Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

27. Đào thoát

27/11/201312:00(Xem: 19883)
27. Đào thoát

Tự truyện của mẫu thân Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14

Tác giả: Diki Tsering

Biên tập & giới thiệu:Khedroob Thondup

Nguyên tác: Cụ Bà Diki Tsering

Việt dịch: Thích Nguyên Tạng

Diễn đọc: Pt Quảng An



27. Đào thoát







Dần dần đời sống ở Lhasa trở nên không thể chịu nổi nữa và chúng tôi bắt đầu nghĩ đến việc chạy trốn. Vào khoảng tháng tám hay tháng chín năm 1958, chúng tôi quyết định rời khỏi Tây Tạng. Tôi đang sống ở Changseshar với mẹ của tôi. Con gái Tsering Dolma và con rể của tôi ngụ ở nhà của viên chỉ huy trưởng ở gần đó.

Dalai Lama dao thoat


Trong mấy tháng, con gái tôi và tôi đã bàn bạc với nhau tới tận đêm khuya về cách đào thoát. Bây giờ tôi thấy tức cười khi nhớ lại chúng tôi đã đặt ra nhiều kế hoạch khờ khạo. Có lần con gái tôi đề nghị hai người chúng tôi sẽ giả làm nữ tu đầu trọc để chạy trốn. Tôi nói rằng làm như vậy không được, nhưng cô ta nghĩ rằng như vậy có thể thành công, vì chúng tôi sẽ nói với người ta là những nữ tu đang đi hành hương. Cô ta còn nói nên lấy phân đen bôi lên mặt để người ta không nhận ra chúng tôi. Cuối cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma bảo chúng tôi kế hoạch này là bất khả, và chúng tôi phải hoạch định mọi thứ một cách cẩn thận để không bị bắt lại. Ngài bảo chúng tôi hãy ráng đợi một thời gian nữa, vì lúc này chưa thuận lợi để trốn đi.

Trong lúc đó em gái của Đức Karmapa gởi lời nhắn cho tôi biết rằng anh của bà đang lập kế hoạch đào thoát, và nhờ tôi nói cho Đức Đạt Lai Lạt Ma biết việc này.[1]Ngài đã gởi tất cả những vật dụng của mình tới Bhutan, một nước ở cạnh Tây Tạng và Ấn Độ, và ngài sẽ đi sớm vì người Trung Quốc đang quấy nhiễu ngài. Tu viện của Đức Karmapa được xây trên một quả đồi và người Trung Quốc đã bắn vào tu viện để làm cho ngài không thể ở đó được nữa. Em gái của Đức Karmapa cũng thay mặt ngài nhờ tôi xin Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi Tây Tạng. Bà bảo tất cả chúng tôi hãy đi cùng Đức Karmapa và bà đến Ấn Độ.

Tôi trả lời rằng chừng nào Đức Đạt Lai Lạt Ma còn ở Tây Tạng thì tôi không thể đi được. Tôi nói với bà ta rằng chúng tôi cũng đang tìm cách trốn thoát, nhưng không biết sẽ đi khi nào, và tôi sẽ chuyển lời của bà tới Đức Đạt Lai Lạt Ma. Việc này diễn ra vào tháng mười một. Trong lúc đó Đức Đạt Lai Lạt Ma đang tham vấn các vị tiên tri chính thức của ngài. Các vị này nói rằng chưa tới lúc thuận lợi. Sau cùng họ nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma rằng ngày 19 tháng ba năm 1959, trong khoảng giữa chín giờ và mười một giờ đêm, sẽ là giờ thuận lợi để ra đi.

Ngày 10 tháng ba, tôi ở Changseshar, đan áo, thêu và trông coi việc nhuộm vải. Một người bạn ở Amdo tới và hỏi tại sao tôi lại làm những việc này, không biết là đang có một cuộc nổi dậy hay sao. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được mời tới "làm việc" ở Bộ Chỉ Huy Quân Sự của Trung Quốc và ngài thấy không có cách nào khác hơn là chấp nhận. [2]Dân chúng Lhasa đã tổ chức một cuộc ngồi lì ở xung quanh cung điện Norbulingka để không cho ngài đi khỏi cung. Người dân đã tự võ trang, và những người không có vũ khí thì cầm cả những cây chĩa vốn dùng để hất rơm hay cỏ. Người "chang-zo" (quản gia) của tôi cũng không biết về cuộc nổi dậy và vẫn đang làm công việc sổ sách kế toán.

Người bạn Amdo bảo tôi phải đi tới cung điện Norbulingka ngay. Người "chang-zo" cố gắng tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ông ta nói là sẽ phải khóa các cổng và cửa lại vì người ta có thể tràn vô Changseshar. Khu vực xung quanh Norbulingka đang hỗn loạn, và người ta đang la lớn xin Đức Đạt Lai Lạt Ma đừng rời khỏi Norbulingka. Họ nói rằng ngài chỉ có thể đi ra qua xác chết của họ. Không có cán bộ cộng sản hay xe hơi nào được tới gần Norbulingka, nếu tới gần đám đông, người và xe sẽ bị liệng đá và bị đánh. Con rể tôi cho một chiếc xe tới đón tôi, và vì người tài xế tên là Lhakpa mặc quân phục Trung Quốc nên anh ta bị đánh và bị liệng đá suýt chết. Cuối cùng một người trong đám đông nhận ra anh ta và bảo mọi người ngừng bạo động.

Người con rể tới đưa con gái tôi và tôi đến Norbulingka. Các chiến sĩ người tỉnh Khampa làm những rào cản ở trên những con đường để chống lại sự xâm nhập của người Trung Quốc. Ngay cả con gái và con rể của tôi cũng phải xin phép các binh sĩ Tây Tạng để được tới đón tôi, nếu không họ sẽ không được đi qua đám đông. Khi tới Changseshar, họ nói là tôi phải đi ngay. Tôi không có thời gian để sửa soạn hành trang. Tôi không biết rằng đây là lần cuối cùng tôi trông thấy ngôi nhà Changseshar và mẹ của mình.

Sáng hôm đó tôi nghe nói người Trung Quốc đã đến tu viện Drepung đưa con trai út Tendzin Choegyal của tôi tới "làm việc" ở bộ chỉ huy quân sự của họ. Họ cũng đã tới tìm tôi ở Changseshar, lúc tôi vẫn còn ở đó. Họ gồm tám người đàn ông và bốn người đàn bà có mang súng đi vô ngôi nhà. Khi họ định vô phòng riêng của tôi, người quản gia đẩy họ ra một cách dữ dội. Ông ta nói với họ rằng tôi không khỏe. Sau một cái nhìn thù ghét, những người Trung Quốc đó bỏ đi.

Tôi rất lo sợ cho Tendzin Choegyal. Tôi nghĩ cậu ta đang bị họ giữ vì Đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi đã không tới "làm việc" với họ. Suốt ngày tôi nghe cậu ta gọi "Amala, Amala" (mẹ ơi), cứ như là cậu ta đang chịu khổ. Tôi cho người đến quan sát nơi làm việc của người Trung Quốc nhưng những người đó chỉ trông thấy một cán bộ Trung Quốc đang nói một cách hung hăng, đập tay xuống bàn. Nhiều nhà quý tộc có mặt ở đó, nhưng không thấy bóng dáng của con trai của tôi ở đâu cả. Chúng tôi nghĩ là họ đã đưa cậu ta sang Trung Quốc. Nhưng chúng tôi ngạc nhiên vì buổi tối hôm đó họ đưa cậu ta trở về tu viện Drepung. Cậu ta được người quản gia của mình đón ở dọc đường và đưa về với chúng tôi.

Vậy là tất cả chúng tôi an toàn ở cung điện Norbulingka. Không ai được vô tòa nhà, và không có sự liên lạc nào với người Trung Quốc. Tôi nghe nói có đánh nhau trên đường phố, và nhiều người đã bị giết. Tu viện Chensalingka bị bắn vào, và ở tu viện Drepung, bảy tu sĩ bị giết. Trong lúc này binh sĩ Khampa đã chiếm được tất cả những chiếc thuyền nhỏ, như vậy cuộc ra đi của chúng tôi sẽ dễ dàng hơn. Nếu không có thuyền, chúng tôi đã không thể đi được, vì người Trung Quốc đã kiểm soát những con đường.

Mỗi buổi sáng người của chúng tôi từ Changseshar mang tới sữa, bánh mì và những thứ khác. Mỗi người đeo một băng vải màu vàng mà người dân đã đưa cho họ để được đi vô. Trong những ngày này, dân chúng canh phòng ở bên ngoài Norbulingka. Tôi đã khóa tất cả mọi thứ ở Changseshar, bọc những cái chìa khóa trong một tấm lụa với một tờ giấy ghi mấy chữ và giao cho người quản gia. Có lẽ tờ giấy này đã cứu mạng ông ta sau khi chúng tôi đi khỏi Lhasa. Người Trung Quốc hỏi ông ta về cuộc trốn thoát của chúng tôi, không tin là ông ta không biết gì về kế hoạch của chúng tôi. Khi họ sắp tra tấn, ông ta đưa tờ giấy đó ra cho họ xem. Tôi đã viết trong tờ giấy đó rằng ông ta sẽ trông coi ngôi nhà và tôi giao chìa khóa cho ông ta giữ. Tôi cũng viết là tôi sẽ đi nhưng không biết sẽ đi đâu.

Chúng tôi không nói cho mẹ tôi biết là chúng tôi sẽ ra đi. Điều này rất buồn cho tôi, nhưng tôi biết là ở tuổi tám mươi bảy mẹ tôi sẽ không đi bằng ngựa được. Chúng tôi trú ở Norbulingka, và mẹ tôi vẫn ở Changseshar. Bà ghét cộng sản và luôn mắng họ. Bà nghĩ họ không công bằng khi lấy tài sản của bà, những thứ mà bà và chồng bà đã làm ra bằng sức lao động của mình.

Tôi đã không thể mang theo y phục của mình ở Changseshar, vì nếu tôi gói ghém y phục, những người hầu sẽ nghi ngờ. Tôi nhờ một cô gái đi tới Changseshar để lấy một cái áo khoác bằng lông thú mà tôi sẽ mặc trong chuyến đi, nhưng ở cổng cung điện Norbulingka, cô ta bị xét hỏi gắt gao mục đích của việc cô ta đi ra ngoài nên cô ta phải quay trở vô. Hai ngày trước khi khởi hành, mấy con ngựa của chúng tôi được đưa tới Ramaka, ở bên kia sông, với cái cớ là chúng tới đó để lấy phân mang về làm chất đốt. Những vật dụng ít ỏi và lương thực của chúng tôi cũng được đưa đi với đàn ngựa này.

Con gái tôi và tôi giả trang làm binh sĩ và là nhóm đầu tiên rời Norbulingka vào ngày mười chín. Tôi mặc một cái áo ngắn bằng lông thú của người con rể để trông giống một người đàn ông. Chúng tôi đi giày ống của đàn ông và lấy bùn bôi lên giày để chúng có vẻ cũ. Tôi cũng mượn mũ của một trong những người hầu để đội. Tôi đeo trên vai một khẩu súng đồ chơi nhỏ mà trong ánh sáng ban ngày trông sẽ rất kỳ cục, nhưng khi trời tối người ta không nhận ra đó là súng đồ chơi. Con gái tôi cũng mặc giống đàn ông, và con trai tôi mặc giống như người lính. Vào ngày mười tám chúng tôi thức cả đêm để may cho cậu ta một cái áo lông thú để mặc trong chuyến đi.

Vào lúc tám giờ bốn mươi lăm, chúng tôi rời cổng bên hông cung điện Norbulingka. Đức Đạt Lai Lạt Ma rời khỏi đó sau chúng tôi mười lăm phút, và đi cùng với ngài là hai vị giáo sư và các vị trong Hội Đồng Bộ Trưởng Kashag. Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng mặc như một binh sĩ. Ngài đi ở phía sau con rể tôi. Dù người cộng sản có đầy xung quanh chúng tôi, nhưng đêm hôm đó, số mạng đã mỉm cười với chúng tôi. Vì có sương mù dầy đặc nên chúng tôi lẻn đi mà không ai biết. Cứ như là các vị thần đã che tai, mắt và tâm trí của người Trung Quốc và phù hộ cho chúng tôi vượt qua cuộc thử thách này. Khi đi qua bộ chỉ huy của người Trung Quốc, chúng tôi thấy ở đó có đèn sáng trưng, họ vẫn đang ở trong văn phòng của họ làm việc và họp bàn.

Chúng tôi vượt qua sông Tsangpo bằng những chiếc xuồng làm bằng da thú và đợi chờ đoàn của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở bên kia. Ngựa của chúng tôi đã có sẵn ở đó. Chúng tôi có tất cả một trăm người, và tiếng vó ngựa chạy trên sạn nghe như tiếng sấm. Tôi cầu nguyện và bảo mọi người gây tiếng động càng ít càng tốt. Thật là một phép lạ khi người Trung Quốc không nghe thấy những con ngựa chạy trên đường.

Sau khi đi xa khỏi sông Tsangpo, chúng tôi sợ người Trung Quốc đã biết về cuộc chạy trốn nên chúng tôi cho ngựa chạy nhanh. Nhưng cho tới ngày hai mươi ba người Trung Quốc mới biết, tức là ba ngày sau khi chúng tôi trốn khỏi cung điện Norbulingka. Họ đã pháo kích vào Norbulingka trong ngày hôm đó, và chỉ khi họ tiến vào tòa nhà, nhìn quanh họ mới biết là Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đi rồi. Họ đi tìm ngài ở Chensaslinka, rồi ở Chomolungo và Drepung.

Máu đã đổ nhiều ở Lhasa sau khi chúng tôi chạy trốn. Một trong những người giúp việc cho chúng tôi đã trốn đi sau chúng tôi, nói với tôi rằng khi rời khỏi Lhasa ông ta thấy như mình đang đi trên một cánh đồng có những trái đậu khô. Đó là những vỏ đạn nằm rải rác suốt mấy dặm đường,

Hội Đồng Bộ Trưởng Kashag đã bảo chúng tôi đừng mang theo cái gì cả, vì vậy chúng tôi đã không mang theo cả thực phẩm. Bây giờ chúng tôi thấy nhiều người khác mang theo nhiều vật dụng và thức ăn. Vật độc nhất tôi mang theo là một cái mền len đã có ích cho tôi trong chuyến đi, và một ít bột "tsampa".

Chúng tôi vượt sông Tsampo lúc nửa đêm. Từ nửa đêm tới chín giờ sáng chúng tôi phi ngựa không ngừng. Tôi không có khăn hay kiếng đeo mắt, và vì tôi chỉ mặc một cái áo ngắn của đàn ông nên tôi bị lạnh cóng trên đường đi. Khi chúng tôi ngừng lại ở Chitsusho, tôi đã đứng không vững vì cả ba thứ: lạnh, mệt và tê chân. Trời lộng gió, và bụi đã đóng trên mặt tôi. Phải một tuần trôi qua tôi chưa rửa mặt. Da của tôi bắt đầu tróc ra vì tôi không có gì để che gió và bão bụi.

Những người nông dân ở dọc đường đã rất tốt với chúng tôi, mang cho chúng tôi thực phẩm và bất cứ cái gì họ có thể có. Cảnh tượng thật là cảm động. Họ còn mang cho chúng tôi giày và áo, họ buồn và khóc cho số phận của Tây Tạng.

Chúng tôi chia thành hai đoàn. Đoàn thứ nhất đi trước, và khi đoàn thứ hai đi tới chỗ ngừng, đoàn thứ nhất lại đi tiếp. Có khoảng hai trăm chiến sĩ Khampa hộ tống chúng tôi[3]. Nếu không có họ chúng tôi đã đi lộn nhiều lần. Chúng tôi đã đi lầm mấy đoạn đường và phải quay trở lại, mất nhiều thời giờ quý báu. Có lần chúng tôi thấy người và ngựa tiến đến từ đằng xa. Chúng tôi hoảng sợ và nghĩ ngay đó là người Trung Quốc, nhưng thật ra đó là một nhóm binh sĩ Khampa tới tìm chúng tôi. Chúng tôi nói với họ rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma sắp đến rồi. Ở chỗ đó chúng tôi đi trước đoàn của ngài một ngày.

Khi đến Tsonadzong, chúng tôi nghe thấy tiếng máy bay. Một lần nữa chúng tôi nghĩ tới tai họa. Tất cả chúng tôi vội xuống ngựa, nằm sát xuống đất. Con gái tôi la lớn, bảo tôi nằm dưới con ngựa của tôi. Chiếc máy bay bay qua phía trên chúng tôi. Lúc đó khoảng mười giờ sáng và đang có mưa tuyết. Về sau chúng tôi nghe nói đó là chiếc máy bay do chính phủ Ấn Độ phái đến để tìm chúng tôi.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đi chậm vì có những người dọc đường đến yết kiến ngài. Nhiều người cũng trốn sang Ấn Độ ngay sau khi ngài đào tị. Phần lớn dân chúng không biết là chúng tôi đã ra đi, vì chúng tôi ra đi vào ban đêm, người ta không trông thấy. Khi chúng tôi đến Sanda, tôi khó đứng vững, tôi cảm thấy quá lạnh. Dân địa phương mời chúng tôi vào nhà của họ, nhưng chúng tôi không có thời gian.

Chúng tôi đến Chidisho ngang qua Ramaka và Samda. Nơi này nổi tiếng khắp Tây Tạng với nghề làm hàng len dệt tay. Đức Đạt Lai Lạt Ma cười khi trông thấy tôi, vì tôi vẫn mặc giống đàn ông. Ngài nói rằng chắc tôi đã trải qua nhiều khó khăn, nhưng tất cả là vì mục đích tốt, và sự gian khổ cũng sắp chấm dứt. Chúng tôi ở lại đây ban đêm và vì không có chỗ nào tốt hơn, chúng tôi ngủ ở trong một căn gác ở phía trên chuồng heo. Tôi thay y phục ở đây. Khi ở lại ban đêm ở đâu tôi cũng nướng bánh mì cho hành trình ngày hôm sau. Chúng tôi ăn bột "tsampa" và mì "thukpa".

Sau Chidisho, chúng tôi đi thảnh thơi hơn một chút. Chúng tôi đã bỏ xa người Trung Quốc ở phía sau. Các binh sĩ Khampa đi trước để dò đường cho chúng tôi, họ bắn tất cả những người Trung Quốc nào họ gặp. Ở Yarto Takla nhiều vị tiên tri địa phương đã đến gặp chúng tôi, họ xuất thần và nói rằng sẽ không có nguy hiểm nào cả và hành trình đi Ấn Độ của chúng tôi được thông suốt.

xamchiem tay tang


Hồng quân của Trung Quốc đã xâm chiếm thành công Tây Tạng

với hình ảnh của Chủ Tịch Mao Trạch Đông và Phó Chủ Tịch Chu Đức tại Lhasa




[1]Đức Karmapa là trưởng tông phái Kaggu, một trong bốn tông phái của Phật Giáo Tây Tạng.

[2]Người Trung Quốc nhất định mời Đức Đạt Lai Lạt Ma đi xem một vở tuồng, và ngài phải đi một mình, không có các vệ sĩ như thường lệ, và do đó họ làm cho người ta sợ đây là âm mưu bắt cóc. Hàng ngàn người tụ tập ở bên ngoài cung điện Norbulingka, nơi ngài cư ngụ, để không cho ngài rời khỏi tòa nhà. Đám đông tăng lên ba mươi ngàn người. Đây là một khúc quanh trong mối liên hệ căng thẳng giữa dân chúng Tây Tạng và Cộng Sản Trung Quốc.

[3]Các chiến sĩ người xứ Khampa nổi tiếng là những kỵ sĩ giỏi và là lực lượng kháng chiến ngoan cường chống lại quân chiếm đóng Trung Quốc. Họ đã được giao phó trách nhiệm bảo vệ Đức Đạt Lai Lạt Ma và đoàn tị nạn trên đường đi Ấn Độ.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
07/03/2018(Xem: 7049)
Ý đồ của Hốt-tất-liệt, dựa trên Phật giáo Tây Tạng để thống trị Trung Quốc không chỉ bằng vũ lực mà còn cả về tư tưởng, tôn giáo, chính trị xã hội; nếu suy luận này của chúng ta không lạc hướng, thế thì lịch sử chứng tỏ ý đồ này đã thất bại. Ý nghĩa của sự thất bại này thuộc phạm vi nghiên cứu của các nhà văn hóa và sử học.
01/01/2018(Xem: 42260)
Đại Bảo tháp Phật giáo cổ xưa Nelakondapalli ở huyện Khammam đang ở giai đoạn cuối của việc tu sửa. Với kinh phí khoảng 6 triệu Rupee, Cục Khảo cổ học và Bảo tàng đã thực hiện công việc để Đại Bảo tháp khôi phục lại vinh quang ban đầu và để bảo tồn kiến trúc cổ xưa này cho hậu thế. Di tích Phật giáo này, tọa lạc cách thị trấn Khammam khoảng 22 km, là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của bang Andhra Pradesh. Đại Bảo tháp đồ sộ, vốn đã tồn tại qua nhiều thế kỷ của sự hao mòn, đang được tu sửa sau khi cư dân và các sử gia địa phương nhiều lần cầu xin để bảo tồn di tích lịch sử có tầm quan trọng lớn lao về khảo cổ học này. Cục khảo cổ học cho biết loại gạch đặc biệt được đặt làm cũng như các vật chất kết nối tự nhiên đã được sử dụng để tăng cường cho cấu trúc của Đại Bảo tháp. (bignewsnetwork – April 18, 2015)
15/11/2017(Xem: 9509)
Phật Giáo Hoa Tông theo dòng lịch sử - HT Thích Thiện Nhơn
26/10/2017(Xem: 9876)
Tông Câu-xá ngày nay không còn, mặc dù trước kia, tông ấy đã có một thời hưng thịnh với rất nhiều người tu tập theo. Tuy nhiên, ảnh hưởng sâu sắc của tông này cho đến nay vẫn còn rất rõ rệt trong Phật giáo. Tên gọi Câu-xá của tông này vốn được phiên âm từ tiếng Phạn là Kośa, có nghĩa là “kho báu”. Đây cũng là tên gọi một bộ luận nổi tiếng của Bồ Tát Thế Thân. Tên tiếng Phạn của bộ luận này là Abhidharmakoa-stra, phiên âm là A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận, và là giáo lý căn bản của Câu-xá tông. Bồ Tát Thế Thân sinh năm 316 và mất năm 396, sống gần trọn thế kỷ 4. Ngài là người được y bát chân truyền, làm Tổ sư đời thứ 21 của Thiền tông Ấn Độ. Ngài là em ruột của Bồ Tát Vô Trước, người đã sáng lập ra Duy thức tông. Câu-xá tông là một tông thuộc Tiểu thừa, trong khi đó Duy thức tông là một tông Đại thừa. Ban đầu, ngài Thế Thân học theo giáo lý Tiểu thừa, thuộc Nhất thiết hữu bộ, là một trong 18 bộ phái Tiểu thừa đầu tiên của Ấn Độ đã phân chia sau khi Phật nhập diệt khoảng gần 200 năm. Ngà
18/10/2017(Xem: 7501)
Lịch sử Phật Giáo qua tem bưu chính, Trần Thanh Lý biên soạn
06/06/2017(Xem: 9315)
Câu chuyện ly kỳ về việc thiền sư Việt phá giải thuật phong thủy của Cao Biền được ghi chép lại trong “Thiền Uyển tập anh” đã mang lại cho người thời nay thật nhiều câu hỏi. Phong thủy có thật hay không? Định mệnh có thật hay không? Đức tin là thật hay là hư ảo? “Thiền uyển tập anh” hay “Đại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục” là tài liệu lịch sử cổ nhất của Phật giáo Việt Nam, ghi lại tương đối hệ thống các tông phái Thiền học và sự tích các vị Thiền sư nổi tiếng từ cuối thế kỷ 6 đến thế kỷ 13, tức là vào cuối thời Bắc thuộc cho đến thời Đinh, Lê, Lý và một số ít vị lớp sau còn sống đến đầu triều Trần.
22/05/2017(Xem: 53888)
Trong bước đầu học Phật, chúng tôi thường gặp nhiều trở ngại lớn về vấn đề danh từ. Vì trong kinh sách tiếng Việt thường dùng lẫn lộn các chữ Việt, chữ Hán Việt, chữ Pali, chữ Sanscrit, khi thì phiên âm, khi thì dịch nghĩa. Các nhân danh và địa danh không được đồng nhứt. Về thời gian, nơi chốn và nhiều câu chuyện trong sự tích đức Phật cũng có nhiều thuyết khác nhau làm cho người học Phật khó ghi nhận được diễn tiến cuộc đời đức Phật. Do đó chúng tôi có phát nguyện sẽ cố gắng đóng góp phần nào để giúp người học Phật có được một tài liệu đầy đủ, chính xác, đáng tin cậy, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ tra cứu khi cần.
18/04/2017(Xem: 10995)
Tập sách này gồm nhiều bản văn được chuyển dịch và trình bày kèm theo nguyên tác Anh ngữ, là các tài liệu trước đây vốn thuộc loại hồ sơ mật hoặc tối mật, nghĩa là chỉ dành riêng cho những người có trách nhiệm mà hoàn toàn không được phổ biến đến công chúng. Phần lớn các tài liệu đó là của chính phủ Mỹ, như các Công điện, Bản Ghi nhớ, Điện tín, Phúc trình... Tài liệu có nguồn từ Bộ Ngoại Giao Mỹ được lấy từ FRUS; ngoài ra còn có các tài liệu từ Tòa Bạch Ốc (Hội đồng An Ninh Quốc Gia NSA), Bộ Quốc Phòng (Pentagon Papers), CIA (tại Sài Gòn và tại Langley), và từ Thượng Viện (Select Committee to Study Governmental Operations).
09/11/2016(Xem: 9394)
Có khoảng 250 Đại Biểu chính thức của Hội Đồng Điều Hành Tăng Gìa Thế Giới gồm 36 Quốc Gia về Đài Bắc, Đài Loan tham dự Hội Nghị từ ngày 6 đến ngày 10 tháng 11 năm 2016 vừa qua. Hòa Thượng Thích Như Điển là thành viên của Ủy Ban Nghiên cứu và phát triển Phật Giáo trên thế giới cùng với đông đảo chư Tăng Ni và Phật Tử Việt Nam cũng đã có mặt trong những ngày trọng đại nầy.
06/07/2016(Xem: 8693)
Hôm nay là ngày 10 tháng 6 năm 2015, tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc, tôi bắt đầu viết tác phẩm thứ 65 của mình với tựa đề là “Nước Úc trong tâm tôi” để sang năm 2016 sẽ xuất bản và ấn tống. Tác phẩm nầy được viết trong mùa An Cư Kiết Hạ lần thứ 31 của năm Ất Mùi, nghĩa là từ năm 1984 đến nay (2015) cứ mỗi năm ba tháng như vậy, Thầy trò chúng tôi có trọn vẹn 3 tháng an cư tại chùa Viên Giác thật là an lạc. Chương trình mỗi ngày được bắt đầu từ 5 giờ 45 sáng. Đại Chúng vân tập nơi Tổ Đường để xá Tổ, sau đó lên Chánh Điện, hô canh và tọa thiền 15 phút. Sau khi xả thiền, Đại Chúng bắt đầu trì tụng Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm, phần giữa của thời khóa có kinh hành niệm Phật ba vòng, tiếp đó lạy danh hiệu của chư Phật, Bồ Tát và Thánh Chúng độ 35 lạy. Sau thời công phu khuya ai về phòng nấy để nghỉ ngơi hay hành trì tiếp, hoặc tập thể dục. Đúng 8 giờ sáng là giờ điểm tâm của Đại Chúng, ai nấy đều tỉnh thức trong lúc dùng sáng, không nói chuyện, mà câu chuyện hằng ngày chỉ được
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]