Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hội Nghị của các Nhà Lãnh Đạo Phật Giáo Thế Giới về Đạo Phật và Du Lịch Tâm Linh

10/04/201312:29(Xem: 4849)
Hội Nghị của các Nhà Lãnh Đạo Phật Giáo Thế Giới về Đạo Phật và Du Lịch Tâm Linh

HỘI NGHỊ CỦA CÁC LÃNH TỤ PHẬT GIÁO THẾ GIỚI

VỀ ĐẠO PHẬT VÀ DU LỊCH TÂM LINH

Thích Nhật Từ

---o0o---

BỒ-ĐỀ ĐẠO TRÀNG ĐƯỢC LIỆT VÀO DI TÍCH VĂN HOÁ THẾ GIỚI

Vào ngày 27-6-2003, Tổ chức Văn Hoá, Xã Hội và Giáo Dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) chính thức liệt Bồ-đề Đạo Tràng vào danh sách Di Tích Văn Hoá Thế Giới (World Heritage Site), đứng hàng thứ 23 trong tổng số các công trình văn hoá tôn giáo ở Ấn-độ. Sự kiện trọng đại này đã làm nức lòng tăng ni và Phật tử trên khắp năm châu bốn biển.

Để đánh dấu sự quan trọng đại này và nhằm đẩy mạnh các chuyến hành hương về đất Phật, Bộ Du Lịch và Văn Hoá cũng như Bộ Hàng Không Dân Dụng của chính phủ Ấn-độ đã phối hợp tổ chức “Hội Nghị của các Nhà Lãnh Đạo Phật Giáo Thế Giới về Đạo Phật và Du Lịch Tâm Linh” vào hai ngày 17-18 tháng 2 tại toà nhà hội nghị quốc tế Vigyan trong lòng thủ đô New Delhi, và lễ chúc mừng thánh địa Bồ-đề Đạo Tràng được liệt vào Di Tích Văn Hoá Thế Giới vào ngày 19-2-2004.

Phát biểu trong ngày khai mạc, tổng thống Ấn-độ, tiến sĩ A.P.J. Abdul Kalam, nhấn mạnh rằng mục đích của hai ngày hội nghị là nhằm thảo luận các vấn đề liên hệ đến hành hương về các thánh tích Phật giáo ở Ấn-độ, đề cao giá trị tâm linh và văn hoá của các chuyến du lịch Phật tích, đồng thời, thông qua đó, giới thiệu các giá trị nhân bản của Phật giáo cho đời sống xã hội hiện đại.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, hội nghị về Phật giáo và du lịch tâm linh được tổ chức một cách trọng thể với sự tham dự của khoảng 1200 đại biểu, trong đó có khoảng 300 vị là các nhà lãnh đạo tâm linh, các tăng sĩ lỗi lạc cũng như các nhà học giả Phật giáo đến từ 25 nước. Phái đoàn đại biểu của Việt Nam gồm 22 vị. Tất cả chi phí giao thông, du lịch và ăn ở trong suốt thời gian đoàn ở Ấn Độ đều do chính phủ Ấn-độ đài thọ.

Khi đến phi trường quốc tế Indra Gandhi tại thủ đô Ấn-độ, đoàn đại biểu của các nước đều được nhân viên ngoại giao của Ấn-độ đón rước rất trịnh trọng. Riêng đoàn GHPGVN còn có khoảng 60 tăng ni sinh Việt Nam tiếp rước. Mỗi đại biểu được choàng vào cổ một vòng hoa vạn thọ và một tấm vãi lụa để chúc phúc. Các đại biểu được đưa về khách sạn năm sao Aśoka, với đầy đủ các phương tiện như điện thoại quốc tế và đường dây internet v.v... Ngoài các món chay đặc sản của Ấn-độ, còn có nhiều món ăn châu Á được phục vụ, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho quý đại biểu về một đất nước tràn đầy tình thương đối với các loài động vật và gia súc.

ando-Bo%20De%20Dao%20Trang1

Quang cảnh Hội Nghị

ando-Vigyan%20Bhavan1
Đại Đức Thích Nhật Từ tại Hội Nghị

CHƯƠNG TRÌNH HỘI NGHỊ

Hội nghị được diễn ra trong hai ngày 17 và 18 tháng 2 với các phần hội thảo chính như sau. Phần thứ nhất là Lễ Khai Mạc với chủ đề: “Du lịch Tâm Linh Phật Giáo.” Trong lễ khai mạc, hơn 1200 đại biểu có mặt tại hội trường lớn trong Vigyan Bhavan. Hoà thượng Thích Thanh Tứ đại diện đoàn đại biểu GHPGVN nhận cây bồ-đề do tổng thống Ấn-độ trao tặng. Trong buổi thuyết trình 45 phút, đức Dalai Lama thứ 14 đã nhấn mạnh đến các lời dạy của đức Phật về đạo đức, trí tuệ, tình thương, hoà bình và bất bạo động như là các giá trị tâm linh và văn hoá bất hũ, làm tiền đề cho các chuyến hành hương về đất Phật. Tổng thống Ấn-độ cho rằng du lịch tâm linh không phải là sự trở về đất nước Ấn-độ bằng vật lý, với những di tích bằng vật chất mà là sự trở về với các giá trị văn hoá và tâm linh mà đức Phật và các vị thánh Phật giáo đã dạy cho nhân loại mấy mươi thế kỷ trước. Sau lễ khai mạc, quý hoà thượng Thích Thanh Tứ và hoà thượng Thích Trí Quảng được mời dùng cơm đặc biệt với đức Dalai Lama và các viên chức quan trọng của chính phủ Ấn-độ, như một dấu chỉ liên kết tình hữu nghị giữa các nước.

Buổi chiều ngày 17-2 được bắt đầu bằng các lời kinh tụng của Tích-lan, Thái-lan và Tây Tạng. Ngay sau đó, hai chủ đề hội thảo được diễn ra cùng một lúc trong hai hội trường khác nhau. Đoàn GHPGVN chia làm 2 để tham dự vào hai cuộc hội thảo. Chủ đề hội thảo thứ nhất là: “Phật Giáo trong Thế Kỷ 21” với sự thuyết trình của 8 nước, trong đó, Hoà thượng Thích Thanh Tứ trình bày về đề tài “Các Giá Trị Phật Giáo và Sự Hấp Dẫn Du Lịch Tâm Linh.” Chủ đề hội thảo thứ hai là “Phật Giáo và Hoà Bình Thế Giới” với sự thuyết trình của 9 đại biểu. Các đại biểu đã tuần tự trình bày sự thích ứng của triết học Phật giáo trong thế giới hiện đại và thông qua đó nhằm xác định rằng thông điệp từ bi và trí tuệ của đức Phật sẽ là phương châm sống và hành động vì lợi ích của các cộng đồng và dân tộc trên khắp thế giới.

Từ 16g đến 18g30, các xe du lịch đã lần lượt đưa qúy đại biểu tham quan Viện Bảo Tàng Quốc Gia tại New Delhi, để thưởng thức Các Bộ Sưu Tập về các Kho Tàng Phật Giáocũng như Triển Lãm Hình Ảnh về các Thánh Tích Phật Giáo. Tại đây, quý đại biểu còn có dịp chiêm ngưỡng và đảnh lễ các viên xá lợi của đức Phật được thờ trong tháp vàng do những nghệ nhân của Thái Lan thiết kế. Sau đó, đoàn đại biểu được chở đến Nhà Trưng Bày Nghệ Thuật Hiện Đại cấp Quốc Gia, để thưởng thức các bức tranh tượng hình rất sắc xảo của nhiều hoạ sĩ tài danh Ấn-độ. Các cuộc triển lãm về nghệ thuật Phật giáo và nghệ thuật hiện đại của Ấn-độ đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về một đất nước phong phú và đa dạng về nghệ thuật và văn hoá. Tối 19g30 đến 20g15, chương trình văn nghệ với chủ đề: “Phật giáo - Cuộc Hành Trình Tâm Linh” đã làm cho quý đại biểu yêu quý đất nước Ấn-độ với những điệu múa và lời ca đầy thiền vị giải thoát.

Buổi sáng ngày 18-2, 3 phần hội thảo khác được diễn ra cùng một lúc trong ba hội trường khác nhau. Hội thảo thứ tư với chủ đề “Hành Hương Đất Phật – Các Vấn Đề và Triển Vọng” đã đặt ra các trở ngại và thách thức trong du lịch Ấn-độ và hướng khắc phục. Hội thảo thứ năm với chủ đề “Phật Giáo và Quốc Tế Hoá” nhằm khẳng định các giá trị Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc quốc tế hoá mối quan hệ hữu nghị giữa các nước yêu chuộng hoà bình và văn hoá tâm linh. Hội thảo thứ sáu với chủ đề “Các Di Tích Văn Hoá Phật Giáo ở Ấn-độ” nhằm giới thiệu về tầm quan trọng cũng như các giá trị văn hoá và nghệ thuật của các thánh tích Phật giáo như là cội nguồn của nhiều truyền thống tâm linh ở Ấn-độ.

Buổi chiều ngày 18-2, hai phần hội thảo cuối cùng được diễn ra trong hai hội trường khác nhau. Hội thảo thứ bảy với chủ đề “Đẩy Mạnh các Chuyến Du Lịch Phật Giáo tại Ấn Độ” nhằm thảo luận các phương án hữu hiệu để thu hút du khách và khách hành hương đến Ấn-độ nhiều hơn, để các giá trị tinh thần và tâm linh của Phật giáo luôn được sống mãi trong lòng của nhân loại. Phần hội thảo cuối cùng gồm hai phần: phần đầu thuyết trình về chủ đề “Đức Phật Đã Dạy Những Gì” và phần sau là trình bày “Nghệ Thuật Ajanta.”

Lúc 16g00 ngày 18-2, hơn một ngàn đại biểu ngoại quốc và Ấn-độ đến nhà ga thủ đô New Delhi, đi Gaya bằng chuyến xe lữa siêu tốc Liên Bang Radhani. Các hành khách được phục vụ ăn uống rất chu đáo. 7g30 ngày 19-2, khoảng 100 nhà lãnh tụ tâm linh Phật giáo cũng như các giới chức cao cấp của Phật giáo đến từ 25 nước đến Bồ-đề Đạo Tràng bằng một chuyến bay đặc biệt của Bộ Hàng Không Dân Dụng.

Mặc dù chiếc máy bay đặc biệt này đã đến trễ 2 tiếng và chuyến xe lửa đến trễ 4,5 tiếng, Lễ mừng “Tháp Đại Giác” được UNESCO liệt vào Di Sản Văn Hoá Thế Giới được diễn ra trong không khí vô cùng trang nghiêm và trọng thể. Cờ năm sắc của Phật giáo tung bay khắp khuôn viên tháp Đại Giác. Tiếng tụng kinh của các vị kinh sư Tây Tạng ngân vang, làm không khí của tháp càng linh thiêng hơn. Tăng ni và Phật tử hiện diện chấp tay hướng về lễ đài, như để kính lễ đức Phật. Đèn cầy được thấp lên làm cho trời sáng càng thêm sáng. Các loại hoa quý đẹp được trang hoàng lộng lẫy xung quanh tháp. Tượng đức Phật chuyển pháp luân trong chánh điện tháp được thép vàng sáng rực. Tăng ni và Phật tử, người cầm chuổi, người niệm Phật, người thiền toạ trong khuôn viên tháp làm cho không khí ngày 19 –2 trở thành ngày lễ hội văn hoá Phật giáo.

Khi buổi lễ vừa kết thúc, đoàn đại biểu vào chánh điện Tháp Đại Giác để đảnh lễ đức Phật. Sau đó, tất cả đại biểu đi kinh hành quanh tháp để tưởng niệm sự kiện đức Phật thành đạo tại đây. Các đại biểu còn được hướng dẫn tham quan các ngôi chùa ngoại quốc được xây dựng trong khu vực quanh tháp. Sau khi ăn cơm trưa, các đại biểu Phật giáo tiêu biểu của các nước được hướng dẫn tham quan thánh tích Sarnath, nơi đức Phật chuyển bánh xe chánh pháp.

Chiều 16g00 ngày 20-3, toàn thể đại biểu dự tiệc trà thân mật do tổng thống Ấn-độ chiêu đãi, trong không khí thân mật và cởi mở. Vị tổng thống đã đến từng chỗ ngồi, bắt tay từng đại biểu một. Trước khi chia tay, với một giọng nói thâm trầm va tha thiết, ông bày tỏ rằng các nhà tâm linh và các nhà lãnh đạo Phật giáo trên khắp thế giới hãy cùng Ấn-độ xây dựng một trường đại học của tình thương, hiểu biết và đoàn kết khắp nơi trên trái đất này. Trường đại học đó phải vắng mặt các thái độ “tôi và của tôi” để mọi người có thể cùng sinh sống, cùng hành động và cùng chia sẻ các giá trị tinh thần và văn hoá mà đức Phật Thích-ca đã dầy công giảng dạy, để thế giới này không còn chiến tranh, hận thù và khổ đau.

THĂM TĂNG NI SINH VÀ ĐẠI SỨ QUÁN VIỆT NAM

Sau ba ngày làm việc, chương trình hội nghị đã chấm dứt. Phái đoàn GHPGVN chia làm hai nhóm, một nhóm tiếp tục lên đường chiêm bái các thánh tích còn lại, một nhóm đã đến viếng trường Đại học Delhi tại thủ đô Ấn-độ. Tại hội trường Tagore, hơn 100 tăng ni sinh Việt Nam phần lớn đang theo học bộ môn Phật học đã thể hiện nét mặt hân hoan và hạnh phúc khi nhìn thấy chư tôn đức lãnh đạo giáo hội đã quan tâm sâu sắc đến sự tu học đầy khó khăn của họ tại đất Phật. Thượng toạ giáo sư Satyapal trưởng bộ môn Phật học và các tiến sĩ đồng nghiệp của ông đã tiếp đón đoàn một cách trọng thể. Các giáo sư bộ môn Phật học và chư tôn đức trong phái đoàn đều nhất trí rằng trong tương lai sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ hơn để giao lưu văn hoá và giáo dục giữa Ấn-độ và Việt Nam. HT. Thích Thanh Tứ, HT. Thích Trí Quảng và TT. Thích Giác Toàn đã lần lượt sách tấn tăng ni sinh, bằng cách khẳng định tăng ni sinh là trụ cột tương lai của GHPGVN. Chư tôn đức đã tha thiết khuyên họ nên tinh tấn nhiều hơn nữa trong tu học để sớm trở về phục vụ giáo hội và dân tộc. 10.000 đô Mỹ và quà tết đầy hương vị của quê hương Việt Nam như: mứt sen, rong biển, nước tương, kỷ yếu đại hội kỳ V, kỷ yếu thành lập GHPGVN, lịch chú tiểu và báo xuân Giác Ngộ v.v... đã được gởi đến các tăng ni sinh hiện diện.

LƯU LUYẾN DƯ HƯƠNG

Rời khỏi Ấn-độ, các thành viên trong đoàn đều cảm thấy tâm hồn mình lâng lâng, tràn đầy pháp hỷ như dư hương của thánh tích Bồ-đề Đạo Tràng được liệt vào Di Sản Văn Hoá Thế Giới vẫn còn phảng phất đâu đây. Trong sâu thẳm tâm thức của chư tôn đức lãnh đạo giáo hội, hình ảnh tăng ni sinh đang tu học tại đất Phật lại hiện lên như một nguồn hy vọng cho một tương lai rạng rỡ của Phật giáo Việt Nam. Máy bay đã cất cánh. Hình ảnh của đất Phật thân yêu mất dạng. Các di sản văn hoá liên hệ đến cuộc đời của đức Phật vẫn còn mãi trong tâm trí mỗi người. Nhớ lại hình ảnh của các tăng ni sinh đang tu học tại Tây Trúc, các thành viên trong đoàn không khỏi liên tưởng đến sự kiện “hành trình về đất Phật” hay “hành trình thỉnh kinh trên đất Phật” không còn là ước vọng nữa, mà đã trở thành hiện thực của hôm nay và ngày mai!

BỒ-ĐỀĐẠO TRÀNG SẼ GIỐNG NHƯ VATICAN VÀ MECCA ?

Thích Nhật Từ

Công trình kiến trúc vĩ đại nhất tại Bồ-đề Đạo Tràng chính là tháp Đại Bồ-đề. Tháp Bồ-đề Đạo Tràng hay còn gọi là chùa Đại Bồ-đề (Mahābodhi Mahā-vihāra) hay Đại tháp (Great Stūpa) là một trong số 84.000 đền tháp được đại đế A-dục kiến dựng vào thế kỷ thứ 3 TTL.

Bồ-đề Đạo Tràng là nơi thái tử Tất-đạt-đa đã trở thành đức Phật, bậc giác ngộ vào thế kỷ thứ 6 TTL. Trong suốt thời đại của vua Piyadassi Aśoka (A-dục) vào thế kỷ thứ 3 TTL, nơi này đã trở thành thánh địa nổi bật nhất của Phật giáo. Đại đế A-dục đã sắc lệnh xây dựng toà Kim Cương hay còn gọi là toà giác ngộ và tháp Đại Giác để tưởng nhớ và tôn kính đức Phật. Quần thể kiến trúc Bồ-đề Đạo Tràng mà chúng ta thấy hiện nay đã trải qua nhiều lần trùng tu và kiến tạo dưới nhiều triều đại Phật giáo khác nhau, và hoàn thành vào thế kỷ thứ 7, dưới triều đại Gupta.

Không chỉ đối với người Phật tử Ấn-độ, rất nhiều lãnh tụ Phật giáo có mặt ngay ngày lễ kính mừng Bồ-đề Đạo Tràng được liệt vào Di Tích Văn Hoá Thế Giới đều mong mỏi rằng trong một tương lai gần, thánh tích Bồ-đề đạo tràng sẽ trở thành thánh địa của Phật tử năm châu, như Vatican của Cơ-đốc giáo hoặc Mecca của Hồi giáo, hay gần nhất là Đền Vàng (Golden Temple) của đạo Sikh. Điều mơ ước này mặc dù rất chính đáng nhưng khó có thể trở thành hiện thực, là vì đại đa số thành viên trong Hội Đồng Quản Trị của Bồ-đề Đạo Tràng là người theo Ấn giáo và chính quyền Ấn Độ chưa đầu tư đúng mức cho thánh địa này.

Hội Đồng Quản Trị của Bồ-đề Đạo Tràng gồm 10 thành viên, trong đó chỉ có 3 vị tăng sĩ là TT. Bhadant Gyaneshwar Mahathera, TT. Bhadant Ārya Nāgārjuna Surei Sasai và ĐĐ. Bodhipala (tri sự). Bảy thành viên còn lại đều là người theo Ấn giáo, trong đó, ông Brijesh Mehrotra thị trưởng Gaya là chủ tịch của HĐQT, và uỷ viên thư ký là tiến sĩ Kalicharan Singh Yadav. Thành phần HĐQT với đại đa số là người Ấn giáo được Luật về Bồ-đề Đạo Tràng do chính phủ bang Bihar ban hành vào năm 1949, đã tạo ra sự bất bình trong quần chúng Phật tử Ấn-độ. Để làm giảm bớt dư luận, gần đây chính phủ Ấn-độ đã thành lập thêm Ban Cố Vấn, bao gồm các vị đại sứ của các nước Phật giáo và ngài Dalai Lama thứ 14.

Trong lịch sử, tháp Bồ-đề Đạo Tràng đã từng trải qua các bước thăng trầm. Từ lúc mới được xây dựng cho đến đầu thế kỷ 13, Bồ-đề Đạo Tràng thuộc về quyền quản lý của Phật giáo. Khi quân Hồi giáo xâm lăng Ấn-độ, thánh địa này đã mất vào tay đạo Hồi. Vào năm 1590, một vị đạo sĩ Ấn giáo là Mahant Ghamandi Giri đã lấn chiếm và tự xưng là người kế thừa Bồ-đề Đạo Tràng. Vị truyền thừa hiện tại là vị Mahant thứ 16. Ông Sir Edwin Arnold, tác giả quyển Viếng Sáng Á Châu (The Light of Asia) là người có công trong việc kêu gọi chính quyền Ấn-độ giao trả Bồ-đề Đạo Tràng cho Phật giáo. Người có công thứ hai là Anagarika Dharmapāla đã vận động các nước Phật giáo gây sức ép chính phủ Ấn-độ. Năm 1891, một phần của Bồ-đề Đạo Tràng đã được giao lại cho Phật giáo, từ dòng họ Mahant. Bộ luật về Bồ-đề Đạo Tràng được ra đời vào ngày 19-6-1949 nhằm xác định Bồ-đề Đạo Tràng thuộc di tích Phật giáo nhưng đại đa số thành phần quản trị thuộc Ấn giáo.

Trong một lá thư gởi cho bộ trưởng Bộ Du Lịch, thượng toạ Priya Pal đã khẳng định rằng thành phần quản trị Bồ-đề Đạo Tràng phải thuộc về Phật tử, chứ không thể thuộc về người Ấn giáo. Thượng toạ còn than phiền rằng phía Phật giáo không có vai trò quan trọng trong hệ thống quản trị của Bồ-đề Đạo Tràng từ năm 1949. Lễ chúc mừng Bồ-đề Đạo Tràng được liệt vào Di Tích Văn Hoá Thế Giới theo thượng toạ sẽ không làm thay đổi gì trong hệ thống pháp lý bất công của chính quyền Ấn giáo. Các vị khai sơn của các chùa nước ngoài tại Bồ-đề Đạo Tràng đều bất mãn và yêu cầu chính quyền Ấn-độ cần sửa đổi luật quy định về thánh địa này. Hoà thượng Thích Huyền Diệu, trụ trì Việt Nam Phật Quốc Tự tại Bồ-đề Đạo Tràng và Lâm-tỳ-ni, cho biết “các tăng sĩ Phật giáo Ấn-độ cũng như các tu sĩ Phật giáo nước ngoài đang hành đạo tại đất Phật đã nhiều năm đấu tranh, yêu cầu chính quyền Ấn-độ giao quyền quản trị cho Phật giáo nhưng không thành công.”

Hơn 50 năm đấu tranh đã trôi qua, số lượng thành viên Hội Đồng Quản Trị của Bồ-đề Đạo Tràng vẫn nghiêng về người theo Ấn giáo. Đây là điều bất công mà Giáo Hội Tăng Già Ấn Độ đã nhiều năm đấu tranh nhưng vẫn không làm thay đổi được cục diện.

Một điều nghịch lý khác là trong khi chính quyền Ấn-độ, đặc biệt là bộ Du Lịch và Văn Hoá phối hợp với bộ Hàng Không Dân Dụng, đã bỏ ra một khoảng tiền rất lớn, 250 lắc rupee, tương đương 625.000 đô Mỹ để tổ chức hội nghị thì giới truyền hình và báo chí Ấn-độ dường như “phớt lờ” trước sự kiện trọng đại này. Hai tờ Nhật báo lớn nhất của Ấn-độ là The Times of India The Hindustan Timeschỉ đưa tin vài hàng như thể đây là sự kiện bất lợi cho Ấn giáo, trong khi đó các đài truyền hình và các tờ nhật báo khác tại Ấn Độ hầu như không đưa tin! Nhiều giới chức Phật giáo nước ngoài tham dự hội nghị cho rằng chính quyền Ấn-độ chỉ muốn thu hút khách hành hương và du khách ngoại quốc đến Ấn-độ, để góp phần phát triển kinh tế qua con đường du lịch, hơn là giới thiệu cho người bản địa biết đến giá trị của một di sản văn hoá lớn của Phật giáo đang hiện hữu trên đất nước họ.

Mặc dù chính quyền bang Bihar, nơi Bồ-đề Đạo Tràng được thiết lập, đã đầu tư 3 tỉ rupee (tương đương 1050 tỉ đồng VN) để duy trì tính nguyên thuỷ của Bồ-đề Đạo Tràng và làm vệ sinh khu xung quanh tháp, du khách vẫn khó có thể mườn tượng được đâu là phần đã được đầu tư. Đoạn đường mười mấy km từ ga xe lửa Gaya đến Bồ-đề Đạo Tràng vẫn y nguyên hình bóng cũ, không có gì thay đổi. Gần đến Bồ-đề Đạo Tràng mới có các tấm biểu ngữ chào mừng, với nhiều em học sinh tiểu học đứng dọc theo hai lề đường với nhiều rác rưởi. Trong tay các em cầm hai lá cờ năm sắc Phật giáo và cờ nước Ấn-độ, miệng hô vang các khẩu hiệu chào mừng các đại biểu của các nước.

Một điều ngạc nhiên khác nữa là gần như dân chúng quận Gaya hầu như không quan tâm đến sự kiện trọng đại này. Chỉ có khoảng 1500 người tham dự (kể cả 350 đại biểu Phật giáo từ 25 nước) trong một khuông viên nhiều mẫu! Trong khi đó, năm 2003 vừa qua, lễ Kalachakra (bánh xe thời gian) và lễ cầu nguyện hoà bình do đức Dalai Lama tổ chức trong khuôn viên Bồ-đề Đạo Tràng thu hút gần 200.000 Phật tử trong và ngoài nước Ấn-độ về dự trong suốt 10 ngày liền! Ngài Dalai Lama cũng như Karmapa của Tây Tạng không được mời dự trong lễ chính thức tại Bồ-đề Đạo Tràng !?

Điều đó cho thấy chính quyền Ấn giáo của Ấn-độ có thể không muốn các giá trị tâm linh và văn hoá của các thánh địa Phật giáo được nhân rộng thật sự, mà chỉ nhằm đề cao giá trị thương mãi của hành hương, dưới danh nghĩa “du lịch tâm linh.” Tất cả những điều này không thể nào biến Bồ-đề Đạo Tràng thành thánh địa Phật giáo như Vatican và Mecca, và theo một cách nhìn nào đó, đây có thể là chủ đích của những nhà chính trị Ấn giáo.

ĐẠO PHẬT VÀ DU LỊCH TÂM LINH

HỘI NGHỊ CỦA CÁC LÃNH TỤ PHẬT GIÁO THẾ GIỚI TẠI ẤN ĐỘ

Thích Nhật Từ

TÓM TẮT CHƯƠNG TRÌNH HỘI NGHỊ

Sau 5 năm nghiên cứu về giá trị và tầm quan trọng của Bồ-đề Đạo Tràng, cuối cùng tổ chức Văn Hoá, Xã Hội và Giáo Dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công bố thánh tích này là Di Tích Văn Hoá Thế Giới vào ngày 27-6-2003, nâng tổng số các di tích văn hoá thế giới của Ấn-độ lên thành 23 công trình. Thừa nhận các giá trị di sản văn hoá và truyền thống tâm linh Phật giáo như quốc bảo mà người Ấn-độ từ lâu đã bỏ quên, bộ Du Lịch, Văn Hoá và bộ Hàng Không Dân Dụng của chính phủ Ấn-độ đã phối hợp tổ chức “hội nghị của các lãnh tụ Phật giáo thế giới về Đạo Phật và Du Lịch Tâm Linh” tại viện Vigyan New Delhi và Bodhgaya.

Bồ-đề Đạo Tràng là thánh địa quan trọng nhất đối với người Phật tử, nơi cách đây hơn 2500 năm, thái tử Tất-đạt-đa của dòng họ Thích-ca đã thành tựu đạo quả giác ngộ vô thượng, từ đó, đạo Phật có mặt trên cuộc đời. Các di tích tại Ấn-độ liên hệ đến cuộc đời đức Phật là những kho tàng văn hoá và tâm linh vô giá đối với người Phật tử nói riêng và nhân loại nói chung.

Về loại hình và nội dung, đây là hội nghị đầu tiên quy tụ gần 400 nhà lãnh tụ và các bậc thầy trong nhiều truyền thống Phật giáo, cũng như các nhà nghiên cứu, học giả Phật học đến từ 25 nước như: Tích-lan, Indonesia, Malaysia, Triều Tiên, Đại Hàn, Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ, Singapore, Bhutan, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia, Bangaladesh, Nepal, Mỹ, Úc, Anh, Đức, Pháp, Đài Loan, Hồng Kong và Vietnam.

Trong hàng khách quý, có vài vị tăng thống (Sangharajas) của các nước Phật giáo Nam tông như tăng thống Cam-pu-chia và tăng thống Lào. Đức Dalai Lama thứ 14 là một trong những thượng khách được mời phát biểu chính trong ngày khai mạc, với trên 1200 đại biểu ngoại quốc và Ấn-độ tham dự.

Về quan khách, có vài đại sứ và nhân viên ngoại giao cao cấp của các nước Phật giáo tham dự. Phía Ấn-độ có các bộ trưởng Văn Hoá, Du Lịch và bộ Trưởng bộ Hàng Không Dân Dụng, các viên chức quan trọng khác trong chính phủ trung ương và bang Bihar, nơi tháp Bồ-đề Đạo Tràng đang hiện hữu, cũng như nhiều công ty du lịch trong và ngoài nước Ấn-độ. Tổng thống Ấn-độ, tiến sĩ A P J Abdul Kalam đích thân khai mạc và phát biểu tại hội nghị quan trọng này.

Hội nghị được diễn ra ba ngày, từ ngày 17 đến 19 tháng 2 năm 2004. Hai ngày đầu, hội nghị được tổ chức trọng thể tại Vigyan Bhavan, nơi mà các cuộc đàm phán và hội thảo quốc tế của chính phủ Ấn-độ thường được diễn ra. Có hai mảng chủ đề chính được thảo luận trong nhiều hội trường khác nhau:

1) Mảng chủ đề thứ nhất là Sự Thích Ứng của Đạo Phật và Triết Học Phật Giáo trong Thế Giới Hiện Đại. Chủ đề lớn này được chia làm ba phần: a) Phật Giáo trong Thế Kỷ 21” b) “Phật Giáo và Hoà Bình Thế Giới” và c) “Phật Giáo và Quốc Tế Hoá.” Có khoảng 200-400 đại biểu Phật giáo tham dự và thảo luận các chủ đề này, trong các hội trường khác nhau.

2) Mảng chủ đề thứ hai là “Phật giáo - Cuộc Hành Trình Tâm Linh” được chia làm ba chủ đề hội thảo chính: a) “Các Di Tích Văn Hoá Phật Giáo ở Ấn-độ” b) “Hành Hương Đất Phật – Các Vấn Đề và Triển Vọng” và c) “Đẩy Mạnh các Chuyến Du Lịch Phật Giáo tại Ấn Độ.” Cũng có nhiều đại biểu tham dự các chủ đề hội thảo này trong các hội trường khác nhau, thuộc Vigyan Bhavan.

Phần thuyết trình bằng băng đĩa về nghệ thuật kiến trúc độc đáo của Phật giáo như Ajanta và Alora v.v... đưa quý đại biểu trở về với những danh lam cổ tự Phật giáo được đục sâu vào lòng dãi núi, trải qua nhiều thời đại. Các đại biểu còn được tham quan Viện Bảo Tàng Quốc Gia với 20 viên xá-lợi Phật nhiều màu sắc được tôn thờ trong một tháp lát vàng và cẩn kim cương, do những nghệ nhân Thái Lan kiến dựng và hiến cúng. Đây cũng là nơi diễn ra hai cuộc triển lãm hình ảnh về a) Các Thánh Tích Phật Giáovà b) Các Kho Tàng Phật Giáo, nhằm giúp cho quý đại biểu có thể thưởng thức các gia tài và di tích văn hóa đặc sắc của Ấn-độ. Bên cạnh đó, các đại biểu còn được thưởng thức các bức hoạ về nghệ thuật hiện đại của các danh hoạ tài danh Ấn-độ tại Nhà Trưng Bày Nghệ Thuật Hiện Đại cấp Quốc Gia, thuộc thủ đô New Delhi. Tối ngày 17-2, các đại biểu thưởng thức chương trình văn nghệ văn hoá tại khách sạn Aśoka với nhiều tiết mục múa và kịch mang sắc thái Phật giáo và văn hoá dân gian Ấn-độ, để lại nhiều ấn tượng về một đất nước phong phú và đa dạng về tâm linh.

Trong lễ khai mạc, 25 vị đại biểu lãnh tụ cao cấp của 25 nước Phật giáo lần lượt tiếp nhận cây Bồ-đề, biểu tượng của giác ngộ và giải thoát, từ tổng thống Ấn-độ.

Được biết, Việt Nam là một trong vài nước có số lượng đại biểu nhiều nhất trong hội nghị lần này với 22 vị chính thức và 23 vị bán chính thức. Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam là Hoà thượng Thích Thanh Tứ với bài phát biểu “Các Giá Trị Phật Giáo và Sự Hấp Dẫn về Du Lịch Tâm Linh” đã gây sự chú ý của nhiểu cử toạ. Trong phái đoàn, còn có Hoà thượng Thích Trí Quảng, TT. Thích Thiện Nhơn, TT. Thích Thanh Nhiễu, TT. Thích Gia Quang, TT. Thích Bảo Nghiêm, TT. Thích Quảng Tùng, TT. Thích Thanh Nhã, TT. Thích Thanh Đạt, ĐĐ. Thích Nhật Từ, ĐĐ. Thích Đức Thiện, NS. Thích Nữ Huệ Từ và một số thượng toạ và ni sư ở miền Bắc và miền Nam, với vài bài viết đóng góp vào hội nghị, nhưng vì đăng ký trễ nên không có phần phát biểu chính thức.

Sự kiện trọng đại nhất của ba ngày làm việc là lễ chúc mừng Bồ-đề Đạo Tràng được UNESCO đưa vào danh sách Di Sản Văn Hoá Thế Giới, được diễn ra vào lúc 11g ngày 19-2-2004 ngay khuôn viên tháp Bồ-đề, do đại đế A-dục kiến dựng nhằm tưởng niệm sự thành đạo của đức Phật đánh dấu sự hiện hữu của đạo Phật trên hành tinh này.

PHƯƠNG DIỆN TỔ CHỨC

Ông Jagmohan, bộ trưởng Bộ Du Lịch Ấn Độ cho biết lẽ ra hội nghị này được tổ chức trong năm 2003 nhưng vì do dịch hô hấp cấp tính (SARS), hội nghị phải dời lại tháng 2-2004. Địa điểm tổ chức hội nghị theo dự kiến ban đầu là ở Bồ-đề Đạo Tràng, nhưng cuối cùng đổi lại thủ đô New Delhi. Đây là hội nghị quốc tế đầu tiên về chủ đề du lịch tâm linh Phật giáo. Chính phủ Ấn-độ chuẩn bị gần 6 tháng để tổ chức hội nghị này. Được biết, trước đó vài hôm, chính phủ Ấn-độ cũng đã khánh thành đài tưởng niệm Huyền Trang tại đại học Nālanda mới để thiết chặt tình hữu nghị Ấn-Trung, đồng thời gây thiện cảm đối với quần chúng Phật tử ở Đông Nam Châu Á.

Các đại biểu được tiếp đãi như những vị thượng khách của đất nước Ấn-độ. Mọi chi phí giao thông và ăn ở từ ngày 17-20 tháng 2 đều do chính phủ Ấn-độ đài thọ. Quý đại biểu được nghỉ tại khách sạn 5 sao Aśoka. Các vị lãnh tụ Phật giáo của 25 nước được đưa đến Bồ-đề Đạo Tràng trên một chuyến bay đặc biệt. Các đại biểu còn lại được đưa đón bằng tàu liên thủ đô Radhani, khởi hành từ New Delhi đến Gaya, trong đó không có hành khách nào ngoài danh sách đại biểu. Quý đại biểu được chiêu đãi các tiệc chay mang đậm hương vị Ấn-độ và được phục vụ rất chu đáo trong suốt những ngày lưu dấu trên đất Phật.

Tại thủ đô Delhi, mọi ngả đường hướng về Vigyan Bhavan nơi diễn ra hội nghị có nhiều biểu ngữ với nhiều màu sắc, trong đó có ghi câu “Phật Giáo, Cuộc Hành Trình Tâm Linh.” Đồng thời, còn có những biểu ngữ nói về hội nghị, như để đánh thức mọi người về một gia tài văn hoá tâm linh của Phật giáo đã bị Ấn-độ quên lãng bởi hai ý thức hệ Ấn giáo và Hồi giáo từ nhiều thế kỷ qua.

Nhiều tấm lọng trắng điểm vàng cao gần 10 mét được treo dọc theo đường vào khách sạn Aśoka làm cho khách sạn vốn đã sang trọng lại càng trang nghiêm hơn. Đèn trang trí được tăng cường làm sáng rực vòm trời khách sạn về đêm. Ngay tiền sảnh của khách sạn, những phiến đá với những dấu chân được tạc lên, biểu tượng cho “những bước chân của bậc giác ngộ” của quá khứ vàng son của đạo Phật, dẫn đến “cuộc hành trình tâm linh, theo dấu chân Phật” trong thời hiện tại và tương lai.

Chính giữa tiền sảnh của khách sạn là bánh xe cầu nguyện theo phong cách Tây Tạng với câu thần chú “Án Ma-ni Bát-di-hồng” được trang trí ở bốn mặt. Các đại biểu được yêu cầu viết lời cầu nguyện tốt lành bằng ngôn ngữ mẹ đẻ rồi bỏ vào thùng bánh xe đó, để làm tăng tâm lực tập thể cho hội nghị thành công tốt đẹp và mang lại sự an lành cho các loài chúng sinh. Cũng trong tiền sảnh, còn có một mạn-đà-la Quán Thế Âm bằng cát nhiều màu sắc do các nghệ nhân tăng sĩ Tây Tạng thuộc Tu viện Mật Tông Guydmed thực hiện.

Các gian hàng mỹ thuật Phật giáo của các nước châu Á được bày bán trong tiền sảnh của khách sạn, nhằm giới thiệu các nét đẹp thuộc các truyền thống Phật giáo khác nhau. Bốn quầy tiếp tân đặc biệt đã được tăng cường, nhằm đáp ứng kịp thời các nhu cầu của quý đại biểu, như quầy lo vé máy bay, quầy cho thuê điện thoại di động, quầy thông tin và đăng ký, và quầy phân phối tài liệu và quà hội nghị.

Các đại biểu được tặng quà lưu niệm gồm tháp Bồ-đề Đạo Tràng rất đẹp và cặp táp màu đỏ nhung có in hoa văn xen lẫn với hình con voi và con công rất xinh, trong đó có nhang cúng Phật và vài tài liệu tiếng Anh giới thiệu về du lịch tâm linh tại Ấn Độ.

Tại Bồ-đề Đạo Tràng, suốt quãng đường dài 5 km hướng về tháp Đại Giác, hàng trăm học sinh tiểu học với những bộ đồng phục lịch sự, có em cầm lá cờ năm sắc Phật giáo, có em cầm cờ nước Ấn-độ, lộ vẻ mặt hoan hỷ, miệng hô to khẩu hiệu chào đón khách quý đến từ nhiều nước. Các biểu ngữ “Dân chúng vùng Bồ-đề Đạo Tràng hân hoan chào đón quý đại biểu Phật giáo” được giăng khắp nơi ở vùng phụ cận Bồ-đề Đạo Tràng.

Con đường duy nhất vào đại Tháp đã được an ninh thiết chặt. Những tiệm hàng lưu niệm và các quán ăn uống dọc lề đường đã được dẹp sạch, tạo vẽ mỹ quan cho cổng vào đại Tháp. Cờ Phật giáo được tung bay khắp khu vực Tháp. Hoa vạn thọ và các loại hoa quý khác được trang trí khắp nơi trong quần thể Bồ-đề Đạo Tràng. Bàn thờ Phật được dựng thêm ở vài nơi trong khuôn viên Tháp. Tăng ni và Phật tử cất những bước đi an lạc và thảnh thơi trong sân Tháp với nhiều bóng mát của những tàng cây Bồ-đề. Không khí về đêm trong các ngày 17-19 thật thiền vị, với những ngọn nến lung linh và đèn trang trí làm sáng rực một góc trời. Lời kinh tụng bằng tiếng Pali và Hindi được cất lên, như phá tan màn đêm và sự tăm tối của kiếp người.

Một tiệm sách Phật giáo vừa được khai trương gần cổng vào tháp Đại Giác. Sách bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ địa phương được bày bán với giá phải chăng. Sách bao gồm nhiều chủ đề khác nhau liên hệ đến các góc độ Phật học và các phương thức hành trì trong đạo Phật.

Hệ thống điện tử hướng dẫn du khách vừa được thiết lập, với một earphone và một chiếc máy hướng dẫn sách tay rất gọn. Đoàn du khách chỉ cần gắn earphone vào lỗ tai là có thể nghe được lời giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch một cách rõ ràng. Đây là hệ thống truyền âm thanh trực tiếp từ hướng dẫn viên đến tất cả du khách trong đoàn, rất tiện lợi và cần thiết cho việc hành hương đến các thánh tích Phật giáo vốn có nhiều biểu tượng và triết lý cần được giải mã.

Để tránh ô nhiễm khu tháp Đại Giác, ban Quản Trị Bồ-đề Đạo Tràng đã sáng kiến xây dựng một ngôi nhà kiếng, có hệ thống lọc khói hiện đại, để giúp cho khách hành hương có thể đốt nến hoặc đèn dầu tập thể, dâng cúng đức Phật trong các ngày lễ hội Phật giáo.

Tất cả những điều này đã làm cho Bồ-đề Đạo Tràng sống lại thời kỳ vàng son mà đại đế Aśoka đã dày công xây đắp.

Nhìn chung, nội dung của hội nghị không chỉ nhằm nêu bật các giá trị thẩm mỹ và kiến trúc đặc sắc của các Phật tích và thánh tích Phật giáo tại Ấn-độ mà còn nhằm khẳng định các giá trị nhân văn và triết lý của đạo Phật trong phương diện chuyển hoá đời sống như là phương thuốc tâm linh hữu hiệu cho con người hiện đại. Hội nghị cũng đã thảo luận nhiều vấn đề liên hệ đến hành hương Phật giáo, nhằm khích lệ du khách Phật tử khắp nơi trở về chiêm bái và tu học.

Bộ trưởng bộ Du Lịch Ấn Độ dỏng dạc tuyên bố rằng thánh địa Bồ-đề Đạo Tràng sẽ có cơ hội trở thành Mecca của Hồi giáo và Vatican của Cơ-đốc giáo. Đây không chỉ là di tích văn hoá quan trọng nhất của người Phật tử mà còn là kho tàng văn hoá chung cho toàn thể các dân tộc trên thế giới, biểu tượng cho nền văn hoá tâm linh không phân biệt sắc tộc và màu da.

Mọi người tin rằng Bồ-đề Đạo Tràng không chỉ là điểm du lịch quan trọng đối với những du khách đến Ấn-độ tìm kiếm các giá trị tâm linh và văn hoá, mà còn là thánh địa quan trọng quy tụ các nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo khắp nơi trở về cùng đoàn kết xây dựng cho một tương lai Phật giáo xán lạn trong thế kỷ 21 này.

CHUYỆN BÊN LỀ VỀ DU LỊCH TÂM LINH TẠI ĐẤT PHẬT

Thích Nhật Từ

Tổng thống Ấn-độ, tiến sĩ APJ Abdul Kalam lý luận rằng: “du lịch tâm linh hoàn toàn khác với việc tham quan các địa danh và ngắm nhìn các chiều kích vật lý. Du lịch tâm linh có nghĩa là thăm viếng trái tim và tâm của những bậc hiền triết tại nhiều địa điểm khác nhau và nhất là những nơi có môi trường văn minh phong phú. Sau khi giác ngộ, đức Phật đã vân du 45 địa điểm thuộc bang Bihar và Utta Pradesh. Có thể khẳng định rằng những nơi đó đều là những nơi giác ngộ, trao tặng cho ta các thông điệp tuyệt vời. Đó là thông điệp của một trường đại học về hiểu biết và hoà hợp thế giới.”

Theo ngài Dalai Lama, du lịch tâm linh là cơ hội quý báu để mở rộng hiểu biết về truyền thống tâm linh của tôn giáo khác, và nhờ đó, góp phần xây dựng hiểu biết và thương yêu cho mục đích phục vụ nhân loại. Ngài tâm sự: “Sau lần đầu tiên đặt chân lên Bồ-đề Đạo Tràng tôi đã vân du khắp nơi trên đất nước Ấn-độ và nhiều nơi khác trên thế giới. Cơ hội tham quan các điểm hành hương của các truyền thống tôn giáo khác đã giúp tôi nhận chân rằng du lịch tâm linh đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi lớn sự hiểu biết và thiết lập sự hoà hợp liên tôn. Tôi tin tưởng rằng chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa để đảm bảo rằng các tôn giáo lớn trên thế giới sẽ liên kết tiềm năng con người lại, nhằm phục vụ nhân loại và cứu sống hành tinh chúng ta một cách tốt đẹp hơn. Đồng thời, thông qua đó, chúng ta cùng nỗ lực giảm thiểu tối đa các xung đột dưới danh nghĩa tôn giáo.”

Bằng nghệ thuật chơi chữ độc đáo, thượng toạ Dhamma Chariya Ribaun Korn thuộc bộ Tôn giáo và Tín ngưỡng Campuchia, không đồng tình với khái niệm “du lịch tâm linh” và đề nghị đổi thành “du lịch chánh pháp” bởi vì theo thượng toạ: “khái niệm ‘pháp’ chỉ cho thực tại, trong khi khái niệm ‘tâm linh’ hàm ý nhị nguyên. Du lịch chánh pháp có nghĩa là cuộc hành trình với chánh pháp. Không có gì hạnh phúc và an vui cho bằng khi chúng ta đồng hành với chánh pháp. Du khách thường đi trên con đường (walk on a path) trong khi người Phật tử thì thực hành con đường (walk a path). Chỉ khi nào thực hành con đường chân chánh, chúng ta mới hướng đến giải thoát thật sự.”

Hoà thượng Hwang Pyong Jun, phó chủ tịch Hội Đồng Trung Ương, Hiệp Hội Phật Giáo Triều Tiên, đánh giá cao cuộc hội ngộ của các nhà lãnh đạo Phật giáo trong hội nghị này. Theo Hoà thượng, “Thông qua các chuyến hành hương tâm linh về đất Phật, chúng ta có cơ hội hiểu rõ hơn giáo pháp của Phật, đồng thời, trao đổi quan điểm và kinh nghiệm, thiết lập tình hữu nghị, hoà hợp, đoàn kết giữa các pháp lữ trên khắp thế giới. . . Nói cách khác, hành hương về đất Phật là cách thức đưa giáo pháp vào thực tế của hành trì.”

Hoà thượng Tep Vong, tăng thống Phật giáo Campuchia nhấn mạnh đến góc độ các giá trị truyền thống và văn hoá của các Phật tích, và do đó, bảo vệ các Phật tích sẽ trở thành động lực thúc đẩy các chuyến du lịch tâm linh sang đất Phật. Hoà thượng cho biết: “Du lịch tâm linh đến các Phật tích sẽ giúp chúng ta tháo gở được các cảm xúc khổ đau, vun bồi tâm trí và tinh thần minh triết. Du lịch tâm linh rất cần thiết cho tâm trí con người. Nó bao hàm hành trình văn hoá và tìm kiếm các giá trị truyền thống. Duy trì và bảo vệ tốt các Phật tích là phương cách tốt để thu hút các du khách Phật tử đến Ấn-độ.”

Đại đức D.S. Uchida, trưởng phái đoàn của Hội Nghiên Cứu Văn Hoá Ấn Độ của Nhật Bản cho biết hằng năm ông hướng dẫn khoảng 300 khách hành hương từ Nhật Bản đến các thánh tích Phật giáo, vì Ấn-độ là đất nước mẹ của đạo Phật. Theo ông, “du lịch Ấn-độ giúp cho du khách không chỉ biết về kiến trúc, lịch sử và văn hoá Ấn-độ cổ đại mà còn là dịp để họ sống với các giá trị tinh thần và tâm linh của đức Phật.”

Tsolmon Omon Emkhbayar, phu nhân của thủ tướng Mông Cổ tâm sự: ‘‘Hội nghị này chắc chắn sẽ đẩy mạnh công nghệ du lịch ở Ấn-độ. Nhưng nếu chính phủ chỉ đầu tư về các phương tiện vật chất mà thiếu đi các phương tiện để phát triển về đời sống tinh thần thì ý nghĩa du lịch tâm linh sẽ không còn.”

Theo Thượng toạ Yataro Daikobara, chủ tịch Hội đồng Ngoại Giao của Hiệp Hội Phật Giáo Nhật Bản, chính phủ Ấn-độ cần tăng cường hệ thống an ninh ngay khu vực tháp Đại Giác cũng như đảm bảo tánh mạnh của nhiều nhà truyền giáo Phật giáo tại thánh địa quan trọng này. Bởi vì, theo ông, “Bihar là bang mà phần lớn các thánh tích Phật giáo đang hiện hữu nổi tiếng về thiếu an ninh, nổi loạn, tệ nạn xã hội, đời sống quần chúng nghèo nàn, nạn ăn xin và xả rác. Nếu chính phủ Ấn-độ không quan tâm về những vẫn đề này, du khách ngoại quốc sẽ không an tâm khi đặt chân lên thánh tích Phật giáo.”

Đại đức Ānanda tổng thư ký Hội Phật Giáo Thế Giới tại Bồ-đề Đạo Tràng cho rằng ngoài tháp Đại Giác, “chính phủ Ấn-độ cũng nên lưu tâm hơn nữa đến các di sản văn hoá khác của Phật giáo ở Dharmarajika, Chaukhandi và Dharnek v.v... cần phải được duy trì và bảo vệ, để tránh tình trạng dân Ấn giáo địa phương làm hư hỏng. Điều mà đại đức quan tâm hơn là toàn thể thành viên Hội Đồng Quản Trị tháp Bồ-đề Đạo Tràng phải là những người theo Phật giáo. Bằng không thánh địa Bồ-đề Đạo Tràng sẽ không thể phát triển ngang tầm vóc với Mecca và Vatican.”

Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây rằng Bồ-đề có được cục diện hôm nay là nhờ vào công của Đại đức Anagarika Dharmapāla, người đã cất tiếng nói, yêu cầu chính phủ Ấn-độ giao trả thánh địa này cho cộng đồng Phật tử thế giới. Năm 1891, Anagarika Dharmapala thăm viếng tháp Đại Giác. Khi nhận thấy đại Tháp là nơi linh thiêng nhất và quan trọng nhất của Phật giáo, ông đã nỗ lực vận động bảo vệ thánh địa này làm nơi chiêm bái cho tăng ni và Phật tử. Hội Đại Giác Ngộ (Maha Bodhi Society) được ông thành lập từ đó. Như một chiếc xe tiên phong, ông đã kiện thưa chính phủ Ấn-độ. Kết quả là, vào ngày 23-5-1953, phó tổng thống Ấn-độ lúc bấy giờ là tiến sĩ Sarvapalli Radhakirshnan đại diện cho chính phủ ký sắc lệnh giao trả thánh địa này cho Ban Quản Trị Bồ-đề Đạo Tràng, trong đó, chỉ có một phần ba thành viên là người Phật giáo và 2/3 còn lại là người Ấn giáo. Tình trạng không tương xứng và bất công này vẫn còn tiếp diễn đến ngày nay, thông qua bộ luật về Tháp Bồ-đề Đạo Tràng (Bodhgaya Temple Act) do chính phủ bang Bihar bang hành vào ngày 19-6-1949.

Bồ-đề Đạo Tràng là một trong số 84.000 công trình chùa tháp và các cấu trúc Phật giáo được đại đế A-dục kiến lập vào khoảng 218 năm sau khi đức Phật nhập niết-bàn. Búa thời gian tàn phá và nhất là trận động đất năm 1935 đã làm cho một số bề mặt của tháp bị hư. Những phần hư hỏng đã được phục chế theo nguyên dạng trong mấy năm qua. Nhờ vào những nỗ lực phục chế và bảo quản này, UNESCO mới công nhận Bồ-đề Đạo Tràng là di tích văn hoá thế giới.

Phải nói rằng chính sách liên kết du lịch Ấn-độ với tâm linh Phật giáo là chủ trương rất sáng suốt của chính phủ Ấn-độ. Để tạo cho du khách một cảm giác thoải mái khi đến các Phật tích và làm trổi dậy đời sống giác ngộ của họ tại những nơi tâm linh này. Tôi cho rằng chính phủ Ấn-độ cần phải đầu tư nhiều hơn nữa để phát triển công nghệ du lịch, nhưng đừng để cho yếu tố thương mại hoá chi phối du lịch tâm linh. Nói khác đi, một mặt chính phủ nên tạo phương tiện đầy đủ và tiện nghi cho các du khách như nâng cấp đường xá, thiết lập thêm các phương tiện giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường ở những nơi công cộng và các sân ga, đặc biệt là những khu phụ cận các Phật tích v.v... nhưng mặt khác cần khuyến khích và tạo điều kiện cho các giáo hội Phật giáo trên khắp thế giới mở các khoá tu thiền trong khuôn viên của các Phật tích, giúp cho du khách thanh lọc tâm trong những ngày ở trên đất Phật.

Để các Phật tích mãi là sự thu hút tâm linh của du khách, chính phủ Ấn-độ nên tăng cường các đường bay mới từ các thủ đô của các bang quan trọng đến thẳng các thánh địa Phật giáo. Cũng nên có thêm các chuyến xe lữa độc lập dành cho du khách hành hương đến đất Phật. Với hệ thống giao thông trì trệ hiện tại của Ấn-độ, khách hành hương phải mất trung bình 16 ngày mới có thể tham quan được tám thánh tích Phật giáo ở Ấn-độ, đó là chưa nói đến các công trình kiến trúc Phật giáo khác nằm ở Nam Ấn. Trong khi đó, thời gian thông thường mà các du khách có thể có được là 10 ngày. Do vậy, tăng cường thêm các đường bay cũng như các chuyến xe lữa đặc biệt đến các Phật tích là điều rất cần thiết cho công nghệ du lịch tâm linh được phát triển ở bình diện rộng.

Ngoài ra, chính phủ Ấn-độ cũng nên bải miễn visa cho những du khách châu Á hoặc ít ra cũng nên giản tiện thủ tục visa để du khách dễ dàng thu xếp các chuyến hành hương theo ý muốn, không phải lệ thuộc vào sự chờ đợi Sứ quán hay Tổng lãnh sự Ấn-độ xét duyệt. Trong vùng phụ cận các thánh tích, nên xây dựng nhiều khách sạn đủ loại và các căn hộ cho thuê để du khách có thể lưu trú lại nhiều ngày tại đây. Cũng nên có các nhà hàng với nhiều loại thực phẩm châu Á để giúp cho du khách chưa quen với hương vị thực phẩm Ấn-độ. Thiết lập các điểm dịch vụ y tế, đáp ứng kịp thời và đảm bảo sức khoẻ cho du khách. Không chỉ xung quanh khu đại Tháp mà toàn bộ quần thể Bồ-đề Đạo Tràng nên được bao bọc bởi một hàng rào với kiến trúc Phật giáo thời kỳ Gupta, vừa đảm bảo được an ninh trong khuôn viên, đồng thời đảm bảo được tính tương thích của hai giai đoạn kiến trúc xưa và nay.

Để biến Bồ-đề Đạo Tràng thành thánh địa linh thiêng nhất của Phật giáo, chính phủ Ấn-độ nên chọn ngày rằm tháng 4, ngày Phật đản sinh, làm ngày hành hương. Lễ hội hành hương về Bồ-đề Đạo Tràng nên được truyền hình và đưa tin trực tiếp. Để biết được số lượng du khách trở về hành hương trong dịp này cũng như trong các thời điểm thuận tiện khác trong năm, Hội Đồng Quản Trị đại Tháp nên phân phối vé vào cửa (dĩ nhiên là miễn phí). Dựa vào số lượng vé vào cửa, chúng ta dễ dàng biết được số lượng khách hành hương đến mỗi năm.

---o0o--

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/10/2024(Xem: 3438)
Talk show: Đi Tu Để Làm Gì ? (Sean Le, Channel Người Việt Hải Ngoại phỏng vấn: HT Thích Như Điển)
29/06/2024(Xem: 3674)
Tôi rất hân hạnh viết đôi lời giới thiệu cho cuốn sách có tựa đề ‘Phật Giáo và Thánh Tích ở Sri Lanka’ (Buddhism and Buddhist Holy Places in Sri Lanka) của Ni sư Tiến sĩ TN Giới Hương. Đây là một tác phẩm truyền cảm hứng tâm đạo và được đánh giá cao sau khi Ni sư đã thực hiện hai chuyến hành hương đến Sri Lanka năm 2016 và 2023.
28/02/2024(Xem: 3984)
Đức Thánh Tổ Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di, Người đã dấn thân vượt khó cầu xin Đức Phật cho phép Ni giới được xuất gia, hội nhập Tăng Đoàn, đã mở ra trang sử rạng ngời cho Ni giới ngày nay. Với lòng hoài niêm ân xưa, chư Ni miền Nam California chúng con hằng năm đều hân hoan, thành kính tổ chức Đại Lễ Tưởng Niệm Đức Thánh Tổ Kiều Đàm Di.
31/12/2023(Xem: 2896)
Vào ngày 27/12/2023, chùa Đức Viên tọa lạc tại số 2420 McLaughlin Avenue, thành phố San Jose, Hoa Kỳ đã trang nghiêm tổ chức Lễ khai mạc khóa tu thiếu nhi mùa Đông 2023. Khóa tu được tổ chức 4 ngày, từ ngày 27/12 đến ngày 30/12/2023. Tham dự khóa tu thiếu nhi mùa Đông năm nay có khoảng 200 thiếu nhi và đông đảo chư Ni; quý vị cha mẹ, anh chị phục vụ các công việc: hướng dẫn tu học, trang trí, âm thanh, truyền thông, nhiếp ảnh, ẩm thực, vệ sinh, trật tự v.v… Các em được chia thành 9 nhóm (theo lứa tuổi) và nhóm Sen Búp. Mỗi nhóm được quý Sư cô cùng các cô, các anh, các chị lớn phụ trách. Thời gian tu học và vui chơi mỗi ngày từ 08 giờ sáng đến 07 giờ tối.
30/12/2023(Xem: 3039)
Đoàn chư Ni và Phật tử Tu viện Huyền Không (San Jose, Hoa Kỳ), chùa An Lạc (Indianapolis, Hoa Kỳ) và chùa Đức Nguyên (Việt Nam) hành hương chiêm bái Phật tích Ấn Độ và Nepal từ ngày 01/11 đến ngày 20/11/2023 dưới sự hướng dẫn của Ni sư Thích Nữ Nguyên Thiện và Ni sư Thích Nữ Viên Tâm.
26/10/2023(Xem: 4282)
Sự hiện diện của rất nhiều người là từ bi tâm và sự cống hiến của họ đã chạm đến tâm hồn và cuộc sống của rất nhiều người. So sánh sự hảo tâm hào phóng, sự tu tập và thành quả nỗ lực của bạn, thực sự tôi chỉ là một con cá bé nhỏ. Nhưng thà làm một con cá nhỏ bé tung tăng ngâm mình trong suối nguồn từ bi, còn hơn là một con cá nhỏ bị rán trong chảo lửa giận dữ.
09/08/2023(Xem: 2722)
Nổi tiếng vì đã ưu tiên Chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) hơn là tính hám lợi vì lợi nhuận của chủ nghĩa tư bản phóng túng, Vương quốc Phật giáo Bhutan, nép mình trên cao nguyên trong bầu không khí hiếm có của phía đông Hymalaya, cũng đang có những bước tiến trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã. Báo cáo lần thứ tư về việc Khảo sát Bảo tồn loài Hổ Quốc gia Bhutan, gần đây Trung tâm Bảo tồn loài Hổ Quốc gia Bhutan hợp tác với Chính phủ Bhutan
19/04/2023(Xem: 3491)
Trong khi các chính trị gia và nhà đầu tư trên khắp thế giới ca ngợi việc thực hành chánh niệm như một công cụ “trấn tỉnh” để giảm mức độ căng thẳng, tăng năng suất và duy trì sự tập trung, không coi trọng trí tuệ là ưu tiên hàng đầu mà là sản phẩm phụ phát sinh từ chánh niệm sâu sắc. Nhưng trí tuệ là một trong ba thành phần không thể thiếu của giáo lý nhà Phật, cùng với kỷ luật đạo đức và định tâm, để phát triển cá nhân và trau dồi tinh thần.
17/03/2023(Xem: 3105)
Phật tử Tích Lan cung nghinh HT Thông Hải với nghi thức trang trọng
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]