Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Kusho: Nhà Sư Trẻ Việt Nam Với Học Trình Geshe

10/04/201311:31(Xem: 5508)
Kusho: Nhà Sư Trẻ Việt Nam Với Học Trình Geshe



Kusho: Nhà Sư Trẻ Việt Nam
Với Học Trình Geshe
Nguyên Giác Phan Tấn Hải
---o0o---

Nhật báo Orange County Register hôm chủ nhật 19-1-2003 đã bắt đầu đăng phần thứ nhất trong loạt bài 4 kỳ về một tu sĩ trẻ Việt Nam -- 16 tuổi -- đang tu học trong 1 Phật học viện ở Ấn Độ của Phật Giáo Tây Tạng.

Kusho-lati


Lati Rinpoche, trái, vị thầy được Đức Đạt Lai Lạt Ma giao nhiệm vụ dạy kèm các vị tái sinh,
trong đó có Thầy Don, phải. (Photo Việt Báo)

Việc một nhật báo lớn của Hoa Kỳ đưa một toán phóng viên qua tận một Phật Học Viện ở Ấn Độ để làm loạt bài 4 kỳ cho thấy mức độ quan tâm của quần chúng Mỹ đối với Phật Giáo, một tôn giáo Đông Phương từ thời thập niên ‘60s còn bị đồng hóa với phong trào hippy phản chiến ở San Francisco cho tới thời ‘90s khi các đaị học Mỹ và học viện khoa học mời Đức Đạt Lai Lạt Ma và các tu sĩ Tây Tạng tới thuyết trình về các vấn đề tâm lý học -- và bây giờ đã trở thành một quan tâm của giới trí thức dòng chính Hoa Kỳ.

Bài viết dưới đây của Việt Báo sẽ tổng hợp một số thông tin từ báo OC Register (www.ocregister.com), cũng như từ các phỏng vấn riêng giữa tòa soạn VB và Tenzin Dorjee, người cựu tu sĩ Tây Tạng có quan hệ thân thiết với Don Pham, cậu bé lạt ma -- và cả từ các thông tin từ trang web của Sarah Institute, thuộc Phật Học Viện IBD (viết tắt của: Institute of Buddhist Dialectics, tạm dịch Học Viện Lý Luận Phật Giáo).Cậu bé bây giờ được một số người gọi một cách thân mật và tôn kính là “Thầy Don.” Tên thật là Don Pham, hay là Donald Pham. Mới vài năm trước, Thầy Don còn ở với bố mẹ và chị em trong căn nhà ở thị xã Laguna Niguel, Quận Cam. Cậu là 1 học sinh tài năng, ưa chơi kèn clarinet và chơi máy game loại Nintendo. Thầy Don lúc đó có phòng riêng, ưa thích đọc tiểu thuyết khoa học giả tưởng và từng nghịch ngợm với suy nghĩ có thể sau này sẽ làm nhà văn hay bác sĩ.

Bây giờ thì Thầy Don được gọi là Kusho Konchog Osel -- người sinh viên trẻ nhất tại Viện IBD, học viện được tổ chức bởi chính phủ Tây Tạng lưu vong theo lệnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14.

Cũng còn một cách xưng hô khác nữa cho gọn: Thầy Don được gọi thân mật là “Kusho” theo cách Tenzin Dorjee viết trong các email trao đổi với Cư Sĩ Nguyên Giác khi được hỏi về Thầy Don. Tenzin là cựu tu sĩ Phật Giáo Tây Tạng, đã tốt nghiệp Tiến Sĩ Triết Học tại UCLA và hiện đang dạy ở Đại Học UC San Bernadino.

Theo tờ Register, ông ngoại của Thầy Don đã chống lại việc cậu đi tu, và một số thân nhân khác cũng cho thế là không được. Nhất là những khi Thầy Don ngả bệnh vì phải ăn uống kiểu Tây Tạng, khóc vì nhớ nhà và có lúc hoang mang vì sao mình ở nơi này. Có quá nhiều thách đố.

Nhưng lời nguyện của cậu đã giúp vượt thắng tất cả. Cậu bé lạt ma bây giờ 16 tuổi, và là người ngoại quốc đầu tiên được thu nhận vào tu viện này. Mục tiêu của Kusho đặt ra là: giác ngộ. Vào tuổi hầu hết các thiếu niên đi tiệc tùng, tán tỉnh các cô và mê chơi bóng bầu dục, cậu đã phát nguyện sống thanh tịnh, nguyện cứu độ khắp các chúng sinh, gìn giữ thân khẩu ý và nguyện không bao giờ cố ý sát sinh, ngay cả 1 con muỗi. Cậu chấp nhận tánh không và tính vô thường của mọi hiện tượng -- kể cả của cậu .

kusho-Ca

Thầy Don và nhà văn Nhã Ca, chủ nhiệm nhật báo Việt Báo

Mẹ của Thầy Don là Huyen “Lee” Nguyen, thường được các bạn thân gọi là Huyền. Cô đã bước vào Đại Học Y Khoa Sài Gòn năm 1971 với răng đau và hàm sưng, và một sinh viên nha khoa tên gọi Hỷ Phạm đã tới chữa trị, rút chân răng. Từ đó họ quen nhau, trong vòng một năm thì đính hôn và tính chờ khi Hỷ giải ngũ thì cưới nhau. Nhưng CS chiếm Sài Gòn năm 1975. Mấy lần, chị Huyền tính vượt biên theo anh, nhưng đều trật cả. Lần thứ ba, chị đi bộ băng rừng, cầu nguyện chư Phật hộ trì trong khi tránh né rắn rít, cọp beo và bẫy mìn. Nhiều chuyện linh ứng đã xảy ra cho toán người băng rừng này. Khi vaò trại tị nạn ở Thái Lan, những người trong đoàn tị nạn đi với chị đều tin là thành công của họ là nhờ các lời cầu nguyện của chị.

Chị gặp lại anh Hỷ ở Los Angeles năm 1980, khi anh học lại bằng nha sĩ. Họ kết hôn năm 1981, mở 1 phòng mạch ở Long Beach và 1 năm sau thì cô con gái đầu là Connie ra đời.

Năm 1985, khi chị có bầu Thầy Don, chị vẫn còn suy tư và đau đớn về cái chết khó khăn của mẹ hồi năm 1984. Chị đột nhiên gặp cuốn “Death, Intermediate State and Rebirth” (Cái Chết, Trung Ấm Thân và Tái Sinh) viết bởi Lati Rinpoche, một phụ tá tinh thần của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Chị đọc cuốn này gần như mỗi đêm trong khi bụng lớn dần. Con trai của chị, Don Pham đã chào đời ngày 18-3-1986 một cách nhẹ nhàng.

Sau Thầy Don, chị lại sinh thêm 1 bé gái, tên Christine.

Năm 1990, chị bất ngờ đọc báo và biết vị sư Lati Rinpoche đang thăm 1 ngôi chùa ở Los Angeles. Ngay hôm sau, chị tới chùa thăm sư, “Tôi gặp Thầy Lati Rinpoche lần đầu tiên trong đời, nhưng tôi có cảm giác là đã gặp Thầy này đâu đó, nơi nào rồi.”

Khi Thầy Lati kể chuyện Hy Mã Lạp Sơn thì chị thấy rất quen thuộc, “Tôi cảm thấy, tôi từng ở đó rồi cơ mà.”

Ngaỳ hôm sau, chị dẫn 3 con tới học đạo với Thầy Lati Rinpoche.

Thầy Lati dạy ở California trong 2 tuần lễ, và chị Huyền dẫn con tới nghe gần như mỗi ngày. Gia đình họ trở thành Phật Tử chùa này, tới theo học trung thành mỗi thứ tư, thứ sáu và chủ nhật -- giảng dạy bởi Geshe Tsultim Gyeltsen, thường được gọi thân mật là Geshela. (Geshe là học vị Tiến Sĩ Phật Giáo Tây Tạng, thường phải học ít nhất 20 năm mới xong.)

Tenzin Dorjee sau này kể lại, “Kusho đã có tinh thần trách nhiệm từ khi còn nhỏ. Nếu có lỡ giết 1 côn trùng, thì cậu cảm thấy buồn suốt ngày.”

Một buổi chiều, nhỏ em Christine làm vỡ một chiếc dĩa và bật khóc. Cậu Don nói an ủi, trong khi bố mẹ tròn xoe mắt kinh ngạc: “Đừng lo; đó chỉ là 1 vật thôi. Nếu em gắn bó vô 1 vật nhỏ như thế, thì làm sao em rời bỏ thân xác khi chết được?”

Chị Huyền kể lại, “Tôi không bao giờ quên giây phút khi Don nói như thế. Cậu mới 5 tuổi thôi mà.”

*

Vì sao Thầy Don chọn con đường xuất gia với Phật Giáo Tây Tạng? Những cơ duyên đầu trong đời cậu là khi ba mẹ dẫn cậu đi các chùa Việt Nam trong những lễ hội.

Chị Huyền kể với phóng viên Việt Báo, rằng trong một lần ngồùi xe về nhà sau khi dự một lễ hội Phật Giáo tại một ngôi chùa VN vùng Quận Cam, cậu Don Pham hỏi mẹ rằng sao không thấy giảng Phật Pháp gì ở chùa VN vậy mẹ, thế thì làm sao biết đâu là sai và đâu là đúng mà làm.

Chị Huyền nói với cậu, ừ thì sau này con ráng học Phật Pháp mà thuyết giảng cho đồng bào.

Báo OC Register ghi một chi tiết khác về động cơ này: cậu Don chồm lên từ ghế sau xe -- sau khi nghe trong radio Việt ngữ ca ngợi các thành quả người Việt với toàn là bác sĩ, kỹ sư, luật sư -- là sao cộng đồng VN có quá nhiều bác sĩ, luật sư nhưng chưa có geshe (Tiến Sĩ Phật Học Tây Tạng), “con sẽ là geshe VN đầu tiên.”

Những cơ duyên để cho cậu Don Pham trở thành Thầy Don, hay là Thầy Kusho, thì rất nhiều. Sinh trong một gia đình thâm tín Phật Giáo, cậu Don có người chị là Connie và cô em là Christine đều thâm tín đạo Phật.

Chính cô Christine cũng đã bày tỏ ý nguyện xin vào tu viện Phật Giaó Tây Tạng.

Và chính Lati Rinpoche phải thực hiện một nghi lễ huyền bí để hỏi ý Chư Phật, xem có nên thu nhận cậu Don và cô Christine vào tu hay không. Kết quả đưa ra những dấu hiệu rõ ràng: cho cậu Don vào tu, còn bảo Christine phải chờ lớn lên đã.

Lati Rinpoche là ai? Ngài là phụ tá tinh thần của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong khi dân tộc Tây Tạng xem Đức Đạt Lai Lạt Ma là hóa thân của Phật Quan AÂm (vị Phật của lòng Đại từ đại bi), thì họ xem Lati Rinpoche là một trong các cao tăng chói sáng nhất của thời đại này.

Và Lati Rinpoche là người sau này sẽ đóng vai quan trọng nhất trong đời của Thầy Don. Lati Rinpoche, 77 tuổi, được công nhận là hậu thân của một thánh tăng Phật Giáo nổi tiếng, bản thân thầy là một vị thánh và là một học giả, cũng là tác giả cuốn sách đã đưa chị Huyền tới Phật Giáo Tây Tạng.

Hiện thời, Lati Rinpoche giữ nhiệm vụ dạy kèm riêng cho hậu thân của các vị lạt ma (sư) cao cấp -- và trong nhóm ít người này có cả Thầy Don.

Theo lời kể của chị Huyền, cả chị và em của Thầy Don cũng đều tín tâm và thông minh.

Cô Connie Phạm (năm nay 20 tuổi), chị của Thầy Don, mới năm ngoái đã thắng giải thưởng hạng nhất trong kỳ thi viết của Tu Viện Bảo Tháp (viện chủ là Thượng Tọa Viên Lý) tại Nam California.

Nguyên khởi, khi chị Huyền lái xe chở các con về thì nghe trên radio loan tin về Giải Thi Viết Về Phật Pháp. Đề tài lúc đó là “Làm Sao Trả Ơn Chư Phật?”

Tình cờ, ngày hôm đó là Ngày Lễ Mẹ (21-5-2002). Chị Huyền và con nói chuyện về giải này, chị khuyến khích Connie tham dự giải, và chị nhắc là hạn chót gấp lắm rồi, một hay vài ngày nữa là hết hạn thì phải.

Buổi sáng hôm sau, khi thức dậy, chị thấy Connie đặt một bài viết bằng Anh ngữ, dài 2 trang, nơi đầu giường mẹ, ghi là tặng mẹ Ngày Mother’s Day. Chị Huyền hỏi là con viết bao lâu thì xong.

Connie nói, là chỉ viết trong 15 phút thôi. Chị Huyền hỏi sao viết nhanh thế, Connie đáp là con đã mất 10 năm tu tập và nghe pháp để chỉ viết có 15 phút đấy.

Qua điều này, chúng ta thấy việc bố mẹ dẫn con đi nghe pháp rất mực quan trọng, đừng nghĩ rằng con mình còn nhỏ chưa hiểu gì cả.

Chị Huyền lập tức fax bài viết của Connie tới Chùa Bảo Tháp xin dự thi, và rồi Connie được giải, lãnh về một tượng Phật A Di Đà. Bài viết này hình như có đăng trên tờ Saigon Times của cặp vợ chồng nhà báo Thái Tú Hạp/Ái Cầm.

Như thế, phần lớn cũng là nhờ công giảng dạy của Geshela, một vị sư Tây Tạng quen thuộc trong cộng đồng Việt Nam.

Các Phật Tử Nam California thường tham dự các nghi lễ Phật Giáo Tây Tạng, hay các buổi đón Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết giảng cho Phật Tử Việt vẫn thường thấy Geshela, một vị sư rất thân tín của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Geshela là tên gọi thân mật của Ngài Geshe Tsultim Gyeltsen.

Geshela năm nay 79 tuổi, sinh ở Miền Đông Tây Tạng, vào tu viện cổ Gaden Sharte gần Lhasa khi mới 8 tuổi, và Thầy ở đó luôn 30 năm. Cho tới khi sau buổi kinh chiều ngày 14-3-1959, thì biết tin là quân đội Trung Cộng đang tràn vaò thủ đô Lhasa. Geshela biết tin rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cùng một toán cận vệ băng rừng núi Hy Mã Lạp Sơn để qua Ấn Độ sau khi chỉ thị cho chư tăng tu viện Gaden Sharte vượt núi.

Lúc đó gần nửa đêm. Geshela chụp lấy vài cuốn kinh, nhét vài mẩu lương thực, và đi bộ về hướng Ấn Độ. Con đường xuyên Hy Mã Lạp Sơn ngập đầy tuyết. Nhiều người Tây Tạng chết giữa đường, hoặc vì bị lính Trung Cộng giết, hoặc vì kiệt sức, trong khi nhiều người khác bị thương tật, mất tay, chân, ngón tay hay ngón chân vì băng giá. Sau 35 ngày vượt núi Hy Mã Lạp Sơn, Geshela tới 1 trại tị nạn Ấn Độ, thì biết tin từ quê nhà là tu viện Gaden đã bị quân Trung Cộng phá hủy; nhiều vị sư bị bắt giam, tra tấn, và có vị bị giết.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thúc giục người tị nạn làm việc lại bình thường. Thế nên Geshela lại học tiếp, lãnh văn bằng Lharampa Geshe (Hậu Tiến Sĩ Phật Giáo Tây Tạng), văn bằng cao nhất bởi một Phật Học Viện. Bằng này cần ít nhất 23 năm mới hoàn tất.

Năm 1963, Đức Đạt Lai Lạt Ma gửi Geshela qua Phương Tây để rao giảng Phật Pháp tại Anh và Mỹ. Trung Quốc đã chiếm được Tây Tạng, đã phá hủy vô số tu viện và xóa sạch ngôn ngữ Tây Tạng ở quê hương Geshela, nhưng giáo pháp của Phật đã theo chân Geshela đi khắp Tây Phương. Vị trí của Geshela lớn tới nổi, toán phóng viên Register đã mệnh danh Geshela là “Trí Tuệ của Tây Tạng” (Wisdom of Tibet).

Thực sự, vẫn có nhiều vị sư Tây Tạng hoằng pháp ở Tây Phương, nhưng Geshela mới là vị chính thức được Đức Đạt Lai Lạt Ma giao nhiệm vụ này. Và khi Geshela tới Nam California, Ngài đã được nhiều thuận duyên với cộng đồng Việt Nam.

Gần đây nhất, bác sĩ Quách Thế Hùng là người thường xuyên thông ngôn ra Việt Ngữ khi Geshela tiếp xúc hay giảng pháp cho cộng đồng Việt. BS Hùng cũng từng dịch ra Việt Ngữ vài cuốn sách của Phật Giáo Tây Tạng. BS Hùng khi còn ở VN cũng từng tham học ở Chùa Tây Tạng Bình Dương.

Nhưng cơ duyên của Geshela với cộng đồng Việt thực sự đã bén rễ từ nhiều thập niên trước, khi Ngài tới Nam California và được Hòa Thượng Thích Thiên AÂn, một cao tăng Việt Nam, giúp đỡ cho những bước đầu vào Hoa Kỳ.

Theo lời kể của chị Huyền, Geshela kể lại cho chị rằng Hòa Thượng Thích Thiên AÂn là người bạn Việt Nam đầu tiên của Geshela.

Geshela đã kể nhiều kỷ niệm với HT Thiên AÂn, và gọi HT Thiên AÂn là người bạn thân nhất của Geshela. HT Thiên AÂn còn cho Geshela ở một căn chung cư và không bao giờ lấy tiền phòng.

HT Thiên AÂn là vị sư Việt Nam đầu tiên hoằng pháp tại Hoa Kỳ: Ngài khai sáng Chùa Việt Nam Los Angeles (bây giờ do Hòa Thượng Mãn Giác làm viện chủ), sáng lập ra Đại Học Đông Phương.

Geshela kể rằng HT Thiên AÂn đã trao tặng Đức Đạt Lai Lạt Ma văn bằng Tiến Sĩ Danh Dự của Đại Học Đông Phương. Và lúc nào Đức Đạt Lai Lạt Ma và Geshela ghé Nam Cali đều ghé thăm HT Thiên AÂn ở Chùa VN/LA.

Từ những nhân duyên đó, Geshela có một liên hệ thân thiết với Phật Tử Việt Nam. Và khi Thầy Don sau này có thấy tình thân gắn bó với Geshela thì đó cũng là chuyện tự nhiên.

*

Việc Thầy Don, tức lạt ma Kusho, rời gia đình êm ấm ở Hoa Kỳ để tu học ở một trong các tu viện Tây Tạng nghiêm khắc nhất ở Ấn Độ có thể sẽ được in thành sách và quay thành phim. Đó là theo lời một số cơ quan truyền thông Hoa Kỳ đã nói chuyện và hỏi ý bố mẹ của Thầy Don, theo lời kể của chị Huyền.

Tuy nhiên, chị Huyền nói, Kusho rất mực khiêm tốn và trầm lặng, và Thầy đã từ chối nhiều cơ hội tiếp xúc với giới truyền thông cho tới khi không tránh được. Chị nói, cuối cùng rồi mọi chuyện in sách hay làm phim đều được anh Hỷ và chị đẩy trách nhiệm sang cho Geshela, vị thầy giữ nhiệm vụ hoằng pháp ở Phương Tây cho Đức Đạt Lai Lạt Ma và là cánh tay phải của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Nếu chúng ta nhìn vào loạt bài của báo OC Register viết về Thầy Don, thì có thể thấy được một khuynh hướng cởi mở của báo chí Hoa Kỳ.

Báo này trước giờ thuộc cánh truyền thông bảo thủ nhất trong một thành trì bảo thủ Quận Cam, hầu hết bài và khuynh hướng đều nói về Christianity. Bây giờ họ đưa một toán phóng viên 4 người, sang Phật học viện ở núi rừng Ấn Độ để theo dõi Thầy Don suốt ba tuần lễ: Họ theo dõi Thầy Don từ 6:30 giờ sáng cho tới khi tu viện tắt đèn, để làm một loạt bài về Phật Giáo. Và mặc nhiên, những giá trị đạo học Đông Phương bắt đầu được chú tâm đúng mức.

Điều rất là lạ, hay phải chăng là có những cơ duyên lớn, là loạt bài này đưa ra vào đúng ngày rằm, ngày mà chị Huyền nói là chị luôn luôn ăn chay, “và loạt bài này đã nêu lên một lý tưởng hòa bình giữa lúc mà Hoa Kỳ chuẩn bị lao vào một cuộc chiến tranh ở Trung Đông.” Chị nói, đúng là lúc trăng rằm, tôi về cầm tờ báo và ngẩng nhìn lên thì thấy trăng rất là tròn.

Ngày hôm loạt bài này đăng tải, cũng là ngày mà Thầy Don cùng các vị Thầy như Lati Rinpoche và Geshela cùng tới Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ) tham dự buổi lễ Kalachakra do Đức Đạt Lai Lạt Ma thực hiện -- và trong buổi lễ này, theo tin của Reuters, Đức Đạt Lai Lạt Ma kêu gọi tìm giải pháp hòa bình, đừng gây chiến tranh Iraq.

Đời của Thầy Don đã được tiền định với ước mơ hòa bình cho nhân loại, và cho lòng người -- tâm bình, thế giới bình.

Báo Register số hôm thứ tư có ghi nhận rằng, bên cạnh cô em Christine mang ước mơ vào tu viện làm ni cô, thì cô chị là Connie đang hoạt động không ngưng nghỉ cho hòa bình: Connie ghi danh đi bầu với tư cách thành viên Đảng Xanh (Green Party), là một nhà hoạt động chính trị ở Đại Học CSU Long Beach, đang tổ chức một hội nghị chống toàn cầu hóa, và hoạt động đòi giải phóng Tây Tạng trong khi tố cáo các vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.

Chị Huyền kể lại những lần chị nói chuyện với Thầy Don, sau khi Thầy Don ngỏ ý với ba mẹ để sang Ấn Độ tu học. Chị nói, Thầy Don có thể rời bỏ đời sống tu viện để về nhà bất cứ khi nào, không vấn đề gì. Gia đình chị có người bạn thân là Tenzin Dorjee, vị này là thông ngôn cho Đức Đạt Lai Lạt Ma mỗi khi Ngài tới Nam California. Thì cũng chính Tenzin là 1 tu sĩ Tây Tạng 20 năm mà, và rồi thấy cần ra đời thì cởi áo tu sĩ thôi. (Thầy Tenzin sau khi xả giới, đã vào UCLA học, tốt nghiệp Tiến Sĩ, đang dạy ở UCSB.) Và Thầy Don có thể về lại đời thường, bất cứ khi nào. Và chị cũng nói thế với nhiều người.

Tuy nhiên, chị cũng nói với Thầy Don, nếu có trở thành tu sĩ thì chị mong Thầy học xong học vị Geshe -- Tiến Sĩ Phật Học Tây Tạng, cần ít nhất 20 năm -- và sau đó học cho xong học vị Lharampa (hậu Tiến Sĩ PG Tây Tạng), và rồi vào học Tantric College (Học Viện Kim Cang Thừa), và sau đó thì “con nên lên núi retreat (nhập thất) vài năm để thực chứng.”

Chị Huyền nói với phóng viên Việt Báo, chị muốn Thầy Don phải tu chứng, chứ không phải tu để làm học giả.

Ước mơ của chị Huyền khi ghi ra thì có vẻ vài dòng ngắn ngủi, nhưng thực sự một tu sĩ có thể sẽ tốn cả đời người mà chưa chắc đã làm nổi.

Để hình dung được bước học Phật gian nan này, chúng ta thử dò theo chương trình Geshe ra sao.

Hiện thời Thầy Don đang tu học ở Làng Sarah, trong Phật Học Viện IBD. Theo thông tin từ trang web của IBD (http://www.ibdia.org), các tu sinh trong Làng Sarah sẽ học trong ba năm các môn sau:

- ngôn ngữ Tây Tạng

- văn chương Tây Tạng

- lịch sử Tây Tạng

- thi ca Tây Tạng

- Triết học Phật Giáo Tây Tạng.

Thiệt là quá nhiều đối với một tu sinh 16 tuổi.

Năng khiếu ngôn ngữ của Thầy Don cũng thật là hiếm có.

Theo lời chị Huyền, khi liên lạc với chị Connie và em là Christine, Thầy Don dùng email và truyền thông bằng Anh Ngữ; còn Thầy Don chỉ liên lạc với mẹ qua điện thoại và nói bằng tiếng Việt. Nhưng khả năng Tây Tạng Ngữ của Thầy Don đang làm kinh ngạc nhiều vị sư khác, theo lời Tenzin Dorjee, khi Thầy Don đã nói trúng giọng Lhasa dialect (bản ngữ Lhasa, ngôn ngữ giọng truyền thống quý tộc nhất Tây Tạng), và còn làm thơ bằng Tây Tạng Ngữ.

Theo báo Register hôm thứ tư, chương trình học geshe của Thầy Don như sau:

- Bát Nhã Ba La Mật (7 năm)

- Trung Quán Luận (3 năm)

- Giới Luật (1 năm)

- A Tỳ Đạt Ma Luận (2 năm)

- Lý Luận Phật Giáo, suốt khắp các năm.

Cũng theo baó này, các lớp nhập môn sẽ là Lý Luận Cơ Bản, Tâm và Chức Năng Của Tâm, và Tranh Luận -- tổng cộng nhập môn là 8 năm.

Như vậy, phải mất hơn 20 năm mới học xong geshe, và nhiều người phải bỏ cuộc. Trên toàn thế giới, hiện chỉ có khoảng 200 geshe.

Cần ghi nhận chỗ hơi khác, theo trang web IBD, chương trình A Tỳ Đạt Ma cần tới 7 năm.

Nhưng dù là cộng lại thế nào đi nữa, thì mau nhất cũng là 20 năm. Nhưng chị muốn Thầy Don sẽ học chuyên ngành thêm, lên Lharampa, vào Tantric College (nơi rất ít người được vào -- vì là các pháp môn tối mật của Kim Cang Thừa), mà lại muốn sau đó nên lên núi nhập thất nữa.

Đường tu thực sự cao vời. Không mang được tâm nguyện lớn, thì không làm nổi vai trò sứ giả Như Lai vậy.

*

Đó là những cơ duyên mà gia đình đã gieo nhân lành từ lâu, theo lời chị Huyền, mẹ của cậu lạt ma trẻ được chọn qua tu học nơi một trong các tu viện nghiêm khắc nhất của Phật Giáo Tây Tạng, và là tu viện cao cấp nhất của dòng mũ vàng (Hoàng Mạo, Gelugpa), dòng tu của 14 đời Đạt Lai Lạt Ma.

Chị Huyền nói, chị mang ơn quý Thầy từng giảng dạy cho chị thời còn thơ ấu, và những kỷ niệm vẫn còn sinh động không thể quên được.

Chị nói về ngôi chùa Từ Quang (của Hòa Thượng Tâm Châu) mà các khóa tụng kinh Pháp Hoa chị thường theo tụng hàng ngày, trong đó chị giữ nhiệm vụ thỉnh chuông Đại Hồng Chung. Và thầy Nhật Quang, vị bổn sư đã viên tịch của chị, luôn luôn yêu cầu tứ chúng nhường chỗ ngồi sau Đại Hồng Chung cho chị, vì thế nào chị cũng tới tụng kinh dù có trễ, trong thời kỳ chị đang bận rộn với giờ giấc sinh viên nhưng không chịu bỏ thời khóa tu trì ở Từ Quang Tự.

Cũng chính Thầy Nhật Quang đã ban cho chị pháp danh Diệu Đế (Chân Lý Cao Cả), và ban cho Thầy Don pháp danh Tịnh Quang.

Cho tới bây giờ, sau nhiều năm rời nước, chị vẫn nghe bên tai tiếng chuông đại hồng bất cứ khi nào nghĩ về Thầy hay về ngôi chùa Từ Quang. Chị tin chính pháp danh Tịnh Quang ban cho Thầy Don cũng là một tiền định: sau này, Thầy Don được ban pháp danh là Kusho Konchog Osel, cũng một nghĩa tương tự.

Đặc biệt vị thầy dạy kèm riêng cho Thầy Don lại là người được xem là ngôi vị cao nhất trong truyền thống tu học của dòng Gelugpa: vị thầy Lati Rinpoche, người đã giữ chức Viện Trưởng Gaden Shartse trong 8 năm, rồi sau đó nhận lệnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma để nhận nhiệm vụ dạy kèm cho các vị tái sinh – câu hỏi nên nêu ra nơi đây là: Thầy Don là hậu thân của vị thầy nào mà được chọn đặc biệt vào nhóm học trò của Lati Rinpoche, và được Đức Đạt Lai Lạt Ma và Geshela rất mực quý mến? Có lẽ, những việc này sẽ được bạch hóa sau khi Thầy Don ra trường, nghĩa là còn lâu lắm. Và nếu đó là trường hợp mà các vị thầy thấy cần thiết.

Giáo Sư Tenzin Dorjee giải thích rằng, “Kusho” có nghĩa là vị sư rất mực cao quý, tức “Đại Cao Tăng”; “Konchog” có nghĩa là hiếm hoi và quý giá, như trong nhóm chữ “Konchog Sum” nghĩa là Tam Bảo, Phật Pháp Tăng. Còn “Osel” nghĩa là Tịnh Quang (Clear Light).

Tóm lại, pháp danh của Thầy Don có nghĩa là Đại Cao Tăng Bảo Tịnh Quang. Tại sao một chú sư nhóc tì lại được mang tước hiệu Đại Cao Tăng? Hay phải chăng quý thầy Tây Tạng vì các lý do tế nhị đã tránh dùng chữ Tái Sinh cho trường hợp Thầy Don, người được đưa vào nhóm Học Tăng Tái Sinh để được Lati Rinpoche dạy kèm riêng? Và vì sao Đức Đạt Lai Lạt Ma và Geshela rất mực ân cần với Thầy Don, như dường kiếp trước họ đã có duyên lành với nhau?

Một ngày tu của Thầy Don ra sao?

Theo tờ Register, đời sống tại tu viện Gaden Shartse rất mực nghiêm khắc: Tiếng chiêng đánh thức dậy lúc 5 giờ sáng, các sư nối hàng vào chùa tụng kinh, dùng điểm tâm lúc 7 giờ sáng với loại thực phẩm đều đặn tới buồn nản, rồi các sư vào lớp học ngôn ngữ, tranh luận và lý luận cho tới 12:30 giờ trưa, rồi thì dùng bữa trưa. Buổi chiều là các lớp dạy kèm riêng, do các vị đạo sư và giảng sư thực hiện cho các nhóm học tăng; rồi bữa ăn tối nhẹ với cơm và súp lúc 6 giờ chiều; rồi các sư lại vào các lớp học Kinh Phật và lớp tranh luận, đôi khi kéo dài tới nửa đêm.

Đó là lịch tu học mà gia đình chị Huyền anh Hỷ đã chứng kiến khi cả nhà cùng tới thăm Thầy Don. Và Thầy Don nơi đây -- trong tu viện Gaden -- thì kể như cũng tương đương với quy chế quản thúc tại gia (house arrest), đó chính xác là chữ mà các vị sư lớn hơn đã nói với Thầy Don, khi nhậm nhiệm vụ coi sóc Thầy Don.

Tuy nhiên, khi các vị thầy của Thầy Don cảm thấy rằng sau vài năm sống nghiêm ngặt ở tu viện Gaden thì đã đủ, và nên tìm nơi học thích nghi hơn cho cậu bé lạt ma người Mỹ gốc Việt này. Đó là 1ý do Thầy Don được chuyển về Học Viện Lý Luận Phật Giáo IBD (Institute of Buddhist Dialectics) -- ngôi trường này thành lập theo lệnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nơi nhiều vị sư trẻ học triết học Phật Giáo, nhưng cũng có nhiều học viên là cư sĩ đời thường. Chương trình học có cả Triết Học Tây Phương, Khoa Học Chính Trị, Văn Học Tây Tạng, và Thi Ca. Trường có cả 1 phòng hướng dẫn điện toán tin học. Sau 2 năm trong tu viện Gaden, Thầy Don về IBD để sẽ học vài năm -- nơi này chỉ cách 10 dặm phía Nam Little Lhasa, nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma và chính phủ lưu vong sống và hoạt động.

Ngôi trường này chỉ có 300 sinh viên, và Thầy Don là người trẻ nhất. Trong trường, Thầy Don cũng có vài người bạn, trong đó có 3 vị sư ngoại quốc. Jangchup Puntsok, nhà sư người Israel, nguyên là một nhân viên y tế nổi máu giang hồ bèn làm Tây Ba Lô đi bụi đời ở Nepal thì khám phá ra Phật Giáo và khái niệm về Tánh Không. Còn Lobsang Dawa từng là 1 sinh viên hội họa ở Mexico City, khi cùng mẹ và anh đi Ấn Độ nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết pháp về từ bi. Thoupten “Jacky” Jinpa là 1 kỹ sư ở New York phải nuôi gia đình ở Hawaii thì 1 người bạn lôi đi nghe 1 vị lạt ma thuyết pháp. Jacky kể, y hệt như cú sét ái tình, yêu ngay lần đầu gặp mặt, thế là mọi chuyện thay đổi và anh không thể sống lại như đời thường.

Đời sống ở học viện IBD đỡ nghiêm ngặt hơn so với tu viện Gaden.

Chuông reo buổi sáng lúc 6 giờ sáng. Sau buổi ăn trưa là 1 tiếng đồng hồ tự do, thế nên có thể ngủ thêm 1 giấc trưa. Sau buổi học chiều, có thêm 90 phút tự do, trong đó vài sư rủ nhau đi chơi bóng rổ ở sân ngoài học viện. Buổi ăn tối thì tùy ý, hoặc ăn trong nhà ăn, hoặc ra vườn ngồi ăn với bạn hữu, nhưng Thầy Don ưa mang bữa ăn về phòng và ngồi thọ thực riêng. Buổi tụng kinh chiều lúc 7 giờ tối, sau đó là giờ tranh luận kéo dài tới 9:30 giờ đêm. Thầy Don phải về phòng lúc 10 giờ đêm, nhưng khi vào phòng có quyền ngủ trễ.

Quý Thầy ở IBD nghĩ gì về Thầy Don?

Hiệu Trưởng Học Viện IBD là ngài Pema Dorjee tin rằng Thầy Don được tiền định để qua Ấn Độ tu học, “Đây phải là có duyên lành từ kiếp trước. Tôi tin rằng Kusho có nghiệp rất lành, nghiệp này đẩy Kusho qua Ấn Độ để làm sư, rồi lại học triết học Phật Giaó tới chỗ thâm sâu. Kusho quá trẻ, có một gia đình rất tốt, và có nhiều thân nhân, nhưng Kusho thực sự muốn tu học Phật Học. Đúng vậy, Kusho thực sự muốn. Chính Kusho đã quyết định.”

Cũng nên ghi chú thêm về pháp danh của vài vị trong bài:

-- Đức Đạt Lai Lạt Ma có tên thật là Tenzin Gyatso -- dịch là Trí Hải -- Gyatso là Biển, Tenzin là Gìn Giữ Chánh Pháp, tức là Trí Tuệ. Anh dịch là Ocean of Wisdom, Biển Trí Tuệ.

-- Geshe Tsultim Gyeltsen. Geshe là Tiến Sĩ Phật Học. Tsultim là Đạo Đức, Gyeltsen là lá cờ chiến thắng.

-- Tenzin Dorjee (Kim Cương Trí). Dorjee là Kim Cương.

(Bài viết của nhà báo Phan Tấn Hải, phần hình ảnh của nhiếp ảnh gia Lê Phúc và VB)

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 10148)
Nhằm mục đích giúp cho những bệnh nhân vào thời kỳ cuối của bệnh ung thư sống những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời một cách thanh thản, bình yên về mặt tinh thần cũng như tâm linh trên phương diện y tế được đón nhận sự chăm sóc một cách toàn diện về thân thể, tâm lý và xã hội. Vào ngày 8 tháng 8 năm 1996 Bệnh Viện Đa Khoa Từ Tế Phật Giáo ở Hoa Liên Đài Loan đã thành lập "AN NINH LIỆU HỘ BỆNH PHÒNG"chuyên môn chăm sóc những bệnh nhân thời kỳ cuối của bệnh ung thư và được Ni Sư Chứng Nghiêm (người sáng lập Hội Từ Tế) đặt tên là "Tâm Liên Bệnh Phòng".
10/04/2013(Xem: 8749)
Ngài Huyền Trang là Cao Tăng đời nhà Đường. Ngài phụng mệnh Đường Thái Tông sang Ấn Độ thỉnh Kinh. Hành trình trên 10 năm thỉnh về hơn 650 bộ Kinh. Sau đó, Ngài đã cùng đệ tử dịch ra Hán Văn được 75 bộ gồm 1335 quyển. Đối với sự phát triển của Phật Giáo Trung Quốc. Ngài là một người có công rất lớn.
10/04/2013(Xem: 4380)
Vùng đất hiện nay được gọi là Mông Cổ cho mãi đến thế kỷ XIII mới có được lịch sử theo tư liệu văn bản. Vào khoảng thế kỷ IX-X, bộ lạc Khiết Đan (Kidans), một bộ lạc nói tiếng Mông Cổ, thành lập nước Đại Liêu ở miền Bắc Trung Quốc. Đến thế kỷ XI-XII, tất cả các bộ lạc Mông bước vào lịch sử được biết dưới các tên Nguyên Mông, Tartar, Kerait và Jalair; họ thường gây hấn và chém giết lẫn nhau cho đến khi một lạc trưởng tên Temudjin chinh phục và thống nhất tất cả, đặt tên chung là Mongol và tự xưng là Thành Cát Tư Hãn (Genghis Khan).
10/04/2013(Xem: 4603)
Nhân một thiện duyên, chúng tôi đọc thấy một tài liệu ngắn giới thiệu một chương trình thu tập các tư liệu gồm các thủ bản và mộc bản quý hiếm đánh dấu sự hiện hữu của Phật giáo tại Mông Cổ từ khi đất nước này bắt đầu có sử liệu vào khoảng thế kỷ XIII. Đây là một lĩnh vực chúng tôi chưa học hiểu đến, nhưng cảm thấy tài liệu này có giá trị sử học và nghiên cứu, nhất là hiện tại còn rất ít thông tin về nền Phật giáo tại Mông Cổ, cho nên cố gắng lược dẫn tài liệu này để cống hiến độc giả NSGN và những ai quan tâm đến sự phát triển của Phật giáo trên thế giới.
10/04/2013(Xem: 4775)
Trên tay tôi là 2 cuốn sách, một cuốn là Phật Giáo Khắp Thế Giới (Buddhism throughout the World) của tác giả Thích Nguyên Tạng, xuất bản lần thứ nhất năm 2001 tại Australia và cuốn kia là Tôn Giáo và Lịch Sử Văn Minh Nhân Loại Phật Giáo Việt Nam và Thế Giới của Thiền Sư Định Lực và Cư sĩ Nhất Tâm, do Nhà Xuất Bản Văn Hoá Thông Tin in xong vào tháng 1 năm 2003 mà tôi vừa mới mua.
10/04/2013(Xem: 9834)
Quyển “Phật Giáo Việt Nam và Thế Giới” (PGVNvTG) của Thiền sư [sic] Định Lực và Cư sĩ [sic] Nhất Tâm biên soạn [sic], được NXB Văn Hoá Thông Tin cấp giấy phép số 1715/XB-QLXB của Cục Xuất Bản ngày 11-12-2001, có mặt trên thị trường sách khoảng giữa năm 2003. Sách dày 632 trang, khổ 16x24 cm, được in trên giấy couche, bìa cứng, rất sang trọng. Sách được xuất bản theo dạng “đội mủ” của quyển “Tôn Giáo và Lịch Sử Văn Minh Nhân Loại,”
10/04/2013(Xem: 4918)
Cuối tháng 3 năm 2004, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra một hội sách mang tính quốc tế với sự góp mặt của hầu hết các nhà xuất bản trong nước cũng như một số nhà xuất bản uy tín nước ngoài. Có thể thấy ngay được những cố gắng của nhà nước trong quản lý văn hóa, nhằm tôn vinh giá trị của văn hóa đọc, một kỹ năng luôn cần cho con người trong quá trình phát triển ở mọi thời đại. Ðiều này cũng nằm trong chủ trương xây dựng một nền văn hóa hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc mà nhà nước đã và đang cổ súy.
09/04/2013(Xem: 22657)
Ngày nay, căn cứ các tài liệu (1) và các lập luận khoa học của nhiều học giả, giới nghiên cứu hầu hết đều đồng ý rằng Đạo Phật đã được truyền vào Việt Nam rất sớm, nhất là từ cuối thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ thứ III Tây Lịch qua hai con đường Hồ Tiêu và Đồng Cỏ.
09/04/2013(Xem: 18532)
Năm 1957, chúng tôi tu học tại cao đẳng Phật học viện Srisumana Vidyalaya, đồng thời theo học trường Srisumana College, tỉnh Ratnapura, nước Srilanka. Theo Phật lịch thì năm 1957 là đúng 2500 năm tính theo tuổi thọ 5000 năm giáo pháp của Đức Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni. Chánh phủ Ấn Độ lần đầu tiên mở cửa cho các hành Phật tử trên thế giới được đến hành hương bốn thánh địa và những địa danh Phật tích chỉ trả nửa giá tiền trong các tuyến đường xe lửa.
09/04/2013(Xem: 21220)
Năm 1921, khoảng bẩy trăm tăng ni cư sĩ tụ họp tại am thất Chuzang gần Lhasa để nghe pháp tu Lam-rim do bậc thầy Kyabie Pabongka Rinpoche giảng. Suốt ba tuần lễ kế tiếp họ được hấp thụ những thời pháp nổi tiếng nhất đã từng được giảng ở Tây Tạng.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]