Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Pháp Nạn 1963: Những ngày tháng đáng nhớ

08/09/201117:57(Xem: 5703)
Pháp Nạn 1963: Những ngày tháng đáng nhớ


botatquangduc-3a

Pháp Nạn 1963: Những ngày tháng đáng nhớ


Năm 1962, cơ duyên đến, Hoàng tôi "tình cờ" được dự lễ Phật Đản tại chùa Từ Đàm. Đó là một hoát nhiên đại ngộ chính trị. Không khí trang nghiêm, kỹ luật, thuần thành của biển người trên sân Chùa Từ Đàm hôm đó khiến Hoàng tôi nghĩ rằng, tổng quát ra, Phật giáo có thể là một đoàn thể áp lực có khả năng góp phần giải tỏa những oan khiên khúc mắc lịch sử xứ sở đang kẹt vào. Như thế nào? Thực sự Hoàng tôi chưa có một ý niệm rõ rệt nào cả. Anh chị em chúng tôi thường le lưỡi đùa đó là thời "mã thượng ham vui".

Cùng với những người thân, vừa là bạn vừa là học trò là Vĩnh Kha, Phan Chánh Đông và Vĩnh Tùng, Hoàng tôi bắt đầu "xây mộng" với sinh viên, trước hết là sinh viên theo đạo Phật. Đoàn Sinh Viên Phật Tử được thai nghén với những khuyến khích nâng đỡ tận tình của anh chị Văn đình Hy-Đặng Tống Tịnh Nhơn, Sư Bà Diệu Không, Sư Bà Cát Tường và Thượng Tọa Mật Hiển hay Ôn Trúc Lâm. Đây chính là những "cô mụ" khai sinh Đoàn SVPT Huế. Đoàn SVPT Huế ra đời chẳng bao lâu thì đến mùa Phật Đản 1963. Anh chị em chúng tôi thường gọi đây là lúc chúng tôi "xếp bút nghiên xuống đường giải nghiệp".  Cho đến khi biến động Phật Đản 63 xảy ra, Thầy Thiện Minh, Thầy Trí Quang chỉ là những kẻ làm thế vì khai sinh và không hề hỏi bốn đứa chúng tôi thành lập Đoàn SVPT để làm gì, và riêng tôi cũng chưa hề có cơ duyên thưa với quý Thầy tôi mong ước gì ở Đoàn SVPT. Ngô đình Cẩn khi được cảnh báo Đoàn SVPT được thành lập thì trả lời: ...lo chi, mệ hắn có đạo mà. Hú hồn hú vía, cám ơn mệ nội tôi. 

 

Y Báo và Cộng Nghiệp 1963

 Theo hoài niệm và ý nghĩa riêng của Hoàng tôi, biến động Phật Đản 1963 ở Huế tạo nên bởi những cơ duyên chính như...

1. Ngày 20/2/62, Phật giáo gởi cho Tổng Thống Ngô đình Diệm và Chủ Tịch Quốc Hội Trần văn Lắm một hồ sơ "đen" đúc kết những tội ác điển hình mà Phật tử là nạn nhân, đặc biệt tại ba tỉnh Phú Yên, Bình Định và Quảng Ngãi. Đây là một tối hậu thơ, đáng tiếc là chính quyền không ý thức điều đó nên phớt lờ, ngay cả lời phúc đáp đã nhận văn thư. 

2. Ngày 6/5/1963, Phủ Tổng Thống bằng công điện số 9195 nhắc lại chỉ thị cấm treo giáo kỳ những nơi công cộng. Điều gây xúc động mạnh cho Huế - nơi được xem như thánh địa của Phật giáo tại Miền Nam, là trước đó không lâu, cờ Ki-Tô giáo bay rợp trời trong hai dịp khánh thành Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế và tuần kỷ niệm 25 năm thăng chức Giám Mục của Ngô đình Thục.

3. Đêm 6 rạng ngày 7/5, Phật giáo Huế họp khẩn quyết định phản đối công điện 9195. Một cuộc họp được tổ chức tại tư dinh Ngô đình Cẩn giữa một bên là đại diện Phật giáo do Thầy Trí Quang hướng dẫn, bên chính quyền gồm Cố Vấn Chỉ Đạo Ngô đình Cẩn, Bộ Trưởng Nội Vụ từ Sài Gòn ra và Tỉnh Trưởng Thừa Thiên-Huế. Chính quyền một mặt né tránh yêu cầu Phật giáo đòi ngưng thi hành công điện 9195, mặt khác vẫn tung nhân viên công lực đi hạ cờ Phật giáo thiết trí ở những nơi ngoài khuôn viên chùa như trước nhà của dân chúng, cổng tam quan, lễ đài công cộng, cổng chào mừng Phật Đản hay trên lộ trình rước Phật. Xô xác xảy ra giữa Phật tử bảo vệ cờ và những người hạ cờ.

4. Khuya ngày 7/5, Phật giáo Huế họp khẩn quyết định công khai đối đầu với chính quyền trên căn bản: chỉ đấu tranh bất bạo động cho bình đẳng tôn giáo và tự do tín ngưỡng, không nhằm lật đổ lập chính quyền, không chống Ki-Tô giáo.

5. Ngày Phật Đản 8/5, các biểu ngữ chống chính quyền xuất hiện trong cuộc rước Phật từ Chùa Diệu Đế lên Chùa Từ Đàm. Thành phố Huế thật sự lên cơn sốt. Đoàn rước Phật về đến Chùa Từ Đàm, Thượng Tọa Trí Quang với tư cách Hội Trưởng Hội Phật Giáo Trung Phần và trưởng ban tổ chức lễ Phật Đản đứng ra giải thích nguyên do và ý nghĩa của những biểu ngữ đó. 

6. Đêm 8/5, lời phát biểu của Thượng Tọa Trí Quang là một phần buổi lễ được thâu băng và theo nguyên tắc, sẽ được phát lại trong chương trình phát thanh chính quyền hàng năm dành cho Phật giáo trong tuần lễ Phật Đản mỗi tối một giờ trên Đài Phát Thanh Huế. Đêm 7/5 là buổi phát thanh do Đoàn SVPT phụ trách. Buổi phát thanh đó tối nay không có, chỉ có nhạc lấp chỗ trống và không có lời giải thích nào. Phật tử đổ về Đài Phát Thanh Huế nghe ngóng tin tức. Chính quyền đưa quân đội, xe thiết giáp, xe vòi rồng đến khuôn viên Đài Phát Thanh. Cuộc đàn áp đẩm máu xảy ra. 9 chết, 14 bị thương được bí mật đưa về bệnh viện Huế. Với sự thông báo và yễm trợ của một số Phật tử, Bác sĩ E. Wulf, giáo sư Đại Học Y Khoa Huế chụp được hình các nạn nhân và lén đưa tin tức và hình ảnh đàn áp này cho phóng viên ngoại quốc tại Sài Gòn và sau đó Bác sĩ Wulf đích thân đưa những tài liệu hình ảnh này ra ngoại quốc. Cuộc thảm sát ở Đài Phát Thanh Huế trở thành một sự kiện trước tai mắt quốc tế, hết đường lấy thúng úp voi. Phật giáo Huế phong thánh tử đạo cho 9 người chết nhưng các chùa chỉ thờ 8 người vì người thứ 9 là con của một nhân viên chính quyền đã bị áp lực phải xin chùa rút tên con mình ra, mặc dù chính quyền công khai tố cáo Cộng Sản chủ mưu thảm sát, nghĩa là con của Phật tử ấy là nạn nhân của "khủng bố Cộng Sản".

7. Ngày 10/5, Phật giáo công bố Tuyên Ngôn 5 nguyện vọng làm cương lĩnh đấu tranh. Tuyên ngôn nầy được tăng bổ bằng bản Phụ Đính ngày 23 và Phụ Trương cho bản phụ đính ngày 25/5. Những triển khai yêu sách này cho thấy quyết tâm của Phật giáo. Chính quyền vẫn công khai lặng thinh.

8. Ngày 3/6, thanh niên sinh viên học sinh nhập cuộc, hợp đồng với tổ chức thanh niên Phật giáo kỳ cựu là Gia Đình Phật Tử tung ra những cuộc biểu tình rầm rộ liên tục và bị đàn áp thẳng tay bằng báng súng, dùi cui, lựu đạn cay, chó săn, lựu đạn át-xít. 149 sinh viên học sinh bị thương trong đó có 69 bị thương nặïng. Tổng Thư Ký Đoàn SVPT Phan đình Bính bị bắt. Trong các biểu ngữ thường thấy, có một biểu ngữ bị coi là chính trị: Hi sinh tranh đấu cho Tự Do Tín Ngưỡng và Công Bằng Xã Hội. Các đoàn biểu tình rút về Chùa Từ Đàm. Chùa Từ Đàm bị phong tỏa, cắt điện, cắt nước. 

9. Ngày 4/6, có tin Tòa Đại sứ Mỹ khuyến cáo chính quyền giải quyết vụ Phật giáo. Lợi dụng máy bay riêng của một phái viên của chính quyền từ Sài Gòn ra Huế tiếp xúc với Chùa Từ Đàm để tìm hiểu nội vụ trở về, ban lãnh đạo Phật giáo đã chuyển chủ lực là Hòa Thượng Tịnh Khiết, TT Trí Quang và TT Thiện Minh vào Sài Gòn, hình thành cơ cấu lãnh đạo trung ương gọi là Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, đặt trụ sở tại Chùa Xá Lợi. Lãnh đạo tối cao là HT Tịnh Khiết Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, TT Tâm Châu là Chủ Tịch. 

10. Ngày 11/6, HT Quảng Đức tự thiêu. Chén nước đầy đã tràn, Phật giáo đã quyết tử. Sau HT Quảng Đức còn 6 vị khác - 5 Tăng, 1 Ni - chọn con đường cảnh tỉnh chính quyền bằng tự hi sinh. Cơ đồ nhà Ngô thực sự bị cháy sém vì ánh đuốc tự thiêu nầy.

11. Ngày 16/6, chính quyền hoãn binh bằng cách tổ chức một cuộc họp giữa Phật giáo và chính quyền. Cầm đầu phái đoàn liên bộ của chính quyền là Phó TT Nguyễn ngọc Thơ, trưởng phái đoàn Phật giáo là TT Thiện Minh. Hai bên ký một thỏa ước gọi là Thông Cáo Chung. 

12. Ngày 7/7, ký Thông Cáo Chung xong rồi, chính quyền trở lại con đường đàn áp để dằn mặt Phật giáo. Khởi đầu là đàn áp thành phần đối lập. Phản đối hành động thua me gở bài cào đó, ngày 7/7, kỷ niệm ngày Ngô đình Diệm trở về tham chính, Nhất Linh đã tự tử bằng thuốc độc để "noi gương HT Quảng Đức". Cái chết của Nhất Linh chứng tỏ giữa chính quyền và Phật giáo không còn một trung gian hòa giải chính trị nào nữa cả.

13. Ngày 17/7, Phật giáo chính thức phát động phong trào đòi thực thi Thông Cáo Chung.

14. Ngày 5/8, Phật giáo đưa bằng chứng tố cáo chính quyền đang chuẩn bị triệt hạ phong trào đấu tranh của Phật giáo.

15. Hoa Kỳ thay đổi đại sứ. F. Nolting đi, C. Lodge thế, kèm thêm với hăm dọa cắt viện trợ.

16. Phật giáo gia tăng hoạt động. Biểu tình tuyệt thực tại Chùa Xá Lợi. Đại Đức Thanh Tuệ tự thiêu tại Chùa Phước Duyên Huế ngày 13/8, Ni Cô Diệu Quang tự thiêu tại Ninh Hòa ngày 15/8, TT Tiêu Diêu tự thiêu tại Chùa Từ Đàm ngày 16/8. Giáo chức Trung và Đại Học Huế đồng loạt từ chức ngày 18/8. Sinh viên học sinh rầm rộ xuống đường.

17. Phật giáo Huế chuyển nhục thân của ĐĐ Thanh Tuệ về Từ Đàm. Chính quyền đàn áp ngăn chận. Phật giáo Huế trưng bằng chứng là trong dịp này chính quyền đã dùng quân đội vào các cuộc đàn áp. Hoa Kỳ dựa vào bằng chứng này cắt ngân khoản viện trợ cho Lực Lượng Đặc Biệt, yêu cầu đưa lực lượng này ra khỏi thủ đô và các trung tâm thị tứ, nơi lực lượng này đang chủ động các cuộc đàn áp dưới danh nghĩa Cảnh Sát Chiến Đấu.

18. Đêm 20 rạng 21/8, chính quyền ban hành lệnh giới nghiêm và thi hành kế hoạch Nước Lu,õ đồng loạt tấn công các chùa toàn quốc, hốt hết những thành phần tranh đấu. Ngày 21/8, Phật giáo hoàn thành lời cáo bạch mình là nạn nhân của một "chính sách bất công gian ác" do chính quyền "kỳ thị đàn áp" chủ động. 

19. Ngày 1/11, quân đội với sự đồng ý của Mỹ thực hiện chính biến. Ngô đình Diệm và Ngô đình Nhu thảm tử. Giám Mục Ngô đình Thục, gia đình ông Ngô đình Luyện và Bà Ngô đình Nhu không có mặt trong xứ khi xảy ra chính biến và đã lưu vong. Các con bà được chính quyền cho theo mẹ sau đó. Ngô đình Cẩn vào tị nạn chính trị tại Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Huế nhưng rồi bị giải giao cho chính quyền đưa ra tòa xử tử mấy tháng sau. Chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa cáo chung.

20. Ngày 4.1.1964, các tông phái hiện hành của Phật giáo thông qua Hiến Chương của GHPGVNTN như một tôn giáo của đại khối quần chúng Phật tử. Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng của TT Dương văn Minh tạm thời chấp nhận Hiến Chương nhưng khất lần rằng vấn đề sẽ được giải quyết dứt khoát khi có "quy chế mới về đạo giáo". Dương văn Minh bị Nguyễn Khánh lật đổ. Nguyễn Khánh với tư cách Chủ Tịch Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng kiêm Thủ Tướng Chính Phủ lại cũng chờ "quy chế mới về các Giáo Hội". Phật giáo rục rịch phản ứng. Ngày 14/5/1964 Nguyễn Khánh phải ký Sắc Lệnh 158/SL/CP chính thức thừa nhận Hiến Chương của Phật giáo và ngưng áp dụng Dụ số 10 đối với Phật giáo. Cuộc vận động Phật Đản 63 của Phật giáo hoàn tất.

 botat-Quang DucBo Tat Quang Duc-000Bo Tat Quang Duc-3aBo Tat Quang Duc-5


Phật Giáo Thuần Túy của Những Ông Thầy Cúng

Nếu không có Vụ 63, chuyện gì sẽ xảy ra cho Phật Giáo ? Câu hỏi đó có thể đặt ra một cách khác: Nếu vụ 63 thất bại, chuyện gì sẽ xảy ra? Để có một ý niệm tổng quát về câu hỏi đó, tưởng nên nhớ hai sự kiện sau đây.

Thứ nhất, Miền Nam thời Đệ Nhất Cộng Hòa là một chế độ Ki-Tô giáo trị. Phần mở đầu của Hiến Pháp 26/10/1956 ghi: "Ý thức rằng nước ta ở trên con đường giao thông và di dân quốc tế, dân tộc ta sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưởng tiến bộ để hoàn thành sứ mệnh trước Đấng Tạo Hóa và trước nhân loại... " Nói thế khác, không hề có chuyện tham vọng Ki-Tô hóa thiên hạ của Vatican đã dự phần vào việc mất nước của người Việt, không hề có chuyện dân Việt bị dụ dỗ hay ép uổng theo đạo. Ki-Tô giáo đến vì Việt Nam tình cờ ở trên "đường giao thông và di dân quốc tế". Nhưng đã gặp Ki-Tô giáo rồi thì phải nhận có Đấng Tạo Hóa, phải vâng lệnh Đấng Tạo Hóa. Năm 1960, chính quyền đem cả nước Việt Nam dâng cho Đức Mẹ. Năm 1965, một số tín hữu Ki-Tô giáo biểu tình ở Sài Gòn nói huỵch toẹt "Thà mất nước không thà mất Chúa" và đòi phải ghi ba chữ "Đấng Tối Cao" vào Hiến Pháp.

Thứ hai, số người tân tòng Ki-Tô giáo lên xuống tùy theo hoàn cảnh của đất nước. Hãy lấy một vài ví dụ...

Theo tài liệu của Patrick J.N. Tuck trong quyển French Catholic Missionaries and the Politics of Imperialism in Vietnam, 1857-1914 (Liverpool University Press, 1987, p. 316.) thì trong giáo phận Nam Tonkin năm 1883 số tân tòng là 73.483, đến 1886 số đó chỉ còn 68.000. Giáo phận Bắc Cochinchina 1883: tân tòng 28.597 đến 1886: chỉ còn 18.700. Giáo phận Đông Cochinchina 1883: tân tòng 37.734 đến 1886: chỉ còn 15.000. Thời gian số tân tòng sụt giảm nhất - giai đoạn 1883-1886, chính là thời gian sau Hòa ước Giáp Thân và phong trào Cân Vương Văn Thân bùng lên.

Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, số tân tòng Ki-Tô giáo từ 1957 đến 1967 như sau: 

                  1957 – 1958 : 54.770 nguời 

                  1959 – 1961 : 74.859 nguời  

                  1961 – 1963 : 53.115 nguời 

                  1963 – 1965 : 24.659 nguời  

                  1965 – 1967 : 11.372 nguời  

 

Theo thống kê này, số tân tòng cao nhất là năm 1961, nghĩa là sau khi chính quyền thành công dẹp được vụ binh biến của Nguyễn chánh Thi và chiến dịch truy kích phe đối lập tiếp đó. Số tân tòng thấp nhất là từ sau 1963 cho đến trước khi Nguyễn văn Thiệu độc diễn đắc cử. Ảnh hưởng của chính quyền và Ki-Tô giáo tàn phai thì số tân tòng cũng giảm theo. Điều này giải thích tại sao sau năm 1975, số tân tòng lại sụt một cách nghiêm trọng, cụ thể là năm 1983 chẳng hạn, số tân tòng chỉ còn 3.000. (Vũ văn Mẫu - Sáu Tháng Pháp Nạn 1963, Giao Điển, California 2003)

Như vậy, nếu năm 1963, kế hoạch Nước Lũ-Bravo 1 của chính quyền thành công thì số tân tòng năm ấy hẳn sẽ không phải là 24.659, mà tối thiểu cũng sẽ bằng mức 1961 là 74.859, nghĩa là gấp ba lần. Dẹp xong Phật giáo thì chính quyền sẽ trở thành vô địch - hay hoàn toàn độc quyền Ki-Tô giáo hóa Miền Nam, độc quyền đấu thầu chính trị. Dưới áp lực tôn chính đang thắng thế đó, Phật giáo sẽ dần dần đi vào con đường "thầy cúng", hàng thần lơ láo, và sẽ được chính quyền ưu ái tặng cho danh hiệu mỹ miều là Phật Giáo Thuần Túy.

Đoàn SVPT và sau này có thêm Đoàn Học Sinh Phật Tử, Đoàn Thanh Niên Phật Tử nữa, là những tổ chức sơ sinh thuộc quyền lãnh đạo trực tiếp của Thầy Thiện Minh. Vì thuộc hàng con cháu ngoại chứ không như tổ chức Gia Đình Phật Tử, chúng tôi chỉ tham dự vào biến động Phật Đản 63 khi biến động này đã thực sự xảy ra. Thế nên, thực tình anh em chúng tôi có người không khỏi ngơ ngác trong buổi lễ rước Phật sáng ngày Phật Đản. Từ ngơ ngác đến cuồng nộ khi cuộc thảm sát ở khuôn viên Đài Phát Thanh Huế xảy ra. Với anh chị em chúng tôi, biến động Đài Phát Thanh Huế là điểm bất phản phục, những ai còn ở lại với Chùa sẽ mãi mãi là người-của-Chùa, dù cho vật đổi sao dời. Trước đây, không phải không có những cơ duyên cho tầng lớp trẻ có học nhập cuộc. Hội Khai Trí Tiến Đức, phong trào Đông Du-Duy Tân, khởi nghĩa Yên Báy, đám tang Trần văn Ơn, Phan Bội Châu, Phan chu Trinh... Phong trào tranh đấu của sinh viên học sinh lần này cũng trong truyền thống đó. Khác chăng là lần này, chúng tôi trực diện với chính quyền trong hàng ngũ của một tập thể tôn chính có truyền thống gắn liền với mệnh nước nổi trôi, có cơ sở quần chúng rộng lớn, có một tầng lớp lãnh đạo có quyết tâm và khá nhất trí. Sức thu hút của mấy chữ "sinh viên tranh đấu" có được là nhờ đó. 

Đoàn SVPT được chính thức có mặït trong cuộc rước Phật sáng ngày Phật Đản, nhưng chỗ Hoàng tôi chỉ thực sự "ra quân" lại không phải là Huế mà là Suối Lồ Ồ ở Biên Hòa, nơi có trại huấn luyện Nhân Vị, và kẻ tôi phải gián tiếp đối đầu không phải là Ông Cố Vấn Chỉ Đạo Ngô đình Cẩn mà là Ông Cố Vấn Chính Trị Ngô đình Nhu (Cao huy Thuần - Từø Một Kỷ Niệm Xa). Đã lỡ "ham vui" thì đành ham vui tiếp. Dù là ham vui trong lo sợ, dù là có khi chán nãn ngã lòng, dù là có khi hoang mang hoài nghi, dù là có khi chết lên chết xuống. Cũng có một đôi người bỏ cuộc, thường thì im lặng bỏ cuộc chứ không mấy ai ồn ào phản thệ.Có lẽ vì đã là Phật tử trưởng thành trong lò luyện Phật Đản 63, Mùa Hè 66 rồi thì khó mà mai kia mốt nọ? 

 

Phong Trào Thế Trị 63

Quyết định tối hậu của người Phật tử là vâng theo Tam Bảo, nghĩa là theo nguyên tắc, Phật giảng gì phải nghe, kinh sách viết gì phải theo, các Thầy nói gì phải vâng phục. Nhưng không thể nói phong trào Phật giáo 63 là một cuộc vận động "thuần tuý tôn giáo", theo ý nghĩa đó là một cuộc vận động không có một cập lụy chính trị nào cả. Thầy Thiện Minh đã gián tiếp xác nhận ý nghĩa thế trị đó khi Thầy bảo: ...nếu nói đến việc đấu tranh cho công bình xã hội thì cuộc đấu tranh của Phật giáo không bao giờ chấm dứt. (Quốc Tuệ - Công Cuộc Tranh Đấu của PGVN từ Phật Đản đến cách Mạng, Khánh Anh, Paris tái bản). Bản tâm thế trị của Thầy Thiện Minh thì thật là rõ ràng, và Thầy chính là bộ óc chiến lược. 

Hoàng tôi còn nhớ sau khi lễ Phật Đản sóng gió tại Chùa Từ Đàm kết thúc, Thầy Thiện Minh bảo chúng tôi theo Thầy ra Quảng Trị dự lễ khai mạc trại của GĐPT ngoài đó. Trong chuyến đi, tôi hỏi Thầy cuôïc đấu tranh này sẽ đi về đâu thì Thầy nói như đinh đóng cột: ... không thành thì dẫn nhau về Tây Phương mà ở chơ răng chừ! Trong một dịp khác được hầu Thầy trước khi Phật giáo chuyển địa bàn hoạt động vào Sài Gòn, tôi hỏi Thầy có tiên liệu những hậu quả lâu dài của cuộc đấu tranh này không? Cââu nói của Thầy tôi ghi khắc vào tâm khảm qua lần đó là... đất nước trườc sau rồi cũng phải hòa bình thống nhất chơ có mô như ri mãi... Tôi quyết tâm sống chết với Thầy, và cùng với anh chị em thân thiết sống chết với Phật giáo từ đó. Đó cũng là lúc manh nha trong tôi khẩu hiệu nửa đạo nửa đời: Phục vụ dân tộc trong ánh sáng của đạo pháp và phục vụ đạo pháp trong điều kiện khế hợp của dân tộc. Tôi không hề oán trách Ngô đình Nhu khi ông lên án phong trào đấu tranh của Phật giáo là phản lại tinh thần Ba-La-Mật (Thông Cáo số 3 của Tổng Thủ Lãnh Đoàn Thanh Niên Cộng Hòa). Tôi cũng không hề oán trách chính quyền sau ngày 20/8/1963 - nghĩa là sau khi chính quyền đã nhốt hết Thầy trò chúng tôi vào tù, đã giải thể Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, chính quyền đã lập ra một bình phong bằng cách thêm hai chữ "thuần túy" vào danh hiệu cơ chế đã bị giải thể: Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo Thuần Tuý. Cũng dễ hiểu thôi, vì điều làm cho mọi chính quyền lo ngại không phải là sợ tín đồ của một tôn giáo tham chánh hay sợ phải trị nước bằng những nguyên tắc luân đạo của tôn giáo đó. Điều làm cho mọi chính quyền lo ngại là phải trị nước bằng những mệnh lệnh của một tôn giáo có những tham vọng, những chính sách, những quyền lợi khác với tham vọng, chính sách hay quyền lợi của tập đoàn đương quyền. Vua cho công của xây chùa đúc tượng, nhưng Vua cũng muốn dành quyền đặït tên chùa là Quốc Tự, rồi khánh thành Quốc Tự, phong sư trụ trì là Quốc Sư, cho chùa ruộng đất để sinh sống. Cho nên, giáo quyền càng có nhiều nhu cầu thì càng lệ thuộc thế quyền, càng dễ bị thế quyền khuynh loát. 

Hai câu nói khác cũng bám chặt vào tâm trí tôi trong quá trình nhập cuộc đó là câu nói của Thầy Trí Quang và một của Thầy Tâm Châu. Năm 1964, chúng tôi cùng theo Thầy Trí Quang lên chùa Kim Sơn nhân ngày kỵ Thầy Trí Thuyên. Dịp đó, tôi hỏi Thầy nghĩ sao về Vụ Vịnh Bắc Việt? Thầy bảo: Mỹ chắc sẽ còn làm những chuyện rất "sửu" nữa không lường được. Từ đó, tôi yên lòng về chuyện Thầy bất đắc dĩ phải tị nạn trong Tòa Đại Sứ Mỹ năm 1963, và nhất là yên lòng về lập trường chính trị của Thầy đối với hành động của chính quyền Mỹ ở Việt Nam, để quyết sống chết với Thầy - như trong biến động Phật Đản 63 - nhất là qua biến động quyết tử của Mùa Hè 66 và cuộc đấu tranh chống Sắc Luật 23/67. Cả hai lần, Thầy đều quyết tuyệt thực đến chết trong khi Thầy Thiện Minh bị ám sát hụt đang sống dỡ chết dỡ và anh chị em chúng tôi kẻ tù đày, người đi lính, đứa trốn tránh cắn răng chết lên chết xuống cố bám lấy sự sống.

Năm 1966, khi hay tin Nguyễn cao Kỳ được cử làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, Chùa bảo anh Bùi Tường Huân và tôi vào Sài Gòn thăm dò. Chúng tôi đích thân gặp Nguyễn cao Kỳ. Một vài anh em đã nhận lời hợp tác. Phần tôi, lo nhiều hơn vui, dù trước sau Kỳ vẫn nhận mình là "con cầu tự Chùa Hương". Trở về Huế, đến phi trường Phú Bài tôi gặp Thầy Tâm Châu từ Huế đợi lên máy bay về Sài Gòn. Trong câu chuyện, tôi tìm cách thăm dò ý kiến của Thầy về Nguyễn cao Kỳ... Tôi nhớ mãi lời Thầy dạy: Cậu nên nhớ, cả trăm năm nay, bây giờ mới có một người Bắc làm Thủ Tướng.

      Quyết tâm sống chết của mỗi người có khi chỉ tùy vào một lời nói thoảng. Những lời nói thoảng của Thầy Thiện Minh, Thầy Trí Quang, Thầy Tâm Châu... đủ quyết định việc dấn thân của tôi. Về vật chất danh lợi, thế hệ tranh đấu 63 của chúng tôi, "thua" nhiều hơn "thắng", "lổ" nhiều hơn "lời". Đó là số phần của những kẻ "không giống con giáp nào", những "thành phần thứ ba". Âu cũng là vì cái số tôi vậy, âu cũng vì cái nghiệp của tôi vậy. Chúng tôi cám ơn chùa, cám ơn các Thầy, cám ơn bè bạn bằng cách này hay cách khác đã trợ duyên cho mình chuyển nghiệp, cho mình trả nợ đời. Mã thượng ham vui mà, ham chơi ráng chịu.

 

Âm Hưởng của Biến Động Phật Đản 63 trong Dòng Lịch Sử 40 Năm Qua

Phật giáo Việt Nam hiện đại cựa mình khỏi giấc mơ dài nô lệ mất nước trong thập niên 20.

Ngót ba mươi năm kiên trì nổ lực, đến đầu thập niên 50 Phật giáo mới thực sự hồi sinh thống nhất. Khúc đạo hành "Phật Giáo Việt Nam thống nhất Bắc Nam Trung từ đây" chưa âm vang bao xa, Phật giáo chưa triển khai được tinh thần và ý chí thống nhất đó thì đất nước bị qua phân. Phật giáo Miền Bắc lọt vào vòng cương tỏa xã hội chủ nghĩa nửa Tàu nửa Nga. Miền Nam lọt vào vòng cương tỏa của tư bản chủ nghĩa nửa Mỹ nửa Vatican. Và cả hai miền Nam-Bắc đều lọt vào mê hồn trận Chiến Tranh Lạnh.

Năm 1960, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam hình thành khởi đầu cuộc đối kháng vũ trang. Hai năm sau, Phật giáo tung tối hậu thơ 20/2/62. Hoàng tôi trộm nghĩ, tối hậu thơ này là một thứ tuyên ngôn về lập trường Trung Quán, về "thành phần thứ ba" của Phật giáo, quyết đương đầu với cuồng vọng thống trị tôn giáo, không phụ họa với chủ trương đấu tranh vũ trang, không thỏa hiệp với mưu đồ ý thức hệ, do đó đã gián tiếp "cứu vãn" chính quyền Ngô đình Diệm bằng cách nghiêm khắc cảnh cáo và đòi hỏi chính quyền phải cách mạng xã hội - khởi đầu bằng tự do tư tưởng và bình đẳng tôn giáo. Hoàng tôi có thể sai lầm, nhưng đó là cái nhìn của tôi về Phật giáo trước Phật Đản 1963, cái nhìn đã đẩy tôi đến gần Phật giáo, sống chết với Chùa. Giúp tôi làm người, giúp tôi làm người Việt Nam trong một hoàn cảnh nghiệt ngã đang hăm dọa nhận chìm cả dân tộc vào những oan khiên ủy nhiệm. Mã thượng ham vui, nhưng ham vui một cách - thôi cứ tạm gọi là... có ý thức?

Chính quyền hăm he dằn mặt Phật giáo, chính quyền vấp ngã, và kéo theo quyền tự quyết và chủ quyền mong manh hấp hối của Miền Nam. Là một tôn giáo của đa số dân chúng và với một truyền thống tâm linh xã hội như Phật giáo, thì hoặc Phật giáo chống chính sách của Mỹ ở Việt Nam, hoặc chính quyền Mỹ phải thỏa hiệâp với thế chống đối Ngô đình Diệm của Phật giáo, hoặc phải lợi dụng Phật giáo để thi hành mưu định riêng của Mỹ ở Việt Nam... đàng nào thì chính sách của Mỹ cũng đã "thua" ở Miền Nam từ khi Phật giáo đứng lên. Và chừng nào các chính quyền Miền Nam còn nương tựa vào Mỹ để tồn tại thì Miền Nam cũng "thua" luôn. Ngày 30/4/75 đã thấp thoáng trong ngày 8/5/63, ngày 20/8/63, và ngày 1/11/63! Sức mạnh của Phật giáo là ở chỗ đó, sức mạnh của phong trào tranh đấu 1963 là ở chỗ đó. Sức mạnh của một đại khối quần chúng mà động lực quyết định là hòa hợp hòa giải, thống nhất, tự chủ.

Năm 1964, đêm không ngủ tố cáo dư đảng Cần Lao và những cuộc xuống đường chống Hiến Chương Vũng Tàu của Nguyễn Khánh trong khi Nguyễn Khánh nhái giọng MacNamara hô Bắc Tiến. Năm 1965, xuống đường đòi "quân nhân trở lại chiến trường" và đón chào Thủ Tướng Phan huy Quát. Năm 1966 xuống đường đòi Quốc Hội Lập Hiến và cách mạng xã hội. Năm 1969-70, hội thảo dưới biểu ngữ Hòa Hợp Hòa Giải - Hòa Bình Dân Tộc thay thế cho "độc lập trung lập" đang bị bóp chẹt. Anh chị em sinh viên Phật tử là chủ lực của những phong trào đó, của những cuộc vận động đó. Có lúc họ đi sau, có lúc họ phải đi tiên phong với lý tưởng độc lập quốc gia-hòa bình dân tộc-cách mạng xã hội. Khẩu hiệu đó giúp họ nối kết hai bên người Việt đương chiến, và đồng thời làm cho họ đứng trên hai phe đối chiến. Họ muốn chiến tranh chấm dứt trong hòa bình và độc lập chứ không phải trong sắt máu hận thù thất bại tủi nhục. Chẳng biết vì ham vui hay vì nghiệp nặng, Hoàng tôi đã không tránh thoát con đương đa đoan ấy... kỳ cho đến khi tiếng súng im, quê hương thân yêu thu hồi được thống nhất độc lập và tôi lại trở thành nạn nhân của chủ trương "truy kích địch" quá trớn. Thôi thế cũng đành.

Phải có cái thành công chấm dứt chiến tranh, thu hồi độc lập thống nhất của 30/4/75 thì những người mắc chứng quáng ý thức hệ mới có cơ duyên tỉnh người ra trong tham vọng "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" trên đường cãi tạo xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phật giáo là nạn nhân của cuồng vọng đó.

Phật giáo là nạn nhân của những giáo điều về tôn giáo của chủ nghĩa Marx. Hơn hai mươi năm rồi mà vẫn còn có người của Nhà Nước nghĩ rằng "tư tưởng Phật giáo là duy tâm, chủ quan, bi quan, yếm thế... " (Nguyễn phúc Lai - Côn Sơn Trúc Lâm Tam Tổ, Ban Quản Lý Di Tích Côn Sơn-Kiếp Bạc ấn hành, 1999) thì đủ biết cái chứng quáng gà này chưa phải là hết sạch. Đáng lo hơn nữa là người viết câu này quả thực không chỉ chập choạng lặp lại giáo điều Mác-xít về tôn giáo mà còn lập lại y nguyên quan niệm của Giáo Hoàng John Paul II trong quyển Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng.

Vì độc lập, thống nhất tự quyết, Phật giáo đã đi những bước dài trên đường hòa hợp hòa giải. Phật giáo còn phải đi những bước dài hơn nữa trên đường góp phần xây dựng lại quê hương. Những bước dài tinh tấn và nhẫn nhục, nếu Phật giáo không muốn trở lại cái thời kỳ phải chấp nhận những chính thể không phải của Việt Nam, cho Việt Nam, vì Việt Nam.

Vì đã trân trọng tinh thần Tam Giáo bao đời qua rồi nên Phật giáo không cần đòi hỏi thế đứng quốc giáo độc tôn, không đòi hỏi một chính quyền của Phật giáo, cho Phật giáo, vì Phật giáo. 

Phật giáo cũng không thể mũ ni che tai, lìa xa đường lối Bồ Tát hạnh. Nhưng sơn môn phải cảnh giác tham vọng quốc sư - quốc tự, tham vọng "vừa chăn chiên vừa giữ thành". Sơn môn phải giữ vị thế trọng tài về các chính sách, chủ trương, đường lối và hành động của chính quyền. Và nói đến trọng tài là nói đến tán trợ và đối lập, tán thưởng và phê phán. Chính quyền không chỉ cần tán trợ mà cũng cần những đối lập đích thực nữa. 

Nếu người Phật tử đã lấy tiêu chuẩn "thương người như thể thương thân" và "an bần lạc đạo" để lường mức tu chứng thì cũng phải lấy thành tích chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước, dành lại quyền tự quyết và quyền xây dựng tương lai của dân tộc để phán đoán bất cứ chính quyền nào, bất cứ chế độ nào. Kẻ nào đem lại hòa bình, thống nhất, độc lập và tương lai cho quốc gia thì kẻ đó là một điều ngự trượng phu theo nhãn quan của người Phật tử. Dù cho trên đường vận động cho những mục tiêu đó, kẻ trượng phu có thể vấp phạm những sai trái lỗi lầm đối với đồng bào mình và riêng đối với Phật giáo. Phê phán những lỗi lầm sai trái đó không có nghĩa là đối kháng, triệt hạ, quét sạch, là thà chết còn hơn đội trời chung. Phê phán những lỗi lầm sai trái đó là một trách nhiệm đạo đức, và đồng thời là một nhu cầu thế trị theo quy luật tự do dân chủ. Và một trong những quy luật tất yếu của tự do dân chủ là tôn trọng quyền sống và quyền khác biệt của những kẻ mình đối lập.

Người Phật tử tiên quyết đối kháng những chủ trương hành động xâm lăng của bất cứ thế lực ngoại quốc nào nhưng chỉ đối lậpvới bất cứ chính quyền Việt Nam nào có những vấn đề cần thay đổi, phê phán, sửa sai. Năm 1963, Phật giáo không tiên quyết đòi lật đổ hay triệt hạ Ngô đình Diệm và chỉ tiên quyết đòi cho được bình đẳng tín ngưỡng và công bằng xã hội. Năm 1966, Phật giáo không đòi lật đổ hay triệt hạ Nguyễn văn Thiệu và chỉ tiên quyết đòi chính quyền hợp hiến và hủy bỏ Sắc Luật 23/67 can thiệp vào nội bộ sơn môn và phá nát cơ chế của giáo hội. Sau năm 1975, Phật giáo không đòi lật đổ hay triệt hạ Nhà Nước CHXHCNVN mà chỉ đòi được "bình đẳng" với những người tự do "vô tín ngưỡng", chỉ đòi chính quyền xét lại những quan niệm tốc đoán lỗi thời về tôn giáo, từ bỏ những tham vọng độc thiện, những lo sợ và tham vọng chính trị viễn vông đối với Phật giáo để khỏi phải mất công can thiệp nặng nề vào sinh hoạt Phật sự. 

Phật tử không hề phải lựa chọn giữa tôn giáo với chính quyền, giữa chế độ và tín ngưỡng, không hề phải xót xa lựa chọn thà mất nước không thà mất Phật. Thầy Trí Quang tịnh khẩu đã đành, nhưng những nhân vật chủ chốt khác của Phật giáo như Thầy Thiện Minh, Đôn Hậu, Trí Thủ, Thiện Hoa, Đức Nhuận có một lời nào khuyến thỉnh Phật tử đối kháng hay lật đổ chính quyền để phục hồi hay thăng tiến Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất?

Phật tử không ủng hộ chính quyền như một tín lý, không đối kháng chế độ như một tín điều. Những lời bộc trực của Thầy Quảng Độ xét cho cùng chỉ là cô đơn tức nước vỡ bờ và thiếu thông tin. Bị phát vãng ra Thái Bình rồi được phóng thích và chỉ định cư trú ở Chùa Quán Sứ năm 1992, nếu lúc đó thay vì trở về Thanh Minh Thiền Viện, Thầy cứ ẩn nhẫn bám trụ tại Hà Nội với chiến thuật dĩ tịnh trị động thì Phật giáo Miền Bắc đã có cơ duyên hưởng được bao nhiêu công đức và kinh nghiệm của Thầy. Thầy Tuệ Sĩ một lần nộ khí xung thiên để rồi Phật tử trong ngoài nước phải "đi lạy thiên hạ sói đầu" để Thầy khỏi bị tử hình, chỉ vì Thầy trót quên rằng thầy tu không cầm chuông mỏ thì cầm bút chứ không hô hào bạo động, nhất là với người Việt, nhất là khi đất nước đã hòa bình thống nhất.

Người Phật tử hữu tâm hiếu hoạt luôn luôn cảnh giác cái bẫy "Phật giáo đối kháng thiên hạ chỉ đối lập", cái bẫy "nội chiến giả tạo" hết dậm chân tại chỗ thì lại quay ra chống chính quyền, hết chống chính quyền lại quay ra kèn cựa nhau. Mắc vào cái bẫy ấy tức là tự biến thành những con rối bung xung trong các hoạt động chính trị thời thượng với thân phận bình phong bàn đạp cho những tên ma đầu chính trị núp dưới danh nghĩa phục vụ cộng đồng, phụ quốc, liên tôn, giải trừ pháp nạn, truyền bá chánh pháp, bảo vệ quyền làm người, tuổi trẻ lên đường, tuổi già quyết tử.

Tháng Tư 2003, sau khi rời đất trích Nghĩa Hành ra Hà Nội chữa bệnh thong dong trở về, Thầy Huyền Quang đã nói một câu hết sức đáng chú ý: Cũng "nhờ" chính quyền quản lý Thầy nên hai mươi năm nay Thầy có cơ duyên tu học, đọc sách tụng kinh... Những điều mà trước kia Thầy không có giờ để làm một cách tinh tấn rốt ráo... Từ Hà Nội, Thầy về Huế, thẳng đến Chùa Từ Đàm thắp cho Thầy Thiện Siêu một nén hương thay vì đi lên Chùa Linh Mụ "bái kiến" hương linh Thầy Đôn Hậu là cố Tăng Thống của GHPGVNTN hồi hai, và Thầy Huyền Quang là người thừa kế với tư cách Xử Lý Thường Vụ. Còn phong cách hòa giải “Thống Nhất”-“Quốc Doanh” nào có ý nghĩa hơn thế nữa? Còn hành động chiến lược nào quan trọng hơn thế nữa đối với tiền đồ của Phật giáo Việt Nam ?

 

Nghèo Mà Ham...

Với tư cách là một định chế, Phật giáo không theo đuổi quyền lực, không cần phương tiện để bành trướng nên Phật giáo không nhất thiết cảm thấy nhu cầu phải thỏa hiệp, nhất là những thỏa hiệp phương hại đến việc trì giới, tu chứng và hành thiện độ đời. Chính quyền cần Phật giáo hơn là Phật giáo cần chính quyền. Và chính quyền cũng biết rõ là nếu phải lựa chọn giữa Việt Nam với Pháp, Mỹ, Nga, Trung Hoa, giữa tự chủ và ngoại thuộc, giữa quốc gia và quốc tế, giữa dân tộc và toàn cầu, giữa thanh bình và tao loạn thì đại khối Phật tử sẽ chọn Việt Nam, tự chủ, độc lập, quốc gia, dân tộc, và an bình. Đó là điểm yếu, là thế kẹt của Phật giáo. Phật giáo không thể nói "thà mất nước không thà mất Phật". Vì Phật đã đến Việt Nam là Phật Việt Nam, là Phật tổ Hồng Bàng thị. Cho nên, người con Phật, tại gia cũng như xuất gia phải sống với, sống cho đồng bào con cháu Hồng Bàng từng giờ từng phút.

Đó là cách trả nợ đời, là cách đền cái tội mã thượng ham vui, hay cái tội "nghèo ma ham" như nữ sinh Quách trị Trang bị bắn chết tại bùng binh chợ Bến Thành sáng ngày 25/8, như nữ sinh Mai Tuyết An chặt tay phản đối chính quyền ngày 12/8 tại chùa Xá Lợi bốn mươi năm trước đây. Như Vĩnh Kha, Phan đình Bính, Phan chánh Đông, Huỳnh ngọc Ghênh, Bảo Cương, Trần quang Long, Trần triệu Luật và những anh chị em sinh viên học sinh khác... đang cởi ngựa xem hoa đâu đó trên chín tầng trời Đâu Xuất, với các Thánh tử đạo Tăng Ni, Phật Tử hy sinh tấm thân tứ đại trong chuỗi biến động từ 1963...

 

 

Hoàng Nguyên Nhuận

(Trại Đỗ Quyên, Mùa Phật Đản 2003)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
14/05/2017(Xem: 4308)
20/4 âm lịch hàng năm là ngày giỗ của Bồ Tát Thích Quảng Đức. Nhưng chiều 19, chùa Quán Thế Âm đã tổ chức lễ Tiên thường.Nhằm vào chiều chủ nhật và sáng thứ hai ngày 14/5 và 15/5-2017.
14/05/2017(Xem: 5470)
Sáng ngày 14/5 (19/4 Đinh Dậu), Đại đức Thích Như Hoằng và Tăng chúng chùa Sắc tứ Thiên Tứ (tổ dân phố Mỹ Trạch, phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 54 Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân.
14/05/2017(Xem: 5021)
Sáng ngày 14/5 (19/4 Đinh Dậu), Đại đức Thích Như Hoằng và Tăng chúng chùa Sắc tứ Thiên Tứ (tổ dân phố Mỹ Trạch, phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 54 Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân.
12/05/2017(Xem: 4134)
Phật Đản vừa qua lại đến ngày kỷ niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức, một Thánh Tăng dùng thân mình làm ngọn đuốc thức tỉnh lương tri nhân loại, đánh thức nhà cầm quyền lúc bấy giờ chìm sâu trong vô minh thế lực. Đành rằng, nhà Ngô không hoàn toàn có tội tạo nên cuộc suy vong một thể chế, bởi phía sau, còn nhiều âm mưu, nhiều áp lực tác động từ gia đình đến chính trị bên ngoài.
01/01/2017(Xem: 9495)
Lịch Sinh Hoạt Năm Đinh Dậu 2017 tại Tu Viện Quảng Đức Úc Châu
05/10/2016(Xem: 4934)
Chiều 29-9, tại chùa Cảnh Phước ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã trang trọng diễn ra buổi lễ giới thiệu về Bồ-tát Thích Quảng Đức, sái tịnh, gia trì tôn tượng và nhất tâm tưởng niệm 53 năm ngày HT.Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân năm 1963.
28/07/2016(Xem: 4537)
Nhằm tri ân, báo ân bậc trưởng thượng, vì đạo xả thân, sáng ngày 28-7-2016 (25-6 Bính Thân) tại chùa Đức Hòa – Văn phòng BTS PG thị xã Ninh Hòa, chư tôn đức Ni đã trang nghiêm tổ chức lễ tưởng niệm Thánh tử đạo Thích nữ Diệu Quang cùng chư Thánh tử đạo vị pháp thiêu thân.
04/06/2016(Xem: 9931)
Ngọn lửa sáng ngời cả năm châu Trái tim Bồ Tát rực trời âu Như như bất động ngồi yên lặng Sức mạnh từ bi khắp địa cầu
02/06/2016(Xem: 9588)
Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu qua lời kể của ông Nguyễn Văn Thông
04/02/2016(Xem: 13215)
Di chứng trong ba ngày Đại Lễ: Khánh Thành, Đại Hội Giáo Hội PGVNTN/HN. và Lễ Suy Tôn Đức Đệ tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang tổ chức tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]