Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kiến thiết văn minh Phật giáo VN

10/04/201314:07(Xem: 6994)
Kiến thiết văn minh Phật giáo VN

KIẾN THIẾT VĂN MINH PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Thích Đức Nhuận

Giá trị của một học thuyết là ở chổ kiến thiết được một nền văn minh bằng học thuyết đó. Phật Giáo Việt Nam đã có một thời tạo nên nền văn minh mới cho dân tộc sau một thiên kỷ bị người Tàu cai trị.

Nền văn minh này chẳng những đã chấm dứt nổi cảnh ngoại xâm và nội loạn, mà còn giác ngộ tinh thần dân tộc lại với mình, để tổng hợp cả Tam giáo, thống nhất quốc gia, theo đúng tinh thần Phật. Cho nên, xuyên qua lịch sử văn minh Phật thời Lý - Trần và nhận xét rõ Tinh Thần Nhân Chủ Xã Hội Của Phật Giáo, tất nhiên ta đã có thể hình dung ra nổi một nền văn minh Phật tương lai như thế nào. Vì nền văn minh ấy, xưa cũng như nay, đều bắt nguồn ở tinh thần Phật, để xây dựng một xã hội có Nhân Đạo, có Tự Do, Hạnh Phúc cho tất cả mọi người, mọi giống, dù theo Phật Giáo hay không theo Phật Giáo.

Để chứng minh thêm cho nền văn minh Phật vốn thực là như thế nào, trước hết cần phải có một quan niệm về văn minh cho thật đúng nghĩa, để sau khi vào hành động có thể tránh khỏi những đổ vỡ trong công cuộc kiến thiết, làm giảm giá trị của nền văn minh Phật như đã được nói đến ở những phần trên.

1. QUAN NIỆM VỀ MÔT NỀN VĂN MINH ĐÚNG NGHĨA

Hai tiếng ‘Văn Minh’ đã được đem diễn tả từ đông sang tây, coi như hai loại khác nhau: Văn minh Đông phương và văn minh Tây phương. Rồi nhỏ nhặt hơn nữa, là chia ra nhiều nền văn minh riêng của từng địa phương, như: văn minh Hy Lạp, văn minh Ấn Độ, văn minh Trung Hoa, văn minh Việt Nam v.v... Nếu quan niệm văn minh như vậy thì chỉ có thể nhìn thấy một góc cạnh của nền văn minh toàn diện mà thôi. Thí dụ khi nói tới văn minh Đông phương thì chỉ coi nó có giá trị về mặt tinh thần đạo đức nhiều hơn về mặt tiến bộ vật chất. Còn nếu nói tới văn minh Tây phương thì trần truồng chỉ có giá trị tiến bộ về vật chất hơn về tinh thần đạo đức.

Mà sự thật lại là như vậy. Vì từ khi nền văn minh Âu Châu tiến bộ thì lịch sử nhân loại, đã thấy diễn ra những gì qua hai cuộc thế chiến và lịch sử nhân loại đã không nói lên được những tiếng nói đẹp đẽ nào bên cạnh tiếng kêu hò diệt chủng, áp bức, thống trị các giống da đỏ, da đen, da vàng dưới gót sắt của bọn thống trị?

Lại nữa, nếu lại quan niệm rằng: văn minh chỉ là hưng thịnh của một quốc gia dân tộc, theo địa phương chủ nghĩa, thì tức là đã đề cao chủ trương ăn cướp của bọn phong kiến thực dân, qua tinh thần chủng tộc đó. Ví thử tự hỏi xem văn minh Trung Hoa đã có được những giá trị gì, ngoài cái tinh thần tự túc tự mãn của người Hán, trong việc diệc chủng ở bốn chung quanh, từ xưa tới nay? Ấy là chưa kể đến những nề văn minh khác ở bên trời Âu, như tinh thần cách mạng 1789 của Pháp, tinh thần dân chủ của Anh, tinh thần quốc xã của Đức v.v... tất cả đều vẫn chỉ là những thứ văn minh ấy, kẻ chiến thắng nếu tự cho mình là văn minh khi kẻ gieo rắc ánh sàng của văn minh cho kẻ khác, thì ‘kẻ khác’ - là bao nhiêu dân tộc chiến bại kia - lại nhìn ‘cái gọi là văn minh của kẻ chiến thắng nọ’ là dã man hết chỗ nói.

Người Việt đã cảm thấy điều đó, qua cột đồng Mã Viện của văn minh Trung Hoa, qua máy đoạn đầu dài ‘guillotine’ của văn minh Pháp quốc. Cho nên người Việt đã mất hết tin tưởng vào những thứ văn minh nọ ngoài tin thần văn minh của Phật. Vì đạo Phật không đến với mọi người bằng thế lực của ngoại xâm, đạo Phật không đội lốt thống trị của một ngoại ban nào. Đạo Phật chẳng hề chủ trương giác ngộ Phật tâm và Phật tính của mỗi con người, ở mỗi giai cấp, ở mỗi dân tộc để cùng sống và giúp tiến hóa lẫn nhau, hầu xây dựng một xã hội có lý tưởng nhân đạo, có lập trường Nhân Chủ, có ý thức nhân sinh thôi. Đó là quan niệm văn minh của Phật Giáo vậy.

Vì thế, nói văn minh Phật Giáo không có nghĩa là nói riêng đến tinh thần đạo đức Á Đông suông thôi, rồi không nhấn vào tiến bộ khoa học, vào giải pháp áo cơm cho chúng sinh; hoặc không có nghĩa là quá thiên về văn minh vật chất Tây phương kiểu xâm lược dã man. Bởi đạo Phật lấy giác ngộ của con người để giải thoát Luân Hồi, cải tạo Tự Nhiên và cải tạo Nhân Sinh thì không có một thứ tiến bộ kỹ thuật khoa học nào lại đuổi kịp được, không một thứ đạo đức nào có thể bì kịp khi Phật lấy ‘񯠣ơm làm lành đạo cả’ (y, bát), khi Phật lấy sự bình đẳng về màu da, tiếng nói, về chủng tộc quyền lợi, ngụ trong câu: ‘Nhất nhất chúng sanh đều bình đẳng’.

Rồi thử tự hỏi xem: những tiến bộ về khoa học của các cường quốc trong cuộc chinh phục không gian đã làm thay đổi được những gì quan trọng trong ba nghìn nghìn thế giới, và đã thay đổi được những gì ngoài mọi khổ não do thiên nhiên tạo ra: sinh, lão, bệnh, tử, nắng, mưa, gió, rét của cõi vô thường.

Rồi lại tự hỏi xem: nhân loại đã tự giác ngộ để tiến bộ đến những bước nào, trong thập pháp giới của Phật, đến như bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc cũng còn phải bổ túc bằng Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, mà nhân loại cũng vẫn chưa có ‘Nhân Quyền’ chưa có hòa bình, và vẫn cứ bị đe dọa thường xuyên.

Nhìn sang bức màng sắt, hàng ngũ Quốc tế đại đồng của thế giới cộng sản cũng càng ngày càng đổ vỡ vì tinh thần địa phương của mỗi quốc gia dân tộc đang nổi dậy. Phải chăng đó là một thất bại của chủ trương văn minh kiểu Marxism: đã không giải quyết nổi vấn đề quyền lợi sống còn của chủng tộc, lại thiếu tinh thần giác ngộ của Nhân Chủ, trong việc xây dựng lý tưởng người? Nên cái nền tảng học thuyết bắt nguồn từ triết lý Duy Vật quả là không xây dựng nổi một nền văn minh nhân loại toàn diện.

Còn nhìn về bên này bức rào thưa của Thế Giới Tự Do thì các cường quốc vẫn cứ mâu thuẫn nhau vì quyền lợi, vẫn chưa ý thức được xem vai trò lịch sử tiến hóa của nhân loại phải đi về đâu; và các nhược tiểu thì dù có giác ngộ chân lý Phật, có muốn xây dựng một nền văn minh Phật, nhưng cũng vẫn còn cứ bị cản trở bởi tất cả những cái gì là thiếu thông cảm, là thiếu giác ngộ của các cường quốc? Nên thật là chưa có cơ xây dựng nổi một xã hội lý tưởng chung cũng như riêng, theo ý muốn của nhân loại đang khắc khoải hoang mang.

Nói tóm lại, nhân loại vẫn còn phải chờ sự giác ngộ về một quan niệm văn minh đúng nghĩa, như văn minh Phật, mới có thể giải thoát khỏi những bế tắc của lịch sử, những mâu thuẫn chiến tranh, hầu mang lại hòa bình, hạnh phúc và con người đang mong mỏi, đợi chờ.

2. CHỦ TRƯƠNG KIẾN THIẾT VĂN MINH PHẬT

Sau khi đã ý thức được thế nào là một nền văn minh đúng nghĩa theo tin thần đạo Phật, không méo mó theo riêng góc cạnh vật chất hay tinh thần, địa phương hay suốt mặt thì người Phật tử mới có đủ căn bản giác ngộ để chủ trương xây dựng một nền văn minh mới.

Mà xây dựng như thế nào đây?

a) Xây dựng văn minh Phật không phải chỉ là việc đưa Phật Giáo ra nắm chính quyền, như một số chính khách lầm tưởng, theo kiểu ‘tranh quyền cướp nước’ của thứ chính trị thiển cận. Vì căn bản kiến thiết văn minh Phật là ở sự giác ngộ lý tưởng Phật, chứ không ở sự tranh đoạt chính quyền.

b) Xây dựng văn minh Phật cũng không phải là tìm cách tiêu diệt tất cả mọi nề văn minh khác, mọi gốc tôn giáo khác, rồi để biến mình trở thành một chính thể độc tài, một tôn giáo độc tôn. Vì hành động như vậy là phản lại tinh thần văn minh Phật: điểm này đã được Phật Giáo Việt chứng minh, qua Triều Lý với chủ trương Tam Giáo Đồng Lưu, để vừa phát huy tinh thần Phật, vừa giúp đỡ ngoại đạo, hòng cùng sống và giúp tiến, theo luật Nhân Quả Biện Chứng, nghĩa là ‘không có Cái Này thì chẳng có Cái Kia; cũng như Cái Này có thì Cái Kia cũng có; cả hai’, ‘Cái Này và Cái Kia đều hỗ tương nhau mà sinh sinh hóa hóa’. Chính vì lẽ sống còn cùng nhau đó mà chính quyền nhà Lý, tuy mang danh là chính quyền của Phật Giáo do Phật Giáo tạo nên, bởi bàn tay của các vị Thượng Tọa nhưng trên thực tế vẫn là chính quyền của toàn dân. Cho nên có thể nói sự phồn thịnh của Nho Giáo, từ nhà Trần về sau, cũng bắt nguồn từ nhà Lý vậy. Vì chính Phật Giáo Triều Lý đã khởi xướng nên việc xây Văn Miếu thời đức Khổng Tử, họa hình Thất Thập Nhị Hiền, và mở khoa thi Tam Giáo. Rồi cũng chính Phật Giáo Lý - Trần đã khai sinh ra vị Trạng Nguyên đầu tiên của nước Việt, là Nguyễn Văn Thịnh, dù ông này sau có phạm tội phản quốc mà nhà Lý cũng không nỡ khép vào tử tội.

c) Xây dựng văn minh Phật lại cũng không phải là việc cất nên nhiều chùa chiền, bày ra nhiều lễ nghi để mê hoặc nhân tâm, để rồi biến đạo Phật thành một thứ tôn giáo, như mọi tôn giáo tà mị đã thấy trong xã hội loài người. Sau hết, dù Phật giáo cũng chia rẽ hai ngả Đạo và Đời, dù Phật Giáo cũng đã mang ít nhiều hình thức của một tôn giáo, nhưng đó chỉ là một khía cạnh hay là một phương tiện dể dẫn dụ người ta đi tới chỗ giác ngộ giáo lý thôi.

Để chứng minh cho những nhận xét trên, lịch sử Phật Giáo cũng đã có ghi những sự việc, như chuyện một vị sư Trung Hoa khi đắc đạo đã đem chẻ tượng Phật trong chùa ra dùng làm củi đun bếp rồi lý luận rằng: ‘Khi chưa giác ngộ đạo thì phải lấy tượng Phật làm tượng trưng; còn khi đã giác ngộ rồi thì Phật ở trong lòng mình, đâu còn ở pho tượng gỗ kia nữa mà không bỏ đi?’

Xây dựng văn minh Phật là giác ngộ Phật tính ở ngay trong lòng mình, để xây dựng một lý tưởng. Trong xã hội lý tưởng đó, con người làm chủ lấy mình, và làm chủ cả vũ trụ, không có ai làm chúa loài người hết, Phật cũng không còn cần cứu độ ai nữa: Chúng sanh đã biết tự cứu lấy mình, theo phương châm chỉ đạo của Phật, hay của bất cứ một phương tiện nào khác, miễn sao con người có thể đạt tới chân ý nghĩa của nền văn minh Phật Giáo.

3. XÃ HÔI LÝ TƯỞNG VĂN MINH PHẬT

Ở hai phần trên đã thấy rõ quan niệm về một nền văn minh đúng nghĩa và về một chủ trương Kiến Thiết Văn Minh Phật Giáo, để sau này có thể ý thức rõ xã hội lý tưởng văn minh Phật mà nhân loại phải đi tới.

a) Giác ngộ lập trường người để tranh đãu với vũ trụ, hầu giải thoát cho con người khỏi khổ não bởi tự nhiên, đồng thời biến cải và lợi dụng những luật tắc của tự nhiên để giúp ích cho đời sống người, đó là chủ trương của Phật Giáo để giải cho con người thoát kiếp luân hồi theo về ngả Đạo. Nhưng cũng còn là chủ trương đem bộ óc và bàn tay của con người vào việc chinh phục vũ trụ ở ngả Đời, như các nhà khoa học đang tiến tới. Vì chỉ có phương pháp tranh đãu với vũ trụ để giải thoát cho con người khỏi bị thiên nhiên chi phối như thế mới giúp cho con người tiến tới cõi hạnh phúc. Điều đáng tiếc hận cho nhân loại từ trước tới nay là không mang sự giác ngộ tư tưởng, không đem phát minh khoa học ra chinh phục vũ trụ, giúp ích cho đờI sống con người mà chỉ nghĩ tới việc tiêu diệc lẫn nhau để sống một cách tối vô nhân đạo. Nên để noi theo công việc khám phá vũ trụ để tìm tới Ba nghìn nghìn thế giới của chư Phật, mãi đến nay nhân loại mới toan tính đến công cuộc chinh phục không gian và tìm cách lên nguyệt cầu. Như vậy quả là Đức Phật đi trước nhân loại về quan niệm chinh phục vũ trụ kể từ 2500 năm về trước, và không biếc bao nhiêu năm về mai hậu nữa. Chúng ta tự hỏi, có lý thuyết nào, có tôn giáo nào thấy trước và thấy rõ, thấy đúng như Đức Phật để đặt mình ngang với Ngài chăng? Chính vì chủ trương giác ngộ của con người để chinh phục vũ trụ, giải thoát nhân sinh, mà người ta quyết nghĩ rằng: Đạo Phật là khoa học tối cao về cả hai mặt viễn kiến và thực chứng. Đối với người Phật Giáo Việt ta hiện nay tuy chưa tiến bộ bằng người về khoa học chinh phục không gian, nhưng với sự giác ngộ tinh thần Nhân Chủ để xây dựng một nền triết học Duy Nhân tưởng như thế cũng đủ hơn người trong cuộc chiến tranh ý thức hệ Duy Tâm và Duy Vật hiện tại rồi.

Chỉ có nền triết học Duy Nhân mới đưa con ngườI thoát khỏi những ấu trĩ của hai ý thức hệ Tâm-Vật, hầu mang lại hòa bình hạnh phúc cho nhân loại mà thôi.

b) Giác ngộ lập trường dân tộc để hỗ tương sinh hoạt xã hội:

Mỗi dân tộc có một nguồn gốc khác nhau, màu da, tiếng nói khác nhau. Cũng như mọi tư tưởng phát sinh cũng do chỗ khác biệt về hoàn cảnh đó mà biến thái. Nên khi chung sống với nhau thường phát sinh mâu thuẩn tư tưởng, kỳ thị nhau về chủng tộc, đánh giá trị nhau về trình độ tiến hóa hay lạc hậu, để rồi xâm lược nhau ở trên tất cả mọi địa hạt.

Điển hình cho sự xâm lược toàn diện này, có thể lấy ngay xã hộI Việt làm thí dụ. Vì mảnh đất bé nhỏ này đã chứa đựng bao trào lưu tư tưởng Đông Tây Kim Cổ, và đã chịu bao nhiêu phen thống trị ngoại bang, nhưng nhờ có căn bản tư tưởng Việt vững, lập trường dân tộc Việt bền, nên chúng ta không bị mất nguồn gốc, mất nòi giống mà còn có thể hỗ tương với các nguồn tư tưởng khác, dân tộc khác để sống tới ngày nay. Chủ trương Hỗ Tương Sinh Hoạt này có thể chia làm hai thời kỳ:

Thời Thứ Nhất, là sau nạn Bắc thuộc gần một nghìn năm đô hộ, dân tộc Việt lấy lại quyền Tự Chủ, nhưng lòng người chia rẽ bởi ý thức hệ mới xâm nhập: Lão, Phật và Khổng, nên không thể nào thống nhất để tự cường được. Mãi đến đời nhà Lý Phật Giáo mới đứng ra làm công việc hỗ tương sinh hoạt cộng đồng Tam Giáo, để mở cho nước Việt một thời đại mới.

Thời thứ hai, là xã hội hiện tại thì người Việc được hấp thụ thêm văn hóa quốc tế, từ bốn phương mang lại, nhưng vì chưa dung hòa kỹ nên mới sinh ra nhiều mâu thuẫn về tôn giáo và đảng phái giai cấp, tranh dành nhau, chẳng khác gì thời Thập Nhị Sứ Quân xưa. Tình trạng này chỉ có thể ổn định được nhờ phương pháp Hỗ Tương Sinh Hoạt của Phật Giáo (như đã nói trong phần Nhân quả Biện Chứng). Điểm đáng tiếc trong việc áp dụng phương pháp Hỗ Tương Sinh Hoạt của Phật Giáo là ở chỗ Phật Giáo, sau ngày cách mạng 1-11-1963, đã bị tinh thần dân tộc thúc đẩy quá mạnh, khiếm một số người ngộ nhận là Phật Giáo chủ trương tôn giáo độc tôn. Thêm vào đó là những mặc cảm tầm thường của người đời cho rằng: Phật Giáo chủ trương làm chính trị. Nên vội đưa ra những hành động phá hoại lẫn nhau, khiến Phật Giáo vì đó mà chịu điều khen chê không đúng sự thật. Nhưng nếu hiểu rõ chủ trương Hỗ Tương Sinh Hoạt của Phật Giáo ở thời kỳ thứ nhất trên, tất phải tin tưởng rằng: Phật Giáo vẫn còn mang một sứ mệnh trong công cuộc thống nhất dân tộc về góp phần giải quyết hòa bình cho nhân loại ở tương lai. Mà lại không phải vì Phật Giáo hay vì một lẽ riêng tư gì hết, ngoài lẽ sống còn của con người.

c) Giác ngộ tình thương của con người để giải quyết hòa bình nhân loại:

Nhân loại chiến tranh vì Tham, Sân , Si. Vì chính cái bệnh tham sân si đó đã tạo ra những nghiệp quả luân hồi, hết thế hệ này qua thế hệ khác.

Hậu quả của hai cuộc thế chiến vừa qua như thế nào, nhân loại hãy còn sợ hãi chưa quên. Nhưng muốn giải quyết hòa bình tất không thể giác ngộ nhân đạo, lấy tình thương ra giải quyết mọi mâu thuẫn như: tiêu diệt, thống trị, áp bức, bóc lột lẫn nhau. Mà đích ra là phải thay vào đó bằng những công nghiệp đại nhân, đại nghĩa là các việc giúp đỡ lẫn nhau để cùng sống và giúp tiến. Có thế thì nhân loại mới mong có hòa bình được. Một triết gia kiêm chính trị gia Việt X, Y. Lý Đông A cũng đã nói: ‘Nhân loại chiến tranh không phải vì văn minh quá, hay ngu xuẩn quá, mà vì dưới đáy tầng thế giới còn nhiều áp bức quá. Những áp bức đó dần dần lớn lên, gây thành những cuộc chiến tranh quy mô hơn nữa. Cho nên sau chiến tranh người ta vẫn lo sợ còn có những cuộc chiến tranh khác tiếp theo v.v...’. Đấy là tất cả những nguyên nhân phát sinh ra chiến tranh và cũng là nguyên nhân để giải quyết hòa bình.

Nhân loại hiện đang đứng trước cửa ngõ của một cuộc chiến tranh mới có pha màu sắc về tư tưởng, và nhân loại cũng đang tìm biện pháp tránh chiến tranh đó. Vì cuộc thế chiến thứ ba kia sẽ không còn kẻ thắng người bại: Tất cả thế giới loài người sẽ bị tiêu diệt bởi nguyên tử lực, do các cường quốc chế tạo sẵn, dù chưa dám đem ra để tự sát, Nếu nhân loại không sớm giác ngộ tình thương, nếu các cường quốc còn cứ coi nhược tiểu là một mối lợi riêng tư để tranh chấp nhau, để kéo dài chiến tranh ra mãi thì, chính các cường quốc sẽ bị suy yếu, trước khi nhược tiểu sẽ bị tiêu diệt.

Chúng ta tự hỏi xem: Ai có thể cứu được nhân loại thoát khỏi họa chiến tranh? Ngoài sự giác ngộ tình thương của nhân loại để tự cứu lấy nhân loại thì còn biết trong mong vào ai!

d) Giác ngộ lẽ công bằng xã hội, trong việc xây dựng lại xã hội:

Theo lẽ tự nhiên, về mặt vật lý, cái gì thiên lệch mất thăng bằng tất phải đổ vỡ. Cho nên, về mặt xã hội cũng vậy, muốn tránh đổ vỡ cần phải thực hiện lẽ công bằng. Đức Phật dạy: ‘Nhất nhất chúng sanh đều bình đẳng’. Vậy mà con người đã không sớm giác ngộ nguyên tắc bình đẳng đầu tiên của xã hội là bình đảng giữa chúng sinh, nghĩa là không thiên lệch rồi cho phép chủng tộc, giai cấp hay cá nhân nào được ăn trên ngồi trốc dân tộc khác giai cấp khác hay cá nhân khác.

Chủ nghĩa phong kiến đề cao tộc đảng bị đào thải! Chủ nghĩa tư bản cá nhân cũng đang bị biến thể! Chủ nghĩa cộng sản đề cao giai cấp vô sản cũng đang đi đến chỗ hủy diệt; chủ nghĩa dân tộc độc tôn để lãnh đạo cả thế giới loài người cũng không còn lý do tồn tại nữa. Tất cả đều thiên lệch và phi nhân, trái với lẽ công bằng nên quốc gia loạn, quốc tế cũng loạn. Loạn mãi cho đến khi nào tất cả mọi chủ nghĩa thiên lệch đều không còn tồn tại trong xã hội loài người được nữa. Đành rằng xã hội loài người kết hợp từ cá nhân đến giai cấp và từ quốc gia dân tộc đến thế giới loài người, nhưng không thể ‘ chỉ biết có mình, không biết có người’ mà có thể yên được. Cho nên, lẽ sống hợp lý nhất của nhân loại vẫn là ở chỗ ‘Bình’ và cùng hỗ tương nhau cùng sống và tiến mãi. Có như thế mới không còn lo có tai họa chiến tranh nào xảy ra tới cho loài người nữa.

e) Giác ngộ nội tâm mỗi con người Phật:

‘Xã hội chi phối cả mọi người, nhưng trái lại, ý chí của mọi người cũng có thể cải biến được xã hội’. Nguyên tắc này rất hợp với tinh thần ‘Tự giác và giác tha’ của nhà Phật. Vì sự giác ngộ của mỗi người, về Phật tính, sẽ gây ảnh hưởng tốt cho người khác, chủ nghĩa dù hay đến đâu nhưng khi mang thi hành mà người không hay sẽ đi đến thất bại. Đó là một nguyên tắc giác ngộ của Phật giáo hằng chủ trương: Trước hết phải lấy giác ngộ nội tâm rồi sau mới tới giác ngộ xã hội.

Tóm lại, việc Kiến Thiết Văn Minh Phật Giáo phải làm bằng tất cả mọi phương châm chỉ đạo đúng đắn nhất, không thiên lệch méo mó như người đời thường lầm tưởng. Nền văn minh đó, nếu thực hiện được thì sẽ là một nền văn minh riêng của nhân loại, chứ không phải văn minh riêng của Phật Giáo. Và ngay cả Đạo Phật cũng không còn là Đạo Phật như giới hạn ngày nay.

Vì Phật là tất cả cái gì Toàn Thiện, Toàn Chân, Toàn Mỹ của thế giới loài người xưa, nay và mai hậu.


---o0o---

Trình bày : Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 5026)
Chùa Xá Lợi là một danh lam ở thành phố Hồ Chí Minh, có kiến trúc hiện đại mà vẫn mang sắc thái văn hóa dân tộc, đây là một kiến trúc mang nét đặc thù của đất Sài Gòn, và là một điểm thắng tích mang dấu ấn của cuộc đấu tranh lịch sử của Phật giáo đồ chống chế độ độc tài Ngô Đình Diệm kỳ thị và đàn áp tôn giáo. Hơn thế nữa, nơi đây là địa điểm hình thành nên những cột mốc lịch sử của tiến trình thống nhất Phật giáo Việt Nam, từ khi ngôi chùa mới được thành lập cho đến sau ngày Phật giáo được thực sự thống nhất toàn diện.
10/04/2013(Xem: 4422)
Bạn có biết ! đâu chỉ có Mécca là thánh địa mà mọi người Hồi giáo đều mơ ước hành hương một lần trong đời. Người Phật giáo, không chỉ mơ ước được hành hương về chốn "tứ động tâm" (Đản sinh – Thành đạo – chuyển Pháp luân – nhập Niết bàn), mà các đệ tử của Ngái ở xứ An Nam còn muốn noi gương Đường Tăng Trần Huyền Trang thân hành đến đất Phật để học hỏi, nghiên tầm và tu tập ngay chính nơi đức Bổn sư ghi dấu tích.
10/04/2013(Xem: 5008)
Học viện Phật giáo Việt nam tại TP HCM toạ lạc số 716, Nguyễn Kiệm, Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh. Đây là một cơ sở giáo dục cấp đại học Giáo hội Phật giáo Việt Nam ( Học viện PG Việt Nam tại Hà Nội, Học viện PG Việt Nam tại Tp Huế), được thành lập từ ngày 25 tháng 02 năm 1982 theo nghị quyết phiên họp thứ nhất của Ban thường trực Hội đồng trị sự Trung Ương và theo quyết định 0160/ QĐ ngày 17 tháng 03 năm 1983 của Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh.
10/04/2013(Xem: 4499)
Giữa thế kỷ thứ VII và thứ X Phật giáo Việt nam đã là chủ đề thi vịnh cho một số nhà thơ Trung Quốc, như đã cảm nhận và vang dội trong tâm hồn họ. Thế mà những bài thơ đó đã không bao giờ được những cuốn sử nước ta – Phật giáo hay không Phật giáo – kể tới, cho tới lúc Lê Quý Đôn tìm thấy và ghi lại trong Kiến Văn Tiếu Lục , quyển 9 tờ 13a4-b9. Cho đến nay, chỉ có bốn bài thơ xướng họa do Lê Quý Đôn và những người sau như Thích Mật Thể trích dẫn trong Việt nam Phật giáo Sử lược, nhưng không những các tác giả này đã không ghi nhận đầy đủ vì còn có thêm tối thiểu là ba bài nữa, mà còn chứa đựng nhiều sai lầm và thất lạc đáng tiếc.
10/04/2013(Xem: 5812)
Khi đề cập đến báo Phật giáo các nhà nghiên cứu lịch sử báo chí đều lấy mốc thời gian thập niên 30-45 làm khởi điểm và phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam làm nền cho hoạt động của báo chí Phật giáo trong giai đoạn mà giáo lý của Đức Phật được những nhà nghiên cứu quan tâm tranh luận trên diễn đàn ngôn luận. Có thể nói báo Phật giáo chỉ xuất hiện trong giai đoạn cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh...
10/04/2013(Xem: 4560)
Năm 1920 phong trào chấn hưng Phật giáo khởi phát tại Trung Quốc do Thái Hư Đại sư lãnh đạo, rồi lan tỏa đến một số nước lân cận trong đó có Việt Nam. Từ những ảnh hưởng đó các Hội Nghiên cứu Phật học, Hội Phật giáo, các Phật học đường, các tổ chức xã hội từ thiện ra đời và An Nam Phật học tại Huế được thành lập. Hội chú trọng việc giáo dục cho tầng lớp thế hệ thanh thiếu niên. Xuất phát từ đó năm 1940 các lớp dạy về Phật học, Khổng học, Lão học dành cho thanh thiếu niên tân học cũng được Bác sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám mở ra hướng dẫn, sau đó lớp học này trở thành đoàn thanh niên Phật học Đức Dục.
10/04/2013(Xem: 6101)
Du nhập là đi vào hay truyền vào. Đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ những năm đầu Tây lịch, khi nước ta lúc bấy giờ gọi là Giao Chỉ, còn bị nước Trung Hoa đô hộ. Nhưng Đạo Phật hội nhập vào nền văn hóa Việt Nam là cả một quá trình kéo dài mãi cho đến ngày nay, và vẫn tiếp tục chừng nào mà đạo Phật còn tồn tại trên đất nước này. Đó là sự hòa mình của Đạo Phật, với tư thế là một luồng văn hóa ngoại lai vào nền văn hóa của dân tộc Việt Nam. Có thể nói, đó là quá trình Đạo Phật dần dần được bản địa hóa, Việt Nam, biến thành một phần của cơ thể văn hóa và xã hội văn hóa Việt Nam.
10/04/2013(Xem: 5214)
Văn chương bình dân-nhất là ca dao, là một cuộn phim ghi lại những sinh hoạt hàng ngày, những tư tưởng, tình cảm diễn biến qua nhiều thời kỳ của nhân dân, một cách trung thực và đầy đủ nhất. Nói rằng ca dao là một tấm gương lớn phản ánh lại nét mặt của mọi người trong cuộc sống với nhiều khía cạnh, cũng là một ví dụ khá chính xác. Bởi vì, hơn đâu hết, văn chương bình dân, là một loại văn hiện thực chân xác: Văn tức là người. Văn chương bình dân được sản sinh, lưu truyền lại, cũng chính nhờ yếu tố có liên hệ máu thịt với đời sống của tất cả mọi người, được mọi người chấp nhận và giữ gìn.
10/04/2013(Xem: 5962)
Mới đây, Nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin cùng cư sĩ Võ Văn Tường hợp tác với Công ty Tin học Tin Việt (là một công ty chuyên phát triển phần mềm multimedia, có khả năng cung cấp những dữ liệu thông tin trên máy vi tính cá nhân bằng hình ảnh, âm thanh và phim video) để sản xuất "cuốn sách điện tử" với tựa đề NHỮNG NGÔI CHÙA NỒI TIẾNG VIỆT NAM qua ba ngôn ngữ Việt Anh và Pháp nằm gọn trên một đĩaCD–ROM.
10/04/2013(Xem: 8498)
Chùa Đậu vốn là Thành Đạo Tự nằm ở cuối làng Gia-Phúc xã Nguyễn Trãi huyện Thường Tín tỉnh Hà Tây, cách Hà-Nội 21 km về phía Nam. Chùa có 5 tên gọi : 1. THÀNH ĐẠO TỰ 2. PHÁP VŨ TỰ 3. CHÙA VUA 4. CHÙA BÀ 5. CHÙA ĐẬU
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]