêm để soi sáng cho lòng mình bằng những trang sách ghi lại giai đoạn 50 năm qua, trong đó tôi chú ý đế bài viết của Pháp Lạc và Nguyễn Kha, kể về những tình huống thật bi hùng. Chúng ta hãy đọc lại Thỉnh Nguyện Thư của HT. Thích Quảng Đức xin được tự thiêu để cứu nguy đạo pháp:
Phật lịch 2507, Sài Gòn ngày 27-5-1963
Kính bạch Hòa Thượng Hội Chủ, Thượng Tọa Trị Sự Trưởng
Chư Thượng Tọa, Ðại Ðức trong Giáo Hội Tăng Già Việt Nam
Kính bạch quý Ngài,
Nhìn lại quá trình lịch sử truyền thống dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã ghi đậm những nét son huy hoàng trong mọi lãnh vực: học thuật, văn hoá, chính trị, quân sự, kiến thiết, đã hòa vào một nếp sống của quần chúng. Qua các triều đại Ðinh, Lê, Lý, Trần, quốc gia hưng thịnh, Phật giáo đã là cương lĩnh của chính quyền, của nền pháp trị bình đẳng. Nhưng Phật giáo không vì sự đóng góp hữu dụng vào quốc sách dân sinh một cách tích cực và chân chính mà khuynh loát, đàn áp các tôn giáo khác. Ngược lại, Phật giáo đã dung hòa mầu nhiệm cùng với các tôn giáo khác để cung ứng những tinh ba thuần túy cho sự ích quốc lợi dân.
Tinh thần Phật giáo đã gắn liền với tinh thần quốc gia dân tộc: Phật giáo thịnh thì quốc gia thịnh, Phật giáo suy thì quốc gia suy. Ðiều này lịch sử đã minh nhận.
Nhưng hơn một thế kỷ nay, nhất là trong giai đoạn hiện tại, Phật giáo Việt Nam luôn luôn nằm trong tình trạng hỗn mang, bi thảm đau thương: nào bị đàn áp, nào bị đối xử bất công, ngược đãi…Phật giáo đồ bị bức bách khuynh loát một cách trắng trợn, có nơi bị chôn sống, bị tù đày, có nơi bị cản trở ngăn cấm cả về hành đạo, tu tập, tụng niệm(như vùng Tuy Hòa, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh). Quyền tự do tín ngưỡng, một quyền bất khả xâm phạm của con người, đã bị tổn thương chà đạp.
Cao quý thay lòng ẩn nhẫn của Phật tử Việt Nam! Vốn được giáo thụ, un đúc tính từ bi cao thượng của Ðấng Chí Tôn, Phật giáo đồ chúng ta đã âm thầm nhẫn nhục chịu đựng một cách chân thành, nhưng kẻ manh động đã cố tình lợi dụng cử chỉ cao đẹp ấy của chúng ta, gieo mãi thương đau cho Phật giáo đồ Việt Nam.
Mùa Phật Ðản 2507 - 1963 tại Cố đô Huế, một cảnh tang thương đã xảy ra cho Phật giáo Việt Nam nói riêng, Phật giáo thế giới và nhân loại nói chung là máu Phật tử đã chảy, xương thịt Phật tử đã nát tan trước họng súng bạo tàn của kẻ ác độc, vô nhân đạo. Thế là những sinh mạng đã ngã gục và những thân mạng đã mang thương tích trên mình, tất cả đều muốn phát lộ ý chí của người Phật tử: bảo vệ Chánh pháp, bảo vệ quyền sống của những con người tin đạo, bảo vệ lá cờ Phật giáo quốc tế mà một phần ba nhân loại tôn thờ. Ai có thể chối cãi được sự thật của nguyên nhân chính ấy là: lá cờ Phật giáo bị triệt hạ bởi công điện số 9195 phát xuất từ Phủ Tổng thống, ngày 6-5-1963.
Trước sự kiện thảm thương ấy, Phật giáo Việt Nam đã đến lúc bắt buộc phải đứng lên tranh đấu cho lý tưởng tự do tín ngưỡng của mình, được minh định rõ ràng trong Hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa và đường lối dân chủ pháp trị, cộng đồng đồng tiến xã hội của Chánh phủ do Tổng thống Ngô Ðình Diệm chủ trương.
Với tính cách ôn hòa bất bạo động, kỷ luật trong sự tranh đấu hợp tình hợp lý, người Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam cần phải có một ý niệm sáng suốt, tiêu biểu ý niệm chân chánh, trong giai đoạn vô tiền khoáng hậu của lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Vậy tôi tên là Nguyễn Văn Khiết, pháp danh Thị Thủy, pháp hiệu Thích Quảng Ðức, tu sĩ Giáo hội Tăng Già Việt Nam, mang thẻ căn cước số 399703, cấp tại quận Tân Bình ngày 21-12-1962. Hiện tọa chủ chùa Long Phước, xã Ninh Quang, Khánh Hòa, xác định rằng:
1. Năm nguyện vọng tối thiểu ghi trong Bản tuyên ngôn của Tăng tín đồ Phật giáo là phản ảnh tinh thần chân chính của Phật giáo Việt Nam.
2. Nguyện luôn luôn son sắt bền chí với lý tưởng tranh đấu hợp tình hợp lý, bất bạo động của Phật giáo đồ Việt Nam.
3. Triệt để tuân theo và ủng hộ các cấp lãnh đạo Phật giáo.
Và để minh định lập trường của chúng tôi, chúng tôi tự nguyện thiêu đốt thân nàynếu Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không làm thỏa mãn nguyện vọng ghi trong Bản tuyên ngôn là phản ảnh tha thiết mong cầu của toàn thể Phật giáo đồ Việt Nam.
Phật giáo Việt Nam bất diệt!
Lá cờ Phật giáo không thể bị triệt hạ!
Và xin quý Thượng Tọa chấp thuận, chuyển tới toàn thể tín đồ lời ước nguyện cuối cùng của chúng tôi: " Phật tử chúng ta hãy cùng nhau tự nguyện tự giác, bền chí với sứ mạng duy trì Chánh pháp và bảo vệ lá cờ Phật giáo."
Kính
Tỳ khưu Thích Quảng Ðức
(Nguyễn Văn Khiết- đóng dấu và ký tên)(50 năm nhìn lại, tập 2, trang 388, 389)
Vàlời nguyện tâm quyết được viết trước khi tự thiêu:
“Tôi Tỳ Kheo Thích Quảng Đức, trụ trì Chùa Quán Thế Âm Phú Nhuận Gia Định.
Nhận thấy Phật Giáo nước nhà đang lúc nghiêng ngửa, tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử của Như Lai, không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật Giáo bị tiêu vong, nên tôi vui vẻ phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường Chư Phật để hồi hướng bảo tồn Phật Giáo. Mong ơn mười phương Phật, chư Đại Đức Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện như sau.
- Một là mong ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng của Phật Giáo Việt Nam ghi trong Bản tuyên ngôn.
- Hai là nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật Giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.
- Ba là mong nhờ ân Đức Phật gia hộ cho Chư Đại Đức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố, giam cầm của kẻ ác.
- Bốn là cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.
Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng Bác Ái Từ Bi đối với Quốc dân và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo để nước nhà vững yên muôn thuở. Tôi thiết tha kêu gọi chư Đại Đức Tăng Ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí để bảo tồn Phật Giáo.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Làm tại chùa Ấn Quang ngày bốn tháng sáu năm một ngàn chín trăm sáu mươi ba.
Tỳ kheo Thích Quảng Đức thủ ký. ( 50 mươi năm nhìn lại tập 2 trang 393-394 )
Và nhà báo Malcolm Browne có mặt vàchứng kiến tận mắt lúc Hòa Thượng Quảng Đức Tự Thiêu ông viết:
“ Tôi không muốn nhìn cảnh tượng đó thêm một lần nữa, một lần đã quá đủ. Những ngọn lửa tỏa ra từ một con người, thân xác của vị Sư từ từ khô héo dần và co quắp lại, đầu vị Sư trở nên đen dần và hóa thành than. Không khí đượm mùi thịt người cháy; ( thì ra ) con người cháy nhanh một cách rất ngạc nhiên. Tôi có thể nghe từ sau lưng tôi tiếng khóc thổn thức của những người Việt Nam đang tụ họp tại đó. Tôi quá sốc nên không khóc được, quá rối rắm nên không ghi chép hay hỏi han gì được, quá hoang mang đến nỗi thậm chí không thể nghĩ gì được. Khi vị Sư ấy tự thiêu, bắp thịt của vị Sư không hề cử động, vị Sư không thốt ra một âm thanh nào, cái vẻ ngoài điềm tĩnh của vị Sư thì trái ngược hẳn với đám đông khóc than chung quanh”. ( tập 2. 50 mươi năm nhìn lại, trang 408)
50 mươi năm Pháp Nạn, bây giờ những người con Phật mới có một cơ hội cùng nhau hiệp lực 4 châu cùng ngồi lại, dâng nén tâm hương cho một Mùa Tưởng Niệm nhớ ân những bậc Tiền bối đã hy hiến đời mình cho Phật pháp.
Thế nhưng mọi chuyện không được hanh thông, họ đánh phá tứ bề …chụp mũ, bôi nhọ, xuyên tạc, hăm dọa biểu tình, làm nản lòng những người Phật tử nhẹ dạ, yếu lòng. Họ gây hoang mang những tưởng rằng họ làm như vậy thì sẽ đạt được những gì họ muốn, nhưng rồi họ đã thất vọng, bởi hàng lãnh đạo của Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni khắp 4 châu đều một lòng sắt son như một.
Dù phải chịu muôn ngàn gian khổ.
Con dốc lòng vì đạo hy sinh.
Tại Pháp Quốc Giáo Hội Âu Châu đã giao phó cho HT Thích Tánh Thiệt làm Trưởng Ban Tổ Chức tổ chức tại Lyon.
Tại Hoa Kỳ Đạo hữu Quảng Phước-Huỳnh Tấn Lê là Trưởng Ban Tổ Chức tại miền Nam Cali; riêng Miền Bắc Cali do nhóm Cư Sĩ đảm nhận.
Riêng tại nước Úc từ trên hàng lãnh đạo xuống đến những bác, những anh chị cư sĩ Phật tử, Gia đình Phật tử khắp nơi trên toàn liên bang Úc đều năng nỗ gánh vác công việc tổ chức một cách không mệt mỏi.
Nhất là Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, Trưởng Ban Tổ Chức, Ngài lo lắng và cầu nguyện ngày đêm, tôi vẫn thường liên lạc với Ngài ở 10 ngày cuối, cùng với TT Nhật Tân, ba người chúng tôi thường xuyên làm việc một cách chặt chẽ âm thầm về phần điều hợp cho buổi lễ khai mạc được trang nghiêm thành tựu, quả là một điều mà cả Giáo Hội lo lắng. Hòa Thượng dạy tôi phải cố gắng niệm Phật và kham nhẫn trong mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra, tôi nhìn thấy Ngài nhiều hy sinh lo lắng và ưu tư nhẫn nại, chịu đựng biết bao nhiêu sự chửi mắng một cách thậm tệ. Thật tâm mà nói có nhiều lúc tôi rất bực mình và phiền não, nhất là mỗi lần liên lạc với Ngài thì phải qua 2-3 người chuyển điện thoại mới đến Ngài… nhưng khi nghĩ tới công việc của Ngài đã làm và đã hy sinh nhiều cho Giáo Hội bất cứ ở mọi tình huống về sức lực cũng như tài chánh, tôi thầm ngưỡng phục và kính nể. Thật tình mà nói không biết mai này, không xa lắm, khi luống tuổi da mồi tóc bạc, tôi có còn sức và chịu hy sinh làm việc, tu tập như Ngài không?
Qua 14 Mùa An Cư và 12 khóa Tu Học của Giáo Hội đã tổ chức, HT Bảo Lạc chưa thiếu một ngày, và một điểm nữa mà hàng hậu học như bản thân tôi, cần học hỏi và phát nguyện, một vị Hòa Thượng tuổi cao như vậy, đã là một Phương Trượng, nhưng Ngài không hề lãng xao hay bỏ qua một thời Công Phu Khuya, hay thời Kinh Tịnh Độ tối nào ở Chùa Pháp Bảo. Nhưng chưa ngừng ở đó, đến chùa người khác Ngài vẫn thức dậy đi Công Phu Khuya hay đi tụng kinh tối, một việc làm mà khó có ai thực hiện được gần suốt 30 năm qua. Tôi và TT Nhật Tân đều thầm ngưỡng phục, đảnh lễ điểm này của Hòa Thượng Phương Trượng Pháp Bảo. Nói đến đây TT Nhật Tân có nhắc, tôi xin mạn phép được nhắc đến Hòa Thượng Thích Như Điển (Viên Giác tự, Đức Quốc), bào đệ của Ngài cũng không bao giờ bỏ thời kinh Công Phu Khuya trừ khi bệnh, hay Phật sự quá cấp bách. Riêng cá nhân tôi cũng chưa phát nguyện và làm được… chỉ vài việc đơn cử đó, tôi thường tự nhủ chưa làm được thì đừng vội phê bình hay lên án những bậc thức giả ngày đêm nghiêm mật giới luật tinh nghiêm và luôn dành hết thời giờ cho công việc Phật Sự, tu tập và phụng sự.
Thời gian này là mùa An Cư tịnh dưỡng Giới đức trang nghiêm của hàng Trưởng Tử Như Lai đang diễn ra khắp nơi trên thế giới, hầu đãi lọc thân tâm, tấn tu đạo nghiệp, để giữ gìn Phật Pháp được trường tồn và cũng là niềm tin vững chắc cho hàng Phật tử tại gia trên bước đường tu học.
Tại Úc Châu, Mùa An Cư tịnh giới của Chư Tôn Đức thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi & Tân Tây Lan đang câu hội tại Thiền Viện Minh Quang-Sydney, Hòa Thượng Hóa Chủ Thích Minh Hiếu và những người con Phật tại đạo tràng này nói riêng và cho những người con Phật khắp nơi nói chung đều cố gắng với sức mình để hộ trì từng bước chân hoằng pháp, tu tập của Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni giữa cuộc bể dâu vàng thau lẫn lộn này.