Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 07: Tổ chức và hoạt động của Tăng đoàn Phật giáo

03/05/201319:25(Xem: 5242)
Chương 07: Tổ chức và hoạt động của Tăng đoàn Phật giáo

LƯỢC SỬ PHẬT GIÁO TRUNG QUỐC

(Từ thế kỷ thứ I sau CN đến thế kỷ thứ X)

Soạn giả: Viên Trí


Chương Bảy

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
CỦA TĂNG ĐOÀN PHẬT GIÁO

I. Thành phần và nguồn gốc xã hội của Tăng đoàn

Ở Ấn Độ, Tăng già Phật giáo là một tổ chức với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho những ai muốn theo đuổi con đường xuất thế của đức Phật Thích Ca. Khi gia nhập vào Tăng đoàn, thành viên của nó không còn lo lắng đến phương tiện sinh sống, hoặc ước ao về gia đình và xã hội. Sống trong môi trường như thế, tăng ni có thể dành hết thời gian và năng lực cho việc huấn luyện tâm linh của tự thân. Theo dòng thời gian, khi Phật giáo chia thành hai phái Thượng Toạ bộ (Nguyên Thủy) và Đại Chúng bộ (Phát Triển), Tăng đoàn vẫn không có nhiều thay đổi. Hằng ngày họ vẫn tu tập và hành trì tất cả giới luật do đức Phật quy định với một số thay đổi hoặc khác nhau nhưng không mấy quan trọng.

Tuy nhiên, lúc đạo Phật truyền vào Trung Quốc, tổ chức cũng như sinh hoạt của tăng ni tại đây có nhiều thay đổi đáng kể. Ở Ấn Độ, xuất gia là công việc của cá nhân, hoàn toàn tùy thuộc vào ước muốn của cá nhân và gia đình; nhưng ở Trung Hoa, đặc biệt là thời nhà Đường, xuất gia và thọ giới lại liên quan đến luật pháp xã hội. Ai muốn thế phát xuất gia đều phải tuân thủ các quy định và sự kiểm soát của triều đình. Trong những triều đại trước, chức vụ trong tổ chức Tăng đoàn thường do triều định chỉ định, và số tăng quan ấy có trách nhiệm điều hành cũng như giám sát mọi hoạt động của Tăng già. Triều đại nhà Đường không những tiếp tục duy trì các điều luật trên, mà còn can thiệp rất sâu vào mọi hoạt động của tổ chức Tăng đoàn. Nói khác đi, vua chúa nhà Đường quản lý quyền tự do tu hành của cá nhân với mục đích hạn chế số lượng người đi tu. Mặc dầu pháp luật triều đình không hoàn toàn phù hợp với tổ chức của nó, nhưng để có thể tồn tại và phát triển trong một môi trường văn hoá mang đậm màu sắc Khổng giáo, Phật giáo buộc phải chỉnh lý để thích nghi với điều kiện như thế.

Hệ thống chính trị Trung Hoa, đặc biệt là dưới thời nhà Tùy và Đường, phân chia tu sĩ Phật giáo thành ba loại. Thứ nhất là giới tăng nhân hay còn gọi là tăng quan, sống trong chùa viện do triều đình xây dựng, nhận sự hỗ trợ từ triều đình và làm công việc được triều đình ủy thác. Thứ hai là số Tỷ-kheo được giai cấp quý tộc và giàu có trong lãnh thổ ủng hộ, còn gọi là Tư Tăng. Cuối cùng là giới tu sĩ bình dân, sống trong chùa chiền hoang vắng, xa xôi; cuộc sống của họ chủ yếu nhờ vào sự hỗ trợ của quần chúng tín đồ.

Theo “Cao Tăng Truyện”, phần lớn Tỷ-kheo xuất thân từ các gia đình giàu có nên trình độ học vấn của họ rất cao, vì lúc chưa xuất gia họ đã được học hành chu đáo. Do vậy, họ không gặp nhiều khó khăn trong việc học và hiểu giáo lý nhà Phật. Tuy nhiên, có nhiều quan điểm cho rằng “Cao Tăng Truyện” chỉ ghi lại tiểu sử của những danh tăng như Pháp Hiển, Huyền Trang, Tông Mật…, và tất nhiên không phản ảnh được nguồn gốc xã hội của toàn bộ tăng ni[1]; vì trong cả ba tác phẩm trên, tên tuổi của tăng sĩ Phật giáo chỉ có 1.818 vị. Rõ ràng, đây là một con số quá nhỏ khi đối chiếu với bức tranh thực của Tăng già Trung Hoa từ đời Hán đến năm 987. Tuy nhiên, người ta cho rằng trong ba loại Tỷ-kheo được đề cập ở trên, tăng quan và tư tăng rất có thể xuất thân từ các gia đình quan quyền và giàu có; nhờ vậy họ có được một nền tảng giáo dục tốt. Nhưng số lượng của hai loại tăng sĩ này thì quá ít so với tăng sĩ trong toàn bộ lãnh thổ bằng cách đối chiếu số lượng chùa chiền của từng nhóm. Theo tài liệu của Pháp Lâm, dưới đời nhà Tùy có 47 đại tự của hoàng triều, 839 chùa của các vương công và gia đình thế lực, và 30.000 chùa của nhân dân[2]. Tuy chưa có nghiên cứu cụ thể nào về nguồn gốc xã hội của nhóm thứ ba, nhưng người ta nói rằng số tăng sĩ ở chùa của nhân dân xuất thân từ tầng lớp nông thôn. Trong cuốn hồi ký chống đối Phật giáo biên soạn vào thời nhà Đường, Phó Dịch nhấn mạnh rằng thành phần theo Phật giáo chủ yếu thuộc gia đình nông dân. Nhận sự hỗ trợ từ quần chúng, số tăng sĩ này chỉ đảm trách những nhu cầu đơn giản về tôn giáo của số người thất học ở nông thôn; vì thế có lẽ trình độ học vấn của họ cũng không cao. Sử liệu không đề cập gì đến điều kiện gia nhập Tăng đoàn và chương trình huấn luyện về số tăng sĩ bình dân này. Có lẽ họ chỉ được học một ít kinh sách, nghi lễ và không thuần thục lắm về toàn bộ văn điển Phật giáo.

Cần lưu ý, vào đời nhà Đường, số lượng tăng quan rất lớn, quốc tự được xây dựng ở tất cả đơn vị huyện, trấn. Đạo Phật chính thức được quyền lực của triều đình bảo trợ, nhưng vào thời này sinh hoạt của Phật giáo chỉ giới hạn trong lãnh vực nghi lễ tôn giáo. Đường triều lập nên hệ thống kiểm kê danh bộ tăng ni, bắt đầu từ năm 729. Công tác thống kê này được giao phó cho tăng quan địa phương thực hiện, ba năm một lần. Sau khi hoàn tất, danh bộ được sao thành ba bản, một bản giữ tại văn phòng của huyện, một gửi cho Nha Lễ Bộ của tổng trấn và một gửi cho Bộ Lễ của triều đình. Số lượng thay đổi do chết, mới xuất gia, hoàn tục hay chuyển chỗ ở sẽ được chú thích rõ ràng. Mục đích của việc đăng ký danh bộ tăng ni là giúp triều đình nắm rõ chính xác số lượng tăng ni và sinh hoạt của họ.

Tăng đoàn Phật giáo tại Trung Hoa được chia thành tám loại, gồm (a) nam và nữ tập sự hay còn gọi là đồng hành, (b) sa di và sa di ni, (c) Tỷ-kheo và Tỷ-kheo ni, (d) cận sự nam và cận sự nữ. Không biết loại đồng hành được hình thành từ năm nào, nhưng đến đời Đường hình thức này khá phổ biến. Theo quy định của nhà Tống, ai muốn trở thành tập sự (đồng hành) trước hết người ấy phải nộp một tờ đơn cho tu viện trưởng, ghi rõ tên tuổi, xuất xứ, không vi phạm pháp luật, được phép của cha mẹ vào chùa tập sự. Sau đó, tu viện trưởng sẽ gọi người ấy đến để xác định có thật sự muốn gia nhập Tăng đoàn hay không, hay chỉ vì muốn vào chùa để trốn tránh một số nghĩa vụ xã hội nào đó. Bên cạnh ấy, người tập sự phải đáp ứng năm điều kiện sau đây: (1) Nam phải dưới 19 tuổi và nữ dưới 14; (2) Chưa từng gia nhập Tăng đoàn và hoàn tục; (3) Không phải là tội phạm; (4) Không có chuyện rắc rối với pháp luật; (5) Không phải là con trai một trong gia đình.

Nếu hội đủ các điều kiện trên, đương sự trở thành đồng hành. Trong thời gian tập sự, người ấy phải làm một số bổn phận, học kinh sách và hầu hạ chư tăng. Cần lưu ý rằng tăng sĩ Phật giáo được miễn đóng thuế và làm công tác xã hội; nhưng giới tập sự vẫn phải tuân thủ các nghĩa vụ trên. Gia đình của họ phải gánh vác nghĩa vụ ấy cho đến khi trở thành sa di. Đây là lý do chính tạo nên sự tranh đua dữ dội trong giới đồng hành. 

II. Thủ tục xuất gia - thọ giới

Ở Ấn Độ, việc thế phát xuất gia và truyền trao giới pháp hoàn toàn là công việc riêng tư của cá nhân và Tăng đoàn. Trái lại, ở Trung Hoa, tiến trình này bị triều đình giám sát nghiêm ngặt. Chính sách này không phải bắt đầu từ nhà Đường, mà nguồn gốc của nó được tìm thấy từ thời Nam Bắc triều, đặc biệt là dưới thời hoàng đế Thái Tổ của Bắc Ngụy[3]. Mục đích của nó là giới hạn số lượng thành viên của Tăng già, đồng thời hạn chế các phần tử bất hảo lợi dụng tôn giáo. Hiệu quả của chính sách ấy được thấy rõ, vì sử liệu ghi rằng số lượng tăng ni Phật giáo vào triều đại nhà Tùy là 230.000 người, nhưng thống kê tăng tịch vào kỷ nguyên Khai Nguyên (713-741) của nhà Đường cho thấy số lượng tăng ni đã giảm rõ rệt với 75.524 tăng và 50.576 ni[4].

Vào thời kỳ đầu nhà Đường, thế độ và truyền giới cho Tỷ-kheo rất được nhiều tầng lớp quan tâm. Bên cạnh việc Tăng đoàn được phép tiến hành lễ xuất gia, thọ giới cho những ai hội đủ điều kiện do chính quyền quy định, nhiều thành phần khác trong giới quý tộc, hoàng tôn, công chúa của triều đình cũng được ban đặc quyền tiến hành nghi lễ xuất gia. Họ thường tranh đấu với nhau trong việc chủ trì các buổi lễ ấy. Hậu quả là số lượng người xuất gia, thọ giới gia tăng đáng kể, bởi vì những thành phần bất hảo của xã hội cũng lợi dụng cơ hội này gia nhập Tăng đoàn, trốn tránh luật pháp. Do vậy, triều đình phải tìm mọi cách để loại trừ số người ấy ra khỏi cộng đồng tăng lữ. Vào thời đại Khai Nguyên, khoảng 12.000 tu sĩ bị cưỡng bách hoàn tục; trong khi ấy, khoảng 30.000 người khác lại tách khỏi giáo hội. Vì lý do trên, vào giữa đời nhà Đường, tiến trình truyền thọ giới pháp theo truyền thống giới luật Phật giáo không còn được tôn trọng. Chính quyền kiểm soát hoàn toàn thủ tục này qua việc ban hành giới điệp thọ giới cho những ai được phép tu hành. Giấy chứng nhận này do Nha Tương Tế của triều đình cấp. Người ta nói rằng vào thời Nam Bắc triều, một loại thẻ chứng nhận tăng ni như là giấy thông hành bao gồm tên tuổi, quê quán…, cũng đã được áp dụng. Mặc dầu người ta không thể xác định được việc cấp phát độ điệp (giấy chứng nhận) này bắt đầu từ thời đại nào, thủ tục thế độ, truyền giới và cấp phát độ điệp được ghi nhận theo một số phương thức sau:

1. Khảo thí:

Theo sử liệu, thủ tục khảo thí trong thời kỳ Nam Bắc triều bao gồm năm bài thi: (1) Thuyết giảng một bộ kinh; (2) Thực hành thiền định; (3) Đọc thuộc một bản kinh; (4) Viết luận giải về một đoạn kinh; và (5) Bình phẩm một đoạn trích từ kinh. Tuy nhiên, vào thời đại nhà Hậu Châu và Tống, việc khảo thí đơn giản hơn. Nam đồng hành phải đọc thuộc lòng 100 tờ và trùng tuyên 500 tờ kinh; trong khi ấy, nữ đồng hành chỉ 70 tờ và trùng tuyên 300 tờ kinh. Nhưng bước sang triều đại nhà Đường, thủ tục thi tuyển lại được thay đổi, bao gồm tụng đọc thuộc lòng và giải thích một số kinh sách được quy định. Ví dụ, sắc lệnh năm 757 quy định một cư sĩ có khả năng đọc thuộc lòng 700 tờ từ một bộ kinh thì đủ tư cách thọ giới và thọ nhận độ điệp; nhưng vào năm 758, số tờ kinh được giảm xuống còn 500 tờ. Số lượng tiếp tục được giảm xuống vào năm 825 dưới thời trị vì của Tĩnh Tông; lúc này, nam đồng hành phải đọc thuộc lòng 150 tờ và nữ đồng hành 100 tờ.

Nếu người dự thi vượt qua được cuộc khảo hạch, quan chức triều đình sẽ cấp phát cho cho họ một giấy chứng nhận (độ điệp), sau đó đương sự đến gặp vị thầy của mình để được làm lễ xuống tóc (thế phát) và thọ nhận giới pháp. Trong tiến trình này, người ấy phải trả một số lệ phí như tiền cạo tóc và bút mực, giấy, viết của độ điệp. Cần lưu ý rằng cấp phát chứng điệp là việc của triều đình; trong khi ấy, thế độ truyền giới là việc của Tăng già. 

2. Đặc ân của Hoàng đế

Bên cạnh hệ thống thi cử ở trên, việc xuất gia thọ giới cũng có thể được chấp nhận nhờ ân huệ vua ban, còn gọi là “ân độ”. Nghĩa là Tỷ-kheo được phép thọ giới nhờ ân điển của nhà vua vào những ngày lễ đặc biệt, ví dụ triều đình chính thức công nhận một ngôi chùa nào đó là quốc tự, sinh nhật của nhà vua, ngày tưởng niệm hoàng đế hay hoàng hậu quá cố, hay vào dịp triều đình xây dựng một ngôi chùa mới. Trong những dịp như thế, vị trụ trì trình báo danh sách các vị đồng hành (tập sự) hội đủ tiêu chuẩn cho quan chức địa phương để họ giới thiệu lên Nha Tương Tế của triều đình. Số giới tử này không cần phải thi khảo hạch, vì họ được nhà vua chấp thuận. Thể thức này xuất hiện trước đó khá lâu, nhưng lại rất thịnh hành trong thời nhà Đường. Ví dụ điển hình sớm nhất về lễ xuất gia thọ giới theo hình thức này xảy ra vào năm 635 khi Thái Tông hoàng đế ban chiếu chỉ cho phép 3.000 tăng ni được thọ lãnh giới pháp. Lý do chiếu lệnh ấy được ban hành là vì có quá nhiều chùa viện không có tu sĩ điều hành và quản lý. Vào năm 648, sau khi tương ngộ và đàm luận Phật pháp với Huyền Trang, một lần nữa Thái Tông lại “ân độ” cho một số lượng lớn tăng ni theo lời thỉnh cầu của vị danh tăng này. Theo tinh thần của chiếu lệnh, mỗi ngôi chùa trong kinh thành được phép thế phát và truyền giới cho năm vị. Sử liệu ghi rằng tổng số tăng ni được xuất gia trong đợt này là 17.500 vị[5]. Nói chung, thể thức này được duy trì khá phổ biến vào thời đại nhà Đường.

3. Mua bán chứng điệp

Cuối cùng, người ta cũng có thể được phép xuất gia thọ giới bằng việc mua chứng điệp. Thể thức này bắt đầu được áp dụng từ năm 757 vì một biến cố chính trị. Việc cung ứng binh khí và lương thực cho quân đội nhằm đàn áp và triệt tiêu cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn dấy lên vào năm 755 đã làm quốc khố triều đình cạn kiệt. Phương sách có hiệu quả nhanh nhất để phục hồi nguồn tài chánh cho quốc khố là việc buôn bán độ điệp Tỷ-kheo. Triều đại nhà Đường cho mọi người dân được phép xuất gia với điều kiện phải trả cho triều đình một ngân khoản là 100 xâu tiền (string). Việc làm trên sớm giúp ngân khố nhà Đường nhanh chóng phục hồi, vì sử liệu ghi rằng ngay khi chính sách ấy được công bố, người ta đổ về Lạc Dương và Trường An tranh nhau mua chứng điệp. Tổng cộng, có khoảng 10.000 tăng ni Phật giáo và đạo sĩ của Lão giáo gia nhập giáo hội bằng cách ấy. Quốc khố cũng gia tăng được 1.000.000 xâu tiền mặt.

Thực chất, kế sách trên chỉ là phương án tạm thời của nhà Đường nhằm phục hồi quốc khố, nhưng sau khi được đưa vào áp dụng việc làm ấy trở nên rất thịnh hành. Giới quan chức từ trung ương đến địa phương đã chụp cơ hội ấy để làm giàu cho cá nhân. Sử ghi lại rằng một vị quan tên là Wang-Chih-hsing ở Anhui, vào năm 824, mỗi ngày bán hơn 100 chứng điệp xuất gia cho người dân. Mỗi độ điệp trị giá 200 xâu tiền. Người ta nói rằng việc mua bán độ điệp xuất gia đã trở thành một phần trong chính sách quốc gia vào thời đại nhà Tống với mục đích xây dựng ngân khố. Chính sách ấy có lẽ được áp dụng vào triều đại Tống Thần Tông (1068-1075). Tuy nhiên, vào thời trị vì của Tống Thái Tông, một chiếu lệnh ban hành cấm quan chức địa phương lấy độ điệp của một nơi đem bán một nơi khác. Sắc chỉ này chứng tỏ rằng việc mua bán chứng điệp rất phổ biến từ lúc nó ra đời.

III. Hệ thống tổ chức của Tăng đoàn

Ở Ấn Độ, Tăng đoàn Phật giáo là một cộng đồng vượt ra ngoài quyền lực và kiểm soát của xã hội. Đây là một tổ chức bao gồm những thành viên dứt bỏ mọi sự ràng buộc của gia đình, xã hội để sống một cuộc sống tu hành. Các hình thức tổ chức tôn giáo như thế ở Ấn Độ không còn bị luật pháp và hệ thống chính trị của xã hội kềm chế và quản lý như các tổ chức xã hội thông thường khác. Nhưng ở một đất nước như Trung Quốc với hệ thống quan lại quá sâu rộng, nơi mà các hoàng đế được xem là tối cao, thì không có gì ngạc nhiên khi hoạt động của Tăng đoàn Phật giáo bị đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền thông qua một hệ thống tăng quan từ địa phương đến trung ương. Bộ phận hành chính đầu tiên, gọi là Giám Phước Tào, được thành lập để kiểm soát Tăng đoàn, do triều đình Bắc Ngụy chủ trương, có lẽ vào năm 396. Theo tập Thích Lão Chí, ban đầu cơ quan này được gọi là Giám Phước Tào, về sau nó được đổi là Chiêu Huyền Ti (?). Để lãnh đạo bộ phận này, Thái Tổ hoàng đế bổ nhiệm Tỷ-kheo Pháp Quả chức vị lúc đầu gọi “Đạo Nhân Thống” để giám sát tăng ni và đạo sĩ, và về sau đổi thành “Sa Môn Thống”.

Bên cạnh chức “Sa Môn Thống”, triều đình còn bổ nhiệm một “Đô Duy Na” để quán sát công việc. Dưới sự giám sát và hỗ trợ của chính quyền trung ương, “Tăng Tào” hay “Văn phòng Tăng Sự” được thành lập khắp nơi. Đứng đầu tổ chức Tăng đoàn của mỗi địa phương là vị tăng trưởng do “Đạo Tăng Thống” ở trung ương bổ nhiệm. Tăng trưởng mỗi huyện tổng có quyền tuyển chọn một vị phụ tá giúp việc gọi là “Duy Na”[6], còn được gọi là “Tri Sự” (Tăng quản lý việc chùa), hay “Duyệt chúng” (Người có bổn phận phục vụ chúng tăng).

Hệ thống hành chánh này do triều đình Bắc Ngụy khởi xướng và các triều đại về sau như Tề (550-577), Tùy (581-618) duy trì nhưng với một vài thay đổi, bổ sung. Cụ thể vào thời nhà Tề, tại trung ương, hội đồng lãnh đạo Tăng đoàn gồm một vị Tổng Thủ Lĩnh Tăng, một Thủ Lĩnh, và ba Đô Duy Na, làm việc dưới sự giám sát của “Thái Thường Tự”, một bộ phận chuyên lo việc cúng tế trong nội cung. Trong khi ấy vào thời nhà Tùy, tổ chức Tăng già lại đặt dưới sự kiểm soát của “Hồng Lô Tự” (Nha Lễ Bộ). Lãnh đạo tối cao của Tăng đoàn là một danh tăng do triều đình bổ nhiệm.

Vào thời kỳ đầu của nhà Đường, hệ thống này lại tiếp tục thay đổi. Vua quan nhà Đường bắt đầu áp đặt luật lệ của xã hội lên tổ chức Tăng đoàn. Đứng đầu Tăng già lúc này không phải là một Tỷ-kheo mà là một quan lại triều đình. Tất cả tăng ni nằm dưới sự kiểm soát của Hồng Lô Tự. Nhiệm vụ của Hồng Lô Tự là quản lý và giám sát người nước ngoài, coi sóc việc tiếp giao, cúng tế… Phật giáo được xem là tôn giáo ngoại nhập, do vậy bị đặt dưới sự giám sát của tổ chức trên. Tuy nhiên, vào năm 694, nữ hoàng Võ Tắc Thiên chuyển sự giám hộ này sang Nha Cúng Tế trực thuộc Bộ Lễ, vì nữ hoàng muốn biểu lộ sự yêu thích của bà đối với Phật giáo; đồng thời bà cũng muốn khẳng định một yếu tố quan trọng là triều đình của bà không còn xem Phật giáo là một tôn giáo ngoại lai nữa. Điều quan trọng ở đây là, vào thời điểm ấy, Bộ Lễ bắt đầu áp dụng chính sách kiểm tra số lượng tăng ni, biên soạn sổ đăng ký Tăng bộ; triều đình tổ chức khảo thí để tuyển chọn thành viên muốn gia nhập Tăng đoàn và cấp phát chứng điệp.

Vào giai đoạn thứ hai của nhà Đường, một cơ quan mới với tên gọi là “Công Đức Sứ” được hình thành. Bổn phận của nó liên quan đến các hoạt động như tạc tượng, xây chùa, lập đàn chay, bố thí,v.v… Nhiệm vụ này có lẽ được thành lập dưới thời trị vì của vua Thái Tông (763-779), vì tài liệu đề cập đến nó sớm nhất được tìm thấy vào năm 774. Sau khi Thái Tông băng hà vào năm 779, cơ quan ấy bị đình chỉ một thời gian. Vào năm 788, “Công Đức Sứ” được tái lập trở lại, nhưng được chia thành ba văn phòng: (a) Công đức sứ đặc trách phần trái của Trường An; (b) Công đức sứ đặc trách phần phải của Trường An; (c) Công đức sứ đặc trách phía đông kinh thành Lạc Dương[7]. Vào thời điểm này Công Đức Sứ đặc trách luôn quyền lực giám sát Tăng đoàn mà trước kia thuộc về Nha Cúng Tế. Đến năm 807, giới đạo sĩ thuộc Lão giáo cũng bị sự quản thúc của bộ phận quyền lực này. Vào khoảng thời gian từ 841-846 lúc Phật giáo mất đi sự ân sủng của triều đình, việc kiểm soát tôn giáo lại được chuyển giao sang Nha Chủ Khách thuộc Bộ Lễ. Vụ này giám sát các hoạt động ngoại giao và sứ quán. Vì Phật giáo lại được xem là ngoại nhập nên phải chịu sự quản lý của nó. Tuy nhiên, sự thay đổi ấy kéo dài cũng không bao lâu, vì vào năm 846 Tăng đoàn lại tiếp tục nằm dưới sự giám sát của “Công Đức Sứ”. Cần lưu ý, trong thời điểm ấy, việc kiểm tra hộ tịch tăng ni và cấp phát chứng điệp xuất gia thọ giới vẫn thuộc về Nha Cúng Tế. Điểm đặc biệt quan trọng là những người nắm giữ chức vụ quan trọng trong các Bộ, Nha như thế thông thường không phải là tu sĩ, hay quan lại mà là giới hoạn quan đầy quyền lực. Số hoạn quan ấy thường lợi dụng quyền lực để tham ô, tích lũy tài sản cho cá nhân. Theo nghiên cứu của học giả người Nhật tên là Ennin[8], tài sản của hoạn quan Ch’iu Shih-liang, đứng đầu một trong những Bộ Nha tại kinh thành, bị tịch biên sau khi bị bãi chức bao gồm sừng voi chất đầy một căn phòng; vàng, bạc, đá quý chất cứng một kho, riêng tiền bạc, lụa là và thực phẩm không thể nào đếm hết…

Sau khi Công Đức Sứ được thành lập, văn phòng Tăng Lục (Thư Ký Tăng Đoàn) cũng lần lượt ra đời tại Trường An và Lạc Dương. Chức vụ thư ký được giao cho Tỷ-kheo đảm nhiệm và các thư ký ấy có trách nhiệm trực tiếp với quan chức của Công Đức Sứ. Đặc biệt vào thời kỳ này, mỗi địa phương của đế chế nhà Đường đều có một văn phòng của Tăng già gọi là Tăng Chánh (Monk Administrator). Dưới sự giám sát của quan chức triều đình như tổng trấn, quan huyện, vị tăng đảm trách văn phòng này có trách nhiệm quản lý tu viện, chùa miếu và tăng lữ ở khu vực của mình. Thông thường, chức vụ Tăng Chánh được giao cho những Tỷ-kheo có năng lực và phẩm hạnh tại chính địa phương ấy. Dường như “Tăng Chánh” được áp dụng vào thời kỳ cuối của nhà Đường sau cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn, khi quyền lực của chính quyền trung ương bắt đầu suy đồi và giới quan chức địa phương nổi lên đòi quyền tự trị. Mặc dầu vị trí Tăng Lục và Tăng Chánh đều do hàng Tỷ-kheo đảm trách, nhưng quyền lực kiểm soát Tăng già thật sự nằm trong tay của quan lại từ địa phương đến trung ương.

Cần lưu ý một số triều đại, như Bắc Ngụy, Bắc Tề, và Tùy, thường bổ nhiệm các Tỷ-kheo ở vị trí thủ lĩnh của Tăng già và giao phó cho họ trách nhiệm giám sát sinh hoạt của tăng ni thay triều đình. Nhưng đến triều đại nhà Đường, quyền lực giám sát tổ chức và sinh hoạt của cộng đồng tăng ni nằm trong tay của quan lại. Điều này biểu thị rằng Phật giáo không được tự do hoạt động và phải lệ thuộc hoàn toàn vào luật pháp của xã hội phong kiến Trung Hoa.

IV. Hệ thống quản lý trong các tự viện

Có tài liệu viết rằng lãnh đạo mỗi ngôi chùa thường bao gồm ba vị Tỷ-kheo gọi là tam cang. Đó là trưởng tu viện hay thượng tọa (sthavira-abbot), viện chủ (vihàrasvàmin-rector) và quản lý (karmadàna-superintendent)[9]. Ba chức vụ này được chúng Tỷ-kheo trong mỗi chùa bầu lên. Người được tuyển chọn ở vị trí đầu tiên, tức tu viện trưởng, thường là vị Tỷ-kheo cao tuổi, uyên thâm về học lực và nổi bật về đạo đức, được tăng chúng trọng vọng. Trong khi ấy, người có khả năng quản lý và giỏi về xây dựng thường được bầu vào chức vị viện chủ. Cuối cùng, trách nhiệm của người quản lý thường liên quan đến các sinh hoạt hằng ngày của tăng chúng như giám sát thời khóa tụng kinh, hành thiền và những công việc lao động tạp dịch trong chùa; sắp đặt việc ăn uống và ngủ nghỉ của chư tăng. Bên cạnh ấy, mỗi chùa cũng thường tuyển chọn một số chức vụ khác để chăm sóc công việc trong tự viện như thủ quỹ, kiểm soát, thủ kho…

V. Hoạt động của Tăng đoàn

1. Thuyết giảng

Một trong những hoạt động có ý nghĩa của Tăng đoàn là thuyết giảng Phật pháp. Phương pháp chính được sử dụng để truyền bá lời Phật dạy là giảng bình các bộ kinh. Những bộ kinh tiêu biểu được quần chúng ưa thích là Pháp Hoa, Duy-ma-cật, Niết-bàn, Bát-nhã, Vô-lượng-thọ, Thập địa, Thành Thật Luận, v.v… Chư tăng ni đảm trách việc này được gọi là kinh sư[10] hay giảng sư[11]. Tăng ni phụ tá hay tụng đọc kinh văn được gọi là phó giảng sư[12] hay đô giảng[13]. Vào đầu thời Nam Bắc triều cho đến Tùy Đường, một thuật ngữ khác được sử dụng rộng rãi nhằm chỉ vị thuyết giảng kinh luận là giảng đạo sư. Để trở thành một giảng đạo sư, tăng ni phải hội đủ bốn tiêu chuẩn là âm thanh, ăn nói lưu loát, thông minh và sâu sắc. Do số giảng đạo sư này du hành đến nhiều địa phương để thuyết giảng, vì vậy họ còn được gọi là du hành tăng hay du hóa tăng.

Bên cạnh việc quảng bá Phật giáo thông qua các buổi giảng thuyết, tranh luận, kể chuyện tiền thân của Phật, Bồ-tát qua kịch tuồng,v.v…, một hoạt động quan trọng khác của Tăng đoàn là tổ chức lễ hội. Hình thức này rất được quần chúng ưa thích vì nó tạo điều kiện cho mọi người trong xã hội có cơ hội tham gia để tự xác tín niềm tin của mình đối với vị giáo chủ cũng như tôn giáo của họ. Trong những lúc như thế, mọi ranh giới, rào cản về xã hội như giai cấp, chủng tộc, giàu nghèo,… đều không được chú trọng. Thêm vào đó, đây cũng là dịp để mọi người thoát khỏi những buồn tẻ mang tính lề thói hằng ngày, bởi vì thông qua việc tham dự lễ hội người ta tạm quên đi nỗi khổ nhọc, lo lắng, buồn phiền liên hệ đến cuộc sống, vì tất cả đều có thể tham gia và chia xẻ niềm vui của lễ hội. Sau đây là một số lễ hội tiêu biểu quan trọng:

2. Nghi lễ

*Sinh nhật hoàng đế: Có tài liệu nói rằng lễ hội này bắt đầu từ thời Huyền Tông nhà Đường. Lúc đầu, lễ này được cả đạo Lão lẫn đạo Phật cử hành theo lệnh của vua. Về sau, nó trở thành buổi lễ thường niên của Phật giáo. Thông thường các tiệc chay được tổ chức tại chùa để mọi người cùng tham dự. Thỉnh thoảng, nó cũng được tổ chức tại hoàng cung. Trong những dịp như thế, tu sĩ của đạo Phật và Lão giáo được mời vào cung để cầu nguyện cho vua, tham gia tiệc chay; sau đó thuyết giảng và tranh luận về giáo lý.

* Lễ Phật đản: Ở Ấn Độ, lễ Phật đản chỉ tổ chức vào ngày mồng tám tháng tư. Khi còn ở Magadha (Ma-kiệt-đà-Ấn Độ), Pháp Hiển đã từng chứng kiến lễ này. Ngài viết rằng người ta sơn vẽ hình ảnh thánh thần quanh các xe ngựa với nhiều màu sắc, riêng hình đức Phật và các vị Bồ-tát được đặt trên đoàn xe ấy và được rước quanh đường phố. Bao quanh đoàn xe ấy là nhạc công, nghệ sĩ múa hát và tung hoa cúng dường. Tăng ni Phật tử đốt hương thắp đèn và tham gia lễ hội suốt cả đêm. Trong khi ấy, Trung Hoa tổ chức vào hai ngày: mồng tám tháng hai và mồng tám tháng tư. Người ta nói rằng vào thời Bắc Ngụy đúng ngày mồng tám tháng tư hình ảnh đức Phật được đặt trên các xe ngựa và được rước đi khắp mọi nẻo đường. Đích thân nhà vua cũng leo lên trên tháp của cổng thành để chiêm ngưỡng đám rước và tung hoa cúng dường.

Một phần của ngày Phật đản là lễ tắm Phật, bắt nguồn từ câu chuyện rằng khi đức Thích Ca sanh ra đời chư thiên trên trời đã rưới một dòng nước thơm xuống để tắm đứa trẻ sơ sinh ấy. Tại Trung Hoa, lễ này xuất hiện rất sớm, có lẽ vào thời Phật-đồ-trừng[14].

*Lễ rước xá lợi Phật:cung nghinh xá lợi, gồm xương và răng của Phật, cũng là một phần trong ngày hội này. Tín đồ Phật giáo rất kính ngưỡng những bảo vật này vì chúng được xem là hiện thân của ngài. Theo Ennin[15], có bốn chiếc răng của đức Phật tại Trường An; một từ Ấn Độ, một từ Tây Tạng, một từ Khotan và một từ cõi trời. Bốn chiếc răng này được lưu giữ tại bốn chùa, gồm: Đại Trang Nghiêm, Chung-sheng, Chien-fu, và Hưng Phước. Vào ngày mồng tám tháng hai, khi xá lợi (xương và răng) của đức Phật được trưng bày tại Trường An, Tăng tín đồ đến lễ bái và cúng nhiều lễ vật khác nhau như hương hoa, quả phẩm, đèn nhang, thuốc men…

* Lễ Vu-lan (Ullambana) :Tổ chức vào ngày rằm tháng bảy hằng năm, là một lễ hội quan trọng khác của Phật giáo. Tuy nhiên, ngày lễ này không chỉ giới hạn trong phạm trù Phật giáo, mà dường như mọi thành viên của xã hội Trung Hoa đều tham gia một cách trang trọng. Vào dịp này, người ta thường đến chùa hoặc am miếu của Khổng, Lão để cầu nguyện cho cha mẹ, bà con đã qua đời được sanh về cõi lành, và cha mẹ hiện còn sống lâu trăm tuổi, v.v...

VI. Công tác từ thiện

Như là phương tiện để truyền bá Phật pháp, các tăng sĩ Phật giáo cũng thường tổ chức một số hoạt động vì lợi ích xã hội. Theo tinh thần của kinh “Phật Thuyết Chư Đức Phước Điền” do Fa-li và Fa-chu dịch vào thời Tây Tấn, một số hoạt động vì lợi ích của nhân dân mà giới tu sĩ Phật giáo có thể làm để đóng góp xã hội, gồm: (1) trồng cây bên đường, tạo lập vườn cây ăn trái, xây dựng các hồ chứa nước; (2) Tổ chức khám bệnh và phát thuốc cho người nghèo; (3) Đóng tàu bè giúp nhân dân qua sông; (4) Xây dựng cầu cống; (5) Đào giếng dọc theo đại lộ; (6) Xây dựng nhà vệ sinh và các phương tiện công cộng…

Sử liệu ghi rằng để hiện thực tinh thần nhập thế của Phật giáo Đại thừa, một vài Tỷ-kheo còn thành lập bệnh viện để cứu giúp nhân dân[16]. Bệnh viện không chỉ dành cho người bệnh mà còn để chăm sóc giới hành khất. Vì người ta nói, vào tháng mười năm 734, triều đình cấm người ăn xin vào kinh thành, đồng thời ra lệnh cho các bệnh viện thu gom số người lang thang ấy lại và chăm sóc cho họ. Thông qua các chương trình từ thiện trên, giới tăng sĩ Phật giáo có thể săn sóc, phục vụ cho người già yếu, bệnh tật, và những người nghèo không chỗ nương tựa, không người cứu giúp. Đặc biệt, trong những lúc bão lụt, hạn hán, mất mùa, giới tăng sĩ Phật giáo trực tiếp tham gia công tác cứu tế để xoa dịu nỗi đau của xã hội… Có thể nói rằng đây là một trong những chương trình không chỉ đem đến lợi ích thiết thực cho xã hội, mà còn tạo nên nhiều ảnh hưởng cho Phật giáo Trung Hoa.



[1] “Cao Tăng Truyện”, khởi biên từ thời Hậu Hán đến năm 520, bao gồm tiểu sử của 257 Tỷ-kheo và thỉnh thoảng đề cập đến 200 vị khác. Hậu Cao Tăng Truyện bắt đầu từ đời Lương đến năm 667, bao gồm tiểu sử của 485 Tỷ kheo và thỉnh thoảng đề cập đến 219 vị khác. Trong khi ấy, Tống Cao Tăng Truyện, bắt đầu từ năm 667-987 chứa đựng tiểu sử của 532 vị Tỷ-kheo và đề cập đến 125 vị khác (Xem Buddhism in China, Kenneth K.S. Ch'en, tr. 248).

[2] Kenneth K.S. Ch’en, Sđd , tr. 242.

[3] Xem The Chinese Transformation of Buddhism, Kenneth K.S. Ch’en, tr. 82.

[4] Xem Buddhism in China, Kenneth K.S. Ch’en, tr. 241- 242.

[5] Xem The Chinese Transformation of Buddhism, Kenneth K.S. Ch’en, tr. 89.

[6] Thuật ngữ “Duy Na” thường được xem là tương đương với Karmadàna của Sanskrit, trách nhiệm của vị Duy Na là coi sóc toàn bộ sinh hoạt của chúng tăng trong một ngôi chùa. “Đô Duy Na” được xem như là Tổng quản lý, và ngày nay gọi là Tri sự.

[7] Lưu ý rằng có hai kinh đô vào thời đại nhà Đường, đó là Lạc Dương và Trường An. Kinh thành Trường An lại được chia thành hai phần, một ở phía Tây gọi là phải và một ở phía Đông gọi là trái. Hai miền này lấy con sông làm ranh giới.

[8] Xem Buddhism in China, Kenneth K.S. Ch’en, tr. 265.

[9] Xem Buddhism in China, Kenneth K.S. Ch’en, tr. 274. 

[10] teacher of sutra

[11] master lecturer

3 Repeat lecturer

[13] Assistant lecturer

[14] Xem The Chinese Transformation of Buddhism, Kenneth K.S. Ch’en, tr.265.

[15] Kenneth K.S. Ch'en, Sđd, tr. 266.

[16] Kenneth K.S. Ch'en, Sđd, tr. 300.7

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
10/04/2013(Xem: 12956)
Hôm nay là ngày 20 tháng 6 năm 2001 nhằm ngày 29 tháng 4 nhuần năm Tân Tỵ, tôi chắp bút bắt đầu viết quyển sách thứ 32 nầy trong mùa An Cư Kiết Hạ của năm nay. Hôm nay cũng là ngày rất đẹp trời. Vì mấy tháng nay, mặc dầu đã vào hạ; nhưng bầu trời vẫn vần vũ bóng mây, như dọa nạt thế nhân là ánh sáng của thái dương sẽ không bao giờ chan hòa đến quả địa cầu nầy nữa.
10/04/2013(Xem: 9462)
Sau 30 năm sinh hoạt Phật sự tại Đức, tôi ngồi tính sổ lại thời gian, nhân duyên, cơ hội cũng như những phạm trù khác để gởi đến quý Phật Tử xa gần, với những người lâu nay hằng hộ trì cho Phật pháp tại Đức nói riêng và các nơi khác tại Âu Châu cũng như trên thế giới nói chung với tinh thần của người con Phật và với tư cách là một Trưởng Tử của Như Lai.
10/04/2013(Xem: 5299)
Khi Koryeo đang chịu cảnh cực khổ vì quân Mông Cổ xâm lược Koryeo, người Koryeo đã khắc lẽ phải trên gỗ. Cứ khắc một chữ trên gỗ là người Koryeo đã cúi lạy ba lần. Hơn 50 triệu chữ và kiểu khắc chữ của toàn bộ các chữ đều giống nhau y như từ một người viết. Cũng không có chữ nào bị lỗi và bị bỏ sót. Đây chính là ‘Cao Ly Đại Tàng Kinh’. Nó là Đại Tàng Kinh cổ nhất hiện đang tồn tại trên thế giới.
10/04/2013(Xem: 3898)
Chuyến hoằng pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan vào tháng 6 năm 2007 là một duyên lành, không chừng là lần cuối của Ngài, do tuổi hạc đã cao và một lịch trình sinh hoạt hằng năm ở khắp nơi trên thế giới đầy kín.
10/04/2013(Xem: 4040)
Thật là một đại hoan hỉ khi chúng tôi xin thưa với quý vị Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 sẽ trở lại Úc vào ngày 11 /06/2008 để thuyết pháp trong năm ngày tại Sydney
10/04/2013(Xem: 7707)
Cali Today News - Đức Đạt Lai Lạt Ma, Nhà lãnh đạo tôn giáo và cũng là nhà lãnh đạo lưu vong Tây Tạng nói: "Dân tộc Việt Nam rất anh hùng rất đáng kính trọng. Sau một thời gian khó khăn, khi mức sống của nhiều người được cải thiện thì sức mạnh tinh thần và tâm linh của người Việt sẽ giúp họ tìm ra con đường tốt đẹp hơn cho Việt Nam" . Ngài đã nói như vậy khi "phái đoàn" của Nhật báo Việt Báo đến viếng thăm Ngài vào ngày 14 Tháng 9, 2006 tại Pasadena, California.
10/04/2013(Xem: 5611)
Mạc Tư Khoa, Nga – “Thi thể của Giáo trưởng Lạt ma Itigelov đã được khai quật vào ngày 10 tháng 9, năm 2002, trong khu nghĩa trang gần thành phố Ulan Ude (Liên Bang Nga). Lạt ma thị tịch và được an táng vào năm 1927, và việc khai quật này đã được thực hiện với sự hiện diện của thân nhân, viên chức, và chuyên gia.”
10/04/2013(Xem: 4587)
Có một nhà sư rất khiêm tốn, chỉ tự nhận là một người tu hành, một nhà sư Phật giáo mà thôi. Ngài tên là Tenzin Gyatso, sinh năm 1935. Nhưng người ta lại gán cho Ngài cái tước hiệu là Đạt-Lai Lạt-Ma thứ XIV, và Ngài đã nhận giải Nobel Hoà Bình vào tháng 9 năm 1989. Ngài rất yêu thương con người, nhân loại và dân tộc của Ngài.
10/04/2013(Xem: 4860)
Đêm Hy Mã Lạp Sơn vang lên tiếng chó sủa. Ánh sáng lập lòe bên kia sườn đồi. Dưới vòm trời sao, trên lối mòn tăm tối giữa những hàng thông, một nhóm người hành hương trong y phục tả tơi đang bước đi, miệng lẩm bẩm cầu kinh. Ngay trước lúc rạng đông, khi những đỉnh núi tuyết ở phía sau nhuộm màu hồng đậm, đám đông ở bên ngoài ngôi chùa Namgyal ba tầng ở Dharamsala, miền Bắc Ấn Độ, trở nên yên lặng.
10/04/2013(Xem: 8884)
Đức Đạt Lai Lạt Ma 14, tên thật là Tenzin Gyatso, là một nhà lãnh đạo thế quyền và giáo quyền của nhân dân Tây Tạng. Ngài chào đời tại làng Taktser, vùng Đông Bắc Tây Tạng vào ngày 6 tháng 7 năm 1935 (Ất Hợi) trong một gia đình nông dân. Ngài được thừa nhận là Dalai Lama vào năm 2 tuổi theo truyền thống Tây Tạng như là hóa thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]