Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhân Tài Trường Đốc Thanh Chiêm

22/06/201703:43(Xem: 4891)
Nhân Tài Trường Đốc Thanh Chiêm


Trường Đốc Thanh Chiêm- Đại học đầu tiên của Quảng Nam- Đà Nẵng
NHÂN TÀI TRƯỜNG ĐỐC THANH CHIÊM

 

Châu Yến Loan

 

Trường Tỉnh Quảng Nam được thành lập năm 1802, dưới triều Gia Long, tại xã Câu Nhí, huyện Diên Phước, đến năm 1835 triều Minh Mạng được dời về Thanh Chiêm. Tuy ra đời muộn màn nhưng nhờ có sự tận tâm dạy dỗ của các vị Đốc học tài giỏi và truyền thống hiếu học, cần cù chăm chỉ của các Nho sinh nên trường Đốc Thanh Chiêm là lò luyện nhân tài cho đất nước

 

Từ niên hiệu Gia Long thứ 6 (1807) đến Khải Định thứ 4 (1919) triều Nguyễn đã mở 48 khoa thi Hương và 39 khoa thi Hội, Nho sinh Quảng Nam đã dự thi có  kết quả tại 42 khoa thi Hương và 22 khoa thi Đình.

Thi Hương sĩ tử Quảng Nam đỗ Cử Nhân 254 người trong đó có 6 người đỗ thủ khoa

Thi Đình có 15 người đỗ Tiến Sĩ trong đó có một người đỗ thủ khoa là Đình nguyên Hoàng Giáp Phạm Như Xương ( khoa Ất Hợi 1875)

 

Nói về thành tích học tập, người dân xứ Quảng thường ca ngợi 5 vị đỗ đại khoa trong khoa thi năm Mậu Tuất (1898), và xem đó là niềm tự hào của quê hương. Ở khoa thi này Quảng Nam đạt được 3 Tiến sĩ và 2 Phó bảng. Năm vị được vua ban áo mão vinh quy, được nhân dân Quảng Nam đón rước long trọng và  vinh danh là “Ngũ phụng tề phi”.

Ba vị Tiến sĩ là :

Phạm Liệu (1873-1936) tự là Sư Giám, Tăng Phố, hiệu Trừng Giang quê xã Trừng Giang, tổng Đa Hòa Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Ông đỗ Giải Nguyên khoa thi năm Giáp Ngọ niên hiệu Thành Thái thứ 6 (1894). Khoa thi năm Mậu Tuất niên hiệu Thành Thái thứ 10 (1898), ông đỗ đầu bảng Đệ Tam giáp đồng Tiến Sĩ xuất thân, là người đứng thứ nhì trong toàn khoa thi và đứng đầu trong 5 sĩ tử Quảng Nam đỗ đại khoa. Ông được lưu lại Huế học tiếng Pháp tại Tứ Dịch quán đến ngày 19-3-1900. Ông bắt đầu bước vào hoạn lộ năm 1901, đã giữ nhiều chức vụ quan trọng nơi triều chính như Tham tri Bộ Công và Tham tri Bộ Lại, Thượng thư Bộ Binh. 

Năm 1933 Phạm Liệu từ chức Thượng Thư Bộ Binh về nghỉ hưu tại quê nhà và mất ngày 21-11-1936 (Bính Tý)

Phan Quang (1873-1939) tự là Quế Nam, hiệu là Quế Sơn người xã Phước Sơn Thượng, Tổng Xuân Phú Trung, huyện Quế Sơn, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Quế Châu, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam).

Là bạn đồng niên, đồng môn, đồng song, đồng khoa với Tiến Sĩ Phạm Liệu: hai ông cùng sinh một năm, cùng học tại trường Đốc Thanh Chiêm, cùng đỗ Cử nhân năm Giáp Ngọ 1894 tại trường thi Thừa Thiên, cùng đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm Mậu Tuất 1898, cùng được lưu lại Huế học Pháp văn tại Tứ Dịch quán rồi cùng ra làm quan năm Thành Thái 12 (1901). Ông làm quan đến chức Tham tri Bộ Hình.

Năm Canh Ngọ 1930, ông về hưu được thăng Lễ bộ thượng thư và mất tại quê nhà năm Kỷ Mão 1939

Phạm Tuấn (1852-1917) trước có tên là Phạm Tấn, sau đổi thành Phạm Trọng Tuấn, rồi Phạm Tuấn, tự là Hỷ Thần, hiệu Văn Luân, người làng Xuân Đài, Tổng Phú Khương Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Năm Mậu Dần 1878, ông đỗ Tú tài và năm sau Kỷ Mẹo 1879 đỗ Cử nhân.

Năm Ất Dậu (1885) ông dự thi Đình, chưa niêm yết kết quả thì kinh thành Huế có biến, vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở xuống hịch Cần Vương, triều đình hủy bỏ kết quả kỳ thi này.

Năm 1898, ông thi Đình và đỗ thứ 5 trong nhóm Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân nên người dân địa phương thường gọi ông là “ ông Nghè nhị khoa tiến sĩ”.

Phạm Tuấn ra làm quan năm 1899, từng giữ các chức quan Thừa biện Bộ Lễ, Thị giảng học sĩ, Đốc học Hà Tĩnh, hàm Quang lộc tự thiếu khanh.

Năm Quý Sửu 1913, ông về hưu, được thăng hàm Hồng lô tự khanh.

Ông mất  tại quê nhà ngày 14-4 năm Đinh Tị 1917.

Hai vị Phó Bảng là:

Ngô Chuân (1873-1899) (Còn gọi là Ngô Truân, Ngô Trân, Ngô Lý) quê ở xã Mông Lãnh, tổng Phú Xuân, huyện Quế Sơn, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Nhà nghèo, sau khi cha mất, ông theo mẹ đến cư ngụ tại xã Cẩm Sa, tổng Thanh Quýt, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Năm Giáp Ngọ 1894, đỗ Cử nhân. Năm Mậu Tuất 1898, đỗ đầu Phó bảng 

Ông được bổ làm tri huyện Thạch Hà ở Hà Tĩnh, nhưng chưa kịp nhận nhiệm sở thì lâm trọng bệnh và qua đời năm Kỷ Hợi 1899 khi mới 27 tuổi.

Trong tập I Những con chim phụng đất Quảng (Hội Khuyến học Quảng Nam - Đà Nẵng ấn hành, 1992), Huỳnh Trảng viết rằng Ngô Chuân nguyên là học trò của Hoàng giáp Phạm Như Xương (1844 – 1917) và ông mất khi làm tri huyện Can Lộc ở Hà Tĩnh, được nha môn tẩm liệm tử tế, đoạn tức tốc đưa về làng Cẩm Sa để mai táng.

Dương Hiển Tiến (1866-1907) quê xã Cẩm Lậu, tổng Thanh Quýt, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).

Ông đỗ Cử nhân năm Tân Mão 1891. Năm Mậu Tuất 1898, đỗ Phó bảng.

Năm 1907, Dương Hiển Tiến bị bệnh thương hàn và mất ở quê nhà.

 

Trong Lô Giang tiểu sử, ông Nguyễn Văn Mại cho biết rằng khi ông đi làm Án sát Quảng Nam lần thứ nhì vào tháng 2 năm Mậu Tuất (1898), lúc đó Đào Tấn cũng đến làm Tổng đốc Quảng Nam thay thế ông Vương Duy Trinh về Huế sung vào hội đồng chấm thi kỳ thi Hội, sau đó đi làm Tổng đốc Thanh Hóa.

Được tin Quảng Nam có 5 người đỗ đại khoa, Tổng đốc Đào Tấn đã mở tiệc chiêu đãi tại nhà mát Khán Hoa Đình ở bến sông Vĩnh Điện nhằm xiễn dương thành tích học tập xuất sắc của các vị ấy, nêu gương sáng cho quần chúng noi theo:

“Lúc ấy Án sát Quảng Nam là ông Hường Thiết về đám tang Đức ông Tuy Lý Vương (Nguyễn Phúc Hồng Thiết là con của Tuy Lý Vương Nguyễn Phúc Miên Trinh), ông Bùi Như Trình xin cho ta bổ vào Quảng Nam, cho nên có chỉ đi vậy.

Ngày tháng 2 (Mậu Tuất, 1898) đến tỉnh. Tháng ấy, Tổng đốc Quảng Nam Vương Duy Trinh về kinh sung chức Khảo thí Hội, rồi đổi đi Tổng đốc Thanh Hóa. Ông Mộng Mai Đào Đăng Tấn sung chức Tổng đốc Quảng Nam.

Ông Mộng Mai dưới triều Tự Đức có tiếng thi văn và giỏi hát bội. Ông vào Tổng đốc Quảng Nam liền làm một cái nhà mát tại bến sông Vĩnh Điện, thường đến uống rượu ngâm thơ, cũng có lúc đến đó xử đoán việc quan. Trước kia ông cùng ta cũng là thầy trò đường thuộc ở Viện Cơ mật, nay cũng tương đắc. Tháng 5 năm ấy, nghe tin học trò tỉnh Quảng Nam vào điện thí, đậu Tiến sĩ ba người, Phó bảng hai người. Ông nói với ta: “ Nhà mát chưa có tên, nay được tin mừng, ngày sau các ông tân khoa vinh quy, chúng ta nên đặt tiệc ở đó và đặt tên nhà mát là KHÁN HOA ĐÌNH. Quan Án làm cho một bài ký được không?” Ta tuân lệnh, thảo xong trình duyệt, liền khiến viết vào lụa. Khi các ông tân khoa đến dự tiệc xong, ông Tổng đốc sức cho hát cùng nhã nhạc cờ trống để bài ký đưa ông Hội nguyên Trừng Giang Phạm Liệu. Ông Mộng Mai bình sanh ưa bài văn. Sau ông ra Tổng đốc Nghệ An, ta ra Tuần vũ Hà Tĩnh...” (Lô Giang tiểu sử, Bản dịch, tr 98, 99)

 

Khoa thi Hội năm Tân Sửu 1901, niên hiệu Thành Thái 13, Quảng Nam có 4 người đỗ Phó bảng, còn các tỉnh khác chỉ có 1, 2 người. Bốn vị Phó bảng đó là:

Nguyễn Đình Hiến (1872- 1947) người làng Trung Lộc, huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam. Nay là xã Quế Lộc, tỉnh Quảng Nam. Tự là Dực Phu, Mạnh Khả, hiệu Ấn Nam, sinh ngày 29-2 Nhâm Thân 1872. Trong kỳ thi Hương tại Huế ông có tên là Nguyễn Duy Phiên,

Năm 1900 ông đỗ Á khoa Cử nhân khoa Canh Tý, niên hiệu Thành Thái 12, cùng khoa với các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Nguyễn Mậu Hoán.

Năm 1901 ông đỗ Phó bảng Khoa thi năm Tân Sửu cùng với các cụ Võ Vỹ, Nguyễn Mậu Hoán, Phan Châu Trinh, được người Quảng Nam tôn danh “Tứ Kiệt”

Ông làm quan ở nhiều tỉnh trải qua các chức vụ: Tri Phủ, Quảng Đạo, Bố chính, Tuần Vũ, Lại bộ thị lang, Phủ Doãn Thừa Thiên, Tổng Đốc.

Khi thân nhân của cụ Trần Quý Cáp đưa hài cốt của cụ Trần từ Khánh Hòa về Quảng Nam bằng đường bộ, lúc đi ngang qua Bồng Sơn, nơi Nguyễn Đình Hiến đang làm quan, ông đã lập hương án trước dinh nghinh đón.

Ông qua đời tại quê nhà năm 1947

Võ Vỹ (1866- 1907) người làng An Phú, huyện Lễ Dương nay là xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Ông đỗ Phó bảng khoa Tân Sửu 1901.

Làm quan tới chức Tri huyện

Ông mất ngày 2-4 năm Đinh Mùi (12-6-1907) tại Quỳnh Lưu khi đang làm việc tại đó.

Nguyễn Mậu Hoán (1877- 1910) quê xã Phú Cốc, huyên Quế Sơn nay là xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Ông đỗ Cử nhân khoa Canh Tý, 1900, Thành Thái 12,

Đỗ Phó bảng khoa Tân Sửu 1901.

Ông làm Đốc học tỉnh Quảng Nam.

Ông mất ngày 23-11 năm Canh Tuất (1910)

Phan Châu Trinh (1872- 1926) người làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, nay là xã Tam Phước, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Tự là Tử Cán, hiệu là Tây Hồ, biệt hiệu là Hy Mã, sinh ngày 9-9- 1872.

Ông đỗ Cử nhân khoa Canh Tý, niên hiệu Thành Thái 12 (1900)

Đỗ Phó bảng khoa Tân Sửu, niên hiệu Thành Thái 13 (1901)

Nhân dịp này, Phó bảng Hà Đình Nguyễn Thuật đã có hai câu đối mừng cho 4 vị tân khoa. Một câu tặng chung cho 3 ông Võ Vỹ, Nguyễn Mậu Hoán và Phan Châu Trinh:

“Niếp túc thượng hanh cù hoa bảng nhứt châu sum tứ kiệt.

Hoa cung thao dị sủng nghê thường đồng nhật vũ quần tiên”

Dịch:

Tiếp bước lộ hanh thông đồng tỉnh bảng hoa vầy tứ kiệt.

Xứng thân điều ân trạch một ngày ca vũ với quần tiên”

 

Và một câu đối tặng riêng cho Phó bảng Nguyễn Đình Hiến:

 

“Đỉnh Giáp khởi vô tài mạc thị văn chương quan vận hội?

Vân trình du hữu vọng do lai khoa đệ tác thê giai!”

Dịch:

Đậu bảng Giáp cao há vô tài, không do vận hội văn chương ư?

Đường làm quan tiến mãi là từ thềm thang thi cử mà có

 

Năm 1903 ông làm Thừa biện Bộ Lễ tại kinh đô Huế. Năm 1904 ông từ quan về Quảng Nam cùng với Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng vận động phong trào Duy Tân để “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” Ông là Lãnh đạo cốt cán của phong trào này.

 

Đặc biệt trong khoa thi Hương năm Canh Tý 1900, Thành Thái 12, tại trường thi Thừa Thiên, sĩ tử Quảng Nam đỗ Cử Nhân chiếm tỷ lệ cao nhất so với các tỉnh (14/42 chiếm tỷ lệ 34%) và từ thủ khoa đến vị thứ 4 đều là học trò Quảng Nam:

Huỳnh Thúc Kháng  đỗ Giải nguyên

Nguyễn Đình Hiến đỗ Á nguyên

Phan Châu Trinh

Lê Bá Trinh

 

Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947)

 

Huỳnh Thúc Kháng thuở nhỏ tên là Huỳnh Hanh, sau đổi là Huỳnh Thúc Kháng, tự là Giới Sanh, hiệu Mính Viên, sinh tháng 10 năm Bính Tý (1876) trong một gia đình nông dân thuần phác, quê ở Thạnh Bình, tổng Tiên Giang thượng, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam). Năm Canh Tý 1900 đỗ Giải nguyên, năm 1904 đỗ Tiến sĩ nhưng ông không ra làm quan mà dấn thân vào con đường cứu nước. Ông là một trong ba nhà lãnh đạo chủ chốt của phong trào Duy Tân, một phong trào cách mạng rất sôi nổi những năm đầu thế kỷ XX.

Năm 1908, phong trào Dân biến “xin xâu, chống thuế” bùng nổ rầm rộ ở Quảng Nam rồi nhanh chóng lan ra các tỉnh miền Trung, thực dân Pháp và tay sai đã sử dụng biện pháp “ khủng bố trắng” đánh đập, bắn, giết dân chúng, tử hình, giam cầm, tra tấn, khổ sai những thủ lĩnh phong trào, các chí sĩ cách mạng. Trong cuộc đàn áp dã man này, mặc dù Huỳnh Thúc Kháng không trực tiếp tham gia vào cuộc dân biến nhưng vẫn bị Pháp bắt giam ở nhà lao Hội An sau đó đày ra Côn đảo đến năm 1921 mới được trả tự do.

Năm 1926 ông đắc cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ và được bầu làm Viện trưởng đến tháng 10 năm 1928 thì từ chức rồi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Tiếng Dân. Năm 1946 ông làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ rồi Quyền chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam.

Ông mất ngày 21-4-1947 khi đang đi công tác tại Quảng Ngãi.

 

Lê Bá Trinh (1878-1934)

Tự là Hải Châu, hiệu là Hàn Hải, quê quán xã Hải Châu, huyện Hòa Vang ( nay thuộc quận Hải Châu thành phố Đà Nẵng), sau dời về ở tại miền Đông phủ Điện Bàn thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng ngày nay. Ông đỗ Cử nhân khoa thi Hương năm Canh Tý (1900) niên hiệu Thành Thái 12, nhưng không ra làm quan mà chỉ ở quê nhà hoạt động cho các phong trào yêu nước kháng Pháp.

Năm 1908, khi phong trào kháng thuế nổi lên ở Quảng Nam ông bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo bảy năm đến năm 1915 mới được trả tự do. Năm 1916, ông tham gia Khởi nghĩa Duy Tân, cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị bắt giam tại nhà lao Lao Bảo.

Ông  bị bệnh rồi mất tại quê nhà ngày 24 tháng tư năm Giáp Tuất 1934.

 

 

Suốt 39 khoa thi Hội dưới triều Nguyễn, Quảng Nam có 15 Tiến sĩ và 24 Phó bảng, trong đó có 4 vị xuất sắc tại các kỳ thi: một vị Hoàng giáp đỗ đầu khoa thi Đình và ba vị Tiến sĩ đỗ đầu Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

 

Đình Nguyên Hoàng Giáp Phạm Như Xương (1844-1917), người xã Ngân Câu, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay là xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông sinh năm Giáp Thìn (1844)

Ông đỗ Cử nhân khoa Mậu Thìn (1868), niên hiệu Tự Đức 21.

Khoa thi hội năm Ất Hợi 1875, Tự Đức 28, ông đỗ đầu Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân gọi là Hoàng Giáp. Trong khoa này, ông là người đạt điểm cao nhất, đỗ đầu thi Đình , được gọi là Đình Nguyên Hoàng Giáp Phạm Như Xương.

Ông làm quan ở các huyện, khi làm Bố chính Phú Yên, ông chiêu tập nghĩa quân chống Pháp và để nghĩa quân chiếm tỉnh. Sau khi kinh thành thất thủ, ông bị tân triều lên án về tội để mất Phú Yên nhưng rồi được tha.

Ông từ quan trở về Ngân Câu tham gia phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam. Sau khi Tiến Sĩ Trần Văn Dư bị sát hại, ông lãnh chức Dinh điền sứ lo việc tiếp tế quân lương.

Khi nghĩa quân tan rã, ông và gia đình bị bắt ở nguồn Lỗ Đông, bị áp giải về kinh xử “trãm giam hậu”, bị đục tên ở bia Tiến sĩ (Huế). Sau ông được tha được phục chức.

Ông cáo quan về nghỉ được tặng hàm Văn tuyển tư vụ.

Ông mất ngày 18-2 năm Bính Thân (1-1-1917)

Hai người con của ông cũng tham gia vào các phong trào yêu nước chống Pháp và xả thân vì đại nghĩa. Đó là trưởng nam Phạm Như Đỉnh tự Lương Bậc, theo cụ Phan Bội Châu Đông du. Sau khi Nhật bắt tay với Pháp trục xuất du học sinh Việt Nam, ông Đỉnh phải sang Trung Quốc, Thái Lan. Từ đó không có tin tức của ông nữa. Thứ nam là Phạm Thanh Chương, hiệu Quế Như, tham gia cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 tại Huế với bí danh Thành Mưu. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị kết án chung thân đày đi Lao Bảo. Ông khẳng khái chỉ trích cai ngục đối xử tàn bạo với tù nhân nên bị chúng giết năm 1918.

 

3 vị Tiến sĩ đỗ đầu Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân là:

Phạm Phú Thứ (1821-1882) tự là Giáo Chi, hiệu là Trúc Đường, biệt hiệu là Giá Viên, quê xã Đông Bàn, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Ông đỗ Cử nhân (thủ khoa) khoa thi Hương năm Nhâm Dần 1842, niên hiệu Thiệu Trị 2.

Khoa thi Hội năm Quý Mão 1843, Thiệu Trị 3, đỗ Hội nguyên. Vào thi Đình ông đỗ đầu bảng Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân nên đương thời thường gọi là “ông Nghè song nguyên”.

Ông làm quan trải hai triều Thiệu Trị, Tự Đức, đã từng được cử làm phó sứ trong phái đoàn sang Pháp cùng với Phan Thanh Giản để chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Bộ. Ông rất cương trực, nghiêm khắc thường dâng sớ can ngăn vua khi làm việc sai trái nên bị giáng chức. Năm Tự Đức thứ 3 (1860), ông bị giáng xuống làm lính đưa công văn ở trạm Thừa Nông và lần giáng chức thứ hai vào năm 1881.

Năm Tân Tỵ 1881, Tự Đức 34, ông cáo bệnh xin về nghỉ  rồi mất ngày 5-2-1882

Phạm Liệu (1873-1936). Khoa thi năm Mậu Tuất 1898, ông đỗ đầu bảng Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Trần Quý Cáp (1870-1908)

Thuở nhỏ tên là Trần Nghị , sinh năm 1870 trong một gia đình nông nghiệp thuần phác, quê ở thôn Thai La, làng Bất Nhị, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (Nay là xã Điện Phước huyện điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Tuổi trẻ, Trần Nghị rất thông minh, hiếu học, đọc quyển sách nào thì hiểu và nhớ ngay nhưng nhà nghèo không có sách, may được ở gần nhà cụ Phụ đạo Nguyễn Thành Ý nhiều sách nên thường qua lại để mượn đọc. Năm 20 tuổi, ông đã nổi tiếng văn chương, được các bạn đồng song kính mến. Năm 1895 ông được cụ Đốc học Mã Sơn Trần Đình Phong nghe tiếng chọn về học ở trường Đốc Thanh Chiêm, được cấp học bổng và cho đổi tên thành Trần Quý Cáp, tự Dã Hàng, biệt tự Thích Phu, hiệu Thai Xuyên. Ông là một trong sáu học sinh lỗi lạc của cụ Đốc học Mã Sơn gồm Phạm Liệu, Nguyễn Đình Hiến, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Quang,  Trần Quý Cáp.

Khoa thi năm Giáp Thìn 1904, Thành Thái 16, khoa này đỗ 5 Tiến sĩ, ông đứng đầu bảng Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Đạt được thành tích xuất sắc nhưng Trần Quý Cáp không ra làm quan để vinh thân phì gia mà dấn thân vào con đường cách mạng. Năm 1904 ông cùng Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng lên tận các vùng rừng sâu nước độc, núi non hiểm trở của Quảng Nam như Phước Sơn, Thạnh Mỹ để tuyên truyền, vận động cách mạng.

Năm 1906 lúc đang ở nông trường Cẩm Nê, Trần Quý Cáp được chiếu chỉ của triều đình Huế bổ chức Giáo thọ Thăng Bình.

Ở cương vị Giáo thọ, Trần Quý Cáp đã có cơ hội làm một cuộc cách mạng giáo dục, hợp pháp hóa chủ trương dạy chữ quốc ngữ, truyền bá tân học. Ông đã biến ngôi trường của chính quyền theo lối học khoa cử cũ thành ngôi trường lớn của Duy Tân theo lối học mới, tiến bộ. Ông còn tổ chức những buổi diễn thuyết cổ động cho tân học gây được xúc động mạnh mẽ trong hàng ngũ thân hào nhân sĩ khiến họ tự nguyện góp công, góp của dựng lên những ngôi trường Duy Tân trong các xóm làng, mời thầy về dạy chữ quốc ngữ, chữ Tây. Những việc làm của ông Giáo thọ Thăng Bình để phổ biến tân học, vận động Duy Tân được quần chúng hưởng ứng mạnh mẽ, gây tiếng vang lớn làm cho giới cựu học phải gai mắt, nhà cầm quyền xem như kẻ thù, do đó năm 1907 mới đổi ông vào làm Giáo thọ Ninh Hòa (Khánh Hòa) với mục đích tách ông ra khỏi phong trào cách mạng đang sôi sục ở Quảng Nam.

Vào đến nhiệm sở mới, Trần Quý Cáp hăng hái diễn thuyết và hô hào lập trường tân học.

Năm 1908 cuộc dân biến nổ ra ở Quảng Nam rồi lan nhanh đến các tỉnh khác của Trung kỳ. Mặc dù phong trào chưa nổi lên ở Khánh Hoà và dù không tìm ra bằng chứng, thực dân Pháp và quan lại Nam triều vẫn bắt giam Trần Quý Cáp và xử chém một cách vội vàng.

Ông bị chém ngày 17 tháng 5 năm Mậu Thân (1908) bên cầu Phước Thạnh, sông Cạn, tỉnh Khánh Hòa trong tư thế hiên ngang của người anh hùng thung dung tựu nghĩa.

 

Ngoài những thành tích vẻ vang về  học hành, thi cử, trường Đốc Thanh Chiêm chính là nơi đào tạo cho đất nước những vị quan thanh liêm, tận trung báo quốc như Tổng đốc Hoàng Diệu, đã tuẫn tiết khi thành Hà Nội thất thủ, các thủ lĩnh phong trào Cần Vương chống Pháp như Tiến Sĩ Trần văn Dư, Phó bảng Nguyễn Duy Hiệu đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì nghĩa lớn, các chí sĩ cách mạng phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX như Phó bảng Phan Châu Trinh, Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp v.v.. những vị đó đều trưởng thành từ ngôi trường này.

 

 

                                                         

                                                        Châu Yến Loan

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/09/2018(Xem: 12863)
Việt Nam là một quốc gia nằm ở ngã tư của lưu lộ quốc tế thuộc Đông Nam Châu Á, và là nơi dừng chân của các thương buôn của vùng Địa Trung Hải. Từ một vị trí địa lý thuận lợi như thế, do đó các quốc gia trong vùng này đã thiết lập các mối quan hệ kinh tế, thương mại, văn hóa, tôn giáo… qua hai con đường: Hồ Tiêu, tức là đường biển qua ngã Sri lanka, Indonesia, Trung Hoa, Việt; và đường Đồng Cỏ là đường bộ, xuất phát từ vùng Đông Bắc Á rồi băng qua miền Trung Á, Mông Cổ, Tây Tạng, Việt Nam, Trung Hoa. Vì vậy các tôn giáo lớn, trong đó có Phật giáo gặp nhiều thuận lợi du nhập vào nước ta.
14/08/2018(Xem: 4494)
Trần Quý Cáp qua Đà Nẵng hoài cảm Châu Yến Loan Trần Quý Cáp là một trong ba lãnh đạo kiệt xuất của phong trào Duy Tân, một phong trào cách mạng rất sôi nổi của những năm đầu thế kỷ XX.
11/08/2018(Xem: 9676)
Sau Hiệp định Paris 1973, những người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam. Từ đó đến nay đã 45 năm, những “di chứng” chiến tranh vẫn còn trên mảnh đất này, và di chứng ấy còn trong tâm trí những người lính ở bên kia bán cầu. Bên cạnh việc hóa giải nỗi đau hiện hữu của chiến tranh, thì hóa giải những uẩn khúc trong lòng người cũng cho thấy nỗ lực phục thiện mà tất cả mọi người bất kể chiến tuyến đều hướng đến. Một buổi trưa đầu tháng 6 năm 2018, có bốn người cựu binh Mỹ tuổi chừng tám mươi tìm về ngôi chùa làng Bồ Bản (xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Trên xe bước xuống, ông Anderson ôm trước ngực một bức tượng Quán Thế Âm Bồ-tát màu trắng, trang nghiêm đi vào chùa. Đại đức Thích Mãn Toàn, người trụ trì ngôi chùa ra tiếp đoàn. Anderson hỏi Đại đức Thích Mãn Toàn đây có phải chùa Trường Khánh không? Đại đức Thích Mãn Toàn đáp phải, cả vùng chỉ một ngôi chùa này tên Trường Khánh, người dân thường gọi là chùa Bồ Bản. Ông Anderson chưa dám tin lời vị sư trụ trì mà v
06/08/2018(Xem: 6120)
Miền đất võ Bình Định cũng là miền đất Phật, miến “Đất LànhChim Đậu”, được nhiềuchư thiền Tổ ghé bước hoằng hóa và chư tôn thiền đức bản địa xây dựng mạnh mạch Phật đạo từ trong sâu thẳm, qua nhiểu giai đọan, thời gian, đã xây dựng nên hình ảnh Phật giáo Bình Định rạng rở như ngày hôm nay. Đặc biệt trước tiên có thể kề đến Tổ Nguyên Thiều ( 1648 – 1728 ), Hòa thượng Thích Phước Huệ ( 1875 – 1963 ), Hòa Thượng Bích Liên-Trí Hải ( 1876 – 1950 ), v…v…Nêu chúng ta tính từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần ( 1619 – 1682 ), khi Tổ Nguyên Thiều từ Quảng Đông (Trung Quốc) sang An Nam và an trú ở Quy Ninh (tức Bình Định ngày nay) vào năm Ất Tỵ (1665 ) và kiến tạo chùa Thập Tháp Di Đà , thí Phật giáo Bình Định đã thực sự bước vào trang sử chung trong công cuộc hoằng hóa của Phật giáo Việt Nam. Hơn thế nữa, Tổ Nguyên Thiều còn là cầu nối giữa Phật giáo hai nước An Nam và Trung Hoa, trao đổi nhiều kinh điền có giá trị để cùng nhau tu học. Điều này cho thấy, lý tưởng Từ Bi và con đường hoằng
20/07/2018(Xem: 11174)
Vào tháng 10, mùa đông, nhằm tiết đại hàn, giá lạnh, vua Lý Thánh Tông (1023 – 1072) nói với các quan hầu cận rằng: "Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa.” (1)
23/06/2018(Xem: 4934)
Hơn 13h ngày 23/6, giáo sư, nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 85 tuổi.
21/03/2018(Xem: 15115)
Chúng ta đang ở vào năm thứ 18 của Thế Kỷ 21 và chỉ còn 82 năm nữa nhân loại sẽ bước vào Thế Kỷ 22. Có rất nhiều biến động của thế kỷ trước mà chúng ta đã quên mất rồi. Nhân dịp về hưu rảnh rỗi tôi lục lại cuốn Biên Niên Sử Thế Kỷ 20 (Chronicle of the 20th Century) để xem nhân loại phát minh ra những gì, chịu những thống khổ, những vui buồn như thế nào và có bao nhiêu cuộc chiến tranh giữa các đế quốc. Sự thực phũ phàng của 118 năm qua là, một quốc gia tuy nhỏ bé nhưng có vũ khí tối tân và bộ máy quân sự khổng lồ vẫn có thể bá chủ thế giới và biến các quốc gia to rộng gấp mười lần mình thành nô lệ. Do đó muốn tồn tại trong độc lập, ngoài phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, lúc nào cũng phải tăng cường binh bị, vũ khí cho kịp đà tiến triển của nhân loại. Sách lược ngoại giao cũng là một vũ khí nhưng sức mạnh quân sự của một quốc gia là loại vũ khí vững chắc nhất.
07/03/2018(Xem: 6420)
Ý đồ của Hốt-tất-liệt, dựa trên Phật giáo Tây Tạng để thống trị Trung Quốc không chỉ bằng vũ lực mà còn cả về tư tưởng, tôn giáo, chính trị xã hội; nếu suy luận này của chúng ta không lạc hướng, thế thì lịch sử chứng tỏ ý đồ này đã thất bại. Ý nghĩa của sự thất bại này thuộc phạm vi nghiên cứu của các nhà văn hóa và sử học.
07/03/2018(Xem: 5449)
Quân nhân Mỹ gốc Việt Hiền Trịnh trên tàu sân bay USS Carl Vinson.
01/01/2018(Xem: 39829)
Đại Bảo tháp Phật giáo cổ xưa Nelakondapalli ở huyện Khammam đang ở giai đoạn cuối của việc tu sửa. Với kinh phí khoảng 6 triệu Rupee, Cục Khảo cổ học và Bảo tàng đã thực hiện công việc để Đại Bảo tháp khôi phục lại vinh quang ban đầu và để bảo tồn kiến trúc cổ xưa này cho hậu thế. Di tích Phật giáo này, tọa lạc cách thị trấn Khammam khoảng 22 km, là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của bang Andhra Pradesh. Đại Bảo tháp đồ sộ, vốn đã tồn tại qua nhiều thế kỷ của sự hao mòn, đang được tu sửa sau khi cư dân và các sử gia địa phương nhiều lần cầu xin để bảo tồn di tích lịch sử có tầm quan trọng lớn lao về khảo cổ học này. Cục khảo cổ học cho biết loại gạch đặc biệt được đặt làm cũng như các vật chất kết nối tự nhiên đã được sử dụng để tăng cường cho cấu trúc của Đại Bảo tháp. (bignewsnetwork – April 18, 2015)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567