Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hai sự kiện người "hóa hổ" xảy ra trong triều Lý

09/10/201017:23(Xem: 6976)
Hai sự kiện người "hóa hổ" xảy ra trong triều Lý
nguoi-hoa-ho

Tinh thần khoan dung của Phật giáo đã có tác dụng làm mềm hoá lịch sử, đồng thời cho thấy những “đúng - sai”, “công - tội” nơi mỗi con người không phải là điều bất biến.


1. Thái sư Lê Văn Thịnh “hoá hổ”

Sử sách cho biết, năm 1075, Lê Văn Thịnh (? - ?), trúng tuyển kỳ thi Minh kinh bác học và Nho học tam trường, được cho vào hầu vua học. Năm 1084, vua Lý Nhân Tông (1066-1127) sai Thị lang Bộ binh Lê Văn Thịnh đến trại Vĩnh Bình cùng với người Tống bàn việc cương giới và nhà Tống đã phải trả cho nước ta 6 huyện, 3 động. Nhờ công lao trên mà Lê Văn Thịnh được phong làm Thái sư một năm sau đó. Cũng thời gian này, nhà Tống ban cho ông chức Long đồ đãi các chế (1) và ông đã giữ chức Thái sư từ năm 1085 cho đến ngày xảy ra “vụ án hồ Dâm Đàm”.

Đại Việt sử lược, thời Trần, viết về vụ việc này như sau: “Mùa đông, tháng 11, năm Ất Hợi (1095), nhà vua (Lý Nhân Tông) xem đánh cá ở Diêu Đàm (hay Dâm Đàm, nay là Hồ Tây, Hà Nội). Lúc bấy giờ vua ngự trong một chiếc thuyền nhỏ, thị vệ theo hầu rất ít. Thái sư Lê Văn Thịnh vốn có mưu gian, nhân cơ hội ấy mới dùng ảo thuật làm khói sương nổi thoắt lên bao phủ cả mặt hồ, ban ngày mà tối tăm mù mịt. Một lát, nhà vua nghe tiếng mái chèo sắp đến gần, vua có ý sợ xảy ra tai biến mới lấy cái mác phóng ra. Khói sương theo cái mác mà tan biến đi thì thấy thuyền của Lê Văn Thịnh đã đến gần, với đồ hung khí. Vua sai người bắt giữ Lê Văn Thịnh lại rồi hạ chiếu đem an trí ở miệt Thao Giang. Trước kia, trong nhà Lê văn Thịnh có tên đầy tớ là người Đại Lý (tức Vân Nam, Trung Quốc ngày nay), giỏi làm ảo thuật, Lê Văn Thịnh học được phép của nó. Và, đến đây thì làm phản” (2).

Đại Việt sử ký toàn thư, thời hậu Lê thì chép: “Bính Tý, /Hội Phong/ năm thứ 5 [1096], (Tống Thiệu Thánh năm thứ 3), mùa xuân, tháng 3, Lê Văn Thịnh mưu làm phản, tha tội chết an trí ở Thao Giang. Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném xuống. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người tái mặt, nói: “Việc nguy rồi!”. Người đánh cá là mục thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp nước, không nỡ giết, đày lên trại đầu ở Thao Giang. Thưởng cho Mục Thận quan chức và tiền của, lại cho đất ở Tây Hồ làm thực ấp. Trước đây Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý, có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch” (3).

Nội dung vụ án mà hai cuốn sử trên ghi chép là khá thống nhất, chỉ khác nhau vào thời điểm xảy ra vụ án, Đại Việt sử lược nói vụ án xảy ra vào tháng 11 năm Ất Hợi (1095), còn Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng vụ án xảy ra vào tháng 3 năm Bính Tý (1096).

Thời nhà Lý, Phật giáo giữ vai trò quốc giáo, hầu hết các vị vua đều là những Phật tử thuần thành, vì thế vụ án Lê Văn Thịnh xảy ra đã khiến cho một số nhà viết sử thời nay cho rằng đó là kết quả của “sự xung đột ý thức hệ giữa Phật giáo và Nho giáo”, từ đó kết luận một cách chắc nịch rằng Lê Văn Thịnh “bị hàm oan”…

Chúng tôi không có tham vọng giải tỏa hết nghi vấn này, tuy nhiên, nhìn dưới góc độ lịch sử và lịch sử Phật giáo, vẫn có những điểm để cho thấy những quan điểm trên là khiên cưỡng và chưa đủ sức thuyết phục. Cần phải nhìn nhận rằng, ở ta hầu hết những nhà viết sử chưa có đủ bản lĩnh cần thiết để có thể viết sử một cách hoàn toàn khách quan, nên những người đi sau như chúng ta mới có cơ hội nhìn vào đó để luận sử, với mong muốn trả lại cho lịch sử những sự thật gần sự thật nhất. Thế nhưng, có một điều trớ trêu rằng, một nửa sự thật thì vẫn không phải là sự thật, trong khi có người gần như chỉ mới nắm được những cái “một nửa”, thậm chí chưa đến một nửa ấy.

Thực tế, việc học phép và thi triển pháp thuật cùng với việc tin vào những chuyện linh dị là một đặc điểm tín ngưỡng, xã hội thời nhà Lý, và những việc này chưa phải đã chấm dứt ở những triều đại sau đó. Vì thế việc Lê Văn Thịnh nuôi người có phép thuật kỳ dị trong nhà, hay học phép để phục vụ cho những mục đích riêng đi chăng nữa thì cũng không phải là điều quá hoang đường và không phải không có cơ sở để lý giải. Và nếu phải gác những chuyện học phép “hoá hổ” (giả làm hổ) của Thái sư Lê Văn Thịnh sang một bên, thì ngay cả việc thuyền của Lê Văn Thịnh đột ngột xuất hiện trên hồ, tiếp cận thuyền vua mà chưa có lệnh truyền cũng là một điểm đáng nghi vấn về động cơ.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, sử gia Ngô Sĩ Liên viết về vua Lý Nhân Tông như sau: “Vua trán dô mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, nước được thái bình, là vua giỏi của triều Lý. Tiếc rằng mộ đạo Phật, thích điềm lành, đó là điều luỵ cho đức tốt”. Năm 1076, vua Lý Nhân Tông “Xuống chiếu cầu lời nói thẳng. Cất nhắc những người hiền lương có tài văn võ cho quản quân dân. Chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc Tử Giám” (4). Rất có thể trong đời, một vị vua anh minh như Lý Nhân Tông vẫn có thể làm ra những chuyện sai lầm. Và dĩ nhiên, một vị Thái sư giỏi giang như Lê Văn Thịnh cũng không bao giờ là ngoại lệ đối với các sai lầm của chính mình.

Dưới triều Lý, tội mưu phản nằm trong những tội thập ác, không có đường sống. Tuy nhiên, đứng trước vụ án này, vua Lý Nhân Tông ngay trong lúc giận dữ vẫn đủ minh mẫn để xét đến công lao giúp nước của Lê Văn Thịnh mà giảm thành án lưu đày. Nhìn vào những ứng xử ở hai vụ án xảy ra ở hai triều đại khác nhau như Lý (Phật giáo) và hậu Lê (Nho giáo), chúng ta thấy cùng một tội mưu phản, nhưng lại có hai kết cục hết sức khác biệt nhau. Trong khi Thái sư Lê Văn Thịnh chỉ mắc án lưu đày, thì Nguyễn Trãi lại chịu tội tru di ba họ.

Điều đó chứng tỏ rằng, nhờ ảnh hưởng tinh thần khoan dung, độ lượng, hiếu sinh của Phật giáo mà vua Lý Nhân Tông đã tha tội chết cho Lê Văn Thịnh, tránh được một kết cục bi thảm đối với những người từng có công giúp nước.

Một điểm đáng chú ý khác, người viết sử và bình luận về sự kiện này là Nho thần Ngô Sĩ Liên. Sử gia Ngô Sĩ Liên từng có những nhận xét khá thiên lệch và nhiều lúc hà khắc đối với Phật giáo. Vậy nếu có cái gọi là “xung đột ý thức hệ giữa Nho giáo và Phật giáo” trong vụ án Lê Văn Thịnh, thì ông ta phải lên án sự “sai lầm” của Lý Nhân Tông và bênh vực cho Lê Văn Thịnh mới phải. Đằng này ông lại viết như muốn dồn Lê Văn Thịnh vào chỗ chết (nếu Lê Văn Thịnh sống vào thời của ông): “Kẻ làm tôi phạm tội giết vua cướp ngôi mà được miễn tội chết, thế là sai trong việc hình, lỗi ở vua tin sùng đạo Phật” (5).

Vậy cái “xung đột ý thức hệ giữa Nho giáo và Phật giáo” là do một ai đó đã cố tình tưởng tượng ra. Dễ hiểu, bởi theo suy luận thông thường, làm gì có chuyện khác ý thức hệ tư tưởng lại có thể khoan dung, độ lượng đối với nhau. Nhưng nếu quả thật có cái thói thường như vậy, thì chắc cũng không có chuyện vua Lý Nhân Tông nhận ra người tài (khác ý thức hệ) như Lê Văn Thịnh để mà đưa lên đến chức Thái sư, đứng đầu triều thần, vừa ăn bổng lộc của vua, vừa nhận chức tước của Trung Quốc, để tự gây nguy cho mình.

Còn việc Thái sư Lê Văn Thịnh sau này được lập đền thờ và nhận được những sắc phong của một số vị vua triều Nguyễn, hay hình con rồng đá tự cắn vào thân mình…, thì cũng không đủ cơ sở để kết luận Lê Văn Thịnh “vô tội”. Bởi không ít các quan phạm tội lưu đày, sau khi đến vùng đất mới đã sửa chữa sai lầm, giúp dân khai hoang, lập ấp…, sau khi chết được nhân dân xây đền, miếu thờ cúng và tôn làm thần thành hoàng. Việc phong sắc cho các vị thành hoàng cũng là việc làm phổ biến của các triều đại, nhằm động viên tinh thần nhân dân trong công cuộc sản xuất và bảo vệ đất nước. Một người tai ba như Thái sư Lê Văn Thịnh, sau khi bị đày đến vùng đất mới, ông càng có nhiều điều kiện hơn để giúp dân, giúp nước và được nhân dân tin yêu tôn thờ. Vì thế, công và tội của Thái sư Lê Văn Thịnh cần phải trở thành một bài học kinh nghiệm trong ứng xử với dân với nước cho người đời sau, hơn là dựng ra một sự xung đột giả hiệu nhằm khắc sâu thêm những mâu thuẫn tư tưởng trong xã hội.

2. Vua Lý Thần Tông “hoá hổ”

Nếu như sự “hoá hổ” của Thái sư Lê Văn Thịnh liên quan nhiều đến những yếu tố học phép và gắn với một vụ án mưu phản, thì sự ra đời và “hoá hổ” của vua Lý Thần Tông lại gắn với cuộc đời thiền sư Từ Đạo Hạnh, với quả báo do sử dụng công năng của phép thuật sai mục đích và sự hoán chuyển vai trò quyền lực thông qua con đường “tái sinh”. Hai sự việc tưởng chừng như khó lý giải trên cũng phần nào dựng lên bối cảnh sinh hoạt chính trị, xã hội, tín ngưỡng tôn giáo thời Lý.

Vua Lý Nhân Tông không có con nối dõi, nên trước khi mất đã nhường ngôi cho cháu là Dương Hoán, con trai của vợ chồng Sùng Hiền hầu. Từ lúc còn ở trong bụng mẹ cho đến khi được sinh ra, cuộc đời Dương Hoán đã được bao phủ bởi những câu chuyện hết sức kỳ bí liên quan đến việc trước đó Từ Đạo Hạnh dùng phép đánh chết Đại Điên để trả thù cho cha, rồi tiếp tục ngăn cản việc thác thai của Giác Hoàng và được vua Lý Nhân Tông đồng ý cho thác sinh để giữ ngôi vua.

Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Bính Thân, /Hội Tường Đại Khánh/ năm thứ 7 [1116], (Tống Chính Hòa năm thứ 6), mùa Hạ nhà sư Từ Đạo Hạnh trút xác ở chùa núi Thạch Thất… Trước phu nhân của Sùng Hiền hầu là Đỗ thị có mang, đến đây trở dạ mãi không đẻ. Hầu nhớ lại lời Đạo Hạnh dặn khi trước, sai người chạy ngựa đi báo. Đạo Hạnh lập tức thay áo tắm rửa, vào hang núi trút xác mà qua đời. Sau đó phu nhân sinh con trai, tức là Dương Hoán. Người làng cho là việc lạ, để xác Đạo Hạnh vào trong khám để thờ…” (6).

Phần nguyên chú của sách Thiền uyển tập anh thì chép: “…Bấy giờ còn của Sùng Hiền hầu mới lên 2 tuổi, vua rất yêu, bèn lập làm hoàng thái tử. Đến năm Thiên Phù Khánh Thọ thứ nhất (1127), mùa Đông, tháng 12, vua băng, hoàng thái tử lên ngôi hoàng đế, năm ấy 21 tuổi. Vua ở ngôi 11 năm, thuỵ hiệu là Thần Tông. Tương truyền Thần Tông là hậu thân của Sư, còn Giác Hoàng là sư Đại Điên” (7).

Nếu như chuyện vua Lý Thần Tông sinh ra gắn liền với ân oán của Từ Đạo Hạnh và Đại Điên, Giác Hoàng, thì việc Lý Thần Tông hoá hổ lại gắn với một câu chuyện khác liên quan đến quá trình đi tìm thầy học phép của Từ Đạo Hạnh và Không Lộ, Giác Hải. Trong hành trạng của thiền sư Từ Đạo Hạnh, Thiền uyển tập anh không nhắc gì đến chuyện Lý Thần Tông mắc bệnh “hoá hổ”. Trong khi Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, vào năm Bính Thìn (1136): “Vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi. Nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm quốc sư. Tha thuế dịch cho vài trăm hộ. Tục truyền, khi nhà sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành tức Minh Không, dặn rằng 20 năm sau, nếu thấy quốc vương bị bệnh lạ thì đến chữa ngay, có lẽ là việc này” (8).

Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng (1374 - 1446), mục Minh Không thần dị chép: “Hương Giao Thủy ở Giao Chỉ có chùa Không Lộ. Ngày xưa có một vị sư họ tục là Nguyễn, tên là Minh Không, khoảng năm Trị Bình đời Tống xuất gia đến ở chùa này, có đức hạnh, ai cũng biết. Một hôm Minh Không từ ngoài về, có nhà sư cùng phòng đùa núp trong cửa, nhảy ra làm tiếng hổ kêu để dọa Minh Không. Minh Không cười nói "Đã đi tu, lại còn muốn làm hổ ư? Ta phải cứu anh mới được!". Năm sau, nhà sư kia chết. Tiếp đó, Quốc vương họ Lý sinh Thế tử, tuổi chừng hai mươi thì bỗng nhiên khắp mình mọc lông, nhảy nhót gầm thét, đầu và mặt dần dần biến thành hình hổ. Nhà vua cầu y, vu, tăng, đạo khắp nơi, nhưng đều chịu bó tay. Nghe Minh Không có phép thuật, sai người đi thuyền đến mời về” (9).

Còn Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên thì viết: “Đạo Hạnh học được tất cả, nghĩ giận hai bạn thất ước mới niệm chú; Minh Không, Giác Hải đi được nửa đường, bị chú, đau bụng như cắt, Đạo Hạnh dùng thuật thu đất lại, băng bộ về trước, rồi hóa ra hổ mà núp ở trong bụi rậm làng Ngải Cầu huyện Từ Liêm, gầm thét vài tiếng, lân cận đều kinh hãi. Minh Không, Giác Hải đi ngang qua đấy, nhìn nhau ngạc nhiên, bề ngoài tuy hơi sợ nhưng trong bụng nghĩ có linh thuật, lại sẵn có thông minh, biện biệt hư thực biết quả là Đạo Hạnh hóa tướng, mới ngó lui bảo rằng: “Mày muốn biết hậu thân của thân mày, đến đây ta bảo cho”. Bảo “Đạo Hạnh” rằng: “Bọn ta cùng được Thế Tôn dạy dỗ, đạo quả đã tròn, hậu thân mày phải ra lại thế gian làm vua, nhưng bệnh trái khó bề tránh được. Bọn ta với mày có duyên, phải đến cứu giúp nhau”. Đạo Hạnh khi ấy bỏ hết giận cũ, cùng nhau truyền đổi phép tiên, đi trên mặt nước, bay ở không trung, rồng phải xuống chầu, hổ phải nép, bay lên trời thu đất lại, muôn quái nghìn kỳ, vào thần ra quỷ, chẳng ai dò được huyền diệu. Khi ấy mới nhường Đạo Hạnh làm anh cả, Minh Không làm anh thứ, Giác Hải làm em út, chỗ ấy nay gọi là Bán Kiều” (10).

Như vậy, Nam Ông mộng lụcViệt điện u linh tập đều đã ít nhiều cho biết nguyên nhân của việc vua Lý “hoá hổ”. Có thể do ở thân trước, Từ Đạo Hạnh tức giận việc Minh Không và Giác Hải cùng đi học phép ở Thiên Trúc, nhưng khi học được phép thì bỏ về trước, nên sau khi học được phép, Đạo Hạnh đã hóa hổ để dọa hai người bạn của mình. Chính hành động thiếu cân nhắc này mà vào kiếp sau, dù được làm vua, nhưng vẫn mắc phải bệnh trái “hoá hổ” để trả báo.

Việc thiền sư Minh Không chữa bệnh “hoá hổ” cho vua Lý Thần Tông thì hầu hết các sử, sách đều khá thống nhất với nhau, riêng Đại Việt sử ký toàn thư cho rằng Minh Không là học trò của Từ Đạo Hạnh, còn các sách khác đều xem là bạn. Chính vì điểm này mà nổi lên những tranh luận rằng Minh Không và Không Lộ là hai người khác nhau hay chỉ là một. Trong phần chú thích chương XIX, Nguyễn Lang, tác giả Việt Nam Phật giáo sử luận viết rằng: “Sách Lĩnh Nam chích quái lắm khi cho Minh Không và Không Lộ là hai nhân vật khác nhau. Thiền sư Không Lộ theo Thiền uyển tập anh họ Nguyễn chứ không phải họ Dương” (11).

Thực ra, sách Thiền uyển tập anh nói thiền sư Không Lộ họ Dương chứ không phải họ Nguyễn như tác giả Nguyễn Lang viết. Không những thế còn nói rõ về tình bạn của Không Lộ và Giác Hải như sau: “Khoảng niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh (1059 - 1065, đời Lý Thánh Tông), Sư cùng đạo hữu là Giác Hải đi vân du cõi ngoài, dấu kín tông tích, đến chùa Hà Trạch, ăn rau mặc lá, quên cả thân mình, dứt hết mọi điều mong muốn, một lòng chuyên chú tu tập thiền định…” (12). Thiền uyển tập anh cũng cho biết, thiền sư Không Lộ thị tịch vào ngày 3 tháng 6 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh năm thứ 10 (1119) (13), trong khi Đại Việt sử ký toàn thư lại viết, năm Bính Thìn (1136) vua Lý Thần Tông bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi, nhà sư Minh Không chữa khỏi, phong làm Quốc sư. Có một điểm khó hiểu đối với sách Thiền uyển tập anh của Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, in năm 1990 là những người làm sách lại “tạm lược bỏ truyện Minh Không, không đưa vào bản dịch này”, với lý do “Thiền uyển tập anh (bản Vĩnh Thịnh) cũng chép việc Quốc sư Minh Không chữa bệnh hoá hổ cho Lý Thần Tông, tương tự như trong Lĩnh Nam chích quái, lại có những đối thoại xa lạ với Phật giáo, ngờ do người in bản Vĩnh Thịnh thu nạp vào một cách thiếu cân nhắc”. Trong khi đó, ở bản Vĩnh Thịnh chép, thiền sư Minh Không tức Nguyễn Chí Thành (1066 -1141), trụ trì chùa Quốc Thanh, phủ Trường Yên, quê ở hương Đàm Xá, châu Đại Hoàng (14).

Nhẽ ra, đối với vấn đề văn bản học, dù là có “những đối thoại xa lạ với Phật giáo” thì cũng cần được nêu ra để mọi người cùng bàn luận. Bởi ngay cả những chuyện thực hư chung quanh cuộc đời thiền sư Từ Đạo Hạnh được sử sách ghi chép cũng đã có những vấn đề xa lạ với Phật học. Chúng tôi sử dụng từ “Phật học” để soi chiếu dưới góc độ giáo lý, hơn là dùng từ “Phật giáo” với đầy đủ những tính chất tôn giáo văn hoá và sự dung hội tín ngưỡng của nó.

Trong Bản giới thiệu Di tích lịch sử văn hóa chùa Keo tỉnh Thái Bình do Bảo tàng tỉnh Thái Bình và Công ty phát hành sách Thái Bình xuất bản năm 2000 có viết: “Theo sử sách thiền sư họ Dương, húy là Minh Nghiêm, hiệu là Không Lộ, người làng Giao Thủy, phủ Hà Thanh nối đời làm nghề đánh cá. Mẹ người họ Nguyễn, người ở ấp Hán Lý, huyện Vĩnh Lại, phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Thiền sư sinh ngày 14 tháng 9 năm Bính Thìn (1016) xuất thân làm nghề chài lưới, song đức Không Lộ là người có chí hướng mộ đạo thiền. Năm 29 tuổi đi tu tại chùa Hà Trạch cùng các sư Đạo Hạnh, Giác Hải kết bạn chuyên tâm nghiên cứu đạo thiền. Năm 1060 ba ông đã sang Tây Trúc để tu luyện về đạo Phật. Năm 1061 thời vua Lý Thánh Tông, sư về nước, dựng chùa Nghiêm Quang, tiền thân của chùa Thần Quang ngày nay” (15). Tác giả Phạm Đức Duật khi bàn về hành trạng của hai vị thiền sư Không Lộ và Minh Không cũng đưa ra những luận chứng khá thuyết phục để chứng minh hai người không phải là một, nhưng cho đến nay một số nhà nghiên cứu vẫn còn nhầm lẫn (16).

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, chuyện sau này thiền sư Minh Không chữa bệnh cho vua Lý Thần Tông là điều mà Từ Đạo Hạnh đã tiên liệu và có sự chuẩn bị. Nếu nhìn trong một chuỗi nhân quả, như lời tự bạch “vì nghiệp duyên chưa dứt” của Từ Đạo Hạnh, thì chuyện “hoá hổ” cũng là một dạng của trả nghiệp. Chính nhận thức “trả nghiệp” này đã hoá giải những mâu thuẫn, thù hận trước đó. Câu nói: “Tăng hận bất cách túc” (Tăng giận không quá một đêm) của Đại Điên được ghi chép trong hành trạng của thiền sư Từ Đạo Hạnh chỉ ra một bài học tu tập sâu sắc về lòng thù hận. Học phép để trả thù, hay học phép để làm bất cứ thứ gì gây tổn hại cho người khác đều phải trả báo. Đại Điên giết chết Từ Vinh (cha của Từ Đạo Hạnh), nên sau này bị Từ Đạo Hạnh dùng phép đánh chết. Rồi hậu thân của Đại Điên là Giác Hoàng cũng bị quả báo chết yểu. Từ Đạo Hạnh dùng phép đánh chết Đại Điên nên hậu thân là vua Lý Thần Tông cũng thọ không quá tuổi 23. Tuy nhiên, câu chuyện oan đền báo trả này, không diễn ra nặng nề như thông thường mà đã được nhận thức và lý giải trên tinh thần nhân quả, nghiệp báo. Vì vậy, đối với các bậc thánh có khi đó chỉ là sự thị hiện nghịch hạnh để cảnh tỉnh người đời.

Việc một thiền sư tái sinh làm vua, được nhiều người cho là “kỳ bí”, thực ra không có gì xa lạ trong truyền thống Mật giáo. Đó là sự tích hợp quyền hành ở cả hai phương diện giáo quyền và thế quyền. Kinh điển đạo Phật cũng đề cập đến những công đức tu hành, nhờ đó mà kiếp sau người tu hành có thể trở thành bậc Chuyển luân Thánh vương, cai trị thiên hạ. Vua Lý Thần Tông được chữa khỏi bệnh, nhưng dương thọ ngắn ngủi càng cho thấy rõ hơn quan điểm “quyền lực không bằng nghiệp lực”. Nếu có “quyền hành”, có “pháp thuật kỳ dị” mà thiếu lòng từ bi, bao dung, độ lượng thì sớm muộn cũng phải chuốc lấy quả báo. Giá trị của định luật nhân quả chính là nêu bật được yếu tố có vay có trả trong cuộc sống.

Mối liên hệ “tiền kiếp hậu kiếp” giữa thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông không chỉ được sử sách ghi chép, huyền thoại truyền tụng, mà còn được cụ thể hoá thông qua cách thờ phụng hai Ngài tại một số ngôi chùa nổi tiếng vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Sơn nhận xét: “Trong sách Thiền uyển tập anh và một số nguồn tư liệu khác cho rằng Từ Đạo Hạnh đối nghịch với Đại Điên và ông chính là hậu thân Điều Ngự Giác Hoàng, vậy mà ông lại được dân làng trọng vọng, được lập làm thành hoàng, được các triều đại phong kiến sắc phong và ban thêm mỹ tự Huệ Trí đại vương. Thêm nữa, cũng vào ngày 7 tháng ba hàng năm, dân làng vẫn mở hội chùa và dẫn lại sự tích thiền sư. Như vậy, cái nhìn hiện thực cho thấy một hình ảnh sư Đại Điên pháp thuật tài ba, được tôn trọng, kính thờ, còn tư duy huyền thoại in đậm sắc màu Mật tông lại cho thấy một pháp sư Đại Điên đối lập và chịu thất bại trước thiền sư Từ Đạo Hạnh. Dẫu sao, ông cũng là nhân vật lịch sử có quan hệ chặt chẽ với Từ Đạo Hạnh và góp phần tạo nên truyền thuyết trong cả một hệ thống văn hóa dọc bờ sông Tô” (17).

3. Tạm kết

Trong lịch sử Việt Nam, không có triều đại nào xảy ra sự việc người “hoá hổ” liên quan đến những người đứng đầu quốc gia như ở triều Lý. Vụ việc Thái sư Lê Văn Thịnh “hoá hổ” để mưu phản xảy ra vào thời vua Lý Nhân Tông và sự kiện vua Lý Thần Tông “hoá hổ” để trả nghiệp báo xảy ra trong chính triều đại của ông. Cả hai sự việc này đều liên quan ít nhiều đến việc học phép thuật và sử dụng nó vào các mục đích khác nhau. Chính vì những màn huyền thoại, thần bí bao phủ chung quanh hai sự kiện trên đã để lại cho hậu thế những nghi vấn và khám phá không dứt.

Tuy nhiên, ẩn sau những màn huyền thoại và nghi vấn đó là một bài học lớn về phương thức ứng xử nhân văn của người Việt. Ở đó tinh thần khoan dung của Phật giáo đã có tác dụng làm mềm hoá lịch sử, đồng thời cho thấy những “đúng - sai”, “công - tội” nơi mỗi con người không phải là điều bất biến. Nếu ai biết vượt qua giới hạn của bản thân mình để điều chỉnh, sửa chữa thì đều có một chỗ đứng vững chắc trong lòng nhân dân và tin chắc lịch sử sẽ không bao giờ quay lưng lại với họ. Đặt ra câu hỏi người có thể “hoá hổ” hay không cũng chính là đặt ra câu hỏi tâm người có thể biến thành tâm của loài súc sinh hay không. Kinh điển đạo Phật khẳng định rằng, đó là điều hoàn toàn có thể. Một khi tâm người đã biến thành tâm súc sinh thì dù có ở địa vị vua chúa, hay mang bất cứ hình tướng (kỳ bí, khó tin) nào khác, cũng không nằm ngoài cái tâm tham lam, giành giật, cắn xé lẫn nhau...

Hình ảnh còn rồng tự cắn vào thân mình (ở đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh), nhìn theo quan điểm đạo Phật, cũng chính là hình ảnh tự mình làm khổ mình, mình là nguyên nhân của mọi nỗi khổ chứ không phải ai khác. Luyện những pháp tà vạy để thu hút tín đồ, để hãm hại nhau, để ủng hộ người này lật đổ người kia cũng không thoát khỏi quả báo sầu bi, chết yểu. Có điều đối với người tu hành, họ thẳng thắn thừa nhận hành vi sai lầm, không chỉ thể hiện tính cách của người quân tử (không ném đá giấu tay, gắp lửa bỏ tay người; không bề ngoài thơn thớt nói cười, bề trong nham hiểm giết người không dao…), mà còn trực tiếp mang đến cho hậu thế thông điệp “quyền lực không bằng nghiệp lực”, hãy dừng các cuộc đấu đá lại để tránh quả báo thảm khốc.

Khi bàn về “có - không”, thiền sư Từ Đạo Hạnh viết: “Có thì muôn sự có/ Không thì tất cả không/ Có - không trăng đáy nước/ Đừng vướng có không không” (Thiền sư Thanh Từ dịch). Đây là một bài kệ ngộ đạo gây hứng thú đối với không ít người đời sau. Mỗi nhân vật lịch sử, trong từng giai đoạn cuộc đời của mình đều có những bước ngoặt mà “giấy trắng mực đen” đã không ít lần luận bàn. Nhưng phải bàn thế nào cho công bằng và khách quan khi “niềm tin” lịch sử mãi vẫn cứ “vướng” vào những “giấy trắng mực đen” ấy? Thế nên, công việc của hậu thế là khám phá, nỗ lực vượt qua những cách nhìn méo mó, những giới hạn của nhận thức, của thời đại… Và lương tâm lịch, thời đại nào cũng thế, không cho phép người làm sử vội vã kết luận trước những điều chưa khả tín, những điều được dựng ra nhằm tô bồi cho tâm thức địa ngục, ngã quỷ, súc sinh.


Chú thích:

(1) Khuyết danh, Đại Việt sử lược, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, trang 169.

(2) Đại Việt sử lược, sđd, trang 174.

(3) Ngô Đức Thọ dịch và chú thích, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2003, trang 435.

(4) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 429.

(5) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 435.

(6) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 440.

(7) Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thuý Nga, Thiền uyển tập anh, NXB Văn học, Hà Nội, 1990, trang 203.

(8) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, trang 475.

(9) Hồ Nguyên Trừng, Nam Ông mộng lục, bản điện tử của Wikisource.

(10) Lý Tế Xuyên, Việt điện u linh tập, Lê Hữu Mục dịch, bản điện tử của Lichsuvietnam.info.

(11) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sư luận, tập 2 (một bộ 3 tập), NXB Văn học, Hà Nội, 2000, trang 532.

(12) Thiền uyển tập anh, sđd, trang 105.

(13) Thiền uyển tập anh, sđd, trang 106.

(14) Thiền uyển tập anh, sđd, trang 213.

(15) Dẫn theo Chu Huy, Về nhân thân hai vị Quốc sư thời Lý Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không, Văn hoá Nghệ thuật số 8, 2006. Cũng theo tác giả Chu Huy: “Dương Không Lộ là Quốc sư đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072) và Nguyễn Minh Không là Quốc sư đời vua Lý Thần Tông (1128-1138). Vấn đề thân nhân của hai vị Quốc sư tưởng đã được giải quyết thỏa đáng từ giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, vậy mà đến giữa năm 2004 vẫn có vị giáo sư còn cho rằng thực ra hai vị quốc sư đó vẫn chỉ là một...”.

(16) Phạm Đức Duật, Vấn đề tiểu sử hai thiền sư đời Lý: Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không, Tạp chí Hán Nôm, Số 6 (91) 2008, trang 62-70.

(17) Nguyễn Hữu Sơn, Thiền sư Từ Đạo Hạnh - từ chùa Láng đến chùa Thầy, Tạp chí Sông Hương, Nguồn: http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c210/n5624/Thien-su-Tu-Dao-Hanh-tu-chua-Lang-den-chua-Thay.htm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/03/2011(Xem: 5600)
Cuối 1973, tuy xuất gia đã 10 năm, tương chao đã thấm tận vào máu tủy, lại chuẩn bị làm sinh viên Cao Đẳng Phật Học Hải Đức, chúng tôi đúng tuổi phải bị VNCH gọi động viên phải đi lính [ai xúi Thiệu ra lệnh TT Đạm hăm ngưng cấp hoãn dịch tu sỹ?] Chính thời điểm 1973-4 lúc ĐĐ Liễu Minh nói bài nầy, ngài 40 tuổi, trong tinh thần lên án chống lại chế độ VNCH khi họ rục rịch ban hành Luật Tổng Động Viên, không cho ai được hoãn dịch kể cả Tu sỹ PG.
01/01/2011(Xem: 5188)
Hôm nay là 30-4, ngày kỷ niệm chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Năm ngoái, anh đã có một bài trò chuyện với VietnamNet. Năm nay, chúng tôi cũng mời anh tiếp tục chuyện trò như thế, không phải vì một mục tiêu chính trị nào, mà để góp phần vào việc nghiên cứu nghiêm túc các phong trào tranh đấu ở các đô thị miền Nam cũ, nghiên cứu sử hiện đại. Đề nghị anh nói về phong trào Phật giáo, tuy biết anh rất ngần ngại. Tại sao anh ngần ngại?
25/12/2010(Xem: 9651)
Phật giáo là một tôn giáo được đức Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) truyền giảng ở miền bắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ 6 TCN. Do đạo Phật được truyền đi trong một hơn hay 2500 năm và lan ra nhiều nơi cho nhiều chủng tộc nên lịch sử phát triển của nó khá đa dạng về các bộ phái cũng như là các nghi thức và phương pháp tu học. Ngay từ buổi đầu, đức Thích Ca, người truyền đạo Phật, đã thiết lập được một giáo hội với các luật lệ hoạt động chặt chẽ của nó. Nhờ vào sự uyển chuyển của giáo pháp, đạo Phật có thể thích nghi với các hoàn cảnh chế độ xã hội, con người, và tập tục ở các thời kỳ khác nhau, nên ngày nay Phật giáo vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển ngay cả trong các nước có nền khoa học tiên tiến như Hoa Kỳ và Tây Âu.
24/12/2010(Xem: 5374)
Phật giáo Việt-Nam trải qua nhiều bước thăng trầm. Đời Lý, Trần Phật giáo cực thịnh, là quốc đạo. Triều Lê Phật giáo bắt đầu suy vi. Đến triều Nguyễn Phật giáo sa sút, mất hẳn vị trí trong chính trị văn hóa và xã hội ở Việt-Nam.
24/12/2010(Xem: 6414)
Nếu ta dở bản đồ thế giới, ta sẽ thấy Á Châu chiếm một vùng đất mênh mông hình mặt trăng lưỡi liềm, hai đầu chỉa về hướng bắc, vòng trong đi theo duyên hải Biển Bắc Cực của xứ Scandinavia và Tây Bá Lợi Á. Vòng ngoài từ đông sang tây là bờ biển Thái Bình Dương Tây Bá Lợi Á qua Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, bán đảo lục địa Ấn Độ, Iran, Tiểu Tế Á đến Âu Châu. Giáp ranh vòng ngoài của mặt trăng lưỡi liềm ấy, tại nhiều nơi, nhưng đứng ngoài, ta thấy các nước Ả Rập, Phi Châu và Mỹ Châu.
18/12/2010(Xem: 17356)
Từ thơ ấu, Tuệ Trung đã được khen là thông minh và dịu dàng. Giữ chức Thống Đốc Hồng Lô (bây giờ là tỉnh Hải Dương), ngài đã hai lần đẩy lui quân Mông Cổ xâm lược, và được thăng chức Tiết Độ Sứ trấn cửa biển Thái Bình.
14/12/2010(Xem: 19354)
Để hiểu Đạo Phật là gì? Ta hãy gạt mọi thiên kiến chỉ cần tìm sâu vào nguồn giáo lý cao đẹp ấy, một nền giáo lý xây dựng trên sự thật để tìm hiểu sự thật, do đức giáo chủ Thích Ca Mâu Ni sáng lập.
25/11/2010(Xem: 27017)
Trần Thái Tông là vị vua đầu của triều Trần. Ngài là đệ tử của thiền sư Viên Chứng trên núi Yên Tử. Ngài vừa làm vua vừa thực tập thiền. Ngài cũng từng thực tập thiền công án. Đây là 43 công án Vua đưa ra để cùng thực tập với tăng thân của Vua, gồm có giới xuất gia và tại gia. Thầy Làng Mai đã dịch những công án này ra tiếng Việt và tiếng Pháp năm 1968. Bản dịch tiếng Pháp xin xem ở phần phụ lục cuốn Clé Pour Le Zen, tác giả Nhất Hạnh, do nhà xuất bản JC Lattes ấn hành. Bản Hán Việt có trong Thơ Văn Lý Trần quyển II (Quyển thượng, trang 108-121), NXB Khoa Học Xã Hội.
15/11/2010(Xem: 7480)
Năm 938 Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng kết thúc 1000 năm Bắc thuộc, bắt đầu thời kì tự chủ tiến tới xây dựng nền độc lập cho nước ta. Tuy nhiên tinh thần độc lập của nước Việt không phải bắt đầu từ sau chiến thắng ấy, mà nó đã tồn tại trong suốt thời gian Bắc thuộc, được thể hiện qua các cuộc khởi nghĩa của bà Trưng, bà Triệu cho đến Phùng Hưng, rõ ràng tinh thần quyết dành độc lập của dân Việt luôn được nuôi dưỡng, chắn chắn đó là đề tài luôn được người dân Việt bàn bạc sau lũy tre làng, trên những cánh đồng hay trong những câu chuyện đêm đêm bên bếp lửa. Tuy nhiên do chưa có một nhà nước để thống nhất các lực lượng, nên đã có nhiều nhóm hoạt động chứ không phải chỉ có phe nhóm của Ngô Quyền,
06/11/2010(Xem: 12473)
Ngày20 tháng tư nhuận năm Quí Mão(11/6/1963) trong một cuộc diễnhành của trên 800 vị Thượng Tọa, Ðại đức Tăng, Ni đểtranh đấu cho chính sách bình đẳng Tôn giáo, cho lá cờ quốctế không bị triệt hạ: tại ngã tư đường Phan Ðình Phùng,Lê Văn Duyệt ( Sài Gòn), lúc 9 giờ sáng, Hòa Thượng QuảngÐức phát nguyện tự tay châm lửa thiêu thân làm ngọn đuốc“ thức tỉnh” những ai manh tâm phá hoại Phật giáo. Dướiđây là tiếng nói tâm huyết cuối cùng của Ngài gửi lạicho đời.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]