Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Giáo và Miến Điện

10/04/201313:12(Xem: 5129)
Phật Giáo và Miến Điện

burma_temple

Miến Điện và Phật Giáo 

Thích Như Điển


Miền Bắc giáp Bangladesh, Ấn Độ, Trung Hoa. Miền đông giáp Lào, Thái Lan. Miền Nam giáp Mã Lai Á và miền Tây giáp với biển Ấn Độ. Một dãi giang sơn trãi dài qua các đồng bằng, núi non và biển cả. Miến Điện có lịch sử hơn 3000 năm tồn tại và phát triển. Ngày xưa Miến Điện được gọi là Bumua và ngày nay là Myanmar.

Đến thế kỷ thứ 12 Phật Giáo đã trở thành quốc giáo cho đến thế kỷ thứ 19. Từ khi Phật Giáo được du nhập vào cho đến nay đã gần 2,500 năm lịch sử và chùa chiền, tháp thờ xá lợi, tu viện v.v… đã có đến 13,000 ngôi.Đến năm 1287 khi Mông Cổ xâm chiếm nước này, những ngôi chùa nổi tiếng đã bị đập phá và hiện nay chỉ còn độ 2,000 ngôi chùa danh tiếng và dĩ nhiên những chùa viện khác còn tồn tại cũng không phải là ít.

Kinh đô của Miến Điện là Yangoon hay Rangon. Tiếng Hoa gọi là Ngưỡng Quang. Đây là cách đọc và dịch theo âm của người Hoa. Ví dụ như Bangkok viết là Vọng Các. Vientane viết là Vạn Tượng. Thật sự ra cách phiên âm như thế cốt cho dễ đọc, chứ không có một ý nghĩa gì cả. Nếu có, chẳng qua là sự trùng hợp mà thôi. Cũng như người Lào tin rằng chữ Vientane dịch ra Vạn Tượng là đúng. Vì đây ám chỉ cho một xứ sở có đến hơn 10,000 con voi.

Đã từ lâu, tôi có ý muốn đi viếng thăm xứ Miến Điện một chuyến. Vì khi đến đảnh lễ Kim Cương tòa nơi đức Phật Thích Ca thành đạo có nhiều sự kiện làm cho tâm tôi tự dưng se lại; trong đó có liên hệ với Miến Điện và Trung Hoa.

Khi khách hành hương rời khỏi gốc cây Bồ đề nơi Bồ Đề Đạo Tràng đi về hướng đông cách đó không xa, sẽ gặp một trụ đá lớn, trên đó có khắc những giòng chữ bằng tiếng Sanskrit và tiếng Anh như sau “sau tuần lễ thiền định thứ ba, sau khi đức Phật thành đạo, Ngài đã gặp 2 người thương nhân Miến Điện đến đây cúng dường bánh làm bằng gạo và mật ong. Tiếp đến họ xin quy y Phật và quy y Pháp (vì lúc đó Tăng già chưa thành lập)”.

Đã bao lần tôi đến chốn này và mơ ước được sang xứ Miến Điện để đảnh lễ mười sợi tóc mà Ngài đã tặng cho 2 người thương nhân này và kể từ đó, sau khi về lại nước, họ dâng lên vua chúa đương thời và được thờ tự rất trang nghiêm tại 2 chùa ở Miến Điện. 8 sợi tóc của đức Phật được thờ tại chùa Vàng Schwedagon gần Rangoon và 2 sợi tóc khác thờ tại một hòn đá thiêng ở Kyaitiyo, cách Rangon chừng 200 cây số về hướng nam.

Phái đoàn của Thượng Tọa Tiến sĩ Seelawansa gồm các vị học giả, bộ trưởng giáo dục Phật Giáo tại Tích Lan hướng dẫn và chúng tôi tháp tùng cùng phái đoàn này đi từ Bangkok đến Yangoon bằng Bangkok Airways. Có ai đó đến xứ Thái Lan, Tích Lan, Lào và Miến Điện rồi, mới thấy Phật Giáo tại các xứ này là quốc giáo. Vì lẽ trên từ vua quan, dưới cho đến thứ dân ai ai cũng tôn sùng đạo Phật. Ngày nay tại phi trường mới của Thái Lan những hình ảnh hội họa của Phật Giáo được trưng bày nhan nhãn đó đây. Ví dụ như những bức họa danh tiếng khi Thái Tử Tất Đạt Đa xuất gia có Tứ Thiên Vương nâng tay đỡ bốn chân của ngựa Kiền Trắc, hình hoa sen, tượng Hộ Pháp, các chùa tháp v.v… một phi trường mới hiện đại nhất Á Châu ở đầu thế kỷ thứ 21 này mà Phật Giáo vẫn được vinh danh như thế. Quả là một dân tộc rất hài hòa theo tinh thần Từ bi và Trí tuệ của đạo Phật.

Khi chư Tăng đến phi trường, dẫu cho đó là Nam tông hay Bắc tông (nếu mặc hậu vàng), sẽ có những nhân viên làm việc tại đó đến đón, quí Thầy đến cổng diplomatic dành riêng cho những nhân viên ngoại giao, gần như quốc khách để được đóng dấu nhập nội Thái Lan và khi đi ra khỏi Thái Lan cũng như thế.

Hôm đó là ngày 13 tháng 11 năm 2006, chuyến bay Bangkok Airways đã để cho hành khách Âu Mỹ đi một chiếc xe bus lớn ra máy bay. Còn chúng tôi được đưa ra sân bay bằng một chiếc xe du lịch khác để lên máy bay trước. Những tiếp viên du lịch rất lịch sự, nhã nhặn và cung kính chào bằng đóa sen búp, tặng cho người đối diện. sau khi an vị chỗ ngồi, nữ tiếp viên đến cung kính hỏi thăm và dâng nước uống qua trung gian là cái khay, chứ không trực tiếp đưa từ tay này qua tay khác đến chư Tăng. Đây là lối tiếp cận theo giới luật mà chư Tăng các xứ Nam Tông bao đời đã gìn giữ. Thật quý hóa và đáng trân trọng biết là bao.

Khi đến phi trường Rangoon chúng tôi được bà tham vụ Đại Sứ của Tích Lan ra lo Visa và đi vào hướng của những nhân viên ngoại giao đoàn để nhận hành lý. Lúc ấy Đại Diện bên Bộ Giáo Dục của Miến Điện cũng đã đến chào phái đoàn. Sau khi ra khỏi quan thuế, chúng tôi gặp Thầy Hạnh Bảo đã có mặt sẵn tại đó và đoàn chia ra làm 3 nhóm nhỏ. Một nhóm đi về khách sạn, nhóm khác đi về Sứ Quán Tích Lan và nhóm kia đi về Bộ Giáo Dục.

Ngày hôm sau (14.11.2006) chúng tôi được đi xem ngôi chùa lịch sử Schwedagon ở thủ đô Yangoon. Ngôi chùa này đang thờ 8 sợi tóc của đức Phật và đây cũng có thể gọi là một kỳ quan của thế giới và của Phật Giáo cũng không hổ thẹn chút nào. Có 4 lối đi vào chùa và mỗi lối đi đều được che chắn bởi những mái chùa. Đồng thời những trụ cột cũng được chạm trổ rất tinh vi. Càng đi càng tiến lên cao và ở một độ cao trung bình thì đã thấy được chân của tháp. Tháp chính cao 58 mét và đường kính chừng 300 mét. Toàn thân tháp đều lợp ngói vàng. Nghĩa là những tấm vàng lá được thay thế ngói để lợp lên mái tháp để chống chọi với gió sương hơn 2000 năm lịch sử như vậy. Chùa này chính thức được sửa lại vào năm 1755 và đến năm 1823 mới hoàn thành. Hiện nay trên tháp có trang trí 5,400 viên kim cương loại 76 carat và 2,300 viên cẩm thạch qúy, cùng với pha lê, bảo châu hợp thành, gần giống trong kinh A Di Đà diễn tả về thế giới Cực Lạc như vậy. Ai đến đây cũng với tâm thành kính, nên những thùng tiền cúng dường để đầy khắp các chùa mà vẫn không bị mất cắp. Mặc dầu dân của họ rất nghèo, nhiều người tự nghĩ: tại sao chùa vàng có chạm ngọc, kim cương như thế mà không bị mất cắp? Dĩ nhiền ở đâu lại chẳng có người tham lam và ích kỷ. Tuy nhiên không phải họ sợ luật pháp, mà họ sợ nhân quả; nên họ đã không giở ngói chùa. Nếu ở một nước kém đạo đức và lòng tin Phật không cao, thì chắc chắn những mái ngói bằng vàng ấy và những viên kim cương kia chưa chắc còn tồn tại mãi cho đến ngày nay. Người ta có lẽ tin rằng, luật pháp của thế gian họ có thể qua mặt được, nhưng nhân quả theo đạo Phật thì không bỏ sót một ai và vì họ hiểu rõ nhân quả nên họ đã chế ngự lòng tham. Đó là một kết quả tốt của một đất nước theo Phật giáo và họ đã ứng dụng đời sống tâm linh của Phật giáo trong cuộc sống hằng ngày như vậy.

Đến mỗi nơi Thầy trò chúng tôi đều đảnh lễ và cúng dường như bao nhiêu người Miến khác. Họ thấy chúng tôi lạ và có hỏi đến từ đâu. Tôi trả lời rằng, chúng tôi là người Việt Nam, nhưng đang sinh sống tại Âu Châu. Những cái nhoẻn miệng cười là những cái đáp lễ của người đối diện. Có một nơi thờ Phật như bao nhiêu điện Phật khác; nhưng lại có rất nhiều người đang đứng sắp hàng quạt Phật để tạo ra công đức. Tôi không biết tích này từ đâu ra nhưng đại khái như thế này. Mỗi người khi vào đây lễ Phật xong, họ cầm sợi dây kéo dài từ trên trần xuống đất và trên trần nhà ấy chính là trên đầu của đức Phật có làm một tấm chắn bằng vải chiều ngang độ 5 tấc và chiều dài độ 3 thước. Ở hai đầu họ cột hai sợi dây buông dài xuống đất và cứ như thế mỗi lần 2 người kéo dây thì bên trên tấm trướng ấy sẽ quạt cho Phật. Việc này không biết ai nghĩ ra, nhưng đây cũng là một hình ảnh đẹp khi Phật tử đến cầu nguyện ở chùa này.

Sau đó chúng tôi vào viện bảo tàng của chùa, nơi đây tập trung rất nhiều đồ cổ từ nhiều đời và đặc biệt đã biết rõ được cách lợp ngói vàng lên tháp như thế nào; những ai đã cúng và những gì đã được lưu trữ cả mấy ngàn năm nay. Tự dưng tôi dừng lại trước một khung cửa kiếng trong ấy có để 3 tấm sơn mài Việt Nam. Một tấm với kích thước nhỏ có hình chùa một cột. Một tấm khác phong cảnh vịnh Hạ Long và một đĩa sơn mài khác để trên giá. Dẫu sao cũng có được một chút an ủi như là “tha hương ngộ cố tri” vậy.

Bước ra khỏi viện bảo tàng chúng tôi gặp dân chúng đang lễ bái và ném tiền vào tượng Phật bằng ngọc thạch xanh rất nổi tiếng. Tượng cao cở đầu người thường và rất linh thiêng. Nơi đây được rào cản nghiêm ngặt để phòng ngừa những kẻ tiểu tâm. Khi đoàn đến một nơi khác lễ bái được người hướng dẫn kể rằng: “Dầu Thầy đứng ở bất cứ nơi nào và hướng nào, tượng Phật ấy vẫn dõi mắt theo Ngài đấy. Đó là do lời cầu nguyện của Ngài được tương ứng. Nếu không, tượng ấy sẽ không nhìn Ngài. Đây có thể là một lối giải thích chung chung, có tính cách đại chúng, chứ không phải nơi giáo lý của Phật đà. Đã là Phật và Bồ Tát thì làm sao có thể phân biệt chúng sanh như thế được. Khi chúng sanh khổ đau mới đến trước chân Phật để nguyện cầu. Trong khi đó Phật lánh mặt làm ngơ thì làm sao thể hiện hết lòng từ bi lân mẫn để cứu độ chúng sanh khi còn ở trong cõi đời ngũ trược ác thế này nữa…

Lý do thứ hai mà cá nhân chúng tôi muốn đến viếng thăm xứ Miến Điện này. Vì lẽ khi dịch Đại Đường Tây Vức Ký được chính Ngài Huyền Trang biên khảo vào năm Trinh Quán thứ 19 và năm Ngài 51 tuổi, tức nhằm năm 646 tại Ngọc Hoa cung và may mắn cách đây 3 năm tôi đã chuyển dịch tác phẩm này từ tiếng Hán sang tiếng Việt có những đoạn viết cũng như mô tả rất rõ ràng về đoạn của 2 người thương nhân Miến Điện này. Ngài Huyền Trang thuật lại như sau:

“Có 2 người thương nhân Miến Điện bị đắm thuyền ở phía Nam Ấn Độ và họ đã cầu cứu với những đấng thiêng liêng. Sau đó họ thấy một vùng ánh sáng chói lòa ở cách xa họ và thế là họ nương theo ánh sáng ấy để đi tìm. Khi đến họ gặp đấng Điều Ngự và sau khi cúng dường bánh làm bằng gạo cũng như mật ong, họ đã xin quy y với Ngài và sau khi quy y họ xin Ngài có vật gì kỷ niệm cho họ để họ mang về quê hương của họ. Đức Phật đã đưa tay lên đầu và vuốt xuống một nắm tóc trao cho 2 thương nhân người Miến và họ đã đem về quê hương họ để tôn thờ…

Đại để nội dung của chương nói về xứ Ma Kiệt Đà có dẫn dụ như vậy. Khi Ngài Huyền Trang đến đây thì Ngài đã cảm động rơi nước mắt và thán lên rằng:

“Phật tại thế thời ngã trầm luân

Kim đắc nhân thân Phật diệt độ

Áo não tự thân đa nghiệp chướng

Bất kiến Như Lai kim sắc thân”

Dịch

“Lúc Phật ở đời con trầm luân

Nay được thân người, Phật diệt độ

Đau xót thân mình nhiều nghiệp chướng

Chẳng thấy thân vàng của Như Lai”

Ở đây chúng ta có thể hiểu được tâm trạng của Ngài, của 2 người thương nhân Miến Điện và ngay cả của chính mình nữa. Nơi đây được gọi là Thánh địa (holy place) hay động tâm. Tâm của chúng ta xúc động, khi chúng ta đến trước kim cương tòa và đúng là chúng ta là những người có phước báu lắm mới có được những phước duyên như vậy. Ngoài ra ánh hào quang của Đức Phật thưở ấy phải nói là sáng chói lắm. Vì từ bờ biển phía Nam xứ Ấn Độ, hướng đến Bồ Đề Đạo Tràng ước chừng hơn 500km, mà 2 người thương nhân Ấn Độ còn trông thấy và cảm nhận được từ lực của Phật mà đến để xin quy y thì quả rằng cái trí tuệ siêu việt, cái hào quang sáng chói ấy đã soi khắp thế gian cho tới hang cùng ngõ hẻm và các cõi khổ đau khác trong chốn đọa đày này.

Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn tập một, đức Phật có huyền ký rằng: “Sau khi Như Lai diệt độ, nếu có kẻ thiện nam, người thiện nữ nào đi đến được bốn nơi mà Như Lai đã thị hiện Đản sanh, Thành đạo, thuyết pháp lần đầu tiên và nơi ta nhập Đại Bát Niết Bàn thì cũng giống như là gặp Như Lai khi còn tại thế…”

Rõ ràng là báo thân Phật ngày nay không còn nữa, nhưng pháp thân và hóa thân của Phật thì vô khứ vô lai, không còn không mất và bất cứ nơi đâu chư Phật và chư Bồ tát cũng có thể thị hiện cả để cứu độ quần sanh. Thật là bất khả tư nghì và bất khả thuyết.

Trong kinh Đại Bát Niết Bàn tập hai Phật khẳng định rằng những kẻ nhứt xiển đề và những kẻ phạm tội ngũ nghịch cũng có khả năng thành Phật mà điều này trong kinh A Di Đà, hay lời nguyện thứ 18 của đức Phật A Di Đà cũng như trong kinh Báo Ân Phụ Mẫu chưa chuyên chở được nội dung cao cả như thế. Vì sao vậy? Vì đức Phật lập luận rằng: Tất cả các pháp đều bất định, cho nên Nhứt xiển đề và những người phạm tội ngũ nghịch cũng có tính không nhứt định. Nhứt xiển đề cũng có khả năng thành Phật. Vì nhứt xiển đề nếu có lòng tin Tam Bảo và chơn như Phật tánh ấy sẽ hiện về và sẽ trở thành Phật. Vì cái đúng của ngày hôm qua cũng có thể là cái sai của ngày hôm nay và cái sai của ngày nay cũng có thể là cái đúng của ngày mai. Đó là lối định nghĩa về các pháp bất định trong kinh Đại Bát Niết Bàn tập hai.

Khi đọc, tụng và hành trì mỗi chữ mỗi lạy trong Kinh Đại Bát Niết Bàn tâm tôi đã xúc động, toát mồ hôi. Vì lẽ tâm Đại Từ Bi của chư Phật rộng rãi quá mà tâm niệm của chúng sanh thì hẹp hòi quá, cứ khư khư cố chấp cho mình là phải, kẻ khác là trái và nhất là không tin kính Tam Bảo cho nên mới bị lưu xuất vào chốn Tam đồ. Do sự ngưỡng mộ này mà tôi đã tìm đến các xứ có thờ xá lợi của Phật để đãnh lễ. Đây cũng là lý do của chuyến đi này.

Nếu ai đó có đọc quyển “giữa chốn cung vàng” thì đã rõ về Xá lợi răng của đức Phật đang thờ tại Kandy Tích Lan và ai đó đã đọc “Lòng Từ Đức Phật” thì đã rõ về Tứ Động Tâm nơi đức Phật đã trãi qua 80 năm lịch sử của đời Ngài. Ngoài ra chúng tôi cũng đã đi hành hương về Trung Quốc nơi các bậc Tổ sư thị hiện qua các cuốn: “Theo dấu chân xưa” và “Vọng cố nhân lầu” mà chúng tôi đã sưu tập biên khảo lại, nhằm giới thiệu cho các Phật tử khắp năm châu, trong cũng như ngoài nước, chia sẻ với chúng tôi về những thể nghiệm của bản thân sau khi đi chiêm bái những thánh tích ấy về.

Ngày 15 tháng 11 năm 2006, phái đoàn chúng tôi đã rời Miến Điện về lại Thái Lan và đổi máy bay để tiếp tục cuộc hành trình sang xứ Úc. Đến chùa Pháp Bảo vào rạng sáng ngày 16 tháng 11. Ngồi nơi thư phòng này tôi ghi vội lại những ý tưởng nơi đây sau khi đi thăm Miến Điện về để đăng trên đặc san Pháp Bảo số Xuân Đinh Hợi 2007 như là một sự tạ ơn Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và chư Tăng Ni chúng của chùa Pháp Bảo đã cưu mang Thầy trò chúng tôi trong 3 mùa nhập thất vừa qua, đã dịch và viết được một số tác phẩm để lại cho đời. Năm nay tôi ở lại Úc hơn 2 tháng rưỡi để hoàn thành tác phẩm thứ 48 với tựa đề là: Tịnh Độ Tông Nhật Bản. Đây là một dịch phẩm khó và tôi sẽ cố gắng hoàn thành việc dịch thuật cũng như chuyển ngữ từ tiếng Nhật sang tiếng Việt để độc giả khắp nơi có những tư liệu tham cứu và tu học.

Ơn nghĩa thì nghìn trùng mà khả năng lại giới hạn, nên tôi mong rằng quí vị đọc văn tôi, hãy nhớ ý quên lời và xin cảm thông cho những sự vụng về của tôi khi muốn diễn tả một ý gì mà không rõ ràng, khiến cho quí vị nheo mày thì lỗi ấy do tôi vậy.

Xin chắp cánh cùng bay về một phương trời đã định sẵn. Nơi ấy đang có những thiện hữu tri thức, chư vị Bồ Tát và chư Phật đang chờ đợi chúng ta từ bao nhiêu kiếp rồi. Hãy nhanh chân lên, đừng chậm trể nữa, hỡi những hành giả đang phát nguyện tu tập.

Viết xong vào chiều ngày 17 tháng 11 năm 2006 tại thư phòng chùa Pháp Bảo
vào một ngày đầu hạ của xứ Nam Bán cầu.
Thích Như Điển

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
22/03/2019(Xem: 5531)
Phật giáo là tên gọi giáo pháp của Đức Phật Cồ-Đàm, thường được các tín đồ gọi là Phật pháp. Được thành lập bởi Đức Phật Thích Ca (560-480 TTL) ở miền Bắc Ấn Độ, sau đó được Hoàng đế A Dục chấp nhận là quốc giáo rồi đem vào Tích Lan và các nước lân cận, Phật giáo phát triển nhanh chóng ở Đông phương và cuối cùng trở thành tôn giáo có ảnh hưởng nhất trên thế giới.
07/09/2018(Xem: 6817)
Theo truyền thống Đại thừa, một ngàn vị Phật sẽ giáng thế trong thời kiếp may mắn này là điển hình của Hóa thân tối thượng (mchog-gi sprul-sku, thể dạng của các hóa thân tối thượng). Mỗi một vị Phật trong một ngàn vị Phật đã thành tựu giác ngộ từ lâu. Khi một vị Phật thị hiện trong thời kiếp này thì mỗi vị sẽ đồng thời hóa thân ở Nam Thiệm Bộ Châu (Southern Continent) trong mỗi một tỷ hệ thống thế giới trong vũ trụ của chúng ta, đồng thời thực hiện mười hai công hạnh giác ngộ (mdzad-pa bcu-gnyid) của một vị Phật ở nơi đó.
01/08/2018(Xem: 11949)
Một kỷ nguyên mới canh tân kỹ thuật đang lan tràn khắp thế giới và đang tiến đến trưởng thành, đó là mạng lưới thông tin toàn cầu internet (world wide web), một hệ thống truyền thông và môi trường học có sức mạnh. Không nên xem Internet chỉ là một phương tiện mới để truyền bá Giáo Pháp với một hình thức mới, mà Internet còn có tiềm năng là một căn cứ cho một cộng đồng Phật Giáo trên mạng (online) cống hiến những giá trị xã hội và tâm linh cho mọi người.
14/07/2018(Xem: 7449)
Đức Phật ra đời vào năm 624 trước tây lịch tại nước Ấn Độ. Ngài thuyết pháp 49 năm. Phật giáo đã trở thành quốc giáo, vì các vua, các quan và dân chúng đa phần đều theo đạo Phật. Nay trên trang website của nước Ấn Độ thống kê Phật giáo chỉ có 0,7 % của dân số Ấn Độ. Quý vị có thể tham khảo trang nhà nước Ấn Độ theo đường nối kết bên dưới.
21/03/2018(Xem: 15304)
Chúng ta đang ở vào năm thứ 18 của Thế Kỷ 21 và chỉ còn 82 năm nữa nhân loại sẽ bước vào Thế Kỷ 22. Có rất nhiều biến động của thế kỷ trước mà chúng ta đã quên mất rồi. Nhân dịp về hưu rảnh rỗi tôi lục lại cuốn Biên Niên Sử Thế Kỷ 20 (Chronicle of the 20th Century) để xem nhân loại phát minh ra những gì, chịu những thống khổ, những vui buồn như thế nào và có bao nhiêu cuộc chiến tranh giữa các đế quốc. Sự thực phũ phàng của 118 năm qua là, một quốc gia tuy nhỏ bé nhưng có vũ khí tối tân và bộ máy quân sự khổng lồ vẫn có thể bá chủ thế giới và biến các quốc gia to rộng gấp mười lần mình thành nô lệ. Do đó muốn tồn tại trong độc lập, ngoài phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học, lúc nào cũng phải tăng cường binh bị, vũ khí cho kịp đà tiến triển của nhân loại. Sách lược ngoại giao cũng là một vũ khí nhưng sức mạnh quân sự của một quốc gia là loại vũ khí vững chắc nhất.
02/02/2018(Xem: 7377)
Rắc Rối Về Phật Giáo Của Bà San Suu Kyi. "Aung San Suu Kyi’ s Buddhism Problem” Tại sao biểu tượng dân chủ của Miến Điện lại không lên tiếng bênh vực các sắc dân thiểu số và chống lại chủ nghĩa quốc gia, tinh thần kỳ thị chủng tộc, bài ngoại và thỉnh thoảng bạo động của tín đồ Phật Giáo chiếm đa số trên đất nước Miến Điện? (Bài viết của William McGowan đăng trên tạp chí Foreign Policy ngày 17/9/2012) Suốt đoạn đường đấu tranh lâu dài chống lại các ông tướng của Miến Điện, Bà Aung San Suy Kyi – biểu tượng của nền dân chủ- phần lớn dựa vào tinh thần Phật Giáo. Bà đã tán dương một tôn giáo đã giúp bà tìm thấy tự do ở trong tâm tưởng suốt 15 năm bị quản thúc tại gia và nói rằng giáo lý, chẳng hạn như “bao dung” (loving kindness) có thể giúp
01/01/2018(Xem: 40094)
Đại Bảo tháp Phật giáo cổ xưa Nelakondapalli ở huyện Khammam đang ở giai đoạn cuối của việc tu sửa. Với kinh phí khoảng 6 triệu Rupee, Cục Khảo cổ học và Bảo tàng đã thực hiện công việc để Đại Bảo tháp khôi phục lại vinh quang ban đầu và để bảo tồn kiến trúc cổ xưa này cho hậu thế. Di tích Phật giáo này, tọa lạc cách thị trấn Khammam khoảng 22 km, là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng nhất của bang Andhra Pradesh. Đại Bảo tháp đồ sộ, vốn đã tồn tại qua nhiều thế kỷ của sự hao mòn, đang được tu sửa sau khi cư dân và các sử gia địa phương nhiều lần cầu xin để bảo tồn di tích lịch sử có tầm quan trọng lớn lao về khảo cổ học này. Cục khảo cổ học cho biết loại gạch đặc biệt được đặt làm cũng như các vật chất kết nối tự nhiên đã được sử dụng để tăng cường cho cấu trúc của Đại Bảo tháp. (bignewsnetwork – April 18, 2015)
15/11/2017(Xem: 8123)
Phật Giáo Hoa Tông theo dòng lịch sử - HT Thích Thiện Nhơn
01/11/2017(Xem: 3505)
Phật Giáo Tại Hoa Kỳ - Thích Nguyên Tạng, Hoa Kỳ, một quốc gia ở lục địa Bắc Mỹ, gồm 50 tiểu bang. Diện tích 9,4 triệu m2, dân số 326,766,748 triệu người (thống kê 2018, dân số Hoa Kỳ đứng hàng thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ), mật độ dân cư: 26,6 người/km2 . Tuổi thọ trung bình: 75,9 tuổi; học sinh cấp 2: 98%; thu nhập bình quân đầu người: 55.925 đô la. Đây là một quốc gia được thành lập từ cuối thế kỷ 18 (từ 13 thuộc địa của Anh quốc). Nhưng đến cuối thế kỷ 19 đã trở thành một nước tư bản phát triển đến giai đoạn chủ nghĩa, bắt đầu đi xâm lược và mở rộng thị trường trên khắp hoàn cầu. Từ sau thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ đã trở thành một nước tư bản độc quyền, đứng đầu hệ thống các nước tư bản chủ nghĩa trên thế giới. Hoa Kỳ cũng được xem là một quốc gia có nền dân chủ xưa nhất trong các nền dân chủ lớn hiện đại.
18/10/2017(Xem: 6534)
Lịch sử Phật Giáo qua tem bưu chính, Trần Thanh Lý biên soạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567