Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Làng Mai, ngày em 20 tuổi

10/04/201314:22(Xem: 3646)
Làng Mai, ngày em 20 tuổi


Làng Mai
Ngày em hai mươi tuổi
Thiền Sư Nhất Hạnh

(bài Hồi Tưởng đặc biệt )
---o0o---

Sáu cây tùng lọng

Ngày 28/9/1982 mình tìm ra được Xóm Hạ. Trước khi tìm ra Xóm Hạ thì mình đã tìm ra Xóm Thượng nhưng ông chủ của Xóm Thượng không chịu bán đất. Ông chủ Xóm Thượng có một đứa con trai. Mẹ của người con trai đó muốn ông chồng bán đất của Xóm Thượng để đưa cho người con trai làm vốn. Nhưng ông Dezon, chủ đất của Xóm Thượng, không muốn bán vì ông rất yêu quý miếng đất ấy. Ông không nỡ buông đất ra. Ðiều này mình hiểu vì ông đã từng làm nông dân ở Xóm Thượng lâu ngày rồi. Vì vậy cho nên ông thương quá và không muốn buông ra. Khi đi thăm Xóm Thượng, tôi rất ưng ý vì Xóm Thượng đẹp. Thấy con đường thiền hành ở Xóm Thượng tôi ưng liền, "fall in love" liền ngay khi lúc đầu mới gặp. Nhưng vì ông Dezon chưa chịu bán thành ra mình phải đi tìm một chỗ khác và sau đó mấy ngày mình tìm ra được Xóm Hạ. Nhưng tìm ra được Xóm Hạ rồi mình vẫn còn muốn Xóm Thượng. Vì vậy mình tiếp tục theo đuổi Xóm Thượng. Năm đó có nhiều mưa đá làm cho nho của ông Dezon bị hư hết và ông nổi điên, tăng giá. Tăng giá thật ra không phải là để cho ông có nhiều tiền. Ông tăng giá là để cho mình khỏi mua, và để cho ông khỏi phải bán. Nhưng vì mình ưa quá thành ra dù ông tăng giá mà mình vẫn mua như thường. Vì vậy chúng ta có Xóm Hạ Làng Mai trước rồi sau đó mấy tháng lại có Xóm Thượng Làng Mai.

Vào đầu năm 1983 trên Xóm Thượng chúng ta bắt đầu trồng cây. Những cây đầu tiên là tùng lọng, những cây tùng tỏa phía trên ra như cái lọng, gọi là pin parasol (umbrella pine). Chúng ta đã trồng được sáu cây tùng lọng ngày hôm đó với sự cọng tác của một bác nông dân trong vùng với cái máy đào đất. Ðất Xóm Thượng đào tới đâu là có đá ở đó. Phải có cái máy mới đào được. Ta đã trồng được 6 cây lớn và có bỏ phân bò ở dưới. Ngày hôm ấy trời mưa và mọi người đều ướt nhẹp hết.

Sau khi trồng xong tùng lọng thì tôi ngã bịnh và nằm luôn ba tuần lễ. Trong làng ai cũng lo. May quá, sau đó thì tôi dậy được và bắt đầu ăn cháo. Mình quyết định mở cửa làng ngay năm đó, tức là năm 1983. Mình mua đất vào mùa đông năm 82 và đã mở cửa làng vào mùa hè năm 83. Vì vậy từ mùa đông 82 tới mùa hè 83 thầy trò phải làm việc khá nhiều.

Trước đó mỗi mùa hè thì ta mở cửa ở Phương Vân Am. Phương Vân Am ở miền Ðông Nam của Paris, năm nào cũng mở cửa cho thiền sinh về tu học. Nhưng am nhỏ quá, không tiếp đón được nhiều thiền sinh. Thầy trò đã đi về miền Nam kiếm đất để làm một trung tâm tu học có thể tiếp đón được nhiều người. Lịch sử Phương Vân Am cũng rất hay, nhưng sư cô Chân Không kỳ trước đã nói về Phương Vân Am rồi nên hôm nay tôi khỏi nói. Bài thơ "Ảo hóa" đã được làm ở Phương Vân Am.

Mùa xuân năm 83 mình đã ấn hành một tập sách hướng dẫn gọi là Sổ Tay Của Người Về Làng. Hồi đó không gọi là Làng Mai mà gọi là Làng Hồng tại vì ta còn hoài niệm cái Làng Hồng ở Việt Nam. Làng Hồng là một trung tâm tu học mà Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội và Dòng Tiếp Hiện dự trù thành lập để làm chỗ tu dưỡng cho những người tác viên xã hội. Hồng đây có nghĩa là cây hồng, trái hồng chứ không phải là hoa hồng.

Thật ra trước đó chúng ta đã có Phương Bối Am ở miền cao nguyên Trung phần, ở Blao. Phương Bối Am mà quý vị biết đến nhờ cuốn Nẻo Về Của Ý và các vị từng đọc Fragrant Palm Leaves hay là Feuilles odorantes de Palmier thì đã biết chút ít về Phương Bối Am. Phương Bối Am cũng là một loại Làng Hồng, xuất hiện sớm lắm. Từ những năm 1950, Phương Bối Am đã được thành lập và cũng là một trung tâm tu học. Nhưng vì nó cách thành phố xa quá đi, nên Dòng Tiếp Hiện và trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đã muốn có một làng gần hơn. Khi viết quyển Phép Lạ của Sự Tỉnh Thức tôi cũng đã có nói tới Làng Hồng và tám năm sau thì mình tậu được Xóm Hạ. Mãi tới 8 năm sau điều tiên đoán trong Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức mới được thực hiện và mình có được Làng Hồng.

Mình tính trồng hồng nhưng cuối cùng thì thấy không thực tế nên đã trồng mai. Chúng ta còn khá ngây thơ, nghĩ là nếu trồng nhiều mai (tức là mận) thì đó là một nguồn kinh tế tự túc. Nhưng không phải là nông dân chuyên nghiệp nên ta đã không thành công lắm. Chúng ta đã hưởng hoa mai nhiều hơn là trái mận. Sư cô Chân Ðức đã từng ghi tên học tỉa mận một tuần lễ và sư cô cũng có khả năng tỉa mận. Nếu không tỉa thì mận không thể lớn và không có trái.

Không biết sư cô Chân Ðức còn nhớ nghệ thuật tỉa mận không, nhưng sức của sư cô thì chỉ tỉa được vài chục cây là hết. Ở đây mình lại có tới 1,250 cây mận. Chúng ta bắt đầu trồng mận ngay vào năm đầu của Làng mở cửa, tức là năm 1983. Và trong số những cây mận được trồng đó có những cây được trồng bằng tiền túi của các thiếu nhi về Làng. Các em nghe rằng mận này trong 7 năm sẽ có trái, trái đó sẽ được phơi khô, bán và lấy tiền gởi về cho trẻ em đói ở Việt Nam và những nước nghèo đói. Vì vậy nhiều thiếu nhi đã để dành tiền túi mà trồng cây mận. Hồi đó mỗi cây mận mang tên một em bé Việt Nam hay một em bé ngoại quốc nhưng số lượng các em bé Việt Nam đông hơn. Mỗi em phải có 35 quan Pháp thì mới có thể trồng được một cây mận. Còn nếu không có đủ 35 quan Pháp thì em phải chung vốn với một em khác mới có thể trồng được một cây mận ở Làng Mai, nghĩ rằng cây mận đó là để nuôi trẻ em đói. Và chúng ta đã cố gắng để trồng đủ số 1,250 cây mận. Ðó là con số của tăng đoàn nguyên thủy của Bụt.

Vào tháng 5 năm 83, chúng ta ấn hành tập Sổ Tay Của Người Về Làng bằng tiếng Việt, sau đó mấy tháng ấn hành tập bằng tiếng Anh.

Khóa tu mùa hè gọi là Summer Opening. Mùa hè đầu tiên có 117 thiền sinh về tu học. Trong mùa tu học này chúng ta chưa có thiền lạy, chưa có thi kệ nhật dụng nhưng đã có thiền tọa, thiền hành, thiền trà và tham vấn.

Hồi đó chưa có các thầy các sư cô nên tôi phải hướng dẫn thiền sinh từ đầu tới cuối, từ A tới Z. Từ thiền ngồi qua thiền trà đến thiền hành tôi phải hướng dẫn hết. Tôi phải đi chữa cái lưng của từng người cho thẳng, cái đầu của từng người cho ngay. Hồi đó chưa có cuốn Thiền Hành Yếu Chỉ tức là tập sách viết về phương pháp thiền đi. Trước khi Làng mở cửa đã có một Lá Thư Làng Mai, nhưng hồi đó gọi là Lá Thư Làng Hồng. Lá Thư đó chỉ có 3 trang nhưng đọc cũng vui lắm. Tôi xin đề nghị Tết này mình sẽ photocopy Lá Thư Thứ Nhất, Lá Thư Thứ Hai, Lá Thư Thứ Ba rồi dán lên tường cho mọi người đọc. Các bạn của chúng ta sẽ biết những gì xảy ra trong năm đầu của Làng Mai. Những chi tiết như tôi trồng xong tùng lọng và ngã bệnh nằm luôn ba tuần cũng được ghi chép trong đó.

Mùa thu năm đó có Lá Thư Làng Hồng Số Hai, tường thuật đầy đủ về những gì đã xảy ra trong khóa tu mùa hè. Người ta rất hạnh phúc. Ngay mùa hè đầu tiên mà đã có thiền sinh Tây phương về tu chung với người Việt. Vào mùa hè thứ hai có 232 người về tu, mùa hè thứ ba có 305 người, mùa hè thứ tư có 396 người, mùa hè thứ năm có 452 người, mùa hè thứ sáu 463 người, mùa hè thứ bảy 483 người, mùa hè thứ chín 1030 người. Tới 1996 thì vào mùa hè có 1200 người về. Vào mùa hè 1998 thì 1450 người về Làng tu học. Mùa hè 1999 thì có 1500 người và vào năm 2000 thì số lượng thiền sinh tăng lên 1800. Cố nhiên không phải là 1800 người về Làng một lần, tại vì có người chỉ về hai tuần, có người về ba tuần, có người về một tuần, và có người về luôn bốn tuần. Có người về hơn bốn tuần vì sau khi về bốn tuần thì thấy ưa thích quá, đòi ở lại.

Nói như vậy không có nghĩa là thiền sinh chỉ về mùa hè. Trong các mùa khác cũng có thiền sinh về để tu học. Những năm đầu thì thiền sinh ngoại quốc được ở Xóm Thượng. Thiền sinh gốc Việt Nam và Á châu thì ở Xóm Hạ để được ăn thức ăn quê hương.

Những cây tùng gọi là Cedre Atlantica mà quý vị thấy ở Xóm Thượng cũng được trồng vào năm đầu. Hồi mình trồng thì những cây đó chỉ cao có 1m20 thôi. Những cây đó lên chậm lắm và càng lớn thì chúng càng đẹp. Ba trăm năm thì sẽ rất đẹp. Cedre Atlantica dịch là Tùng Ðại Tây, có hai thứ: một thứ màu lục, một thứ màu lam. Mỗi khi đi thiền hành ở Xóm Thượng chúng ta đều xuất phát từ cây tilleul, cây bồ đề. Qua thiền đường Chuyển Hóa, chúng ta gặp bên tay phải những cây tùng Ðại Tây, những cây Cedre Atlantica. Bây giờ đã đẹp rồi. Mỗi khi đi ngang qua những cây tùng Ðại Tây đó thì tôi hay nghĩ tới các sư chú, các sư cô. Tôi thường hay đứng lại để ca ngợi "sư chú này làm ăn khá quá", tại vì các cây tùng đó lên rất tốt tươi, rất xinh đẹp. Tôi thường nhìn và thấy đó là một sư chú hay một sư cô đang lớn lên rất mạnh khỏe trên đất Làng Mai. Và mỗi khi đi ngang qua chúng ta hay dừng lại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cây tùng ấy. Hai mươi năm qua, bây giờ các cây tùng ấy đã lớn, không còn là những cây tùng nhỏ bé một thước hai như ngày xưa.

Ở Làng Mai cũng có nhiều cái đã lớn như các cây tùng. Không những là các sư cô sư chú đã lớn, các Phật tử cư sĩ đã lớn, mà những pháp môn thực tập của mình cũng lớn. Và những kinh nghiệm học hỏi và thực tập của mình cũng lớn như những cây tùng.

Làng Mai Vô Tướng

Tôi rời đất nước năm 1966, vào tháng năm. Lúc đó chiến tranh Việt Nam đã đi tới mức khủng khiếp. Tôi nghĩ rằng mình phải ra đi để cất lên tiếng kêu gọi hòa bình. Tôi chỉ muốn đi vài tháng thôi rồi về. Lúc đó trường đại học Cornell ở Ithaca mời tôi qua để giảng một loạt bài về tình hình ở Ðông Nam Á. Người đứng ra mời là George Kahin, giáo sư chính trị học ở tại trường Cornell. Tôi đi ra để nói rõ là dân Việt Nam không muốn đánh nhau nữa, chỉ muốn ngồi xuống thương thuyết với nhau để đi tới một giải pháp hòa bình và các cường quốc lớn trên thế giới đừng dùng Việt Nam làm một chỗ để tranh giành ảnh hưởng nữa, đừng sử dụng ý thức hệ cũng như bom đạn trên đất nước nhỏ bé đó.

Trong chuyến đi này, tôi có nhờ một tổ chức hòa bình là Fellowship of Reconciliation, gọi là Hội Thân Hữu Hòa Giải sắp đặt. Ðó là một tổ chức có tính cách tôn giáo và tâm linh, không phải là một tổ chức chính trị. Họ bảo trợ cho tôi để tôi có thể đi khắp nơi trên nước Mỹ và các nước Âu châu và Úc châu để nói lên tiếng nói của những người khao khát hòa bình.

Trong chuyến đi đó tôi đã đi Mỹ, đã đi hầu hết các nước Âu châu và sau đó tôi đi Úc, đi Tân Tây Lan, đi Phi Luật Tân và đi Nhật. Trong quá trình vận động hòa bình này, tôi được báo tin rằng chính quyền Việt Nam không muốn cho tôi về nữa. Vì vậy tôi đã bị lưu đày từ tháng 5 năm 1966 đến bây giờ. Hồi đó, gần như mỗi đêm tôi đều có nằm mơ về nhà. Tất cả bạn bè, học trò và công việc lý tưởng của mình đều ở Việt Nam. Nào là Viện Cao Ðẳng Phật học, Viện Ðại Học Vạn Hạnh, tuần báo Hải Triều Âm, trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, nhà xuất bản Lá Bối, tất cả công việc đó, tất cả học tăng nam và nữ đều ở Việt Nam. Vì vậy không về được Việt Nam tôi rất buồn.

Tôi bị lưu đày vì đã dám cất lên tiếng kêu gọi hòa bình. Trong những giấc mơ tôi thấy tôi đang leo một cái đồi rất xanh, có những cây rất đẹp và có những căn nhà rất xinh xắn. Thường thường leo tới lưng chừng đồi thì tôi tỉnh dậy và nhớ rằng mình đang bị lưu đày. Giấc mơ này cứ lập đi lập lại nhiều lần.

Tôi đi làm việc rất hăng hái. Có khi chỉ ngủ một đêm ở một thành phố, và khi làm việc tại thành phố đó xong thì phải bay đi thành phố khác. Thời gian ngồi trên máy bay là lúc nghỉ ngơi vì xuống máy bay, vào đến phi trường là phải họp báo, phải nói chuyện. Tôi đã đi tới rất nhiều các thành phố lớn ở Âu châu, Mỹ châu, Úc châu. Có lúc thức dậy ở khách sạn, tôi không biết là tôi đang ở đâu. Hồi đó các thành phố ở Âu châu chưa có chùa.

Tổ chức bảo trợ cho tôi là một tổ chức hòa bình có khuynh hướng tôn giáo mà trụ sở đặt ở Newark, New York. Họ lo cho tôi về vấn đề chuyên chở và cư trú, và họ cử một vị phụ tá đi theo. Hồi đó làm gì có phụ tá người Việt nên mỗi khi bị cảm tôi phải nhờ phụ tá người Mỹ cạo gió. Mà phụ tá người Mỹ làm sao biết cạo gió, nên tôi phải huấn luyện cho người đó để anh ta có thể cạo gió được.

Lúc đó tôi đã biết tu tập chánh niệm, biết cố gắng an trú bây giờ và ở đây, cho nên trong mỗi hơi thở, trong mỗi bước chân, tôi đều có thực tập làm quen với cảnh vật và con người ở tại Âu châu. Cây cối ở đây khác, chim chóc khác, hoa cỏ cũng khác và người cũng khác. Tôi phải tập làm quen và chơi với trẻ em ở Âu châu: trẻ em Ðức, trẻ em Pháp, trẻ em Ý; làm bạn không phải với những ông thầy tu đạo Bụt mà làm bạn với những ông mục sư Tin Lành, những ông linh mục Công giáo, và thực tập nhận diện những cái mầu nhiệm của hiện hữu đang có mặt xung quanh mình.

Tôi thực tập rất đàng hoàng và sau đó vào khoảng một năm hay một năm mấy thì giấc mơ kia không trở về nữa. Tôi đã chấp nhận cả trái đất là quê hương của mình. Từ năm 1968 đến 1975 tôi thành lập và hướng dẫn một phái đoàn hòa bình của giáo hội Phật Giáo Việt Nam tại Paris. Cuối năm 68, đầu 69 đã có hội nghị hòa bình tại Paris và khi thăm dò thì biết bộ ngoại giao chính phủ Pháp đồng ý cho mình mở một trụ sở của Phật giáo tại Paris. Nhưng khi mình triệu tập hội nghị Phật giáo Việt Nam tại Paris, mời tất cả các đại diện Phật giáo Việt Nam tại các nước về họp ở Paris thì bộ ngoại giao lại không cho, bộ ngoại giao ép mình phải đem cái hội nghị đó về Fontaienbleau dưới áp lực các phái đoàn Hà Nội, Sài Gòn và Mỹ.

Ban đầu trụ sở của phái đoàn Phật giáo Việt Nam là ở tại Maisons Alfort, ngoại ô Paris. Sau đó, vào tháng 5, 1970 thì mới dời trụ sở đó về Paris, đó là số 11 đường La Gtoutte d'Or ở Paris 18 è. Trước đó tôi đã sáng tác được cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa (Lotus in the Sea of Fire), được xuất bản bằng tiếng Anh, rồi bằng tiếng Ðức, rồi bằng một số các thứ tiếng khác trong đó có tiếng Nhật. Cuốn này cũng được in chui ở Việt Nam nhiều lần.

Sư cô Chân Không hồi đó có giúp vào việc in chui, phát hành chui sách này và bị bắt. Sư cô bị bắt tại Huế vì có trong người một cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa, được xem như tài liệu hòa bình. Cô được chuyển về nhà giam ở Sài Gòn.

Hồi đó tôi cũng sáng tác và gửi về nhà một tập thơ gọi là Tiếng Ðập Cánh Loài Chim Lớn cũng đã được sư cô in chui. Nhà xuất bản ở bên Mỹ cũng có in của tôi một tập thơ gọi là The Cry of Vietnam, in tiếng Anh và sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng khác. Trong thời gian làm việc tại Maisons Alfort tôi có xuất bản cuốn Love in Action và một tập khảo luận gọi là Ðối Thoại Cánh Cửa Hòa Bình, đối thoại giữa những người quốc gia và người cọng sản, (Dialogue, the Key to Vietnam Peace).

Sau đó một thời gian phái đoàn Phật Giáo Việt Nam được dời về thành phố Sceaux, 69 Boulevard des Granges mà số điện thoại là 7.02.67.33. Trong thời gian làm việc tại Sceaux tôi có sáng tác được Vấn Ðề Nhận Thức Trong Duy Thức Học, tôi có viết được Văn Lang Dị Sử, Phép Lạ của Sự Tỉnh Thức, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I.

Trong thời gian đó tôi được nhận vào dạy ở trường Ecole Pratique des Hautes Etudes trong ngành gọi là Science Historique et Philologique (khoa học lịch sử và bác ngữ). Chính trong thời gian giảng dạy đó mà tôi tìm ra được sự thật là Tuệ Trung Thượng Sĩ không phải con của Trần Hưng Ðạo mà là anh ruột của tướng Trần Hưng Ðạo.

Hồi đó tôi cũng viết cuốn Nẻo Vào Thiền Học nhưng không phải bằng tiếng Việt. Nó được một nhà xuất bản ở Paris đặt viết bằng tiếng Pháp, và khi xuất bản tên là "Clés du Zen".

Sau 1975, khi Mỹ rút khỏi Việt Nam và chính quyền miền Bắc nắm hết cả miền Bắc lẫn miền Nam thì tăng thân ở Paris rút về Phương Vân Am. Phương Vân Am cách một giờ rưỡi từ Paris, và là chỗ mà trước đó mỗi cuối tuần mình đều về để tu dưỡng.

Tại Phương Vân Am tôi đã sáng tác được Bưởi, Trái Tim Mặt Trời, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận II và Việt Nam Phật Giáo Sử Luận III. Trong thời gian ở Phương Vân Am này, từ 1975 đến 1982, cho đến khi tìm ra Làng Mai thì tôi, sư cô Chân Không và một số các vị khác trong tăng thân đã tổ chức cứu trợ thuyền nhân, đã thuê ba chiếc tàu, một chiếc tên là Leapdal, một chiếc tên là Roland, và một chiếc tên là Saigon 200 để đi cứu thuyền nhân trên biển. Mục đích của mình là vớt người trên biển để chở một cách bí mật tới các nước như Úc... Lúc ấy trên thuyền của mình đã có 550 thuyền nhân, nhưng sau đó công tác bị lộ, tôi cũng như sư cô Chân Không bị dẫn độ, tức là bị đuổi ra khỏi Tân Gia Ba, vì văn phòng của mình hoạt động bí mật ở Tân Gia Ba. Tân Gia Ba có một chính sách rất không nhân từ đối với thuyền nhân. Mình bị lộ vì các nhà báo đi săn tin, nếu không thì mình đã có thể chở các thuyền nhân đó sang Úc và họ đã được định cư rất sớm. Vì bị phát giác nên các thuyền nhân đó bị giao cho Ủy Ban Tị Nạn của Liên Hiệp Quốc và phải ở trong các trại tị nạn ba năm, bốn năm hoặc năm năm mới có thể đi định cư. Rất tiếc. Trong cuốn Thử Tìm Dấu Chân Trên Cát sư cô Chân Không có kể lại câu chuyện đi cứu trợ thuyền nhân trên biển. Mời quý vị đọc.

Như quý vị đã biết, ở Phương Vân Am, mỗi mùa hè mình cũng mở cửa cho thiền sinh tới tu học nhưng vì cơ sở bé nhỏ quá nên mình mới có ý đi về miền Nam để kiếm một chỗ lớn hơn. Sư cô Chân Không, trước khi rời Việt Nam để qua giúp tôi, đã làm việc với trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội rất đắc lực. Và sư cô Chân Không đã có mặt với tôi bắt đầu từ năm 1968 cho tới bây giờ, đã yểm trợ tất cả công tác về hòa bình, về xã hội của tôi một cách liên tục, không có một giây phút nào ngưng nghỉ, không có một giây phút nào thối chí và muốn bỏ cuộc.

Cố nhiên là tôi có rất nhiều các bạn và các đệ tử khác, nhưng có người đã bỏ cuộc nửa chừng, bởi vì trên đường tranh đấu cho hòa bình, nhân quyền và xây dựng Tăng thân, có rất nhiều hiểm nguy, khó khăn và trở ngại. Có thể là vì có những khó khăn nội tâm hay khó khăn ngoại cảnh mà nhiều người phải bỏ cuộc nhưng sư cô Chân Không đã đi bên tôi từ đầu đến cuối như một chiến hữu, chưa bao giờ có tư tưởng bỏ cuộc nửa chừng.

Tu tập ở VN, chứng đắc ở Tây Phương..

Ở Làng Mai chúng ta có ba hình thức giáo thọ: các vị giáo thọ xuất gia, các vị giáo thọ tại gia và các vị giáo thọ xuất gia danh dự. Tuần sau chúng ta sẽ làm lễ Truyền Ðăng cho một số các vị xuất gia và tại gia. Nếu kể hết số lượng của những vị xuất gia được truyền đăng tại Làng Mai, kể cả những vị sắp được truyền đăng là chúng ta đã truyền đăng cho khoảng 70 vị. Nếu kể cả những vị giáo thọ tại gia thì số lượng các vị đã được truyền đăng và đi giảng dạy các nơi là trên 100 vị. Những vị xuất gia đã được truyền đăng tại Làng Mai và đang giảng dạy tại Việt Nam cũng nhiều. Tại Làng Mai người xuất gia được học những lớp rất dài và rất sâu mà phần lớn nhờ vào những khóa tu mùa đông. Ví dụ như lớp học về "Truyền thống sinh động của đạo Bụt", như là khóa "Thực tập ở Làng Mai" (The practice of Plum Village), khóa "Ðại Tạng Nam Truyền", hay là khóa "Ðại Tạng Bắc Truyền" trong đó có rất nhiều kinh lớn như kinh Duy Ma, kinh Bát Nhã, kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm được giảng dạy. Một số các bài giảng đó đã được làm thành sách để cho những người xuất gia ở Việt Nam được thừa hưởng. Vì vậy cho nên sự học hỏi và tu tập của các vị xuất gia ở Làng Mai cũng đóng góp nhiều cho sự học hỏi và tu tập ở quê hương cũng như ở Âu châu và Mỹ châu.

Khi bắt đầu có đệ tử xuất gia, tôi học hỏi được rất nhiều. Cái liên hệ thầy trò trực tiếp và thường xuyên làm cho tôi thấy được cách giáo dục nào có thể đưa tới sự thành công chắc chắn. Về sự phối hợp giữa giáo lý và hành trì luật nghi ta không thể phân biệt ra được. Trong quá trình dạy dỗ và thực tập thì mình đã sáng tạo ra được những pháp môn rất mầu nhiệm mà những người tại gia và cư sĩ cũng có thể thừa hưởng được. Những quan niệm như tăng thân, tăng nhãn, làm mới, soi sáng, thiền lạy, đệ nhị thân v.v.. là những hoa trái của sự thực tập và học hỏi ở Làng Mai, được sử dụng trong giới xuất gia mà cũng được sử dụng trong giới tại gia nữa.

Sự có mặt của các sư cô sư chú ở Làng Mai đã đem lại cho tôi rất nhiều hạnh phúc. Có lẽ một trong những lý do căn bản là sự dấn thân của họ, sự cam kết dâng hiến cả cuộc đời của họ trong sự tu học và quyết tâm đi trên con đường lý tưởng chung. Ở Làng Mai, các thầy các sư cô đều có nguyện ước sống với nhau như một gia đình, sống mãi mãi với nhau như một gia đình, tu học với nhau và đi làm việc với nhau.

Hạt giống đi xa

Ngày xưa tôi cũng đã từng dạy và đào tạo nhiều lớp tăng sinh, ni sinh nhưng chưa bao giờ tôi có hạnh phúc nhiều như vậy. Vì thầy trò sống với nhau, thực tập với nhau nên mỗi ngày tôi đều kiếm cách để trao truyền tất cả những gì tôi đang có; giống như chiếc lá chuối đầu trao truyền lại cho chiếc lá chuối thứ hai, thứ ba...

Hạnh phúc mà các sư cô, sư chú trao cho tôi rất lớn. Không biết vì lý do gì mà các sư cô sư chú ở Làng Mai người nào cũng xinh đẹp, dễ thương, có con mắt rất sáng, có nụ cười rất tươi. Không biết có phải là vì trước khi đi tu họ đã đẹp sẵn hay nhờ đi tu mà họ đẹp ra? Hay là vì lý do cha mẹ thường thường thấy con mình đẹp hơn con người khác? Nhưng mà sự thật thì tôi thấy các sư cô sư chú Làng Mai rất đẹp, dầu họ gốc Âu châu, Mỹ châu, hay Á châu. Ðiều này quý vị chắc cũng có nhiều người đồng ý với tôi. Xong lễ xuất gia thì đã thấy họ đẹp hơn liền. Mới có mấy giờ đồng hồ sau lễ xuất gia mà thấy mặt mày họ đã rạng rỡ hơn, hai mắt họ đã sáng hơn, miệng cười họ đã tươi hơn. Ðó là do quyết tâm, do giới thể, do sự dấn thân của người tu. Và ngồi với các sư cô sư chú để uống trà, để pháp đàm, để nói chuyện hạnh phúc trong hiện tại và trong tương lai là một trong những chuyện tôi ưa làm nhất. Tôi để thì giờ cho các sư cô sư chú rất nhiều và những giờ đó đem lại cho tôi rất nhiều hạnh phúc. Tôi rất muốn ở trong các chùa của mình có một số các vị cư sĩ cùng thực tập chung với các sư cô sư chú để trở thành một cái cầu bắc ngang giữa những người xuất gia và những người tại gia bên ngoài. Những người đó thực sự đáng gọi là cận sự: rất gần gũi, rất hiểu biết thì mới chuyển được tuệ giác, hạnh phúc của tăng đoàn xuất gia tới tập đoàn của người cư sĩ. Và đó là một trong những lý do khiến cho mình đi tới trên sự phát triển dòng tu Tiếp Hiện.

Trong dòng Tiếp Hiện có rất nhiều người cư sĩ, họ là cư sĩ nhưng không phải như những người cư sĩ khác, họ có 14 giới và 14 giới của họ là một cái cầu nối liền tăng đoàn những người xuất gia với đoàn thể những người cư sĩ. Hiện bây giờ chúng ta đang có những cố gắng thành lập những cọng đồng những người tại gia do những người tại gia hướng dẫn như cọng đồng InterSein bên Ðức do ba vị giáo thọ Ðức hướng dẫn, cọng đồng Clear View ở Santa Barbara Mỹ cũng do hai vị giáo thọ Mỹ hướng dẫn. Chúng ta mong rằng trong những năm tới của thế kỷ 21 sẽ có nhiều tăng thân tại gia như vậy được thành lập khắp nơi trên thế giới do những người Tiếp Hiện tại gia lãnh đạo.

Chúng ta cũng hy vọng rằng có rất nhiều cơ sở, trung tâm thực tập chánh niệm mà không có màu sắc tôn giáo, gọi là Mindfulness Practice Center, được thiết lập ở mỗi thành phố để cho mọi người bất luận tôn giáo nào, chủng tộc nào đều có thể đến để thực tập, cảm thấy thoải mái, cảm thấy mình không cần phải bỏ đạo gốc mà theo một đạo mới.

Thực tập của Làng Mai bây giờ phải vượt khỏi ranh giới của tôn giáo. Ðiều này tôi thấy thật rõ. Trong chuyến đi Trung Quốc vừa rồi, khi gặp Ủy Ban Tôn Giáo Nhà Nước tăng đoàn của mình có tặng cho họ một bức bút pháp có chữ "The Spiritual Dimension" (Chiều Hướng Tâm Linh). Ý của mình muốn nói là Trung Quốc đang phát triển về mọi mặt: kinh tế, giáo dục, nghệ thuật, chính trị, nhưng mà người ta vẫn khổ nếu người ta không có yếu tố tâm linh trong đời sống và hoạt động của mình. Vì vậy yểm trợ cho đạo Bụt để đạo Bụt có thể đóng góp cho phần tâm linh ấy thì sẽ giúp người ta bớt khổ.
(còn tiếp)


---o0o---

Trình bày : Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 6468)
Thực chất phong trào vận động của Phật Giáo Việt Nam năm 1963 là tự vệ. Sự tự vệ của một tín ngưỡng dân tộc trước chánh sách độc tài cố tín về quyền lợi gia đình và tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm. Để thực hiện chánh sách đó, chế độ Ngô Đình Diệm đã đàn áp dã man và khốc liệt tất cả những gì bị xem là trở lực: các tôn giáo không phải là Thiên Chúa Giáo trên đất này. Hòa Hảo, Cao Đài và rồi Phật Giáo Việt Nam.
09/04/2013(Xem: 60004)
Phật giáo tuy là một hiện tượng văn hóa nước ngoài truyền vào nước ta, đã được nhân dân tiếp thu và vận dung vào đời sống dân tộc và đóng một vai trò lịch sử nhất định trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Cho nên nghiên cứu lịch sử dân tộc không thể không nghiên cứu lịch sử Phật giáo. Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã trở thành một bộ môn của lịch sử dân tộc.
09/04/2013(Xem: 5745)
Trong thời Pháp thuộc, vì vận mệnh chung cả nước nhà đang suy đồi, lại bị văn hóa Tây phương và ngoại đạo lấn áp, nên Phật Giáo đối với phần đông dân tộc Việt nam như là một tôn giáo hạ đẳng, phụ thuộc, không có nghĩa lý gì.
09/04/2013(Xem: 10673)
Trong thời Pháp thuộc, vì vận mệnh chung cả nước nhà đang suy đồi, lại bị văn hóa Tây phương và ngoại đạo lấn áp, nên Phật Giáo đối với phần đông dân tộc Việt nam như là một tôn giáo hạ đẳng, phụ thuộc, không có nghĩa lý gì.
09/04/2013(Xem: 22893)
Ngày nay, căn cứ các tài liệu (1) và các lập luận khoa học của nhiều học giả, giới nghiên cứu hầu hết đều đồng ý rằng Đạo Phật đã được truyền vào Việt Nam rất sớm, nhất là từ cuối thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ thứ III Tây Lịch qua hai con đường Hồ Tiêu và Đồng Cỏ.
09/04/2013(Xem: 16898)
Trải qua những đêm dài dường như bất tận của hàng ngàn năm chịu đựng bao thử thách, cay đắng, tủi nhục với thân phận bị đô hộ bởi phương Bắc, dân tộc Việt Nam vẫn là dân tộc Việt Nam, vẫn là con cháu của những vị Anh hùng dân tộc, của những vị Nữ Vương yêu nước, hiên ngang, dũng cảm, quyết tử để bảo vệ tổ quốc, vẫn là con cháu của vua Hùng, vẫn là “con Hồng cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ mồ ông”.
08/04/2013(Xem: 8742)
Đức Phật dạy: “Nước trong bốn biển chỉ có một vị là vị mặn cũng như giáo lý của ta chỉ có một vị là giải thoát”. Mùi vị của nước trăm sông tuy có khác, nhưng chảy về biển cả thì chỉ là một vị mặn. Mục tiêu chính là Đức Phật xuất hiện ở đời là để giúp chúng sanh “chuyển mê thành ngộ” nghĩa là dứt bỏ những mê lầm tà vạy trở về con đường sáng giác ngộ chân lý, giác ngộ chân lý là được giải thoát.
08/04/2013(Xem: 2491)
Đàng Ngoài-Đàng Trong, một giai đoạn bi ai của lịch sử dân tộc Việt Nam. Sự phân chia đất nước kéo dài trên 170 năm với 7 lần hưng binh đánh nhau khiến cho muôn dân đồ thán. Cục diện huynh đệ tương tàn của hai nhà Trịnh -Nguyễn chưa kết thúc thì tiếp đến cuộc chiến tranh nông dân Tây Sơn lại nổi lên.
01/04/2013(Xem: 4748)
Riêng đối với đạo Phật và dòng sử Việt, công nghiệp của Vua Trần Thái Tông thật là to lớn. Ngoài việc in kinh, xây chùa, tô tượng, đúc chuông; về diện văn hóa, Vua đã viết khóa Hư Lục.
28/03/2013(Xem: 4710)
Tam giáo Việt Nam đã có một lịch sử lâu dài, kể từ thế kỷ I, II trở đi, cho nên dễ hiểu vì sao Tam giáo đã có ảnh hưởng sâu sắc không phải chỉ trong tầng lớp trí thức giỏi chữ Hán.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]