Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương V

28/06/201319:21(Xem: 2739)
Chương V

Viễn chinh Nam Kỳ

Nguyên tác: Histoire deL’EXPÉDITION DE COCHINCHINE en 1861

Người dịch: Hoang Phong

---o0o---

CHƯƠNG V

Ðề cương:

Quân Pháp-Tây ban nha tiến thẳng vào quân thù, chạm trán bên phải, ở giữa và bên trái hậu tuyến địch._Các tuyến phòng thủ An nam bị gãy sau một trận đánh sắt máu kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ qua nhiều giai đoạn khác nhau.

Suốt đêm thật yên lặng: kể cả hai bên không có một tiếng súng nào. Năm giờ sáng, pháo binh lên ngựa, mỗi người đều vào hàng ngũ của mình. Các toán quân di động chung quanh căn nhà dùng làm tổng hành dinh, một số quân đứng sẵn gần ngay chỗ được xắp xếp, một số phải đi quanh để tìm đúng vào vị trí của mình. Mười giờ tất cả đạo quân đã vào vị trí, ngay hàng thẳng lối, cách xa mặt bắc của thành Kì hoà khoảng hai cây số. Hai cánh quân đánh bộ hai bên, giữa là pháo binh. Cánh quân bên trái gồm có công binh đi đầu mang thang, kế là thủy quân bộ chiến và bộ binh; 4 đại pháo nòng 12, 5 đại pháo nòng 4 có khía, 2 súng cối miền núi thuộc hải quân tất cả dàn theo hàng ngang chiến đấu, tiến lên phía địch để yểm trợ cánh quân bên trái; cánh quân này cũng dựa theo đoàn pháo binh tiến lên. Cánh quân bên phải gồm có lính đánh bộ Tây ban nha, thủy quân đổ bộ: thủy quân xung kích thì đi đầu và giữ trách vụ như hôm qua tức là mở đường. Ba ổ súng cối miền núi kéo theo cánh quân bên phải; ba ổ súng này, nếu có thể, sẽ tập trung bắn phá ngay giữa mặt thành, giúp quân xung phong dễ dàng hơn._Kể cả hai cánh quân bên mặt và bên trái, toán quân nào và đại đội nào hôm qua đi hàng đầu thì hôm nay làm quân trừ bị đi sau.

Mặt đất cỏ dầy chằng chịt, úa vàng vì sức nóng mặt trời, không gây ra tiếng động nào; lính thổi kèn đã ngưng, không phóng ra những âm thanh man rợ nữa. Ta ngưng đánh trống, về phía địch cũng thế, thôi đánh chiêng và cũng ngưng đánh trống. Các đại pháo trong thành Kì hoà bắn ra, vang rền, tiếng nổ của súng địch có cường độ giống nhau nên rất dễ nhận, tiếng các quả đạn xé gió rít lên rồi im bặt, không có một tiếng động nào khác. Lúc này, trong đầu quân lính, ý nghĩ cũng chỉ xoay quanh hai chữ xung phong, và cách tiến lên thế nào cho chắc chắn, họ đã từng để lại phía sau xác chết và những người bị thương, họ không bao giờ lo sợ hiểm nguy. Họ không mặc áo thêu, không màu mè loè loẹt: quần áo chỉ có màu trắng với màu đen, may bằng vải len hay vải thô[1]Nơi họ chẳng có gì chói lòa, ngoài cái lưỡi lê trên đầu súng. Lời nói của họ đầy nghị lực, lòng tin và sức mạnh. Mặc dù nơi đây thiếu hẳn cái hy vọng, mà người dân Pháp ai cũng ham muốn, hy vọng đó là được ngợi khen trước công chúng, cái ý nghĩ được sống mãi sau khi chết, tức được kẻ khác biết đến và nổi danh. Họ sẽ ngã xuống, định mệnh đã chỉ định những ai sẽ ngã xuống, ngã xuống trong bóng tối ở một nơi tận cùng của Á châu...

Tiếng súng của đối phương, lúc đầu thưa thớt, dần dần nhặt hơn. Súng bắn mạnh và chính xác, nhất là về hướng bắn thì rất đúng. Quân An nam có lợi thế hơn vì mặt trời chiếu thẳng vào mắt quân Pháp. Pháo binh vừa đạt vị trí 1 000 thước đã thấy có thiệt hại. Ðã có người và ngựa chết hoặc bị thương; một xe tải đạn có một bánh xe vỡ tan tành từng mảnh. Trung tá Crouzat thúc quân kéo súng rất nhanh đến vị trí 500 thước, rồi 200 thước; ở vị trí gần tránh bớt được nhiều bất lợi bị mặt trời chiếu vào mắt; tia nắng sớm gần như nằm ngang. Vị trí 200 thước là vị trí cuối cùng quân ta dừng lại trước khi xung kích; súng trường tại các ổ bắn trên đầu tường thành rót xuống xối xả.

Hai bên bắn nhau kịch liệt. Ở khoảng cách này, tự nhiên thấy tuờng thành làm bằng đất và tre cao hẳn lên và các lỗ châu mai thì phun khói trắng liên tục gần như mỗi giây một phát. Trên ruộng không có chỗ nào ẩn núp, chỉ biết đưa thân cho súng đạn. Thiệt hại đã khá rõ. Chỉ còn biết lợi dụng vào chiến thắng vừa đạt được hôm qua khích động quân sĩ để họ xông lên. Túi đeo lưng bỏ xuống đất; bọn cu li mang thang được thay thế: thủy sư đề đốc ra lịnh cho hai cánh quân tiến lên. Bây giờ ta sẽ đặc biệt nói về cánh quân bên phải[2]và các hiệp tấn công của cánh quân này. Ðại đội số hai [3]tiến lên xung kích; gồm tám mươi người tinh nhuệ xông lên mở đường. Có một mô đất duy nhất trong cáng đồng, cách tuyến địch độ một trăm năm mươi thước. Ðại úy hải quân de Lapelin hướng dẫn cánh quân bên phải tiến lên vị trí mô đất này một cách can trường. Tại vị trí mô đất quân lính bắt đầu nhận ra các hầm chông đầu tiên cách đó năm mươi thước, tức là cách bờ thành một trăm thước. Các chướng ngại phòng thủ thứ yếu như hầm chông được phân bố hết sức là tinh xảo. Sáu hàng hầm chông có các rào cản ngăn cách, tức là có bẩy hàng cọc nhọn tất cả; tiếp theo là hai hào sâu sát tường thành có đóng chông tre vạt nhọn, nước và bùn ngập khoảng ba chân [4], sau hai lớp hào là bờ đất nghiêng dựa vào tường thành cắm chông nhọn tua tủa, trên đầu tường thành lại xếp một hàng bàn chông rất chắc chắn; chà gai cắm trên đất phủ lên các bàn chông: tay chân mà đổ máu rồi thì hết leo qua tường. Bờ tường thành cũng cao đến mười lăm chân. Hầm chông sâu năm chân: nghi trang bằng phên đan mỏng có trồng cỏ bên trên. Ðáy hầm cắm giáo hoặc cọc vót thật nhọn. Các chướng ngại này dùng để chận thú dữ thì đúng hơn là chận người, nhưng quân sĩ ta phải vượt qua. Trong lúc quân tấn công mò mẩm, chậm chạp, cẩn thận lần theo các miệng hầm chông thì súng hỏa mai và pháo binh địch gia tăng bắn gắt thêm. Trên khoảng đất một trăm thước trước bờ thành, tiếng khô khan của các cành cây bị gẫy vang lên liên tục, đạn rơi rào rào như đang rung cành để nhặt quả hồ đào [5]Nếu ai tưởng tượng nổi, thì cứ tưởng tượng xem những người mang thang, câu liêm, sào móc phải cực khổ như thế nào, và lính cầm súng phải vướng víu như thế nào, giữa nơi đầy cạm bẩy chướng ngại như thế, để vuợt tới đích mà không chết, không thương tích. Phần lớn quân sĩ mang thang, vì chậm chạp hơn các người khác, nên hoặc lọt hầm chông hoặc bị thương. Thang dùng để bắc ngang miệng hào làm cầu. Thang nhẹ làm bằng tre, không nặng quá ba mươi cân [6]Hầu hết thang bị gãy khi quân lính bước lên. Tuy nhiên còn ba chiếc thang nguyên vẹn đem đến được vòng hào sau cùng. Nhưng khi đến được bờ đất dựa tường thành thì hai bên lại đánh nhau kịch liệt nhất, chưa từng thấy giữa người An nam và người Âu châu. Quân sĩ nào mà leo lên được tường thành, thì hoặc dùng thang, hoặc trèo lên vai các đồng đội, hoặc níu vào các cọc thấp của các bàn chông, họ bị bắn ngay trước mặt, hoặc bị nồi lửa của địch ném phỏng mặt mày, hoặc bị giáo đâm lọt ra ngoài. Những người trèo lên trước nhất trên tường thành, và trước khi bị đánh bật trở xuống, đều thấy một cảnh tượng khác hẳn khi trèo lên tường ngày hôm trước: bên trong trên bệ đứng bắn đầy lính phòng ngự, kẻ thì mang súng dài, kẻ thì mang giáo hay súng ngắn, rình quân ta bên ngoài trèo vào.

Ngay vào lúc ấy, tình thế trở nên nghiêm trọng, thì có lịnh ném lựu đạn. Hai mươi quả được ném ra, may mắn đều tới đích vì tầm ném gần như là thẳng đứng và thật nguy hiểm. Ba lính thủy ném được móc câu dính cứng phía bên trong của tường thành. Bọn quân An nam tháo gỡ không được vì vướng chà gai, bên ngoài ta thấy giáo mác của họ tua tủa nơi này thì biết; chà gai làm chướng ngại cho ta thì bây giờ lại gây trở ngại cho họ. Móc câu lại có tác dụng như cái bừa, phá ra được ba lỗ hổng. Nhưng các lỗ xa nhau quá, từ mười đến hai mươi chân, mỗi lỗ chỉ đủ cho một quân lính chui qua. Ba quân lính chui qua trước, một thuộc tàu Renommée,bị giết ngay; hai người kia thì bị thương. Cả ba bị xô ngược ra phía sau và rớt xuống hào. Quân lính khác theo sau, trèo lên tường rồi nhẩy xuống thềm đứng bắn bên trong, thềm thì trơn trợt vì máu me linh láng. Dọc chân tường la liệt xác quân An nam bị giết vì mảnh đạn bộc phá hay bị bắn.

Quân An nam ngưng đánh vì thấy rào gai bị phá thủng, rút xa vài phút trước khi quân Pháp ập vào, họ rút lui rất trật tự, thật chậm dọc theo bờ tường thành. Một nhóm quân lính của ta rượt theo, nhưng không ăn thua gì; vì địch quân rút hết vào một lớp thành khác trước khi quân Pháp đuổi tới. Quân chiến thắng liền vây quanh các vị chỉ huy của họ xem phải làm gì. Thật là đúng lúc; vì ta đang lọt vào một khu chung quanh đều có tường đất chắc chắn; trận chiến chưa ngã ngủ, còn phải tấn công một đợt nữa, mà ta thì không có chỗ nào để che núp trước một tuyến phòng thủ thật phi thường. Ðịch quân ngưng bắn một lúc, để quân lính của họ vào hết trong lớp thành mới, rồi lại tiếp tục bắn hết sức là mãnh liệt. Giống như ở Dettingue, ở Fontenoy[7], ta phải đánh nhau trên một mặt trận có tường kín mít chung quanh.

Ðể giúp theo dõi các giai đoạn của trận đánh ngày 25 tháng 2 năm 1861, ta cần hiểu sơ lược cách tổ chức phòng thủ trong thành Kì hòa. Cho đến giờ này, quân viễn chinh mới chạm trán với quân địch ở một giới tuyến nhỏ của thành Kì hòa chỉ dài một ngàn thước, tức là đồn Redoute. Thành Kì hòa thật rông lớn xây đắp theo hình vuông,(xem hình số 2). Mặt hậu tuyến

của thành Kì hòa có xây ụ phòng thủ nhô ra ở hai góc: mặt hậu tuyến là một thành hẳn hoi, xây kín, gọi là thành Giữa, dùng làm cổng sau cho cả doanh trại Kì hòa; thành Giữa nằm trên đường ranh hậu tuyến. Hai ụ phòng thủ hai bên và thành Giữa bảo vệ lẫn nhau. Tầm súng của địch trong thành có thể quét quân tấn công khi đến gần vùng ven biên, nơi mà quân ta phải xông vào. Hơn nữa, như ta thấy, vùng ven biên được bảo vệ bằng hầm chông, hào và bàn chông trong khoảng rộng một trăm thước kể từ chân tường thành. Nhìn từ xa, ta thấy các ụ phòng thủ và thành Giữa đều thẳng băng, không có góc nào nhô ra hay thụt vào. Nhưng bên trong lại có một lớp tường thẳng góc với lớp tường bên ngoài và ngăn thành Giữa ra làm hai khu; tường ngăn có bệ đứng và có lỗ châu mai để bắn; lại có hào và một khoảng đất cắm cọc nhọn chéo nhau để bảo vệ thêm. Tường thành bên trong có hai ụ bắn nhô ra để làm ổ phòng ngự: trong các phúc trình của ta, vòng thành này ta đặt tên là đường tuyến thứ hai để dễ gọi. Ngay ở góc nơi hai bờ tường nối với nhau, có một cửa lớn đầy cạm bẩy, cửa giúp hai khu thông thương với nhau khi bình thường. Khu bên trái gọi là thành Quan, danh xưng ta đặt ra vì tại đây có một đồn cố thủ với thật nhiều chiến cụ, đến mười lần nhiều hơn nơi khác. Khu bên phải bố trí để chống trả tấn công nếu có từ khu bên trái sang, tức là có tường chắn và ụ nhọn lồi ra để phòng thủ, ngoài ra còn có một đồn cố thủ nằm trong góc.

Quân viễn chinh đụng độ phía bên phải, ở giữa rồi kế tiếp là phía trái của mặt phòng tuyến địch,_một phần quân trừ bị ( thủy quân bộ chiến) giữ trọng trách tấn công vị trí ụ phòng thủ phía trái, như vậy là ta có tất cả ba mũi tấn công. Nếu cả ba mũi tấn công đều đạt kết quả, và quân thù cũng bị đánh gãy tại ba nơi cùng một lượt, và cũng kể như họ rải đều lực lượng, thì địch sẽ bị thua toàn bộ trong một lúc, thay vì tháo lui từng chặn một, bên phải rồi bên trái. Nhưng sức đụng độ của cánh quân bên phải quá mạnh làm cho tuyến địch bị thủng sau mười lăm phút. Hai mũi tấn công kia phải mất ba lần lâu hơn[8]Thủy quân đổ bộ và lính Tây ban nha, cùng đánh bên cạnh nhau ngày hôm đó, đánh song sớm hơn đươc nữa giờ, họ lọt vào một vòng đai kín như lọt vào trong một cái bẫy vậy. Thái độ vững vàng của họ thật anh hùng, đã làm chuyển hướng một phần đáng kể lực lượng địch và gián tiếp tăng cường đắc lực cho sức tấn công của hai cánh quân ở giữa và bên trái.

Thủy sư đề đốc cởi ngựa, tư thế rất lộ liễu, ngay trước dãy hầm chông đầu tiên. Ðoàn lính bộ hộ tống gần như ai cũng bị thương. Cạnh bên ông là vị chỉ huy tổng hành dinh, đại úy hải quân Laffon de Ladébat, chỉ huy tư linh đại đội kỵ binh de Cools. Quân trừ bị vừa đến tăng cường cho cánh giữa, và nhất là cho cánh phải, vì địch gia tăng bắn riết tại đây[9]Chỉ còn một nữa đại đội ở lại coi chừng các túi quân trang; ba ổ súng cối miền núi đáng lý ra phải đâm thủng mặt trước của thành An nam, thì lại không có đủ người xử dụng. Lúc này trận chiến trở nên ác liệt vì cả hai bên đều cố gắng ra sức, một bên thì tấn công, một bên thì phòng thủ; tình thế thật nguy ngập. Cái vô tình và thản nhiên của tạo hóa chung quanh càng làm nổi bật sự hăng hái cực độ của con người, trận chiến cứ lộng hành như một trận cuồng phong dữ dội dưới thái độ bình thản của bầu trời trong xanh [10]Những tiếng thét ‘’Hoàng đế muôn năm!’’ [11]đã ngưng bặt từ lâu. Tiếng nổ lộp bộp của súng nhỏ bắn nhau, tiếng rít của đại pháo, thỉnh thoảng lại có tiếng rên siết của một người sắp chết tất cả là những nhân chứng duy nhất cho cái hăng hái cực độ của hai muơi lăm ngàn người mà một vách tường đất mỏng manh đã chia làm hai phe, cái vách tường với khoảng cách nhỏ nhoi mà ngưởi ta có thể đưa tay cho nhau, nhưng một bên thì muốn trèo qua, một bên thì cản lại. Biết bao nhiêu bảng tuyên ngôn, bao nhiêu sức huy động con người và tàu chiến, một khoảng đường cách xa sáu ngàn dậm, vàng bạc tiêu pha vô kể, để đi đến cái cảnh trước mắt này. Bốn mươi lăm phút tấn công không kết quả: sau những phút đầu hăng hái, phản ứng của quân lính trở nên yếu kém rõ rệt. Cường độ tấn công suy giảm mà cường độ phòng thủ thì tăng.

Trong khi ấy, khu bên trong thành nơi thủy quân và lính Tây ban nha lọt vào, tình trạng được quyết định như sau: tất cả nỗ lực của đám quân này dồn vào hai vị trí chính: vị trí thứ nhất là cổng thành Quan, nơi thông thương giữa hai khu, vị trí thứ hai là khu ở giữa của bức tường chắn ngang, đầu tường bên trong là ụ phòng thủ, đầu tường bên ngoài là cửa thành Quan. Nhưng hai chỗ dồn quân này hoàn toàn trống trải, không có chỗ núp; vị trí và tầm đạn của địch tại đây đã nghiên cứu trước, vì thế trong cái khoảng trống thảm thương này ngập tràn xác chết và bị thương. Một trong những cố đạo tuyên úy của quân đoàn chạy tới chạy lui, hết người hấp hối này đến người hấp hối khác, cuối xuống họ và cầu kinh lẹ lẹ bằng tiếng la tinh. Chỗ này có kẻ bị thương còn đứng vững, hoặc đã ngã xuống rồi nhưng cố đứng lên, như trung úy hải quân de Foucault, trung úy hải quân Berger, các chuẩn úy Noẽl và Frostin; hạ sỉ hải quân Rolland bị mắt cá chân bể nát tự băng bó lấy rồi vừa lết vừa chiến đấu; người lính thổi kèn Pazier, lúc mới khởi sự tấn công đã bị trúng thương ngay trán, vẫn đứng dậy và thúc kèn tấn công. Cạnh đó trung úy hải quân Jouhaneau-Laregnère té xuống, cả phần hông bên trái bị văng mất; những người chạy đến cứu đều bị ông xua đi đánh tiếp và bảo cứ để mặc ông. Trong cái khoảng kín của khu này những người Tây ban nha như Jean Laviseruz và Bernabe Fovella đã ngã xuống và sau này ai cũng biết đến, nhưng cũng có những người khác nữa mà hành động cao đẹp của họ chẳng ai biết đến, kể cả đồng đội lẫn người chỉ huy của họ!

Cái thảm kịch kể trên đến giờ phút này cũng chưa ngã ngủ, nhưng rồi cũng chấm dứt. Mỗi người chỉ huy dẫn theo vài người tiến thẳng về phía tường chắn, băng qua hào, đến tận chân tường; đồng thời tại vị trí thứ hai, tức cửa thành Quan, ta cũng khởi sự tấn công cùng một lúc với nhóm ở giữa bức tường. Trung úy hải quân Jaurès, đệ nhị sĩ quan tùy tùng của thủy sư đề đốc, tập hợp vài người gan dạ lấy búa phá cửa nơi góc tường chắn; đồng thời thành giữa cũng bị công binh chiếm; thủy quân đánh bộ, bộ binh, đại đội quân địa phương[12]do vị chỉ huy tiểu đoàn là Deleveau huấn luyện, hăng hái tràn vào phía bên trái. Tất cả quân An nam người nào chạy không kịp đều bị giết sạch; trận chiến chấm dứt bằng một cảnh tượng tàn sát cuối cùng.

Trong trận chiến này, ta có ba trăm người bị loại khỏi vòng chiến. Mười hai bị giết tại trận. Nhiều người bị thương không cứu được. Trung úy hải quân Jouhaneau-Laregnère thở hơi cuối cùng trong ngày hôm đó, sau năm tiếng đồng hồ quằn quại đau đớn vô cùng. Trung tá Testard thuộc thủy binh bộ chiến bị thương và ngày hôm sau mới chết. Những người bị thương không ai kêu la, hay thỉnh thoảng mới có vài người rên siết. Họ là những kẻ thật giản dị và đáng ngợi khen; vài người mà sự sống sắp từ giả họ mà họ không thốt ra một lời nào ta thán hay hối tiếc đã chết ở một nơi xa xôi, xa quê hương của họ là nước Pháp. Sự can trường tột bực đã cho thấy cái giá trị tinh thần của đạo quân viễn chinh Nam kỳ [13].

Một trăm năm mươi đại pháo, hai ngàn súng nhỏ Saint-Etienne[14]tình trạng bảo trì hoàn hảo; đầu đạn tròn,đầu đạn súng cối chưa cho thuốc súng, hai ngàn ký thuốc súng; giáo, chỉa, kích cùng một số lớn tiền đồng được tìm thấy trong thành. Súng tay thì bắn bằng đá lửa [15]; đó là súng từ thời đệ nhất đế chế. Các quả đạn thuộc loại láng, bằng gang, đúc cũng khá tròn; thuốc súng cũng mịn, cán khá đều hạt. Trong thành Kì hòa không thấy có súng bắn bằng bùi nhùi lửa, cũng không có cung, không có nỏ. Ta còn tìm thấy một số bản đồ An nam; các bản đồ khá đúng giúp ta làm bản đồ trinh sát.

Danh sách quân lính trong đồn được cha Croc dịch ra; cha Croc thuộc Giòng truyền giáo xứ nước ngoài, và là thông dịch viên của vị tổng tư lịnh; danh sách cho thấy có 21 000 quân sĩ chính quy. Ngoài ra ta còn biết có một ngàn tá điền của quân đội, gọi là Don-dien. Trong thành còn có thêm 10 000 nghĩa quân. Trong trận tấn công chính thì đám nghĩa quân này đóng giữ ở mặt giữa và hai cánh của thành Kì hòa. Nếu kể luôn quân số đóng giữ tại các đồn trên thượng lưu sông Don-naĩ khoảng mười lăm ngàn người, về phía quân Pháp và quân Tây ban nha hợp lại là tám ngàn quân lính, thì ta có thể nói rằng trong ngày 25 tháng hai, năm mươi ngàn người đã xáp chiến trong một khoảnh đất mà tiếng đại pháo có thể nghe thấy từ đầu này đến đầu kia. Quân thù để lại ba trăm xác chết trong khu phía mặt và khu phía trái. Xác chết phần lớn là người Bắc kỳ, khoẻ mạnh và to lớn hơn những người Nam kỳ miền dưới; ngay khi đã chết, nét mặt họ vẫn hết sức là rắn rỏi.

Trận đánh ngày 25 khác hẳn với trận đánh ngày 24, về mặt chiến thuật và sức kháng cự của quân địch. Pháo binh bắn 204 quả súng cối và 36 thùng đạn: ‘’Ðây chỉ là một nữa số đạn đã được dùng so với ngày hôm trước, nhưng trận đánh lại gay go hơn và hăng say hơn’’[16].Vì tánh cách mãnh liệt và sáng chói của trận đánh này nên ta sẽ phân tích và nói đến nó nhiều hơn các trận đánh khác; ta nhận thấy trong trận này pháo binh can thiệp quá ít trong một thời gian cũng quá ngắn, phần tình báo cũng không đầy đủ. Bên địch có khả năng chận đứng các mưu toan tấn công của ta.

Trong trận ngày 25 pháo binh bị nắng rọi vào mắt vì thế phải xoay trở trong điều kiện bất lợi. Trận đánh ngày 24 cho thấy quân địch chịu đựng dễ dàng sức tấn công của ta ở khoảng cách xa nhờ vào công sự của họ làm bằng đất và cành cây, không cao lắm nên không bị xập, đạn đại pháo không gây hề hấn gì, đạn súng cối cũng chẳng công hiệu gì hơn. Vì vậy trong trận ngày 25 quân lính bắt buộc phải tiến gần để yểm trợ pháo binh và phải chịu thật nhiều gay go. Ðịa thế không có một chỗ nào để núp. Tình thế thật nguy hại: để tránh kéo dài tình trạng bất lợi vị tổng tư lịnh đã thu ngắn tác động pháo binh và xua quân tấn công, vì ông hoàn toàn tin tưởng ở quân sĩ. Nếu áp dụng cùng một chiến thuật như ngày 24 biết đâu thương vong còn cao hơn nữa, vì ta không phá được các lỗ hở để tấn công.

Nhiều sĩ quan đã thám sát địa thế từ chiều ngày 24 tháng hai đến sáng ngày 25. Tuy sự thám sát còn thiếu sót nhưng thật bổ ích. Thành An nam thấp và màu thì tiệp với màu đất, nên không thấy rõ các bố trí bên ngoài bờ thành của hậu tuyến địch. Ðể quan sát cách bố trí bên trong thành Kì hòa rộng lớn thì phải có chỗ cao để nhìn vào, ta chỉ có thể trông vào một bụi cây lớn duy nhất để trèo lên nhìn, bụi cây nằm lọt hẳn trong tầm bắn của địch vì gần ụ phòng thủ phía trái của thành. Xạ thủ địch đã núp trong đám rừng nhỏ này để phục kích ta chiều hôm trước, và ta đã phải khó nhọc lắm mới làm yên được tiếng súng của họ. Vì các lý do trinh sát không đầy đủ, không biết rõ cách phòng thủ bên trong thành địch, nên ngày hôm sau ta phải chậm tiến quân. Quyết định sau cùng là đưa quân đến thật gần bên phía trái vì ta biết rõ phía này hơn. Quân lính đều thấy tầm quan trọng đó khi có lịnh tạm thời đừng lại để dốc toàn lực vào phía này. Từ vị trí trinh sát trên cây ta thấy có một lớp tường phòng thủ bên trong thẳng góc với tường thành phòng thủ bên ngoài, tường chia bên trong làm hai khu khác nhau; nhưng còn một chuyện nữa không đoán được là bức tường dùng để phòng thủ chống lại sức tấn công từ khu bên trái sang khu bên phải hay từ khu bên phải sang khu bên trái? Dựa vào trại Quan ở khu bên trái để đoán là khu này quan trọng hơn thế thôi. Chắc chắn là nếu ta biết trước tầm quan trong của khu bên phải, thì bắt buộc phải tránh khu này mà chỉ đưa quân vào đánh ở giữa và ụ phòng thủ bên trái mà thôi,và trước đó thì phải chiếm đóng khu làng dựa vào khu rừng có cây cao trước đã. Nhưng chiến thuật này chỉ đưa ra sau khi trận chiến đã kết thúc, làm sao biết trước để thực hiện như vậy.

Chống lại ý kiến này, ta cũng có thể cho rằng, ngay như việc trinh sát được thực hiện đầy đủ và chiến thuật vừa kể đem ra áp dụng, quân địch không bị lừa và phân tâm do thủy quân đổ bộ của ta và lính Tây ban nha đánh lạc hướng trong suốt ba mươi phút, mà lại dồn hết sức kháng cự vào phía trái thì biết đâu sẽ đẩy lui được quân ta[17]_và cũng phải hiểu rằng ngay cả việc trinh sát được thực hiện đầy đủ và chính xác giúp quân lính hăng say vượt qua tường thành nhưng biết đâu họ không còn đủ sức và bình tỉnh để tiếp tục chiến đấu như họ đã làm? Ai mà chẳng thấy những người lính bộ hay lính thủy vừa vấp ngã vừa lần mò từng bước trên miệng hầm chông quanh co để tìm đường tiến lên dưới lằn đạn địch. Nếu trinh sát thực hiện được và biết hết con số hầm chông thì bất cứ ai cũng sẽ kết luận rằng cuộc tấn công không thể nào thực hiện nổi. Nhưng sau cùng, trận chiến ngày 25 đã đem đến kết quả; mặc dù ta đã phải trả một cái giá tương xứng cho sự thành công này, đó là cái giá của sự may mắn trong chiến tranh. Thật vậy may mắn hay rủi ro có thể xảy ra trong bất cứ trận chiến nào, chỉ cần một chút xíu biến cố cũng có thể đem đến chiến thắng hay chuyển thành thất bại dễ dàng, chẳng hạn một cơn mưa rào bất thần, một bờ dốc bị máu hoặc nước mưa làm trơn trợt, một người lính nào đó nhào lên để hy sinh và bị giết.

Vị chuẩn đề đốc Page, theo kế hoạch dự trù từ trước, đã đánh chiếm nội trong ngày 25 tháng 2 tất cả các đồn trên thượng lưu sông Don-naĩ và nhất là trên sông Yen-lock. Sư đoàn đặt dưới quyền của ông gồm có các tàu Renommée, Forbin, Monge, Avalanche, pháo hạm số 31, tàu Sham-Rock, và tàu Lily.Tất cả các tàu này đều bị trúng đạn của địch, có nhiều người chết và bị thương.

Vị tổng tư lịnh đóng bản doanh trong khu trú ngụ của Quan trấn thành[18]Quân sĩ sau khi thu lượm các túi đeo lưng liền được đưa vào trú ngụ trong các nhà của quân An nam trước kia, dọc theo một con đường kéo dài cho đến phía bắc thành Kì hòa. Một nữa số bị thương được đồn Caĩ-maĩ chuyển về nhà thương Cho-quan. Số còn lại đưa vào một trạm cứu thương ngay trong thành Kì hòa. Chiều hôm ấy, các đoàn chuyên chở lấy đạn ở đồn Caĩ-maĩ thay vào số đã bắn khi đánh nhau buổi sáng và lấy thêm ba ngàn viên đạn nữa để thiết lập kho dự trữ trong thành Kì hòa. Trong vài ngày mà quân viễn chinh đã tiến sâu vào vùng đất địch, vì thế một kho đạn dược trung gian thật cần thiết.

Thái độ của người An nam trong ngày 25 thật là lạ, ta nhìn thấy được sự yếu kém về nghị lực của họ qua nét mặt không tỏ lộ của người Á châu. Cứ chỗ nào phải đánh nhau mặt giáp mặt thì họ sợ hãi cho đến nổi chỉ nghĩ đến chịu chết mà không chịu tiếp tục chống trả[19]Làm sao giải thích được việc này, nếu không công nhận đó là bản chất yếu kém về nghị lực của những giống dân phương Ðông. Chỉ có vài trăm người Âu châu mà cứ mỗi lần tiến đánh đều thắng hàng ngàn quân địch mặc dù rất dũng cảm, lần nào cũng vậy. Sự thua thiệt về khí giới không đủ để giải thích điều này: vì rõ ràng là họ đã chấp nhận đánh cận chiến, mà đánh cận chiến thì ưu thế của khí giới tối tân bị giảm đi; giết nhau sát ngay trước mặt thì một khẩu súng cổ xưa loại loe nòng hay một khẩu súng trường loại cac-bin cũng không khác xa bao nhiêu. Ngày 25 tháng 2, chuyện quân An nam không thối lui và hầu hết bị giết ngay trên thềm bắn là một chuyện gần như ngoại lệ. Chỉ vì họ nghĩ rằng, thứ nhất là quân Pháp và quân Tây ban nha không sao tràn qua được các hầm chông, kế tiếp là quân ta phải lui vì bị mâu và kích của họ đâm, hoặc bị bắn, hoặc bị pháo lửa và nồi lửa của họ ném ra.

Các đội quân viễn chinh tỏ ra hăng hái và đoàn kết. Những ai đã dẫn họ tiến lên đều có thể tự nhủ như Montluc[20]:’’Tôi quay lại ba lần, đều thấy họ vẫn còn theo tôi’’. Lòng tin của họ lúc nào cũng nguyên vẹn, hiểm nguy làm cho kỷ luật thêm chặt chẻ. Tiếc thay, giữa vô số chướng ngại vật và khói mù mịt từ súng hỏa mai của địch, các vị chỉ huy chỉ thấy và công nhận thành tích của một số nhỏ những người chiến đấu bên cạnh mình mà thôi. Quần áo của họ đâu có chứng tỏ gì là những người lính thủy và lính bộ khác thường: cũng chỉ mặc áo len và đeo lon đã cũ nát [21]Người chỉ huy không thấy hết các thành tích của quân sĩ là một điều thật bi thảm mà tất cả mọi người đều phải gánh chịu, nhất là hàng binh sĩ cấp dưới. Nhưng rồi người ta cũng quên đi và không nghĩ tới nữa.

Thủy sư đề đốc cám ơn từ cấp bực cao nhất đến cấp bực khiêm nhường nhất trong quân đội về sự hào hùng và hy sinh của họ, cho đến cả tánh mạng của họ. Trong cùng một gian phòng, tất cả các cấp bậc đều họp chung với nhau, thủy sư đề đốc ngỏ lời công khai ngợi khen và tuyên dương công trạng một vài người. Tuyên dương công trạng là phần thưởng coi như cao quý nhất từ thời kỳ đệ nhất đế chế. Không có huân chương nào sánh bằng tuyên dương công trạng. Dù ta có ca ngợi quá lố đi nữa thì cũng không làm mất cái giá trị vĩnh viễn của sự tuyên dương, nó làm xúc động con tim mỗi người và làm sống dậy những kỷ niệm của một trận chiến máu lữa mà họ đã dấn thân. Trên cái mảnh đất xa xôi này, huân chương nào mà lại không xứng đáng để được thêm lời tuyên dương! Ai được tuyên dương đều nghĩ đến rồi đây cha mẹ mình và bạn bè mình sẽ biết đến công trạng của mình. Họ sẽ quên hết hiểm nguy và gian khổ đã trải qua; rồi bỗng nhiên cái khoảng không gian cách trở giữa người lính thủy, người lính bộ nơi cái xứ Nam kỳ xa xôi này và quê hương họ hình như đã vụt biến mất. Cái nhìn trìu mến của nước Pháp bên cạnh họ đã an ủi họ [22].



[1]Không thấy tác giả tả đồng phục của quân viễn chinh, áo len và áo vải thô ở đây có thể chỉ là cách nói tâng bốc, của tác giả, tuy có hơi rẽ tiền, (ghi chú của người dịch).

[2]Có lẽ tác giả thuộc cánh quân này ? (ghi chú của người dịch).

[3]Thủy quân đổ bộ, đại úy là Proubet.

[4]Mỗi chân bằng 0.3248 m (ghi chú của người dịch).

[5]Quả noix (tiếng pháp), quả walnut (tiếng anh), (ghi chú của người dịch).

[6]1 cân Pháp = 0.5 Kg (ghi chú của người dịch)

[7]Các trận chiến trong lịch sử Pháp, trận Fontenoy xảy ra ngày 11 tháng 5 năm 1745, quân Pháp đánh thắng liên quân Anh - Hoà lan và mở đầu chiến dịch chiếm nước Bỉ, (ghi chú của người dịch).

[8]Khi tiến đến chân của bờ đất dựa vào chân tường, thì sự chống cự bên trong trở nên càng lúc càng mãnh liệt; thang của ta bắc lên liền bị quân lính bên trong dùng kích mà hất ra, sức bắn củađịch tăng gấp đôi; ta bắt đầu thất vọng vì không dựng thang lên được, công binh thì mới bắt đầu đào lỗ ở tường thành, ngang với tầm bệ đứng bên trong; vị chỉ huy công binh vì thấy sức tấn công kéo dài suốt bốn mươi lăm phút đã bắt đầu suy yếu liền cho người đi xin thêm hai đại đội tăng viện (người này là trung úy hải quân Rouvier), vừa lúc đó thì vài người đã trèo qua được đầu tường. Khu có tường bao quanh này chính là hậu tuyến của cả hệ thống nội thành bên trong, và cũng là nơi trú ngụ của quan trấn thủ; ta đánh chiếm khu này. Nhưng trong khi đó ta lại mù tịt về số phận của cánh quân bên trái; cánh quân này sau khi phá được đường tuyến bên ngoài của địch, thì lọt vào vòng thành bên trong vừa ngay tầm bắn của quân An namđứng trên bệ dọc theo vách thành Quan xây thẳng góc với tường thành bên ngoài, họ bị quân An nam bắn thẳng ngay mặt...

(Trích phúc trình của chỉ huy đại đội công binh Allizé de Matignicourt báo cáo liên hệ tới cánh quân đánh vào giữa trong ngày 25 tháng hai 1861).

[9]Ðại đội 6 và 7 quân đánh bộ tăng cường cho cánh quân bên trái; đại đội 8 phụ trách ba ổ súngmiền núi bên cánh phải.

[10]Giữa cảnh hiểm nguy và sắt máu mà tác giả vẫn thấy được cái vô tình và thản nhiên của Tạo hóa và vẫn còn trầm tĩnhđẻ mượn cái tương phản đó để mô tả ý mình. Hay lắm, xin phép được ngợi khen tác giả, (ghi chú của người dịch).

[11]Ðây là tiếng thét của quân Pháp, Hoàng đế của họ là Nả phá luân đệ tam,(ghi chú của người dịch).

[12]Ðại đội quân địa phương gồm 80 người An nam, cho theo đánh chung với thủy quân bộ chiến, tỏ ra rât hữu hiệu.

[13]Trung úy hải quân Laregnère bị bắn văng mất hông bên trái. Khi đem đến ban cứu thương, người ta ném một tấm ra trải giường lên người ông để ruột gan khỏi lộ ra ngoài. Ông này đau đớn quá chừng, thật tội nghiệp! Ông há hốc miệng; không nói gì cả, nhưng mặt đầy nét lo âu, nhăn lại như cố kềm hãm những tiếng kêu thảm khốc chỉ chực vọt từ trong miệng ra.

Ðại tá Testard khi đem đến trạm cứu thương thì vùng dậy, đứng lên mà đi, trần truồng như nhộng, miệng thốt ra những lời bực bội’’ Coi nè! Cái gì thế này? Tao thấy cái đầu nặng chịch, có cái gì trong đầu tao vậy?’’Rồi ông ta lấy tay ôm đầu một cách tuyệt vọng. Một viên đạn chui vào thái dương bên trái của ông ta, sâu cở nữa ngón tay( ngón = đơn vị đo chiều dài độ 27 mm, ghi chú thêm của người dịch). Người lính hầu của ông kéo ông ta về giường nằm; và cứ mỗi lần về giường, ông ta lại đứng lên. Một bác sĩ giải phẩu, đứng ở góc phòng,chỉ biết nhìn con người nữa sống nữa chết đó đang nói lảm nhảm, vài giờ nữa thì sẽ hết nói. Không làm thế nào mà băng bó cho ông ta được, dù có băng bó cũng chẳng ích lợi gì. Hôm sau thì ông ta chết,đúng ngày 26 tháng hai, khoảng ba giờ sáng ở nhà thương Cho-quan. Cho đến phút cuối cùng, ông ta vẫn khoẻ, mặc dù viên đạn trong đầu và thêm một vết thương ở vai.

Một thương binh khác, bị một viên đạn vào bụng, vẫn ngậm ống píp thản nhiên. Khi ông gặp ông cố đạo tuyên úy đi ngang, ông liền nói với ông này rằng:’’Ô! Tôi hả, này ông linh mục, tôi không còn lâu nữađâu._Vậy thìanh bạn ơi, anh bạn có muốn chuẩn bị không?_Sẵnsàng.’’Ông này liền xưng tội và một giờ sau thì chết. Ðó là mộtngười thuộc giới bình dân,ăn nói bộc trực và tự nhiên, một kẻ mà ta thường gặp nơi miền trung nước Pháp.

[14]Một tỉnh ở miền trung nước Pháp nổi tiếng về kỷ nghệ làm súng (ghi chú của người dịch).

[15]Súng hỏa mai (ghi chú của người dịch).

[16]Báo cáo của trung tá pháo binh đánh bộ Crouzat.

[17]Vị chỉ huy công binh, khi thấy sức tấn công kéo dài trong gần bốn mươi lăm phút đã giảm... (Xem báo cáo của pháo binh ngày 25 tháng hai 1861)

[18]Giữa khu này có một cái hồ, trong hồ có một con cá sấu khá lớn nuôi làm kiểng.

[19]Dù sao tất cả đã đi vào lịch sử, tôi cũng không muốn tranh luận với một người đã nằm xuống với lịch sử, chỉ tiếc rằng tác giả cho thấy quá nhiều mâu thuẩn trong sự xétđoán và quá vội vã trong những kết luận của mình ? Tác giả vừa cho biết xác quân lính trong thành Kì hòa nét mặt vẫn còn rắn rỏi, (ghi chú của người dịch).

[20]Montluc: là thống chế Pháp ở thế kỷ 16, trong quân ngũ của hai đời hoàng đế: François đệ nhất và sau đó hoàng đế Henri II, (ghi chú của người dịch).

[21]Tác giả ca ngợi hơi nhiều một chút,có thể hoá ra quá lố chăng: xứ Nam kỳ trời nóng lắm có lẽ quân Pháp không mặc áo len đâu, (ghi chú của người dịch).

[22]Khi thấy tác giả dài dòng về vinh dự của người lính được tuyên dương, tôi cũng nghĩ tới công trạng của tác giả. Trong một phần ghi chú trước đây, tác giả tả những người bị thương ở Chợ Quán: trung úy Laregnère bị đổ ruột người ta dùng một tấm trải giường để che , đại tá Testard ôm đầu trần truồng như nhộng, một người lính bị một viên đạn trong bụng nhưng vẫn ngồi hút thuốc..., đọc đoạn ghi chú này tôi đã lo cho tác giả, có lẽ chính ông cũng bị thương? Khi tìm trong bảng tuyên dương công trạng, quả đúng tôi thấy có một người tênPallu, bị thương. Có lẽ chính là tác giả quyển sách này.

Bảng tuyên dương công trạng xếp ông trong danh sách quân đoàn thủy binh đổ bộ. Như vậy ông có thể thuộc toán thủy quân đánh bộ được đưa lên Chiến hạm Impératrice-Eugéniecủa đề đốc Charner trước khi tàu rời Thượng hải đi Nam kỳ, nhưng tôi nghĩ ông cũng có thể thuộc thủy thủ đoàn thường trực của tàuImpératrice-Eugénie ? Ông là một sĩ quan còn trẻ lắm, tội nghiệp, nước Tàu rất buồn ‘’chẳng có gì làm rung động con tim của người trai trẻ mới hai mươi lăm tuổi đời’’ (xem chương I), (ghi chú của người dịch).

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/01/2022(Xem: 7659)
Các trung tâm giáo dục Phật giáo ở Ấn Độ và Sri Lanka như Đại học Phật giáo Nālanda và Đại học Phật giáo Mahāvihāra đã đem lại một nguồn năng lượng trong sự nghiệp giáo dục tuyệt vời. Không chỉ duy trì mạng mạch Phật giáo, các trung tâm giáo dục Phật giáo còn tạo ra một xã hội hòa bình ở hầu hết các quốc gia châu Á trong hơn 25 thế kỷ qua.
04/01/2022(Xem: 9263)
Đại Bảo tháp tại Sanchi được kiến tạo vào thời trị vì của vị minh quân thánh triết Ashoka, nhân vật vĩ đại trong lịch sử của Ấn Độ, vị vua Phật tử hộ trì chính pháp Phật đà, người đã có công trải rộng và phát triển giáo pháp đức Phật trong suốt những năm ông ta trị vì; và luôn luôn mong mỏi được truyền bá khắp 5 Châu 4 bể. Một cấu trúc vòm bằng gạch, được xây dựng theo kiểu mẫu vũ trụ Phật giáo. Xuyên qua tam vòng tròn là một cột trụ vươn lên, qua đỉnh vòm, tượng trưng cho cột đỡ vũ trụ. Trên cùng của nó là 3 đĩa tròn, biểu thị Tam bảo (ba ngôi báu, Phật, Pháp, Tăng), được xem là một trong những khu kiến trúc bằng đá cổ nhất Ấn Độ, những di tích Phật giáo tại Sanchi là những miêu tả kinh điển cho nghệ thuật và kiến trúc của triều đại Maurya dưới hình thức Bảo tháp (Stupa), những ngôi tự viện linh thiêng của đạo Phật.
31/03/2021(Xem: 14286)
Sách này sẽ được ghi theo hình thức biên niên sử, về các sự kiện từ ngày 8/5/1963 cho tới vài ngày sau cuộc chính biến 1/11/1963, nhìn từ phía chính phủ Hoa Kỳ. Phần lược sử viết theo nhiều tài liệu, trong đó phần chính là dựa vào tài liệu Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ “Foreign Relations of the United States 1961-1963”, một số tài liệu CIA lưu giữ ở Bộ Ngoại Giao, và một phần trong sách “The Pentagon Papers” của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, ấn bản Gravel Edition (Boston: Beacon Press, 1971). Vì giờ tại Việt Nam và Hoa Kỳ cách biệt nhau, cho nên đôi khi ghi ngày sai biệt nhau một ngày.
18/01/2021(Xem: 9017)
Trong cộng đồng nhân loại, bất cứ chủng tộc nào, có tinh thần độc lập, có ý chí tự cường, có lịch sử đấu tranh lâu dài thì chủng tộc đó nhất định có sáng tạo văn hóa để thích ứng với mọi hoàn cảnh địa lý, với những điều kiện thực tế để tự cường, sinh tồn và phát triển. Dân tộc Việt Nam là một chủng tộc có ngôn ngữ riêng biệt thuần nhất, có nền văn hóa nhân bản đặc thù, siêu việt và nền văn hóa này có khả năng chuyển hóa, dung hợp tinh ba của tất cả nền văn hóa nhân loại biến thành chất liệu sống và ý nghĩa sự sống bồi dưỡng cho sanh mệnh dân tộc mang tánh chất Rồng Tiên nẩy nở phát triển và trường tồn bất diệt trải dài lịch sử hơn bốn ngàn năm văn hiến kể từ khi lập quốc cho đến ngày nay. Đặc tánh Rồng Tiên, theo Hai Ngàn Năm Việt Nam Và Phật Giáo của Lý Khôi Việt, trang 51 giải thích: Rồng tượng trưng cho hùng tráng dũng mãnh tung hoành, Tiên biểu tượng cho thanh thoát cao quý, hòa điệu. Vì có khả năng chuyển hóa và dung hợp của nền văn hóa Việt Tộc (Chủng Tộc Việt Nam), dân tộc Việ
13/09/2020(Xem: 13898)
Thiền viện tọa lạc dưới chân núi Bạch Mã, khu vực hồ Truồi, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ở độ cao 1.450m, cách biển Đông 5km đường chim bay, nhiệt độ trung bình 200C, Bạch Mã là nơi có khí hậu mát mẻ, lý tưởng cho việc tu tập của Tăng, Ni, Phật tử và các chuyến tham quan, chiêm bái của du khách. Tên thiền viện lấy theo tên núi Bạch Mã. Chữ “Trúc Lâm” hàm ý đến dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và mang tính nhập thế.
13/02/2020(Xem: 10893)
Sau khi Đức Phật thành đạo, ánh sáng giác ngộ của Ngài đã chiếu khắp mọi nơi, hàng vạn người dân Ấn, từ sĩ, nông, công, thương, mọi tầng lớp của xã hội Ấn đều thừa hưởng được kết quả giác ngộ của Ngài. Đến cuối đời của Ngài, Chánh pháp đã có mặt ở khắp Ấn Độ và lan tỏa đến các quốc gia láng giềng. Từ hạ lưu của sông Hằng đi về phía Đông, phía Nam tới bờ sông Caodaveri, phía Tây tới bờ biển Á-rập, phía Bắc tới khu vực Thaiysiro, đâu đâu cũng có sự ảnh hưởng của giáo lý Phật-đà, và người dân nơi ấy sống trong sự hòa bình và hạnh phúc. Trong triều đại của Hoàng Đế Asoka thuộc Vương Triều Maurya (thế kỷ thứ III trước TL), Phật giáo đã bắt đầu truyền bá sang các vùng biên giới của đại lục.
22/01/2020(Xem: 17305)
Đạo Phật và Dòng Sử Việt (sách pdf, tác giả HT Thích Đức Nhuận)
08/11/2019(Xem: 11683)
Như có một cái gì sống lại khi ngồi viết bài này về dòng Thiền Trúc Lâm và núi Bạch Mã. Sự kết hợp giữa tâm linh và thiên nhiên đưa ta vào một khoảnh khoắc tuyệt vời huyền bí khi cảm nhận. Một dòng thiền Việt Nam do ông vua tài giỏi sáng lập và đắc đạo, một núi cao 1450 mét có mây trắng quanh năm trên đỉnh, dưới chân dòng nước lững lờ trôi của hồ Truồi trứ danh yên tịnh. Hai cảnh trí tạo ra cho người đến đây tự hỏi: Ngàn năm mưa gió vẫn bay Trăm năm có đứng chỗ này hay chưa?!
29/09/2019(Xem: 28161)
Video: Hành Trình Khám Phá về Sự Thật Xá Lợi của Đức Phật (Rất hay, rất cảm động khi xem, quý vị nên tranh thủ vào xem liền, chân thành cảm ơn nhà văn, nhà khảo cô người Anh Charles Allen đã thực hiện cuốn phim tài liệu công phu và độc nhất vô nhị để tôn vinh và tìm ra sự thật về xá lợi của Đức Thế Tôn sau 26 thế kỷ, from Thích Nguyên Tạng, chủ biên trang nhà Quảng Đức)
06/08/2019(Xem: 9015)
Đất Phật Phù Nam_TS Nguyễn Thúy Loan
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]