Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nhà doanh điền Bùi Tấn Diên, tiền hiền làng Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam

19/06/201821:00(Xem: 5037)
Nhà doanh điền Bùi Tấn Diên, tiền hiền làng Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam

images1400040_2A

Nhà doanh điền Bùi Tấn Diên, tiền hiền làng Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam

Châu Yến Loan

 

Tộc Bùi ở làng Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên là một dòng tộc lớn vang danh trong nước không những vì “của nhiều người đông” mà còn vì có lắm nhân tài ở mọi lãnh vực với những tên tuổi chói sáng như nhà báo Bùi Thế Mĩ, bác sĩ Bùi Kiến Tín, thi hào Bùi Giáng, nhà giáo Bùi Tấn v.v… Vị thủy tổ của đại tộc này chính là nhà doanh điền Bùi Tấn Diên, Tiền hiền làng Vĩnh Trinh.

 

Bùi Tấn Diên quê ở Nghệ An, cho đến nay vẫn không rõ ông sinh và mất năm nào, chỉ biết ông sống vào khoảng nửa cuối thế kỷ XV dưới triều Lê Thánh Tông. Ông đã theo đoàn quân Nam tiến của vua Lê vào Quảng Nam, khai phá vùng đất mới thu phục, lập ra làng Vĩnh Trinh.

 

Huyện Duy Xuyên, trước có tên là huyện Hy Giang thuộc phủ Thăng Hoa nguyên là đất Chiêm động của Chiêm Thành.

 

Thời nhà Hồ, sau khi lên ngôi năm 1402 Hồ Hán Thương đã đem đại binh vượt qua Hải Vân đánh thắng quân Chiêm, chiếm Chiêm Động và Cổ Lũy mở rộng biên cương đến Quảng Ngãi. Nhà Hồ chia hai động này thành 4 châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt An phủ sứ và Phó sứ lộ Thăng Hoa để cai trị. Họ Hồ hạ lệnh cho dân không có ruộng ở Nghệ An, Thuận Hóa đem vợ con vào ở để khai khẩn, dân ấy phải thích hai chữ tên châu mình trên cánh tay cho khỏi bỏ trốn. Những người có trâu đem nộp thì được ban phẩm tước để lấy trâu cấp phát cho dân cày.

 

Nhưng chủ trương di dân của nhà Hồ không được lâu dài, chỉ 4,5 năm sau quân Minh nấp dưới chiêu bài phù Trần diệt Hồ sang đánh nước ta, Chiêm Thành nhân cơ hội đó cấu kết với quân Minh lấy lại đất ấy và phần lớn những di dân người Việt vào đây đã phải theo Nguyễn Lỗ trở về Thuận Hóa.

Sau khi chiếm lại Chiêm Động và Cổ Lũy, quân Chiêm đánh ra Thuận Hóa. Từ thời Lê Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ II (1444 ) cho đến thời Lê Thánh Tông quân Chiêm đã 4 lần đem quân đánh phá Hoá châu vào các năm Giáp Tý (1444), Ất Sửu (1445), Kỷ Sửu (1469), Canh Dần (1470).

 

Vì thế năm Canh Dần (1470) vua Lê Thánh Tông lại kéo quân qua Hải Vân, tiến thẳng vào kinh đô Trà Bàn đánh quân Chiêm.

 

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tháng 8 năm Canh Dần, Hồng Đức năm thứ nhất (1470) vua Chiêm Thành là Bàn La Trà Toàn đem 10 vạn quân và một đoàn kỵ binh tấn công châu Hóa. Thủ ngữ Kinh lược sứ Thuận Hoá là Phạm Văn Hiển không chống nổi bèn dồn hết dân vào thành để cố thủ và cấp báo về triều đình. Trước tình hình đó, vua Lê Thánh Tông phải xuống chiếu thân chinh. Ngày 6 tháng 11 năm Canh Dần (1470) bắt đầu xuất quân. Vua sai Chinh lỗ tướng quân Lân Quận Công  Đinh Liệt, Phó tướng Kỳ Quận Công Lê Niệm đem 10 vạn thủy quân đi trước, ngày Canh Dần 16 tháng 11 vua đốc suất 15 vạn thủy quân đi tiếp theo.

 

Ngày mồng 2 tháng giêng năm Tân Mão (1471) vua vào tới Thuận Hóa cho quân ra biển tập thủy chiến rồi sai viên quan ở Thuận Hóa là Nguyễn Vũ vẽ bản đồ của Chiêm Thành dâng lên cho vua.

 

Ngày mồng 6, đội quân của Tướng Cang Viễn tấn công phòng tuyến Cu Đê tại phía nam đèo Hải Vân bắt sống tướng Chiêm giữ cửa quan Cu Đê là Bồng Nga Sa.

 

Ngày mồng 5 tháng 2, Trà Toàn sai tướng đem 5.000 quân và voi tiến sát quân của vua, ngay hôm sau vua mật sai đem 500 chiếc thuyền cùng 3 vạn quân tinh nhuệ ban đêm ra cửa Áp (nay là cửa Đại Áp thuộc thị xã Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam) và cửa Tọa (nay là cửa Tiểu Áp, cách Đại Áp hơn 7 dặm) vượt biển tiến vào Sa Kỳ (thuộc huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi) dựng lũy, đắp thành chặn đường về của giặc.

 

Ngày mồng 7, vua thân đem 1.000 chiếc thuyền chiến với hơn 70 vạn quân tinh nhuệ ra hai cửa biển Tân Áp và Cựu Tọa, kéo cờ hiệu thiên tử đánh trống hò reo tiến đi, mặt khác sai Nguyễn Đức Trung dẫn bộ binh đi đường núi. Tướng giặc trông thấy quân của vua, tự tan vỡ, giày xéo lên nhau chạy về Trà Bàn bị quân ta chặn đường đánh, quân Chiêm thất bại chết rất nhiều.

Ngày 27 vua thân đem đại quân đánh phá thành Thị Nại, ngày 28 vây thành Trà Bàn. Ngày 1 tháng 3 năm Tân Mão (1471), hạ thành Trà Bàn, ta  bắt sống vua Chiêm là Trà Toàn đưa về nước.

 

Sau khi Trà Toàn bị bắt, tướng Chiêm là Bô Trì Trì chạy đến Phiên Lung (tức là Phan Rang ngày nay), giữ lấy đất ấy, xưng là vua Chiêm Thành. Trì Trì lấy được 1 phần 5 đất của nước Chiêm, sai sứ sang xưng thần tiến cống. Vua phong cho làm vương, Vua lại phong cho Hoa Anh (có lẽ là khoảng giữa Đèo Cả và Bình Định) và Nam Bàn (Ở về phía tây núi Thạch Bi, sau này là Thủy Xá, Hỏa Xá. Nam Bàn có lẽ là miền Buôn Mê Thuộc và Công Tum), làm ba nước, để ràng buộc.

 

Công cuộc bình Chiêm thắng lợi, vua đổi Thăng Châu, Hoa Châu thành ba huyện Hà Đông, Hy Giang và Lê Giang thuộc phủ Thăng Hoa; Tư Châu , Nghĩa Châu thành ba huyện Bình Sơn, Nghĩa Giang và Mộ Hoa, thuộc phủ Tư Nghĩa. Chia đất cũ của Chiêm Thành là Đồ Bàn thành ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, thuộc phủ Hoài Nhơn, đặt ba phủ rồi đưa tù nhân ba loại bị tội đồ tới đây để làm “đầy biên giới “ (thực biên ) (nguyên chú -Thơ chữ Hán Lê Thánh Tông-Viện nghiên cứu Hán Nôm ).

 

Ngày mồng 1 tháng 5 năm Tân Mão(1471), làm lễ mừng thắng trận. Với chiến thắng này, nhà vua không những  thực hiện được ý định khôi phục bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, chấm dứt nạn binh đao, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân, mà còn mở rộng biên cương đến miền Vijaya, tức là phủ Hoài Nhơn (ngày nay là Bình Định ).

 

Tháng 6 năm 1471, vua Lê Thánh Tông lấy ba phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn lập thành đạo thứ mười ba là Quảng Nam Thừa tuyên đạo, sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt, đúng như mục đích xuất chinh mà nhà vua đã nói trong câu thơ :

                              “ Hỗn nhất thư xa cộng bức quyên”

đặt chức Án Sát ở 12 thừa tuyên và đặt 3 ty (Đô ty, Thừa ty, Hiến ty) ở Quảng Nam. Danh xưng Quảng Nam ra đời từ lúc ấy. Đạo Thừa tuyên Quảng Nam thống lãnh 3 phủ, 9 huyện (Phủ Thăng Hoa 3 huyện: Lê Giang, Hy Giang và Hà Đông. Phủ Tư Nghĩa 3 huyện: Nghĩa Sơn, Bình Sơn và Mộ Hoa. Phủ Hoài Nhơn 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn), địa bàn từ Quảng Nam đến hết Bình Định ngày nay.

 

Mất các đồng bằng Nam, Nghĩa, Bình Định là những vùng đất rộng rãi, phì nhiêu nhất, Chiêm Thành phải lui về những miền đất khô khan ở phía nam nên từ đây họ đã bước vào con đường suy vong.

 

Khác với lần di dân trước dưới thời nhà Hồ, lần này khi di dân ta đến người Chiêm không rời bỏ quê hương ra đi vì họ biết rằng đất đai phía nam không màu mỡ bằng nơi mình đang sinh sống và họ cũng không còn hy vọng lấy lại đất đã mất nên chấp nhận lệ thuộc ta .

Cuộc di dân dưới thời Lê Thánh Tông vô cùng quan trọng vì nó vĩnh viễn, người dân yên ổn làm ăn không còn nơm nớp lo sợ người Chiêm đến cướp phá như ở Thuận Hóa trước kia.

 

Trong chiến dịch này, từ đất Hoan Châu (Nghệ An), Bùi Tấn Diên theo đoàn quân nam tiến của vua Lê Thánh Tông giữ nhiệm vụ vừa đồn thủ vừa khai phá những vùng đất mới thu phục được.

 

Sau khi lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam, vua Lê Thánh Tông đã giao cho Phạm Nhữ Tăng cai quản vùng đất biên cương mới mở của Đại Việt với chức Quảng Nam thừa tuyên Đô thống, Thái Úy Trình quốc công Nguyễn Đức Trung làm Đô Ty thừa tuyên Quảng Nam và cử các tướng Nguyễn văn Lang, Lê Tấn Triều, Lê Tấn Trung là những vị tướng tài ba đã từng theo vua bình Chiêm, ở lại khai hoang lập ấp, di dân đến sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất mới này. Bùi Tấn Diên và con trai là Bùi Tấn Trường đã ở lại bờ nam của sông Thu Bồn cùng với đoàn di dân trải qua bao gian khổ khai khẩn đất đai lập nên 6 thôn: Lệ Trạch, Vĩnh Trinh, Thanh Châu, Cổ Tháp, Cù bàn, An Lâm.

 

Trong bài Hoài niệm tổ tiên, ông Bùi Tấn đã viết về lịch sử mở đất của tổ tiên mình

                                                         …… “. BÙI GIA gốc ở NGHỆ AN,

HOAN CHÂU tên cũ, mộ phần còn ghi.

Vào đời HỒNG ĐỨC, HẬU LÊ,

Rời quê, THỈ TỔ quản gì gian truân.

Tôn xưng ngài bằng Đại lang,

TẤN DIÊN tên húy, lên đường cùng con.

Kể chi vượt suối trèo non,

Màn trời chiếu đất hao mòn xiết bao !

Sông Gianh rộng, Hải Vân cao,

Đá mềm chân cứng lần vào QUẢNG NAM.

Bến hiền thuyền đậu quyết tâm,

THĂNG BA, LA THÁP khéo cầm chân ai.

Lần thâu tháng rộng ngày dài,

Cùng chư Tộc khác ra tài khẩn hoang.

Sáu thôn phân định lân bàng,

VĨNH TRINH, LỆ TRẠCH, CÙ BÀN tiếp sau.

AN LÂM, CỔ THÁP, THANH CHÂU,

Lục thôn tự sở bắt đầu tạo chung”….

                          (Bùi Tấn, Hoài niệm tổ tiên)

Bùi Tấn Diên là một trong hai vị Tiền Hiền của hai tộc Bùi và Đào đã sáng lập ra làng Vĩnh Trinh. Bài văn tế quốc văn đọc trong lễ khánh thành từ đường Bùi tộc ngày 20 tháng 2 năm 1992 ở Duy Xuyên cũng có đoạn kể lại con đường lập nghiệp nhiều gian nan và những thành quả lớn lao mà ông đã đóng góp cho huyện Duy Xuyên:

“Theo đoàn Nam tiến, dưới thuở Hậu Lê;

Từ đất Hoan châu chính nơi cựu thổ 

Trên đường lập nghiệp, khi băng ngàn, khi vượt suối, xiết nỗi gian lao;

Đến chốn định cư, có đất rộng, có khe trong, thuận bề quy tụ.

Xây đình mở chợ, đống lương góp sức, Lục châu tự sở, bia cũ từng ghi ;

Đắp đập khai hoang, kiến thiết ra công, xã hiệu Bình Khương , tên xưa từ đó.

Ngay khi mới lập ra làng xã, Bùi Tấn Diên và Bùi Tấn Trường cùng cư dân Lục thôn đã dựng Đình Châu để làm nơi sinh hoạt chung của 6 thôn. Ban đầu đình dựng bằng tranh, lâu năm bị hư hỏng đến năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754) mới được tái thiết và dựng bia kỷ niệm.

Bài minh khắc trên bia đá dựng vào tháng 10 năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754) để kỷ niệm công cuộc trùng tu Đình Châu – đình Lục thôn – có đoạn ca ngợi sự đóng góp lớn lao của Bùi Tấn Trường trong công cuộc xây dựng đình làng:

Thiết duy: Bổn châu tiền đợi Cai phủ Khánh sơn hầu Bùi Quý công cấu tạo công đình. Địa linh nhân kiệt, đại chấn châu lý chi phong, cận duyệt viễn lai, hội vi nhật trung chi thị, trách trách hưu thanh, chí kim vị mẫn giã. Nhiên nhi mao từ thảo sáng, tuế viễn niên yên, suy chuyên vị miễn đồi hoại, tắc tuy di chỉ thượng tồn, nhi điện vũ đại bất như sơ. Tư dục tái khoách tiền quy, dĩ chiêu thần đức. Đệ niệm Bổn châu lịch niên đồ thán, vật lực duy nan. An đắc nhất như Bùi Quý công giả, tái vi thạnh cử tai !...

Qua đoạn bi ký này, ta có thể hiểu đại cương là:

“Nguyên châu chúng ta ngày trước có Ngài Cai phủ Khánh sơn hầu Bùi Quý công cấu tạo đình sở. Đất linh, người giỏi, tiếng đồn vang khắp châu thôn. Người gần lấy làm hài lòng, kẻ xa rủ nhau kéo đến, họp thành chợ đông vào lúc ban trưa, đến nay chưa ai quên vậy. Nhưng đình tranh dựng đã lâu năm, rui mè không khỏi mục nát; nền móng còn đấy, nhưng chánh điện không được như xưa. Nay muốn trùng tu lại để phát huy công đức của Thần linh. Song mấy năm gần đây, châu chúng ta làm ăn khó khăn, vật lực khan hiếm. Giá được một vị hảo tâm như Ngài Bùi Quý công ngày trước thì quý hóa và đáng được ca ngợi biết bao!”(Trích theo gia phả Bùi tộc Vĩnh Trinh).

Trong Cung lục gia phả họ Bùi ở Duy Xuyên cũng ghi:

“Ngài thủy tổ Bùi Đại lang, húy Tấn Diên, ngày xưa từ Hoan Châu, Nghệ An vào Thăng Hoa phủ, Ba Châu thuộc, sinh ra ngài Cao cao tổ Bùi Quí công, húy Tấn Trường khai khẩn ra xã hiệu Bình Khương và rạng rỡ thay! phúc ấm dồi dào, đời đời kế tiếp.

Đến triều Gia Long, xã hiệu Bình Khương đổi thành Bình Thuận. Gần đây, xã hiệu Bình Thuận lại được đổi thành Vĩnh Trinh. Sự nghiệp của ông cha ta ngày xưa không phải là không to tát.”

 Bùi Tấn Diên không những đã có công lớn trong sự nghiệp khai khẩn, mở mang huyện Duy Xuyên, biến vùng đất biên cương mới thu phục thành làng mạc trù phú mà ông còn là thủy tổ của một dòng tộc có lắm nhân tài thành công trên nhiều lãnh vực.

 

                                                                   

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 6455)
Thực chất phong trào vận động của Phật Giáo Việt Nam năm 1963 là tự vệ. Sự tự vệ của một tín ngưỡng dân tộc trước chánh sách độc tài cố tín về quyền lợi gia đình và tôn giáo của chế độ Ngô Đình Diệm. Để thực hiện chánh sách đó, chế độ Ngô Đình Diệm đã đàn áp dã man và khốc liệt tất cả những gì bị xem là trở lực: các tôn giáo không phải là Thiên Chúa Giáo trên đất này. Hòa Hảo, Cao Đài và rồi Phật Giáo Việt Nam.
09/04/2013(Xem: 59835)
Phật giáo tuy là một hiện tượng văn hóa nước ngoài truyền vào nước ta, đã được nhân dân tiếp thu và vận dung vào đời sống dân tộc và đóng một vai trò lịch sử nhất định trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Cho nên nghiên cứu lịch sử dân tộc không thể không nghiên cứu lịch sử Phật giáo. Lịch sử Phật giáo Việt Nam đã trở thành một bộ môn của lịch sử dân tộc.
09/04/2013(Xem: 5738)
Trong thời Pháp thuộc, vì vận mệnh chung cả nước nhà đang suy đồi, lại bị văn hóa Tây phương và ngoại đạo lấn áp, nên Phật Giáo đối với phần đông dân tộc Việt nam như là một tôn giáo hạ đẳng, phụ thuộc, không có nghĩa lý gì.
09/04/2013(Xem: 10646)
Trong thời Pháp thuộc, vì vận mệnh chung cả nước nhà đang suy đồi, lại bị văn hóa Tây phương và ngoại đạo lấn áp, nên Phật Giáo đối với phần đông dân tộc Việt nam như là một tôn giáo hạ đẳng, phụ thuộc, không có nghĩa lý gì.
09/04/2013(Xem: 22770)
Ngày nay, căn cứ các tài liệu (1) và các lập luận khoa học của nhiều học giả, giới nghiên cứu hầu hết đều đồng ý rằng Đạo Phật đã được truyền vào Việt Nam rất sớm, nhất là từ cuối thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ thứ III Tây Lịch qua hai con đường Hồ Tiêu và Đồng Cỏ.
09/04/2013(Xem: 16770)
Trải qua những đêm dài dường như bất tận của hàng ngàn năm chịu đựng bao thử thách, cay đắng, tủi nhục với thân phận bị đô hộ bởi phương Bắc, dân tộc Việt Nam vẫn là dân tộc Việt Nam, vẫn là con cháu của những vị Anh hùng dân tộc, của những vị Nữ Vương yêu nước, hiên ngang, dũng cảm, quyết tử để bảo vệ tổ quốc, vẫn là con cháu của vua Hùng, vẫn là “con Hồng cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ mồ ông”.
08/04/2013(Xem: 8676)
Đức Phật dạy: “Nước trong bốn biển chỉ có một vị là vị mặn cũng như giáo lý của ta chỉ có một vị là giải thoát”. Mùi vị của nước trăm sông tuy có khác, nhưng chảy về biển cả thì chỉ là một vị mặn. Mục tiêu chính là Đức Phật xuất hiện ở đời là để giúp chúng sanh “chuyển mê thành ngộ” nghĩa là dứt bỏ những mê lầm tà vạy trở về con đường sáng giác ngộ chân lý, giác ngộ chân lý là được giải thoát.
08/04/2013(Xem: 2481)
Đàng Ngoài-Đàng Trong, một giai đoạn bi ai của lịch sử dân tộc Việt Nam. Sự phân chia đất nước kéo dài trên 170 năm với 7 lần hưng binh đánh nhau khiến cho muôn dân đồ thán. Cục diện huynh đệ tương tàn của hai nhà Trịnh -Nguyễn chưa kết thúc thì tiếp đến cuộc chiến tranh nông dân Tây Sơn lại nổi lên.
01/04/2013(Xem: 4733)
Riêng đối với đạo Phật và dòng sử Việt, công nghiệp của Vua Trần Thái Tông thật là to lớn. Ngoài việc in kinh, xây chùa, tô tượng, đúc chuông; về diện văn hóa, Vua đã viết khóa Hư Lục.
28/03/2013(Xem: 4702)
Tam giáo Việt Nam đã có một lịch sử lâu dài, kể từ thế kỷ I, II trở đi, cho nên dễ hiểu vì sao Tam giáo đã có ảnh hưởng sâu sắc không phải chỉ trong tầng lớp trí thức giỏi chữ Hán.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]