Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hoằng pháp hay kinh doanh ?

10/04/201311:29(Xem: 4275)
Hoằng pháp hay kinh doanh ?


“PHẬT GIÁO VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI”
MỘT QUYỂN SÁCH VI PHẠM
TÁC QUYỀN VÀ XUYÊN TẠC ĐẠO PHẬT

ThíchNhật Từ

Quyển “Phật Giáo Việt Nam và Thế Giới” (PGVNvTG) của Thiền sư [sic] Định Lực và Cư sĩ [sic] Nhất Tâm biên soạn [sic], được NXB Văn Hoá Thông Tin cấp giấy phép số 1715/XB-QLXB của Cục Xuất Bản ngày 11-12-2001, có mặt trên thị trường sách khoảng giữa năm 2003. Sách dày 632 trang, khổ 16x24 cm, được in trên giấy couche, bìa cứng, rất sang trọng. Sách được xuất bản theo dạng “đội mủ” của quyển “Tôn Giáo và Lịch Sử Văn Minh Nhân Loại,” bao gồm 4 phần. Phần thứ nhất là Phật Giáo Việt Nam và Thế Giới. Phần thứ hai là “Đối Thoại Đức Phật và Bồ-tát.” Phần thứ ba là “Vào Thiền.” Phần thứ tư là “Trường Sinh và Thiền Đạo.” Nhìn chung, phần thứ nhất, phần thứ ba và phần thứ tư thực chất là “đạo chích” các tác phẩm của người khác; trong khi đó, phần thứ hai trình bày dưới dạng đối thoại giữa đức Phật và Bồ-tát là phần có nhiều vấn đề nghiêm trọng nhất, vì Định Lực và Nhất Tâm tự cho mình là Phật, lại nói những lời báng Phật và xuyên tạc đạo Phật.

phatgiaoqt-bia

Sách in tại Úc

hoangphadaovan
Sách in tại VN

Về phương diện bố cục, chỉ có một phần tư sách liên hệ đến chủ đề “PGVNvTG” trong khi ba phần tư còn lại hoàn toàn “lạc đề” với tựa đề của sách. Không hiểu khi cấp GPXB quyển sách này, ông Nguyễn Thế Vinh, biên tập viên, và ông Vũ An Chương, giám đốc NXB Văn Hoá Thông Tin, có nhận ra tình trạng “treo đầu heo bán thịt chó” của quyển sách hay không? Bản thân của Định Lực và Nhất Tâm hẳn hiểu rõ mục đích tại sao họ làm như vậy, vì với tựa đề “PGVNvTG” tác phẩm đạo chích và xuyên tạc Phật giáo của họ sẽ được nhiều người mua và đọc hơn. Điều đáng trách nhất ở đây không phải là sự kiện “đạo chích” như vừa nêu, mà ở chỗ, thông qua sự đạo chích vi phạm tác quyền đó, Định Lực và Nhất Tâm đã cố ý “tự xưng mình” là Phật, nói những điều Nho không ra Nho, Lão không ra Lão, đồng bóng không ra đồng bóng, cõi trên không ra cõi trên, cõi dưới không ra cõi dưới; hỗn độn, chấp vá, lấy râu ông nọ cấm cầm bà kia, để xuyên tạc đạo Phật.

Khi đọc xong phần thứ nhất, tôi thực sự thất vọng khi phát hiện ra phần này là toàn bộ nội dung quyển “Phật Giáo Khắp Thế Giới” của Đại đức Thích Nguyên Tạng xuất bản tại Úc châu, đã được hai nhân vật mạo danh Thiền sư Định Lực và Cư sĩ Nhất Tâm “bê nguyên xi” vào trong quyển “PGVNvTG.” Trong lời giới thiệu cho tác phẩm “Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới” do Đại đức Thiện Minh dịch, khoảng tháng 7-2003, tôi đã đề cập đến tình trạng “ăn cắp” trắng trợn của hai nhân vật mạo nhận thiền sư và cư sĩ này, nhưng rất tiếc đến nay dịch phẩm của Đại đức Thiện Minh vẫn chưa ra mắt.

Chương một của phần thứ nhất “Phật Giáo Việt Nam” vốn là luận văn tốt nghiệp cử nhân Phật học của Đại đức Thích Nguyên Tạng, nạp cho trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam (nay là Học Viện Phật Giáo Việt Nam), năm 1997. Các chương còn lại của phần thứ nhất giới thiệu một cách bao quát về lịch sử Phật giáo ở các nước Đông Tây (theo ba góc độ: đất nước, con người và sự kiện), vốn đã được đăng trên nguyệt san Giác Ngộ hơn 10 năm qua. Toàn bộ phần thứ nhất này đã được đăng trên các trang nhà Quảng Đức, Đạo Phật Ngày Nay, Hoa Sen và Lotus Production.

Khi có được tài liệu “Phật Giáo Việt Nam và Thế Giới” để đưa vào PGVNvTG, hẳn nhiên Định Lực và Nhất Tâm đã biết rõ tác giả của nó là Đại đức Thích Nguyên Tạng, vì trong sách Phật Giáo Khắp Thế Giới, nguyệt san Giác Ngộ và các trang web đều ghi rõ tên tác giả là Đại đức Thích Nguyên Tạng, chứ không phải Định Lực và Nhất Tâm. Lấy toàn bộ quyển sách của người khác đưa vào sách của mình mà không hề ghi chú gì cả thì không thể viện lý do là “sơ suất” và dĩ nhiên không khỏi mắc tội ăn cắp tác phẩm, và dĩ nhiên vi phạm nghiêm trọng Luật tác quyền.

Như phần thứ nhất, phần thứ ba “Vào Thiền” (tr. 305-466) và phần thứ tư “Trường Sinh và Thiền Đạo” (tr. 467-625) là hai phần có nội dung nghiêm túc, mặc dù cũng có nhiều chỗ có vấn đề cần thảo luận để làm sáng tỏ. Đọc vào văn phong toàn quyển sách, tôi thấy nội dung và tư tưởng được trình bày trong sách vừa khập khiễng, vừa không thống nhất với nhau. Từ đó, có thể khẳng định rằng tác giả của phần thứ hai và tác giả của phần thứ ba và phần thứ tư hẳn không phải là một người, vì cùng một vấn đề nhưng tư tưởng được trình bày qua ba phần hoàn toàn khác nhau, và thỉnh thoảng, trái ngược nhau. Rất có thể Định Lực và Nhất Tâm đã “bê nguyên xi” phần thứ ba và phần thứ tư của sách từ một hoặc nhiều tác phẩm của các tác giả/ dịch giả nào đó, nhưng lại cố tình “bỏ tên” của họ, như trong trường hợp của phần thứ nhất. Do vì, phần thứ nhất, phần thứ ba và phần thứ tư không do Định Lực và Nhất Tâm trước tác hay phiên dịch, tôi nghĩ chúng ta không nên mất thời gian thảo luận về chúng.

Vấn đề nghiêm trọng của quyển “PGVNvTG” không chỉ đơn thuần là vấn đề “đạo chích” và “cướp tác quyền”, khi Định Lực và Nhất Tâm đã lấy sách của người khác đưa vào sách mình mà không hề nói đến tác giả của các tác phẩm đó, để cho người đọc mặc nhiên hiểu họ là tác giả; mà còn nằm ở chỗ, thông qua trò “đánh lận con đen” này, Định Lực và Nhất Tâm không chỉ gắn cho mình cái “mác” thiền sư và cư sĩ Phật giáo để đánh lừa độc giả về nội dung sai lầm của quyển sách, mà còn mạo xưng mình là Phật, dựng lên hằng trăm chuyện không có trong kinh điển để bôi bác đức Phật và đạo Phật, bằng một giọng văn đạo không ra đạo, mà đời cũng không ra đời. Đó là phần thứ hai “Đối Thoại Đức Phật và Bồ Tát” (tr. 191-303), mà dưới đây, tôi xin trích ra một số đoạn tiêu biểu để thấy được ý đồ xuyên tạc đạo Phật của Định Lực và Nhất Tâm.

Nếu Định Lực và Nhất Tâm không tự xưng mình là Phật, không cao ngạo, gán những lời xằng bậy của họ cho đức Phật thì không có gì đáng nói. Điều khó chấp nhận nhất trong phần này là hai tác giả “tự xem mình là Phật” tự “phịa ra” những lời thoại hoàn toàn xa lạ và trái với tư tưởng và triết lý đạo Phật để mê hoặc quần chúng, và làm cho người đọc hiểu đạo Phật là đạo mê tín dị đoan, lừa người bịp đời. Điều đáng trách hơn là hơn 100 trang đối đáp vừa giỡn cợt vừa bậy bạ đó mà họ dám gọi là “diễn lại cảnh thuyết pháp về Phật đạo” (193/3). Đại ngôn hơn, khi hai tác giả cho rằng hàng Bồ-tát nghe những điều vớ vẫn và tầm phào của họ như lời của đức Phật: “con (Bồ-tát) mới được nghe lần đầu, và từ vô thỉ, đến nay, có lẽ con mới ngộ lần chót” (199/6-7).

Đạo Bồ-tát là con đường nhập thế cứu đời trên tinh thần vô ngã, vị tha, dưới sự soi sáng của tình thương và tuệ giác, ấy mà, Định Lực và Nhất Tâm lại cả gan bôi bác các ngài là hạng tầm thường, mê ăn thích ngủ, gạt gẫm người ngu: “Bồ-tát có đủ tướng tốt, nhưng lo bồi bổ cái xác thân no béo là lầm lẫn. Vì ngươi chỉ lo ăn, ngủ, nói sàm để lừa gạt lầm kẻ si mê, chớ ngươi chưa phải kẻ chơn chánh” (201/1-3). Từ đó, Định Lực và Nhất Tâm đã ngang nhiên cho Bồ-tát không có hạnh nết, khi viết lập lờ: “BỔ TÁT Đa Hạnh, nhưng không có Hạnh” (203/16). Định Lực và Nhất Tâm đặt ra nhiều danh hiệu Bồ-tát để xúc phạm đạo lý Bồ-tát như Bồ-tát có hai vợ (212), Bồ-tát cùi, Bồ-tát ho lao, Bồ-tát cà lăm, Bồ-tát hay quên (290-99).

Tự cho mình là Phật, Định Lực và Nhất Tâm đã xuyên tạc hạnh của Phật “trong đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, ngủ, thức, nói, nghe, ngửi, tiêu, tiểu . . . không phá mà hư, không thành mà hoại.” (199/24-6). Từ sự xúc phạm hạnh này, hai tác giả còn xúi giục mọi người đừng bắt chước hạnh cao thượng của Phật, mà hãy tự hào với những “cái của dở” của họ, không cần phải bỏ ác làm lành: “Vậy thì muốn thành Ta (Phật), ngươi phải bắt chước NUÔI cái của dở của ngươi, đừng bỏ cái dở đó.” (200/5-6). Ý đồ xúc phạm đức Phật được thể hiện rõ khi Định Lực và Nhất Tâm cho rằng hạnh của Phật còn thua hạnh của người phàm: “Biết đâu đá (phẩm chất) của ngươi còn tốt hơn Ta (Phật), mà ngươi lại bỏ nó, rồi phải đi xin đá của Ta” (200/18-9). Buồn cười hơn, khi Định Lực và Nhất Tâm hạ thấp Phật, cho Phật phải nối gót Bồ-tát để được Bồ-tát độ thành Phật: “Lời nói của ngươi (Bồ tát) thành tâm, Ta nguyện nối gót ngươi thành Phật kiếp này, để ngươi độ Ta.” Phiếm thần luận không hề có chỗ đứng trong đạo Phật nhưng Định Lực và Nhất Tâm đã gán cho Phật chủ trương phiếm thần: “Ta từ cõi Hư không đến cõi Trời, đều có Ta (Phật). Hột cát là Ta, vạn vật đều là Ta.”

Định Lực và Nhất Tâm không chỉ xem họ ngang hàng với Phật Thích-ca, mà đôi lúc còn ngông cuồng khi cho mình hơn cả Phật Thích-ca: “Chiếc thuyền của Đức Thích Ca Mâu Ni đã chở 96 ức linh căn [sao giống đồng bóng quá] quá nặng, sắp chìm ngoài biển cả, mà mỗi lần quả địa cầu nào sắp thuần dương [sao giống dịch lý quá] là có Ngài (Phật Thích-ca), có Ta (ám chỉ hai tác giả). Ngài đi trước, Ta đi sau” (206/8-10). Định Lực và Nhất Tâm là những con người ngạo mạn như vậy, có đáng để chúng ta mất thời giờ thảo luận nữa không? Tôi nghĩ là không nên!

Dĩ nhiên, còn hằng trăm mẫu đối thoại vớ vẫn và bôi bác đạo Phật tương tự như vậy trong phần 2, mà tôi nghĩ không cần phải ghi hết ra đây. Chừng đó thôi, chúng ta cũng thấy được thái độ khinh thường độc giả của Định Lực và Nhất Tâm, tự xưng mình là thiền sư và cư sĩ Phật giáo lại làm những chuyện “đạo chích,” “phỉ báng” đức Phật và đạo Phật.

Để tôn trọng sản phẩm trí tuệ của người khác, để thể hiện nếp sống văn minh, tuân thủ luật pháp và trả lại sự trong sáng của đạo Phật đã bị Định Lực và Nhất Tâm xuyên tạc và bóp méo, tôi đề nghị các cơ quan chức năng như Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Cục Quản Lý Xuất Bản sớm ra lệnh thu hồi GPXB quyển sách này từ NXB Văn Hoá Thông Tin, đồng thời, lập tức đình chỉ việc phát hành sách cũng như thu hồi các sách đã phát hành trên thị trường. Đừng vì cái lợi cỏn con trước mắt mà xem thường luật pháp và đạo đức. Cũng đừng vì tự ái mà không dám xin lỗi quần chúng Phật tử về những gì mà mình đã làm sai. Nếu đạo đức bắt nguồn từ lương tâm trong sáng thì một trong những cách phát triển đạo đức là lòng sám hối chân thành. Mong sao NXB Văn Hoá Thông Tin và hai tác giả Định Lực và Nhất Tâm sớm nhận ra được điều này. Muộn vẫn còn hơn không!

***

HOẰNG PHÁP HAY KINH DOANH ?

Linh Thoại

---o0o---

Trên tay tôi là 2 cuốn sách, một cuốn là Phật Giáo Khắp Thế Giới(Buddhism throughout the World) của tác giả Thích Nguyên Tạng, xuất bản lần thứ nhất năm 2001 tại Australia và cuốn kia là Tôn Giáo và Lịch Sử Văn Minh Nhân Loại Phật Giáo Việt Nam và Thế Giớicủa Thiền Sư Định Lực và Cư sĩ Nhất Tâm, do Nhà Xuất Bản Văn Hoá Thông Tin in xong vào tháng 1 năm 2003 mà tôi vừa mới mua.

phatgiaoqt-bia
Sách in tại Úc

hoangphadaovan
Sách in tại VN

Hai cuốn sách bề ngoài trông về mặt hình thức rất khác nhau, nhưng khi đọc nội dung bên trong thì tôi cảm thấy bàng hoàng. Phần đầu và hầu như là phần nội dung chính của cuốn sách Tôn Giáo và Lịch Sử Văn Minh Nhân Loại _ Phật Giáo Việt Nam và Thế Giới của Thiền Sư Định Lực và Cư sĩ Nhất Tâm chính là nội dung của cuốn sách Phật Giáo Khắp Thế Giới được sao y nguyên bản; sao y nguyên cả lỗi sai cuốn sách này. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi cuốn sách này lại không hề có một dòng chữ nào ghi rằng có tham khảo cuốn sách Phật Giáo Khắp Thế Giới mà tác giả Thích nguyên Tạng đã dày công biên soạn trong nhiều năm trời từ lúc ở chùa Pháp Vân, Sài Gòn cho đến khi sang Úc vẫn còn tiếp tục; từng phần của tập sách đã được đăng tải trên báo Giác Ngộ trong nước và trên các báo Phật Giáo điện tử. Lẽ nào khi soạn một tập sách dày 631 trang như thế, mà 2 tác giả Nhất tâm và Định Lực chưa bao giờ tham khảo qua những tờ báo trên ???

Điểm qua về kết cấu phần mục lục của tập sách do Thiền sư Định Lực, và cư sĩ Nhất Tâm thực hiện, chúng ta có thể thấy sách này thực hiện không có một cơ sở khoa học nào, mà chỉ là sự vụng về thu nhặt. Trong phần Bảng Chữ Viết tắt ở trang 8, tất cả những chữ viết tắt không được sắp xếp theo thứ tự ABC, không hiểu người đọc sẽ làm thế nào tìm được từ đầy đủ của những từ viết tắt dựa trên bảng liệt kê này.

Đến trang 89, 90,91 phần Phật Giáo tại Áo thì không cần phải nói gì nhiều thêm về việc có tham khảo hay không; bên dưới bài phỏng vấn có ghi: Thích Nguyên Tạng (Thực hiện tại TPHCM ngày 12/7/1996)Và khi đọc đến trang 185,186,187, độc giả hẳn sẽ khẳng định tác giả tập sách này, vì đó là bài Phật Giáo Việt Nam qua hai Phật Tử Đan Mạch, mà bên dưới ký tên là Thích Nguyên Tạng (thực hiện ngày 03-02-1996). Vậy xin hỏi, trong 2 đồng tác giả Thiền Sư Định Lực và Cư Sĩ Nhất Tâm, có ai chính là tác giả Thích Nguyên Tạng, nếu không phải, sao trong phần tham khảo nhị vị không ghi vào. Hay là cả hai đều định lực và nhất tâm ăn cắp sách của người khác để kiếm sống, nếu có ăn vụng thì cũng nên chùi mép, xin hỏi, khi quyết tâm “đánh quả” cuốn sách này, hai vị đã có đọc hết cuốn sách này chưa? Hay là vì muốn mau gặt hái nên đã quá vội vàng đến nỗi lộ cả chân tướng?

Trong tập sách của tác giả Thích Nguyên Tạng, phần Phật Giáo Thế Giới được trình bày theo thứ tự ABC của tên nước, bắt đầu là Anh Quốc, và cuối cùng là Úc châu. Nhưng trong tập sách của 2 vị Thiền Sư và Cư Sĩ , lại được trình bày rất lộn xộn, bắt đầu cũng là Phật Giáo tại Việt Nam, kế đến là Trung Hoa, và tiếp đến là Phật Giáo tại Tô Cách Lan, xin hỏi 2 vị đã xếp những thứ tự này dựa theo điều gì, hay chỉ là sự tráo đổi chút ít để độc giả không nhận ra? Tôi cho rằng có lẽ các vị đã lấy tập sách này từ địa chỉ này trên mạng trong nhiều lần khác nhau nên không được liên tục:

http://www.quangduc.com/quocte/01pgkhaptg.html

Và nếu vậy thì sao trong tập sách này lại không để thêm địa chỉ trang web trên nơi phần tham khảo. Xem trang 181 phần Phật Giáo Việt Nam tại Úc, những dòng cuối có ghi rằng tổng hợp các tài liệu A Buddhism in Australia 1048-1988, NSW,1989; vậy mà có trích đăng tấm hình Vườn Lộc Uyển Tu Viện Quảng Đức, Victoria trong khi tu viện này đặt viên đá xây dựng đầu tiên vào cuối năm 2000, chẳng phải tấm ảnh này đã lấy từ trang web trên sao?

Đáng tiếc hơn nữa là cuốn sách không phải không phải chỉ có hai vị đồng soạn giả trên, mà còn có những người chịu trách nhiệm xuất bản; biên tập và sửa bản in Thế Vinh nữa. Hãy còn có những thiếu sót từ bản chính của tác giả Thích Nguyên Tạng, chẳng hạn như trang 117 dòng thứ 14 dưới lên, có một con số chú thích (6) không được chú thích trong bản gốc; xem trang 95, dòng 11 trên xuống có ghi tên của vua Mông Cổ Udjiaitu (1305-16) lẽ ra phải sửa lại là (1305-1316), sao quí vị không làm ơn sửa giúp để được thêm phần công đức, mà vẫn cứ bê nguyên xi những lỗi đó vào trong tập sách của mình, rồi xúm nhau đứng tên mình trên cuốn sách để rồi không còn chỗ để đặt tên của tác giả???? Tôi tự hỏi không biết nhị vị đồng tác giả của cuốn sách có phải thực sự là thiền sư hay cư sĩ hay không, mà theo sự hiểu biết ít ỏi về Phật học, tôi vẫn thường thấy nơi đầu những bài kinh đều có câu: “Như thị ngã văn - tôi nghe như vầy”, vậy sao nhị vị không bắt chước theo mà lại lấy của người khác làm của mình như thế. Dù sao đi nữa có lẽ tác giả thật sự của cuốn sách, cũng cảm ơn quí vị đã đưa cuốn sách đến với rộng rãi độc giả hơn, góp phần vào công cuộc hoằng pháp lợi sinh. Chỉ xin nhị vị vui lòng ghi thêm vào phần tham khảo cho những lần tái bản sau (nếu có), và nếu trích đăng xin ghi lại rõ ràng, đừng lập lờ xào đi nấu lại kiểu như thế làm hỏng giá trị của cuốn sách.

Nói tóm lại, tôi không thể nào hiểu được động cơ của những người làm sách này. Nhưng dù sao, đã mang tiếng là những người làm công tác văn hoá, xin hãy hành động một cách có văn hóa.


Sài gòn 17-03-2004

Linh Thoại

---o0o---

Một cuốn sách về tôn giáo vừa vi phạm nghiêm trọng luật bản quyền, vừa có những nội dung xuyên tạc tôn giáo

Hoàng Độ

---o0o---

phatgiaoqt-bia
Sách in tại Úc

hoangphadaovan
Sách in tại VN

Cuối tháng 3 năm 2004, tại TP Hồ Chí Minh diễn ra một hội sách mang tính quốc tế với sự góp mặt của hầu hết các nhà xuất bản trong nước cũng như một số nhà xuất bản uy tín nước ngoài. Có thể thấy ngay được những cố gắng của nhà nước trong quản lý văn hóa, nhằm tôn vinh giá trị của văn hóa đọc, một kỹ năng luôn cần cho con người trong quá trình phát triển ở mọi thời đại. Ðiều này cũng nằm trong chủ trương xây dựng một nền văn hóa hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc mà nhà nước đã và đang cổ súy. Qua những công trình, những tác phẩm được các nhà xuất bản giới thiệu, người đọc khó tính cũng có thể ra về với niềm vui vì đã chọn ít nhất là một cuốn sách mà mình ưng ý và muốn có. Một điều khác nổi bật có thể thấy ở đây là sách về tôn giáo, đặc biệt là đạo Phật, một thành tố quan trọng trong đời sống và văn hóa Việt Nam, tuy chưa thật phong phú, nhưng cũng đã có một “chỗ đứng”, dẫu còn rất khiêm tốn, giữa hàng núi sách thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội khác. Mừng là thế, nhưng bên cạnh những tác phẩm hay, có giá trị về mặt học thuật, biên dịch, lại có không ít những tác phẩm viết ẩu hoặc dịch vội vàng, dịch sai đến khó chấp nhận hoặc “đạo văn” của người khác một cách trắng trợn, hoặc thu nhặt và lắp ghép một cách luộm thuộm, hoặc có ý xuyên tạc về giáo lý tôn giáo và thậm chí còn vi phạm cả chính sách của nhà nước... mà không hiểu sao lại được nhà xuất bản nghiêm túc cấp giấy phép xuất bản và lại được lưu hành rộng rãi. Một trong những cái gọi là sách tiêu biểu như vậy phải kể đến cuốn “Tôn giáo và lịch sử văn minh nhân loại – Phật giáo Việt Nam và thế giới” của 2 “cái tên” Thiền Sư: Ðịnh Lực và Cư Sĩ: Nhất Tâm[1](sic), mang nguồn gốc nhà xuất bản Văn hóa thông tin, Công ty Văn hóa Minh Trí-nhà sách Văn Lang liên kết xuất bản.[2]

Tôn giáo và lịch sử văn minh nhân loại – Phật giáo Việt Nam và thế giới” được in trên giấy tốt, bìa cứng, với lời giới thiệu của nhà xuất bản Văn hóa thông tin một cách trang trọng nhằm “mô tả Phật giáo và những vấn đề cơ bản của Phật pháp và Thiền”, dày 631 trang. Nội dung của nó có 4 phần, trong đó, vấn đề chính như tựa sách muốn nói gói gọn ở phầnmột: Phật giáo Việt Nam và thế giới. Về mặt khách quan, đây là phần nghiêm túc nhất của cuốn sách, tuy nhiên khi đọc nó, chúng tôi đã nhận ra một giọng văn rất quen thuộc của một tác giả là cộng tác viên gắn bó với nguyệt san Giác Ngộ về Phật giáo thế giới. Nhiều bài trong đó đã được giới thiệu trên báo, đã được in thành sách và được giới thiệu trên nhiều website hiện hữu. Ðọc tiếp những phần sau, chúng tôi vô cùng kinh ngạc với nội dung mà đôi khi khiến chúng tôi nghĩ đấy là sản phẩm của một đầu óc hoang tưởng. Ðó là những cái được gọi là “tôn giáo và văn minh nhân loại” sao? Ðó là nội dung của sự “mô tả Phật giáo và những vấn đề cơ bản của Phật pháp và Thiền” như lời giới thiệu của nhà xuất bản Văn hóa thông tin sao? Những lời được viết ra trong các phần bàn về những vấn đề cơ bản trong Phật giáo, có thể nói nôm na là hết sức bậy bạ, nếu không nói là có ý đồ khác, nhằm xuyên tạc Phật giáo. Thử lật một trang bất kỳ trong những phần đó, độc giả sẽ không thể hình dung đấy là cái được xem là “tôn giáo và lịch sử văn minh nhân loại”, xin nêu ra ở đây một đoạn ngẫu nhiên:

“BỒ TÁT VẤN PHẬT:

BỒ TÁT: Bạch Ngài, kỷ nguyên Thánh Ðức, Ngài sẽ là vị nào trong Tam bảo?

PHẬT: Ta là vai con trong ba ngôi, mà ngôi thứ nhứt là Cha, ngôi thứ hai là con, và ngôi thứ ba chính là ngươi.

Cha chúng ta ở trên trời, nhưng hiện nay ở trần thế. Vì trên hay dưới đều là một, để chỉ sự hiểu biết chứ không ở trên hay ở dưới.

Còn con hay Cha, do TRÍ HUỆ mà phán đoán, chứ không ai sánh ai, mà nói rằng cha con.

Ba Ngôi, thường gọi là TAM BẢO (là ba vị Phật khi Long Hoa đại hội bế mạc) là thời chúng sanh hoàn thành ngôi vị Phật.

Không ai cao, ai thấp, thì làm gì còn Tam bảo.

Ðời Thánh Ðức, là đời bình đẳng, không còn ai từ xưng là Thầy, hoặc còn giáo hội để xây đắp, gìn giữ mối đạo.”[3](sic)

v.v...

Xin miễn bàn thêm gì về nó. Lối tưởng tượng như thế đầy rẫy trong trong gần 2/3 cuốn sách.

Với sự ngỡ ngàng đến đến nghi ngờ, chúng tôi đã liên hệ với đại đức Thích Nguyên Tạng, người có một bài đã từng đăng trên báo Giác Ngộ “bị” trích với cả bút danh đầy đủ cũng như có nhiều bài bị tước mất tên người biên soạn để gắn một cái “mác” khác, và được vị này cho biết là tuyệt đối không nhận được một sự liên lạc nào từ nhà xuất bản hay đơn vị liên kết xuất bản(Công ty Văn hóa Minh Trí-Nhà sách Văn Lang). Bản thân đại đức Thích Nguyên Tạng cũng không hề biên soạn chung và không hề biết những cái tên đã nêu. Chúng tôi cũng đã làm một sự đối chiếu với những bài đã được đăng trên báo cũng như sau đó được chính tác giả in thành sách phát hành ở Uùc với tựa sách là “Phật giáo khắp thế giới (Buddhism throughout the world)”, thì không nghi ngờ gì nữa, nó được “sao chép” một cách trắng trợn toàn bộ phần gọi là “Phật giáo Việt Nam và thế giới”. Sự sao chép này... trung thành đến độ “bê” nguyên xi cả những lỗi trong nguyên bản đã được in trước đây. Thậm chí vẫn “bê” nguyên xi cả những đoạn vi phạm nghiêm trọng đến chính sách tôn giáo của Nhà nước, mà trong một bối cảnh ở hải ngoại, tác giả đã mô tả trong bài viết của mình. Hành động “đạo văn” này quả là trắng trợn, bất chấp những quy định về quyền tác giả đã được ngành Văn hóa thông tin của chính phủ ban hành, và cũng oái ăm thay, nó lại “đội nón” nhà xuất bản Văn hóa thông tin (!).

Sở dĩ chúng tôi cho đó là hành động “đạo văn” trắng trợn, bởi lẽ phần nhiều những bài trong phần một này đã được đăng trên báo Giác Ngộ, một tờ báo Phật giáo chính thức duy nhất trong nước sau năm 1975 mà hầu như giới Phật giáo và những người quan tâm đến đạo Phật ai cũng biết; mặt khác, chúng đã được chính tác giả tập hợp in thành sách, và được giới thiệu rộng rãi trên nhiều website mà ở bất kỳ nơi nào, với phương tiện Internet hiện nay, ai cũng có thể truy cập để có nó. Vậy mà, những người đứng ra xin thủ tục hợp thức hóa nó bằng một giấy phép xuất bản và kinh doanh nó lại như không thèm để ý đến dư luận, ngang nhiên coi thường pháp luật. Ðấy là chưa noùi đến việc cố ý diễn dịch các khái niệm, các phạm trù triết học Phật giáo, các vấn đề Phật học cơ bản hết sức xuyên tạc, vô căn cứ. Ấy vậy mà nhà xuất bản lại thẩm định và cho rằng đấy là một công trình nghiên cứu về tôn giáo và lịch sử văn minh nhân loại; là “không đề cập tới cái được và cái chưa được của tôn giáo mà chỉ trình bày nó như đang hiện hữu, đã ảnh hưởng tới văn hóa, kinh tế, từ xưa tới nay...”[4]Không biết những nội dung như thế nếu “ảnh hưởng” tới văn hóa, kinh tế của đất nước ta thì hậu quả sẽ khó lường đến mức độ nào. Chúng tôi thực sự không hiểu nhà xuất bản nghĩ gì về tôn giáo, ở đây là đạo Phật, và nhận định gì về nội dung, nhất là các phần hai, ba và bốn của cuốn sách đó để viết nên lời giới thiệu trang trọng như thế ?!

Ðấy là chúng tôi mới lướt qua về nội dung, chứ chưa nói đến phần trình bày và minh họa. Những hình ảnh minh họa trong các trang, từ đầu đến cuối, hết sức vô duyên, không ăn nhập gì đến nội dung, “lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia” (trừ việc “bê” nguyên hình minh họa trong hai bài viết đã được công bố chính thức của tác giả Thích Nguyên Tạng). Nó không chỉ “đạo văn” của các tác giả trong nước, mà còn tước mất quyền tác giả (người viết lời, họa sĩ) trong các tác phẩm truyện tranh về Phật giáo được xuất bản ở Ðài Loan. Thật là một hành động không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, sự không thể chấp nhận đựơc ấy lại được công nhận bằng giấy phép xuất bản của một trong những nhà xuất bản lớn của nước ta hiện nay là nhà xuất bản Văn hóa thông tin. Hơn thế nữa, nó được nhà xuất bản giới thiệu một cách trang trọng.

Những loại sách như thế này nếu đến tay một người đọc muốn tìm hiểu về các nền văn minh và các tôn giáo thì liệu hậu quả trong nhận thức của người đó sẽ như thế nào đối với đạo Phật, đối với các vấn đề mà nhà xuất bản gọi là “vấn đề cơ bản của Phật pháp và Thiền”???

Với tất cả những gì hiện biết được, chúng tôi nghĩ rằng cuốn sách này ra đời nhằm xuyên tạc Phật giáo, nhằm gieo vào trong đầu óc của người tìm hiểu nó, rằng đạo Phật là một “mớ bùng nhùng” và “hoang đường” như nó đã làm! Và, dẫu chưa đủ sơ sở để kết luận, tuy nhiên, chúng tôi vẫn đặt giả thiết, phải chăng những cái tên tác giả là một sự tự đặt có ý đồ, nhằm nói với người đọc (một cách mặc nhiên): những lời trong cuốn sách này do người Phật giáo (không phải là người Phật tử bình thường mà là “thiền sư”, là “cư sĩ” hẳn hoi!), hãy yên tâm nhé! Sự đánh lận con đen này là một “chiêu thức” đã quá quen thuộc, những người tinh ý, những ai có kiến thức cơ bản về Phật pháp sẽ dễ dàng nhận ra ngay. Tuy nhiên, nó cũng dễ dàng lừa được người đọc chưa biết về giáo lý Phật giáo, vì các danh hiệu (thiền sư, cư sĩ) “gắn” trước tên tác giả, vì có phần một tương đối nghiêm túc và đầy đủ, và hơn thế nữa vì “dấu son” của nhà xuất bản Văn hóa thông tin, một nhà xuất bản lớn ở nước ta hiện nay.

Nhìn lại toàn bộ nó, điểm nổi bật duy nhất là những việc làm đáng ngăn chận này lại được thể hiện trên một hình thức rất tốt, bìa cứng, giấy trắng ít có sách dẫu có giá trị thực sự lại được in ấn như thế!

Với những điều đã nói sơ lược như trên, đây không còn là trường hợp thuộc về sự “thiếu tư liệu tham khảo” hoặc do “hạn chế về nhận thức” của người biên soạn, mà thuộc về lĩnh vực đạo đức và pháp luật. Nó nên được làm sáng tỏ để góp phần làm trong lành không khí học thuật ở nước ta, góp phần vào việc định hướng xây dựng một nền văn hóa hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, và định hướng cho một nhận thức đúng đắn về tôn giáo, ở đây là đạo Phật - một tôn giáo có lịch sử gắn bó với đất nước gần hai ngàn năm, hạn chế sự gây rối ren trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo bình thường của người dân.

Bài viết kỳ này, chúng tôi chỉ nêu như thế. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc, những độc giả và các bậc thức giả quan tâm những phản hồi mà chúng tôi có được trong nay mai, chung quanh cuốn sách này, cũng như từ phía các nhà chức năng trong quản lý văn hóa và tôn giáo.



[1]Sở dĩ chúng tôi gọi như vậy vì trong việc trình bày tên tác giả đã thể hiện sự thiếu hiểu biết sơ đẳng về cách xưng hô trong đạo Phật, không ai sử dụng dấu 2 chấm (:) như phép liệt kê sau những danh hiệu trong đạo Phật như thế. Theo chỗ biết của chúng tôi và hỏi qua các nhà chuyên nghiên cứu trong lĩnh vực này, không ai biết những cái tên như trên cả. Chúng tôi sẽ tiếp xúc, nếu được các vị có trách nhiệm xuất bản và liên kết xuất bản cho biết thông tin về địa chỉ.

[2]Theo giấy phép số 1715/XB-QLXB Cục Xuất bản cấp ngày 11.12.2001, trích ngang kế hoạch xuất bản số 06/VHTT Nhà Xuất bản Văn hóa thông tin cấp ngày 23.7.2002. In xong và nộp lưu chiểu quý 1 năm 2003.

[3]Trang 244-245

[4]Lời giới thiệu của nhà xuất bản Văn hóa thông tin, trang 7.

---o0o--

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
24/01/2022(Xem: 2836)
Nhà triết học Đức, đã thiết lập nên trường phái hiện tượng học Edmund Husserl (1859–1938) đã viết rằng "Tôi không thể phát âm" khi đọc Kinh điển Phật giáo trong bản dịch tiếng Đức của Karl Eugen Neumann (1865–1915), người đầu tiên dịch phần lớn Kinh điển Pali về kinh Phật từ bản gốc Pali sang ngôn ngữ Châu Âu (tiếng Đức), một trong những người tiên phong của Phật giáo Châu Âu.
23/01/2022(Xem: 3203)
Ngày 17 tháng 1 vừa qua, 36 người đại diện cơ quan Lập pháp, đảng Dân chủ cầm quyền đã đến Tổ đình Tào Khê, trụ sở Trung ương Thiền phái Tào Khê, Phật giáo Hàn Quốc, thủ đô Seoul, trước Đại Hùng Bảo điện trang nghiêm thanh tịnh, tại pháp hội Sám hối Hồng danh chư Phật 108 lạy hòa quyện với các ngọn nến lung linh, khói hương quyện tỏa, Hòa thượng Viên Hạnh, người đứng đầu Thiền phái Tào Khê, một tông phái Phật giáo ảnh hưởng lớn nhất Hàn Quốc cho biết: "Họ ăn năn hối cải vì những nhận xét không phù hợp".
18/01/2022(Xem: 4145)
Ấn bản nhiếp ảnh của bộ sách "Sao lục Phật tổ Trực chỉ Tâm thể Thiết yếu" (초록불조직지심체요절, 抄錄佛祖直指心體要節), là giáo trình tiêu biểu để giảng dạy cho học chúng trong chốn thiền môn tự viện Phật giáo Đại thừa, sẽ được chuyển thành một cơ sở dữ liệu văn hóa 3D. Tác phẩm văn học Thiền Phật giáo Bắc truyền nêu trên là bộ sách in kim loại lâu đời nhất thế giới.
16/01/2022(Xem: 3349)
Dịch bệnh hoành hành, Tình người bất diệt. Trong thời gian xảy ra dịch bệnh, nhân dịp kỷ niệm ngày Đức Phật Thành đạo, vào ngày 9 tháng 1 năm 2022, để kết duyên Bồ đề quyến thuộc Phật pháp với công công chúng, Trung tâm Thiền Tịnh Phật Quang Sơn Di Bảo, Malaysia đã chuẩn bị cung cấp 1500 hộp cháo Lạp Bát chia sẻ với họ. Để có thể phát cháo Lạp Bát đến tận tay công chúng khi còn nóng, các tình nguyện viên đã chuẩn bị nguyên liệu từ ngày hôm trước, cho cháo Lạp Bát đã nấu vào hộp và phân phát cho các thành viên của các thành viên Phật Quang Sơn, tòa soạn báo, những tín đồ lân lân cận và công chúng.
16/01/2022(Xem: 4128)
Cộng đồng Phật giáo khu vực tự viện Chalapathar Shyam Gaon, ngôi già lam cổ nhất tọa lạc tại khu Moniting, làng Chalapathar, quận Charaideo, phía đông bang Assam, phía đông bắc Ấn Độ, nằm ở rìa của Khu bảo tồn Chala rộng 683.173 hecta, thuộc Phân khu rừng Sivasagar tức Khu bảo tồn Làng Chala, được thúc đẩy bởi lời kêu gọi bảo vệ của Buhungloti, một loài dây leo bản địa có truyền thống được sử dụng để nhuộm màu trang phục của các vị tu sĩ Phật giáo bởi màu vàng nghệ đặc trưng của họ.
14/01/2022(Xem: 2385)
Viện Chiêm nghiệm Khoa học Phật giáo Nālandā Hoa Kỳ, một cộng đồng phi lợi nhuận, do Học giả Phật học uyên thâm, Giáo sư Tiến sĩ Joe Loizzo sáng lập, nhằm truyền tải những truyền thống về khoa học, chiêm nghiệm vào những truyền thống văn hóa đương đại và cách sống, hướng đến mục tiêu của một tương lai tươi sáng bền vững.
14/01/2022(Xem: 2176)
Thiền phái Tào Khê, một tông phái Phật giáo ảnh hưởng lớn nhất Hàn Quốc, đã nỗ lực hết mình để lên án Chính quyền Công giáo Roma tín đồ Thiên ChúaMoon Jae-in (문재인; 文在寅; Văn Tại Dần) Tổng thống Hàn Quốc "thiên vị tôn giáo", chư tôn tịnh đức tăng già và Phật tử từ khắp nơi trên đất nước Hàn Quốc, cam kết sẽ tổ chức một cuộc mít tinh xuất phát từ Tổ đình Tào Khê Tự, trụ sở Trung ương Thiền phái Tào Khê, Phật giáo Hàn Quốc, Gyeonji-dong, Jongno-gu, trung tâm thủ đô Seoul vào ngày 21 tháng 1 tới, lần đầu tiên sau 14 năm nhằm để xóa bỏ thành kiến, thiên vị tôn giáo và bảo vệ nền độc lập của Phật giáo Hàn Quốc.
14/01/2022(Xem: 3755)
Năm 1999, lần đầu tiên khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh của các cây bút nổi tiếng trên thế giới, một trong số ít những vị lãnh tụ tinh thần nổi tiếng nhất thế giới đến viếng thăm Trung Quốc, Ngài đã mang theo cuốn sách bản dịch tiếng Trung "Đường xưa Mây trắng" (故道白雲, Old Path White Clouds): Bước chân của Đức Phật như một món quà cho các Phật tử và thân hữu bạn bè của Ngài trong đó, sử dụng từ các nguồn cổ bằng tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Hán, nội dung cuốn sách này trình bày nhưng câu chuyện cuộc đời và những kim ngôn khẩu ngọc của Đức Phật lịch sử, Siddhartha Gautama. Bản dịch tiếng Trung của tác phẩm "故道白雲" (Đường xưa Mây trắng) của nữ Cư sĩ Dorothy Hà Tuệ Nghi (何蕙儀), được công nhận là trung thực với bản gốc cả về ý nghĩa và phong cách, đã được tái bản rộng rãi ở Trung Hoa đại lục, Hồng Kông và Đài Loan.
14/01/2022(Xem: 2339)
Ngoại giao tôn giáo có thể là một chiến thuật chính sách đối ngoại phức tạp của Đại Cung điện Kremlin, nhưng nó sẽ không bao giờ vượt qua các nhu cầu chính sách đối ngoại cơ bản của Nga.
14/01/2022(Xem: 3280)
Mạng lưới quốc tế Phật giáo Nhập thế “Ái hữu cho Hòa bình” (Buddhist Peace Fellowship, 和平團契, BPF), trụ sở hiện nay tại thành phố Oakland, tiểu bang California, Hoa Kỳ, là tổ chức phi lợi nhuận dành riêng cho phật tử tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường và thay đổi xã hội tiến bộ. Các tổ chức phi lợi nhuận BPF là chi nhánh quốc tế của “The Fellowship of Reconciliation” (FoR or FOR) với phương châm hoạt động hướng tới hòa bình toàn cầu, giúp đỡ người dân gặp khó khăn tại các quốc gia như Myanmar, Bangladesh, Tây Tạng và Việt Nam.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567