Bài mới nhất
Lá cờ chỉ là một miếng vải ba xu
Nguồn: www.quangduc.com
Kỷ Niệm 50 năm Pháp Nạn Lịch Sử 2507 – 3557 (Bài 4)
“LÁ CỜ CHỈ LÀ MỘT MIẾNG VẢI BA XU…”
Đó là lá cờ Phật giáo quốc tế, đồng thời Phật giáo VN cũng dùng làm lá cờ cho Phật giáo nước mình. Tầm vóc và ý nghĩa tự thân lá cờ to lớn như thế nhưng tại sao có người lại cho đó chỉ là miếng vải ba xu ?
Tác giả câu phát ngôn để đời ấy chính là Giám mục Ngô Đình Thục trong buổi nói chuyện với đại diện quân cán chính tại giảng đường Đại Học Văn Khoa Huế sau vụ thảm sát tại Đài Phát Thanh Huế vừa xảy ra. Nguyên văn “Lá cờ chỉ là một miếng vải ba xu có chi mà phải tranh đấu..”
Lần giở lại những trang sử ố vàng nhưng nét mực vẫn luôn còn sáng tỏ, năm 1950 khi Phật giáo Việt Nam là thành viên sáng lập Hội Phật Giáo Thế Giới (Họp tại Colombo ngày 26/5/1950), sau đó nghiễm nhiên là một thành viên Chi bộ Phật giáo Thế Giới hợp pháp đầu tiên của tổ chức mang tính quốc tế này, và Thượng Tọa Tố Liên là trưởng đại diện tại Việt nam, văn phòng đặt tại chùa Quán sứ Hà Nội. Và cũng tại nơi đây, ngày 13/5/1951-tức ngày mùng 8 tháng tư âm lịch- Lễ Phật Đản, chùa Quán sứ thay mặt Phật giáo cả nước, tiên phong kéo lên lá cờ Phật giáo thế giới tung bay phất phới giữa bầu trời Hà Nội .
Không chỉ riêng giới nghiên cứu lịch sử, những ai quan tâm đến sự kiện này đều có chung nhận định rằng sự kiện Pháp nạn năm 63 bắt nguồn từ Dụ số 10 ( Đây chỉ nói đến giai đoạn gọi là độc lập của chính quyền thời ấy, nhất là khi Ngô Đình Diệm mon men ngồi vào ghế Thủ tướng), Phật giáo Việt Nam đã âm thầm nhẫn nại, chịu đựng với nhiều bất công, chèn ép từ phía chính quyền, nhất là từ khi đã hình thành nên khối thống nhất Phật giáo Bắc, Trung, Nam dưới danh xưng Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Từ giai đoạn này trở đi, chùa Từ Đàm Huế như tiếp nối tinh thần Quán Sứ Hà Nội, cùng Chư Tôn ba kỳ (Bắc Trung Nam) lèo lái vận mệnh Phật giáo VN và củng cố tinh thần chấn hưng rạng rỡ.
Thế nhưng sự kham nhẫn ấy dường như đối trước các thế lực u minh là một sự cam chịu, klhuất phục như các quan thầy Phú-lang-sa của họ đã thành công việc đô hộ đất nước này. Vì vậy trước ngày lễ Phật Đản 2507-1963 không xa, các tỉnh thành đều nhận được công điện số 9195 ngày 6/5/63 của Phủ Tổng thống nhắc lại lệnh cấm treo cờ tôn giáo nơi các tư gia cũng như nơi công cộng. Công điện này đến Huế ngày 7/5/63. Tổng Hội Phật giáo VN ngay chiều hôm đó đã họp khẩn, một phái đoàn gồm Chư Tôn giáo phẩm Trưởng Lão được cử đến gặp trực tiếp ông Thị Trưởng kiêm Tỉnh Trưởng Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Đằng với yêu cầu duy nhất: Thu Hồi Công Điện 9195 về việc cấm treo giáo kỳ. Cuộc đấu tranh của PGVN từ lá cờ Phật giáo bắt đầu từ đây(Ảnh Chư Tôn Trưởng Lão Huế xuống đường tuần hành).
Nhà nghiên cứu H.Nguyên Nhuận đã nhận định sự việc này rất tinh tế và chính xác: “Nếu tinh ý chính quyền hẳn thấy quyết tâm của Phật giáo qua hành động xuất tướng bằng phái đoàn Trưởng lão đó để rồi có thể đối phó thức thời và uyển chuyển hơn. Đáng tiếc là chính quyền không chịu nhận thấy điều đó cho nên phái đoàn đại diện Phật giáo chỉ nhận được những giải thích quanh co và những hứa hẹn mơ hồ tự thị. Phần lớn cũng vì uy quyền quốc gia trong chế độ này không nằm trong một hệ thống minh bạch nào cả…” Chỉ cần qua đó lịch sử dễ dàng nhận ra sự kham nhẫn của PGVN là vì sao và tại sao sau đó trong và ngoài nước đều ủng hộ cuộc đấu tranh vô tiền khoáng hậu này của PGVN.
Giọt nước đã tràn ly. Nếu sự kham nhẫn của một lợi ích cá nhân thì ý nghĩa đó là một cách rèn luyện thân tâm ứng phó với nghịch duyên và có thể uyển chuyển theo từng nghiệp dĩ, nhưng với cơ đồ hai ngàn năm PGVN, liên tiếp trải qua nhiều hưng vong, PGVN vẫn luôn là nạn nhân của mọi nghịch duyên, và khi nghịch duyên ấy phát khởi từ một thời đại VĂN MINH TIẾN BỘ cần một sự chung sống trong hòa bình, bình đẳng, thì sự kham nhẫn này là một đại sự cần có lời nhắc nhở. Cho nên cuộc rước Phật ngày lễ Phật Đản năm ấy, với nhiều thủ thuật khôn khéo, những lời nhắc nhở ấy đã được xuất hiện qua các biểu ngữ giăng cao giữa trời đất Thần Kinh, đanh thép mà rất hòa ái:
- Chúng tôi đã đến lúc bị bắt buộc phải tranh đấu cho chủ trương tôn giáo bình đẳng. Chúng tôi không từ chối một hy sinh nào.
- Phản đối chính sách bất công tàn ác.
- Cờ Phật giáo quốc tế không thể bị triệt hạ.
- Phật giáo đồ chỉ ủng hộ chính sách bình đẳng tôn giáo.
- Yêu cầu chính phủ thi hành chính sách tôn giáo bình đẳng.
- Phật giáo đồ nhất trí bảo vệ Chánh Pháp dù phải hy sinh.
Lửa đã cháy, máu đã đổ và không ít sinh mạng Tăng-Ni Phật tử đã hy sinh vì đại cuộc, vì lá cờ chỉ đáng ba xu này. Để sau đó luật Nhân Quả cũng kịp góp phần quyết định cho lẽ phải, một lẽ phải mà công cuộc đấu tranh của PGVN lại chỉ cho rằng Bình Đẳng Tôn Giáo ! Rồi đây hậu thế sẽ thay mặt PGVN nói lên điều đó như lời giáo sư Cao Huy Thuần đã nói, trong một đất nước mà Phật giáo đã trở thành nếp sống không thể thiếu của dân tộc, lại đi đòi quyền bình đẳng tôn giáo, nghe rất trái tai.
Ngày nay, hình dáng lá cờ Phật giáo được no gió tung bay khắp nơi nhưng không phải ai cũng biết đến và trân trọng nó đúng mực để xứng đáng với những gì các bậc tiền nhân ngày ấy đã quên cả thân mình bảo vệ. Có không ít người còn lạ lẫm ngây ngô hỏi “Cờ nước nào vậy?” đã khiến chúng ta phải nghĩ đến và đặt ra câu hỏi với những vị trong vai trò hoằng pháp và văn hóa của Phật giáo thời hưng thịnh bình an.
Đã qua rồi thời kỳ mỗi khi treo cờ Phật giáo lại luôn lo sợ hay bị nhắc nhở, còn lại chỉ là ý thức tự thân mỗi cá nhân, nhất là Phật tử cư sĩ tại gia. Cứ nhìn vào lễ Phật đản hằng năm sẽ thấy, ngoài các chùa, tự viện và chung quanh đó, sẽ rất thất vọng để tìm thấy nhà tư gia nào có treo cờ Phật giáo. Thế nên với chúng tôi mỗi khi nhìn thấy tư gia nào dũng cảm treo cờ Phật giáo thì đó mới chính là người Phật tử tròn đầy ý nghĩa hơn bất kỳ nhản hiệu Phật tử nào.
Lẽ ra những ai còn thờ ơ với việc treo cờ ngày Phật đản mới chính là người lạc lõng, đàng này những ai có treo cờ lại trở nên kẻ lạc lõng giữa những cặp mắt thờ ơ, vô cảm ấy. Chúng ta có biết không, những lúc như vậy họ cô đơn khủng khiếp vì chẳng có ai bên mình, dù chỉ là một lời động viên. Thậm chí họ còn dành dụm, tự bỏ tiền túi ra mua cờ đèn đem biếu không thiên hạ treo mà không được cảm ơn, chỉ nhận lại toàn là sự hồ nghi lẫn cười mỉa! Những việc lớn thì còn hỏi trách nhiệm của hoằng pháp, của văn hóa Phật giáo, nhưng với cá nhân họ chúng ta hãy tự hỏi các đạo hữu Phật tử chung quanh đâu, các Ban đại Diện Phật giáo nơi đó đâu cả rồi?
Nhân đây chúng ta hãy xem tấm ảnh căn nhà của Giáo sư Trần Chung Ngọc (ở Hoa kỳ), không cứ gì đến ngày Phật đản, nhà của vị Giáo sư đáng kính, đáng trân trọng này luôn có treo lá cờ Phật giáo trước ngỏ (ảnh đính kèm của sachhiem.net), để từ đó tự đặt ra cho mình một trách nhiệm cũng như lòng biết ơn với chư Thánh tử đạo và Phật tử mùa Pháp nạn năm 63.
Dương Kinh Thành