Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

21. Giết Phật Bằng Voi Dữ Nālāgiri

19/03/201407:48(Xem: 30094)
21. Giết Phật Bằng Voi Dữ Nālāgiri
blank
Giết Phật
Bằng Voi Dữ Nālāgiri

Đã hai lần hại Phật không được, Devadatta tìm cách nghĩ ra mưu kế khác, ông không hề biết rằng, muôn dân đang căm hận ông, nguyền rủa ông.

Hôm kia ông vào gặp đức vua Ajātasattu, nói rằng:

- Nay thái tử đã lên ngôi vua chí tôn, vậy là an ổn do vua cha đã “lên trời” rồi, còn bần đạo thì chưa tìm ra cách nào để giết ông sa-môn Gotama cả. Như vậy thì kế hoạch của chúng ta chỉ thành công được một nửa. Vì khi mà bần đạo chưa chưởng quản được giáo hội Tăng-già thì bần đạo chưa thể cung hiến thần kế giúp tân vương tranh đoạt thiên hạ được.

Đức vua Ajātasattu trầm ngâm giây lâu:

- Trẫm sẵn sàng giúp ngài cả nhân lực và tài lực, mong rằng đại sự của chúng ta chóng thành. Vậy thì có mưu kế gì hay hơn, ngài cứ bày ra, chẳng có gì phải e ngại cả.

Devadatta ưu tư nói:

- Với con người, sức của con người thì chẳng làm gì được ông sa-môn Gotama đâu!

- Tại sao? Tân vương ngạc nhiên hỏi.

- Thưa! Oai lực, thần lực cùng từ bi tâm của ông sa-môn kia làm cho ai nấy đều không dám đến gần. Nếu có ai đến gần thì cũng không dám ra tay. Và cuối cùng, bọn chúng đều bị cảm hóa cả.

- Vậy thì phải làm sao?

- Nghe nói rằng, đại vương có một con voi báu, rất hung dữ, có sức mạnh khủng khiếp. Nếu dùng voi ấy để giết ông sa-môn Gotama quả là thượng sách. Con người thì sợ năng lực của ông ta, còn loài súc sanh thì chúng đâu có biết gì!

- Đúng lắm! Tân vương ca ngợi – Ngài nghĩ vậy thì thật là chu đáo!

Nói xong, vua bèn cho gọi người quản tượng, dặn là phải tuyệt đối nghe theo lệnh của Devadatta.

Khi người quản tượng dẫn Devadatta đến chuồng nuôi voi, thấy một con voi rất to lớn, đen đúa, tướng mạo rất dữ dằn, đang bị khóa bằng mấy vòng xích sắt kiên cố; bèn hỏi:

- Con voi này có phải tên là Nālāgiri nổi danh đây chăng?

- Thưa phải!

- Tại sao khóa xích sắt kiên cố như thế?

- Thưa, chỉ để dự phòng thôi ạ!

Devadatta nhăn mày:

- Ngươi hãy nói rõ lý do tại sao?

- Thưa, cứ cách ba ngày là phải cho nó ăn một thúng cơm và uống một hũ rượu, bằng không nó sẽ phá chuồng mà đi! Được cơm và rượu xong, nó sẽ dễ bảo. Còn đúng kỳ hạn mà không bày cơm rượu, nó sẽ nổi tính điên cuồng chẳng có ai kềm giữ được!

Devadatta cười nói:

- Thế ra, xích sắt này chỉ để phòng hờ những khi quên cung cấp khẩu phần cơm rượu cho nó đây!

- Thưa vâng!

- Nuôi dưỡng tốn kém như thế thì đức vua sẽ dùng nó vào việc gì?

Người quản tượng rành rẽ đáp:

- Thưa, nuôi quân ngàn ngày đôi khi chỉ dùng có một lần. Cũng vậy, con voi này chỉ để dành những khi xung trận. Chỉ cần trước khi giáp lá cà, cho nó ăn vài thúng cơm, cho nó uống tám hũ rượu gạo là nó hung mãnh lao đi giết giặc còn lợi hại hơn cả một ngàn quân, lợi hại hơn sức của một trăm con voi khác cộng lại.

Nghe vậy, Devadatta hớn hở nói:

- Vậy thì ngươi cứ chuẩn bị cho ta ba thúng cơm và mười sáu hũ rượu gạo thật ngon, khi có lệnh là sử dụng ngay, không được chậm trễ!

Người quản tượng thất kinh, chăm chăm nhìn vị sa-môn, y trố mắt ngạc nhiên nhưng không dám hỏi, trong bụng nghĩ thầm rằng: Bậc tu hành sao lại có tâm địa ác độc, coi rẻ mạng sống của người khác đến thế? Mười sáu hũ rượu gạo mà voi uống vào thì cả hàng chục ngôi làng cũng bị nó san thành bình địa! Hay là đức vua sắp có một cuộc chiến tranh lớn? Cũng không đúng! Vì kẻ tu hành sao lại kích động chuyện giết nhau?

Riêng Devadatta thì khoan khoái trong lòng, tự nghĩ rằng, hại ông sa-môn Gotama bằng con voi Nālāgiri này, hẳn là thân xác ông ta bị dập nát như quả cà chua đỏ! Và ngôi vị bá chủ tăng chúng còn ai dám tranh đoạt với ta? Hắn hỉ hửng rồi lắp bắp thành tiếng:

- Sau khi ta làm giáo chủ giáo hội rồi, ta sẽ mở một chiến dịch, có ông vua trẻ ngu si hỗ trợ, lần lượt thanh toán hoặc ức chế sự hoạt động của tôn giáo khác. Một tương lai rất gần thôi, thiên hạ “không tín ngưỡng” là thuộc ông vua con nhưng ở dưới quyền điều khiển của ta, còn thiên hạ “có tín ngưỡng” là hoàn toàn do ta lãnh đạo. Khi ấy thì nói gì danh vọng, lợi dưỡng và quyền lực! Ta sẽ tạo ra một vương quốc không có ngai vàng, mà uy lực của ta sẽ thống trị từ chỗ mặt trời mọc đến chỗ mặt trời lặn, rộng cho đến hải biên hoang đảo. Lúc ấy thì tha hồ mà hưởng thụ ngũ dục tối thượng. Còn ai dám nhắc nhở ta điều này đáng làm và điều kia không nên làm như ông sa-môn Gotama đạo đức giả kia chứ!

Như thỏa chí bình sinh quá, Devadatta cất tiếng cười hô hố rất ngạo mạn và lố bịch. Một chân trời khoái lạc rộng mở trước mắt hắn!

Mờ sương hôm ấy, ở Trúc Lâm, tại hương phòng, theo lệ thường, đức Phật nhập đại bi định, xuống cận hành định, dùng Phật nhãn quán xét thế gian, xem thử ai có hữu duyên nên tế độ. Sau khi thấy rõ, biết rõ chuyện gì xảy ra, đức Thế Tôn chợt mỉm cười, xả định, đi kinh hành lui tới với tâm thái hoàn toàn an nhiên, buông xả.

Trong không khí mát mẻ và vắng lặng của khu rừng tre, bỗng nhiên, rất nhiều bước chân và tiếng người xôn xao trước cổng của tịnh xá. Lát sau, tôn giả Ānanda vào quỳ bạch Phật:

- Không biết có chuyện gì mà cận sự nam nữ hai hàng thành Rājagaha, lũ lượt từng đoàn, từng đoàn muốn vào gặp mặt đức Thế Tôn?

Đức Phật dịu dàng nói:

- Này Ānanda, có chuyện đấy! Hãy cho họ tự nhiên vào gặp Như Lai!

Đoàn người được đức Thế Tôn tiếp kiến. Họ đồng quỳ đảnh lễ cả khoảng sân lớn rồi vị bô lão đại diện tâu:

- Chúng con thỉnh nguyện đức Thế Tôn sáng nay không nên đi vào thành để khất thực. Tất cả chúng con đồng đến đây để đặt bát cúng dường đức Thế Tôn và toàn thể Tăng chúng Trúc Lâm. Vì lòng bi mẫn xin đức Thế Tôn hoan hỷ nhận lời.

Đức Phật đưa mắt hiền hòa nhìn khắp hai hàng cư sĩ áo trắng rồi hỏi:

- Có chuyện gì chư vị cứ nói, Như Lai đang nghe đây!

Một tín nữ thưa:

- Sáng nay, từ rất sớm, bạch đức Thế Tôn! Vị tân quốc vương ác đức vừa mới giết cha hiền để chiếm ngôi, có ra thông báo khắp các hang cùng ngõ hẻm, rằng là toàn thể dân chúng trong thành không ai được đi ra đường, vì quản tượng sẽ cho thả voi dữ Nālāgiri uống rượu say!

Đức Phật gật đầu:

- Ừ! Thì chuyện đó Như Lai có biết!

Lời vị khác chen vào:

- Bạch! Thiên hạ đồn ầm lên rằng, Devadatta âm mưu với vua Ajātasattu thả voi say là muốn giết hại đức Thế Tôn đấy!

Đức Phật gật đầu một lần nữa:

- Ừ! Thì chuyện âm mưu giữa họ với nhau như thế, Như Lai cũng biết mà!

- Nhưng mà con voi hung dữ ấy sẽ giết ngài cùng với Tăng chúng đi theo. Voi Nālāgiri nổi tiếng vô địch vang danh khắp các tiểu quốc, khi say rượu rồi thì chẳng kể trời đất gì nữa!

Đức Phật hỏi:

- Vì chuyện ấy mà chư vị thỉnh Như Lai cùng với chư tăng thọ thực tại tịnh xá?

- Đúng vậy, bạch Đức Thế Tôn.

Đức Phật yên lặng một lát rồi nói:

- Chư vị nghĩ như thế nào thì cứ như vậy mà làm. Còn sáng nay, Như Lai và Tăng chúng sẽ vào thành khất thực là chuyện của Như Lai. Tại sao lại như thế? Vì Như Lai thấy rõ, biết chắc rằng trên đời nay, không một sa-môn, bà-la-môn, chư thiên, ma vương, phạm thiên nào lại có khả năng làm hại Như Lai cả. Ngoài ra, chư vị biết sao không? Con voi hung dữ Nālāgiri ấy, sẽ được Như Lai cảm hóa. Và do duyên ấy, một ngóm ngoại đạo được cải tà quy chánh và vô lượng chúng sanh người, trời, phạm thiên chứng đắc thánh đạo và thánh quả. Vì lợi ích cho phần đông như thế, chư vị nghĩ là Như Lai nên đi khất thực bình thường hay ở lại chùa vì sợ hãi voi dữ?

Toàn thể cận sự nam, cận sự nữ vốn có đức tin vững chắc nơi đức Phật nên khi nghe ngài trình bày nguyên nhân và kết quả của sự việc, họ hoan hỷ vô cùng, đồng thanh đáp:

- Nên đi! Đức Thế Tôn và chư tăng nên vào thành khất thực như lệ thường. Và chúng con cũng sẽ đặt bát cho đức Thế Tôn và chư tăng vào trưa nay, ở Trúc Lâm này!

Với niềm tin tưởng mãnh liệt là voi dữ sẽ được đức Thế Tôn cảm hóa, họ không lo sợ nữa, đảnh lễ ngài rồi ra về.

Khi họ vừa mới đi khuất, đức Phật dặn bảo tôn giả Ānanda:

- Ông hãy thông báo gấp, là sáng nay, toàn thể Tăng chúng ở khắp mười tám đại tự viện hãy cùng vào thành Rājagaha khất thực với Như Lai.

Chỉ một lát sau là tin truyền đã rì rào như gió lan đi khắp thành Rājagaha. Cận sự nam và nữ bảo nhau rằng:

- Hôm nay chúng ta sẽ tận mắt nhìn thấy đức Phật cảm hóa voi dữ Nālāgiri, và như vậy thì mưu kế ác độc của tên ác tăng Devadatta và thằng vua con bất hiếu Ajātasattu sẽ thất bại một cách thảm hại.

Thế rồi, họ ùa nhau leo lên đọt cây cao, trên mái nhà hoặc sườn núi kế cận để quán sát cho rõ.

Dân chúng thuộc nhiều giáo phái ngoại đạo, thì được giáo chủ của họ truyền miệng với nhau rằng:

- Voi Nālāgiri có sức mạnh phi thường, lại uống rượu say nữa thì phải biết! Chúng ta sẽ được mãn nhãn nhìn ngắm hung tượng chà đạp, dẫm nát sa-môn Gotama!

Họ cùng nhau leo lên lầu cao hoặc mái nhà cao để chứng kiến chuyện hy hữu.

Không bao lâu sau, trên đường chính dẫn vào kinh thành, đức Thế Tôn mặc y màu mặt trời dẫn đầu đoàn sa-môn dài dằng dặc như con rồng vàng uốn lượn, thanh thản, uy nghiêm từng bước một. Đường xá vắng tanh, nhà nhà đóng cửa im ỉm như một thành phố chết. Tuy nhiên, nếu để mắt một chút, rất nhiều dân chúng tụ tập lố nhố trên những điểm cao, mà ở đó có thể quan sát trọn con đường sắp xẩy ra một trận kinh hoàng.

Lúc ấy, ở cuối đường ngược chiều, người quản tượng theo lệnh của Devadatta, đã cho voi Nālāgiri ăn ba thúng cơm và uống hết mười sáu hũ rượu gạo ngon nhất. Voi gầm một tiếng, người quản tượng chưa kịp xua đi thì nó đã giở vòi, quạt hai lỗ tai, cong đuôi chạy thẳng về phía trước. Bóng voi sắc lông màu hung xám, cao to lừng lững như quả núi càng lúc càng nghiêng đổ về phía đức Phật.

Chư tỳ-khưu thấy vậy, e ngại nói:

- Bạch đức Thế Tôn! Con voi hung ác kia say như điên đang chạy đến đây. Xin ngài hãy quay trở lại!

Đức Phật phủ dụ:

- Các thầy đừng lo ngại. Không có một ai trên đời này có thể làm hại Như Lai. Con voi điên kia, Như Lai cảm hóa nó được mà!

Tôn giả Sāriputta, đại đệ tử của đức Phật bước ra tâu:

- Bạch đức Thế Tôn! Trên đời này có thông lệ, hễ có việc gì xẩy đến cho phụ thân, trách nhiệm ấy thuộc về người con trưởng. Vậy xin đức Từ Phụ cho phép đệ tử cảm hóa con voi hung dữ ấy!

Đức Phật mỉm cười:

- Với oai lực của bậc thánh Thinh Văn đệ nhất, tuy không bằng chư Chánh Đẳng Giác, ông có khả năng cảm thắng con voi kia một cách dễ dàng. Như Lai biết rõ như thế. Nhưng vì lợi ích cho phần đông, việc ấy cứ để cho Như Lai.

Lần lượt một số chư vị trưởng lão đều xin phép được gánh phần trách nhiệm, nhưng đức Phật thảy đều từ chối.

Tôn giả Ānanda biết mình chẳng có khả năng, uy lực gì, nhưng vì quá kính yêu đức Phật, không thể đứng yên nhìn sự nguy hiểm đang xảy ra uy hiếp tính mạng của ngài; với ý nghĩ: “Này voi Nālāgiri! Hãy giết chết ta trước, ta quyết hy sinh mạng sống để bảo vệ cho đức Thế Tôn!”; rồi vội vàng bước ra đứng chắn trước mặt đức Phật.

Đức Phật bảo:

- Này Ānanda! Hãy tránh sang nơi khác, không được đứng trước Như Lai!

Tôn giả Ānanda không chịu tránh, thưa:

- Voi Nālāgiri hung hiểm và bạo tợn kia, trước khi đụng đến đức Thế Tôn, nó phải bước qua xác đệ tử!

Thế rồi, đã ba lần bảo tránh, tôn giả Ānanda cũng cương quyết chỉ muốn chết thay; bất đắc dĩ đức Phật phải sử dụng thần thông, Ānanda mới chịu lùi bước.

Lúc ấy, voi Nālāgiri đang lao tới với một tốc độ khủng khiếp. Đột ngột, từ sau ngõ hẻm, một người đàn bà bồng con xuất hiện giữa đường. Chợt thấy voi điên, bà sợ hãi quá, bỏ con dưới đất rồi bỏ chạy. Voi Nālāgiri lùi lũi xông tới, thoáng thấy bóng người, nó quặt vòi, lao theo, nhưng người đàn bà đã lẩn khuất sau bức tường. Voi quay lại đến bên đứa trẻ. Thấy voi dữ, nó khóc thét lên.

Sự việc trên xảy ra trước tầm mắt của đức Thế Tôn. Khi thấy Nālāgiri với đôi mắt đỏ ngầu như sắp chà nát một hài nhi vô tội, đức Phật liền rải tâm từ. Một luồng khí mát mẻ, an lành tuôn chảy ra không gian, bao bọc thân thể của voi Nālāgiri rồi thâm nhập vào tận tim gan, máu huyết và cả tâm trí nó. Rồi đức Thế Tôn cất giọng phạm âm dịu dàng, ngọt ngào, trìu mến như lời ru của mẹ rót vào tai của voi Nālāgiri:

- Này Nālāgiri! Này con yêu quý! Người ta đã cho con uống mười sáu hũ rượu làm cho con điên đảo, đã biến thành thú tính hung dữ. Người ta đã cố ý lợi dụng con để giết Như Lai, chớ không phải giết hại ai khác. Vậy hãy tha cho đứa trẻ kia mà đến đây với Như Lai! Hãy đến với Như Lai, này Nālāgiri yêu quý!

Như được uống một liều thuốc an thần, như vừa được tắm trong dòng suối trời, voi Nālāgiri chợt tỉnh lại. Ngẩng đầu lên, voi cảm nhận một sự mát mẻ và bình an lạ thường toát ra từ vùng ánh sáng phía trước. Một tiếng gọi sâu thẳm từ vô thức mơ hồ đánh thức nó, voi như tìm lại được hình bóng và âm điệu ru êm của đấng mẹ hiền; và nó chỉ là đứa con nhỏ cần được vuốt ve, che chở. Cơn say điên đảo tan biến, voi Nālāgiri hạ vòi xuống, hai tai buông rủ, ngoan ngoãn quỳ mọp cả bốn chân rồi lết tới, nằm phủ phục dưới chân đức Phật ra chiều quy thuận.

Giọng đức Thế Tôn cứ tiếp tục dịu dàng, ngọt ngào tuôn chảy vào tai nó:

- Này Nālāgiri! Này con yêu quý! Thân phận con là loài voi, thuộc hàng súc sanh vô phước và tội nghiệp. Như Lai là đức Phật cao thượng giữa muôn loài. Từ nay, con phải thay tâm đổi tánh, đừng nên giết hại bất kỳ một ai khác nữa. Điều ấy con phải làm vì lợi ích và an vui cho chính con!

Đức Thế Tôn vừa nói vừa tiếp tục rải tâm từ, làm cho làn khí tâm từ càng lúc càng đầy ắp, sung mãn; rồi ngài đưa bàn tay búp sen dịu dàng như tơ trời “đâu-la-miên”(1)vuốt trên đầu voi, rồi khuyên dạy:

- Này Nālāgiri! Nầy con yêu quý! Con là một con voi có vòi, con voi con bé bỏng và yếu đuối. Như Lai cũng là con voi, nhưng lại là voi chúa kiêu hùng và cao thượng. Làm thế nào con voi con lại có thể đương đầu hoặc sát hại con voi chúa là Như Lai? Con biết sao không? Chuyện không thể ấy, nếu con làm được, nếu con làm hại voi chúa cao thượng là nhân đem lại sự đau khổ cho con. Ai làm hại voi chúa cao thượng, người ấy không được tái sanh vào cảnh giới an vui. Con chớ nên si mê! Không nên dể duôi nữa! Vì sự giải đãi quên mình sẽ tạo nên ác nghiệp tội lỗi, phải sa đọa vào những cảnh giới tối tăm, thống khổ. Hãy nên làm việc lành, này Nālāgiri yêu quý. Ai tạo thiện nghiệp, người ấy sẽ tái sanh vào những cảnh giới hạnh phúc, huy hoàng và xán lạn!

Thế là đức Phật đã thuyết pháp tế độ cho voi Nālāgiri. Nghe xong, toàn thân tâm của voi phát sanh hỷ lạc chưa từng có. Nếu không phải là loài súc sanh, sau thời pháp ấy, chắc chắn nó đã chứng đắc thánh đạo quả.

Dân chúng từ các điểm cao trong thành Rājagahatận mắt nhìn thấy từ đầu chí cuối đức Phật cảm thắng hung tượng Nālāgiri một cách phi thường, kỳ diệu; họ hoan hỷ vỗ tay reo mừng vang dội. Rồi họ lũ lượt leo xuống, chạy đến tận nơi, ném tất cả những đồ trang sức, vòng vàng, châu báu xuống thân mình voi, phủ cao thành đống. Voi bây giờ nằm yên, ngoan ngoãn hiền lành.

Từ thời khắc này, voi dữ Nālāgiri được dân chúng gọi tên là voi Dhānapālaka (voi giữ gìn của cải).

Trước tất cả tăng chúng và mọi người, đức Phật đặt tay lên đỉnh đầu hiền tượng Dhānapālaka cho nó thọ quy giới. Hiền tượng nằm mọp xuống, lấy vòi hút bụi ở hai bàn chân đức Phật rồi phun lên đầu mình để tỏ lòng tôn kính. Xong, nó lùi xa một khoảng, rung mình, rũ ngọc ngà, châu báu lả tả rơi xuống đất, quỳ xuống, cúc cung đảnh lễ đức Phật ba lần rồi quay đầu, chậm rãi, bỏ thành phố đi thẳng vào non sâu.

Đức Phật nhiếp tâm phát sanh năng lực thù thắng rồi chú nguyện:

- Vàng ngọc, của cải nằm rơi đầy trên đất kia, vốn là của ai, hãy hoàn về chủ cũ!

Lạ lùng làm sao, lời nguyện vừa dứt, ngọc ngà châu báu đang nằm vô tri, bất động trên đất; chợt như có chân, có mắt, đồng loạt vọt lên, bay về nơi tay, nơi cổ, trong túi, trong xách của những người chủ cũ, không hề sai trật!

Vừa chứng kiến chuyện cảm hóa voi dữ của ngài, bây giờ lại thấy năng lực phi thường này nữa của đức Thế Tôn, toàn thể dân chúng thành Rājagaha xiết bao kỉnh mộ. Cận sự nam nữ hai hàng lại được cũng cố thêm đức tin và dào dạt niềm tự hào. Ngay chính nhóm ngoại đạo thù ghét đức Phật luôn manh tâm phá hoại, khuấy rối ngài, cũng bắt đầu thay đổi cách nhìn, chuyển tâm hóa tánh. Có một số trong họ, chẳng ngại ngùng gì, đến khấu đầu đảnh lễ đức Phật rồi xin cải giáo.

Dịp này, vô số người, chư thiên, phạm thiên chứng đắc Nhập lưu thánh đạo quả.

Công việc đã xong, nhân duyên sáng nay thế là đã thành tựu, đức Phật ra dấu hiệu bảo đức Ānanda cùng với tăng chúng quay trở về Trúc Lâm. Thế là cận sự nam nữ cùng với dân chúng thành Rājagaha lũ lượt đi theo, mang rất nhiều vật thực để cúng dường đến chư tăng, có đức Phật là chủ trì.

Ai ai sắc mặt cũng hân hoan, vui sướng; tán dương năng lực thuần hóa voi dữ của đức Phật, rồi thốt lên bằng bài kệ:

“- Người ta dạy ngựa hay voi

Sử dụng móc sắt, mây roi bện thừng

Thế Tôn – khéo, lạ quá chừng

Chẳng roi, chẳng móc, chẳng trừng phạt ai

Từ bi, năng lượng thiện tài

Nhiếp hóa voi dữ, Như Lai phép mầu!”


(1)Tơ trời cung Đẩu Suất.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/03/2018(Xem: 7063)
Ý đồ của Hốt-tất-liệt, dựa trên Phật giáo Tây Tạng để thống trị Trung Quốc không chỉ bằng vũ lực mà còn cả về tư tưởng, tôn giáo, chính trị xã hội; nếu suy luận này của chúng ta không lạc hướng, thế thì lịch sử chứng tỏ ý đồ này đã thất bại. Ý nghĩa của sự thất bại này thuộc phạm vi nghiên cứu của các nhà văn hóa và sử học.
01/01/2018(Xem: 42334)
Đại Bảo tháp Phật giáo cổ xưa Nelakondapalli ở huyện Khammam đang ở giai đoạn cuối của việc tu sửa. Với kinh phí khoảng 6 triệu Rupee, Cục Khảo cổ học và Bảo tàng đã thực hiện công việc để Đại Bảo tháp khôi phục lại vinh quang ban đầu và để bảo tồn kiến trúc cổ xưa này cho hậu thế. Di tích Phật giáo này, tọa lạc cách thị trấn Khammam khoảng 22 km, là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của bang Andhra Pradesh. Đại Bảo tháp đồ sộ, vốn đã tồn tại qua nhiều thế kỷ của sự hao mòn, đang được tu sửa sau khi cư dân và các sử gia địa phương nhiều lần cầu xin để bảo tồn di tích lịch sử có tầm quan trọng lớn lao về khảo cổ học này. Cục khảo cổ học cho biết loại gạch đặc biệt được đặt làm cũng như các vật chất kết nối tự nhiên đã được sử dụng để tăng cường cho cấu trúc của Đại Bảo tháp. (bignewsnetwork – April 18, 2015)
15/11/2017(Xem: 9593)
Phật Giáo Hoa Tông theo dòng lịch sử - HT Thích Thiện Nhơn
26/10/2017(Xem: 10011)
Tông Câu-xá ngày nay không còn, mặc dù trước kia, tông ấy đã có một thời hưng thịnh với rất nhiều người tu tập theo. Tuy nhiên, ảnh hưởng sâu sắc của tông này cho đến nay vẫn còn rất rõ rệt trong Phật giáo. Tên gọi Câu-xá của tông này vốn được phiên âm từ tiếng Phạn là Kośa, có nghĩa là “kho báu”. Đây cũng là tên gọi một bộ luận nổi tiếng của Bồ Tát Thế Thân. Tên tiếng Phạn của bộ luận này là Abhidharmakoa-stra, phiên âm là A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận, và là giáo lý căn bản của Câu-xá tông. Bồ Tát Thế Thân sinh năm 316 và mất năm 396, sống gần trọn thế kỷ 4. Ngài là người được y bát chân truyền, làm Tổ sư đời thứ 21 của Thiền tông Ấn Độ. Ngài là em ruột của Bồ Tát Vô Trước, người đã sáng lập ra Duy thức tông. Câu-xá tông là một tông thuộc Tiểu thừa, trong khi đó Duy thức tông là một tông Đại thừa. Ban đầu, ngài Thế Thân học theo giáo lý Tiểu thừa, thuộc Nhất thiết hữu bộ, là một trong 18 bộ phái Tiểu thừa đầu tiên của Ấn Độ đã phân chia sau khi Phật nhập diệt khoảng gần 200 năm. Ngà
18/10/2017(Xem: 7562)
Lịch sử Phật Giáo qua tem bưu chính, Trần Thanh Lý biên soạn
06/06/2017(Xem: 9336)
Câu chuyện ly kỳ về việc thiền sư Việt phá giải thuật phong thủy của Cao Biền được ghi chép lại trong “Thiền Uyển tập anh” đã mang lại cho người thời nay thật nhiều câu hỏi. Phong thủy có thật hay không? Định mệnh có thật hay không? Đức tin là thật hay là hư ảo? “Thiền uyển tập anh” hay “Đại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục” là tài liệu lịch sử cổ nhất của Phật giáo Việt Nam, ghi lại tương đối hệ thống các tông phái Thiền học và sự tích các vị Thiền sư nổi tiếng từ cuối thế kỷ 6 đến thế kỷ 13, tức là vào cuối thời Bắc thuộc cho đến thời Đinh, Lê, Lý và một số ít vị lớp sau còn sống đến đầu triều Trần.
22/05/2017(Xem: 53948)
Trong bước đầu học Phật, chúng tôi thường gặp nhiều trở ngại lớn về vấn đề danh từ. Vì trong kinh sách tiếng Việt thường dùng lẫn lộn các chữ Việt, chữ Hán Việt, chữ Pali, chữ Sanscrit, khi thì phiên âm, khi thì dịch nghĩa. Các nhân danh và địa danh không được đồng nhứt. Về thời gian, nơi chốn và nhiều câu chuyện trong sự tích đức Phật cũng có nhiều thuyết khác nhau làm cho người học Phật khó ghi nhận được diễn tiến cuộc đời đức Phật. Do đó chúng tôi có phát nguyện sẽ cố gắng đóng góp phần nào để giúp người học Phật có được một tài liệu đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tra cứu khi cần.
18/04/2017(Xem: 11018)
Tập sách này gồm nhiều bản văn được chuyển dịch và trình bày kèm theo nguyên tác Anh ngữ, là các tài liệu trước đây vốn thuộc loại hồ sơ mật hoặc tối mật, nghĩa là chỉ dành riêng cho những người có trách nhiệm mà hoàn toàn không được phổ biến đến công chúng. Phần lớn các tài liệu đó là của chính phủ Mỹ, như các Công điện, Bản Ghi nhớ, Điện tín, Phúc trình... Tài liệu có nguồn từ Bộ Ngoại Giao Mỹ được lấy từ FRUS; ngoài ra còn có các tài liệu từ Tòa Bạch Ốc (Hội đồng An Ninh Quốc Gia NSA), Bộ Quốc Phòng (Pentagon Papers), CIA (tại Sài Gòn và tại Langley), và từ Thượng Viện (Select Committee to Study Governmental Operations).
09/11/2016(Xem: 9404)
Có khoảng 250 Đại Biểu chính thức của Hội Đồng Điều Hành Tăng Gìa Thế Giới gồm 36 Quốc Gia về Đài Bắc, Đài Loan tham dự Hội Nghị từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 11 năm 2016 vừa qua. Hòa Thượng Thích Như Điển là thành viên của Ủy Ban Nghiên cứu và phát triển Phật Giáo trên thế giới cùng với đông đảo chư Tăng Ni và Phật Tử Việt Nam cũng đã có mặt trong những ngày trọng đại nầy.
06/07/2016(Xem: 8700)
Hôm nay là ngày 10 tháng 6 năm 2015, tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc, tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 65 của mình với tựa đề là “Nước Úc trong tâm tôi” để sang năm 2016 sẽ xuất bản và ấn tống. Tác phẩm nầy được viết trong mùa An Cư Kiết Hạ lần thứ 31 của năm Ất Mùi, nghĩa là từ năm 1984 đến nay (2015) cứ mỗi năm ba tháng như vậy, Thầy trò chúng tôi có trọn vẹn 3 tháng an cư tại chùa Viên Giác thật là an lạc. Chương trình mỗi ngày được bắt đầu từ 5 giờ 45 sáng. Đại Chúng vân tập nơi Tổ Đường để xá Tổ, sau đó lên Chánh Điện, hô canh và tọa thiền 15 phút. Sau khi xả thiền, Đại Chúng bắt đầu trì tụng Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm, phần giữa của thời khóa có kinh hành niệm Phật ba vòng, tiếp đó lạy danh hiệu của chư Phật, Bồ Tát và Thánh Chúng độ 35 lạy. Sau thời công phu khuya ai về phòng nấy để nghỉ ngơi hay hành trì tiếp, hoặc tập thể dục. Đúng 8 giờ sáng là giờ điểm tâm của Đại Chúng, ai nấy đều tỉnh thức trong lúc dùng sáng, không nói chuyện, mà câu chuyện hằng ngày chỉ được
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]